Tin Việt Nam – 23/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/09/2018

Việt Nam có Chủ tịch nước mới tạm quyền

Vào ngày 23/9, Việt Nam đã chính thức có một Chủ tịch nước mới thay thế Chủ tịch Trần Đại Quang vừa từ trần hôm 21/9. Đó là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước.

Vào ngày 23/9/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký thông báo gửi các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng toàn thể người dân Việt Nam về quyết định mới này.

Việc bổ nhiệm bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được thực hiện theo quy định trong Hiến pháp Việt Nam.

Theo thông báo, bà Thịnh sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới vào tháng 10 tới.

Trong hội luận hôm 21/9 với Đài Á Châu Tự Do, các chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Việt Nam cho rằng có nhiều khả năng ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành uỷ TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành Chủ tịch nước. Sự lựa chọn này được cho là sẽ không làm xáo trộn những sắp xếp đã khá ổn định trong Bộ Chính trị. Mặt khác ông Nhân được đánh giá là người không ngả hẳn về phe nào trong những tranh đấu nội bộ của đảng Cộng sản.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-appointed-new-president-09232018094817.html

 

Ai sẽ kế nhiệm Chủ tịch Trần Đại Quang?

Một giáo sư, nhà quan sát và nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Úc bình luận với BBC về hai “ứng viên tiềm năng” thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời.

Trả lời Tina Hà Giang của BBC hôm 23/9, ông Carl Thayer, giáo sư tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra đã nghỉ hưu, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ lâu nay bình luận:

“Việc ông Trần Đại Quang qua đời sẽ có tác động ngay lập tức đến việc phân công công việc của các thành viên hiện tại của Bộ Chính trị.

“Nên nhớ rằng tại Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 1/2016, có 19 ủy viên được bầu vào Bộ Chính trị. Với cái chết của ông Quang, hiện có vị trí trống.

Bàn tròn đặc biệt: sự kiện Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời

Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần ‘vì virus hiếm’

Chủ tịch Trần Đại Quang và Bộ Công an

‘Chủ tịch Quang chủ động, sáng tạo và hiệu quả’

“Ông Đinh La Thăng, cựu Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, bị cho thôi chức ủy viên và ông Đinh Thế Huynh cũng bị thôi chức Thường trực Ban Bí thư.

“Lựa chọn một chủ tịch nước mới do Bộ Chính trị quyết định sẽ có “phản ứng dây chuyền”. Nói cách khác, ai đó phải lấp vào chỗ trống của người được tiến cử làm chủ tịch nước.

“Dường như cuộc họp kế tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến vào khoảng tháng 10/2018, sẽ phải xem xét bổ sung cho đủ những vị trí này.

“Nếu theo thông lệ, người thay ông Quang sẽ là nhân vật lãnh đạo cấp cao, đó là ủy viên Bộ Chính trị từ trước Đại hội Đảng 12.

“Khó có khả năng một trong ba người thuộc “tứ trụ” còn lại sẽ được chọn làm tân Chủ tịch nước.”

Các ứng viên tiềm năng

Giáo sư Thayer phân tích:

“Hiện tại có hai ứng viên tiềm năng: ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên xếp vị trí thứ bảy của Bộ Chính trị và bà Tòng Thị Phóng, người xếp thứ mười.

“Vì chủ tịch mới sẽ nắm quyền trong hơn hai năm, Bộ Chính trị có thể quyết định cân nhắc trong số những ủy viên được bầu vào tháng 1/2016.

“Có một nhóm mười ứng viên đủ tiêu chí này.

“Những tin đồn tôi nghe được trong giới quốc phòng Việt Nam gợi ý Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, cũng có thể là ứng viên tiềm năng vì thâm niên của ông. Ông được coi là nhân vật thứ 5 của đảng Cộng sản Việt Nam trước khi ông Quang qua đời.

“Đã có tiền lệ cho việc một tướng lĩnh quân đội trở thành chủ tịch nước, ví dụ tướng Lê Đức Anh trở thành chủ tịch sau khi làm Bộ trưởng Quốc phòng. Do từng làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trước khi trở thành bộ trưởng Quốc phòng, ông Lịch đương nhiên được cho là vững chắc về mặt ý thức hệ.

Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang

Quanh suy đoán Chủ tịch Quang ‘sẽ được thay thế’

“Trong trường hợp ông Nhân hoặc ông Lịch được chọn, ghế bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh hoặc bộ trưởng Quốc phòng sẽ trống.

“Vị trí bí thư TPHCM thì có thể được chọn bằng cách điều động các ủy viên hiện tại của Bộ Chính trị. Ví dụ, ông Trần Quốc Vượng, có thể thay thế ông Nhân.

“Nhưng rồi vị trí của ông Vượng lại phải tìm người khác.”

“Kịch bản này cho thấy rằng các thành viên mới phải được cử vào Bộ Chính trị. Kịch bản ông Nhân được chọn có một trở ngại; nếu được thăng chức, đây sẽ là lần thứ ba ghế bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh có người mới từ năm 2016.

“Tướng Lịch là quân nhân duy nhất trong Bộ Chính trị. Nếu ông lên chủ tịch nước, vị trí của ông sẽ được thay bằng cách đưa một vị tướng từ Ban Chấp hành Trung ương vào Bộ Chính trị.

“Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiên luôn là ủy viên Bộ Chính trị và là vị tướng cao cấp nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam,” GS Carl Thayer bình luận.

Khi được hỏi liệu cái chết giữa nhiệm kỳ của ông Quang làm gia tăng suy đoán rằng đấu đá phe cánh sẽ gia tăng để trám người chỗ trống của ông và đó sẽ là nguồn cơn bất ổn chính trị, GS Thayer nói:

“Tôi không đồng ý với quan điểm này.

“Các ủy viên Bộ Chính trị có thể đã nắm tình hình về căn bệnh của ông Quang và lập kế hoạch cho người thay thế.

“Việt Nam đang ở một thời điểm chính trị quan trọng. Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 diễn ra vào tháng 5/2018 đã bắt đầu các bước thẩm định ứng viên tiềm năng sẽ được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021.

“Hội nghị Trung ương 8 sẽ đẩy nhanh tốc độ này bằng cách bổ nhiệm một ủy ban để xác định các ứng viên tiềm năng để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương kế tiếp.

“Còn quá sớm cho bất kỳ cái gọi là phe nào hành động trong lúc này, vì điều đó khiến phe khác có thời gian chặn đứng. Cuộc đua có nhiều khả năng xảy đến trong những tháng cuối trước khi diễn ra kỳ Đại hội Đảng CSVN tới.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45617164

 

Việt Nam tổ chức quốc tang Chủ tịch Trần Đại Quang

Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và chính phủ Việt Nam hôm 23/8/2018 ra thông cáo chính thức về sự qua đời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau khi mạng xã hội và báo chí đã đưa tin ngay từ sáng ngày 21/9 khi ông Trần Đại Quang vừa từ trần.

Theo thông cáo đặc biệt được phát ra, tang lễ của ông Trần Đại Quang sẽ được tổ chức Theo nghi thức Quốc tang. Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 26/9/2018 tại nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Hà Nội cũng tuyên bố hai ngày Quốc tang là 26 và 27/9/2018. Trong hai ngày này, các công sở, các nơi công cộng phải treo cờ rủ và ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí.

Trưởng ban lễ tang ông Trần Đại Quang là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng.

Thông cáo đặc biệt cho biết ông Quang đã lâm bệnh một thời gian, dù được đảng, nhà nước, tập thể giáo sư và bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình chăm sóc, nhưng bệnh nặng, ông Quang đã từ trần vào hồi 10 giờ 05 phút sáng ngày 21/9/2018.

Thông cáo cũng cho biết năm sinh cụ thể của ông Trần Đại Quang là 1956. Đây là thông tin đã từng được bàn tán rất nhiều thời gian qua vì có những thông tin trên mạng xã hội cho rằng ông Quang sinh năm 1950, nhưng năm sinh này đã bị sửa để ông Quang có thể nắm chức Chủ tịch nước mà không lo vấn đề quy định hạn chế về tuổi tác.

Sau khi ông Quang qua đời, nhiều người dân trên mạng xã hội thắc mắc không biết năm sinh tại tang lễ và khi cúng cho ông sẽ là năm nào vì theo tín ngưỡng, nói năm sinh sai khi cúng thì linh hồn sẽ không siêu thoát.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-mourns-tdq-2-days-09232018093437.html

 

Đoàn kiểm tra xác nhận thủy điện ở Nghệ An

xả lũ gây thiệt hại gần 9 tỷ USD

Đợt xả lũ với lưu lượng nước gấp đôi bình thường của nhà máy thủy điện Bản Vẽ ở tỉnh Nghệ An hồi cuối tháng 8 vừa qua đã gây thêm thiệt hại cho vùng hạ du. Đó là kết luận do một đoàn kiểm tra liên ngành của ủy ban nhân dân tỉnh này đưa ra mới đây.

Báo mạng VnExpress hôm Thứ Sáu 21/09 trích dẫn báo cáo của đoàn kiểm tra nhận định rằng, hai đợt lũ ngày 16 và 31 tháng 8 vừa qua xảy ra vào hai thời điểm gần sát nhau. Đây là một sự kiện khoảng 50 năm mới có một lần.

Hồ thủy điện Bản Vẽ nằm ở thượng nguồn sông Nậm Nơn đổ ra sông Cả, có dung tích phòng lũ hơn 300 triệu mét khối. Trong đợt lũ ngày 16 tháng 8, nhà máy thủy điện sử dụng dung tích phòng lũ để chứa nước, nên vẫn duy trì lưu lượng xả lũ từ 2,500 mét khối mỗi giây trở xuống. Nhưng trong đợt lũ xảy ra chỉ hai tuần sau đó là vào ngày 31 tháng 8, hồ thủy điện Bản Vẽ đã hết chỗ chứa phòng lũ và buộc phải xả lũ bằng với lưu lượng nước lũ đổ vào hồ, tức là lên tới 4,200 mét khối mỗi giây. Hậu quả của hai trận lũ trong tháng 8 cộng với tác động xả lũ ồ ạt của nhà máy thủy điện Bản Vẽ, là 6 người chết, 23 nhà bị trôi, hàng chục nhà bị sạt lở, hàng trăm nhà bị ngập và nhiều gia đình phải di dời. Nhiều đường sá bị hư hỏng, hàng ngàn héc ta hoa màu bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại hơn 200,000 ngàn tỷ đồng (gần 9 tỷ Mỹ kim).

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nghệ An chỉ ra một loạt khuyết điểm của hệ thống nhà máy thủy điện Bản Vẽ, gồm việc dự báo lưu lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ vẫn chưa chính xác, hành lang thoát lũ chưa bảo đảm an toàn, giới hữu trách chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện, và dung tích phòng lũ 300 triệu mét khối cho hồ Bản Vẽ là quá nhỏ so với tình hình lũ lụt trong thời gian gần đây.

https://www.sbtn.tv/doan-kiem-tra-xac-nhan-thuy-dien-o-nghe-an-xa-lu-gay-thiet-hai-gan-9-ty-usd/

 

Nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên Môi trường

còn giấu diếm ĐTM đến bao giờ?

Nguyễn Anh Tuấn

ĐTM là Đánh giá Tác động Môi trường được chủ đầu tư lập nhằm chỉ ra những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường trước những tác động đó. ĐTM cần được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt trước khi dự án được tiến hành.

Với vai trò như thế, ĐTM được kỳ vọng là một chốt chặn hiệu quả ngăn cản những dự án ô nhiễm. Thật vậy, ở Đài Loan nhiều dự án có nguy cơ tàn phá môi sinh đã không thể thành hình bởi ĐTM không được thông qua, chẳng hạn gần đây là Nhà máy Nhiệt điện của TaiPower ở Changhua [1]. Trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như Dự án Nhà máy Thép Formosa ở Yunlin năm 2007, qua sự phân tích của các chuyên gia có trách nhiệm đối với ĐTM, công chúng nhận ra tầm nguy hiểm của dự án đã phản đối kịch liệt tới mức dự án bị hủy bỏ ngay cả trước khi Hội đồng Thẩm định ĐTM làm việc.

Thế vì sao Việt Nam cũng áp dụng quy trình ĐTM mà lại không hiệu quả, để lọt quá nhiều dự án gây thảm trạng môi trường từ Bắc chí Nam?

Có nhiều nguyên nhân song quan trọng nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường đã giấu diếm các bản ĐTM cũng như giữ toàn bộ quá trình này trong vòng bí mật nhằm tránh né sự giám sát của báo chí và công chúng.

Hình bên trái dưới đây là kết quả từ website thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam khi gõ từ khóa “Formosa”, chỉ bao gồm tên của ĐTM mà hoàn toàn không có nội dung [2]. Trong khi đó ở hình bên phải – website của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan – với cùng từ khóa (台灣化學纖維 trong tiếng Hoa) chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ ĐTM của tất cả các dự án của Formosa cùng các tài liệu đi kèm như biên bản cuộc họp Hội đồng Thẩm định ĐTM, biên bản cuộc họp giữa chủ đầu tư với cư dân địa phương – tóm lại là mọi thông tin về khía cảnh môi trường của dự án. Cũng trên website này, bất kỳ ai quan tâm, bao gồm cả báo chí, các tổ chức dân sự, có thể dễ dàng đăng ký tham gia các buổi họp của Hội động Thẩm định, giám sát các thành viên Hội đồng làm việc. [3]

Kết quả là, dù thảm họa Formosa diễn ra đã hơn 2 năm song tới giờ công chúng vẫn chẳng hề biết vị giáo sư tiến sĩ nào đã tham gia Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt ĐTM này. Các vị nhờ đó đã vừa tránh được búa rìu dư luận lẫn trách nhiệm pháp lý theo luật định, mà còn có thể ung dung đứng chân vào những Hội đồng thẩm định các dự án khác.

Tương tự, trong vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đòi nhấn chìm cả triệu m3 bùn thải xuống biển, chỉ khi sự việc trở nên ồn ào trên báo chí người ta mới phát hiện ra một số nhà khoa học đã bị mạo danh trong hồ sơ ĐTM [4]. Tất cả sự dối trá này sở dĩ tồn tại được chính là bởi Bộ Tài nguyên Môi trường giấu diếm toàn bộ hồ sơ ĐTM.

Chính phủ những năm gần đây thường xuyên nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0, về mô hình chính phủ điện tử, song một việc giản đơn là đăng tải các hồ sơ ĐTM lên Internet và để người dân lẫn báo chí có thể đăng ký online tham gia giám sát các buổi thẩm định ĐTM mà vẫn không làm được thì chỉ có thể hiểu là nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên Môi trường đang cố tình bán đứng môi trường đất nước và sức khỏe người dân để đút cho đầy túi tham.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-will-we-be-able-to-see-environment-impact-assesment-09222018233223.html

 

Câu Chuyện Thủ Thiêm

Trần Khải

Như thế, chính quyền thú nhận rằng câu chuyện Thủ Thiêm có quá nhiều sai phạm về phía chính quyền. Dù vậy, một thực tế là, nước mắt dân oan Thủ Thiêm đổ ra nhiều năm không thể nào gọi là đền bù xứng đáng.

Bản tin từ nhiều cơ quan truyền thông trong nước ghi rằng UBND TP.SG chính thức xin lỗi nhân dân về các sai phạm ở Thủ Thiêm.

UBND.TPSG đã họp báo để thông tin kế hoạch thực hiện thông báo của Thanh tra Chính phủ về các vấn đề tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bản tin ghi nhận, khi mở đầu buổi họp báo ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.SG cho biết, với các vi phạm, UBND TP xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Và do vậy, UBND.TP “chân thành xin lỗi nhân dân” bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua.

Vậy rồi phải tính làm sao với những tay cán bộ ma đầu gây oán co dân Thủ Thiêm? Thí dụ, vụ ém bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm?

Báo Kiến Thức hồi mấy tháng trước, vào ngày 04/05/18 có bản tin nhan đề là một câu hỏi, “Bao nhiêu cái như bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ‘bốc hơi bí hiểm’?”

Bản tin lúc đó ghi rằng trước khi xảy ra sự việc ‘hy hữu’ bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 ‘không cánh mà bay’, dư luận cũng đã từng dậy sóng trước vụ mất hồ sơ Trần Vũ Quỳnh Anh hay Trịnh Xuân Thanh…

Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (TP SG) có tổng diện tích 657ha và được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP SG với các chức năng là trung tâm tài chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ cao cấp… Để triển khai xây dựng dự án, 15.000 hộ dân đã phải di dời với tổng số tiền chi trả bồi thường, tái định cư lên đến gần 30.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, mới đây dư luận đi từ “sốc” tới “ngỡ ngàng” khi lãnh đạo Sở Quy hoạch – kiến trúc TP SG thông báo rằng bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc. Đó là tấm bản đồ gốc quy hoạch tỷ lệ 1/5000 đi kèm với Quyết định số 367 của Thủ tướng phê duyệt ngày 4/6/1996 đã “không cánh mà bay”…

Thực tế, có rất nhiều chuyện bí ẩn liên hệ tới Thủ Thiêm. Thông tấn BizLive hôm 11/09/2018 có bản tin nhan đề “Bí ẩn giá đất siêu rẻ của một dự án ở Thủ Thiêm”…

Bản tin này ghi về một dự án: Có vị trí đắc địa bậc nhất Thủ Thiêm, ngay mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ, thế nhưng, dự án New City Thủ Thiêm được Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt (Thuận Việt) bán cho khách với tiền sử dụng đất tạm tính 4 triệu đồng/m2 căn hộ.

Dự án New City Thủ Thiêm có nguồn gốc là dự án tái định cư thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có quy mô 1.330 căn hộ này, mức giá được chào bán trên thị trường trên dưới 50 triệu/m2. Dù chưa có thông tin chính thức từ Thuận Việt, tuy nhiên, theo thông tin từ môi giới, hiện dự án đã được bán hơn 1.000 căn hộ.

Theo bảng dự tính, nếu tiền sử dụng đất phân bổ 4 triệu/m2, theo dự tính của Thuận Việt được chấp thuận, thì lợi nhuận thu về từ dự án này có thể lên đến gần 3 ngàn tỷ.

Con số 3 ngàn tỷ đồng là tương đương 130 triệu đôla Mỹ.

Để nhắc lại một bản tin cũ năm 2016. Báo Lao Động ngày 29/08/2016 kể về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, rằng: “Thành phố “hụt hơi”, đại gia giành đất vàng quá dễ!”

Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), TP.HCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, 12.500 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động lượng vốn khổng lồ gần 30.000 tỉ đồng (tương đương 1,5 tỉ USD) để chi trả bồi thường, tái định cư…, trong đó phần lớn là vốn vay thương mại. Tuy nhiên, đến nay, thành phố đã “hụt hơi” trong việc đầu tư xây dựng KĐTMTT.

Sau gần 1 thập kỷ triển khai, đến nay, KĐTMTT đã dần dần hình thành, hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng, một số dự án bất động sản (BĐS) được rầm rộ triển khai trên diện tích 657 ha. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn cuối của việc giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng các khu tái định cư, giai đoạn đầu của việc xây dựng hạ tầng xương sống cho KĐTMTT để tạo động lực thu hút đầu tư…, thành phố không còn đủ khả năng tài chính nữa. Gánh nặng tài chính đã trở nên quá sức với TP.SG, áp lực trả lãi vay, vốn vay để GPMB buộc thành phố phải tính đến phương án “bán lúa non”.

Bản tin kể về tình hình nặng nợ ở dự án Thủ Thiêm:

“…tính đến gần cuối năm 2015, tổng vốn đầu tư vào KĐTMTT cho các hoạt động bồi thường, GPMB và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 12.000 tỉ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỉ đồng mỗi ngày. Cũng theo báo cáo, áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong năm 2016 là rất lớn. Năm 2015, thành phố đã trả lãi vay cho các khoản vay đầu tư vào KĐTMTT là hơn 902 tỉ đồng. Trong năm 2016, nợ gốc đến hạn phải trả là hơn 5.200 tỉ đồng và lãi vay phát sinh là 829 tỉ đồng. Không chỉ đứng trước áp lực trả lãi mỗi ngày tương đương 3 tỉ đồng và nợ gốc phải trả lên đến nhiều ngàn tỉ đồng, thành phố còn phải xoay sở tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.”

Nghĩa là, nợ ngập đầu.

Để nói tổng quan, Wikipedia ghi về Thủ Thiem như sau:

“Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn, Thành phố SG. Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 700km² (730 ha) được xem như có vai trò đối với Thành phố SG như Manhattan của New York, Hoa Kỳ hoặc Phố Đông của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Theo quy hoạch 1/2000 đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt ngày 27 tháng 12 năm 2005, đây sẽ là quận trung tâm mới của Thành phố SG với khu trung tâm thương mại, tài chính gồm các tòa nhà cao 10–40 tầng, và một số khu 32 tầng, khu dân cư đáp ứng chỗ ở cho 130.000 người và 1 triệu khách vãng lai. Hơn một nửa diện tích của khu đô thị sẽ được dành cho cây xanh và giao thông. Đây là khu đô thị sinh thái đậm chất Nam Bộ với hệ thống kênh rạch, ao hồ được nạo vét và giữ nguyên.

…Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), TP.SG đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, 14.600 hộ dân với hơn 60,000 nhân khẩu đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động lượng vốn gần 30.000 tỉ đồng (tương đương 1,5 tỉ USD) để chi trả bồi thường, tái định cư. Mức đền bù 18.380.000 VND. một mét vuông vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng.”

Nơi đây, xin ghi một nhận xét từ Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms, ngành Nhân học Văn hóa xã hội thuộc Đại học Yale, Mỹ, thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu từ năm 1997, nhận xét:

“Với những người dân Thủ Thiêm, dự án này không phải là trò cười. Họ đã mất kế sinh nhai. Họ đã mất làng xóm, tình bạn. Họ đã mất cả một cộng đồng…. Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không tồn tại.”

Thực tế, trong mắt cán bộ CSVN, người dân chẳng là cái gì cả, như dường không tồn tại…

https://vietbao.com/p123a285746/cau-chuyen-thu-thiem

 

‘Thiên thần’ Mỹ trợ giúp người dân Việt Nam

Viễn Đông

Binh sĩ Mỹ và các nước đối tác tới giúp người dân Việt Nam trong khuôn khổ chiến dịch nhân đạo và cứu trợ thảm họa có tên gọi “Thiên thần Thái Bình Dương”.

Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM cho biết rằng ngoài Hoa Kỳ, lực lượng của các quốc gia khác như Úc, Singapore, Lào và Campuchia cũng như nước chủ nhà đã cùng nhau hỗ trợ cho người dân ở tỉnh Quảng Nam từ ngày 10/9 tới 15/9.

Hình ảnh được Không lực Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương công bố cho thấy các binh sĩ giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa, khám chữa bệnh và chơi đùa với các em nhỏ ở tỉnh miền Trung của Việt Nam.

Tại đây, tin cho hay, bác sĩ của Không lực Hoa Kỳ đã làm việc cùng với nhân viên y tế của Việt Nam nhằm “giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã đến tham quan các địa điểm diễn ra chương trình hỗ trợ nhân đạo phối hợp giữa nhiều nước.

Trung tá Không quân Mỹ gốc Việt Vinh Trinh được trích lời nói rằng mối quan hệ gây dựng và duy trì với các đối tác đa quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương “giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

“Thiên thần Thái Bình Dương” là hoạt động hỗ trợ nhân đạo đa quốc gia, với sự phối hợp giữa dân sự và quân sự, nhằm tăng cường hợp tác quân sự ở khu vực Thái Bình Dương đồng thời hỗ trợ chăm sóc y tế, thực hiện các dự án xây dựng dân sự và các hoạt động trao đổi chuyên môn giữa các quốc gia đối tác.

Hơn 600 người được cho là đã được các chuyên gia y tế tham gia chương trình “Thiên thần Thái Bình Dương” thăm khám.

Trong khi đó, các kỹ sư tỏa ra khắp 8 địa điểm để giúp người dân xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các trường học và cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Nam.

Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM dẫn lời một cư dân địa phương tại tỉnh Quảng Nam nói rằng nỗ lực của Mỹ và các nước đối tác “rất có ích cho người dân”, “đặc biệt là những người không có khả năng tiếp cận các dịch vụ như vậy”.

Theo cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ này, mỗi năm, chương trình “Thiên Thần Thái Bình Dương” quy tụ các nhân viên dân sự và quân sự đến từ Hoa Kỳ và 7 quốc gia đối tác ở khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Việt Nam.

Tin cho hay, đây là một trong nhiều hoạt động Hoa Kỳ thực hiện cùng Việt Nam cũng như các quốc gia và tổ chức khác để “xây dựng năng lực và quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Không lực Thái Bình Dương của Mỹ viết rằng dù các thành viên tham gia “Thiên thần Thái Bình Dương” không cùng ngôn ngữ với người dân nước chủ nhà, “những cái ôm và các nụ cười đã xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ”.

Chương trình “Thiên thần Thái Bình Dương”, hiện hoạt động năm thứ 11, giúp quân đội các nước trong khu vực chuẩn bị sẵn sàng hợp tác nhằm xử lý khủng hoảng nhân đạo.

Kể từ năm 2007, chương trình này đã tác động tới cuộc sống của hàng chục nghìn người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có nhiều người ở Việt Nam.

Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ năm ngoài, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố chung, trong đó nói rằng “với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương có lợi ích và cam kết rộng khắp Châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng”.

“Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh có nhiều cơ hội đang mở ra trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đang ngày càng được tăng cường; hợp tác ngày càng tăng lên trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, quốc phòng – an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm”, tuyên bố có đoạn.

“Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ hội nói trên thông qua việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”.

https://www.voatiengviet.com/a/thien-than-my-tro-giup-nguoi-dan-viet-nam/4583609.html

 

Du khách Nam Hàn thiệt mạng

khi nhảy từ thác Datanla Đà Lạt

Một thanh niên Nam Hàn tham gia tour du lịch mạo hiểm ở Đà Lạt bị thiệt mạng trong khi nhảy từ trên thác Datanla xuống nước.

Báo mạng VnExpress hôm Thứ Bảy 22/09 cho hay, anh Jang Won Seok, 23 tuổi, đi cùng với mười du khách quốc tế khác từ các nước Nam Hàn, Bỉ, Anh và Canada. Họ đi theo tour du lịch mạo hiểm do một công ty không được nêu tên, có trụ sở tại thành phố Đà Lạt, tổ chức trong khu du lịch thác Datanla vào sáng cùng ngày. Những người tham dự tour du lịch này có những hoạt động như đu dây và nhảy từ trên thác xuống nước. Vào buổi chiều, sau khi vượt nhiều ngọn thác trên hành trình, nhóm du khách đến một thác nước cao khoảng 9 mét. Trong lúc nhảy từ trên thác này xuống, anh Jang được cho là đã tiếp xúc mặt nước sai kỹ thuật và bị bất tỉnh. Lực lượng cấp cứu tại chỗ đã sơ cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Vẫn theo VnExpress, vào tháng 2 năm 2016, cũng tại khu vực thác Datanla đã xảy ra vụ tai nạn trong một tour du lịch mạo hiểm, khiến ba du khách ngoại quốc thiệt mạng. Sau lần đó, các công ty du lịch buộc phải tăng cường những biện pháp an toàn cho du khách, bao gồm việc hướng dẫn kỹ càng cách đu dây vượt thác. Datanla gồm nhiều ngọn thác nhỏ ven đèo Prenn, cách trung tâm Đà Lạt chừng 5 km.

Những cuộc đi bộ và vượt thác mạo hiểm tại đây vốn thu hút nhiều du khách ngoại quốc.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/du-khach-nam-han-thiet-mang-khi-nhay-tu-thac-datanla-da-lat/

 

Thông cáo báo chí văn phòng TNS Janet Nguyễn:

Thống Đốc Brown Ký Ban Hành Đạo Luật SB 895

(Garden Grove, CA) Trong sự đánh dấu một thời điểm lịch sử đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại California, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn hân hoan thông báo, Thống Đốc Jerry Brown vừa ký ban hành Đạo Luật SB 895 thiết lập Chương Trình Giảng Dạy. Đạo luật này đòi hỏi Ủy Ban Soạn Thảo Giảng Dạy thiết lập Chương Trình Giảng Dạy nhằm đưa những câu chuyện trung thực từ chính các nhân chứng Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và kinh nghiệm của người Tỵ Nạn Việt Nam, một chương trình cho người Cambodia, và một chương trình cho người Hmong, tất cả sẽ được đưa vào chương trình giáo dục của toàn Tiểu Bang California.

“Ngoài việc lưu lại di sản lịch sử của những câu chuyện từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu chuyện của các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và người Tỵ Nạn của chúng ta sẽ được tất cả học sinh toàn Tiểu Bang California học hỏi,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn phát biểu. “Là tác giả của Đạo Luật SB 895 và quan trọng hơn nữa là một người vượt biển tỵ nạn, tôi hân hoan là Tiểu Bang California qua việc ban hành dự luật này và đã ghi nhận giá trị cũng như tầm quan trọng của dự luật với câu chuyện kinh nghiệm trung thực của chính các nhân chứng Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và người Ty Nạn Việt Nam phải hy sinh, chịu đựng những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được vì Tự Do.”

Dự Luật SB 895 được đệ trình vào Tháng Giêng, năm 2018, đòi hỏi Ủy Ban Soạn Thảo Giảng Dạy (IQC) thiết lập và đề nghị Hội Đồng Giáo Dục Tiểu Bang chấp nhận một mô hình giảng dạy về kinh nghiệm trung thực của các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Nhân, và Thuyền Nhân. Dư Luật SB 895 cũng đươc ban hành thiết lập thêm một chương trình liên quan đến việc diệt chủng của người Cambodia, và lịch sử văn hóa của người Hmong. Hôm nay, Thống Đốc Brown đã ký ban hành Đạo Luật SB 895, Uỷ Ban Soạn Thảo Giảng Dạy -IQC sẽ có đến ngày 31, Tháng Mười Hai, 2022 để thiết lập và đệ trình một Chương Trình Giảng Dạy cho Hội Đồng Giáo Dục Tiểu Bang.  Hội Đồng Giáo Dục Tiểu Bang sẽ có thời gian đến ngày 31, Tháng Ba, 2023 để chấp nhận, điều chỉnh, hoặc duyệt xét nội dung.

“Hành trình của Đạo Luật SB 895 khởi đầu từ năm 2017, khi tôi gặp và tiếp chuyện với Uỷ Ban Soạn Thảo Giảng Dạy – IQC để cập nhật các tài liệu giáo dục nhằm đưa những câu chuyện về người tỵ nạn vào trong hệ thống giáo dục lớp Mẫu Giáo đến lớp 12 và tôi đã gặp trở ngại và họ không chấp thuận đề nghị. Vì vậy, phương pháp để có thể tiến hành Chương Trình Giảng Dạy là qua lập pháp; vì vậy, Dự Luật SB 895 được khởi đầu đệ trình,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn phát biểu. “Với sự ủng hộ nhiệt tâm của cộng đồng người Việt khắp nơi, hơn1,000 người đã đến Thủ Phủ Sacramento bày tỏ sự ủng hộ đối với Đạo Luật SB 895, tại các buổi điều trần tại các ủy ban, cùng với hơn 17,000 chữ ký trên Bản Kiến Nghị ủng hộ. Chính nhờ sự tích cự ủng hộ của cộng đồng người Việt khắp nơi mà Dự Luật SB 895 hiện nay đã trở thành đạo luật, và sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm của chúng ta như là một nỗ lực đoàn kết, là sức mạnh tiếng nói của người Việt hải ngoại.”

Trong thời gian Ủy Ban Soạn Thảo Giảng Dạy -IQC thiết lập Chương Trình Giảng Dạy mô hình, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn sẽ tiếp tục theo dỏi để bảo đảm chương trình được tiến hành một cách trung thực chính đáng. Trong tiến trình này, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn sẽ cùng tham khảo với tất cả quý Thầy Cô, quý chuyên gia ngành giáo dục, quý Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quý Thân, Hào, Nhân Sĩ, và toàn thể cộng đồng.

https://www.sbtn.tv/thong-cao-bao-chi-van-phong-tns-janet-nguyen-thong-doc-brown-ky-ban-hanh-dao-luat-sb-895/

 

Hãng hàng không Air New Zealand

hủy đường bay tới Việt Nam

Air New Zealand vừa thông báo hủy đường bay trực tiếp tới Việt Nam sau tháng 10. Một thông báo do công ty này đưa ra hôm Thứ Bảy 22/09 cho biết, chuyến bay sau cùng của Air New Zealand tới Sài Gòn sẽ khởi hành ngày 23 tháng 10. Công ty nói nhu cầu tương đối thấp đã dẫn tới quyết định hủy bỏ đường bay mới thành lập cách đây ba năm. Hãng hàng không cũng đang vất vả tìm kiếm máy bay cho các chuyến bay quốc tế, vì có những vấn đề với động cơ của những chiếc máy bay Dreamliner mới.

Từ năm 2016, Air New Zealand đã có chuyến bay trực tiếp giữa hai thành phố Auckland và Sài Gòn trong khoảng thời gian mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 10 mỗi năm. Ban đầu, họ có ba chuyến bay mỗi tuần đến Việt Nam, nhưng về sau giảm xuống còn hai chuyến. Ngoài vấn đề số hành khách sụt giảm, hồi tháng 12 năm ngoái, hai máy bay Dreamliner của Air New Zealand buộc phải đáp khẩn cấp vì trục trặc động cơ. Kể từ đó, hãng hàng không ban hành lệnh hạn chế hoạt động đối với tất cả 13 chiếc Dreamliner và phải đi thuê ba máy bay khác. Để ngăn ngừa thêm sự xáo trộn, Air New Zealand quyết định hủy đường bay tới Việt Nam trong năm tới, đình chỉ các dịch vụ tại phi trường Haneda ở Tokyo và giảm số chuyến bay đi Argentina và Đài Bắc.

Tổng giám đốc Christopher Luxon dự trù sẽ đi gặp ban quản trị công ty Rolls-Royce ở London trong tháng tới, để tìm kiếm giải pháp sửa chữa trục trặc của loại động cơ Trent 1000 trên các máy bay Dreamliner.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/hang-hang-khong-air-new-zealand-huy-duong-bay-toi-viet-nam/