Tin Việt Nam – 23/07/2019
Hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm
đến nộp đơn khiếu nại
Hơn 3.600 hộ dân Thủ Thiêm nộp đơn khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường giải tỏa và tái định cư ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 23/7/2019.
Trả lời báo chí trong nước cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết đến thời điểm hiện tại, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận đã nhận được hàng nghìn đơn khiếu nại và số đơn thư khiếu nại tiếp tục tăng nhanh. Từ 2.000 đơn thư khiếu nại người dân trực tiếp nộp vào chiều 22/7, tính đến trưa nay 23/7 đã nhận được khoảng 3.600 đơn thư.
Theo ông Hưng, nội dung khiếu nại chủ yếu là người dân cho rằng nhà đất bị thu hồi ngoài ranh quy hoạch dự án khu Đô thị mới Thủ Thiêm; giá bồi thường không hợp lý, hỗ trợ quá thấp; cưỡng chế sai quy định; chưa có nơi tái định cư…
Ông Cao Văn Ca, cư dân phường Bình Khánh, Quận 2, cũng là một người dân khiếu nại lâu nay, khi trao đổi với RFA hôm 23/7/2019, đưa nhận định liên quan đế vấn đề này:
“Dân người ta nộp đơn đông như vậy là do báo đài tung tin nên người dân người ta ùn ùn nộp đơn, kể cả những người trước đây nộp đơn rồi, bây giờ người ta sợ mất quyền lợi nên người ta lại nộp đơn tiếp. Tạo ra một sự hỗn loạn không đáng có. Vấn đề ở Thủ Thiêm này, có khiếu nại hay không thì chính quyền vẫn phải mời lên làm việc, tại vì tất cả dự án Thủ Thiêm này đều sai hết. Theo tôi, cũng do thành phố một phần, thành phố thì nói phải về quận 2 để khiếu nại, còn chủ tịch quận 2 thì nói đang tập trung để chuyển khiếu nại lên thành phố. Mà quận 2 theo tôi là không thể giải quyết, vì quận 2 đâu phải người làm ra quy hoạch đâu?”
Tin cho biết, vừa qua Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2 hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại liên quan đến vụ Thủ Thiêm. Ủy ban Nhân dân Quận 2 có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu có liên quan khiếu nại để xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu theo thẩm quyền; báo cáo tình hình và hướng xử lý cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi Thanh Tra Chính phủ công bố kết luận mới nhất về những sai phạm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 26 tháng 6, Tổng Thanh Tra Chính Phủ Lê Minh Khái vào chiều ngày 4 tháng 7, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương phát biểu rằng khiếu nại của dân Thủ Thiêm dự kiến được giải quyết trong tháng 7.
Ròng rã hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp lý, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù, khiến họ rơi vào thảm cảnh. Số này nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhưng chỉ nhận được hứa hẹn từ các cấp và đến nay vẫn phải tiếp tục nộp đơn như tin vừa loan…
Công dân Úc Châu Văn Khảm bị bắt giam tại Việt Nam
hơn 6 tháng vẫn chưa được gặp luật sư
Ông Châu Văn Khảm, một Việt kiều Úc, bị lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ sáu tháng qua với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ’ nhưng bị từ chối luật sư trong quá trình điều tra.
Mạng báo ABC loan tin ngày 23 tháng 7 dẫn quan ngại của các tổ chức theo dõi nhân quyền và thân nhân ông Châu Văn Khảm. Theo xác nhận của tổ chức Ân Xá Quốc Tế thì trong suốt quá trình điều tra, ông này bị từ chối luật sư do đó thông tin về trường hợp của ông bị giới hạn.
Theo bản tin của ABC, dựa vào các ghi chú của phía lãnh sự quán Úc khi vào thăm ông Châu Văn Khảm, ông Khảm có thể nhận được thuốc, thức ăn và thiệp sinh nhật từ gia đình, nhưng ông này chỉ có thể được gặp luật sư sau khi chính quyền Việt Nam hoàn tất quá trình điều tra, được nói nhằm ‘bảo mật’ thông tin.
ABC cũng cho hay ông Châu Văn Khảm đã viết thư cho gia đình vào tháng 5 và nói rằng sức khỏe của ông tốt, nhưng tinh thần thì suy sụy.
Chính quyền Việt Nam cho gia hạn quá trình điều tra đến tháng 9 năm nay và có thể gia hạn tiếp. Theo đó, người bị điều tra có thể bị tạm giam đến 20 tháng nếu liên quan đến những vụ án an ninh quốc gia.
Gia đình của ông Châu Văn Khảm cũng bày tỏ lo ngại ông Khảm không được trình bày một cách thoải mái, tự do với các viên chức đại sứ quán Úc trong các lần viếng thăm. Lý do có sự giám sát của camera và nhân viên an ninh trại giam.
Ông Châu Văn Khảm năm nay 70 tuổi, bị công an bắt giữ tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 13/1 trong lúc đang gặp gỡ một số thành viên của hội Anh Em Dân Chủ.
Mạng báo Công an Nhân dân hôm 30/1 sau đó loan tin đã bắt giữ ông Châu Văn Khảm và nói ông này là ‘thành viên cốt cán của tổ chức Việt Tân xâm nhập, tìm cách hoạt động chống phá trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.’
Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam nói ông Khảm đã khai nhận nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia vào cửa khẩu Hà Tiên hôm 10/1 bằng một chứng minh nhân dân giả.
Sau đó, ông Khảm bị nói đã bồi dưỡng các kiến thức về Việt Tân cho ông Nguyễn Văn Viễn và dự định trở lại Campuchia để về Úc vào hôm 14/1.
Hôm 25/1, Đảng Việt Tân đã loan đi thông cáo thừa nhận thành viên Châu Văn Khảm đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.
Cảng cá xuống cấp – Ngư dân khốn khổ
Từng được kỳ vọng là cảng cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế khi kinh phí đầu tư xây dựng lên đến gần 30 tỷ đồng, thế nhưng sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2010, đến nay Cảng cá Tư Hiền hoạt động không hiệu quả, gần như bị bỏ hoang, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.
Đầu tư để làm gì?
Cảng cá Tư Hiền được khởi công xây dựng từ tháng 8/2004 và đến tháng 8/2010 thì hoàn thành. Cảng cá có diện tích khoảng 3,7 ha trên bờ; 2,4 ha mặt nước cùng các hạng mục như bến neo tàu dài 80m – rộng 12m; 2 cầu dẫn dài 80m; 2 bờ kè neo đậu dài 310m; sân bãi; nhà đặt máy bơm nước và các hạng mục thiết yếu khác…Được biết kinh phí xây dựng cảng là 29 tỷ đồng do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cảng cá gần như bị bỏ hoang với nhiều công trình, hạng mục đã rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc đầy, hệ thống cống hỏng hóc được bà con chắp vá bằng những tấm ván gỗ, thùng phi sắt…
Anh K, một ngư dân không muốn nêu tên đầy đủ, có tàu neo đậu tại cảng cá Tư Hiền, chia sẻ với chúng tôi.
“Xuống cấp rồi. Giờ dỡ những tấm ván này lên là toàn thủng lỗ, thủng hang hết. Người thu mua đâu dám đi, họ phải đậy những tấm ván.”
Chủ tàu Phan Ý Mộng cho biết:
“Cảng cá của mình hiện tại hắn cũng đang xuống cấp rồi, với lại cửa nẻo ra vào khó khăn cho nên tàu bè nó hay bị cản nhiều. Mỗi lần đi xa bờ nó khó ra vào cửa, tàu bị cạn nên một lần đi nó rất là khó khăn phức tạp.”
7h sáng chúng tôi có mặt tại cảng cá Tư Hiền. Nếu ở cảng cá Thuận Phước (Đà Nẵng) hoặc cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) vào giờ này sẽ thấy cảnh người dân tấp nập mua bán tôm cá, hải sản, tàu thuyền ra vào đông đúc, còn ở cảng cá Tư Hiền thì trái ngược hẳn. Chỉ có vài nhóm người, lèo tèo vài chiếc thuyền.
Cảng cá Tư Hiền vắng tanh ngay từ giữa buổi trưa. Theo anh Mộng, hoạt động tàu thuyền ở đây không tấp nập là do cửa biển dẫn vào cảng bị cát bồi lấp, nước cạn nên tàu thuyền ra vào cảng gặp rất nhiều khó khăn.
“Tại vì cái lạch để tàu mình vào nó không được sâu, cái cửa lạch nó nhỏ quá, cái cửa bị cát nó bồi, các phương tiện như tàu mình lớn hơn mà nó cạn nên ra vào khó khăn vậy đó. Như mọi chỗ khác nó sâu thì dễ đi, cửa mình cạn cần phải nạo vét độ sâu mới được.
Anh Mộng cho biết, mực nước tại cảng cá chi cao khoảng 1,5 m trong khi tàu cần độ sâu ít nhất là 1,6 m. Anh nói tiếp:
“Từ 1,6m đến 2m tàu mình mới ra vào được. Cho nên tàu bè người ta ít thích vào đây. Thu mua nó ít. Không phải như cửa Thuận An cửa lạch nó suông, còn cửa Tư Hiền này nó cạn quá. Mỗi lần ra vào sơ ý thôi là mắc ngang ở ngoài rồi thành ra họ không thích vào.”
Lúc xây dựng cảng cá Tư Hiền, Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thiết kế bờ cảng cao nhằm phục vụ tàu quân sự, tàu có công suất trên 500CV, quá cao so với tàu cá của ngư dân vốn chỉ có công suất dưới 300CV. Điều này lại khiến hơn 300 tàu, thuyền nhỏ của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Mặc khác, cảng cá Tư Hiền xây dựng gần cửa biển đang bị bồi lắng, thủy triều lên xuồng thất thường, tàu lớn vào cảng không được đã đành, còn tàu nhỏ muốn đưa hải sản vào cảng phải dùng thuyền nhỏ hoặc thúng chạy ra chở hải sản vào.
Trả lời phỏng vấn báo VNExpress vào tháng 4/2019, ông Nguyễn Tam-Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, tình trạng cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp diễn ra nhiều năm nay. Năm 2019 này bị bồi lấp nặng hơn và nguy cơ bị bít rất dễ xảy ra nếu không nạo vét kịp thời.
Tàu thuyền không vào cảng gây rất nhiều khó khăn cho việc làm ăn của bà con. Bà con ngư dân muốn đưa tàu ra vào cảng phải đợi chính xác lúc thủy triều lên dù trễ chuyến đi cũng phải chờ. Còn việc mua bán thì trễ phiên chợ. Anh Mộng nói :
“Cửa nó cạn chẳng hạn như đúng ra 5h sáng mình vào bán tại đây thì con cá nó được giá vì người bán hàng nó đi buôn đúng chợ đúng đồ, còn mình phải chờ giờ này mới vào vì chờ nước lớn lên mình mới vào thì giờ này ai mà mua, chợ đò đâu còn nữa.”
Anh K nói từ mùa đông cho đến mùa hè bà con, tàu thuyền đều gặp khó khăn khi cập cảng Tư Hiền. Do cửa bị bồi lấp nên nhiều tàu phải đậu ngoài xa cửa biển hoặc phải chạy sang cảng Thuận An hoặc vào cảng Đà Nẵng kiếm chỗ đậu. Anh K nói:
“Lỗ thì ít nhưng có cái tàu mình chở nhiều thì buộc mình phải ghé những cảng khác để mình thu nhập nhiều hơn, giống như mình bán những con cá ở đó được.
Sẽ nạo nét & nâng cấp cảng cá
Được biết, vào tháng 7/2013 tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho Công ty 55 tổ chức nạo vét cửa biển Tư Hiền, gia hạn đến hết tháng 3/2017. Theo đó, Công ty 55 được tận thu xuất khẩu 1,1 triệu m3 cát nhiễm mặn, trong đó cửa biển Tư Hiền được tận thu 550.000m3. Tuy nhiên, qua điều tra, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (đơn vị được giao giám sát trực tiếp dự án) cho biết số lượng cát mà Công ty 55 xuất khẩu chỉ lấy ngoài cửa biển (loại cát tốt, không phải loại cát nhiễm mặn), còn phía trong luồng từ cửa biển vào cảng cá Tư Hiền hầu như không nạo vét mà chỉ thông luồng tạm. Khi biết được vụ việc, bà con hết sức bức xúc. Một người dân cho biết:
“Có tàu về tưởng đâu họ múc cát, múc cửa ai ngờ giống như múc cát xong họ chạy chứ họ có múc lạch cho mình đi đâu. Người dân tưởng họ múc cho mình chạy thôi chứ ai biết múc cát xong chạy, để lại người dân chịu.”
Chúng tôi liên lạc lãnh đạo UBND xã Vinh Hiền và Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế để hỏi xem thời gian tới cơ quan chức năng có giải pháp nào khơi thông cửa biển, nâng cấp và tu sửa cảng cá Tư Hiền hay không? Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế đã từ chối trả lời phỏng vấn cũng như nói không có thẩm quyền trả lời báo đài.
Ông Nguyễn Văn Lợi-Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết điều này xã đã có báo cáo nhiều lần, nhưng thẩm quyền, trách nhiệm và khả năng, năng lực phụ thuộc vào các cấp trên.
Ông Phan Thanh Hùng-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho chúng tôi biết:
“Mình nói bỏ hoang thì không đúng. Cảng cá này đã xây dựng từ lâu rồi tuy nhiên cửa biển của nó trong mấy năm gần đây bị bồi lấp do sự vận chuyển bùn cát và vấn đề trao đổi nước giữa phía trong và phía ngoài cửa biển”
Ông Hùng nói việc nạo vét là một hoạt động thường xuyên ở các cửa biển chứ không riêng gì mỗi cửa Tư Hiền. Việc nạo vét kết hợp với việc xây dựng công trình kè là giải pháp sẽ đem lại hiệu qủa tích cực.
“Biện pháp nạo vét là hoạt động thường xuyên ở tất cả các cửa chứ không riêng gì cửa này đâu. Để hỗ trợ cho việc này thì cần phải có giải pháp về mặt công trình nữa, ngoài nạo vét thì sẽ có làm hệ thống mỏ hàn để ngăn cát di chuyển vào cửa.
Trước đây mình cũng đã nạo vét nhưng mà chỉ làm một thời gian rồi dừng, người ta mới làm một phần ngoài cửa thôi. Hiện nay mình sẽ tiếp tục tiến hành nạo vét, tiếp tục của hai giải pháp ấy tức là vừa nạo vét vừa xây dựng công trình chính trị, công trình kè để đảm bảo ổn định cửa Tư Hiền được tốt hơn”.
Ông Hùng cho biết chính quyền địa phương và Trung ương đã có chủ trương tiến hành nạo vét và xây hệ thống kè để điều chỉnh dòng chảy ở cảng cá. Công tác khảo sát dự án hiện đang được tiến hành. Theo ông Hùng, nếu điều kiện thuận lợi, việc nạo vét và xây kè sẽ có thể tiến hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.
Lạm thu và loạn “quỹ” tại Việt Nam
Trung Khang, RFA
Quỹ chồng quỹ
Vấn đề lạm thu và loạn “quỹ” tại Việt Nam một lần nữa lại được nhắc đến sau khi nhiều doanh nghiệp than phiền rằng mỗi năm họ phải nộp hàng trăm triệu đồng cho “Quỹ phòng, chống thiên tai” (nộp theo nghĩa vụ của doanh nghiệp & cho người lao động) nhưng một số doanh nghiệp khác lại không bị nộp.
Ngoài ra đại diện các doanh nghiệp còn than phiền rằng, họ không biết tiền mình nộp được quản lý sử dụng như thế nào… Với lý do thiếu minh bạch trong việc quản lý, công khai quỹ, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai bỏ ‘Quỹ phòng, chống thiên tai’.
Theo Nghị định số 94 của chính phủ vào năm 2014 về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, thì các đối tượng phải đóng quỹ gồm doanh nghiệp, người lao động. Doanh nghiệp đóng một năm là 2/10.000 trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu là 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng. Người lao động trong các doanh nghiệp đóng một ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng.
Trong trường hợp này là một cái quỹ, mà quỹ thì nên để doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn đóng thì đóng ủng hộ. Chứ còn lại bắt buộc doanh nghiệp đóng thì tôi cho là không nên, việc đề xuất bãi bỏ là cần thiết.
-GS. Đặng Hùng Võ
Nguyên Thứ Trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường, giáo sư Đặng Hùng Võ, khi trao đổi với RFA hôm 22/7, nhận định:
“Tôi thì tôi cũng cho rằng không nên bắt doanh nghiệp nộp quỹ phòng, chống thiên tai, bởi vì thuế và phí thì phải mạch lạc. Còn trong trường hợp này là một cái quỹ, mà quỹ thì nên để doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn đóng thì đóng ủng hộ. Chứ còn lại bắt buộc doanh nghiệp đóng thì tôi cho là không nên, việc đề xuất bãi bỏ là cần thiết.”
Theo văn bản kiến nghị của VCCI, qua 5 năm triển khai, VCCI nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp về sự thiếu minh bạch của Quỹ phòng, chống thiên tai. Có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt.
Để tìm hiểu thêm, hôm 22/7, RFA liên lạc ông Phạm Trung Tôn, chủ cơ sở nuôi cá tra giống ở An Giang, và được ông cho biết như sau:
“Cơ sở kinh doanh của tôi thì không đóng phí đó, chỉ có quyên góp của địa phương, cái đó thì tự nguyện chứ không bắt buộc đóng. Nếu chứng minh được nó thật sự hữu ích cho xã hội thì mình cũng nên đóng góp. Cái đó về mặt quản lý cũng nên thắc chặt, làm sao tiền đến tận tay người bị thiên tai, thì người đóng góp rất vui, rất hài lòng.”
Còn Anh Võ Minh Đức, chủ cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa ở Sài Gòn cũng cho biết, cơ sở kinh doanh của anh không phải đóng những quỹ như vừa nêu:
“Cách đây khoảng hơn 1 năm, họ đưa tất các diện xe vận tải nhỏ của bọn tôi vào diện quản lý thu thuế hàng năm. Chứ còn các khoảng đóng góp quỹ thì thật sự không có, không biết các doanh nghiệp lớn thì thế nào, còn tôi thì chỉ kinh doanh nhỏ lẻ.”
Nhập nhằng giữa tự nguyện và tận thu
Không chỉ doanh nghiệp, người lao động làm việc chính trong các doanh nghiệp hay hành chính sự nghiệp cũng phải đóng quỹ phòng chống thiên tai cùng nhiều quỹ khác, mặc dù nhiều người lao động hay giáo viên có mức thu nhập rất thấp.
Một giáo viên không muốn nêu tên ở Sài Gòn cho biết:
“Có đóng chứ, ví dụ như thu ủng hộ người nghèo, ủng hộ người bị bệnh trong quận… cái đó là bắt buộc. Ví dụ quỹ phòng chống thiên tai mỗi năm đóng 1 ngày lương là bắt buộc, trừ thẳng vô lương luôn. Hay quỹ ủng hộ người nghèo 50 ngàn mỗi người mình cũng phải tham gia. Mình chỉ biết đóng vậy thôi chứ không biết họ sử dụng như thế nào?”
Vị giáo viên cho biết, cô bắt buộc phải theo, chứ nếu không đóng thì sẽ bị những “điểm” không tốt. Còn ở địa phương, nếu ai không “đóng” phí thì sẽ khiến tổ trưởng dân phố khó “ăn nói” với ngoài ủy ban…
Trao đổi với RFA hôm 22/7 liên quan vấn đề này, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho biết ý kiến của mình:
“Đây là kết quả điều tra của VCCI về thuế phí mang gánh nặng đối với doanh nghiệp, bắt họ đóng những thứ không hợp lý, vẽ ra một cái làm tăng chi phí, làm tăng ghánh nặng cho doanh nghiệp.”
Theo Phó giáo sư Ngô Trí Long, quỹ thì phải rõ ràng, ai là người đóng, ai thu, thu có minh bạch không và quản lý như thế nào đều phải được minh bạch. Vì theo ông, đã thành lập một quỹ thì quỹ phải có mục đích và phải được quản lý (hạch toán) rõ ràng.
Không những doanh nghiệp than phiền, người dân tại nhiều địa phương cũng bức xúc khi tổ trưởng tổ dân phố yêu cầu nộp tới 8 loại quỹ (có khi quỹ lại chồng quỹ). Không đồng tình nhưng người dân vẫn phải nộp vì người đi thu tiền quỹ nói rằng đây là quy định của phường.
Tuy họ nói một số quỹ tự nguyện, một số bắt buộc, nhưng họ thu đồng đều hết… họ tính bình quân hết, trừ hộ quá nghèo thôi thì không phải đóng góp.
-Anh Võ Minh Đức
Anh Võ Minh Đức nói tiếp:
“Địa phương thu thì có, từ bao lâu nay rồi chứ không phải mới, họ thu theo hộ dân, nhiều khoảng quỹ tôi nhớ không hết được, như ủng hộ người nghèo, bão lụt, quỹ an ninh quốc phòng, tình thương tình nghĩa, đủ thứ hết… Tuy họ nói một số quỹ tự nguyện, một số bắt buộc, nhưng họ thu đồng đều hết… họ tính bình quân hết, trừ hộ quá nghèo thôi thì không phải đóng góp.”
Anh Đức cho biết, vì là công dân của địa phương, nên họ ra quy định như thế thì phải đóng. Nhưng anh khẳng định những cái quỹ đó địa phương chưa bao giờ công khai minh bạch với dân, chưa bao giờ công bố chi tiêu vào việc gì, tổng thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, thiếu hụt ra sao…
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, tất cả những loại thu mang tính ủng hộ cho người nghèo, hay ủng hộ phòng chống thiên tai là cần thiết nhưng nên để dưới dạng vì lòng hảo tâm, đùm bọc lẫn nhau, tự nguyện nộp, chứ không nên đặt ra thành một dạng nghĩa vụ tài chính – bắt buộc mọi người đều phải nộp. Ông phân tích, việc sử dụng các dịch vụ xã hội thì phải trả phí, thì đó là phí, còn nghĩa vụ đóng thuế là thuế. Ngoài ra không phải là thuế, là phí thì hoàn toàn là tùy tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-government-collect-too-many-fees-07222019135108.html
Bãi Tư Chính:
Không thấy có biểu tình phản đối Trung Quốc
Một nhà hoạt động nói với BBC rằng người dân không xuống đường lần này vì “cảm thấy lòng yêu nước của họ đã từng bị chính quyền lợi dụng và phản bội”.
Trong bối cảnh căng thẳng của vụ đối đầu tại bãi Tư Chính vẫn tiếp diễn, báo chí ở Việt Nam sau hai tuần im lặng đã đăng khá nhiều bài với nội dung lên án Trung Quốc gay gắt.
Tờ Thanh Niên hôm 22/7 có bài “Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo”, tờ Tuổi Trẻ cùng ngày dẫn lời một giáo sư Mỹ: ‘Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centimet chủ quyền.’
Trong khi đó, báo Zing đăng bài “Đây là mức độ gây hấn mới của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Bình luận chuyện báo VN ‘im’ về vụ bãi Tư Chính
Bãi Tư Chính: ‘VN và TQ không muốn leo thang xung đột’
Bãi Tư Chính: ‘VN nên công bố chi tiết’ và đừng ‘hạn chế báo chí’
“Đối đầu” giữa các tàu TQ và VN lại xảy ra ở Biển Đông
Nhưng không có cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra như hồi năm 2014, với hàng ngàn người dân xuống đường phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông.
Trên mạng xã hội, người ta chỉ thấy hình ảnh vài người cầm biểu ngữ phản đối Trung Quốc hôm 21/7 tại TP Hồ Chí Minh.
‘Ổn định chính trị’
Hôm 22/7, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, nói với BBC:
“Theo tôi, người dân không xuống đường vì họ cảm thấy lòng yêu nước của họ đã từng bị chính quyền lợi dụng và “phản bội” thể hiện qua các sự kiện biểu tình phản đối HD-981 năm 2014 hay biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam năm 2015.”
“Nhìn vào phản ứng của người dân trên mạng xã hội, tôi thấy người dân dường như không còn tin nhiều vào các biện pháp của chính quyền nữa. Trong vụ bãi Tư Chính, truyền thông mạng xã hội của dân chúng hay báo chí không thuộc quản lý của Nhà nước đã đi đầu trong việc đưa tin về sự kiện này.”
“Còn các báo chính thống thì cả hơn chục ngày sau mới thấy đưa tin.”
“Bên cạnh đó, việc chính quyền trấn áp, bỏ tù hơn 100 người trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi năm ngoái cũng là một trong những nguyên nhân.”
“Tôi nghĩ rằng lòng yêu nước của người dân luôn rất mạnh mẽ. Một khi tổ quốc bị ngoại xâm thì bằng mọi hình thức, người dân sẽ chiến đấu để bảo vệ quê hương, dù trên mạng hay ngoài đường. Trong sự việc này, có lẽ chính quyền lựa chọn ổn định chính trị trong nước để “đàm phán” với Trung Quốc nên truyền thông Nhà nước đã đưa tin sự việc rất chậm trễ và chưa mạnh mẽ phản đối sự việc.”
Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
Dầu khí Biển Đông: Malaysia cũng bị TQ ‘ngăn trở’
Mỹ: TQ cần ‘dừng thái độ bắt nạt’ ở Biển Đông
‘Bị gạt qua một bên’
Cũng trong hôm 22/7, bà Ngô Thị Thứ, giáo viên trung học nghỉ hưu, nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh:
“Trong vụ căng thẳng ở bãi Tư Chính, tôi thấy người dân không tin tưởng vào các biện pháp đàm phán, tuyên truyền của chính quyền.”
“Vì lãnh đạo Việt, Trung vẫn qua lại thăm nhau bình thường… Chưa thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu đại sứ Trung Quốc trao công hàm phản đối gì cả… Chỉ mới thấy báo chí được phép nói cầm chừng.”
“Trong bối cảnh đó, người dân do dự chuyện xuống đường là lẽ tất nhiên, vì thấy lâu nay trong những vụ hệ trọng của đất nước, họ đã bị gạt qua một bên.”
“Cũng trong dịp này, tôi muốn nói rằng Nhà nước cần ra luật Biểu tình, cho phép tự do báo chí, minh bạch thông tin liên quan đến chủ quyền.”
“Làm được những điều đó thì người dân mới tin Nhà nước thật sự “vì dân”.
Chuyện gì đang xảy ra ở khu vực Bãi Tư Chính?
Trước đó, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS) lý giải với BBC về việc truyền thông Việt Nam im lặng về vụ bãi Tư Chính trong nhiều ngày trước khi được phép lên tiếng, một phần là vì tránh các vụ biểu tình lớn.
Ông Phương nói:
“Cách tiếp cận “không xác nhận cũng không bác bỏ” sẽ là cách tiếp cận chính trong thời điểm hiện tại. Theo tôi, có mấy lý do sau:
Tránh đánh động dư luận, gây ra các vụ biểu tình bạo động lớn như vụ giàn khoan HD-981 năm 2014.
Nếu xảy ra bạo động thì cũng không có lợi. Thứ nhất cho kinh tế, và thứ hai cho ngoại giao, vì điều này sẽ gây sức ép lớn lên quá trình giải quyết tình hình trên thực địa.
Chính phủ Việt Nam cho thấy họ ưu tiên ổn định đối nội. Kiểm soát thông tin là để thực hiện mục tiêu đó. Kiểm soát thông tin là một chuyện, các chính sách thực địa là một chuyện khác và không đánh đồng hai chuyện này với nhau được.”
Trong một diễn biến khác, báo Người Lao Động hôm 20/7 dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt các cán bộ công đoàn tiêu biểu ở Hà Nội:
“Cần chú trọng giáo dục bản lĩnh chính trị, tăng cường sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”
Cũng có người nêu giả thuyết hay không thấy có biểu tình chống Trung Quốc lần này vì người dân lắng nghe lời nhắn nhủ của Tổng bí thư?
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49067923
Tàu TQ vẫn hoạt động ở vùng biển Việt Nam
Theo ghi nhận của ông Ryan Martinson, người đầu tiên đăng các hình ảnh theo dõi tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, tàu giám sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) tính đến hôm qua 21/7.
Trợ lý giáo sư Martinson, người làm việc tại trường Hải chiến Hoa Kỳ cũng thông tin trên Twitter rằng Trung Quốc đã điều thêm một tàu tuần duyên số hiệu 3402 nặng 4.000 tấn tới gây sức ép đối với hoạt động dầu khí của Việt Nam ở phía tây Bãi Tư Chính.
Chính quyền Trung Quốc hiện giữ im lặng sau khi bị Hà Nội tố cáo đích danh vi phạm chủ quyền và bị Mỹ lên án đối với hành vi bắt nạt láng giềng trên biển Đông.
Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất cùng các tàu hải giám hộ tống đã gây ra cuối đối đầu căng thẳng với lực lượng hải giám Việt Nam trong hơn chục ngày qua.
Bản đồ do ông Martinson cập nhật đến hôm 21/7 cho thấy nhóm tàu này từ ngày 3/7 đến 21/7 vẫn liên tục hoạt động tại vùng EEZ của Việt Nam.
Tuần trước, tàu hộ tống hải giám Haijing 35111 Trung Quốc đã thao tác một cách mà theo mô tả của CSIS (Trung Tâm nghiên cứ Chiến lược và Quốc tế) là “đầy đe dọa” đối với các tàu Việt Nam đang bảo vệ một giàn khoan của Nhật mang tên Hakuryu-5, do tập đoàn quốc doanh Nga Rosneft (ROSN.MM) thuê, hoạt động tại lô dầu 06.1 của Việt Nam, ở cách Việt Nam 370 km (230 hải lý) về hướng đông nam.
Mỹ tố cáo việc Trung Quốc đưa tàu đến nhằm gây áp lực với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, đồng thời cưỡng ép các nước có tranh chấp ký vào một Bộ Quy tắc ứng xử có lợi cho Trung Quốc và âm mưu kiểm soát toàn bộ tài nguyên biển Đông của Trung Quốc.
Bản đồ cho thấy tàu Trung Quốc liên tục hoạt động trong vùng biển Việt Nam từ ngày 3/7 cho đến nay
Hôm 19/7, Hà Nội chính thức có phản ứng bằng một tuyên bố nghiêm khắc tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngay sau đó, Mỹ có động thái dường như cho thấy rõ sự ủng hộ Việt Nam, mạnh mẽ lên án hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng khu vực. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lên án Trung Quốc “liên tục có hành vi khiêu khích nhắm tới hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của những nước có tuyên bố chủ quyền khác và đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực, phá hoại thị trường năng lượng tự do và cởi mở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Bà Ortagus đề nghị Trung Quốc “ngừng hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện các loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn như thế này”.
Trước đó, vào ngày 17/7, Trung Quốc cũng đã gọi tên Việt Nam trong thẳng trên biển Đông và nói “hy vọng Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển liên quan và không có hoạt động gì nhằm phức tạp tình hình”.
Hôm 12/7, khi lần đầu được hỏi về vụ đối đầu với Việt Nam trên biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông”.
Tuy nhiên sau khi bị Việt Nam tố cáo đích danh hôm 19/7, đến nay Trung Quốc chưa thấy có phản ứng gì về mặt ngoại giao.
Trên Twitter, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton chỉ trích các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các láng giềng Đông Nam Á và cho rằng nó sẽ phản tác dụng.
Cũng trên Twitter, giáo sư về Luật Biển quốc tế James Kraska bình luận, “Vi phạm trắng trợn UNCLOS. Việt Nam nên kiện Trung Quốc theo phụ lục VII của Công ước, sẽ thắng”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng một thông cáo dài bày tỏ sự “quan ngại” đối với việc Trung Quốc cố tình can thiệp vào hoạt động dầu khí của Việt Nam trên biển Đông:
“Hoa Kỳ lo ngại bởi các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí ở Biển Đông (SCS), bao gồm cả các hoạt động thăm dò và khai thác lâu dài của Việt Nam. Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Như Bộ trưởng Pompeo đã lưu ý hồi đầu năm nay, “bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở SCS thông qua các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ đô la”.
Sự cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp của Trung Quốc ở SCS, cùng với những nỗ lực khác để đưa ra các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, bao gồm việc sử dụng dân quân trên biển để đe dọa, cưỡng chế và ngăn cản các quốc gia khác, phá hoại hòa bình và an ninh của các quốc gia khác.
Áp lực gia tăng của Trung Quốc lên các nước ASEAN buộc các nước này phải chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử với các điều khoản hạn chế quyền hợp tác với các công ty hoặc các nước khác cho thấy ý định muốn khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên dầu khí ở Biển Đông của Trung quốc.
Hoa Kỳ kiên quyết phản đối sự ép buộc và đe dọa bởi bất kỳ yêu sách của bên nào để khẳng định các đòi hỏi về lãnh thổ hoặc hàng hải của mình.
Trung Quốc cần chấm dứt hành vi bắt nạt và ngừng các hoạt động khiêu khích gây bất ổn này.”
http://biendong.net/bi-n-nong/29440-tau-tq-van-hoat-dong-o-vung-bien-viet-nam.html
Nhà nghiên cứu: Khả năng đụng độ VN-TQ
‘ngày càng cao’ ở bãi Tư Chính
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA hôm 22/7 rằng khả năng đụng độ trực tiếp giữa hai lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc mỗi lúc một cao hơn khi mà các tàu Trung Quốc vẫn có mặt tại bãi Tư Chính trên Biển Đông tính đến thời điểm này, theo thông tin mà VOA có được.
Theo cập nhật hôm 21/7 của ông Ryan Martinson, nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc và là giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc “vẫn tiếp tục các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Tham khảo qua trang maritimetraffic.com, VOA nhận thấy đến tối 22/7 (giờ Việt Nam), có ít nhất 3 tàu không rõ số hiệu còn hiện diện ở đúng địa điểm mà ông Ryan Martinson đã cập nhật.
Tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, so sánh rằng hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 hiện nay có một điểm giống như sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào phía tây bắc của Hoàng Sa cách đây 5 năm.
Hai năm sau sự kiện hồi hè năm 2014, Việt Nam có đại hội của đảng cộng sản cầm quyền vào năm 2016. Vào năm 2021, hai năm nữa tính từ thời điểm này, Việt Nam cũng sẽ có đại hội đảng. Từ đó, tiến sĩ Hợp nhận định rằng hai lần đưa dàn khoan của Trung Quốc vào các địa điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “phép thử về sự kiên định trong chính sách của Việt Nam, về đối ngoại là chính cũng như về chính sách cụ thể của Việt Nam về Biển Đông”.
Dẫn thông tin do ông thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhà nghiên cứu của viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam ở bãi Tư Chính không chỉ xảy ra từ 2/7 mà thậm chí còn từ trước đó gần 1 tháng.
Sẽ đến lúc mà không kiềm chế được là sẽ có bắn nhau. Nó sẽ xảy ra như thế nếu như người Trung Quốc trong thời gian tới không rút. Nó sẽ đi đến chỗ đó.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Ông Hợp cho biết Trung Quốc từ khoảng hôm 4/6 bắt đầu có động thái cản trở việc hãng Rosneft của Nga và một công ty Nhật thực hiện hợp đồng khoan mở rộng để thăm dò dầu khí ở vùng biển, và mọi việc kéo dài từ đó đến nay.
Thông tin chính thức trên báo chí Việt Nam và Trung Quốc không cho biết các tàu hai nước đã có va chạm, đụng độ gì chưa, nhưng tiến sĩ Hợp cho rằng cứ mỗi ngày qua đi, khả năng đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, tức là các tàu cảnh sát biển của Việt Nam, với các tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đang ở đó “ngày càng cao”.
Nói về nguy cơ dẫn đến nổ súng, nhà nghiên cứu của viện ISEAS-Yusof Ishak bày tỏ lo ngại:
“Sẽ đến lúc mà không kiềm chế được là sẽ có bắn nhau. Nó sẽ xảy ra như thế nếu như người Trung Quốc trong thời gian tới không rút. Nó sẽ đi đến chỗ đó. Một khi phải đi đến chỗ bắn nhau rồi, không có cách gì để dừng lại được nữa. Nếu Trung Quốc tuyên bố kéo dàn khoan vào không phải khoan thăm dò nữa mà là khoan khai thác thì lúc đấy sẽ có đụng độ”.
Trên bình diện quan hệ quốc tế đa phương, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho rằng các động thái “quấy rối”của Trung Quốc quanh bãi Tư Chính cũng có ý “dằn mặt” hãng Rosneft của Nga.
Theo tiến sĩ Hợp, Trung Quốc hiện tỏ ra “quá tự tin” trong quan hệ của họ với thế giới, không chỉ trong quan hệ với nước Nga. Việc Trung Quốc “quấy rối” phía Việt Nam ở vùng biển hiện nay có thể hiểu rằng điều đó về thực chất cũng đồng nghĩa với “quấy rối người Nga”, ông Hợp nói.
Có thể khẳng định rằng người Nga có nói gì hay không nói gì thì doanh nghiệp Nga đó chỉ rút về khi hết dầu, hết khí thôi. Tức là họ sẽ không rút. Người Nga khai thác ở vùng biển Việt Nam từ năm 1978. Người Nga người ta rất hiểu luật.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
VOA gửi đề nghị bình luận đến nhà chức trách Nga và hãng Rosneft nhưng chưa nhận được hồi đáp ở thời điểm bài này được đăng.
Mặc dù vậy, với kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Hợp phân tích rằng người Nga không nhất thiết sẽ phải phát biểu điều gì, mà họ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình. Ông Hợp nói với VOA:
“Có thể khẳng định rằng người Nga có nói gì hay không nói gì thì doanh nghiệp Nga đó chỉ rút về khi hết dầu, hết khí thôi. Tức là họ sẽ không rút. Người Nga khai thác ở vùng biển Việt Nam từ năm 1978. Người Nga người ta rất hiểu luật. Họ có tuyên bố, có nói gì hay không, cũng không thay đổi hiện trạng là công ty Rosneft và công ty khác của Nga không bao giờ người ta rút cả”.
Mỹ, nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở đây, hôm 20/7 lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh” khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam.
“Hoa Kỳ lo ngại về những bản tin về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất từ lâu nay của Việt Nam”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố sáng 20/7.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”, một đoạn trích của tuyên bố cho hay.
https://www.voatiengviet.com/a/kha-nang-dung-do-vn-tq-ngay-cang-cao-o-bai-tu-chinh/5010561.html
139.000 hộ dân ở Trung Bộ thiếu nước
Miền Trung Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài với nguy cơ 65.500 hecta lúa bị thiếu nước và khoảng 138.800 hộ gia đình không có nước nước sinh hoạt.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 23/7, trích nội dung báo cáo Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn gửi Thủ tướng.
Cũng trong báo cáo, tình trạng của khu vực Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng do hạn hán ở thời điểm hiện tại đã giảm đi so với cuối tháng 6 vừa qua, gây thiệt hại khoảng 21.600 hecta lúa và hoa màu, khiến hơn 61.100 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Còn ở Nam Trung bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước bắt đầu trễ hơn, từ đầu tháng 7. Tuy nhiên mức độ thiệt hại vẫn lớn khi có đến hơn 16.300 hecta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, và hơn 52.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Nguyên nhân hạn hán được Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đưa ra là do nền nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, đồng thời phải trải qua nhiều đợt nóng kéo dài, lượng mưa thấp kết hợp với gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi nhanh, khiến lượng nước chứa trong các hồ thủy điện cũng bị giảm.
Tình trạng hạn hán được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra trên diện rộng và kéo dài trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng phối hợp để làm giảm ảnh hưởng hạn hán tại khu vực Trung bộ
Đồng bằng sông Cửu Long
đối diện hạn hán kỷ lục, tệ hơn năm 2016
Hai nhà nghiên cứu thường trú ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cảnh báo rằng khu vực này đang đối mặt với đợt hạn hán cực kỳ tồi tệ, hơn cả mức kỷ lục hồi năm 2016. Nguyên nhân của đợt thiên tai sắp xảy ra là hiện tượng El Nino và việc tích nước của các đập thủy điện bên Lào và Trung Quốc, theo hai nhà nghiên cứu.
Các cơ quan báo chí như Tân Hoa Xã, Bangkok Post, Chiang Rai Times trong những ngày gần đây loan tin rằng mực nước sông Mekong đã xuống đến mức thấp kỷ lục trong vòng 100 năm trở lại đây ở vùng biên giới Thái-Lào-Myanmar.
Dẫn lại một báo cáo của Trung tâm Stimson có trụ sở ở Mỹ, các bản tin nước ngoài cho hay mực nước sông Mekong xuống thấp là “do các đập thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy và do biến đổi khí hậu, dẫn đến những đợt hạn hán kéo dài”.
ĐBSCL của Việt Nam ở cuối nguồn con sông lớn này và đang phải chịu những tác động rõ rệt. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tại Đại học Cần Thơ cho VOA biết tuy ông không có số liệu dài hạn đến 100 năm, nhưng các trạm đo trên các nhánh sông Mekong ở Việt Nam cho thấy tính đến nay mực nước ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, và điều này là “hết sức đáng lo ngại”.
Nguyên nhân số một của tình trạng này là hiện tượng El Nino làm lượng mưa đến khu vực ĐBSCL “rất là thấp” mặc dù thời điểm này đang là mùa mưa, theo tiến sĩ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại trường đại học.
Nguyên nhân thứ hai là việc các nước có đập thủy điện ở thượng nguồn “tích nước càng nhiều càng tốt” do có dự báo sẽ thiếu nước vào mùa khô tới, tiến sĩ Tuấn nói thêm.
… đỉnh điểm của mùa khô là khoảng tháng 3. Bây giờ cái dấu hiệu mà lũ nó không về thì chứng tỏ là rất đáng báo động … Nếu tình trạng này tiếp diễn, không thay đổi, thì rất nguy hiểm cho đồng bằng. Có thể sẽ là một trận hạn lịch sử, còn nặng hơn năm 2016 nữa
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
Ông Tuấn cảnh báo rằng các khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và một số mặt của đời sống xã hội sẽ “thấy rõ, gay gắt hơn” vào mùa khô.
Một nhà nghiên cứu khác, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mekong, cho rằng thời điểm nguy kịch nhất là khoảng tháng 3 năm tới, 2020. Ông Thiện nói với VOA:
“Sau Tết là qua mùa khô, đỉnh điểm của mùa khô là khoảng tháng 3. Bây giờ cái dấu hiệu mà lũ nó không về thì chứng tỏ là rất đáng báo động cho cái chuyện tháng 3 năm sau sẽ xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Nếu tình trạng này tiếp diễn, không thay đổi, thì rất nguy hiểm cho đồng bằng. Có thể sẽ là một trận hạn lịch sử, còn nặng hơn năm 2016 nữa”.
Thạc sĩ Thiện so sánh rằng đỉnh lũ ở vùng ĐBSCL vào cuối năm 2015 chỉ cao hơn các cánh đồng 50 cm và sau đó hạn hán kỷ lục đã xảy ra vào đầu năm 2016, trong khi năm nay một số đoạn sông Mekong ở Lào và Thái Lan bị “cạn trơ đáy”, báo hiệu đợt hạn còn “tồi tệ hơn nhiều”.
Tốt nhất là hiện nay đang trong mùa mưa, người dân nên tích trữ nước mưa càng nhiều càng tố … Thứ hai, nên giảm bớt diện tích trồng lúa đi vì cây lúa tiêu thụ nước khá nhiều … Ở các vùng ven biển, không nên sản xuất nông nghiệp nhiều
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Để giúp người dân đối phó từ sớm, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho VOA biết cơ quan của ông đã đưa ra các khuyến cáo:
“Tốt nhất là hiện nay đang trong mùa mưa, người dân nên tích trữ nước mưa càng nhiều càng tốt, có thể trữ trong các ao hồ, kinh mương, và các bể trữ nước. Thứ hai, nên giảm bớt diện tích trồng lúa đi vì cây lúa tiêu thụ nước khá nhiều. Thứ ba, nên chọn các loại cây trồng khác ít sử dụng nước. Ở các vùng ven biển, không nên sản xuất nông nghiệp nhiều mà chuyển qua ví dụ như nuôi thủy sản nước lợ hoặc nước mặn”.
Nhìn lại 40 năm qua và hướng tới tương lai, tiến sĩ Tuấn khẳng định rằng “ngày càng thấy rõ” tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và các đập thủy điện trên thượng nguồn ở Lào và Trung Quốc. Các vấn đề này đang có tính “thời sự, nóng bỏng” cho ĐBSCL, ông Tuấn nói.
Về tác động của các đập thủy điện, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích với VOA rằng trong khi không làm thay đổi tổng thể tích nước của dòng sông, các đập thủy điện có hồ chứa thường gây ra lũ chồng lũ vào những năm có mùa mưa nhiều nước; và làm tồi tệ thêm nạn hạn hán vì phải tích nước trong những năm rất khô hạn.
Đối với những năm bình thường, loại đập có hồ chứa mới phát huy tác dụng là giảm đỉnh lũ trong mùa mưa và tăng dòng chảy trong mùa khô, ông Thiện cho biết.
Việt Nam ở cuối nguồn sông Mekong, nơi có 8 đập của Trung Quốc đã đi vào hoạt động và 1 đập ở Lào sẽ bắt đầu trữ nước vào tháng 10 tới.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế tại Thái Lan mới đây cho biết “vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc và 11 đập ở Lào đã được lên kế hoạch”, trong khi hiện nay mới nay chỉ có một vài đập thủy điện giữ nước “mà chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
https://www.voatiengviet.com/a/dbscl-doi-dien-han-han-ky-luc-te-hon-2016/5011840.html
Đồng ý tăng vốn chủ đầu tư
để giải cứu dự án nhiệt điện Thái Bình 2
Trong ngày 23 tháng 7, cuộc họp để giải cứu dự án nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư khoảng 41.799 tỉ đã diễn ra với sự tham gia của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên và chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào cùng ngày.
Hiện dự án đạt 84% khối lượng, tiền thanh toán 60%, công nhân chỉ còn 300 người vì không có tiền trả lương, còn cán bộ kỹ thuật thì hoang mang và xin nghỉ việc gần hết, ông Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc họp.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đang vướng khó khăn do tổng thầu EPC là Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan đến nhiều sai phạm và nhiều lãnh đạo của PVC đã bị khởi tố khiến các ngân hàng cắt tín dụng không cho vay.
Không có dự án nào của PVC không có án cả, nhưng không thể thay PVC vì sẽ nguy hiểm hơn, ông Thanh trả lời với truyền thông trong nước.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công thương nếu không giải cứu dự án kịp thời thì nguy cơ thiếu điện sẽ diễn ra. Ông giải thích lý do vì dự án khi đi vào vận hành sẽ sản xuất 7 tỉ kWh điện và sẽ giải quyết được bài toán thiếu điện theo dự kiến của ngành điện (năm 2021 Việt Nam thiếu 6,6 tỉ kWh điện). Do đó ông kết luận nếu dự án chậm vận hành 1 năm sẽ mất thêm 35.000 tỉ đồng.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đồng ý với việc tăng thêm vốn chủ đầu tư cho dự án để dự án có thể tiếp tục được triển khai. Song ông lưu ý cần đánh giá lại năng lực nhà thầu; bổ sung thêm đơn vị có năng lực để sớm hoàn thành dự án.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận thống nhất ý kiến tăng thêm vốn của chủ đầu tư để tiếp tục triển khai các hạng mục dự án, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên Bộ trưởng yêu cầu PVN phải đảm bảo năm 2020 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên nhưng vẫn đảm bảo tổng mức đầu tư không thay đổi.
Khẳng định trước cuộc họp, ông Trần Sỹ Thanh quả quyết sẽ chịu trách nhiệm với Bộ Chính Trị và Trung ương và đề nghị chính phủ đồng ý đề xuất tăng thêm vốn đầu tư cho dự án của tập đoàn PVN.
Được biết, dự án nhiệt điện thái bình 2 có quy mô công suất 1.200 MW thuộc trung tâm điện lực Thái Bình. PVC được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án từng do ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch. Và trong quá trình thực hiện dự án này ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái qui định để PVC sử dụng hơn 1 nghìn tỉ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỉ đồng.
Ngày 24 tháng 10 năm 2007, Bộ Công thương đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Trung tâm điện lực Thái Bình gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2. Sau đó Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm đầu mối đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Với ý định xây dựng PVC trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, cuối năm 2007 ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc và sau là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ PVC.
Liên quan đến những sai phạm này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.
TQ hô hào ‘kinh tế ban đêm’
thì Việt Nam nên làm tốt ‘ban ngày’
TS Phạm Đỗ ChíGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Florida, Hoa Kỳ
Chiến lược phát triển kiểu mới bằng khuyến khích và trợ cấp các hoạt động kinh tế ban đêm, do Trung Quốc khởi xướng mới đây đang được Việt Nam theo dõi.
Thậm chí được biết đã có chỉ thị của lãnh đạo Việt Nam muốn theo dõi và bắt chước áp dụng ở nước này, gây ‘ồn ào’ và đặt ra vài vấn đề kinh tế ‘ban đêm’ thực sự có ích gì hay không.
Tạo cú hích kinh tế tư nhân tốt hơn ba đặc khu
Kinh tế VN rủi ro nếu quá dựa vào xuất khẩu cho TQ
Những điều cần biết về thương chiến Mỹ-Trung
Thương chiến Mỹ-Trung: TQ trả đũa với biểu thuế mới
Đầu tiên, theo ý kiến của tôi, kinh tế ‘ban đêm’ chỉ thể hiện tình trạng cùng quẫn đi vào thế bí của ‘xứ lạ láng giềng’ cần tìm thêm lối ra gấp do màn cờ vây mà Hoa Kỳ đang áp dụng có vẻ thành công đối với Trung Quốc trong cuộc thương chiến từ gần một năm nay.
Thứ hai, kêu gọi dân cả nước hoạt động thêm kinh tế ban đêm, quên hay bớt ngủ, là hành động thiếu văn minh và thiếu suy nghĩ chiến lược.
Trong trường hợp của Trung Quốc, việc công khai trợ cấp hay bớt thuế cho các hoạt động kinh tế ban đêm đã được ban hành song hành cùng chiến lược tăng nợ công kỷ lục lên trên 400% GDP để tăng trưởng.
Thống kê mới cho thấy trong sáu tháng đầu năm độ tăng trưởng của TQ đã xuống thấp ở mức 6,2%, so với mức quen bình thường là 8%-9%.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm, với các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sẽ được trợ cấp từ 20 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.Báo Việt Nam
Dự báo còn chỉ ra mức này còn có thể xuống dưới 6% trong sáu tháng cuối năm, nghĩa là mức thấp báo động đối với ‘xứ lạ’, nếu không có các biện pháp khác tăng cường hoạt động như đã ban hành là vay nợ thêm để sản xuất hay làm việc thêm về đêm.
Cần nhắc lại thêm động lực của việc cùng quẫn này là các khó khăn hiện tại mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối phó do thương chiến kéo dài với Hoa Kỳ.
Các hãng ngoại quốc lẫn nội địa vẫn đang ồ ạt kéo ra khỏi TQ sang các nước láng giềng – trong đó có VN đang hưởng lợi.
Thất nghiệp và lạm phát lương thực gia tăng khiến công nhân các đô thị chuyênchế xuất lục tục bỏ thành thị về nông thôn không quay lại.
Mức tín nhiệm tiền tệ sút giảm do việc này và do dân chúng chuyển của ra ngoài.
Tiền nhân dân tệ chuyển đổi (yuan) sắp đụng mức thấp là 7 yuan ăn một USD, sẽ gây ra khủng hoảng tiền tệ và dân mất đi lòng tin với hệ thống ngân hàng.
Lãnh đạo Trung Quốc phải ra những biện pháp ngặt nghèo như vậy do tình trạng đặc biệt nêu trên, thí dụ dễ hiểu như ông nhà nghèo phải đi vay mượn thêm để tiêu, hay làm việc ban ngày kiếm không đủ phải làm thêm ban đêm.
Việt Nam ở vị thế khác
Việt Nam đang ở vào thế khác, đang hưởng lợi lớn nhờ kinh tế phát triển nhanh hơn do đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) thuận lợi và dân tình tương đối đang có công ăn việc làm tốt.
Khuyến khích làm việc thêm ban đêm như Trung Quốc là thiếu suy nghĩ tính toán, ngoài chuyện chính trị bất lợi là cái gì cũng bổ nháo bổ nhào theo ‘ông bạn láng giềng’ bất kể hại hay lợi.
Ngoài vài lợi nhỏ như các hoạt động giải trí hay bán hàng ban đêm, mà các ông bà chủ các quán bar sẽ nhiệt thành ủng hộ, cái hại lớn nhất là sức khỏe và năng suất làm việc trong các hoạt động chính thống ban ngày.
Chúng ta có muốn công chức hay nhân viên sản xuất tư nhân ăn chơi thả giàn đến 6g sáng mỗi ngày rồi vào ngủ gật hôm sau trong công sở hay các hãng xưởng?
Có tư vấn kinh tế nào của chính phủ tính ra sẵn mức tăng của GDP do các hoạt động kinh tế về đêm, và so sánh với mức âm GDP do năng suất sản xuất ban ngày bị hụt giảm như nêu trên?
Và chưa kể đến thiệt hại kinh tế do các tệ đoan xã hội văn hoá gia tăng ban đêm như dùng ma tuý hay thuốc lắc?
Thay vào đó, Việt Nam có những vấn đề cấp thiết cho chiến lược tăng trưởng mà giới hữu trách chưa có thì giờ nghĩ đến hay đặt ra kế hoạch áp dụng.
Chẳng hạn Hoa Kỳ đang sửa soạn kế hoạch áp đặt thuế biểu từ 10% đến trên 400% một cách qui mô lên các hàng nhập từ VN mà xuất xứ là ‘hàng chui Trung Quốc’ đóng gói để né tránh thuế Mỹ.
Chúng ta cần đặt ra kế hoạch lớn để sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thay thế hàng Trung Quốc sang Mỹ, thay vì chỉ là hàng trung chuyển.
Về lâu dài hơn, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển các công nghệ phụ trợ như một số nhà kinh tế gia đã kêu gọi từ lâu – ví dụ như cuốn sách của TS Đinh Trường Hinh, về “Phát triển Công nghệ Nhẹ ở Việt Nam”.
Những ngành nghề này sẽ đòi hỏi một số công nhân lớn có tay nghề giỏi trong các hoạt động ‘chính thống’ ban ngày, nghĩa là có sức khỏe bảo đảm, do ăn ngủ đầy đủ, trong giờ làm việc bình thường, chứ không phải do làm khật khừ thêm buổi đêm như ‘kế sách mới’ chính phủ kêu gọi theo gương Trung Quốc.
Theo ý tôi, chính phủ Việt Nam nên nghĩ lại vấn đề bắt chước Trung Quốc và tập trung làm tốt cho ‘kinh tế ban ngày’ mà tránh ‘làm đêm’.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tiến sĩ Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49076373
Lãnh đạo hiện nay
so với quan lại phong kiến và địa chủ xưa kia!
Lãnh đạo cộng sản nay ‘xa hoa, phô trương’
Đảng cộng sản Việt Nam bao lâu nay luôn nêu cao tấm gương ‘cần, kiệm, liêm chính’ của ông Hồ Chí Minh cho đảng viên. Biết bao kinh phí dành cho công tác tuyên truyền phong trào học tập theo tinh thần vị lãnh tụ này của họ.
Thế nhưng trong thực tế, cơ ngơi hiện nay và lối sống của cán bộ, đảng viên các cấp hầu như không như tuyên truyền mà còn hơn cả tầng lớp trước đây người cộng sản đấu tranh để xóa bỏ.
Bất chấp tuyên truyền, giáo dục của đảng và chỉ thị của chính phủ, tình trạng lạm dụng công quĩ cho việc tư riêng, tham nhũng, phô trương lối sống xa họa không những giảm đi mà ngày càng lộ liễu.
Nhà báo Hải Phạm từ trong nước cho rằng đa số bây giờ việc thực hành điều đó nó không thực dụng, các cán bộ nói một đường làm một nẻo.
“Mỗi địa phương đều có quyền lực riêng ví dụ như quyền lực nó nằm ở một ban ngành nào đó, ông nào đứng đầu thì có quyền lực riêng của ông ấy nên quyền lực là nó không bao giờ có sự giám sát của cấp dưới và không bao giờ dám phản biện lại việc đó nên người ta tự quyết được hết, thậm chí người ta là chủ tài khoản, người ta tự quyết tự chi được, tiền xăng rồi tiền này tiền nọ thì người ta tự quyết được tất cả, tự cân đối mọi thứ nên chuyện người ta nói một đường làm một nẻo tại các địa phương là như vậy.”
Nhiều người vẫn chưa quên vụ tai tiếng xe biển xanh của Bộ Công Thương vào ngày 4 tháng 1 vừa qua được điều đến tận chân thang máy bay để đón vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại cách đây khoảng hơn 10 năm thì mấy chuyện này rất là ồn ào, dư luận không đồng tình. Quản lý Đảng và nhà nước cũng sốt ruột nên ban hành các chị thị nghiêm cấm sử dụng xe công vào việc riêng. Tuy nhiên đến này nó không còn là chuyện hy hữu.
“Hồi xưa khi phát hiện như vậy thì báo chí đưa tin thì tình trạng đó có giảm bớt nhưng rồi cuộc sống cuốn đi mọi người mãi lo chuyện khác thì chuyện đó vẫn xảy ra nhưng báo chí vẫn nghĩ rằng chán rồi nên người ta không nhắc rồi lâu lâu họ lại phát hiện ra những vụ việc đó rồi lại phanh phui. Vì vậy việc quan chức sử dụng xe công làm việc riêng thì vẫn còn khá phổ biến chứ không hy hữu lắm đâu.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh người thường xuyên tham gia bào chữa trong nhiều phiên tòa chính trị nhận định rằng, việc vẫn diễn ra tình trạng như vậy cần xem xét hai khía cạnh.
“Thứ nhất luật pháp dường như đã lờn với họ, không đủ hiệu lực để làm họ sợ để họ tuân thủ luật pháp nữa. Thứ hai là sự coi thường pháp luật của những cán bộ đó. Cán bộ công nhân viên chức đúng ra phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp như họ lại không thực hiện được thì điều này đáng trách là trách từ cả hai phía.”
Còn theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì vấn đề là do ý thức của mỗi cán bộ, không phải họ không biết luật mà do coi thường pháp luật mà thôi.
Biện pháp chế tài kém
Sau tai tiếng mới nhất về đám cưới con con trai của bà Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng được mô tả là ‘rình rang’ chưa từng có ở tỉnh này, vào ngày 21/7 ông Trần Ngọc Tuấn trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Sóc Trăng nói với truyền thông trong nước rằng, ông ngạc nhiên và rất bực mình về vụ việc.
Ông Tuấn được trích dẫn “Quy định đã có rồi, tỉnh đã có xử lý cán bộ sử dụng xe công không đúng, vậy mà vẫn còn tái diễn, tôi không hiểu được”. Ngoài ra, ông sẽ yêu cầu kiểm tra và xử lý từng trường hợp vi phạm sử dụng xe công sai mục đích theo Nghị định 63/2019.
Sang ngày 22 tháng 7, phó bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Huỳnh Văn Sun, cho biết có yêu cầu bà Hồ thị Cẩm Đào viết kiểm điểm. Tuy vậy ông này nói lý do đãi khác đông là vì vợ chồng bà Hồ Thị Cẩm Đào có đông bạn bè và bà con ở nhiều tỉnh, nên cần phải thông cảm.
Riêng chuyện sử dụng xe công để đi đám cưới, ông Huỳnh Văn Sum nói ai vi phạm sẽ bị kỷ luật.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định rằng, việc báo chí phanh phui hay các quan chức địa phương lên tiếng cũng chỉ là để nói cho xong chuyện, an lòng dân mà thôi chứ thật sự không mang lại được hiệu quả.
“Vì chức trưởng phòng đại biểu Quốc hội thì nó không phải là chức nhỏ đâu. Về mặt đảng nó còn lớn hơn là tổ chức tỉnh ủy cơ. Nên chủ yếu là trốn thôi, trấn an dư luận họ nhắc nhở nhau và thậm chí kéo nhau đi uống bia rồi nhắc nhở nhau lần sau đừng vi phạm nữa. rút kinh nghiệm đừng làm lộ liễu để báo chí nó viết.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu có nhận định: “Khi họ có quyền lực thì họ không thể kiểm soát được quyền lực đó mà khi họ có quyền lực thì họ lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để họ trục lợi. Một vì đại biểu quốc hội và chính luật pháp là các đại biểu đó lập ra không thể nói không biết được, xử lý nghiêm, chức vụ càng cao càng xử nghiêm mới thuyết phục được dư luận xã hội.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh thì nếu chế tài về phương diện tài chính không đủ răn đe thì cần xem xét chế tài cả về phương diện chức vụ.
“Ví dụ vi phạm thì hạ bậc công chức chẳng hạn hoặc cắt mọi chức vụ đang giữ chẳng hạn. Nếu trong trường hợp có ý thức và sự tự giác thì mức chế tài cảnh cáo thôi cũng đủ nhưng với trường hợp tỏ ra sự vô hiệu luật pháp và lờn như vậy tôi nghĩ cần phải tăng mức độ chế tài mạnh lên.”
Trong mấy năm qua, chiến dịch chống tham nhũng do người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam chủ xướng được tiến hành và có những quan chức bị bỏ tù vì sai phạm trong khi đương chức như trường hợp ngưới có chức vụ cao nhất là ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Tuy vậy, vẫn còn có biết bao trường hợp sai phạm nặng nề vẫn không bị xử lý. Thân nhân của những người đó vẫn ung dung sống xa hoa trong khi người dân trong vùng họ quản lý ‘không đủ ăn, đủ mặc’.
Vô số cán bộ, đảng viên cộng sản có hành xử bị cho không khác gì tầng lớp mà cách mạng luôn lên án là ‘bóc lột nhân dân’ cùng khổ, sống bằng ‘xương máu của công nhân, nông dân’!
Thế lực thân địch (*)
Cánh Cò
Hai tuần lễ đã trôi qua việc bãi Tư Chính bị tàu khai thác địa chất Trung Quốc được tàu Hải cảnh yểm trợ vẫn loanh quanh “rà soát” trên vùng biển Việt Nam đang làm dư luận nóng lên với hàng trăm nhận định khác nhau nhưng chung quy người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn như đang ngồi trên lửa vì hành vi xâm lấn trắng trợn của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Dư luận tỏ ra phẫn nộ khi miệng Trung Quốc tiếp tục khuyên nhủ Việt Nam nên vì đại cục trong khi tay thì thò vào tận vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền từ bao lâu nay. Trung Quốc lâu nay vẫn thế, dã tâm chiếm hết Biển Đông bằng đường lưỡi bò trắng trợn không ngần ngại dư luận hay công pháp quốc tế. Bắc Kinh vẫn lấy vũ lực làm căn bản đối với những nước nhỏ chung quanh vùng biển mà nó gọi là tranh chấp mà thật ra là thái độ vũ phu của kẻ vừa mạnh vừa lưu manh nhận vơ chủ quyền các nước về mình nhằm thôn tính một vùng tài nguyên rộng lớn mà từ bao lâu nay chúng vẫn thèm thuồng nhưng chưa nuốt nỗi.
Dân chúng thì xôn xao, báo chí sau nhiều ngày chờ đợi cuối cùng cũng được phép lên tiếng, chỉ có điều người có trách nhiệm cao nhất vừa bên chính phủ lẫn bên đảng lại im hơi lặng tiếng làm như không phải chuyện của mình.Trong cương vị Chủ tịch nước ông Nguyễn Phú Trọng không hề trấn an hoặc giải thích sự vụ với dân chúng mặc dù đây là trách nhiệm của ông. Trong tư cách Tổng bí thư ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có bất cứ hiệu triệu hay công văn nào cho 4 triệu đảng viên dưới quyền của ông biết vấn đề đã trở nên nghiêm trọng có thể dẫn đến bùng nổ chiến tranh dù là ngắn ngủi.
Sự vô tâm đến khó hiểu của ông Trọng không làm cho người dân ngạc nhiên lắm vì từ bao lâu nay thái độ “kính nhi viễn chi” của ông đối với quan thầy Trung Quốc vẫn trước sau như một, nhưng lần này ông đã đi xa hơn, thay vì lên tiếng cảnh báo họa xâm lăng từ phương Bắc thì ông lại tỏ ra “quan ngại” đối với đồng bào ông, những kẻ mà ông gọi là “thế lực thù địch”.
Theo tin tức từ báo chí, sáng ngày 20 tháng 7 nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2019 và 10 cán bộ công đoàn nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất. Trong phát biểu chính thức ông Trọng cho biết: “Cần chú trọng giáo dục bản lĩnh chính trị, tăng cường sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.
Rõ ràng “thế lực thù địch” mà ông Trọng nhắc nhở ở đây không phải là Trung Quốc, vậy thì bản thân ông với tư cách cao vời vợi như thế phải gọi là thế lực gì?
Một vài người đã nhanh chóng tìm ra cụm thừ rất phù hợp với vai trò của ông và đồng đảng: “Thế lực thân địch”.
Vâng chỉ có thể là thân địch ông mới im hơi lặng tiếng trước họa diệt vong từ Trung Quốc. Ông thân địch vì chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp ông và đồng đảng giữ vững chiếc ghế bằng máu và nước mắt nhân dân đang chia sẻ cho ông và hàng triệu đảng viên. Thế lực của ông chống Trung Quốc bằng mồm mà lại yếu như tiếng cuốc kêu đêm hè, vật vã không phải vì yêu thương đất nước nhân dân mà lăn lộn vì tranh nhau miếng đỉnh chung từ một ngoại bang bất hảo.
Thế lực thân địch của ông ngày một lộ rõ tâm thế phản động và phản quốc. Trong khi tàu cảnh sát biển Việt Nam khó khăn tránh tàu địch nhiều lần lớn hơn tại khu vực bãi Tư Chính thì “thế lực thân địch” của ông trong bờ kéo nhau sang Trung Quốc hợp ca bài bán nước. Ngày 21/07/2019 tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, đã khai mạc hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”.
Tại lễ khai mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu đề dẫn với tiêu đề “Những vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc Hoàng Khôn Minh phát biểu đề dẫn với tiêu đề “Một số nhận thức về quy luật xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”.
Lý luận gì với kẻ thù vậy ông Thưởng? Phải chăng mớ lý luận hôi tanh mùi máu người của các chiến sĩ hải quân sắp đổ ra cho các ông nâng ly chúc mừng sự thành công tốt đẹp của quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, cụm từ mà ông Trọng trong tư cách Tiến sĩ xây dụng đảng đã công khai nhìn nhận là không thể tìm thấy, bản thân ông tuổi gì mà lượm nó lên, phủi sạch sẽ và tiếp tục mụ mị đảng viên của ông?
Các ông và “thế lực thân địch” của đảng các ông có xấu hỗ không khi đọc bản tin Mỹ đả kích Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam giữa tranh cãi về tàu khảo sát được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 20 tháng 7 năm 2019. Mỹ đã lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh” khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Thông cáo dài của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy một sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam trong một tranh cãi gay gắt với nước láng giềng và thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về vụ việc được nói là tàu Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Đành rằng Mỹ bảo vệ Biển Đông vì không thể để cho Trung Quốc làm mưa làm gió trên trướng quốc tế mới tỏ ra cứng rắn như vậy chứ không phải lo lắng gì cho Việt Nam. Bổn phận lo lắng thuộc về phần hành của các ông, những kẻ mang trên vai đủ thứ danh phận nhưng không có danh phận nào bảo vệ đất nước. Các ông và thế lực của các ông lo ngay ngáy bảo vệ đảng trước khi bảo vệ chủ quyền đất nước, vì vậy đã không ngần ngại tay trong tay kẻ thù của nhân dân làm điều sai quấy mà lịch sử trước sau gì cũng bạch hóa.
Là thế lực thân địch rõ rệt từ những cuộc truy hoan được mỹ lệ hóa là hợp tác, các ông đã ngang nhiên xem nhân dân là những con cờ bằng gỗ mặc sức gõ lên mặt chúng những trạng từ nhơ bẩn mà các ông đã học được từ Bắc Kinh. Các ông không còn một chút liêm sĩ vì vậy trong các trang lịch sử cõng rắn cắn gà nhà, bọn các ông tồi tệ chưa bao giờ từng thấy trước đó.
Lá bài hòa bình ổn định chẳng qua là gìn giữ tài sản mà các ông và cả thế lực của các ông kiếm chác được từ xương máu nhân dân chứ không phải là nhường nhịn Trung Quốc vì sợ hãi chiến tranh gây tổn hại cho đất nước. Đất nước này từng chinh chiến với phương Bắc và cũng từng đánh đuổi bọn chúng về Tàu. Các ông đã từ chối đưa bàn tay ra nắm lấy sợi dây thừng của Mỹ nhằm kéo đất nước ra khỏi tăm tối dưới bóng ma Trung Quốc bởi bản thân các ông chính là một trong những bóng ma của dân tộc chỉ khác là biết nói tiếng Việt mà thôi.
Nhảy múa trên đống chữ nghĩa mà đảng nặn óc viết ra bao nhiêu năm nay cũng không thể làm cho người dân quên chiếc tàu thăm dò địa chất tại bãi Tư Chính, nơi mà nguồn tài nguyên đang nuôi các ông lớn mạnh để bẻ lái con thuyển đất nước theo hướng thân địch. Cứ mỗi tiếng hụ thảng thốt, rách ruột của tàu cảnh sát biển Việt Nam nổi lên ngoài kia thì trong này nhân dân lại ý thức thêm về vai trò của các ông, và vì vậy không thể nghi ngờ gì nữa rằng các ông chẳng những đem con bỏ chợ mà còn đem con cho kẻ thù truy sát để trong bờ các ông cùng nhau hợp ca với nhau bài đồng ca hòa bình ổn định.
(*) cụm từ mới hết sức phù hợp đang lưu hành trên mạng xã hội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/enemy-sup-07232019102855.html
‘Nhân văn’ đến thế là… cùng!
Cách thức xử lý hai vụ gian lận thi cử, một ở Sơn La, một ở Hà Giang, vừa cho thấy tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hết sức nghiêm minh, vừa chứng tỏ nỗ lực… tự chỉnh đốn của đảng ta quả là phi phàm và… “nhân văn” đã vượt qua mọi giới hạn để dẫn dắt chúng ta đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt!
***
Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La vừa công bố cáo trạng liên quan tới vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông xảy ra hồi năm ngoái ở tỉnh này.
Theo đó, cơ quan thay mặt Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hành quyền công tố tại Sơn La, hoàn toàn nhất trí với công an tỉnh – cơ quan bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Sơn La – trong việc xác định tám bị can: Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La), Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – KT QLCLDG – Sở GDĐT Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó Phòng KT QLCLDG Sở GDĐT Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (Phó Phòng Chính trị – Tư tưởng Sở GDĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên Phòng KT QLCLDG Sở GDĐT Sơn La), Đặng Hữu Thủy (Hiệu phó trường THPT Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (sĩ quan Bảo vệ chính trị nội bộ – BV CTNB – Công an Sơn La), , Đỗ Khắc Hưng (sĩ quan BVCTNB, Công an Sơn La) – chỉ phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (1).
Cho dù có đủ bằng chứng xác định, các bị can câu kết chặt chẽ trong tất cả các khâu liên quan đến gian lận điểm thi của hơn 40 thí sinh, thậm chí có bốn bị can vừa thú nhận đã lấy cả tỉ đồng để sửa bài – nâng điểm cho thí sinh, vừa tự giác nộp lại cho cơ quan bảo vệ pháp luật những khoản tiền “do phạm tội mà có” nhưng cả Công an Sơn La lẫn Viện Kiểm sát Sơn La đều không cho rằng đó là “nhận hối lộ”. Cơ quan bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Sơn La và cơ quan giám sát hoạt động điều tra – thực thi pháp luật xã hội chủ nghĩa, thay mặt Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hành quyền công tố nhất trí với nhau rằng, lời khai – vật chứng (số tiền “do phạm tội mà có” đã được các bị can tự nguyện nộp lại) chỉ cho thấy có dấu hiệu của nhiều tội liên quan đến tham nhũng: “Môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”,… nhưng… không đủ “căn cứ truy tố” (2).
Sau khi Công an Sơn La khởi tố vụ án dính líu đến gian lận thi cử ở Sơn La hồi năm ngoái, 44 thí sinh từng được sửa bài thi nâng từ 2,22/30 điểm đến 26,55/30 điểm, có một số trường hợp, bài thi được sửa đến hai lần mới đạt yêu cầu theo… đơn đặt hàng (3), có một thí sinh chẳng hiểu vì sao rớt khỏi danh sách sửa bài – nâng điểm trong Kết luận Điều tra của Công an Sơn La và Cáo trạng của Viện Kiểm sát Sơn La. Số thí sinh dính líu đến scandal sửa bài – nâng điểm chỉ còn… 43! Có nghĩa là chỉ còn 43 gia đình thắc thỏm nhưng giờ, cha mẹ của 43 thí sinh này đã có thể thở phào vì không có bị can nào trở thành bị cáo vì “nhận hối lộ”. Đã không có bị cáo “nhận hối lộ” thì tất nhiên không có bị can “đưa hối lộ”, không cần kỷ luật cán bộ, đảng viên nào có con em, cháu chắt được sửa bài, nâng điểm!
Nhìn một cách tổng quát, các cơ quan bảo vệ – thực thi pháp luật tại Sơn La đã hành xử rất nhất quán với tiêu chí chung của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ở Hà Giang, tỉnh mà năm ngoái, có hơn 100 thí sinh được sửa bài – nâng điểm cũng thế. Cả Công an Hà Giang lẫn Viện Kiểm sát Hà Giang nhất trí không có bị can, bị cáo nào vụ lợi. Việc tổ chức sửa bài thi – nâng điểm thuần túy là… nhân đạo (4)! Giống như Sơn La, lúc đầu, Hà Giang xác định có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm nhưng khi Công an Hà Giang kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát hoàn tất cáo trạng thì chỉ còn 107 thí sinh có liên quan tới scandal này (5). Xét về khía cạnh… nhân đạo, Hà Giang không hề thua kém Sơn La.
Nếu Sơn La tha cho tám bị can – nay chính thức là bị cáo – tội “nhận hối lộ” thì Hà Giang cũng tỏ ra không hề thua kém trong đối xử với đồng đội, đồng chí. Cả Công an Hà Giang lẫn Viện Kiểm sát Hà Giang đã khai thác tối đa các “tình tiết giảm nhẹ” hình phạt cho năm bị cáo qua Kết luận Điều tra và qua Cáo trạng. Khi Công an Hà Giang, Viện Kiểm sát Hà Giang đã… nhân đạo như thế thì tất nhiên, các bị can – nay cũng đã chính thức trở thành bị cáo – phải hết sức kiên định trong việc nhất loạt khẳng định, chuyện câu kết để sửa bài, nâng điểm chỉ thuần túy là… giúp đỡ vô vụ lợi.
***
Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng đồng loạt bày tỏ ước muốn ứng xử… nhân văn, không công bố danh tính những thí sinh liên quan tới các scandal về gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái.
Giờ thì đã rõ, sự trăn trở ấy không đơn thuần là bảo đảm yếu tố… nhân văn đối với những đứa trẻ chập chững vào đời mà chủ yếu nhằm giúp cha mẹ chúng an vị, tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Cho đến giờ này, chỉ có một phụ huynh của 188 thí sinh ở Sơn La, Hà Giang, dính líu đến các scandal về gian lận thi cử bị xử lý là ông Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang). Nếu ông Khuông đừng là bị can, rồi là bị cáo, dính líu trực tiếp tới hoạt động sửa bài – nâng điểm ở Hà Giang, có lẽ sẽ chẳng có ai đả động đến việc truy cứu trách nhiệm của ông vì con của ông được sửa bài – nâng điểm. Ông sẽ tiếp tục cùng với 117 phụ huynh khác “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng đảng thực hiện… tự chỉnh đốn, thề không chừa chỗ nào là vùng cấm cho tham nhũng, tiêu cực để xây dựng tại Việt Nam một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”…
Chú thích
(3) https://tuoitre.vn/gian-lan-diem-thi-o-son-la-muon-diem-nao-duoc-diem-do-20190526145732349.htm
https://www.voatiengviet.com/a/son-la-ha-giang-gian-lan-diem-thi/5010382.html