Tin Việt Nam – 23/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/07/2018

Việt Nam: Bão Sơn Tinh gây thiệt hại lớn

Ít nhất 32 người chết và mất tích cùng có nhiều thiệt hại vật chất vì cơn bão Sơn Tinh tại nhiều tỉnh thành.

Truyền thông trong nước cho hay 17 người khác bị thương.

Ngoài thương vong về người, có hơn 200 ngôi nhà bị sập và gần 10 ngàn căn bị ngập.

Các tỉnh chịu lũ lớn gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam định, Hòa bình và Yên Bái.

Bão Sơn Tinh, còn gọi là cơn bão số 3, làm nhiều tỉnh thành chịu thiệt hại nặng về lúa, hoa màu, chăn nuôi và thuỷ sản.

Khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng) có diện tích bị ngập úng là khoảng 60 ngàn ha lúa.

Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có diện tích ngập úng là 50 ngàn ha lúa, trong đó có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình cũng bị ngập úng lúa và hoa màu khoảng 3000 ha.

Truyền thông nhà nước đưa tin trong những ngày tới tình hình mưa lũ còn phức tạp bởi trên Biển Đông đang có nguy cơ áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.

“Tại khu vực Bắc Bộ vào ngày 24/07 sẽ có mưa diện rộng và có khả năng gây ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi phía bắc,” theo TTXVN.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44920643

Đồng Nai khởi tố 20 người biểu tình

Cũng liên quan đến việc xét xử các đối tượng được cho là kích động người dân tham gia cuộc biểu tình lớn trên cả nước diễn ra hôm ngày 10 tháng 6.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố 20 người về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng đưa ra, vào ngày 10 tháng 6 hàng trăm người dân đã xuống đường mang theo khẩu hiệu với nội dung phản đối hai dự luật Đặc Khu và An Ninh mạng.

Cơ quan chức năng tỉnh này đã bắt tạm giam 52 người và theo truyền thông trong nước thì sau quá trình điều tra và sàng lọc cơ quan điều tra chuyển hồ sơ qua Viện kiếm sát nhân dân thành phố Biên Hòa đề nghị truy tố 20 người bị cho là ‘gây rối trật tự nơi công cộng’.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-nai-prosecutes-20-persons-for-disturbing-order-07232018101444.html

 

Thêm 10 người biểu tình ở Bình Thuận bị án tù

Tòa án Nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vào ngày 23 tháng 7 vừa tuyên án phạt đối với 10 người bị cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh mạng diễn ra hôm 10 và 11 tháng 6 tại Phan Rí Cửa. Tổng mức hình phạt lên tới 27 năm tù.

Tin cho biết Hội đồng xét xử huyện Tuy Phong tuyên phạt các anh Phạm Sang và Đỗ Văn Ngọc 3 năm 6 tháng tù, Ngô Văn Đạt và Nguyễn Chương 3 năm tù, Ngô Đức Duyên, Phạm Thanh Nam, Nguyễn Ngọc Sang và Lê Văn Liêm 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Mẹo và Nguyễn Minh Kha 2 năm tù giam.

Phan Rí Cửa, Bình Thuận là một trong nhiều tỉnh thành ở Việt Nam diễn ra cuộc tổng biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và An Ninh Mạng vào Chủ nhật 10-6 vừa qua.

Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ cơ quan chức năng rằng vào sáng ngày 10/6 người dân tại Tuy Phong, Bình Thuận đã tràn ra đường ngăn chận xe cộ để phản đối dự luật đặc khu mà Quốc hội Khóa 14 đưa ra vào đầu kỳ họp thứ năm đang diễn ra ở Hà Nội.

Đến tối 10/6, hàng trăm người dân đã tràn vào trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh tại thành phố Phan Thiết, dùng bom xăng phóng hỏa và đập phá. Ngoài ra có nhiều xe hơi và xe gắn máy bị đốt cháy. Công an đã dùng vòi rồng để giải tán đám đông nhưng không thành. Đến rạng sáng ngày 11/6 công an phải tăng cường lực lượng để giải tán đám đông.

Vào ngày 12 tháng 7 vừa qua, có 7 người trong số tham gia biểu tình tại Bình Thuận vào hai ngày 10 và 11 tháng 6 bị tòa tuyên án từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ten-more-jailed-for-violence-protest-07232018100945.html

 

Tình hình tù chính trị Nguyễn Văn Oai

Hôm 23 tháng 7, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai đi thăm chồng ở Đội 3, phân trại số 4, trại giam Gia Trung, Huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Trả lời RFA vào chiều tối ngày 23/7, cô Linh Châu cho biết về buổi thăm gặp chồng mình:

“Cuộc sống anh Oai hiện tại trong đó cũng tạm ổn, nhưng không biết tương lai sắp tới thế nào. ảnh bảo là phải mạnh mẽ, đi thăm anh Oai hàng tháng để biết tình hình của ảnh.”

Theo lời cô Linh Châu, tuy những vật phẩm cô mang vào cho chồng mình đều bị kiểm tra rất kỹ, tuy nhiên, tất cả đều được trao tận tay cho ông Nguyễn Văn Oai.

Tháng Giêng 2018, ông Nguyễn Văn Oai bị Tòa Phúc Thẩm y án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế với các cáo buộc vi phạm lệnh quản chế và chống người thi hành công vụ.  Lúc đầu ông bị giam giữ tại trại giam Công An tỉnh Nghệ An. Sau đó bị chuyển đến Đội 3, phân trại số 4, trại giam Gia Trung, Huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai là một người trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt vào năm 2011 và bị đưa ra tòa xét xử vào năm 2013 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Hiện tại trại Gia Trung còn có mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn, một thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, bị kết án 12 năm tù trong vụ án ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cùng cô Lê Thu Hà và 4 nhà hoạt động ở cả ba miền Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Update-political-nguyen-van-oai-07232018083410.html

 

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng

dự kiến bị xử vào ngày 30/7

Ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động nhân quyền, sẽ bị đưa ra toà xét xử vào ngày 30/7 tới đây sau hơn 1 năm bị bắt giữ và khởi tố với cáo buộc có hành vi “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự cũ.

Trang facebook Nguyễn Xoan, con dâu của ông Lê Đình Lượng loan tin này hôm 22/7 và kêu gọi mọi người quan tâm cầu nguyện cho ông Lượng.

Vào chiều tối thứ Hai, 23/7, RFA liên lạc với cô  Nguyễn Xoan, con dâu của ông Lê Đình Lượng, được cô cho biết gia đình cô sẽ đến tham dự phiên toà vào ngày 30/7 sắp đến, nhưng cô đang lo lắng sẽ bị an ninh ngăn chặn không cho vào như các phiên toà xử người bất đồng chính kiến khác.

Cô Nguyễn Xoan cho biết:

“Bây giờ nếu mong muốn phiên toà công bằng thì không có nữa, cái án đã chuẩn bị sẵn rồi. Tôi chỉ mong muốn sao họ xử bố nhưng sẽ cho gia đình tham dự.”

Cũng theo lời cô Xoan, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Lê Đình Lượng có 1 cuộc gặp với ông Lượng vào chiều 23 tháng 7.

Khi chúng tôi loan tin này, cô Nguyễn Xoan chưa liên lạc được với luật sư Hà Huy Sơn để có thông tin về cuộc gặp.

Trang facebook Nguyễn Xoan cũng đồng thời đăng toàn bộ đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng ký ngày 20/7/2018 gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam, Uỷ ban Công lý Hoà bình thuộc HĐGM Việt Nam, cộng đồng người Công giáo, và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Theo đơn kêu cứu, ông Lê Đình Lượng, sinh năm 1956, là giáo dân giáo xứ Vĩnh Hoà, giáo hạt Kẻ Dừa, giáo phận Vinh. Ông là một giáo dân tốt, chưa từng vi phạm giáo luật và pháp luật. Theo bà Quý, việc cáo buộc chồng bà vi phạm điều 79 là vô căn cứ và vi phạm nhân quyền vì ông từng biểu tình và ký tên vào thỉnh nguyện thư dừng khai thác Bô xit ở Tây Nguyên năm 2008, tham gia đấu tranh cùng bà con đòi công ty Formosa phải bồi thường cho nạn nhân các tỉnh miền trung sau khi gây ô nhiễm vùng biển này hồi năm 2016. Ông đồng thời cũng là một dân oan bị BND xã Hợp Thành lạm thu thuế, phí nông nghiệp nhiều năm nên ông đã cùng người dân trong xã chống lại bất công, đòi UBND xã phải thực hiện đúng pháp luật.

Ông Lượng bị bắt một cách bất ngờ như hình thức bắt cóc vào ngày 24/7/2017 khi đang đi xe máy trên đường về sau khi thăm gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ở giáo xứ Yên Hoà, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên công an đã không cho gia đình biết về việc ông Lượng bị đánh đập và bắt cóc cho đến 2 tháng sau đó mới gửi lệnh bắt khẩn cấp.

Kể từ khi bị bắt cho đến nay, ông Lượng không được gặp gia đình mặc dù gia đình ông đã nhiều lần làm đơn xin. Bà Quý lo lắng cho sức khoẻ của chồng mình vì ông Lượng mang nhiều trọng bệnh như bệnh gút, thoái hoá cột sống và đau dạ dày, cần được thăm nuôi.

Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, năm 2017 là năm Việt Nam gia tăng đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Trong năm 2017, công an đã bắt giữ ít nhất là 21 người với các tội danh “an ninh quốc gia” có phạm vi áp dụng quá rộng và thường được áp dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán chính phủ và các hoạt động ôn hoà.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Le-dinh-luong-to-be-tried-on-july-30-07232018082748.html

 

Human Rights Watch tố cáo

CSVN làm ngơ các đề nghị về nhân quyền

Tổ chức Human Rights Watch thông báo, họ vừa nộp cho Liên Hiệp Quốc những đề nghị về nhân quyền Việt Nam trước cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR của Hội Đồng Nhân Quyền.

Việt Nam sẽ phải xuất hiện trước UPR vào tháng 1 năm 2019 tới đây. Trong UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182 trong số 227 đề nghị của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Human Rights Watch tố cáo rằng, kể từ đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã không làm được bao nhiêu để hoàn thành cam kết của mình, và trong một số trường hợp còn khiến cho tình hình tồi tệ hơn.

Trong thông cáo trên mạng hôm 23 tháng 7, Human Rights Watch cho biết trong UPR năm 2014, Việt Nam chấp nhận những đề nghị về sửa đổi các điều khoản liên quan tới an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự để bảo đảm phù hợp với luật quốc tế. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm 2017, quốc hội CSVN thông qua bộ luật hình sự sửa đổi gia tăng phạm vi trừng phạt các blogger và nhà hoạt động nhân quyền và những người hỗ trợ họ. Có những điều khoản mới hình sự hóa điều gọi là “chuẩn bị vi phạm” những tội hình sự đã có trước đó.

Năm 2014, Việt Nam cũng chấp nhận những đề nghị bảo đảm tự do báo chí và Internet. Nhưng hồi tháng 6 vừa qua, quốc hội CSVN thông qua luật an ninh mạng quá bao trùm và mơ hồ, sẽ hạn chế gắt gao tự do biểu đạt trên Internet. Các quyền tự do tụ tập và lập hội cũng bị tấn công. Các nhà hoạt động cho quyền của người lao động bị tuyên án nhiều năm tù, hoặc tư gia của họ bị côn đồ bịt mặt tấn công.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, nhận định Việt Nam có một lịch sử dài về chà đạp quyền con người, trong khi đưa ra những lý do yếu ớt rằng họ đang duy trì pháp quyền. Ông Robertson cho rằng, các quốc gia thuộc Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nay đã có đầy đủ bằng chứng, và họ cần phải áp lực Việt Nam chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/human-rights-watch-to-cao-csvn-lam-ngo-cac-de-nghi-ve-nhan-quyen/

 

Việt Nam

cần cải thiện thành tích nhân quyền tồi tệ

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch vào ngày 23 tháng 7 ra thông cáo cho biết trong bản khuyến nghị gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị và thực thi cam kết tôn trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản.

Việt Nam sẽ đáo hạn phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc vào tháng Giêng năm 2019.

Trong đợt UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 trên 227 nội dung khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, sửa đổi những điều luật về an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự cho phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, tháng Sáu năm 2017, Việt Nam lại thông qua một bộ luật hình sự sửa đổi có nội dung nới rộng hơn nữa trách nhiệm hình sự của các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền. Trong đó có các điều khoản mới hình sự hóa các hành vi chuẩn bị phạm tội mà không xác định cụ thể.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói rằng “Việt Nam dường như đang thi đua để giành danh hiệu một trong những chính quyền hà khắc nhất châu Á”.

Ông Robertson lập luận rằng thay vì hủy bỏ hay cải tổ nhiều quy định pháp luật vi phạm nhân quyền cho phù hợp với các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam đã làm điều ngược lại và làm lơ quy trình đánh giá của Liên Hiệp Quốc.

Cũng vào năm 2014, Việt Nam chấp thuận các khuyến nghị về bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do Internet, nhưng Tháng Sáu năm nay, Việt Nam đã thông qua một bộ luật an ninh mạng có nội dung cản trở nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt trên mạng internet.

Các quyền tự do nhóm họp và lập hội cũng bị cản trở nghiêm trọng. Các nhà hoạt động độc lập vì quyền lợi của công nhân như Hoàng Đức Bình và Trương Minh Đức đã bị xử các mức án tù nặng nề. Những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công tư gia của nhà vận động cho quyền lợi người lao động và cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh mà công an không hề can thiệp. Công an thường xuyên sử dụng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình đông người.

Tháng 6/2018, anh William Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ, bị bắt khi tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 20/7/2018, tòa án ra lệnh trục xuất anh khỏi Việt Nam ngay lập tức  trong một phiên tòa chỉ diễn ra vẻn vẹn vài giờ đồng hồ.

Trong tờ trình gửi tới UPR, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đưa ra các khuyến nghị cụ thể với Việt Nam về việc trả tự do cho tù nhân chính trị và tiến hành cải tổ pháp luật nhằm đảm bảo các quyền tự do biểu đạt, thông tin, lập hội, nhóm họp và tôn giáo, và chấm dứt tình trạng bạo hành của công an.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-clean-up-abysmal-rights-record-07232018082339.html

 

Người Mỹ gốc Việt vận động Quốc hội Mỹ

giúp người Thượng

Bà Grace Bùi, đại diện Dự án Hỗ trợ người Thượng tại Thái Lan, cho VOA Việt ngữ biết rằng bà đang vận động dân biểu Mỹ Chris Smith, và thông qua ông, kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ việc tái định cư cho hơn 400 người Thượng Việt Nam đang xin tị nạn tại Thái Lan.

Ông Chris Smith biết rất nhiều về vấn đề tị nạn và nhân quyền ở Việt Nam. Do đó khi đề cập đến người Montargnards [người Thượng] thì ông hiểu ngay câu chuyện. Ông sẵn sàng chung tay làm việc với chúng tôi để giúp đưa những người Montargnards.

Bà Grace Bùi.

Nữ công dân Mỹ gốc Việt cho biết bà vừa có cuộc gặp với Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng hòa, đại diên bang New Jersey, tại thủ đô Washington DC:

“Ông Chris Smith biết rất nhiều về vấn đề tị nạn và nhân quyền ở Việt Nam. Do đó khi đề cập đến người Montargnards [người Thượng] thì ông hiểu ngay câu chuyện. Ông sẵn sàng chung tay làm việc với chúng tôi để giúp đưa những người Montargnards – nói chuyện với Cơ quan Hải quan và Di trú Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ để thực hiện một chương trình nào đó để bão lãnh những người Thượng đang ở Thái Lan sang bên này.”

Bà Grace nói ông Smith hứa sẽ viết một lá thư và mời các nghị sĩ khác “nhập cuộc,” mặc dù bà không biết kết quả sẽ đến đâu do chính quyền của Tổng thống Donald Trump có chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn, nhưng cho biết rằng ít nhất đây là “một bước nhảy vọt và ngoài sự tưởng tượng” của bà.

Bà nói thêm:

“Thật sự cho có gì đảm bảo hết, nhưng theo tôi, đầy là bước đầu tiên đi xa nhất từ trước đến nay đối với những người Thượng ở Thái Lan. Trước đây cũng có người đã cố gắng làm nhưng chưa có gì tiến xa. Khi tôi đến Thái Lan khoảng 4 năm về trước thì người Thượng đã có ở đó nhưng không ai để ý đến họ. Tôi bắt đầu giúp họ về vấn đề tài chính, luật pháp, nhân quyền. Tôi vẫn chưa thấy có tổ chức nào đứng ra để vận động tranh đấu cho họ để họ có thể đến một nước thứ ba.”

Trong Dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Act) có số đăng bộ là HR. 5621, được Dân Biểu Chris Smith giới thiệu tại Hạ Viện ngày 26/4 năm nay, vấn đề người Thượng bị sách nhiễu được lưu ý.

Dự luật nói: “ Từ năm 2016 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn tăng cường nỗ lực để buộc người Thượng và Hmong theo đạo Tin Lành từ bỏ đức tin, tịch thu đất đai, tài sản thuộc các cộng đồng tôn giáo độc lập.”

Từ năm 2016 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn tăng cường nỗ lực để buộc người Thượng và Hmong theo đạo Tin Lành từ bỏ đức tin, tịch thu đất đai, tài sản thuộc các cộng đồng tôn giáo độc lập.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR. 5621.

Nhà hoạt động hỗ trợ cho các gia đình Thượng tại Bangkok cho biết thêm:

“Hiện nay có khoảng 400 người, thuộc 150 hộ gia đình, và vừa có thêm từ 7 đến 10 người vừa mới tới. Khi chúng tôi phát gạo cho họ thì biết rằng số người ngày càng cao, cuộc sống rất cực khổ, không thể xin được việc làm, không có tiền. Về phần chúng tôi, mỗi tháng chúng tôi chỉ có thể cho mỗi gia đình một bao gạo.”

Trong bản phúc trình dài 25 trang được Tổ chức Nhân quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận động Bãi bỏ Tra tấn tại Việt Nam (CAT-VN) công bố vào tháng 5 năm nay, Cơ quan chức năng Việt Nam bị cáo buộc “tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Tin lành người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên – Montagnards”, và “nhiều người phải trốn chạy sang Campuchia và Thái Lan để tìm quy chế tị nạn”.

Theo phúc trình về tự do tôn giáo ở Việt Nam được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố cuối tháng Năm vừa qua, Hà Nội “có bước tiến về luật thực thi quyền tự do tôn giáo nhưng chính quyền lại tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo có ý kiến trái chiều, nhất là các nhóm Công giáo chỉ trích chính quyền”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng phản bác, và nói rằng phúc trình của Mỹ đưa thông tin “không khách quan” cũng như trích dẫn “thông tin sai lệch”.

Vào năm ngoái, Al Jazeera cho biết tại Bangkok có một cộng đồng khoảng150 gia đình người Thượng “vô tổ quốc,” sống trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.

Trang này nói đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành, chạy trốn khỏi khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, do “bị trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện”.

Tin cho hay, một số gia đình đang chờ đợi cuộc phỏng vấn với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, với hy vọng được công nhận là người tị nạn và tái định cư ở nước thứ ba, nhưng do không có giấy tờ, họ luôn sợ khả năng sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và rốt cuộc có thể bị trả về Việt Nam bất cứ lúc nào.

Những người Thượng được báo chí quốc tế phỏng vấn nói rằng họ biết Thái Lan không công nhận người tị nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được việc họ tìm đường đến đây vì “dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà.”

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-goc-viet-van-dong-quoc-hoi-my-giup-nguoi-thuong/4494759.html

 

Ông Trương Minh Tuấn ‘tạm’ mất chức bộ trưởng

Sáng 23/7, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn, theo hãng tin Reuters.

Truyền thông trong nước cho biết, quyết định nêu lý do ông Tuấn “có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng” hôm 16/7.

Tuy nhiên, theo VnExpress, ông Tuấn vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Phó ban Tuyên giáo Trung ương.

Các nhà báo độc lập và các blogger cho VOA biết họ rất “phấn khởi” trước việc người đứng đầu ngành truyền thông – báo chí “lề phải” mất chức, dù rằng đến nay mới “hạ bệ” ông Tuấn là “hơi muộn.”

Nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng nói với VOA rằng ông đã dự báo được việc ông Tuấn bị mất chức bộ trưởng:

“Đây là điều không nằm ngoài dự báo của giới thạo tin ở Việt Nam, nhưng khi có quyết định như thế thì mọi người rất vui mừng. Ông có thể được gọi là thủ lĩnh trên mặt trận thông tin – truyền thông.

Ông có nhiều ‘nợ máu’ với các nhà báo độc lập, và những người cổ xúy cho tự do ngôn luận, nhân quyền

Nhà báo Nguyễn Lân Thắng nhận định về ông Trương Minh Tuấn

. Ông từng đưa ra các chủ trương và các phát ngôn làm tiền đề cho cả một hệ thống chính trị để rồi họ trù dập, bắt bớ, bỏ tù, …bị ông và cả hệ thống đàn áp.”

Trước đó ngày 12/7, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.

Việc kỷ luật này được báo chí trong nước nói là có liên quan đến dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.

Theo nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy thì ông Tuấn “cần phải ra tòa” vì đã “vi phạm hình sự”, chứ không nên “dừng lại việc bị mất chức hay kỷ luật”.

“Với tội của ông này thì tôi muốn ông ra tòa. Đã vi phạm hình sự thì phải ra tòa chứ. Cần phải tiếp tục truy tố hình sự ông ấy, chứ kỷ luật, cho nghỉ như vậy thì quá đơn giản.”

Với tội của ông này thì tôi muốn ông ra tòa. Đã vi phạm hình sự thì phải ra tòa chứ. Cần phải tiếp tục truy tố hình sự ông ấy, chứ kỷ luật, cho nghỉ như vậy thì quá đơn giản.

Ông Nguyễn Tường Thụy

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Tuấn để hỏi phản ứng của ông liên quan tới quyết định của Chủ tịch Quang cũng như các bình luận của ông Thắng và ông Thụy.

Cũng hôm 23/7, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa nhận được quyết định của Ban bí thư về việc chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, thay cho ông Trương Minh Tuấn vừa phải thôi chức vụ này, theo VTC.

Báo Dân Việt dẫn lời các chuyên gia trong nước nói ông Hùng, “linh hồn” của Viettel, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên được nhận quyết định của Bộ Chính trị chỉ định trở thành Ủy viên Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015- 2020, là “hiện tượng” nổi bật của lịch sử.

Theo ông Nguyễn Lân Thắng, việc ra đi của ông Tuấn không phải do ông làm đúng hay sai, mà do “hệ thống đã định đoạt.”

“Việc ông Tuấn một thời một tay che mặt trời trên bầu trời truyền thông Việt Nam mà nay ông mất chức thì đó cũng là một điều rất hay để những người khác trong hệ thống công quyền Việt Nam nhìn vào và nhận biết rằng thật ra họ cũng chỉ là một công cụ trong tay ai đó thôi. Một khi họ không còn nằm trong hệ thống được bảo kê thì chắc chắn là số phận của họ cũng sẽ bị định đoạt không phải do họ làm đúng hay làm sai,” Facebooker này nói thêm.

Một khi họ không còn nằm trong hệ thống được bảo kê thì chắc chắn là số phận của họ cũng sẽ bị định đoạt không phải do họ làm đúng hay làm sai.

Blogger Nguyễn Lân Thắng.

“Chắc chắn một điều rằng khi ông Trương Minh Tuấn bị đem ra xử thì chắn rằng sẽ có mâu thuẫn nội bộ ở tầm cao hơn rất nhiều trong Bộ Chính trị.”

Theo truyền thông trong nước, Bộ Chính trị đánh giá những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn là “rất nghiêm trọng,” và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với ông Tuấn.

Ông Trương Minh Tuấn, 58 tuổi, được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông vào năm 2016. Trước đó, ông từng đảm nhận chức Thứ trưởng của bộ này từ năm 2014 dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-truong-minh-tuan-tam-mat-chuc-bo-truong/4494613.html

 

Tướng Nguyễn Mạnh Hùng

về Bộ Thông tin – Truyền thông

Tin này được báo chí Việt Nam tường thuật hôm 23/7, cùng ngay khi chính phủ Việt Nam thông báo ông Trương Minh Tuấn bị tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước đó, ngày 12/7, ông Tuấn đã chính thức bị buộc thôi chức Bí thư Ban cán sự Đảng của Bộ này.

Trang VTC News và báo Pháp luật TPHCM nói Ban Bí thư đã chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Hùng vẫn chưa chính thức nhận nhiệm vụ tại Bộ, nhưng các nguồn tin đánh giá nhiều khả năng ông sẽ là tân bộ trưởng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, theo sau đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 23/7 đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.

Hôm 12/7, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản kết luận ông Trương Minh Tuấn, khi còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin, phải chịu trách nhiệm trong vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.

Bộ trưởng thời kỳ 2011-2016, Nguyễn Bắc Son, bị Bộ Chính trị kết luận “chịu trách nhiệm chính” về các sai phạm.

Ông Trương Minh Tuấn bị Bộ Chính trị cảnh cáo, buộc thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Người của quân đội

Mới hồi tháng 6/2018, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1962 ở Bắc Ninh, được Thường vụ Quân ủy Trung ương bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Viettel khi ông đang là Phó Tổng giám đốc Viettel năm 2014.

Ông tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sỹ viễn thông ở Australia, thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông là một trong những người đầu tiên làm việc ở Viettel khi công ty này thành lập năm 1989.

Năm 2000, ông lên chức Phó Giám đốc Công ty Viettel và đến năm 2010 lên làm Phó tổng giám đốc Viettel.

Sang năm 2014, ông lên làm Tổng Giám đốc Viettel thay ông Hoàng Anh Xuân.

Ông cũng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 12 và ủy viên Quân ủy Trung ương của ĐCSVN.

Viettel là một trong số ít đại công ty của Việt Nam bành trướng ra quốc tế.

Hồi tháng 4/2018, Viettel cho biết liên doanh này đã sẵn sàng tung ra các dịch vụ tại Myanmar.

Theo thông tin từ Viettel thì họ nắm giữ 49% cổ phần trong liên doanh, Star High sở hữu 28% và Công ty TNHH Viễn thông Quốc gia Myanmar nắm 23%.

Theo điều lệ mới nhất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44865739

 

VietnamNet bị phạt vì đăng tin Chủ tịch Trần Đại Quang ‘đồng ý Luật Biểu Tình’

Báo điện tử VietNamNet vừa bị phạt vì đăng tin dẫn lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang ‘đồng ý Luật Biểu Tình’. Tin này bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là sai sự thật.

Ông Lưu Ðình Phúc, Cục trưởng Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm 20 tháng 7 cho truyền thông biết Cục báo chí đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Báo điện tử VietNamNet vì đã thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết dẫn lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ông Phúc cho biết, với sai phạm này, Báo điện tử VietNamNet bị xử phạt số tiền 50 triệu đồng và buộc phải cải chính, xin lỗi đối với thông tin sai sự thật.

Cụ thể theo quyết định xử phạt, Báo điện tử VietNamNet vào ngày 19 tháng 6 năm 2018 đã đăng tải bài “Chủ tịch nước: Sẽ báo cáo Quốc hội về Luật Biểu tình”, trong đó có đoạn viết: “Trước kiến nghị của cử tri về Luật Biểu tình, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đồng ý rằng cần Luật Biểu tình và sẽ báo cáo Quốc hội về nội dung này.”

Tuy nhiên theo Cục báo chí, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu câu nói vừa nêu.

Cùng ngày có quyết định xử phạt, báo VietnamNet cũng đã đăng bài cải chính, xin lỗi vì đã đưa tin bị cho là sai sự thật.

Trước đó, hôm 16 tháng 7 năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng, buộc phải xin lỗi và cải chính thông tin bị cho là sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tuổi trẻ Online thông tin sai sự thật trong bài viết có tựa ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ hôm 26 tháng 5 năm 2017.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-nam-penalized-vietnamnet-news-07232018073730.html

 

Vụ Tuổi Trẻ Online:

‘Phải nới rộng không gian quản lý báo chí’

Ý kiến chính trong Bàn tròn của BBC Tiếng Việt là “báo Tuổi Trẻ Online không đáng bị đình bản” và “phải nới rộng không gian quản lý báo chí”.

Bàn Tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 19/7 có chủ đề “Xung quanh vụ đình bản Tuổi Trẻ Online” đưa ra những ý kiến dự báo hệ lụy của việc này và thách thức mà người làm báo ở Việt Nam đang phải đối mặt.

Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online

Nhà nước nên xem lại việc đình bản Tuổi Trẻ Online

Vì sao Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng?

Kinh nghiệm ’50 năm làm báo hai lề’

Bà Bích Vi, tác giả cuốn sách Nửa Thế Kỷ Làm Báo, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ đang sống ở Mỹ, nói với Ben Ngô, người dẫn chương trình: “Tôi thấy đây là lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ bị một cú nặng nề như vậy.”

“Dư luận làng báo hải ngoại thì thấy các sai phạm bị nêu của báo báo Tuổi Trẻ không đáng để bản online của tờ báo này bị không đáng bị đình bản.”

“Qua vụ này, người ta đặt câu hỏi là phải chăng đã đến giai đoạn chính quyền siết chặt gọng kiềm kiểm duyệt?”

Nếu một vị tổng biên tập đặt quyền của nghề báo xuống dưới mệnh lệnh của Đảng, thì không có danh nghĩa chính đáng của người làm báo.nhà báo Bích Vi

“Lâu nay người ta vẫn nói báo chí Việt Nam là cơ quan tuyên truyền, phải nói theo ý Đảng.”

“Vụ đình bản Tuổi Trẻ Online cho thấy rõ báo chí bị coi là công cụ tuyên truyền. Anh nói được, đúng ý tôi thì tôi cho anh nói. Còn không thì ngược lại.”

“Thực ra, nếu một quan chức bị dẫn sai phát ngôn trên báo thì chỉ cần xin lỗi, đính chính thì tờ báo ấy đã muối mặt rồi, đâu nhất thiết phải bị đình bản ba tháng?”

Ông Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, nhận định: “Việc đình bản Tuổi Trẻ Online như thế là không đáng có trong bối cảnh báo chí đang nỗ lực cùng xã hội xây dựng khung cảnh pháp quyền hiện thực hơn trong đời sống.”

Cựu tổng biên tập nói: “Thực ra, mọi thứ ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực quản lý báo chí, mọi thứ rất mập mờ.”

“Quyết định đình bản Tuổi Trẻ Online còn tương đối rõ ràng, dù rằng văn bản này gây tranh luận về những sai phạm và cách thức xử lý.”

“Tuy nhiên, quyết định đóng cửa báo Sài Gòn Tiếp Thị bốn năm trước còn mập mờ hơn nhiều.”

“Điều này phản ánh thực tế rằng sự tồn tại hay không tồn tại của một bài báo hoặc tờ báo phụ thuộc vào ý muốn của một vị lãnh đạo nào đó, chứ chẳng phải của thiết chế nào.”

‘Ngậm ngùi’ trong Ngày Tự do Báo chí

Blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự do Báo chí Quốc tế 2018

Ông Tâm Chánh lý giải tại sao báo Tuổi Trẻ không khiếu kiện quyết định của Cục Báo chí-Bộ Thông tin-Truyền thông theo tư vấn của các luật sư: “Ở Việt Nam trong lĩnh vực báo chí thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng rất chặt chẽ.”

“Một tổng biên tập là cán bộ do Thành ủy quản lý thì rất khó có phản ứng khác.”

“Dù rằng tôi nghĩ rằng trong không gian pháp luật hiện nay, báo Tuổi Trẻ vẫn chưa sử dụng hết để đảm bảo lợi ích của bạn đọc, cũng như quyền làm nghề của phóng viên.”

“Đó mới là điều quan trọng hơn là thu nhập và đời sống của người làm báo bị ảnh hưởng do việc tờ báo bị đình bản.”

Báo chí ‘đứng ngoài dòng thời sự’

Bà Bích Vi bình luận thêm về tình hình báo chí ở Việt Nam: “Tôi thấy rằng thời gian vừa qua, dư luận hải ngoại đau lòng về chuyện báo chí ở Việt Nam không nhắc đến quyền biểu tình của người dân.”

“Người dân chỉ có quyền biểu tình để nói lên chính kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng.”

“Báo chí không nói về điều đó, đứng ngoài dòng thời sự. Nếu một vị tổng biên tập đặt quyền của nghề báo xuống dưới mệnh lệnh của Đảng, thì không có danh nghĩa chính đáng của người làm báo.”

“Nếu báo chí ở Việt Nam mà không mạnh dạn tranh đấu cho quyền làm nghề của mình thì không nói gì được về ý nguyện của người dân.”

“Nếu Đảng nói gì các báo cũng nói theo thì đâu còn là làm báo nữa”.

Trong lúc luật Đặc khu gây tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, báo chí thời gian vừa qua lại từ bỏ bớt vai trò là diễn đàn ngôn luận của người dân.nhà báo Tâm Chánh

Nhà báo Tâm Chánh cho biết góc nhìn của ông: “Trong lúc luật Đặc khu gây tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, báo chí thời gian vừa qua lại từ bỏ bớt vai trò là diễn đàn ngôn luận của người dân.”

“Đó là điều rất đáng tiếc. Những người làm báo tha thiết với sự phát triển của xã hội, đất nước đều thấy thực tế như vậy.”

“Lẽ ra, ở những thời điểm thế này, các nhà báo phải làm tốt vai trò là diễn đàn ngôn luận.”

“Tôi cho rằng nếu chính quyền hạn chế ngôn luận của báo chí thì không đúng và chỉ gây thiệt hại cho xã hội mà thôi.”

Nhà báo Bích Vi dự báo: “Từ vụ báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản bởi một lý do không đáng sẽ mở ra một chương mới tồi tệ cho hoạt động tác nghiệp báo chí ở Việt Nam.”

“Đó là nguy cơ báo chí không còn là cơ quan ngôn luận, thể hiện tiếng nói của người dân.”

Ông Tâm Chánh nói thêm: “Vấn đề đáng nói sau vụ này là phải nới rộng không gian quản lý báo chí tốt hơn cho tất cả các tòa soạn, trong đó có báo Tuổi Trẻ.”

“Không hẳn là đấu tranh cho điều gì ghê gớm lắm, mà là đòi hỏi khuôn khổ quản lý rạch ròi.”

“Quan hệ giữa một phóng viên và chủ tịch nước cũng là quan hệ dân sự.”

“Nếu việc đưa một thông tin trên mặt báo có thể sai thì vẫn có trình tự khác để giải quyết việc đó tốt đẹp hơn mà vẫn thượng tôn được pháp quyền.”

“Tôi nghĩ đã đến lúc cả lãnh đạo các tòa soạn lẫn nhà quản lý báo chí dần dần thu xếp mọi việc trong khuôn khổ pháp luật.”

“Chính cái thói quen, định kiến coi báo chí là công cụ cần phải thay đổi, chứ không còn ở câu chuyện một tờ báo bị đình bản hay không.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44914842

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường

kiểm tra Nhiệt điện Vĩnh Tân I

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa quyết định thành lập một đoàn kiểm tra đến Nhiệt điện Vĩnh Tân I ở tỉnh Bình Thuận sau khi một đoạn video trên mạng chiếu cột khói đen thoát ra từ nhà máy này gây xôn xao dư luận vào hồi cuối tuần qua. Báo Dân Trí loan tin này hôm 23/7.

Đoàn kiểm tra được cho biết bao gồm ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường làm trưởng đoàn cùng với 17 thành viên khác là các giảng viên, chuyên gia, cán bộ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện các bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, pòng cảnh sát chống tội phạm về môi trường, và đại diện UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, vào sáng ngày 22/7, một đoàn công tác liên ngành gồm các đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, UBND huyện Tuy phong và các đơn vị liên quan cũng đã đến kiểm tra nhà máy điện Vĩnh Tân I. Tuy nhiên kết quả kiểm tra đến lúc này vẫn chưa được thông báo.

Ngày 20/7 vừa qua một đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy một cột khói đen bốc cao hàng chục mét phát xuất từ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân I. Nhiều nghi vẫn được đưa ra cho rằng khói là do cháy, nhất là sau khi nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gần đó để lộ bãi tro xỉ tồn đọng gần 4 triệu mét khối.

Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 nói với báo Thanh Niên rằng khói bụi mù mịt là ‘hơi nước trong quá trình thông lò hơi, không phải cháy’. Ông này nói thêm là việc thông thổi hơi nóng của lò hơi là chuyện bình thường của các nhà máy và không có chất độc gì trong đó.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Trung Quốc đầu tư 95% vốn, gồm 4 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than với tổng công suất thiết kế lên dến 5.600 MW.

Tuy nhiên kể từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2014 đến nay, dân chúng địa phương nhiều lần than phiền về tình trạng ô nhiễm do khói bụi từ nhà máy. Đỉnh điểm là vào năm 2015, hàng ngàn người dân xã Vĩnh Tân đã tập trung phản đối ô nhiễm không khí do xỉ than của nhà máy gây ra.

Hôm 29/6 vừa qua, Tập đoàn Điện lực VN đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công an để đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-probe-vinh-tan-power-plant-after-a-video-online-shows-dark-smoke-from-the-plant-07232018083632.html

 

Phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Đỗ Bá Tỵ, thăm Mỹ

Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, vào ngày 23 tháng 7 được Thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Patrick Shanahan tiếp tại Ngũ Giác Đài. Reuters loan tin này trong cùng ngày.

Đây là chuyến thăm mới nhất của một quan chức chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Vừa qua, phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đến Washington DC từ ngày 25 đến 27 tháng 6 và gặp một số giới chức chính quyền của tổng thống Donald Trump cũng như các vị dân cử Quốc Hội Mỹ.

Trong số những quan chức Mỹ tiếp ông phó thủ tướng Vương Đình Huệ có Bộ Trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Bộ Trưởng Tài Chính Steve Mnuchin, Phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mira Ricardel, Thượng Nghị Sĩ Mazie Hirono, thành viên Tiểu Ban Biển, Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện.

Vào ngày 8 và 9 tháng 7, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, một vấn đề được Reuters cho biết ông Pompeo yêu cầu chính phủ Hà Nội sớm giải quyết là vụ việc công dân Mỹ gốc Việt Nam, Will Nguyễn, bị cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng hôm 10 tháng 6. Đến ngày 20 tháng 7, tòa án đưa anh này ra xử về tội ‘gây rối trật tự’ và trục xuất ngay.

Riêng ông Đỗ Bá Tỵ, trong thời gian còn là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, vào tháng 6 năm 2013, ông có chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên ở cương vị đó.

Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ gần đây được cho có nhiều dấu hiệu tích cực. Giới quan sát cho rằng Hà Nội xích lại gần Washington vào khi Bắc Kinh ngày càng có những hành động xác quyết chủ quyền tại Biển Đông.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hiện có những chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc về hoạt động xây dựng và quân sự  hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-national-assembly-vice-chairman-visits-usa-07232018100736.html

 

Cập nhật vụ nâng khống điểm thi THPT

ở Sơn La và Hà Giang

Phó giám đốc và 4 cán bộ của Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La bị phát hiện có liên quan trong vụ sai phạm điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2018 tại tỉnh này.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng, thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo cho báo giới biết thông tin vừa nêu, tại buổi họp công bố sai phạm điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, vào ngày 23 tháng 7.

Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh, trong vai trò là Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Giáo dục-Đào tạo tại Sơn La, nói rằng cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm trong quy chế thi, đặc biệt là khâu chấm thi có dấu hiệu can thiệp thay đổi điểm thi của thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh cho biết đã có 12 bài thi chấm điểm lại bị thấp hơn lần đầu, nhưng tổ công tác chưa thể kết luận có bao nhiêu bài thi bị sửa điểm và sửa như thế nào.

Tổ công tác của Bộ Giáo dục-Đào tạo tại Sơn La cho biết xác minh ban đầu phat hiện ông Phạm Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La cùng 4 cán bộ khác của Sở này có liên quan đến những sai phạm nêu trên.

Tại buổi họp báo trong ngày 23 tháng 7, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết sẽ giải quyết triệt để và minh bạch vụ việc sai phạm quy chế thi. Liên quan câu hỏi của báo giới về trách nhiệm của Trưởng phóng Giáo dục-Đào tạo Sơn La, ông Phạm Văn Thủy đã không trả lời câu hỏi này.

Trong cùng ngày 23 tháng 7, Công an tỉnh Hà Giang bắt tạm giam và khởi tố đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Giáo dục, thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Giang về hành vi lợi dung chức vụ, quyền hạn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.

Ông Nguyễn Thanh Hoài là cấp trên của ông Vũ Trọng Lương, người được xác định đã trực tiếp sửa điểm 330 bài thi của 114 thí sinh tại cụm thi THPT tại Hà Giang, đã bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 20 tháng 7.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/five-educational-leaders-found-relating-exam-point-fixing-in-son-la-07232018083648.html

 

Hơn 200 đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh

bị kỷ luật

Đã có hơn 200 đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) bị kỷ luật bằng nhiều hình thức trong sáu tháng đầu năm 2018.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết vào sáng 23 tháng 7 tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2018 liên quan tới công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Ngành kiểm tra Đảng bộ TP.HCM.

Được biết trong số 201 trường hợp bị kỷ luật, đã có 154 người bị khiển trách, 37 người bị cảnh cáo, 5 người bị cách chức và 1 người bị khai trừ đảng.

Ông Hiếu cho biết nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng qui chế làm việc, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, vi phạm các quy định về công tác liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng. Một số đảng viên được kết luận là chấp hành không nghiêm nghị quyết, chỉ thị của đảng; cũng như suy thoái và tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có mặt tại hội nghị cho biết qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, trong đó có nhiều người là ủy viên các cấp.

Một số quan chức tại thành phố Hồ Chí Minh như ông cựu bí thư Lê Thanh Hải, ông Tất Thành Cang bị cho là có những vi phạm về quản lý đất đai dẫn đến khiếu kiện nhưng đến nay vẫn chưa thấy có biện pháp kỷ luật đối với những ông này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/201-communist-members-in-ho-chi-minh-city-disciplined-07232018083532.html

 

Việt Nam có thể mất 5 triệu việc làm

trong cách mạng kỹ nghệ 4.0

Trong khi các giới chức cao cấp CSVN vẫn thường tỏ ra lạc quan về cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0 như là một vận hội mới, thì giới chuyên gia dự báo Việt Nam có thể mất tới 5 triệu việc làm vì áp dụng robot trong các ngành sản xuất.

Báo mạng tiếng Anh VietNamNet Bridge hôm Chủ Nhật 22/07 dẫn lời ông Trần Anh Tuấn- phó giám đốc Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực Và Thông Tin Thị Trường Lao Động TPHCM- trích dẫn báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO. Báo cáo cho rằng nguy cơ thất nghiệp đối với người lao động Việt Nam đã gia tăng trong thời đại cách mạng kỹ nghệ 4.0. Nguyên do là Việt Nam có những chỉ số thấp về phẩm chất của lực lượng lao động. Với số điểm 3.79 trên 10, Việt Nam đứng thứ 11 trong 12 quốc gia Đông Nam Á về phẩm chất của lực lượng lao động. Về chỉ số cạnh tranh nhân lực, Việt Nam chỉ được 4.3 trên 10 điểm. Các chỉ số khác của người lao động Việt Nam cũng thấp, bao gồm các kỹ năng ngoại ngữ, sử dụng máy điện toán, làm việc đồng đội, thông tin liên lạc và đạo đức nghề nghiệp.

Báo cáo của ILO cũng chỉ ra 86% công nhân trong kỹ nghệ dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc do tiến trình tự động hóa ngày càng tăng. Nhưng đến nay người Việt Nam dường như làm ngơ những lời cảnh cáo về sự xuất hiện của robot thay thế người trong dây chuyền sản xuất. Nhiều người vẫn nghĩ rằng robot chỉ có trong những nhà máy ở ngoại quốc, không thể xuất hiện ở Việt Nam, nơi các nhà sản xuất chưa đủ tiền sắm robot.

VietNamNet Bridge chỉ ra rằng, ngày càng nhiều robot đang xuất hiện trong các nhà xưởng ở Việt Nam. Một công ty tên là VitaJean dự trù sẽ cắt giảm số nhân viên từ 1,800 người xuống còn 450 người bằng một kế hoạch lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động. Công ty Namilux chuyên sản xuất lò ga thì đã khởi sự tự động hóa từ 6-7 năm nay. Với dây chuyền sản xuất mới, hai nhân viên của họ sẽ làm công việc của tám nhân viên trước kia.

https://www.sbtn.tv/viet-nam-co-the-mat-5-trieu-viec-lam-trong-cach-mang-ky-nghe-4-0/