Tin Việt Nam – 23/07/2017
Thủy điện Hòa Bình xả lũ làm chết hàng trăm tấn cá
Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy lần đầu tiên trong 21, năm khiến cho hàng trăm tấn cá nuôi trong lồng bè ở hạ lưu chết hàng loạt.
Truyền thông trong nước cho hay hôm Thứ Bảy 22/07, hiện tượng cá chết xảy ra từ hôm 19 tháng 7 cho đến nay vẫn còn tiếp diễn. Nhiều gia đình nuôi cá ở hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ đã phải bán tống cả chục tấn cá trắm, lăng, diêu hồng với giá 1 phần 10.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật, dọc sông Đà có 444 lồng cá của các gia đình thuộc hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đến hôm Thứ Bảy, khoảng 200 lồng có cá chết, thiệt hại khoảng 350 tấn. Trong khi đó, tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, gần 70 tấn cá đang vào vụ thu hoạch cũng chết trắng trong các lồng bè.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Thọ, cho biết sở đã cử chuyên viên đi kiểm tra tình hình cá lồng bị chết tại các xã và đã lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm. Theo ông Sơn, nguyên nhân được xác định sơ khởi là do nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí. Theo các gia đình nuôi cá, họ chỉ bán được một phần số cá còn sống cho thương lái với giá rẻ. Số cá chết được bán cho các gia đình thu gom về ủ làm phân bón với giá chỉ 1,000-2,000 đồng/kg.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/thuy-dien-hoa-binh-xa-lu-lam-chet-hang-tram-tan-ca/
Hình ảnh Thủ tướng Việt Nam gây tranh cãi
Hình ảnh một mình ông Nguyễn Xuân Phúc được che ô giữa trời mưa to hôm 22/7 đang gây ra các phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.
Bức ảnh được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy rằng người đứng đầu chính phủ Việt Nam được một người đứng sau che ô giữa trời mưa nặng hạt trong một sự kiện ở tỉnh Quảng Nam.
Trên sân khấu khi ấy, còn có hai cụ bà, một người đàn ông mặc áo mưa mỏng, cùng ba thanh niên mặc áo xanh nước biển của lực lượng tình nguyện đứng “dầm mưa”.
Đây là chương trình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Báo Dân Trí viết.
Về chương trình có tên gọi “Một thời hoa đỏ”, báo Dân Trí đăng tải bài viết có tựa đề: “Thủ tướng đội mưa tri ân người có công cách mạng tiêu biểu”.
Dưới hình ảnh gây tranh cãi, tờ báo của Hội khuyến học Việt Nam viết: “Đây là chương trình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trên một diễn đàn trên Facebook, một người sử dụng tên Tô Vũ Lực bình luận: “Ôi thiên đường ô dù”, trong khi một người khác tên Tú Trần lại chọn cách đăng hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng nghiêm dưới trời mưa to trong dịp tới viếng mộ chiến sĩ vô danh ở thủ đô Moscow hồi tháng trước.
Facebooker này cũng đăng ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng ô che cho đệ nhất phu nhân Michelle Obama, kèm theo bình luận, “Những hình ảnh biết nói…”
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Thủ tướng Phúc để ghi nhận ý kiến của ông.
Báo điện tử của chính phủ Việt Nam trích lời ông nói tại sự kiện biểu dương người có công khác tại Quảng Nam: “Tất cả chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo…”
Văn hoá ứng xử là một vấn đề thiếu hụt cực kỳ nghiêm trọng trong nếp sống của người Việt, đặc biệt là từ phía các quan chức.
Luật sư Lê Luân viết.
Trên Facebook, luật sư Lê Luân viết: “Tri ân công lao các Mẹ Việt Nam Anh Hùng dưới trời mưa lớn, nhưng các mẹ mặc áo mưa giấy đỡ lấy bằng khen trĩu nặng trên đôi tay gầy mòn, còn ông Thủ tướng đứng vỗ tay dưới chiếc ô che của một người tháp tùng”.
Luật sư này viết thêm: “Văn hoá ứng xử là một vấn đề thiếu hụt cực kỳ nghiêm trọng trong nếp sống của người Việt, đặc biệt là từ phía các quan chức. Cái sự quan cách vẫn còn nặng nề và dường như nó vẫn chưa được cải thiện cho đến nay”, ông viết.
“Hãy nhìn Thủ tướng Shinzo Abe của nước Nhật quỳ gối trước các nạn nhân trong thảm hoạ năm 2014 để thấy được văn hoá ứng xử giữa người đứng đầu nội các của một cường quốc Châu Á thân thiện và tình người đến thế nào”.
Trong khi đó, cũng trên Facebook, một người sử dụng tên Lê Hiếu đăng hình ảnh gây tranh cãi của ông Phúc kèm theo bình luận: “Để đây và chờ xác minh làm rõ. Lỗi này chắc chắn của BTC [Ban tổ chức], không phải do TT [Thủ tướng]”.
Lỗi này chắc chắn của BTC [Ban tổ chức], không phải do TT [Thủ tướng].
Facebooker Lê Hiếu viết.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam “gây bão” mạng xã hội. Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc cũng vấp phải chỉ trích sau khi xuất hiện video và hình ảnh đoàn xe tháp tùng ông tại các tuyến đường được cho là phố đi bộ ở Hội An, Quảng Nam.
Sau đó ít lâu, người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã công khai ngỏ lời xin lỗi người dân, khiến nhiều nhà quan sát cho rằng ông “chịu áp lực từ mạng xã hội”.
Theo thống kê, ước tính có hơn 35 triệu người sử dụng Facebook, một trong các mạng xã hội được ưa thích nhất ở Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/hinh-anh-thu-tuong-viet-nam-gay-tranh-cai-tren-facebook/3955596.html
Người dân bức xúc với cách hành xử của quan chức
Thời gian gần đây dư luận trong và ngoài nước xôn xao về những vụ việc liên quan đến cách hành xử và đạo đức của quan chức hay những người đã từng là quan chức Nhà nước.
Cách hành xử đáng lên án
Vụ việc “dậy sóng” nhất gần đây có lẽ xảy ra sau khi đoạn video clip có cảnh Trung tướng Võ Văn Liêm – nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) có hành vi lăng mạ một anh Cảnh sát Giao thông. Câu chuyện được nói là diễn ra khi anh Cảnh sát này chặn xe chở tướng Liêm vì chạy quá tốc độ nhưng ông Liêm phản đối vì cho rằng xe mình không vi phạm. Chúng tôi xin trích nguyên văn một số câu của ông Liêm như sau:
Không xuống xe! Mày không có đủ tư cách! Tao mà chậm một chút nữa không kịp họp chiều nay tao cho mày nghỉ việc luôn! Cả giám đốc của mày tao cũng cắt chức được!
Trong đoạn video, ông Liêm liên tục chửi thề nhưng chúng tôi xin không trích trong bài viết.
“Với cương vị là một người dân, tôi thấy việc đó đáng lên án. Người như vậy không thể làm gương cho người khác!”
– Người dân
Vụ việc về tướng Liêm nổi lên khi câu chuyện về bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân, Hà Nội, Lê Mai Trang chưa kịp lắng xuống. Trước đó cư dân mạng truyền nhau đoạn clip cảnh bà Trang đậu xe sai chỗ, trong lúc đôi co với người dân, bà Trang đã gọi điện cho ai đó. Người dân cho rằng cuộc điện thoại đó để “điều” lãnh đạo phường ra trông xe cho bà đi ăn bún. Bà này ngay sau đó đã lên tiếng với báo chí giải thích rằng bà không hề gọi ai ra trông xe.
Trao đổi với RFA, chị Hà, một người dân Hà Nội, bày tỏ sự tức giận với cách hành xử của một cựu quan chức như ông Liêm:
Tôi không nắm rõ được tình hình lúc ấy như thế nào nhưng việc một người đã từng làm quan chức có học thức mà dùng những lời lẽ xấu xa để mắng chửi người chiến sĩ cảnh sát giao thông như vậy tôi thấy không thể nào chấp nhận được. Với cương vị là một người dân, tôi thấy việc đó đáng lên án. Người như vậy không thể làm gương cho người khác, và gây bức xúc trong lòng mọi người khi biết về sự việc như vậy.
Nhớ lại cảnh ông Liêm rút thẻ để đe dạo cách chức anh cảnh sát và nói “Mày có biết nó là bảo vệ của tao không?”,chị Hà nói rằng chuyện dùng quyền uy để đe dọa người khác làm người dân mất niềm tin vào một bộ phận quan chức:
Việc quan chức dùng quyền lực để đe dọa và làm tổn hại đến người khác như thế tôi thấy rất mất hình ảnh và rất đáng chê trách. Làm sao người dân có thể tin tưởng và trao gửi trách nhiệm?
Một người dân khác, xin giấu tên, cũng nói với chúng tôi rằng những sự việc này tuy đáng buồn nhưng xem đó là tấm gương kinh nghiệm cho những người khác:
Tôi nghĩ là trong xã hội lúc nào cũng có người này người khác. Cho nên quan chức cũng có người hành xử thế này thế kia. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng nhìn theo hướng tích cực. Nếu bây giờ có dư luận, có các phương tiện truyền thông, trang mạng, qua đó những người trong cuộc hay cả những người không ở trong cuộc nhưng họ có thể thấy đó là một tấm gương để rút kinh nghiệm.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương đưa ra nhận xét khắt khe hơn, cho rằng cách hành xử của một số quan chức hiện nay tiêu biểu cho một chế độ đã đến lúc phải được thay thế:
Đó là thời mạt sát, tận cùng rồi nên nó biến hóa, tất cả những quái thai xuất hiện. Đấy gần như là quy luật. Tham lam, quyền uy, vô học,… đều bộc lộ ra hết. Đấy là dấu hiệu cho thấy cần phải thay đổi và chuyển sang một thời kỳ khác với giải pháp khác.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS bổ sung thêm, nói rằng cách xử sự của một số quan chức hiện nay thể hiện sự coi khinh những người cấp dưới của mình:
Người ta có quyền người ta coi người dân, cấp dưới như rơm rác. Không phải mọi người có chức có quyền đều như vậy nhưng có trường hợp như thế. Cái lạ là bây giờ truyền thông khác xưa. Thời xưa, toàn bộ do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm hết từ truyền thanh cho đến truyền hình và người dân không có một cách gì để mở miệng cả. Bây giờ với điện thoại di động trong tay người ta có thể quay và đưa ngay lên trên mạng và cả thế giới đều biết.
Trong bài phát biểu đọc tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La với sự có mặt của đại diện các tỉnh Tây Bắc hôm 17/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận chính bản thân ông cũng rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi. Phát biểu của Thủ tướng được đưa ra ngay sau khi báo chí phanh phui các tòa dinh thự to đẹp của quan chức tỉnh Yên Bái đua nhau mọc lên trong khi Yên Bái là một trong những tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất trong nước.
Nói về sự khoe mẽ của một số quan chức tỉnh nghèo như lời của Thủ tướng, chị Hà nêu câu hỏi liệu những người như vậy có xứng đáng được làm lãnh đạo cho nhân dân hay không?
Quan chức hay những người làm trong cơ quan nhà nước đều là đầy tớ của dân, phục vụ nhân dân. Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện giờ, người dân vẫn còn đang rất nghèo đói, nhiều người còn không có cơm ăn áo mặc. Vậy mà lại có hình ảnh các tòa dinh cơ của các ông trong cơ quan nhà nước to đep, nguồn tiền đó ở đâu ra? Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là làm trong nhà nước với đồng lương rất thấp như mọi người được biết, mà các ông lại có thể xây được nhà to và đưa con cái đi du học hay du lịch thường xuyên như thế. Từ những điều đó, người ta rất dễ nghĩ ngay đó là những đồng tiền tham nhũng, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân, do dân làm ra.
Chị Hà cũng nhắc lại trong Di chúc năm 1969, cuối phần nói về Đảng, ông Hồ Chí Minh viết rằng Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Nhưng theo chị với tình trạng xã hội hiện nay, câu nói đó nên đảo ngược lại:
Với tình trạng xã hội như hiện nay, tôi nghĩ câu nói của người xưa là các vị lãnh đạo là đầy tớ của dân, do dân, vì dân nhưng thực tế hiện nay điều đó là ngược lại. Người dân đang là đầy tớ cho các vị lãnh đạo đó!
“Đấy là dấu hiệu cho thấy cần phải thay đổi và chuyển sang một thời kỳ khác với giải pháp khác”.
– Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Sự lộng quyền
Những việc nêu trên chỉ là một trong nhiều ví dụ về cách hành xử của giới quan chức trong nửa đầu năm nay. Ví dụ, tháng 3 vừa rồi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã bẻ cành hoa anh đào để chụp ảnh bất chấp sự can ngăn của người dân. Ngay những ngày sau Tết nguyên đán, dư luận đã bày tỏ sự bất bình khi một số cán bộ của Bộ Công thương đã rủ nhau đi lễ chùa trong giờ hành chính. Rồi đến vụ việc cô hiệu trưởng trường Tiểu Học Nam Trung Yên – Tạ Thị Bích Ngọc ngôi trên một chiếc taxi khi chiếc xe này tông gãy chân một học sinh ngay trong sân trường nhưng bà Ngọc một mực nói là không ngồi trên chiếc xe đó và không nhìn thấy xe tông học sinh này. Trước đó là chuyện ông Vũ Phi Hùng, Phó trưởng Phòng Tư pháp thành phố Hạ Long ngủ trong giờ làm việc, gác chân lên bàn, và có những hành động, lời nói mà tờ Báo Mới gọi là thiếu văn hóa, phản cảm.
Ngay sau khi hai đoạn video được loan tải trên các trang mạng xã hội, trên báo Người Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có phân tích rằng hai sự kiện trên thể hiện thái độ trịch thượng, coi thường pháp luật của người trong cuộc. Ông cho rằng nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là “sự tha hóa quyền lực”.
Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói thêm rằng nó còn thể hiện sự “lộng quyền”. Ông giải thích nguyên nhân:
Có hai lý do thứ nhất họ đang tưởng rằng họ có thể lộng hành, đấy là họ hiểu lầm. Lý do họ lộng hành là vì sự phát triển đến độ vô học, vô văn hóa của một hệ thống, mới sản sinh ra những con người quái thai như thế.
Lý do thứ hai là nền giáo dục xã hội và dư luận xã hội không đủ mạnh để uốn nắn. Ví dụ có những vi-rút tai hại xuất hiện, lập tức mình phải có kháng thể để diệt nó. Cho nên phải dựng dân quyền, dân trí để công kích vào quan trí thấp hèn thì may ra mới khác được.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm rằng Đảng Cộng sản là một chế độ vốn đã lộng quyền, nên những người được Đảng cử làm cán bộ hiển nhiên cũng sẽ lộng quyền theo.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-behavior-of-state-officials-07212017141651.html
Người Mỹ gốc Việt lừa đảo ‘thẻ xanh’ lãnh án tù
Một người đàn ông Mỹ gốc Việt đã bị kết án hơn 3 năm tù giam vì tội lừa đảo nhiều người đồng hương muốn đưa nhân thân sang Hoa Kỳ.
Sau khi thụ án 38 tháng tù, ông Hai Van Nguyen, 42 tuổi, còn phải chịu quản chế 3 năm.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ông Hai Van Nguyen, 42 tuổi ở tiểu bang Washington, lừa nhiều người trong cộng đồng gốc Việt rằng công ty của ông có thể giúp người thân của các khách hàng vào Mỹ hợp pháp.
Ông này đăng quảng cáo trên Facebook về chuyện có thể bảo đảm chuyện xin thẻ thường trú nhân hay còn được gọi là “thẻ xanh” ngay khi nạn nhân tới Mỹ và có quốc tịch trong vòng 5 năm.
Thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay rằng ông Hai đã lừa đảo các khách hàng tổng cộng khoảng 550 nghìn đôla, và trong phiên xử hôm 17/7 tại tòa liên bang, thẩm phán đã yêu cầu bị cáo phải hoàn trả khoản tiền trên.
Ông Hai bị bắt từ tháng Năm năm 2016 và hồi tháng Tư vừa qua đã nhận tội lừa đảo tiền bạc của nhiều người.
Các nạn nhân của người đàn ông gốc Việt này phải trả ông ta khoản đặt cọc 35 nghìn đôla.
Các khách hàng người gốc Việt ở Connecticut, South Carolina, Maine, Arizona, Ohio và Texas đã ký hơn 50 hợp đồng với ông Hai.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-goc-viet-lua-dao-the-xanh-lanh-an-tu/3954992.html