Tin Việt Nam – 23/06/2019
Thiếu nữ Việt Nam bị bán sang Trung Cộng
chỉ với giá 4,5 triệu đồng
Tin Vietnam.- Trang Saostar ngày 23 tháng 6 năm 2019 loan tin, công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vừa giải cứu được chị Lường Thị D., 27 tuổi, ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; đồng thời bắt giữ đối tượng Hoàng Thị Mai Hương, 35 tuổi, ở xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu.
Trước đó, vào năm 2018, sau khi gặp được chị D. thấy chị D. có hoàn cảnh khó khăn nên Hương đã lừa chị D., nói rằng sẽ giúp chị có một công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định ở bên Trung Cộng. Ngoài ra, Hương còn yêu cầu nạn nhân viết giấy xác nhận với nội dung tự nguyện sang Trung Cộng để tìm việc làm, với mục đích bảo vệ bản thân nếu chị D. trốn thoát, tố cáo với cơ quan chức năng. Sau khi nhận được giấy xác nhận, Hương đã đưa chị D. sang Trung Cộng bán với số tiền 4,5 triệu đồng. Trước đó, vào năm 2017, Hương sang Trung Cộng làm thuê, và móc nối được với những kẻ chuyên mua bán phụ nữ Việt Nam để bán cho đàn ông Trung Cộng ế vợ, hoặc bán cho các động mại dâm. Có được mối quan hệ trên, Hương liền về nước để lừa những phụ nữ nhẹ dạ cả tin.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thieu-nu-viet-nam-bi-ban-sang-trung-cong-chi-voi-gia-45-trieu-dong/
Chính quyền cộng sản ở Sài Gòn
tăng cường kiểm soát xã hội bằng camera
Tin từ Sài Gòn, ngày 23/6/2019: Nhà cầm quyền cộng sản ở thành phố Sài Gòn đã tăng cường giám sát công dân, bằng cách lắp đặt nhiều camera an ninh để nhận diện khuôn mặt ở nhiều tuyến phố và khu dân cư.
Theo báo Tri thức, cơ quan chức năng đã lắp đặt hơn 1,000 camera an ninh khắp thành phố. Trong số đó có 50 chiếc có chức năng phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc như nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại xe cộ, phát hiện đám đông, các sự kiện về giao thông, an ninh trật tự,…
Việc lắp đặt các camera này là một phần của đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đề án này cũng xây dựng kho dữ liệu dùng chung. Thành phố đã phát triển hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng.
Nếu đề án thành công, Sài Gòn sẽ mở rộng việc lắp đặt camera và các địa phương khác sẽ triển khai theo.
Đề án này có thể được thực hiện từ mô hình trí tuệ nhân tạo của Trung Cộng. Bắc Kinh đã lắp đặt hàng triệu camera an ninh để nhận diện khuôn mặt người dân và theo dõi hành vi của họ, đặc biệt ở khu vực Tân Cương, nơi người Ngô Duy Nhĩ đang bị đàn áp khốc liệt. Bằng cách thu thập dữ liệu và chấm điểm công dân, công dân “không ngoan” theo định nghĩa của nhà cầm quyền có thể không được sử dụng nhiều dịch vụ xã hội.
Thực tế, nhà cầm quyền ở Sài Gòn đã lắp đặt nhiều camera ở gần nhà nhiều người bất đồng chính kiến, có khi chĩa thẳng vào nhà họ. Dữ liệu thu được chuyển về đồn công an.
Từ lâu, truyền thông lề đảng ở Việt Nam đã dọn đường cho việc áp dụng trí tuệ nhân tạo theo dõi người dân theo mô hình của Trung cộng.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-cong-san-o-sai-gon-tang-cuong-kiem-soat-xa-hoi-bang-camera/
Bàn về xã hội Việt Nam và ‘công thức người bị ghét’
H.LinhGửi cho BBC từ TP.Hồ Chí Minh
Ý kiến nói đối tượng dễ bị xã hội lên án là “người giàu và coi thường các chuẩn mực xã hội, có quan hệ với nhóm chức quyền”.
Cuối cùng thì bà Nguyễn Thị Nga người lái ô tô gây tai nạn hàng loạt ở Hàng Xanh đã bị tòa án tuyên phạt 3 năm sáu tháng tù, khép lại làn sóng căm ghét trên mạng xã hội và báo chí từ lúc tai nạn xảy ra đến nay.
Vì sao ta không hiểu được những người giàu nhất
Người giàu, nghèo sống khác nhau thế nào?
‘Siêu giàu châu Á’ và khoảng cách giàu nghèo
Thế hệ trẻ liệu có thành thế hệ giàu nhất không?
Tường thuật vụ tai nạn, cả báo chính thống và mạng xã hội đều trích dẫn câu nói “chị lo được” của bà Nguyễn Thị Nga và đã vô tình hoặc cố ý lôi bà Nguyễn Thị Nga vào đúng “công thức căm ghét” của người Việt, một khái niệm mà chúng tôi tạm gọi về tâm thế của người Việt khi tiếp nhận thông tin.
“Công thức căm ghét” có thể tóm gọn: “Người giàu và coi thường các chuẩn mực xã hội, có quan hệ với nhóm chức quyền”.
Làn sóng căm ghét đối với bà Nguyễn Thị Nga càng dâng cao khi báo chí và mạng xã hội khai thác thêm các chi tiết bà Nguyễn Thị Nga là chủ nhà hàng, có chồng nước ngoài, lái xe sau một chầu nhậu…
Thậm chì khi được tại ngoại để khắc phục hậu quá, đền bù cho người bị hại và chăm sóc sức khỏe cho chồng con bà Nguyễn Thị Nga nhanh chóng bị bắt tạm giam do sức ép của mạng xã hội cho rằng chính quyền bao che người có nhiều tiền, quan hệ rộng.
“Công thức căm ghét” vẫn còn đó, nó sẵn sàng giáng xuống bất kỳ ai mà trùng hay trật là do hên xui chứ không phải do hành vi và nhân thânnhà báo H.Linh
Theo dõi sát sao vụ án, chúng tôi đồng tình với bản án, nó tương đối thấu tình đạt lý.
Tuy nhiên vụ việc này phản ánh cùng lúc nhiều vấn đề xã hội và nhiều số phận đắm chìm trong đó. Men rượu, thiếu kỹ năng điều khiển xe (không bằng lái), bà Nguyễn Thị Nga đã tước đoạt sinh mạng và gây thương tật cho một số người, làm thay đổi theo hướng xấu đi gia đình của những người này theo một cách không mong muốn.
Chuyện phụ nữ phải đi hầu rượu vì sinh kế, quan hệ ngoại giao ở Việt Nam không hiếm, ban đầu nó bị lên án nhưng dần dà như là sự mặc định, phụ nữ bước ra đường làm ăn là phải biết uống chút bia rượu và phải thi thoảng hoặc thường xuyên đi hầu rượu tùy theo tính chất công việc. Ở góc độ như trên bà Nguyễn Thị Nga vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của lề thói này.
Trong sự tiều tụy, xanh xao và những giọt nước mắt, bị cáo Nguyễn Thị Nga, người lái xe BMW tông hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh đã thành thật khai nhận và gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân tại phiên xét xử sơ thẩm vào sáng 17/6/2019.
Trong lời nói sau cùng, bà Nga đã xin lỗi gia đình nạn nhân và khuyên phụ nữ mang giày cao gót không nên lái xe đồng thời đã lái xe không được uống rượu bia.
Người Việt có thực sự tin vào nhân quả?
Người tiêu dùng VN ‘hãy là khách hàng tốt’
VN: Thuế nhà ‘bần cùng hóa người dân’
Người già Việt Nam sướng hơn người già Nhật Bản?
Công chúng ghét bà Nguyễn Thị Nga vì bà giàu có, quan hệ rộng, có thể một tay che trời nhưng sự thật không phải vậy, chồng bà là người nước ngoài nhưng không giàu, già yếu, không tự chăm sóc được mình, con bà Nga bị tự kỷ, cả hai đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của bà Nguyễn Thị Nga, một gánh nặng thật sự trong khi công việc kinh doanh nhà hàng không được tốt lắm, một nhà hàng nhỏ, không danh tiếng.
Còn câu nói “chị lo được” trở thành slogan của sự căm ghét, bà Nga, nay đã là bị cáo Nguyễn Thị Nga trình bày trước tòa “bị cáo là nông dân, không quen biết ai ở Sài Gòn. Ý bị cáo nói câu đó chỉ là để mọi người hiểu là bị cáo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm trước nạn nhân. Bị cáo không bao giờ nghĩ sẽ dùng tiền để giải quyết mọi việc.”
“Khi vụ án xảy ra, nhiều người cho rằng bị cáo là người có tiền, sẽ lo được tất cả. Tuy nhiên thực sự không phải vậy. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, bị cáo đã vay ngân hàng hơn 13 tỉ đồng, sau đó còn vay thêm để bồi thường cho gia đình bị hại. Các ngân hàng rất lo vì nếu bị cáo đi tù thì sẽ không ai trả nợ”
Chút an ủi cho con đường tù tội sắp tới của bà Nguyễn Thị Nga là trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Trong đơn, gia đình đã xin cho bà Nga không phải đi tù để có điều kiện ở ngoài kiếm tiền, khắc phục hậu quả..
Một nạn nhân bị liệt ngay sau khi tai nạn xảy ra đã được bà Nguyễn Thị Nga thỏa thuận bồi thường 700 triệu đồng nhưng thật kỳ diệu trong một đêm không hẹn với số phận cũng như khi tai nạn xảy ra, nạn nhân quên mình đã bị liệt và đứng lên đi vệ sinh và sau đó đi lại được.
Cách ứng xử của gia đình cũng thật tuyệt, họ từ chối nhận bồi thường vì cho rằng thượng đế đã tặng cho gia đình món quà lớn nhất rồi, đó là sự hồi sinh.
Vụ án đã khép lại nhưng “công thức căm ghét” vẫn còn đó, nó sẵn sàng giáng xuống bất kỳ ai mà trùng hay trật là do hên xui chứ không phải do hành vi và nhân thân.
Người Việt đã bị thương tổn kéo dài về đủ thứ chuyện, họ hoang mang, mất niềm tin, nhìn tất cả bằng cặp mắt nghi ngờ và “công thức căm ghét” có thể gây thương tổn cho bất kỳ ai chính là vết thương tâm lý mà còn rất lâu nữa mới lành sẹo.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo ở TP.Hồ Chí Minh.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48660431
Việc ướp xác Hồ Chí Minh
Trần Gia Phụng
Tuần qua, nhà nước cộng sản Việt Nam quyết định thành lập một hội đồng khoa học gồm người Việt và người Nga để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi thể Hồ Chí Minh (HCM) đặt trong lăng mộ ở Hà Nội. (BBC News – Tiếng Việt, ngày 20-6-2019.) Nhân đây, xin trình bày lại diễn tiến việc ướp xác HCM.
Hồ Chí Minh chết ngày 2-9-1969. Ngày 2-9 là quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức Bắc Việt Nam trước 1975, nên Bộ chính trị đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) đã đổi ngày chết của HCM là 3-9-1969.
Hồ Chí Minh để lại 3 di chúc khác nhau. Di chúc đầu tiên do HCM đánh máy và ký tên ngày 15-5-1965, có chữ ký “chứng kiến” của Lê Duẩn, trong đó HCM viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến…Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi…” (Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh, TpHCM: Nxb Thanh Niên, 2000, tt. 13-16, 26-29.)
Trong bản di chúc viết sau đó vào năm 1968, HCM sửa đổi đôi chút về việc chôn tro cốt, theo đó “…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng… Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.” (Hồ Chí Minh, sđd. tt. 13-16, 26-29.)
Di chúc thứ ba của HCM đề ngày 10-5-1969 bị Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động, ra lệnh “cắt bỏ, sửa chửa vài chỗ” rồi cũng do Lê Duẩn công bố trong ngày lễ tang HCM là ngày 9-9-1969. (Hồ Chí Minh, sđd. tt. 13-16, 26-29.) Bản di chúc sửa đổi nầy của HCM hoàn toàn không đề cập đến việc chôn cất HCM.
Giữa hai thời điểm HCM viết các bản di chúc (1965-1968), vào tháng 8-1967, Viện lăng Lenin (Liên Xô) được thông báo cho biết tình hình sức khỏe HCM càng ngày càng suy yếu, và nhận được chỉ thị đặc biệt từ Bộ chính trị đảng Cộng Sản Liên Xô ra lệnh chuẩn bị ướp xác HCM.
Ngày 14-9-1967, một phái bộ đặc biệt gồm ba bác sĩ Việt Nam đến Moscow. Đó là các ông Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẩu Quân y viện 108; Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai; Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại bệnh viện Việt Xô. Các bác sĩ nầy ở lại Moscow 7 tháng để học tập cách ướp và bảo vệ xác trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày.
Giai đoạn kế tiếp là phần việc sẽ do các chuyên gia Liên Xô đảm trách. Tổ ướp xác Việt Nam chính thức được thành lập vào tháng 6-1968 do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đứng đầu. (Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000. Báo Á Châu, Paris, số 43, tháng 3-2000, tt. 9-10, trích thuật lại)
Như thế, việc ướp xác HCM đã được Bộ chính trị đảng Lao Động đặt ra ngay khi HCM còn sống vào năm 1967. Khi đó HCM còn sáng suốt, làm bài thơ chúc Tết năm 1968, và đảng Lao Động đã dùng bài thơ nầy làm lệnh cho bộ đội CS tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) ở Nam Việt Nam, do chính HCM đọctrên làn sóng đài phát thanh Hà Nội. Chắc chắn HCM phải biết quyết định ướp xác của Bộ chính trị đảng Lao Động, nhưng HCM không tỏ một dấu hiệu nào ngăn cản. Bài thơ chúc Tết năm 1968 như sau:
Hồ Chí Minh làm thinh, tránh có ý kiến về việc ướp xác, có nghĩa là HCM đồng ý với quyết định của Bộ chính trị đảng Lao Động. Hồ Chí Minh hành xử rất khôn khéo, vì không lẽ HCM tự nói ra rằng hãy ướp xác mình sau khi chết. Hồ Chí Minh để cho các thuộc hạ tiến hành quyết định của họ, rất hạp với ý thích sùng bái cá nhân của HCM.
Dầu biết rõ sẽ được ướp xác, nhưng trong di chúc viết năm 1968, HCM lại viết rằng: “…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”… Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam…” Hồ Chí Minh không nghĩ đến việc đi thăm cha mẹ, ông bà sau khi chết, mà HCM lại lo đi thăm người nước ngoài chưa một lần gặp mặt. Trung thành với các lãnh tụ CS quốc tế đến thế là cùng. Lời di chúc nầy một lần nữa cho thấy suốt đời, cho đến khi gần chết, HCM luôn luôn thiếu thành thật, không thẳng thắn trong lời nói và việc làm, nếu không muốn nói là HCM luôn luôn đạo đức giả.
Gần ba tháng sau khi HCM chết, trong cuộc họp ngày 29-11-1969, Bộ chính trị đảng Lao Động chính thức ra quyết định ướp xác HCM và xây dựng một lăng mộ phản ảnh những nét hiện đại, nhưng vẫn giữ đuợc đặc tính dân tộc cổ truyền. (William J. Duiker, Ho Chi Minh, Nxb. Hyperion, New York, 2000. tr. 565, và phần chú thích số 3 tr. 669.) Nếu để đến ba tháng mới ướp xác, thì cái xác HCM đã bị ung thối, nên chắc chắn việc ướp xác đã được Bộ chính trị đảng Lao Động cho thi hành ngay sau khi HCM chết.
Theo tiết lộ từ các chuyên viên Viện lăng Lenin, ngày 28-8-1969, đoàn chuyên viên y khoa Liên Xô gồm 5 thành viên của Viện lăng Lenin là các giáo sư Debov (trưởng đoàn), Polukhin. Michaelov, Kharascov và Saterov đến Hà Nội.
Ngày 2-9, lúc 11 giờ các giáo sư nầy đến Quân y viện 108 khám nghiệm xác HCM vừa được đưa đến đặt ở đây, với sự có mặt của Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài. Hai bác sĩ Polukhin và Mikhaelov bắt đầu mổ xác HCM với sự phụ tá của hai bác sĩ Việt Nam. Sau ba ngày theo dõi, người ta di chuyển xác HCM đến Hội trường Ba Đình tối 5-9-1969. (Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000.)
Lúc đầu, các chuyên gia Liên Xô muốn đưa xác HCM về Moscow ướp, vì theo họ việc nầy không thể thực hiện được ở Hà Nội do điều kiện kỹ thuật ở đây không đầy đủ. Giáo sư trưởng đoàn Debov đã báo cho Lê Duẩn biết ý kiến nầy, nhưng Lê Duẩn sợ Liên Xô đem xác HCM về Liên Xô làm con tin, nên phản đối.
Lúc đó, thủ tướng Liên Xô là Alexei Kosygin, đang qua Hà Nội viếng tang HCM, yêu cầu toán chuyên gia tìm cách ướp xác HCM tại Hà Nội, và chính phủ Liên Xô sẽ cung cấp đầy đủ tiện nghi để làm việc. (Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000.) Chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Hà Nội bị máy bay Hoa Kỳ oanh tạc, nên xác HCM cũng như toán chuyên gia Liên Xô phải sơ tán lên một hang động rộng rãi bên bờ sông Đà.
Cuối cùng, sau 8 tháng ướp xác với những điều kiện khí hậu nhiệt đới và phải di chuyển vì sơ tán, các chuyên gia Liên Xô tin rằng xác HCM có thể duy trì được trong thời gian dài. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ ngưng hẳn cuộc oanh tạc Bắc Việt Nam, xác của HCM mới được đưa về Hà Nội năm 1975. (Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000.)
Khi Bộ chính trị đảng Lao Động lúc đó quyết định xây lăng mộ và ướp xác HCM, có hai câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng họ làm thế vì kính trọng HCM? Và tại sao CS duy vật lại xây lăng như kiểu các vua chúa ngày xưa?
Thứ nhứt, HCM là lãnh tụ tối cao của đảng Lao Động. Bề ngoài HCM luôn luôn được các thuộc hạ tôn kính, nhưng thực tế bên trong đảng Lao Động, các thuộc hạ của HCM nhiều lần chứng tỏ thiếu kính trọng HCM trong những năm cuối đời.
Ví dụ cụ thể là vụ bà Xuân, vợ HCM bị Trần Quốc Hoàn hiếp dâm rồi giết. Theo một tài liệu tiết lộ sau năm 1975, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn lại còn âm mưu sát hại HCM vào năm 1967. Tài liệu nầy cho biết người phi công tên là Thắng, lái chuyến bay đưa HCM từ Bắc Kinh trở về đến Hà Nội ngày 23-12-1967, khi đáp xuống phi trường thì “… thấy đèn hiệu đường băng chệch 150 không hạ cánh được, đã điện hỏi nhiều lần nhưng không trả lời. Anh bèn hạ cánh theo trí nhớ. May mà an toàn.” (VietBao Online, California, số 2359.) Sau đó, khi HCM chết năm 1969, các thuộc hạ của HCM chẳng kính trọng di chúc của HCM và làm trái với những điều HCM đã dặn.
Thứ hai, CS chủ trương duy vật vô thần, chống lại các tín ngưỡng, tiêu diệt các tôn giáo, triệt hạ các đền đài, chùa chiền và nhà thờ, tại sao lại đi ngược di chúc HCM, xây lăng, ướp xác HCM để người dân chiêm bái?
Trước khi chết, HCM viết trong di chúc: “…Vì vậy tôi để sẵn mấy lời nầy, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin và các vị c. m. đàn anh khác…” (Ban nghiên cứu lịch sử đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư, Hà Nội: Nxb Sự Thật, 1975, tr.71.)
Điều nầy có nghĩa là trước khi chết, HCM tin rằng linh hồn con người còn hiện hữu sau khi qua đời, và cũng có nghĩa là HCM đã phản bác lại chủ nghĩa duy vật, quay về với tín ngưỡng linh hồn cổ xưa của con người và của dân tộc.
Về phía bộ chính trị đảng Lao Động, chắc chắn không phải vì tin vào sự hiện hữu của linh hồn, mà bộ chính trị đảng Lao Động, quyết định xây lăng mộ cho HCM. Để bào chữa cho việc sửa đổi di chúc HCM của ban lãnh đạo đảng Lao Động năm 1969, không hỏa táng mà lại ướp xác HCM, thông báo của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1989 (20 năm sau) viết như sau: “Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau nầy đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác lời Bác dặn.” (Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc…, sđd. tr. 8.)
Hồ Chí Minh đã chết thì làm sao còn xin phép được nữa? Đó chỉ là cách ngụy biện để che đậy những ý đồ riêng tư của đảng Lao Động mà thôi. Chẳng cần tìm hiểu ý đồ xây lăng mộ cho HCM là ý đồ gì, nhưng chắc chắn việc ướp xác rồi bảo trì xác ướp HCM trong 50 năm qua rất khó khăn và rất tốn kém. Riêng ngân sách vận hành lăng mộ HCM năm 2016 ngốn hết 318,730 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với ngân sách một bộ trong chính phủ trung ương. (Báo điện tử Tiếng Dân, ngày 22-6-2019.) Đó là tiền thuế của dân chứ của ai vào đây?
Đảng Lao Động đổi tên thành đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1976, muốn giữ gìn xây lăng để “để sau nầy đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng”. Tuy nhiên ngày nay, những khách quý biết tự trọng như tổng thống Pháp, tổng thống Hoa Kỳ, khi đến thăm Việt Nam, có ai đến thăm lăng HCM đâu? Còn thường dân Việt Nam thì ít thăm quá, đảng CS phải ra lệnh tổ chức phát bánh mì cho trẻ con đến thăm lăng HCM, mới có khách vãng lai.
Rồi một ngày kia, khi bão nổi lên rồi, thì không biết số phận cái xác của tên tội đồ bán nước sẽ như thế nào?
(Toronto, 23-6-2019)
https://vietbao.com/a295681/viec-uop-xac-ho-chi-minh
Thủ tướng Việt Nam chỉ trích Thủ tướng Lý Hiển Long
về phát biểu xâm lược Campuchia
Truyền thông trong nước hôm 23/6 cho biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê phán Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về phát biểu của ông này rằng Việt Nam đã xâm lược Campuchia hồi năm 1979.
Trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, hôm 22/6, Thủ tướng Việt Nam nói rằng phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long đã làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm ngàn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hoà bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ.
Hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên Facebook cá nhân và phát biểu tại Đối thoại Shangri-La rằng Việt Nam đã xâm lược và chiếm đóng Campuchia vào năm 1979.
Sau phát ngôn này, cả Campuchia và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối và cho rằng phát biểu không chính xác.
Chính phủ Singapore sau đó lên tiếng khẳng định phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long không có gì mới và đó là quan điểm của ASEAN vào thời gian Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa Singapore với Việt Nam và Campuchia.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Singapore nói ông không có ý làm tổn thương Việt Nam mà chỉ nhắc lại môt chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.
Năm 1979, Việt Nam đã đưa khoảng 150.000 quân tiến qua biên giới vào lãnh thổ Campuchia, lật đổ chính phủ Khmer Đỏ và lập nên chính phủ Campuchia mới. Việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia đã gặp phải nhiều chỉ trích của quốc tế và Việt Nam phải chịu cấm vận nhiều năm cho đến khi Việt Nam rút toàn bộ quân khỏi Campuchia 10 năm sau đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-pm-criticize-singaporian-pm-06232019094839.html
Việt Nam bị hạ cấp
trong báo cáo buôn người 2019 của Mỹ
Mỹ hạ cấp Việt Nam xuống nhóm các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người trong một báo cáo mới công bố, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam bị đưa vào nhóm này kể từ năm 2012.
Việt Nam là một trong số 38 nước được liệt kê trong Danh sách Theo dõi Bậc 2 của Báo cáo Buôn Người 2019 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Năm. Cấp độ này thấp hơn Bậc 2 và Bậc 1 nhưng cao hơn Bậc 3.
Các nước nằm trong Bậc 2 được định nghĩa là “chưa đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc bài trừ nạn buôn người nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để đạt được điều đó.” Trong trường hợp của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ nói chính phủ nước này đã “không cho thấy những nỗ lực tổng quát gia tăng so với giai đoạn báo cáo trước đây.”
“Việt Nam xác định số lượng nạn nhân buôn người ít hơn đáng kể so với nhưng năm trước. Các nỗ lực chấp pháp bị ngăn trở bởi việc hoãn thi công bố những chỉ dẫn thi hành chính thức đối với Điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự,” báo cáo viết.
Báo cáo cũng chỉ ra “sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan” và “sự thiếu kiến thức” của một số quan chức tỉnh đối với luật chống buôn người và việc bảo vệ nạn nhân “tiếp tục cản trở” những nỗ lực chống buôn người. Báo cáo nói thêm chính phủ cũng không báo cáo bất kì cuộc điều tra, việc truy tố, hay việc kết tội các quan chức đồng lõa trong các vụ phạm tội buôn người.
“Do đó Việt Nam bị hạ cấp xuống Danh sách Theo dõi Bậc 2,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Chưa có phản hồi chính thức nào từ Việt Nam nhưng trước đây Việt Nam từng nói báo cáo này của Mỹ có những nhận xét “không khách quan.”
Trong phần khuyến nghị ưu tiên, Mỹ hối thúc Việt Nam huấn luyện các quan chứ về việc thi hành các chỉ dẫn cho Điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự, “với trọng tâm là xác định và điều tra nạn lao động cưỡng bức và những vụ buôn người trong nước, bao gồm những vụ có nạn nhân là nam.”
Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc bắt những người trong trại cai nghiện tham gia lao động cưỡng bức và cho phép xác minh độc lập tập tục này đã chấm dứt.
Philippines là nước duy nhất ở Đông Nam Á được xếp ở Bậc 1. Tuy nhiên báo cáo lưu ý các nước Bậc 1 không phải là không có buôn người hay đang làm đủ để giải quyết vấn đề này, mà là chính phủ các nước này đã có nỗ lực giải quyết vấn đề để đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu theo Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-bi-ha-cap-trong-bao-cao-buon-nguoi-2019-cua-my/4969832.html
Việt Nam phản đối
tàu TQ sách nhiễu tàu cá Việt Nam
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, hành động mà tàu Trung Quốc gây nên đối với tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế
Đối với tình trạng một số tàu của Việt Nam đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tịch thu hải sản, ngư cụ; người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lặp lại tuyên bố Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, hành động mà tàu Trung Quốc gây nên đối với tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế; vi phạm Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; đe dọa an toàn, tài sản của các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này.
Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, một tàu cá của Philippines là tàu FB Gemvir-1 của Philippines bị một tàu Trung Quốc đâm chìm gần Bãi Cỏ Rong khiến 22 ngư dân Philippines trôi nổi trên biển nhiều giờ.
Tàu cá TGTG-90983-TS của ngư dân Ngô Văn Thẻng người Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã đến cứu những ngư dân Phillippines.
Về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các tàu cá khi hoạt động trên biển có trách nhiệm thực thi các công ước quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và các sáng kiến của Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO). Theo đó các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển.
Việt Nam là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và IMO và tàu cá Việt Nam thực hiện các nghia vụ quốc tế của mình.
http://biendong.net/bi-n-nong/28846-viet-nam-phan-doi-tau-tq-sach-nhieu-tau-ca-viet-nam.html
Việt Nam lên án tàu TQ
cướp tài sản của ngư dân ở Hoàng Sa
Bộ Ngoại giao khẳng định việc tàu Trung Quốc xua đuổi, thu tài sản ngư dân ở Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam và luật quốc tế.
Hành động của các tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai bên, đe dọa an toàn, tài sản của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm nay cho biết trong họp báo.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về việc một số tàu cá Việt Nam gần đây bị tàu Trung Quốc xua đuổi, thu tài sản và ngư cụ ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm và có hình thức giáo dục các nhân viên tàu công vụ vi phạm, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, không để tái diễn các sự việc tương tự”, người phát ngôn nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/6 đã giao thiệp với đại diện đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để phản đối và yêu cầu xác minh hành động của nhân viên tàu công vụ Trung Quốc. Bà Hằng nêu rõ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Hội nghề cá Việt Nam, tàu cá Qna91441 của ngư dân Quảng Nam ngày 2/6 đang ở cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý thì một tàu sắt sơn màu trắng mang số hiệu 46305, treo cờ Trung Quốc, cập đến áp sát, cho người leo lên tàu đe dọa tính mạng thuyền viên. Tàu Trung Quốc sau đó cướp hai tấn mực của ngư dân, trị giá hơn 250 triệu đồng.
Hội Nghề cá Việt Nam ngày 10/6 có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương phản đối phía Trung Quốc cướp tài sản của tàu cá Quảng Nam.
http://biendong.net/bi-n-nong/28845-viet-nam-len-an-tau-tq-cuop-tai-san-cua-ngu-dan-o-hoang-sa.html
Nhạc Sĩ Hùng Lân
Xuân Niệm
Một nhạc sĩ được học trò Miền Nam nhớ nhiều là Hùng Lân… Trong đó, có bài Hè Về, khởi đầu là những câu nhạc rất vui, rộn ràng:
Trời hồng hồng, sáng trong trong,
ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm, gió ru êm,
lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên
Đàn nhịp nhàng, hát vang vang,
nhạc hòa thơ đón hè sang…
Hôm 23 tháng 6 là sinh nhật của người nhạc sĩ cổ thụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Hùng Lân (1922 – 1986) là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca, ông cũng là tác giả đặt lời Việt cho bài “Silent Night” nổi tiếng với tựa đề Đêm thánh vô cùng.
Đối với một số nhà hoạt động, nhiều người nhớ tới nhạc Hùng Lân qua ca khúc “Việt Nam minh châu trời đông” — bài này dùng làm đảng ca của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng — môt ca khúc mang tính hùng vĩ từ lời tới nhạc:
“Việt Nam minh châu trời đông.
Việt Nam nước thiêng tiên rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời
Máu ai còn vương cỏ hoa
Giục đem tấm thân trải với sơn hà.
Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước
Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.
“Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam!”
Nhạc sĩ Hùng Lân có tên khai sinh Hoàng Văn Cường (nhưng do nhầm lẫn, giấy khai sinh ghi là Hoàng Văn Hường, sau lại đổi là Hoàng Văn Hương), chào đời ngày 23 tháng 6, 1922 tại Hà Nội, từ trần ngày 17 tháng 9, 1986 tại Sài Gòn — thọ 64 tuổi.
Tự điển Bách khoa Mở ghi rằng Hùng Lân xuất thân trong gia đình Công giáo, vì vậy từ nhỏ ông đã chịu phép Thanh Tẩy và mang tên thánh Phêrô. Năm 1928, ông theo học tại trường tiểu học Gendreau. Ngay từ năm 8 tuổi, ông đã bắt đầu học nhạc với linh mục người Pháp P. Depautis (còn gọi là Cố Hương) và được tuyển vào ban hợp xướng Nhà thờ Lớn Hà Nội…
Năm 1943, ông sáng tác nhạc phẩm Rạng đông, được giải thưởng của Hội Khuyến học Hà Nội. Năm 1944, ông sáng tác bài hát Việt Nam minh châu trời đông, được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc trong năm đó. Tác phẩm này sau được Đảng Đại Việt dùng làm đảng ca.
Liên tiếp trong hai năm 1945 – 1946, mẹ rồi đến cha của Hùng Lân qua đời. Ông phải bỏ học để có điều kiện lo lắng cho gia đình vì các em còn nhỏ. Năm 1945, ông nhận dạy học ở trường Kẻ Giảng (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), cách Phủ Lý chừng 5, 6 cây số. Trong nhà thờ Kẻ Sở của vùng này, bấy giờ có một cây quản cầm (harmonium) rất tốt và ông thường dùng để sáng tác nhiều bài hát và về sau trở nên nổi tiếng. Cũng trong thời gian này, bút hiệu Hùng Lân ra đời, được ghép từ hai tên của người em thứ năm và thứ tám của ông. Sau đó, ông nhận làm giáo sư dạy âm nhạc tại trường Trung học Nguyễn Trãi Hà Nội.
Năm 1946, ông đã viết một bài hát hưởng ứng với tên gọi Khỏe vì Nước. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và trở thành bài hát chính cho phong trào thể dục thể thao. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, nhân ngày hội khỏe đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thanh niên và Tự vệ Thủ đô Hà Nội đã trình diễn bài thể dục đồng diễn trên nền bài Khỏe vì Nước. Từ đó, cái tên Hùng Lân trở nên nổi tiếng.
Khi cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Hà Nội, ông cũng theo kháng chiến một thời gian. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời chiến khu trở về Hà Nội tiếp tục dạy học. Năm 1948, ông dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An, Hà Nội…
Sau Hiệp định Genève 1954, Hùng Lân di cư vào Nam làm giáo sư âm nhạc của trường Ca vũ nhạc Phổ thông Sài Gòn và cũng là trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Từ năm 1957, ông là giáo sư dạy môn Ký xướng âm của Trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn. Cùng thời gian đó, ông ghi tên học và tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963.
Cùng năm đó, ông về làm việc tại Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục. Năm 1965, ông được bổ nhiệm chức Chủ sự Phòng Phát thanh Học đường, Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Năm 1967-1968, ông được cử đi tu nghiệp một khóa ngắn hạn tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và truyền thông tại Đại học Syracuse, tiểu bang New York (Hoa Kỳ). Sau khi trở về Việt Nam, ông đã xây dựng chương trình Đố vui để học do Trung tâm Học liệu phát hình lần đầu vào năm 1969 trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Từ năm 1971 cho đến năm 1975, ông về Trường Sư phạm thuộc Đại học Đà Lạt dạy môn Sư phạm Âm nhạc.
Sau 1975, ông trở về tư gia tại đường Nguyễn Văn Thủ, Thành phố Sài Gòn. Do có thời gian tham gia kháng chiến nhưng lại trở về, ông thường xuyên gặp phải sự nghi kỵ của nhiều quan chức trong chính quyền mới. Bài hát Khỏe vì Nước của ông một thời gian bị CSVN cấm vì là bài hát của “người rời bỏ kháng chiên”. Tuy nhiên, do uy tín quá lớn của ông và sự can thiệp của nhiều học trò cũ của ông, nên ông không bị làm khó dễ. Ông tiếp tục việc dạy nhạc và nghiên cứu âm nhạc tại tư gia cho đến tận khi qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1986.
Hùng Lân là một nhạc sĩ lớn, để lại nhiều ca khúc được ghi nhớ.
https://vietbao.com/p121a295653/nhac-si-hung-lan
Hãy nhìn lại chính mình
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” nói về những tiềm ẩn nguy hiểm mà mạng xã hội có thể đem lại cho guồng máy chính trị hiện nay (1). Bài viết công phu và nhìn nhận hai mặt tích cực và tiêu cực của người dùng mạng xã hội trong nước nhằm đề ra biện pháp đối phó mà tác giả ghi nhận trong “5 là” có nội dung định hướng cho giới chức trách mà tác giả chỉ ra gồm các cơ quan đảng. cơ quan thực thi pháp luật, báo chí, các doanh nghiệp IT, và ngay cả người dân có nhu cầu sử dụng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Fanpage, Twitter.
Mở đầu bài viết tác giả nhấn mạnh đến những phong trào cách mạng màu với cái nhìn có thể chưa đủ thuyết phục: “Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của “cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh”.
Truyền thông xã hội không hề châm ngòi cho bất cứ cuộc cách mạng nào mà nó chỉ là phương tiện để các cuộc cách mạng ấy lan rộng ra với quần chúng. Châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của quần chúng là các chế độ độc tài, sống quá lâu trên mồ hôi nước mắt của nhân dân, bóc lột, đày đọa người dân của họ bằng sức mạnh của nòng súng khiến sự căm phẫn dồn nén nhiều năm có cơ hội nổi dậy từ một sự kiện bất công nào đó.
Viết về cuộc biểu tình dài ngày của “Áo Vàng” tại Pháp, tác giả cho rằng “Phong trào lan nhanh bởi những lời kêu gọi phát tán trên mạng xã hội đã thổi bùng cơn giận dữ, vượt xa mục tiêu ban đầu là kích động biểu tình để phản đối chính sách, trở thành bạo loạn.” Nhưng trên tờ Tuổi Trẻ đã trích dẫn lại thì khác với những gì mà ông Võ Văn Thưởng nhận định: “Nhà nghiên cứu Romain Pasquier ở CNRS ghi nhận ngoại trừ vài thành phố lớn và thủ đô Paris, phong trào biểu tình áo khoác vàng chủ yếu diễn ra ở khu vực ngoại ô.
Tham gia biểu tình gồm đủ thành phần, từ công nhân, người thu nhập thấp cho đến người buôn bán, thợ thủ công. Họ là những người phải lái xe hơi mỗi ngày, có thu nhập khiêm tốn và không phải là thành phần nghèo nhất trong xã hội.” (2)
Tác giả Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh ở điều mà ông gọi là thông tin giả qua cái nhìn của Tuyên giáo: “Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn.”
Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài.”
Rất tiếc, tác giả không nghĩ xa một chút về các cuộc biểu tình ở phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Nếu ông được lớn lên trong cuộc chiến tranh Việt Nam ông sẽ thấy rằng lúc mà Internet chưa được sinh ra người Mỹ đã có những cuộc biểu tình long trời lở đất chống chiến tranh Việt Nam, dẫn tới cuộc rút quân của quân đội Mỹ và tạo tiền đề cho ngày 30 tháng 4. Lập luận mạng xã hội gây nên những cuộc bạo loạn là không thuyết phục.
Nếu đi sâu hơn về thông tin giả mà tác giả lo ngại, đối với Việt Nam có lẽ trong vị trí của một người đứng đầu ban Tuyên giáo ông nên nhìn lại những gì mà Đảng Cộng sản đang làm hiện nay có thể bị cáo buộc là đang thực hiện những thông tin giả một cách công khai bất kể sự hiểu biết của dân chúng đã trưởng thành sau nhiều năm sống dưới chế độ.
Có những thông tin giả chỉ vài giờ là nhận ra nhưng cũng có những thông tin đến vài năm người dân mới phát hiện. Thí dụ ông Nguyễn Thiện Nhân trong khi giữ chức Bộ trường Bộ Giáo dục đã điềm nhiên công bố “đến năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương” (3) và thông tin này sau đó được toàn thể nhân viên của Bộ giáo dục chứng minh là “giả”.
Mạng xã hội có thể là nơi duy nhất để người dân bàn bạc thảo luận hay chia sẻ những gì họ quan tâm, tuy nhiên có những chủ đề chính đáng lại bị nhà nước cho là “nhạy cảm” và ngăn cản mặc dù cũng chính nhà nước khuyến khích người dân “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau khi bài viết của ông Võ Văn Thưởng xuất hiện thì tạp chí Cộng sản phát hành ngày 21 tháng 6 năm 2019 nhắc lại câu này như một khẳng định của chân lý: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là khẩu hiệu dân vận hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà phải trở thành một định chế và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa.” (4)
Với tinh thần của bài báo này thử hỏi khi dân chúng nêu câu hỏi về Hội Nghị Thành Đô trên Facebook có phải là phản động hay không mặc dù trên mạng Internet đã xuất hiện dầy dặc những thông tin về vấn đề này. Chẳng hạn như bài viết của Hồng Khiêm, Nguyên Tham tán Bộ Ngoại giao về Hồi ký Trần Quang Cơ, có đoạn: “Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và CNXH thế giới, chống lại hiểm hoạ ‘diễn biễn hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm ““giải pháp Đỏ”. (5)
Nếu nhà nước không bưng bít thông tin như lâu nay thì làm gì người dân có cơ hội bàn tán trên mạng xã hội, thay vì vui chơi, mua sắm hay khoe hình ảnh gia đình, con cháu của mình?
Đã từ lâu báo chí bị cấm nhắc tới hai chữ Trung Quốc khi những chiếc tàu này đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam mà phải dùng từ “tàu lạ”. Chính từ ngữ tránh né này đã chọc giận tinh thần dân tộc khiến người dân Việt Nam bùng lên những cơn biều tình chống Trung Quốc chứ không phải do mạng xã hội kích động như ông Võ Văn Thưởng biện bạch. Những nguyên nhân tiềm ẩn này nhà nước phải thấy trước khi người dân bùng lên như ngày 10 tháng 6 năm 2018 khi hàng chục ngàn người biểu tình đòi bải bỏ dự luật Đặc khu.
Điều thú vị là cuộc biểu tình này nhà nước không tìm ra chứng cứ nào từ internet hay mạng xã hội có sự kích động nhưng nó vẫn xảy ra. Vậy thì trước khi lo nó tác động tới người dân gây hậu quả nghiêm trọng thì chính bản thân Đảng, chính phủ phải nghiêm khắc nhìn lại chính mình trước khi lên án một phương tiện đang giúp cho người dân sống cuộc đời đáng sống.
(1) http://soha.vn/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-
(2) https://tuoitre.vn/vi-dau-con-gian-ao-khoac-vang-o-phap-20181204153230927.htm
(3) https://thanhnien.vn/giao-duc/nam-2010-giao-vien-co-the-song-duoc-bang-luong-120291.html
(5) http://www.viet-studies.net/THDung/DocLaiHoiKyTQCo_HongKhiem.htm
https://www.voatiengviet.com/a/vo-van-thuong-hay-tu-nhin-lai-chinh-minh/4968420.html