Tin Việt Nam – 23/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/05/2018

Cháy tại Đan Viện Thiên An

Thêm một vụ cháy xảy ra ngày 23 tháng 5 tại rừng thông Đan Viện Thiên An ở thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Đan sĩ Giuse Maria Trử Mạnh Cường vào lúc 5:45 phút chiều ngày 23 tháng 5 cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình như sau:

“Cách đây khoảng 1 tiếng lại xảy ra tiếp một đám cháy nữa ở phía nam của Đan Viện; một héc ta đồi bị đốt tiếp. Anh em vừa đi chữa cháy về.”

Về việc dập tắt đám cháy vào ngày 22 tháng 5, Đan sĩ Trử Mạnh Cường thuật lại:

“Một người dân phơi thóc lúa rồi gây cháy. Người dân này và một bảo vệ bên Công viên Thủy Tiên chữa cháy. Các đan sĩ thấy vụ cháy cũng đánh kẻng rồi tham gia chữa cháy. Sau đó có các anh bộ đội tại Trường Lái sát nơi cháy sang tham gia; còn các lực lượng chính như bên Lâm Trường và Kiểm Lâm thì đến cuối mới đến.”

Lâu nay Đan Viện Thiên An làm đơn khiếu nại đến các cấp từ địa phương đến trung ương về việc trưng thu 49 héc ta thuộc 107 héc ta đất của Đan Viện có quyền sở hữu từ những thập niên 50 thế kỷ trước.

Sau này, có dấu hiệu chính quyền địa phương muốn lấy thêm đất để bán cho doanh nghiệp tư nhân; nên Đan Viện Thiên An tiếp tục khiếu nại. Tuy nhiên mọi đơn thư chỉ được bảo chờ giải quyết.

Trong thời gian qua, xảy ra những vụ hành hung đan sĩ khi họ tiến hành cải tạo trên phần đất của Đan Viện; cũng như việc phá hủy Thánh Giá mà các đan sĩ dựng lên.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Fire-at-disputed-Thien-An-05232018101835.html

 

Tiếp tục tranh cãi tên gọi ‘Trạm Thu Giá’

 hay ‘Trạm Thu Phí’ BOT

Đại diện đơn vị xây dựng trạm thu giá BOT Đức Hòa ở Long An muốn đổi tên trạm thu giá trở về trạm thu phí.

Theo vị đại diện này thì tên trạm thu giá nghe rất tối nghĩa vì thu giá thì phải thu giá cho cái gì và giá bao nhiêu mới tròn nghĩa, hơn nữa trong luật pháp chỉ có quy định về phí và lệ phí. Tuy nhiên vị đại diện này cũng cho biết phía Tổng cục đường bộ cho rằng tên thu giá khó thay đổi lại, nên phía ông chưa chính thức làm đơn đề nghị thay đổi.

Theo truyền thông trong nước, bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói với báo chí xung quanh việc các trạm thu phí BOT được đổi tên thành “trạm thu giá” trong thời gian qua là “Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước”.

Các chuyên gia thì cho rằng căn cứ này không thuyết phục và việc đổi tên không giúp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải quyết những bức xúc của dân về các trạm BOT hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Hà Nội cho rằng khi thay đổi thành giá thì Bộ GTVT có thể linh hoạt thay đổi giá tạo cơ chế đấu thầu cạnh tranh, đàm phán.

Theo chuyên gia pháp lý Lê Thị Hòa thì không thể tùy tiện thay đổi và sử dụng tên gọi khác dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai bản chất của thuật ngữ pháp lý.

Vấn nạn các trạm thu phí BOT lâu nay gây bức xúc cho giới tài xế và người dân tại những nơi đặt các trạm dạng này. Lý do bị phản đối chủ yếu mức thu quá cao, bất hợp lý và vị trí đặt trạm không đúng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/investment-group-wants-to-get-the-old-name-of-bot-back-05232018101122.html

 

Hộ chiếu Việt Nam xếp sau Lào và Campuchia

Tại khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 84, sau Campuchia, đứng thứ 81 và Lào đứng thứ 83.

Đây là kết quả bảng công bố mới nhất về xếp hạng hộ chiếu (Henley Passport Index) do hãng tư vấn và công dân toàn cầu Henley & Partners đưa ra hôm 23.5.2018. Theo bảng xếp hạng này thì Việt Nam chỉ hơn Myanmar.

Theo bảng xếp hạng đưa ra hôm 28.2.2018, Singapore và Nhật và 2 quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên theo bảng công bố mới nhất thì Nhật đã vượt qua Singapore, được miễn visa vào 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng kế tiếp là hộ chiếu của Đức với 179 quốc gia và vùng lãnh thổ không cần thị thực nhập cảnh.

Henley Passport Index được đưa ra dựa theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nguồn cơ sở dữ liệu về thông tin du lịch lớn nhất thế giới.

Công dân Việt Nam được 51 quốc gia miễn visa nhập cảnh.

Trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN, dù người mang hộ chiếu Việt Nam được miễn thị thực nhập cảnh, nhưng tại một số nước như Singapore, biện pháp kiểm tra chặt chẽ vẫn được tiến hành; nhất là đối với những đối tượng bị cho nhập cảnh để hành nghề mại dâm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnamese-passport-ranked-behind-laos-and-cambodia-05232018091833.html

 

Ai dạy họ?

Đồng Phụng Việt

Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM vừa tổ chức họp báo để biện giải về chuyện Sài Gòn tiếp tục chìm trong nước sau khi trời đổ mưa vào cuối buổi chiều ngày 19 tháng 5.

Ngoài các website của hệ thống truyền thông chính thức, mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin, hình ảnh về chuyện Sài Gòn ngập sâu, ngập lâu bởi trận mưa ấy.

Có khoảng mười triệu người cư trú tại Sài Gòn, cứ cho là chỉ có 1/10 cư dân Sài Gòn đội mưa, lội nước về nhà và phải sắp đặt lại đồ đạc, dọn dẹp lại nhà cửa, chặn nước tràn vào nhà, tát nước ra khỏi nhà… thì cũng đã có một triệu người làm chứng về chuyện Sài Gòn ngập, lụt thê thảm tối ngày 19 tháng 5.

Có chừng 50 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, cứ cho là chỉ có 1/10 số này thường xuyên tìm thông tin về các diễn biến quanh họ, xem hình ảnh về các sự kiện thời sự,… thì ít nhất cũng có năm triệu người… mãn nhãn, mãn nhĩ về vô số bi, hài kịch phát sinh từ ngập lụt ở Sài Gòn – giờ đã là thảm nạn chưa biết bao giờ kết thúc.

Thế nhưng trong buổi họp báo vừa kể, đại diện Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM vẫn khăng khăng khẳng định rằng, sau “trận mưa lịch sử” cuối buổi chiều ngày 19 tháng 5, toàn Sài Gòn chỉ có… mười con đường bị ngập từ… 10 cm đến 25 cm.

Chẳng lẽ đại diện cơ quan đặc trách về hạ tầng giao thông – công chánh của chính quyền thành phố được xem là lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam lại nói… điêu? Còn nếu họ nói đúng và xem ảnh luận… chiều cao thì… đáng ngại là ở Sài Gòn có rất nhiều người mà chiều cao chỉ khoảng… 50 cm đến 75 cm! Nếu chiều cao không khiêm tốn như vậy, làm gì có chuyện mực nước ngập chỉ… từ 10 cm đến 25 cm mà đã… ngang đầu gối hoặc hông của nhiều người!

Theo thuyết tiến hóa, sau nhiều ngàn năm, khỉ trở thành người. Song đại diện Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM vừa chỉ ra một hiện tượng… kỳ bí khác: Loài người đang có khuynh hướng… thoái hóa. Có thể tìm thấy nhiều bằng chứng về khuynh hướng ấy tại…  Sài Gòn. Sau 43 năm, dân Sài Gòn đột nhiên nhỏ lại, chiều cao trung bình giảm tới mức không thể không sửng sốt?!. Chẳng lẽ đi theo con đường Karl Marx vạch ra lại là… ngược chiều với Charles Darwin?!.

Cũng cần kể thêm rằng, bởi tại cuộc họp báo vừa kể, nhiều nhà báo công khai bày tỏ sự nghi ngại về nhận định, sau “trận mưa lịch sử” cuối buổi chiều ngày 19 tháng 5, toàn Sài Gòn chỉ có mười con đường bị ngập từ… 10 cm đến 25 cm, đại diện Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM giải thích thêm, căn cứ vào tiêu chí do Bộ Xây dựng đặt định thì 22 con đường khác chìm trong nước chỉ là… “tụ nước sau mưa”?!.

Ai có thể nín cười khi nghe biện giải Sài Gòn không ngập, lụt mà chỉ “tụ nước sau mưa”? Cười thì cứ cười. Thậm chí cười xong có chửi thì hai từ ngập, lụt sắp hết đất sống trong kho từ vựng tiếng Việt thời cộng sản!

Khả năng vận dụng tiếng Việt – tạo từ của các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam càng lúc càng đáng kinh ngạc: “Tụ nước sau mưa” ra đời cùng lúc với… “Thu giá”. Đã có hàng trăm kiểu suy đoán về lý do “thu phí” giờ đồng loạt được thay bằng… “thu giá” nhưng tựu chung không ai đủ khả năng giải thích “giá” trong “thu giá” tương quan như thế nào về ngữ nghĩa với “phí”!  Không hiểu, không ưng vì khác thường, vô lý nhưng “thu giá” đã ra đời và chắc chắn sẽ còn tồn tại cho đến khi tai tiếng của “ta” về thuế, phí giảm đi.

***

Tiếng Việt thời cộng sản càng ngày càng… phong phú một cách đáng ngại.

Tổ tiên, cha ông người Việt chỉ có khả năng diễn đạt trạng thái chẳng có, chẳng còn gì để ăn là “thiếu, đói”. Sang thời cộng sản, “thiếu, đói” trở thành cấm kỵ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng CSVN quang vinh nên nó phải được diễn đạt khác đi và thế là… “dứt bữa” ra đời.

Xét về khả năng vận dụng tiếng Việt, hậu sinh hơn hẳn tiền nhân. Nếu tái thế, những Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, Đào Duy Anh,… ắt phải vái những hậu sinh đã, đang và sẽ còn chia sẻ với nhau quyền lãnh đạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm… thầy. Ngoài khả năng tạo từ, khả năng biện giải bằng tiếng Việt của những cá nhân này cũng đã đạt đến trình độ thượng thừa.

Chưa có giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam, các cá nhân hữu trách có thể nghĩ ra những lý do để biện giải cho các hậu quả liên quan đến trách nhiệm của họ tài tình kiểu như cá chết hàng chục tấn là do… “sặc nước” chứ không phải vì bộ phận điều hành Thủy điện Hòa Bình đột ngột xả xuống hạ du một lượng nước lớn?… Gần nhất, đại diện Bộ Tài chính biện giải lý do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát là nhằm ngăn chặn… dân… béo phì. Một đại biểu Quốc hội thì cho rằng không những thuế chưa cao, phí chưa nặng như dân vẫn oán than mà chính sách về thuế, phương thức thu thuế vẫn chưa tiệm cận được… thiên hạ, bằng chứng là bán trà đá, tuy có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới, từ… 5.000% đến… 7.000% nhưng hệ thống công quyền lại bỏ sót, tới giờ, người bán trà đá vẫn… không đóng đồng nào cho ngân sách.

Ông bà, cha mẹ người Việt không dạy cháu con cách dùng tiếng Việt cũng như lối tư duy –  biện giải như vậy. Hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa từ mẫu giáo đến đại học cũng chưa đủ khả năng đào tạo ra những cá nhân có thể tạo từ và vận dụng Việt ngữ phi phàm như vậy. Thế thì ai dạy họ?

Muốn được chia sẻ quyền lãnh đạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những cá nhân ấy phải tốt nghiệp các Trường Đảng, Trường Hành chính mà từ 1995, đổi tên thành Trường Chính trị. Để lên cao, những cá nhân ấy dứt khoát phải hoàn tất việc tu nghiệp tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, giờ đã được đổi tên thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Có phải càng dùi mài lâu trong hệ thống trường chính trị do Đảng CSVN lập ra, cá nhân càng khác thường trong việc khai thác tiếng mẹ đẻ của mình (?), cả sự biến báo trong tư duy lẫn khả năng nói mà không thèm bận tâm người nghe nghĩ gì càng cao?

Thật ra, khi thiên hạ không muốn cũng phải nghe, không ưng cũng phải làm thì hà cớ gì phải suy tính về lời nói, việc làm. Sự ưu việt của “nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị” nằm ở chỗ đó đó. Hành xử theo kiểu “không thành công thì thành… nhân”  xưa rồi. Bây giờ là thời lập… ngôn không xong vẫn ấm thân.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-taught-them-05222018222537.html

 

World Cup: ‘VTV cò kè, khán giả sẽ xem lậu?’

Trần AnhGửi cho BBC từ Leeds, Anh quốc

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh chỉ còn cách chúng ta chưa đầy một tháng nữa, và trong khi 10/11 nước Đông Nam Á đều đã công bố về việc sở hữu bản quyền World Cup 2018 thì Việt Nam là nước mà chưa có đài truyền hình nào mang lại sự yên tâm cho người hâm mộ.

Vậy nhưng, khác với mọi năm, thay vì cầu mong, chờ đợi được theo dõi những ngôi sao hàng đầu thế giới trên TV thì các khán giả đã chuẩn bị sẵn sàng… link xem lậu.

Bóng đá Việt và những án phạt ‘kỳ lạ’

V-League 2018: Bình mới, mong rượu đừng cũ!

U23 Việt Nam giúp V-League được quan tâm?

‘Hạ giá còn chê…đắt’

Trong những ngày tháng qua, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã nỗ lực trong việc đàm phán và mọi thứ tưởng chừng như khả quan khi phía Infront Sports & Media (đơn vị nắm bản quyền World Cup trên lãnh thổ Việt Nam) còn sẵn sàng giảm số tiền bán bản quyền cho Việt Nam xuống còn 6 triệu USD.

Đây là mức giá được cho là thấp nhất mà phía Infront Sports & Media có thể giảm. Ban đầu, họ còn “hét” mức giá 18 triệu USD.

Thế nhưng VTV vẫn cho rằng số tiền 6 triệu USD (hơn 100 trăm tỷ VNĐ) cho bản quyền truyền hình World Cup 2018 là quá cao, VTV đang nỗ lực để đàm phán, nhằm giảm xuống mức giá chỉ còn 3-4 triệu USD, ngang bằng với mức giá mà họ từng chi cho World Cup 2014.

Con số 6 triệu USD đổi ra tiền Việt nghe có vẻ là đắt đỏ, nhưng hãy cùng nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan và Singapore, họ cũng đã lần lượt chi ra 41 triệu và 18 triệu để sở hữu bản quyền World Cup phục vụ khán giả quê nhà.

Và đừng quên rằng World Cup là cơ hội vàng để bán quảng cáo. Việc sở hữu toàn 64 trận của Cúp bóng đá thế giới 2014 đã đem về cho VTV khoản thu lên tới 1000 tỷ VNĐ theo như công bố của website Brands Vietnam, gấp 10 lần so với số tiền đã bỏ ra.

Park Hang-seo viết chương mới cho bóng đá Việt Nam

U23 Việt Nam ‘nay đã ở trong lòng’ người hâm mộ Hàn Quốc

Bóng đá Thái Lan ‘lo ngại’ sau thất bại của U23

Việt Nam vào bảng ‘dễ thở’ ở AFF Suzuki Cup 2018

Trang Kinhdoanh.Vnexpress năm đó cũng đưa tin VTV đã chào giá 210 triệu VNĐ cho 15 giây cho các đơn vị muốn chèn quảng cáo cho trận chung kết World Cup 2014; nếu muốn quảng cáo dài 30 giây thì số tiền bỏ ra cũng hơn gấp rưỡi 15 giây là 350 triệu VNĐ. Có thể thấy, VTV luôn luôn đại thắng về doanh thu mỗi mùa World Cup.

Đồng ý là một doanh nghiệp cần tối đa hoá lợi nhuận thế nhưng với một giải đấu “không thể không xem” như World Cup thì việc VTV hay bất cứ nhà đài nào sở hữu được nó “hét” giá cho các đối tác quảng cáo là việc dễ như trở bàn tay. Điều gì đã khiến đài truyền hình số một Việt Nam đắn đo đến vậy?

‘Có thì tốt, không thì… xem lậu’

Tính cho tới lúc này, VTV vẫn chưa có bất cứ thông báo nào chính thức về việc đã sở hữu bản quyền World Cup, dù trước đó một nhà báo nổi tiếng tại Việt Nam được cho là cố tình “rò rỉ” thông tin nhà đài chính thức có bản quyền World Cup với mức giá nhất Châu Á chỉ với 6 triệu USD trên Facebook cá nhân.

Điều này đồng nghĩa với việc khán giả hâm mộ vẫn chỉ đang bán tín, bán nghi và không chắc chắn sẽ được xem những ngôi sao như CR7, Messi hay Neymar qua màn hình TV. Vậy nhưng “cư dân mạng” Việt Nam lại có vẻ chẳng lo ngại gì về thông tin này khi họ sẵn sàng… xem lậu, và chia sẻ cho nhau những web chuyên phát lậu, phát trái phép.

Trước đây, các khán giả Việt Nam luôn được xem các giải bóng đá vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu như Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A một cách hoàn toàn miễn phí, hoặc một mức phí rất rẻ.

Tuy nhiên, từ sau khi các giải đấu nói trên dần được mua độc quyền và không phải ai cũng xem được như ngày trước, các khán giả hay cụ thể hơn là “cư dân mạng” đã nhiều năm nay truyền tai nhau cách để xem… lậu trên các forum, hội kín, thậm chí còn có những phần mềm chuyên phục vụ việc xem lậu mà các nhà đài chẳng có cách nào để ngăn cản được. Những hành vi thật đáng báo động.

Vài mùa trước, một nhà đài uy tín tại Việt Nam đã bị đối tác đơn phương chấm dứt cung cấp sóng UEFA Champions League với lý do là đài này đã không có biện pháp hiệu quá nào để ngăn chặn việc các trận đấu được phát free khắp các trang mạng.

Thật đáng buồn khi phần đông các khán giả chẳng hề quan tâm tới tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ. Với họ, chỉ cần được xem bóng đá miễn phí thì phần mềm nào cũng cài, link nào cũng vào và web nào cũng đăng ký. Họ không biết rằng những hành động đó đã và đang làm các nhà đài của Việt Nam điêu đứng khi đi đàm phán với những đối tác nước ngoài để sở hữu những giải đấu thể thao chất lượng như World Cup, Euro, Champions League, v.v…

Và hy vọng

Dù có thể bạn sẽ hơi khó chịu khi biết VTV kỳ keo lên xuống một vài triệu USD với đối tác, hay một bộ phận không nhỏ các fan ý thức tôn trọng bản quyền còn chưa có hoặc rất yếu kém, thì tất cả chúng ta đều mong World Cup sẽ được phát sóng trên TV phục vụ đồng bào cả nước bởi đó là “món ăn tinh thần” mà phải đợi bốn năm mới được thưởng thức một lần.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và hành văn của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44216475

 

Thực hư bức hình ‘xích chân chống cưỡng chế’

 ở Quảng Nam

Hình ảnh một nhóm người phụ nữ xích chân lại để phản đối cưỡng chế đất hôm 22/5 ở Quảng Nam đã nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Sau vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm vào tháng trước, các chủ đề đất đai đều trở nên nóng trên mạng xã hội, và hình ảnh trên trở thành tâm điểm chú ý gần đây nhất.

Tấm ảnh xuất hiện lần đầu tiên ở tài khoản Facebook Lệ Võ, người xác nhận là tác giả của tấm ảnh.

VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’

‘Xô xát’ trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolo

Vụ Thủ Thiêm ‘đã động đến các quyền của dân’

Nhưng một số người dân và một nhà báo tự do, những người trực tiếp có mặt hôm đó tại Quảng Lăng 2, Điện Nam Trung ở Quảng Nam cho rằng có uẩn khúc sau tấm ảnh đó.

Uẩn khúc, mâu thuẫn

Bà Hoàng Thị Hồng Thái, một cây bút tự do, cho BBC biết, sau khi thấy tấm ảnh trên Facebook Lệ Võ, bà đến tận nơi để tìm hiểu vụ việc.

Khi đến, căn nhà của chủ hộ Võ Như Ái, căn nhà duy nhất nằm ở đoạn đường tỉnh cần phải cưỡng chế giải tỏa, đã đóng chặt cửa với những người phụ nữ xích chân bên trong.

Bà Lệ Võ cho bà Thái biết mẹ bà Lệ là một trong những phụ nữ trong đó và bà này nói qua điện thoại rằng có khoảng 30 người từ 35 đến 75 tuổi.

“Họ nói ‘chết cũng ở trong, chết cũng chết cùng nhau’,” bà Thái kể lại.

Bà Thái cho biết lúc đó thì lực lượng an ninh ở bên ngoài, lực lượng chức năng thì đang thuyết phục những người ở trong nhà rời đi và đọc thông báo cưỡng chế. Nhưng chưa có bất kỳ hoạt động cưỡng chế gì.

Bà Thái cho biết bà sau đó đến nhà bà Lệ và phỏng vấn một số người dân.

Đến 7 giờ tối, bà Thái nghe bố của bà Lệ gọi điện thoại và nói “Thôi đi ra đi, ngồi thế được rồi”.

“Tôi cảm thấy rất lạ lùng. Và khi cửa mở ra thì tôi đếm rất kỹ chỉ có 5 người đi ra, với thái độ rất vui vẻ, không giống một thảm cảnh. Tôi gần như là bật khóc.

“Tôi đã đi chứng kiến nhiều vụ việc cưỡng chế đất đai, nên tôi cảm thấy có gì đó rất không bình thường. Chân họ cũng không có vết hằn gì. Nếu bị xích từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối thì phải bị hằn gì chứ?” bà Thái kể lại.

Đột nhiên sau đó bà Thái bị bố bà Lệ “yêu cầu ra khỏi nhà”. Họ nói “phản động họ không chứa chấp.”

“Cả ngày như thế khi lực lượng an ninh đông như vậy sao họ không ngăn cản.”

Được biết bà Lệ bán hàng qua Facebook. Hình ảnh những người dân bị xích của bà thu hút hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ.

Nhưng sau khi vụ việc kết thúc, bà xóa hết tất cả video clip, hình ảnh và các video quay trực tiếp trên tài khoảng Facebook vì “xóa để khỏi đọc thông báo nữa”.

Bà Lệ nói với BBC: “Thật ra hôm qua có nhà báo tự do gì đó đến lấy thông tin. Rồi sau công an biết, họ bảo là không được chứa họ, hù dọa gia đình tôi. Nên gia đình đã yêu cầu họ rời đi và giúp họ thoát đi đường khác.”

“Người dân họ đã bỏ cuộc rồi. Tôi cũng rất mệt nên không muốn nói thêm gì,” bà Lệ nói.

Còn theo bà Thái, sau khi nhóm người phụ nữ rời đi, 5 người của gia đình chủ hộ cũng rời khỏi trước căn nhà bị gỡ bỏ di dời lúc 9 tối cùng ngày 22/5.

Tranh chấp đất đai

Tuy vụ việc đằng sau tấm ảnh những người phụ nữ xích chân còn nhiều uẩn khuất, vụ việc cũng đã khiến dư luận quan tâm đến vấn đề tranh chấp đất đai ở thôn Quảng Lăng 2 này, vốn đã diễn ra suốt 2-3 năm qua.

Ủy ban Nhân dân trước đó cũng đã thông báo cưỡng chế vào ngày 22/5 cho 14 hộ dân bị ảnh hưởng.

Hôm 23/5, nhiều người dân phường Điện Nam Trung cũng có buổi đối chất với giới chức tỉnh, theo báo Tuổi Trẻ.

Nhiều người dân phản ánh tình trạng chỉ được bồi thường mức giá 720.000 đồng/m2 theo luật đất đai 2003.

Trong khi thời điểm ký kết đền bù giải tỏa là từ tháng 6/2015, tức phải theo luật đất đai 2013 và giá đền bù sẽ lên đến khoảng 3 triệu đồng/m2.

Cũng theo báo này, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Đạt nói chính quyền đã “sai sót trong việc thực thi giữa luật cũ, luật mới đã kéo theo những sai sót và chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm.”

“Tôi cũng hi vọng người dân phối hợp, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công sớm triển khai, hoàn thành dự án bị trì trệ bấy lâu”

Ông Đạt cho biết theo quyết định hôm 11/4 của UBND, mỗi mét vuông sẽ được tăng 1,35 lần, tức 972.000 đồng/m2 và sẽ chi trả từ ngày 24-27/5.

Nhưng nhiều người dân vẫn không lòng và bỏ về, báo Tuổi Trẻ tường thuật.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44220095

 

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 23/5

Quốc hội Việt Nam sáng 23/5 thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu).

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 22/5

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn: “Đề án xây dựng 3 đặc khu cần khoản đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào tiếp 3 đặc khu này. Trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước cũng chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách.

“Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa tất cả khoản đầu tư này là dành cho ai, đem lại lợi ích gì?”

Ông Nghĩa cho rằng chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm.

“Lò nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm củi sau khi 3 đặc khu ra đời. Do đó, chúng ta làm luật rồi mới xem xét nghị quyết lập đặc khu, bộ phận đại biểu chưa kịp xem xét hết.”

“Vì vậy, chúng ta nên thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu như thế cử tri sẽ yên tâm hơn.”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo nói Luật về đặc khu đã được thảo luận kỹ.

Ông Dũng nhận định luật cần sớm được thông qua để triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc sẽ tiếp tục hoàn thiện.

“Chúng ta thận trọng nhưng không quá cầu toàn”, ông Dũng nói.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị 30-36 tháng tù treo

Hôm 23/5, Viện Kiểm sát thành phố Hoà Bình đề nghị tòa tuyên phạt bác sĩ Lương từ 30-36 tháng tù treo, thời gian thử thách là 5 năm.

BS Lương bị đề nghị 30-36 tháng tù treo

Tòa án Nhân Dân thành phố Hòa Bình hiện đang xử phiên sơ thẩm vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Ba bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc về tội ‘vô ý làm chết người’.

Nói với báo Nhân Dân, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nêu quan điểm về phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong.

“Một phiên tòa diễn ra ở năm 2018 được thực hiện theo Luật Tố tụng hình sự năm 2015, vì vậy đây là một phiên tòa được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, nó phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được thể chế hóa trong Luật Tố tụng hình sự theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.”

“Do vậy, việc kiểm tra các tài liệu chứng cứ thông qua các quá trình tranh tụng, xét hỏi ở phiên tòa phải được công khai và được xem xét một cách toàn diện, đầy đủ.”

“Tuy nhiên, phiên tòa diễn ra trong mấy ngày qua mà vắng quá nhiều người làm chứng, người liên quan quan trọng như ông giám đốc bệnh viện khi đó là người trực tiếp ký hợp đồng trở xuống thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44215739

 

Cựu tù chính trị-nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

bị bắt đi làm việc

Cựu tù chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị an ninh bắt đi làm việc với cáo buộc tàng trữ sách cấm.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết vào trưa ngày 23 tháng 5 một thanh niên vào nhà ông ở Hải Phòng đưa cho ông 3 cuốn ‘Chính Trị Bình Dân’ của tác giả Phạm Đoan Trang, nhà báo tự do và là nhà hoạt động, nói tặng và xin được được học hỏi thêm về tập sách này, liền sau đó vài phút ông bị an ninh ập vào nhà buộc ông đi làm việc. Vào lúc 7 giờ tối ngày 23 tháng 5, ông Nguyễn Xuân Nghĩa thuật lại với Đài Á Châu Tự Do về vụ việc như sau:

“Họ vào nhà tôi một cách đột ngột, họ cưỡng bức tôi, nội dung là tôi tàng trữ 2 cuốn sách Chính trị bình dân rồi đang còn bán 1 cuốn, họ quy kết tôi vào chuyện tang trữ sách báo cấm, họ cưỡng bức tôi họ lôi tôi xềnh xệch  lên ô tô chở về phường”

Được biết sau hàng giờ làm việc và cương quyết không làm gì sai phạm, 5 giờ chiều cùng ngày an ninh cho ông về và có làm biên bản là họ chưa hề đánh đập hoặc vi phạm nhân phẩm ông. Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa mặc dù không đánh đâp nhưng phía chính quyền có đe dọa và khủng bố ông.  Con trai ông đã ký nhận người và đưa ông về nhà cùng ngày.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là người lên tiếng đòi đa nguyên đa đảng tại Việt Nam, ông cũng tham gia hoạt động biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, xâm lấn Việt Nam. Ông bị bắt và bị kết án 6 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước hồi ngày 11 tháng 9 năm 2008. Ông mãn án tù vào ngày 11 tháng 9 năm 2014.

Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động từ trước đến nay mà ông cho nhằm đấu tranh cho một đất nước dân chủ, tự do hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Former-political-prisoner-summoned-05232018100346.html

 

Trung Quốc đưa người ‘vào Việt Nam’

bắt nghi can lừa đảo

Hơn 150 nghi can lừa đảo viễn thông mới bị đưa từ Việt Nam về Trung Quốc sau đợt trấn áp tội phạm của quốc gia đông dân nhất thế giới tại nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”.

Bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, đăng hôm 23/5, dẫn lời cảnh sát thành phố Trùng Khánh ở tây nam nước này nói rằng các vụ lừa đảo liên quan tới hàng chục nghìn nạn nhân với thiệt hại tài chính lên tới gần 3 triệu đôla Mỹ.

Theo hãng tin này, cảnh sát Trung Quốc “đưa một đội vào Việt Nam đầu năm nay để làm việc với cảnh sát địa phương”.

“Họ đã đột kích sáu địa điểm hồi tháng Tư và sắp xếp việc đưa các nghi can trở lại Trung Quốc”, bản tin viết, nhưng không nói rõ chi tiết.

Chính quyền cũng như báo chí do nhà nước quản lý ở Việt Nam chưa thấy đăng tin tức về việc trục xuất trên.

Trước đây, trong các cuộc gặp song phương, quan chức Việt Nam và Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố “đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm”, nhất là trên biên giới chung.

Một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đưa các nghi phạm tham nhũng và phạm tội kinh tế bị bắt ở nước ngoài về nước, theo Reuters.

Giới quan sát nhận định rằng chính quyền trong nước thời gian qua dường như cũng đi theo con đường này, nhất là sau khi Đức cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức bị truy tố tội “cố ý làm trái” và “tham ô tài sản”, trong khi Việt Nam tuyên bố ông ra “tự thú”.

Ngoài Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác từng hợp tác với Bắc Kinh trong các chiến dịch tương tự là Campuchia và Indonesia.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C6%B0a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-v%C3%A0o-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BA%AFt-nghi-can-l%E1%BB%ABa-%C4%91%E1%BA%A3o/4406439.html

 

Luật sư Đức hé lộ lý do

ông Trịnh Xuân Thanh ngừng kháng án

Viễn Đông

Nữ luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh mới tiết lộ nguyên nhân cựu quan chức dầu khí này đi tới quyết định bất ngờ, trong khi xuất hiện nhận định rằng ông “có thể được đặc xá vì là trường hợp đặc biệt”.

Bà Petra Schlagenhauf xác nhận với VOA tiếng Việt rằng thân chủ của mình đã “rút đơn kháng cáo” và “tiếp tục nhấn mạnh rằng ông bị kết án sai”.

Ông ấy không được xét xử công bằng ở các phiên tòa sơ thẩm, và vì thế, không có hy vọng ở tòa phúc thẩm.

Nữ luật sư Petra Schlagenhauf nói.

“Ông ấy không được xét xử công bằng ở các phiên tòa sơ thẩm, và vì thế, không có hy vọng ở tòa phúc thẩm”, nữ luật sư nói về nguyên nhân dẫn tới bước đi được cho là “đột ngột” của cựu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.

Trong khi đó, đại diện tòa án nói hôm 7/5 rằng ông Thanh rút đơn kháng cáo án tù chung thân vì tội “cố ý làm trái” và “tham ô tài sản” do “gặp vấn đề về sức khỏe”.

Con trai của nhân vật vẫn gây sóng gió trong quan hệ Việt – Đức “cũng rút đơn đề nghị trả lại biệt thự và ôtô”.

Trước đó, tại tòa, ông Thanh từng nói “bị thấp khớp rất nặng, có khả năng biến chứng đột quỵ, đột tử”.

Bà Schlagenhauf cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng vợ của cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 7/5 đã ra “khai chứng” tại phiên tòa liên quan tới ông Thanh, dự kiến kéo dài tới tháng Tám.

Chúng tôi đang thảo luận với phía Việt Nam, và phía Việt Nam biết rõ những gì chúng tôi muốn để đưa quan hệ song phương hoàn toàn trở lại bình thường.

Nguồn thạo tin trong Bộ Ngoại giao Đức nói.

Bà Trần Dương Nga khai về các diễn biến vụ chồng bà “mất tích” ở Berlin trong khi chờ xin tị nạn hồi cuối tháng Bảy năm ngoái.

Nữ luật sư này cho biết rằng vợ của thân chủ của mình muốn người mà Berlin cáo buộc Hà Nội bắt cóc “được trở lại Đức” và nếu chuyện này không được giải quyết “xung đột ngoại giao” giữa Berlin và Hà Nội “sẽ không chấm dứt”.

Trả lời VOA tiếng Việt, một nguồn tin chính thức trong Bộ Ngoại giao Đức nói “có nắm được thông tin về việc rút đơn kháng cáo”.

“Chúng tôi đang thảo luận với phía Việt Nam, và phía Việt Nam biết rõ những gì chúng tôi muốn để đưa quan hệ song phương hoàn toàn trở lại bình thường”, nguồn thạo tin này nói, nhưng không cho biết cụ thể.

Berlin từng yêu cầu Hà Nội thả ông Thanh về Đức để được cân nhắc đơn xin tị nạn.

Tại tòa ở Việt Nam, nhân vật từng có liên hệ với cựu ủy viên Bộ Chính trị “ngã ngựa” Đinh La Thăng nhiều lần nói “muốn gần vợ con” ở Đức và được “chết trong vòng tay gia đình”.

Nhận định trên trang Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng “đây là thông điệp của [ông Thanh] gửi đến cho bà luật sư Đức”, vốn từng bị chặn không cho nhập cảnh vào Việt Nam để dự phiên tòa hồi đầu năm nay.

Bù lại, [ông] Trịnh Xuân Thanh cũng phải ‘xuống nước’ rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án. Khả năng [ông] Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng luật đặc xá để đoàn tụ với vợ con tại Đức là trong tầm tay và đúng luật Việt Nam? Chúng ta hãy chờ xem!

Luật sư Trần Vũ Hải nhận định.

Ông Hải cũng dẫn Luật Đặc xá của Việt Nam năm 2007 và nhận định rằng “chỉ cần chính phủ đề nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, chủ tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với [ông] Trịnh Xuân Thanh”.

“Bù lại, [ông] Trịnh Xuân Thanh cũng phải ‘xuống nước’ rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án. Khả năng [ông] Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng luật đặc xá để đoàn tụ với vợ con tại Đức là trong tầm tay và đúng luật Việt Nam? Chúng ta hãy chờ xem!” luật sư trực ngôn nói.

Hôm 17/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngắn gọn rằng Hà Nội “đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức” và “luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”.

Trong một diễn biến liên quan, nhật báo TAZ của Đức hôm 22/5 đưa tin rằng cuối tháng Chín năm ngoái, tức khoảng hai tháng sau khi ông Thanh xuất hiện “tự thú” trên Truyền hình Việt Nam, “Tổng Công tố viên Liên bang [Đức] đã yêu cầu Slovakia trợ giúp pháp lý” vì quan chức nước này bị nghi tham gia cuộc gặp với phía Việt Nam ở thủ đô Bratislava, ít ngày sau “vụ bắt cóc” ông Thanh.

Tờ TAZ cũng đề cập tới việc cơ quan công tố liên bang Đức sau đó cung cấp cho phía Slovakia “lệnh truy nã ông Đường Minh Hưng”, trung tướng công an Việt Nam, người bị cáo buộc tham gia vụ việc gây nhiều trở ngại trong quan hệ Berlin và Hà Nội. Hiện Đức và Việt Nam chưa thấy có thông tin chính thức về việc này.

Mới đây, trang tin Spectator dẫn lời Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cho hay rằng Đại sứ Việt Nam ở nước này, ông Dương Trọng Minh, đã nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh “chưa từng tới Slovakia” và “không có mặt” trong phái đoàn Việt Nam khởi hành từ Bratislava.

https://www.voatiengviet.com/a/lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-%C4%91%E1%BB%A9c-h%C3%A9-l%E1%BB%99-l%C3%BD-do-%C3%B4ng-tr%E1%BB%8Bnh-xu%C3%A2n-thanh-ng%E1%BB%ABng-kh%C3%A1ng-%C3%A1n/4406341.html