Tin Việt Nam – 23/05/2017
Điều trần tại Hạ viện Mỹ
về Nguyễn Hữu Tấn, chết trong khi bị câu lưu ở Vĩnh Long
Ngay trước khi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Donald Trump vào cuối tháng này, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ mở một buổi điều trần vào ngày 25/5, về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam.
Dân Biểu Christopher Smith thuộc đảng Cộng Hoà, đại diện bang New Jersey, cho biết lý do điều trần trong một thông cáo: “Chính quyền cộng sản Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, và Uỷ ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), vừa khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt nam trở lại danh sách Quốc gia phải Quan tâm Đặc biệt –CPC.”
Dân biểu Smith nói: “Khi Thủ Tướng Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ cuối tháng này, chính quyền Tổng thống Trump sẽ có một cơ hội để khẳng định: người dân Hoa Kỳ sẽ không tài trợ việc đàn áp nghiêm trọng các nhóm tôn giáo, các nhà tranh đấu dân chủ, các blogger và các nhà báo.”
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS Nguyễn Đình Thắng cho biết chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín hữu Hòa Hảo chết trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, sẽ từ thành phố Atlanta, bang Georgia, tới Washington dự buổi điều trần này.
Chị Mỹ Phượng, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1999, cho VOA biết chị và chồng sẽ có mặt ở thủ đô Washington vào ngày 25/5 để dự buổi điều trần do các dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức.
Chị Phượng cho biết sẽ cố gắng đòi công lý cho người em đã chết oan tại đồn công an tỉnh Vĩnh Long hôm 3/5:
Em rất lo lắng cho gia đình, vì đang sống trong sự đe đọa: một người anh và một người em hiện đang gặp tình trạng rất nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng
“Em rất lo lắng cho gia đình, vì đang sống trong sự đe đọa: một người anh và một người em hiện đang gặp tình trạng rất nguy hiểm, gia đình, ba mẹ của em rất là sợ, ủy quyền cho em để đòi công lý cho đứa em chết oan. Gia đình của em rất sợ hãi, không dám lên tiếng gì hết.”
Chị Mỹ Phượng nói trong những tuần qua gia đình ở Vĩnh Long đã bị công an áp lực và đe doạ nặng nề như tịch thu tất cả các máy điện thoại “có thể lưu trữ chứng cớ đi ngược với lời giải thích của công an về cái chết của Nguyễn Hữu Tấn.”
Theo chị Phượng, chính quyền còn đe doạ sẽ bắt giam anh trai và em trai của anh Tấn.
Trước đó, anh Nguyễn Hữu Tài, em trai của anh Tấn nói với VOA-Việt ngữ rằng gia đình không tin anh Nguyễn Hữu Tấn, người bị tạm giam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, chết do tự cắt vào cổ.
Anh Trần Thanh Hùng, chồng của chị Phượng, nói với VOA-Việt ngữ rằng công an tỉnh Vĩnh Long đã chiếu cho gia đình xem hai đoạn video khác nhau, theo đó công an cho rằng người cầm dao tự sát là anh Nguyễn Hữu Tấn.
Anh Hùng nói rõ sự khác biệt giữa video chiếu ngày 3/5 với video chiếu ngày 6/5 như sau:
“Lần đầu tiên mà ông già đến đồn công an và công an cho xem video, thì con dao cầm bên tay trái, hai tay không có bị còng, nhưng lại mặc đồ tù, chỉ thấy ngang vai, phớt qua thôi, cầm dao rạch hai, ba cái, rồi té xuống. Còn video họ đem ra chiếu lần thứ hai thì lại khác video lần thứ nhất mà ông già thấy. Trong video lần thứ hai thì hai tay bị còng, cầm dao rạch qua rạch lại mười mấy lần.”
Cũng theo anh Hùng, thông qua một nhà sư ở cùng chùa, công an địa phương đã gây áp lực với cha của anh Tấn, là một tu sĩ theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, phải chấp nhận lời giải thích là anh Tấn đã dùng dao rọc giấy để tự cắt cổ cho đến chết trong đồn công an ngày 3/5.
Truyền thông trong nước đưa tin rằng ngày 6/5, Công an tỉnh Vĩnh Long đã công bố đoạn phim “ghi lại toàn bộ quá trình làm việc giữa cán bộ an ninh điều tra với Nguyễn Hữu Tấn và hành động tự sát của Nguyễn Hữu Tấn tại phòng hỏi cung của Trại tạm giam – Công an tỉnh.”
Báo VietnamNet nói rằng “sau khi xem đoạn phim trên, người thân, cha ruột và vợ của Nguyễn Hữu Tấn cùng các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, đoàn thể và người dân địa phương đã công nhận việc Nguyễn Hữu Tấn tự sát là đúng sự thật, còn những thông tin khác trên các trang mạng xã hội hiện nay là bịa đặt, vu khống.”
Thông cáo của dân biểu Chris Smith cho biết tham gia buổi điều trần tại Hạ viện, còn có tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ BPSOS, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản, và ông T. Kumar, Giám đốc phân ban Quốc tế của Ân Xá Quốc Tế.
Theo trang Machsongmedia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng sẽ trình bày về các hành vi đàn áp nhắm vào các cộng đồng Phật giáo Thống nhất và Phật giáo Khmer Krom, các hội thánh Tin Lành Tây Nguyên và Tin Lành Hmong, các xứ đạo Công giáo Đông Yên và Cồn Dầu, các cộng đồng Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo Độc Lập.
Lý do Thủ tướng Phúc nên đi Mỹ càng sớm càng tốt
Giữa lúc tình hình Biển Đông đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và hình ảnh Việt Nam mờ nhạt trong bức tranh chính sách của chính quyền Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên tới Washington càng sớm càng tốt để “tham gia cuộc chơi ngay từ đầu”, theo ý kiến của một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington.
Theo nhà nghiên cứu Murray Hiebert, cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc có vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ.
“Thực sự có những lý do lớn về quan hệ song phương khiến ông ấy [Nguyễn Xuân Phúc] muốn và nên đến đây. Ông ấy cần đến để chốt lại chuyện ông Trump sẽ đến tham dự thượng đỉnh APEC, điều mà giờ ông Trump đã đồng ý nhưng trước đây thì không khi Việt Nam mới đưa ra đề nghị. Họ cũng sẽ có nhiều vấn đề cần bàn về thương mại, bao gồm Hoa Kỳ sẽ làm gì sau khi bỏ TPP, Việt Nam bị xếp vào danh sách 16 nước ‘gian lận thương mại’ đối với Mỹ có hàm ý gì và chích sách của Trump xử lý việc này thế nào, và Việt Nam cũng muốn nghe từ chính quyền Trump về Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt”.
Vì lợi ích của chính mình, Việt Nam cần phải nói cho Mỹ biết Việt Nam mong muốn gì, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đông Nam Á và Trung Quốc cũng như việc các nước này luôn mong Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò cân bằng với Trung Quốc và ủng hộ họ trong những vấn đề như tự do hàng hải, ngăn chặn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Trường Sa.
Chuyên gia Murray Hiebert-CSIS.
Vấn đề Biển Đông là lý do tiếp theo mà Việt Nam cần phải đưa lên bàn nghị sự trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo nhà nghiên cứu Murray Hiebert.
“Họ cần phải bàn về vấn đề Biển Đông và quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Vì lợi ích của chính mình, Việt Nam cần phải nói cho Mỹ biết Việt Nam mong muốn gì, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đông Nam Á và Trung Quốc cũng như việc các nước này luôn mong Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò cân bằng với Trung Quốc và ủng hộ họ trong những vấn đề như tự do hàng hải, ngăn chặn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Trường Sa”.
Theo nhận định của chuyên gia CSIS, Trung Quốc hiện đang có khuynh hướng làm nhẹ đi các vấn đề Biển Đông vì hai lý do: sự xuất hiện của tân chính quyền Trump và Đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào cuối năm nay.
Chính vì vậy, đây là lúc mà “Việt Nam cần phải tìm cách, ngay lúc này, có thể là cùng với Singapore, Malaysia và những nước có quan tâm đến chuyện gì đang xảy ra ở Biển Đông, giữ cho vấn đề này tiếp tục nóng để khi có chuyện gì xảy ra thì có sự đồng lòng và ủng hộ”.
Ngoài ra theo đánh giá của chuyên gia Hiebert, mối quan hệ “rất phức tạp” giữa Washington và Bắc Kinh vào thời điểm này là một yếu tố tiếp theo khiến Việt Nam nên tiếp cận với chính quyền Trump càng sớm càng tốt.
Việt Nam không nên chờ đến một thời điểm hoàn hảo để tới đây, mà phải tới đây ngay bây giờ để trở thành một phần trong cuộc đối thoại.
Ông Murray Hiebert.
Theo ông Hiebert, Tổng thống Trump hiện đang cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, vốn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay. Vì vậy, về phương diện nào đó, Hoa Kỳ cần hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hai cường quốc sẽ gạt bỏ hay gây khó khăn cho ASEAN, như lo ngại của một số người rằng Hoa Kỳ có thể sẽ hy sinh lợi ích ở Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác từ Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ chúng ta rồi sẽ thấy trong thời gian tới, có thể là vài tháng, Trump sẽ vô cùng thất vọng vì Trung Quốc không thể làm gì hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên”.
Chuyên gia Hiebert cho rằng để có thể xuất hiện trong bức tranh chính sách còn chưa hoàn toàn thành hình của chính quyền Trump, Việt Nam “không nên chờ đến một thời điểm hoàn hảo để tới đây, mà phải tới đây ngay bây giờ để trở thành một phần trong cuộc đối thoại”.
Ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Mỹ từ ngày 29-31/5/2017.
http://www.voatiengviet.com/a/ly-do-thu-tuong-phuc-nen-di-my-cang-som-cang-tot/3866965.html
Nhà hoạt động: Dùng FTA buộc VN cải thiện nhân quyền
Theo kế hoạch, đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam diễn ra ở Hà Nội ngày 23/5. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, hai bên chưa có thông cáo hay phát ngôn chính thức nào về nội dung bàn thảo lần này. Một nhà hoạt động Việt Nam nói Mỹ có thể sử dụng các hiệp định thương mại để buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Bốn ngày trước khi diễn ra vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 21, văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho hay đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Virginia Bennett dẫn đầu. Đối tác của bà Bennett bên phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao.
Thông cáo cho biết thêm cuộc đối thoại bao trùm nhiều vấn đề nhân quyền, trong đó có tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ về các nỗ lực cải cách pháp lý; pháp quyền; các quyền tự do biểu đạt, lập hội và hội họp; tự do tôn giáo; các quyền lao động; các quyền của người khuyết tật; chống phân biệt đối xử; và hợp tác đa phương. Ngoài ra hai bên cũng sẽ bàn về các trường hợp cá biệt đáng quan tâm.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang nói với VOA vào tối 23/5 rằng chị “không đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại” trong bối cảnh Hoa Kỳ có chính quyền mới, mà đứng đầu là một tổng thống cho đến nay chỉ có vài phát biểu hiếm hoi về nhân quyền.
… [Mỹ] vẫn có thể sử dụng những hiệp định đó, những cam kết thương mại đó như là những công cụ để buộc chính quyền Việt Nam phải đảm bảo nhân quyền, phải đảm bảo phát triển bền vững, với điều kiện là những sáng kiến đó phải có điều khoản về nhân quyền, phải gắn nhân quyền như là một điều kiện
nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Đưa ra nhận xét “chính quyền Trump không đặt nặng ưu tiên vào nhân quyền, không quan tâm đến Việt Nam”, song chị Trang nói Hoa Kỳ vẫn có thể sử dụng quan hệ thương mại để gây sức ép với Việt Nam về nhân quyền:
“Theo tôi được biết, hiện giờ phía Việt Nam đang rất trông chờ vào những hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Sau khi TPP thất bại, sau khi hiệp định mậu dịch tự do giữa Việt Nam và EU còn đang bị treo, chưa phê chuẩn được, thì họ đặt tiếp hy vọng vào những hiệp định, những nguyên tắc, những sáng kiến hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng vẫn có thể sử dụng những hiệp định đó, những cam kết thương mại đó như là những công cụ để buộc chính quyền Việt Nam phải đảm bảo nhân quyền, phải đảm bảo phát triển bền vững, với điều kiện là những sáng kiến đó phải có điều khoản về nhân quyền, phải gắn nhân quyền như là một điều kiện”.
Bên cạnh cuộc đối thoại chính thức với các quan chức nhà nước, phái đoàn Mỹ đã lên kế hoạch gặp một số nhà hoạt động trong nước để có thông tin đa chiều về tình hình Việt Nam.
Hai nhà hoạt động Nguyễn Quang A và Phạm Đoan Trang là những người đoàn Mỹ muốn gặp vào tối 22/5. Tuy nhiên, chị Trang cho VOA biết các nhân viên an ninh của chính quyền Việt Nam đã ngăn cản thô bạo:
“Họ chặn cả hai người. Tiến sĩ Nguyễn Quang A vì cố gắng ra ngoài còn bị họ tống lên ô tô đưa về tận Hải Phòng. Đến gần tối, cuối ngày, họ đưa về. Tôi cũng bị chặn như mọi lần thôi. Nhưng lần này có lẽ là nặng hơn vì trong phía công an có sự cay cú. Hồi tháng 2 có đoàn dân biểu của Quốc hội châu Âu (EU) sang Việt Nam, thì hôm đó tôi đi thoát, gặp được phái đoàn đó và ra một tuyên bố chung đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam. Lần đó công an huy động lực lượng dày đặc mà không bắt được cho nên là họ rất cay cú. Có lẽ vì vậy, lần này họ giăng quân, đổ quân từ sáng sớm và có sự khiêu khích thêm”.
Nhà hoạt động cho biết thêm cao điểm của sự khiêu khích là phía an ninh nhà nước hôm 20/5 đưa hàng chục người, trong đó có những thành phần côn đồ, đến bao vây nhà chị, hăm dọa chị và những người bạn, những nhà hoạt động khác đến bảo vệ chị.
Dù không gặp trực tiếp được đoàn Mỹ, chị Phạm Đoan Trang cho biết các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã gửi một bản tuyên bố đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam đến Bộ Ngoại giao Mỹ và công bố bản tuyên bố này rộng rãi trên mạng.
Dùng dân chống dân tức là họ huy động những người có thể là ít hiểu biết chống lại dân chủ, chống lại xu hướng thay đổi. Dư luận viên và côn đồ cũng là quần chúng tự phát cũng hoạt động rất mạnh tại Hà Nội, Sài Gòn và miền trung trong những tháng vừa qua, tấn công dữ dội những người hoạt động trên cả mạng lẫn ngoài đời. Tôi nghĩ đó là một xu hướng nguy hiểm. Ngoài ra bạo lực gia tăng cũng là xu hướng rất nguy hiểm. Nó cho thấy rất khó có cánh cửa cho thay đổi ôn hòa, cho đối thoại cả
nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Bản tuyên bố dài 7 trang viết bằng tiếng Anh khẳng định các quyền tự do báo chí, biểu đạt, tụ họp, tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị vi phạm nghiêm trọng. Người dân cũng không được đảm bảo các quyền được xét xử công bằng hay được hưởng môi trường trong lành.
Việc chính quyền bắt 8 blogger và truy nã 2 blogger khác, tất cả đều là những người hoạt động ôn hòa, được nêu bật trong tuyên bố và bị xem là một động thái đàn áp mang tính chính sách nhắm vào cộng đồng Công giáo.
Một xu hướng đáng lo ngại được nêu trong tuyên bố là nạn bạo lực gia tăng nhắm vào những nhà hoạt động, trong đó có những vụ việc được giới hoạt động gọi là “dùng dân chống dân”.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bày tỏ lo lắng:
“Dùng dân chống dân tức là họ huy động những người có thể là ít hiểu biết chống lại dân chủ, chống lại xu hướng thay đổi. Dư luận viên và côn đồ cũng là quần chúng tự phát cũng hoạt động rất mạnh tại Hà Nội, Sài Gòn và miền trung trong những tháng vừa qua, tấn công dữ dội những người hoạt động trên cả mạng lẫn ngoài đời. Tôi nghĩ đó là một xu hướng nguy hiểm. Ngoài ra bạo lực gia tăng cũng là xu hướng rất nguy hiểm. Nó cho thấy rất khó có cánh cửa cho thay đổi ôn hòa, cho đối thoại cả”.
Việt Nam lâu nay vẫn bác bỏ những cáo buộc từ nhiều giới, tổ chức quốc tế và các nước phương tây cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Nhưng trong báo cáo nhân quyền do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng 3, phần đánh giá về Việt Nam tiếp tục khẳng định Việt Nam là “một nhà nước độc tài cai trị bởi một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam” và rằng Việt Nam “tiếp tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.
Gần hai tuần trước vòng đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt, hôm 11/5, nhân Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Cornyn và Dân biểu Chris Smith kêu gọi chính quyền của Tổng thống Trump hãy tăng sức ép với Viêt Nam về nhân quyền.
Dân biểu Chris Smith đề nghị tổng thống phải nói rõ với Viêt Nam rằng việc mở rộng hơn nữa các lợi ích về thương mại và an ninh “phải đi kèm điều kiện là những cải thiện lớn về nhân quyền, tự do, dân chủ có thể xác minh được cụ thể và không thể được đảo ngược”.
http://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-dung-fta-buoc-vn-cai-thien-nhan-quyen/3867246.html
Thêm 23 ngư dân Việt bị bắt ở Malaysia
Liên quan đến sử dụng tài nguyên môi trường biển, 23 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở Malaysia vì bị tình nghi đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước này.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin như vừa nêu vào ngày 23 tháng 5.
Trước đó, ngày 22 tháng 5, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia thông báo 23 ngư dân trong độ tuổi từ 23 – 64 bị bắt giữ ở vị trí cách Kuala Tok Bali, bang Kelantan, khoảng 68 hải lý, lúc đang sử dụng lưới rà để đánh bắt hải sản.
Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết hiện đang làm việc với cơ quan chức năng để xác định thông tin và xử lý.
Cùng ngày 23 tháng 5, một buổi hội thảo mang tên “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái pháp luật” được đưa ra trong buổi hội thảo tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại buổi hội thảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết từ 1-1-2013 đến 31-3-2017 đã có 134 tàu với hơn 1.000 ngư dân của tỉnh bị bắt ở lãnh hải nước khác do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật.
Trong đó, 132 tàu với 997 ngư dân bị bắt giữ ở Indonesia. Hai tàu khác bị bắt ở Malaysia.
Nguyên nhân được đưa ra trong buổi hội thảo là nguồn tài thuỷ sản trong vùng biển trong nước bị cạn kiệt.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vns-fishermen-caught-in-foreign-waters-05232017100624.html
RFA Breaking News:
Ba gia đình người Việt vượt biên được LHQ cấp qui chế tị nạn
Theo tin tức mới nhất mà Đài Á Châu Tự Do RFA có được, ba gia đình người Việt Nam vượt biên bằng thuyền, bị dạt vô Indonesia đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cấp qui chế tị nạn.
Nói với Ban Việt Ngữ RFA, bà Trần Thị Loan – một đại diện cho nhóm người này, vui mừng cho biết họ vừa nhận được giấy tờ cấp qui chế tị nạn từ đại diện Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vào chiều nay thứ Ba 23/05/2017.
Bà Loan nói thêm: “Cao Ủy Tị Nạn cho biết là họ sẽ sớm làm việc với cơ quan di trú quốc tế IOM và Bộ di trú Indonesia để đưa chúng tôi ra khỏi nơi đây.”
Như vậy là sau hơn 3 tháng kể từ ngày rời Việt Nam lần thứ 2 bằng thuyền, nhóm người Việt vượt biên này đã có thể yên tâm để chờ được đi định cư tại một nước thứ ba, mà không lo sợ bị gửi trả về Việt Nam như lần trước.
Vượt biển liều chết
Nhắc lại, đây là ba gia đình ở Bình Thuận gồm tổng cộng 18 người, từng vượt biên đến Úc nhưng sau đó bị giao trả về Việt Nam.
Cao Ủy Tị Nạn cho biết là họ sẽ sớm làm việc với cơ quan di trú quốc tế IOM và Bộ di trú Indonesia để đưa chúng tôi ra khỏi nơi đây.
Bà Trần Thị Loan
Đến mồng 2 Tết âm lịch Đinh Dậu 2017 họ lại rời Việt Nam tìm đường vượt biên sang Úc thêm một lần nữa.
Tuy nhiên đến ngày 9/2/2017 tàu của họ bị va phải đá ngầm và trôi dạt vào bờ biển Indonesia. Họ được đưa về một trung tâm giam giữ ở Jakarta để chờ cứu xét qui chế tị nạn.
Trong thời gian bị tạm giữ ở Indonesia, nhóm người này thường xuyên lo sợ bị trả về Việt Nam một lần nữa, vì trước kia khi được Úc giao trả cho Việt Nam, họ được hứa là sẽ không bị trả thù, nhưng khi về đến Việt Nam lại bị đưa ra tòa xét xử, tuyên án tù.
Theo lời kể của ký giả Shira Sebban với báo chí Úc, bà Bà Trần Thị Lụa nói rằng họ phải quyết định liều mình ra đi vì nỗi ám ảnh ở tù mà bà đã thụ án 2 tháng 18 ngày trước khi được tạm ngưng tại ngoại để nuôi con.
Trong thời gian nhóm người này tạm cư ở Jakarta, cùng với ký giả Shira Sebban, cô Grace Bùi – một thiện nguyện viên người Mỹ gốc Việt, đã tận tình trợ giúp cho 3 gia đình này trong việc thông dịch cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Phạm Thanh Nghiên vào chung cuộc giải nhân quyền 2017
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên được đưa vào danh sách chung cuộc 5 người cho giải thưởng ‘Những nhà Bảo vệ Tuyến đầu năm 2017’ vì những đóng góp, xả thân cho cộng đồng.
Bốn người khác thuộc các quốc gia Nicaragua, Ukraine, Nam Phi và Kuwait.
Năm người được chọn lựa từ 142 người thuộc 56 quốc gia khác nhau.
Ông Andrew Anderson, người đứng đầu tổ chức Những nhà Bảo vệ Tuyến đầu’ nói rằng năm người được trao giải thưởng là những người rất can đảm trong cuộc đấu tranh dù bản thân họ phải đương đầu với sự đe dọa tính mạng.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày thứ sáu, 26 tháng năm tới đây tại Tòa thị sảnh thủ đô Dublin của nước Cộng hòa Ai Len.
Bà Phạm Thanh Nghiên, bị án tù 4 năm vào năm 2010 ở Hải Phòng, vì tham gia đấu tranh chống những hành động bắn giết ngư dân Việt Nam của Trung Quốc trên biển Đông.
Sau khi ra tù, bà vẫn tiếp tục đấu tranh bằng các phương tiện truyền thông như là một blogger, và vẫn thường xuyên bị các cơ quan công quyền sách nhiễu. Bà hiện đang sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam có muốn thay đổi điều kiện về nghiệp đoàn độc lập?
Kính Hòa, phóng viên RFA
11 quốc gia còn lại của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP họp trong hai ngày 20 và 21 tháng năm ở Hà Nội, để bàn chuyện tái lập TPP sau khi đối tác lớn nhất là nước Mỹ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước này vào hồi đầu năm nay.
Đồng thời một cuộc họp khác cũng được tổ chức ở Hà Nội để xúc tiến hoàn thành hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) gồm 10 quốc gia ASEAN và sáu quốc gia đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, và Ấn Độ.
TPP và nghiệp đoàn
Trước khi cuộc họp về TPP diễn ra, ngày 19 tháng năm, tờ báo chuyên về kinh tế là Nikkei có đoán rằng Việt Nam mong muốn thay đổi cam kết trước đây của mình về việc nới lỏng những qui định. Lý do được đưa ra là Việt Nam trước đây cam kết các vấn đề đó để đổi lại việc thâm nhập vào thị trường Mỹ, là nước có GDP chiếm khoảng hơn 60% GDP của cả 12 nước trong khối. Nay Mỹ không còn là thành viên của TPP nữa. Tờ báo không nói cụ thể những quy định mà Việt Nam muốn thay đổi là gì.
Từ đó dấy lên đồn đoán là Việt Nam muốn thay đổi việc cam kết cho nghiệp đoàn tự do hoạt động. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một công đoàn do nhà nước kiểm soát.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nói với chúng tôi rằng tờ Nikkei đưa ra nhận định như thế cũng có thể là dựa trên những biểu hiện nào đấy, nhưng theo ông trong lời tuyên bố của đại diện thương mại New Zealand hôm 21 tháng năm thì không có đề cập đến những thay đổi.
Tôi nghĩ vấn đề lao động là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán.
– Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Trong bản tin đánh đi từ Hà Nội ngày 21 tháng năm, hãng thông tấn AFP viết rằng 11 quốc gia tham gia hiệp định TPP đồng ý với nhau thúc đẩy thương mại đồng thời với những quyền về nghiệp đoàn và môi trường.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Với tinh thần như vậy thì tôi nghĩ không phải là một sự phủ quyết gì của Việt Nam, TPP thì không có nước nào có quyền phủ quyết cả. Có thể Việt Nam đặt vấn đề cho nó mềm hơn. Nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn bác bỏ điều này. Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn.”
Xin nhắc lại là hiệp định TPP được ký vào năm 2015 sau 8 năm dài thương lượng rất khó khăn.
Sau buổi ký kết, đại diện Việt Nam là cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu với báo chí rằng:
Tôi nghĩ vấn đề lao động là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian đàm phán với các đối tác. Tôi nghĩ, những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận không phải chỉ của riêng Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Việt Nam là thành viên của ILO và chúng tôi cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO và tôi nghĩ đây là cam kết và sự sẵn sàng mà chúng tôi sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề về lao động.
ILO là tên tắt theo tiếng Anh của Tổ chức lao động quốc tế.
Trong các phiên họp diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng năm 2017 tại Hà Nội, đại diện thương mại Mỹ hoàn toàn bác bỏ chuyện Washington sẽ quay trở lại TPP.
Khi được hỏi rằng những cam kết của Việt Nam trước đây về nghiệp đoàn tự do có phải là với mục đích nhượng bộ để xâm nhập thị trường Mỹ hay không, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện đang làm việc ở Hà Nội nói với chúng tôi:
“Việt Nam trong những thương lượng về TPP cũng đã cân nhắc rất kỹ về tất cả những điều khoản đấy. Có Mỹ hay không có Mỹ thì Việt Nam vẫn tiếp tục những điều khoản đã ký kết thôi. Không có vấn đề gì cần sửa đổi. Ý chí của Việt Nam quyết tâm tiến tới trong hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam hội nhập quốc tế là quan trọng, từ từ từng bước, Việt Nam sẽ sửa đổi những cái gì cần phải sửa đổi để hội nhập quốc tế tốt thôi.”
Khi ý tưởng thương mại gắn với quyền tự do lập nghiệp đoàn được đưa ra trong việc thương lượng hiệp định TPP, vào năm 2014, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, một nhà quan sát chính trị Việt nam từ Hawaii có nhận xét:
“Ở Việt Nam có nhiều người muốn cải cách, muốn thay đổi, thì họ hy vọng rất nhiều vào TPP để dùng áp lực từ bên ngoài để buộc Việt Nam phải thay đổi, phải cải cách thể chế.”
Một trong những người như vậy là ông Nguyễn Đình Hùng, hiện là Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt, một tổ chức nghiệp đoàn lao động tư do hoạt động trong giới công nhân hợp tác lao động ở nước ngoài và công nhân trong nước, nhưng hiện không được nhà nước Việt Nam công nhận.
Sau cuộc họp ở Hà Nội ngày 21 tháng năm của 11 quốc gia đối tác còn lại của TPP, từ Australia, ông Nguyễn Đình Hùng nói với chúng tôi rằng ông cũng hy vọng TPP sẽ sống còn và điều đó giúp ích cho công nhân Việt Nam, dù ông không tin rằng chính quyền Việt Nam thực tâm cho phép nghiệp đoàn tự do hoạt động:
“Việt Nam nếu có những quyền lợi kinh tế, thì họ bắt buộc phải làm việc với thị trường quốc tế, với cộng đồng quốc tế. Mà nếu làm việc với cộng đồng quốc tế thì họ sẽ có những cơ chế kiểm soát họ. Dù sao tôi nghĩ có còn hơn không, có những cơ chế đó thì giới công nhân sẽ có những tiếng nói đưa ra ngoài, và sẽ có sự yểm trợ của bên quốc tế.”
RCEP hay TPP?
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì trong các tuyên bố của các thành viên đối tác TPP, người ta thấy có những lời mời gọi gián tiếp Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, tham gia thay chỗ cho nước Mỹ. Nhưng cho đến nay không nhận được trả lời tích cực nào từ phía Trung Quốc.
Thay vào đó Trung Quốc có vẻ tích cực đẩy mạnh Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì so với TPP, RCEP mang tính chất khu vực châu Á, chứ không mang tầm vóc quốc tế như TPP, vì TPP bao gồm cả các quốc gia châu Mỹ như Canada, Mexico.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Trung Quốc thích RCEP hơn là TPP, vì RCEP không ràng buộc Trung Quốc phải chấp nhận cho nghiệp đoàn tự do hoạt động, cũng như một số thay đổi về thể chế mà Trung Quốc thấy không phù hợp với mình.
Hiện tại ở Trung Quốc cũng có duy nhất 1 tổ chức công đoàn của nhà nước.
Hiệp định hiệp tác khu vực RCEP, đã được đàm phán lần cuối cùng ở Nhật Bản, nhưng không đi đến thỏa thuận gì cả.
– Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Hôm 22 tháng 5, tại Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 RCEP khai mạc tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam ủng hộ việc kết thúc về cơ bản đàm phán hiệp định này trong năm 2017.
Nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì chuyện thúc đẩy RCEP của Trung Quốc sẽ không dễ dàng:
“Hiệp định hiệp tác khu vực RCEP, đã được đàm phán lần cuối cùng ở Nhật Bản, nhưng không đi đến thỏa thuận gì cả. Bởi vì Trung Quốc không sẳn sàng mở cửa thị trường và không sẳn sàng cam kết, về những qui định thương mại thống nhất giữa các nước. Cho đến nay, tôi thấy Trung Quốc vẫn muốn áp đặt một luật chơi riêng lên các đối tác trong quan hệ song phương. Hãy chờ xem RCEP sẽ được thúc đẩy như thế nào. Cũng cần lưu ý là trong RCEP ngoài Trung Quốc, còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ, là những nước sẽ đàm phán rất là gay gắt chứ không dễ dàng.”
Ông Lê Đăng Doanh kết luận về TPP rằng trong những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia thì TPP là hiệp định có cấu trúc hiện đại nhất, không những bao gồm thương mại mà cả những điều khoản về hành vi ứng xử của nhà nước, sự công khai minh bạch của doanh nghiệp, theo ông đó là những điều tiến bộ, và Việt Nam nên cố gắng theo đuổi.
“Truyền thống”
ngăn chặn nhà hoạt động trước đối thoại nhân quyền
Lan Hương, phóng viên RFA
Ngày 23/5, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có buổi đối thoại nhân quyền lần thứ 21 tại Hà Nội. Trước khi sự kiện này diễn ra, một số nhà hoạt động và thân nhân đã bị ngăn cấm ra khỏi nhà.
Canh gác tại nhà
Một trong những nhân vật bị những người được cho là an ninh mặc thường phục “canh gác cẩn mật” là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang bị giam giữ vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Nói với Đài RFA, bà Tuyết Lan cho biết hàng trăm an ninh mặc thường phục đã mang theo hàng rào barrier đến canh giữ nơi cư trú của gia đình bà từ sáng thứ 6, ngày 19/5 và theo dõi mọi hành động của bà. Đến chiều ngày 19/5, tổ an ninh thành phố Nha Trang đã nói với bà rằng nếu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, bà Mary Tarnowka có nhờ bà nhận giải Người phụ nữ can đảm Quốc tế cho blogger mẹ Nấm thì bà Tuyết Lan không được nhận.
Từ đó ngày 19 đến ngày 20 tôi đi đâu là họ theo đó. Bắt đầu đến tối 20, họ đổ xuống gia đình tôi khoảng hơn 100 người và họ nói thẳng tôi không được đi ra đường. Công an tỉnh, công an thành phố, công an phường và họ huy động tất cả những dân quân để chặn. Những chiếc xe đi vào trong hẻm nhà tôi đều bị chặn lại và họ nhìn vào trong xe, có lẽ để nhìn xem có phải bà Tổng lãnh sự hay không.
Những chiếc xe đi vào trong hẻm nhà tôi đều bị chặn lại và họ nhìn vào trong xe, có lẽ để nhìn xem có phải bà Tổng lãnh sự hay không.
– Bà Tuyết Lan
Sáng Chủ Nhật ngày 21/5, được tin bà Tổng lãnh sự rời khỏi Nha Trang, những người này mới rút lui. Tuy nhiên, bà Tuyết Lan cho biết đến chiều ngày Thứ Hai 22/5 họ nhận được tin bà Mary Tarnowka quay lại Nha Trang nên tiếp tục canh gác gia đình bà. Thời điểm chúng tôi nói chuyện với bà Tuyết Lan là khoảng 7h tối ngày 22/5 nhưng bên ngoài vẫn còn 5 an ninh canh gác, theo bà Lan cho biết.
Bà Tuyết Lan cho biết tâm trạng hiện tại của bà và các thành viên trong gia đình:
Tôi đã chọn cách im lặng để nhẫn nhục nuôi cháu. Nhưng họ làm như vậy là khủng bố tinh thần và đàn áp gia đình chúng tôi dự dội như vậy. Tôi mong sẽ được những nhà bảo vệ nhân quyền chú ý đến vì tôi hơn 60 tuổi rồi còn phải nuôi mẹ già, nuôi cháu nhỏ và con trong tù nhưng chúng tôi không hề có chút tự do hay nhân quyền cho người dân như chúng tôi.
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh và trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” hồi cuối tháng 3 vừa qua vì những nỗ lực vượt trội trong việc đấu tranh và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân Việt Nam. Blogger này bị công an bắt tại nhà vào ngày 10 tháng 10 năm 2016.
Hoa Kỳ cũng từng nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải trả tự do đối với nữ blogger này.
Ngoài trường hợp mẹ của Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà báo Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cũng bị an ninh mặc thường phục canh giữ xung quanh nhà từ ngày 19/5:
Trước cửa nhà tôi lúc nào cũng có ít nhất khoảng 3 người và họ có nhiều ca thay nhau. Đó là trước cửa nhà, còn ở dưới cổng và dưới tầng 1 tôi không biết là bao nhiêu người nhưng tôi nghĩ cũng phải đến hơn một chục. Họ ngồi suốt ngày đêm, cả đêm cũng ngồi. Chắc là sợ ban đêm tôi bỏ trốn. Sáng hôm qua là Chủ nhật, tôi có đưa bà cụ đi đám tang một người thân nhưng họ không cho đi.
Khi các bạn trẻ đến chỗ tôi thì họ đã ra gây sự. Các bạn ấy đã chất vấn rằng tại sao không cho tôi đi đâu cả và họ đã gây sự rồi tát một bạn. Hai bên đã có xô xát. Hàng chục người kéo đến cùng với côn đồ, họ vây nhà và đe dọa nên các bạn trẻ phải rút lui.
Nhà hoạt động Thảo Teresa, một trong những người tới thăm nhà báo Đoan Trang hôm thứ Bảy 20/5, cho chúng tôi biết thêm tình hình:
Mình đến nhà Đoan Trang hôm vừa rồi thì không khí rất căng thẳng, ngột ngạt, giống như khủng bố. Công an mặc thường phục ngồi rải rác xung quanh khu chung cư đó và trên cầu thang. Xung quanh hành lang mật vụ an ninh ra vào rất đông, cả nam và nữ và chúng đe dọa mình rằng nếu không cút vê thì nó đánh. Họ dùng những lời lẽ hết sức mất dậy và vô văn hóa.
Không cho ra khỏi nhà
Ngoài gia đình blogger Mẹ Nấm, nhà báo Đoan Trang, một số nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến khác như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự và bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Chủ tịch Cao trào Nhân bản, cũng bị an ninh canh gác cẩn mật, không cho ra khỏi nhà.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo Đoan Trang bị giam lỏng tại gia, mà theo cô, chuyện này xảy ra “như cơm bữa”. Trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama hồi tháng 5 năm ngoái, cô cũng bị an ninh chặn không cho đến gặp Tổng thống mặc dù đã được đích thân Tổng thống Obama gửi thư mời trước đó.
Cũng trong dịp đó một loạt các nhà hoạt động khác cũng bị giam giữ không cho đến gặp Tổng thống Obama như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn,…
Việc các nhà hoạt động và thân nhân bị giam lỏng lần này được cho là có liên quan đến buổi Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào ngày 23/5 tại Hà Nội. Tại cuộc đối thoại năm 2013, hai nhà hoạt động dân chủ là Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài đã được Hoa Kỳ mời tham gia đối thoại nhưng đều bị chặn, không thể tham dự.
Mình đến nhà Đoan Trang hôm vừa rồi thì không khí rất căng thẳng, ngột ngạt, giống như khủng bố.
– Thảo Teresa
Nhà báo Đoan Trang cho rằng Chính quyền Việt Nam sợ những người bất đồng chính kiến sẽ tới gặp các phái đoàn Hoa Kỳ và trình bày về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Theo cô, đó là lý do những người như cô bị canh giữ trong những dịp như thế này.
Tháng 3 năm nay Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2016 ở Việt Nam, trong đó nêu rõ Việt Nam cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, giới hạn quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, ngôn luận; và đánh giá tình trạng giam giữ tùy tiện các nhà hoạt động chính trị là một vấn đề nghiêm trọng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng báo cáo thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.
Ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động hôm 11 tháng 5 cho đài Á châu Tự do biết tại buổi đối thoại nhân quyền với Việt Nam năm nay, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và giam cầm những người thực hiện những quyền tự do đó. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ gửi Việt Nam danh sách những tù nhân chính trị mà họ yêu cầu Việt Nam cần thả tự do ngay lập tức.
Cũng theo ông Busby, hiện Việt Nam vẫn đang giam giữ khoảng hơn 90 tù nhân chính trị.
Formosa
có thể cản trở Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU
Cát Linh, phóng viên RFA
Phái đoàn giáo phận Vinh đi vận động quốc tế về vấn đề thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam, thúc giục Liên minh châu Âu cẩn trọng khi xem xét việc thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) vì những quan ngại về nhân quyền và ô nhiễm môi trường ở Việt nam. FTA được hai bên ký vào cuối năm 2015 và được hy vọng là sẽ đi vào hiệu lực vào đầu năm tới với điều kiện quốc hội các nước EU phải thông qua hiệp định này.
Nhân quyền – Tôn giáo
Trở về từ chuyến đi vận động quốc tế ở Châu Âu và trao thỉnh nguyện thư về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, chiều tối ngày 18 tháng 5, Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho Đài Á Châu Tự do biết tình trạng nhân quyền hiện tại ở Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần trong buổi gặp với Cao uỷ văn phòng Liên Hiệp Quốc Châu Âu:
“Những cơ quan đó, hiệp ước thì đã viết rồi, nhưng có một số điều kiện thì họ yêu cầu phải hoàn thành. Trong đó, những quyền về con người, nhân quyền, quyền của người lao động luôn luôn được để ý.
Chúng tôi cũng nhắc nhở họ về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với những người bất đồng chính kiến, những người đang tranh đấu cho nạn nhân ở Formosa.”
Phái đoàn giáo phận Vinh đến một số nước Châu Âu từ ngày 2 đến ngày 11/5/2017.
Vụ xả thải ra môi trường của công ty Formosa được phát hiện vào tháng 4 năm ngoái đã khiến hàng tấn cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200,000 người, theo một báo cáo của chính phủ vào năm ngoái.
Hiệp ước FTA là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Quá trình đàm phán bắt đầu từ ngày 26 tháng 2 năm 2012 và đến đầu tháng 12 năm 2015 thì hoàn tất. Tuy nhiên quốc hội hai bên cần phải phê duyệt để FTA có thể đi vào hiệu lực. Hy vọng là vào đầu năm tới. Riêng tại châu Âu, yêu cầu để FTA có hiệu lực là quốc hội của cả 27 nước thành viên của EU phải phê duyệt hiệp ước.
Trong tháng Hai vừa qua, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu đã đến Việt Nam để tìm hiểu về tình hình nhân quyền ở quốc gia này và có một buổi làm việc với các tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam tại trụ sở EU ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một người bảo vệ nhân quyền (Human Right Defender) có mặt trong buổi làm việc đó kể lại, đại biểu các tổ chức xã hội dân sự độc lập đã đưa những văn bản và trình bày về thực tế câu chuyện nhân quyền ở Việt Nam.
Ông nhấn mạnh, trong buổi làm việc đó, phái đoàn dân biểu của Quốc hội Châu Âu rất ủng hộ và quan tân những vấn đề tổ chức xã hội dân sự độc lập nêu ra:
Họ nói rằng cái hiệp định thương mại FTA này giữa Việt Nam và EU cần phải gắn chặt vấn đề nhân quyền vào, nó là một phần của bản hiệp định đó chứ không thể tách rời ra.
Do đó, khi nói về khả năng ký phê chuẩn Hiệp định thương mại Tự do FTA, ông Nguyễn Chí Tuyến cho biết theo ông, sẽ không có trở ngại về phía Quốc hội Việt Nam nếu như phía Nghị viện Châu Âu không gây áp lực mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên phía Quốc hội Châu Âu thì chưa chắc.
“Trong nội bộ nghị viện đó, các nước phải thảo luận và tranh luận về vấn đề đó, vấn đề nhân quyền. Khi họ quyết tâm họ nói cái đó phải gắn vào và bắt Việt Nam phải cam kết thì phía Việt Nam phải cân nhắc.
Nếu phía Châu Âu không quan tâm lắm về vấn đề nhân quyền thì phía Việt Nam chấp nhận ngay.”
Tại cuộc họp của Tiểu ban về nhân quyền thuộc Liên minh châu Âu (EU vào ngày 9 tháng 3 năm 2017, bà Beatriz Becerra, thành viên của Nghị viện Châu Âu, người đã đến Việt Nam hồi tháng 2, khẳng định vấn đề nhân quyền là một đòi hỏi không thể thiếu trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam.
“Hiển nhiên chúng tôi luôn ủng hộ mở rộng nền kinh tế với các quốc gia mà chúng tôi đã chuẩn bị cho sự hợp tác chung. Và chúng tôi sẵn sàng cho việc ký kết các thoả thuận hiệp định thương mại.
Nhưng, có một điểm cần được làm sáng tỏ và rõ ràng, đó là chúng tôi cần được chứng minh rằng vấn đề nhân quyền được thực hiện ở Việt Nam.”
Từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường biển làm ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa xả thải gây ra đến nay, rất nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra trong cả nước và dưới nhiều hình thức tự phát khác nhau.
Lý do người dân cả nước nước xuống đường biểu tình phản đối Formosa vì chính quyền không có những giải quyết thoả đáng cho việc đền bù thiệt hại cho đời sống ngư dân khi không còn ngư trường để sinh sống. Thêm vào đó, họ biểu tình để yêu cầu nhà máy Formosa phải ngưng hoạt động ở Việt Nam.
Phần lớn những cuộc biểu tình bất bạo động, xuống đường đó đều bị nhà nước đàn áp nặng nề, dập tắt và bắt bớ.
Đặc biệt là các cuộc biểu tình, khởi kiện do các linh mục quản xứ Song Ngọc, quản xứ Phú Yên hướng dẫn giáo dân tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp như Nghệ An, Hà tĩnh hồi tháng 2 năm 2017 đã bị nhà cầm quyền dùng vũ lực để ngăn chặn. Một số người tham gia bị đánh đập đến bị thương.
Nhiều nhà hoạt động xã hội, bloggers đưa tin hoặc lên tiếng mạnh mẽ phản đối hoạt động của Formosa ở Việt Nam bị chính quyền kết vào tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam; “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 của Bộ luật Hình sự; “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Từ khi xảy ra Formosa đến nay, đã có bốn người bị bắt, hai người bị truy nã, điển hình là trường hợp bắt giam blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị dư luận quốc tế lên án. Đây là những người thường xuyên tham gia biểu tình phản đối công ty Formosa, hoặc đưa các tin và hình ảnh về vụ ô nhiễm môi trường này.
Linh mục Nguyễn Thái Hợp cho biết những vấn đề này được phái đoàn giáo phận Vinh trình bày chi tiết trong những cuộc gặp với Cao uỷ văn phòng Liên hiệp quốc Châu Âu.
Cũng trong cuộc họp của Tiểu ban Nhân quyền hồi tháng 3 vừa qua, ông Lars Adaktusson, chính trị gia Thuỵ Điển và là thành viên của Nghị viện Châu Âu (Member of the European Parliament) đã lên tiếng chỉ trích tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam:
“Rất tiếc rằng khi nói về tôn giáo, thì tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đang ngày càng xấu đi. Theo một báo cáo từ Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, các thành viên của các sắc tộc tôn giáo không được thừa nhận ở Việt Nam đang phải chịu sự áp bức của cả hệ thống chính quyền, như đàn áp, bắt bớ, hăm doạ, bức tử…một cách rất thương tâm. Đây là những hành vi không thể chấp nhận.
Môi trường
Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết sở dĩ các linh mục rất quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vì đó là môi trường cuộc sống của người dân.
“Formosa chỉ mới chạy thử đã như vậy. Bây giờ nếu Formosa chạy thật sẽ như thế nào? Không những nước biển sẽ ô nhiễm, mà nước sông, rồi cả đất nữa. Cho nên đó là vấn đề chúng tôi phải quan tâm.”
4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường Formosa bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Rất đông người dân sống trong các tỉnh này là người công giáo. Sau thảm họa, công ty Formosa đã lên tiếng xin lỗi và đồng ý trả bồi thường 500 triệu đô la. Tuy nhiên rất nhiều người dân ở khu vực miền trung vẫn xuống đường biểu tình và khiếu kiện Formosa vì cho rằng mức đền bù mà họ nhận không thỏa đáng và vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được nhà nước xử lý đúng mức.
Linh mục Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thành viên của Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển, người có mặt trong chuyến đi vân động này cho Đài Á Châu tự do biết ông có nhấn mạnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một hệ luỵ do vấn nạn biển nhiễm độc gây ra trong việc ký Hiệp định FTA.
“Châu Âu sắp ký một Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam, chúng tôi nói với họ rằng nếu quý vị cứ đặt bút ký mà không đếm xỉa gì đến đề nghị của chúng tôi thì liệu hải sản nhập từ Việt Nam có an toàn không? Có đảm bảo được sức khỏe của người dân của quý vị hay không thì họ có nói là sẽ điều tra trước khi ký hiệp định đó. Thì đây cũng là một yếu tố để chúng tôi khai thác.”
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến cho rằng hiện Việt nam đang rất cần FTA với châu Âu vì sự bế tắc trong một hiệp định khác với Mỹ.
“Cho đến hiện nay, Việt Nam không có tiến triển gì với TPP, nên họ rất mong đợi hiệp đinh thương mại song phương với Nghị viện Châu Âu. Họ chỉ hy vọng vào cánh cửa này trong lúc tình hình kinh tế không khởi sắc.”
Thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam hiện ở mức khoảng 40 tỷ đô la một năm. EU, với dân số khoảng 500 triệu, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ.
Hồi tháng 1 năm nay, Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất trong hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố rút khỏi hiệp định khiến TPP đi vào bế tắc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào lúc đó có nói rằng không có TPP thì Việt Nam vẫn còn các hiệp định với các nước khác.
Trong tháng tư vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến thăm chính thức ba nước Châu Âu là Cộng Hòa Czech, Hungary và Thụy Điển. Đây là chuyến đi nhằm đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt, thúc đẩy Quốc hội ba nước ủng hộ việc sớm phê chuẩn FTA Việt Nam-EU.
VN ‘tăng việc quản thúc’ trước đối thoại nhân quyền
Một số nhà hoạt động dân sự và gia đình của họ nói bị những người mà họ cho là nhân viên an ninh ‘quản thúc’ trong bối cảnh đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 sắp diễn ra tại Hà Nội.
Bà Phạm Đoan Trang, blogger, nhà báo tự do, cho BBC biết có người chặn không cho bà ra khỏi nhà “tới nay là ba ngày rồi”.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang bị tạm giam mà chưa qua xét xử, nói với BBC là trong ngày và tối thứ Bảy 20/5, có tới “cả trăm người” chặn bên ngoài nhà bà.
Tin tức nói một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Quang A, cũng bị nhiều người tới canh chừng quanh nhà trong những ngày qua.
Trọng tâm thương mại khi ông Phúc gặp ông Trump?
Đảng Cộng sản sẽ ‘thực lòng’ đối thoại?
Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ, một sự kiện diễn ra hàng năm, sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba 23/5.
Đại diện phía Mỹ tham gia đối thoại lần này là quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett.
Đại diện phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5.
Vì sao bị ‘bao vây’?
Khi được BBC hỏi về lý do bị một số người ngăn không cho ra khỏi nhà, nhà báo Đoan Trang nói hôm 22/5: “Lúc đầu tôi không biết, nhưng sau đó tôi nghĩ là do Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ.”
Bà cho rằng khi phái đoàn Dân biểu EU sang Việt Nam hồi tháng Hai, bà đã gặp được họ nên lần này phía công an “ngăn chặn quyết liệt từ sớm”.
Việc canh chừng được thực hiện suốt cả đêm, bà cho biết thêm, bởi “Họ sợ tôi bỏ trốn trong đêm.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang cáo buộc những người giữ nhiệm vụ canh chừng trong hôm thứ Bảy 20/5 đã “gây sự” với một số người quen tới nhà bà, và đã xảy ra xô xát, dẫn tới việc phía bên kia kéo tới hàng chục người.
Trong số đó, bà nói, có cả “côn đồ”, những người hăm dọa “sẽ đập chết” những người khách nếu bà không nói họ đi về.
Việt Nam phản đối Mỹ vinh danh Mẹ Nấm
Blogger Mẹ Nấm ‘bị bắt giam, khởi tố’
Blogger Đoan Trang trở về Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho hay ngày 19/5, an ninh thành phố Nha Trang đến gặp bà và nói bà Tổng lãnh sự Mỹ [Mary Tarnowka] đến Nha Trang và “có thể trao cho bà một cái giải, giải mà vừa rồi cô Quỳnh được nhận, nhưng bà không được phép nhận.”
Bà cho biết hôm trong ngày và đêm thứ Bảy 20/5, “có tới cả trăm người” đứng chặn trước cửa nhà.
Ngoài ra, “họ còn chở cả các tấm barrier” đến. Các xe tắc xi, xe bốn chỗ đến gần đều bị chặn lại, “họ nhìn vào xe xem có bà tổng lãnh sự không,” bà Lan nói thêm.
Đến 8.30h sáng Chủ nhật 21/5, khi bà Tổng lãnh sự Mỹ rời Nha Trang, “họ đã rút quân và không ngăn chặn nhà tôi nữa”, bà Lan nói với BBC.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến dưới tên Mẹ Nấm, một blogger và nhà hoạt động môi trường, là một trong số 13 phụ nữ quốc tế được Bộ Ngoại giao Hoa trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017.
Bà bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, hiện vẫn chưa qua xét xử.
Hy vọng gì ở đối thoại nhân quyền Việt Mỹ?
Nhà báo tự do Đoan Trang nói bà không rõ ai sẽ được mời tham gia đối thoại nhân quyền Việt Mỹ ngày 23/5.
Tuy nhiên, theo bà thì “các cuộc đối thoại kiểu đó không mời đại diện khối xã hội dân sự độc lập, có chăng thì chỉ có các cuộc gặp bên lề là mời họ. Và đã thành lệ, mọi cuộc gặp bên lề đều bị an ninh phá.”
Bà cho biết nhân sự kiện này, những người hoạt động dân sự đã “chuẩn bị sẵn một báo cáo và tuyên bố chung của khối xã hội dân sự độc lập Việt Nam”.
Báo cáo này sẽ “một lần nữa khẳng định rằng mọi thỏa thuận hợp tác thương mại đều phải có điều khoản ràng buộc về cải thiện nhân quyền, thì mới đảm bảo phát triển bền vững.”
Về phần mình, bà Nguyễn Tuyết Lan hy vọng “con tôi sẽ được nhắc đến và được giúp đỡ”.
Bà Tuyết Lan cho biết sáng 22/5 bà có đi gửi thực phẩm cho con bà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong tù và đây là ngày thứ 225 bà không được gặp mặt con và “không biết con tôi sống chết ra sao”.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này sẽ thảo luận các chủ đề tầm quan trọng của việc tiếp tục quá trình đổi mới luật pháp, pháp quyền, tự do biểu đạt, tự do lập hội và tụ họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, chống kỳ thị, hợp tác đa phương và một số trường hợp cá nhân đáng quan tâm, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5.