Tin Việt Nam – 23/04/2018
Hội Nghề cá Quảng Ngãi lên án
Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Hội Nghề cá Quảng Ngãi vừa có văn phản đối và lên án Trung Quốc về hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa.
Thông tin vừa nói được nêu rõ trong báo cáo gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam và tỉnh Quảng Ngãi do ông chủ tịch Hội Phan Huy Hoàng ký ngày 22 tháng tư.
Theo báo cáo thì sự việc xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày 20/4 ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía đông đông nam. Hai tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đã đâm chìm tàu cá QNg90332 TS do ông Nguyễn Tấn Ngọt, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, khi đó trên tàu có 6 ngư dân, sau đó tàu Trung Quốc bỏ đi. Các ngư dân đã kịp thời phát tín hiệu cấp cứu và được một tàu cá khác đến cứu. Đến ngày 22 tháng 4 thì 6 ngư dân được cứu đã về đến đất liền an toàn.
Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hiện là quần đảo đang tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hồi năm 1974, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát quần đảo này từ phía Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Những năm trở lại đây, nhiều ngư dân Quảng Ngãi cho biết họ thường bị tàu Trung Quốc đuổi, cướp, thậm chí bắt giữ khi đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa.
Quanh vụ nghĩa trang Giải Phướn ‘bị đập phá’
Ngày 23/4, một số dân làng La Dương, phường Dương Nội, Hà Nội nói có nhóm người đến ‘phá mồ mả’ ở nghĩa trang Giải Phướn trong vụ việc đã có nguồn căn từ lâu nay.
Trong video dân địa phương quay ngày 23/4, người ta có thể thấy một nhóm gồm cán bộ và dân phòng phường Dương Nội cùng đám đông dân làng.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của một nhóm khá đông phụ nữ đeo khẩu trang, trên tay mỗi người cầm một que sắt dài được cho là ‘để đi tìm mộ’.
Cũng trong video, nhiều dân làng cho hay nhóm phụ nữ trên thừa nhận được thuê với giá ba triệu đồng một ngày để đi làm ‘xăm thuốn’ đất nghĩa trang.
Sóng ngầm phẫn nộ của nông dân mất đất
VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’
Đất đai Đồng Tâm ‘rối như canh hẹ’ từ lâu
Trong video này, một người đàn ông mặc áo trắng kẻ sáng màu, đeo kính, cầm một tờ giấy trắng, mà ông Trịnh Bá Phương nói là Chủ tịch UBND phường Dương Nội Lã Quang Thức, đang chỉ đạo một nhóm nam giới:
“Bây giờ mình xác định ở đây có những cái mộ nào không thì chúng ta sẽ đánh dấu lại thôi. Nếu không có thì thôi. Bây giờ phương pháp làm là cuốn chiếu bắt đầu từ trạm điện này…”
Dùng que sắt ‘tìm mộ’?
Người quay video clip, ông Trịnh Bá Phương, một người dân Dương Nội, cũng là một nhà hoạt động dân chủ chuyên đấu tranh cho các vụ việc liên quan đến đất đai và nhân quyền, nói với BBC qua điện thoại ngày 23/4:
“Đây là nghĩa trang có từ mấy trăm năm của làng La Dương, rộng khoảng 10ha, nhưng từ năm 2010 đã bị họ mang máy ủi, máy xúc đến san phẳng.”
“Dân làng chúng tôi thời đó còn nhớ đã đi nhặt xương nằm la liệt trong khu nghĩa địa bị phá được một thùng carton. Sau đó chính quyền địa phương đã có giấy xác nhận đó là xương người thu được từ nghĩa địa.”
Điều gì đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam?
Đồng Tâm: Quân đội đào hào ngăn đất tranh chấp
“Đợt đó họ cho xe đến ủi phá vào ngày 9/3/2010 thì đến ngày 27/3/2010 họ mới gửi thông báo đến chúng tôi về kế hoạch di dời mồ mả.”
“Lần này, họ bắt đầu từ 8h sáng ngày 23/4 và sẽ tiếp tục thực hiện trong buổi chiều và ngày mai, ngày kia. Họ gửi thông báo cho chúng tôi về việc xăm thuốn tìm mổ mả còn sót lại, nhưng cái cách họ thuê người, mỗi người cầm một que sắt đi xăm chọc vào đất để tìm mộ cho thấy đây không phải là cách làm đúng đắn.”
“Làm sao chỉ bằng một thanh sắt chọc chọc vào đất lại tìm được mộ? Thế còn những mộ nằm sâu dưới đất thì sao?” ông Phương đặt câu hỏi.
Chia lô đất nghĩa địa cổ?
“Chúng tôi cho rằng mục đích của họ chỉ là nhanh chóng san ủi nốt 1000 m2 đất còn lại để phân lô và bán, như trước đã từng làm”, ông Phương nói với BBC.
“Tôi nói vậy bởi lẽ phần đất mộ bị đập phá năm 2010 sau đó chính quyền xã Dương Nội đã cho san ủi, đổ bê tông, phân lô và rao bán trên mạng. Ai cũng có thể đến mua với giá rao bán từ 25 – 50 triệu/m2 tùy vị trí đất.”
“Nhưng người dân trước đó nhận đền bù chỉ hơn 200 ngàn đồng/m2.”
Trả lời BBC qua điện thoại, ông Trần Văn Tuấn, một dân làng La Dương có mặt ở hiện trường cho hay:
“Gia đình tôi có mồ mả ông bà từ mấy trăm năm trước, rồi từ thời nạn đói năm 45, tổng cộng 12 mộ bị họ cày phá năm 2010.”
“Đến năm 2017 tôi đã cho xây tường bao quanh, thì họ cũng cho người đến phá nốt.”
Ông Tuấn thừa nhận có nhận được giấy thông báo của phường, và thông báo từ loa phường về kế hoạch ‘tìm kiếm mồ mả’ ngày 23/4, nhưng ông không đồng ý cách làm.
“Họ nói tổ chức xăm chọc để tìm mộ, nếu mộ nào vô chủ thì di dời, mộ nào có chủ thì vận động di dời.”
“Tôi cho rằng ý định của họ là san nền, trồng cây xanh làm công viên cho đất nghĩa trang trước đây mà họ đã san ủi, đổ bê tông và chia lô.”
“Nhưng cách họ mang người đến dùng mấy que sắt chọc phá chỉ làm cầy xới, nát các mộ còn lại.”
“Tôi vô cùng bức xúc nhưng không phải biết làm sao!”
BBC gọi điện tới số điện thoại phường Dương Nội để xin gặp chủ tịch Lã Quang Thức, người được cho là chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này, tuy nhiên không ai nghe máy.
Đây chỉ là một trong nhiều sự việc liên quan khi chính quyền địa phương giải quyết đất đai tại Việt Nam nhưng gặp sự phản đối từ người dân.
Mới đây, báo chính thống và cộng đồng mạng Việt Nam truyền đi video clip với cảnh hàng trăm người dân ở Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định phản đối dự án đặt trạm điện gió vì cho rằng mục đích chính là khai thác titan.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43861684
Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’
Phiên tòa xử một người bị cáo buộc có liên quan tới vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ và các hoạt động gián điệp bắt đầu diễn ra từ sáng thứ Ba 24/4/2018 tại Berlin.
Người đàn ông quốc tịch Việt Nam 47 tuổi, được nêu tên là Long N. H., bị bắt giữ tại Prague hôm 12/8 năm ngoái và bị dẫn độ về Đức sau đó một hôm.
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
Trịnh Xuân Thanh bị tuyên chung thân lần hai
VN ‘chặn luật sư Đức của ông Trịnh Xuân Thanh’
Người này, theo nhà báo Nguyễn Trung Khoa từ thờibáo.de nói với BBC, là ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sapa, Prague, Cộng hòa Czech.
Ông Long, đã sinh sống tại Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.
Trong ngày đầu tiên của phiên tòa, dự kiến cơ quan công tố sẽ công bố nội dung cáo trạng dài 90 trang, trong đó có nêu chi tiết những nội dung mô tả về vụ mà phía Đức nói là ông Long cùng các nhân viên mật vụ khác của Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức nói trong số những người tham gia có một tướng công an Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh ‘là nguyên đơn’
Trong phiên tòa, ông Trịnh Xuân Thanh thông qua luật sư đại diện tuyên bố ông là nguyên cáo, và tuyên bố này “đã được tòa án chấp nhận”, luật sư của ông ở Đức cho BBC biết.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, đại diện cho thân chủ trước tòa.
Ông Thanh đã được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Đức kể từ 12/2017.
Bà Schlagenhauf cho BBC biết với tư cách là đại diện của ông Thanh, bà sẽ có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng và được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Vụ bắt cóc “đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu, trong đó có người bị cáo buộc,” cơ quan công tố Đức nói.
VN: Chấp nhận trả giá đối ngoại vì đối nội?
Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt
Ngoài ông Long, còn có các nghi phạm khác được nêu tên trong hồ sơ, trong đó có một người mang tên Đường Minh Hưng, bà luật sư cho biết.
“Vai trò của ông Đường Minh Hưng trong vụ bắt cóc thân chủ tôi sẽ được làm rõ với toàn bộ các chi tiết được nêu trong cáo trạng, cũng như vai trò của những người khác, trong đó có các nhân viên của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin.”
Ông Đường Minh Hưng hồi trung tuần tháng Ba được truyền thông Đức nêu rõ là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, và đã bị cơ quan công tố Đức điều tra.
Tuy nhiên, bà Schlagenhauf giải thích, luật Đức không cho phép xét xử vắng mặt bị cáo, cho nên các nghi phạm khác không bị đưa tòa lần này.
Cho đến nay, mới chỉ có duy nhất ông Long bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Những người khác đã nhanh chóng rời khỏi Đức trước khi bị phát hiện, hoặc đã bị Đức trục xuất.
Bên công tố cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ cho việc bắt cóc, là các cáo buộc có thể khiến ông phải đối diện án tù tới 10 năm cho mỗi tội danh, Reuters tường thuật.
Về trình tự xét xử, phiên tòa sẽ diễn ra trong 21 ngày, rải rác từ nay tới cuối tháng Tám, bà Schlagenhauf cho biết.
Theo luật Đức, mọi chứng cứ, chi tiết cần phải được tranh luận trực tiếp tại tòa, và đó là một tiến trình tốn nhiều thời gian, bà giải thích.
Bên cạnh việc cơ quan công tố đọc cáo trạng, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên.
Được biết đơn xin tị nạn chính trị tại Đức của ông Trịnh Xuân Thanh đã được xét duyệt hồi 12/2017, theo đó ông Thanh “được quyền ở lại Đức, được phép cư trú hợp pháp, và được quyền vào Đức vào bất kỳ lúc nào ông có thể tới nước này”, theo lời luật sư của ông.
Việt Nam luôn bác bỏ cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và nói ông Thanh, người đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức, đã tự nguyện trở về nước để đầu thú.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43866710
Cơ hội quay lại Mỹ của Việt kiều bị trục xuất
‘rất thấp’
Mỹ HằngBBCVietnamese
Luật sư hỗ trợ pháp lý cho những Việt kiều bị Mỹ trục xuất nói nên tìm cách giúp họ hòa nhập với đời sống Việt Nam vì cơ hội quay lại Mỹ ‘rất thấp’.
Trợ giúp pháp lý
Luật sư người Mỹ gốc Việt, Tín Nguyễn, hiện đang trợ giúp pháp lý cho những người Việt đã hoặc có nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ nói với BBC:
“Những người mới bị trục xuất về Việt Nam đang sống rất khó khăn. Họ không hòa nhập được. Họ nói từng giây từng phút vẫn nghĩ về cuộc sống bên Mỹ. Họ bị sốc và không hiểu tại sao mình đang ở đây – Việt Nam.”
Luật sư Tín Nguyễn cho hay ông cùng một phái đoàn luật sư khoảng hơn 10 người đang hỗ trợ pháp lý cho những người gốc Việt đã hoặc có nguy cơ bị Mỹ trục xuất.
“Tôi hỗ trợ họ kiếm luật sư ở Mỹ để xem có thể mở lại hồ sơ trục xuất, xem họ có cơ hội trở lại Mỹ hay không.”
“Phái đoàn luật sư ở bên Mỹ đang hỗ trợ pháp lý cho khoảng 5 – 6 người gốc Việt đến Mỹ trước năm 1995, đã bị trục xuất, và khoảng 40 người có nguy cơ bị trục xuất. Nhưng số lượng này sẽ thay đổi vì ông Trump tập trung trục xuất người Việt phạm pháp và có lệnh trục xuất.”
Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất
“Hầu hết những người này đa số là tỵ nạn, sang Mỹ đã lâu. Họ chỉ có tình trạng thường trú chứ không có quốc tịch Mỹ. Họ phần đông thuộc tầng lớp lao động, nói tiếng Anh không tốt dù đã sống ở Mỹ hàng chục năm, không hiểu luật pháp của Mỹ, cuộc sống bên Mỹ cũng khó khăn.”
“Cần phải chờ đợi tới cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ tháng 11 này để xem có thay đổi nào trong đảng nắm quyền. Như vậy có thể đưa đến thay đổi trong chính sách đối với người nhập cư. Và điều quan trọng là cần phải chờ đợi tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.”
“Ngoài ra, chúng tôi cũng xem xét cơ hội khác để họ có thể trở về Mỹ. Muốn vậy cần làm ba việc:”
1.Mở lại hồ sơ trục xuất (motion to reopen with immigration court or board of immigration appeals).
2.Xóa tội (post conviction relief).
3.Thân nhân ở Mỹ bảo lãnh, xin giấy tha tội (tức xin bảo lãnh để lấy thẻ xanh – immigration visa petition and 212 (h) waiver). (Phần này chỉ áp dụng với người đến Mỹ bằng diện tỵ nạn và sau đó lấy thẻ xanh. Nghĩa là người ở Mỹ dạng không thường trú thì không làm đơn 212(h) này xin tha tội được.)
“Tuy nhiên cơ hội này cũng rất mong manh.”
Cơ hội quay lại Mỹ ‘rất thấp’
Luật sư Tín Nguyễn đánh giá việc quay trở lại Mỹ của những người đã bị trục xuất là rất thấp.
“Trong quá trình làm việc với những người này, tôi nhận thấy khả năng quay về Mỹ của họ rất thấp.”
“Nguyên nhân là do nhiều người phạm các tội nặng, như buôn bán ma túy, cần sa. Nếu phạm tội này thì họ hoàn toàn không còn đường quay lại Mỹ.”
“Ngoài ra, phần đông trong số họ chỉ có thẻ xanh, không phải là công dân Mỹ. Nguyên nhân là do trước đây họ chủ quan, không đăng ký nhập quốc tịch vì nghĩ rằng sinh sống hợp pháp và có công việc ở Mỹ là đủ. Tuy nhiên nay dưới thời ông Trump, mọi chính sách đều thay đổi. Những người này phạm tội cách đây đã lâu, đã đi tù và đã nhận lệnh trục xuất từ lâu.”
“Trước đây họ tin Việt Nam sẽ không nhận họ, do có Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam Hoa Kỳ, ký kết năm 2008, cam kết Hoa Kỳ không được trục xuất những người Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995, kể cả khi người đó có lệnh trục xuất.”
“Do đó nhiều người chấp nhận lệnh trục xuất đó. Sau khi ra tù họ đã trình diện Sở Di trú Mỹ nhiều lần, trả nợ đầy đủ. Nhưng vì không có quốc tịch nên giống như họ bị ‘phạt’ lần hai, và vì vậy họ dễ dàng bị trục xuất.”
“Khó nói trong hơn 8.000 người gốc Việt đã có lệnh trục xuất ai đến trước năm 1995. Nay vì thay đổi trong chính sách nhập cư của ông Trump, họ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào nếu Việt Nam đồng ý tiếp nhận. Họ như ngồi trên đống lửa.”
“Nhiều người trong số họ đã bị chính quyền Mỹ bắt giam lại, chờ quyết định từ phía Việt Nam xem có nhận họ hay không. Một số người đã bị trục xuất.”
“Nhiều người đang tìm gặp các luật sư để nhờ hỗ trợ về pháp lý.”
Tìm cách sống ở Việt Nam
“Hiện rất khó để giúp đỡ những người này vì tình huống này còn mới quá”, luật sư Tín Nguyễn nói với BBC ngày 23/4.
“Trước đây, mỗi năm có chừng 13 người gốc Việt bị trục xuất từ Mỹ về Việt Nam. Nhưng họ đều nhập cư vào Mỹ sau năm 1995.”
“Nhưng năm nay thì họ trục xuất cả người nhập cư trước 1995, con lai, người dân tộc thiểu số.”
“Phải chừng vài tháng nữa mới có thể biết được các bước cần làm tiếp theo là gì. Bây giờ mới coi như giai đoạn đầu tiên của quá trình trợ giúp.”
“Tuy nhiên tôi cho rằng trong khi khả năng quay lại Mỹ là rất khó khăn, do đó nên song song tìm hướng hỗ trợ họ ở lại Việt Nam.”
“Như vậy, có thể cần có một dịch vụ ở Việt Nam được lập ra để chuyên giúp những người bị trục xuất quay về. Ở Cambodia đã có dịch vụ như vậy với tên gọi 1Love Cambodia, họ phát quần áo, điện thoại, hỗ trợ giấy tờ, tìm việc làm.”
Nhà báo tự do Bùi Văn Phú từ California nói cũng có chung quan điểm về chính sách trợ giúp người Việt bị trục xuất. Ông nói với BBC ngày 20/4:
“Chính sách của Mỹ, thời Tổng thống Trump chắc sẽ trục xuất nhiều người Việt về Việt Nam, dù phía Việt Nam không nhiệt tình gì với việc này. May là nhiều người nếu bị trả về họ cũng còn thân nhân ở bên Mỹ, như cha mẹ, vợ con hay anh em thì cũng có sự giúp đỡ ít nhiều để tạm sống, chờ đợi tìm kiếm việc làm.”
“Giữa thập niên 1990 có hàng vạn người vượt biển bị trả về. Cao ủy về người tị nạn có cung cấp tài chánh giúp họ hội nhập trở lại, đến nay nhiều người cũng đã hòa nhập vào đời sống. Cách đây vài năm, có một buổi liên hoan gặp gỡ những người từng ở trại tị nạn Đông Nam Á trở về, thấy họ vui vẻ và cuộc sống có vẻ ổn định.”
“Nay những người bị trả về thì phía Mỹ không giúp gì, vì Việt Nam giờ cũng đã phát triển nên nhà nước hãy có chính sách cụ thể để đưa họ trở lại đời sống bình thường. Con số bị trả về cũng không nhiều như số thuyền nhân vượt biển trước đây, nếu trả hết trong vài năm dưới thời Trump thì mỗi năm cũng chỉ đôi nghìn người, nhà nước có thể giúp họ được, nếu không thì để cho các hội bác ái, thiện nguyện làm việc đó.”
‘Không tiền, không việc, không nhà’
Ông Phạm Chí Cường, một trong ba người Việt bị Mỹ trục xuất cuối năm 2017, nói với Reuters rằng ông không thể xin được việc, không có nhà và không có tiền khi quay về sống ở Việt Nam.
Cùng đợt trở về cuối năm ngoái với ông Cường còn có hai người khác là Bùi Thanh Hưng và ông Nguyễn. Cả ba ông hiện đều đang được luật sư Tín Nguyễn cùng nhóm luật sư bên Mỹ hỗ trợ pháp lý.
Ông Nguyễn nói với Reuters hôm 20/4 rằng công an địa phương hỏi ông rằng có phải ông làm việc cho CIA không.
Còn ông Bùi Thanh Hưng thì nói ông phải sống nhờ nhà người quen.
Cả ba ông đều nhập cư sang Mỹ trước năm 1995. Nhưng các vụ trục xuất gần đây được thực hiện bất chấp Hiệp ước song phương giữa hai nước năm 2008 rằng những người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, người từ chức để phản đối việc trục xuất người Việt của chính quyền Trump, nói với Reuters ngày 12/4 rằng đa số những người này ra đi trong làn sóng tị nạn sau chiến tranh, do đó bị Hà Nội coi là các thành phần gây bất ổn cho xã hội.
Ông Ted Osius cũng xác nhận việc chính quyền ông Trump bắt đầu chương trình trục xuất này từ hồi tháng Tư năm ngoái.
Bao nhiêu người đã và sẽ bị trục xuất?
Theo số liệu của Lực lượng Nhập cảnh và Hải quan Hoa Kỳ (ICE,) đã có 71 người Việt bị trục xuất về Việt Nam trong năm ngoái.
Con số này hồi 2016 là 35, và trong 2015 là 32 trường hợp.
Tính từ 1998 đến 2016, đã có khoảng 624 người bị đưa về Việt Nam, theo thông tin chính thức của Bộ Nội An Hoa Kỳ.
Ông Ted Osius nói với Reuters rằng chính quyền Trump vẫn tiếp tục tìm cách trục xuất thêm hàng ngàn người nữa.
Còn các tổ chức hoạt động vì cộng đồng ở Philadelphia, California, New York gần như đồng loạt đưa ra cảnh báo khẩn vào cuối tháng 10/2017 rằng có khoảng 8.500 ngàn người Việt tại Mỹ có nguy cơ bị trục xuất.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43836384
Thủ tướng phê duyệt
kế hoạch vay của Chính phủ năm 2018
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 437/QĐ-TTg về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018.
Báo Chính Phủ loan tin cho biết, kế hoạch vay của Chính phủ năm 2018 là 384 ngàn tỷ đồng bao gồm: vay trong nước gần 276 ngàn tỷ đồng và vay nước ngoài khoảng 108 ngàn tỷ đồng.
Kế hoạch trả nợ của Chính phủ được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2018 là gần 257 ngàn tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ là khoản trên, tức 257 ngàn tỷ đồng; phần khác là trả nợ của các dự án vay lại khoảng 18 ngàn tỷ rưỡi.
Trước đó, báo Vnexpress vào ngày 11 tháng 3 loan tin cho biết Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chuyên đề kiểm toán nợ công công bố nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2016 là gần 2,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ của Chính phủ là 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 83% nợ công. Riêng nợ nước ngoài của Chính phủ là 947 ngàn 500 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% nợ công.
Kiểm toán nhà nước cũng nói, đến cuối năm 2016, dư nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương của Việt Nam bằng 63,7% GDP.
Cơ quan này của Chính phủ Việt Nam còn nhận định trên tờ Vnexpress rằng: Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán nợ; tuy nhiên, tình trạng nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015 và hệ số thanh toán trả nợ cao, có xu hướng gia tăng đang gây áp lực cho ngân sách.
Xử phúc thẩm
nhà hoạt động môi trường Hoàng Bình
Nhà hoạt động môi trường và công đoàn độc lập Hoàng Đức Bình vào ngày mai 24 tháng 4 sẽ ra tòa phúc thẩm.
Phiên phúc thẩm cũng diễn ta tại tòa án huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong hai người bào chữa cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên phúc thẩm, vào chiều tối ngày 23 tháng 4, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan phiên phúc thẩm:
Hồi sáng khoảng 9h tôi vào trại giam thì Bình vẫn vui vẻ, tinh thần rất tỉnh táo. Ngày mai ra tòa nhưng Bình vẫn vui và bản lĩnh.
Lần trước sơ thẩm, trong biên bản phiên tòa, các luật sư bảo là Bình không phạm tội chống người thi hành công vụ, kể cả tội thứ hai cũng vậy nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận.
Trước đó vào cuối tháng 2 vừa qua, tòa án huyện Diễn Châu đã tuyên 14 năm tù giam đối với anh Hoàng Đức Bình với 2 tội danh “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 257 và 258 bộ luật hình sự.
Kể từ khi anh Bình bị bắt vào tháng 5 năm ngoái tới nay, gia đình anh không thể thăm gặp và họ lo ngại cho tình trạng sức khỏe của anh. Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, sau khi thăm gặp anh vào tháng Giêng vừa qua cho biết tình hình sức khỏe của anh Bình vẫn bình thường, tinh thần tốt, chỉ có điều trông anh gầy hơn trước và bị chứng đau lưng.
Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình là thành viên của phong trào Lao Động Việt, một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, do nhà máy Formosa thải độc tố ra biển, anh Hoàng Đức Bình đã giúp các nạn nhân thảm họa môi trường Fomosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, cũng như lên tiếng kêu gọi nhà máy Formosa phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Vào ngày 15/05/2017, anh Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, bắt giữ bất ngờ khi đang đi cùng xe với Linh mục Nguyễn Đình Thục, tại địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau đó Công an tỉnh Nghệ An thông báo anh Hoàng Đức Bình sẽ bị khởi tố.
Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi VN bác bỏ mọi cáo buộc với nhà hoạt động Hoàng Bình và yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho anh. Họ cho rằng những hoạt động anh làm là quyền căn bản của một con người, bao gồm quyền tự do tự do biểu đạt, quyền lập hội và tụ tập một cách ôn hòa.
Cứu ba phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc
Ba phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc được công an Quảng Ninh giải cứu kịp thời hôm 20/4/2018.
Truyền thông trong nước cho biết ba phụ nữ trú tại Đồng Tháp và Kiên Giang đồng ý sang Trung Quốc theo hứa hẹn nếu tham gia may gia công sẽ được hưởng mức lương 15 triệu đồng một tháng hoặc nếu lầy chồng Trung Quốc sẽ có một khoản tiền lớn.
Trên đường đi, một phụ nữ sinh nghi do hành trình khác với thỏa thuận ban đầu nên báo gia đinh và được công an giải cứu kịp thời.
Theo công an tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây việc phát hiện và ngăn chặn nạn buôn người rất khó khăn do những người chủ mưu liên tục thay đổi phương thức hoạt động.
Cách thức mới là những người tổ chức không đi cùng nạn nhân mà dùng điện thoại hướng dẫn nạn nhân đến khu vực biên giới. Những nạn nhân bị lừa đa số là phụ nữ trẻ, nghèo ở miền quê bị dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng hay làm việc với mức lương hấp dẫn.
Thượng úy Phạm Xuân Đức, cán bô phòng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Ninh cho biết cần truyền tải thông tin đến với những người dân nghèo vùng sâu- vùng xa để họ hiểu biết vấn đề và tự bảo vệ mình trước. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn loại tội phạm này.
Theo thông tin từ phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hà Nội, từ năm 2012 đến năm 2017, số vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm hơn 81% tổng số vụ mua bán người bị phát hiện.
Chính phủ Hà Nội họp về các dự án BOT
Chính phủ Việt Nam cho biết đã rà soát nhiều dự án thu phí đường bộ (gọi tắt theo tiếng Anh là BOT- Build- Operate- Transfer) và số tiền phải chi trả cho các nhà đầu tư thấp hơn 20% so với tổng số tiền được dự tính phải chi trả cho các dự án này.
Thông tin vừa nêu được đưa ra trong buổi họp của Chính phủ Việt Nam với một số địa phương và Bộ Giao Thông- Vận Tải vào chiều ngày 23/4 tại Hà Nội.
Tin dẫn phát biểu đánh giá của ông Nguyễn Xuân Phúc về con số 20% và cho rằng số tiền chi trả cho các nhà đầu tư được giảm đi sau khi các dự án được kiểm tra lại loại bỏ những chi phí bất hợp lý khi xây dựng.
Người đứng đầu chính phủ Hà Nội đưa ra kết luận rằng việc cho các công ty tư nhân đấu thầu các dự án BOT, còn gọi là xã hội hóa việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, là một việc làm đúng đắn, nhưng cần khắc phục những yếu kém trong thời gian qua như thời gian thu tiền, mức thu tiền, quá dài và quá cao, không tính đến người dân ở tại chổ.
Theo hình thức BOT, nhà thầu bỏ tiền xây dựng cầu đường, thu phí rồi sau một thời gian sẽ trao lại cho nhà nước.
Tuy nhiên đã có nhiều phản đối trong cả nước trong hai năm qua vì các chủ đầu tư không xây dựng bao nhiêu, mà lại cố tình đặt trạm sai vị trí để thu nhiều tiền, ngoài ra số tiền phải tra khi qua các trạm cũng bị người dân phản đối cho là quá cao.
Giới lái xe trong cả nước đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm, làm kẹt xe nhiều giờ. Đỉnh điểm của phong trào phản đối này là vào cuối năm 2017 tại trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chính quyền đã phải đưa cảnh sát cơ động đến để giữ trật tự. Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra lệnh tạm dừng trạm này trong vài tháng để bàn phương cách giải quyết.
Vào cuối tuần qua, nhiều ý kiến từ Tiền Giang cho rằng phải đưa trạm phu phí BOT Cai Lậy vào tuyến tránh là giải pháp hợp lý nhất.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gov-meeting-bot-04232018085240.html
Vinalines thanh lý hàng loạt tàu nhằm cắt lỗ
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đang tìm cách thanh lý hàng loạt tàu để cắt lỗ nhưng không thành công do không có đơn vị chào hàng nào đưa ra mức giá cao hơn giá chào hàng khởi điểm. Mạng báo của Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin này hôm 23/4.
Cụ thể, tàu Vinalines Sky có số hiệu IMO9168269, trọng tải 42.717 DWT đóng năm 1997 tại Ishikawa (Nhật Bản) được mua với mức giá 661 tỷ đồng và được tổ chức đấu giá và chào bán lần đầu tiên với mức giá 154,38 tỷ đồng tương đương 6,7 triệu USD. Tuy nhiên, đã không có khách hàng nào quan tâm mua hồ sơ và đặt cọc.
Sau khi việc tổ chức đấu giá không được như kỳ vọng, Vinalines đã chuyển hình từ hình thức đấu giá sang chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế. Dù nhận được 11 thư chào giá nhưng mức giá cao nhất chỉ là 72,8 tỷ đồng (tương đương 3.1 triệu USD)
Lần thứ hai, Vinalines đưa ra mức giá khởi điểm là 93.4 tỷ đổng (tương đương 4.1 triệu USD chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Vinalines nhận được 8 thư chào giá nhưng vẫn không có người mua nào đưa ra giá bằng và cao hơn giá khởi điểm phê duyệt. Người mua trả giá cao nhất gần sát với giá khởi điểm là Công ty cổ phần Vật tư Hàng hải H.P.C với giá chào là 89.5 tỷ đồng, tương đương 3.9 triệu USD chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Mặc dù Vinalines đã liên hệ với Công ty H.P.C để đàm phán đề nghị người mua tăng giá, nhưng công ty này cho biết đây là mức giá tốt nhất mà họ có thể trả và không thể tăng thêm.
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời lãnh đạo Vinalines cho biết việc bán tàu càng chậm thì càng gây thiệt hại lớn cho Vinalines và tàu ngày càng xuống cấp do quá hạn đăng kiểm, sửa chữa lớn, giảm giá trị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho thuyền viên, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.
Trong thời gian tàu neo chờ bán, Vinalines vẫn phả trả chi phí duy trì tàu khoảng 2000 USD/ngày (khoảng hơn 40 triệu đồng/ngày chưa tính phí quản lý)
Theo tính toán của Vinalines, nếu tiếp tục bán vòng 3, thời gian tối thiểu sẽ mất thêm khoảng 1 tháng rưỡi nữa sẽ tiếp tục tăng thêm nhiều lần chi phí neo tàu, tối thiểu khoảng 100 ngàn USD, tương đương 2.2 tỷ đồng. Do đó, Vinalines đã thống nhất điều chỉnh, phê duyệt giá khởi điểm mới theo mức giá chào của công ty H.P.C là 89.5 tỷ đồng, tương đương 3.92 triệu USD để làm cơ sở đàm phán bán tàu.
Trước đó, năm 2016, Vinalines cũng đã xin bán gấp 6 tàu gồm Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean và Vinalines Ruby với trọng tải 125.000 DWT khiến quy mô đội tàu giảm chỉ còn 92 chiếc với tổng trọng tải 1.8 triệu DWT.
Việt Nam-Trung Quốc
kiểm tra liên hợp nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ
Việt Nam và Trung Quốc triển khai hoạt động kiểm tra liên hợp nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ năm 2018.
Truyền thông trong nước cho vào chiều ngày 22 tháng tư Biên đội tàu CSB 8003 và CSB 8004 của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 Việt Nam rời cảng lên đường tham gia công tác vừa nêu, trải dài ở phạm vi 9 điểm trong vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Đại tá Trần Văn Thơ, nói với báo giới rằng hoạt động kiểm tra liên hợp nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc được duy trì thường xuyên và đây là công tác thường niên giữa hai nước.
Theo đó, lực lượng cảnh sát biển của hai nước cùng tham gia một số công tác cụ thể như kiểm tra, giám sát tàu của ngư dân khai thác thủy sản, duy trì trật tự trong khu vực đánh bắt chung cũng như phối hợp luyện tập tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tàu thuyền của ngư dân khi gặp sự cố trong vùng đánh bắt chung ở Biển Đông.
Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000. Đến cuối tháng 6 năm 2004, hai phía trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định này.
Nhiều nghi vấn
trong vụ ‘thâu tóm’ đất của Quốc Cường Gia Lai
Lãnh đạo đảng tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây yêu cầu một ủy ban dưới quyền ông điều tra việc một công ty thuộc thành ủy bán đất cho một công ty tư nhân.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hôm 20/4 yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ lật lại, xem xét việc công ty Tân Thuận bán hơn 32 hectare đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai để xác định xem giao dịch này có vi phạm pháp luật hay quy định của thành uỷ hay không.
Công ty với 100% vốn thuộc văn phòng thành ủy có tên đầy đủ là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
Ông Nhân yêu cầu Ủy ban Kiểm tra làm rõ xem trong giao dịch kể trên có những vi phạm gì, mức độ như thế nào, hậu quả và trách nhiệm của “các cá nhân, tập thể có liên quan” ra sao. Vị bí thư cũng yêu cầu báo cao kết quả kiểm tra với Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5.
Trước đó, hôm 18/4, Ban thường vụ đã yêu cầu công ty Tân Thuận đàm phán với công ty Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi thành ủy cho rằng Tân Thuận đã không báo cáo cho thành ủy về việc bán đất. Thành ủy khẳng định Tân Thuận đã không tuân thủ quy chế của thành ủy về quản lý, sử dụng nhà, đất tại các công ty thuộc sở hữu của đảng bộ thành phố.
Thương vụ đó diễn ra hồi đầu tháng 6/2017, trong đó Tân Thuận bán “đất đã được đền bù” tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cho Quốc Cường Gia Lai. Khu đất hơn 320.000 m2 được bán với giá 1,29 triệu đồng/m2.
Khu đất này trước đây thuộc quyền sử dụng của người dân địa phương. Khoảng 8 năm trước, Tân Thuận đã “đền bù” cho dân để nắm quyền quản lý, sở hữu khu đất, trước khi bán cho Quốc Cường Gia Lai.
Báo chí trong nước dẫn lời giới kinh doanh bất động sản địa phương nói rằng giá bán của Tân Thuận thấp “rẻ mạt” một cách đáng kinh ngạc nếu so sánh với giá thị trường trong khoảng từ 8,5 đến 10 triệu đồng/m2 ở cùng thời điểm. Họ cho rằng chênh lệch giá này làm cho nhà nước thiệt hại ít nhất 2.500 tỉ đồng.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ bình luận với VOA:
“Lúc này cần phải điều tra liệu có tham nhũng giắt vào vụ chuyển nhượng này không, bởi vì cái biểu hiện của nó là giá đất hai bên thống nhất với nhau thấp hơn giá đất thị trường. Có thể là có phần tiền nào đó đặt ngoài hợp đồng trao tay với nhau. Nếu mà đã xảy ra như thế, thì chắc chắn là sai về mặt tham nhũng”.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo có nhiều ảnh hưởng Trương Huy San đặt câu hỏi: “Nếu không phải là một công ty của Thành uỷ, liệu ở thời buổi này có tư nhân nào gom đất ở Nhà Bè, Quận 7 được 3, 4 chục hecta [hay không?]. Bao nhiêu hộ dân ở Phước Kiển, Tân Phong đã bị thu hồi đất bởi một cơ quan có quyền lực nhất [?]”.
Người thường được biết đến với tên Huy Đức có gần 210.000 người theo dõi qua Facebook viết thêm: “‘Nhân dân’ đã bị mất đất bởi những thế lực nhân danh ‘sở hữu toàn dân’ để rồi chính họ nhìn thấy đất từ tay mình rơi vào tay các tư nhân thế lực”.
Ông Huy Đức nhận định “có những giao dịch bắt đầu từ 2015 và phần lớn diễn ra trong năm 2016”, liên quan đến Phó bí thư Tất Thành Cang, và “chắc chắn không chỉ Tất Thành Cang chịu trách nhiệm”.
Ông Cang chưa lên tiếng trước bình luận này. Tin mới nhất cho biết, ông đã xuất viện hôm 19/4, “sau một ngày phải nhập viện vì bệnh lý liên quan tới tim mạch”.
Tin tức về giao dịch đất bị đặt trong vòng nghi vấn đã làm giá trị cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, đồng thời gây thiệt hại cho công ty về giá trị vốn hóa lên đến 450 tỷ đồng.
Trước những diễn biến này, Quốc Cường Gia Lai hôm 20/4 đã công bố văn bản “phản hồi thông tin báo chí” trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Công ty bất động sản do bà Nguyễn Thị Như Loan làm chủ tịch khẳng định hơn 32 ha đất họ mua của Tân Thuận “không phải là đất công” nên việc chuyển nhượng “không cần thông qua đấu giá”.
Để bảo vệ lập luận này, Quốc Cường Gia Lai nêu dẫn chứng rằng số đất đó – nguyên là đất nông nghiệp – “không phải do nhà nước giao Tân Thuận quản lý”, và công ty của thành ủy đã có đất này thông qua việc Tân Thuận “dùng tiền kinh doanh” để “thương lượng, đền bù trực tiếp” cho người dân.
Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích với VOA về tình huống này:
“Hiện nay cũng chỉ có yêu cầu là hai bên đàm phán để hủy hợp đồng chứ không hề có chuyện nói rằng cái hợp đồng đấy sai. Thì có nghĩa là ở đây, theo tôi, là đất đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức là UBND Tp.HCM giao trực tiếp cho Tân Thuận. Và như vậy, Tân Thuận hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác”.
Cùng ngày 20/4, bà Loan cho phóng viên báo Người Tiêu Dùng biết rằng hiện công ty bà đang san lấp mặt bằng tại khu đất đã mua. Bà tuyên bố nếu nhà nước thấy họ “bán hớ”, công ty của bà sẵn sàng trả lại đất, nhưng công ty Tân Thuận phải “bồi thường thiệt hại” cho Quốc Cường Gia Lai.
Người Tiêu Dùng trích lời bà nói: “Chúng ta ra tòa, dù là nhà nước cũng phải ra tòa rất là rõ ràng, không thể ép doanh nghiệp được, doanh nghiệp không sai”.
Về sự tự tin của nữ chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, chuyên gia lĩnh vực đất đai Đặng Hùng Võ nói:
“Nếu có sự can thiệp mà chưa đầy đủ chứng lý về chuyện vi phạm pháp luật, Quốc Cường cho rằng việc phải hủy hợp đồng gây thiệt hại cho họ thì hoàn toàn họ có quyền kiện. Và nếu họ có đầy đủ chứng lý rằng vụ chuyển nhượng này không có dắt díu một chút gì đến tham nhũng thì tôi cho rằng đấy là quyền của họ và đấy là quyền hợp pháp”.
Trong một loạt bài hồi tuần trước, báo Người Tiêu Dùng viết trong nhiều năm qua Quốc Cường Gia Lai đã “mạnh tay ‘vung tiền’ thâu tóm gần hết đất tại dự án khu dân cư Phước Kiển”, trong đó, bao gồm cả đất từng thuộc quyền sử dụng của dân địa phương và một phần rất lớn “đất công sản”.
Khu Phước Kiển có vị trí đẹp ở gần sông Sài Gòn. Báo chí đưa tin khu vực này sau khi xây dựng hạ tầng, giá đất nền lên tới trên 40 triệu đồng/m2. Điều đó càng làm tăng những nghi vấn về giao dịch bị cho là “thiếu minh bạch” với giá chuyển nhượng rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai.
Văn bản với chữ ký của ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan, công bố trên cổng thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, viết rằng “các thông tin báo chí đưa ra không thận trọng, không xác minh từ hai phía cho các sự việc thực tế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của công ty Quốc Cường Gia Lai”.