Tin Việt Nam – 23/02/2017
Quan ngại sức khỏe Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha
Ngày 22/2, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo cho rằng ở Việt Nam liên tục xảy ra việc hạn chế quyền tự do ngôn luận và tổ chức hội họp hòa bình, “Các tù nhân lương tâm bị tra tấn, bị ngược đãi, và bị xét xử không công bằng.”
Trước đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tăng áp lực đòi chính quyền Việt Nam nhanh chóng chữa bệnh cho tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha.
Hôm 20 tháng 2, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo kêu gọi hành động khẩn cấp đối với trường hợp tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha đang bị ngược đãi ở trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của thanh niên đang chịu án 4 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự, nói với VOA rằng con trai của bà cần được khám chữa và điều trị thích hợp. Ngay cả khi việc anh Kha yêu cầu trại giam trả kết quả xét nghiệm cũng bị từ chối:
“Như đã nói với Tổ chức Ân Xá Quốc tế, cháu Kha không được đưa đi khám sức khỏe ở bệnh viện, mà họ chỉ đưa cháu đi khám ở trạm y tế của trại tù. Tôi có đưa hình ảnh trại tù Xuyên Mộc trị bệnh cho tù nhân lương tâm nó tệ hại như thế nào. Họ xét nghiệm HIV, họ nói con không bị HIV nhưng con đòi giấy xét nghiệm đó thì họ không đưa.”
Theo bà Liên, cách đây ba tháng, Kha được giải phẫu bỏ khối u lành có kích thước bằng trái chanh trong dạ dày. Tuy nhiên, dù anh Kha và gia đình nhiều lần yêu cầu được đưa đi trị bệnh, quản lý trại giam vẫn từ chối không cho anh được điều trị hậu phẫu.
Khi đến thăm Kha và ngày mùng 6 Tết, bà Liên được Kha nhắn lại như sau:
“Lúc tranh đấu cho anh Đặng Xuân Diệu, con bị cùm chân, ghẻ lở không!. Con rất là sợ. Con muốn lên tiếng để nói với các tổ chức nước ngoài biết vì nhiều người bị như vậy nhưng không dám lên tiếng. Con muốn mẹ lên tiếng cho con và cho những người khác, là trại giam phải đưa 20 tù nhân lương tâm ở trại giam Xuyên Mộc đi xét nghiệm và khám bệnh tổng quát tại bệnh viện.”
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc khước từ điều trị có thể được xem là tra tấn hoặc một hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo nhằm trừng phạt tù nhân.
Anh Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh Kha bị truy tố tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự, và bị tòa án tỉnh Long An tuyên 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế. Cũng trong vụ án này, một người bạn của Kha là cô Nguyễn Phương Uyên cũng tuyên phạt 6 năm tù giam. Sau đó trong phiên sơ thẩm, Kha bị tuyên án 4 năm tù còn Uyên bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và 52 tháng thử thách.
Tương tự như trường hợp của Đinh Nguyên Kha, tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/2 ra thông báo kêu gọi Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho bà Trần Thị Thúy, một Phật tử Hòa Hảo tại tỉnh Đồng Tháp đang bị giam ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương.
Gia đình bà cho tổ chức Ân Xá Quốc tế biết bệnh của bà ngày càng trầm trọng, khối bướu trong tử cung tiếp tục lớn ra, và vì quá đau cho nên bà không thể tự mình đi đứng được. Bà Thúy còn bị nổi mụt nhọt khắp người, phình to ra chảy máu và mủ. Mặc dầu có nguy cơ bị nhiễm trùng vì bà ngủ dưới sàn phòng giam, quản lý trại giam không cung cấp đủ vật dụng y tế thiết yếu cho bà, kể cả không cho phép nhận các băng thuốc dán mà gia đình mang đến.
Gia đình bà đã liên tục yêu cầu nhà phía trại giam cho phép gia đình chi trả tiền điều trị bệnh cho bà Thúy, nhưng phía trại giam vẫn từ chối. Theo lời gia đình, bà Thúy nói là bà không biết sống chết ra sao nếu không được chữa trị đàng hoàng trong khi điều kiện nhà tù thì lắm khắc nghiệt.
Bà Thúy bị kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà Thúy bị bắt giữ hồi tháng 8, 2010 cùng với 6 người khác.
Theo cáo trạng, bà Thúy và 6 nhà hoạt động khác bị xét xử vì cáo buộc tham gia các hoạt động có liên quan với Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở hải ngoại tranh đấu ôn hòa cho dân chủ tại Việt Nam. Bà đã bác bỏ những cáo buộc này.
Vào tháng 9, 2011, Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đưa ra phán quyết số 46/2011 khẳng định việc bắt giữ bà Trần Thị Thúy và 6 nhà hoạt động khác là tùy tiện và yêu cầu trả tự do cho họ.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi mọi người trên thế giới tiếp tay áp lực đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trần Thị Thúy và anh Đinh Nguyên Kha ngay lập tức và vô điều kiện. Vì họ là những tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì đã sử dụng quyền tự do diễn đạt của mình.
Ân Xá Quốc Tế cũng kêu gọi mọi người trên thế giới lên tiếng áp lực nhà cầm quyền CSVN nhanh chóng cung cấp cho họ sự chăm sóc y khoa thích hợp, bao gồm việc đưa họ vào bệnh viện để điều trị nếu cần.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên cho rằng “các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là sai sự thật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế.”
Việt Nam cho rằng “là thành viên của 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước chống tra tấn, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên.”
http://www.voatiengviet.com/a/3735205.html
Mẹ Nấm bị gia hạn tạm giam ‘bằng lệnh miệng’
Sau hơn 4 tháng bị bắt giam, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn lệnh tạm giam với nhà vận động cho nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không cho phép gặp gia đình và tiếp xúc luật sư, theo tin từ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã xác nhận thông tin này với VOA Việt Ngữ.
Theo Bà Lan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký lệnh gia hạn tạm giam đối với con bà vào ngày 13/1/2017, nhưng bà chưa hề nhận được văn bản này, tất cả chỉ là thông báo miệng:
“Theo lệnh tạm giam 4 tháng thì ngày 10/2 là hết hạn tạm giam. Ngày 14/2 khi không nhận được thông tin gì thì tôi có làm đơn. Ngày 21/2 họ mời tôi lên, họ nói họ có quyền gia hạn tạm giam thêm 3 tháng. Anh mời tôi lên là đại úy Ngô Xuân Phong, ảnh đọc cho tôi lệnh gia hạn tạm giam ký ngày 13/1, gia hạn từ ngày 7/2 cho tới ngày 7/5, tức là gia hạn thêm 3 tháng nữa. Tôi hỏi tại sao khi gia hạn không thông báo cho gia đình thì họ nói chỉ thông báo cho người bị tạm giam thôi.”
Khi hỏi về việc trong hơn 4 tháng qua chính quyền có cho phép Như Quỳnh tiếp xúc với luật sư hay không, bà Tuyết Lan cho biết luật sư đã làm hết trách nhiệm của họ, “họ gửi văn bản đi nhưng không được hồi đáp, những gì họ làm đã rơi vào im lặng”. Bà Lan cho VOA biết thêm:
“Tôi có hỏi tại sao con tôi cho đến bây giờ vẫn chưa gặp được luật sư, và vì ‘sao anh không trả lời văn bản cho luật sư biết?’. Anh (công an) Ngô Xuân Phong nói là ‘đã trả lời bằng văn bản cho luật sư nhưng không hiểu vì sao địa chỉ không đến.’ Tôi mới hỏi rằng khi gửi qua bưu điện thì trên đó có số điện thoại của văn phòng luật sư Hưng Đạo của ông Nguyễn Hà Luân, thì tạo sao người ta không gọi điện thoại. ‘Cho nên vấn đề này anh giải thích cho tôi không thuyết phục lắm.’ Ảnh im lặng.”
Trong khi chính quyền im lặng thì gia đình của nhà hoạt động vì quyền con người, vì môi trường, một bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Tuyết Lan cho biết trong một tháng qua, gia đình bà không được phép ghi một lời nhắn dù rất ngắn, hỏi thăm sức khỏe từ hai đứa con của Như Quỳnh để gởi đến người mẹ trong trại giam. Bà Tuyết Lan nói bà ngoại của Quỳnh năm nay hơn 90, sau khi chứng kiến cảnh Quỳnh bị còng tay và giải đi cho đến nay thì tinh thần bà hoàn toàn suy sụp, còn hai khi đứa con của Quỳnh thì quá nhỏ. Bà nói con trai 4 tuổi của Quỳnh cứ hỏi “sao mình cầu nguyện hoài mà Chúa chưa cho mẹ về!”
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Nha Trang, tỉnh Khánh Hoa bắt vào ngày 10/10/2016 và bị truy tố phạm tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thành viên chủ chốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam, là phụ nữ châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển vào năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.
Trong nhiều năm qua, Như Quỳnh đã tích cực tham gia các phong trào bảo vệ tiếng nói của người dân tranh đấu cho nhân quyền như: “Tuyên bố công dân tự do”, “dã ngoại nhân quyền”, “café nhân quyền”. Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Bà Lan luôn hy vọng rằng chính quyền sẽ hiểu được tiếng nói chính đáng của người dân, nhất là về vấn đề môi trường, điều mà Quỳnh từng lên tiếng trước đây:
“Những việc sau này, sau khi con tôi đòi khởi tố Formosa, về biển chết, về Trung Quốc, bây giờ tất cả tiếng nói của cộng đồng đều đi tiếp con đường của Quỳnh, đều phản ảnh những điều con tôi nói là sự thật. Họ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, một môi trường trong lành hơn, quyền của con người được tôn trọng hơn. Tôi mong rằng chính quyền sẽ thấy rằng những đòi hỏi này là chính đáng, chứ đừng dùng từ ‘truyên truyền chống phá nhà nước’ là không đúng sự thật.”
Hôm 12/10, Mỹ và EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius ra thông cáo nói ông “quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”.
Thông cáo kêu gọi Việt Nam “thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.
Đáp lại yêu cầu bình luận của đài VOA, phát ngôn nhân phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Katina Adams, nhấn mạnh:
“Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích cô Quỳnh cùng tất cả những tù nhân lương tâm khác, cho phép tất cả mọi người dân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng và ngoài đời mà không sợ bị trả thù. Xu hướng gần đây bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động ôn hòa [tại Việt Nam] rất đáng ngại và đang đe dọa che phủ tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam.”
Cùng lúc đó, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước ra tuyên bố chung “kêu gọi mọi người tranh đấu bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đang có quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam tiếp tục lên tiếng và yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho blogger Mẹ Nấm.”
Khi bắt giam Như Quỳnh vào tháng 10 năm ngoái, truyền hình Công an Nhân dân nói Quỳnh ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ viết bài trên mạng xã hội và trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài để ‘xuyên tạc đường lối chính sách của đảng’, ‘kích động hận thù dân tộc giữa Việt Nam với một số quốc gia láng giềng’, ‘nói xấu’ lãnh đạo Việt Nam, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’ và ‘gây phương hại đến an ninh quốc gia.’
Khi đó báo Công an Nhân dân viết: “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là đối tượng có quá trình hoạt động chống đối quyết liệt, từng nhiều lần bị các cơ quan chức năng cảnh cáo, xử lý bằng các hình thức khác nhau nhưng đối tượng ngày càng tỏ ra coi thường pháp luật, thách thức cơ quan chức năng, tính chất hành vi vi phạm pháp luật ngày càng nguy hiểm.”
Đoàn Thị Hương ‘được trả tiền’ để ám sát
Cảnh sát trưởng Malaysia hôm 23/2 cho biết rằng nghi can người Việt Đoàn Thị Hương đã “được trả tiền” để thực hiện vụ ám sát anh trai lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, trong khi đó người Việt ở Hàn Quốc nói rằng người địa phương “rất là quan tâm” tới vụ án hiện đang gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Ông Khalid Abu Bakar còn cho biết thêm rằng nữ nghi can người Indonesia cũng đã nhận tiền để thực hiện vụ đầu độc chớp nhoáng, theo Reuters. Tuy nhiên, quan chức Malaysia này từ chối bình luận rằng liệu họ có được tình báo nước ngoài lợi dụng hay không, cũng như họ đã được trả bao nhiêu tiền.
Ông Bakar tiết lộ như vậy một ngày sau khi chính ông cho hay rằng hai nữ nghi phạm “biết rõ việc mình làm”, và “đã được huấn luyện” để thực hiện vụ giết người. Trước đó, các trang báo điện tử của Malaysia dẫn lời các nguồn tin nói rằng cô Đoàn Thị Hương khai “bị lừa” tham gia vào vụ ám sát.
Trong khi đó, sau hơn một tuần im tiếng, báo chí nhà nước Bắc Hàn hôm 23/2 chỉ trích cuộc điều tra của Malaysia về vụ ám sát ông Kim Jong Nam là nhiều “lỗ hổng và mâu thuẫn”, theo AP.
Không thừa nhận nạn nhân là người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, hãng thông tấn KCNA nói rằng Malaysia thoạt đầu nói rằng người đàn ông tử vong vì “bị trụy tim”, nhưng Hàn Quốc đã “làm rùm beng” vụ này và âm mưu đổ lỗi cho Bình Nhưỡng gây ra vụ việc.
“Chưa có lời đáp”
Chị Thanh Tâm, một người Việt đang làm việc trong lĩnh vực du lịch ở Hàn Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người Hàn “cũng rất là quan tâm” tới vụ việc vì nó liên quan tới anh trai của lãnh tụ của quốc gia láng giềng Bắc Hàn.
Chị cho hay rằng bản thân chị cũng theo dõi diễn biến vụ giết người và vẫn còn băn khoăn vì nhiều câu hỏi chưa lời đáp.
Tại sao người Việt lại dính líu vào vụ án như thế? Thấy tin liên quan tới người Việt thì chỉ thắc mắc. Mọi người cũng quan tâm, nhưng mà chưa có biết, cũng đang điều tra cho nên là thực sự mà nói, cũng chỉ dấy lên câu hỏi như thế. Phải đợi kết quả nó điều tra như thế nào, liên quan như thế nào và dính tới vụ việc ra sao.
Chị Thanh Tâm, một người Việt ở Hàn Quốc, nói.
Chị nói thêm: “Tại sao người Việt lại dính líu vào vụ án như thế? Thấy tin liên quan tới người Việt thì chỉ thắc mắc. Mọi người cũng quan tâm, nhưng mà chưa có biết, cũng đang điều tra cho nên là thực sự mà nói, cũng chỉ dấy lên câu hỏi như thế. Phải đợi kết quả nó điều tra như thế nào, liên quan như thế nào và dính tới vụ việc ra sao”.
Ông Kim Jong Nam thiệt mạng sau khi bị tấn công hôm 13/2 trong khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay tới Macau. Quan chức Mỹ và Hàn Quốc được nhiều hãng tin dẫn lời nói rằng điệp viên Bắc Hàn dính líu tới vụ này. Trong khi đó, Bình Nhưỡng chưa xác nhận rằng đó là người anh của ông Kim Jong Un và bác bỏ mọi sự dính líu.
Chị Tâm nói rằng vụ ám sát ông Kim Jong Nam với nghi can là người Việt “chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của người Việt ở Hàn Quốc”. Trong khi đó, Chị Thúy Hằng, một người làm trong lĩnh vực thẩm mỹ ở Hàn Quốc cho VOA Việt Ngữ biết rằng “chưa đồng nghiệp người Hàn nào” hỏi chị về sự liên quan của người Việt trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam.
Chị nói thêm: “Em đi làm mỗi ngày thì bạn bè em cũng không ai hỏi em về vấn đề là ‘tao nghe người Việt mày bị dính nghi can giết người gì đó’. Em cũng không thấy bạn bè em đề cập tới. Vấn đề nghi can giết ai, như thế nào đó, cũng chưa có một thông báo chính thức từ hai bên cũng như Việt Nam và Malaysia. Chưa có kết luận gì hết nên họ cũng không có quan tâm nhiều. Vận động viên mình đạt huy chương vàng bắn súng vừa rồi còn lớn hơn vấn đề này nữa. Em đi học, đi làm thì ai cũng hỏi, Việt Nam mày có người vừa mới đạt huy chương vàng ở Olympics kìa”.
Em đi làm mỗi ngày thì bạn bè em cũng không ai hỏi em về vấn đề là ‘tao nghe người Việt mày bị dính nghi can giết người gì đó’. Em cũng không thấy bạn bè em đề cập tới. Vận động viên mình đạt huy chương vàng bắn súng vừa rồi còn lớn hơn vấn đề này nữa. Em đi học, đi làm thì ai cũng hỏi, Việt Nam mày có người vừa mới đạt huy chương vàng ở Olympics kìa.
Chị Thúy Hằng nói với VOA Việt Ngữ từ Hàn Quốc.
Chị Hằng nói thêm rằng tin tức mà người Hàn Quốc quan tâm hiện nay là “vụ scandal [tham nhũng] liên quan tới Tổng thống Park Geun-Hye và việc Hoa Kỳ chuẩn bị lắp đặt hệ thống tên lửa gì đó” ở Hàn Quốc.
Quốc gia nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên hiện có nhiều công nhân cũng như cô dâu Việt sinh sống. Chị Thủy, một người lấy chồng Hàn Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng chỉ “nghe qua vụ việc”.
Chị nói thêm: “Thấy mẹ chồng kể là cái chị ấy là người Việt Nam. Em cũng chẳng hỏi, chẳng nói chẳng rằng gì hết, mặc kệ, vì em ở chung với bố mẹ chồng nên em không thích hỏi. Em chỉ biết đi làm rồi về thôi, không biết cái gì hết”.
“Họp tay ba”
Báo chí Malaysia hôm 23/2 dẫn lời quan chức nước này cảnh báo người dân không nên tới Bắc Hàn sau khi quan hệ Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng xấu đi vì vụ ám sát ông Kim Jong Nam.
Trong một diễn biến khác liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 20/2 đã tham dự “cuộc gặp tay ba” với người đồng nhiệm Malaysia cũng như Indonesia bên lề một hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Philippines để yêu cầu “yêu cầu sớm cho tiếp xúc lãnh sự đối với công dân được cho là người Việt Nam”, theo Zing News.
Hãng tin Reuters hôm 23/2 cũng dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận cuộc gặp này, và cho rằng chính phía Jakarta đã đề xuất thực hiện cuộc gặp để tìm cách tiếp cận nghi can được cho là công nhân nước này.
Tuần trước, cảnh sát Malaysia thông báo cô Hương bị tạm giam từ ngày 16 tới 22/2, nhưng hiện chưa rõ nữ nghi can mang hộ chiếu Việt Nam có bị gia hạn giam giữ nữa hay không, trong bối cảnh nhiều uẩn khúc trong vụ việc vẫn chưa hé lộ. Tin cho hay, phía Hà Nội vẫn chưa tiếp xúc được với cô Đoàn Thị Hương.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin về tài sản của bà Thoa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa lên tiếng yêu cầu kiểm tra thông tin về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Văn bản số 1583/VPCP-V.I được Văn phòng Chính phủ đưa ra nhằm truyền đạt ý kiến của ông Phúc, người cũng là Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ.
Ông thủ tướng được dẫn lời “yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại văn bản số 3308-CV/VPTW ngày 16/2/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan”.
Ông Phúc cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác “nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan” để quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước và ngăn ngừa “tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước”.
Bộ Tài chính được yêu cầu báo cáo kết quả lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong quý II/2017.
Trước đó hôm 16/2 Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan thuộc Đảng và Chính phủ ‘làm rõ nội dung’ truyền thông đưa về khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Công văn từ Văn phòng Trung ương Đảng đề cập tới một loạt bài báo đặt câu hỏi về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
TBT Trọng muốn làm rõ tài sản của bà Thoa
Chống tham nhũng là ‘tự ta đánh ta’?
Thủ tướng VN: ‘Đất đai là tâm điểm tham nhũng’
Chủ tịch Việt Nam nói về tham nhũng
Khối tài sản khổng lồ
Mới đây Bộ Công Thương đưa ra thông tin về tài sản gia đình Thứ trưởng Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang theo đó cho biết trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Thoa đã có 18 năm công tác tại công ty này.
Truyền thông trong nước mô tả số cổ phần (mã chứng khoán DQC của công ty Điện Quang) mà bà Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được “từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương” và đã được “kê khai đầy đủ”.
Bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 91,1 tỷ đồng tính đến thời điểm Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin vào ngày 10/2.
“Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên Hội đồng Quản trị, Phó giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 223 tỷ đồng. Con gái thứ hai Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm số cổ phiếu DQC tương ứng 120,4 tỷ đồng.
“Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 136 tỷ đồng. Bà Trần Thị Xuân Mỹ, mẹ của bà Thoa, cũng đang nắm số cổ phiếu trị giá 66 tỷ đồng.
“Ngoài ra, một anh trai của bà Thoa là ông Hồ Đức Lam cũng đang nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Ông Lam sở hữu khối tài sản chứng khoán trị giá 290 tỷ đồng tại đây. Các con trai của ông Lam cũng giữ chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.
“Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán,” báo này cho biết.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39065316
Cơ quan chức năng xét nghiệm mẫu nước đỏ ở Lăng Cô
Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Thừa Thiên- Huế hôm 23 tháng 2 cho biết đã lấy mẫu nước từ các dải màu đỏ xuất hiện ở ven biển Lăng Cô để xét nghiệm.
Giám đốc Phan Văn Thông Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế nói với báo Trí thức trực tuyến rằng sau khi nhận được thông tin từ huyện Phú Lộc, sở của ông cử người về Lăng Cô và lấy mẫu để đem đi xét nghiệm. Hiện còn phải chờ kết quả phân tích mà theo người đứng đầu Chi cục Bảo Vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên- Huế thì phải mất 5 ngày mới có kết quả.
Dải nước màu đỏ được các ngư dân và người dân địa phương bắt đầu phát hiện tại bãi biển Bình An, xã Lộc Vĩnh, thuộc vịnh Chân Mây vào sáng ngày 22 tháng 2. Đến chiều cùng ngày ngư dân vùng biển Lăng Cô báo thấy xuất hiện vệt nước hồng, phía dưới có chất lợn cợn. Sang ngày 23 tháng 2 vệt nước đỏ xuất hiện tại đầm Lập An.
Trước đó vào ngày 17 tháng 2, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh phát hiện tại khu D cầu cảng dịch vụ Sơn Dương, khu kinh tế Vũng Áng một vệt nước đỏ trong nước biển.
Nhiều báo trong nước đang tải phát biểu của giới chức cho biết đó là hiện tượng tự nhiên do sứa vào mùa sinh sản tạo ra, thêm vào đó là hiện tượng ô nhiễm hữu cơ do các nhà hàng, bè nổi xả thải ra biển.
Việt – Thái tăng cường hợp tác quốc phòng
Tăng cường hợp tác với Thái Lan, trong đó có quan hệ quốc phòng, là một ưu tiên của Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch của Việt Nam tuyên bố như vừa nêu tại cuộc gặp với thủ tướng Prayuth Chan O-cha của Thái Lan vào ngày 22 tháng 2 tại thủ đô Bangkok.
Theo ông này thì ngành quốc phòng Việt Nam tiếp tục làm việc chặt chẽ với phía đối tác Thái Lan nhằm góp phần tăng tiến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập từ tháng 6 năm 2013.
Ông Ngô Xuân Lịch người có chuyến thăm Thái Lan từ ngày 21 đến 23 tháng 2 còn bày tỏ sự tri ân của Việt Nam đối với chính phủ Bangkok trong công tác phát hiện ra mộ của những chiến sĩ Việt Nam tại tỉnh Nong Khai. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị phía Thái Lan giúp đưa hài cốt của những người đó về mai táng trong nước.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/viet-thai-enhance-military-cooperation-02232017080145.html
Cục Thú y Việt Nam cảnh báo dịch cúm gia cầm
Cục Thú y Việt Nam cảnh báo nguy cơ phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian tới. Cục cũng cho biết hiện đang có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 5 tỉnh trong cả nước là Bạc liêu, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và Đồng Nai.
Truyền thông trong nước loan tin nguy cơ lây lan cúm gia cầm có thể do 1 số chủng virus gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam từ nước ngoài qua các hoạt động vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp – Phát triển- Nông thôn, những chủng cúm gia cầm như H7N9, H5N2, H5N8 và H5N6 đang xuất hiện ở Trung Quốc. Mặc dù chưa phát hiện những chủng loại cúm này ở Việt Nam nhưng nếu không có phương pháp ngăn chặn việc xâm nhập từ biên giới thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.
Theo thống kê của Chi cục Thú y, Thành phố Hồ Chí Minh, tuy không có tên trong danh sách xuất hiện ổ dịch nhưng việc phòng ngừa cúm gia cầm trong giai đoạn này là rất cần thiết.
Vào ngày 22 tháng 2, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tái diễn, chi cục thú y TP. HCM cho biết đã tăng cường triển khai việc khử trùng các địa điểm nuôi và giết mổ gia cầm.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/bird-flu-pandemic-spreads-in-vn-02232017074348.html
Từ bị tông xe thành ngã gãy chân
Lan Hương, phóng viên RFA
Những ngày qua dư luận xôn xao vụ việc em bé Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2 bị gia đình tố cáo là bị xe taxi có chở cô Hiệu trưởng đâm gãy chân. Tuy nhiên cô này dửng dưng trước vụ tai nạn, bỏ mặc em nằm đó và bình thản mở cửa xe bước đi. Sau một thời gian điều tra, hôm 22/2 Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã ra lệnh cách chức giáo viên này. Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đây, mà trong quá khứ vị giáo viên này còn mắc rất nhiều lỗi lầm khác.
Hiệu trưởng dửng dưng
Ngày 19/12, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh cháu Trần Chí Kiên (lớp 2A, trường Tiểu học Nam Trung Yên) đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng và báo chí trình bày việc con trai mình bị xe taxi tông gãy xương đùi trong sân trường. Nhà trường có cho gia đình anh biết là cháu chơi và tự ngã nhưng cháu Kiên một mực nói là bị xe taxi đâm và cháu nhìn thấy cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc ngồi trong xe.
Tuy nhiên khi bị hỏi điều tra, cô Hiệu trưởng nói là trong ngày hôm đó không hề có chiếc xe nào vào trường, thậm chí khi cơ quan chức năng tìm ra người lái xe taxi vào ngày 10/2 và vợ của anh này có đến thăm hỏi, xin lỗi gia đình anh Dũng nhưng bà Ngọc vẫn khẳng định lời nói của vợ anh lái taxi là sai.
Hơn thế nữa, Ban giám hiệu trường còn cho thực hiện một cuộc khảo sát để các giáo viên, học sinh xác nhận là hôm đó không có chiếc taxi nào vào trường và việc em Kiên ngã là do sơ ý trong giờ ra chơi. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy 100% giáo viên và học sinh cho biết họ không nhìn thấy em Kiên bị xe đâm trúng. Tuy nhiều giáo viên trong trường cho biết kết quả khảo sát không chính xác vì lúc đó rất nhiều giáo viên không có mặt tại trường.
Đài Á Châu Tự Do có liên lạc hỏi thăm tình hình sức khỏe của em Kiên thì được anh Trần Chí Dũng, cha của em Kiên, cho biết như sau:
Cháu giờ sức khỏe tốt rồi em ạ. Cháu đang tập đi bằng nạng. Cháu bị gẫy xương đùi.
Giọt nước tràn ly
Sau nhiều ngày cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, ngày 21/2 vừa qua bà Ngọc bị cách chức vì lý do vi phạm nghĩa vụ của công chức trong thực hiện công việc. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, vụ việc em Kiên bị xe tông gãy chân giống như giọt nước làm tràn ly, vì trước đó, khi còn công tác ở trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, bà Ngọc đã vi phạm nhiều lỗi khác nhưng không biết vì nguyên do gì bà này không hề bị kỷ luật. Trước thắc mắc đó chúng tôi liên lạc với bà Lê Hiền Đức, 86 tuổi, là một nhà giáo đã nghỉ hưu lâu năm nhưng vẫn tích cực tham gia vào công tác chống tham nhũng, đòi lại công lý cho người dân. Bà Hiền Đức cho chúng tôi biết bà tham gia đấu tranh vụ việc liên quan đến Tạ Thị Bích Ngọc đã hơn chục năm nay, và bà rất vui mừng vì cuối cùng sự thật cũng được đưa ra ánh sáng. Bà có dành cho Lan Hương cuộc trao đổi như sau:
Lan Hương: Thưa bà, chúng tôi được biết bà là người đứng ra đấu tranh đòi công bằng cho học sinh trường Nhuyễn Khả Trạc suốt từ năm 2005, khi bà Tạ Thị Bích Ngọc về làm hiệu trưởng. Vậy xin bà cho biết chuyện gì đã xảy ra trong suốt những năm đó?
Bà Lê Hiền Đức: Nó tổ chức ăn bớt tiền ăn của hơn 500 học sinh trong suốt 2 năm học từ 2004 đến 2006, mà từ bấy đến nay 11 năm tôi đấu tranh nhưng đằng sau nó có rất nhiều thế lực bảo kê.
Nó nói với phụ huynh và giáo viên nguyên văn như thế này: Ai thích kiện tôi ở đâu thì tôi chỉ đường cho đi mà kiện, bởi vì đằng sau tôi có một hậu phương vững chắc. Con này phụ huynh và giáo viên người ta gọi là yêu tinh, rắn độc, có người gọi là mụ phù thủy, bởi vì nó ác lắm với học sinh.
Nộp tiền để con mình ăn trưa nhưng có những cháu không đủ chất, suy dinh dưỡng. Mấy trăm phụ huynh, mấy chục giáo viên người ta tìm đến tôi.
Năm 2006 xảy ra chuyện đó, thì Nguyễn Thi Vân Khanh lúc đó là Phó chủ tịch nói u ơi u con đã điếu nó đi Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy. Ngày xưa vợ chồng Lê-nin bị đày ra Tây Bá Lợi Á, gọi là Xi-bê-ri. Vậy Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy là đâu? Trường Tiểu học Nam Trung Yên, mà trường này nằm ở khu gọi là nhất Hà Nội, không ai là không biết. Vậy mà Vân Khanh nó gọi là Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy, nó ngay cạnh tòa nhà Keangnam, 72 tầng đó.
Khi nó mới đến nhận nhiệm vụ hiệu trưởng trường Nguyễn Khả Trạc, bắt giáo viên mỗi người một ngày, hết lượt lại quay vòng lại, làm cỗ ở nhà chứ không được làm ở trường vì Nguyễn Khả Trạc nhỏ lắm không được như Nam Trung Yên. Ví dụ hôm nay đến cô giáo A thì làm một mâm cỗ ở nhà, bê đến, bày biện ra, thắp hương cúng. Mà giáo viên phải bỏ tiền túi ra mà làm, mang đến cúng đủ 100 ngày nó nhận chức hiệu trưởng trường Nguyễn Khả Trạc.
Nó thu tiền ăn của giáo viên, nhưng tiền ăn đó vào túi nó, và nó cho học sinh ăn ghé vào suất ăn của học sinh. Mà tôi còn có cả hóa đơn ngày mùng mấy tháng mấy, hóa đơn mua mấy cân thịt, cân sườn,… nhưng hóa đơn là giả. Học sinh không được ăn hết chỗ đó, mà hơn 20 giáo viên ăn vào phần của học sinh. Vậy là các cháu bị ăn bớt 2 lần, lần một là ăn bớt thực đơn, lần 2 là giáo viên ăn với học sinh, nên các cháu không đủ dinh dưỡng. Có cháu đợt đó bị suy dinh dưỡng.
Nó thuê một người Nguyễn Thị A đến học để điểm danh nhưng thực tế là không học. Tôi mới gọi là thạc sĩ không đến trường.
Lan Hương: Chúng tôi được biết là số tiền bà Ngọc gian lận khi ở trường Nguyễn Khả Trạc là 49 triệu tiền ăn của học sinh, có đúng vậy không thưa bà?
Bà Lê Hiền Đức: 49 triệu đồng là do cô Đức, phụ huynh và giáo viên phát hiện ra, nhưng bí thư quận ủy quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Hướng bao che cho nó. Chủ tịch là Bùi Chương Luân cũng bao che cho nó suốt cho đến năm 2009, tôi có đầy đủ chứng cứ rằng nó bỏ túi 49 triệu đồng nhưng thanh tra thành phố lại phát hiện thêm 18 triệu nữa là 67. 67 triệu này to cũng không to nhưng bé cũng không bé vì đối với học sinh một ngày có ăn có mấy ngàn, mà trong 2 năm nó ăn bớt tưng đó thì hỏi các cháu còn gì để mà ăn.
Lan Hương: Khi có quyết định của UBND quận Cầu Giấy yêu cầu cách chức bà Ngọc thì chúng tôi có đọc được nhiều bình luận trên mạng xã hội nói họ rất mãn nguyện, nhưng một số khác nói xử lý như vậy là quá nhẹ với những tội danh của bà Ngọc. Vậy cá nhân bà nghĩ thế nào về quyết định này ạ?
Bà Lê Hiền Đức: Ngày mùng 6, ông chủ tịch thành phố đã lệnh tạm đình chỉ chức vụ để giúp cho việc điều tra được khách quan bởi vì nếu nó còn làm hiệu trưởng ngồi đó thì công an điều tra rất khó. Xong rồi đến hôm qua là lệnh cách chức nhưng bây giờ ông chủ tịch yêu cầu công an tiếp tục điều tra, cách chức để giúp công an điều tra khách quan, chứ chưa dừng lại ở chỗ cách chức. Có thể khởi tố hình sự, ra tòa. Ông Trần Chí Dũng, là bố của cháu Kiên có nói là đang nhờ những luật sư đáng tin và có tâm để giúp anh ấy kiện ra tòa.
Lan Hương: Xin cám ơn bà!