Tin Việt Nam – 22/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/12/2019

Long An: Tự bỏ tiền xây cầu, bị phạt 40 triệu đồng,

buộc phải tháo dỡ

Xuân Lan

Mới đây, chính quyền xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An yêu cầu xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với một người dân địa phương vì xây cầu trái phép; đồng thời buộc phải tháo dỡ cây cầu này.

Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Thiện (38 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) lên báo Long An, anh vừa nhận được quyết định xử phạt của UBND huyện Cần Giuộc về việc tự ý xây cầu qua kênh. Mức phạt hành chính là 40 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ cầu, trả lại hiện trạng ban đầu.

Theo trình bày của anh Thiện, từ khu đất của gia đình anh và em gái hiện đang ở muốn đi ra đường lớn thì phải đi nhờ phần đất của vài hộ dân liền kề. Tuy nhiên, phần đất này gần đây đã được bán cho chủ mới và họ không cho đi nhờ nữa. Do đó, cách ra đường lớn duy nhất hiện tại là đi qua kênh Bào Sình.

“Người lớn thì dễ dàng rồi, khi cần thì cởi quần áo bơi qua kênh, nhưng tụi nhỏ thì rất khó khăn”, anh Thiện cho biết.

Chính vì vậy, gia đình anh đã làm đơn trình bày hoàn cảnh gửi đến chính quyền địa phương. Trong thời gian chờ chính quyền xem xét, gia đình anh đã bỏ tiền xây cây cầu bêtông cốt thép với chiều ngang 0,8m, chiều dài 40m bắc qua kênh. Khi cây cầu sắp hoàn thành thì UBND xã Phước Vĩnh Đông đến lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công.

Bà Võ Thị Như Thảo, Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông cho biết anh Thiện cố ý xây dựng công trình cầu dân sinh khi chưa có sự thống nhất, chấp thuận từ chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Trong thời gian gửi đơn xin phép xây dựng thì anh Thiện đã tiến hành khởi công xây dựng công trình. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và lập biên bản, đồng thời yêu cầu gia đình anh Thiện trong vòng 1 tuần phải tháo dỡ, trả lại nguyên trạng.

Bà Thảo cũng cho biết địa phương chưa nhận bất kỳ phản ánh nào về việc các hộ dân không cho phép hoặc ngăn cản gia đình anh Thiện đi nhờ lối đi vào phần đất hộ liền kề. Quan điểm của chính quyền địa phương là sẽ tiến hành xác minh và tạo điều kiện cho gia đình anh Thiện có lối đi. Trước mắt, gia đình anh vẫn đi theo lối đi cũ. Nếu có sự ngăn cản, địa phương sẽ có hướng giải quyết thỏa đáng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, kênh Bào Sình nối liền với đường Nguyễn Thị Nga là công trình thủy lợi được duy tu, bảo dưỡng nạo vét từ nguồn vốn của ngân sách nhà nước, theo đó, việc xây dựng cầu qua kênh là vi phạm quy định.

Xuân Lan

https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/long-an-tu-bo-tien-xay-cau-bi-phat-40-trieu-dong-buoc-phai-thao-do.html

 

Gần 120 người Việt bị bắt ở Cambodia

vì làm việc bất hợp pháp

Tin từ Cambodia: Nhà chức trách Cambodia đã bắt giữ 154 người, bao gồm 119 người Việt và 35 người đến từ Trung Cộng ở xã Boeung Thom, quận Kambol, thủ đô Phnom Penh vì bị nghi ngờ vượt biên trái phép và làm việc bất hợp pháp tại quốc gia này.

RFA dẫn nguồn tin từ Phnom Penh Post cho hay những người bị bắt đã bị thẩm vấn tại Tổng cục di trú, Bộ Nội vụ Cambodia vào ngày 18/12.

Theo Tổng cục di trú của Cambodia, cảnh sát nước này đã đột kích vào một công trường xây dựng ở Đặc khu kinh tế Phnom Penh và bắt giữ 154 người nói trên. Phía Cambodia từ chối công bố chi tiết về tình trạng di trú của những người bị bắt vì điều tra còn đang được thực hiện.

Hình ảnh do Phnom Penh Post loan tải cho thấy 154 người Việt Nam và Cambodia không bị còng tay, xếp thành hàng và ngồi trên sàn đất trong lúc bị bắt giữ.

Bộ Nội vụ Cambodia hồi đầu năm khẳng định người có quốc tịch Việt Nam chiếm tới 90% tỷ lệ người nước ngoài không có giấy tờ, cư trú bất hợp pháp bị bắt giữ ở Cambodia vào năm 2018.

Vào cuối tháng 8, Bộ Lao động và Dạy nghề của Cambodia ban hành chỉ thị cấm lao động nhập cư vào nước này tham gia 10 lĩnh vực ngành nghề với mục tiêu được nói để bảo vệ công việc cho người bản xứ.

Ngoài con số hàng nghìn người Việt tìm cách vượt biên vào châu Âu, có hàng trăm nghìn người Việt đang lao động chui ở các nước láng giềng như Cambodia, Trung Cộng, Lào và Thái Lan do tình trạng thiếu việc làm và công lao động thấp ở Việt Nam. Những người lao động chui ở các nước láng giềng bị bóc lột sức lao động và là đối tượng sách nhiễu của cảnh sát và giới tội phạm địa phương.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/gan-120-nguoi-viet-bi-bat-o-cambodia-vi-lam-viec-bat-hop-phap/

 

Trung tâm tiệc cưới giải trình

việc hơn 2.000 người TQ tổ chức hội nghị

Tuấn Minh

Công ty Cổ phần Du lịch khách sạn Hải Đăng vừa có báo cáo chi tiết gửi chính quyền địa phương liên quan đến sự việc hơn 2.000 người Trung Quốc tổ chức hội nghị tại Trung tâm tiệc cưới thuộc sở hữu của công ty này.

Hơn 2.000 người Trung Quốc tổ chức hội nghị khách hàng tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng (Hải Phòng).

Theo báo cáo, Công ty Cổ phần Du lịch khách sạn Hải Đăng, vào ngày 17/12/2019 công ty này có ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư phát triển du lịch Hồng Phát để tổ chức hội nghị và phục vụ ăn uống cho đoàn khách quốc tế (Trung Quốc) vào 20/12/2019.

Công ty Hải Đăng cho biết chỉ hợp đồng với bên đơn vị du lịch phục vụ ăn uống, còn việc lưu trú, tổ chức các nội dung trong tiệc giao lưu có phải xin phép hay không thì do đơn vị lữ hành làm việc với chính quyền và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đơn vị này cũng cho biết thêm công ty Trung Quốc tổ chức buổi tiệc này để tri ân khách hàng. Trong quá trình ăn uống không có ca hát tiếng nước ngoài, không có tài liệu, tờ rơi, quảng bá sản phẩm.

Đà Nẵng: Cảnh báo sự gia tăng của tội phạm người Trung Quốc

Cũng theo báo cáo, trong sáng 20/12, Thanh tra Sở Du lịch TP Hải Phòng đã làm việc và kiểm tra đối với Công ty du lịch Hồng Phát, thủ tục đón khách nhập cảnh là đúng quy định.

Trước đó, chiều 20/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã yêu cầu dừng tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật mà đoàn khách lữ hành người Trung Quốc dự kiến tổ chức ở Hải Phòng.

Như đã đưa tin, một đoàn khách gồm hơn 2.000 người của 3 doanh nghiệp Trung Quốc đã làm các thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đi du lịch và nghỉ tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 19/12. Sang sáng ngày 20/12, đoàn khách này sang Hải Phòng, tổ chức hội nghị tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng. Khoảng 14h30, đoàn khách về đến TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ăn trưa tại khu vực Bãi Cháy.

Tuấn Minh

https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/trung-tam-tiec-cuoi-giai-trinh-viec-hon-2-000-nguoi-tq-to-chuc-hoi-nghi.html

 

Tinh giản biên chế ra sao

khi làm quan vẫn lãi khủng?

Trần HoànGửi đến BBC từ Sài Gòn

Vụ AVG cho thấy nỗ lực cắt giảm quan chức trong bộ máy khó đi tới đâu khi đầu tư ‘làm quan’ vẫn là ngành có lãi khủng.

Trong một nỗ lực được cho là để tinh giản bộ máy công chức và nâng cao hiệu lực làm việc, cuối năm ngoái, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Theo đó trong giai đoạn 2019 – 2021, có 45 tỉnh, thành phố phải sắp xếp để giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 564 đơn vị hành chính cấp xã. Khi kết thúc đợt sáp nhập này sẽ giảm được gần 16.000 người hưởng lương ngân sách, bao gồm 10.000 cán bộ, công chức và gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách.

Động thái nói trên có khiến tăng hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam không?

Chắc chắn không.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình

VN: Tham nhũng ‘tăng nhanh’ tính bằng triệu đô

Năm 2020 Việt Nam vào ‘bước ngoặt’ của phát triển

Đề án có thể giảm được chi phí cho số người ăn lương thừa thãi, cùng với đó là giảm trụ sở, xe hơi và các tiêu chuẩn ưu đãi. Bộ máy bớt cồng kềnh hơn thì thời gian và hiệu quả thông tin hai chiều cũng có thể nhanh gọn hơn, do vậy cũng có thể giảm được các méo mó lệch lạc từ chủ trương đến thực hiện, chủ quan và khách quan.

Nhưng, nguyên nhân cốt tử khiến bộ máy công chức Việt Nam yếu kém lại không phải ở sự cồng kềnh.

Nó nằm ở chỗ bản chất bộ máy công chức Việt Nam chưa bao giờ được thiết kế để nhằm mục đích phục vụ người dân, quản lý xã hội.

Đi làm nhà nước là một cuộc đầu tư

Ở Việt Nam, đi làm Nhà nước là một cuộc đầu tư; đặt được chân vào hệ thống công chức là một thứ đặc quyền đặc lợi. Chỉ khi ở trong và leo lên cao trong hệ thống thì mới được chia sẻ các thông tin bán ra tiền, để vụ lợi và trục lợi từ thông tin và các mối quan hệ từ vị trí công tác.

Doanh nghiệp luôn ở chiếu dưới trong các mối quan hệ này mặc dù họ phải hứng chịu mọi rủi ro và tốn kém từ việc tìm kiếm, xin xỏ quan hệ, nuôi dưỡng nó qua nhiều năm, và không ít khi sắp đến ngày “hái quả” thì … trái thối rụng, do những diễn biến không thể đoán trước của chính trường. Trong khi đó, cho dù có thể bị thối rụng ở bất cứ thời điểm nào, thậm chí đi tù đi nữa thì những kẻ được “nuôi” vẫn đổi đời ngay từ khi được chọn.

Với chính sách pháp luật giơ cao đánh khẽ hoặc – cho phép tôi nghi ngờ – có khi chỉ là đòn nghi binh của Việt Nam, đi tù chưa phải là mất hết; tài sản có được từ những năm được nuôi trước đó vẫn có thể đủ cho cả dòng họ xài xả láng đến hết đời. Theo từng cấp, chức lớn ăn lớn, chức nhỏ ăn nhỏ. Làm nghề nào ăn nghề đó. Khó- hoặc không thể có công chức nào trong sạch lại tồn tại lâu dài trong guồng máy Nhà nước, đơn giản vì đó là một hệ thống khép kín hoạt động nhịp nhàng. Bất cứ mắt xích nào chống lại guồng quay đó đều phải văng ra ngoài.

Thế cho nên dù phải mất vài trăm triệu để chạy vào một chân Nhà nước lương tháng ba bốn triệu, người ta vẫn chạy bằng được. Có thể lạ với những mô hình chính quyền khác, nhưng ở Việt Nam, bảo vào làm Nhà nước là để cống hiến, nếu không bị chê “nổ”, “làm màu” thì nhẹ nhất cũng là “hoang tưởng”.

Thế cho nên ba triệu USD mà Phạm Nhật Vũ AVG “biếu” ông Nguyễn Bắc Son (nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông) vẫn chưa phải con số điển hình phản ánh tầm cỡ thực của một vụ án hối lộ tham nhũng được cho là đại án. Hoặc, phải cộng dồn nhiều con số như vậy lại cho một mình ông Son, mới có thể tạm hình dung công cuộc đầu tư làm quan khi thành công thì lời lãi khủng đến thế nào.

Giải pháp mãi chỉ nằm trên nghị quyết?

Cách đây 2 năm, Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị (ban hành vào tháng 10-2016, có cái tên rất dài là Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”trong nội bộ) có đưa ra được vài giải pháp khả thi trong việc tinh giản và nâng cao hiệu lực bộ máy công chức. Nghị quyết này đề nghị: tăng cường xã hội hóa, tách các dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước. Nghĩa là y như các nước phát triển, trả chức năng quản lý Nhà nước về đúng bản chất của nó là chỉ đề ra và giám sát thực hiện các chủ trương chính sách.

Nhà nước phải nhỏ, xã hội cần lớn. Việc thực hiện phải để cho phần còn lại của xã hội, thông qua các hình thức đấu thầu cạnh tranh. Nói cách khác, phải tịch thu quả bóng để các ông Nhà nước không còn cái đặc quyền vừa đá bóng vừa thổi còi, và nếu các ông muốn tồn tại thì tập trung thổi cho tốt. Bên cạnh đó, phải có những tổ chức giám sát độc lập nằm ngoài hệ thống nhà nước và Đảng để giảm nguy cơ hình thành và ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích. Đó là yếu tố then chốt để công chức không còn gắn liền với hoạnh họe và vòi tiền.

Thế nhưng cũng giống như vô số các chủ trương tinh giản bộ máy, “nâng cao”,”đẩy mạnh”, “kiện toàn”, “hoàn thiện” bộ máy Nhà nước diễn ra suốt mấy chục năm nay, các nhân vật nắm giữ trọng trách lại sa vào những quan tâm hết mực cỏn con, thậm chí tủn mủn và râu ria.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì lo “Hai xã sáp nhập, ai làm báo cáo chính trị đại hội Đảng”; “Sau khi sáp nhập mà điều động cán bộ đi từ xã này sang xã khác thì không biết anh em có đi không?”.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì lo sau khi hai xã sáp nhập sẽ đặt trung tâm xã ở đâu, tên gọi mới như thế nào, sử dụng tài sản vật chất ra sao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thì lo một số địa phương có địa bàn quá rộng nên nếu sáp nhập cán bộ sẽ không đi nổi, do vậy nếu sau khi sáp nhập mà đơn vị hành chính mới không có đủ các tiêu chí (diện tích tự nhiên và quy mô dân số) thì cũng thôi, không nhập nữa. Mối lo khác của ông là giải quyết số cán bộ dôi dư thế nào, anh em có “tâm tư” không, có chạy ghế không…

Tuyệt nhiên không vị nào lo âu vì sao bộ máy công chức qua bao nhiêu lần cải tổ vẫn lần sau nặng nề cồng kềnh hơn, tốn tiền hơn và ăn hại hơn lần trước.

Hay, do bản thân là những công chức cao cấp hạng nhất của Việt Nam nên họ quá hiểu bản chất của nó, vì thế không cần phải mất công bàn về những mục tiêu mãi mãi chỉ dừng lại trên nghị quyết?

Với việc kéo dài thời hạn sắp xếp sang đến 2021, sẽ chẳng có hề hiệu quả nào của bộ máy công chức được nâng lên như một số báo chí Việt Nam đang hào hứng. Nó vẫn sẽ tiếp tục là một đường chạy việt dã và “vật vã”, thực hiện rất tốt chính sách xóa nghèo cho nhiều vị trí quan chức, đồng thời cung cấp thêm một số tiềm năng nhà tù khác. Ấy là nếu chúng ta tin rằng đối với quan chức, luật pháp Việt Nam cũng có một số trường hợp gọi là công minh, còn nhà tù cũng có thể là một biện pháp trừng phạt có tác dụng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của Trần Hoàn, một nhà báo tự do ở Sài Gòn.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50884582

 

Bộ Tài Nguyên Môi Trường giải thích nguyên nhân

công ty Trung Cộng làm biển Quảng Ngãi ô nhiễm

Tin Vietnam.- Trang Zing ngày 22 tháng 12 năm 2019 loan tin, liên quan đến vụ nước biển ở khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đổi màu, ô nhiễm được Tổng cơ quan Môi trường, thuộc bộ Tài Nguyên và môi trường giải thích nguyên nhân là do nước mưa thấm qua bãi dăm gỗ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hào Hưng rồi chảy ra biển.

Theo cơ quan này, mỗi ngày công ty Hào Hưng tiếp nhận khoảng 700 tấn dăm gỗ, tất cả được tích trữ ngoài trời, và chờ tàu cập cảng chở đi xuất cảng. Ông Lê Văn Lý, Phó giám đốc công ty cho biết, cơn bão số 5, và 6 ở giữa cuối tháng 11 khiến mưa lớn kéo dài đã thẩm thấu vào các bãi chứa dăm gỗ, rồi chảy tràn ra biển. Ngoài khu vực chứa dăm gỗ, công ty Hào Hưng còn có nhà máy băm gỗ keo nguyên liệu ngay trong khu vực cảng này với công suất 120,000 tấn mỗi năm.

221219_3a

Khác với kết luận của bộ Tài nguyên và môi trường Cộng sản, một công ty xuất cảng dăm gỗ khác ở khu vực trên cho biết, do nhà máy xây bể giải quyết nước thải không đúng quy chuẩn, nên khi mưa lớn thẩm thấu vào các bãi dăm gỗ tích tụ lâu ngày kết hợp với nguồn nước thải từ nhà máy tuồn ra ngoài mới làm nhuộm đen cả một khu vực biển rộng lớn như vậy.

Ngoài ra, theo hình ảnh, video của người dân cung cấp thì công ty Hào Hưng đã xả thải trực tiếp ra biển ngay cả những ngày trời nắng. Trước đó, báo Công an đưa tin, chủ của công ty Hào Hưng là người Trung Cộng.

Có lẽ đây là nguyên nhân mà phía bộ Tài nguyên và môi trường Cộng sản đã bênh vực cho hành động xả thải, đầu độc môi trường của công ty này giống như Formosa ở Hà Tĩnh

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/bo-tai-nguyen-moi-truong-giai-thich-nguyen-nhan-cong-ty-trung-cong-lam-bien-quang-ngai-o-nhiem/

 

TS. Nguyễn Đức Thành – Từ “trái bom nhiệt hạch”

đến “quả bóng thăm dò”

Chiến Sĩ
Nhớ lại mẩu tiếu lâm nặng mùi một thời… Chuyện kể rằng, ông bố nhà nọ vốn là trưởng bộ môn “Chủ nghĩa xã hội khoa học” từ trường đảng Nguyễn Ái Quốc; thằng con là sinh viên trường đại học khác, khi được “thọ giáo” bài đầu tiên về môn học mà nghe qua hắn cũng thấy vô lý đùng đùng. Tối về nhà mới gặng hỏi bố, có thật CNXH là một môn khoa học không? Ông bố cật vấn lại, thế mày không thấy cái tên của bộ môn à. CNXH rõ ràng là một khoa học, đúng như tên gọi của nó! Thằng con ấp úng: “Thưa bố, nếu nó là khoa học, sao người ta không thử trên mèo – chuột trước, mà lại đem áp dụng ngay đối với các quốc gia – dân tộc?”

Bao năm trời, những tưởng mẩu tiếu lâm thượng dẫn đã đi vào quên lãng. Nhưng có lẽ do đối tượng đề tài quá dở hơi và nặng mùi nên nó vẫn thối cho tận hôm nay. Mà thối đến thế là cùng! Một bài nghiên cứu nghiêm chỉnh do TS. Nguyễn Đức Thành dịch cách đây hơn 15 năm (trước khi ông Thành tham gia thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách), ấy vậy mà sau “một đời Kiều”, vào cuối tháng 4/2019 bỗng có một tay ký giả bưng bô nào đấy từ tờ “Quân đội Nhân dân” đã khịa chuyện ra phê phán quan điểm của TS. Thành, vì cái bài viết “xưa như trái đất” ấy. Vẫn chưa hết thối! Đài truyền hình trung ương tuần trước lại đưa bài viết “CNXH là quả bom nhiệt hạch…” trên FB của ông Thành lên mổ sẽ trong “giờ vàng”.

TS. Nguyễn Đức Thành buộc lòng trả lời, theo cách cũng rất là “gentleman”. Ông Thành cảm ơn tay ký giả báo QĐND và cả cải tên dư luận viên của VTTH, vì nhờ “nhị vị” này mà độc giả có dịp biết đến bài viết mà dịp này (vì bị công kích và phê phán trên báo chí và vô tuyến) ông xin được đăng lại toàn văn cho rộng đường dư luận. Bài dịch “Bất chiến tự nhiên thành” của ông mở đầu: “Chủ nghĩa xã hội là quả bom nhiệt hạch lớn nhất mà các trí thức thế kỷ 19 từng nghĩ ra. Muốn huỷ diệt một dân tộc, hãy dùng loại bom đó. Công thức bí mật của loại vũ khí huỷ diệt này là: Loại bỏ quyền sở hữu tư nhân, tịch thu tài sản của người giàu, mọi nguồn lực tập trung về tay nhà nước…”

TS. Thành bổ túc vào bản dịch: “Việc chứng minh CNXH là bất khả thi là việc làm nghiêm túc của các nhà khoa học trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua. Các nhà chính trị có thể không biết đến cuộc tranh luận này và những thành tựu của nó, nhưng các nhà kinh tế, các nhà khoa học xã hội thì phải biết…” Than ôi, CNXH là mục tiêu và lý tưởng của đảng ta mà ông Thành dám cả gan viết: “Các nhà chính trị có thể không biết…” Không biết mà lại tròng vào cổ cả dân tộc buộc phải đeo! Có điều, ông Thành không phải là duy nhất. Bộ trưởng MPI, uỷ viên TWĐ Bùi Quang Vinh cũng từng la lối tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam vào năm 2013 rằng, không nên đi tìm mô hình chủ nghĩa xã hội, vì nó không tồn tại.

Như vậy là, từ một trăm năm nay, nhân loại đã biết “chủ nghĩa xã hội là trái bom nhiệt hạch”. Đầu thế kỷ 20, quả bom nhiệt hạch đầu tiên đã được “ném xuống” nước Nga (Cách mạng tháng Mười), sau đó “ném xuống” một số nước châu Á khác (Bất hạnh thay, trong đó có Việt Nam). Tác giả cảnh báo: Các phản ứng nhiệt hạch sẽ tự động diễn ra, trái bom “chủ nghĩa xã hội” chắc chắn sẽ tiêu diệt các dân tộc nào du nhập nó. Họ sẽ quỳ gối trên đống hoang tàn. Sự phục hồi sau thảm hoạ sẽ kéo dài cả thế kỷ… Trong toàn bộ câu chuyện đấu đá TS. Thành có hai điều giới quan sát thấy khó hiểu: Thứ nhất, một bài viết sau 15 năm, xới lên làm gì? Thứ hai, sau khi TS. Thành “phản pháo”, tại sao “mặt trận” yên tĩnh trở lại?

Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất nằm trong đợt trấn áp và khủng bố trí thức từ đầu hè 2019 đến nay. Các dư luận viên công khai đánh cả vào tướng lĩnh công an lẫn anh hùng quân đội. Trước đó, họ tấn công nhân sĩ trí thức, sau đó, chính quyền “xuống tay” với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cùng nhiều blogger khác. Thậm chí, các phong trào bảo vệ môi trường, phong trào bảo vệ cây xanh giữa lòng thủ đô Hà Nội cũng bị “đánh hội đồng.” Bởi vì, theo quan điểm chính thống, đã có nhiều thế lực thù địch đứng đằng sau các chuyển động ấy của xã hội dân sự. Vì thế, việc xới lại một bài nghiên cứu khoa học trước đây 15 năm không có gì là lạ! Trường hợp TS. Thành nằm trong xu thế chung ấy.

Thế tại sao “mặt trận” dư luận viên yên tĩnh trở lại? Là vì họ được lệnh, không đánh tiếp TS. Thành nữa. Dẫu sao TS. Thành vẫn là vốn quý của đảng, dù không được đảng yêu như nhiều GS-TS khác. Dịp này, đảng cần nghe tiếng nói phản biện. Việc đảng “vung roi” vừa qua cũng là một “quả bóng thăm dò”. Cần xem trí thức phản ứng thế nào, nhưng điều quan trọng không kém, đảng cũng muốn biết dư luận xã hội nói chung nhìn nhận ra sao về “bộ quần áo mới của Hoàng đế”. Giống như trong truyện ngắn nọ của Andersen. Cuối cùng, chỉ cần một thằng bé hô lên: “Hoàng đế cởi truồng!” Nghĩa là CNXH chẳng là cái quái gì cả. Loại lưu manh giả danh trí thức lâu nay tụng niệm CNXH thì cũng giống như đám quần thần nọ ca ngợi “bộ quần áo mới của Hoàng đế”. Thực sự là Hoàng đế cởi truồng. Làm gì có CNXH mà đi tìm./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/nguyen-duc-thanh-from-thermonuclear-bomb-to-floating-ball-12222019084433.html