Tin Việt Nam – 22/12/2016
Thực trạng bệnh viện công hiện nay
Anh Vũ, thông tín viên RFA
Tình trạng các BV công quá tải bệnh nhân diễn ra đã nhiều chục năm nay, tình trạng người bệnh nằm ghép trên một giường là chuyện hết sức phổ biến.
Quá tải
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, trong 10 năm qua nhiều bệnh viện công đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90-110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường. Một phòng có 4 giường, nhưng cả chục bệnh nhân nằm điều trị là điều thường thấy, tại hầu hết các bệnh viện của nhà nước.
Điều đáng nói là, tình trạng bệnh nhận phải nằm ghép đến nay được coi là chuyện đương nhiên, và người bệnh phải chấp nhận.
Ông Thành quê ở Thanh Hóa, hiện đang chăm sóc con điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:
“Bệnh viện đông quá, phải nằm 02 cháu một giường, nhưng do các cháu ốm đau nhiều quá thì phải chấp nhận như thế, biết làm sao được?”
Dưới nhan đề “Người dân vây Bộ trưởng Y tế tại Bệnh viện K vì bức xúc “, báo VnExpress ngày 9/12/2016 cho biết, sáng 8/12, khi đi thị sát Bệnh viện K (Hà Nội), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được nhiều bệnh nhân vây quanh phàn nàn về tình trạng nằm ghép giường và nhiều khoản chi “khó nói”…
Bệnh viện đông quá, phải nằm 02 cháu một giường, nhưng do các cháu ốm đau nhiều quá thì phải chấp nhận như thế, biết làm sao được?
– Ông Thành
Theo đó, tại khoa Nội 2, Bộ trưởng Tiến đã hết sức bức xúc khi chứng kiến có tới 4 bệnh nhân ngồi chung nhau trên một giường bệnh. Lập tức bà Bộ trưởng đã chỉ trích lãnh đạo Bệnh viện rằng, “Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không? Đến người khoẻ còn không chịu đựng nổi nữa là bệnh nhân”.
Truyền thông nhà nước ở VN đã không ít lần báo động tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay đã ở mức nghiêm trọng, nhất là mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Nói về tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, BS Đông ở bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho biết:
“Từ trước đến giờ bệnh viện luôn quá tải, nguyên nhân là do nguồn bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên thêm tới 60-70%. Theo định biên thì bệnh viện có 1.300 giường nhưng chỉ có 700 giường nội trú thôi, nhưng số bệnh nhân nội trú luôn là 1.700-1800 người, kể cả bệnh nhân ngoại trú là 8.000 người. Vì thế tình trạng một giường nằm 2-3 người thậm chí không phải là nằm nữa, mà gọi là ngồi.”
Ngành y nói gì?
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bệnh viện công quá tải hiện nay, Bác sĩ Thắng một bác sĩ tại Khoa Khám bệnh một Bệnh viện Trung ương ở Hà nội cho biết:
“Tính từ năm 1975 dân số của chúng ta đã tăng gấp đôi nhưng số lượng bệnh viện lại không tăng bao nhiêu, thêm vào đó lượng khách vãng lai, lao động ngoại nhập vào làm các công trình, nên càng làm nhu cầu khám bệnh tăng cao vì vậy dẫn đến quá tải bệnh viện. Thêm vào đó quá trình ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thức ăn nhiễm hóa chất lại càng làm người dân mắc bệnh nhiều hơn.”
Theo báo Người Lao động, TS. Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các BV đang tồn tại 2 tình trạng là quá tải thật và quá tải “ảo”. Quá tải “ảo” là do người bệnh vượt tuyến điều trị trong khi bệnh tình không đáng phải vậy. Song theo ông, điều đáng lo là trên thực tế, nhiều BV không muốn giảm tải, vì quá tải sẽ mang lại thu nhập cho bệnh viện. Theo ông, Bộ Y tế cần phải quy định rõ danh mục cơ bản mà tuyến trên phải làm, những danh mục còn lại thuộc tuyến dưới.
Theo Bác sĩ Thắng, hiện nay tình trạng người bệnh cứ ốm là vượt tuyến để khám, không cần biết bệnh nặng hay nhẹ diễn ra rất phổ biến, theo ông có nhiều ca bệnh nhân mắc bệnh thông thường, mà các cơ sở tuyến dưới thừa sức giải quyết. Ông giải thích:
“Năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng – rất nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế giỏi chuyên môn…, trong khi điều kiện kinh tế người dân các tỉnh ngày càng khá, họ có xu hướng lên tuyến trên điều trị…”
Khi được hỏi làm thế nào để có thể nhanh chóng giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải tại các bệnh viện công?
Cần tăng cường chất lượng điều trị, một Bác sĩ thuộc Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đề nghị dấu danh tính cho biết:
“Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng điều trị, làm thế nào để giảm số ngày nằm viện càng ít càng tốt, bằng cách chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn được nằm viện một cách chặt chẽ, không cho nhập viện một cách ồ ạt. Đối với các bệnh nhân không xứng đáng phải nằm viện thì chúng tôi sẽ chuyển xuống tuyến dưới hoặc cho họ điều trị tại nhà với các tư vấn thật là chi tiết.”
Giải quyết cách nào?
Theo Bác sĩ Thắng, muốn giải quyết triệt để tình trạng quá tải cần đầu tư nhiều hơn cho ngành y, giải quyết tận gốc, toàn diện và triệt để, cả về tổ chức nhất là con người và chính sách đầu tư, đãi ngộ cho y, bác sĩ. Bắt đầu bằng cải cách tiền lương, phân bố hợp lý lực lượng nhân sự hiện có, tránh tình trạng cán bộ giỏi và trang thiết bị hiện đại dồn lên tuyến trên. Ông khẳng định:
Muốn chống quá tải thì Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là con người có chuyên môn thật tốt…
– Bác sĩ Thắng
“Theo tôi, muốn chống quá tải thì Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là con người có chuyên môn thật tốt, và phải được đào tạo bài bản thì mới có thể giảm quá tải ở các bệnh viện.”
Chúng tôi đã liên lạc tới Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế để tìm hiểu về chủ trương của Bộ Y tế trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng không nhận được sự trả lời.
Theo báo Tuổi trẻ, TS-BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, đã không cầm được nước mắt khi cho biết, “Chúng ta tự hào tay nghề bác sĩ cao, tự hào điều trị khỏi được những căn bệnh rất đặc biệt, nhưng người bệnh vào bệnh viện phải nằm ghế bố, hành lang, thậm chí phải nằm gầm giường. Sản phụ sinh xong như cua mới lột xác, cần nằm nơi kín gió, không có ánh mặt trời nhiều nhưng có người vẫn phải nằm hành lang, nằm ghế bố. Tôi thật sự rất đau lòng”. Phát biểu của Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết có lẽ còn là một câu hỏi đặt ra đối với trách nhiệm của những nhà quản lý trong ngành y tế.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/overloaded-public-hospitals-in-vn-av-12222016095151.html
Campuchia trả về Việt Nam một nhóm người Thượng
13 người thiểu số vùng Tây Nguyên bị Campuchia trả về Việt Nam sau khi hồ sơ xin tị nạn của một số người bị Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc bác bỏ. Những người còn lại tự nguyện rút đơn và đồng ý hồi hương.
Thông tin này được bà Vivian Tan, phát ngôn nhân của Cao ủy tị nạn tại thủ đô Phnom Penh Campuchia nói với các đồng nghiệp ban Khmer của đài Á Châu Tự Do.
Những người thiểu số này đã rời Phnom Penh hôm thứ hai, được các viên chức cao ủy tị nạn đưa đến biên giới với Việt Nam. Bà Tan nói thêm là các nhân viên của cao ủy sẽ đến thăm họ để xem là họ có được đối xử tử tế như thỏa thuận giữa Cao ủy và Việt Nam hay không.
Hiện vẫn còn 156 người thượng ở Phnom Penh. Theo người phụ trách vấn đề tị nạn của Campuchia thì đa số trong 156 người này sẽ bị trả về Việt Nam vì không chứng minh được rằng họ bị chính quyền Việt Nam ngược đãi về chính trị.
Theo các tổ chức nhân quyền thì nhiều người thượng ở vùng Tây nguyên của Việt Nam theo đạo Tin lành, hay Công giáo và là mục tiêu của sự đàn áp của nhà nước Việt Nam.
Quảng Trị sẽ tiêu hủy 200 tấn hải sản đông lạnh tồn kho
Hơn 1500 tấn hải sản đông lạnh tồn kho tại tỉnh Quảng Trị và 200 tấn trong số này sẽ bị tiêu hủy. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Văn Huân hôm nay nói với báo giới trong nước thông tin vừa nêu.
Ông Huân cho biết tỉnh Quảng Trị đang tồn đọng 1543 tấn hải sản đông lạnh vì khó tiêu thụ kể từ sau thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa gây ra hồi đầu tháng 4 năm nay.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị nói thêm 1343 tấn hải sản đã được lấy mẫu kiểm định và an toàn cho việc tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ 30% giá thị trường cho các doanh thương tiêu thụ số lượng hải sản này.
200 tấn hải sản còn lại được cho là nhiễm độc, sẽ bị tiêu hủy trong vòng hai tuần lễ tới. Trước đó, tỉnh Quảng Trị cũng cho tiêu hủy 54 tấn hải sản.
Cũng liên quan đến sự cố Formosa, hôm qua, Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã cử đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm và đang chờ ý kiến của Ủy ban Kiểm tra, ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Trần Hồng Hà cho biết thêm có đến 90% doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu quy định của luật về môi trường tại Việt Nam.
Blogger làm triển lãm giấy mời của công an
Một nhà báo và cũng là blogger có tiếng tại Việt Nam đang lên kế hoạch mở cuộc triển lãm online các loại giấy mời của công an “để công khai biểu hiện vi phạm nhân quyền của cơ quan pháp luật”.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh vừa đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội thu thập “giấy mời hoặc giấy triệu tập lên công an làm việc trái phép” để tổ chức “một cuộc triển lãm nhân quyền về giấy mời”.
Đến nay, sự kiện dự kiến mở màn từ ngày 24/12 đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhân vật như nhà báo tự do Trương Duy Nhất, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, blogger Nguyễn Thị Thúy Quỳnh…
Ban tổ chức cũng thông báo sẽ trao các giải thưởng ‘giấy mời xưa nhất’, ‘giấy mời sai trái nhất’ và ‘giấy mời bát nháo nhất’, cũng như cho người ‘có nhiều giấy mời nhất’ vào dịp Tết Đinh Dậu.
Hôm 22/12, trả lời BBC, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói: “Ý tưởng thực hiện một cuộc triển lãm giấy mời, giấy triệu tập của công an trên mạng phát xuất từ việc tôi từng nhận 5, 6 giấy mời từ lúc tôi còn ở TP Hồ Chí Minh đến khi ra Hà Nội các loại mà chẳng hiểu tại sao mình bị mời.”
“Những tờ giấy đó cho thấy dường như việc gì thì công an cũng mời người dân được.”
“Điều đó quả thật vô lý, tùy tiện và không đúng pháp luật.”
“Đáng nói nhất là chính quyền toàn yêu cầu người dân đến gặp vào đúng giờ hành chính, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người ta nếu muốn tuân thủ theo giấy mời.”
Blogger cũng cho biết thêm: “Tôi mong là cuộc triển lãm này sẽ thu hút sự quan tâm của giới luật sư để giúp những blogger sắp nhận giấy mời biết họ cần ứng xử thế nào trước việc nhận giấy mời từ công an.”
‘Buồn cười’
“Tất nhiên là nếu tôi xin phép tổ chức sự kiện này ở một địa điểm trên thực tế thì chắc chắn sẽ không được, vì chính quyền không cho phép tư nhân tổ chức triển lãm hay phát hành sách,” ông Chênh nói với BBC.
Cùng ngày, nhà hoạt động Lã Việt Dũng trao đổi với BBC từ Hà Nội: “Tôi thấy sự kiện Triển lãm giấy mời của công an rất thú vị nên cũng góp một tờ giấy triệu tập bá đạo liên quan đến bản thân.”
“Hồi năm 2012, Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập cho tôi về việc ‘Đăng ký và sử dụng số điện thoại di động [mà ông Dũng đang sử dụng].”
“Lý do đó thật buồn cười, tôi không hiểu tại sao công an lại can thiệp vào việc tôi đăng ký sử dụng dịch vụ với nhà mạng.”
“Tôi còn nhớ là khi công an phường đến nhà đưa giấy này, tôi đã ghi vào giấy là “Tôi không đi, vì không hiểu giấy triệu tập này theo điều nào, khoản nào của pháp luật.”
“Ngoài ra, tôi cũng ghi vào đấy là giấy triệu tập ảnh hưởng đến công việc và tinh thần của người được mời cũng như gia đình họ.”
Ông Dũng nói thêm: “Việc công an, cơ quan điều tra lạm dụng giấy mời nhằm gây khó dễ, đe dọa công dân, nhất là những người đấu tranh dân chủ.”
“Giấy mời của công an cũng làm ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân.”
“Do vậy, tôi cho rằng chúng ta [những người nhận giấy mời từ công an] không có gì phải ngại hay sợ sệt, tất cả đều có quyền từ chối nếu mình cảm thấy giấy mời từ công an là bất hợp lý.”
Từ TP Hồ Chí Minh, blogger Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) nói với BBC: “Bản thân bị mời khá nhiều lần, tuy nhiên cách giải quyết của tôi ôn hòa và tránh ồn ào, đặc biệt không chia sẻ hay chụp giấy mời đưa lên mạng xã hội.”
“Theo tâm lý, thường thì người bị mời dễ rơi vào tâm lý lo sợ, căng thẳng dẫn đến stress mất bình tĩnh. Nhiều năm nay, các cơ quan an ninh sử dụng giấy mời như một mệnh lệnh. Tuy nhiên, nếu có hiểu biết về pháp luật sẽ biết, hiện không hề có các văn bản pháp luật nào quy định là khi nhận được giấy mời của an ninh thì mình bắt buộc phải đến. Do đó, tôi từng từ chối nhiều lần được mời làm việc!”