Tin Việt Nam – 22/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/11/2018

Toà phúc thẩm y án 2 năm tù

đối với facebooker nói xấu Hồ Chí Minh

Toà phúc thẩm toà án Nhân dân thành phố Cần Thơ hôm 22/11 đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên giữ y án 2 năm tù đối với ông facebooker Bồ Công Anh, tức Nguyễn Hông Nguyên. Báo Thanh Niên loan tin này vào cùng ngày.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, 38 tuổi, đã bị toà sơ thẩm hôm 22/9 tuyên án tù với cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015.

Trong phiên toà sơ thẩm hồi tháng 9, ngoài ông Nguyên còn có một facebooker khác là Hồ Mai Chi, tức Trương Đình Khanh (26 tuổi), cũng bị kết án tù 1 năm với cùng tội danh.

Theo cáo trạng ở toà sơ thẩm, hai facebooker này đã soạn thảo tài liệu, đăng tải, chia sẻ các bài viết trên trang cá nhân có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm người xem có cái cái nhìn không đúng về chủ trương, đường lối của đảng và chính phủ.

Báo Thanh Niên trích cáo trạng cho biết ông Nguyên thường xuyên truy cập internet để xem các bài viết, hình ảnh, video có nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan đảng, nhà nước, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ quan điểu tra đã xác định 77 tờ tài liệu in trên khổ A4 là những bài viết mà ông Nguyễn đã viết, đăng và phát tán trên facebook cá nhân, xâm phạm an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xúc phạm nghiêm trọng hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ vô sản quốc tế.

Thanh Niên đưa tin cho biết tại phiên toà phúc thẩm, ông Nguyên đã xin giảm nhẹ hình phạt để về trả hiếu cho mẹ vì Nguyên là lao động chính trong gia đình, đồng thời mong mọi người đừng bước vào con đường sai trái như mình.

Trong những tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam, công an Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố một loạt các facebooker với các cáo buộc bao gồm làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước, và lợi dụng cá quyền tự do dân chủ. Cho đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác số người bị bắt giữ trong dịp này vì có những người bị bắt đến giờ nhưng công an vẫn không thông báo cho gia đình.

Quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc chính quyền Việt Nam đàn áp những tiếng nói đối lập ôn hoà bằng cách sử dụng các điều luật mập mờ để bỏ tù họ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/court-upheld-sentence-to-facebooker-illspeaking-leader-11222018091749.html

 

Kêu gọi cộng đồng

quan tâm tới tù nhân lương tâm Siu Thái

Theo tin từ Việt Nam, ngày 21/11, tù nhân lương tâm Siu Thái đang thi hình án tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam, đã bị công an đánh đập dã man dẫn đến  trạng  thái mất trí nhớ.

Trong lần thăm gặp với gia đình vừa qua, ông Siu Thái không nhận ra bất cứ ai trong những người thân của mình. Sức khỏe của ông suy yếu trầm trọng, phải có người dẫn dắt ông đi.

Được biết ông Siu Thái là người dân tộc JaRai, 40 tuổi. Ông đấu tranh bảo vệ nhân quyền cho đồng bào người Thượng nên bị chính quyền CSVN bắt vào ngày 07/04/2011 vì tội ” phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.” Ông bị kết án 10 năm tù và hiện nay đang bị giam giữ tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, trong các nhà tù khắp đất nước Việt Nam có rất nhiều tù nhân lương tâm người Thượng không được cộng đồng người Việt Nam biết đến. Đa phần họ bị giam giữ ở các nhà tù miền bắc Việt Nam. Thân nhân của những tù nhân lương tâm này không biết cầu cứu ai vì thông tin của họ rất hạn chế.Những tù nhân này thường bị phân biệt đối sử bất công bằng và bị đánh đập dã man, nhưng cả thế giới vẫn không hề biết đến họ.

Thuyết Nguyễn

https://www.sbtn.tv/xin-cong-dong-hay-quan-tam-toi-tu-nhan-luong-tam-siu-thai/

 

Bể Hồ Bơi Tư Bản Đỏ: 4 Dân Chết

NHA TRANG — Trận bom nước bùng nổ ở Nha Trang làm sụp nhà, chết người có phải là do trời mưa lũ? Không. Nguyên do chỉ vì tư bản đỏ đào núi làm hồ bơi…

Bản tin Zing kể: Chủ đầu tư thừa nhận đào núi làm hồ bơi khiến 4 người chết ở Nha Trang.

Chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú Nha Trang thừa nhận công trình hồ bơi thi công dở dang xảy ra sự cố vỡ bờ, gây lở núi kèm lũ quét làm sập nhà dân và 4 người chết.

Tìm tài sản ở đống hoang tàn sau vụ vỡ hồ làm 4 người chết ở Nha Trang Người dân xã Vĩnh Hòa (Nha Trang) dọn nhà, tìm tài sản sau 3 ngày xảy ra vụ vỡ hồ gây chết 4 người, sập 10 căn nhà. Một số gia đình dọn đi nơi khác ở vì ám ảnh thảm họa trên.

Sau ba ngày xảy ra sự cố vỡ hồ gây lở núi kèm lũ quét, cơ quan chức năng Khánh Hòa đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường 10 nhà dân sụp đổ và 4 người chết ở phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang).

Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thanh Châu, chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú Nha Trang, thừa nhận hạng mục công trình hồ bơi xảy ra sự cố vỡ bờ gây lở núi kèm lũ quét tràn xuống khu dân cư bên dưới chân núi.

Bản tin Zing ghi lời bà Thanh rằng, trước khi xảy ra thảm họa, công ty đã huy động xe ủi, xe đào núi, san lấp mặt bằng xây dựng nhà hàng đón khách. Thời điểm này, doanh nghiệp cũng cho các phương tiện cơ giới đào đất tại vị trí dự kiến làm hồ bơi vô cực.

“Cái này một công đôi việc, chúng tôi vừa đào núi lấy đất để đắp nền làm nhà hàng, vừa tạo hố hình thành hồ bơi. Vị trí múc đất tạo hồ sâu có trong thiết kế xây hồ bơi như trong bản vẽ chi tiết 1/500 đã được phê duyệt”, vị giám đốc doanh nghiệp nói.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi việc xây hồ bơi thuộc dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú đã được cơ quan chức năng cho phép hay chưa, thì bà Thanh thừa nhận doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh thủ tục xin phép.

“Chúng tôi múc đất với mục đích tạo nền móng làm nhà hàng, tiện thể tạo hố hình thành hồ bơi. Hiện bản vẽ thiết kế hồ bơi đang vạch ra ý tưởng, chứ chưa xây nên công ty chưa xin phép”, bà Thanh trần tình.

Theo bà Thanh, thời điểm 2011, khi cơ quan chức năng Khánh Hoà duyệt quy hoạch chi tiết dự án 1/500, theo luật Xây dựng thì doanh nghiệp không cần xin giấy phép con để xây các hạng mục trong dự án, trong đó có hạng mục hồ bơi. Tuy nhiên, đến nay dự án liên tục điều chỉnh 3 lần, gần nhất là năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh xác nhận dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú là một trong 35 dự án đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra, hiện chưa có kết luận.

“Công ty chỉ căn cứ vào bản phê duyệt chi tiết 1/500 hồi năm 2011 để làm dự án. Điều chỉnh cũng chỉ một số hạng mục nhỏ nhưng không thay đổi gì cả nên chúng tôi nghĩ không cần xin phép gì thêm”, bà Thanh nói.

Vị này cho biết thêm theo ý định mới thì doanh nghiệp chỉ xây dựng hồ bơi với diện tích bằng 50% so với quy hoạch đã được duyệt. Ban đầu, công ty này dự kiến xây hồ bơi rộng hơn 900 m2. Tuy nhiên, đến nay công ty dự kiến điều chỉnh hồ bơi người lớn rộng 200 m2, còn lại khu hồ bơi dành cho trẻ em và khu ngâm chân rộng khoảng 300 m2.

Nói về vụ vỡ hồ, ông Trang Lê Châu, Phó giám đốc Công ty Thanh Châu, giải thích sự cố là thiên tai chứ không phải nhân tai. “Mưa lớn khiến toàn bộ lượng nước trên núi đổ về khu vực dự án. Nếu không vỡ chỗ hồ bơi thì cũng vỡ chỗ khác. Không thể tránh khỏi được”, ông Châu nói.

Vị này cho biết khi thi công dự án, công ty có đào mương thoát nước. Khi nước mưa chảy từ trên núi xuống đổ hết về dự án và tích tụ thành khối lượng nước rất lớn ở khu vực hố đào để làm hồ bơi.

Bản tin Zing cũng ghi lời ông Châu: “Nước tích tụ trong hố đào là có, khi nước quá lớn thì vỡ bờ bao. Còn đất đá cuốn xuống nhà dân thì từ trên núi, chứ công ty không dùng đá để làm kè.”

Bản tin ghi rằng Dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú có diện tích gần 11,6 ha với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng. Khởi công năm 2011, sau 3 lần điều chỉnh dự án, đến nay đang trong giai đoạn hoàn thành.

Dự án được thiết kế với 380 căn nhà phố và biệt thự cao cấp.  Chủ đầu tư xác nhận dự án còn gồm các hạng mục: Cung đường khám phá, vườn tri thức, công viên giáo dục, công viên thiếu nhi, siêu thị, con đường cổ tích, đài phun nước, đài thiên văn và hồ bơi vô cực.

Zing ghi lời luật sư Nguyễn Tường Linh, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, nếu cơ quan chức năng thu thập đầy đủ chứng cứ xác định nguyên nhân sự cố khiến 4 người chết do vỡ hồ bơi gây ra thì chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Doanh nghiệp có dấu hiệu “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 298 BLHS 2015.

Luật sư Linh, trong trường hợp này, chủ đầu tư đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 4 người chết.

https://vietbao.com/p124a287822/be-ho-boi-tu-ban-do-4-dan-chet

 

Tranh cãi quanh việc Lê Thu Hà từ Đức về VN

Dư luận trên mạng xã hội quanh việc cựu tù nhân lương tâm Lê Thu Hà quyết định từ Đức về lại Việt Nam.

“Tôi vừa tranh luận với một nam giới cũng tham gia đấu tranh dân chủ về Lê Thu Hà.” nhà báo Sương Quỳnh nói với BBC hôm 22/11.

Theo thông tin mới nhất từ luật sư Nguyễn Văn Đài, sau khi bị Việt Nam từ chối không cho nhập cảnh, bà Lê Thu Hà hiện đã trở lại Đức an toàn vào sáng 22/11 theo giờ Đức.

Cảm thông

Bà Sương Quỳnh là một trong một số các ý kiến ủng hộ bà Lê Thu Hà, cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài, sau làn sóng chỉ trích bà Hà trên Facebook.

Bà Thu Hà và luật sư Đài bị chính quyền Việt Nam trục xuất sang Đức hồi tháng Sáu trong khi đang thi hành án tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

“Qua chuyện Thu Hà quyết định về nước, về pháp lý thì càng cho thế giới thấy nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm điều 14 và 15 trong Tuyên ngôn Quốc Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc như thế nào,” bà Quỳnh nói.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền:

Điều 14:

1) Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.

2) Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

Điều 15:

1) Ai cũng có quyền có quốc tịch.

2) Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

“Đọc những lời chỉ trích Hà, trong đó có cả những lời ác độc hoặc thể hiện nhận thức kém cỏi, chúng tôi – những người đấu tranh – thấy cần phải nỗ lực hơn trong việc khai dân trí.”

“Nếu thực sự Hà quyết định về tôi ủng hộ, vì Hà đặt tình yêu đất nước và gia đình hơn tị nạn xứ người, dù Hà biết về nước có thể bị ngăn chặn hoặc bị bỏ tù.”

Bà Lê Thu Hà, cộng sự LS Đài, về VN không được nhập cảnh

LS Đài và bà Lê Thu Hà ra tù, lên đường sang Đức

Về lý do bà Thu Hà quyết định quay lại Việt Nam, nhà báo Sương Quỳnh nói:

“Tôi đoán là do Hà cảm thấy cô đơn ở xứ người, mà cô đơn thì càng dễ bị trầm cảm.”

“Ai cũng có nhu cầu được yêu thương, đặc biệt là phụ nữ. Họ chính là những người dễ bị tổn thương. Người phụ nữ đi theo con đường tranh đấu khó khăn hơn nam giới vì ràng buộc nhiều bởi tình cảm.”

“Đáng lẽ ra cánh đàn ông nhìn thấy thế phải xấu hổ tự vấn bản thân sao để chị em phải đấu tranh hay xuống đường. Đằng này nhiều ông tỏ vẻ xúc phạm khi người phụ nữ đấu tranh phải vô tù, rồi bị trầm cảm. Đây là điều tôi thấy cay đắng cho dân tộc và cho giới phụ nữ Việt Nam,” bà Sương Quỳnh nói với BBC từ Sài Gòn.

Một số nhà đấu tranh dân chủ khác như Phạm Đoan Trang, Trịnh Kim Tiến cũng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ bà Lê Thu Hà, và chỉ trích các ý kiến chỉ trích bà Hà.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết: “Nhiều người (đa số ở hải ngoại) chửi mắng cựu tù nhân lương tâm Lê Thu Hà sau khi cô ấy tự ý mua vé máy bay trở về Việt Nam. Lý lẽ chủ yếu mà những người này sử dụng là “đang ở nơi sướng thế mà không chịu ở, lại quay đầu về Việt Nam, rõ ngu”.

“Thật không hiểu nổi suy nghĩ của họ.”

“Họ quên rằng Lê Thu Hà là cựu tù nhân lương tâm, rằng cô ấy từng bị cộng sản bỏ tù 2,5 năm, ngồi chờ án trong xà lim 6m2 cho hai người với ba lần cửa sắt – không khác gì cái cũi.”

“Họ quên rằng cô ấy là một phụ nữ chưa có gia đình, một nhà thơ nữ với tâm hồn đa cảm, lãng mạn. Trên tất cả, cô ấy là một phụ nữ trẻ vô tội.”

“Họ quên rằng cô ấy đang là một bệnh nhân với nhiều biểu hiện trầm cảm sau 2,5 năm tù. Trầm cảm là bệnh, nó không liên quan gì đến sự yếu đuối về tinh thần hay nỗi sợ, sự hèn nhát, tâm lý bi quan… Và đã là bệnh thì cần được chữa trị, Lê Thu Hà cần được quan tâm, chăm sóc, thương yêu hơn bao giờ hết.”

“Họ quên rằng Lê Thu Hà cũng như mọi công dân khác đều có quyền tự quyết định cuộc đời mình, quyền tự do đi lại, quyền có quan điểm. Ai cho phép họ phán xét người khác và chửi người ta là ngu, là hai mang, chỉ vì “sướng thế mà không chịu ở, lại quay đầu về Việt Nam”.

Còn bà Trịnh Kim Tiến thì bày tỏ rằng bà không phản đối cũng không ủng hộ quyết định về việt Nam của bà Lê Thu Hà mà chỉ mong “mọi người hãy tôn trọng chị ấy và những mất mát chị ấy đã trải qua. Hãy hiểu rằng mẹ và quê hương là điều quý nhất”.

Chỉ trích

Tin bà Lê Thu Hà quyết định từ Đức về lại Việt Nam chỉ vài tháng sau khi đặt chân tới nước này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội.

Tài khoản Nguyễn Xuân Nghĩa viết rằng nếu ông được sang Đức từ lúc 30 tuổi thì ông đã làm đủ thứ việc như học tiếng Đức, đọc sách lịch sử, văn hóa, đi du lịch, xem đá bóng… Và rằng “lấy đâu ra thời gian trầm cảm!”

“Đó là không tham gia đấu tranh. Còn nếu tham gia thì không có thời gian để ăn cơm,” ông Nghĩa viết.

Tài khoản tên Vì bình yên xứ Nghệ cho rằng “Lê Thu Hà phơi bày bộ mặt giả tạo”, khi ở trong tù thì tìm mọi cách sang trời Tây. Khi không trụ lại được thì “lấp liếm” để quay về.

“Việc Lê Thu Hà chống phá cực đoan để được sang Đức rồi vỡ mộng nơi xứ người, xin về Việt Nam nhưng tất nhiên chúng ta không còn chấp nhận một kẻ phản bội là cái tát đau đớn nhất vào bộ mặt giả tạo của đám chống phá với cái danh “yêu nước”, tài khoản này viết.

Một số Facebooker khác thậm chí dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích việc bà Hà quay về Việt Nam.

Cũng có một số ý kiến khác vừa bày tỏ chỉ trích, vừa tỏ ra thông cảm, như nhà văn Nguyễn Tường Thụy.

Ông Nguyễn Tường Thụy viết trên Facebook cá nhân: “Về việc Lê Thu Hà về Việt Nam, hầu như ai cũng biết được trước sẽ bị tống xuất ngược trở lại.”

“Nếu Hà không biết, tưởng muốn về là về được thì quả là Hà có ngây thơ.”

“Còn nếu Hà biết trước nhưng vẫn cứ làm thì mục đích của Hà là gì, điều này có thể Hà sẽ có tâm sự sau. Còn tôi chỉ đặt ra các giả thiết chứ không cần trả lời, cho dù có khó hiểu.”

“Việc làm của Hà, mình Hà chịu, như mất thời gian, công sức, tiền vé hoặc có thể ảnh hưởng tâm lý, chứ Hà không làm phiền ai. Có phiền thì chỉ phiền đến nhà cầm quyền mà thôi. Cũng chẳng vì thế mà ảnh hưởng đến phong trào dân chủ.”

“Nếu Hà về vì muốn chăm sóc mẹ, muốn sống ở Việt Nam thì đó là tình cảm đáng trân trọng.”

“Tôi buồn vì thấy có những chỉ trích nhằm vào Hà. Về việc này, với cháu, tôi chỉ thấy thương xót và cảm thông.”

Ước muốn trở về không thành

Hôm 20/11, có tin bà Lê Thu Hà, cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài, thành viên Hội Anh em Dân Chủ đồng thời là cựu tù nhân lương tâm, đã tự mua vé máy bay từ Đức về Việt Nam chỉ vài tháng sau khi bị chính quyền Việt Nam trục xuất.

Thế nhưng hôm 21/11, bà Hoàng Thị Bình Minh, mẹ của bà Lê Thu Hà, nói với BBC rằng cả nhà đang lo lắng cho tính mạng bà Thu Hà. Và rằng bà Hà ở Đức “thiếu thốn tình cảm, giống như bị trầm cảm”.

Hồi tháng 6/2018, bà Hà cùng vợ chồng Luật sư Đài được đưa ra khỏi nhà tù, tới thẳng sân bay quốc tế Nội Bài để rời Việt Nam đi tỵ nạn tại Đức.

Bà Thu Hà và luật sư Đài bị bắt năm 2015. Sau đó, bà Hà chịu án 9 năm tù và 2 năm quản chế. Luật sư Đài chịu án 15 năm tù 5 năm quản chế. Cả hai bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46299210

 

Cựu TNLT Lê Thu Hà về đến Đức

sau khi bị cấm nhập cảnh Việt Nam

Cô Lê Thu Hà, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam đã về đến Đức an toàn vào trưa ngày 22/11 giờ VN sau khi bị cấm nhập cảnh ở sân bay Nội Bài.

Chiều 22/11, bà Hoàng Thị Bình Minh, mẹ của cô Hà xác nhận thông tin này với chúng tôi qua điện thoại từ quê nhà Quảng Trị nhưng cho hay cô không nói gì thêm vì mệt.

“Hà tới Đức lúc nào không biết, nhưng Hà có nhắn là con đã tới Đức rồi gần 2 tiếng đồng hồ, chỉ nhắn 1 dòng tin như thế thôi nhưng sau đó Hà mệt và tắt máy,” bà Bình Minh thuật lại lời nhắn của con mình.

Như chúng tôi đã thông tin trước đó, cô Lê Thu Hà bị chính quyền Việt Nam bắt đi lưu vong ở Đức khi đang thụ án 9 năm tù giam vì cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi tháng 6 năm nay cùng luật sư Nguyễn Văn Đài. Cô Hà bất ngờ mua vé trở về Hà Nội vào tối 20/11 nhưng sau đó bị trục xuất trở lại Đức.

Theo bà Bình Minh thì có lẽ cô Hà sức khỏe không được tốt, cùng với tình cảm lớn lao dành cho mẹ già ở quê nhà nên cô đã quyết định trở về.

Cô Lê Thu Hà, năm nay 36 tuổi, là giáo viên dạy anh văn trước khi trở thành thành viên của Hội Anh em dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.

Ngày 7/6/2018, sau khoảng 2 năm rưỡi bị giam giữ và 2 tháng sau khi bị tuyên bản án 9 năm tù giam, cô Lê Thu Hà và ông Nguyễn Văn Đài được công an đưa từ nhà tù ra tới sân bay Nội Bài để sang Đức tị nạn chính trị.

Báo chí nhà nước Việt Nam không đề cập đến sự kiện này và cũng không giải thích lý do vì sao 2 người được hoãn thi hành án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/le-thu-ha-arrived-at-germany-11222018085555.html

 

Mẹ Nấm: ‘Con đường tự do cho VN của tôi sẽ tiếp tục’

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tại New York vào hôm 20/11 đã tổ chức lễ trao Giải Tự do Báo chí Quốc tế lần thứ 28 cho các nhà báo từ Sudan, Ukraine, Venezuela, và Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người nhận giải, đã cảm ơn CPJ và gửi đi thông điệp đấu tranh của mình:

“Tôi xin cám ơn CPJ đã tranh đấu cho tự do của tôi. Cám ơn Chính phủ và đất nước Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay nhân ái đối với gia đình chúng tôi.

“Bây giờ tôi đã tìm thấy hơi thở của tự do nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi không tìm thấy được niềm hạnh phúc trọn vẹn trong tôi bởi vì đi tìm tự do cho riêng bản thân mình ở ngoài đất nước Việt Nam chưa bao giờ là mục tiêu, khát vọng của tôi.

“Tôi vẫn luôn mơ ước và tranh đấu để cùng 90 triệu công dân Việt Nam được sống tự do, có quyền làm người, được tôn trọng được bảo vệ và có toàn quyền quyết định vận mạng của đất nước.

“Tự do hôm nay của tôi có được là do những nỗ lực không mệt mỏi và đóng góp của nhiều bạn bè và cá nhân.

“Tự do mới tìm thấy này chỉ có ý nghĩa nếu tôi sử dụng nó như là tiếng nói của 90 triệu người dân đang bị áp bức tại Việt Nam.

“Do đó con đường tự do cho Việt Nam của tôi sẽ tiếp tục dù tôi sống ở bất kỳ quốc gia nào”

Blogger Mẹ Nấm cũng dùng bài phát biểu này để kêu gọi sự đấu tranh đòi trả tự do cho một blogger khác đang bị ngồi tù là Trần Thị Nga, người bị tuyên án 9 năm tù và có hai con nhỏ.

https://www.bbc.com/vietnamese/media-46301549

 

CNC hay C50 là bình phong?

Diễm Thi, RFA

Một trong những điều khiến công luận xã hội quan tâm và báo chí trong nước đồng loạt đăng tải trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử, là sự bất nhất trong lời khai của hai vị cựu tướng trong ngành công an về vai trò của Công ty đầu tư và phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC).

Ông Phan Văn Vĩnh, Cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an thì cho rằng công ty CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), được thành lập năm 2011.

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, lại phủ nhận toàn bộ tài liệu về việc lập công ty bình phong CNC và khẳng định CNC không phải là công ty bình phong.

Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:

Vấn đề là trước tòa thì người ta có thể từ chối hoặc nói không, nói có tùy theo quyết định là nói thế nào cho có lợi. Cho nên chuyện “ông nói gà bà nói vịt” cũng là điều dễ hiểu. Theo suy nghĩ của tôi thì công ty này chắc chắc là công ty bình phong.

Còn với Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người đã từng có thời gian công tác tại Ban An ninh Nội chính thành ủy TP Hồ Chí Minh, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tâm lý chung của các tội phạm trước vành móng ngựa là đổ vấy trách nhiệm cho nhau, và bây giờ họ đang đổ luôn cho cố Chủ tịch nướcTrần Đại Quang, người từng nắm Bộ Công an khi vụ việc xảy ra.

Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an.  – Phạm Chí Dũng

Vậy công ty bình phong là gì, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nhận dịnh:

Nói về ngữ nghĩa thì công ty bình phong là một công ty do một pháp nhân lập ra để hoạt động nhưng người ngoài không biết rằng chủ là ai, không biết đấy là một công ty của nhà nước. Người dân chỉ nghĩ đó một công ty của tư nhân thôi và tiến hành giao dịch bình thường, nhưng thực tế thì những giao dịch đó là theo chỉ đạo.

Đây là khái niệm mới chỉ có khoảng trên dưới chục năm nay trong hoạt động kinh tế thị trường cũng như các lĩnh vực khác trong xã hội.

Với nhà báo Phạm Chí Dũng thì công ty bình phong hay doanh nghiệp bình phong là một khái niệm, một thuật ngữ đặc biệt được dùng trong ngành tình báo của Việt Nam và cả trên thế giới. Trên thế giới cũng có rất nhiều cơ quan tình báo đã sử dụng những đặc tình của mình cài cắm vào các doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tin tức cho các cơ quan tình báo. Nhà báo Phạm Chí Dũng giải thích sự khác biệt ở Việt Nam:

Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an. Vì vậy mới có vụ công ty bình phong CNC.

Việc các công ty bình phong ở Việt Nam làm ăn bất chính đã từng xảy ra. Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận của Thành ủy TP. HCM.

Công ty này nguyên là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, được UBND TP. HCM phê duyệt phương án chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) trực thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy. Khi đã là doanh nghiệp của Thành ủy TPHCM, Công ty Tân Thuận đã được giao thực hiện và chuyển nhượng nhiều khu đất, dự án.

Một trong những vụ nổi cộm là phi vụ mua bán 32 ha đất công tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 4/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM ra thông báo quyết định thi hành kỷ luật đối với 5 cán bộ lãnh đạo Công ty Tân Thuận do những vi phạm về vai trò, trách nhiệm tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè.

Riêng trong vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến CNC, hai cựu tướng công an đang phải hầu tòa bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn và bị đề nghị mức án tù từ 7 đến 8 năm. Hai viên cựu tướng công an này hiện còn bị điều tra tham nhũng lên đến hàng triệu đô la.

Mối liên kết giữa CNC và C50

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng thường các công ty bình phong luôn luôn lợi dụng cái thế của nó để kiếm những khoản lời bất chính, nhưng về mặt pháp lý thì có thể có vẻ là hợp pháp.

Một công ty được thành lập bởi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) lại là nơi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet với gần 43 triệu tài khoản tham gia thì đó là điều khác biệt của Việt Nam so với thế giới, như nhận định của Nhà báo Phạm Chí Dũng. Ông nhận định chính C50 mới là bình phong cho CNC:

Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã bị giải thể), mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi.  – Phạm Chí Dũng

Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã bị giải thể), mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi. Tức là không những không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ tình báo, mà các cơ quan quản lý, điều hành tình báo lại đi làm chỗ dựa, làm bình phong cho một doanh nghiệp để làm ăn trục lợi. Đó là sự khác biệt giữa tình báo Việt Nam và tình báo thế giới.

Truyền thông trong nước trích dẫn cáo trạng cho biết theo Quyết định 158 ngày 14/5/2015 do ông Vĩnh ký, Tổng cục Cảnh sát công nhận CNC là công ty bình phong thì C50 góp 20% vốn trong tổng số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đồng thời cử nhân lực tham gia điều hành công ty. Trên thực tế, C50 không đóng góp 20% vốn và nhân lực.

Cáo trạng còn cho biết Tổng giám đốc công ty CNC, bà Dương Thị Hồng đưa 600 triệu đồng tiền tết cho C50 do Võ Tuấn Dũng – trưởng phòng 1, nhận (năm 2015 là 100 triệu, năm 2016 là 500 triệu đồng.)

Một công ty được gọi là bình phong của công an thường có hai chức năng là vừa làm kinh tế, vừa tìm hiểu, thu thập thông tin và cung cấp thông tin ngược lại cho Bộ Công an. Công ty CNC cũng không là ngoại lệ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói thêm về chức năng làm kinh tế của CNC là khái niệm xã hội hóa kinh tế từ ngành công an ra tới bên ngoài. Chức năng làm kinh tế có cơ sở pháp lý đàng hoàng, có tất cả mọi thứ, thậm chí còn vượt hơn những doanh nghiệp bình thường về mức độ ưu đãi và cả mặt pháp lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cnc-or-c50-is-a-screen-company-dt-11212018114323.html