Tin Việt Nam – 22/09/2018
Thêm 2 Facebooker bị án tù
Toà án Nhân dân quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ hôm 22/9 đã tuyên án tù hai facebooker với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hai người bị kết án là Nguyễn Hồng Nguyên (38 tuổi) với tên Facebook là Bồ Công Anh, và Trương Đình Khang (26 tuổi), có tên facebook là Hồ Mai Chi. Nguyên bị kết án 2 năm tù, Khang bị kết án 1 năm tù.
Cáo trạng được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết từ năm 2017, hai facebookers này đã kết bạn với nhau và thường xem các bài viết, hình ảnh, video có nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, cơ quan đảng, nhà nước, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng theo cáo trạng, hai người đã soạn thảo tài liệu, đăng tải, chia sẻ các bài viết trên trang cá nhân có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm người xem có cái nhìn không đúng về chủ trương, đường lới của đảng và chính phủ.
Theo truyền thông trong nước, cả hai người khai nhận do chuyện buồn gia đình, bức xúc cá nhân nên soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các bài viết lên trang facebook cá nhân.
Kể từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố ít nhất 6 facebooker với các cáo buộc bao gồm làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu chống phá nhà nước, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Con số những facebooker bị bắt này chưa bao gồm những facebooker đang bị bắt giữ khác mà công an chưa thừa nhận nhưng gia đình và người thân của họ đã phản ánh trên mạng xã hội.
Hôm 14/9 vừa qua, công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam facebooker Huỳnh Trương Ca với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”.
Trong dịp quốc khánh 2/9, công an Việt Nam đã bắt giữ 3 facebooker khác là Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Khánh Vinh Quang, và Bùi Mạnh Đồng với cáo buộc làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu chống nhà nước, và hành vi đưa, sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2-more-facebookers-imprisoned-09222018082804.html
RSF đả kích CSVN xét xử nhà báo
công dân Đỗ Công Đương 2 lần liên tiếp
Sau khi bị kết án 4 năm tù hồi đầu tuần này về tội “gây rối trật tự công cộng” vì quay phim một vụ cưỡng chế thu hồi đất, nhà báo công dân Đỗ Công Đương lại sắp sửa đối diện với một bản án dài hơn về tội “lợi dụng dân chủ”.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) hôm Thứ Sáu 21/09 gọi đây là một sự vi phạm trắng trợ đối với quyền tự do thông tin. Hôm 17 tháng 9, một phiên tòa bị RSF gọi là “giả hiệu” ở tỉnh Bắc ninh đã tuyên mức án tối đa trong khung hình phạt của tội “gây rối” đối với ông Đương. Tội danh mà ông sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng tới sẽ có khung hình phạt lên tới 7 năm tù.
Trong một tuyên bố trên mạng, ông Daniel Bastard, giám đốc Á Châu – Thái Bình Dương của RSF, nói rằng giàn lãnh đạo đảng CSVN phải chấm dứt cuộc truy bức không ngừng nghỉ đối với các nhà báo công dân. Ông xác định, qua việc đưa tin về những sự vi phạm nhân quyền mà nhiều người dân đang phải chịu đựng, các blogger và truyền thông độc lập khiến cho tiếng nói của xã hội dân sự được nghe thấy bởi một chế độ ngày càng vô cảm.
Ông Bastard cũng nói rằng, nếu các đối tác thương mại của Việt Nam không muốn rước lấy tiếng nhơ, họ phải tạo áp lực để nhà cầm quyền thả lỏng sự kìm kẹp đối với quyền tự do thông tin.
Trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam luôn ở gần đáy bảng Chỉ Số Tự Do Báo Chí Thế Giới của RSF, và đứng thứ 175 trong 180 nước trong chỉ số năm 2018.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/rsf-da-kich-csvn-xet-xu-nha-bao-cong-dan-do-cong-duong-2-lan-lien-tiep/
Thanh tra Chính phủ đồng ý
với một tố cáo của người dân
Thanh tra chính phủ kết luận tố cáo của ông Lương Xuân Bình về tiêu cực xảy ra tại Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội là có căn cứ.
Theo báo Tiền Phong, ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, bỏ ra bốn năm ròng rã để tố cáo những tiêu cực tại đơn vị này về dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chỉ đạo thanh tra đột xuất đơn vị này và kết luận tháng 3/2007 Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc việc chỉ định Công ty Systra thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn thực hiện dự án.
Tháng 11/2007, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và Công ty Systra ký hợp đồng trọn gói dịch vụ tư vấn với trị giá trên 10 triệu Euro. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã điều chỉnh tăng trên 6,5 triệu Euro so với hợp đồng ban đầu.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội không đủ năng lực để xem xét và phê duyệt dự án, thường xuyên phải tham khảo, lấy ý kiến các cấp, các ngành làm chậm tiến độ dự án và tăng chi phí làm cho Công ty tư vấn Systra gặp khó khăn.
Liên quan vấn đề nhân sự, ông Bình tố cáo UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Trung Hiếu và ông Đỗ Việt Hải về làm trong Ban quản lý dự án là “thần tốc” và thiếu điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.
Về tố cáo này, Ông Lương Xuân Bình cho biết Thanh tra chính phủ khẳng định tố cáo của ông là có cơ sở. Tuy nhiên, Thanh tra chính phủ không đồng tình với chữ “thần tốc”, bởi theo Thanh tra Chính phủ thì tại thời điểm được bổ nhiệm, hai ông Hiếu và Hải cơ bản bảo đảm về điều kiện. Còn việc thiếu tiêu chuẩn thì trách nhiệm chính thuộc về ban Tổ chức Thành ủy, Thành ủy, còn Sở Nội vụ Hà Nội có trách nhiệm liên quan.
Kết luận, Thanh tra chính phủ kiến nghị các Bộ Giao thông Vận tải; Sở Kế hoạch – Đầu tư; Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng xem xét, thanh tra trách nhiệm các bên liên quan trong việc làm chậm tiến độ dự án dẫn đến phát sinh tăng chi phí.
Ông Đỗ Mười, nguyên tổng bí thư, đang nhập viện
Ông Đỗ Mười, nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, hiện đang phải điều trị tại Khoa Điều Trị, Bệnh Viện Trung ương Quân Đội 108 ở Hà Nội.
Mạng báo Dân Việt loan tin vào sáng ngày 22 tháng 9 như vừa nêu dẫn nguồn của một thành viên Ban Bảo Vệ, Chăm Sóc Sức Khỏe Cán bộ Trung Ương.
Mạng báo Dân Việt cho biết thêm một số thông tin về ông nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Đỗ Mười được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua gây xôn xao dư luận; nên các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý. Cơ quan chức năng cho rằng những đồn thổi nói ông Đỗ Mười đã qua đời là thất thiệt.
Theo giấy tờ được công bố thì ông này sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917 tại Thanh Trì- Hà Nội, và nay ông đã hơn 100 tuổi. Và Mạng báo Dân Việt cũng cho đăng tấm hình ông đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc mừng sinh nhật ông Đỗ Mười hồi tháng 2 năm nay.
Vào tháng tư vừa qua, ông Đỗ Mười được đảng ủy khối các cơ quan trung ương quyết định tặng huy hiệu 80 năm tuổi đảng. Và cũng theo Dân Việt thì trong tháng tư, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đến thăm ông Đỗ Mười tại Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108.
Quá trình công tác của ông Đỗ Mười được cho biết là ông này tham gia hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam từ rất sớm. Ông đã kinh qua các chức vụ như Bộ trưởng Bộ Nội Thương, Chủ Nhiệm Ủy Ban Vật Giá Nhà Nước, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, Phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, tương đương với chức phó thủ tướng chính phủ Hà Nội hiện nay, rồi Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, tương đương chức thủ tướng.
Từ năm 1991 đến năm 1997 ông Đỗ Mười là tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Sau đó ông là cố vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng.
Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 là nơi mà ông Trần Đại Quang, người vừa mới qua đời cũng được đưa vào điều trị ngay trước khi từ trần vào sáng ngày 21 tháng 9.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/do-muoi-hosp-hanoi-09222018083653.html
Chủ tịch Trần Đại Quang và Bộ Công an
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nói với BBC Tiếng Việt rằng việc Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9/2018 ở tuổi 62 sẽ không làm thay đổi chức năng hoạt động căn bản của Bộ Công an.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu từ Úc cũng đánh giá rằng có một số quyết định quan trọng được đưa ra trong thời gian ông Quang làm Chủ tịch nước và ủy viên Bộ Chính trị khiến Bộ Công an mất đi vị thế đặc quyền vốn có, khiến Bộ này phải chịu trách nhiệm giải trình cao hơn.
Bàn tròn đặc biệt: Chủ tịch Quang qua đời và bình luận
Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần ‘vì virus hiếm’
Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời ở tuổi 62
Quanh suy đoán Chủ tịch Quang ‘sẽ được thay thế’
Trước hết, giáo sư Carl Thayer nói về di sản ông Trần Đại Quang để lại sau thời gian hơn hai năm làm Chủ tịch nước:
Giáo sư Carl Thayer: Ông Trần Đại Quang mới chỉ giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam được 28 tháng trong nhiệm kỳ năm năm. Đây là vị trí chủ yếu mang tính nghi thức và biểu tượng.
Ông lên nhậm chức vào thời điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiệm kỳ ba và cương quyết tái khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt Nam sau thời kỳ mười năm tương đối đổi mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Quang đã ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, là chiến dịch thậm chí nhắm vào cả các quan chức tham nhũng trong Bộ Công an nơi ông từng lãnh đạo trước khi được thăng chức thành Chủ tịch nước.
Ông Quang bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ tháng 7/2017 và đã sang Nhật chữa bệnh ít nhất sáu lần.
Trong thời gian tại vị, Chủ tịch Quang đã gặp gỡ các tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama và Donald Trump.
Trong năm nay, ông Quang đã trả lời một cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, trong đó ông thể hiện sự đồng cảm với các cuộc biểu tình công khai phản đối việc các doanh nghiệp Trung Quốc có thể được thuê đất 99 năm tại ba đặc khu kinh tế nêu trong dự thảo Luật Đặc khu. Báo Tuổi Trẻ đã bị chính quyền đình bản một thời gian. Quan điểm của ông Quang rất phổ biến ở Việt Nam.
BBC: Bộ Công An sẽ thay đổi ra sao sau việc Chủ tịch Quang từ trần?
Sau khi ông Quang rời vị trí Bộ trưởng Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những bước đi nhằm cắt giảm cơ cấu lãnh đạo nặng nề của Bộ, nơi có quá nhiều tướng lĩnh được hưởng đặc quyền nhưng lại có quá ít việc để làm.
Trong năm nay, đã có một số người thuộc Bộ Công an bị buộc tội tham nhũng, thiếu trách nhiệm, và ngược đãi tù nhân.
Đương kim Bộ trưởng là ông Tô Lâm, người từng là thứ trưởng dưới quyền ông Quang. Rõ ràng là vị thế đặc biệt mà Bộ này có được nay đang bị cắt giảm theo hướng nhằm buộc Bộ Công an phải thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.
Những quyết định này được đưa ra trong khi ông Quang là ủy viên Bộ Chính trị. Chức năng căn bản của Bộ Công an sẽ không thay đổi, nhưng nay Bộ sẽ chịu sự giám sát của các quan chức cấp cao trong Đảng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45603758
Chủ tịch Trần Đại Quang mắc vi rút gì?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mắc một loại vi rút hiếm độc nhưng không thể lây nhiễm dễ dàng qua đường tiếp xúc thông thường. Đó là nhận định của bác sĩ Đinh Đức Long, bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, về thông tin bệnh tình của cố Chủ tịch nước sau khi có tin ông qua đời vào sáng ngày 21/9.
Trước đó, truyền thông trong nước trích lời bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Trung ương cho biết ông Trần Đại Quang đã nhiễm phải một loại vi rút hiếm và độc hại, thế giới chưa có thuốc chữa trị.
Vậy một người làm sao có thể nhiễm vi rút mà nhất là một loại virut hiếm theo lời của Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương? Và liệu người mang vi rút có thể truyền vi rút cho những người tiếp xúc hay không. Bác sĩ Đinh Đức Long giải thích với Đài Á Châu Tự Do:
Đinh Đức Long: Vi rút là gì? Vi rút là bệnh truyền nhiễm. Mà người ta nói chữ hiếm là người ta đã biết nó là gì rồi nhưng người ta không nói ra có nghĩa là ông ấy cố tình giấu. Hiếm là có tên có tuổi chứ không phải lạ. Lạ là chưa biết. Ông ấy biết chắc chắn tên virut và độc hại. Với thông tin đó thì mình có thể nhận định thế này. Như ông Triệu nói thì ông Trần Đại Quang bị phát hiện bệnh từ tháng 7 năm 2017, đến giờ là 14 tháng rồi và đã 6 lần sang Nhật điều trị. Với thông tin như vậy, về góc độ y khoa tôi có thể nói thế này. Một là virut này hiếm có nghĩa là ông ấy biết rồi. Hai là ông ấy vẫn để ông Trần Đại Quang vẫn tiếp các nguyên thủ quốc gia và đi thăm nước ngoài thì mình phải hiểu là virut này có hiếm và độc hại đến mấy thì nó cũng không lây qua con đường sống thường, tiếp xúc thường, ví dụ qua con đường nước bọt, hô hấp, bắt tay, mà nó chỉ có thể lây qua con đường máu, tiêm chích, tình dục mà thôi. Chính vì thế mà họ vẫn để ông Quang họp Bộ Chính trị, tiếp xúc bình thường. Còn nếu nó lây qua đường bình thường thì chắc chắn ông Quang phải bị cách ly, không thể tiếp xúc với mọi người vì nếu không lây cả Bộ Chính trị thì nguy to.
Ông Trần Đại Quang vẫn tiếp các nguyên thủ quốc gia và đi thăm nước ngoài thì mình phải hiểu là virut này có hiếm và độc hại đến mấy thì nó cũng không lây qua con đường sống thường, tiếp xúc thường, ví dụ qua con đường nước bọt, hô hấp, bắt tay, mà nó chỉ có thể lây qua con đường máu, tiêm chích, tình dục mà thôi. – BS. Đinh Đức Long
Theo bác sĩ Đinh Đức Long, virut dù có là loại hiếm đi chăng nữa thì vẫn tồn tại ở môi trường. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Quang bị mà nhiều người khác không bị?
Đinh Đức Long: về nguyên tắc, khi người ta nhiễm virut thì cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại. Vậy thì phải chăng virut chỉ là cái ngọn thôi. Tức là cơ thể ông Trần Đại Quang không thể sản xuất ra các yếu tố miễn dịch như tôi vừa nói…. Ông Triệu chỉ nói cái ngọn thôi. Cho nên là khả năng sức đề kháng của ông ấy kém nên cơ thể ông ấy không chống lại được sự xâm nhập virut từ bên ngoài vào và chết.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu cho báo chí trong nước biết là hiện thế giới chưa có loại thuốc nào có thể chữa trị được bệnh của Chủ tịch Trần Đại Quang mà chỉ có thể giúp chặn lại đẩy lui sự phát triển. Tuy nhiên, thời điểm này vào chu kỳ nên bệnh của Chủ tịch nước trở nặng.
Báo Thanh Niên trích lời Tiến sĩ Phạm Gia Khải, cố vấn Ban bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh lý máu ác tính và từng đi nước ngoài điều trị. Tuy nhiên do thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chỉ có thể điều trị duy trì khống chế bệnh.
Báo Thanh Niên cũng trích lời một bác sĩ khác giấu tên nói về việc ghép tủy trong điều trị bệnh máu ác tính và một số bệnh máu lành tính.
Thông tin này cộng với nhiều lời đồn đoán trên mạng từ lâu nay có thể làm cho người ta hiểu là Chủ tịch nước bị ung thư máu như tin đồn trước đó. Bác sĩ Đinh Đức Long giải thích thêm dựa trên các thông tin chính thức:
Đinh Đức Long: tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Bạch cầu là anh đầu tiên chống lại virut và vi khuẩn từ ngoài vào. Như vậy là khả năng miễn dịch của ông ấy kém mà cái đầu tiên là đáp ứng tủy. Cái gì gây ra? Độc chất, phóng xạ, một số thuốc men cũng gây ra ức chế tủy. Người bình thường thì cơ thể có thể sản sinh kháng thể hoặc người ta có thể truyền interferon, những chất kích thích miễn dịch, nhưng tất cả đây đều không cứu được, mà quá trình dài như vậy thì quá trình suy giảm miễn dịch đã kéo dài ít nhất 14 tháng từ khi phát hiện năm ngoái đến giờ. Đây chỉ là yếu tố cơ hội như nhiễm khuẩn….. Tôi nhớ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày cuối đời tặng họa phải tặng hoa nilon, sát trùng rồi, không thể tặng loại bình thường vì có thể nhiễm khuẩn….
Bản thân tôi không thể hiểu nổi virut hiếm và độc hại thế nào mà từ một nhân vật đang có tần suất hoạt động dày đặc cách đây chỉ vài ngày mà hôm nay chết rồi, chết đột ngột. Nó không tránh khỏi dư luận như trường hợp của Nguyễn Bá Thanh là cái chết của Trần Đại Quang là rất bất bình thường và đầy nghi vấn. – Nhà báo Phạm Chí Dũng
Trong chương trình hội luận với Đài Á Châu Tự Do vào cùng ngày, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập cũng đưa ra một số nghi ngờ xung quanh cái chết của Chủ tịch nước.
Phạm Chí Dũng: chúng ta để ý kỹ cụm từ hiếm và độc hại. Trong thời gian đầu năm 2015, khi đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ một bệnh viện ở Hoa Kỳ về Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu cũng xuất hiện khá thường xuyên và có những phát ngôn về bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh khá mập mờ và khó hiểu. Bản thân tôi không thể hiểu nổi virut hiếm và độc hại thế nào mà từ một nhân vật đang có tần suất hoạt động dày đặc cách đây chỉ vài ngày mà hôm nay chết rồi, chết đột ngột. Nó không tránh khỏi dư luận như trường hợp của Nguyễn Bá Thanh là cái chết của Trần Đại Quang là rất bất bình thường và đầy nghi vấn. Và nó giống như trường hợp Nguyễn Bá Thanh và trường hợp Phạm Quý Ngọ. Đó là dư luận nghi vấn rất nhiều trong xã hội. Thậm chí còn cho là Trần Đại Quang bị đầu độc hoặc bị tác động gì đó rất mạnh mà chết.
Ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã qua đời vào tháng 2/2015 sau một thời gian điều trị bệnh ở nước ngoài. Báo chí trong nước lúc đó cũng trích lời các bác sĩ Việt Nam chăm lo sức khỏe cho ông Thanh cho biết ông Thanh đã bị hội chứng rối loạn sinh tủy và đã được các bác sĩ Mỹ quyết định truyền hóa chất để tiến tới ghép tủy. Nhưng do vấn đề thể chất, ông Thanh đã không qua khỏi giai đoạn truyền hóa chất và phải đưa về Việt Nam. Ông Thanh cũng bị phát hiện bệnh trong một giai đoạn khoảng 1 năm trước khi qua đời.
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam qua đời đột ngột vào năm 2014 khi vẫn còn là ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng. Ông Ngọ có liên quan đến một vụ án tham nhũng đình đám vào giai đoạn đó ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, khai nhận là đã hối lộ ông Ngọ số tiền lên đến 1 triệu đô la Mỹ. Ông Phạm Quý Ngọ đã bác bỏ thông tin có liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng. Tuy nhiên ngay sau khi có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an của ông Ngọ do liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” trong vụ án Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, ông Phạm Quý Ngọ đã từ trần vì bệnh ung thư gan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-dai-quang-contract-virus-09212018144546.html
Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát kiếp gia công
Dù kim ngạch xuất khẩu được báo cáo liên tục tăng trong những năm qua và nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng khá; tuy nhiên, giá trị thực nhận được lại rất ít. Lý do được chỉ ra là do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công hàng hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như thế Việt Nam đang làm giàu cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực trạng làm công
Một báo cáo về dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 19/9 cho thấy, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ hưởng được một phần nhỏ từ phí gia công. Tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 được báo cáo là 8,6 tỷ USD.
Những ngành sản xuất mang lại nhiều kim ngạch cho Việt Nam được thuộc nhóm gia công, lắp ráp như điện thoại, máy tính, dệt may, da giày… Trong khi đó thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đều phát triển rất mạnh.
Các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, sử dụng nguồn vốn lớn còn các doanh nghiệp tư nhân VN thì không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
– TS. Huỳnh Bửu Sơn
Trong các cuộc họp chính phủ nhiều đại biểu quốc hội nêu rõ việc quá nhiều ưu đãi thu hút các dự án FDI nhưng lại chưa có chính sách hợp lý phát triển những ngành kinh tế phụ trợ quan trọng trong nước, Việt Nam có thể rơi vào “bẫy” gia công giá trị thấp.
Đồng tình với các đại biểu, Giáo sư- tiến sĩ Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, điều này đã được nhìn ra từ trước đây nhưng tiến trình khắc phục tình trạng này vẫn còn chậm.
Ông cho biết thêm: “Bởi vì hiện nay trong phát triển công nghiệp, VN vẫn đánh giá khu vực FDI là khu vực chuyên nghiệp hơn cả. Đồng thời nó cũng là cách thức để dẫn dắt những công nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân của VN tham gia mà chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là siêu nhỏ. Đây là một khó khăn lớn cho việc tiếp tục phát triển của công nghiệp VN.”
Vị chuyên gia này cho biết ngoài việc gia công hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu để thực hiện việc gia công sản phẩm đó.
Không đủ chuyên môn
Các chuyên gia kinh tế cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hiện nay vẫn còn rất yếu, bởi vì cơ cấu doanh nghiệp Việt thường quá nhỏ và không đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho thị trường toàn cầu.
Chuyên gia ngành ngân hàng, tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, cho biết nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đề xuất Việt Nam nên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu sản xuất trong nước để tăng thêm giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho biết:
“Trong một thời gian khá dài thì ngành công nghiệp phụ trợ này ít được để ý. Một phần do các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, sử dụng nguồn vốn lớn còn các doanh nghiệp tư nhân VN thì không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Chính vì vậy khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp VN chỉ dựa trên yếu tố là nhân công rẻ mà thôi nhưng mà hiện nay nhân công rẻ không còn là thế mạnh nữa là vì năng xuất lao động VN thấp hơn so với khu vực.”
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về tài chính, thì doanh nghiệp Việt Nam thiếu chuyên môn, thiếu công nghệ để sản xuất ra các hàng hóa, mà các nhà tiêu thụ cũng như là khách hàng nước ngoài đòi hỏi. Ông chia sẻ:
Ngoài ra, vị tiến sĩ còn có nhận xét các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ không muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt còn vì vấn đề liên quan đến quyền sở hựu trí tuệ, giải quyết tranh chấp.
Các doanh nghiệp FDI chỉ khai thác vị thế Việt Nam về thương mại, tài nguyên và lao động giá rẻ để đặt cơ sở gia công tại nước ngoài.
Cần phát triển công nghiệp phụ trợ
Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn cho rằng Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Nên chính phủ Việt Nam cần có thêm chính sách hỗ trợ, đầu tư vào ngành công nghiệp này vì trong tương lai có thể giúp Việt Nam thoát ra được vai trò gia công.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI được hưởng đủ chính sách ưu đãi của chính phủ, thế nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn thiếu nguồn cung vì các doanh nghiệp ngoại chỉ cung ứng cho công ty mẹ ở nước ngoài.
Để tạo nguồn cung bền vững trong nước, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để thu hút nhà đầu tư sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội. Ông cho biết:
“Cái nhìn chung của tôi là các công ty FDI vào VN đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế VN nhưng chính phủ VN phải có những chính sách để tiếp thu các công nghệ của doanh nghiệp FDI và dần giới hạn lại giảm thiểu sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp Việt Nam tự cường sản xuất hàng hóa bán cho thị trường nước ngoài. Và đặc biệt là tận dụng được liên hệ của các doanh nghiệp FDI với tổ chức quốc tế bởi vì thông thường rất nhiều doanh nghiệp FDI vào VN là những công ty con của các tập đoàn thế giới nên VN nên tập dụng để mở rộng cánh cửa với thế giới.”
Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc đều đồng ý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay thực chất chỉ là tận dụng giá nhân công thấp để làm giàu, và đóng góp không đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ cũng như quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.
‘Không còn một cái gì hết:’
Người Việt gắng gượng phục hồi sau bão Florence
Chị Trang Nguyễn về tới nhà và nhận ra rằng chị không thể ở đó được nữa, ít nhất là vào thời điểm này. Nước đã xâm nhập mọi ngóc ngách nhà chị và thấm ướt mọi đồ đạc chạm đất. Chị không lường được mình lại bị ngập nặng như vậy.
Tuân theo lệnh sơ tán bắt buộc của nhà chức trách, chị rời thành phố Wilmington bang North Carolina, nơi chị sinh sống gần 20 năm qua, vào giữa tuần trước khi cơn bão được cảnh báo là “cả đời có một” ào ạt tiến vào bang bờ Đông này của Mỹ.
Florence hạ cường độ từ cấp xoáy cuộn nhiệt đới xuống thành áp thấp nhiệt đới vài giờ sau khi đổ bộ, nhưng những cơn mưa xối xả và triều cường mà nó mang tới mới là ác mộng cho những cư dân bám trụ ở lại, khi sông hồ dâng nước gây ngập lụt nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Giờ nước đã phần nào rút đi. Nhiều người dân trong vùng đang trở về để đối diện một hiện thực ảm đạm: nhà ở và đồ gia dụng của họ đã bị nước làm hư hại. Và những người như chị Trang đang phải dần quen với những xáo trộn cuộc sống nghiêm trọng.
“Bây giờ cứ xách cái va-li chạy chỗ này một chút, chỗ kia một chút khổ muốn chết,” chị Trang nói với VOA qua điện thoại sau khi trở về nhà chị ở khu North Chase hôm thứ Năm từ Florida. “Vứt đồ nhiều lắm, tại vì trước khi đi tụi chị cũng không nghĩ là cơn bão này lớn dữ vậy, thành thử cũng không sắp xếp.”
Khoảng một chục nhà trong khu chị sống đều lâm vào tình cảnh như vậy, chị nói. Đồ đạc của họ chất đầy ngoài đường chờ xe rác tới dọn.
Chị Trang, chủ một tiệm làm móng và cũng làm môi giới địa ốc, cho biết chồng chị là cảnh sát và phải ở lại thành phố túc trực trong lúc chị đi tránh bão, nhờ vậy nên sớm phát hiện nhà bị ngập và bơm nước ra ngoài để hạn chế phần nào thiệt hại. Nhưng chị nói chị không có bảo hiểm lụt và điều này có nghĩa là chị phải tự bỏ tiền túi cho những chi phí sửa chữa hoặc dựa vào các chương trình hỗ trợ của liên bang.
Giờ đang tá túc tại nhà người thân trong thành phố, chị ước tính khoảng hai tuần tới một tháng nữa mới có thể trở về nhà, dù không chắc khi đó nhà sẽ được hồi phục nguyên trạng.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Trang. Đối với bà Nga Đỗ Erdman, những thiệt hại mà bà hứng chịu vượt ngoài sức tưởng tượng của bà. Căn nhà nơi bà sinh sống từ năm 2004 giờ “không còn một cái gì hết.”
Trả lời điện thoại của VOA chiều thứ Sáu, bà bật khóc khi được hỏi bà cảm thấy thế nào khi về lại nhà lần đầu tiên sau khi tránh bão.
“Không nói nên lời con à, không biết nói làm sao nữa,” bà nghẹn ngào trong nước mắt, nỗi đau xót khiến bà gần như lạc giọng. “Cô giống như người mất hồn vậy.”
Cũng sống trong khu North Chase của Wilmington, bà nói vì là nhà trệt nên bà không thể di chuyển đồ đạc đi đâu cả, và vì người chồng Mỹ của bà luôn cần điện để dùng máy trợ thở nên họ bắt buộc phải sơ tán.
Bà ước tính nước tràn vào nhà và dâng cao tới 4-5 feet (khoảng một mét hai tới một mét rưỡi). Mọi thứ đồ đạc từ bàn ghế, giường ngủ cho tới tủ lạnh, xe hơi đều không thể sử dụng được nữa và phải bỏ đi hết. Tình cảnh của bà càng thêm khốn quẫn vì nhà không có bảo hiểm lụt.
Hiện tại bà được người chủ tiệm làm móng nơi bà làm việc cho ở tạm. Nhưng bà không thôi nghĩ về căn nhà trống trơn của mình. Sự mất mát khiến bà cảm thấy gần như tuyệt vọng.
“Bây giờ cô không có tinh thần gì mà ăn uống mà cũng không nấu nữa,” bà nói.
Trong khi người dân bắt đầu nỗ lực dọn dẹp và tái thiết sau bão, những dịch vụ thiết yếu vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Khoảng 55,000 hộ dân và cơ sở kinh doanh, gần như toàn bộ ở bang North Carolina, vẫn còn trong tình trạng mất điện, hãng tin AP cho biết, trong khi các cơ sở kinh doanh chỉ mở cửa phục vụ trong một khoảng thời gian giới hạn trong ngày.
Đó là một thử thách đối với chị Châu Nguyễn, một cư dân ở thành phố New Bern cách Wilmington vài tiếng lái xe về hướng bắc.
Chị cho biết may mắn là nhà chị ở chỗ cao nên nước không vào tới trong nhà mà chỉ gây hư hại bên ngoài, nhưng tình trạng cúp điện kéo dài đang gây gián đoạn sinh hoạt hàng ngày.
“Tại vì nhà cũng có con nhỏ nên chưa có điện thì cũng rất là khó khăn,” chị nói, cho biết thêm rằng máy phát điện được người quen cho mượn không hoạt động.
Dù vậy chị nói chị vẫn để mắt giúp đỡ những đồng hương sống xung quanh bị thiệt hại nặng hơn. Đa phần họ là dân tộc thiểu số người Gia Rai ở trong những căn nhà di động ít kiên cố hơn, chị nói.
“Những người đó bị [thiệt hại] mái nhà, xe cộ. Họ nói họ có bảo hiểm rồi nhưng không biết làm thế nào. Mình giúp họ liên hệ với cộng đồng người Việt ở [thủ phủ] Raleigh để khai giấy tờ,” chị nói với VOA vào chiều thứ Năm.
Các hội người Việt ở các thành phố lớn ở North Carolina đang phối hợp nỗ lực để cố gắng giúp đỡ những đồng hương ở vùng bị ảnh hưởng do bão, theo lời Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia ở Charlotte, Nguyễn Thu Hương.
Tuy nhiên bà nói hiện giờ vì năng lực có hạn nên hội của bà chỉ có thể đáp ứng được những yêu cầu hỗ trợ đơn lẻ từ những người liên lạc trực tiếp với hội hoặc những trường hợp mà hội biết tới. Hơn nữa đường sá tới một số vùng bị ảnh hưởng vẫn còn bị phong tỏa nên nỗ lực cứu trợ bị hạn chế ít nhiều.
Nhiều nơi trên tuyến đường bắc-nam ở bờ Đông, Interstate 95, và tuyến đường chính tới Wilmington, Interstate 40, vẫn bị ngập và có phần chắc vẫn sẽ đóng cho tới ít nhất là gần cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ giao thông bang North Carolina, Jim Trogdon, nói.
Hơn một ngàn con đường khác từ những đường cao tốc chính cho tới những ngõ nhỏ trong các khu dân cư hiện đang bị đóng ở cả hai bang North và South Carolina. Một số đường đã bị cuốn trôi hoàn toàn.
Thống đốc North Carolina Roy Cooper nói ông biết thiệt hại trong bang của ông sẽ lên tới hàng tỉ đôla, nhưng nói rằng với những ảnh hưởng tiếp diễn của cơn bão, không có cách gì có thể đưa ra ước tính chính xác được.
Ghé qua căn nhà bị ngập của bà hôm thứ Sáu ở Wilmington, bà Nga Đỗ Erdman theo dõi công tác sửa chữa bắt đầu với việc tháo dỡ những tấm ván ướt sũng nước. Người bạn thân của bà cũng tới để động viên tinh thần và giúp đỡ.
“Không biết khi nào mới sửa xong được nữa,” bà nói giữa những tiếng khoan cắt rào rào từ đằng xa.
Muốn giúp đỡ những đồng hương bị ảnh hưởng bởi Bão Florence, xin liên lạc với Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Charlotte tại đây hoặc Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Raleigh tại đây để biết thêm chi tiết.
Xem thông báo kêu gọi và hướng dẫn quyên góp cứu trợ của Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Raleigh tại đây.