Tin Việt Nam – 22/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/08/2018

Ninh Thuận xét xử thêm 6 người biểu tình

Tòa án Nhân dân thành phố Phan Rang –  Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận ngày 22 tháng 8 tuyên án 6 người tham gia biểu tình hôm 10 và 11 tháng 6 tại địa phương với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.

Sáu người bị đưa ra xét xử gồm anh Nguyễn Văn Nghĩa 29 tuổi, chịu mức án cao nhất là 2 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Lừng (40 tuổi) 1 năm tù, bà Nguyễn Thị Như Hòa (43 tuổi) 9 tháng tù giam, anh Nguyễn Hữu Thành (27 tuổi) 8 tháng tù giam, hai anh Nguyễn Đoàn Phước Mỹ và Trương Anh Kiệt chưa đủ 18 tuổi nên mỗi người 6 tháng tù treo.

Theo cáo trạng, vào tối ngày 10 tháng và sáng ngày 11 tháng 6, một nhóm người bị cho là quá khích đã kích động và hò hét trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Sau đó 6 người đã gia nhập và anh Nguyễn Văn Nghĩa được nói là đã chặn xe khách và cầm chai xăng và bật lửa dọa đốt.

Cáo trạng cũng nêu rằng 6 người còn ném đá vào trụ sở công an phường khi công an tới giải tán đám đông. Cáo trạng nêu thêm anh Nguyễn Hữu Thành đã la hét ngăn không cho cơ quan chức năng đưa một nhân viên công an đi cấp cứu.

Như vậy cho đến ngày 22 tháng 8 tỉnh Ninh Thuận đã đưa 23 người tham gia cuộc biểu tình 10 và 11 tháng 6 ra xét xử và tuyên án.

Ngày 10/6, trên cả nước diễn ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm và dự luật an ninh mạng mà hiện nay đã được thông qua và chính thức được áp dụng từ sang năm. Người dân cho rằng luật đặc khu sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ của VN, trong khi luật an ninh mạng nhằm bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt của họ.

Đây được nhận xét là cuộc biểu tình lớn nhất ở VN sau năm 1975.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/six-more-demonstrators-in-ninh-thuan-province-sentenced-to-prison-08222018083211.html

 

Việt Nam tuyên án tù 14 năm

và trục xuất hai công dân Mỹ

Sau hai ngày xét xử, tòa án nhân dân TPHCM hôm 22/8 tuyên cùng mức án 14 năm tù cho hai công dân Mỹ gốc Việt Angel Phan và James Nguyen về tội “hoạt động nhằm chống phá chính quyền nhân dân”. Cả hai sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam sau thời gian thụ án.

Cáo trạng tòa án nói ông James Nguyen, 51 tuổi, bà Angel Phan, 62 tuổi, cùng 10 công dân Việt Nam khác bị xét xử chung đều là thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” ở Mỹ. Nhóm này đã thực hiện các “hoạt động chống phá” theo chỉ đạo của người đứng đầu tổ chức là ông Đào Minh Quân.

James Nguyen va Angel Phan bị buộc tội đã tổ chức ít nhất 3 vụ tấn công, trong đó có vụ đánh bom sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4 năm ngoái và vụ đánh bom vào một đồn công an hồi tháng 6 năm nay.

Cùng bị tuyên án với hai công dân Mỹ trên là 10 người Việt Nam khác, với các mức án từ 5-11 năm tù với cùng tội danh.

Tòa án Việt Nam nói nhóm 12 người đã “lợi dụng chính sách phát triển mạng internet của nhà nước” để “lôi kéo, kích động nhiều người, tuyên truyền xuyên tạc chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam”, hành động của họ là “đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia, và đi ngược lại lợi ích của Việt Nam”, theo Người Lao Động.

Theo cáo buộc của Việt Nam, ông James Nguyen và bà Angel Phan được tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” phong hàm đại tá và giao điều hành, phát triển mạng lưới hoạt động ngầm tại Việt Nam.

Cả hai đã giao nhiệm vụ “phản cách mạng” cho các thành viên tại Việt Nam, trong đó có công tác đột nhập vào các cơ quan phát thanh địa phương để chèn sóng phát thanh “bài tuyên truyền” của ông Đào Minh Quân, thực hiện rải truyền đơn, kêu gọi biểu tình phản đối Formosa, xúc phạm hình ảnh Hồ Chí Minh và ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, công an Việt Nam nói hầu hết các hoạt động trên đã bị ngăn chặn.

Hồi đầu năm nay, Việt Nam liệt kê tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, có trụ sở ở California, Mỹ, vào danh sách “khủng bố”.

Vào tháng 6, Tòa án ở TPHCM giữ nguyên bản án từ 5-16 năm tù đối với 15 thành viên của tổ chức về âm mưu đánh bom sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong dịp 30/4 năm ngoái.

Trước đó, một số thành viên của nhóm này còn bị quy trách nhiệm trong vụ đốt một kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP Biên Hòa, phá hủy 320 chiếc xe, gây tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-tuyen-an-tu-14-n%C4%83m-va-truc-xuat-2-cong-dan-my/4539405.html

 

Những tù nhân lương tâm

người Thượng Tây Nguyên bị bỏ rơi

Nhiều người Thượng Tây Nguyên bị chính quyền Hà Nội bỏ tù vì tham gia các cuộc biểu tình tại địa phương từ những năm 2000 đến nay vẫn đang bị giam giữ sau hơn mười năm tuyên án. Đa phần trong số này đều bị ‘bỏ rơi’ trong tù vì không có ai thăm nuôi.

Mười năm không có ai thăm nuôi

Chị Huyền Trang, vợ của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, sau chuyến đi thăm gần nhất trong tháng 8 thuật lại với chúng tôi điều mà chồng bà kể về hoàn cảnh của những người Thượng Tây Nguyên hiện nay đang bị giam chung với ông tại trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam.

Trong phòng giam của anh Trội có 8 người thì có 4 đến 5 người là người Thượng ở Tây Nguyên mà không có người thăm nuôi đâu. Hoàn cảnh của họ rất đáng thương. Có trường hợp của một anh này: lần trước anh Trội đi tù đã gặp rồi, lần này vào thì vẫn gặp anh đấy. Mười năm nay rồi anh ấy không có ai thăm nuôi.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân lương tâm, hiện đang sống tại Đức cho chúng tôi biết số lượng người Thượng bị bỏ tù trong thời gian ông chịu án lên tới 200 người.

Vào thời kỳ tôi bị cầm tù lần đầu tiên vào năm 2007-2011 thì tôi được ở chung với khoảng độ 200 người Thượng Tây Nguyên. Họ đều là những người Tin Lành và những người đầu tiên bị cầm tù bắt đầu từ năm 2001. Những người tiếp theo bị bắt vào những năm 2004 cho đến 2008. Họ đều bị những bản án rất nặng nề, thường từ 7 năm đến 18 năm ở trong trại giam Hà Nam.

Lần trước anh Trội đi tù đã gặp rồi, lần này vào thì vẫn gặp anh đấy. Mười năm nay rồi anh ấy không có ai thăm nuôi.

-Vợ của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội

Luật sư Đài cho biết sau khi ông mãn án lần thứ nhất vào năm 2011 thì chính quyền đã phân phối số lượng người Thượng kể trên đi nhiều nhà tù khác như nhà tù Phú Sơn ở Thái Nguyên, một số nhà tù ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, phụ trách Hội thánh Mennonite Độc lập, người đã nhiều lần trực tiếp đến thăm các tù nhân người Thượng và gia đình của họ ở Tây Nguyên xác nhận rằng vẫn còn số lượng lớn người Thượng đang phải chịu án tù.

Tôi mới gặp một anh dân tộc Ba Na đi tù có cha cũng đi tù ở ngoài miền Bắc. Anh đó đi về thì nói với tôi là còn nhiều lắm thầy ơi. Có 3, 4 người Ba Na kế làng của ảnh cũng còn ở tù.

Được biết, đa phần những người Thượng Tây Nguyên đang bị giam giữ đều có hoàn cảnh rất nghèo khó. Nhiều người bị giam ở tận phía Bắc nên gia đình họ không có điều kiện đến thăm nuôi. Mặt khác, an ninh địa phương thường xuyên sách nhiễu, đe dọa tinh thần của gia đình họ nếu nhận sự hỗ trợ từ người khác. Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định.

An ninh địa phương rất độc ác. Khi họ biết tôi đến thăm thì họ lập tức triệu tập những người vợ của những người tù đó lên để thẩm vấn liên tục suốt hàng tuần. Họ hỏi là tôi đến có giúp đỡ gì không, có hứa hẹn gì không và đe dọa là nếu còn liên hệ với tôi thì sẽ bắt đi tù và không cho ra. Cho nên mặc dù tôi đã vận động được tài chính để hỗ trợ cho họ đi từ Tây Nguyên ra Hà Nội và lên Thái Nguyên để thăm chồng nhưng vì họ rất sợ an ninh địa phương nên họ không dám đi và cũng không dám nhận tiền.

Luật sư Đài hiện đang ở Đức và cho biết ông vẫn tìm cách liên lạc những gia đình tù nhân người Thượng Tây Nguyên đang còn chịu lao tù để giúp đỡ họ nhưng hầu như tất cả những người liên lạc được đều từ chối.

Án tù nặng vì đòi hỏi quyền con người

Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết những người Thượng Tây Nguyên đang phải chịu các án hơn chục năm tù đều là những người lãnh đạo lớn tuổi, có uy tín trong các buôn làng. Mục sư Quang giải thích lý do gây ra mâu thuẫn giữa người Thượng và chính quyền địa phương như sau.

Cái đường chuẩn bị mở qua, một mét vuông hàng mấy chục triệu mà họ (chính quyền) biết, mua và đẩy hết người sắc tộc vào sâu trong rừng. Chuyện đó rất là bất công. Người dân tộc họ cũng biết, nhận thức được cho nên những người hiểu biết đó họ lãnh đạo cuộc đấu tranh về đất đai rồi về vấn đề thờ phượng.

Người dân khát vọng quyền cơ bản của công dân quy định theo Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chứ họ cũng không mơ đòi gì cao sang.

– Mục sư Nguyễn Hồng Quang

Sau các cuộc biểu tình đông người tại Tây Nguyên những năm 2001, 2004, Chính phủ Hà Nội tuyên các án tù nặng nề cho hàng trăm người Thượng tham gia biểu tình với các cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’, ‘phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc’, hay ‘gây rối trật tự công cộng.’ Mục sư Nguyễn Hồng Quang có mặt trong các vụ mâu thuẫn tại Tây Nguyên năm 2004 nhận định các cáo buộc trên của phía chính quyền.

Phá rối gì ‘an ninh’? Vì ‘an ninh’ ở địa phương đó là nguồn sống, là khát vọng của người dân ở đó mà. Vì an ninh, vì tự do, vì cuộc sống bình an, hạnh phúc, vì quyền sống mà họ yêu cầu những cán bộ, đảng viên làm vi phạm chính sách dân tộc, chính sách đoàn kết, chính sách quyền lợi làm ngược ngạo. Nói với người sắc tộc một đằng – làm một nẻo, đàn áp họ thì họ nổi lên. Chuyện này người Kinh còn có, đảng viên còn có. Động cơ bên trong của người dân tộc thì tôi nghĩ rất bình thường. Nhu cầu dân sinh, nhân quyền không được đáp ứng. Người dân khát vọng quyền cơ bản của công dân quy định theo Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chứ họ cũng không mơ đòi gì cao sang.

Trả tự do vì nhân đạo và lương tâm

Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định với chúng tôi các hành vi sách nhiễu và đe dọa tình thần gia đình tù nhân người Thượng Tây Nguyên vẫn đang diễn ra.

Mục đích của nhà cầm quyền cộng sản và đặc biệt là an ninh khu vực Tây Nguyên là tìm mọi cách triệt hạ những người có tinh thần đấu tranh cho tự do tôn giáo ở đó, làm cho gia đình của họ lâm vào tình cảnh khó khăn. Những người trong tù bị bỏ rơi, không còn khả năng kháng cự. Những người mà còn ở tù thời điểm này thì thường bị kết án rất cao từ 14 năm đến 18 năm và họ cương quyết không nhận tội nên họ không được giảm án.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang mong muốn chính phủ Hà Nội hãy xem xét trả tự do cho những tù nhân người Thượng Tây Nguyên.

Yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho họ vì lý do nhân đạo và lương tâm vì họ phản kháng cũng chỉ vì tồn sinh thôi. Hành động phản kháng những áp bức, bất công cũng là lẽ đương nhiên của con người. Họ bị giam lâu quá tôi thấy rất đau khổ. Mỗi lần lên thăm một vài gia đình thấy nước mắt của vợ con họ mà mình không cầm được.

Phúc trình của Tổ chức Nhân Quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận Động Bãi Bỏ Tra Tấn tại Việt Nam (CAT-VN) vào hôm 3/5/2018 cũng nêu rõ việc cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Thiên Chúa Giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, hay còn gọi là người Montagnards.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/montagnard-prisoners-are-abandoned-08212018123827.html

 

Lãnh đạo không đến dự những phiên xử bị dân kiện

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội Việt Nam vào sáng 22 tháng 8 nêu vấn đề tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Tư pháp là tại sao cho đến nay không có lãnh đạo UBND nào tham gia các phiên tòa hành chính có liên quan đến chính quyền.

Cụ thể trong 3 năm 2015-2017, Toà án nhân dân Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban tham gia tố tụng.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch và đại diện uỷ ban nhân dân vắng mặt tại toà án thành phố.

Tại phiên họp, đoàn giám sát cho biết, tỷ lệ các lãnh đạo UBND và người đại diện không tham gia phiên tòa năm 2017 cao gấp 3 lần so với trước khi thực hiện luật tố tụng hành chính 2015.

Thường trực Ủy ban Tư pháp, bà Nguyễn Thị Thủy, cho hay sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành, có những địa phương, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng nhưng thực tế phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng sở dĩ co những chuyện như trên vì có yếu tố ngại va chạm trong quá trình thực hiện việc kiểm sát, xét xử, thi hành án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi lãnh đạo UBND không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, không tham gia phiên tòa, như vậy có tôn trọng luật của Quốc hội không?

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/get-sued-but-no-goverment-leader-goes-to-court-08222018081718.html

 

Giữ nguyên kỷ luật xóa tên Luật sư Phạm Công Út

Luật sư Phạm Công Út, người từng lên tiếng tố cáo thẩm phán và chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bị Ban Thường Vụ Liên Đoàn Luật sư giữ nguyên hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư đồng thời thu hồi thẻ luật sư do Liên Đoàn này cấp.

Ban Thường Vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cũng bàn giao cho Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục đề nghị Bộ Tư Pháp chính phủ Hà Nội thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Phạm Công Út.

Truyền thông trong nước loan tin ngày 22 tháng 8 như vừa nêu.

Vào tháng 3 vừa qua, luật sư Phạm Công Út bị Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh xóa tên khỏi đoàn luật sư thành phố. Lý do được đưa ra là Luật sư Phạm Công Út ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng và nhận 1 tỷ đồng, tiếp đến sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được; tuy nhiên Luật sư Phạm Công Út đã không thực hiện theo hợp đồng mà không hoàn lại tiền đã nhận cho người ký.

Tuy nhiên, sau đó Luật sư Phạm Công Út có đơn khiếu nại gửi đến Ban Thường Vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam lập luận vụ việc chỉ là quan hệ dân sự vì vậy Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có trách nhiệm hòa giải chứ không có quyền kỷ luật bản thân ông. Biện pháp kỷ luật của Đoàn Luật sư Tp HCM là không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư Phạm Công Út.

Liên Đoàn Luật sứ Việt Nam lại cho rằng quan hệ trong vụ việc thuộc quan hệ hành nghề luật sư và ông Phạm Công Út vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nên phải bị kỷ luật.

Luật sư Phạm Công Út là người tham gia bào chữa trong một số vụ án quan trọng tại Việt Nam. Vụ án oan Huỳnh Văn Nén là một trong những vụ được nhiều người biết đến có sự tham gia bào của luật sư Phạm Công Út.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/critical-lawyer-stripped-of-membership-08222018101402.html

 

Phim Mẹ Vắng Nhà được chiếu toàn thế giới:

 “Không thể ngờ!”

Đạo diễn Clay Phạm, người trực tiếp quay cuốn phim tài liệu trong vòng 2 tháng và trải qua 4 tháng hậu kỳ đã cho biết ông rất bất ngờ khi bộ phim Mẹ Vắng Nhà nói về gia đình TNLT Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ Nấm được đem trình chiếu trên toàn thế giới.

Bộ phim Mẹ Vắng Nhà nói về cuộc sống gia đình của nữ tù nhân lương tâm – blogger Mẹ Nấm gồm bà ngoại của cô, mẹ – bà Nguyễn Thị Tuyết Lan và 2 đứa con nhỏ. Họ phải vật lộn với cuộc sống đời thường mà người trụ cột đang phải thụ án tù 10 năm vì tranh đấu cho môi trường và các nạn nhân chết trong đồn công an.

Mặc dù bộ phim bị cấm chiếu lần 2 ở Thái Lan nhưng sau đó nó đã được đem đến các nước như Úc, Mỹ, Canada, Đài Loan, Philippines và luôn cả ở 1 số giáo xứ Công giáo và Tòa đại sứ nước ngoài tại Việt Nam. Sắp tới đây sẽ là các nước Châu Âu và 1 số bang của Hoa Kỳ.

“Không thể ngờ!”

Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc điều hành của tổ chức VOICE, người đem bộ phim đi chiếu ở các nước nói rằng, trong cuộc đời hoạt động 26 năm về vấn đề tị nạn và 10 năm tranh đấu cho nhân quyền thì đây là sự kiện hiếm thấy.

Dư luận mình cũng không ngờ được, có lẽ đây là lần đầu tiên một sự kiện về tù nhân lương tâm (TNLT) mà mọi người quan tâm đến độ đó.

Chưa bao giờ có cảnh vận động cho nhân quyền, cho TNLT mà có đến hàng trăm, chưa nói đến là hàng ngàn người đếm dự.

Ở Texas vừa qua là 1.500 người đến xem.

Cũng cùng 1 câu chuyện đó, cũng cùng 1 lần nói chuyện đó mà tôi cũng không bao giờ ngờ được có nhiều người đến vậy”, ông Trịnh Hội nói với chúng tôi qua điện thoại sau khi hoàn thành buổi chiếu ở Đài Loan.

Đạo diễn Clay Phạm, một người trẻ ở trong nước nói rằng ông làm phim với chỉ 1 lý do đơn giản là ghi lại cuộc sống của gia đình nữ TNLT này và khi cô về sẽ được xem lại quãng thời gian khi mình vắng nhà thì các con đã lớn như thế nào.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là bộ phim đầu tay được làm từ cảm xúc của người đạo diễn trẻ và đã chạm đến cảm xúc của nhiều người.

Bản thân sống gần gũi với cô Lan (mẹ của blogger Mẹ Nấm) thì Clay đã đôi khi khóc rất nhiều trong những lần quay phim vì những câu chuyện kể của cô quá nhân bản quá con người.

Ví dụ như khi kể chuyện tuổi nhỏ học hành thế nào, tụi nó khóc thế nào, nhớ mẹ ra sao là đủ để mình cảm động rồi.

Bản thân câu chuyện của Quỳnh là 1 câu chuyện rất là hay, Clay nghĩ là những cái xuất phát từ tấm lòng chân tình mình dành cho cô Lan qua việc mình cảm nhận về cái đời sống của cô”, người đảm nhiệm nhiều vai trò trong cuốn phim tài liệu kể lại.

Bị cấm xuất cảnh vĩnh viễn vì làm phim về TNLT

Cuối năm 2017, ông Clay Phạm bị cơ quan an ninh tịch thu passport Việt Nam và được thông báo là bị cấm xuất cảnh vĩnh viễn do “dám làm” một cuốn phim về Tù nhân lương tâm.

Sau khi làm xong cuốn phim thì họ có thể biết được nơi Clay đang sinh sống dựa vào số Chứng minh nhân dân.

Đến khi có việc ra nước ngoài vào cuối năm 2017 thì họ câu lưu tôi một ngày ở sân bay Tân Sơn Nhất, họ tịch thu passport, máy tính và tất cả dụng cụ cá nhân của tôi.

Hai ngày sau họ mời lên làm việc, họ hỏi rất nhiều về việc làm phim như thế nào, thiết bị ra sao…

Cuối buổi họ thông báo với Clay là bị cấm xuất cảnh vĩnh viễn.

Mình có hỏi lý do vì sao, họ nói là vì có liên quan đến tổ chức nào đó và vì làm phim có liên quan đến TNLT”.

Tỷ lệ thuận với độ phủ sóng của cuốn phim là mức độ nguy hiểm cho bản thân người đạo diễn này và gia đình của ông tăng lên đáng kể.

Bản thân ông đang sống ở một nơi an toàn không được tiết lộ, tuy không thể sống ở Sài Gòn và cũng không thể về quê, gia đình gồm mẹ và bà của ông cũng phải đi ở nhờ nhà người khác vì an ninh liên tục quấy nhiễu gia đình.

Dù vậy, theo luật sư Trịnh Hội thì đó là “một phần của cuộc chơi”.

Nói về sự an toàn là đúng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến Clay Phạm và những người trong gia đình Clay Phạm. Nhưng mà thôi đó là 1 cái điều mà chúng ta phải đánh đổi.

Chúng ta thường nghe câu: Freedom is not free – Sự tự do không bao giờ là miễn phí.

Nếu như những người trong chúng ta xác nhận được điều đó và dám đứng lên đòi quyền con người mà tất cả chúng ta ai cũng đáng được hưởng thì đất nước Việt Nam ta sẽ thay đổi.”

 “Bộ phim có nhiều thông tin sai lệch”

Ngày 5/7, ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời về thông tin cuốn phim Mẹ vắng nhà bị cấm chiếu lần 2 vào ngày 4/7 tại Câu lạc bộ báo chí quốc tế tại Bangkok do có khiếu nại từ Đại sứ quán Việt Nam.

“Chúng tôi được biết là đây là một bộ phim có nhiều thông tin sai lệch về một cá nhân đã bị xét xử và đang thi hành án theo pháp luật Việt Nam.

Chúng tôi hiểu rằng Thái Lan cũng ý thức được việc này”, ông Nguyễn Toàn Thắng trả lời câu hỏi của hãng tin AFP.

Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự Việt Nam – VOICE ngày 19/7 ra thông cáo khẳng định sự việc Đại sứ quán VN tại Thái Lan ngăn cản buổi trình chiếu cuốn phim tài liệu Mẹ Vắng Nhà hồi đầu tháng đã góp phần “quảng cáo bộ phim” theo cách mà tổ chức này cũng không ngờ tới.

Luật sư Trịnh Hội cho hay, đây là bộ phim đầu tiên và chắc chắn không phải là bộ phim cuối cùng.

VOICE mong rằng với bước đi đầu tiên của cuốn phim Mẹ Vắng Nhà với sự can đảm của nhà đạo diễn Clay Phạm đã bỏ qua sự an toàn của mình để quay cuốn phim này, thì nó sẽ là động lực để tuổi trẻ Việt Nam khác dám đứng lên làm những cuốn phim không chỉ là về TNLT mà bao gồm các vấn đề bức bách trong xã hội như vấn đề bị cướp đất hay vấn đề công an đánh người dân như thế nào.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-mother-away-received-worldwide-welcome-08212018132254.html

 

Hai năm đàn áp khốc liệt

phong trào dân sự tại Việt Nam

Kính Hòa RFA

Sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2016, người ta nhận thấy việc đàn áp giới bất đồng chính kiến trong nước và giới hoạt động dân sự tại Việt Nam ngày càng dữ dội.

Theo quan sát của nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, hiện sống ở Sài Gòn thì năm 2017 có đến 30 người bị bắt, sang đầu năm 2018 thì sự đàn áp nhẹ hơn đôi chút, nhưng sau cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu ngày 10/6 lại có sự đàn áp rất mạnh mẽ. Gần nhất là việc công an tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt bớ và đánh đập những người tham dự đêm ca nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín tại thành phố này vào ngày 15/8. Một trong những người tham gia là nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang bị đánh bị thương nặng phải nằm bệnh viện.

Ông Phạm Chí Dũng giải thích sự đàn áp leo thang dữ dội đó:

Cùng một hành vi, nhưng trước đây người ta chỉ truy tố tội lợi dụng dân chủ gì đấy… với điều 258 luật hình sự có khung án tối đa có 7 năm. Nhưng cũng hành vi đó, trong một hai năm trở lại đây người ta lại đưa ra những điều rất khốc liệt như điều 79 hoặc 88 với khung án rất nặng nề.

-Ông Võ Văn Tạo.

“Cá nhân Đoan Trang và những người đi dự cà phê bị đàn áp như vậy, nó vừa cho thấy sự đàn áp dã man của giai đoạn cuối toàn trị nó như thế nào. Nó cũng cho thấy là công an được lệnh trên không dám bắt Đoan Trang, để đảm bảo cho Việt Nam hanh thông vận hạn cho việc đi vào hiệp định tự do thương mại với Châu Âu, họ trả thù, trả đũa bằng cách nặng tay đánh đập, đánh cho bõ ghét.”

Việc gia tăng đàn áp không những thể hiện ở mức độ tàn khốc của việc đánh đập, số lượng người bị bắt, mà còn thể hiện ở những bản án nặng nề. Nhà báo Võ Văn Tạo sống ở Nha Trang cho biết:

“Cùng một hành vi, nhưng trước đây người ta chỉ truy tố tội lợi dụng dân chủ gì đấy… với điều 258 luật hình sự có khung án tối đa có 7 năm. Nhưng cũng hành vi đó, trong một hai năm trở lại đây người ta lại đưa ra những điều rất khốc liệt như điều 79 hoặc 88 với khung án rất nặng nề, tội tuyên truyền lật đổ nhà nước, tội bạo động,… khung án nặng hơn rất nhiều so với trước kia.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội, có ba nguyên nhân dẫn đến sự đàn áp dữ dội giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động dân sự. Một là sự lớn mạnh của những phong trào dân sự trong nước; tiếp đến do sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 vào đầu năm 2016 có một giới lãnh đạo cứng rắn lên cầm quyền, và thứ ba là sự nổi lên của những phong trào dân túy trên thế giới cũng có ảnh hưởng đến thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam.

Trong 3 nguyên nhân này, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên nhân đầu tiên là quan trọng nhất:

Nguyên nhân chính là phong trào trong nước lên rất là mạnh. Họ rất là sợ, mà khi họ sợ thì họ chỉ có hai cách, một là tuyên truyền nói xấu, thứ hai là đàn áp. Đó là hai cách cổ điển của tất cả các chế độ cộng sản, mà không chỉ cộng sản mà là tất cả các chế độ độc tài.”

Việc đàn áp mạnh tay của nhà cầm quyền có làm ảnh hưởng đến phong trào dân sự trong nước hay không?

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng sự hoạt động của những tổ chức dân sự thật sự bị giảm đến 30%.

Tuy vậy ngay những người hoạt động xã hội dân sự cũng ngạc nhiên trước sự kiện 10/6 khi có những cuộc biểu tình lớn trên cả nước qui tụ hàng ngàn người chống dự luật đặc khu.

Theo hai nhà báo Phạm Chí Dũng và Võ Văn Tạo thì cuộc biểu tình không hẳn là kết quả của phong trào dân sự, mà nó là sự lo lắng truyền thống của người dân Việt Nam trước mối đe dọa từ Trung Quốc, vì người ta lo rằng những với điều khoản cho thuê đất tại các đặc khu, người Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế nước Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Võ Văn Tạo, chính những người hoạt động dân sự đã phân tích dự luật này trên mạng xã hội, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến dân chúng, tạo nên những cuộc biểu tình được cho là đông người nhất kể từ sau năm 1975.

Theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng, hoạt động xã hội dân sự tới đây sẽ vẫn duy trì theo công thức tương tác qua lại với nhau giữa mạng xã hội và cuộc sống ngoài đời:

Rất nhiều vụ việc bắt đầu trên mạng, chẳng hạn như Formosa, bảo vệ Sơn Trà,… chọn không gian mạng xã hội là không gian chính, sau đó lan sang đời thực. Những hoạt động đời thực khi được mô tả qua mạng xã hội lại gây thêm sự chú ý. Mà khi gây sự chú ý thì lại khuyến khích người ta có thêm hành động trên đời thực. Cứ tương tác qua lại với nhau như vậy.”

Theo quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong cuộc biểu tình ngày 10/6 có rất nhiều người chưa hề tham gia hoạt động dân sự bao giờ, mặc dù có những cuộc đàn áp và bắt bớ, những người này sẽ là những thành viên mới làm cho phong trào dân sự mạnh hơn lên.

Theo ông Võ Văn Tạo thì những cuộc biểu tình đông người vào ngày 10/6 đã làm cho nhiều người không còn sợ hãi nữa:

Nguyên nhân chính là phong trào trong nước lên rất là mạnh. Họ rất là sợ, mà khi họ sợ thì họ chỉ có hai cách, một là tuyên truyền nói xấu, thứ hai là đàn áp.

-Ông Nguyễn Quang A.

Số lượng như thế, đưa lên truyền thông như thế, mặc dù báo nhà nước tránh né hoặc xuyên tạc nó đi, như là do thế lực nước ngoài kích động, hay phản động gì đấy, … Mọi người thấy rằng là nếu như có những cuộc xuống đường chính đáng với số người dân tham gia thật đông, thì lực lượng đàn áp bị vô hiệu hóa.”

Ông Phạm Chí Dũng cho biết những cuộc biểu tình ngày 10/6, mặc dù bắt đầu bằng việc phản đối dự luật đặc khu, thậm chí có lời đồn rằng có một số người nào đó trong hệ thống nhà nước hiện hành không đồng tình với nhóm người đang cầm quyền hiện nay cũng tham gia kích hoạt cuộc biểu tình, nhưng ông Phạm Chí Dũng thấy rằng những người biểu tình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, hô cả những khẩu hiệu khác, trong đó có cả đả đảo Đảng Cộng sản đang cầm quyền.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/two-years-cracked-down-08212018124740.html

 

Ga ngầm Hà Nội ‘có làm nghiêng Hồ Gươm’?

phá hủy không gian văn hóa lịch sử này.

Vi phạm luật

“Tôi hết sức lo ngại khi tuyến đường sắt 2b và 2c, thuộc dự án ga ngầm C9, chạy dưới đường Đinh Tiên Hoàng và đường Lê Thái Tổ kẹp hai bên Hồ Gươm.”

“Dự án ga ngầm C9 vừa vi phạm di tích quốc gia vừa vi phạm Luật Di sản và Văn hóa,” tiến sỹ Hà Đình Đức, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội, nói với BBC ngày 22/8.

Ga C9 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Theo phương án quy hoạch, ga này được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm – khu vực xung quanh Hồ Gươm, Hà Nội.

“Khoảng cách ngắn nhất từ nhà ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 10m, tới tượng đài Cảm Tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút có 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m,” ông Đức nói với BBC.

Hà Nội ‘nước lụt tận giường, chèo thuyền trong phố’

Thân phận gấu tại Việt Nam

Đại sứ áo dài Sài Gòn lại là người Hà Nội?

Ông Đức cho hay, di sản văn hóa được chia làm ba vùng, trong đó khu vực Hồ Gươm và đường quanh hồ thuộc “vùng lõi, bất khả xâm phạm”.

Hồ Gươm, hay còn gọi là Hoàn Kiếm, cùng với đền Ngọc Sơn, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng mới đây đã gửi văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng.

Văn bản này nêu rõ phương án tuyến đường sắt đô thị số 2, với ga ngầm C9 đặt ở khu vực Hồ Gươm) không chỉ vi phạm Luật Di sản Văn hóa mà còn xâm phạm không gian văn hóa đặc biệt của Thủ đô, theo truyền thông Việt Nam.

Có thể làm nghiêng Hồ Gươm

“Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, độ sâu Hồ Gươm chỗ sâu nhất là 1,20 m còn độ sâu trung bình chỉ khoảng 0,80 – 0,90 m. Nếu đào đường hầm bằng công nghệ ép với áp lực cao thì đáy Hồ Gươm sẽ bị đội lên là điều chắc chắn bởi vì vùng đất này rất mềm và không có điểm tựa khi bị dồn nén,” ông Hà Đình Đức nói với BBC.

Giới khoa học trước đây đã từng đưa ra nhiều lời cảnh báo tương tự về ảnh hưởng của việc xây dựng ga C9 tới đất nền và các di tích quanh Hồ Gươm.

Kiến trúc sư Nguyễn Quang Huy (Phòng tư vấn kiến trúc, xây dựng Hà Nội) được VTC dẫn lời, nói việc sử dụng công nghệ ép đất trong xây dựng nhà ga C9 chắc chắn ảnh hưởng dây chuyền đến lòng đất, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm.

“Lực ép quá lớn có thể khiến cho Hồ Gươm bị nghiêng so với bề mặt,” ông Huy nói. “Chúng ta chưa thể dám đảm bảo bất cứ một điều gì sẽ không xảy đến với Hồ Gươm, với độ sâu trên 1,60 m như hiện nay.”

Đứng dưới gốc độ văn hóa lịch sử, kiến trúc sư Lê Hồng Kế cho rằng công trình hiện đại này sẽ làm mất đi vẻ cổ kính của khu vực Hồ Gươm vốn được coi là mảnh đất linh thiêng từ ngàn đời nay.

Còn theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, thành phố cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga G9 vì Hồ Gươm là không gian tâm linh, lễ hội, trung tâm hành chính, chính trị của thành phố.

‘90% đồng thuận’

Nhưng UBND Hà Nội thì cho biết, sau 22 ngày lấy ý kiến, có 90% ý kiến đồng thuận với quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 trong số 1.800 người tham gia góp ý, theo Vietnamnet.

Còn theo ông Lê Trung Hiếu, phó trưởng BQL đường sắt đô thị Hà Nội, dự án này đã được UBND TP Hà Nội duyệt từ chục năm trước.

Ga ngầm C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm.

Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng.

Tổng đầu tư dự án là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Ông Hiếu nói với báo giới Việt Nam hôm 22/8 là nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, “là công trình mang tính chất phục vụ khu vực Hồ Gươm” nên người làm kỹ thuật như ông nghĩ là “không vi phạm luật Di sản văn hoá”.

Ông Hiếu cũng cho hay qua nghiên cứu thì thấy vị trí đặt nhà ga C9 hiện nay là khả thi nhất, không còn phương án nào thay thế. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng độ lún tối đa ở khu vực này chỉ từ 4-8,8mm, “rất nhỏ, không ảnh hưởng đến di tích”, theo Tienphong.vn.

Nhưng ông Hà Đình Đức nói với BBC là không thể viện lý do ‘sự đã rồi’ để tiếp tục dự án này vì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.

Từ năm 2008, ông Đức cho biết đã gửi thư kèm các văn bản, tài liệu phân tích chi tiết các vấn đề có thể phát sinh nếu nhà ga được xây dựng, gửi ông Nguyễn Thế Thảo, lúc đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan liên quan.

“Nhưng các ông ấy đến nay không ai trả lời.”

Cũng theo ông Đức, ông Daisuke Oura, chuyên gia Phân tích Môi trường thuộc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – một trong các chủ đầu tư của dự án ga ngầm đô thị, đã đích thân tới gặp ông để “tham khảo ý kiến về đoạn đường đi qua đường Đinh Tiên Hoàng và đường Lê Thái Tổ”.

“Nhưng họ cũng chỉ ghi nhận và cám ơn vậy chứ chưa có phản hồi gì khác,” ông Đức nói với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45267336

 

Đại tướng Mỹ: Việt Nam ngày càng quan trọng

trong khu vực và thế giới

Quân đội Việt Nam và Mỹ lần đầu tiên cùng tổ chức Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường quảng bá chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hội thảo thường niên lần thứ 42 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ, theo trang web của Lục quân Hoa Kỳ.

Việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hội thảo khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Robert Brown, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ

“Đây là một sự kiện rất quan trọng vì nó đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam là bên đồng tổ chức cùng với Mỹ,” Thượng tướng Phạm Hồng Hương, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, nói tại diễn đàn quân sự đa quốc gia hôm 20/8.

Tại buổi họp báo bên lề, Đại tướng Robert Brown – Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ – nhận định việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hội thảo khẳng định “vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới,” theo ZingNews.

Kể từ năm 1977, Lục quân Hoa Kỳ đặc trách Thái Bình Dương (USARPAC), có căn cứ ở Honolulu – Hawaii, và một quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương hàng năm đồng tổ chức sự kiện này.

Theo VOV, đây là cơ hội để lực lượng lục quân các nước trong khu vực trao đổi các biện pháp thúc đẩy nhằm đối phó với thảm họa thiên tai và góp phần duy trì ổn định trong khu vực.

Khác với các lần trước khi chỉ có các đại diện của khu vực Thái Bình Dương, PAMS-42 được tổ chức ở Hà Nội có sự tham gia của đại diện lục quân của 26 nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều này thể hiện sự nhất quán của chính sách tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên giới thiệu về chiến lược này tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương trong một bài diễn văn khai mạc ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Theo các chuyên gia, đây là sự nối tiếp của chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên mạnh trong khu vực.

Theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia được Soha trích lời, Việt Nam rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á được Tổng thống Trump tiếp đón tại Nhà Trắng ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017. Ông Trump cũng đã có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội ngay sau khi tham dự APEC tại Đà Nẵng cuối năm ngoái.

Việt Nam cũng được nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ công bố hồi tháng 12/2017 như là một đối tác kinh tế và an ninh ngày càng quan trọng của Washington cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thăm Hà Nội và mô tả Việt Nam là một “đối tác có cùng chí hướng”. Vào tháng 3, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson lần đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau khi chấm dứt chiến tranh. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng chọn Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất để tới thăm trong chuyến công du vào tháng 7 sau chuyến đi quan trọng tới Bình Nhưỡng.

Vào tháng 4, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông và Đông Nam Á nói rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên của chính quyền Mỹ và rằng chính sách của Washington đối với Biển Đông không thay đổi.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-tuong-my-viet-nam-ngay-cang-quan-trong-trong-khu-vuc-va-the-gioi/4539503.html