Tin Việt Nam – 22/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/07/2017

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ,

xã hội dân sự tại Việt Nam

Kính Hòa RFA

Ngày 14 tháng 7 năm 2017, 13 tổ chức phi chính phủ đã làm kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam đề nghị dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận. Một tuần sau đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng phản đối chuyện này.

Đó là dấu hiệu cho thấy các tổ chức dân sự và phi chính phủ hiện nay ở Việt Nam ngày càng đóng vai trò của mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hiện sống ở Hà Nội, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam mang những màu sắc rất đa dạng, từ những tổ chức có đăng ký hoạt động với nhà nước, đến các nhóm đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, luôn bị nhà nước xem là bất hợp pháp. Theo ông cả trăm ngàn tổ chức như thế hoạt động trên mọi lĩnh vực và vùng miền trong cả nước.

Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, nhà nước Việt Nam muốn xếp những tổ chức của đảng cộng sản như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản,… vào trong danh sách những tổ chức phi chính phủ, nhưng ông A nói rằng những tổ chức này hoạt động bằng ngân sách nhà nước, và ông gọi đó là các GONGO, tức là mang danh phi chính phủ nhưng do nhà nước dựng nên và điều khiển.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là người nghiên cứu về xã hội dân sự Việt Nam, ông đã từng thành lập một tổ chức tư vấn, phản biện chính sách độc lập mang tên là IDS, sau đó bị giải tán vì một chỉ thị kiểm soát các tổ chức phản biện, đưa ra dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các NGO đã làm được nhiều việc trong những năm qua

Mặc dù bị chi phối bởi nhà nước Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là các tổ chức này hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường hiện làm việc ở Đại học Cần Thơ, cho biết các tổ chức NGO dù có đăng ký với nhà nước, nhưng thường rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, và đời sống của cộng đồng dân cư:

“NGO rất nhạy cảm đối với các dự án liên quan đến cộng đồng, bởi vì NGO làm việc với người dân, với cộng đồng nhiều hơn. Họ phải dùng tiếng nói của họ bằng cách này hay cách khác, họ mời các nhà khoa học, họ tổ chức ra những mạn đàm, họ viết trên báo, đưa ra những kiến nghị để chính quyền thay đổi những chính sách hay thay đổi những quyết định.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là thành viên của tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, một trong các NGO tham gia ký kiến nghị yêu cầu nhà nước Việt Nam dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận.

Những hội (NGO) đấy là những hội chuyên nghiệp. Họ là những người được đào tạo và rất chuyên nghiệp.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Đánh giá các hoạt động như vừa nêu trên của các NGO đăng ký với chính quyền ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:

“Rất là quan trọng, vì những hội đấy là những hội chuyên nghiệp. Họ là những người được đào tạo và rất chuyên nghiệp. Và càng ngày họ càng có vai trò quan trọng. Và tôi nghĩ là rất cần khuyến khích những hội như thế hoạt động. Bởi vì xã hội dân sự nó rất là rộng chứ không chỉ bao gồm một nhóm người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.”

Cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng tham gia các hoạt động của các nhóm đấu tranh vì nhân quyền chẳng hạn như tổ chức No-U, ra đời từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhưng không được nhà nước công nhận. Ông nói rằng hiện nay các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đôi khi nhìn những tổ chức NGO có đăng ký với nhà nước bằng một ánh mắt không thiện cảm.

“Những tổ chức đấy không phải là tay sai của chính quyền. Rất đáng tiếc một số anh em hoạt động nhìn họ như những tổ chức GONGO. Họ mời người này người kia vào tham dự, thì đấy là cái cách thực hiện, chiến thuật hoạt động của họ. Họ muốn trôi chảy thì cũng phải thế này thế kia. Mình nghĩ họ hoạt động độc lập chứ không phải là tay sai.”

Ông đưa ra ví dụ một tổ chức tên gọi là RED, nghiên cứu về chuyện bạo hành các nhà báo. Tổ chức này mời các thành viên chính phủ Việt Nam đến họp với họ, bao gồm cả các quan chức của Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm Hà Nội Xanh, tiến hành những hoạt động bảo vệ môi trường, nói về tổ chức của mình, một tổ chức không có đăng ký hoạt động:

Chúng tôi hình thành từ phong trào Hà Nội xanh, từ con người cho đến phương châm hành động, khi chúng tôi phát triển lên thành một tổ chức thì chúng tôi cũng biết khả năng được cấp phép hoạt động là không thể. Nên ngay từ đầu chúng tôi đã xác định là hoạt động độc lập.”

Tuy nhiên nhận xét về hoạt động của các NGO có đăng ký, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:

“Để đạt được mục tiêu làm được nhiều việc, họ phải chính thức đăng ký để có trụ sở, để chính danh, để có thể vận động các bên liên quan trong hệ thống chính trị. Khi mà như vậy thì họ phải chịu cấp phép, và chịu áp lực tránh công an rút giấy phép, cho nên họ cũng bị hạn chế. Tuy nhiên tôi trân trọng họ, tin rằng họ luôn hướng đến sự thúc đẩy những giá trị văn minh.”

Ngoài các NGO, còn có các hội nghề nghiệp ở Việt Nam. Ý kiến về tính độc lập của các hội này là những ý kiến khác nhau. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản, trong khi đó thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng cũng có thể xem họ là các tổ chức dân sự:

“Nó tùy từng hội. Có những hội khá độc lập. Có những hội do một ông quan chức nào đấy, một ông Thứ trưởng về hưu, thì những hội do những quan chức lập ra như thế, thì nhiều khi họ cũng xin xỏ cái bộ chủ quản của họ cái gì đấy. Khả năng độc lập của họ kém đi. Ngay trong các hội nghề nghiệp cũng là một cái phổ tương đối là rộng. Có những ông khá là độc lập, có những ông thực sự là vô tích sự.”

Thực ra nói về tính độc lập thì ở Việt Nam cũng phải để nó trong ngoặc kép chút xíu. Có những cái họ độc lập, có những cái họ lệ thuộc phần nào vào chính quyền.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.

Chia sẻ quan điểm này là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn:

“Thực ra nói về tính độc lập thì ở Việt Nam cũng phải để nó trong ngoặc kép chút xíu. Có những cái họ độc lập, có những cái họ lệ thuộc phần nào vào chính quyền. Ví dụ như Hội nông dân, hay Hội nghề cá. Trong các hội nghề nghiệp này họ cũng tư vấn các nhà khoa học, giúp cho họ cơ sở khoa học, đề nghị nhà nước xem xét.”

Ông đưa ra ví dụ những lần Hội nghề cá và Hội nông dân Việt Nam phản đối những dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, như chuyện dìm bùn nạo vét ở Bình Thuận, hay phản đối dự án nhà máy giấy ở tỉnh Hậu Giang, có nguy cơ làm ô nhiễm sông Cửu Long.

Sự tự nguyện và nguồn lực từ bên ngoài

Ngoài chuyện xin giấy phép, các tổ chức NGO còn phải đối mặt với vấn đề kinh phí hoạt động. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói:

“Có một số cái nhà nước cho phép, một số cái nhà nước kiểm soát. Đó cũng là điều khó khăn. Ngoài ra họ không có nguồn tài chính dồi dào như các cơ quan nhà nước để làm nghiên cứu. Họ dựa vào sự tự nguyện của các thành viên, hay nhờ các nhà khoa học cố vấn cho họ. Mà không phải ai cũng nhận lời vì sợ đụng chạm các cơ quan nhà nước, hay các công ty tập đoàn lớn. Nhưng cũng có những nhà khoa học quan tâm đến môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân thì cũng góp tiếng nói trong các vấn đề này.”

Một số các NGO Việt Nam nhận được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, ví dụ như OXFAM, Cộng đồng châu Âu, Quĩ Fort, Quĩ Toyota, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyện này không hề dễ dàng, vì họ luôn bị kiểm soát chặt chẽ từ chính phủ:

“Họ luôn luôn soi cái thủ tục để mà xét duyệt dự án, để được nhận tiền thì họ hành các tổ chức NGO lên bờ xuống ruộng. Các NGO bị kềm kẹp một cách mệt mỏi và khó khăn. Các NGO có thể nhận tiền từ nước ngoài nhưng các thủ tục ấy rất là phức tạp.”

Quan sát hoạt động của các tổ chức NGO trong hai chục năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự hình thành và hoạt động của các tổ chức dân sự, phi chính phủ Việt Nam là rất tốt.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng các tổ chức NGO được cấp giấy phép của chính phủ cũng đã tham gia vào các hoạt động trước kia bị xem là nhạy cảm, chẳng hạn như trong cuộc biểu tình chống chặt cây xanh tại Hà Nội cách đây hai năm, một NGO có giấy phép của nhà nước đã cùng nhóm Hà Nội Xanh của ông tổ chức cuộc tuần hành.

Tuy nhiên ông Tuấn lại bi quan cho rằng trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức dân sự không có giấy phép lại bị đàn áp mạnh mẽ hơn trước, mặc dù những hoạt động như đưa kiến nghị, phản biện xã hội trên báo chí, hay mạng xã hội của các NGO có vẻ khởi sắc và cấp thời hơn.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ngo-vietnam-07212017151641.html

 

Giải thích việc nhận chìm bùn thải và phản biện

Cát Linh, RFA

Vào ngày 4 tháng 7, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT), ông Nguyễn Linh Ngọc khẳng định vật liệu mà Bộ TN-MT cho phép nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm không phải là xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện mà là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng.

Những vật chất được cấp phép nhấn chìm xuống biển có thật sự không phải là chất thải nguy hại?

Ngấm trong bùn đất

Năm ngày sau khi Thứ trưởng Bộ TNMT cấp phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) hay còn gọi là nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân 2 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau khi nạo vét.

Thông tin này gây lo ngại rất lớn cho các chuyên gia môi trường và những người quan tâm đến môi trường biển. Qua những diễn đàn và các trang mạng xã hội, họ đồng loạt lên tiếng kêu gọi dừng ngay dự án nhấn chìm bùn thải vì cho rằng lượng bùn thải khổng lồ đó sẽ bức tử hệ sinh thái biển của Bình Thuận.

Để phản hồi bức xúc của công luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT phát biểu tại buổi giao ban báo chí ngày 4 tháng 7 rằng vật liệu nhận chìm không bao gồm xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện và cơ sở pháp lý của việc nhận chìm chất thải đã được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982- UNCLOS 1982.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động chính thức năm 2015, mỗi ngày sản xuất hơn 23 triệu kWh. Còn dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào sáng ngày 18/7/2015, có công suất 1.200MW, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018.

Với thời gian và khối lượng điện sản xuất như thế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia môi trường từ Hà Nội, khẳng định không thể cho rằng chất bùn thải được cấp phép “nhấn chìm” xuống biển Bình Thuận là không chứa chất thải từ quá trình vận hành sản xuất điện của nhà máy.

“Khi mà những cơn mưa, lũ xảy ra, nước chảy từ đất liền ra biển. Khi chảy như thế thì nó cuốn theo tất cả rác, ngay cả thuốc trừ sâu, thì ngay cả nước bao gồm rác chảy ra, nó đã mang theo rất nhiều chất độc hại.

Vậy thì ở những nhà máy này, trong quá trình người ta đang xây dựng, đã xây dựng xong, có thể chưa vận hành thì cũng đã có rất nhiều loại rác.

Cái thứ hai, nếu người ta chạy thì phải có than, phải có nơi để than, rồi chất thải, và chúng ta thừa biết rằng rác thải của nhà máy nhiệt điện nó có những gì. Thế và, nước mưa nó chảy thì nó không chừa chỗ nào.”Nếu người ta chạy thì phải có than, phải có nơi để than, rồi chất thải, và chúng ta thừa biết rằng rác thải của nhà máy nhiệt điện nó có những gì. Thế và, nước mưa nó chảy thì nó không chừa chỗ nào.- TS Nguyễn Văn Khải

Dựa trên cơ sở hoá học, ông cho biết khi trời mưa, chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ bay tản ra vùng chung quanh, hoặc  tích tụ thành  mây để mưa xuống. Nói chung tất cả những chất độc hại từ bụi xỉ than sẽ ngấm vào đất và bùn cát.

Theo các nhà khoa học phản biện trên báo chí trong nước, việc nhận chìm khối lượng chất nạo vét gần 1 triệu m3 vừa được Bộ Tài Nguyên- Môi trường cấp phép và 2,4 triệu m3 đang được đề nghị là nguy cơ đe doạ trực tiếp hệ sinh thái biển.

Chất nạo vét hay bùn thải?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tùng – vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo – Bộ Tài nguyên và môi trường, có mặt tại buổi toạ đàm “Hòn Cau, Biển và Lời nguyền…” tổ chức ở Nha Trang ngày 15 tháng 7 cho biết “vật chất” nạo vét cảng biển của Điện lực Vĩnh Tân 1 được Bộ cấp phép cho “nhận chìm” xuống vùng biển Tuy Phong khác với bùn thải.

Giải thích sự khác nhau dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải Thế giới, ông cho biết.

“Chất nạo vét cơ bản là chất lắng đọng từ tự nhiên bao gồm các thành phần chủ yếu như cát, sỏi, đá và các chất hữu cơ tự nhiên. Thế còn bùn thải là chất lắng đọng từ quá trình xử lý đất thải. Trong nghị định thư Luân Đôn 1996 có 1 danh mục qui định có 8 nhóm chất để xem xét nhận chìm xuống biển. Trong đó họ cũng phân biệt chất nạo vét và bùn thải.”

Vị này nói thêm rằng thành phần của chất nạo vét đã được phân tích trong dự án nhận chìm bùn cát thải hoàn toàn không có chất ô nhiễm và rất bình thường trên thế giới. Những thành phần chất khác đều dưới ngưỡng cho phép.

4 nhà máy nhiệt điện

Ông Phạm Văn Chi, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết tình trạng thực tế hiện nay ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có 4 nhà máy điện với tổng công suất là 4,400 MW.

“Thế thì tôi chỉ nói rằng 1 nhà máy ở Khánh Hoà, 2,400MW là chúng tôi đã toát mồ hôi. Mà tôi đang kiến nghị với địa phương, chính phủ, chỉ nên đầu tư tốt nhất là 600 MW, là 1 trong 4 tổ máy. Nhưng mà người ta đã xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn đầu là 1,200 MW và giai đoạn 2 là 2,400 MW và hình như đã được phép.

Ba cái ô nhiễm quan trọng nhất đối với các nhà máy điện chạy bằng than là họ lợi dụng vùng biển của chúng ta để vận chuyển 1 lượng than rất lớn bằng cách nạo vét (nếu như vùng cần nạo vét) để đưa được tàu lớn chở than.

Than của Việt Nam mình gần như là người ta không sử dụng mà người ta phải sử dụng than của Malaysia, của Úc, có hàm lượng Carbon cao hơn. Và tôi cho rằng nếu chúng ta lấy loại than tốt nhất là khoảng 85% Carbon, 15 % và xỉ và các loại không cháy được, thì như vậy nếu nhà máy Vĩnh Tân 2 khoảng 1,200 MW thì nó phải mất 600 tấn than/1 giờ và 14,400 tấn than/ngày.”

Ba cái ô nhiễm quan trọng nhất đối với các nhà máy điện chạy bằng than là họ lợi dụng vùng biển của chúng ta để vận chuyển 1 lượng than rất lớn bằng cách nạo vét (nếu như vùng cần nạo vét) để đưa được tàu lớn chở than. – Ông Phạm Văn Chi

Đồng thời, ông đưa ra bài toán của lượng xỉ tối thiểu 1 năm thải ra và phủ khắp mặt bằng dài 1 cây số, rộng nửa cây số và có chiều cao khoảng 1m57. Khối lượng này khi gặp mưa sẽ ngấm vào đất và bùn cát. Do đó theo ông, vật liệu “nạo vét” của 4 nhà máy đó sẽ bao gồm tất cả những bụi xỉ vả độc hại đã ngấm sâu trong bùn đất.

Đổ rác hay nhận chìm?

Khoản 5, Điều 1 của UNCLOS 1982 giải thích thuật ngữ “nhận chìm” (immersion) là “mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.”

Công ước vừa nêu cũng ghi rõ thuật ngữ “nhận chìm” không nhằm vào: Việc vứt bỏ các chất thải hoặc các chất khác được sản sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác bình thường của tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí trên biển, cũng như các thiết bị của chúng…

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, khi được trả lời chúng tôi về cơ sở pháp lý dựa theo UNCLOS 1982 và Luật Môi trường Việt Nam, ông chỉ nói ngắn gọn rằng: “Cái chuyện người ta làm như thế nào mới quan trọng.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Pros-and-cons-to-waste-immersed-in-the-sea-cl-07212017082242.html

 

Câu chuyện dạy và học võ ở Việt Nam

Tinh thần thượng võ, con nhà võ, ứng xử theo phong cách nhà võ… Tất cả những khái niệm này đều ám chỉ nghĩa cử cao đẹp của con người, muốn nói đến nguyên tắc giúp kẻ yếu thế hơn mình và không luồn cúi, hạ mình trước cường quyền. Cho con em đi học võ cũng đồng nghĩa với việc tôi luyện đạo đức, tính nhẫn nại và lòng yêu thương cho con em mình. Hiện tại, sau câu chuyện thách đấu của võ sĩ Pierre Francois Flores với các võ sĩ Việt Nam. Một lần nữa, câu chuyện đạo đức và hành xử con nhà võ lại dấy lên, bắt nguồn từ câu chuyện này.

Số lượng võ sư và chuẩn võ sư tăng đột biến

Võ sư Huỳnh Tiến Lập, Chưởng môn Ngũ Phụng Sơn, một trong năm võ đường cứu nguy miền Trung trong thời gian võ đài còn thịnh hành tại Việt Nam, chia sẻ:

“Hiện tại cách quản lý các võ đường tại Việt Nam là theo nguyên tắc phải phụ thuộc vào Liên Đoàn Võ thuật Việt Nam, bên dưới là Tỉnh hội, mọi vấn đề đều tùy thuộc vào đây. Ở các võ đường, người ta hoạt động theo võ phái , dưới sự dẫn dắt của các Chưởng Môn và Trưởng tràng và hội đồng môn phái, hội đồng kĩ thuật… Có một điều đáng buồn là hiện nay, có số xứng đáng vị trí võ sư tại Việt Nam nếu tính cho kĩ thì chừng 20 người thôi chứ không nhiều đâu. Nhưng cái danh võ sư thì tại Việt Nam hiện nay lên đến con số hàng ngàn người và chuẩn võ sư thì cả chục ngàn chứ không ít. Về trình độ võ học cũng như đạo đức nhà võ của các võ sư đại trà và các chuẩn võ võ sư cũng có lắm vấn đề để bàn… Khó nói lắm!…Các võ sĩ bây giờ chất lượng cũng kém lắm!”.

Có một điều đáng buồn là hiện nay, có số xứng đáng vị trí võ sư tại Việt Nam nếu tính cho kĩ thì chừng 20 người thôi chứ không nhiều đâu. – Võ sư Huỳnh Tiến Lập

Võ sư Huỳnh Tiến Lập chia sẻ thêm là ông thực sự trăn trở về danh xưng võ sư cũng như cái điều gọi là chuẩn võ sư trong hiện tại. Bởi một mặt, trình độ võ thuật của các võ sư hiện tại đều có vấn đề, họ chỉ cần học những bài quyền phổ biến trên toàn quốc, học một số thế công phá theo yêu cầu của Liên Đoàn Võ thuật và nộp đơn xin thi lấy bằng võ sư, chuẩn võ sư hoặc huấn luyện viên.

Điều này dẫn đến tình trạng có rất nhiều võ sư, chuẩn võ sư có đầy đủ trình độ võ thuật về mặt lý thuyết và biểu diễn nhưng lại không có thực lực chiến đấu. Trong khi đó, võ thuật là một loại hình nghệ thuật, một bộ môn mà ở đó, yếu tố cứu người phải cao hơn yếu tố đánh người. Muốn cứu người, trước tiên phải có khả năng đáp trả, tự vệ trước những kẻ muốn tấn công, lấy mạnh hiếp yếu. Và muốn có khả năng này, không còn cách nào khác là phải trau dồi, tập luyện, phải kinh qua thực chiến để rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ võ thuật.

Rất tiếc, hiện tại khả năng cứu người của giới võ sư tại Việt Nam rất hiếm và thấp. Bởi ngoài yếu tố bảo vệ người yếu thế hơn mình, trình độ khoa học võ thuật cũng cần phải trau dồi thì các võ sư mới có thể cứu người. Từ việc nghiên cứu huyệt đạo, nghiên cứu về y học và cơ địa, nhân thể học, cho đến đạo đức học, triết học. Một võ sư chân chính phải am tường tất cả các môn này. Nhưng ai chưa trang bị đủ các môn này thì khó có thể gọi là võ sư và cũng khó có thể cứu người được.

Võ sư Huỳnh Tiến Lập tỏ ra không hài lòng với trường hợp gần đây, các võ sĩ như Flores, Đoàn Bảo Châu, Trần Lê Hoài Linh đã thách đấu và quay video clip tung lên mạng một cách vô tư, không suy nghĩ. Bởi theo võ sư Lập, việc tung ra đòn đánh cũng giống như một cú nhấp chuột Enter cho cả một qúa trình dài lập trình trước đó trên máy tính, không thể enter khi lập trình chưa hoàn thiện cũng như không thể enter cho những con virus xâm nhập vào máy tính. Chính vì vậy, trước khi có trận đấu, các võ sư phải suy nghĩ thật kĩ không phải cho việc thắng – thua hay sức mạnh của cá nhân hay võ đường, môn phái. Mà là phải suy nghĩ thật kĩ cho hiệu ứng xã hội, đạo đức xã hội, đặc biệt là đạo đức của thế hệ trẻ.

Đạo đức nhà võ thời kinh tế thị trường

Thời bây giờ, nhìn chung đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng quá, mà trong đó đạo đức nhà võ thì cũng rối rắm. – Võ sư Nguyễn Văn Hưng

Cựu võ sĩ Nguyễn Văn Hưng, người từng tham chiến rất nhiều trận đài ở miền Nam Việt Nam những năm thập niên 1970 và 1980, chia sẻ:

“Nói về võ thuật, cái đức phải đứng đầu, sau đó là kĩ năng tôi luyện. Thời bây giờ, nhìn chung đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng quá, mà trong đó đạo đức nhà võ thì cũng rối rắm. Trường hợp như võ sư tuyên bố mình phát ra điện rồi sau đó bị thách đấu lại rút lời. Mà đáng sợ là cái chiêu ông võ sư này nói chỉ là một chiêu trong truyện của Kim Dung. Bây giờ người ta hay bị đồng tiền chi phối nảy sinh ra những con người không có lòng tự trọng, tạo ra những cái hư ảo, vỏ bọc chiêu trò như lấy năng lượng không gian để đánh như truyền điện vậy, đó là một điển hình xuống cấp, không có lòng tự trọng, tạo ra sự chú ý để thu hút người tới học, để lấy tiền… Đó, đạo đức xuống cấp nặng rồi!”.

Ông Hưng chia sẻ thêm, sở dĩ ông phải giải nghệ với võ đài bởi ông không còn thích hợp với cái thời võ thuật và cơm áo gạo tiền kết hôn với nhau. Và có vẻ như cơm áo gạo tiền đã đóng vai một bà vợ vừa đỏm dáng lại vừa ưa hiếp chồng. Điều này khiến cho sự đoan chính và lòng tự trọng của ông chồng nhanh chóng tiêu tan. Từ chỗ hãnh tiến, kiêu mạn và thanh liêm, ông chồng võ thuật trở nên quờ quạng trước bà vợ cơm áo gạo tiền.

Chuyện một võ đường thu hút võ sinh bằng những chiêu thức PR rẻ tiền không còn là chuyện  lạ lẫm, hiếm hoi trong giới võ thuật hiện nay. Về chuyện tu luyện các chiêu thức chỉ có trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung để thực hành trong xã hội hiện đại là chuyện không thể có thật, thậm chí đó là một loại ảo giác nhà võ. Và để thu hút võ sinh bằng các chiêu thức đầy tính hoang đường mà không có thực chứng là điều tối kị trong đạo đức nhà võ. Nhưng một số Chưởng môn đã vấp phải điều này.

Ông Hưng tỏ ra lo lắng khi đạo đức xã hội đang ngày càng xuống thấp, bạo lực xã hội gia tăng, và dù nhìn theo góc độ nào thì các võ đường trên khắp đất nước này vẫn đóng vai trò không nhỏ trong việc cân bằng đạo đức xã hội và điều tiết bạo lực. Bởi không học thì thôi, một khi đã được học võ, các võ sinh phải được dạy thật kĩ bài học về đạo đức, về danh dự làm người và về sức nặng của tiếng nói cá nhân, của uy tín. Nhưng thử hỏi một khi có một Chưởng môn nào đó đã vì đồng tiền bát gạo, đã tạo ra một ảo giác võ thuật bằng sự gian dối của họ để thu hút võ sinh thì liệu các môn sinh của họ có đảm bảo được dạy tốt đạo đức, có trở thành võ sĩ đúng nghĩa được hay không?

Ông Hưng nói rằng ông thực sự trăn trở khi đạo đức xã hội đang ngày một thêm xuống cấp mà trong giới võ thuật lại ngày càng xuất hiện thêm những câu chuyện hoàn toàn đi ngược với đạo đức nhà võ, đi ngược với lương tri con người. Đây là một vấn đề đáng lo ngại.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/martial-arts-teaching-and-practicing-in-vietnam-07212017133630.html

 

Nhiều người Việt tại Mỹ đối diện với nguy cơ bị trục xuất

Thanh Trúc, RFA

Kể từ lúc tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay với  chính sách nhập cư và di trú nghiêm nhặt hơn trước, không chỉ tập thể người Mỹ La Tinh mà cả Châu Á, trong đó có người Việt Nam không được nhập quốc tịch Mỹ vì phạm luật và từng ở tù, là đối tượng của lệnh trục xuất từ Cơ Quan Di Trú Và Hải Quan Hoa Kỳ, gọi tắt là ICE.

Bị trả về vì phạm tội

Huy Trần là một trong những trường hợp bị chính phủ Mỹ trục xuất mới đây vào ngày 1 tháng Sáu 2017 vì những vi phạm pháp luật của mình bất chấp thực tế là anh đã sống ở Mỹ gần 30 năm và nói thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt.

Năm 1989, Huy Trần theo mẹ sang Mỹ định cư lúc anh được 8 tuổi. Tại Hoa Kỳ, Huy bắt đầu hút cần sa những năm cuối trung học, khi lên đại học cộng đồng Alabama, là tiểu bang mà gia đình anh cư ngụ, Huy quay sang dùng và nghiện thuốc giảm đau. Năm 2012, Huy bị bắt vì tội trộm cắp, bị kêu án tù 3 năm tại Trung Tâm Chỉnh Huấn Alabama. Mãn hạn tù năm 2015, Huy Trần bị đưa ra tòa di trú với phán quyết trục xuất. Huy Trần đã đậu quốc tịch Mỹ từ năm 2010 nhưng anh đã không bao giờ có quốc tịch Mỹ. Giải thích với đài Á châu Tự do lý do mình không có quốc tịch Mỹ, Huy Trần cho biết:

Tôi đã đậu và được dặn trở lại 90 ngày sau. Tôi đã không bao giờ trở lại, nghiện ngập làm tôi trở thành bất cần đời. Đó là tại sao tôi không có chứng chỉ nhập tịch vì tôi không bao giờ trở lại để làm lễ tuyên thệ.

Vì nằm trong diện trục xuất, Huy Trần bị giữ lại trong trại giam. Ngày 1 tháng Sáu 2017, anh được chuyển từ nhà tù bang Louisiana về nhà tù bang New  Jersey, trước khi được đưa ra phi trường New York:

Hiện tôi đang ở Sài Gòn, ngày 1 tháng Sáu  sau khi trục xuất tôi thì họ đưa tôi về đây. Bây giờ tôi đang ở với anh chị họ, tôi phải kiếm việc làm, cái gì cũng lạ  ở đây.

Được hỏi anh có gặp khó khăn gì lúc đến phi trường không, Huy Trần trả lời:

Không, thực sự không có gì. Khi tôi đến phi trường thì một người đưa tôi vào một căn phòng, một người khác hỏi lý lịch của tôi, hỏi  lý do vì sao tôi đến Mỹ. Ông này tiếp tục hỏi đi hỏi lại là tôi sẽ ở đâu, sẽ làm việc gì. Tôi trả lời là tôi không biết, tôi sẽ đến ở nhờ nhà bà con và hy vọng họ sẽ giúp tôi. Tôi nói gia đình tôi ở Hoa Kỳ, tôi có mẹ ở bên đó.

Từ Alabama, mẹ của Huy Trần,bà Nguyễn, chỉ hay tin con mình bị trục xuất từ nhà tù về  lại Việt Nam trong một phút ngắn ngủi anh Huy Trần được phép gọi mẹ từ phi trường:

Khoảng gần 2 giờ trưa giờ New York thì  cháu gọi về, nói cháu đang ở phi trường New York, người ta sẽ đưa cháu về Việt Nam. Cháu chỉ gọi được có một phút thôi, tới đó người ta đưa cho cháu một giấy thông hành có chữ ký của người Việt Nam.

Những người Việt đến Mỹ mà  từng phạm pháp khi chưa có quốc tịch, dù đã ra tù và trở lại cuộc sống bình thường nhưng vẫn phải  đi trình diện với ICE mỗi 6 tháng một lần hoặc mỗi năm một lần. Từ tháng Ba năm 2017 đến nay, một số đã bị nhân viên ICE đến nhà bắt đi hoặc bị giữ lại ngay khi trình diện với ICE. Chỉ nội hai tuần đầu tháng Ba 2017, gần 100 người Việt bị bắt lại rồi được chuyển về trại giam Quận York ở Pensylvania, trại giam  Krome ở Florida, nhà tù Eloy ở Arizona, trung tâm giam giữ Lumpkin ở tiểu bang Georgia.

Đa số những người mà chính quyền Trump coi như mục tiêu trục xuất là những  người có tiền án trước khi trở thành công dân Mỹ. – Nguyễn Thanh Tùng (APIROC)

Đây là số liệu trong thông cáo báo chí mà APIROC soạn thảo chung với các tổ chức yểm trợ khác như Vietlead ở Philadelphia, SEARAC  ở Wahington DC hay SEAC ở North Carolina. APIROC Asian Pacific Island Re-Entry Orange County là một tổ chức đấu tranh cho sự tái hòa nhập của Người Châu Á Thái Bình Dương. Anh Nguyễn Thanh Tùng, người sáng lập APIROC, người cũng từng bị cầm tù ở Quận Cam nói với đài Á Châu Tự Do về tình hình những người Việt bị trục xuất khỏi nước Mỹ gần đây:

Em đã từng qua 18 năm tù rồi được thả ra năm 2011. Khi về lại quận Cam, mục tiêu của em là thành lập APIROC nhằm giúp đỡ cho những người ra tù có được một chương trình giúp đỡ để làm lại cuộc đời.Thời gian gần đây qua tìm hiểu tụi em biết chính phủ mới của tổng thống Trump có liên lạc với chính phủ bên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam nhận người bị trục xuất về. Sau đó xảy ra vấn đề là bên văn phòng Sở Di Trú bắt đầu tìm người Việt Nam nhốt đi để chuẩn bị trục xuất. Khi trục xuất họ phải theo cái gọi là Repatriation Agreement hay MOU Memoramdum of Understanding là chỉ những người đến Mỹ sau 1995  thì Sở Di Trú mới có quyền trục xuất.

Đa số những người mà chính quyền Trump coi như mục tiêu trục xuất là những  người có tiền án trước khi trở thành công dân Mỹ. Phạm án rồi thì theo luật  Mỹ coi như mình mất quyền công dân, mình bị đưa qua một chương trình coi như sẽ bị trục xuất về nước.

Khổ nỗi trong thời gian mà văn phòng Sở Di Trú đi lùng bắt mấy người Việt Nam thì không biết vô tình hay cố ý họ bắt luôn nhiều người đến trước 95. Hoàn cảnh đó rất là không công bằng vì những người đến trước 95 thuộc về chương trình tị nạn, không nằm trong trường hợp của  hợp đồng Repatriation Agreement hay MOU giữa Việt Nam và nước Mỹ về vấn đề trục xuất.

Người Thượng cũng bị trục xuất

Và không riêng người Việt mà cả người miền núi, tức người Thượng Tây Nguyên đang sống ở Hoa Kỳ, cũng bị trục xuất về Việt Nam vì lý do có tiền án và từng bị tù. Từ thành phố Charlotte, bang North Carolina, luật sư Nguyễn Thành Tín, nói về 2 người Thượng trong diện bị trục xuất mà 1 người đến Mỹ năm 1998 và đã bị trả về Việt Nam hôm 1 tháng Bảy vừa qua:

Tôi là luật sư chuyên về di trú, tình nguyện cho tổ chức SEAC Liên Minh Đông Nam Á ở Charlotte, North Carolina. Hai hồ sơ  là người dân tộc miền núi, một người Xê Đăng  quê ở Kontum đã bị trục xuất thứ Ba  tuần trước. Người dân tộc Ja Rai  hiện  bị giam ở nhà tù Lumpkin bang Georgia và đang chờ ngày ra tòa lại để xin được ở lại nước Mỹ  đây.

Người Xê Đăng đã bị trục xuất là hồi đó bị án về  buôn bán ma túy, ở tù 35 tháng rồi sau đó Sở Di Trú chuyển đến trại giam để bắt đầu trục xuất. Ngày ra tòa đầu tiên là 2 tháng Sáu 2016,vì không có luật sư và không biết gì hết  thì người đó đã chấp nhận lệnh trục xuất về Việt Nam.

Trước đó chính phủ Việt Nam không cấp giấy tờ hồi hương cho những người thuộc diện bị trục xuất được nói đến ở đây, luật sư Nguyễn Thành Tín giải thích tiếp:

Thế nhưng sau ngày mùng 5 tháng Bảy 2017 Việt Nam và Hoa Kỳ có một buổi họp để nói về việc trục xuất, sau đó nhà nước Việt Nam cấp cho người Sedan này một giấy hồi hương. Ngày 1 tháng Bảy 2017 người này bị trả về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam cấp  giấy hồi hương cho người bị trục xuất cho nên đây là trường hợp đầu tiên có người dân tộc bị trả về Việt Nam.

Người thứ hai, qua Mỹ năm 2004 mà luật sư Nguễn Thanh Tín đang cố giúp cho được ở lại thay vì bị trả về, là người dân tộc Ja Rai.  Năm 2013, do mâu thuẫn với hàng xóm, người này đã xô xát rồi còn dọa đốt xe của người cùng xóm. Khi ra trước tòa, vì không thông hiểu luật lệ nên người này đã nhận cả 2 tội hình sự mà tòa gán cho ông:

Tòa không cho đi tù mà cho hưởng án treo 12 đến 25 tháng và chỉ đi trình diện 3 năm. Tháng  Chín năm ngoái người này đi săn nai trái phép ngoài tiểu bang South Carolina, bị cảnh sát bắt và báo cho an ninh liên bang rồi chuyển đến nhà tù ở Georgia. Khi xét thấy đã  phạm hai tội hình sự trước đó thì  người Ja Rai này bị giam từ tháng Chín 2016 đến giờ  để bắt đầu thủ tục trục xuất.

Điều mà luật sư Nguyễn Thành Tín hy vọng thuyết phục được quan tòa ngưng lệnh trục xuất người Ja Rai này là nếu bị trả về Việt Nam thì có thể bị nhà cầm quyền gây  khó khăn:

Vì gia đình của ông ta theo đạo Tin Lành Dega mà hiện tại nhà nước Việt Nam cấm. Hơn nữa gia đình ông ta hồi đó theo Fulro, ba của ông ta bị nhốt trong tù năm 2010 sau đó bị giết chết. Tôi nghĩ 70%  hồ sơ này sẽ thắng ở trong Stuart Immigration Court Tòa Di Trú Stuart ở Georgia.

Thời Obama vì Việt Nam không cấp giấy hồi hương cho nên họ được thả ra rồi hàng năm phải đi trình diện, nhưng bây giờ mấy người qua sau 95 mà có lệnh trục xuất thì sợ rằng Sở Di Trú sẽ kêu đi trình diện rồi họ sẽ bắt luôn vì Việt Nam đã cấp giấy hồi hương rồi.

Cộng đồng người Việt thấp thỏm lo âu

Bây giờ ICE làm rất lẹ, bắt vô trung tâm giam giữ này hai ba ngày là người ta chuyển qua trung tâm giam giữ khác ở tiểu bang khác để làm thủ tục trục xuất mà người bị trả về cũng như thân nhân không thể biết trước điều gì. – Nancy Nguyen (Vietlead)

Đây cũng là nỗi lo lắng từng ngày của một người tên Kiệt ở San Jose. Anh Kiệt sợ rằng đến ngày trình diện Sở Di Trú 7 tháng Tám tới đây anh sẽ bị bắt trở lại để trục xuất:

Tôi qua Mỹ diện ODP tháng Mười Hai năm 1993, vướng vô xì ke, bị bắt năm 2001, 2003 mới ra. Khi ra họ không cho về mà đưa thẳng lên nhà tù Sở Di Trú ở Eloy, Arizona. Trên đó trong vòng 4 tháng họ làm giấy tở trục xuất tôi xong họ nói bên Việt Nam không nhận người đi trước 95 nên họ cho tôi về, kêu  tôi đi trình diện mỗi 6 tháng và sau đó là mỗi năm.

Nay thì tôi  rất sợ chính phủ hiện tại trục xuất tôi nên tôi phải nhờ luật sư. Cuộc sống tôi bây giờ rất khó khăn, ngày nào cũng lo lắng có người gỏ cửa. Thang Tám này tôi đi trình diện không biết họ có giữ tôi lại không, tôi nghe nhiều người nói nếu họ muốn bắt mình lại thì họ sẽ chờ tới ngày đi trình diện thì họ giữ lại luôn. Lo giữ lắm, tinh thần hoảng loạn luôn.

Theo số liệu của APIROC, người Việt dính đến hệ thống xử lý hình sự của Hoa Kỳ tương đối cao so với các cộng đồng thiểu số Đông Nam Á khác. Anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết:

Theo thống kê từ 1998 cho đến 2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất. Đó là chưa tính từ năm 98 trở về 95 hay là từ năm 98 đi tới 2017 như ngày hôm nay.

Bản thân em lỡ phạm tội năm 17 tuổi, năm 1993. Bây giờ ra tù em sống đàng hoàng, có vợ có con và không làm lỗi nữa. Rồi tự nhiên hôm nay chính quyền lùng bắt em vì những việc em đã làm quá xa. Là một trong những người có thể bị bắt, em thấy mình cần phải có tiếng nói để mà chia sẻ vận động với cộng đồng. Hiện tại chính quyền này đang lùng bắt người Việt Nam mà như hồi nãy em chia sẻ đó là họ lùng bắt những người trước 95 luôn.

Bà Nancy Nguyễn, giám đốc tổ chức phi chính phủ Vietlead  ở Pensylvania, đang góp sức cùng APIROC cũng như SEARAC Trung Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, và SEAC Liên Minh Đông Nam Á, để trợ giúp pháp lý cho người Việt có tiền án đã hay chưa bị bắt nhưng đều là đối tượng có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ, cảnh báo:

Bây giờ ICE làm rất lẹ, bắt vô trung tâm giam giữ này hai ba ngày là người ta chuyển qua trung tâm giam giữ khác ở tiểu bang khác để làm thủ tục trục xuất mà người bị trả về cũng như thân nhân không thể biết trước điều gì.

Đó là hoàn cảnh của Huy Trần đã bị trả về Việt Nam, của một người con lai tên Tuấn đang bị giam ở Georgia để chờ trục xuất  mà không ai biết khi nào. Chính vì thế, theo bà Nancy Nguyễn cũng như luật sư di trú Nguyễn Thành Tín,  điều vô cùng cần thiết để các gia đình có người thân bị trục xuất biết cách làm việc với  Sở Di Trú cũng như tìm sự giúp đỡ nơi các tổ chức như Vietlead, APIROC, SEARAC hoặc SEAC.

Thực sự ở Philadelphia có rất nhiều tổ chức đang chuẩn bị vận động nhưng vì cộng đồng người Việt tại nhiều tiểu bang khác, nhiều thành phố khác chưa biết nhiều về vấn đề này. Đó là tại sao lần này VietLead với APIROC đưa ra thông tin cho cộng đồng biết là chuyện này đang xảy ra và người ta cần được bảo vệ như thế nào.

Được hỏi về việc làm của APIROC tổ chức Đấu Tranh Cho Sự Tái Hòa Nhập Của Người Châu Á Thái Bình Dương hay VietLead, bà Katrina Dizon Mariategue, người chuyên trách chính sách di dân trong SEARAC Trung Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, trả lời:

Vietlead là tổ chức có qui cũ mà chúng tôi đang cộng tác, Tùng Nguyễn của APIROC cũng là người từng tham dự một khóa huấn luyện của SEARAC hồi năm ngoái. Chúng tôi làm việc rất thân cận với nhau. Qua VietLead và APIROC mà chúng tôi biết rõ về những cá nhân người Việt gần đây phải đối diện với nguy cơ bị truc xuất về Việt Nam. Những gì mà Trung Tâm Hành Động Vì Nguồn Lực Đông Nam Á Searac có thể làm được cùng APIROC cũng như VietLead là trợ giúp về mặt chuyên môn, liên lạc cũng như góp ý kiến với luật sư biện hộ cho người có vấn đề di trú, đồng thời quảng bá mọi nguồn thông tin cần thiết cho truyền thông giòng chính cũng như lôi kéo sự chú ý của chính giời Mỹ về vần đề này.

Còn theo luật sư Jessica Schnider, chuyên di trú, giám sát chương trình “Detention Watch” của tổ chức American For Immigrant Justice ở Miami, Florida, khi đến thăm nhà tù Krome ở Florida bà nhận thấy những người Việt mắc lỗi lầm trong quá khứ nay đã hoàn lương mà phải đối diện luật di trú khắc nghiệt như hiện thời thì nhiều phần sẽ có những hậu quả bất công cho họ.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/more-vietnamese-in-us-face-deportation-under-current-administration-07202017124237.html

 

Người Việt chi nhiều tỷ đôla ‘tậu’ nhà tại Mỹ

Viễn Đông

Người Việt Nam trong nhóm 10 công dân các nước mua nhiều nhà tại Mỹ nhất trong vòng một năm qua, với số tiền chi ra hơn 3 tỷ đôla.

Phúc trình của Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia Mỹ (NAR) công bố hôm 18/7 cho biết rằng các công dân nước ngoài chi 153 tỷ đôla để mua gần 300 nghìn bất động sản ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ tháng Tư năm 2016 tới tháng Ba năm 2017.

Đứng đầu danh sách là người Trung Quốc với 31 tỷ đôla, tiếp theo sau là Canada (19 tỷ đôla), Anh (9,5 tỷ đôla), Mexico (9,3 tỷ đôla) và Ấn Độ (7,8 tỷ đôla).

Công dân Việt đứng ở vị trí thứ 9, với số tiền bỏ ra ước tính hơn 3 tỷ đôla, chiếm 2% tổng số tiền người nước ngoài chi ra để mua nhà ở Mỹ.

Con số này tăng gấp đôi so với số tiền mà người Việt Nam “móc hầu bao” để mua bất động sản một năm trước tại Hoa Kỳ, nơi có cộng đồng người gốc Việt sinh sống nhiều nhất trên thế giới.

Trung bình, người mua quốc tế trả khoảng 302 nghìn đôla để mua nhà, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016 và cao hơn so với giá bán nhà trung bình trên toàn nước Mỹ là khoảng 235 nghìn đôla.

Theo Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia Mỹ, ước tính có 10% người nước ngoài chi hơn 1 triệu đôla để mua nhà, và khoảng 44% giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt. Chưa rõ ngay tỷ lệ phần trăm công dân Việt nằm trong số này.

Các tiểu bang được người nước ngoài thích mua nhà nhất là Florida, California, Texas, New Jersey và Arizona. Đây là cũng là những nơi có đông cộng đồng người Mỹ gốc Việt sinh sống.

Ông Lawrence Yun, kinh tế gia của NAR, được trích lời nói trong thông cáo rằng việc người ngoại quốc vẫn muốn mua nhà ở Mỹ dù tình hình bất ổn về chính trị và kinh tế cho thấy rằng “người nước ngoài vẫn ngày càng tin rằng Hoa Kỳ là nơi an toàn để sống, làm việc và đầu tư”.

Báo cáo Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia Mỹ đang gây chú ý trên cả mạng xã hội lẫn truyền thông trong nước mấy ngày qua, giữa lúc dư luận đang “nóng” quanh chuyện “quan chức và nhà khủng” ở nhiều tỉnh, thành.

Một số tờ báo trong nước đã đặt câu hỏi về chuyện “tiền đi ra bằng ‘cửa’ nào”, hay dẫn lời các chuyên gia nói về “lỗ hổng lớn, nguy cơ lớn” và chuyện thất thoát ngoại tệ.

Cùng ngày NAR công bố phúc trình, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được báo chí trong nước trích lời “yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, trong đó chủ yếu là đôla Mỹ”, trong bối cảnh nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế đang gia tăng.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-chi-nhieu-ty-dola-mua-nha-tai-my/3954881.html

 

Dân Hải Dương đòi đóng cửa nhà máy dệt Pacific Crystal

Dân làng Việt Nam phong tỏa một nhà máy dệt lớn cung cấp vải cho các thương hiệu thời trang quốc tế, để đòi đóng cửa vĩnh viễn nhà máy này vì lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Hãng tin Reuters đưa tin, hàng trăm cư dân tỉnh Hải Dương từ tháng Tư đến nay đã lập lán trại, thay phiên nhau ngày cũng như đêm, phong tỏa nhà máy dệt Pacific Crystal, để đòi nhà máy này ngưng hoạt động. Pacific Crystal là do tập đoàn Pacific Textiles có trụ sở ở Hồng Kông điều hành.

Trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc phong tỏa có hãng thời trang UNIQLO của Nhật Bản.

Vụ phong tỏa nhà máy Pacific Crystal là thêm một thách thức khác nữa đối với chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam, liên quan tới nạn ô nhiễm do công nghiệp gây ra vào một thời điểm khi Việt Nam đang vận động đầu tư nước ngoài nhằm duy trì mức tăng trưởng kinh tế thuộc hạng cao nhất Đông Nam Á.

Khai trương năm 2015, nhà máy dệt Pacific Crystal tại Hải Dương là một liên doanh giữa tập đoàn Pacific Textiles Holdings Ltd. và tập đoàn sản xuất hàng may mặc Crystal Group. Được biết vốn đầu tư ban đầu là ít nhất 180 triệu USD.

Người dân địa phương cho biết từ năm ngoái họ bắt đầu ngửi thấy mùi hôi thối.

Ông Vũ Đình Vịnh, một cựu chiến binh nói: “Mùi thôi bốc lên rất khó chịu, hôi hám, không chịu nổi.”

Ông Vịnh cho biết khi ông và những người khác đi kiểm tra, thì phát hiện ra mùi hôi từ nước thải của nhà máy.

Theo một thông báo trên trang mạng của chính quyền tỉnh Hải Dương hồi tháng Hai, công ty này đã bị phạt 672 triệu đồng vì xả thải độc hại ra môi trường trong tháng 12.

Báo Tuổi trẻ trích quyết định xử phạt cho biết công ty xả nước thải có 5 thông số vượt 10 lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải vào môi trường.

Hôm thứ Tư 19/7, khi một đoàn chính quyền địa phương ra thời hạn ba ngày để dân làng phải giải tán, dân nói họ sẽ không đi đâu cả.

Ông Bùi Văn Nguyệt, 70 tuổi, khẳng định: “Chúng tôi muốn trục xuất nhà máy này và không cho họ sản xuất nữa.”

Ông Eugene Cheng, Giám đốc bộ phận trách nhiệm xã hội của tập đoàn Pacific Textiles, nói với Reuters rằng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, công ty đã thực hiện các bước để ngăn chặn xả nước thải gây ô nhiễm.

Trong tuần, công ty Pacific Textiles cho biết họ đang chờ Ủy ban nhân dân và quản lý khu công nghiệp “giải tỏa cuộc phong tỏa”.

Hãng thời trang Fast Retailing của Nhật Bản, chủ sở hữu nhãn hiệu UNIQLO, nói với Reuters rằng hãng sử dụng vải từ nhà máy này qua trung gian, và hiện đã chuyển sang sử dụng nguồn khác. Hãng này cho biết đã xác minh những bước mà công ty Pacific Crystal đã thực hiện để khắc phục tình trạng ô nhiễm do xả thải.

Hãng thời trang Fast Retailing tin rằng vụ tranh chấp đền bù giá đất với nông dân liên quan đến các điều khoản ban đầu của việc chuyển quyền sử dụng đất, và nói thêm rằng cả hãng và công ty Pacific Crystal đều không liên quan trong vụ tranh chấp này.

Người dân nói vụ tranh chấp với chính quyền địa phương về việc bán đất, đã diễn ra hơn một thập kỷ, là một vấn đề riêng biệt.

Ông Vịnh nói: “Đây là hoàn toàn là vấn đề ô nhiễm.”

Công ty Pacific Textiles không cho biết công ty cung cấp vải cho khách hàng nào từ nhà máy này nhưng trang web của hãng cho biết họ có quan hệ với các thương hiệu như Calvin Klein và Victoria’s Secret.

Nạn ô nhiễm ở Việt Nam đã gây nhiều chú ý trong dư luận kể từ năm ngoái, sau khi nhà máy thép Formosa Plastics xả thải gây cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung.

Chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường mới có thể tiếp tục sản xuất ở trong nước.

Nhưng mặt khác, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp cứng rắn để đàn áp các nhà vận động môi trường, những cuộc biểu tình của họ là phép thử đối với các giới hạn về luật nghiêm ngặt, hạn chế những lời chỉ trích và cố gắng duy trì trật tự công cộng.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được biết đến dưới bút danh Mẹ Nấm, một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam, trong tháng này bị tuyên án 10 năm tù giam về tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-hai-duong-doi-dong-cua-nha-may-det-pacific-crystal/3953871.html