Tin Việt Nam – 22/06/2019
“Cái bang” Trung Cộng đến thành phố
“5 không” của Việt Nam hành nghề
Tin Đà Nẵng- Báo Thanh niên ngày 22 tháng 6 năm 2019 loan tin, tình trạng những người Trung Cộng hành nghề ăn xin tại thành phố Đà Nẵng đang khiến nhiều người trên mạng xã hội facebook quan tâm.
Thành phố này trước đây được truyền khẩu là thành phố đáng sống ở Việt Nam với khẩu hiệu “5 không”: không gia đình đói, không mù chữ, không lang thang ăn xin, không ma tuý, không giết người cướp của.
Tuy nhiên, gần đây, Đà Nẵng xuất hiện những người ăn ăn đến từ nước “bạn vàng, bốn tốt”. Bạn Trần Hữu Đức Nhật cho biết, tình trạng người Trung Cộng giả vờ câm điếc để xin tiền ở các quán cà phê đã tiếp tục lặp lại trong thời gian gần đây. Một bạn khác cho biết thêm, bạn này đã gặp một người Trung Cộng mang theo tờ giấy viết bằng tiếng Anh rằng, ông ta bị mất giấy tờ, mong mọi người quyên góp tiền cho ông ta. Không chỉ ăn xin, mà một số người khác còn nghĩ ra kế giả câm, cầm một tờ giấy viết bằng tiếng Anh, và tiếng Việt để mong mọi người mua ủng hộ với giá đắt đỏ.
Theo phòng quản lý xuất nhập cảnh Đà Nẵng, trước đây cơ quan này đã giải quyết 2 người Trung Cộng giả vờ đi ăn xin. Hai người này vào Việt Nam theo visa hoạt động thương mại do một công ty bảo lãnh. Sau khi hành nghề ăn xin, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, hai người này đã xin được 1,4 triệu đồng của người dân.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cai-bang-trung-cong-den-thanh-pho-5-khong-cua-viet-nam-hanh-nghe/
Nhiều công ty gỗ Việt Nam
bắt tay với Trung Cộng để lừa Mỹ
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 22 tháng 6 năm 2019 loan tin, thông tin từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Hải quan và biên phòng Mỹ đã điều tra các công ty nhập cảng vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá, và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Cộng.
Phía Mỹ nghi ngờ có sự gian lận trong các sản phẩm gỗ dán cứng nhập cảng này, và một số công ty Việt Nam có liên quan đến sự việc với hành vi vi phạm về thuế. Cụ thể, các công ty Việt bị nghi ngờ là đã tiếp tay cho Trung Cộng để thay nhãn mác các lô gỗ dán xuất xứ từ Trung Cộng bằng Việt Nam, rồi xuất cảng sang Mỹ.
Thống kê từ cơ quan hải quan cộng sản Việt Nam cho hay, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, mặt hàng xuất cảng gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ đã đăng đột biến so với những năm trước đó.
Trước sự việc trên, bộ Công thương CSVN đề nghị hải quan rà soát, kiểm tra công việc cai quản, xuất xứ gỗ xuất nhập cảng của các cơ quan hải quan từ năm 2018 đến nay.
Được biết, vì lòng tham mà nhiều công ty Việt đã bắt tay với các công ty Trung Cộng để không chỉ lừa người tiêu dùng Mỹ, Châu Âu, mà còn lừa cả người tiêu dùng trong nước, với thủ đoạn nhập hàng Trung Cộng, rồi thay nhãn xuất xứ bằng Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nhieu-cong-ty-go-viet-nam-bat-tay-voi-trung-cong-de-lua-my/
Không khống chế được dịch tả lợn Châu Phi
dẫn đến nhiều hệ lụy
Quản lý yếu và khó khăn
Báo cáo của Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) hôm 30/5 cho thấy, Trung Quốc chỉ có hai điểm bùng phát dịch mới trong khi đó Việt Nam đến nay vẫn còn hàng chục điểm dịch mới và một số tái phát. Tính đến ngày 20 tháng 6 Việt Nam có tổng cộng 58/63 tỉnh thành có dịch. Tổng số lợn bị tiêu hủy là ít nhất 2 triệu 600 ngàn con. Mức này chiếm chừng 7% tổng đàn lợn trên cả nước.
Bộ Nông Nghiệp –Phát triển Nông thôn Việt Nam yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh thành, biên giới giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển…để ngăn chặn vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép vào Việt Nam. Các địa phương cần thường xuyên tổ chức phun thuốc, khử trùng, vệ sinh môi trường ở những cơ sở chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
Một số yếu kém trong công tác kiểm soát dịch được nêu ra: thứ nhất do tốc độ phản ứng của chính quyền còn chậm trễ, thứ hai là do manh mún phân quyền cho địa phương quá nhiều trong khi thiếu chuyên môn, thứ ba chính sách đền bù chưa hợp lý khiến người chăn nuôi bán tháo bán chui heo bệnh và thậm chí trục lợi từ chính sách, thứ tư không có hệ thống thông tin quốc gia về quản lý dịch và điều cuối cùng là niềm tin và sự hợp tác giữa người dân và cơ quan chức năng còn thấp.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Trung ương nói với chúng tôi rằng, dịch này có mặt ở nhiều nước và vấn đề phòng chống là một điều không hề đơn giản và đặc biệt là tại Việt Nam còn khó khăn hơn.
Tiến sĩ giải thích: “Là do việc giết mổ lợn ngoài những cơ sở có quy trình về mặt kỹ thuật, bảo đảm phòng dịch, đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn thì có nhiều cơ sở giết mổ mang tính cá lẻ tư nhân thì mình không kiểm soát hết được. Vì vậy đó là một trong những lý do nó dễ lây lan. Khi heo chết còn có hiện tượng lén mang heo đi vứt ngoài sông ngoài suối nên việc phòng chống này ngoài phía nhà nước thì cần những người liên quan đến chăn nuôi nữa.”
Một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực quản lý thú y không muốn nêu tên cho chúng tôi hay, dịch bệnh đã được biết trước và cũng có biện pháp ngăn chặn từ đầu nhưng vì phương thức chăn nuôi tại Việt Nam khiến khó khăn trong việc quản lý.
“Chăn nuôi tại Việt Nam manh mún, nằm rãi rác phân tán nên việc khống chế dịch bệnh phải nói là quá khó, các hộ chăn nuôi VN họ cứ se lẻ một vài con thì không ai có thể kiểm soát được hết cả, có heo chết thì người ta giết mổ thịt người ta bán nên kiểm soát không được. Nó không phải là chăn nuôi công nghiệp mà đó là kiểu chăn nuôi hộ gia đình, nuôi đủ các loại khác nhau nay thịt này mai thịt nọ, con nọ con kia nên không khống chế được, cơ quan quản lý họ cũng cố hết sức làm để khống chế nhưng không thể được. Mấy hộ nhỏ lẻ họ không quan tâm kiểm soát phòng dịch gì đâu.”
Do đó, vị chuyên gia cho rằng không thể đổ lỗi tất cả do tình trạng quản lý không bám sát.
Chính phủ Việt Nam từng tiến hành một số cuộc họp tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Cơ quan chức năng còn cho biết huy động lực lượng quân đội tham gia phòng chống dịch này.
Tiêu dùng giảm
Chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân thực tế và đa số người dân và người buôn bán đều thừa nhận do dịch nên lượng tiêu thụ giảm đi.
“Từ khi có dịch bán chậm hơn anh ạ, nhiều khách mua cũng hỏi heo này nọ nhiều nhưng mình lấy heo có nguồn gốc rõ ràng nên khách quen họ mua cũng yên tâm.”
“Thụt nhiều doanh số lắm bởi vì người ta đưa lên mạng nhiều thông tin bậy bạ nên dân người ta sợ người ta không dám ăn đâu, đưa tin không đúng sự thật thì dân bị ảnh hưởng là nhiều, bình thường mỗi ngày chị bán 1 tạ rưỡi còn bây giờ bán cả ngày khoảng 50-70 kg thôi.”
“Từ hôm dịch đến giờ mình bán ở đây có hàng ngàn người vẫn ăn chưa ai ra phàn nàn một tiếng nào hết chỉ có điều là bán chậm đi thôi, giảm đi khoảng 40% ví dụ bình thường ăn nữa kg giờ còn khoảng 2-3 lạng thôi.”
Ngoài ra, những người dân buôn bán kinh doanh thịt heo đều khẳng định rằng, thịt heo họ lấy tại khu vực chợ đầu mối và có kiểm dịch thú y đàng hoàng mới dám mang về bán.
“Có chứ phải được kiểm dịch đàng hoàng chứ không kiểm dịch thú y đi kiểm tra là chết đó, ngày nào họ cũng đi kiểm tra. Mình lấy heo ở chợ đầu mối, đó là trung tâm cung cấp heo cho cả thành phố này chứ đâu dám đi lấy bậy bạ được. Nó có dấu kiểm dịch được in lên da heo vậy này và phải có dây đai kiểm dịch cục thú y như vậy nè.”
“Chẳng hạn như khi lái heo họ đưa vô lò mổ, khi mổ ra là thú y đã kiểm dịch rồi, chở ra chợ đầu mối thì thú y kiểm dịch lần nữa ngay cửa chợ rồi mới đưa vô chợ đầu mối.”
Tác động bất lợi đến chăn nuôi
Hôm 20/6, mạng báo Tuổi Trẻ loan tin về việc sáu tháng đầu năm, lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị lên tới hơn 23 triệu USD tăng đến 7 lần so với năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nói với tuổi trẻ rằng, việc mở cửa cho thịt lợn nhập khẩu tràn vào thị trường sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành chăn nuôi vốn đã bị nhiều thiệt hại do dịch bệnh và khó phục hồi phục khi thịt nhập chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó các công ty kinh doanh thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh nói với báo giới rằng, phần lớn thịt heo nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra thị trường và nếu có thì cũng là thịt đặc sản hay thịt heo cao cấp.
AP dẫn dự báo của Rabobank là trong năm nay ngành sản xuất thịt lợn của Việt Nam sẽ giảm 10% so với năm ngoái.
Một chuyên gia điều phối tại Trung Tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Về Dịch Bệnh Động Vật Xuyên Biên Giới của FAO được AP dẫn lời rằng nhiều người chăn nuôi Việt Nam sẽ rơi sâu vào cảnh nghèo vì đợt dịch tả lợn Châu Phi lớn nhất lịch sử hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/asf-pandemic-spreads-uncontrolled-in-vn-06212019153222.html
Phúc trình của Mỹ: Việt Nam tiếp tục
đàn áp các nhóm tôn giáo chống đối
Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo mà họ không thừa nhận hoặc có hoạt động chống đối, bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới trong năm qua do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố hôm 21/6 cho biết.
Phúc trình 2018 liệt kê một loạt các vụ việc mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho là bằng chứng cho thấy Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với các nhóm tôn giáo từ Giáo hội Phật giáo Thống nhất, Công giáo, Tin Lành, đến Phật giáo Hòa Hảo ..v..v..
Thứ nhất, trong lĩnh vực đăng ký hoạt động, phúc trình thừa nhận Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng có hiệu lực đầu năm 2018 đã rút ngắn thời gian một nhóm tôn giáo chờ đợi để được công nhận ở cấp độ quốc gia và địa phương từ 23 năm xuống còn 5 năm.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Luật này dù cho phép các tổ chức tôn giáo được các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo phù hợp với pháp luật nhưng vẫn tạo điều kiện để nhà nước kiểm soát các hoạt động tôn giáo và hạn chế các quyền tự do tôn giáo trên danh nghĩa ‘an ninh quốc gia’ và ‘đoàn kết xã hội’.
Các lãnh đạo tôn giáo, nhất là những giáo phái không có giấy chứng nhận đăng ký hay không được công nhận, tiếp tục bị nhiều hình thức đàn áp, từ tấn công bạo lực, bắt giữ, truy tố, giám sát hạn chế đi lại, tịch thu hay hủy hoại tài sản và nhất là bác bỏ hoặc không phản hồi hồ sơ xin đăng ký hay công nhận, phúc trình cho biết.
Báo cáo dẫn chứng trường hợp sáu tín đồ Phật giáo Hòa hảo độc lập ở An Giang bị kết án tù hồi tháng 2 về tội ‘chống đối người thi hành công vụ’ và những vụ sách nhiễu nghiêm trọng đối với các tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên, những người H’mong theo đạo Tin Lành ở Tây Bắc và các tín đồ Công giáo ở tỉnh Nghệ An. Giáo dân ở tỉnh miền Trung này, theo phúc trình, bị các thành viên Hội Cờ Đỏ thân chính quyền, quấy rối.
Phúc trình cho biết các giới chức địa phương sử dụng các quy định của nhà nước và địa phương để làm chậm lại, tước đi tính hợp pháp, hay bóp nghẹt các hoạt động tôn giáo của những nhóm nào kháng cự lại sự can thiệp sâu của chính quyền vào việc sắp xếp lãnh đạo, các chương trình tập huấn, các buổi hội họp và các hoạt động khác.
“Chính quyền nói rằng họ tiếp tục giám sát hoạt động của một vài nhóm tôn giáo bởi vì những nhóm này hoạt động chính trị và viện dẫn các điều luật về an ninh quốc gia và đoàn kết trong Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự để vô hiệu các điều luật và các quy định về tự do tôn giáo,” phúc trình viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn chứng các trường hợp chính quyền địa phương ngăn trở các buổi tập hợp của tín đồ và ngăn không cho các nhóm Công giáo và Tin Lành truyền đạo cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc.
“Truyền thông nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền đôi khi đánh đồng các giáo phái Công giáo là ‘tổ chức ly khai’ và buộc tội họ về những xáo trộn chính trị, kinh tế và xã hội, nhất là ở những vùng xa xôi nơi có đông đảo người dân tộc thiểu số. Các trang web này liên tục cáo buộc các nhóm tôn giáo này là ‘bình phong’ hay ‘công cụ’ của ‘các thế lực thù địch hoạt động chống lại nhà nước’, ‘phá vỡ tinh thần đoàn kết’, ‘hủy hoại nền văn hóa Việt Nam’ và cảnh báo công chúng đừng để bị ‘lường gạt’.”
Vẫn theo phúc trình, những người tu tập theo Pháp Luân Công, một giáo phái xuất phát từ Trung Quốc, đã bị chính quyền sách nhiễu ở nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước. Theo đó, chính quyền yêu cầu họ rời khỏi công viên hoặc những nơi công cộng mà họ tập hợp và họ còn bị người dân xung quanh ném mắm tôm vào người.
Chính quyền Việt Nam cũng bị cáo buộc là không cho tù nhân được quyền thực hành niềm tin tôn giáo của mình, với dẫn chứng là trường hợp trại giam Nam Hà thuộc huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tiếp tục không cho linh mục vào thăm viếng tù nhân Công giáo Hồ Đức Hòa viện lý do ‘không có cơ sở vật chất phù hợp trong trại giam để thực hiện nghi thức tôn giáo’
Tuy nhiên, phúc trình cũng chỉ ra những diễn biến tích cực như lầu đầu tiên kể từ năm 1998, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã về cư trú ở một ngôi chùa trực thuộc Giáo hội sau khi Ngài bị đuổi khỏi Thanh minh Thiền viện dưới sức ép của chính quyền. Ngoài ra, chính quyền cũng cho phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam sống những ngày cuối đời ở Tổ đình Từ Hiếu để thực hiện ước nguyện ‘lá rụng về cội’ của ông. Những vị khách đến thăm ông, bao gồm các nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao, kể cả Đại sứ Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, đều không gặp trở ngại gì.
Trong khi đó, các nhóm Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài có đăng ký và được thừa nhận không gặp những khó khăn như thế, vẫn theo phúc trình. “Truyền thông đưa tin về các nhóm tôn giáo có đăng ký tổ chức những nghi lễ của họ mà không gặp trở ngại gì,” phần trình bày về Việt Nam trong phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Sách về lãnh đạo:
tốn tiền dân, tốn giấy, và dân không ai đọc?
Sách không có độc giả đại chúng
Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vào ngày 20/6 phát hành cuốn sách ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’.
Tôi nghĩ những ông như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng thì sách của ông ấy chỉ có đảng của ông ấy đọc, chứ chẳng ai đọc, có khi những đảng viên của ông ấy cũng chẳng đọc luôn.- Lã Việt Dũng
Trước đó, vào ngày 3/1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã trao tặng bộ sách 4 quyển cho nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động dân sự Lã Việt Dũng nhận xét về việc xuất bản sách viết về lãnh đạo:
“Tôi nghĩ những ông như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng thì sách của ông ấy chỉ có đảng của ông ấy đọc, chứ chẳng ai đọc, có khi những đảng viên của ông ấy cũng chẳng đọc luôn. Bởi vì tôi cho rằng những kiến thức mà các ông viết ra không có ý nghĩa thực tế, nếu những kiến thức ấy có ý nghĩa thực tế thì đất nước Việt Nam đã phồn vinh rồi.”
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng cho rằng những sách viết về lãnh đạo sẽ rất ít người dân tìm đọc, họa may viết ra chỉ để cất vào thư viện, để cho một số nhà nghiên cứu nào đó trích dẫn. Vẫn theo ông, hầu như Tổng Bí thư nào của Việt Nam cũng đều có sách riêng:
“Cái này là mốt của những nhà cộng sản, bất kỳ ai làm Tổng Bí thư đều có sách, từ xưa đến giờ: ông Lê Duẩn có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách. Đến ông Nông Đức Mạnh suốt ngày chỉ thấy ông đi đến đâu nói nuôi con gì, trồng cây gì, không thấy lý luận gì cả tự nhiên thấy rất nhiều sách. Thực sách của các ông ấy là những bài các ông phát biểu mà thư ký viết sẵn như những bài báo cáo của Bộ Chính trị hay báo cáo ở Hội nghị Trung ương. Những bài phát biểu, bài đăng báo thực chất thư ký soạn rồi các ông xuất bản cho oai chứ đâu ai đọc.”
Mục đích xuất bản
Truyền thông trong nước loan tin cho biết, cuốn sách viết về Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới được xuất bản nhằm giúp nhân dân hiểu hơn về người đứng đầu đất nước.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang lại bày tỏ ngạc nhiên khi Ban Tuyên giáo Trung ương lại cho xuất bản một cuốn sách để ca ngợi tính cảm đối với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian này. Ông giải thích:
“Khi nhà lãnh đạo đương chức đương quyền thì người ta xuất bản sách về chủ trương, đường lối, chính sách để chỉ đạo. Thường là những khi đã qua đời người ta mới đăng những bài tình cảm của nhân dân, những bài điếu văn, những bài ghi sổ tang nói về tình cảm, chứ đang đương chức thì ít ai xuất bản những bài như vậy.”
Còn theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, việc in sách về lãnh đạo đất nước chẳng có giá trị gì cho đất nước, con người Việt Nam:
“Tôi nghĩ việc này đôi khi là việc tiêu tiền của một nhóm người nào đấy vì đơn giản họ nghĩ ra mọi cách để in ấn phẩm như vậy để họ có tiền. Đôi khi 1 nhà xuất bản có ngân sách có những khoản ngân sách cho việc này nên họ phải in ra để tiêu tiền vào việc ấy.”
Nhận xét nội dung
Cuốn sách ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’ bao gồm 600 trang được chia làm 3 phần: Một nhân cách lớn, Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm và Tình cảm của bạn bè quốc tế.
Nhận xét về nội dung sách, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng Ban Tuyên giáo và báo Nhân dân tuyển chọn nên đương nhiên trong sách chỉ toàn những bài ca ngợi Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, còn những phê phán trong dư luận xã hội hiển nhiên sẽ không được nhắc đến.
Đồng suy nghĩ như trên, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng sách viết về người đứng đầu nhà nước Việt Nam hiện nay và lại do Ban Tuyên giáo xuất bản thì sẽ mang tính tuyên truyền, ca ngợi đảng cộng sản và ca ngợi lãnh tụ chứ không phản ánh đúng ý nhân dân và chỉ toàn những lời nịnh hót:
“Chắc chắn viết về ông Trọng thì không ai dám viết về những mặt trái, những ý kiến trái chiều mà trái ngược với đảng cộng sản. Trong khi dân ở ngoài đi đâu thì các anh chị đều thấy họ đang ca thán và chửi đảng cộng sản rất nhiều.
Cái này là mốt của những nhà cộng sản, bất kỳ ai làm Tổng Bí thư đều có sách, từ xưa đến giờ: ông Lê Duẩn có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách. – PGS. TS. – Mạc Văn Trang
Quá trình ông Trọng lên làm Tổng Bí thư không nhiều, dù ông khởi xướng cuộc chống tham nhũng theo kiểu ‘đốt lò’ nhưng thành quả chưa được bao nhiêu và theo tôi đánh giá thì nó mang tính phe phái rất nặng. Ông ấy có thể đánh tay chân một số tay chân của ông Nguyễn Tấn Dũng đã về hưu, chứ những lãnh đạo đương chức như ông Nguyễn Xuân Phúc hay tay chân ông Phúc, hay ông Phạm Minh Chính, hay ông nào khác trong bộ máy thì chắc chắn ông (Trọng) không thể nào sờ đến vây cánh của những phe nhóm ấy được.”
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng chuyện xuất bản sách về những Tổng Bí thư không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam:
“Chuyện các nhà lãnh đạo trong thể chế cộng sản thì ở đâu cũng vậy thôi: Lenin toàn tập, Stalin toàn tập, Khrushchev toàn tập thì bây giờ tới Hồ Chí Minh toàn tập, Lê Duẩn toàn tập, nhiều lắm. Cứ ông nào Tổng Bí thư thì có sách.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, việc viết sách về các những người đứng đầu bộ máy nhà nước là một tệ nạn vì kinh phí xuất bản lấy từ tiền thuế của dân. Do đó, việc xuất bản những quyển sách này chỉ làm tốn tiền dân, tốn giấy, mà không ai đọc.
Nói nhân vụ BOT Hòa Lạc – Hòa Bình
Thủ tướng Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất kỳ ý kiến nào về trạm thu phí cho dự án đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức BOT.
Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình có hai phần: Phần một, làm mới 25 cây số và phần hai, cải tạo 30 cây số của quốc lộ 6, đoạn từ Hòa Bình đến Xuân Mai.
Theo báo chí Việt Nam, nhà đầu tư phải bỏ 2.723 tỉ để thực hiện dự án. Khoản này vừa là tiền vay ngân hàng, vừa là tiền lãi phải trả cho khoản đã vay. Đổi lại, nhà đầu tư được phép thu phí trong 27 năm sáu tháng, tùy loại phương tiện qua lại trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình mà mức phí dao động từ 35.000 đến 180.000 đồng/xe/lượt đi hoặc về.
Nhà đầu tư dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình bắt đầu thu phí từ ngày 3 tháng 5 và chỉ bốn ngày sau liên tục bị rơi vào tình trạng “thất thủ” – dân chúng địa phương chặn xe, không cho thu phí và để tránh tình trạng giao thông tắc nghẽn, nhà đầu tư phải ngưng thu phí (1).
Đến giữa tháng này, tình trạng “thất thủ” ở trạm thu phí cho dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình đã trở thành thường trực. Đại diện nhà đầu tư than rằng, mỗi ngày, họ thất thu khoảng 230 triệu đồng (2), cứ thế nhân lên và chia đều cho khoản vốn kèm lãi phải trả ngân hàng hàng tháng, có lẽ nhà đầu tư sẽ sớm phá sản.
Không chỉ nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Thủ tướng Việt Nam rõ ràng là rất khác Thủ tướng của chính phủ các quốc gia khác. Thủ tướng Việt Nam là người phê duyệt dự án đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức BOT (thiết kế, tổng vốn đầu tư, kế hoạch tài chính, vay ngân hàng thế nào, trả vốn và lãi ra sao, thu phí để hoàn vốn, đặt trạm thu phí,…).
Tuy được Thủ tướng phê duyệt nhưng dự án đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình trở thành không chắc chắn, có thể yểu mệnh vì dân không ưng. Không may là dân lại có lý. Trước kia, dân chúng địa phương từng phải góp tiền làm tỉnh lộ 446, hà cớ gì nhà đầu tư lại chiếm một đoạn để “cải tạo” rồi đặt trạm thu phí ngay tại đoạn đó, bắt họ trả tiền (?).
Tình thế này buộc nhà đầu tư phải… đu theo Thủ tướng, trong chuyện này, dân có lý hay vô lý không thành vấn đề, vấn đề nằm ở chỗ Thủ tướng đã phê duyệt, ngân hàng dựa vào đó cho vay, kế hoạch tài chính liên quan đến vay – trả cũng dựa vào chữ ký của Thủ tướng, thành ra tính sao, Thủ tướng phải có ý kiến cuối cùng…
***
BOT là một sự sáng tạo của thiên hạ: Mời gọi đầu tư, tận dụng khả năng, vốn liếng của tư nhân để phát triển hệ thống hạ tầng. Sau khi khai thác trong một thời gian nhất định nhằm thu hồi cả vốn lẫn lãi, nhà đầu tư sẽ giao lại công trình cho hệ thống công quyền, công trình sẽ trở thành một dạng phúc lợi công cộng mà công quỹ không mất đồng nào.
Từ khi Việt Nam từ bỏ kinh tế theo kế hoạch, tuyên bố phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, BOT mới xuất đầu, lộ diện và nhanh chóng trở thành đại họa.
BOT trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN không đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà các cơ quan hữu trách chỉ định nhà đầu tư. Thay vì khai thác năng lực, vốn liếng của nhà đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thì chính phủ lại đứng ra vay tiền của bá tánh thông qua bán trái phiếu rồi giao cho các nhà đầu tư, hoặc sử dụng nhiều hình thức khác nhau để các nhà đầu tư ồ ạt vay ngân hàng, dùng tiền tiết kiệm của bá tánh rán chính họ.
Năm ngoái, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam công bố một báo cáo, theo đó, các nhà đầu tư chỉ góp từ 10% – 15% vốn cho các dự án mà họ… đầu tư theo hình thức BOT, số còn lại (từ 85% đến 90%) là tiền các nhà đầu tư vay của bá tánh thông qua các ngân hàng. Tính đến tháng 8 năm 2018, 91% tổng số tiền mà bốn ngân hàng lớn (SHB, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đã cho vay được đổ vào các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông (3).
Không rõ đến nay, chính phủ đã trao cho giới đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT bao nhiêu tỉ tiền bán trái phiếu. Cũng không rõ các nhà đầu tư đang nợ hệ thống ngân hàng bao nhiêu (?). Số liệu gần nhất được công bố hồi năm ngoái là 154.000 tỉ song lúc đó mới chỉ có 55 dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Giờ, số dự án được đầu tư theo hình thức BOT ít nhất cũng là 68 và tất nhiên số tiền mà các nhà đầu tư nợ ngân hàng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cho dù Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước liên tục chỉ ra đủ thứ sai phạm nghiêm trọng liên quan tới các dự án đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT: Chọn toàn nhà đầu tư không đủ năng lực. Cho phép nhà đầu tư khai thác, thu phí trên những công trình giao thông sẵn có. Đặt các trạm thu phí sai vị trí. Tính… sai đủ thứ (tổng mức đầu tư, khối lượng, đơn giá, thời gian thu phí,…) song chắc chắn các trạm thu phí BOT vẫn đồng hành cùng người Việt trên… con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không phải tự nhiên mà cách nay hai tuần, Bộ GTVT loan báo dự tính, đề nghị Thủ tướng cho 37 trạm thu phí tăng mức phí được thu để cứu các dự án sụt giảm doanh thu, giữ cho các dự án này không bị “vỡ phương án tài chính”, nợ của các nhà đầu tự không trở thành “nợ xấu của quốc gia” (4).
Cho đến giờ này, vẫn còn rất nhiều người Việt tỏ ra hết sức ngây thơ và rât đáng tội nghiệp khi khăng khăng thắc mắc tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bất chấp tất cả tác hại, kể cả tác hại về nhân tâm để bảo vệ cho bằng được các nhà đầu tư, trong khi đúng ra, đầu tư vào vào hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT phải là và nên là “lời ăn, lỗ chịu”? Đó chính là một trong những đặc điểm của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN!
Tất nhiên, kinh tế thị trường thuần túy phải có đấu thầu, lựa chọn cẩn thận, không để nảy ra những nhà đầu tư như vậy. Kinh tế thị trường thuần túy không có chuyện chính phủ hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư bằng trái phiếu, không hỗ trợ để các nhà đầu tư biến hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế thành con tin, dân chúng vừa phải nuôi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, vừa phải nuôi các nhà đầu tư. Không nuôi thì chết chùm. Quốc gia vỡ nợ, “dân ngu, khu đen” sẽ là đối tượng… chết trước bình minh.
Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì khác, không cho phép “chặt đầu, lột da” những viên chức hữu trách, những doanh nhân hối mại quyền thế, hợp tác với nhau biến BOT trở thành thảm nạn và là hiểm họa thường trực, có thể làm cả quốc gia sụp đổ nếu “phương án tài chính” của nhà đầu tư bị… vỡ. Cũng vì vậy, Thủ tướng đâu có xử ai, dân lành có oán thán cỡ nào về các trạm thu phí BOT thì Thủ tướng cũng chỉ làm một chuyện: Hối thúc triển khai hệ thống thu phí tự động (5).
Chú thích
(3) https://nhadautu.vn/bon-nha-bang-nao-dang-cho-vay-bot-nhieu-nhat-d2386.html
(4) https://plo.vn/do-thi/giao-thong/bo-gtvt-de-xuat-tang-phi-37-tram-bot-838689.html
https://www.voatiengviet.com/a/bot-hoa-binh-hoa-lac-that-thu/4968923.html