Tin Việt Nam – 22/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/05/2019

Giảm giá vé BOT: ‘Sửa sai’ hay ‘xoa dịu’?

Mỹ HằngBBC, Bangkok

Việc Bộ Giao Thông Vận Tải giảm giá vé cho người dân qua trạm BOT là động thái sửa sai tích cực hay chỉ là cách xoa dịu dư luận?

“Bản thân tôi cho rằng đây là một thắng lợi bước đầu của dân miền Tây trong việc đòi minh bạch BOT,” ông Huỳnh Bửu Long, người nổi tiếng sau các hoạt động đấu tranh phản đối BOT Cai Lậy trong vài năm qua, nói với BBC hôm 20/5.

Dự đường tránh trên Quốc lộ 1, qua thị trấn Cai Lậy được hoàn thành năm 2017, mức đầu tư gần 1400 tỷ đồng cho các hạng mục: xây đường tránh 12km, gia cố nền đường quốc lộ 1 26,5 km; xây dựng và khơi thông hệ thống thoát nước dọc quốc lộ 1.

Giới lái xe cho rằng BOT Cai Lậy phải đặt trên đường tránh thay vì trên quốc lộ 1, do đó đã dùng nhiều hình thức đấu tranh phản đối khiến BOT này phải ngưng thu phí 2 năm qua.

Bình luận của ông Long được đưa ra trong bối cảnh Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trình Thủ tướng chính phủ đề nghị giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy, thu phí trở lại nhưng với mức giá giảm ‘nhất nước’ và ‘phạm vi miễn, giảm phí lớn nhất nước’.

Dân sẽ tự đếm xe ở BOT Ninh Lộc bằng camera

Trạm Cai Lậy: Phản ứng của tài xế ‘hiệu quả, cần thiết’

Theo đó, mức vé giảm cao nhất của BOT Cai Lậy lên tới gần 60%, thực hiện trên 41 xã, phường, thị trấn lân cận.

Trước đó, hàng loạt BOT khác trên khắp cả nước đã giảm giá vé.

‘Thắng lợi bước đầu’

Ông Huỳnh Bửu Long, được biết đến với tên gọi ‘Hot boy Cai Lậy’, nói hành động giảm giá vé, với vùng miễn giảm rộng, “là một động thái sửa sai rất lớn” của chính quyền.

“Chứng tỏ chính quyền ở Cai Lậy có các phương pháp rất ôn hòa, chịu lắng nghe người dân.”

Về các ý kiến cho rằng thỏa mãn với phương án này là người dân thỏa hiệp với việc chính quyền sai, nhưng ‘sai ít hơn’, ông Long nói:

“Theo tôi, nhượng bộ không có nghĩa chúng tôi thua. Tôi cũng không muốn nói đến vấn đề thắng thua… Chúng ta không thể nào thay đổi ngay một sớm một chiều.”

“Yêu cầu BOT Cai Lậy phải dời vào trong đường tránh là chính đáng. Nhưng chúng ta không thể nào thay đổi ngay một sớm một chiều. Nếu chúng ta cực đoan, đưa ra một đề nghị mà thấy rằng không khả thi, thì có nghĩa lúc nào chúng ta cũng ở trong tình trạng đối đầu. Mà như vậy, thất bại sẽ luôn thuộc về người dân thôi.”

“Tôi từng trả lời năm 2017, vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng thu phí BOT Cai Lậy, rằng, có nhiều phương án để trạm này tiếp tục hoạt động. Cách thứ nhất là đặt hai trạm, một ở trên quốc lộ, một ở đường tránh, từ đó tính mức phí theo mức mà nhà đầu tư đã bỏ ra để nâng cấp quốc lộ 1. Mục đích là để san sẻ với nhà đầu tư, cũng nhằm kết thúc việc đối đầu với nhau. Cách thứ hai là giảm giá vé.”

“Năm 2018 Bộ GTVT sau khi thanh tra thì giảm đến 127 năm thơi gian thu phí của tất cả cả các trạm, riêng với BOT Cai Lậy họ giảm mức phí thấp nhất nước, với diện giảm phí rộng nhất nước, cùng với tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Vĩnh Long sắp đi vào hoạt động thì tôi cho rằng đây là thắng lợi bước đầu của người dân miền Tây. Tôi tạm gọi là chấp nhận phương án này.”

“Việc đòi hỏi quyền lợi là điều chính đáng nhưng nếu chúng ta quá cực đoan thì nó sẽ đẩy đi hướng khác so với ý chí ban đầu của chúng ta là muốn minh bạch việc thu phí BOT.”

Cũng theo ông Long, người từng được đi nhiều nơi từ Bắc chí Nam, ông chứng kiến hầu như trạm BOT nào cũng giống như BOT Cai Lậy: xây tuyến tránh nhưng thu phí trên quốc lộ. Do đó, theo ông, không thể ngay một lúc mà giải quyết sạch vấn đề của mọi BOT.

“Mỗi một việc làm đều cần có lộ trình. Nhìn vào cục diện thì chỉ khoảng 2 năm nữa thôi, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh-Vĩnh Long đưa vào hoạt động thì gần như tất cả các xe từ miền Tây đều chọn đường này để lưu thông. Như vậy thì BOT Cai Lậy tăng hay giảm giá vé không còn nhiều ý nghĩa với dân miền Tây nữa.”

Cũng theo ông Long, mỗi người dân như ông đều phải lo cơm áo hằng ngày, nên việc đòi hỏi minh bạch tại các BOT đặt sai vị trí là trách nhiệm của mỗi người dân.

“Đừng trông chờ vào bất cứ ai, bản thân mỗi người phải tự đòi hỏi quyền lợi của mình. Nếu trường hợp những người dân ai cũng phản đối bất công của trạm BOT đặt trên địa phương mình thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng lớn,” ông Huỳnh Bửu Long nói với BBC.

‘Chỉ xoa dịu dư luận’

Trong khi đó, ở góc độ luật pháp, luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nói với BBC rằng người dân cần sự minh bạch, rõ ràng trong việc tính toán thu, chi để vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và quyền lợi của mình.

“Nếu đã minh bạch thì người dân sẽ chấp nhận. Ở đây, vì nhà đầu tư sai, chính quyền địa phương cũng dung dưỡng cho cái sai nên việc sai trái tiếp diễn, đồng nghĩa với việc tranh chấp còn kéo dài.

“Tôi nghĩ, trong trường hợp này, việc giảm mức thu phí của Bộ GTVT chỉ nhằm xoa dịu dư luận chứ không để giải quyết dứt điểm căn nguyên của vấn đề. Do đó, người dân sẽ tiếp tục đặt ra điều ngờ vực với sự minh bạch của chính cơ quan này.”

Việt Nam: Gọi phí BOT thành giá ‘do nghị định’

Chuyện gì đang xảy ra tại BOT An Sương-An Lạc?

“Việc giảm giá phí tại nhiều trạm BOT sau khi vấp phải phản kháng mạnh mẽ của người dân đã chứng minh sự sai trái, mập mờ trong việc thu chi tại các dự án này. Điều đó cũng chứng minh sự dễ dãi trong quá trình thẩm định dự án, đặc biệt là phương án tài chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chủ đầu tư có cơ hội trục lợi.”

“Cần nghiêm khắc xem xét năng lực của các cán bộ công quyền và sự trong sạch của họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã để xảy ra những sai sót vô cùng tai hại, thiệt hại lớn cho nguồn thu của nhà nước, quyền lợi của người dân. Cần cá thể hoá hành vi và xử lý trách nhiệm theo mức độ vi phạm.”

Việc bồi hoàn, bồi thường người dân bị thu phí oan sai suốt một thời gian dài, theo luật sư Tuấn, là ‘khó’ vì ‘khó xác định được đối tượng bị thu sai’.

Do đó, ông Tuấn cho rằng ‘chỉ có thể xử phạt vi phạm của chủ đầu tư’. Nhưng xét cho cùng, việc quyết định đối tượng thu, mức thu là do cơ quan công quyền, nên chính quyền phải xin lỗi người dân đầu tiên.

“Số tiền thu sai nên dùng để trừ vào số tiền phải thu của chủ đầu tư để giảm giá thu hoặc thời gian thu hoặc cả hai yếu tố đó cho người dân, trừ trường hợp người bị thu sai kiện đòi bồi thường bằng những vụ kiện riêng.”

Bộ GTVT giảm giá vé BOT như thế nào?

Giải pháp của Bộ GTVT sau hai năm ngưng thu phí BOT Cai Lậy do vấp phải phản kháng dữ dội của người dân, là ‘giữ trạm’ ở vị trí cũ, thu phí trở lại ‘ở mức thấp nhất nước’.

Cụ thể, BOT Cai Lậy sẽ giảm tới 60% giá vé, ví dụ Xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt. Việc thu phí sẽ được tiến hành trong 15 năm 9 tháng, thực hiện trên 41 xã, phường, thị trấn lân cận.

Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị chính phủ cho thực hiện giải pháp này, trong bối cảnh bộ đang sợ việc ngưng thu phí 2 năm qua “có thể khiến phát sinh nợ xấu”.

Bộ GTVT nói là nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản đề cập đến khả năng phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu và đề nghị bộ này giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan đến thu phí.

Bộ GTVT cũng nói rằng các kết luận thanh kiểm tra cho thấy “BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định của pháp luật”. Và rằng vị trí hiện nay của BOT Cai Lậy ‘nằm trong phạm vi đầu tư của công trình và đã được sự chấp thuận của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai đầu tư’.

Bộ GTVT cũng nói Thủ tướng chính phủ đã ‘có ý kiến’ đồng tình với chủ trương này sau 3 cuộc họp năm 2018.

Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Nhật thì nói với báo chí Việt Nam rằng sẽ ‘họp với bên công an’ để đảm bảo an ninh trật tự tại BOT Cai Lậy.

Trước đó, BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Phả Lại, và hàng loạt BOT khác đã thực hiện giảm giá vé.

Cuộc đấu tranh giữa các lái xe và chính quyền địa phương nơi có BOT được cho là ‘đặt sai vị trí’ hoặc thu phí cao bất hợp lý đã diễn ra trong nhiều năm, ban đầu ở BOT Cai Lậy, sau lan ra khắp cả nước.

Các hình thức đấu tranh rất đa dạng, từ trả phí bằng tiền mệnh giá thấp, cho xe đi thật chậm qua BOT gây ùn tắc, thậm chí cắt cử người ghi chép số xe thực tế qua trạm để đối chiếu với số phí mà trạm BOT thu được trong ngày, v.v…

Một số lái xe tham gia đấu tranh chống BOT ‘bẩn’ đã bị bắt tạm giam, như ông Hà Văn Nam (Hà Nội) – người phản đối BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48331701

 

Thêm người biểu tình

phản đối ô nhiễm môi trườngbị kết án

Nhóm 15 người dân tham gia phản đối nhà máy xử lý chất thải rắn tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ vào ngày 21 tháng 5 bị tòa án đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên án.

Tin cho biết 15 người bị tuyên các án gồm tù, tù treo và cải tạo không giam giữ với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà Trần Thị Kim Liên bị 4 tháng 28 ngày tù; ông Huỳng Thái 9 tháng tù treo và ông Cao Minh Thiên 8 tháng tù treo; những người còn lại bị tuyên 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Vụ phản đối xảy ra vào tối ngày 2 tháng 9 năm 2018 khi người dân nghe tin Nhà máy Xử lý Chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ trở lại hoạt động, một số người dân đến trước cổng Ủy Ban Nhân dân xã Phổ Thạnh yêu cầu chính quyền địa phương xử lý.

Số người dân tiếp tục tham gia đến lúc đông nhất được cho biết khoảng 200 người. Những người dân sau đó dùng vật cản, trải chiếu, bạt chặn đoạn đường qua xã Phổ Thạnh khiến giao thông tắt nghẽn nhiều giờ đồng hồ.

Công an đã đến giải tán những người phản đối, bắt một số người về trụ sở công an Huyện Đức Phổ.

Nhiều người dân trong nước do bức xúc ô nhiễm quá mức tác động đến cuộc sống và sức khỏe, sau nhiều lần báo với chính quyền địa phương và đơn vị liên quan mà không được giải quyết, phải sử dụng biện pháp biểu tình, phản đối. Tuy nhiên rốt cuộc họ vướng vào vòng tù tội với những cáo buộc gồm ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘chống đối người thi hành công vụ’…

Trường hợp gần nhất sau vụ nhóm vừa nêu là vào ngày 15 tháng 5, có bảy phụ nữ ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, tỉnh Tây Ninh phải chịu từ 24 đến 30 tháng tù do chặn xe cát của Công ty TNHH Việt-Úc bị cho là gây ô nhiễm và nguy hiểm ở địa phương này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-group-of-environment-pollution-protesters-sentenced-05222019102223.html

 

Nhiều thương phế binh VNCH mất nơi nương tựa

Thanh Trúc

Trong những năm gần đây nhiều thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến tại Phòng Công Lý-Hòa Bình ở Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, để được khám sức khỏe, được hỗ trợ về vật chất cũng như gặp gỡ những anh em đồng cảnh ngộ.

Tuy nhiên hôm 15 tháng Năm vừa qua, một tấm bảng dán trên cửa văn phòng cho thấy nơi này ngưng làm việc kể từ ngày 15/5/2019 cho đến khi có thông báo mới.

Là người thường xuyên lui tới phòng Công Lý-Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tới để phụ giúp, gặp gỡ, thăm viếng những người lính miền Nam bị thương tật hay tàn phế sau chiến tranh, cựu chiến binh miền Bắc nay là nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ:

Đến đấy thì tôi thấy các ông thương phế bình Việt Nam Cộng Hòa  toàn là những người trên 60 cho đến 80, ông nào cũng già yếu khổ sở lắm. Trong khi các binh sĩ của phía Bắc Việt thì còn được một chút quyền lợi rồi lương hưu các thứ thì các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa không được một cái gì hết. Thôi thì không được đã thiệt thòi rồi mà khốn nạn nhất là từ 75 đến giờ cả bản thân, gia đình, con cháu họ bị nghi lỵ, bị phân biết đối xử đủ chuyện hết. Dạo gần đây còn đỡ chứ hồi sau 75 độ khoảng 20 năm con cái họ học giỏi mấy thì giỏi cũng về cày ruộng chứ không thể nào vô đại học.

Phòng Công Lý –Hòa Bình mà không hoạt động nữa thì tụi tôi bất lực bất tài, coi như không có điểm dựa hoặc không có một trợ giúp trong những lúc sau này đau ốm hoặc có cái gì thì tụi tôi chỉ là hai bàn tay trắng và không có ai mà quan tâm giúp đỡ cho chúng tôi nữa hết.
-Thương phế binh Võ Hồng Sơn

Thương phế binh Võ Hồng Sơn, bị cụt cả hai chân, hàng ngày đi bán vé số để mưu sinh, từng được Phòng Công Lý Hòa Bình trợ giúp ủy lạo 5 năm qua, cho biết việc được hỗ trợ trong thời gian qua:

Một năm như vậy là Dòng Chúa Cứu Thế phát cho một người 1 triệu rưỡi với một phần quà và có đãi ăn đãi uống. Tết nhất thì các Cha cũng vô lì xì cho một người năm ba trăm ngàn. Tầm soát sức khỏe thì vẫn đi khám bình thường. Tất cả những thương phế binh vô gía cư, không nhà cửa, ngủ đường ngủ chợ là đều được Dòng Chúa Cứu Thế cứu vớt về lo lắng. Hoàn cảnh của tôi cũng vậy, không nhà không cửa, như vợ tôi chết cũng Dòng Chúa Cứu Thế lo chôn cất mai táng luôn.

Nhưng mà Phòng Công Lý –Hòa Bình mà không hoạt động nữa thì tụi tôi bất lực bất tài, coi như không có điểm dựa hoặc không có một trợ giúp trong những lúc sau này đau ốm hoặc có cái gì thì tụi tôi chỉ là hai bàn tay trắng và không có ai mà quan tâm giúp đỡ cho chúng tôi nữa hết.

Ngưng hoạt động thì coi như người thương binh miền Nam mất đi một chỗ hội họp để anh em, bạn bè, thầy trò thỉnh thoảng gặp nhau và an ủi lẫn nhau. Hơn nữa mất Phòng Công Lý–Hòa Bình là còn mất đi số tiền bảo hiểm sức khỏe cần thiết, là lời ông Sáu, biệt danh là Sáu Nhảy Dù, một chân cụt và bàn chân kia thì bể nát, cộng thêm chứng ung thư hành hạ ông từng ngày:

Khám bịnh hàng năm rồi mình bịnh thì bên đó cũng cho mình tiền mua bảo hiểm, mỗi năm được triệu hay triệu mấy tùy theo. Bây giờ nếu không còn nữa tất nhiên mình cũng phải ráng thôi chứ không biết làm sao hết. ông có thì mình chắc khổ dữ lắm, hầu hết là tiền, bệnh hoạn rồi thuốc men là chịu chết thôi chớ biết sao giờ. Không có hội là mình tay trắng rồi.

Từ một nơi xa hơn Sài Gòn, thương phế binh Nguyễn Công Lý, đi khập khiểng với một chân bị thương tật, một mắt trái bị hỏng và gò má trai bị vỡ mà vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống hàng ngày:

Nói chung Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh có đã sáu bảy năm nay rồi. Đối với anh em chúng tôi đây là mái nhà chung để hàng năm anh em về hội tụ.  Giờ thì các Cha bị thuyên chuyển tứ tán hết rồi. Người mời về theo như trong dư luận ở Sài Gòn thì muốn dẹp chương trình. Anh em buồn lắm, giờ mạnh ai nấy là tự lo kiếm kế mưu sinh như từ xưa tới giờ thôi.

Tụi tôi thường được quí Cha cho tiền đóng bảo hiểm, rồi mỗi năm có một đợt tri ơn rồi khám bịnh khám sức khỏe cho mình đó là điều tốt. Mà bây giờ văn phòng đóng cửa thì phải ly tán thôi, anh em không còn cơ hội gặp nhau nữa, cuộc sống khó khăn sắp tới thì phải tự lo. Các Cha đi hết rồi còn ai lo cho mình nũa, với phần là giao cái danh sách anh em cho ông Cha mới thì cũng nhiều phiền phức nữa.

Ông Cha mới mà thương phế binh Nguyễn Công Lý nói tới ở đây là linh mục Lê Xuân Lộc, người thừa lệnh linh mục bề trên mới Phê Rô Đinh Ngọc Lâm để tiếp nhận giấy tờ, danh sách và tự tay khóa cửa Phòng Công Lý-Hòa Bình tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế số 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn hôm 15 tháng Năm.

Chi tiết này cũng được nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy nhắc tới trong bài viết của ông với tiêu đề “Xung Quanh Việc Văn Phòng Công Lý-Hòa Bình Tạm Đóng Cửa”

Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục, sẽ giúp đỡ bởi vì đó là đối tượng là những những người nghèo. Tiếp tục như thế nào là chuyện chúng tôi sẽ nói sau, những người nghèo và thương phế binh là những đối tượng cần giúp đỡ thì chúng tôi sẵn sàng.

-Linh mục Phê Rô Đinh Ngọc Lâm

Nhằm tìm hiểu liệu chương trình giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có được tiếp tục hay không trong thời gian tới, đường dây đài Á Châu Tự Do được nối về số máy của linh mục Phê Rô Đinh Ngọc Lâm, mới chính thức nhận lãnh trách nhiệm Bề Trên của Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng kiêm Cha Sở Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp:

Tôi mới nhận việc, chưa họp hành, chưa làm gì, chưa chạy chương trình gì hết. Tôi bảo bàn giao thì họ đóng cửa và tạm ngưng, còn ngày 20 họ khám thì tôi bảo khám thì tôi ủng hộ. Chúng tôi có cách thức của chúng tôi để làm, tiếp tục làm gì thì tôi phải họp sau đó tôi sẽ thông báo. Người ta mang tiền đến tôi vẫn nhận , tôi mời những ai là thương phế binh mang giấy tờ đến để tôi chuyển giao cho họ thôi, còn nếu cần khám bệnh cho họ chúng tôi sẽ khám bệnh mà.

Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục, sẽ giúp đỡ bởi vì đó là đối tượng là những những người nghèo. Tiếp tục như thế nào là chuyện chúng tôi sẽ nói sau, những người nghèo và thương phế binh là những đối tượng cần giúp đỡ thì chúng tôi sẵn sàng.

Được biết trước khi bàn giao cho nhân sự mới vào ngày 15 thì Phòng Công Lý–Hòa Bình vẫn tiếp nhận và giúp thương phế binh cho đến hết ngày 14.

Người tự tay dán bản thông báo tạm ngưng làm việc kể từ ngày 15 tháng Năm là ông Huỳnh Công Thuận, cựu quân nhân miền Nam từng sát cánh với các linh mục trước của Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi quí linh mục đó đổi đi nơi khác, Ông Huỳnh Công Thuận nói rằng ông khá lo lắng vì với nhân sự mới thì không rõ Phòng Công Lý-Hòa Bình sẽ được hoạt động lại hay không dù là dưới một tên mới.

Vẫn theo cựu chiến binh Võ Văn Tạo, quyết định tạm đóng cửa Phòng Công Lý–Hòa Bình khiến công luận nghi ngại rằng có thể các linh mục bề trên mới về Dòng Chúa Cứu Thế đang bị một số áp lực nào đó từ phía chính quyền:

Người lính có gì đâu ghê gớm mà sao họ trả thù cay ghê, họ thể hiện cái tiểu nhân quá đáng, cho nên thấy thương mấy ông thương phế bình chịu thiệt thòi cay đắng luôn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tin tức để thông báo đến quí thính giả.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/many-wounded-south-vietnam-soldiers-lost-their-support-05222019083902.html

 

Thanh tra đất vàng của vợ cựu bí thư Quảng Nam

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định chính thức thanh tra quá trình giao đất cho vợ của ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 2001 – 2008, Ủy viên TƯ Đảng Khóa XI, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho báo chí biết thông tin vừa nói hôm 22/5/2019.

Cụ thể sẽ thanh tra trong thời hạn 20 ngày đối với lô đất số A51-52 có tổng diện tích 1.261m2 tại khu phố mới Tân Thạnh, Tam Kỳ, được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Kỳ Hà – Chu Lai Quảng Nam.

Tin cho biết, vào tháng 4 năm 2013, Ủy ban nhân dân Thành phố Tam Kỳ đã giao hai lô đất vừa nêu cho công ty Kỳ Hà – Chu Lai Quảng Nam, có thu tiền sử dụng đất, nhưng không thông qua đấu giá.

Đến ngày 25/4/2016, công ty này chuyển nhượng 2 khu đất này cho bà Nguyễn Thị Ánh là vợ của ông Vũ Ngọc Hoàng – cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, với giá 4,1 tỉ đồng, và được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo kết luận của kiểm toán nhà nước, bố trí đất có thu tiền sử dụng đất, không đấu giá cho Công ty Kỳ Hà – Chu Lai là không đúng quy định. Ngoài ra, chuyển nhượng hai lô đất này cho bà Ánh thấp hơn giá đất quy định, tương ứng 703,55 triệu đồng.

Trước đó vào ngày 21/5/2019, trong thông cáo báo chí “về thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khu vực III”, mà Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam gửi các văn phòng đại diện, các phóng viên thường trú, các cơ quan báo chí địa phương, đã đề nghị “không đưa tin kỹ” về 2 lô đất “vàng” của vợ cựu Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng!?

Thông cáo báo chí này đã gây ra dư luận  trái chiều.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/official-land-inspection-of-former-wife-of-quang-nam-communist-party-secretary-05222019085450.html

 

Công an TP.HCM:

Hai lãnh đạo Sadeco bị bắt vì nghi tham ô tài sản

Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC) – Kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco, bị bắt để điều tra tội ‘tham ô tài sản’ và tội ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.’

Đó là thông tin được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM công bố vào ngày 22/5 được truyền thông trong nước loan đi cùng ngày.

Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận hồ sơ và kết luận của Thanh tra TP.HCM vào ngày 18/10/2018 kiến nghị điều tra Công ty Sadeco vì dấu hiệu nhiều sai phạm gây thiệt hại tài sản công ty và Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM khẳng định đã có đủ tài liệu, chứng cứ xác định ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo đó, hai lãnh đạo Sadeco có liên quan đến việc bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim, sai phạm thẩm định giá của công ty chứng khoán, và sai phạm trong hợp tác thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu. Ngoài ra là vi phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng hội đồng quản trị, ban kiểm soát tại Sadeco.

Trước đó ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, và khám xét nhà riêng của ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc.

Báo trong nước cho biết Sadeco vào thời điểm năm 2015 có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng, trong đó riêng IPC có tỷ lệ vốn góp chiếm hơn 74%. IPC là đơn vị 100% vốn Nhà nước do Thành uỷ TP.HCM quản lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-two-leaders-of-sadeco-arrested-for-suspected-corruption-05222019082814.html

 

Dịch tả heo Châu Phi

xuất hiện tại 37 tỉnh/thành Việt Nam

Tỉnh An Giang tại Đồng bằng Sông Cửu Long là tỉnh mới nhất báo cáo bị dịch tả heo Châu Phi; như vậy tính đến ngày 22 tháng 5 trên cả nước Việt Nam có 37 tỉnh/thành bị dịch này.

Truyền thông trong nước ngày 22/5 loan tin dẫn thông tin của tỉnh An Giang, ổ dịch đầu tiên bị phát hiện tại một hộ dân khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

Nguyên nhân được đưa ra là có thể do nguồn thức ăn cho heo được chủ hộ chăn nuôi sử dụng từ nguồn thức ăn thừa tại hai khu vực phường Mỹ Thới và Mỹ Thạnh nhưng chưa qua xử lý nhiệt.

Sau khi phát hiện ổ dịch tại thành phố Long Xuyên, các cơ quan giám sát dịch tỉnh cùng với Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh An Giang chốt chặn hai đầu ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi 3 cây số để kiểm tra, giám sát, khử trùng… nếu nghi ngờ có dịch.

Theo ông Trần Tiến Hiệp Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú Y tỉnh An Giang cho biết, An Giang là địa phương thứ hai tại Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch tả heo Châu Phi. Trước đó vào đầu tháng 4/2019 tỉnh Hậu Giang cũng đã bùng phát ổ dịch đầu tiên tại khu vực này.

Cùng ngày, sau khi có thông tin dịch đã lan tới An Giang thì tỉnh Cà Mau đã triển khai lực lượng chốt chặn kiểm tra tất cả các tuyến đường bộ lẫn đường thủy ra vào Cà Mau, các xe đi qua vùng dịch đều được yêu cầu ghé trạm để kiểm tra và khử trùng.

Từ sau khi ổ dịch đầu tiên bị phát hiện tại khu vực phía Bắc vào tháng 2 đến nay có chừng 1 triệu 500 ngàn con heo bị tiêu hủy trên cả nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-african-swine-fever-pandemic-in-vietnam-05222019082016.html

 

Ăn biểu diễn có giúp chặn đứng dịch

Ăn thịt heo quay để trấn an

Truyền thông Việt Nam vừa qua đăng tải hình ảnh lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cùng ăn thịt heo quay và các thực phẩm chế biến từ thịt heo như một minh chứng về việc tiêu dùng thịt heo một cách bình thường, không tẩy chay thịt heo khi dịch bệnh lây lan vì đã được kiểm soát, chứng thực nguồn gốc của cơ quan chức năng.

Sinh hoạt này làm nhiều người nhớ lại sau khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng gây nên, các lãnh đạo trung ương và đia phương cũng biểu diễn ăn hải sản và xuống biển tắm.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói rằng ông không phản đối việc làm của các lãnh đạo. Ông giải thích:

“Họ làm như thế để chứng minh nó không nguy hiểm cho sức khỏe con người, tiêu thụ của xã hội bớt hoảng loạn đi nhưng do các vị lãnh đạo của nhà nước này lâu nay lời nói không đi đôi với việc làm nên sự tín nhiệm nó kém những việc làm như thế chưa chắc nhân dân người ta tin như đợt ăn cá khi sự cố Formosa.”

Bất đồng trong cách dập dịch

Từ sau khi ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên bị phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ở khu vực phía Bắc vào tháng 2 đến ngày 22 tháng 5 dịch đã có mặt tại 37 tỉnh/thành phố trên cả nước và buộc tiêu hủy hơn 1,5 triệu con lợn bệnh. Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ra chỉ thị yêu cầu chính quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương họp bàn đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh này.

Bộ Nông Nghiệp –Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh thành, biên giới giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển…để ngăn chặn vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép vào Việt Nam. Các địa phương cần thường xuyên tổ chức phun thuốc, khử trùng, vệ sinh môi trường ở những cơ sở chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Thậm chí Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn còn kêu gọi đưa bộ đội vào tham gia công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Trung ương nói với chúng tôi rằng dịch bệnh này chỉ ảnh hưởng về kinh tế chứ không ảnh hưởng sức khỏe người dân.

“Một số tỉnh thành có chuyện dịch bệnh là do người ta không tuân thủ các quy định nên thành ra có một số lợn chết họ mang đi tiêu hủy theo quy định mà đem đi vứt ra bừa bãi làm cho lây lan và đấy là một trong những lý do, hiện nay đang siết chặt lại khâu đó. Nói chung dịch bệnh này chỉ thiệt hại về kinh tế thôi còn sức khỏe con người thì không sợ vì nó không lây lan sang người. Nó không giống như các dịch cúm gà có thể lây sang người nên nguy hiểm dẫn đến tử vong.”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải một chuyên gia về môi trường trao đổi với chúng tôi rằng, ông đã bắt đầu chống dịch tả này từ cuối năm 2016 và có cảnh báo đối với chính quyền Việt Nam từ trước tết. Tuy nhiên, mọi cảnh báo đều không được phản hồi.

“Dịch tả Châu Phi là phải từ ruột mà tại sao lại đi phun thuốc lên xe, rồi ở ngoài, xử lý trong ruột thì nó mới chết được chứ. Những nguyên lý cơ bản sao Việt Nam không nói. Bây giờ họ đưa cả một hệ thống chính trị để phòng chống dịch lợn, chúng ta phải phòng tất cả loại dịch bệnh. Thử đi khắp Việt Nam hỏi những người nuôi lợn xem họ biết cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi như thế nào không, chắc chắn không ai biết. Tốn bao nhiêu tiền họp hành, tuyên truyền trên truyền thông nhưng không được gì.”

Vị tiến sĩ khẳng định với chúng tôi loại vi khuẩn gây bệnh này nằm trong ruột heo, do đó chỉ cần dùng Anoxic KT cho vào nước, thức ăn của heo, bơm vào sữa heo mẹ cho heo con bú thì có thể diệt tận gốc cho heo. Vì ông đã thực hiện thành công ở rất nhiều hộ dân chăn nuôi heo.

Cập nhật mới về bệnh dịch tả heo

An Giang là địa phương mới nhất công bố dịch tả lợn Châu Phi hôm 22/5. Thông tin của tỉnh An Giang cho biết  ổ dịch đầu tiên bị phát hiện tại một hộ dân khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

Nguyên nhân được đưa ra là có thể do nguồn thức ăn cho heo được chủ hộ chăn nuôi sử dụng từ nguồn thức ăn thừa tại hai khu vực phường Mỹ Thới và Mỹ Thạnh nhưng chưa qua xử lý nhiệt.

Sau khi phát hiện ổ dịch tại thành phố Long Xuyên, các cơ quan giám sát dịch tỉnh cùng với Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh An Giang chốt chặn hai đầu ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi 3 cây số để kiểm tra, giám sát, khử trùng… nếu nghi ngờ có dịch.

Theo ông Trần Tiến Hiệp Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú Y tỉnh An Giang cho biết, An Giang là địa phương thứ hai tại Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch tả heo Châu Phi. Trước đó vào đầu tháng 4/2019 tỉnh Hậu Giang cũng đã bùng phát ổ dịch đầu tiên tại khu vực này.

Cùng ngày, sau khi có thông tin dịch đã lan tới An Giang thì tỉnh Cà Mau đã triển khai lực lượng chốt chặn kiểm tra tất cả các tuyến đường bộ lẫn đường thủy ra vào Cà Mau, các xe đi qua vùng dịch đều được yêu cầu ghé trạm để kiểm tra và khử trùng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/outbreak-of-african-swine-fever-and-vietnamese-official-eating-roasted-pork-05212019152847.html

 

Đài Loan: Lao động Việt đình công

 phản đối việc 5 người bị đuổi việc

5 nữ lao động Việt Nam tại công ty sản xuất thực phẩm Mỹ Đề tại Đài Loan đã bị ép phải nghỉ việc sau khi tham gia một cuộc biểu tình hồi đầu tháng Năm.

Sự việc này khiến hàng chục người lao động Việt tại công ty đình công để phản đối.

Theo nguồn tin của BBC, chiều hôm 20/5, người quản lý công ty Thực phẩm Mỹ Đề đã mời 5 nữ lao động Việt Nam lên văn phòng.

“Ông chủ mời vào một phòng kín nói rằng là công ty bị cắt giảm đơn hàng, nên sẽ sa thải năm người về Việt Nam. Trong vòng hai tiếng phải về ký túc xá chuẩn bị đồ đạc tư trang đến chỗ môi giới ở,” Tô Thị Phương, một trong năm phụ nữ trên kể lại với BBC.

Đài Loan: Người lao động Việt đòi ‘hủy bỏ môi giới’

Phạm nhân ở Việt Nam ‘bị tước quyền có luật sư’

Vì sao Mỹ luôn quyết liệt về Đài Loan?

Chị cho biết họ buộc phải ký vào một tờ giấy mang nội dung cho họ đổi chủ hoặc về Việt Nam.

Chị Phương cho rằng việc sa thải họ ngay lập tức là không thỏa đáng vì nhận thấy nhiều nhân viên vẫn phải làm tăng ca đến 16 tiếng đồng hồ.

Đáng chú ý trước đó, chị và bốn người lao động này đã bị ông chủ và bên môi giới ‘chỉ điểm’ rằng họ đã “cầm đầu cuộc biểu tình hôm 3/5”.

Trước đó vào 3/5, chị Phương cùng nhiều công nhân đã bãi công đòi quyền lợi vì lý do “lao động Việt Nam bị phạt quá nặng, thậm chí đến gần một tháng lương. Tiền tăng ca thì thấp, tính tăng ca như ngày thường. Ngày lễ hầu như không được tính và không được nghỉ.”

Hôm đó, trước đại diện của Cục Lao động Đài Loan, công ty Mỹ Đệ đã hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho mỗi lao động Việt bằng tiền mặt khoảng 20.000 Đài tệ/tháng vào 15/5.

Tuy nhiên đến 15/5, công ty ký chi phiếu trong khi đó nhiều lao động Việt phàn nàn rằng họ không biết tiếng, không có thời gian và không có tài khoản ngân hàng để lấy tiền.

Ngay tối hôm 20/5, sau khi năm người lao động Việt bị buộc nghỉ việc, hàng chục người lao động Việt Nam khác đang làm việc tại công ty này đã đồng loạt ngừng làm và tổ chức bãi công để tỏ thái độ ủng hộ năm người đồng hương và yêu cầu phía công ty thực hiện cam kết bồi thường tiền cho người lao động Việt Nam.

Phía công ty Mỹ Đề không đưa ra tuyên bố hay lời giải thích nào, thậm chí đe dọa “đuổi về nước” những người tham gia đình công tối đó, chị Phương cho biết.

Vì vậy sáng 21/5, khoảng 50 lao động Việt Nam đã tổ chức biểu tình, họp báo trước Cục Lao động Tân Bắc ở Bản Kiều.

Trong video clip quay trực tuyến trên Facebook, đại diện Cục Lao động Tân Bắc đã ra đối thoại ôn hòa với người biểu tình, cùng với một người phiên dịch.

“Đây là Cục Lao động Thành phố Tân Bắc. Đã nghe tin về vấn đề, đã liên hệ chủ và môi giới. Cục Lao động sẽ tiếp tục điều tra. Cục lao động sẽ không chấp nhận những hành vi sai phạm của chủ hay môi giới,” người phiên dịch nói.

“Hiện nay, nếu cho các bạn thôi việc, chủ phải đến báo Cục Lao động, phải có công văn. Hiện chủ chưa có văn bản chính thức về việc cho các bạn nghỉ. Khi nào họ chính thức cho ai đó thôi việc thì Cục Lao động sẽ điều tra.

“Việc đơn hàng ít, chúng tôi sẽ điều tra năm nay và năm rồi, tỷ lệ xê dịch như nào, có đúng sự thật là không có đơn hàng hay đơn hàng bị giảm hay không.”

“Nếu như năm bạn ấy bị buộc thôi việc, có phải do lý do vừa rồi hay là do lý do nào khác? Như thế thì Cục Lao động sẽ không chấp nhận.”

Được biết chiều đó, Cục Lao động Đài Loan đã có cuộc gặp kéo dài một tiếng để lấy ý kiến với 50 người biểu tình.

Tuy nhiên, chị Phương cho biết chị và bốn người lao động Việt Nam vẫn không được gọi tên và giao việc ngày hôm nay. Họ sẽ nói sẽ tiếp tục bàn bạc để đòi lại quyền lợi của mình.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48351351

 

Đại biểu quốc hội kêu gọi xây dựng triết lý giáo dục

Tại phiên thảo luận của Quốc hội vào ngày 21 tháng 5, một số đại biểu nhắc đến yêu cầu Việt Nam cần có triết lý giáo dục.

Sau bao nhiêu năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vì sao đến nay vấn đề triết lý giáo dục lại trở nên bức thiết đối với Việt Nam như thế?

Theo tôi từ sau năm 1975, nền giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa không có triết lý, mà tôi tạm gọi là triết lý mãnh lực đồng tiền. Vì vậy nó là cội rễ làm cho nền giáo dục ngày càng xuống dốc thảm hại.- Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn cho rằng việc xây dựng triết lý giáo dục là một việc làm vô cùng cấp thiết và chính phủ Hà Nội không nên chậm trễ hơn nữa.

Trước năm 1975, ở miền nam Việt Nam có triết lý giáo dục là ‘Nhân bản, dân tộc và khai phóng’.

Giáo sư Lê Xuân Khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 giải thích rõ hơn về triết lý giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do như sau:

“Nhân bản tức là nói về con người, lấy con người làm cơ sở cứu cánh. Cho nên, nền giáo dục phải chú trọng đến con người và phát triển con người toàn diện, một con người với giá trị phổ quát của nhân loại. Trong khi nói về tính cách với cơ sở nhân loại như vậy thì vẫn phải có cá tính của Việt Nam, là cá tính dân tộc. Nuôi dạy một đứa bé từ nhỏ đến lớn thành một trí thức thì trí thức đó có cơ sở của nhân loại và có cơ sở của Việt Nam để đóng góp vào cộng đồng nhân loại. Đó là đặc tính dân tộc. Và thứ ba là vấn đề khai phóng, chuyên về khoa học nhiều hơn. Bởi vì Việt Nam trong hòan cảnh là một quốc gia chậm tiến; hay bây giờ người ta dùng chữ đẹp đẽ hơn, gọi là quốc gia đang phát triển do đó khai phóng là mở cửa ra đón nhận tất cả những tinh hoa, đặc biệt về khoa học công nghệ thế giới, nhất là của Tây phương. Đón nhận như vậy thì vừa có có sở nền tảng con người nhân bản, vừa có đặc tính của dân tộc Việt Nam và vừa đón nhận được khoa học tiến bộ của Tây phương thì con người như vậy là con người toàn diện.”

Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, triết lý giáo dục này đã không còn được sử dụng, và theo nhiều nhận xét thì hầu như Việt Nam đã không có triết lý giáo dục từ đó trở đi, như lời nhà báo Nguyễn Ngọc Già:

“Theo tôi từ sau năm 1975, nền giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa không có triết lý, mà tôi tạm gọi là triết lý mãnh lực đồng tiền. Vì vậy nó là cội rễ làm cho nền giáo dục ngày càng xuống dốc thảm hại, không có gì đáng ngạc nhiên hết và những biểu hiện của việc xuống dốc thảm hại đó có lẽ quá nhiều và không cần phải chứng minh.”

Còn theo Sử gia Trần Gia Phụng, Nhà nghiên cứu sử học tốt nghiệp Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Huế năm 1965, hiện đang sinh sống tại Canada cho rằng nói cộng sản không có triết lý là không đúng:

“Họ có triết lý giáo dục, đó là triết lý dựa trên nền tảng Marxist – Leninist và cuộc tranh đấu giai cấp thành ra họ vẫn dạy triết học nhưng không áp dụng được vì người ta không thích. Cái quan trọng nữa là phải tôn trọng tuyệt đối giáo khoa. Giáo khoa là pháp lệnh tức là giáo khoa do người đảng viên cộng sản soạn dựa trên triết học Marxist – Leninist cho nên nó sai lệch, làm hỏng nền giáo dục.”

Trước đây, trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là “triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.”

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng làm trong ngành giáo dục ở miền Bắc hơn 30 năm, đưa ra nguyên nhân vì sao Việt Nam lại không đưa ra triết lý giáo dục chính thức được:

Quốc hội hay ngành giáo dục không muốn một triết lý giáo dục nào ngoài những nguyên lý giáo dục cộng sản đề ra. Người ta ngại không bắt chước giáo dục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không muốn giống thế giới và cũng không nghe một nhà khoa học nào. – PGS-TS. Mạc Văn Trang

“Quốc hội hay ngành giáo dục không muốn một triết lý giáo dục nào ngoài những nguyên lý giáo dục cộng sản đề ra. Người ta ngại không bắt chước giáo dục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không muốn giống thế giới và cũng không nghe một nhà khoa học nào mà cứ coi như nguyên lý giáo dục của đảng, nghị quyết của đảng là sáng suốt nhất, là chân lý rồi.”

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, triết lý giáo dục cần được dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ và sử dụng những từ dễ hiểu:

“Tôi nghĩ triết lý giáo dục hiện nay là Trách nhiệm – Thành thật – Tự do, còn triết lý thời Việt Nam Cộng Hòa là Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng. Triết lý đó cho đến nay vẫn còn giá trị, nhưng sẽ khó hiểu ở góc độ chữ nghĩa. Ví dụ như từ khai phóng đối với trẻ sẽ rất khó khăn, bởi vì có một thực tế là chữ nghĩa tiếng Việt trước 75 thì sau này mai một đi rất nhiều. Do đó cần phải gầy dựng lại một cách có hệ thống từng bước thì mới có thể hiểu được từ khai phóng. Nên theo ý tôi triết lý giáo dục hiện nay cần phải gọn, rõ, và rất dễ hiểu cho quảng đại quần chúng, đó là triết lý Trách nhiệm – Thành thật – Tự do.”

Vẫn theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, không chỉ riêng đối với những biểu hiện bang hoại trong ngành giáo dục mà tất cả các thảm trạng của xã hội Việt Nam ngày nay đều được quy về tội ‘thiếu trách nhiệm’. Ông cho rằng theo chương trình học trước năm 75, học sinh được dạy làm ‘tròn trách nhiệm’ hoặc ‘chu toàn trách nhiệm’; chứ không như hiện nay cụm từ ‘vô trách nhiệm’ hay ‘thiếu trách nhiệm’ luôn phải được dùng đến.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nếu Việt Nam có triết lý giáo dục, thì triết lý đó cần bắt đầu với ‘trách nhiệm’, để mỗi đứa trẻ đều sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, và xã hội.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-deputies-call-for-building-an-edu-philosophy-05212019141451.html

 

Tham nhũng và tầm tô

Nguyễn Xuân Nghĩa
Cuối Tháng Tư vừa qua, một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về nỗi quan tâm xã hội của người dân thành thị trong nước, theo đó, năm mối lo đầu tiên là sự an toàn thực phẩm, là nạn ô nhiễm không khí rồi tham nhũng, giáo dục và bảo dưỡng y tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu vào cái gốc của vấn đề…

Nguyên nhân của tham nhũng

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm 25 tháng trước, công ty Indochina Research có trụ sở tại Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Miến vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát về những mối quan tâm xã hội của người dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về cuộc khảo sát này?

http://indochina-research.com/social-concerns-in-vietnam/

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đây là một công ty độc lập chuyên điều nghiên thị trường đã thành lập tại Việt Nam từ năm 1994 rồi Cam Bốt, Lào và Miến Điện sau đó. Công ty đáp ứng yêu cầu của các thân chủ về tiếp cận thị trường và thương hiệu, đã có nhiều công trình khảo sát hữu ích. Cuộc thăm dò thực hiện trong Tháng Tư vừa qua tập trung vào mối quan tâm xã hội của cư dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Dù dân số mẫu hơi thấp, họ vẫn cho thấy có khác biệt ở hai nơi đó, ở giới tính nam nữ và ở ba mức lợi tức cao thấp. Nó còn làm nổi bật một khía cạnh khác trên khung cảnh thời gian, là các vấn đề đã được thị dân nêu lên từ năm 2017 mà chưa có cải tiến, chứ nếu nhìn vào nông thôn, tình hình có khi còn tệ hơn nữa. Chính vì vậy mà chúng ta nên tiến sâu hơn vào nguyên nhân của vấn đề.

Tôi lấy hai hình tượng quen thuộc đó với nhiều người để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi Đào Chu Công. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị. Kinh tế học đời nay gọi hình thái kinh doanh đó là “tầm tô”, rent seeker: tìm lợi thế bất chính và có nhiều rủi ro. Rẻ là mất tiền, nặng là mất tự do, nặng hơn nữa thì mất mạng như chính họ Lã chứng minh.

-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: So sánh với trước đây thì nạn ô nhiễm môi sinh không cải tiến mà Việt Nam còn đang gặp những tai họa mới, thí dụ như nạn dịch tả lợn đã tràn lan hoặc việc truy tố tham nhũng đã lên tới nhiều giới chức rất cao cấp trong đảng và nhà nước. Vì vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông đào sâu vào nguyên nhân.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta không quên một vấn đề thuộc cơ chế kinh tế chính trị của Việt Nam, cũng tương tự như của Trung Quốc, là đảng và nhà nước có toàn quyền quyết định làm người dân, thị trường cùng với tư doanh phải cố gắng xoay trở trong khung cảnh ngặt nghèo đó. Một ví dụ để so sánh là Singapore giữ chế độ độc đảng từ khá lâu, nhưng tập đoàn quốc doanh của họ như Temasek vẫn phải tuân thủ quy luật thị trường chứ không được chính quyền bảo vệ.

– Khác biệt ở đây là chế độ toàn trị ở trên lại chi phối thị trường tư bản ở dưới với hai hậu quả là 1/ tư bản nhà nước trở thành “tư bản thân tộc”, của các đảng viên, cán bộ cùng thân nhân của họ có quyền thao túng và làm lệch quy luật thị trường, 2/ họ làm quy luật thị trường bị lệch lạc vì một hiện tượng mà kinh tế học gọi là “tầm tô” hay “rent-seekers”. Chính hiện tượng tầm tô mới giải thích vì sao xã hội gặp quá nhiều tệ nạn, như môi sinh bị hủy hoại, tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới. Kỳ này, chúng ta lại tìm hiểu về hiện tượng tầm tô đó.

Tầm tô là gì?

Nguyên Lam: Nguyên Lam nhớ lại rằng ông đã đề cập tới hiện tượng này từ sáu bảy năm trước cũng trên diễn đàn của chúng ta. Xin yêu cầu ông giải thích thêm về chuyện đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nói ra thì kỳ, nhưng Việt Nam ngày nay chẳng phát minh ra cái gì mới và vẫn học theo Trung Quốc mà chẳng tiếp nhận kinh nghiệm của các nước Đông Á tiên tiến khác. Lần trước, quá lâu rồi, tôi cũng khởi đi từ hai trường hợp nổi tiếng trong văn hóa và lịch sử Trung Hoa mà có lẽ người Việt nào cũng biết. Đó là Đào Chu Công hay Phạm Lãi, trường hợp kia là Lã Bất Vi.

Nguyên Lam: Có lẽ ông sắp đề cập tới chuyện nhức đầu nên mới gợi trí tò mò cho thính giả của chúng ta về hai nhân vật Trung Hoa mà ai cũng nghe nói tới. Nguyên Lam xin mời ông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đầu thời Chiến Quốc – từ khoảng 475 trước Tây lịch cho tới năm 221 sau Tây lịch là khi Tần Thủy Hoàng Đế gồm thâu lục quốc và thống nhất nước Tầu – Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Ông đã có công giúp Câu Tiễn nước Việt diệt nước Ngô của Phù Sai vào năm 473 trước Tây Lịch.

– Sau khi thành công, Phạm Lãi sớm biết lánh Câu Tiễn nên toàn mạng. Đổi họ đổi tên, ông trở thành Đào Chu Công và nổi tiếng là doanh gia có tài, được coi là một trong “bách gia chư tử”, cầm đầu phái “kế hoạch gia”, là kinh tế trước khi môn học này có tên như thế. Đời nay, người ta vẫn tin rằng Phạm Lãi đã viết cuốn “Trí phú Kỳ thư” và để lại “Đào Chu Công lý tài thập lục tắc”, 16 phép làm giàu của Đào Chu Công, trong đó có những điều vẫn là hiện đại và đáng học….

– Hơn 200 năm sau, vào cuối thời Chiến Quốc, có Lã Bất Vi cũng nổi danh, chẳng vì bộ sử Lã Thị Xuân Thu đã thuê người khác viết, mà khét tiếng vì tài đầu tư. Sống trên nước Triệu, ông đầu tư vào người Tử Sở lưu vong của nước Tần và vào cái thai của mình trong lòng nàng Triệu Cơ xinh đẹp, để sau này thành quốc phụ và tướng quốc của Tần Vương Chính, tức là Tần Thủy Hoàng Đế. Dù sau này có bị Thủy Hoàng Đế bắt chết, Lã Bất Vi vẫn được người sau cho là tay kinh doanh có tài. Nhưng khác với Đào Chu Công là người làm ra của cải nhờ trí tuệ, sáng tạo và kỷ luật, như ta có thể đọc thấy trong “thập lục tắc, Lã Bất Vi làm giàu nhờ nghệ thuật cấu kết chính trị, buôn quan bán tước.”

– Tôi lấy hai hình tượng quen thuộc đó với nhiều người để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi Đào Chu Công. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị. Kinh tế học đời nay gọi hình thái kinh doanh đó là “tầm tô”, rent seeker: tìm lợi thế bất chính và có nhiều rủi ro. Rẻ là mất tiền, nặng là mất tự do, nặng hơn nữa thì mất mạng như chính họ Lã chứng minh.

Nguyên Lam: Câu chuyện hấp dẫn thật, nhưng thưa ông, cụ thể thì tầm tô là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – “Tầm” là tìm, như thành ngữ “tầm sư học đạo. “Tô” chỉ có nghĩa là tiền thuê, thí dụ như “địa tô” là tiền cho thuê đất canh tác, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất có khi là cái dấu ấn hay sổ đỏ chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái thế độc tài chính trị để chiếm đặc lợi kinh tế. Hiện tượng “tầm tô” đó còn làm lệch lạc sinh hoạt kinh tế qua nhiều chính sách gây hậu qủa tai hại về môi sinh như chúng ta đã thấy và đang thấy. Vì vậy, chuyện này mới giải thích vì sao người ta khó cải thiện được việc bảo vệ môi sinh.

– Tại Việt Nam, ai cũng biết “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân” mà lại “do nhà nước thống nhất quản lý”, là điều được ghi trong Hiến pháp. Nhà nước quản lý thế nào mà các đại gia tỷ phú đều khởi nghiệp từ khu vực gia cư địa ốc và từ hai chục năm qua cho tới nay, người dân đã oán than và khiếu kiện tập thể mà chẳng có kết quả?

– Hiện tượng tầm tô đã phát triển mạnh tại Trung Quốc lẫn Việt Nam, rồi khi cái vốn đất đai cạn dần thì các phương tiện tầm tô khác lại là hệ thống doanh nghiệp nhà nước, với chân rết hay rễ sâu là công ty tư nhân nhưng do đảng viên cán bộ lập ra, ngấm ngầm bảo trợ và ưu đãi phía sau bằng đặc lợi. Đó là nạn tham nhũng, điều chỉ xảy ra trong vùng tiếp cận giữa chính trị và kinh tế.

Giải pháp lý tưởng mà bất khả cho những tai ách là thay đổi thế chế để chấm dứt tình trạng toàn trị, cái gốc của hiện tượng tầm tô. Giải pháp thực tiễn cho những ai có khả năng nhờ lợi tức là tìm đất sống ở nước ngoài cho gia đình, hoặc ít ra là đi du lịch nước ngoài vào mùa có họa, khi ở tại chỗ thì tiêu thụ những sản phẩm đắt giá vì nhập khẩu từ các nơi an toàn.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về chiến dịch diệt trừ tham nhũng được phát động từ hai năm qua tại Việt Nam và từ sáu năm qua tại Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Hiện tượng tầm tô, hay ỷ thế chính trị độc tài để trục lợi, đã tỏa rộng thành một mạng lưới hay một hệ thống chính trị kinh doanh đan kết và lan từ khu vực doanh nghiệp nhà nước qua các cơ chế khác, từ nhà nước tới quân đội và công an.

– Điển hình tại Trung Quốc là nhân vật Chu Vĩnh Khang, đã từng cầm đầu ngành dầu khí của hệ thống quốc doanh về sau vào Nội các rồi Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Chính pháp, có quyền chỉ đạo cả bộ máy nội vụ lẫn an ninh tình báo. Ông ta bị truy tố về tội tham nhũng vào cuối năm 2013 rồi lãnh án tù chung thân. Sau đấy, nhiều viên tướng ngồi trong Bộ Chính trị cũng bị truy tố.

– Những gì đang xảy ra tại Việt Nam chỉ là bản sao của những chuyện đã thấy trước đó tại Trung Quốc. Nhưng việc diệt trừ tham nhũng thật ra chỉ là lý cớ khi có nạn “quân phân bất tề” là chia chác không đều giữa các phe phái chính trị, chứ không đi vào lý do cơ bản là hiện tượng tầm tô.

– Ở bên dưới, có lẽ người dân cũng biết, nên theo cuộc khảo sát chúng ta vừa nói thì chỉ có 53% là quan ngại tới nạn tham nhũng, so với mối lo ưu tiên về những vấn đề thiết thực hơn cho đời sống là sự an toàn thực phẩm hay nạn ô nhiễm không khí quá nặng ngay tại thủ đô Hà Nội.

Nguyên Lam: Theo ông nghĩ, như một kết luận cho kỳ này thì người dân có giải pháp nào trước những tai ách quá lớn và quá sâu như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Giải pháp lý tưởng mà bất khả là thay đổi thế chế để chấm dứt tình trạng toàn trị, cái gốc của hiện tượng tầm tô. Giải pháp thực tiễn cho những ai có khả năng nhờ lợi tức là tìm đất sống ở nước ngoài cho gia đình, hoặc ít ra là đi du lịch nước ngoài vào mùa có họa, khi ở tại chỗ thì tiêu thụ những sản phẩm đắt giá vì nhập khẩu từ các nơi an toàn.

– Chỉ một thiểu sổ ở thành thị mới có điều kiện ấy và họ gây ra ấn tượng giả tạo về sự phồn vinh tại Việt Nam cho dư luận nông cạn của quốc tế. Đa số thị dân còn lại thì đành chịu trận. Thê thảm hơn vậy là số phận của người dân tại thôn quê, họ không chịu trận mà đành chịu chết. Những người giỏi nhất thì tìm cách vào đô thị sinh sống để một thế hệ sau thì cũng lại xuất ngoại! Kết luận của tôi là một sự ngậm ngùi.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/corrution-and-rent-seekers-05212019143009.html