Tin Việt Nam – 22/05/2017
Mỹ bàn giao cho cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra
Hoa Kỳ vừa chính thức bàn giao 6 tàu tuần tra Metal Shark dài 14 mét cho cảnh sát biển Việt Nam vào hôm 22 tháng 5 tại Quảng Nam.
Các tàu này sẽ hỗ trợ cảnh sát biển Việt Nam vùng 2 (Quảng Nam) trong hoạt đồng tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật về buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, và đánh bắt cá bất hợp pháp.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào một môi trường hàng hải ổn định và hòa bình. Ông cũng nói Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng hưởng lợi từ sự ổn định trong khu vực.
Đây không phải lần lần đầu tiên Hoa Kỳ bàn giao tàu tuần tra cho phía Việt Nam. Hồi đầu năm 2015, nhân hội nghị thường niên đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Mỹ lần thứ 7 tại Hà Nội, ông Puneet Talwar, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị cho biết Mỹ đã trao cho Việt Nam 5 tàu tuần tra biển trong kế hoạch hỗ trợ các lực lượng trên biển của Việt Nam.
Hồi tháng 4 vừa qua, cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) cho biết Mỹ chuẩn bị chuyển giao tàu tuần duyên USCGC Morgenthau đã qua sử dụng cho Việt Nam. Theo DSCA, phía Việt Nam đã mua lại 3 tàu tuần tra cỡ lớn của Tuần duyên Mỹ nhưng phía Mỹ cho biết chỉ chuyển giao một chiếc.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/us-transfer-patrol-ship-to-vn-05222017112305.html
Tàu tuần tra Nhật Bản thăm Việt Nam
Tàu tuần tra Echigo sẽ đến Việt Nam và Philippines để tham gia diễn tập chống cướp biển. Kế hoạch được Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) công bố tại Tokyo vào chiều 22 tháng 5.
Đây là hoạt động trong chương trình hợp tác chống cướp biển tại Đông Nam Á của Nhật Bản.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Shiro Suzuki, trưởng phòng hình sự quốc tế của JCG cho biết đây là lần đầu tiên JCG cử tàu tuần tra đến Việt Nam kể từ khi hai nước ký bản ghi nhớ vào tháng 9 năm 2015.
Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 24 tháng 5, tàu Echigo dài 40m, có một trực thăng trên boong tàu, sẽ rời cảng Niigata của Nhật bản và cập bến cảng Đà Nẵng vào ngày 13 tháng 6.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews
Thủ tướng Phúc,
nhà lãnh đạo ĐNA đầu tiên ‘xông đất’ Tòa Bạch Ốc
Thủ tướng của Việt Nam hy vọng sẽ tìm ra lời đáp cho Đông Nam Á về vai trò tương lai của Hoa Kỳ trong việc giúp khu vực này chống lại sự bành trướng lãnh hải của Trung Quốc ở vùng biển đang có tranh chấp.
Tuần tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi ôngTrump nhậm chức tổng thống hồi tháng 1. Các tuyên bố về thương mại và hàng hải ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp có nhiều khả năng sẽ nằm trong nghị trình của thủ tướng Phúc.
Các nước Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines đều có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau nhau ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố giành chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển mà họ gọi là Nam Hải này.
Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của ôngTrump, với chính sách “xoay trục sang châu Á”, đã giúp các quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ hướng đi của chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề này.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Washington, thủ tướng Việt Nam mong muốn khám phá các kế hoạch và mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á trên phạm vi rộng lớn hơn.”
Ông Hiebert nói: “Việt Nam cũng muốn tìm hiểu chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Biển Đông và các hoạt động của Trung Quốc ở đó, đặc biệt vào thời điểm Washington đang hướng tới Bắc Kinh nhằm kìm chế các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.”
Trung Quốc liên tục gây lo lắng cho các nước Đông Nam Á bằng cách đưa các tàu tuần duyên tới các vùng đặc quyền kinh tế 3,5 triệu km vuông và xây dựng các đảo nhân tạo, và cơ sở hạ tầng cho các hệ thống radar và máy bay chiến đấu.
Năm ngoái, ông Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng cường tập trận hải quân chung với Philippines vào năm 2014, và cảnh báo Trung Quốc rằng tàu thuyền của Hoa Kỳ sẽ tự do đi lại trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền – tất cả những điều đó đã làm Bắc Kinh tức giận và phẫn nộ trước vai trò của Hoa Kỳ trong vùng biển mà Washington không có tuyên bố chủ quyền, nhưng lại khẳng định quyền tự do hàng hải.
Trung Quốc sử dụng các chứng cứ lịch sử để tuyên bố giành 95 % diện tích Biển Đông, nơi được cho là giàu tài nguyên thủy hải sản và nhiên liệu hóa thạch.
Ông Trump đang cố gắng làm việc với Trung Quốc để ngăn chặn tham vọng vũ khí của Bắc Triều Tiên, quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ chính của Bắc Kinh. Một số nhà phân tích nói rằng ông Trump có thể đã tạm thời ngưng việc can thiệp của Hoa Kỳ trong vấn đề tranh chấp hàng hải, để có thể duy trì mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ thường xem như là một đối thủ hậu Chiến tranh Lạnh trên sân khấu chính trị toàn cầu.
Ông Frederick Burke, đối tác của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie ở thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Họ không thực sự cần phải nói, nhưng điều rất quan trọng là khu vực (Đông Nam Á) đang chứng kiến Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường quan hệ trong khu vực.”
Các chuyên gia tin rằng Việt Nam muốn Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn để bù đắp cho mối quan hệ thương mại và kinh tế đang ngày càng bất lợi cho Việt Nam, do bị ảnh hưởng từ cựu thù Trung Quốc.
Để giảm ảnh hưởng của Washington, Trung Quốc tăng cường đối thoại song phương với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, về việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Đôi khi Bắc Kinh cung cấp cho các nước khác trong khu vực các khoản viện trợ và đầu tư, cũng như khuyến khích du khách Trung Quốc đi du lịch ở Việt Nam.
Về những vấn đề khác, Thủ tướng Việt Nam, người nhậm chức vào năm ngoái, dự kiến sẽ nhắc Chính phủ Trump về một cam kết của Mỹ trong việc tẩy rửa chất độc Da cam. Hoa Kỳ đã phun thuốc khai quang trên diện tích khoảng 18 triệu km vuông trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1972.
Các nhà phân tích tin rằng ông Phúc chắc chắn sẽ bàn với chính quyền của ông Trump về cam kết vào tháng 1về việc đàm phán một thoả thuận thương mại tự do song phương có thể thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đươc cho là quốc gia sẽ hưởng lợi khi trở thành thành viên hiệp đinh cắt giảm thuế quan TPP bởi vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
Washington đã rút khỏi hiệp định TPP vào tháng 1, sau 1 năm ký kết, nhưng ông Trump cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét các thỏa thuận riêng với từng quốc gia, nếu Hoa Kỳ thấy thỏa thuận này có lợi cho người Mỹ.
Việt Nam đề nghị Mỹ phối hợp loại bỏ thông tin “xấu độc”
Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ cùng phối hợp để loại bỏ các thông tin và dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đề nghị này được Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nêu ra trong buổi tiếp xúc với Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bà Barbara Weisel vào sáng thứ Hai, ngày 22/05/2017.
Ông Nguyễn Minh Hồng nói rằng việc phối hợp này nhằm giúp cho các công ty của Hoa Kỳ kinh doanh tại Việt Nam có môi trường hoạt động tốt và phát triển, đồng thời phía Việt Nam có môi trường internet lành mạnh và bền vững.
Tại buổi tiếp xúc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng còn đề cập đến việc Chính phủ Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nêu rõ tên của hai tập đoàn Facebook và Google kinh doanh tại Việt Nam được miễn phí chỗ đặt máy chủ, nhưng ông Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tất cả các công ty cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện Facebook và Google lần lượt là hai công ty dẫn đầu về doanh số trong lãnh vực kinh doanh trực tuyến tại thị trường Việt Nam.
Formosa được phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1
Nhà máy Formosa được phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép sau ngày 20 tháng 5.
Đó là kết luận của Hội đồng liên ngành giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển miền Trung.
Kết luận này được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ký, nêu rõ là Formosa đã khắc phục những vi phạm về môi trường, cam kết nghiêm túc được sản xuất lâu dài và bền vững tại Việt Nam.
Báo chí Việt Nam trích lời kết luận của Bộ Tài nguyên và môi trường nói rằng Formosa đã bỏ ra một số tiền là 343 triệu Đô La Mỹ để đầu tư các công trình xử lý chất thải.
Kết luận của Bộ môi trường bắt buộc Formosa phải chia sẻ thông tin về môi trường trên 1 màn hình trước cổng công ty để dân chúng theo dõi.
Ngoài ra Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên môi trường cũng được giao nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch giám sát môi trường độc lập, phối hợp giữa các nhà khoa học và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà máy thép Formosa do người Đài Loan làm chủ tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, đã thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt vào tháng tư năm 2016 tại bốn tỉnh miền Trung; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho phía Việt Nam một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ.
Trong suốt một năm qua, nhiều cuộc biểu tình lớn của dân chúng các tỉnh miền Trung đã liên tục xảy ra, đòi bồi thường thiệt hại và đóng cửa nhà máy Formosa.
Bộ trưởng Bộ công thương:
RCEP nên hoàn thành vào cuối năm nay
“Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên hoàn thành vào cuối năm nay.”
Bộ trưởng Bộ công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh tuyên bố như vậy trong Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ ba của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, gọi tắt là RCEP, bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, và sáu nước đối tác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và New Zealand.
Hiệp định RCEP có mục đích gắn kết nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với các nền kinh tế lớn vùng châu Á Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì sự nối kết của RCEP sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
công bố báo cáo nhân quyền 2016-2017
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
Trái ngược với tuyên truyền của chính quyền Việt Nam cho rằng tình hình nhân quyền đang được cải thiện, báo cáo nhân quyền thường niên của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017 vạch rõ nhiều diễn biến suy thoái trong tất cả các lãnh vực kinh tế, xã hội, và văn hoá tại quê nhà.
Bản báo cáo nhân quyền thường niên được đại diện MLNQVN công bố trong buổi tiếp xúc với giới truyền thông Little Saigon vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, ở thành phố Westminster, miền Nam California.
Nói về mục đích của báo cáo nhân quyền, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, cho biết:
Mục đích chính của MLNQVN khi được thành lập là để hỗ trợ cho các nhà đấu tranh trong nước…
– Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng
“Đây là bản báo cáo thường niên thứ 8, điều mà chúng tôi đã thực hiện từ năm 2009. Bản báo cáo thường niên của MLNQVN nhằm mục đích thứ nhất là trình bày cho dư luận thế giới biết về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Thứ hai là cung cấp những tài liệu cho các tổ chức đấu tranh nhân quyền mỗi lần họ tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, bởi vì vậy chúng tôi đã in thành hai ấn bản, một ấn bản bằng tiếng Anh, một ấn bản bằng tiếng Việt. Bản tiếng Anh để giúp cho vấn đề giao dịch với các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các chính phủ.”
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, ông Đỗ Anh Tài và ông Nguyễn Bá Lộc đại diện cho Ban Phối Hợp MLNQVN lần lượt trình bày vắn tắt 8 vấn đề được nêu trong bản báo cáo, bao gồm Quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể, Quyền được toà án độc lập xét xử công bằng và vô tư, Quyền được tham gia đời sống chính trị quốc gia, Quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận, Quyền tự do tôn giáo và thờ phượng, Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị, Quyền được làm việc và hưởng thụ thành quả lao động, và Quyền được hưởng an sinh xã hội.
Cách thức để thực hiện bản báo cáo, theo Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, là “nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước”:
“Cách thức để chúng tôi thực hiện bản báo cáo này là nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước. Những tài liệu chúng tôi dùng là những tài liệu mở, nghĩa là người đọc có thể kiểm chứng được những điều chúng tôi nói trong bản báo cáo. Những tài liệu này hoặc do những nhà đấu tranh trong nước đưa ra và chúng tôi đã kiểm chứng qua những thông tin chính thức của trong và ngoài nước.”
Bản Báo Cáo Nhân Quyền thường niên của MLNQVN còn cập nhật danh sách của 145 tù nhân lương tâm còn bị giam giữ và 37 tù nhân lương tâm còn bị quản chế đến ngày 30 Tháng Ba, 2017.
Trong buổi họp báo này, ông Tùng còn cho biết, ngoài giải thưởng Nhân Quyền được trao hằng năm, mỗi tháng một lần, MLNQVN còn thu xếp tài chánh để trao giải Phóng Viên Vỉa Hè, tức trao cho tác giả của những video clip được thực hiện để nói về vấn đề đấu tranh nhân quyền, chứ không phải nhân vật được nêu trong các video clip đó.
Cách thức để chúng tôi thực hiện bản báo cáo này là nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước.
– Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng
Với bản báo cáo này, MLNQVN không những muốn báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay, mà còn yêu cầu nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những vi phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời phải bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho nhân dân và các tập thể quần chúng. MLNQVN cũng ước mong các chính quyền dân chủ và yêu chuộng tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì những thành tích tệ hại về nhân quyền của họ; đặc biệt cần ngăn cản việc chính quyền Việt Nam làm hoen ố uy tín của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi họ lạm dụng tư cách thành viên của hội đồng.
Nói về những thành quả mà MLNQVN làm được trong hai thập niên qua, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng phát biểu:
“Mục đích chính của MLNQVN khi được thành lập là để hỗ trợ cho các nhà đấu tranh trong nước và để thực hiện mục đích đó thì hằng năm chúng tôi có tổ chức một giải Nhân Quyền từ năm 2002. Giải Nhân Quyền có mục đích để tuyên dương những hoạt động đấu tranh trong nước. Và để hỗ trợ các nhà đấu tranh trong nước, chúng tôi cũng có những công việc khác, chẳng hạn như hỗ trợ về tài chánh, nhưng quan trọng nhất là hỗ trợ tinh thần. Chúng tôi kết nối được trong nước và hải ngoại, đó là điều chúng tôi thành công.
Còn việc hiệu quả như thế nào, feedback tùy sự đánh giá của người ngoài. Nhưng năm nay chúng tôi có một điều vui là vào ngày Thứ Bảy tới, có một tổ chức nhân quyền ở Mỹ trao giải cho MLNQVN vì họ nói rằng MLNQVN đã tích cực trong 20 năm qua để vận động vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Tôi nghĩ đó là đánh giá của người ngoại quốc.”
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-human-rights-network-report-2016-2017-05222017072737.html
Dư âm Hội nghị Trung ương 5 đảng CSVN
Kính Hòa, phóng viên RFA
Hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần 5 đã kết thúc khá lâu, nhưng dư âm của nó vẫn còn được nhiều blogger nhắc đến vì hội nghị này có liên quan đến nhiều vấn đề lớn, là chống tham nhũng, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, và đặc biệt là chuyện kỷ luật một Ủy viên Bộ chính trị là ông Đinh La Thăng, vì đã có nhiều sai phạm khi làm chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty dầu khí Việt Nam.
Đứng trước những vấn đề có liên quan rất nhiều với nhau như vậy, người ta đặt ra một câu hỏi lớn là liệu việc kỷ luật ông Đinh La Thăng là kết quả của một sự tranh giành phe phái trong đảng, hay chính là kết quả thật sự của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của đảng?
Hai phe phái được người ta cho là của hai ông, Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng bí thư, và Nguyến Tấn Dũng, cựu thủ tướng.
Đấu tranh nội bộ hay chống tham nhũng?
Viết về sự đấu tranh quyền lực giữa các nhóm khác nhau, trang blog Ngày Đêm của Nguyễn Quốc Minh có dẫn lại bài viết của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia phân tích chính sách của Bộ kế hoạch và đầu tư, bàn về việc làm cách nào để kiểm soát sự tha hóa quyền lực tại Việt Nam. Trong bài này tác giả có đề cập đến việc sử dụng mạng thông tin xã hội, lẫn mạng thông tin truyền thống như báo chí của nhà nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe nhóm:
Một công cụ ‘kiểm soát tha hóa quyền lực’ ở Việt Nam trong thời gian gần đây là sự ‘vào cuộc’ của mạng xã hội và báo chí. Mặc dù tính mở của mạng bị hạn chế và chưa có báo chí tư nhân, nhưng, dường như, các nhà cầm quyền đã ‘tìm cách’ lợi dụng ‘ưu thế’ cho mục đích củng cố lợi ích chế độ trong những thời điểm cần thiết.
Nếu đây là cuộc thanh trừng phe nhóm ông Dũng, thì cuộc thanh trừng này trùng hợp với việc thanh trừng các phần tử tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng.
– Ông Bùi Quang Vơm
Thời điểm cần thiết mà Tiến sĩ Thọ đề cập chính là những khoảng thời gian trước khi có những sự kiện chính trị như đại hội đảng toàn quốc, hội nghị trung ương đảng diễn ra. Người ta vẫn nhớ các thông tin về đời tư các quan chức được tung ra trên các trang mạng Quan Làm Báo, hay Chân Dung Quyền Lực trước đây, mà ở đó người ta không thể nào kiểm tra được sự tin cậy của các nguồn tin.
Ngay sau khi ông Thăng bị kỷ luật, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại tuyên bố là kỷ luật đó là chỉ về mặt đảng. Điều đó làm nhiều người đưa ra giả thuyết là cuộc thanh trừng còn tiếp tục. Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đưa ra năm bước đi của một qui trình kỷ luật, mà nếu ông Thăng không có thế lực và không có may mắn sẽ phải trải qua, đó là tố tụng hình sự, cách chức ủy viên trung ương, tước bỏ tư cách đại biểu quốc hội, khai trừ đảng, và đi tù.
Cuộc thanh trừng ấy, theo tác giả Khánh Mi, viết trên trang Việt Nam Thời báo, có thể đang được chuẩn bị để tấn công trực tiếp cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì những cuộc thanh trừng thường bắt đầu bằng một chiến dịch trên báo chí. Đó là một bài báo xuất hiện trên báo Thanh Tra về những sai phạm đất đai tại đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang nơi con trai Thủ tướng Dũng đang làm Bí thư tỉnh ủy, và vụ việc liên quan trực tiếp đến một người là ông Trần Minh Chí, em vợ Thủ tướng Dũng.
Bài báo trên báo Thanh Tra đăng ngày 16 tháng 5 và bị rút xuống ngay sau đó. Không ai rõ điều gì đã xảy ra.
Câu hỏi chống tham nhũng hay đấu tranh phe phái không chỉ đặt ra trên các trang blog tiếng Việt mà còn được thấy trên các trang báo mạng tiếng nước ngoài nữa. Theo Giáo sư Trần Hữu Dũng, chủ của trang mạng Viet-Studies, thì đa số các nhà quan sát từ nước ngoài nhìn vào chính sự Việt Nam, nghiêng về cuộc đấu tranh phe phái hơn là chống tham nhũng. Giáo sư Dũng nói cái nhìn đó khá là phiến diện, giống như nhìn một căn phòng qua lỗ khóa, vì các tác giả đó không biết sâu sắc về Việt Nam.
Một người Việt Nam sống ở nước ngoài là ông Bùi Quang Vơm lại có cái nhìn khác về sự kiện Đinh La Thăng.
Trong bài viết Liệu có một âm mưu trong vụ Đinh La Thăng hay không, ông phân tích rằng chuyện đấu tranh nội bộ, cũng giống như bất cứ đảng phái chính trị nào khác, là có thật, nhưng chuyện chống tham nhũng cũng là có thật. Ông viết là Nếu đây là cuộc thanh trừng phe nhóm ông Dũng, thì cuộc thanh trừng này trùng hợp với việc thanh trừng các phần tử tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng.
Ông viết tiếp là vẫn còn rất nhiều nhân vật thời ông Dũng vẫn còn nằm trong guồng máy quyền lực vậy cho nên, nếu có một âm mưu thì đó là âm mưu thay máu hoàn toàn cho đảng cộng sản. Điều này ông dựa trên ý nghĩa của một sự kiện sắp xảy ra là Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm nay. Hội nghị này có mục đích là để sắp xếp lại tổ chức nhân sự của đảng.
Ông Bùi Quang Vơm kết luận với một hy vọng rất lớn.
Với những gì đang đến, chỉ cần dấn thêm một bước, có thể biến đảng cộng sản thành một đảng chính trị tiến bộ, thượng tôn dân chủ đích thực, khởi đầu bằng cách trả quyền lập pháp tối cao cho Quốc hội xây dựng và phê chuẩn một Hiến pháp mới, đảm bảo cơ chế luân phiên cầm quyền hoà bình và cạnh tranh đa nguyên. Dân tộc Viêt Nam vĩnh viễn thoát khỏi ách cai trị độc đảng.
Nhưng có lẽ tác giả cho rằng hy vọng của mình khó có thể thành sự thật vì ông viết tiếp rằng trong hoàn cảnh hiện nay, người có thể làm được việc thay máu đó, duy nhất chỉ có ông Trọng. Nhưng ông Trọng lại là người duy nhất không nhìn thấy điều đó. Bởi vì vậy, lịch sử không chọn ông mà quyết định đào thải ông. Con người lạc hậu như ông không thể đi tiếp và đồng hành với dân tộc.
Nhưng dù là đấu tranh chống tham nhũng, hay đấu tranh phe phái, nhiều tác giả và blogger nhận xét rằng diễn biến bên ngoài, trên khía cạnh pháp luật là rất không bình thường, mà tác giả Nguyễn Trọng Bình gọi là một sự trần trụi chỉ có ở chính trường Việt Nam.
Nguyễn Trọng Bình viết:
Phải nói vụ xử lý này là một điển hình cho “độ quái” của “Đảng ta” trong việc “xoa dịu” đám đông dân chúng liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ cấp cao lâu nay. Làm thất thoát hàng ngàn tỉ, “sai phạm rất nghiêm trọng” nhưng vẫn được xem là “có tài” và có “đóng góp”; không đủ tư cách làm Bí thư một thành phố lớn thì điều sang làm Phó ban kinh tế Trung ương… Những kết luận cùng những phát ngôn mâu thuẫn nhau chan chát và nhất là chẳng khác gì một vở tuồng trên sân khấu thế nhưng một bộ phận đám đông dân chúng vẫn hoan hô và nhiệt thành ủng hộ. Nhất là khi nghe ông Tổng Bí thư mang “truyền thống” về “lòng nhân ái”, “đánh kẻ chạy đi không ai người chạy lại” của dân tộc ra mặc cả, phân bua nhiều người càng thêm phấn chấn hơn. Điển hình như phát biểu của một lão thành cách mạng: “Tổng bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân”.
Cây bút Thảo Vy thì viết trên trang blog Bauxite Việt Nam rằng cách hành xử của đảng cầm quyền đang đặt ra một vấn đề rất lớn cho nền tư pháp của quốc gia. Thảo Vy đặt câu hỏi là tại sao một loạt các quan chức cao cấp của đảng bị xử tội vì sai phạm, nhưng chắc chắn sự bổ nhiệm họ phải được sự đồng ý của người có quyền cao nhất của đảng là ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông Trọng không bị ảnh hưởng gì cả?
Câu hỏi tiếp theo là người ta cách các chức vụ cũ của các bộ trưởng sai phạm đi, vậy trong các tập hồ sơ tội phạm đang còn phải giải quyết, những người bị cách chức đó có chịu trách nhiệm gì không?
Thảo Vy hỏi tiếp là ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường bị cách chức vì ký giấy cho phép Formosa hoạt động, xả thải làm cá chết hàng loạt ở miền Trung hồi tháng 4 năm ngoái, thế nhưng tại sao ông Trọng lại tiếp tục cho phép Formosa hoạt động?
Tác giả kết luận:
Với hàng loạt câu hỏi đặt ra như trên, cay đắng ở chỗ câu trả lời sẽ là “ông Tổng Bí thư không sai”. Và “ông Tổng Bí thư không thể sai”, bởi hoạt động tư pháp Việt Nam vẫn còn mang đặc điểm của thời kỳ chiến tranh, bao cấp; chú trọng bảo vệ chế độ, chưa nghiêng hẳn về bảo vệ công lý.
Cải cách thể chế để phát triển
Mặc dù vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng gây ồn ào nhất trong thời gian diễn ra và sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 5, nhưng nghị quyết của hội nghị này lại liên quan phần lớn đến vấn đề kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Đảng Cộng sản thật khó kiểm soát tha hóa quyền lực, khi những sai phạm trở thành ‘lỗi hệ thống’.
– Phạm Quý Thọ
Trong mục Diễn Đàn của tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, người ta thấy bài bình luận về phát triển kinh tế tư nhân. Bài bình luận kết thúc bằng câu: chấm dứt chủ nghĩa thân hữu mới mong tư nhân mạnh lên.
Nhưng làm thế nào để chấm dứt chủ nghĩa thân hữu thì không thấy bài báo có câu trả lời.
Phạm Quý Thọ, trên trang Ngày Đêm của Nguyễn Quốc Minh, viết rằng:
Đảng Cộng sản thật khó kiểm soát tha hóa quyền lực, khi những sai phạm trở thành ‘lỗi hệ thống’.
Đằng sau các vụ đại án, dư luận cho rằng, luôn có các thế lực chính trị, các lãnh đạo cao cấp, được gọi là lợi ích nhóm, nuôi dưỡng sự tha hóa quyền lực. Đây chính là sự thách thức lớn nhất đối với kiểm soát quyền lực của chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thốt lên chống tham nhũng là ‘ta đánh ta’, và ông muốn ‘đánh chuột, nhưng không làm vỡ bình’.
Với sự thay đổi cách nhìn nhận, chuyển sang coi trọng bộ phận kinh tế tư nhân, coi trọng nền kinh tế thị trường, ông Phạm Quí Thọ nói rằng
Những nhà phân tích chính trị cho rằng thời gian tới ‘sự đấu tranh nội bộ đảng’ sẽ căng thẳng, bởi vì các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường đang thách thức quyền lực tuyệt đối và các chuẩn mực đạo đức truyền thống.
Sau khi đọc bài của Tiến sĩ Phạm Quí Thọ, ông Nguyễn Quốc Minh, chủ của trang blog Ngày Đêm trả lời rằng chỉ có một Quốc hội đa đảng, chỉ có cấu trúc tam quyền phân lập mới giúp dân chúng nắm được quyền lực, kiểm soát và trừng trị bọn tham nhũng mà thôi.
Cũng trên khía cạnh kinh tế, blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết rằng với cái quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì đất đai thuộc về đảng chứ không phải của dân, và công nhân thì bị triệt tiêu quyền đấu tranh với chủ nhân vì không được phép thành lập nghiệp đoàn tự do.
Ông Chênh kết luận rằng đó là lý do mà hơn 30, Việt Nam trở thành một quốc gia không chịu phát triển.
Nhưng ông Nguyễn Trọng Bình trong bài Điển hình Đinh La Thăng, lại kết luận rằng dẫu cho trách nhiệm lớn đối với sự trì trệ của đất nước là thuộc về chính quyền, nhưng nguyên nhân cốt tử là thuộc dân chúng Việt Nam, nguyên văn theo lời của ông là ngây thơ, ngờ nghệch, và đôi khi hồ đồ.
VN ‘tăng việc quản thúc’ trước đối thoại nhân quyền
Một số nhà hoạt động dân sự và gia đình của họ nói bị những người mà họ cho là nhân viên an ninh ‘quản thúc’ trong bối cảnh đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 sắp diễn ra tại Hà Nội.
Bà Phạm Đoan Trang, blogger, nhà báo tự do, cho BBC biết có người chặn không cho bà ra khỏi nhà “tới nay là ba ngày rồi”.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hiện đang bị tạm giam mà chưa qua xét xử, nói với BBC là trong ngày và tối thứ Bảy 20/5, có tới “cả trăm người” chặn bên ngoài nhà bà.
Tin tức nói một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Quang A, cũng bị nhiều người tới canh chừng quanh nhà trong những ngày qua.
Trọng tâm thương mại khi ông Phúc gặp ông Trump?
Đảng Cộng sản sẽ ‘thực lòng’ đối thoại?
Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ, một sự kiện diễn ra hàng năm, sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba 23/5.
Đại diện phía Mỹ tham gia đối thoại lần này là quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett.
Đại diện phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5.
Vì sao bị ‘bao vây’?
Khi được BBC hỏi về lý do bị một số người ngăn không cho ra khỏi nhà, nhà báo Đoan Trang nói hôm 22/5: “Lúc đầu tôi không biết nhưng sau đó tôi nghĩ là do Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ.”
Bà cho rằng khi phái đoàn Dân biểu EU sang Việt Nam hồi tháng Hai, bà đã gặp được họ nên lần này phía công an “ngăn chặn quyết liệt từ sớm”.
Việc canh chừng được thực hiện suốt cả đêm, bà cho biết thêm, bởi “Họ sợ tôi bỏ trốn trong đêm.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang cáo buộc những người giữ nhiệm vụ canh chừng trong hôm thứ Bảy 20/5 đã “gây sự” với một số người quen tới nhà bà, và đã xảy ra xô xát, dẫn tới việc phía bên kia kéo tới hàng chục người, trong đó, bà nói, có cả “côn đồ” với lời hăm dọa “sẽ đập chết” những người khách nếu bà không nói họ đi về.
Việt Nam phản đối Mỹ vinh danh Mẹ Nấm
Blogger Mẹ Nấm ‘bị bắt giam, khởi tố’
Blogger Đoan Trang trở về Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho hay ngày 19/5, an ninh thành phố Nha Trang đến gặp bà và nói bà Tổng lãnh sự Mỹ [Mary Tarnowka] đến Nha Trang và “có thể trao cho bà một cái giải, giải mà vừa rồi cô Quỳnh được nhận, nhưng bà không được phép nhận.”
Bà cho biết hôm trong ngày và đêm thứ Bảy 20/5, “có tới cả trăm người” đứng chặn trước cửa nhà.
Ngoài ra, “họ còn chở cả các tấm barrier” đến. Các xe tắc xi, xe bốn chỗ đến gần đều bị chặn lại, “họ nhìn vào xe xem có bà tổng lãnh sự không,” bà Lan nói thêm.
Đến 8.30h sáng Chủ nhật 21/5, khi bà Tổng lãnh sự Mỹ rời Nha Trang, “họ đã rút quân và không ngăn chặn nhà tôi nữa”, bà Lan nói với BBC.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến dưới tên Mẹ Nấm, một blogger và nhà hoạt động môi trường, là một trong số 13 phụ nữ quốc tế được Bộ Ngoại giao Hoa trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017.
Bà bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, hiện vẫn chưa qua xét xử.
Hy vọng gì ở đối thoại nhân quyền Việt Mỹ?
Nhà báo tự do Đoan Trang nói bà không rõ ai sẽ được mời tham gia đối thoại nhân quyền Việt Mỹ ngày 23/5, nhưng theo bà “các cuộc đối thoại kiểu đó không mời đại diện khối xã hội dân sự độc lập, có chăng thì chỉ có các cuộc gặp bên lề là mời họ. Và đã thành lệ, mọi cuộc gặp bên lề đều bị an ninh phá.”
Bà cho biết nhân sự kiện này, những người hoạt động dân sự đã “chuẩn bị sẵn một báo cáo và tuyên bố chung của khối xã hội dân sự độc lập Việt Nam”.
Báo cáo này sẽ “một lần nữa khẳng định rằng mọi thỏa thuận hợp tác thương mại đều phải có điều khoản ràng buộc về cải thiện nhân quyền, thì mới đảm bảo phát triển bền vững.”
Về phần mình, bà Nguyễn Tuyết Lan hy vọng “con tôi sẽ được nhắc đến và được giúp đỡ”.
Bà Tuyết Lan cho biết sáng 22/5 bà có đi gửi thực phẩm cho con bà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong tù và đây là ngày thứ 225 bà không được gặp mặt con và “không biết con tôi sống chết ra sao”.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này sẽ thảo luận các chủ đề tầm quan trọng của việc tiếp tục quá trình đổi mới luật pháp, pháp quyền, tự do biểu đạt, tự do lập hội và tụ họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, chống kỳ thị, hợp tác đa phương và một số trường hợp cá nhân đáng quan tâm, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5.