Tin Việt Nam – 22/04/2017
TT Trump ký luật: 29/3, ngày Cựu Binh Chiến Tranh Việt Nam
Tòa Bạch Ốc cho biết sau khi ký ban hành luật Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng:
“Tối nay tôi rất tự hào ký dự luật 305 thành luật khuyến khích treo cờ Mỹ nhân Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam vào ngày 29/3.”
Ngày thứ Tư 29 tháng 3 vừa qua đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.
Cách đây 44 năm, vào ngày 29 tháng 3 năm 1973, binh sĩ Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất về Mỹ trước sự chứng kiến của đại diện cộng sản Bắc Việt và Việt cộng để thi hành Hiệp định Paris được ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Chương trình tin tức của đài truyền hình FOX trích lời Tổng thống Richard Nixon thời bấy giờ tuyên bố: “Ngày chúng ta nỗ lực làm việc và cầu nguyện cuối cùng đã đến.”
Nhiều cựu chiến binh Mỹ trở về nước bị đối xử tàn tệ vì có nhiều người chống đối chiến tranh Việt Nam và đổ lỗi cho cuộc chiến này đã gây ra tình hình bi thảm cho binh sĩ Mỹ tại Việt Nam.
Tuy nhiên 44 năm sau, giờ đây các cựu chiến binh đã được nước Mỹ chính thức công nhận về những hy sinh phục vụ đất nước của họ. Đó là nhờ những nỗ lực không ngừng của Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Donnelly, tiểu bang Indiana, và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey, tiểu bang Pennsylvania, đồng tác giả dự luật S.305.
Thượng nghị sĩ Donnelli viết về dự luật này như sau:
“Vào cuối cuộc chiến, nhiều cựu chiến binh của chúng ta không nhận được sự chào đón khi họ trở về hay được công nhận về những hy sinh mất mát họ đáng được hưởng. Dự luật lưỡng đảng này sẽ giúp cho đất nước chúng ta vinh danh thế hệ cựu chiến binh này, những người đã dạy chúng ta về lòng yêu nước và phục vụ, những người đáng được tôn vinh về sự quên mình và hy sinh. Tôi hân hạnh được làm việc với Thượng nghị sĩ Toomey để cổ vũ cho Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam.”
Theo Nghị hội Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang, có khoảng 45 tiểu bang và Puerto Rico công nhận Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam hàng năm hay vào một năm nhất định, vào ngày 29 hay 30 tháng 3. Ngày 30 tháng 3 được tiểu bang Ohio chọn là ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, Nghị hội nhận định “Ngày 29 tháng 3 được xem là một ngày thích ứng. Vào ngày này năm 1973, những toán binh sĩ Mỹ chiến đấu cuối cùng rút khỏi Việt Nam và các tù binh Mỹ bị giam tại Bắc Việt Nam đến đất Mỹ. Đó cũng là ngày Tổng thống Richard Nixon chọn làm ngày kỷ niệm Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam đầu tiên vào năm 1974.”
Ông Ray Saikus, một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam cư ngụ tại Pepper Pike, một thành phố thuộc quận Cuyahoga, tiểu bang Ohio, đã vận động suốt 6 năm để lấy ngày 29 tháng 3 là Ngày Cựu binh Chiến tranh Việt Nam. Ông chống lại ngày 30 tháng 3 vì ngày này trùng hợp với cuộc tấn công vào dịp Lễ Phục sinh năm 1972 của Cộng sản Bắc Việt giữa lúc những cuộc hòa đàm Paris đang tiến hành.
Ông Đinh Hùng Cường, Cựu Thiếu tá, Quận trưởng Quận Thủ Thừa Tỉnh Long An, hiện là chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C-Maryland-Virginia nhận xét:
“Trong cuộc chiến Việt Nam đó người Mỹ vì lý tưởng tự do bảo vệ miền Nam họ đã hy sinh 58.000 người chết và hơn 300.000 người bị thương. Hy sinh này quá to lớn đối với nước Mỹ nhưng chúng ta đã bị truyền thông của Mỹ làm sai lạc cuộc chiến đấu chính nghĩa của người Mỹ và quốc hội Hoa Kỳ lúc đó đã nhìn sai cuộc chiến, đã không yểm trợ cho cựu chiến binh Mỹ khi trở về do đó họ đã bị hắt hủi, sự hy sinh của họ không được đền đáp. Tuy nhiên vào năm 1981 khi ông Reagan lên làm Tổng thống ông đã nói là danh dự những người cựu chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu cho tự do phải được phục hồi. Đó là một điều rất nên làm bởi vì sự hy sinh nào cũng là sự hy sinh cao cả, nhất là sau 42 năm cộng sản chiếm đóng miền nam chúng ta càng thấy chính nghĩa của người Mỹ yểm trợ cho Việt Nam đúng vì cộng sản đã tàn hại những người Việt Nam miền Nam và bây giờ cả miền Bắc nữa, không có tự do, không có dân chủ, không có nhân quyền. Sự cai trị độc tài của cộng sản càng nói lên chính nghĩa của Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam. Việc làm của ông Trump rất đáng ca ngợi. Là một người từng chiến đấu bên cạnh những người Mỹ, chúng tôi cũng hãnh diện khi họ được phục hồi danh dự.”
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, cho rằng việc ông Trump ban hành luật công nhận những đóng góp và hy sinh của cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cũng là một cách công nhận công lao các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa:
“Đây là một sự công nhận chậm trễ nhưng rất cần thiết đối với những người Mỹ đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến để bảo vệ cho lý tưởng tự do, cũng như những lý tưởng của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong cuộc chiến Việt Nam. Tổng thống Trump đã phục hồi danh dự cho những người đã tham chiến ở Việt Nam. Thành ra qua việc công nhận ngày cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam thì cũng là một sự công nhận chính danh, chính nghĩa của những người bạn đồng minh của Hoa Kỳ là quân đội Việt Nam Cộng hòa và miền Nam Việt Nam trước đây.”
Vào năm 1988, trong bài diễn văn đọc nhân dịp khánh thành Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) ngày 11 tháng 11 năm 1988 ở Washington D.C, Tổng thống Reagan nói: “Sau hơn một thập niên các thuyền nhân tuyệt vọng, sau những cánh đồng chết tại Kampuchia, và sau tất cả những gì xảy ra tại phần đất đau khổ này trên thế giới, còn ai có thể nghi ngờ gì về cuộc chiến đấu chính nghĩa của người lính của chúng ta?”
Tổng thống Regan nói tiếp, “Hiện nay vào lúc nhiệm kỳ của tôi sắp chấm dứt, tôi đang thấy các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của chúng ta có được chỗ đứng trong số các anh hùng của nước Mỹ, dường như đối với tôi vết thương về chiến tranh Việt Nam của chúng ta đã lành. Và điều gì tôi có thể nói với các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của chúng ta hơn là: Hân hoan chào đón các bạn trở về.”
Ông Jim một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam hiện sống bằng nghề bán các loại mũ nón lưu niệm tại ga xe điện ngầm Federal Center gần trụ sở Quốc hội Mỹ vui mừng khi nghe tin nước Mỹ đã chính thức công nhận ngày 29 tháng 3 hàng năm là Ngày Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam.
Ông nói:
“Thật là một việc lớn lao khi Tổng thống Trump công nhận các cựu chiến binh và lấy ngày 29 tháng 3 là ngày quốc gia công nhận các cựu chiến binh Việt Nam còn sống sau cuộc chiến. Xin Chúa ban phước cho nước Mỹ và xin Chúa ban phước cho các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam.”
Trong số 2,7 triệu binh sĩ Mỹ phục vụ tại Việt Nam, có hơn 58.000 binh sĩ đã hy sinh và hơn 300.000 người bị thương theo báo Military Times. Ngoài ra, theo ước tính của Viện Smithsonian, có khoảng 271.000 cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam có thể mắc chứng hậu chấn tâm lý sau cuộc chiến này.
Dân Đồng Tâm thả người
Người dân xã Đồng Tâm hôm 22/4 đã thả 19 cán bộ và cảnh sát cơ động, sau khi “thương lượng” với Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.
Các đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy rằng họ cùng ông Chung bước ra ngoài nhà văn hóa nơi họ bị giữ suốt một tuần qua, trong tiếng vỗ tay của người dân.
Cũng có thể nhìn thấy một người mà báo chí trong nước nói là Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động Phạm Văn Trung chắp tay, cúi đầu nhiều lần hướng về phía nhiều người dân đứng xem.
Việc thả người diễn ra sau khi lãnh đạo thủ đô của Việt Nam cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với người dân trong vụ bắt giữ những người thi hành công lực trên.
Một người dân ở Đồng Tâm cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông Chung còn cam kết sẽ cho điều tra việc sử dụng và quản lý đất ở xã đồng tâm cũng như việc bắt giữ ông Lê Đình Kình cùng những người khác hôm 15/4, khiến vụ việc bùng phát.
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong các luật sư được cho là giúp người dân kết nối với chính quyền, sau đó đăng lên Facebook một bản cam kết với chữ ký của ông Chung và nhiều người khác, trong đó nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội nói sẽ chỉ đạo sát sao để làm rõ “đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo đúng quy định của pháp luật”.
Người dân hôm đó đã bắt giữ 38 cán bộ xã cũng như cảnh sát cơ động. 2 ngày sau đó, tin cho hay, 15 người được thả và 3 người tự giải thoát.
Sáu ngày sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch Chung xuống trụ sở huyện Mỹ Đức để giải quyết vụ việc, nhưng người dân không tới và muốn ông xuống tận xã Đồng Tâm.
Vị lãnh đạo này sau đó tuyên bố sẽ tiếp tục mời người dân tới nói chuyện và hôm 22/4, ông Chung về tận xã Đồng Tâm rồi sau đó là thôn Hoành, nơi một nhóm thi hành công lực bị giữ một tuần qua.
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân…
Facebooker Phạm Đoan Trang viết.
Trên trang Facebook, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang viết: “… Sự việc tạo một tiền lệ cho quan hệ nhân dân và chính quyền: Đối thoại, không đối đầu bạo lực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân…”
Nhà báo tự do này cũng viết thêm rằng “câu chuyện Đồng Tâm cho thấy trình độ của nền báo chí Việt Nam đang ở mức nào”.
“Việc một quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung đến gặp dân để đối thoại là chuyện cực kỳ bình thường và là việc phải làm của một chính trị gia bình thường trong một đất nước bình thường. Nhưng một số đông đảo nhà báo đã vẽ nó thành hành động anh hùng của một anh hùng. Ít nhất họ cũng biến ông Chung thành một tiên ông trong mắt dân chúng”, bà Trang viết.
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-dong-tam-tha-nguoi/3821287.html
Đồng Tâm ‘cần trung gian của xã hội dân sự’
Trả lời BBC về vụ việc ở Đồng Tâm đang thu hút sự chú ý của dư luận, Luật sư Lê Công Định từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần tìm cách giải quyết tận gốc rễ và mời đại diện xã hội dân sự vào cuộc.
Trước câu hỏi đâu là vấn đề gốc rễ của xung đột Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội và mức độ nghiêm trọng của nó thế nào, ông Lê Công Định cho biết:
LS Lê Công Định: Vấn đề gốc rễ của vụ xung đột Đồng Tâm nằm ở quy định về quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp hiện hành, theo đó đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng là một quan niệm do Karl Marx đề xướng trong cách nhìn của ông về viễn cảnh một xã hội mới được xây dựng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.
Các đảng cộng sản cầm quyền tại những nước chư hầu của Liên Xô trước đây đều du nhập quan niệm kính tế-chính trị này vào hệ thống pháp lý của mình. Một quan niệm thuần túy chính trị về kinh tế được lồng ghép một cách cưỡng bức vào khung pháp lý về quyền sở hữu tài sản khiến tạo ra hệ lụy mà ngày nay chúng ta đều thấy, đó là sự tước đoạt quyền tư hữu đất của nông dân dưới danh nghĩa lợi ích công cộng nhưng nhằm mục đích tư lợi.
Chính sách đất đai và câu chuyện Đồng Tâm
Khi bản dự thảo Hiến pháp 2013 được mang ra góp ý trong xã hội, nhiều ý kiến đề nghị phải loại bỏ hẳn quan niệm sở hữu toàn dân về đất đai để quay về bản chất pháp lý tự nhiên của quyền tư hữu tài sản, nhằm giúp tạo đà phát triển kinh tế, nhưng tiếc thay đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam thẳng thừng bác bỏ. Khi ấy tôi và nhiều người đã nhìn thấy hậu quả của sự cố chấp đó.
Sở hữu toàn dân được lồng ghép một cách cưỡng bức vào khung pháp lý về quyền sở hữu tài sảnLS Lê Công Định
Phong trào dân oan là một cảnh báo về bất ổn xã hội ngày càng lớn, và bây giờ phát triển thành một cuộc xung đột hẳn hoi giữa nông dân và nhà cầm quyền.
BBC:Giải quyết vấn đề xung đột Đồng Tâm có dễ không? Ở góc độ pháp lý, bài toán cần giải là gì, cách giải tốt nhất theo ông là thế nào?
LS Lê Công Định: Giải quyết xung đột ở Đồng Tâm không hề đơn giản, bởi nếu chỉ nhắm đến phần ngọn thì trước sau nhà cầm quyền cũng đạt được mục đích. Có hai phương thức để lựa chọn: một là dùng bạo lực trấn áp, hai là thuyết phục bằng đối thoại. Tất nhiên, ai cũng muốn một kết cuộc tốt đẹp nên phương thức đối thoại là giải pháp ổng thỏa trước mắt. Tuy nhiên về lâu dài, vấn đề gốc rễ vẫn chưa được giải quyết.
Có thể tháo dỡ ngòi nổ tại Đồng Tâm không sớm thì muộn, nhưng ngòi nổ ở những nơi khác vẫn còn nguyên vẹn, chờ đến dịp lại bùng nổ một khi sở hữu toàn dân về đất đai chưa bị bãi bỏ…
Giải pháp pháp lý mà tôi đề nghị đó là chấp nhận quyền tư hữu đất đai một cách rộng rãi. Chỉ giữ lại quyền công hữu trong một số trường hợp như tập trung đất cho mục đích công cộng phục vụ lợi ích chung của mọi người, mục đích quốc phòng và an ninh quốc gia, và mục tiêu kinh tế có tính chất chiến lược.
BBC:Bài toán pháp lý, xã hội mà luật sư vừa đề cập, nếu giải rốt ráo, thì có vướng gì không khi mở rộng ra toàn xã hội, cộng đồng, và đặc biệt là đi ngược lại quá khứ để lần ra gốc tích, nguyên do và tìm đòi thực thi trách nhiệm?
LS Lê Công Định: Để thực hiện giải pháp pháp lý mà tôi đề nghị cần phải sửa đổi hiến pháp liên quan đến quyền sở hữu đất đai. Sau đó tiến hành tư nhân hóa tài sản này. Tất cả cần có một lộ trình rõ ràng, chứ không chỉ thảo luận suông.
Cần lưu ý, cho đến năm 1954 đất đai tại Việt Nam vừa thuộc tư hữu, vừa thuộc công hữu. Sở hữu tư nhân đất đai là điều bình thường trong hệ thống pháp lý của mọi quốc gia từ xưa đến nay, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chỉ đầu óc lệch lạc hoặc kém hiểu biết mới nghĩ ra hoặc suy diễn rằng tư nhân hóa đất đai sẽ khiến tạo nên những vùng tự trị nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
BBC: Đảng cộng sản và chính quyền tự chống tham nhũng, tiêu cực và lũng đoạn liệu có khả thi không? Lấy vụ Đồng Tâm và nhiều vụ việc khác trong vài năm gần đây để xem xét, Luật sư có bình luận gì?
Lợi dụng quyền hạn cấp đất cho dự án kinh doanh để tham nhũng là nguyên nhân gây nên sự phẫn uất âm ỉ lâu năm trong dân chúng. Nhưng một chính thể độc tài thì không thể nào chống tham nhũng được…Do đó, tự họ đã tạo nên mầm mống chống đối chính mình từ trong dân chúng.
Có thể tháo dỡ ngòi nổ tại Đồng Tâm không sớm thì muộn, nhưng ngòi nổ ở những nơi khác vẫn còn nguyên vẹn,LS Lê Công Định
Tất nhiên, cách dễ dàng nhất là họ gán cho cái gọi là “các thế lực thù địch” kích động. Chẳng ai có thể kích động nếu người dân không oán giận nhà cầm quyền và nhà cầm quyền thực thi nhiệm vụ đúng luật.
BBC:Trở lại vụ Đồng Tâm, nếu có lời tư vấn cho tất cả các bên, cả dân lẫn chính quyền, những bên có quyền lợi, lợi ích liên quan, luật sư sẽ tư vấn thế nào và vì sao?
LS Lê Công Định: Riêng vụ Đồng Tâm, trước mắt hai bên cần đối thoại với sự trung gian của các tổ chức xã hội dân sự và các luật sư, vì quyền lợi đôi bên phải được tôn trọng và đáp ứng trên căn bản luật pháp. Trấn áp bằng bạo lực chỉ giúp chôn vùi uy tín chính trị của đảng cầm quyền nhanh chóng hơn mà thôi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39673223
Biểu tình giữ đất ở Bắc Ninh
Ngày 20 tháng 4 năm 2017, khoảng 500 công an và cán bộ cùng 4 chó nghiệp vụ tiến đến Đồng Cốc, thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, để cưỡng chế, thu hồi cánh đồng rộng hơn 14 mẫu, vốn dĩ là mảnh đất trù phú nhất trong thôn. Đáp lại sự cưỡng chế này, bà con nông dân đã mang quan tài ra đặt ngay lối đi vào thôn và tuyên bố quyết giữ đất bởi chính sách đền bù mập mờ, không thỏa đáng của chính quyền thôn Vọng Đông và chính quyền xã Yên Trung.
Bà Phùng Thị Yến, nông dân thôn Vọng Đông, Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh, chia sẻ với VOA: “Thôn Vọng Đông chúng tôi có ít nhất 14 mẫu đất ở Đồng Cốc. Đây là đất màu mỡ nhất của thôn chúng tôi, chúng tôi dựa vào đó mà mưu sinh lâu nay bởi một năm chúng tôi cấy hai vụ lúa và hai vụ hoa màu. Nhưng giờ nhà nước thu hồi trắng để mở rộng khu công nghiệp, không đền bù cho chúng tôi. Bà con chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với việc mưu sinh hằng ngày bởi chúng tôi chủ yếu dựa vào nông nghiệp để sống.”
“Thôn chúng tôi có trên dưới 400 người. Giờ thu hồi đất, chúng tôi và các cụ đều không biết làm gì để sống, nhưng họ cũng không đền bù đất Đồng Cốc,” chị Nguyễn Thị Duyên, cư dân trong xã, tiếp lời.
Cũng xin nói thêm, Đồng Cốc là khu đất phì nhiêu và trù phú nhất huyện Yên Phong. Hầu như toàn bộ rau rạch của huyện này đều trồng tập trung ở đây. Tất cả đều được bón phân chuồng và cho năng suất rất cao bởi hiếm có đất nơi nào lại có nguồn dinh dưỡng cho cây tốt như Đồng Cốc.
Dân cho biết chính sách đền bù không thỏa đáng, đầu tiên là ông Trưởng thôn Vọng Đông và ông Bí thư xã Yên Trung đã tự ý chuyển loại hình đất để rồi thay vì đền bù 158 triệu đồng mỗi sào thì họ chỉ đền cho người dân 22 triệu đồng mỗi sào. Người dân bức xúc và không đồng ý với chính sách đền bù bất minh, đã nhiều lần đâm đơn khiếu kiện nhưng nhà cầm quyền địa phương vẫn quyết tâm cưỡng chế lấy đất của nông dân.
Ông Nguyễn Bá Sơn, cán bộ ở xã Yên Trung, nói: “Nếu dân mất đất mà đã được đền bù hoặc chưa được đền bù thỏa đáng thì khi mất đất đấy thì công nghiệp sẽ đến đấy. Như vậy người dân phải chuyển sang dịch vụ bởi đất nông nghiệp không còn. Thực tế là dịch vụ thu nhập cao hơn nông nghiệp. Vậy nên nếu như chuyển đổi nghề nghiệp nhanh chóng được thì đời sống rất ổn, không lo thiếu việc làm.”
Bà Nguyễn Thị Quyên, nông dân thôn Vọng Đông, cho biết: “Như thôn chúng tôi thì đã chia đất theo khẩu, mỗi khẩu được hai thước. Mà giờ thu hồi đất, dân chúng tôi không được đền bù với giá ruộng đất nên dân chúng tôi rất bức xúc. Như hôm qua, bên mặt bằng và bên chính quyền đã đưa công an đến cưỡng chế dân để giải phóng mặt bằng. Chúng tôi vô cùng bức xúc. Chúng tôi không được đền bù, đã ra để giữ đất nhưng không được.”
Bà Hà, một cư dân ở xã Yên Trung, bức xúc: “Tôi là người dân ở thôn khác nhưng tôi thấy người dân ở Vọng Đông rất bức xúc về chuyện ruộng nương ở khu Đồng Cốc. Họ đòi sự công bằng. Hôm qua bên công an đi cả mấy trăm người, công an đủ loại và cả mấy con chó nữa. Họ đến để cưỡng ép người dân Vọng Đông. Tôi là người dân Việt Nam tôi thấy sự công bằng của Việt Nam không có nên tôi bức xúc. Tôi đề nghị giới hữu trách nên nghiên cứu ngay sự công bằng, để cho dân Vọng Đông được sự công bằng, chính trực đạo làm người.”
Câu chuyện thu hồi-đền bù đất tại Việt Nam là câu chuyện dài không có hồi kết bởi đất thuộc về toàn dân nhưng do nhà nước quản lý và cán bộ nhà nước cấp địa phương là người quản lý trực tiếp. Sự bất minh trong vấn đề xử lý tài sản toàn dân của cán bộ địa phương làm mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền ngày càng tăng và quyền lợi của người dân bị thu hẹp đến mức họ không thể chấp nhận được nữa. Biểu tình, mang quan tài đi đòi đất hay nằm vật vạ ở công viên Hà Nội chờ kiện tụng đất đai là hình ảnh xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-giu-dat-o-bac-ninh/3820766.html