Tin Việt Nam – 22/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/03/2020

Cựu bí thư cộng sản tại Sài Gòn

nhận kỷ luật khôi hài từ Hà Nội

Tin từ Hà Nội: Bộ chính trị và Ban bí thư của đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền đã đưa ra một hình thức kỷ luật khôi hài là cách chức bí thư thành uỷ Sài Gòn nhiệm kỳ 2010-2015 của ông Lê Thanh Hải.

Ông Hải, cựu uỷ viên bộ chính trị và uỷ viên trung ương đảng nhiều nhiệm kỳ liên tiếp trước khi nghỉ hưu vào năm 2016, bị kỷ luật vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án Đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.”

Không rõ trong cuộc họp tới của Ban chấp hành trung ương đảng, ông Hải có phải chịu thêm hình thức kỷ luật nào không. Ông Lê Hoàng Quân, cựu chủ tịch thành phố, chỉ bị khiển trách.  Hình thức kỷ luật áp dụng trong trường hợp hai người đã về hưu này gây bất mãn trong dân chúng, nhất là hàng nghìn dân ở Thủ Thiêm bị đẩy ra đường trong 20 năm qua.

Nhiều người cho rằng ông Hải và Quân cùng nhiều viên chức cao cấp khác của thành phố xứng đáng bị truy tố và kết án với bản án nhiều năm tù.  Tuy nhiên, với hình thức kỷ luật khôi hài trên thì không có khả năng Hải và Quân bị truy tố. Qua việc trên cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ là vũ khí diệt phe phái chứ không nhằm diệt trừ quan tham.

QT

https://www.sbtn.tv/cuu-bi-thu-cong-san-tai-sai-gon-nhan-ky-luat-khoi-hai-tu-ha-noi/

 

CẬP NHẬT:

Việt Nam tăng lên 113 bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán

Tâm Tuệ

Bộ Y tế ngày 22/3 xác nhận 19 ca dương tính với virus Vũ Hán nâng tổng số người nhiễm ở Việt Nam lên 113 người. Tuy nhiên điều đáng lo ngại, số ca nghi nhiễm tăng gấp hơn 5 lần sau vài ngày. Hiện nay có 645 trường hợp nghi nhiễm, trong khi trước đó chỉ hơn 100 trường hợp.

Trong các ca mới ghi nhận có 7 ở Hà Nội, 4 ở Đồng Tháp, 2 ở Trà Vinh, 6 ở TP.HCM.

Ca bệnh 107 là nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nhân viên thiết kế đồ họa, là con gái và sống cùng BN86. Có địa chỉ thường trú tại Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi bệnh nhân 86 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu bệnh nhân 107, kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính ngày 21/03/2020.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở Đông Anh để cách ly và gửi mẫu bệnh phẩm ngày 21/03/2020 sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ca bệnh 108 là nam, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Cầu Giấy, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh Việt Nam tại Anh về nước ngày 18/3 trên chuyến bay VN054 (số ghế 3K), sau đó được cách ly tập trung tại khách sạn Hòa Bình, Hoàn Kiếm (kết quả sàng lọc lúc nhập cảnh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 18/3: âm tính).

Ngày 20/3 bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt nhẹ được chuyển Bệnh viện Thanh Nhàn cách ly theo dõi. Ngày 21/03/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu lần 2 và cho kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/03/2020.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ca bệnh 109 là nam, 42 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân là giảng viên một trường đại học của Anh, về nước ngày 15/3/2020 (quá cảnh qua Bangkok, Thái Lan sau đó từ Thái Lan về Việt Nam trên chuyến bay TG560, số ghế 37E), sau đó được chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự thị xã Sơn Tây.

Kết quả xét nghiệm lần 1 khi nhập cảnh ngày 15/03/2020 âm tính. Ngày 20/03/2020, bệnh nhân xuất hiện sốt, được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh cách ly và điều trị.

Ngày 21/03/2020, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/03/2020.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ca bệnh 110 là nam, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Mỹ, về Việt Nam ngày 19/03/2020 (quá cảnh tại Nhật Bản, sau đó từ Nhật Bản về Hà Nội trên chuyến bay JL571, số ghế 1A). Tiền sử có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính bên Mỹ ngày 8/3/2020.

Khi nhập cảnh tại Việt Nam, bệnh nhân có triệu chứng sốt nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh cách ly và điều trị. Ngày 21/03/2020, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/03/2020.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ca bệnh 111 là  nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Hải Hậu, Nam Định. Bệnh nhân là du học sinh tại Pháp, về Việt Nam ngày 18/03/2020 trên chuyến bay VN018, số ghế 36D.

Ngày 19/03/2020, tại Sân bay Nội Bài, bệnh nhân được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu sàng lọc và cho kết quả dương tính, sau đó bệnh nhân được chuyển về khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Hưng Yên (địa chỉ tại Thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/03/2020.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ca bệnh 112 là nữ, 30 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Pháp. Tại Pháp, bệnh nhân làm thêm tại một cửa hàng phở Việt Nam, đã có tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho sốt trong thời gian gần đây.

Ngày 17/3/2020 về Việt Nam trên chuyến bay VN018 (số ghế 22C), nhập cảnh sân bay Nội Bài lúc 06h22 ngày 18/3. Sau đó được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội lấy mẫu sàng lọc (cho kết quả dương tính ngày 22/3) và chuyển cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Hưng Yên (địa chỉ tại Thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/03/2020.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Ca bệnh nhân 113 là nữ, 18 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh người Anh về nước trên chuyến bay VN054 (số ghế 2A) ngày 18/03/2020, sau đó được cách ly tại khách sạn Hòa Bình, Hoàn Kiếm (xét nghiệm sàng lọc lần 01 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 18/03/2020 cho kết quả âm tính).

Ngày 20/03/2020 có biểu hiện sốt nhẹ, hơi tức ngực được chuyển bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh cách ly theo dõi. Ngày 21/03/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu lần 2 và cho kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21/03/2020.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trước đó, trong chiều và tối 22/3, Bộ Y tế cũng đã công bố thêm 12 ca mắc rirus Vũ Hán. Như vậy riêng trong hôm nay Việt Nam có thêm 19 bệnh nhân mới.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 113 ca mắc. Có 17 trường hợp đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong.

Đáng lo ngại, số ca nghi nhiễm tăng gấp hơn 5 lần sau vài ngày. Hiện nay có 645 trường hợp nghi nhiễm, trong khi trước đó chỉ hơn 100. Như vậy có khả năng số ca nhiễm ở Việt Nam trong những ngày tới sẽ tăng nhanh.

https://www.dkn.tv/thoi-su/cap-nhat-viet-nam-tang-len-113-benh-nhan-nhiem-virus-vu-han.html

 

7 bệnh nhân dương tính coronavirus ở Việt Nam

 có diễn biến nặng

Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 21 tháng 3 năm 2020 loan tin, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh của Cộng sản Việt Nam cho biết, có 7 bệnh nhân nhiễm coronavirus  ở Việt Nam đang có diễn biến bị nặng hơn. Ngoài ra, tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội cũng đã có một nhân viên y tế dương tính với corona.

Phía Ban chỉ đạo phòng chống dịch giải thích nhân viên y tế này bị nhiễm là do tiếp xúc gần với bệnh nhân số 86 đi nghỉ mát ở Sài Gòn, Côn Đảo chứ không phải là bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Trong 7 bệnh nhân bị nặng có một người là người Anh Quốc, 69 tuổi, hiện người này đã được đặt thở máy, và lọc máu. Theo bệnh viện, nam bệnh nhân người Anh Quốc này có thêm bệnh lý tăng huyết áp, tiểu tháo đường loại 2.

Trước đó, bộ Y tế Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố chữa khỏi 16 trên 16 bệnh nhân bị nhiễm viêm phổi coronavirus, trong đó có 1 nam bệnh nhân người Trung Cộng 66 tuổi, có nhiều bệnh trong người như cao huyết áp, ung thư phổi đã phẫu thuật, và bệnh nhân này sức khoẻ yếu đến mức không thể đi lại sinh hoạt được. Tuy vậy, ngành y tế Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố chữa khỏi cho bệnh nhân người Trung Cộng trên.

Ngoài một bệnh nhân được xuất viện trong ngày 20/3, có 2 bệnh nhân viêm phổi corovirus trong tình trạng nặng, 7 bệnh nhân khác có diễn biến nặng lên. Tính đến sáng ngày 21 tháng 3, Việt Nam đã có 91 người bị nhiễm coronavirus, và cách ly tại bệnh viện gần 200 người bị nghi ngờ nhiễm.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/7-benh-nhan-duong-tinh-coronavirus-o-viet-nam-co-dien-bien-nang/

 

Quảng Ngãi lập 9 chốt kiểm dịch virus Vũ Hán

Hiểu Minh

Ngày 21/3, Quảng Ngãi lập 9 chốt kiểm dịch các chốt chặn kiểm tra thân nhiệt, nắm thông tin lịch trình, khai báo y tế đối với tất cả hành khách, người dân khi ra vào.

Hôm qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi cùng với Sở Y tế tỉnh này thiết lập 2 chốt kiểm tra y tế trên quốc lộ 1, đoạn giáp ranh với Bình Định và Quảng Nam.

Trong đó, một chốt đặt tại khu vực Dốc Sỏi, xã Bình Chánh (Bình Sơn) và một chốt tại khu vực đèo Bình Đê (Thị xã Đức Phổ).

Ngoài hai địa điểm này, Quảng Ngãi đã lập 7 chốt kiểm tra khác trên tuyến Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; quốc lộ 24B, tuyến đường huyện Sơn Tây nối đường Hồ Chí Minh; đường huyện Trà Bồng đi

huyện Bắc Trà My (Quảng Nam); đường biển từ Biển Rạng thuộc huyện Núi Thành (Quảng Nam) về huyện Bình Sơn và tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh.

Theo Thanh Niên, trước đó ngày 19/3, Cà Mau đã lập 4 chốt kiểm soát dịch virus Vũ Hán tạm thời, tại ranh giới của các tuyến giao thông đường bộ vào địa bàn tỉnh, ở các xã Định Bình, Tân Thành (TP.Cà Mau), xã Biển Bạch và xã Trí Phải (H.Thới Bình). 4 trạm này bắt đầu hoạt động từ ngày 18/3.

Ngoài ra nhà chức trách tỉnh Cà Mau lập chốt kiểm soát tại bến xe Cà Mau, kiểm soát tất cả các xe khách đến và đi từ Cà Mau phải tập trung về bến xe Cà Mau.

Hiện chính phủ tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0h ngày 22/3.

Tính thời điểm này 20/3, Viêt Nam ghi nhận ca nhiễm virus Vũ Hán thứ 94.

https://www.dkn.tv/thoi-su/quang-ngai-lap-9-chot-kiem-dich-virus-vu-han.html

 

Hà Nội và TP.HCM

lên kịch bản ứng phó với dịch virus Vũ Hán

Hiểu Minh

Diễn biến của dịch virus Vũ Hán ngày càng phức tạp, TP. Hà Nội và TP.HCM đã đưa ra nhiều kịch bản nhằm ứng phó, đảm bảo hàng hóa với các khu vực bị cách ly.

Theo bản tin trên VnExpress, chiều 21/3, Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, đã xây dựng bốn kịch bản chuẩn bị hàng hóa ứng phó với virus Vũ Hán của TP.

Theo đó, kịch bản thứ nhất là 200 người cách ly tại địa bàn một quận (hoặc huyện) và 2.350 người cách ly tại nhà. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.

Kịch bản thứ hai, 1.000 người bị cách ly tại năm khu vực ở một quận (hoặc huyện) và trên 12.000 người cách ly tại nhà. Khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hoá sẽ tăng cao hơn nhưng không có biến động về thị trường.

Kịch bản thứ ba là khi có 20 ca bệnh trở lên trên địa bàn thành phố, các quận, huyện có 10 khu vực cách ly với tổng số 2.000 người, gần 130.000 người cách ly tại nhà. Sở Công Thương Hà Nội nhận định có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ do lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Để đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá, Sở sẽ liên tục điều tiết các hệ thống phân phối trong thành phố.

Ở kịch bản cao nhất, có 1.000 ca bệnh trên địa bàn thành phố và tất cả các quận huyện đều có khu cách ly. Mỗi quận, huyện có từ một đến năm khu vực bị cách ly với tổng số 30.000 người và hơn 380.000 người cách ly tại nhà.

Kịch bản thứ Tư cũng đưa ra tình huống một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ… phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, ngoài số hàng hoá trong kho dữ trữ của thành phố, sẽ cần huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay, vừa qua phường Trúc Bạch ký hợp đồng cung ứng nhu yếu phẩm với siêu thị, và thực đơn được thay đổi thường xuyên, và sẽ nhân rộng cách làm trên khi cần thiết.

Ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm có nhu cầu cao trong dịch bệnh như khẩu trang, nước sát khuẩn, nước đóng chai… đã được dự trữ gấp 300-500% so với bình thường, đủ cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 2 đến 3 tháng.

Theo báo Tiền Phong, tương tự TP.HCM cũng đã lập kịch bản ứng phó với dịch virus Vũ Hán bùng phát.

Cụ thể, ngày 19/3, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh- Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, khi dịch bùng phát sẽ cách ly theo cấp độ, nhân rộng mô hình cách ly trong trường hợp ở đường phố, khu phố, ở chung cư cao cấp, khách sạn mini và các khu tạm trú.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, đã lên 3 kịch bản đảm bảo đủ hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân. Theo đó, kịch bản 1, khi TP.HCM thêm ca nhiễm mới, sẽ thông báo các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 30% – 40% để bù vào việc người dân mua hàng hóa dữ trữ, và khi cần thiết sẽ tăng cường bán hàng online.

Kịch bản thứ 2, nếu người dân tăng cường tích trữ gây thiếu hụt hàng hóa, sở tiếp tục duy trì các phương án tại tình huống 1 và lên phương án hỗ trợ vốn để doanh nghiệp dự trữ hàng.

Kịch bản thứ 3 nếu dịch bệnh lan rộng, ngoài duy trì giải pháp ở hai tình huống trên, sở sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu nguyên liệu, thành phẩm các mặt hàng lương thực thiết yếu.

“Hiện TP.HCM đã sẵn sàng 3.000 bộ xét nghiệm và sẽ có thêm 10.000 bộ trong tháng này. Ngoài ra, sẽ tiếp nhận thêm 40.000 bộ trong tháng 4-5 để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng”- bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Có thể thấy, Việt Nam đang gấp rút xây dựng, và thực hiện mọi cách để ứng phó, chống dịch virus Vũ Hán. Điều này nói lên 1 vấn đề rằng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Việt Nam đang là mức gay gắt.

Mới đây vào chiều 18/3, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dịch virus Vũ Hán sẽ cao điểm trong 3 đến 4 ngày tới và có thể kéo dài đến 3/4. Hiện tại, con số ghi nhận số người nhiễm bệnh ở việt Nam là 94 người.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tp-ha-noi-va-tp-hcm-len-kich-ban-chuan-bi-hang-hoa-cho-viec-cach-ly.html

 

Việt Nam chính thức

dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài

Tâm Tuệ

Việt Nam chính thức tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và cả người gốc Việt có giấy miễn thị thực từ 0h ngày 22/3.

Báo VnExpress dẫn thông tin từ Văn phòng Chính phủ công bố thông báo về việc dừng nhập cảnh trong bối cảnh dịch Virus Vũ Hán đang phức tạp vào tối 21/3.

Theo đó,  sẽ tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3.

Việt Nam cũng tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh với tất cả các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân.

Với trường hợp nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…), các cơ quan chức năng sẽ xem xét cấp thị thực nếu cần. Những người này phải được kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng, đồng thời cách ly tại cơ sở lưu trú.

Người nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao… có giấy xác nhận không dương tính với virus corona do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp và cơ quan chức năng Việt Nam chấp thuận, sẽ được phép nhập cảnh và phải cách ly tại cơ sở lưu trú.

Việt Nam sẽ kiểm soát nghiêm người nhập cảnh bằng đường biển, đường thuỷ, đường bộ, hàng không, giãn cách các chuyến bay vận chuyển hành khách từ nước ngoài vào Việt Nam, không để xảy ra quá tải ở khu cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay chở khách là người nước ngoài rời Việt Nam.

Người Việt Nam ở nước ngoài được khuyến cáo “hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay”. Những người thực sự có nhu cầu về nước phải đăng ký với cơ quan đại diện để Bộ Giao thông Vận tổ chức chuyến bay thương mại theo từng đợt, đảm bảo khai báo y tế và cách ly đúng quy định.

Báo Thanh Niên cho biết, trước đó, từ 0h ngày 21/3, mọi hành khách đến Việt Nam buộc phải cách ly tập trung 14 ngày. Những người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ sẽ cách ly tại cơ quan ngoại giao hoặc cơ sở lưu trú, có sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế.

Việt Nam dừng cấp thị thực với người nước ngoài từ 0h ngày 18/3.

https://www.dkn.tv/thoi-su/1411649.html

 

Virus corona: Mạng xã hội tranh cãi

 về ‘Việt Kiều’ và ‘nước nào giỏi hơn’

BBC News Tiếng Việt điểm qua một số chủ đề mạng Facebook tiếng Việt tranh luận sôi nổi mấy ngày qua, liên quan đến dịch virus corona.

Ai là ‘Việt Kiều’ và tờ giấy chứng nhận ‘không mắc Covid-19’

Việc một số trang mạng gọi dòng công dân Việt Nam, mà phần đông là du sinh về nước “tránh dịch” là “Việt Kiều” đã gây phản ứng trong nhiều cộng đồng người gốc Việt gồm những người chỉ có quốc tịch nước khác, song tịch, hoặc quốc tịch Việt Nam nhưng định cư ở nước khác.

Theo họ, danh xưng Việt Kiều chỉ những công dân Việt Nam hoàn toàn đó là sai.

Có người cho rằng không nên gọi “con em của chế độ” ở Việt Nam là “Việt Kiều” vốn là các cựu thuyền nhân, tỵ nạn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khái niệm “Việt Kiều” nay không còn như trước, gồm cả Việt Kiều Đông Âu, Việt Kiều ở Đông Nam Á, và báo chí Việt Nam cũng chỉ gọi dòng người trở về là “người Việt ở nước ngoài”.

Mặt khác, một số người hỏi về “giấy chứng nhận không có virus corona” để có thể nhập cảnh trong trường hợp người về từ các nước có dịch.

Hiện gần như chưa có nước nào cấp hàng loạt kết quả xét nghiệm cho thấy ai đó đã miễn dịch Covid-19 nên việc Việt Nam đòi giấy này là điều bất khả thi, theo nhiều ý kiến.

Đào Diệu Nhật viết trên Facebook cá nhân từ Úc:

“Thôi rồi. Dân Úc khỏi về VN nhé. Ở Úc dù có đủ triệu chứng nhiễm mà không trong diện – vừa ở ngoại quốc về trong 14 ngày, – có tiếp xúc với người nhiễm thì không có cơ hội được xét nghiệm đâu. Lấy đâu cho được cái “giấy xác nhận không dương tính với virut” để trình cho đủ tiêu chuẩn nhập cảnh mà về.

Trong khi đó Hồng Sen viết trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:

“VN nghèo nhưng tình nghĩa thương dân nên các bạn đừng nên quay lưng nhé!”

Mạng xã hội cũng chia sẻ mạnh ý kiến nói là của bạn Thanh Hường ở Ý.

Sau khi nêu bốn lý do “Vì sao tôi chưa về VN?” Facebooker này viết:

Điều tôi muốn nói ở đây là, các bạn kiều bào, các du học sinh, nếu thành phố của các bạn vẫn an toàn, bản thân các bạn đang khỏe mạnh, đừng ồ ạt kéo nhau ra sân bay, đó có thể chính là nơi nguy cơ lây bệnh cho các bạn.

Hơn nữa, bản thân tôi thấy cách truyền thông của báo chí Việt Nam đang gây ra một làn sóng di cư từ Châu Âu, Mỹ và các nước trở về VN của người VN ở nước ngoài. Chúng ta cần nhớ lại rằng cuộc chạy loạn của người Vũ Hán, người miền bắc nước Ý trước giờ phong tỏa chính là nguyên nhân lây lan dịch bệnh khắp nơi, và làn sóng trở về VN sẽ mang bao nhiêu nguồn bệnh trở về?

Nước Ý đã thông qua ngân sách hơn 660 nghìn tỷ để đối phó với dịch Covid-19, Nước ta còn nghèo, đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán nặng, nhân dân miền tây đứng trước nguy cơ đói và khát, chúng ta mỗi người nên bình tĩnh và suy nghĩ cho đại cuộc chung. Chính phủ và báo chí cũng nên có những đối sách hợp lý hơn cho “cuộc chiến chống Covid-19″ còn kéo dài.”

Mạng xã hội VN còn chia sẻ tin, bài, hình ảnh từ một số khu cách ly tập trung đón người từ nước ngoài về.

Có nhiều ý kiến khác nhau về ăn ở bên trong các khu này, nhưng cũng có lo ngại con số người chung phòng đông, gây ra vấn đề vệ sinh, và lây nhiễm Covid-19.

Nước nào đang chống dịch hiệu quả hơn?

Một số người chia sẻ bản dịch một bài trên báo South China Morning Post, Hong Kong khen cách làm của Hàn Quốc:

“Trong khi Trung Quốc, nơi có nguồn gốc của virus và gần đây là Italia đã cách ly hàng triệu công dân, Hàn Quốc đã không cách ly dân chúng – thậm chí cả ở Daegu, thành phố phía đông nam của quốc gia, trung tâm bùng phát dịch.

Thay vào đó, các nhà chức trách đã tập trung kiểm dịch bắt buộc đối với các bệnh nhân bị nhiễm bệnh và những người mà họ đã tiếp xúc gần gũi, đồng thời khuyên công chúng ở trong nhà, tránh các sự kiện công cộng, đeo khẩu trang và thực hành vệ sinh tốt.”

Hiện có không ít ý kiến trên Facebook ở Việt Nam đổ lỗi cho cách chống dịch thiếu chặt chẽ của Anh Quốc, và cho là vì thế mà Việt Nam “bị thiệt hại”. Họ cũng chú ý đến các biện pháp kinh tế – xã hội mới nhất là chính phủ Anh đưa ra.

Đỗ Thành Long viết trên Facebook của BBC:

“Các ca mắc mới ở VN Việt kiều ở Anh về chiếm khá nhiều, vậy nên chứng tỏ số người nhiễm và vùng bị nhiễm bệnh bên đó khá lớn. Dịch bệnh vs Anh bây giờ là chuyện rất đáng nói.”

Trần Như Vân viết:

“Dịch xảy ra ở Vũ Hán khá lâu sau mới lan đến Âu Mỹ. Thực tế cho thấy lãnh đạo ở Âu Mỹ cũng chỉ là những anh mù rờ voi thôi. Điều tốt nhứt là những người mang bịnh sùng bái Âu Mỹ nên nhìn nhận sự thật.”

Trước tin chính phủ Anh trả lương 80% cho mọi người lao động không có việc làm vì dịch virus H.M. Đức viết:

“Vậy mà có ai đó ở đây mù thông tin về BBC và thế giới, chỉ chui ra từ truyền thông ao làng bị rào 3 lớp đã tung hô chỉ có CNXH mới chữa bệnh miễn phí và trợ cấp cho người phải bị cách ly.”

Huong Liz Nguyen thì viết:

“Người Anh vẫn luôn là một dân tộc đáng kính trọng vì sự tử tế, thông minh và bản lĩnh. Thế nên cả thế giới họ mới ngưỡng mộ. Còn nhiều người Việt chỉ biết tự sướng với nhau vì có chung tầm nhìn là cái miệng giếng.”

Facebooker Phạm Đoan Trang nêu ra hiện tượng ‘dịch chửi’ trên Facebook.

Theo bà, có một cách lý giải phản ánh nhận thức khác, thậm chí trái ngược nhau của nhiều người Việt Nam:

“Chứng kiến “dịch chửi” này, tôi nghĩ rằng có lẽ nó xuất phát từ một nguyên nhân rất sâu xa là tâm lý ghen tị của một số (có thể rất đông) người Việt trong nước. Xin gọi là “chúng ta”, bởi vì có tôi trong đó. Thẳm sâu trong lòng, chúng ta thèm được sống trong sự đầy đủ về vật chất và bình an về tinh thần, được hưởng phúc lợi xã hội tốt, được tôn trọng nhân quyền nhân phẩm, được chính quyền đối xử tốt thông qua một bộ máy hành chính, công an… lịch thiệp, trân trọng công dân.

Nhìn thấy chính quyền Nhật Bản trả lương cho người lao động nghỉ việc ở nhà tránh dịch, nhìn thấy chính quyền Mỹ cho tiền mỗi đầu dân cả ngàn đô-la, chúng ta… thèm quá đi chứ. Nhưng thèm thế thôi, cũng biết là không bao giờ có được điều đó ở Việt Nam, từ trước đến nay. Nên từ đó, sinh ra một tâm lý ghen tị, đố kỵ, và thù ghét những người cũng gốc gác, thân phận Việt Nam như mình mà lại được nhà nước của họ chăm lo, được thảnh thơi, vui vẻ trong dịch bệnh. Cảm xúc ghen ghét ấy diễn ra ngấm ngầm trong mỗi chúng ta, mà chính chúng ta cũng không nhận ra, vì nó gần như vô thức.”

Viết trên trang Viet Intellect, nhà giáo Ly Phạm lại có cái nhìn tổng quát hơn, cả về sau khi dịch Covid-19 qua đi:

“Mỗi quốc gia có cách phản ứng khác nhau, vì mỗi nước có thể chế và điều kiện kinh tế- văn hóa khác nhau, chưa nói giới cầm quyền các nước có những mục tiêu khác nhau. Quan sát và phân tích phản ứng của chính phủ các nước trong đại dịch chắc chắn sẽ là đề tài thú vị cho nhiều bài nghiên cứu chính sách sau này.”

Lo ngại trong các cộng đồng VN ở nước ngoài

Có nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng mạng tiếng Việt.

Một số cho rằng họ chỉ mua đủ cho gia đình, một số khác nói cần tích trữ ít nhiều vì không rõ thời gian phong tỏa, cách ly sẽ kéo dài bao lâu.

Trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:

Minh Khoa Lê nêu ra giải thích về nạn mua tích trữ hàng:

“Không tin chính quyền minh bạch. 2. Sợ lên giá 3. Sợ những biến cố cực đoạn diễn ra tiếp theo (đã là thảm họa thì nó sẽ kéo theo hai ba cái khác) 4. Giải tỏa tâm lý bất an khi người ta có mình cũng phải có. 5. Kinh nghiệm và thực tế cho thấy, trữ là cần thiết, như vụ khẩu trang, ai dám bảo mấy người mua trữ là thiển cận.”

Trước tin nghề nail của người Việt ở Anh ế ẩm vì không có khách, Minh Thanh viết trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:

“Nếu người Việt ở nước ngoài có khó khăn thì về nước có đảng nhà nước lo, hiện đảng đã gửi tin nhắn quyên góp ủng hộ rồi.”

Hoai Nguyen Dinh chia sẻ:

“Nói chung trên thế giới thì ngành nào cũng thiệt hại lớn, chỉ có hiệu thuốc và siêu thị thì mới được hoạt động ,càng phát triển giàu có thì càng thiệt hại, vì phải trả lương thất nghiệp và tiền cho người ăn xã hội và tiền trẻ em.”

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51995677

 

Ghi chép ở Berlin: Người Đức muốn ăn phở VN

để ‘chống virus Vũ Hán’

Lê Mạnh HùngGửi đến BBC News Tiếng Việt từ Berlin, Đức

Nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin, viết về không khí ở thủ đô nước Đức những ngày chính phủ và người dân phải điều chỉnh sinh hoạt, cuộc sống để chống virus Vũ Hán.

Tính từ 17/03/2020, sau đây là ghi chép của tôi:

Nếu thời tiết đẹp, lúc vắng người vợ chồng tôi lựa con đường vắng nhất đạp xe vào rừng, chạy dọc bờ sông đi dạo. Có không ít người Đức mặc đồ thể thao đạp xe vượt chúng tôi, các đôi thanh niên chạy sóng đôi, rì rầm trò chuyện. Ai cũng đều gắng giữ một khoảng cách an toàn. Trên các bãi cỏ bìa rừng, lác đác có người nằm phơi nắng.

Thủ đô Berlin giống như nhiều nơi khác ở Đức, người dân được khuyên gắng tự cách ly, giảm thiểu tối đa tiếp xúc xã hội. Mặc dù vậy, ở một số quận trung tâm Berlin, “coronapartys” vẫn đã được “quần chúng tự phát” hô hào tổ chức. Các thanh niên thuộc đủ màu da, vác máy phát điện ra công viên, vào rừng chạy máy phóng thanh, bật đèn mầu nhấp nháy biểu diễn ca nhạc, nhảy disco huyên náo. Không ít đám đông tụ tập phơi nắng, uống bia chuyện trò rôm rả.

Họp báo cùng ngày, Thị trưởng Berlin Michael Müller nổi giận đùng đùng: “Để cho tự giác không xong, nếu cứ tiếp tục thế này chúng tôi sẽ buộc phải áp dụng Ausgangssperre / lockdown”.

Không đơn giản thật. Berlin gần hai chục năm nay đã dần trở thành điểm đến của giới trẻ khắp thế giới. Họ đổ về đây sống, làm việc, học tập. Giá thành sinh hoạt rẻ so với nhiều thành phố lớn các nước khác, cơ hội lập nghiệp, đời sống văn hóa đủ màu sắc hấp dẫn. Tìm một người Đức “xịn” để hỏi đường ở Berlin không phải lúc nào cũng dễ. Berlin đa văn hóa, trẻ trung, sôi nổi như một thế giới thu nhỏ đã thành thói quen. Đùng một cái, bảo tất cả phải ngồi yên trong nhà, xem ra không dễ thật. Ra đường vẫn không hề thấy ai đeo khẩu trang.

Covid-19: ‘Mình cần xa nhau lâu đấy’

Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?

Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’Virus corona: Làm gì để vững tinh thần qua mùa dịch?

Covid-19: Tự cách ly khi nào, thế nào cho đúng?

Một câu chuyện nữa là VIP cũng dính virus corona, tự cách ly ở nhà:

Triệu phú Friedrich Merz, 65 tuổi, chính trị gia đảng CDU Đức, ứng cử viên tiềm năng nhất hiện nay – người có thể thay thế bà Thủ tướng Merkel, đã mắc virus Vũ Hán, tình trạng đang xấu đi ít nhiều, vẫn đang tự cách ly ở nhà theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Chỉ khi nào thực sự nguy kịch, ông Merz mới được đưa vào bệnh viện. Ông này vẫn làm việc ở nhà và trao đổi với xã hội bên ngoài qua Internet.

Con cái giữ gìn cho bố mẹ:

Lập gia đình, có con nhỏ và sống gần nhà tụi tôi, các con của chúng tôi chủ động hạn chế tiếp xúc trực tiếp, chỉ điện thoại hỏi thăm thường xuyên. Cần đi mua bán gì, các cháu đi mua giúp, mang tới để ở cửa, thanh toán với nhau qua chuyển khoản, không trao tay tiền mặt, không đứng gần nhau.

Chúng tôi chuyện trò đều đặn qua webcam, hỏi thăm động viên nhau. Hai vợ chồng đứa con lớn (Việt- Đức) đều được phép làm việc ở nhà.

Con út đi làm từ thiện:

Đứa con út của chúng tôi đang làm luận án thạc sĩ. Trường đại học tổng hợp đóng cửa, cho phép cháu nộp bài trễ hơn 2 tháng, cháu nghĩ ngay đến việc đi làm công tác xã hội. Phong trào tình nguyện đăng ký giúp đỡ các bệnh viện, các gia đình neo đơn, có con nhỏ, các người già…đang được rất nhiều thanh niên trẻ hưởng ứng sôi nổi.

Cháu giúp các cụ già mua đồ ăn, mua thuốc, liên hệ với các công sở. Các cháu chủ động viết giấy thông báo dán lên cửa nhà hàng xóm. Ai cần giúp đỡ thì chủ động liên lạc với các cháu.

Năm 2015 cũng thế, gia đình chúng tôi cùng các bạn Đức thuộc nhiều gốc gác khác nhau ở Berlin cũng từng lăn lộn giúp đỡ chính quyền Berlin giải quyết khủng hoảng người tị nạn tại khu vực tiếp nhận người tị nạn mang tên “LAGeSo” ở gần nhà chúng tôi. An ninh của Đức cũng là an ninh của chính chúng tôi mà.

Ngày mới tới Đức, chúng tôi cũng từng được nhiều gia đình Đức đùm bọc, cưu mang giúp chúng tôi hội nhập. Những gì vợ chồng tôi chưa đền đáp người dân Đức đủ thì nay các con chúng tôi sẽ làm tiếp. Cô hàng xóm người Đức gõ cửa hỏi chúng tôi cần giúp đỡ gì không? Mua thuốc chẳng hạn. Cô ấy là nhân viên của cửa hàng bán thuốc tây. Cô dặn chúng tôi (người cao tuổi, huhu…) hãy giữ gìn cẩn thận, hạn chế ra ngoài. Cô rất biết ý thích đạp xe của chúng tôi mà.

Người Đức thích ăn phở:

Phải cách ly ở nhà, một gia đình Đức quen biết gọi điện nhờ chúng tôi chỉ dẫn cách tự nấu phở. Không đi nhà hàng được, cả nhà thích ăn phở Việt Nam để…”chống cảm cúm”. Họ bảo vậy.

Chuyện bác sĩ Đức gốc Việt:

Là học sinh đàn Tranh của vợ tôi, cô đồng thời là bác sĩ trưởng trong một bệnh viện Đức. Gọi điện hỏi thăm chúng tôi, cô bảo đang cùng các đồng nghiệp chuẩn bị gấp rút đón bệnh nhân mắc dịch virus corona. Rất nhiều bác sĩ, y tá đã về hưu nay nhanh chóng tự đăng ký xung phong trở lại làm việc giúp sức cho các bệnh viện. Các sinh viên Y khoa cũng lăn lộn vào công tác chuẩn bị.

“Liệu có chuyện phân biệt giữa bệnh nhân Đức và người nước ngoài không? Tôi hỏi, cô cười: “Không thể xảy ra điều đó đâu. Càng không thể xảy ra, bởi bản thân rất nhiều bác sĩ, y tá Đức, điều dưỡng viên cũng là người gốc nước ngoài, người Việt Nam mà”.

Các bác sĩ trẻ gốc Việt có chiến dịch giúp đỡ qua mạng, kết hợp cùng nhau làm livestream, giải thích cho người Việt các hiểu biết về cách chống đại dịch cho hiệu quả, đúng cách. Giọng nói tiếng Việt hơi lơ lớ, sự cố gắng diễn đạt của các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai ở Đức thật đáng yêu.

Bà Thủ tướng Đức Merkel kêu gọi gì?

Trên kênh TV lớn nhất là ZDF, chương trình thời sự 19:00 giờ, lần đầu tiên từ khi làm thủ tướng, rằng đây là thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến 2 tới nay đối với Đức. Là cơ chế dân chủ nên các biện pháp chống dịch của Đức dựa trên những kiến thức khoa học và sự đồng lòng thực hiện của mọi người. Mọi bệnh nhân đều được coi trọng cứu chữa. Chính phủ Đức cam kết giúp đỡ tài chính hết mức để các doanh nghiệp, người lao động không lo mất việc làm.

Đức tung ra gói tài chính hỗ trợ khổng lồ:

Hai bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Đức họp bàn ra thông báo, chính phủ Đức chi ngay gói hỗ trợ 550 tỷ Euro giúp đỡ cả nước chống đại dịch virus corona và sẽ tiếp tục chi tiếp, không giới hạn, để khắc phục bằng được hậu quả của đại dịch. Đây là mức chi lớn nhất của Đức từ trước đến nay, vượt quá mức chi 500 tỉ Euro trong chiến dịch khắc phục hậu quả khủng khoảng tài chính châu Âu 2008. Chống dịch không ai tranh cãi:

Cả nước Đức lao vào chống dịch, không phân biệt đảng phái. Các đảng đối lập không gây tranh cãi, không có phê phán đổ lỗi cho nhau trong lúc này. Nước Đức không có chỗ cho các chính trị gia dân túy to miệng vào thời điểm hiện nay. Đức nói họ đủ sức chiến đấu dài hơi như Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, về tài chính nước Đức đủ sức chống chọi với đại dịch “rất, rất dài lâu”. Nhờ thành công về kinh tế hai chục năm qua, cộng với chính sách khắt khe tiết kiệm, giảm nợ công mà Đức đã để dự trữ được rất nhiều tiền của. Chủ tịch đảng đối lập FDP Christian Lindner nói “nhiều năm qua, người dân Đức đã đối xử rất tốt với nhà nước, đóng góp rất nhiều cho công quỹ. Nay là dịp để nhà nước đáp lại người dân bằng thiện chí của mình”.

Chống dịch không không quên chống phân biệt chủng tộc:

Sáng sớm 19/03/2020, hơn 400 cảnh sát Đức đã đồng loạt bố ráp, lục soát nhiều địa điểm thuộc 10 tiểu bang trên toàn nước Đức, tìm chứng cứ, tài liệu chống lại một chi nhánh cực hữu thuộc đảng thiên hữu AfD đang có chân trong Quốc hội Đức. Bạo lực, khủng bố, phân biệt chủng tộc ở Đức những năm qua có phần đóng góp không nhỏ của chính đảng AfD này.

Dù bước vào tình trạng khác đặc biệt, quân đội Đức không bao giờ làm thay cảnh sát,như Nữ bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp – Karrenbauer tuyên bố, quân đội Đức sẵn sàng tham gia giúp đỡ bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội Đức khi đại dịch đang bùng phát. Duy có một điều, quân đội Đức sẽ không bao giờ làm thay công việc của cảnh sát Đức. Họ cũng xây dựng cấp tốc bệnh viện dã chiến Có nhiều địa điểm lý tưởng đang biến thành bệnh viện dã chiến ở Đức. Đó là các khu triển lãm quốc tế, sân vận động có mái che, các bệnh viện cũ. Các bệnh viện quân đội Đức cũng được mở rộng hơn. Lực lượng quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, xây dựng. Bộ Y tế Đức đang được chuẩn chi rất nhiều tiền trong dịp này.

Các cửa hàng lại đầy hàng hóa sau cơn mua sắm hoảng hốt:

Chuyện mua vét hàng của một bộ phận nhỏ dân Đức và người nhập cư dường như đã qua mau. Các siêu thị lại đầy hàng hóa và khách mua hàng thấy có phần thưa thớt hơn.

Đúng 19:00 giờ tối thứ Bảy 21/03, như đã thống nhất trước qua mạng xã hội, cả Berlin qua cửa sổ, qua ban công đồng loạt vỗ tay vang dội để cảm ơn và cổ vũ lực lượng các bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên cứu thương thuộc tất cả các bệnh viện Đức, những người đang can đảm ở tuyến đầu, nơi nguy hiểm nhất, trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh quái ác này.

Riêng về gia đình tôi, chúng tôi đã sẵn sàng. Vợ chồng tôi chuyển sang làm việc hoàn toàn ở nhà, qua Internet. Những thiệt hại về tài chính do đại dịch gây ra sẽ được nhà nước Đức bù đắp. Chúng tôi đang tìm hiểu các thủ tục khai báo cần thiết để lĩnh tiền. Tình hình chắc chắn sẽ còn xấu hơn nữa, Berlin có thể sẽ bị thiết quân luật vào cuối tuần này, nhưng giống như cả nước Đức, gia đình chúng tôi, các công dân Đức ở đây đã hoàn toàn sẵn sàng.

Chúng tôi thấy tự tin, đủ sức chiến đấu dài hơi với đại dịch Vũ Hán này.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Lê Mạnh Hùng từ Berlin, Đức.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51991757

 

Bộ Chính trị kêu gọi nhân dân cả nước

 đoàn kết với Đảng chống dịch COVID-19

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra thông báo chính thức về dịch bệnh COVID-19, kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết một lòng chống dịch, đồng thời ca ngợi công tác chống dịch bệnh mà Việt Nam đã đạt được đến lúc này. Trang tin của Chính phủ Việt Nam loan tin này hôm 21/3.

Theo thông báo của Bộ Chính trị, “Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời có những giải pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19”

Bộ Chính trị đồng thời cho rằng Việt Nam đã và đang kiểm soát được bệnh dịch. Thông báo có đoạn viết:

Nhờ có sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng, chúng ta đã và đang kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Thông báo của Bộ Chính trị nhìn nhận diễn biến bệnh dịch còn phức tạp. Vì vậy Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền không được chủ quan trong các tác chống dịch.

Bộ Chính trị kêu gọi: “Trong thời điểm khó khăn và phức tạp này, Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch COVID-19.”

Tính đến chiều ngày 21/3, Việt Nam đã ghi nhận 94 ca nhiễm COVID-19. Trong số này đã có 17 ca được chữa khỏi và xuất viện.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/politburo-and-covid-19-03212020141430.html

 

Facebook và Coca-Cola trì hoãn xét duyệt

quảng cáo tại Việt Nam vì dịch bệnh coronavirus

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ loan tin, vào tối ngày 20 tháng 3 năm 2020, công ty Coca-cola đã tuyên bố tạm dừng các hoạt động quảng cáo tại Việt Nam. Công ty Coca-cola giải thích, từ hôm 20 tháng 3, quảng cáo của công ty cũng như các nhãn hàng tại Việt Nam sẽ được tạm ngừng ít nhất 1 tháng để tập trung nguồn lực, hỗ trợ cho việc phòng chống, đẩy lùi dịch coronavirus. Trước đó, Facebook cũng đã đưa ra dự trù sẽ trì hoãn xét duyệt quảng cáo vì coronavirus.

Phía Facebook giải thích, hoạt động xét duyệt quảng cáo của công ty sẽ kéo dài hơn bình thường, nên quá trình phân phối quảng cáo có thể bị trì hoãn, và các kháng nghị cũng có thể giảm, hoặc phản hồi sẽ lâu hơn trước đây. Trước những thông báo trên, ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, giảng viên trường cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, ngành Thương mại điện tử cho biết, trước đây hầu hết các quảng cáo trên Facebook đều được xét duyệt trong vòng 24 tiếng, nhưng bây giờ có thể kéo dài đến vài tuần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, doanh số bán hàng có thể bị sụt giảm vì khách hàng chậm được tiếp cận các sản phẩm mới thông qua quảng cáo. Được biết, hàng năm Facebook thu lợi hàng tỷ Mỹ kim từ dịch vụ quảng cáo ở thị trường Việt Nam.

AN

https://www.sbtn.tv/facebook-va-coca-cola-tri-hoan-xet-duyet-quang-cao-tai-viet-nam-vi-dich-benh-coronavirus/