Tin Việt Nam – 22/02/2017
Thầy trò đánh nhau, đáng lên án ai?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Vào ngày 15 tháng 2 năm 2017 tại lớp 10A3 – Trường THPT Tầm Vu, đã xảy ra vụ đánh nhau giữa một thầy giáo dạy toán và một em nữ sinh trong lớp học. Hình ảnh được học sinh dùng điện thoại quay video clip và tung lên mạng sau đó khiến dư luận cả nước thật sự shock khi bạo lực đã tràn vào học đường chứ không riêng trên hè phố giữa các học sinh phổ thông như trước đây.
Mặc Lâm phỏng vấn thầy Đỗ Việt Khoa, từng có kinh nghệm về các video clip khi tổ chức cho các em học sinh quay cảnh gian lận trong cuộc thi tốt nghiệp tại Đồi Ngô, Bắc Giang vào năm 2012. Trước tiên thầy Khoa nhận xét trường hợp thầy trò đánh nhau này:
Người lớn làm những việc bạo lực, vô lối mà không bị xử lý làm cho trẻ em bắt chước.
– Thầy Đỗ Việt Khoa
Chúng tôi đã xem trên video vụ này rồi. Thật đau lòng, cái kênh quan hệ tình thầy trò mất cả giá trị truyền thống của nó. Thầy đánh trò như đánh giặc, trò đánh lại thầy như đánh kẻ thù. Thầy trò bằng vai phải lứa đánh lộn với nhau như vậy. Tất cả là sự xuống cấp đạo đức xã hội đạo đức học đường nói chung nó có nguyên nhân rất sâu xa từ các yếu tố khác.
Đó là yếu tố cơ chế, yếu tố thể chế, yếu tố bộ máy và bây giờ nó làm cho xã hội trở thành tàn bạo, hoặc dối trá, đối phó hoặc thành tích ảo và đấy là những điều nguy hiểm cho đất nước. Nó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm bại hoại thanh danh của người Việt và làm cho người Việt khắp 5 châu ở trường quốc tế trở nên xấu xí. Những thầy cô giáo có lương tâm, các đơn vị truyền thông báo chí nên vào cuộc đấu tranh phê phán những biểu hiện đó một cách quyết liệt.
Đạo đức xã hội xuống cấp
Mặc Lâm: Nhiều nhà văn hóa xã hội học cho rằng hành động bạo lực học đường là hệ quả cộng hưởng giữa học đường, gia đình và ngay cả chính quyền nữa. Thầy là người quan sát và từng có nhiều phản biện về vấn đề này, thầy nghĩ sao khi mái trường đã trở thành chợ búa hay thậm chí có thể xem là võ đài?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Vâng như tôi vừa nói đó là sự xuống cấp đạo đức của xã hội nói chung khi người lớn hành xử công khai mà không phải trả giá. Người lớn làm những việc bạo lực, vô lối mà không bị xử lý làm cho trẻ em bắt chước. Ra đường công an đánh phóng viên (Công an Đông Anh Hà Nội đánh phóng viên trên cầu Nhật Tân), đánh rõ ràng như thế, đá đấm vào mặt như thế, video rõ như thế mà ông Phó giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc trả lời chỉ là động tác giơ chân cản, rồi “tay gạt má” thì tôi cho là đại thảm họa về nhân cách của nhà cầm quyền.
Họ đã làm một tấm gương tầy liếp xấu xí cho các thế hệ trẻ bắt chước. Trong nhà trường cư xử giữa thầy với trò không còn đúng nghĩa thầy trò mà nhiều khi đó là cách cư xử sòng phẳng tiền bạc. Rất nhiều trường bây giờ đặt nặng vấn đề tận thu tiền học sinh, bịp bợm các em để thu tiền.
Trong lớp thì dạy các em tuyên truyền những thông tin sai sự thật. Tôi xin nói về sách giáo khoa có những thông tin sai sự thật nhất là môn lịch sử. Rồi những hành vi như là chính quyền tước đi của người dân những cái quyền rất là nhỏ như là quyền biểu tình, quyền đi thắp hương tưởng niệm những người liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược. Bọn trẻ đang lớn nó đọc, nó xem hết cả những video trên mạng đầy đủ hết dấu làm sao được?
Chính lực lượng công an là lực lượng phải ra tay khi học sinh đánh nhau nhưng chúng ta chẳng thấy xử lý ở đâu hết. Bao giờ mà báo chí vào cuộc làm um lên thì nó mới có mặt. Các vụ đánh nhau ngoài đường thì công an thường đến sau cùng sau khi đã đâm chém xong xuối rồi công an mới có mặt. Thông thường không thấy họ là người tích cực đi trước ngăn chặn sự việc đâu.
Đấy là những việc làm gương cho xã hội. Nó làm cho những đứa trẻ đánh mất đi niềm tin vào giáo dục, đạo đức xã hội và cách cư xử. Cho nên có những hành vi méo mó về nhân cách, sự liêm sỉ của người lớn là sự hiếm hoi thì đừng đòi hỏi con trẻ nó có liêm sỉ, nhân ái đấy là thảm họa của người lớn đối với trẻ nhỏ.
Bị kỷ luật vì quay clip?
Mặc Lâm: Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng của trường THPT Tầm Vu đã có quyết định là nhà trường sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật để kiểm điểm trách nhiệm của thầy giáo và học sinh, kể cả 2 học sinh quay clip và tung lên mạng xã hội. Thầy nghĩ sao khi kỷ luật cả hai em quay clip? Điều này có công bằng cho các em hay không?
Tuy nhiên em học sinh nào quay clip này mà chỉ lẳng lặng quay, rồi báo cáo nhà trường và đưa lên Facebook hay đưa lên mạng xã hội thì đáng khen.
– Thầy Đỗ Việt Khoa
Thầy Đỗ Việt Khoa: Cái ông hiệu trưởng này cũng giống như hầu hết các Hiệu trưởng khác, các lãnh đạo khác. Họ sẽ trừng phạt học sinh, trừng phạt những người nào cố công bố thông tin ra cho dư luận biết thì ông này đáng bị trừng phạt.
Tuy nhiên em học sinh nào quay clip này mà chỉ lẳng lặng quay, rồi báo cáo nhà trường và đưa lên Facebook hay đưa lên mạng xã hội thì đáng khen. Nhưng nếu là một em vừa đứng đấy quay video vừa hô hào, cổ vũ với mục đích sỉ nhục, bôi nhọ học sinh khác thì phải bị kỷ luật. Cho nên phải xem lại động cơ của các em là gì rồi mới quyết định chứ không phải triệt hạ tinh thần đấu tranh của các em học sinh, triệt hạ các em công bố video clip. Nều không có những cái video ấy thì các em học sinh kia phải chịu oan ức cả đời và nhà trường tiếp tục trong sáng không tì vết gì.
Vụ Đồi Ngô năm 2012 mà chúng tôi tổ chức, một số học sinh quay cảnh gian lận trong phòng thi thì công an tỉnh Bắc Giang lại gọi học sinh này lên trước mặt phụ huynh học sinh công an đã tát lia lịa vào mặt các em, chửi các em là đồ vô kỷ luật khi các em cùng với thầy Khoa và các bạn công bố các clip ấy trên mạng. Các em đã có hành vi dũng cảm tiếp sức với chúng tôi để đưa mặt trái ấy lên trước xã hội thì các em bị đánh vào đầu.
Hành vi đánh vào đầu các em của công an khi được đưa lên báo chí và dư luận thì các em đều xem và tiêm nhiễm vào đầu các em những cách hành xử tiêu cực thì không dại gì sau này các em sống nhân ái nữa mà phải sống tàn bạo như khi người ta tát vào mặt, chửi các em. Đừng trách ai cả mà phải trách chính lực lượng cầm quyền.
Mặc Lâm: Xin cám ơn thầy Đỗ Việt Khoa.
Người Công giáo mất lòng tin vào chính quyền
Việt Hà, phóng viên RFA
Một tuần sau vụ chính quyền Việt Nam cho công an và an ninh đàn áp những người công giáo ở Nghệ An đi tuần hành ôn hòa khiếu kiện công ty Formosa, những nạn nhân của vụ đàn áp vẫn chưa hết bàng hoàng, bất chấp những cố gắng của chính quyền địa phương nhằm xoa dịu tình hình.
Mất lòng tin vào chính quyền
Đã một tuần trôi qua kể từ ngày 14 tháng 2, ngày bị an ninh mặc thường phục đánh cho đến ngất xỉu, chị Bùi Thị Lài, một giáo dân ở giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Vinh cho biết chị vẫn còn đau:
Giờ vẫn còn đau và choáng lắm. Mấy ngày trước còn thấy đỡ đỡ. Mấy ngày nay thì thấy choáng và cứ nôn mửa thôi. Tôi cũng đi gặp bác sĩ mà họ nói là bị va đập mạnh, bị một thời gian rồi thôi.
Chị Lài là một trong khoảng 20 người bị đánh đến thương nặng phải đi bệnh viện khi tham gia cuộc tuần hành ôn hòa của khoảng 700 giáo dân giáo xứ Song Ngọc từ Nghệ An đến thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để kiện công ty Formosa xả thải ra môi trường biển các tỉnh miền trung Việt Nam hồi năm ngoái.
7 ngày sau vụ đàn áp, linh mục Nguyễn Đình Thục, người đứng đầu giáo xứ và dẫn đầu đoàn người, đồng thời cũng là một nạn nhân của vụ đàn áp, đã đến thăm những giáo dân trong giáo xứ của mình. Cảm nhận mà ông có được từ sau vụ đàn áp và những chuyến thăm viếng giáo dân là tình cảm bị tổn thương và mất lòng tin của người dân vào chính quyền.
Những người chứng kiến vụ đàn áp rất dã man của chính quyền ngày 14 tháng 2 thì hầu như họ mất hết niềm tin và ít nhiều thiện cảm lâu nay vẫn còn với chính quyền.
-Linh mục Nguyễn Đình Thục
Trước hết về người dân, những người bị nạn bị công an và an ninh đánh đập thì họ cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Họ bị mất đi tất cả những niềm tin và thiện cảm mà lâu nay họ vẫn có với chính quyền. Không chỉ riêng những người bị đánh đập mà cả bà con của địa bàn chúng tôi đi kiện Formosa vừa rồi, và các giáo xứ hòa vào đoàn chúng tôi. Những người chứng kiến vụ đàn áp rất dã man của chính quyền ngày 14 tháng 2 thì hầu như họ mất hết niềm tin và ít nhiều thiện cảm lâu nay vẫn còn với chính quyền.
Ngày 20 tháng 2, văn phòng tòa Giám mục giáo phận Vinh chính thức ra thông báo trên trang web của giáo phận lên án vụ đàn áp. Thông báo viết ‘chính quyền Nghệ An dùng các lực lượng an ninh ngăn cản người dân đi nạp đơn khởi kiện là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân Việt Nam đã được các Công ước Quốc tế, Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam bảo vệ’. Lãnh đạo công giáo giáo phận Vinh cũng ‘lên án hành vi dùng bạo lực tân công người dân một cách dã man và thô bạo của các lực lượng an ninh’
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 20 tháng 2 cũng ra thông cáo lên án vụ tấn công. Theo Ân xá quốc tế đã có ít nhất 15 người bị công an bắt đi, đánh đập và đưa đến nơi xa để tự tìm đường về nhà. Theo tổ chức này, có ít nhất một người đàn ông đã bị đánh đến dập xương sống, gẫy răng trong khi ba người khác hiện vẫn phải nằm viện. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết có khoảng 30 người đã bị công an và an ninh bắt khỏi nơi tuần hành. Tất cả những người này sau đó đã được thả.
Chính quyền tìm cách xoa dịu
Ngay ngày hôm sau vụ đàn áp, lãnh đạo địa phương đã đến gia đình một số người bị hại để thăm hỏi. Chị Lài cho biết:
Ông bên xã hay bên công an gì đó nói là đến thăm xem có tổn hại gì không để cho bồi thường nhưng chồng tôi nói không cần tiền của các ông.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng cho biết những nạn nhân cũng thông báo với ông về những chuyến thăm của đại diện chính quyền địa phương đến nhà nhưng không được người dân đón tiếp.
Tôi đến mấy người bị đánh trọng thương ở đây thì họ bảo có mấy người ở chính quyền xã đến thăm hỏi, không giúp đồng xu nào. Họ nói sự việc xảy ra không ai muốn.
– Linh mục Nguyễn Đình Thục
Tôi đến mấy người bị đánh trọng thương ở đây thì họ bảo có mấy người ở chính quyền xã đến thăm hỏi, không giúp đồng xu nào. Họ nói sự việc xảy ra không ai muốn. Người dân bảo là thấy mấy người đó đến thì họ rất căm tức và không tiếp.
Theo linh mục Nguyễn Đình Thục, việc làm tiếp theo của chính quyền chỉ là biện pháp xoa dịu nhưng không có thực chất
Về phía chính quyền thì tôi nghĩ là họ vẫn thể hiện rõ bản chất của họ lâu nay là độc ác và gian dối. Nghĩa là họ đánh rồi bây giờ họ tìm cách đến giải thích hoặc xoa dịu bằng cách này hay cách khác. Họ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Họ làm theo cách thức của ban tuyên giáo lâu nay là vừa đánh lại vừa xoa để lừa dối người dân. Lâu nay người dân trong địa bàn của tôi vẫn bị mắc lừa và vẫn tin vào sự tốt lành của chính quyền này. Nhưng bây giờ thì ít nhiều tình cảm còn sót lại giờ mất cả rồi.
Nhận chuyển đơn nhưng không một lời xin lỗi
Vào ngày 18 tháng 2, đại diện chính quyền tỉnh Nghệ An cùng đại diện công an tôn giáo đã có buổi làm việc chính thức với đại diện giáo phận Vinh về vụ đàn áp và vụ kiện của những người công giáo đối với công ty Formosa. Linh mục Phan Sỹ Phương, trưởng Ban hỗ trợ các nạn nhân ô nhiễm biển giáo phận Vinh, người có mặt trong cuộc họp cho biết về kết quả cuộc gặp
Bây giờ lãnh đạo của Nghệ An sẽ đứng ra nhận đơn để chuyển chứ đi xa thì không đi. Theo nguyên tắc là chuyển vào tận nơi xảy ra, nơi đóng đô của công ty nhưng mà đi như vậy thì nguy hiểm cho dân cho nên chính quyền Nghệ An hứa là đứng ra nhận đơn. Có thể sắp tới một số đại diện ban sẽ chuyển đơn cho họ.
Theo nguyên tắc là chuyển vào tận nơi xảy ra, nơi đóng đô của công ty nhưng mà đi như vậy thì nguy hiểm cho dân cho nên chính quyền Nghệ An hứa là đứng ra nhận đơn.
– Linh mục Phan Sỹ Phương
Tổng số có 619 đơn kiện của các hộ gia đình ở giáo xứ Song Ngọc dự định nộp lên tòa thị xã Kỳ Anh hôm 14 tháng 2, với tổng tiền đòi bồi thường lên đến 450 tỷ đồng. Những người nộp đơn là những người làm nghề biển và cho rằng họ đã bị thiệt hại nặng nề do thảm họa biển miền Trung mà công ty Formosa của Đài Loan gây ra từ hồi tháng 4 năm ngoái. Những hộ này không nằm trong danh sách đền bù của chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã xác định chỉ có 4 tỉnh miền trung chịu thiệt hại của Formosa là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Chính quyền tỉnh Nghệ An hứa sẽ chuyển đơn của những người khiếu kiện lên tòa ở tỉnh Hà Tĩnh và cũng hứa sẽ trả lời kết quả. Tuy nhiên linh mục Phan Sỹ Phương cho biết ông cũng chỉ biết hy vọng chứ không chắc tòa sẽ chấp nhận đơn của người dân.
Hồi tháng 10 năm ngoái,tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng thông báo trả lại hơn 500 hồ sơ kiện của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An kiện công ty Formosa. Lý do được đưa ra là các đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế.
Điều đáng chú ý là cũng tại cuộc họp giữa đại diện người công giáo Vinh và chính quyền tỉnh Nghệ An, phía chính quyền địa phương đã không đưa ra một lời xin lỗi chính thức nào đối với những nạn nhân của vụ đàn áp, mặc dù theo linh mục Phan Sỹ Phương thì buổi nói chuyện rất thẳng thắn.
Nhận lỗi thì tôi nghĩ là bữa đó cũng không nhận lỗi cái gì nhưng hai bên thông tin cho nhau và nhìn nhận vấn đề chứ không có nhận lỗi gì hết.
Linh mục Phan Sỹ Phương cho rằng buổi gặp khó có thể giúp hàn gắn lại lòng tin của người dân với chính quyền mà chỉ để tìm ra hướng giải quyết vụ nộp đơn kiện của người dân.
Còn đối với chị Bùi Thị Lài, vụ đàn áp mà chị gọi là dã man đã khiến chị nhận ra sự tàn bạo của chính quyền. Nhưng chị nói chị vẫn cầu nguyện chúa và đức mẹ cho những người đã đánh đập chị để chúa hoá giải cho họ.
Ba gia đình Việt vượt biên ‘sắp được phỏng vấn’
Ba phụ nữ Việt và gia đình vượt biên đang bị giữ tại Indonesia sắp được cơ quan tị nạn LHQ phỏng vấn.
Hãng tin ABC của Australia ngày 20/2 cho biết gia đình của ba người phụ nữ Việt Nam này sắp được các phái viên của LHQ từ Thái Lan sang phỏng vấn trong tuần này.
Tuy nhiên VOA chưa liên lạc được với bà Trần Thị Lụa, một trong ba người phụ nữ trong chuyến vượt biên từ Bình Thuận, để xác nhận thông tin này.
Hôm 10/2, bà Lụa cho VOA biết chiếc tàu chở ba gia đình có tất cả 16 người đã chết máy. Bà Lụa cho biết tàu của họ bị va vào đá và sau đó được người dân và cảnh sát ra cứu và đưa vào bờ. Bà nói trong đoàn có 12 trẻ em.
Bà Lụa yêu cầu các tổ chức quốc tế giúp đỡ để tất cả những người vượt biên trong đoàn được sang Úc hoặc đưa đến một nước thứ ba.
VOA đã đưa tin khi bà Lụa tìm đường vượt biên sang Úc lần thứ nhì vào ngày 31/1, tức Mùng 4 Tết Đinh Dậu. Hai phụ nữ còn lại là Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Phúc.
Ba phụ nữ này trước đây đã vượt biên sang Úc và bị trục xuất về Việt Nam vào năm 2015. Ngày 22/4/2016, Tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên phạt họ tổng cộng hơn 6 năm tù giam theo điều 275 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Khi đó bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù giam, ông Hồ Trung Lợi (chồng chị Loan) 24 tháng tù giam, bà Trần Thị Lụa 30 tháng tù giam.
Bà Lụa nói với truyền thông Australia ABC rằng “thà bị bắn chết” còn hơn là bị trả về Việt Nam lần nữa.
Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.
Tổ chức phi chính phủ No Right Turn nói rằng việc bà Lụa bị tuyên án 30 tháng tù sau khi bị trục xuất vào lần trước “cho thấy rằng bà đã phải đối mặt với nỗi sợ hãi vì bị đàn áp, và cần phải được cấp quy chế tỵ nạn. Và điều này cho thấy rằng trước đây Australia đã đẩy bà trở lại nơi bà bị đàn áp. Rõ ràng rằng Australia không còn quan tâm đến nghĩa vụ của mình theo Công ước về người tị nạn.”
Quốc tế hãy ‘quan tâm tù nhân lương tâm Việt Nam’
Tại Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ hôm 21/2, cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến các tù nhân lương tâm Việt Nam và tiếp tục gây sức ép đòi Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Ông Diệu, một nhà hoạt động dân chủ mới ra tù cách đây hơn 1 tháng, cho VOA biết ông đến hội nghị “với tư cách là một thành viên của Đảng Việt Tân”, là tổ chức đã được hội nghị mời từ trước.
Bài phát biểu của ông Diệu đã mô tả lại thời gian ông ở trong tù sau khi nhà chức trách Việt Nam kết tội hồi năm 2011 là ông đã hoạt động cho Đảng Việt Tân bị chính quyền coi là tổ chức khủng bố, một cáo buộc mà đảng này luôn phủ nhận.
Ông nói với hội nghị rằng quyền con người của ông và những tù nhân khác trong trại giam không được tôn trọng như trong luật. Nói cách khác, theo lời ông, “pháp luật đối với trong trại giam, nó chỉ ở trên giấy mà thôi”.
Một phần quan trọng khác trong bài phát biểu là ông Diệu đã điểm lại những sự bất công vừa xảy ra trong xã hội Việt Nam trong những ngày qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện đoàn người từ Song Ngọc, Nghệ An đi đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh để kiện hãng Formosa gây ô nhiễm biển, nhưng đã bị nhà chức trách ngăn chặn, đàn áp, làm hàng chục người bị thương.
Về thông điệp chính của mình khi tham gia hội nghị, ông Diệu nhấn mạnh với VOA rằng ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các đoàn ngoại giao, thăm các tù nhân lương tâm ở các trại giam và những người mới bị bắt.
Ông Diệu nói nhiều người bị bắt vì nhà chức trách cáo buộc họ vi phạm các điều 79, 88, 258 trong Bộ luật Hình sự, mà ông gọi đó là những điều luật “mơ hồ” về tuyên truyền hoặc hoạt động chống nhà nước. Ông nói thêm:
“Những người bị bắt theo những tội danh đó rất cần sự ủng hộ và lên tiếng của các quý vị ngoại giao ngay từ đầu. Nếu các quý vị đến để thăm các tù nhân lương tâm đó mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ có ngăn cản thì đó là một dấu chỉ là không bảo đảm quyền con người”.
Một thông điệp lớn nữa của ông Diệu là cộng đồng quốc tế “có áp lực và tiếng nói mạnh mẽ hơn” đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nói:
“Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi bảo là buộc đảng cộng sản chứ không phải là nhà nước Việt Nam. Bởi vì quan điểm của tôi thì nhà nước Việt Nam chỉ là bù nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên tôi muốn gửi đến thông điệp với họ rằng là buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do chính trị. Đó là sân chơi bình đẳng cho mỗi công dân”.
Ông Diệu cho biết sau khi ông phát biểu xong “hội nghị đã vỗ tay rất nhiều”. VOA được biết ông là một trong 15 diễn giả phát biểu tại hội nghị về tình trạng nhân quyền ở quốc gia mình. Họ là các nhà báo, các nhà hoạt động và những nạn nhân, thân nhân của tù nhân chính trị tại các nước trong đó có Việt Nam, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Venezuela, Mauritania và Tây Tạng.
Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ là cuộc họp quốc tế thường niên lần thứ 9, mang lại cơ hội để các nhà đối kháng khắp thế giới lên tiếng thu hút sự quan tâm đến việc giải quyết các vi phạm nhân quyền. Hội nghị được tổ chức trước phiên họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bộ TN&MT phân tích vệt nước đỏ Vũng Áng
Ngày 21/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam cho biết kết quả phân tích mẫu nước biển ở vệt nước màu đỏ tại Vũng Áng cho thấy hàm lượng amoni tăng cao. Tổ công tác của Bộ TN&MT cũng đã lấy mẫu nước và tảo tại đây để gửi đi phân tích, nhưng Bộ này trích thông tin từ “một số người dân” cho rằng hiện tượng này thường xuất hiện vào dịp tháng chạp và tháng Giêng hằng năm.
Trước đó trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cống xả nước thải màu đỏ ra biển. Dư luận cho đây là cống xả thải từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái.
Trong cùng thời điểm, vào ngày 18/2, xuất hiện những vệt nước lớn màu đỏ ở khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi có nhà máy của công ty Formosa.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, xác nhận vùng nước màu đỏ cũng xuất hiện tại vị trí nuôi cá lồng bè của một số hộ dân trong khu vực vào ngày 19/1. Giới chức của Bộ TN&MT cho biết tổ công tác của Bộ TN&MT đã lấy mẫu tảo và mẫu nước trong khu vực để gửi đi phân tích. Giới chức này cũng dẫn lời người dân nói hiện tượng vệt nước đỏ thường xuất hiện tại bờ biển Vũng Áng vào dịp tháng chạp và tháng Giêng.
Vẫn theo ông Hoàng Văn Thức, tổ công tác giám sát Formosa nhận định vệt nước màu đỏ có dấu hiệu nguồn nước bị “ô nhiễm hữu cơ”.
GS-TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, giải thích với VOA về điều này.
“Ô nhiễm hữu cơ là ô nhiễm từ chất thải có nguồn gốc từ sinh hoạt, ví dụ như các chất bẩn từ rau, thực phẩm, chất thải sinh hoạt liên quan đến đời sống của ngư dân vùng ven biển”.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói đây cũng chỉ là một dự báo, không phải là kết luận phân tích khoa học. GS. Võ cho rằng cần phải đợi kết luận cuối cùng của Bộ.
Năm ngoái, vào thời điểm xảy ra vụ ô nhiễm môi trường khiến hàng loạt hải sản chết trôi vào bờ biển miền Trung, cũng có những vệt nước đỏ xuất hiện trong khu vực biển này. Bộ TN&MT sau đó đưa ra giải thích về hiện tượng hải sản chết có thể là do hiện tượng thủy triều đỏ. Tuy nhiên, giải thích này của cơ quan chức năng ngay sau đó đã bị lật ngược hoàn toàn khi có những bằng chứng về ống xả thải gây ô nhiễm môi trường của công ty Formosa đang xả ra biển.
Đối với vệt nước đỏ mới xuất hiện, tuy lãnh đạo Bộ TN&MT nói rằng sau khi có kết quả phân tích mới khẳng định được lần này có phải là hiện tượng thủy triều đỏ hay không, nhưng nhiều người dân đã bày tỏ nghi ngờ về tính khả tín của công tác điều tra của Bộ TN&MT.
TS. Đặng Hùng Võ thừa nhận người dân hiện đang rất “thiếu tin tưởng” và “hoài nghi” bất cứ thông tin chính thức gì có liên quan đến các vụ ô nhiễm môi trường. Ông nói:
“Riêng sự cố đó đã làm cho người dân thiếu tin tưởng. Bởi vì đây là vụ xả thải trực tiếp, mang tính vụng trộm, không đúng quy trình, không đúng pháp luật và gây ra thảm họa rất lớn. 500 triệu đôla bồi thường cũng không lại được với những tổn thất, đặc biệt là tổn thất về lòng tin. Hiện nay khi có một sự cố gì bất thường có liên quan đến môi trường thì người dân đều hoài nghi và không biết được có thể tin cậy được những thông tin chính thức ở mức độ nào”.
Theo GS-TS. Đặng Hùng Võ, để cứu vãn lòng tin trong dân chúng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN&MT cần phải ăng cường năng lực về kỹ thuật để có thể giám sát tốt về môi trường, bên cạnh việc động viên người dân trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát để không “lọt lưới” những sự cố môi trường và dự báo được những nguy cơ về môi trường trong tương lai.
Ông nói thêm:
“Tất nhiên để tăng cường giải pháp công nghệ trong giám sát, cũng như tăng cường vai trò của người dân thực hiện quyền giám sát, tôi cho rằng cũng từng bước, phải có thời gian. Đặc biệt, cơ quan nhà nước phải thực sự trung thực, thực sự quyết tâm, thực sự bày tỏ mong muốn không thể để xảy ra ô nhiễm môi trường nữa. Thì lúc đó tôi cho rằng tình hình sẽ ổn dần và tiến tới chỗ Việt Nam có thể hoàn toàn khống chế được những thảm họa môi trường có thể xảy ra”.
Trong khi giám sát nhà nước không được người dân tin tưởng, một số cá nhân và tổ chức độc lập đã nỗ lực thực hiện các phân tích, nghiên cứu riêng trong những đợt hải sản bị chết hàng loạt ở miền Trung hồi năm ngoái. Trả lời chuyện tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng Việt Nam luôn khuyến khích các nghiên cứu độc lập trong dân chúng, đặc biệt trong vòng 3 năm gần đây, giới hữu trách ở trung ương đã có cải thiện và “tiếp cận rất tốt” với xã hội dân sự. Ông nói:
“Trước đây có thể cũng có những ý kiến này khác, nhưng cho đến thời điểm trong vòng 3 năm gần đây, tôi cho rằng Việt Nam đã có cách tiếp cận rất tốt với xã hội dân sự, mong muốn xã hội dân sự có những đóng góp thực sự tốt, có những đóng góp mang tính nghiên cứu, có căn cứ, kết luận đầy đủ về mặt lý luận. Tất cả những cái đó đều được xem xét và được tiếp thu. Tất nhiên cũng phải nói ở các địa phương, cũng có những địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt”.
Ngoài thông báo về việc tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước, Bộ TN&MT hôm 21/2 cũng khẳng định đoạn video xả nước thải màu đỏ là “sai sự thật”. Bộ này nói trong quá trình kiểm tra đã không phát hiện ra cống xả thải nào của Formosa giống như trong đoạn video. Bộ TN&MT cho biết trong số 53 lỗi mà Formosa đã mắc phải, công ty này đã khắc phục 52 lỗi cơ bản, chỉ còn lại việc chuyển đổi từ công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô mà thôi.
http://www.voatiengviet.com/a/bo-tn-mt-phan-tich-vet-nuoc-do-vung-ang/3733903.html
Công nhân Đồng Nai đập xe cảnh sát giao thông
Công an tỉnh Đồng Nai chiều ngày 22 tháng 2 lên tiếng về vụ xe đặc chủng của Cảnh sát Giao thông tỉnh này bị hàng chục công nhân ném đá.
Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai, cho báo chí biết rằng vào khoảng 7 giờ sáng ngày 22 tháng 2 tổ công tác của Đội Cảnh sát Giao thông huyện Vĩnh Cửu làm nhiệm vụ kiểm tra trên đoạn đường đối diện với Bến Xe Vĩnh Cửu thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Theo trình bày của ông đại tá Nguyễn Văn Thọ thì lực lượng chức năng phát hiện một nhóm công nhân chạy xe máy đi làm mà không đội mũ bảo hiểm cũng như chạy lấn làn xe nên bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại để kiểm tra.
Cũng theo lời của đại tá Nguyễn Văn Thọ thì khi những công nhân liên quan đang bị kiểm tra thì một số công nhân khác kéo đến dùng gạch đá ném vào mô tô đặc chủng của Cảnh sát Giao thông. Ngoài ra một xe của người dân hiếu kỳ bị hư do xe tải lùi và va phải.
Truyền thông trong nước loan tin nguyên nhân vụ việc tiếp tục được xác minh điều tra làm rõ.
Bí thư Đà Nẵng bác tin xe biển số giả, kỷ luật trang Văn Nghệ
Tại thành phố Đà Nẵng, bí thư Nguyễn Xuân Anh hôm nay cũng được truyền thông trích dẫn bác bỏ tin nói chiếc xe công vụ mà ông này đang sử dụng mang biển số giả.
Trước đó cư dân mạng loan truyền hình ảnh một chiếc Toyota biển số xanh, tức biển số xe công vụ tại Việt Nam, do ông bí thư Nguyễn Xuân Anh sử dụng mang biển số giả. Theo đó biển số xanh xe của ông bí thư Nguyễn Xuân Anh trùng với biển số trắng của một chiếc xe Land Rover. Qua kiểm tra, cư dân mạng cho rằng cả hai chiếc xe đều không tồn tại trên mạng Đăng Kiểm Việt Nam.
Hôm nay ông bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói với báo giới thông tin biển số xe công vụ mà ông đang sử dụng như loan truyền trên mạng là không đúng. Ông này khẳng định đó là biển số thật, được Bộ Công an cấp và đăng kiểm cho Thành ủy Việt Nam dùng vào việc chung.
Ông này nói thêm với báo giới rằng thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục lưu hành chiếc xe đến khi hết hạn nhằm khẳng định biển số của xe là thật.
Vừa qua một báo trong nước cũng loan tin ông đương kim bí thư thành ủy Đà Nẵng đang sử dụng chiếc xe mà giá thị trường khoảng trên 2,5 tỷ đồng Việt Nam. Trong khi đó theo qui định, tiêu chuẩn bí thư thành phố trực thuộc trung ương chỉ được sử dụng xe công dưới 1.1 tỷ đồng thôi.
Trang Văn Nghệ bị kỷ luật
Đơn vị truyền thông loan tin ông bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng xe công biển số giả là chuyên trang Văn Nghệ Trẻ của báo Văn Nghệ điện tử bị kỷ luật với hình thức xử phạt hành chính và ngưng hoạt động.
Tin cho hay sau khi Văn Nghệ Trẻ loan tin hôm 21 tháng 2, thì hôm nay Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin- Truyền Thông làm việc với tổng biên tập báo Văn Nghệ và kết luận chuyên trang Văn Nghệ Trẻ với tên miền .net là không có phép vì Cục này chỉ cấp phép cho các trang tên miền .vn mà thôi.
Cũng trong ngày hôm nay, chánh văn phòng Thành Ủy Đà Nẵng gửi văn bản đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin- Truyền Thông đề nghị chỉ đạo xử lý bài viết trên chuyên trang Văn Nghệ Trẻ về biển số giả của chiếc xe công mà ông bí thư Nguyễn Xuân Anh đang sử dụng.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/danang-party-chief-reject-fake-plate-02222017082319.html
Doanh nghiệp tặng xe Lexus cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau
Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho rằng việc Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau nhận hai chiếc xe hạng sang Lexus từ một công ty chủ đầu tư nhiều dự án tại tỉnh này là trái pháp luật.
Kết luận được đưa ra căn cứ trên Quyết định số 64 năm 2007 mà thủ tướng chính phủ Việt Nam ban hành về quy chế nhận quà của các cơ quan nhà nước.
Theo đó khoản 1, điều 5 của quy chế nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà trong các trường hợp cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý.
Công ty trao hai xe Lexus cho tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng- Thương Mại-Du Lịch Công Lý. Vào năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau làm tờ trình gửi thủ tướng xem xét, chấp nhận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư là Công ty Công Lý thực hiện dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai với dự toán 2,5 tỷ đô la.
Truyền thông trong nước hôm nay dẫn ý kiến của chủ tịch tỉnh Cà Mau và Công ty Công Lý nói rằng việc cho và nhận hai xe Lexus không hề trái luật Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/camau-pp-committee-and-car-gift-02222017080554.html
Hai cán bộ Vinashinlines bị tuyên án tử hình
Hai bị cáo trong vụ án tham ô tài sản tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vận Tải Viễn Dương Vinashin- tên giao dịch Vinashinlines, bị tòa án Hà Nội tuyên án tử hình.
Đó là bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên tổng giám đốc với cáo buộc tham ô số tiền hơn 3 tỷ đồng Việt Nam. Trước đó Viện Kiểm sát đề nghị mức chung thân.
Người thứ hai bị tòa tuyên án tử là Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines. Ông này bị cáo buộc tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng Việt Nam.
Tòa tuyên án chung thân đối với bị cáo Trần Văn Khương, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines cũng về tội tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt là 110 ngàn đô la Mỹ.
Còn bị cáo Giang Văn Hiển, cha của Giang Kim Đạt bị tuyên án 12 năm tù về tội rửa tiền.
Tin cho biết phiên xử kéo dài 5 ngày. Theo lời khai của các bị cáo trong vụ án; luận tội của đại diện Viện Kiểm sát; bào chữa của các luật sư cùng tài liệu, chứng cứ, Hội Đồng Xét xử kết luận có đủ căn cứ để xác định trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô số tiền tổng cộng hơn 260 tỷ đồng Việt Nam.
Đảng xem xét kỷ luật cán bộ liên quan Formosa
Một số quan chức đảng liên quan đến thảm họa môi trường Formosa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xem xét kỷ luật tại kỳ họp trong tuần qua.
Hôm nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam ra thông báo về kỳ họp thứ 11 diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 2 vừa qua. Theo đó tại kỳ họp, ủy ban xem xét và kết luận việc để xảy ra thảm họa môi trường Formosa thuộc phạm vi trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Qung, nguyên bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường, nguyên ủy viên Trung ương đảng, nguyên bí thư ban cán sự đảng của bộ này. Những quan chức liên quan khác trong Bộ Tài Nguyên- Môi trường trước đây là ông nguyên thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, ông Nguyễn Thái Lai- nguyên thứ trưởng, ông Mai Thanh Dung- nguyên Cục trưởng Thẩm định, đánh giá tác động môi trường; ông Lương Duy Hanh, nguyên Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
Ở cấp tỉnh, ban cán sự đảng ủy Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011-2016 bị cho có dấu hiệu vị phạm. Trách nhiệm được buộc cho các ông Võ Kim Cự- nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-16 và phó chủ tịch ủy ban kiên trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng nhiệm kỳ 2008-2010; ông Hồ Tuấn Anh, trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng từ năm 2010-2016… Số bị nêu tên còn có các ông Lê Đình Sơn, Đặng Quốc Khánh, Dương Tất Thắng, Nguyễn Nhật là ủy viên Ban cán sự Đảng Ủy Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Hình thức kỷ luật mà Ủy ban Kiểm Tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam đề xuất là tổ chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, xem xét kỷ luật đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng.
Hội đồng Liên tôn phản đối đàn áp giáo dân đi khiếu kiện
Hội đồng Liên tôn Việt Nam hôm qua ra tuyên bố về vụ đàn áp giáo dân Xứ Song Ngọc hôm ngày 14 tháng 2, khi họ tuần hành về tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường.
Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn Việt Nam được ký bởi chức sắc của 5 tôn giáo trong nước là Cao Đài, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo.
Một trong những vị đại diện ký tên, Hòa thượng Thích Không Tánh, cho Đài Á Châu Tự Do biết về Tuyên bố vừa đưa ra:
Việc chế độ đàn áp giáo dân, trong đó có cả chức sắc tôn giáo, chỉ phản đối việc Formosa xả độc làm ảnh hưởng đến đời sống (điều này ai cũng bức xúc, cũng bất mãn) và sự thật chính quyền không giải quyết đời sống cho người dân mà lại ngả về phía Formosa làm hại lại đồng bào. Thế nên tôi nghĩ chúng ta có bổn phận phải cùng nhau hỗ trợ việc làm chính nghĩa đó để bảo vệ đồng bào, quê hương, tổ quốc.
Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn lược thuật lại thảm họa môi trường do nhà máy thép của Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Gang Thép Hưng nghiệp Formosa gây nên khi thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển khiến hải sản chết và môi trường biển bị ô nhiễm dọc theo các tỉnh bắc Trung bộ Việt Nam.
Giáo dân Xứ Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, ở ba xã huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dù bị tác động bởi thảm họa thế nhưng không nằm trong diện được bồi thường theo số tiền 500 triệu đô la mà Formosa trả cho chính quyền Hà Nội. Giáo dân khiếu kiện để đòi hỏi quyền lợi mà họ cho là hợp pháp nhưng lại bị cơ quan chức năng đàn áp đến đổ máu.
Hội đồng Liên tôn Việt Nam tuyên bố 5 điểm, trong đó có điểm lên án các phương tiện truyền thông đại chúng do nhà nước Việt Nam quản lý vu khống giáo dân; ngoài ra một số cơ quan truyền thông khác im tiếng trước sự kiện người dân đi kiện Formosa gây ô nhiễm và bị đàn áp.
Tuyên bố công khai ủng hộ những người dân khiếu kiện vừa qua cũng như những cuộc khiếu kiện khác trong tương lai.
Vì sao phải xuất khẩu cử nhân, tiến sĩ?
Cát Linh, phóng viên RFA
Bộ lao động vừa trình lên đề án với nội dung đưa hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020.
Rất nhiều ý kiến, tranh luận về vấn đề này. Có người cho rằng đề án này làm cho Việt Nam tiếp tục chảy máu chất xám. Có người lại nhận định rằng thất nghiệp là do qui trình giáo dục trong nước không đáp ứng được nhu cầu thực tế của phát triển kinh tế xã hội.
Bằng cấp không đi cùng chất lượng
Theo lời ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội trả lời truyền thông trong nước, con số hơn 200 ngàn cử nhân mới ra trường và thạc sĩ thất nghiệp được đề cập là của năm 2016. Bên cạnh đó, một thống kê khác do báo Vnexpress đưa ra, vào tháng 9 năm 2016, cả nước có hơn 200 ngàn người thất nghiệp thuộc nhóm trình độ đại học. Thống kê này còn cho biết thêm đây chính là nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất.
Phần lớn các công ty họ tuyển chọn thì họ không đặt ra tiêu chuẩn là cử nhân thạc sĩ…Quan trọng nhất là họ có khả năng và kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu của công việc.
– Ông Chu Tiến Dũng
Nhận định về tình trạng những người tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm trong nước, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc công ty phần mềm Quang Trung đưa ra ý kiến của ông trên vai trò của một nhà tuyển dụng lao động:
Phần lớn các công ty họ tuyển chọn thì họ không đặt ra tiêu chuẩn là cử nhân thạc sĩ, hay các bằng cấp. Quan trọng nhất là họ có khả năng và kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Như thế, có thể thấy bốn năm đại học và thêm hai năm để có tấm bằng tiến sĩ thì hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ đã vượt qua được cửa ải đầu tiên của các công ty tuyển dụng, đó là bằng cấp. Thế nhưng theo phân tích của ông Chu Tiến Dũng, có thể hiểu, số người này chưa tìm được việc làm vì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do các công ty trong nước đưa ra. Đó là kỹ năng và khả năng. Ngoại trừ điều kiện tuyển dụng có những yêu cầu cụ thể khác như ông Chu Tiến Dũng nói là “mỗi công ty có tiêu chuẩn khác nhau.”
Khuynh hướng tư nhân những năm gần đây phát triển rất mạnh, một năm tăng trưởng khoảng 30%. Cho nên nhu cầu về làm việc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện làm việc trong các công ty phần mềm thì mỗi một công ty có các tiêu chuẩn cho công việc khác nhau. Tại công ty phần mềm Quang Trung thì có các đòi hỏi cao hơn những nơi khác.
Tuy nhiên có những bạn học ra thì đáp ứng được những nhu cầu đó, nhưng có những bạn thì chưa đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Hệ thống giáo dục bất cập
Một trong những nguyên nhân dẫn đến người có bằng cấp cử nhân tiến sĩ nhưng vẫn “Chưa đáp ứng được yêu cầu”, theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, đó là vấn đề “muôn thưở mấy chục năm: hệ thống giáo dục không phù hợp với phát triển kinh tế hiện tại”
Chúng tôi biết rất rõ hệ thống các trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học Việt Nam không làm được nhiệm vụ đào tạo con người về mặt chuyên môn tốt nhất. Những lý thuyết dạy trong trường học không có ý nghĩa thực tiễn, trình độc thực hành của sinh viên học sinh rất kém.
Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm, rất nhiều các môn học vô bổ được đưa vào chương trình học đại học, đào tạo tiến sĩ như triết học Marx_Lê, lịch sử Đảng, chủ nghĩa Cộng sản khoa học…
Bên cạnh đó là qui trình tuyển dụng sinh viên đại học khá dễ dàng.
Những lý thuyết dạy trong trường học không có ý nghĩa thực tiễn, trình độc thực hành của sinh viên học sinh rất kém.
– Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
Đại học bây giờ mọc lên như nấm, dẫn đến việc các trường thiếu chỉ tiêu, họ vơ vét tất. Kể cả các trường công lập cũng phải vơ vét sinh viên, dẫn đến các trường dân lập cũng hạ chỉ tiêu. Điều đó dẫn đến chất lượng đại học ở Việt Nam thấp. Chưa kể tâm lý từ xưa đến nay của Việt Nam là vào bao nhiêu cho ra bấy nhiêu.
Không những cử nhân, mà cả bằng cấp tiến sị, thạc sĩ. Giữa năm 2016, Phó Giáo sư Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với VnExpress:
Nhiều người coi bản luận án là sản phẩm chính của đào tạo tiến sĩ. Trong khi giá trị của quá trình đào tạo không nằm ở bản luận án mà phải ở tri thức và năng lực của người nhận học vị tiến sĩ.
Chia sẻ này của ông Hoàng Văn Cường được nêu ra cùng thời điểm với những thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ”, một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ.
“Tiến sĩ giấy” là một cách gọi khác do báo chí trong nước dùng để nói về những người mang bằng cấp như thế.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét đây cũng chính là một trong những lý do dẫn đến tình trạng cử nhân thạc sĩ không tìm được việc làm:
Toàn những đề án tiến sĩ lạ hoắc, vô lý, không có tác dụng gì trong xã hội cả. Viết như là trẻ con viết.
Họ sẽ làm công việc gì?
Theo đề án xuất khẩu lao động do ông Doãn Mậu Diệp dự tính trình lên Chính phủ lần này tập trung vào “lao động có trình độ kỹ thuật”
Tuy nhiên, nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận định đề án này là “một thất bại”
Đấy là một chuyện bi hài, là một chuyện thất bại về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam.
Bi hài vì theo ông, họ không thể tìm được việc trên chính đất nước của mình, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì liệu có hy vọng sẽ tìm được việc ở nước ngoài? Hay đó sẽ là công việc không phù hợp chuyên môn?
Ngô Minh Uyên, cựu du học sinh Nhật Bản, hiện đang làm công việc phiên dịch và quản lý nhóm thực tập sinh ở đảo Shikoku, Nhật Bản cho biết thực tế về công việc của nhóm người này, được gọi là thực tập sinh kỹ năng, một tên gọi khác Nhật Bản dùng để nói về người xuất khẩu lao động phổ thông.
Nói về đối tượng này, cô cho biết:
Đấy là một chuyện bi hài, là một chuyện thất bại về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam.
– Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
Các bạn đó tốt nghiệp đại học ra, rồi có bạn sắp lấy bằng thạc sĩ, những người học rất cao tuy nhiên không có công việc ổn định ở Việt Nam cho nên họ chọn con đường đi tu nghiệp.
Tuy nhiên, theo Ngô Minh Uyên, bên Nhật hiện đang cần IT, cần kỹ thuật rất cao. Tiếng Nhật ít nhất cũng phải là giao tiếp hàng ngày. Và bắt buộc họ phải trải qua những bài kiểm tra gắt gao của công ty tuyển chọn.
Mức lương cao hơn thì dĩ nhiên yêu cầu của họ sẽ cao hơn. Nói thật là những người tốt nghiệp đại học mà không có việc làm ở Việt Nam chưa chắc họ có đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu của người ta.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cũng không hy vọng về sự nghiệp của số cử nhân thạc sĩ đó ở nước ngoài:
Tôi chắc đa số là làm những việc phổ thông thôi, chứ không phải chuyên môn, hoặc ra nước ngoài người ta phải đào tạo lại.
Chất lượng đầu ra của đại học Việt Nam tạo thành những người có bằng cấp cao nhưng rất khó khăn trong quãng đường kế tiếp là thuyết phục nhà tuyển dụng.
Từ đó, con đường tu nghiệp sinh, hoặc xuất khẩu lao động là con đường những người này phải nghĩ đến. Và hiện nay là đề án mà nhà nước đang tạo ra cho họ.
Không thiếu những ý kiến phản hồi về đề án này vì họ cho rằng chất xám Việt Nam đang tiếp tục tuôn chảy ra nước ngoài một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, sau khi phân tích, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng cần phải xem lại “chất lượng có cao không thì hãy dùng từ là chảy máu chất xám”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/solution-of-brain-drain-cl-02222017085934.html