Tin Việt Nam – 22/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/01/2017
Bản quyền hình ảnhJOE RAEDLE/GETTYImage captionTân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tỏ ra có những chính sách trái ngược với người tiền nhiệm, ông Barack Obama, đặc biệt trong Hiệp định TPP.

Mỹ rút khỏi TPP và nhân quyền ở VN

BBC – Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những hệ quả trực tiếp tới tình hình dân chủ, nhân quyền và cải cách thể chế hiện nay và trong tương lai của Việt Nam, các ý kiến quan sát, bình luận từ Việt Nam và Bắc Mỹ nói với BBC hôm 22/01.

Trao đổi với BBC Việt ngữ từ Sài Gòn hôm Chủ nhật, chỉ hai ngày sau khi chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Hiệp định, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nói:

“Không có TPP, thứ nhất là công đoàn độc lập sẽ không được thành lập, không được thí điểm thành lập, thứ hai không chấp nhận, không thừa nhận xã hội dân sự, thứ ba là sẽ không có thả tù nhân lương tâm, nếu không vì một yêu cầu đặc biệt, chẳng hạn như yêu cầu can thiệp của Tổng thống Francois Holland của Pháp trong chuyến đi (Việt Nam) năm 2016.

“Và thứ tư là sẽ ‘đàn áp’ nhiều hơn. Chúng ta biết là mới chỉ có ngày hôm qua, (công an) bắt chị Trần Thị Nga, là một dân oan, một người đấu tranh nổi tiếng cho dân oan Hà Nam, rồi bắt một người thuộc nhóm thanh niên Công giáo là Nguyễn Văn Oai và… nói chung là trong vài ngày qua công an bắt tới 4 người và đó đều là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

“Thế thì sắp tới, cái gì còn lại để đỡ cho, hỗ trợ cho dân chủ nhân quyền?”, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với chuyên mục tọa đàm thời sự cuối tuần của BBC Tiếng Việt.

Từ Ottawa, Luật sư Vũ Đức Khanh, Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam tại Canada, đưa ra quan sát:

“Việt Nam luôn luôn nằm trong bàn cờ chính trị của thế giới và đặc biệt đối với Hoa Kỳ, người Mỹ có mặt ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương trên 150 năm qua, không có lý do gì mà ông Donald Trump sẽ phải rút vai trò của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. Cho nên Việt Nam vẫn nằm trên bàn cờ đó.

“Tôi nghĩ rằng đi theo TPP, thì sẽ đi theo một lịch trình khác, không có TPP, thì… ông Donald Trump dùng các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ và vấn đề đó ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng chính trị của Việt Nam.”

Nếu Hoa Kỳ bận?

Việc ‘đàn áp’ hay ‘nặng tay’ với giới hoạt động dân chủ, nhân quyền, như trường hợp với bà Trần Thị Nga ở Hà Nam mới đây, có thể gia tăng ở VN, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, theo ý kiến nhà quan sát.

Và Luật sư Vũ Đức Khanh phân tích tiếp:

“Vì vấn đề đó, mà chính phủ Việt Nam có những hành động mà chúng ta thấy là đã ‘đàn áp’ trong những ngày qua, tức là phía Việt Nam đang làm để ‘có những lá bài’ mà chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ trong tương lai và vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ hóa Việt Nam vẫn là những vấn đề nằm trong nghị trình của bất cứ chính phủ nào và đặc biệt đối với chính phủ của Donald Trump.

“Tôi nghĩ rằng những người trong đảng Cộng hòa, họ muốn có một sự thay đổi trong chính sách đối với Việt Nam, họ muốn rằng Việt Nam phải tỏ rõ thái độ nhiều hơn nữa và nếu Việt Nam chấp nhận một lộ trình nào đó, thì Việt Nam sẽ hưởng không những một số ưu đãi trong quan hệ kinh tế song phương, mà còn có những vấn đề quan hệ về chính trị, ngoại giao, cũng như chủ yếu về vấn đề quân sự.

“Việt Nam đang chờ có một số thay đổi rất lớn về quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội,” Luật sư nói với BBC từ Canada.

Trước câu hỏi của BBC rằng trong trường hợp nước Mỹ, được coi là ‘ngọn cờ đầu’ cổ vũ dân chủ, tự do và nhân quyền trên Thế giới, nay có thể đang thay đổi chính sách, hoặc ‘bận rộn’ với quá trình chuyển giao, đặc biệt là với ưu tiên ‘nước Mỹ ‘là trước hết’, giới vận động, cổ súy cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam có thể có những động thái, phản ứng như thế nào, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng đáp:

“Cho dù Hoa Kỳ bận rồi, thì người Việt Nam vẫn xác định trách nhiệm chính trong công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền – đó là do người Việt Nam. Thành thử là vẫn tiếp tục và nếu Hoa Kỳ bận, thì vẫn còn có Liên minh châu Âu.

“Có lẽ theo tôi, từ giữa năm 2016, là đã bắt đầu diễn ra một cuộc chuyển giao tế nhị giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, người Mỹ sẽ không còn quá hỗ trợ vấn đề dân chủ nhân quyền của Việt Nam như trước đây, và thay vào đó có lẽ sẽ là Liên minh châu Âu. Và dường như là phía Việt Nam, tâm lý muốn ‘chơi’ với châu Âu dễ dàng hơn là với Mỹ.

“Do đó, tôi nghĩ là năm 2017 sẽ có một số động thái của người Tây Âu đối với Hà Nội về vấn đề dân chủ, nhân quyền và mở đầu năm cũng đã thấy có vụ thả ông Đặng Xuân Diệu rồi, tôi cho đó cũng là le lói một chút nào đó hy vọng cho việc thả (tù nhân), (xét) riêng khía cạnh thả tù nhân chính trị của Việt Nam trong năm 2017.

“Nhưng chỉ có điều… là thả nhiều hơn, hay là bắt nhiều hơn, thì cái đó tôi không biết, cho nên là luôn luôn vẫn phải xác định là vẫn có thể ‘đàn áp’, thậm chí đàn áp mạnh… Và ngay cả tôi, cũng có thể một lúc nào đó mọi người sẽ không còn gặp nữa, mà có thể tôi sẽ nằm ở trong xà-lim, ví dụ như vậy.

“Chúng tôi luôn luôn phải xác định chuyện đó, nhưng mà phản biện vẫn phải phản biệt, đấu tranh vẫn phải đấu tranh, nhân quyền thì vẫn phải là nhân quyền,” Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với chuyên mục tọa đàm thời sự cuối tuần này của BBC Việt ngữ.

Bà Trần Thị Nga bị công an tỉnh Hà Nam bắt tạm giam

BBC – Bà Trần Thị Nga bị công an tỉnh Hà Nam bắt tạm giam hôm 21/1 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bày tỏ ủng hộ bà Nga trên trang Facebook sau vụ bắt giữ.

Theo thông tin trên mạng, bà Trần Thị Nga là một trong các nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành vì môi trường, phản đối công ty Formosa trong thảm họa môi trường miền Trung, trợ giúp dân oan khiếu kiện.

Hôm 21/1, một nhà hoạt động, Thảo Teresa, nói với BBC khi đang trên đường đến nhà bà Nga ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

“Một người hàng xóm gọi báo rằng bà Nga đã bị rất đông lực lượng công an bắt tại nhà ở Phủ Lý.”

“Hiện người nhà Thúy Nga ở quê đã lên để đón hai đứa con nhỏ về chăm sóc.”

Báo Công an Nhân dân đưa tin khi bị bắt, bà Nga, 40 tuổi, “đang truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nhiều người trong giới bất đồng chính kiến đã lên Facebook bày tỏ ủng hộ bà Nga.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Chị Nga cũng như những người phụ nữ Việt Nam khác đã dấn thân, trở thành người xây dựng nền móng công lý và sự thật trong xã hội”.

Hai ông Bạch Hồng Quyền và Hoàng Dũng viết rằng họ đề nghị “xin đi tù” thay bà Nga.

Bắt giữ ở Nghệ An

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Oai, ra tù năm 2015 sau khi bị bắt vì Điều 79 Bộ luật hình sự, đã bị bắt trở lại.

Bà Hồ Thị Châu, vợ của ông Nguyễn Văn Oai, nói với BBC rằng chồng bà bị bắt đêm 19/1 “trong lúc đang trên đường đi đánh cá về gần nhà”.

“Chồng tôi chẳng làm điều gì sai mà chỉ làm những việc có ích cho xã hội, như việc anh ấy lên tiếng về việc ủy ban xã Quỳnh Vinh ở Nghệ An lạm thu nhiều khoản vô lý,” bà Châu nói.

“Công an xã sau đó báo với gia đình rằng anh bị ghép hai tội danh ‘Chống người thi hành công vụ’ và ‘Chống lệnh quản chế’.”

“Nhưng anh ấy bị bắt lúc đang ở gần nhà chứ có phải ở bên ngoài địa phương đâu?”

“Anh ấy vừa biết tin tôi mang thai hai ngày trước, còn bảo là ráng kiếm tiền đưa tôi đi khám thai.”

Hôm 21/1, ông Nguyễn Xuân Doãn, trưởng công an xã Quỳnh Vinh xác nhận với BBC rằng ông Nguyễn Văn Oai “đã bị bắt” và “muốn gì thì hỏi cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Nghệ An.”

Ông Nguyễn Văn Oai bị bắt năm 2011, và năm 2013 bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ luật hình sự.

Ông được ra tù hồi tháng Tám 2015.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38703765

VN cần điều chỉnh ra sao sau khi Mỹ rút khỏi TPP?

Việt Nam cần chú ý hơn tới thị trường châu Âu, trong khi cân bằng lại cán cân mậu dịch với Trung Quốc, đó là một vài điểm mà Việt Nam cần cân nhắc sau khi chính phủ Hoa Kỳ vừa có tuyên bố chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ý kiến nhà quan sát.

Không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính phủ của tân Tổng thống Donald Trump đã ra thông báo nước này rút khỏi TPP và tái đàm phán lại Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Đại Tây Dương (NAFTA), theo truyền thông quốc tế, Tạp chí Châu Á Nikkei hôm 21/01/2017 đưa tin và nhận xét:

“Ông Trump được chờ đợi sẽ có một lập trường cô lập, bảo hộ mậu dịch hơn và cộng đồng quốc tế đang quan ngại là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu mình lại trong nội bộ,” tạp chí mạng từ Nhật Bản viết.

Bình luận từ CHLB Đức hôm thứ Bảy về quyết định với TPP của chính quyền của Tổng thống Trump, kinh tế gia Tôn Thất Thông, nhà quan sát từ châu Âu nêu quan điểm với BBC:

“Quyết định rút khỏi TPP của Mỹ đối với Việt Nam chắc chắn cũng có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng không phải là lớn lắm.”

Theo chuyên gia này, Việt Nam và Mỹ vẫn còn trong vòng điều chỉnh của các hiệp định mậu dịch song phương mà hiệu lực vẫn còn duy trì ‘ít nhất trong vòng vài năm tới’, ông nói:

“Trong khoảng thời gian này, Việt Nam mà khôn khéo, tiếp tục thương lượng với Mỹ với điều kiện tương đối khá tốt đẹp, như vậy, sẽ có lợi cho Việt Nam. Điều mà tôi sợ trong quyết định của ông Trump đối với TPP là sợ rằng qua đó Nhật Bản họ cũng sẽ rút lui khỏi TPP, thì đấy là một thiệt thòi lớn đối với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.”

Trên bàn cờ mới

Về triển vọng quan hệ thương mại Việt – Mỹ, kinh tế gia từ Đức nói tiếp:

“Giữa Việt Nam và Mỹ, không sớm thì muộn, giữa hai nước cũng phải có một hiệp ước song phương mới, hiện nay chúng ta (Việt Nam) đang có một hiệp ước song phương giữa hai bên và chúng ta đang làm việc trên cơ sở đó.

“Bây giờ khi Trump lên với một chính sách thương mại thay đổi, chắc chắn họ sẽ thương lượng lại. Trong chỗ này, đối đầu quan trọng nhất của Mỹ không phải là Việt Nam, mà là Trung Quốc. Đối với Trump, Trung Quốc (được cho) là một nước làm cho tình trạng thất nghiệp ở Mỹ ‘tăng lên’. Tôi không đồng ý với chuyện đó, nhưng khi một Tổng thống của nước Mỹ đã có (quyết định) như vậy, thì chắc chắn họ phải có thái độ với Trung Quốc sẽ như thế nào.

“Trong bàn cờ như thế, những nước xung quanh như Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản có lợi thế, nếu như Việt Nam và các nước khác khôn khéo trong thương lượng, chắc chắn mình (Việt Nam) sẽ đạt được những điều tốt hơn so với hiệp định song phương hiện nay.”

Kinh tế gia Tôn Thất Thông cho rằng Việt Nam tới đây nên điều chỉnh và cân đối lại mậu dịch, thương mại với Trung Quốc và cần chú ý tới thị trường Châu Âu trong tình huống mới, ông nói:

“Việc giảm nhập từ Trung Quốc là điều có thể làm được, nó độc lập với việc Mỹ có ký với chúng ta (Việt Nam) hay không, là vì nếu Mỹ ký TPP, thì giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có tự do mậu dịch, nhưng ngày nào TPP chưa có, thì chúng ta vẫn đang có những hiệp ước song phương.

“Vấn đề là Việt Nam có muốn giảm nhập từ Trung Quốc hay không mà thôi? Nếu muốn giảm, thì vai trò của những nước khác sẽ thay vào. Thí dụ Nhật sẽ thay vào đó một ít, Hàn Quốc sẽ thay vào đó một ít và những nước ở khu vực châu Á.

“Đặc biệt là ở châu Âu, người Việt Nam hay những nhà lãnh đạo Việt Nam chưa chú ý lắm tới việc tấn công vào thị trường châu Âu… Trong lúc đó, thị trường châu Âu là một thị trường rất quan trọng, là vì châu Âu có một thể chế chung cho 28 nước, nhưng thực tế đi vào chi tiết từng nước một thì ta có quyền tự do.

“Bởi vậy, nếu ta (Việt Nam) chọn ở châu Âu khoảng chừng năm nước, mỗi nước như vậy chúng ta đạt được 7-8%, thì như vậy về mặt ngoại thương, chúng ta sẽ rất vững vàng và cho dù những biến động nào đó với bất kỳ quốc gia nào đó thì chúng ta cũng không phải lo ngại gì hết.”

Hôm thứ Bảy, trang tin của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời của một kinh tế gia Việt Nam từ trong nước, ông Bùi Kiến Thành, bình luận và phản ứng về việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, trang mạng của VOV cho hay:

“Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ông không bất ngờ trước việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vì ngay từ khi tranh cử ông Trump đã phê phán TPP và nói sẽ thực hiện điều này nếu đắc cử. Đánh giá cao vai trò “đầu tàu” của Mỹ trong TPP, nhưng ông Bùi Kiến Thành nói rằng việc không có Mỹ cũng không phải là TPP đã bị vô hiệu hoá.

“Mỹ là thành viên quan trọng, đứng đầu nhưng không phải tất cả,” chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói. “Bước tiếp theo, các quốc gia tham gia TPP phải ngồi lại, đánh giá tiềm năng hợp tác tiếp theo như thế nào nếu không có Mỹ,” ông Bùi Kiến Thành được VOV trích dẫn, nói thêm.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38706646

 

Hàng chục ngàn người về quê ăn Tết

Trong ngày hôm nay, có đến 16 ngàn người đi xe lửa từ Sài Gòn về quê đón Tết nguyên đán ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Thông tin này được báo mạng ViệtNamnet loan đi vào ngày hôm nay. Trong khi đó thì theo báo Tuổi trẻ, tại các bến xe khách ở Sài Gòn như Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây cũng rất đông người mua vé về quê ăn Tết.

Ông giám đốc Bến xe miền Đông cho báo Tuổi trẻ biết là chỉ trong ngày thứ bảy 21 tháng giêng, có đến 40 ngàn người xuất phát từ bến xe này lên đường ra các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất thì lại có rất đông người Việt từ nước ngoài về nước kéo theo rất đông thân nhân ra đón, tạo nên cảnh mà báo Tuổi trẻ mô tả là hàng ngàn người chen chúc nhau, không còn chổ trống.

Ông giám đốc Cảng vụ miền Nam cho biết là hàng ngày có đến 700 chuyến bay đến và đi tại Tân Sơn Nhất.

Những hành khách đi xe lửa và xe khách chủ yếu là công nhân từ các tỉnh miền quê đến Sài Gòn làm việc trong các khu công nghiệp, còn trong số hành khách về nước bằng máy bay, ngoài những người Việt định cư ở nước ngoài, có đông phụ nữ lấy chồng ngoại quốc ở một số quốc gia châu Á.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/going-back-for-tet-01222017072616.html

 

Mũ ‘made in Vietnam’ đắt khách ở thủ đô Mỹ

Một trong những tiếng hò reo lớn nhất mà tân Tổng thống Donald Trump nhận được lúc phát biểu nhậm chức hôm 20/1 là khi ông nói về chuyện “mua hàng Mỹ và tuyển dụng nhân công người Mỹ”.

Nhưng theo Reuters, nghịch lý là, nhiều người trong số các ủng hộ viên của ông Trump lại đội mũ được sản xuất ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Bangladesh.

Trên chiếc mũ màu đỏ là biểu tượng của chiến dịch tranh cử của ông Trump có in những chữ như “USA” hay “Make America Great Again” (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Ông Trump đã nhiều lần đội chiếc mũ kiểu này, và giá bán chính thức đối với một chiếc mũ sản xuất tại Hoa Kỳ là khoảng 25 tới 30 đôla Mỹ một chiếc.

Nhưng giá trên đường phố thủ đô Washington dịp lễ nhậm chức chỉ là khoảng 20 đôla, thấp hơn so với giá bán niêm yết trên trang web của ông Trump.

Một số người ủng hộ tân Tổng thống Mỹ đã bất ngờ khi phát hiện những chiếc mũ được sản xuất từ các nước khác.

Reuters dẫn lời cô Young, 28 tuổi, từ Texas nói về chiếc mũ “Make America Great Again” màu hồng mà cô đã mua: “Tôi không biết nó được sản xuất ở đâu. Để tôi kiểm tra. Ôi không, nó được sản xuất ở Việt Nam”.

Không chỉ có mũ “made in Vietnam”, theo the New York Times, quần áo mang thương hiệu của con gái ông Trump, cô Ivanka, cũng được sản xuất ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Hồi tháng Hai năm ngoái, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.

Ông sau đó cũng nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.

Theo giới quan sát, chính quyền Việt Nam hiện vẫn tiếp tục tìm cách “giải mã” tân Tổng thống trực ngôn của Hoa Kỳ.

www.voatiengviet.com/a/mu-san-xuat-o-viet-nam-dat-khach…/3687012.html

Sự tích cái đuôi định hướng

Nguyễn Đình Cống

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có khá nhiều câu chuyện về “Sự tích…”. Đó là sự tích của con vật này, cây cỏ nọ, di chỉ kia v.v… Vừa qua tôi nghe lóm được một sự tích thời hiện đại, xin kể ra để góp vui với đời. Vì là nghe lóm và là chuyện về sự tích nên không dám bảo đảm chính xác ‘chăm phần chăm’, chỉ khẳng định là viết lại trung thực những điều nghe được, không thêm bớt.

Câu chuyện về cái đuôi “Định hướng XHCN” kèm thêm vào Nền kinh tế thị trường. Không biết những người viết sử và làm lý luận của ĐCSVN đã có ai bỏ công tìm hiểu cái đuôi ấy ở đâu ra, người nào đề xuất, hội nghị nào, văn bản nào lần đầu tiên thảo luận và quyết định. Và quan trọng hơn là nêu định nghĩa, giải thích khái niệm đó . Chỉ biết rằng cụm từ “Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” được dùng chính thức trong các văn kiện của Đảng từ năm 1990. Vừa qua tôi có dịp may nghe được câu chuyện sau đây giữa 2 người, tạm gọi là Xu và Hào. (tôi có quen biết cả 2 ông, ai muốn xác minh tôi xin cung cấp thêm thông tin).

Xu – Này, bác Hào có biết cái đuôi định hướng XHCN ghép vào nền kinh tế thị trường ở đâu ra không nhỉ?

Hào – Làm sao mà mình biết được, chú có biết thử nói nghe chơi.

Xu – Em được ông Nguyễn Thế Diên kể cho nghe, khẳng định rằng nó được xuất phát lần đầu tiên tại cuộc họp chi bộ của ông ấy. Bác có biết ông Diên không nhỉ.

Hào – Trên đời này mình biết khoảng 10 ông tên Diên, trong đó có Ngụy Diên, Hoàng Tân Diên, Mai Diên, có thể có ông họ Nguyễn Thế, nhưng không biết ông Diên cậu nói là ông nào.

Xu – Ông này, trước là giáo viên cấp 3, rồi giảng viên đại học, sau chuyển sang làm ở Ban Tuyên giáo, nay đã nghỉ hưu, nghe đâu là ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức.

Hào – Thế thì mình không biết. Ông ấy nói như thế nào chú kể cho mình nghe với.

Xu – Ông Diên kể cho em nghe câu chuyện xẩy ra cách đây đã khá lâu, vào khoảng trước năm 1990. Một lần chi bộ họp, thảo luận về Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đó là việc cần thiết, nhưng còn ngại là toàn Đảng, toàn dân đã nghe quen nền kinh tế XHCN, cho kinh tế thị trường là của tư bản, cần phải chống. Thế mà nay lại nói tới nó thì nhân dân, đảng viên thắc mắc, biết giải thích thế nào. Đã có một số ý kiến phát biểu, cuối cùng một đảng viên cho rằng chỉ cần thêm một cái đuôi “Theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là xong, là giải đáp được thắc mắc. Nhiều người dự họp khen ý kiến vừa nêu là sáng suốt.

Ông Đào Duy Tùng (1924- 1998), Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, sinh hoạt cùng chi bộ với ông Diên. Ông Tùng vắng mặt trong cuộc họp vừa nói. Sau đó ông Tùng hỏi bí thư chi bộ xem trong cuộc họp có ý kiến gì đáng để ý không. Bí thư chi bộ trình bày ý kiến về cái đuôi định hướng. Ông Tùng khen hay. Và rồi từ đó không biết bằng con đường nào mà cái đuôi ấy trở thành nội dung trong các văn bản chính thức.

Hào – Thế ông Diên có nhớ tên của người đảng viên đưa ra ý kiến trên hay không?

Xu – Em có hỏi nhưng ông ấy không nhớ rõ tên của người đảng viên bình thường đó.

Bình luận: Thông thường, trong nghiên cứu khoa học, một khái niệm mới, được người nghiên cứu phát hiện bắt nguồn từ bản chất và sự tồn tại của nó, gồm có nội hàm và ngoại diên. Sau đó người ta đặt tên và đưa ra định nghĩa. Nếu chuyện kể trên là đúng thì cái tên “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” được đặt ra không theo cách vừa trình bày, vì khi đặt tên thì nó chưa tồn tại. Ở đây tên được đặt theo ý muốn chủ quan để khắc phục một thắc mắc có thể xẩy ra. Như thế thì trong việc này có ý đồ lừa dối người nghe và tự lừa dối mình. Thế mới biết tại sao trong thời gian dài người ta lúng túng trong việc giải thích cái đuôi định hướng cho đồng bào trong nước và cố tình cắt bỏ nó, giấu biệt nó khi đi xin các nước ngoài công nhận nền kinh tế thị trường. Xem ra sự tích cái đuôi định hướng nên được bổ sung vào kho tàng văn học dân gian để hậu thế tham khảo.

N.Đ.C.

boxitvn.blogspot.com/2017/01/su-tich-cai-uoi-inh-huong.html

Trung Quốc là ‘đối tác thương mại lớn nhất’ của Việt Nam

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016, theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố và được truyền thông Việt Nam đăng tải cuối tuần này.

Hôm 20/01, báo điện tử VnEconomy cho hay với kim ngạch lên tới 72 tỷ USD, Trung Quốc vững ngôi đầu trong danh sách đối tác thương mại của Việt Nam.

Dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan, báo này cho hay một nửa thị trường xuất khẩu của Việt Nam nằm tại châu Á, trong khi nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

“Thị trường xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, với kim ngạch hơn 85,3 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Trung Quốc nhập gần 22 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam”, VnEconomy cho biết.

“Nhật đạt gần 14,68 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm tỷ trọng 8,3%; Hàn Quốc đạt gần 11,42 tỷ USD, tăng 28%, chiếm tỷ trọng 6,5%… Khu vực châu Mỹ đạt kim ngạch hơn 47,38 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hơn 38,46 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, và chiếm tới 21,78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

“Khu vực EU (gồm 28 nước) đạt gần 33,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,2%, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Châu Đại Dương đạt kim ngạch gần 3,39 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,9%; châu Phi đạt gần 2,74 chiếm tỷ trọng 1,6%”.

Cả năm ‘vẫn xuất siêu’

clip_image004

Số liệu thương mại toàn 12 tháng của năm 2016 cho thấy Việt Nam cả năm ‘vẫn xuất siêu’, theo VnEconomy.ảnh Chau Doan/Getty Image

Vẫn theo nguồn này, nhìn lại 12 tháng của thương mại Việt Nam trong năm vừa qua, Việt Nam có điểm sáng là ‘vẫn xuất siêu’, VnEconomy cho biết:

“Cụ thể, tháng 12/2016, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 33,66 tỷ USD. Tính chung 12 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 350,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

“Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 176,63 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt hơn 174,1 tỷ USD, tăng 5,2%.

“Dù thâm hụt thương mại lớn trong tháng 12/2016, song tính chung cả năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,52 tỷ USD.

Nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận một hiệp thương mại mới để mở rộng sự hợp tác giữa hai nướcThủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc

“Trong đó, riêng khu vực FDI có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 222,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, xuất siêu 21,6 tỷ USD”, tờ báo trích số liệu từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam mới công bố cho hay.

‘Lạc quan’ kinh tế Việt – Mỹ

Liên quan hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu, truyền thông Việt Nam tường thuật ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc đối thoại ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF – Davos) diễn ra mới đây cho hay ông lạc quan về triển vọng dưới thời của Tổng thống Donald Trump, người vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 20/01 tại Washington D.C.

“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ Việt – Mỹ vẫn tốt đẹp khi ông Donald Trump lên nắm quyền lãnh đạo”, trang tin Báo mới từ Việt Nam cho biết.

clip_image006

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Mỹ vẫn tốt đẹp khi Tổng thống Donald Trump lên lãnh đạo Hoa Kỳ, theo truyền thông VN. ảnh LUONG THAI LINH/Getty

“Tại thời điểm tranh cử, ông Donald Trump có tuyên bố rằng sẽ xem lại vấn đề TPP, tuy nhiên, ngài Ngoại trưởng mới được giới thiệu lại rất ủng hộ TPP. “Tôi nghĩ rằng ông Donald Trump sẽ suy nghĩ về vấn đề này kỹ hơn và sẽ có trả lời sau khi ông nhậm chức và ông sẽ ủng hộ tất cả chúng ta”, Baomoi.com dẫn ý và lời của Thủ tướng Việt Nam nói.

Đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam hé lộ ‘kịch bản’ đối phó trong trường hợp Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương không có sự hiện diện của Mỹ, vẫn theo truyền thông Việt Nam:

“Đặt vấn đề Việt Nam sẽ thế nào khi không có TPP, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do với các nước G7 và G20 đặc biệt là EU.

“Và nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận một hiệp thương mại mới để mở rộng sự hợp tác giữa hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Baomoi.com trích lời khẳng định.

Tin cho hay, tân lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp định TPP, ngay sau khi ông Trump nhậm chức.

“Ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống, chính quyền của ông Donald Trump vừa ra thông cáo về chiến lược thương mại để bảo vệ việc làm cho người Mỹ, bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, báo VnExpress của Việt Nam đưa tin.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/business-38704725