Tin Việt Nam – 21/3/2015
CSVN khó xử giữa Nga và Mỹ
Mỹ vừa lên tiếng yêu cầu CSVN không cho phép Nga sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom. Sau hơn một tuần kể từ khi có đề nghị từ phía Mỹ được công khai trên các phương tiện truyền thông, CSVN vẫn chưa chính thức đưa ra câu trả lời hay có bất kỳ phản ứng gì. Liệu CSVN có thuận theo đề nghị của Mỹ và liệu phản ứng của CSVN có ảnh hưởng gì tới quan hệ Việt-Mỹ hay không?
Quan điểm của Mỹ về việc Nga sử dụng cảng Cam Ranh của Việt Nam được một quan chức ngoại giao giấu tên tiết lộ với hãng thông tấn Reuters. Điều này cũng được tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đề cập đến khi khẳng định máy bay chiến đấu của Nga bay gần tới Guam được tiếp nhiên liệu ở Cam Ranh.
Nga sẽ ở lại?
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng dù Mỹ có phản ứng thế nào thì Nga vẫn sẽ tiếp tục được phép sử dụng cảng này trong nhiều năm nữa. Phương Nguyễn, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết:
“Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ phản ứng Mỹ bằng cách yêu cầu Nga ngưng các chuyến bay tới đây. Hiện chúng ta vẫn còn chưa biết cụ thể các chi tiết về các chuyến bay này. Chẳng hạn như liệu các chuyến bay đó có nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa quân đội Nga và Việt Nam? Liệu Việt Nam có biết rằng máy bay của Nga bay tới Guam hay không? Điều chúng ta biết là Nga sẽ còn hiện diện ở cảng này nhiều năm nữa. Chúng ta biết rằng Nga đang nâng cấp cơ sở thương mại và đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm ở đây.”
Cam Ranh là một cảng vịnh nước sâu có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông. Nơi đây từng là căn cứ quân sự của Pháp dưới thời Pháp thuộc, là căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ trong thời điểm diễn ra cuộc chiến tại Việt Nam. Ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, vào năm 2012 từng nhận định việc tàu Mỹ có thể sử dụng cảng này là một yếu tố quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ.
Sau khi chiến tranh kết thúc, CSVN cho Liên Xô lúc đó thuê cảng và Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài.
Vào năm 2002, sau khi Nga rút khỏi cảng này, CSVN tuyên bố sẽ không cho phép hải quân nước ngoài sử dụng khu vực quân sự của Cam Ranh nữa.
Kể từ năm 2010, Washington thấy xu hướng Moscow được đối xử đặc biệt ở Cam Ranh. Nga đang chế tạo một hạm đội tàu ngầm cho CSVN. Các chuyên gia quân sự của Nga cũng được cho là đang có mặt tại cảng Cam Ranh để giúp huấn luyện hải quân CSVN về tàu ngầm. Hai nước cũng ký một thoả thuận cuối năm ngoái, theo đó, tàu Nga chỉ cần phát tín hiệu trước khi muốn cập cảng Cam Ranh, trong khi đó, hải quân Mỹ hay các nước khác chỉ được phép cập bến cảng một lần một năm.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason, cho rằng Việt-Nga có một mối quan hệ lâu đời, khó có thể thay đổi. Ông nói:
“Việt Nam thì thực sự đối với Trung, Nga cũng thế, tuy rằng hậu Nga không còn của đảng cộng sản nữa, nhưng quan hệ có truyền thống lâu đời rồi. Việt Nam cũng tin ở Nga, Nga bán tàu ngầm cho Việt Nam, bán khí giới cho Việt Nam. Việt Nam có thể trả lời rõ ràng là hiệp ước ký rồi, cho Nga làm trạm ở đó, chứ đâu có hiệp ước làm Nga gây căng thẳng ở đó.”
Ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ?
Cho đến giờ phút này, CSVN vẫn im lặng trước đề nghị của Mỹ. Trong khi đó, báo chí Việt Nam đăng bình luận của một nhà ngoại giao Nga rằng quan hệ Nga-Việt là không nhằm làm ảnh hưởng tới ai mà chỉ giúp hoà bình và an ninh khu vực. Bà Phương Nguyễn cho rằng chính điều đó cho thấy dù CSVN không chính thức lên tiếng, đó là một cách cho thấy họ không hài lòng với việc Mỹ xử lý vấn đề trong thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ.
Bà Phương Nguyễn cho rằng vụ việc này không làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ, tuy nhiên khẳng định cảng Cam Ranh vẫn sẽ là chủ đề được Mỹ nhắc tới nhiều lần trong thương thảo với CSVN. Theo bà, cách thiết thực nhất đối với Mỹ hiện tại là tập trung xây dựng mối quan hệ an ninh với CSVN hơn là chĩa mũi dùi vào vai trò của Nga ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thì đề nghị một giải pháp là CSVN nên cho phép Mỹ sử dụng cảng này nhiều hơn. Ông nói:
“Còn vấn đề quốc phòng, Việt Nam đã nói là đứng giữa không thiên về nước nào nhất là vấn đề cảng Cam Ranh, không cho ai làm căn cứ quân sự, nhưng ngược lại trên đảo Cam Ranh sự hiện diện của Nga ở đây rất nhiều, đi vào rất nhiều. Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ sự công bằng thì sao không cho Mỹ đi vào nhiều hơn thay vì mỗi năm chỉ cho vào một lần.”
Cảng Cam Ranh là một lợi thế của Việt Nam mà nhiều quốc gia đều muốn được quyền sử dụng như bấy lâu nay. Vấn đề mà nhiều người đang quan tâm là Hà Nội tận dụng thế mạnh đó ra sao để có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước. – Theo RFA
Trung Cộng phủ sóng mạng di động 4G trên bãi Đá Chữ Thập
Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông nay có thể nhận được tín hiệu di động 4G của hãng truyền thông khổng lồ China Mobile thuộc nhà nước TC.
Nhật báo Quân đội Giải phóng của TC ngày 20/3 cho hay TC sẽ tiếp tục xây dựng các trạm phát song 4G trên các đảo khác và trên quần đảo Trường Sa trong nửa đầu năm nay và nói thêm rằng một khi các trạm đi vào hoạt động, tốc độ tải di động trên quần đảo sẽ đạt mức 1Megabit/giây.
Kể từ tháng 2/2013, TC đã phủ sóng di động 3G trên quần đảo Trường Sa.
Theo bài báo, sự ra đời của sóng 4G tốc độ sẽ cải thiện sâu sắc đời sống của các quân nhân Quân đội giải phóng đồn trú ở Trường Sa. Một sĩ quan ở Đá Chữ Thập đã có thể sử dụng 4G để trò chuyện với gia đình thông qua một cuộc gọi video di động vào ngày 16/3. Bài báo nói thêm rằng cả hình ảnh và âm thanh đều rõ ràng và không bị ngắt đoạn.
Các giới chức quản lý cũng đã công bố bản hướng dẫn sử dụng 4G, đặt ra các quy định nghiêm ngặt về thời lượng sử dụng 4G và các địa điểm để ngăn chặn việc rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm.
Đá Chữ Thập do TC kiểm soát nhưng Việt Nam, Philippines cũng như Đài Loan đều công bố chủ quyền.
TC đã xây dựng một đài khí tượng trên Đá Chữ Thập vào cuối thập niên 1980 và tiến hành các hoạt động khai hoang trên các hòn đảo thuộc Trường Sa kể từ tháng 7/2013.
Ảnh chụp trên không vào năm ngoái cho thấy việc xây dựng một đường băng và cảng biển tại hòn đảo được xem là có diện tích lớn nhất trong các đảo của Trường Sa này. – Theo VOA
Tàu cá Quảng Ngãi ‘bị tàu TC tấn công’
Một tàu cá Quảng Ngãi mắc cạn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu TC “cướp và đập phá”, theo truyền thông trong nước.
Báo điện tử của đài VTC dẫn thông tin từ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) cho biết hôm 19/3, một tàu cá từ Quảng Ngãi đã bị hỏng máy và mắc cạn khi đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Tin trên báo Dân Trí cho biết vị trí mắc cạn là tại khu vực rạn san hô đảo Duy Mộng, cách TP Đà Nẵng khoảng 210 hải lý về phía Đông.
Tàu cá QNg95431 vào thời điểm đó đang mang theo 10 thuyền viên, Dân Trí cho biết.
Theo tường thuật của báo Dân Trí, trong chiều cùng ngày, khi tàu QNg95431 đang chờ được lai kéo ra khỏi vị trí mắc cạn thì “xuất hiện một tàu nước ngoài đến chặt dây, cướp và phá tài sản”.
Trong khi đó, VTC nêu rõ đây là “tàu Trung Quốc”.
“Một nhóm người đã nhảy lên tàu cắt lưới cụ, cướp đi máy Icom”, VTC cho biết thêm.
Trung tâm Danang MRCC và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã được thông báo về vụ việc và tàu QNg95431 đã được 2 tàu cá của ngư dân lại dắt khỏi rạn san hô, hai báo trên cho biết.
‘Đập phá, lấy tài sản’
Khu vực quần đảo Hoàng Sa là nơi thường xuyên xảy ra các vụ tấn công nhằm vào tàu cá Việt Nam, phần lớn là tàu từ tỉnh Quảng Ngãi.
Hồi tháng Một, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, ông Trần Bút, cho biết ba tàu cá Việt Nam từ huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu hải giám TC tấn công khi đang đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa.
“Không có thiệt hại nào về nhân mạng, nhưng các tàu đều bị đập phá, lấy tài sản”, ông Bút nói.
Nhiều vụ tấn công nhằm vào tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa cũng đã xảy ra hồi năm ngoái.
Hồi cuối năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, được báo trong nước dẫn lời nói “bảy tàu cá, với 72 ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ” trong 11 tháng đầu năm.
“Ít nhất 34 tàu và 422 ngư dân bị nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản trong lúc hành nghề trên biển”, ông nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn từ trước với BBC, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho biết các vụ tấn công nhằm vào tàu cá Việt Nam đang có xu hướng “xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, không chỉ ở Hoàng Sa mà còn gần các khu vực ở Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm”. – Theo BBC