Tin Việt Nam – 21/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/12/2019

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh

kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, người đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vừa quyết định kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm được tuyên cho ông trước đó vào ngày 15/11/2019.

Luật sư đại diện Đặng Đình Mạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã nhận được thông báo từ Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đề ngày 10/11.

Thông báo của toà ghi ngày 10 tháng 12. Thông báo ghi là theo đơn kháng cáo của thầy Tĩnh vào ngày 28/11. Văn bản của toà ghi là kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm”. Luật sư Đặng Đình Mạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết qua điện thoại vào tối ngày 21/12.

Hôm 15/11 vừa qua, thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh (sinh năm 1976), bị Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

Kết luận của Hội đồng giám định tập thể Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An xác định thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã sử dụng trang Facebook mang tên mình để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật.

“Các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; Xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Kết luận có đoạn viết.

Sau phiên xử sơ thẩm, luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong 3 luật sư bào chữa cho thầy Tĩnh đánh giá bản án 11 năm là khắc nghiệt. Các luật sư cũng cho rằng những giám định được đưa ra để làm căn cứ

kết án thầy Tĩnh là không có căn cứ, việc thu thập chứng cứ tài liệu trong vụ án không đúng với trình tự pháp luật.

Nói về khả năng thành công trong quyết định kháng án của thầy Tĩnh, luật sư Mạnh cho biết:

Theo truyền thống hoạt động tư pháp Việt Nam, đối với những bản án thuộc dạng an ninh quốc gia thế này thì ở phiên phúc thẩm gần như không có cơ may nào”.

Tuy nhiên luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng việc kháng cáo của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh ít nhiều cũng có những lợi ích nhất định nhằm xới lại vụ xử, khiến người dân quan tâm đến vụ án. Hơn nữa, người kháng cáo dù sao cũng vẫn còn chút hy vọng bản án phúc thẩm sẽ có thể có thay đổi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nguyen-nang-tinh-appeal-whole-sentence-12212019103942.html

 

Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc

người khác uống rượu, bia: liệu có khả thi?

Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một trong những điểm trong luật này khiến nhiều người bàn luận là điều 5 “Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”.

Một người dân, không muốn nêu tên sống, tại Sài Gòn trao đổi với chúng tôi qua mạng xã hội rằng anh cảm thấy việc cấm rượu bia lái xe hay những vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến an toàn xã hội là điều cần thiết nhưng riêng đối với việc cấm xúi giục, lôi kéo, ép nhau uống… thì theo anh không rõ ràng. Vì thế nào là xúi giục, lôi kéo, rủ rê đi nhậu, mọi người đi uống ‘ép’ nhau vài ly là chuyện bình thường. Nếu mà cấm vậy thì ai sẽ là người giám sát, bao nhiêu chai, lon mới thành tội ép buộc và người nào làm chứng cho điều đó, xử phạt như thế nào?

Anh nêu rõ ‘ai sao không biết, chứ tụi tôi là thấy vô lý lắm”.

Luật sư Đặng Hùng Dũng từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố HCM nói với RFA hôm 20/12/2019 rằng, khi một đạo luật được đưa ra thì các nhà lập pháp cũng đã tính toán và suy nghĩ, xem xét kỹ lưỡng, nên mọi người chỉ cần biết đợi đưa nó vào trong thực tế xem việc áp dụng luật đó như thế nào mà thôi. Ông nói:

“Thế nhưng chúng ta cũng biết rằng ở VN và ngay cả Hiến pháp mặc dù ghi rất rõ và rõ ràng nhưng trong thực tế lại không áp dụng được. Điều này đáng buồn và khá phổ biến tại VN. Luật phòng chống tác hại này là điều cần thiết vì hệ lụy mang lại nhiều tác hại xấu cho xã hội hiện nay. Thành ra người dân cũng chờ đợi xem. Đối với những bộ luật như vậy nghe thì nó có vẻ khó thực thi nhưng tôi tin rằng dựa vào những câu chữ đó thì chắc chắn nó sẽ có những thông tư để thực hiện tiếp điều đó nữa. Thông thường các luật tại VN thường sẽ có sự điều chỉnh sau đó với những văn bản dưới luật nữa.”

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, đối với những hành vi ép buộc cần phải xử lý và có mức xử phạt hành chính để giảm thiểu tệ nạn say xỉn rồi gây ra những hậu quả khó lường:

“Trên mạng xã hội cũng nhiều ý kiến đối với điều 5 nhưng tôi thấy rằng hàng loạt những hành vi gây nguy hại đến tính mạng người khác như điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, bán rượu bia người dưới 18 tuổi thì nó rất nguy hiểm. Mặc dù luật chính thức đi vào hiệu lực nhưng chính phủ cần quyết định cụ thể để làm sao luật có thể đi vào đời sống cho nên cần xử lý nghiêm hành vi này.”

Báo cáo của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cho thấy năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm. Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định cần tạo ra ý thức và là thói quen dần cho người dân: “Nhiều ý kiến nhưng tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm để người dân nhận thức vì khi uống rượu bia khi đi ra đường rất là nguy hiểm nên nếu chúng ta không có biện pháp để chế tài những người này thì nó tác hại không nhỏ đến cuộc sống của người dân, xã hội. Một đất nước mà tình trạng uống rượu bia tràn lan như thế này

thì không phát triển được, một đất nước không bền vững được. Một số quốc gia người ta có thể uống rượu bia được nhưng bắt buộc không thể lái xe về, thành ra nó tạo ra được thói quen.”

Luật sư Hoàng Cao Sang thuộc đoàn luật sư TPHCM trong trả lời báo Tuổi Trẻ đăng ngày 20/12/2019 cho rằng luật cấm lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là điều hết sức tiến bộ nhưng để thực thi được ngay thì không phải là điều dễ dàng. Bởi vì văn hóa của người Việt Nam vẫn còn hình thức rủ rê, lôi kéo… trên bàn nhậu. Nhiều người không biết uống nhưng vì sợ mất lòng, nên đối những trường hợp như vậy người bị ép uống khó chịu nhưng để xử phạt cũng là điều rất khó thực thi. Do đó, vị luật sư khẳng định cần có nghị định hướng dẫn cụ thể rõ ràng, quy định rất rõ thế nào thì từ đó có căn cứ xử lý cà hành vi vi phạm.

Đồng ý với điều này, luật sư Đặng Hùng Dũng thừa nhận về mặt luật pháp để các cơ quan công an hay tòa án dễ thực hiện điều này thì phải có những thông tư để định nghĩa rõ ràng từng hành động vi phạm, mức độ ra sao thì sẽ có mức xử phạt hành chính nếu tái phạm nhiều lần có thể khởi tố hình sự…. nhưng điều quan trọng là thông thường đối với những sự việc như thế thì luật phải có những chế tài vậy thì xem đạo luật đó có nói về vấn đề chế tài hay không.

“Khi một bộ luật mới được ban hành như vậy thì thông thường sẽ có khoảng thời gian khá dài để có những luật áp dụng cho bộ luật đó nhưng mà lần này luật có thời gian áp dụng rất là sớm thì như vậy tính cấp bách của luật này ở mức cần thiết phải thực hiện ngay. Nên có thể căn cứ vào câu chữ của bộ luật có thể áp dụng được ngay nhưng mà cái chế tài đi kèm theo bộ luật này đã có chưa nếu mà chưa mà chỉ nói chung chung như vậy thì việc áp dụng có thực thi đến nơi đến chốn hay không. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những thông tư, nghị định ra đời để làm rõ hơn những vấn đề mà bộ luật chưa nói một cách đầy đủ.”

Luật sư Hậu cũng khẳng định bộ luật đã có nhưng để xóa bỏ văn hóa ép buộc, xúi giục uống rượu bia này thì cần phải xử phạt nặng, thông tư, nghị định, quy định rõ ràng cụ thể thì mới có hy vọng thay đổi trong tương lai. Vấn đề quan trọng là việc thực thi điều này như thế nào mà thôi chứ tranh cãi, tranh luận thì Quốc hội cũng đã tranh cãi nhiều rồi, luật sư cũng bình luận nhiều trên báo chí trong vào ngoài nước khá nhiều cho nên cần chờ xem việc thực thi điều này như thế nào cho đúng mà thôi.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prohibiting-instigating-provoking-inducing-or-forcing-other-people-to-drink-alcohol-or-beer-but-not-allowed-12202019143254.html

 

Cục Cảnh sát Giao thông nói gì

về việc sử dụng thiết bị thay biển số xe tự động?

Ngày 21/12, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an được báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh (Pháp Luật) dẫn lời cho biết cơ quan này đã chỉ đạo cảnh sát giao thông chú ý tới các trường hợp xe sử dụng biển số giả, sử dụng thiết bị thay biển số tự động.

Cục CSGT cho biết, qua theo dõi và phản ánh của dư luận, đơn vị đã phát hiện gần đây xuất hiện nhiều xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Có xe còn gắn biển số nền màu xanh, chữ số trắng, xe gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe… Cục CSGT đánh giá các hành vi này là vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến uy tín nhà nước. Cục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục và Cảnh sát Giao thông Công an các địa phương tiến hành xác minh, làm rõ những trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm, tương tự như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý.

Trước đó, vào ngày 17/12, mạng xã hội lan truyền hình ảnh và đoạn video cho thấy một xe Mercedes có biển số trắng chuyển đổi thành biển xanh tự động trên phố. Một số báo trong nước cũng đăng tin này nhưng ngay sau đó bị rút xuống mà không rõ nguyên nhân. Các thông tin trên mạng sau đó cho biết bảng số xanh thuộc Ban Tuyên giáo và thuộc một nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị.

Sau đó, trên mạng xã hội tiếp tục lan truyền một đoạn video khác cho thấy một xe khác đang di chuyển trên phố cũng có biển số xe được chuyển tự động từ biển trắng của tư nhân sang biển xanh thuộc các cơ quan nhà nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/traffic-police-talk-about-revolving-license-plates-12212019090304.html

 

Công lý nước Việt qua các mức án!

Trong phiên xử vụ án tham nhũng – Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG, Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mức án cho tội “Đưa hối lộ” là 3-4 năm tù giam, dù ông này đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6,2 triệu đô la Mỹ.

Tính công minh luật pháp tại Việt Nam!

Mức án cao nhất là tử hình được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị cho Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ 3 triệu đô la Mỹ.

Viện kiểm sát cho rằng số tiền chiếm đoạt ông Son chưa nộp lại, cho nên dù ông có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ hưởng mức khoan hồng. Do đó, VKSND đề nghị HĐXX tuyên với ông Son là tử hình.

Ông Phạm Nhật Vũ vi phạm pháp luật với số tiền hết sức lớn mà đề nghị mức án như vậy rõ ràng không tương xứng. – LS. Đặng Đình Mạnh

Còn Cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà nhận hối lộ 2.5 triệu USD bị đề nghị 23-25 năm tù cho hai tội danh “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về quản lý & sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chỉ trong cùng một phiên xử, nhưng lại có các mức án quá khác biệt như vậy nên nhiều người đặt vấn đề đâu là công lý.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng mức án 3-4 năm tù mà Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ là một thực tế cho thấy rõ ràng luật pháp Việt Nam không đảm bảo nguyên tắc công bằng. Ông giải thích:

“Đối với trường hợp ông Phạm Nhật Vũ, trước đây khi đưa ra thông tin trong xác lập cáo trạng là ông Vũ được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Điều này khi đưa ra mọi người rất bất ngờ, nhất là giới làm trong pháp luật vì khái niệm hình sự đặc biệt không có trong luật. Theo pháp luật hình sự thì tất cả mọi vấn đề áp dụng thì phải theo Luật Hình sự chứ không được tùy tiện, Việc đưa ra một khái niệm hết sức tùy tiện như vậy không thể chấp nhận được. Nguồn cơn của việc này người ta cho rằng ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam làm văn bản cho ông hình phạt đặc biệt hơn những người khác. Thật ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có thể làm việc này, nhưng dưới khía cạnh pháp lý thì lẽ ra cơ quan pháp luật không nên chấp nhận điều này vì làm việc gì hay chấp nhận điều gì phải căn cứ theo pháp lý mà điều này không có pháp luật nào quy định. Vì vậy cho nên đối với ông Phạm Nhật Vũ vi phạm pháp luật với số tiền hết sức lớn mà đề nghị mức án như vậy rõ ràng không tương xứng.”

Với kinh nghiệm bản thân, bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động đất đai bị bắt giữ tổng cộng 35 tháng tù giam với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘gây rối trật tự công cộng’ khi bà thực hiện các quyền công dân để bảo vệ đất Dương Nội, cho rằng luật pháp Việt Nam là ‘luật rừng’ nếu chỉ tuyên phạt ông Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù giam. Bà nói:

“Luật pháp Việt Nam thật sự do các quan chức cộng sản đặt ra và tự quyết. Thế nên tòa án không phải là tòa án độc lập, mang danh là tòa án nhân dân nhưng lại là tòa án cộng sản. Những người đấu tranh, lên tiếng về những bất công xã hội thì bị họ khoác cho những điều luật mơ hồ như chống đối, tuyên truyền, lật đổ. Hoặc có những án hình sự, có mấy cậu bé chỉ lấy mấy cái bánh mì mà mất hàng bao năm tù. Ngày tôi đi tù, có người lấy trộm đồ vật đáng giá 1 triệu đồng mà hai mẹ con phải đi tù, án hai mẹ con đâu mười mấy năm tù. Cho nên thực sự người dân rất bất bình về những phiên tòa của cộng sản.”

Một số vụ mà người dân chịu án nặng khiến cộng đồng bức xúc như vụ hai thiếu niên hồi năm 2016 từng bị đề nghị mức án 3-10 năm tù chỉ vì ăn cắp hai ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng. Vụ 3 người ở Lâm Đồng chỉ ăn cắp 3 con vịt bị tù tổng cộng 13 năm tù hồi năm 2009…

Vì vậy, mức án 3-4 năm tù giam mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

So sánh mức độ sự việc giữa một số vụ án và khung hình phạt, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:

“Việc áp dụng luật pháp ở Việt Nam không đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Trong khi trong thực tế luật pháp quy định mọi người dân không phân biệt cán bộ hay dân thường, người lớn tuổi hay trẻ con, người giàu có hay nghèo hèn, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.”

Hệ lụy

Vẫn theo Luật sư Mạnh, nếu pháp luật ngày càng nhiều những bản án không có sức thuyết phục người dân như trên sẽ khiến người dân không còn tin tưởng vào pháp luật, không còn tin cậy vào hệ thống tư pháp công lý. Đây là điều nguy hiểm nhất vì chính sự tin cậy vào hệ thống pháp lý thì người ta mới nhờ hệ thống pháp lý can thiệp, bảo vệ quyền lợi của họ.

Cùng suy nghĩ như trên, Luật sư Hà Huy Sơn cũng bày tỏ lo ngại:

“Hệ lụy là người dân không còn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của nhà nước. Người ta sẽ hành xử theo hướng tiêu cực, nói đơn giản là có tiền có quyền sẽ mua được pháp luật.”

Do đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng khi người dân mất lòng tin thì dẫn đến tình trạng vô trật tự, hỗn loạn, người dân sẽ tìm cách tự ban phát công lý cho mình. Ông diễn giải:

“Ví dụ như họ bức xúc vấn đề gì, thay vì nhờ pháp luật, họ sẽ tìm cách tự hành xử. Điều này đưa loài người trở lại thời kỳ hỗn mang giống thời kỳ không có luật pháp, đây là hệ lụy nguy hiểm nhất mà chúng ta phải nghĩ đến, thấy điều đó mà lo sợ.”

Giải pháp

Trước những nguy cơ tiềm tàng do những người được giao trọng trách cầm ‘cán cân công lý’ không công tâm có thể gây ra, Luật sư Đặng Đình Mạnh đề ra phương hướng giúp chính quyền khôi phục niềm tin về tính công minh luật pháp cho người dân mà theo ông, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật.

Luật pháp Việt Nam thật sự do các quan chức cộng sản đặt ra và tự quyết. Thế nên tòa án không phải là tòa án độc lập, mang danh là tòa án nhân dân nhưng lại là tòa án cộng sản. – Cấn Thị Thêu

“Luật pháp Việt Nam tuy chưa hoàn hảo nhưng trong chừng mực nào đó chỉ cần áp dụng đúng các quy định đã có thì đã rất đỡ. Ví dụ nguyên tắc bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật chẳng hạn, là một quy định đã có sẵn. Cơ quan pháp luật chỉ cần bảo đảm thực hiện điều đó là đủ, trong trường hợp này cơ quan pháp luật đã không bảo đảm được điều đó, là chuyện rất đáng tiếc.”

Còn theo Luật sư Hà Huy Sơn, về cơ bản để có công lý, công bằng trong việc thực thi pháp luật thì vẫn cần có nhà nước pháp quyền phải tôn trọng sự phản biện trong xã hội, các ý kiện đa dạng và sự đối trọng trong quyền lực của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài, còn trước mắt ông cho rằng giải pháp nằm ở chính ý thức của mỗi người dân:

“Sự bày tỏ, thái độ, phản ứng của họ trước các bản án, sự kiện chính trị, sự kiện trong đời sống nhà nước. Tôi cho rằng không ai có thể thay bằng chính người dân trong nước bằng trách nhiệm và nghĩa vụ công dân hãy bày tỏ thái độ và trong khả năng có thể thì thực hiện những hành vi pháp luật không cấm để đẩy lùi, hạn chế những bất công trong pháp luật hiện nay.”

Lâu nay nhiều người tại Việt Nam thường hay nói diễu ‘công lý ở Việt Nam là một anh hề’. Trong thực tế một nghệ sĩ hài ở Hà Nội có tên Công Lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-justice-through-the-sentences-12202019134823.html

 

Người Trung Quốc tràn sang từng đoàn:

Dân lo, chính quyền phản ứng chậm!

Diễm Thi, RFA

Dân không tin Trung Quốc!

Chỉ trong 10 ngày, ba đoàn khách Trung Quốc với số lượng từ hàng trăm lên đến vài ngàn sang Việt Nam tham gia các hoạt động văn hóa của riêng họ khiến nhiều người đọc báo ngỡ ngàng. Lý do theo họ chưa bao giờ có hiện tượng như vậy xảy ra. Trong khi đó cơ quan chức năng và chính quyền chỉ có biện pháp khi sự việc dường như đã rồi.

Vụ việc đầu tiên diễn ra hôm 10 tháng 12, hơn 600 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức “tour 0 đồng” qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó tập trung về thành phố Hạ Long, tụ tập tại Cung Quy hoạch – Hội chợ và Triển lãm tỉnh (Cung Cá heo), để biểu diễn trang phục, ca hát…

Ngày 11 tháng 12, bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh – cho báo chí biết đã đề xuất cho tạm dừng chương trình vì chưa được phép của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh, cho rằng doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản thông báo đến các cơ quan chức năng là được phép tổ chức mà không cần chờ cấp giấy phép hay có ý kiến phản hồi.

Ngày 12 tháng 12, hơn 700 khách du lịch Trung Quốc, chủ yếu là khách nữ, đến Cung Cá heo quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh (thành phố Hạ Long) tụ tập chụp ảnh khiến chính quyền địa phương phải đưa khoảng 30 người đến giám sát.

Hai vụ đó chưa kịp lắng xuống trong công luận thì sáng 20 tháng 12, hơn 2.000 người Trung Quốc di chuyển trên 60 xe khách từ tỉnh Quảng Ninh đến thành phố Hải Phòng để dự tiệc mà dư luận cho rằng họ dự định tổ chức hội thảo tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Theo TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán Nôm, thì theo lẽ thường, khi một nước, một tỉnh hoặc một vùng du lịch mà có khách du lịch đến ăn uống, tiêu xài, thuê mướn khách sạn, hội trường… thì đấy là một điều mừng chứ không phải điều lo, nhưng dư luận Việt Nam lại thấy lo ngại trước hiện tượng người Trung Quốc đến Việt Nam ồ ạt vì nhiều lý do. Ông giải thích:

“Thứ nhất là họ ồn ào, mất vệ sinh, hung dữ. Thứ hai là họ đến tuyên truyền những điều không được phép như tuyên truyền về đường lưỡi bò; tuyên truyền lịch sử Việt Nam vốn là từ Trung Quốc tách ra; tuyên truyền Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.”

Tuy dư luận xã hội lo lắng trước hiện tượng này nhưng ông Lê Thế Hùng – Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Quảng Ninh, cho rằng việc hơn 600 du khách qua biểu diễn thời trang tại địa phương này chỉ là buổi sinh hoạt nội bộ của du khách, cũng giống như du khách trong nước đi du lịch thường mặc đồng phục để check-in, sau đó ăn uống, ca hát…

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, một trong những thành phố có đông khách du lịch Trung Quốc, phân tích lý do vì sao có hiện tượng trên:

“Mình không ở trong ban tổ chức nên mình không biết chắc chắn họ có ý đồ gì không, nhưng tôi nghĩ nó có thể rơi vào mấy trường hợp sau:

Thứ nhất họ coi chuyện đó là bình thường, không vi phạm luật pháp Việt Nam. Thứ hai là họ có sự cố ý. Họ làm vậy để thể hiện người Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì trên lãnh thổ Việt Nam theo tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Cô Trần Thị Tuyết, nhân viên công ty bảo hiểm Prudential cũng bày tỏ nỗi lo lắng của mình rằng người Trung Quốc họ không bao giờ đối xử tốt với người Việt Nam mà họ chỉ tìm cách hại người Việt Nam từ thực phẩm cho đến chủ quyền quốc gia. Cô nói thêm:

“Người Trung Quốc họ đâu có tốt. Ở bên nước nó mà nó đã xấu rồi thì qua tới Việt Nam mình nó còn xấu tới cỡ nào nữa!”

Chính quyền quản lý lỏng lẻo hay sợ Trung Quốc?

Là một nước lớn lại nằm cạnh Việt Nam, từ hàng ngàn năm qua Trung Quốc lăm le xâm chiếm Việt Nam, coi Việt Nam như một nước chư hầu của mình. Gần nhất là cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước.

Chính vì thế, chuyện từng đoàn khách du lịch Trung Quốc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tụ tập như những ngày qua khiến người dân không thể an lòng. Các cấp chính quyền cũng chỉ giám sát hoặc tạm ngưng các chương trình của họ khi “gạo đã nấu thành cơm” mà không thể ngăn cản ngay từ đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định:

“Điều đó nói lên Việt Nam rất lỏng lẻo trong vấn đề để người Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ nhất là sự lỏng lẻo của hệ thống chính quyền tại các địa phương đó. Thứ hai là không có sự chỉ đạo một cách nhất quán từ trung ương xuống đến địa phương. Thể hiện sự buông lỏng quản lý của cấp trung ương với hiện tượng này.”

Theo lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng, sự có mặt của hơn 2.000 khách Trung Quốc như kể trên là hoạt động du lịch bình thường.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, thật ra chính quyền chỉ lên tiếng khi công luận bức xúc lên tiếng trên báo chí hoặc trên mạng xã hội. Lúc đó họ mới giật mình rồi đổ qua đổ lại. Ông nói tiếp:

“Tôi cũng ở trong bộ máy Nhà nước nhiều năm nên tôi biết. Họ vô tâm lắm, họ chả có ý thức chuyện đó đâu.

Cán bộ cao cấp Việt Nam rất là sợ Bắc Kinh. Nếu làm phật ý Bắc Kinh là có thể bay ghế liền, cho nên hiện tượng người Trung Quốc sang Việt Nam ờ ạt như vậy chỉ có người dân là bức xúc mà thôi chứ cán bộ thì ít, đặc biệt cán bộ cao cấp nhiều khi còn tránh né sợ đụng chạm.”

RFA hỏi chuyện một vài người dân rằng giả sử người Mỹ qua Việt Nam du lịch từng đoàn người đông như vậy và có những hoạt động tương tự các đoàn khách Trung Quốc thì họ có thấy lo lắng không?

Cô Tuyết trả lời không do dự:

“Không! Tôi không thấy lo vì người Mỹ họ qua họ giúp Việt Nam Từ hồi nào giờ tôi chỉ thấy người Trung Quốc là xấu thôi chứ Mỹ thì không!”

Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cùng ý kiến. Ông nêu dẫn chứng chiếc tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Hải quân Mỹ trong ban nhạc Hạm đội 7 đã có một đêm nhạc sôi động thu hút hàng trăm người dân tham gia tại chân cầu Rồng. Ông nói:

“Không hề lo ngại. Hoan nghênh và vui vẻ là đằng khác. Đó không phải là suy diễn mà là thực tế. Những chiếc tàu hải quân Mỹ đến Đà Nẵng hay Nha Trang tổ chức những sự kiện văn nghệ, người dân đến xem và tham gia vui vẻ. Họ đâu có ghét. Phải nói thẳng tâm lý của người Việt Nam là rất kỵ Trung Quốc.”

Qua mấy vụ vừa rồi, mạng xã hội lan truyền lại bài thơ “Đường sang nước bạn” của Tố Hữu với hai câu:

“Bên ni biên giới là mình

Bên kia biên giới cũng tình quê hương…”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-crowds-of-chinese-flooding-vietnam-dt-12202019142454.html

 

Hải Phòng bất ngờ

với 2.000 người Trung Quốc đến tổ chức hội nghị

Các cơ quan chức năng của Hải Phòng vừa được lệnh “vào cuộc” để kiểm tra, làm rõ một sự kiện tập trung hơn 2.000 người Trung Quốc trong thành phố vào ngày 20/12.

Nhiều trang tin từ Việt Nam dẫn lời người dân địa phương xác nhận đoàn khách nói tiếng Trung Quốc đã đi trên khoảng 60 xe khách đến Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng, nơi có sức chứa lớn nhất Hải Phòng, nhưng không ai biết họ đến đây để làm gì.

Tin cho hay đoàn khách đã đến Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, vào ngày 19/12 rồi đến Hải Phòng dự tiệc tri ân khách hàng của 3 doanh nghiệp du lịch Trung Quốc.

Khi được hỏi về sự kiện này, ông Nguyễn Kim Pha, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng, nói với báo Dân Trí rằng thành phố đã giao cho Công an, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương và các cơ quan chức năng “vào cuộc” để xác minh thông tin, đồng thời cho biết thêm rằng quan điểm của thành phố là sẽ “nhanh chóng làm rõ hoạt động trên như thế nào, có phép hay không phép, để có hướng xử lý và thông tin cụ thể đến báo chí”.

Phía Sở Văn hoá-Thể thao thành phố thì nói họ không nhận được bất cứ thông tin gì về hoạt động này vì nhóm khách đến đột xuất, và đã đề nghị thành phố dừng hoạt động của nhóm này.

Trong khi đó, lãnh đạo Công an và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng nói với báo Thanh Niên rằng sự có mặt của hơn 2.000 khách Trung Quốc như trên là một “hoạt động du lịch bình thường” và hoạt động này “đã được thông báo với Công an thành phố Hải Phòng và Sở Du lịch”.

Thời gian gần đây, các hoạt động tập trung đông người Trung Quốc tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý của công luận, giữa bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang rơi vào tình trạng căng thẳng vì những hoạt động mang tính khiêu khích nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và nguy cơ về an ninh gây ra từ số lượng khổng lồ du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam mỗi năm.

Tuần trước, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phải đình chỉ một sự kiện văn hoá quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày của khoảng 600 người Trung Quốc, trong đó có nội dung trình diễn xường xám và trang phục của các dân tộc thiểu số Trung Quốc, vì lý do chưa được cấp phép.

Trả lời chất vấn hôm 12/12 về công tác quản lý người nước ngoài tại Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thừa nhận “có sơ hở trong quản lý lưu trú” và cho biết vi phạm của “người nước ngoài” “gần như không thiếu hành vi nào”, theo VnExpress.

Trong khi đó, khi được hỏi về nhóm “người nước ngoài” nào thường xuyên vi phạm, phạm tội tại Việt Nam, Đại tá Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục quản lý Xuất nhập cảnh, thuộc Bộ Công an, nói rằng đây là vấn đề “tương đối nhạy cảm” và là vấn đề “nghiệp vụ”.

“Chúng tôi không thể đưa ra nhóm nào vì nó lại đối phó với mình nên cũng không thể đưa lên phương tiện đại chúng được”, ông Dự trả lời báo Thanh Niên hôm 16/12.

Theo ghi nhận từ Tổng cục Thống kê vào tháng trước, số lượng du khách đến Việt Nam vừa đạt mốc mới, cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam lên gần 16,3 triệu lượt người. Trong đó, du khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm đến 57%.

Theo một đại diện của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, mặc dù du khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm đến 70% thị phần khách du lịch quốc tế đến thành phố, nhưng có đến 88% du khách đến đây bằng tour giá rẻ hay tour 0 đồng, gây thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước kèm theo nhiều hệ luỵ khác.

https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BA%A1i-x%E1%BA%A3y-ra-s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n-h%C6%A1n-2-000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-tq-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-t%E1%BA%A1i-h%E1%BA%A3i-ph%C3%B2ng-/5213955.html

 

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ

thăm cảng Cam Ranh

Tàu USS Gabrielle Giffords (LSCS-10) mang tên lửa hành trình đối hải (NSM) của Hải quân Hoa Kỳ đến thăm cảng Cam Ranh, Việt Nam vào hôm 19-12-2019.

Các hình ảnh trên báo Thanh Niên và một số hình ảnh từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy sự hiện diện và hoạt động của tàu chiến hiện đại của Mỹ ở Việt Nam.

Đây là con tàu từng phóng tên lửa tấn công hải quân đánh chìm tàu chiến USS Ford cũ trong cuộc tập trận SINKEX ở Thái Bình Dương đương lúc Trung Quốc kỷ niệm ngày Quốc khánh và phô trương sức mạnh quân sự.

Hôm 20/11 vừa qua tàu USS Gabrielle Giffords đã đi qua vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn – một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã cho xây lấp thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước. Hoạt động của tàu USS Gabrielle Giffords này được cho biết là để thực hiện cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Trên tàu lần này có một người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ người nhập cư đầu tiên là Kỹ thuật viên Ryan Can.

Cảng quốc tế Cam Ranh trước kia đã từng là căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, sau đó được cho Liên Xô và Nga thuê cho đến năm 2002. Sau đó Việt Nam đã tiếp quản và biến cảng này thành cảng Quốc tế Cam Ranh, tiếp đón tàu chiến từ nhiều quốc gia đến thăm.

Theo ghi nhận của RFA, tin tàu chiến USS Gabrielle Giffords đến thăm cảng Quốc tế Cam Ranh không được báo chí Việt Nam thông tin rộng rãi, chỉ có 2 tờ báo là VOV và Thanh Niên loan tải.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/uss-gabrielle-giffords-visit-cam-ranh-12212019083452.html

 

Vụ AVG: ‘Anh Ba’ vẫn cao chạy xa bay?

Nguyễn Hùng

Liên quan vụ xử Mobifone mua Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG gây thiệt hại 6.500 tỷ vốn nhà nước và các quan chức nhận hối lộ hơn 140 tỷ đồng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay “anh Ba”, lại được kéo vào màn tranh tụng tại toà.

Báo Thanh Niên giật tít “Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai làm theo ‘tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng’”.

Nhưng “tinh thần chỉ đạo” và “chỉ đạo” hẳn là khác nhau. Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh trích cáo trạng nêu Văn phòng Chính phủ có công văn số 2678 ra ngày 14/12/2015 mà theo đó ông Dũng “chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TT&TT [Thông tin và Truyền thông] thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật”.

Cáo trạng cũng nói “đây không phải là quyết định chủ trương đầu tư” mà chỉ là thông báo. Hơn nữa thông báo cũng nói việc mua cổ phần phải làm “theo đúng quy định của pháp luật”. Nếu Mobifone mua AVG theo đúng giá trị trên sổ sách và thị trường thì đã không có vụ án này.

Như vậy hiện tại khó có thể kéo ông Nguyễn Tấn Dũng vào vụ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, mà trên thực tế đã được cựu lãnh đạo AVG, ông Phạm Nhật Vũ, em trai người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, hoàn toàn khắc phục hậu quả. Cho tới giờ phút này nhà nước không còn thiệt hại tỷ nào nữa mà “thiệt hại” cả ngàn tỷ đồng giờ dồn về gia đình ông Vũ, theo lời vợ ông.

Những lời khai của ông Son về ông Nguyễn Tấn Dũng từ nay về sau về lý thuyết cũng kém thuyết phục vì tính bất nhất trong những lời khai trong mấy ngày đầu xử án. Lúc ông bác bỏ chuyện nhận ba triệu đô tiền hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, lúc lại thừa nhận đã nhận tiền. Ông Son lúc đầu cũng khai ông đưa ba triệu đô cho con gái, sau lại nói không phải đưa con gái mà “chi tiêu cá nhân”. Còn tiêu ba triệu đô vào những việc gì thì ông lại “không nhớ”.

Điều có lẽ ít gây tranh cãi hơn là chỉ một ngày sau khi nhận được “tinh thần chỉ đạo” của ông Dũng, ông Son đã lệnh cho cấp dưới phải thực hiện ngay việc mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 để rồi 10 ngày sau việc mua bán đã được thực hiện xong vào đúng ngày Giáng Sinh.

Phi vụ mua AVG với giá trên trời để các quan chức được lại quả hơn 140 tỷ đồng, con số có thể nói là khá khiêm tốn so với giá trị hợp đồng, diễn ra chưa đầy một tháng trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam mà tại đó ông Nguyễn Tấn Dũng đã không thể trở thành tổng bí thư như mong muốn. Cú ngã trên chính trường của ông Dũng kéo theo một loạt các hệ luỵ trong đó có vụ AVG hiện nay, vụ dầu khí khiến uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đang ngồi tù và vụ gang thép mà uỷ viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải bị cáo buộc có vi phạm tới mức “phải xem xét kỷ luật”.

Các bị cáo trong phiên xử vi phạm về quy định đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ và nhận hối lộ đều nói họ làm theo lệnh cấp trên. Điều này khiến công chúng không thể không đặt câu hỏi họ là con nít hay những quan chức có suy nghĩ độc lập. Bài học cho các quan chức chưa bị lộ khác và các quan chức nói chung cần nhận ra là sẽ không có ai bảo vệ họ nếu họ “ăn cứt gà sáp” khi bị xui khiến. Bài học khác là đã có gan ăn hối lộ tới cả triệu đô thì cũng nên có gan nhận đã tiêu gì và khắc phục hậu quả đủ để khỏi bị tiêm thuốc độc. Giờ hẳn các bị cáo sẽ tiếc không ủng hộ việc cải cách hệ thống tư pháp bị đảng chỉ đạo vốn coi trọng những lời khai hơn những bằng chứng cụ thể. Có lẽ cựu bộ trưởng tên Son cũng hối tiếc không kêu gọi chính quyền huỷ bỏ án tử hình khi còn có chút chức quyền ngay cả khi lời kêu gọi đó có rơi vào quên lãng.

Ngoài ra, nếu nền tư pháp của Việt Nam thực sự độc lập, khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải xuất hiện tại các phiên toà tham nhũng tới đây, ngay cả trong vai trò làm chứng, là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng kể cả khi nền tư pháp không độc lập, chuyện ông có thể bị kéo vào các vụ án khác cũng không thể loại trừ. Khi các uỷ viên bộ chính trị hiện thời cảm thấy họ có thể và cần phải làm như vậy để phục vụ mục tiêu chính trị trước Đại hội 13 trong hơn một năm nữa, họ sẽ không ngần ngại gì mà không cố.

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-tan-dung-avg-nguyen-bac-son/5214322.html