Tin Việt Nam – 21/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/12/2017

Công an đàn áp biểu tình chống Formosa

Năm người đã bị bắt trong một cuộc xuống đường chớp nhoáng chống Formosa diễn ra ngay trước cổng nhà thờ Đức Bà Sài gòn vào sáng ngày 20 tháng 12.

Công ty Formosa của Đài Loan từ giữa năm ngoái đã phải đối mặt với nhiều những cuộc biểu tình phản đối của người dân Việt Nam sau khi bị phát hiện xả thải ra biển làm hàng trăm tấn cá chết dọc 4 tỉnh miền trung việt Nam là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Huế.

Một người chứng kiến cuộc biểu tình cho biết có khoảng 20 người đã tham gia cuộc biểu tình. Những người tham gia đã bị an ninh và dân phòng giật biểu ngữ, đánh đập và lôi lên xe chở đi đâu không rõ. Cho đến 11 giờ trưa ngày 21 tháng 12 vẫn chưa có tin tức gì mới về những người bị bắt giữ.

Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến nói ông đã tận mắt chứng kiến công an, dân phòng đến giải tán, đánh đập những biểu tình viên, trong số này đa phần là các bạn trẻ và cả người cao tuổi.

“Ngày 20 có ba bạn mang theo biểu ngữ chống Formosa, họ giương ra ngay trước Vương Cung Thánh Đường – nhà thờ Đức Bà. Được khoảng 5 đến 10 phút thì mật vụ, dân phòng đến giải tán, gây áp lực, nên họ di chuyển qua phía Bưu Điện thành phố. Thì các mật vụ đã chờ sẵn, siết cổ cô gái có nick facebook là Mộc Lâm. Năm đến bảy người đã siết cổ và lôi cổ lên taxi đưa đi.”

Ông Đinh Quang Tuyến cho biết, ngay sau đó hai người biểu tình khác cũng bị công an bắt đi

“Sau đó anh Lê Minh Thể can thiệp và họ bắt luôn cả anh Thể – một người cao tuổi…Kế lúc đó nữa, một anh đi cùng tôi  có tên là Thiện Tâm – một thợ sửa điện lạnh cầm máy Iphone 4 quay cảnh đang bắt bớ nên cũng bị bắt luôn.”

Ông Đinh Quang Tuyến nhấn mạnh rằng một bạn nữ còn trẻ có nick Facebook là Mộc Lâm đã bị công an siết cổ và đấm nhiều phát vào người.

“Tôi thấy cô Mộc Lâm bị hành hạ khá nhiều. 4-5 người đàn ông bóp cổ, đè vật vạ cô trước mặt nhiều khách nước ngoài, những người ngoại quốc đang có mặt trên đường và Bưu Điện. Biểu ngữ là phản đối Formosa và rất ôn hòa, không la ó, không làm gì nhiều chỉ giơ biểu ngữ thôi.”

Những người tham gia cuộc biểu tình sáng nay được nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến và ông Phan Kim Hải cho biết đều là những khuôn mặt mới và có người còn từ các tỉnh khác tới.

Trong một clip hiếm hoi được phát trực tiếp trên mạng qua tài khoản Facebook của Dung Ngovan cho thấy các an ninh và công an đến để ngăn không cho những người biểu tình hô khẩu hiệu “Formosa get out”, “Formosa cút”.

Bạn trẻ tên Hoàng Nhật Minh đã đọc những lời khẳng định về sự nguy hại của Formosa và kêu gọi mọi người đoàn kết để bảo vệ môi trường.

Kính thưa đồng bào cả nước, kính thưa dân tộc Việt Nam. Đứng trước mầm mống đại họa của dân tộc, Formosa đã đầu độc các tỉnh Miền Trung. Ngư dân của chúng ta đã không còn trên ngư trường để mà đánh cá được nữa. Nay tôi muốn kêu gọi tất cả đồng bào cả nước cùng đồng lòng với nhau, đề nghị: Formosa cút khỏi Việt Nam, Formosa get out, Formosa get out….”

Một người được cho là lãnh đạo đã yêu cầu giải tán, ông nói trong clip:

“Thôi thôi được rồi. Hãy để cho anh em an ninh giữ đi. Tôi đã nói dẹp là dẹp đi. Không phải mình sợ gì cả. Nhưng ở đây không có chuyện gì cả phải om sòm.”

Bạn trẻ Hoàng Nhật Minh nói to:

Bắt hay là giết gì cũng được nữa. Nhưng mà mình phải lên tiếng nói bảo vệ môi trường. Nếu như hôm nay Hoàng Nhật Minh chết mà bảo vệ được môi trường, thì Hoàng Nhật Minh sẵn sàng chết. Chết để môi trường được sống, chết dân tộc này có được nguồn sống, chết để dân tộc Việt Nam không bị diệt vong bởi thằng Formosa…”

Thời điểm bắt bớ và câu lưu, theo nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến là khoảng 10:30 sáng ngày 20 tháng 12 và cho đến lúc tối ngày 21/12 chúng tôi vẫn chưa có thông tin về việc những người bị bắt đã được thả.

Chúng tôi đã liên hệ với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh để lấy thông tin.

Tuy nhiên, phía công an nói rằng không có bắt bớ ai cả và bảo chúng tôi liên hệ với công an quận 1 để xác minh thêm.

Những cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Việt Nam trước đó cũng đã từng bị an ninh đàn áp. Một số những nhà hoạt động xã hội và môi trường tham gia phản đối hay đưa tin về Formosa đã bị bắt và kết án tù với tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Điển hình là blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người bị kết án tù 10 năm hồi tháng 6 năm nay, và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa người vừa bị kết án tù 7 năm hôm 27 tháng 11 vừa qua.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/formosa-protesters-arrested-12212017102128.html

 

Nhân quyền Quốc tế kêu gọi trả tự do cho Trần Thị Nga

Trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Hà Nam, Tổ chức theo dõi Nhân Quyền Human Rights Watch lên tiếng yêu cầu Việt Nam thả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga

Trong thông cáo phổ biến ngày 20 tháng Mười Hai 2017 tại New York, ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền, nói rằng thay vì chính quyền Việt Nam xúc tiến đối thoại với các nhà hoạt động nhưng lại sử dụng các mức án nặng nề và bạo hành ngày càng thường xuyên hơn đối với các nhà hoạt động.

Thông cáo cũng nhấn mạnh Bà Trần Thị Nga là một trong những mục tiêu của đợt đàn áp mà chính quyền Việt Nam nhắm vào các nhà hoạt động bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây.

Trong bản phúc trình được công bố vào tháng 6 năm 2017, tổ chức theo dõi nhân quyền đã ghi nhận 36 trường hợp các blogger và các nhà hoạt động bị tấn công, dọa dẫm.

Hiện nay hơn 100 nhà hoạt động đang bị giam giữ vì họ thực thi các quyền tự do cơ bản về chính kiến, tự do hội họp, lập hội và tư do tôn giáo. Tổ chức theo dõi nhân quyền cũng yêu cầu Việt Nam thả tự do cho những người này vô điều kiện.

Xin được nhắc lại Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, hay còn gọi là Thúy Nga, ở Phủ Lý, Hà Nam bị bắt giữ hôm 21/01/2017, ngay trước Tết Nguyên Đán Đinh Dậu với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam.

Đến ngày 25 tháng 7 năm 2017, bà bị tòa kết án chín năm tù giam và 5 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, phiên tòa diễn ra nhanh chóng và gia đình cùng những người ủng hộ bà Nga cũng bị ngăn không được tham dự phiên tòa.

Trước khi bị bắt giam, bà Nga cùng các con nhỏ luôn bị chính quyền tỉnh Hà Nam quấy rối, sách nhiễu, kể cả hành hung đến thương tật.

Ông Lương Dân Lý chồng của bà Nga cho biết, ông và gia đình đến nay vẫn chưa được gặp bà Nga kể từ ngày bà bị bắt.

Bà Nga là một nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động, bà đấu tranh chống lại các hình thức xâm phạm nhân quyền như buôn người, công an bạo hành và trưng thu đất đai.

Sau khi bà Nga bị bắt, đã có gần 1000 cá nhân và hơn 30 tổ chức xã hội dân sự tham gia ký vào kiến nghị đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho bà Nga ngay lập tức và vô điều kiện.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-must-drop-charged-against-activist-tran-thi-nga-says-hrw-12212017085932.html

 

Đà Nẵng: ông Phan Văn Anh Vũ ‘bị khám nhà’

Doanh nhân Phan Văn Anh Vũ, người còn có biệt danh là Vũ ‘Nhôm’ vừa bị công an khám nhà ở Đà Nẵng để điều tra một loạt dự án nổi tiếng trong vùng.

Việc khám xét diễn ra vào chiều tối 21/12.

TBT Trọng và hai năm ‘chỉnh đốn Đảng’

Bỏ chức Xuân Anh ‘ngoài khả năng Đà Nẵng’

APEC: ‘VN là trung tâm thu hút quốc tế’

Ông Nguyễn Xuân Anh ‘sắp mất chức Chủ tịch HĐND’

Ông Trọng ‘tả xung hữu đột’, đảng viên thờ ơ?

Ông Vũ từng được báo chí Việt Nam coi là một “đại gia bất động sản”, sở hữu và góp vốn nhiều công ty.

Các dự án của ông thường được đặt ở những vị trí ‘đất vàng’ tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH I.V.C, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, đồng thời sở hữu cổ phần trong nhiều dự án khác.

Từ 9/2012, Bộ Công an quyết định tiến hành điều tra một số dự án có liên quan đến ông Vũ.

Trong số này nổi bật nhất là Khu Công viên An Đồn, Khu đô thị Harbour Ville của Công ty cổ phần đầu tư Mega, Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Khu du lịch ven biển đường Trường Sa, theo báo Tuổi Trẻ.

Xảy ra đã từ lâu

Nhưng có những vụ việc được cho là đã xảy ra hơn 10 năm trước, dưới các thời lãnh đạo khác nhau.

Hồi tháng 4/2014, tin từ Việt Nam cho hay ông Phan Văn Anh Vũ, một doanh nhân bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng, bị tố cáo đã chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.

Theo một công bố của Thành tra Chính phủ năm 2013 thì “từ năm 2006, UBND TP Đà Nẵng đã chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc”, bản kết luận điều tra viết.

“Hai người này không triển khai dự án mà ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ để chuyển nhượng, thu lời trên 495 tỉ đồng.”

Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn

Việt Nam tham nhũng thứ hai châu Á?

Chống tham nhũng là ‘tự ta đánh ta’?

Tiền lệ ‘đáng tiếc, đau đớn, chưa từng có’

Thêm nữa, có 31 nhà, đất công sản và nhà đất cơ quan điều tra liên quan đến ông Vũ trong việc mua bán. Đa số các nhà đất công sản trên được mua bán không qua đấu giá, theo báo chí Việt Nam hồi 2014.

Ngoài ra, một khu đất khác liên quan đến ông Vũ trước đó được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm trong việc mua bán là khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng.

Vấn đề của vụ khám nhà ông Vũ ‘Nhôm’, người có thời kinh doanh nhôm kính, là các khoản tiền có thể được sử dụng để thúc đẩy những quyết định về đất đai liên quan đến giới chức địa phương.

Ở Việt Nam, tuy người ta mong muốn có sự công nhận kinh tế thị trường, đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý và trên thực tế quyền quyết định về chuyển hạng mục, bàn giao đất cho đầu tư lại nằm trong tay quan chức địa phương.

Thanh tra Chính phủ Việt Nam hồi năm 2013, khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, đã kết luận rằng lãnh đạo Đà Nẵng thời kỳ 2003-2011, “có sai phạm về quản lý đất đai, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước ước tính hơn 3.400 tỷ đồng”, theo truyền thông nhà nước.

Thành phố Đà Nẵng, đô thị lớn nhất miền Trung Việt Nam, trong năm 2017 đã ở thành tâm điểm của các cuộc hạ bệ chính trị nhắm vào nhiều nhân vật cao cấp trong hệ thống Đảng Cộng sản và chính quyền.

Mọi việc tạm yên ắng trong thời gian Đà Nẵng đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11 vừa.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Xuân Anh, người bị kỷ luật, mất chức Bí thư Đà Nẵng hồi tháng 10/2017, bị mất nốt chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.

Hiện Bí thư Đà Nẵng là ông Trương Quang Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Trong hai năm kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra chiến dịch ‘chỉnh đốn Đảng’, không ít quan chức, kể cả ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương Đảng, bị kỷ luật, thậm chí truy tố.

Ngoài các “sai phạm” trong chính sách cán bộ và “cố ý làm sai chính sách” gây thiệt hại cho ngân sách, những người này thường bị nêu tên cùng các doanh nhân có tiếng tăm bị cho là có hoạt động “sân sau” trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí và bất động sản.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42444248

 

Những từ ngữ lạ tai

trong ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính Hòa RFA

Khi đưa tin về vụ thăng cấp không đúng cho bà Quỳnh Anh, từ một nhân viên tạp vụ thành trưởng phòng, của ông Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Đảng Cộng sản nói rằng đó là một sự nâng đỡ không trong sáng.

Trong khi đó việc khai trừ đảng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, một giám đốc sở tại Quảng Nam, lại được gọi là xóa tên ra khỏi danh danh sách đảng viên.

Dó chỉ là hai ví dụ trong việc dùng từ ngữ của Đảng Cộng sản mà nhiều người cho là lạ tai từ trước đến nay.

Tại sao lại phải dùng thêm những từ rất lạ để chỉ những khái niệm bình thường?

Nhà báo Võ Văn Tạo hiện sống ở Nha Trang nói với chúng tôi rằng chuyện cơ quan tuyên truyền của Đảng dùng những cụm từ như là nâng đỡ không trong sáng, hay xóa tên khỏi danh sách đảng viên, không phải là mới, mà cách tạo thêm từ ngữ như vậy đã có từ lâu dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Ông Tạo cho rằng nguyên nhân của việc đó là do những người cộng sản có thói quen biến tất cả mọi thứ trở nên mang tính chính trị. Ông kể câu chuyện của chính bản thân ông:

Tôi nghĩ là họ có những cái chuyện mà nói ra theo ngôn ngữ thông thường thì nó thô bỉ hoặc là rất xấu, thành ra phải nói một cách khác.

-Ông Nguyễn Gia Kiểng.

Những năm 74 đến 79, chúng tôi học Đại học ngoại thương ở Hà Nội, anh chị sinh viên nao làm bài kiểm tra mà lỡ viết đồng tiền của Chính phủ Việt Nam lạm phát thì chắc chắn bị điểm không hoặc một điểm. Cái từ lạm phát chỉ dùng cho các nước tư bản hoặc phe đối địch thôi. Còn nếu muốn nói đến Việt Nam thì phải nói là đồng tiền mất giá, hay giảm sức mua, mà bản chất y như nhau.”

Một lý do khác được ông Nguyễn Gia Kiểng, người đứng đầu một tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại, đưa ra là Đảng Cộng sản dùng tự lạ tai như vậy để giảm nhẹ lỗi lầm của đảng viên, hay những sai lầm của đảng.

Ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội,  cũng đồng ý với ông Kiểng về điều này, ông nói với chúng tôi:

“Có lúc thì dùng những mỹ từ để chỉ những chuyện ngược lại với cả thế giới, tức là rất dở hơi, rồi có lúc phải nghĩ ra cái từ cho nó nhẹ bớt đi, để cho nó không xấu mặt đảng viên của người ta, không lẽ lại nói là ông đảng ủy của tỉnh này, ông phó chủ tịch của tỉnh này, ông đảng viên một thời oai phong lẫm liệt và gương mẫu, mà bây giờ lại dùng những từ rất là thô tục, thì nó không hay, thành ra phải là… nâng đỡ không trong sáng, thế thôi.”

Một ví dụ được đưa ra về những điều mà Đảng Cộng sản làm không giống các nước khác là cụm từ Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giới chỉ trích các chính sách của Đảng Cộng sản hay đưa ra cụm từ này làm ví dụ cho một điều rất mâu thuẫn là một mặt Đảng Cộng sản muốn có nền kinh tế cạnh tranh của thị trường tự do, mặt khác lại muốn cố gắng giữ các công ty quốc doanh với những ưu đãi không mang tính thị trường.

Ông Nguyễn Gia Kiểng có một cách giải thích khá đặc biệt đối với cụm từ Xóa tên ra khỏi danh sách đảng viên, ông nói với chúng tôi:

“Tôi nghĩ là họ có những cái chuyện mà nói ra theo ngôn ngữ thông thường thì nó thô bỉ hoặc là rất xấu, thành ra phải nói một cách khác. Riêng có cái cụm từ xóa tên khỏi danh sách đảng viên, thì họ đã sử dụng mười năm nay rồi, thay cho cái danh từ khai trừ. Chữ khai trừ nó có tác dụng tạo ra cho người đó thành thù địch, thành ra làm như thế thì tạo nhiều thù địch quá, cho nên nói là xóa tên khỏi danh sách.”

Câu chuyện dùng từ khác lạ, hoặc ám chỉ, để nói về các quan hệ bạn hay thù trong đảng được bàn đến nhiều nhất sau một lần họp Hội nghị trung ương đảng. Khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng, vẫn còn được một số đông trong đảng ủng hộ, nên dự định kỷ luật ông của các đối thủ chính trị đã không thành công. Kết thúc hội nghị đó, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch nước, đã đề cập đến việc không kỷ luật được đồng chí X, mà nhiều người cho là hàm ý chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Một lý do khác mà ông Nguyễn Quang A đưa ra để giải thích tại sao Đảng Cộng sản lại đưa ra nhiều từ lạ tai là bản tính đảng không thành thật trong những hành động của mình. Trong một vụ người dân bị nhân viên công an hành hung, thì hành động tấn công của nhân viên công an được gọi là gạt tay quá mạnh. Trong vụ bắt giữ luật gia bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, thì người ta lại nghe thấy cụm từ bao cao su đã qua sử dụng, để chỉ một tang vật.

Tác động của cách dùng từ của Đảng

Chúng tôi hỏi ý kiến của một cư dân tại Sài Gòn không mấy quan tâm đến những chuyện chính trị về cách dùng từ trong ngôn ngữ báo chí và hành chính của Đảng Cộng sản. Chị Đỗ Ngọc cho biết:

Điều đó làm nên một sự méo mó về tư duy của người Việt Nam.

-Ông Nguyễn Quang A.

“Nó rất rất rất là không bình thường, khi dùng từ chỗ công cộng mà dùng như vậy khiến cho người ta suy nghĩ lệch lạc hẳn một vấn đề, nó nhạy cảm hóa vấn đề, làm cho người ta thấy rất là kỳ cục.”

Điều mà chị Đỗ Ngọc cho là kỳ cục cũng chính là điều mà ông Nguyễn Quang A rất lo lắng, ông lo cho sự thay đổi không tốt của ngôn ngữ Việt Nam, và lo cho cả sự suy nghĩ của người Việt Nam:

“Nó làm ô nhiễm ngôn ngữ Việt Nam, và khi người ta quen đi rồi, bởi vì vài chục năm mà liên tục nghe những từ ô nhiễm như thế thì bản thân cái tư duy, cái đầu óc của những con người, của cả 90 triệu người mà hàng ngày phải nghe ra rả những từ ấy, thì họ tưởng đấy là rất bình thường. Điều đó làm nên một sự méo mó về tư duy của người Việt Nam.”

Ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng các khái niệm trong suy nghĩ của người Việt Nam sẽ bị biến dạng, và khi phải bàn đến những chuyện đó người Việt Nam sẽ rất là bối rối. Ông lấy ví dụ cụm từ xã hội hóa được đưa ra để chỉ những thay đổi trong lĩnh vực y tế và giáo dục trong những năm gần đây, theo đó người Việt Nam bây giờ phải trả tiền cho những dịch vụ y tế và giáo dục, trong khi đó, theo ông khái niệm xã hội hóa là một chuyện hoàn tòan khác.

Ông Nguyễn Gia Kiểng có suy nghĩ lạc quan hơn:

“Bản thân ngôn ngữ Việt Nam cũng không thay đổi bao nhiêu, bởi vì những chữ đó người Việt Nam hiểu cả, một bộ phận không nhỏ tức là một bộ phận khá lớn, hay là rất lớn, người dân cũng hiểu ngay. Đối với người dân thì nó càng chứng tỏ sự bối rối, khi mình đi kiếm cách chạy tội thì mình lại phơi cái tội của mình ra.”

Cụm từ một bộ phận không nhỏ mà ông Kiểng nói tới là cụm từ hay được các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản đưa ra để chỉ các cán bộ nhà nước, đảng viên cộng sản tham nhũng hay mất đạo đức.

Ông Võ Văn Tạo cũng có quan điểm khá tương đồng với ông Kiểng. Ông nói về cái cách mà Đảng Cộng sản muốn người dân nghe thấy những câu chuyện của mình sẽ có tác dụng ngược lại với ý muốn của họ:

“Họ tưởng họ khôn ngoan, nhưng khi mà đưa ra dân chúng thì hầu hết người ta cười. Càng làm như thế là càng mất uy tín, người ta cười, người ta biết ngay là nó có chuyện gì không trong sáng trong chuyện này.”

Riêng chị Đỗ Ngọc thì nói rằng một trong những lý do lớn làm cho chị không quan tâm đến những thông tin về chính sách mà Đảng Cộng sản đưa ra, là khi đọc những thông tin đó, với những từ ngữ lạ tai, mà chị gọi là kỳ cục, người ta không hiểu người viết muốn diễn tả điều gì, và do đó không hiểu Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn gì.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/weir-words-of-communist-party-12202017124108.html

 

Thêm 5 người bị tù

vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước

Tòa án nhân dân tỉnh An Giang hôm 21 tháng 12 năm 2017 tuyên phạt 5 người với tổng cộng hình phạt là 19 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, theo điều 88 Bộ luật hình sự của Việt Nam.

Theo cơ quan công an thì vào ngày 25 tháng Tư năm 2017, năm người này đã treo cờ vàng ba sọc đỏ của nước Việt Nam Cộng hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tại một số nơi trong Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, với tổng cộng là 26 lá cờ. Báo chí nhà nước Việt Nam gọi lá cờ này là lá cờ của ngụy quyền, tức là một chính phủ không hợp pháp.

Năm người bị kết án lần lượt là ông Nguyễn Tấn An, 25 tuổi, bị năm năm tù giam, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, 38 tuổi, bốn năm tù giam, ông Nguyễn Ngọc Quí, 25 tuổi, bốn năm tù giam, ông Phạm Văn Trọng, 23 tuổi, ba năm tù giam, ông Nguyễn Thanh Bình, 23 tuổi, ba năm tù giam.

Tất cả những người này đều cư trú ở tỉnh Ang Giang.

Theo Hội đồng xét xử của tòa án, thì những người nêu trên đã thành khẩn nhận tội nên được áp dụng khung hình phạt thấp nhất của điều luật 88 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Trong số năm người bị kết án, ông Nguyễn Tấn An bị xem là người cầm đầu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo cơ quan công an thì ông An đã tổ chức trên mạng xã hội những tổ chức có tên là “Nghĩa quân An Giang”, “Tuổi trẻ An Giang”,…

Trên trang Facebook của ông Nguyễn Tấn An, người ta thấy nhiều hình ảnh tổ chức những hoạt động có tính tôn giáo như những bữa cơm chay từ thiện, và cùng với rất nhiều hình ảnh của Đức Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam.

Bản tin về vụ án tuyên truyền chống phá nhà nước tại An Giang không đề cập gì đến Phật giáo Hòa Hảo cả, nhưng tỉnh An Giang cũng như một số địa phương khác của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi hoạt động khá mạnh của tổ chức Phật giáo Hòa Hảo thuần túy không công nhận sự kiểm soát của nhà nước lên giáo hội của mình.

Đã có nhiều vụ án trong đó các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị bắt giam. Gần nhất là vụ việc ông Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, bị bắt tại Vĩnh Long và được cho là đã tự sát trong đồn công an bằng cách cắt cổ, tuy nhiên người thân của ông Tấn không tin điều đó.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-more-case-of-propaganda-against-the-state-12212017075305.html

 

5 người Việt bị bắt tại Nhật vì ăn cắp

Năm người Việt vừa bị cảnh sát quận Hyogo, gần thành phố Kobe của Nhật Bản bắt giữ với cáo buộc đột nhập ăn cắp tài sản lên đến 8,8 triệu yên, tương đương 78.000 đô la Mỹ.

Cảnh sát Nhật Bản cho biết những người này trong độ tuổi từ 23 đến 33, là du học sinh và thực tập sinh, quen nhau qua Facebook. Trong khoảng thời gian 3 tháng, từ tháng giêng đến tháng 3 năm nay, nhóm đã thực hiện tổng cộng 45 vụ đột nhập, trong đó có 8 vụ bị truy tố. Họ lần lượt bị bắt trong mấy tháng gần đây.

Mưu đồ của nhóm này là quan sát chỉ số đồng hồ điện của các gia đình, nhà nào đồng hồ điện không chạy tức là chủ nhà không có nhà thì nhóm sẽ thực hiện đột nhập bằng cách phá cửa kính và lấy tài sản của họ.

Nhóm khai với cơ quan chức năng là ăn trộm để trang trải sinh hoạt phí và những đồ lấy cắp được bán trong cộng đồng người Việt tại Nhật.

Cộng đồng người Việt tại Nhật tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng những kẻ trộm cắp này đã làm xấu hình ảnh người Việt trên đất Nhật.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/vietnamese-citizens-arrested-in-japan-for-burglary-12212017085247.html

 

Ông Dean Trần tuyên thệ, thành nhà lập pháp gốc Việt

đầu tiên trong nghị viện Massachusetts

Ông Dean Trần thuộc đảng Cộng Hòa từ thành phố Fitchburg hôm Thứ Tư 20/12 tuyên thệ vào Thượng Viện tiểu bang Massachusetts, trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Viện Lập Pháp Massachusetts.

Ông Dean Trần, 42 tuổi, thắng cuộc bầu cử đặc biệt ngày 5 tháng 12 để thay thế Thượng nghị sĩ Jennifer Flanagan, người rời khỏi Thượng Viện sau khi được bổ nhiệm vào Hội Đồng Kiểm Soát Cần Sa.

Hãng thông tấn AP đưa tin, Thống đốc Cộng Hòa Charlie Baker hôm Thứ Tư làm chủ lễ tuyên thệ cho ông Trần. Quyền chủ tịch Thượng Viện Harriette Chandler thuộc đảng Dân Chủ chào đón ông cựu nghị viên hội đồng thành phố Fitchburg vào Thượng Viện tiểu bang. Bà nói ông Trần, với sự cần cù và quyết tâm của mình, chính là điển hình của Giấc Mơ Mỹ.

Ông Dean Trần là con kế út trong gia đình có năm anh em. Gia đình ông rời Việt Nam vào năm 1977 sau khi chiến tranh kết thúc. Cha của ông Dean Trần đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 25 năm, và gia đình gom góp tiền để mua thuyền đi vượt biên. Khi đó, ông mới lên 2. Thuyền của họ trôi dạt tới Thái Lan, và họ ở trong trại tị nạn 2 năm trước khi được một linh mục Công giáo bảo trợ đi định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1980.

Ông Dean Trần đã phục vụ trong hội đồng thành phố Fitchburg từ 10 năm qua. Ông cho biết nghị trình của ông tại Thượng Viện Massachusetts bao gồm giải quyết cuộc khủng hoảng opioid, hỗ trợ trường công, sửa chữa cầu đường, giảm thuế, thúc đẩy kinh tế và chống bạo lực gia đình.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/ong-dean-tran-tuyen-the-thanh-nha-lap-phap-goc-viet-dau-tien-trong-nghi-vien-massachusetts/

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức sẽ theo dõi phiên tòa xét xử

Vụ án xét xử ông Trinh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng của PetroVietnam (PVC), người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin, dự kiến diễn ra trong vài tuần tới, sẽ được Đức theo sát.

Sứ quán Đức cho VOA biết trong một email ngày 20/12: “Chúng tôi dự tính sẽ quan sát phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh.”

Cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam không cho biết rõ khi được hỏi liệu họ có cử người tới tham dự phiên tòa này hay không.

“Rõ ràng là có nguy cơ tòa có thể tuyên án tử hình.”

Luật sư Petra Schlagenhauf

Trong khi đó Dân biểu quốc hội Đức Martin Patzelt hôm 21/12 nói với VOA rằng cá nhân ông cũng sẽ quan sát phiên xử từ Đức vì ông không thể đến Hà Nội do “tình huống ngoại giao giữa Việt Nam và Đức”.

Phiên tòa xử ông Thanh có nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào ngày 10/1/2018, theo luật sư người Đức từng làm thủ tục xin tị nạn cho ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf. Chính phủ Việt Nam cáo buộc ông Thanh đã gây thất thoát 3.300 tỷ đồng (gần 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng của PetroVietnam (PVC).

Trong một email hôm 21/12, Luật sư Schlagenhauf nói với VOA rằng bà không chắc chắn có thể tới Việt Nam dự phiên tòa hay không, nhưng bà có những “cộng sự ở Việt Nam đang làm việc để giúp bào chữa cho thân chủ” của bà.

Ông Trịnh Xuân Thanh, theo cáo buộc của phía Đức, bị bắt cóc từ Berlin và đưa về Việt Nam hôm 23/7, ông được coi là một ‘mắt xích quan trọng’ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch gọi là “đốt lò” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây chấn động sau khi Ủy viên bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt hôm 8/12. Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là “thuộc hạ thân tín” của ông Đinh La Thăng. Cả 2 từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị Hà Nội cáo buộc tội danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”

“Rõ ràng là có nguy cơ tòa có thể tuyên án tử hình,” luật sư Schlagenhauf dự báo về phán quyết trong vụ án xét xử Trịnh Xuân Thanh. “Hơn nữa, tôi cho rằng kết luận cho rằng thân chủ của tôi là có tội đã được định trước. Phiên xét xử này sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của một vụ xét xử công bằng. Sự thể đó là điều không thể chấp nhận được.”

Dân biểu quốc hội Patzelt, người từng đến Hà Nội tham dự phiên tòa xử blogger nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sam) nhưng không được vào phòng xử, cho biết ông “hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm vụ án xét xử ông Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội phải công bằng theo tiêu chuẩn của luật pháp.”

Dân biểu thuộc Đảng liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ những nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam nói vì ông Trịnh Xuân Thanh không phải là một nhà hoạt động nên ông, với tư cách một nhà chính trị, không thể đến dự phiên tòa sắp tới tại Hà Nội.

Một số dân biểu quốc hội Đức từng lên tiếng kêu gọi trừng phạt Hà nội vì hành động bắt cóc người trên đất Đức, một hành động bị chính quyền Đức coi như “vi phạm trắng trợn” luật pháp của nước họ.

Chính phủ Đức đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Việt Nam tại Berlin và đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi Hà Nội loan báo tin Trịnh Xuân Thanh đã tự ý trở về nước và ra đầu thú. Đức khẳng định rằng chính phủ Việt Nam “biết phải làm gì để giải quyết tình huống căng thẳng ngoại giao sau vụ bắt cóc” mà theo phía Đức, đã được đại sứ quán Việt Nam ở Berlin hỗ trợ.

“Vali tiền 14 tỷ đồng”

Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, đã nộp hồ sơ xin tị nạn ở Đức trước khi ông bị bắt và đưa về Việt Nam. Báo Thanh niên nói ông bị đề nghị truy tố tội tham ô.

Báo Thanh Niên hôm 21/12 tường thuật rằng ông Thanh là 1 trong 7 bị can sẽ bị truy tố trong vụ “tham ô tài sản” tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí (PVP Land).

Theo lời khai của ông Đinh Mạnh Thắng, em của cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, cũng bị bắt giam cùng với anh vào ngày 8/12, ông Thanh đã nhận một vali tiền chứa khoảng 14 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh đã “thông đồng” với các đối tượng liên quan “để ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất.

Việc thanh toán hợp đồng này, theo ghi nhận của Thanh Niên, đã tạo ra chênh lệnh giá cho phép các bị can chiếm đoạt cổ phần trị giá hơn 87 tỉ đồng của PVP Land (trong đó có tài sản nhà nước). Giá trị tài sản được cho là đã bị các đối tượng chiếm đoạt là 49 tỉ đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/xet-xu-trinh-xuan-thanh-duc-se-quan-sat-them-cao-buoc-tham-o/4173355.html

 

Luật sư sắp dự cung ông Đinh La Thăng

Khánh An-VOA

Một trong ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng nói với VOA tối 20/12 rằng ông sẽ đi dự buổi hỏi cung thân chủ vào ngày 21/12, một ngày sau khi ông Thăng bị đề nghị truy tố.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết ông vẫn chưa bắt đầu phần việc của một luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng. Ông chỉ mới được báo đi tham dự buổi hỏi cung thân chủ vào ngày 21/12.

“Trong tay tôi chưa có bất kỳ tài liệu gì. Ngày mai tôi mới được báo đi dự cung”, lời Luật sư Thiệp.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, và 6 người khác bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố vào ngày 20/12 sau khi đã có kết luận điều tra.

Động thái này được công luận đánh giá là nhanh và bất ngờ so với những vụ án tương tự. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Luật học Phạm Duy Nghĩa của Đại học Luật TPHCM, việc đưa ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng chỉ sau 12 ngày bắt giam, là không sai về mặt pháp lý.

“Bởi vì trước khi bắt, họ phải làm rất kỹ vì ông ấy là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị và có vị thế trong hệ thống chính trị của đảng. Họ không dám làm không có căn cứ đâu. Thứ hai, không có điều luật nào cấm cơ quan điều tra thu thập dữ liệu trước. Theo luật Việt Nam, cơ quan điều tra có quyền thu thập, nghiên cứu bằng chứng đủ thì mới khởi tố. Nếu họ đã có đủ bằng chứng đến mức có thể nêu cáo trạng được thì chẳng có gì sai luật cả”.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng tạp chí Luật sư Việt Nam tại Cần Thơ, cho đây là một tiến bộ trong thủ tục tố tụng Việt Nam. Ông nói:

“Điều đó đúng luật. Luật Việt Nam không quy định thời hạn tối thiểu cho việc điều tra. Đây cũng là một sự tiến bộ của luật pháp”.

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian ông làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn này (2006-2011).

VnExpress dẫn kết luận của cơ quan điều tra cho biết năm 2006, PVN được giao thành lập một ngân hàng của ngành dầu khí vào nắm trên 50% vốn điều lệ. Tập đoàn đã xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm thiết bị… để chuẩn bị thành lập ngân hàng mang tên Hồng Việt. Tuy nhiên đến năm 2008, PVN dừng lại việc thành lập ngân hàng và chuyển sang mua 20% cổ phần tại Oceanbank (tương đương với 800 tỷ đồng), mặc dù đã được báo cáo về tình hình hoạt động kém hiệu quả của ngân hàng này.

Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng tiếp tục ký các quyết định góp vốn cho Oceanbank khi chưa có chỉ đạo của Chính phủ, bất chấp Hội đồng thành viên và thư ký nói rằng việc góp vốn là không đúng quy định.

Bản kết luận điều tra nói trên cương vị là Chủ tịch tập đoàn, ông Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào trong việc thẩm định Oceanbank, không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận, góp vốn với ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank, và cũng không báo cáo Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn cho rằng ông Đinh La Thăng đã có những động thái nhằm trốn tránh trách nhiệm sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương “vào cuộc” để làm rõ sai phạm tại PVN.

Báo Thanh Niên dẫn kết luận điều tra cho biết vào tháng 3, ông Đinh La Thăng (lúc đó là Bí thư thành ủy TPHCM) đã gọi điện nhờ một số cán bộ PVN xác nhận rằng HĐQT của tập đoàn có họp và thống nhất chủ trương góp vốn với Oceanbank. Sau đó, ông Thăng dùng giấy xác nhận này để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Kể từ khi ông Đinh La Thăng bị công an khám xét nhà và bắt giữ đến nay, bản thân ông và luật sư bào chữa chưa đưa ra bất cứ thông tin gì liên quan đến các cáo buộc và kết luận của cơ quan điều tra. TS. Phạm Duy Nghĩa giải thích về điều này:

“Vào thời điểm hiện nay thì ông ấy chẳng có quyền phát ngôn gì trước công chúng cả. Trong thời gian tạm giam, thậm chí người ta còn giám sát chặt chẽ để tránh hiện tượng thông cung. Tôi nghĩ rằng các luật sư bảo chữa sẽ đủ khôn khéo để tiết lộ thông tin ở mức độ có lợi nhất để bảo vệ cho thân chủ của họ”.

Hiện có 3 luật sư được cấp phép bào chữa cho ông Đinh La Thăng là LS. Phan Trung Hoài, LS. Nguyễn Huy Thiệp và LS. Đào Hữu Đăng.

Vụ bắt ông Đinh La Thăng được xem là một bước đột phá trong quy trình xét xử quan chức Việt Nam sai phạm, phá vỡ “tiền lệ ngầm” cho rằng không ai có thể đụng được tới ủy viên Bộ Chính trị.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-sap-du-cung-ong-dinh-la-thang/4171918.html