Tin Việt Nam – 21/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tàu Việt Nam và Indonesia đâm nhau, 3 người chết

Một vụ va chạm giữa một tàu chở hàng của Việt Nam và một chiếc tàu của Indonesia ngoài khơi tỉnh Đông Java của nước này đã làm 3 người chết và 12 người khác mất tích.

AP dẫn lời cơ quan cứu hộ của Indonesia cho biết rằng tàu MV Thaison 4 của Việt Nam và tàu chở 27 người của Indonesia đâm nhau sớm hôm 19/11.

Truyền thông dẫn lời các nhân chứng cho biết chiếc tàu của Indonesia bị lật sau khi bị tàu hàng Việt Nam đâm từ phía sau.

Tàu chở bột sắn của Việt Nam đã được đưa về một thị trấn của Indonesia để điều tra.

Tất cả các nạn nhân là từ tàu của Indonesia. 12 người đã được cứu và được đưa tới bệnh viện để khám.

AP dẫn cơ quan cứu hộ quốc gia Indonesia cho biết rằng chiều hôm 20/11, họ đã phát hiện 3 thi thể ở đuôi tàu gặp nạn.

Cuộc tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được tiến hành với sự hỗ trợ của hai tàu chiến của Indonesia.

AP đưa tin, tai nạn đường biển thường xảy ra ở Indonesia, quốc đảo lớn nhất thế giới, nơi tàu bè là hình thức đi lại rẻ tiền được nhiều người ưa chuộng.

http://www.voatiengviet.com/a/tau-viet-nam-va-indonesia-dam-nhau-lam-3-nguoi-chet-va-hon-10-nguoi-mat-tich/3604555.html

 

Việt Nam phạt hàng chục báo vì đưa tin sai về nước mắm

An Tôn – VOA

Ông Nguyễn Thái Thiên, Cục phó Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, xác nhận với VOA rằng hôm 21/11 bộ đã phạt hành chính 50 cơ quan báo chí vì “đăng thông tin sai sự thật” về nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Theo trang web của bộ, báo Thanh Niên, một trong số vài báo in lớn nhất Việt Nam, bị phạt 200 triệu đồng (gần 9.000 đôla), mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Hơn 40 cơ quan báo chí khác chịu các mức phạt nhẹ hơn.

Vụ việc bắt đầu xảy ra từ ngày 12/10 khi Thanh Niên đăng một bài cảnh báo về mức độ arsen – còn gọi là thạch tín – trong nước mắm.

Sau đó ít ngày, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai, với kết luận là đến 2/3 trong số các mẫu “không đạt quy định theo quy chuẩn của Bộ Y tế”.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng những thông tin do Vinastas công bố, báo Thanh Niên đăng tải là “mập mờ, không giải thích giữa hai loại arsen hữu cơ và arsen vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại”.

Bộ Y tế Việt Nam chỉ quy định giới hạn đối với arsen vô cơ, còn arsen hữu cơ không quy định giới hạn. Loại arsen có trong nước mắm truyền thống là arsen hữu cơ.

Từ ngày 12 đến 23/10, thông tin mập mờ về nước mắm truyền thống có thể không tốt cho sức khỏe đã lan truyền trên hàng chục tờ báo khác cũng như trên mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các bài viết không rõ ràng, thậm chí có bài sai sự thật đã dẫn đến hậu quả là “làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người dùng tẩy chay; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống càng khó khăn hơn, nhất là vừa mới chịu hậu quả của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người tiêu dùng và việc sản xuất nước mắm truyền thống bao đời nay của người Việt Nam cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế”.

Bộ cho hay báo Thanh Niên bị phạt mức cao nhất vì đã đăng “thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia”. Các cơ quan báo chí khác bị xử phạt các mức thấp hơn vì đã đăng thông tin sai sự thật “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cục phó Cục Báo chí của bộ, ông Nguyễn Thái Thiên nói thêm với VOA về sự cần thiết phải phạt các báo. Ông cũng giải thích vì sao bộ phải mất một vài ngày mới có phản ứng về vụ việc:

“Về mặt nghiệp vụ, các báo chí thông tin về những chuyện đấy là không trung thực, thông tin sai sự thật. Đấy là sai phạm cả về nghiệp vụ, sai phạm cả về đạo đức của nghề báo. Chúng tôi xem xét rất thận trọng những thông tin như thế này, làm thế nào để xử lý đúng, không gây oan sai. Cho nên đó là khoảng thời gian cần thiết để xác minh thông tin của báo chí đúng sự thật hay không. Tôi cho rằng rất khó để tìm lý do nào đấy để cảm thông và chia sẻ với báo chí trong trường hợp này, bởi vì báo chí đưa thông tin mà không thẩm định thông tin, không biết cái nguồn thông tin đấy là đúng hay sai, và không lường trước được hệ quả xấu của việc thông tin sai sự thật”.

Sau khi bộ ra quyết định phạt này, nhiều nhà báo và người dân đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ ủng hộ bộ.

Ông Thiên cũng cho VOA biết rằng “các cơ quan chức năng sẽ điều tra thêm” đối với những cáo buộc là có những cơ quan báo chí đăng tin sai, gây bất lợi cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống, vì các cơ quan báo chí đó có liên quan đến lợi ích nhóm.

http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-phat-hang-chuc-bao-vi-dua-tin-sai-ve-nuoc-mam/3605437.html

 

Việt Nam tìm con đường thay thế hiệp định TPP

Thanh Phương

Sau hơn 5 năm thương lượng gay go, đến tháng 10/2015, hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được ký kết. Mục tiêu của hiệp định này cũng chính nhằm tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh châu Á, trước đà lớn mạnh của Trung Quốc.

Thế nhưng, ngày 11/11/2016, chính quyền Obama thông báo đình chỉ mọi thủ tục để hiệp định TPP được thông qua ở Quốc hội Mỹ, tuyên bố rằng số phận của hiệp định này sẽ do tổng thống tân cử Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa, chiếm đa số ở Quốc Hội lưỡng viện, quyết định.

Quyết định nói trên của tổng thống Obama gần như đã “khai tử” hiệp định tự do mậu dịch với châu Á. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump đã nhấn mạnh lập trường chống TPP, xem hiệp định này là một “thảm họa” với Hoa Kỳ, vì nó sẽ làm người dân Mỹ mất thêm nhiều việc làm. Cho nên, hầu như không còn khả năng TTP “thoát chết” với chính quyền Trump.

Theo quy định của TPP, hiệp định này chỉ có thể có hiệu lực nếu có sự tham gia của Hoa Kỳ, bởi vì nền kinh tế nước này chiếm đến 2/3 tổng GDP của 12 nước thành viên.

Đây sẽ là một vố rất đau đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, vì Hà Nội đã trông chờ rất nhiều vào TPP, để một mặt đẩy nhanh hội nhập kinh tế thế giới và mặt khác thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Có thể nói TPP là một bước rất quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước cựu thù, Việt Nam và Mỹ, trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung vẫn không êm xuôi do căng thẳng trên vấn đề Biển Đông.

Thật ra thì từ mấy tháng qua, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chuẩn bị cho khả năng TPP chết yểu, bởi vì ngay cả ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton cũng đã tỏ lập trường chống hiệp định này. Tuy không chủ trương hủy bỏ TPP, nhưng bà yêu cầu thương lượng lại hiệp định này, một điều mà chắc chắn là các quốc gia khác sẽ không chấp nhận.

Sau khi tổng thống Obama thông báo tạm dừng thủ tục trình TPP ra Quốc Hội mãn nhiệm, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 17/11/2016, đã thông báo là Việt Nam cũng chưa đưa hiệp định này ra Quốc Hội. Nhưng ông Phúc coi như ghi nhận khả năng hiệp định TPP bị “xóa sổ”, khi tuyên bố, dù tham gia TPP hay không thì Việt Nam “vẫn tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới”. Thủ tướng Việt Nam còn nói rằng dù sao quan hệ giữa Hà Nội với Washington sẽ vẫn rất vững chắc, nhưng ông nhấn mạnh đến chính sách của Việt Nam là đa phương và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, xem tất cả các nước đều là bạn.

Nhưng Việt Nam nên chọn con đường nào để thay thế cho TPP? Và việc TPP bị “khai tử” có ảnh hưởng gì đến quyết tâm cải cách của Việt Nam? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161121-viet-nam-tim-con-duong-thay-the-tpp

 

Bắt chước Trump,

Campuchia muốn xây tường ngăn dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập, ông Kem Sokha, hôm Chủ nhật nói rằng chính sách của đảng này sẽ tương tự như của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới dài 1.228 km giữa Campuchia và Việt Nam sẽ chỉ thực hiện được nếu quốc gia này có đủ khả năng chi trả.

Trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xây một bức tường lớn và đẹp dọc theo biên giới Mỹ – Mexico để ngăn người Mexico nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ và ông sẽ bắt chính phủ Mexico phải trả chi phí cho việc xây bức tường này.

Phát biểu tại trụ sở chính của CNRP, lãnh đạo đối lập Campuchia nói chính quyền của đảng CNRP cam kết sẽ bảo vệ biên giới nếu giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tới, nhưng thừa nhận rằng Campuchia không có đủ khả năng chi trả cho một bức tường kiểu Trump dọc theo biên giới với Việt Nam.

“Chúng ta không có tiền để xây một bức tường giống như ông Trump. Chúng ta không có tiền nhiều như Mỹ. Chúng ta không có tiền để xây một bức tường tại biên giới”.

Lãnh đạo đối lập nói ông không chắc Việt Nam có chịu trả tiền cho kế hoạch xây một bức tường kiểu Trump hay không, nên chính quyền của đảng CNRP thay vào đó sẽ tập trung vào việc phát triển biên giới.

Ông Sokha nói: “Chúng ta phải phát triển biên giới bằng cách đem nhiều người dân tới sống dọc theo biên giới. Thứ nhất, phải xây dựng các tuyến đường biên giới dọc theo biên giới. Thứ hai, [phải xây dựng] chợ búa, chùa chiền, công ăn việc làm, nhà máy và phát triển nông nghiệp”.

Trong những năm qua, chính phủ Campuchia đã nỗ lực kiểm soát chặt chẽ vấn đề người Việt nhập cư vào Campuchia mà nước này cho là bất hợp pháp. Chính quyền ở Phnom Penh đã trục xuất hàng ngàn người Việt và cấm người dân dọc biên giới Campuchia cho người Việt thuê đất để canh tác.

http://www.voatiengviet.com/a/bat-chuoc-trump-campuchia-muon-xay-tuong-ngan-dan-viet-nam/3605420.html

 

Người gốc Việt hy vọng ông Trump cải thiện kinh tế

Elizabeth Lee

LOS ANGELES —

Theo cuộc khảo sát trước bầu cử 2016 trên toàn quốc với người Mỹ gốc Á, nhiều người gốc Á đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton hơn cho ông Donald Trump. Tuy nhiên, trong cộng đồng hoạt động chính trị mạnh như người Việt, vẫn nhiều người theo đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ông Trump.

Ông Leslie Lê và những người khác ở khu “Little Saigon” – California, cũng giống những người theo Đảng Cộng hòa lâu năm trong cộng đồng người Việt. Họ miễn cưỡng ủng hộ ông Trump, và ông Lê cho biết ông không kỳ vọng nhiều vào ông Trump.

Ông nói: “Tôi bỏ phiếu cho ông ấy không phải vì tôi ngưỡng mộ ông ấy, cũng không phải vì tôi chấp nhận ông ấy như một ứng viên rất có khả năng cho vị trí tổng thống, mà vì tôi không thích bà Hillary Clinton”.

Trong khi đó, những người Việt theo Đảng Cộng hòa khác có hy vọng nhiều hơn vào đội ngũ cố vấn của ông Trump trong tương lai. Bà Ái Châu Cao Xuân là một trong những người như vậy. Bà nói: “Các nhân viên và cố vấn của ông ấy sẽ giúp đỡ. Vì vậy, vào phút chót, tôi đã bỏ phiếu cho ông ấy”.

Nhiều người Mỹ gốc Việt đến Mỹ tị nạn sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975 đã bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa khi họ trở thành công dân Mỹ, bởi vì họ tin rằng đảng này sẽ đối đầu với chủ nghĩa cộng sản.

Đức tin là một lý do khác khiến một số người gốc Việt bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Ông Long Phạm cho biết: “Tôi theo Đảng Cộng hòa vì tôi không ủng hộ việc phá thai”.

Không giống như một số người ủng hộ miễn cưỡng Trump, ông Mike Nguyễn tin tưởng vào chương trình nghị sự mà ông Trump phác thảo, bao gồm cả việc lựa chọn một người bảo thủ cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao mà ông Nguyễn hy vọng sẽ thay đổi các vấn đề xã hội nhất định.

Ông nói: “Ví dụ như gia đình, hôn nhân. Thời gian trước, hôn nhân là kết hôn giữa nam giới và phụ nữ. Tôi không phân biệt đối xử với người đồng tính, nhưng họ có một kiểu gắn bó khác”.

Ông Nguyễn cũng hy vọng nền kinh tế Mỹ cải thiện dưới sự lãnh đạo của ông Trump: “Giống như bất cứ cử tri khác, tôi kỳ vọng rất nhiều… Tôi muốn mang việc làm trở lại cho người Mỹ”.

Về vấn đề đối ngoại của ông Trump, ông Lê cho biết ông thích lập trường cứng rắn của ông Trump về Trung Quốc mà có thể có lợi cho Việt Nam.

Ông nói: “Tôi thích ý tưởng rằng ông Donald Trump sẽ coi Trung Quốc là kẻ thù… Đưa Việt Nam trở lại vị trí đồng minh của Hoa Kỳ, và tôi muốn thấy ông Trump tiếp tục chính sách đó. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc”.

Không chú tâm nhiều về những gì ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, nhiều người Việt biết ông Trump cũng có các hạn chế và sẽ phải thỏa hiệp.

Ông Long Phạm nói: “Chúng ta có Quốc hội, chúng ta có Tòa án Tối cao. Không giống như những nước thứ ba nơi chúng ta có một ông vua mới và ông vua đó có thể thay đổi mọi thứ. Tôi sẽ dành cho ông ấy ít nhất hai năm. 100 ngày đầu tiên có thể là hơi nhanh”.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-goc-viet-hy-vong-ong-trump-cai-thien-kinh-te/3604498.html

 

Đức Giáo hoàng sẽ tiếp Chủ tịch Việt Nam

tại Vatican vào ngày 23/11

Đức Giáo hoàng Phan Xi Cô sẽ tiếp kiến Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và phu nhân vào ngày 23/11 tại Tòa thánh Vatican.

Trang tin Vietcatholic News trích các nguồn tin thân cận Tòa Thánh xác nhận tin này.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Trước đó vào ngày 11/12/2009, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam cũng đã được Đức Giáo hoàng Benedictô 16 tiếp kiến.

Các Đức Giáo Hoàng của giáo hội Công giáo La Mã đã lần lượt tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013 và vào năm 2014 là ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Vào tháng 10 vừa qua Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa thánh Vatican tiến hành cuộc hop lần thứ 6 ở Vatican. Nội dung cuộc họp được nói bàn về quan hệ giữa hai phía và các vấn đề liên quan đến giáo hội Công giáo Việt Nam với chừng 6 triệu tín hữu trên cả nước.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/pope-francis-to-meet-vn-president-tran-dai-quang-11212016095437.html

Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng Việt – Úc tại Hà Nội

Tại phiên họp Đối thoại chiến lược ngoại giao – quốc phòng Việt Nam và Australia diễn ra hôm nay 21/11/2016 tại Hà Nội, hai phía Việt Nam và Australia  bày tỏ quan ngại trước những điểm nóng, thách thức gay gắt về an ninh đang nổi lên trong khu vực.

Tham dự cuộc họp, đại diện Việt Nam gồm Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trương Ngoại giao Đặng Đình Quý. Phía Australia gồm Thứ trưởng Quốc phòng Rebecca Skinner, Thứ trưởng Ngoại giao Gary Quinlan.

Theo tin từ Hà Nội, Hai phía Việt Nam và Australia đề cao tầm quan trọng về việc bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và nhấn nhấn mạnh việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong  đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Hai phía Việt Nam và Australia cũng đồng thuận củng cố quan hệ đối tác toàn diện, đẩy mạnh phối hợp, hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại đầu tư cũng như một số lĩnh vực khác.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-australia-strategic-dialogue-11212016093734.html