Tin Việt Nam – 21/07/2018
Nhà nước nên xem lại việc đình bản Tuổi Trẻ Online
BBC Tiếng Việt xin gửi tới quý vị bài đã đăng trên Facebook cá nhân của ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, với sự đồng ý của tác giả.
Tôi thấy việc đình bản Tuổi Trẻ Online không phải là lựa chọn hợp lý.
Tuổi trẻ là một tờ báo có nhiều bạn đọc hàng đầu Việt Nam.Nó vừa là một trong những tờ báo đổi mới và có ý thức thúc đẩy đổi mới xã hội.
Tuổi Trẻ và Thanh Niên lại là những tờ báo vẫn nằm trong phạm vi được Nhà nước quản lý và nó cũng đã làm được rất nhiều điều có lợi cho cả Nhà nước và xã hội do lượng người đọc rất lớn từ các tờ báo này tạo ra.
Vì sao Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng?
Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online
Thảo luận trực tuyến về vụ đình bản Tuổi Trẻ Online
Giả sử không có nhiều tờ báo như vậy đi đầu và thúc đẩy đổi mới, thì giờ đây tình trạng xã hội và đất nước sẽ ra sao? Nạn tham nhũng ở ta như một đại dịch đã làm mất cả lòng tin trong quần chúng. Và chính Đảng cầm quyền đã kêu gọi báo chí phải tích cực tham gia loại trừ đại dịch này. Và liệu nếu không có những tờ báo đi đầu và dám bứt phá như vậy, thì liệu lời kêu gọi chống tham nhũng có bị rơi vào khoảng không hay không?
Tôi nghĩ, tốt nhất là những người có trách nhiệm trong quản lý báo chí phải cân nhắc lại việc đình bản báo Tuổi Trẻ online.
Việc đình bản một tờ báo có uy tín như Tuổi Trẻ, nó sẽ làm cho một tờ báo tự nuôi sống mình bằng tiền của bạn đọc sẽ bị đẩy vào thế khó khăn về kinh tế và làm cho Nhà nước bị mang tiếng là không tạo ra môi trường cho tự do báo chí.Nguyễn Công Khế, Cựu Tổng biên tập Báo Thanh Niên
Việc đình bản một tờ báo có uy tín như Tuổi Trẻ, nó sẽ làm cho một tờ báo tự nuôi sống mình bằng tiền của bạn đọc sẽ bị đẩy vào thế khó khăn về kinh tế và làm cho Nhà nước bị mang tiếng là không tạo ra môi trường cho tự do báo chí.
Về phát biểu của chủ tịch Trần Đại Quang trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây được Tuổi Trẻ dẫn lại, cho rằng Chủ tịch Nước đã đồng tình về chuyện phải có luật biểu tình là không chính xác. Nếu đúng như vậy, thì trách nhiệm thuộc về cá nhân thông tin sai sự thật, chứ không phải cả tờ báo phải gánh chịu bằng hình thức đình bản.
Văn phòng Chủ tịch nước hoặc chính chủ tịch Trần Đại Quang có văn bản lên tiếng phủ nhận thông tin sai sự thật đó và buộc Ban biên tập báo Tuổi Trẻ phải công khai đính chính và xin lỗi theo hướng giải quyết của tinh thần Luật dân sự và Luật báo chí, hoặc Văn phòng chủ tịch nước có thể khởi kiện báo Tuổi Trẻ ra Toà án dân sự.
Việc đình bản một tờ báo dù thời gian ngắn hay dài cũng không phải là giải pháp tốt về chính trị và thúc đẩy một xã hội có thêm lòng tin vào chính quyền.
Dư luận và trên mạng xã hội đang đồn đoán rằng do báo Tuổi Trẻ viết nhiều bài về vụ AVG liên quan đến bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho nên việc đình bản tờ báo được cho là xuất phát từ Bộ trưởng. Lời đồn đoán này không có lợi gì cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, dù lời đồn đại đó, có cơ sở hay không có. Tôi thì không tin vào tin đồn đó nhiều lắm.
Các cơ quan có thẩm quyền nên xem lại việc đình bản tờ Tuổi Trẻ online, và nên tìm một hướng giải quyết khác tốt hơn cho một xã hội cần hướng đến một Nhà nước Pháp quyền.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44910476
Việt Nam phản ứng trước lời kêu gọi
chống Luật An ninh mạng của 17 nghị sĩ Mỹ
Ngày 20/7, bà Lê Thị Thu Hằng – Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời về phản ứng của Việt Nam trước lời kêu gọi của 17 nghị sĩ Mỹ với các giám đốc điều hành của Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mới được thông qua của Việt Nam.
Theo đó, bà không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà cho rằng:
“Việc thông qua Luật An ninh mạng là nhằm tạo dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội.”
Bà cho biết thêm: “Đồng thời, việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng các quyền đó để có các hành vi vi phạm pháp luật.”
Trước đó, vào ngày 17/7 Reuters loan tin cho biết 17 nhà lập pháp Mỹ đã ký thư kêu gọi giới chức điều hành cấp cao của 2 công ty Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6. Những thay đổi được qui định trong luật này bị giới chỉ trích nói là tạo thêm quyền để nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đàn áp đối lập.
“Nếu chính phủ Việt Nam ép buộc công ty của các bạn hỗ trợ việc cung cấp và kiểm duyệt, thì đây là một vấn đề đáng lo ngại cần phải được nêu ra ở mức cao nhất của ngoại giao. Chúng tôi đề nghị các bạn nên thực thi đúng nhiệm vụ các bạn đã cam kết là thúc đẩy sự cởi mở và kết nối”, lá thư đề ngày 12/7 nêu rõ.
Ngoài ra, vào ngày 17/7, ba Thượng nghị sĩ Mỹ khác đã gửi thư đến quan chức điều hành của Facebook và Google kêu gọi bất tuân luật An ninh mạng của Việt Nam. Thư do ba Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Robert Menendez và Ron Wyden cùng ký tên. Các nghị sĩ cho rằng luật mới sẽ cho phép cơ quan chức năng Việt Nam tiếp cận thông tin cá nhân, theo dõi người sử dụng, giới hạn thêm nữa các quyền tự do hạn chế trên mạng ở Việt Nam bao gồm quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận.
‘Đất nước lâm nguy’:
cảnh báo nêu ra với chủ tịch nước
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tiếp tục lên tiếng về hiện tình đất nước thông qua bức thư gửi đến Chủ Tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do, có cuộc phỏng vấn trực tiếp với Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh về việc này.
Nguyễn Tuấn: Thưa Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, vào ngày 14 tháng 7 vừa qua, Đức Giám mục có bức thư gửi cho chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang với cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’. Đức Giám mục nêu lên những thực tế để chứng minh cho những cảnh báo đó. Vậy Đức Giám mục ghi nhận những thực tế đó từ đâu?
Đ.G.M Hoàng Đức Oanh: Thưa ông, vấn đề là như thế này ở trong nước cũng như ở ngoài nước, khắp mọi nơi người ta nói đất nước lâm nguy và trong đất nước ông đã thấy cái bản đồ mà tôi đã dẫn chứng và thực tế cái bản đồ đó đã chứng minh khắp các tỉnh thành đều có các đặc khu, những người tàu đã thuê như Formosa, như Bauxite Tây Nguyên…Các tỉnh nào cũng có bây giờ thêm ba đặc khu với ba điểm chiến lược như thế và thiên hạ đã thấy tàu đỏ đã chiếm Biển đông cũng như là chiếm Hoàng Sa, Trường Sa vậy, thì đã rõ ràng. Hiện nay trên thế giới cũng đã lên tiếng và chính người tàu đỏ đã xác định nhiều lần trên đài, trên báo chí về chuyện vào năm 1958, ông Phạm Văn Đồng thủ tướng nước Cộng Sản miền Bắc đã ký hiệp ước trao Hoàng Sa, Trường Sa cho Tàu đỏ. Cũng như năm 1974 khi Tàu chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa thì chính quyền miền Bắc không hề phản đối, rồi năm 1990 ông Nguyễn Văn Linh đã ký hiệp mật ước Thành Đô và người Tàu Cộng Sản đã công khai xác định rõ. Trong khi đó, những vấn đề lớn như vậy mà bên chính quyền Cộng Sản Việt Nam không hề cải chính không hề nói năng gì trong khi dân chúng hoang mang và thế giới hoang mang lại càng xác tín hơn nữa.
Nguyễn Tuấn: Đây là bức thư thứ hai mà Đức giám mục gửi đến cho lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Trên thực tế cho thấy lâu nay giới nhân sĩ- trí thức Việt Nam có những kiến nghị, tâm thư gửi đến các cấp cao nhất ở Việt Nam rồi; nhưng không hề được phản hồi. Ngay cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng có những thư gửi cho lãnh đạo trong nước và dường như cũng bị rơi vào quên lãng. Vậy tại sao Đức Giám mục vẫn làm việc này?
Đ.G.M Hoàng Đức Oanh: Thứ nhất là tôi ý thức được là quyền công dân của tôi với ý thức đầy đủ yêu nước tôi phải lên tiếng khi đất nước lâm nguy. Thứ hai tôi lên tiếng vì hy vọng rằng mặc dù ông Chủ tịch không trả lời nhưng tôi hy vọng rằng qua tiếng nói đó thì dân chúng cũng như là cán bộ sẽ đọc và tới tai ông. Đồng thời qua đó thì tôi nghĩ rằng lay tỉnh được rất nhiều người đảng viên cộng sản cũng như dân chúng để mọi người thấy đất nước lâm nguy, thấy trách nhiệm của mình và có gợi ý cho mọi người có thể phản ứng thích hợp cho hiện tình đất nước.
Nguyễn Tuấn: Dạ vâng, trong lá thư gửi ông Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Đức Giám mục có nêu ra kỳ vọng đất nước Việt Nam đang cần một nhân vật tầm cỡ như Thánh Mahatma Gandhi của Ấn Độ hay Mikhail Gorbachev của Nga… Vậy kỳ vọng như thế có là điều không tưởng vì một nhân cách quá lớn có những quyết định sáng suốt cho dân, cho nước như thế phải có bề dày về giáo dục, tu dưỡng hay không thưa Đức Giám mục ?
Đ.G.M Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ rằng ở đời có hai điều, thứ nhất là anh hùng tạo thời thế và thứ hai thời thế tạo anh hùng. Tôi nghĩ rằng cả hai trường hợp có thể có những nhân vật mà thời thế có thể tạo nên những con người vĩ nhân có thể đóng góp giải quyết những vấn đề của đất nước này.
Nguyễn Tuấn: Ngoài đề nghị người cầm đầu đất nước bẻ lái, Đức Giám mục còn có hiến kế gì khác cho những vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Họ là những người có tiếng nói đối với tín hữu cùng chung niềm tin hay không, thưa Đức Giám mục?
Đ.G.M Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ rằng các vị lãnh đạo các tôn giáo có nhiệm vụ lên tiếng thích hợp cho tình hình đất nước này và các vị đó đều có ý thức và cách của các vị nhưng mà hiện nay tôi nghĩ rằng lời Giám Mục Desmond Tutu của Zimbabwe đã nói trong cái trường hợp mà áp bức như thế này. Một bên là áp bức một bên là bị áp bức thì tất cả những người mà im hơi lặng tiếng mà không lên tiếng thì vùi chung đứng về phía áp bức dân nghèo. Đó là lập trường mà tôi đồng ý với Tổng Giám mục Zimbabwe.
Nguyễn Tuấn: Đức Giám mục có được sự chia sẻ nào của những người thân quen khi gióng lên hồi chuông cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’ như trong thư gửi chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hay không thưa Đức Giám mục?
Đ.G.M Hoàng Đức Oanh: Tôi đã nhận được rất nhiều điện thoại, cũng như tin nhắn và đọc trên các bài bình luận của các chuyên gia. Mọi người chia sẻ khi đọc bức thư của tôi thì tuyệt đa số là khích lệ tôi và đồng ý với tôi là nhận xét rằng tôi nói rất đúng và hoàn toàn có cơ sở.
Nguyễn Tuấn: Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do cùng Nguyễn Tuấn xin cảm tạ Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã dành cho cuộc phỏng vấn này.
Đ.G.M Hoàng Đức Oanh: Cảm ơn ông, cảm ơn quý đài xin cầu chúc mọi người ý thức và cầu nguyện ơn trên cho đất nước Việt Nam chúng ta. Cảm ơn quý vị.
Phong toả tài sản 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng
liên quan vụ án Vũ ‘nhôm’
Mạng báo Zing hôm 21/7 trích nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cho biết công an đã có văn bản yêu cầu thành phố Đà Nẵng phong toả tài sản của hai cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố hiện đang bị khởi tố là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến.
Ông Trần Văn Minh là Chủ tịch Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2011. Ông Trần Văn Minh bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 17/4 vừa qua với cáo buộc ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Văn Hữu Chiến là Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2014. Ông này bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú hôm 17/4 vừa qua để với cùng cáo buộc giống như của ông Trần Văn Minh.
Trong cùng ngày 17/4/2018, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với 3 các quan chức Đà Nẵng khác với các cáo buộc liên quan đến những sai phạm trong quản lý đấ đai.
Những quan chức bị khởi tố đều có liên quan đến vụ án của ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, đồng thời là một sĩ quan công an. Ông này bị bắt giam và khởi tố với các tội bao gồm ‘cố ý làm lộ bí mật quốc gia’, trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 200 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.
Vũ ‘nhôm’ cũng là người sở hữu nhiều khu đất ‘vàng’ tại thành phố Đà Nẵng.
Theo Zing, Vũ ‘nhôm’ sẽ ra toà xử kín vào ngày 30/7 tới đây cùng với hai đồng phạm khác liên quan đến cáo buộc ‘làm lộ bí mật nhà nước’.
Cùng bị khởi tố và bắt giam vào ngày 14/7 vừa qua còn có ông Phan Hữu Tuấn, 63 tuổi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục tình báo Bộ Công An và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công An, 55 tuổi. Hai người này bị khởi tố vì tội ‘làm lộ bí mật nhà nước’.
3 công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam
bị tố ăn chia với đường dây đánh bạc
Ba công ty viễn thông lớn nhất của Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone bị công an tỉnh Phú Thọ đề nghị nộp lại 370 tỉ đồng thu lợi bất chính từ đường dây đánh bạc được các tướng công an bảo kê.
Theo báo Pháp Luật Online hôm Thứ Bảy 21/07, các công ty này đã hưởng lợi trong gần 10,000 tỉ đồng được ước lượng đã đi qua đường dây đánh bạc trên mạng do hai nghi can Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Cuộc điều tra đang tiếp diễn của công an Phú Thọ xác định, tổng số tiền các công ty viễn thông được đường dây đánh bạc chia phần là hơn 1,200 tỉ đồng, trong đó Viettel được hơn 900 tỉ đồng, VinaPhone gần 150 tỉ đồng, MobiFone hơn 170 tỉ đồng. Đây là số tiền các công ty viễn thông được chia phần nhờ các dịch vụ thanh toán cho các trang mạng cờ bạc RikVip và Tip.Club.
Theo công an Phú Thọ, việc tiếp tay cho đường dây cờ bạc hoạt động đã khiến ba công ty viễn thông vi phạm một số điều của luật viễn thông. Sau khi trừ đi các khoản thuế đã nộp cho nhà nước và chi phí cho các đại lý phân phối thẻ cào, ba công ty viễn thông bị đề nghị nộp lại khoảng 370 tỉ đồng thu lợi bất chính. Viettel phải nộp lại 270 tỉ đồng, VinaPhone hơn 60 tỉ đồng, và MobiFone hơn 38 tỉ đồng.
Công an Phú Thọ cũng đã xác định gần 40 giới chức và nhân viên của ba công ty viễn thông có liên quan đến đường dây đánh bạc. Họ sẽ tiếp tục điều tra và có thể truy tố những người này.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/3-cong-ty-vien-thong-lon-nhat-viet-nam-bi-to-an-chia-voi-duong-day-danh-bac/