Tin Việt Nam – 21/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/06/2018

Rau quả của Việt Nam

chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 75% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 tháng đầu năm nay.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính cho biết từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,83 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Các thị trường xuất khẩu chính được nói đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc với 1,2 tỷ USD; thứ hai là Mỹ với 50,9 triệu USD. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan kim ngạch cũng tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết việc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc có lợi thế vì vị trí địa lý, tập quán, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, các yêu cầu về chất lượng hàng hóa tại Trung Quốc cũng đang tăng và là xu hướng chung của thế giới.

Bộ Công thương nhấn mạnh, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải chú trọng tới việc tìm hiểu vụ mùa tại Trung Quốc để trồng các loại rau quả phù hợp và không trùng vụ mùa của họ để tránh trường hợp ‘được mùa mất giá.’

Lâu nay từng xảy ra tình trạng mặt hàng rau quả của Việt Nam phải đổ bỏ tại các cửa khẩu sang Trung Quốc khi đột ngột bị ngưng nhập. Bên cạnh đó là việc thương lái Trung Quốc có những đợt thu mua những mặt hàng bị cho là bất thường như gần đây là rễ tiêu, hay trước đây là móng trâu bò, đĩa… Rồi việc đặt hàng ồ ạt nhưng ngưng thu mua đột ngột làm nhiều nông dân Việt Nam điêu đứng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnams-vegetables-mainly-exported-to-china-06212018101356.html

 

Các viên chức Việt Nam hai quốc tịch,

có còn ai nữa không?

Kính Hòa RFA

Thêm một viên chức cao cấp của nhà nước Việt Nam bị cáo buộc có hai quốc tịch trong khi luật pháp của Việt Nam chỉ công nhận có một quốc tịch. Đó là ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội Việt Nam, tỉnh Thái Bình, được cho là có quốc tịch Ba Lan cũng như làm ăn sinh sống tại quốc gia Đông Âu này.

Hai đại biểu Quốc hội

Thông tin về việc ông Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch được tờ báo tiếng Việt ở Ba Lan, Đàn Chim Việt đưa ra vào ngày 17/6/2018, sau khi nhiều người Việt ở đây biểu tình trước ngôi nhà của ông Thân ở thủ đô Warsaw, với lý do là ông Thân là người ủng hộ mạnh mẽ dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm.

Báo Đàn Chim Việt trích dẫn một nguồn tin cho rằng ông Thân có quốc tịch Ba Lan vào cuối năm 2014 trước khi ông trở thành đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện hành. Báo Đàn Chim Việt cũng nói rằng ông Nguyễn Văn Thân, một trong vài ngàn người Việt đi du học hoặc hợp tác lao động ở Ba Lan thời kỳ chế độ cộng sản còn cai trị đất nước này, và khi chế độ này sụp đổ, ông Thân đã nắm được cơ hội buôn bán giữa Việt nam và Đông Âu, rồi trở nên giàu có, sau đó trở về Việt Nam làm ăn từ rất sớm.

Theo những thông tin chính thức từ phía nhà nước Việt Nam thì ông Nguyễn Văn Thân năm nay 63 tuổi, cư trú tại Hà Nội, có bằng Tiến sĩ khoa học tự nhiên, và được “Trung ương” đề cử ra ứng cử đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình. Trong những thông tin chính thức này không có chi tiết nào cho biết ông là một người đang sinh sinh sống và làm ăn ở nước ngoài cả.

Điều đặc biệt trong hệ thống của Việt Nam là có những ứng cử viên gọi là được “Trung ương” giới thiệu, như trường hợp ông Nguyễn Văn Thân. Điều này được giải thích là để thực hiện tính dân chủ tập trung. Thậm chí có những người không hề có quê quán, cũng như cư trú tại địa phương mà họ đại diện, như trường hợp ông Đinh Thế Huynh, một viên chức cao cấp của Đảng Cộng sản, là đại diện cho thành phố Đà Nẵng mặt dù không có gì liên quan đến thành phố này cả.

Trong nhiều lần hỏi ý kiến các cử tri tại Việt Nam về việc bầu cử, đa số họ không quan tâm ứng cử viên là ai, lý lịch ra sao, có thành tích gì, và chuyện đi bầu cử hộ cũng không phải là hiếm.

Một người Việt đang sống tại Ba Lan là bà Tôn Vân Anh xác nhận với chúng tôi những thông tin mà báo Đàn Chim Việt đã loan tải, bà nói thêm với chúng tôi về ông Nguyễn Văn Thân, quan hệ của ông với người Việt tại Ba Lan:

Theo một số thông tin riêng, và theo bình luận của một số người có quen ông ta thì ông ấy là một người mà nói nặng thì là trơ trẽn, còn nói nhẹ thì là quá là tự tin, về cái địa vị của ông ấy, là một người kinh doanh thành đạt và là một chính trị gia.”

Không thấy Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cũng như cá nhân ông Nguyễn Văn Thân lên tiếng bình luận về những thông tin về ông. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gọi điện thoại đến ông Thân nhưng không có người bắt máy.

Nếu thông tin về quốc tịch Ba Lan của ông Nguyễn Văn Thân là đúng thì đây là trường hợp thứ hai một thành viên Quốc hội Việt Nam có hai quốc tịch mà không khai báo. Trường hợp thứ nhất là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một doanh nhân, và đại biểu quốc hội Hà Nội bị bãi chức vào năm 2017, vì có quốc tịch Malta, một đảo quốc nhỏ ở châu Âu.

Từ quan hệ làm ăn kinh doanh với Đảng Cộng sản, họ còn góp mặt cho một màn diễn về sự cởi mở của Đảng Cộng sản.

-Bà Tôn Vân Anh.

Khi bà Nguyệt Hường bị bãi chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho báo chí trong nước biết rằng Việt Nam chỉ công nhận có một quốc tịch, việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ, trong đó chủ yếu là áp dụng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.

Còn có ai khác không?

Như vậy có các câu hỏi được đặt ra là liệu những trường hợp đặc biệt có nhiều quốc tịch theo luật Việt Nam có được phép trở thành đại biểu quốc hội hay không? Và trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Văn Thân là như thế nào?

Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Việt Nam, Tòa Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan để tìm câu trả lời nhưng không liên lạc được.

Chúng tôi có liên lạc được với ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông nói rằng ông không biết gì vì ông đã về hưu (?)

Trở lại câu chuyện ông Nguyễn Văn Thân và tư cách doanh nhân quốc tịch Ba Lan của ông, thì theo nhà quan sát Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn, thì những người Việt sống ở nước ngoài có gốc gác tương tự ông Thân, tức là học hành là làm ăn ở Đông Âu thời cộng sản, về Việt Nam làm ăn nhiều hơn người Việt ở các quốc gia khác, và điều đặc biệt là còn tham gia chính trị nữa.

“Từ trong nước ra đi thì có nhiều người trong số đó đã làm trong nhà nước, rồi sau đó rời nhà nước ra đi nước ngoài lao động hoặc làm ăn. Và đặc biệt đa phần những người đó gốc miền Bắc chứ không phải miền Trung hay miền Nam, họ rành hệ thống hành chính cũng như sự đi đêm trong hệ thống chính quyền. Khi họ về Việt Nam thì họ móc ráp với các quan chức Việt Nam để làm ăn.”

Hiện nay tại Berlin đang diễn ra một phiên tòa xử vụ án công an Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vào năm 2017. Tại phiên tòa này, các nhân chứng đã khai ra một nhân vật được cho là giúp đỡ công an Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc là ông Đào Quốc Oai, một người giàu có sống tại Cộng hòa Séc, và có quan hệ rất thân tình với các giới chức Việt Nam. Ông Oai cũng được cho là có những cơ sở làm ăn rất lớn tại thành phố Hải Phòng.

Bà Tôn Vân Anh nhận xét về sự xuất hiện những nhân vật người Việt sống tại Đông Âu trong chính trường Việt Nam:

Đặc biệt tâm lý của các quan chức sợ bị trả thù rất là phổ biến. Họ sợ Việt Nam biến loạn.
-Ông Phạm Chí Dũng.

Từ quan hệ làm ăn kinh doanh với Đảng Cộng sản, họ còn góp mặt cho một màn diễn về sự cởi mở của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản muốn có những Việt kiều có chân trong Quốc hội, để mà thể hiện ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cởi mở với các kiều bào, nhưng hóa ra đó chính là các kiều bào mà họ đào tạo ra.”

Câu chuyện các viên chức Việt Nam có hai quốc tịch đã được đồn đãi từ lâu nay, tuy nhiên trừ trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, thì chưa có một trường hợp nào khác được chính thức xác nhận. Theo ông Phạm Chí Dũng, lý do quan trọng nhất thúc đẩy các viên chức Việt Nam tìm cách có hai quốc tịch là sự an toàn cho bản thân:

Họ sợ môi trường Việt Nam là bất an, mà quả thật môi trường kinh tế xã hội chính trị Việt Nam bây giờ hết sức là bất an, ngày càng bất an. Đặc biệt tâm lý của các quan chức sợ bị trả thù rất là phổ biến. Họ sợ Việt Nam biến loạn, thay đổi chế độ, mà thay đổi chế độ thì họ sẽ bị người dân trả thù.”

Theo ông Dũng, các viên chức Việt Nam có một nhân sinh quan, cách hành xử rất giống các viên chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong việc tìm kiếm một quốc tịch thứ hai, trong việc tìm nơi sinh sống có an sinh xã hội, môi trường trong lành, để có thể bảo đảm số của cải mà họ có được, và tương lai cho con cháu họ.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bi-citizenship-vietnam-officials-06202018122231.html

 

Nỗi lo ‘thuốc kém chất lượng’ tại bệnh viện

Thực trạng thuốc trị bệnh giả, thuốc kém chất lượng tràn lan gây hoang mang cho người tiêu dùng và cả người quản lý bấy lâu nay. Có bệnh nhân đặt niềm tin hoàn toàn vào các loại thuốc được phân phối tại bệnh viện, trong khi đó một số khác lại lo ngại vì hiệu quả của các loại thuốc trong bệnh viện không cao bằng thuốc mua tại nhà thuốc tư nhân. Vấn đề này được các bên trong cuộc và người dân nhìn nhận như thế nào?

Người dân: ‘Không bao giờ mua thuốc trong bệnh viện’

Ngô, một bạn trẻ sinh sống tại Sài Gòn, cho biết trường hợp của bản thân khi cần phải mua thuốc trị bệnh và tình hình liên quan.

Thật ra mình không bao giờ mua thuốc trong bệnh  viện hết, kể cả bệnh viện công và bệnh viện tư. Nếu có bảo hiểm thì mua thuốc ở bệnh viện công rất rẻ. Còn nếu dịch vụ thì mua thuốc lại cực kỳ đắt, gấp ba lần.

Bác sĩ cho đâu thì mình đi mua ở đó. Giờ cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gửi bác sĩ ở đây hết rồi.

-Người dân

Đồng quan điểm với Ngô, một chủ hiệu thuốc tư nhân lớn và lâu năm tại tỉnh Long An, nhấn mạnh giá bán cao là nguyên nhân khiến người tiêu dùng hạn chế mua thuốc ở các bệnh viện, nhưng còn về chất lượng thuốc ra sao thì người dân khó biết.

Người ta nói rằng thường thuốc ở trong bệnh viện mắc hơn ở ngoài nhà thuốc, có sự chênh lệch. Đó là một lý do lớn người ta không mua thuốc ở bệnh viện. Còn tất nhiên có lẽ sau này rộ lên vấn đề là thuốc bệnh viện nhập không có chất lượng, hàng này hàng kia, thì người ta mới có chuyện không mua ở bệnh viện bởi vì không chất lượng thôi.

Trái ngược với quan điểm không mua thuốc trong bệnh viện vì cho rằng giá mắc hơn bên ngoài, nhiều người dân hoàn toàn đặt niềm tin vào thuốc bán tại bệnh viện do bác sĩ kê toa. Bà Nguyễn Thị Tuyết, một bệnh nhân ung thư giai đoạn hai đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh nói:

Bác sĩ cho đâu thì mình đi mua ở đó. Giờ cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gửi bác sĩ ở đây hết rồi.

Chất lượng thuốc trong bệnh viện ra sao?

Trả lời thắc mắc về tình hình sử dụng thuốc trong các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay ra sao, một nhân viên y tế dấu tên làm việc tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn cho biết:

Đa phần là thuốc nội địa hoặc có nguồn gốc sản xuất từ Ấn Độ. Nhưng mà thấy đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân cho những thuốc đó không có tốt lắm. Chi phí dành cho những thuốc tốt trước (thuốc ngoại nhập) thì quá lớn nên bảo hiểm không chi trả được cho những loại thuốc đó nữa.

Người nhân viên y tế giải thích thêm về chất lượng các loại thuốc sản xuất nội địa được dùng trong bệnh viện nơi mình công tác.

Nếu dựa trên mặt thành phần, thì thuốc nội địa vẫn đáp ứng đầy đủ các thành phần, nhưng mà đánh giá đáp ứng lâm sàng thì không nhanh bằng so với các thuốc ngoại nhập khác. Tại vì hồi trước sử dụng những thuốc ngoại nhập cho bệnh nhân rồi thì họ khỏi bệnh rất nhanh. Còn sử dụng thuốc nội địa hiện tại thì thời gian nằm viện sẽ kéo dài thêm, với lại các triệu chứng từ từ mới khá lên được, không khá liền hay khá hẳn.

Bạn trẻ Ngô nhận định về chất lượng của thuốc được hỗ trợ bởi bảo hiểm y tế của các bệnh viện.

Còn riêng về thuốc trong bệnh viện của bảo hiểm y tế là mẹ tôi mua thì nó không phải không có tác dụng. Nó cũng có tác dụng nhưng không phải là thuốc tốt vì là do Việt Nam sản xuất. Mà thường thuốc do Việt Nam sản xuất uống rất lâu mới hết và hay bị lờn thuốc.

Dưới góc độ của người tiêu dùng, Ngô nhấn mạnh mình không biết cụ thể quy trình sản xuất thuốc và chỉ đánh giá theo hiệu quả thuốc mang lại.

Ví dụ như cùng một bệnh đó, mình uống thuốc của Đức, của Pháp, hay của Hàn Quốc thì nó sẽ khác nhiều. Nhưng cũng cùng bệnh đó, uống thuốc của Việt Nam thì hiệu quả sẽ lại khác.

Người nhân viên y tế dấu tên cho biết những loại thuốc dùng trong bệnh viện mà Việt Nam chủ yếu sản xuất là kháng sinh, một số thuốc điều trị như dạ dày, hạ sốt. Người này đưa ra con số về chất lượng và số lượng thuốc chưa đạt chất lượng được tiêu thụ trong bệnh viện nơi mình công tác.

Dựa trên kinh nghiệm mình làm thì mình cảm thấy những thuốc đó chưa đạt được 50% nữa. Còn tổng số thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 50%.

Đấu thầu để được nhập thuốc vào bệnh viện

Khác biệt giữa chất lượng thuốc ngoại nhập và thuốc Việt Nam là thế, nhưng hiện nay các bệnh viện vẫn phải ưu tiên cho các loại thuốc sản xuất nội địa. Nhân viên y tế cho biết các tiêu chí sau của lãnh đạo bệnh viện.

Thứ nhất là người Việt phải dùng hàng Việt. Thứ hai là những thuốc đó sản xuất nội địa thì sẽ đỡ tốn tiền vận chuyển hơn. Cái đó một phần là do kinh tế. Còn lại là do quy định ở trên. Ở trên yêu cầu mình nhập bên nào thì mình phải thầu bên đó.

Dựa trên kinh nghiệm mình làm thì mình cảm thấy những thuốc đó chưa đạt được 50% nữa. Còn tổng số thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 50%.

-Nhân viên y tế

Chủ nhà thuốc tư nhân từng có kinh nghiệm lâu năm trong việc mua bán và phân phối thuốc nhận định yêu cầu để đấu thầu nhập thuốc vào các bệnh viện.

Nếu như để đấu thầu vô được bệnh viện, mình không nói tới những vấn đề tiêu cực khác như chuyện phải chia cho người thầu bao nhiêu, chia chác làm sao, ăn chia hoa hồng thế nào. Nhưng mình chỉ nói chuyện chất lượng thuốc nếu được đưa vô đấu thầu thì ai cũng nói là đạt chất lượng hết đó.

Thực trạng thuốc nội địa kém chất lượng tại bệnh viện được người trong cuộc và người tiêu dùng phản ảnh là thế, nhưng hiện nay hầu hết tất cả các bệnh viện tại Việt Nam đều sử dụng thuốc giống nhau. Nhân viên y tế khẳng định.

Hầu hết giờ tất cả các bệnh viện thuốc đều giống nhau vì Sở Y tế chỉ duyệt cho một số cơ sở thầu thôi, cho nên bệnh viện nào cũng phải thầu cơ sở đó.

Vụ án công ty VN Pharma nhập 9.000 hộp thuốc ung thư giả vào Việt Nam gây bức xúc trong dư luận đã được đưa ra xét xử vào hồi năm ngoái. Trước đó, Cục Quản Lý Dược thuộc Bộ Y Tế vào tháng 11 năm 2016 từng có lệnh đình chỉ lưu hành toàn quốc một số loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng do Ấn Độ sản xuất.

Trong khi số liệu thống kê của Cục Quản Lý Dược vào tháng 2 năm 2018 cho biết chỉ có khoảng 3% số lượng thuốc tại Việt Nam là kém chất lượng, nhiều ý kiến khác lại nói tỷ lệ các loại thuốc nội địa kém chất lượng đang được tiêu thụ ngay tại các bệnh viện công là 50%.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/concern-about-poor-quality-drugs-at-the-hospitals-06202018125252.html

 

Công an Bình Thuận truy bắt Nguyễn Minh Kha

Công an tỉnh Bình Thuận ngày 21 tháng 6 phát lệnh truy bắt anh Nguyễn Minh Kha, người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 phản đối dự luật cho thuê đất đặc khu 99 năm tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Theo đó, công an Bình Thuận nói rằng anh Nguyễn Minh Kha và người nhà khi trả lời đài nước ngoài đã vu cáo bị lực lượng chức năng đánh trọng  thương và đang phải cấp cứu. Công an đưa ra một bản chụp X- quang của bệnh viện trước đó, nói rằng anh Kha không bị tổn thương.

Cơ quan chức năng Bình Thuận yêu cầu người dân tố giác nơi ẩn trốn của anh Kha và ra khuyến cáo anh này nên ra tự thú với nhắn gửi ‘để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam.’

Ngoài anh Nguyễn Minh Kha ra còn có 8 người khác bị Công An tỉnh Bình Thuận khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 vừa qua.

Theo một số người dân địa phương thì do lực lượng chức năng hành hung một người dân khi xảy ra biểu tình khiến dẫn đến bạo loạn. Một số người phóng hỏa đốt tòa nhà Ủy ban Nhân dân Tỉnh và trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh tại thành phố Phan Thiết. Tại thị trân Phan Rí Cửa, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy.

Truyền thông trong nước nói rằng anh Kha đã thừa nhận hành vi phạm tội với cơ quan chức năng, tuy nhiên sau đó đã bỏ trốn.

Trao đổi với RFA vào hôm 20 tháng 6, mẹ của anh Nguyễn Minh Kha cho biết hiện tình trạng sức khỏe của anh không tốt, và ho ra máu.

Trong cùng ngày, hàng chục người dân Bình Thuận đã tập trung trước cổng UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng phải giải thích rõ việc gây thương tích cho anh Nguyễn Minh Kha.

Sang ngày 21 tháng 6, mẹ của anh này tiếp tục phản đối cáo buộc của cơ quan chức năng nói rằng anh bỏ trốn:

“ Hôm qua xã xuống nhà tôi, tôi cũng nói là con tôi vô đây trị bệnh mà nó vu khống gia đình tôi nói rằng con tôi đi trốn. Đánh con tôi xong không cho con tôi đi trị thuốc men, không hỏi han tới mà còn vu khống là không đánh nữa”

Mẹ của anh Nguyễn Minh Kha khẳng định lại rằng công an đã đánh anh Nguyễn Minh Kha:

“Công an phường đưa cháu ra ngoài xã, xong rồi 3 thằng tra khảo cháu rồi đánh cháu, mà nó bịt mặt lại để khỏi thấy mặt nó.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protester-in-binh-thuan-chased-after-by-police-06212018091304.html

 

‘Báo chí trong nước đâu có quyền gì đâu’

Cựu phó tổng biên tập ở TP.HCM nói với BBC rằng trách nhiệm báo chí Việt Nam “phải bảo vệ chế độ hợp lòng dân” nhân ngày 21/6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được truyền thông dẫn lời nhân ngày “Báo chí cách mạng Việt Nam” 21/6: “Ngòi bút của nhà báo là vũ khí để phò chính, trừ tà”.

Trước đó, báo Chính phủ Việt Nam cũng trích lời ông Phúc: “Báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.”

Hôm 21/6, trả lời BBC từ TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trung Dân, cựu phó tổng biên tập tờ Du Lịch, nói: “Thủ tướng nói vậy là cái lý của ông ấy.”

“Báo chí phải có trách nhiệm của họ. Đâu phải chế độ nào cũng đúng đâu.”

“Báo chí phải bảo vệ chế độ đúng, hợp lòng dân, còn không thì bảo vệ người dân.”

“Theo tôi thấy, báo chí trong nước bây giờ đâu có quyền gì đâu. Cũng khổ cho các tổng biên tập vì họ không có bản lĩnh gì. Tất cả phải tuân theo một chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo.”

Bình luận về sự việc các báo phải sửa phát ngôn của Chủ tịch Trần Đại Quang về luật Biểu tình mới đây, ông Dân cho biết: “Tôi cũng ngạc nhiên là vì ông Quang là lãnh đạo đương chức mà các báo dám sửa bài thì khiến mình đặt câu hỏi phải chăng ý của Ban Tuyên giáo khác ý của chủ tịch nước à?”

“Vụ này chứng tỏ đã có sự chỉ đạo thô lỗ, thô bạo với báo chí. Vì chức năng của báo chí là phản ánh trung thực, người làm báo không có quyền cắt xén lời của người ta.”

Về việc các báo không tường thuật các vụ biểu tình gần đây mà chỉ miêu tả đó là “tụ tập đông người”, cựu phó tổng biên tập nhận định: “Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói thẳng đó là biểu tình thì các báo lại dùng lời lẽ dẫn người ta đi xa sự thật thì quá tệ.”

“Làm báo như vậy là bồi bút. Nếu báo chí cứ viết đúng sự thật thì người dân cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.”

“Còn với những bài viết về luật An ninh mạng và luật Đặc khu trên mặt báo thì Đảng quyết rồi, mọi thứ quyết hết rồi, báo chí chắc chắn phải nói theo Đảng thôi, làm sao nói khác được?”

“Vói chính thể Cộng sản thì họ không chấp nhận chuyện báo chí có tự do, nhiều chiều, khác với báo ở nước tư sản hoặc tại chính thể khác.”

“Nhưng lẽ ra là nhà báo thì anh không nói điều mà người ta bắt anh phải nói mà anh thấy đó là điều sai trái.”

Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Dân cũng nói thêm: “Thời tôi còn làm phó tổng biên tập, chí ít thì các báo có những rộng rãi nhất định, miễn là không phạm phải những điều trong luật hoặc đã được chỉ đạo.”

“Còn thì khi có sự kiện thì vẫn được viết thoải mái thôi.”

“Còn như thời nay, tôi có cảm giác các tổng biên tập không đủ tự tin để cho việc tường thuật các sự kiện trên mặt báo được nhiều chiều, với nhiều ý kiến khác nhau.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44560969

 

‘VN: Chứng khoán sụt chưa hẳn vì bất ổn xã hội’

‘VN: Thị trường chứng khoán sụt giảm do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung’

Một chuyên gia kinh tế rằng thị trường chứng khoán VN vừa qua lao dốc là do căng thẳng thương mại Mỹ Trung chứ chưa thể nói vì bất ổn trong xã hội.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với BBC ông ‘thận trọng’ trước ý kiến rằng biểu tình và hai dự án luật, An ninh mạng và Đặc khu kinh tế, gây ra bất ổn kinh tế gần đây.

‘Không phải do biểu tình’

“Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang có biến động, đã sụt giảm từ ngày 18/6, đến ngày 19/6 vẫn tiếp tục sụt,” tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.

“Nhưng điều này là do thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, và tác động của việc nâng lãi suất đồng đô la.”

Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng

TPHCM: Hai phụ nữ kể chuyện bị bắt hôm 17/6

Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình

“Cho đến nay tôi thận trọng và chưa nghĩ là biểu tình lớn đến mức tạo ra sự bất ổn về kinh tế hay xã hội đến mức nhà đầu tư nước ngoài phản cân nhắc và thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam.”

“Theo tôi, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện và các ưu thế về đầu tư ở Việt Nam vẫn đang tồn tại.”

“Chưa có dấu hiệu gì cho thấy có các tác động tiêu cực, nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Vừa qua ngân hàng thế giới công bố một báo cáo cập nhật về kinh tế của Việt Nam. Trong đó họ tiếp tục có quan điểm lạc quan là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ cao.”

“Hi vọng các vụ biểu tình sẽ được giải quyết thông qua đối thoại và giải quyết các nhu cầu cấp bách của người dân để Việt Nam tiếp tục phát triển và ổn định.”

Cần sửa Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu

“Đến nay tôi chưa thể nói Luật An ninh mạng đóng góp phần chủ yếu hay đóng góp bao nhiêu phần trăm cho sự sụt giảm của thị trường chứng khoán mặc dầu việc này đã diễn ra ngay sau khi Quốc Hội thông qua luật đó,” ông Lê Đăng Doanh nói với BBC.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội thừa nhận tác động tiêu cực của Luật An ninh mạng đối với nền kinh tế số hóa của Việt Nam. Ông nói:

“Hiện nay nền kinh tế số là liên kết giữa các doanh nghiệp với các công ty nước ngoài trong một chuỗi giá trị. Các công ty giao dịch, trao đổi thông tin với nhau và có bí mật thương mại.”

“Nếu ta can thiệp vào bí mật thương mại đó thì họ sẽ thận trọng và dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam, dẫn đến việc tiến bộ của nền kinh tế số hóa và vận dụng công nghệ thông tin bị chậm lại, và có thể có các trở ngại nghiêm trọng hơn.”

Hàng ngàn giáo dân miền Trung tuần hành cầu nguyện

Việt Nam: Biểu tình và bắt bớ

“Vì thế một số sứ quán nước ngoài, cơ quan đầu tư và hiệp hội của một số doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại, không đồng tình với luật này.”

“Kinh nghiệm thời gian vừa qua là Luật Bảo hiểm của Việt Nam trước khi được thực thi đã gây ra biểu tình rất lớn ở miền Nam, và sau đó thì được sửa đổi.”

“Đấy cũng là kinh nghiệm tốt để tham khảo, cho thấy chính phủ Việt Nam có thể lắng nghe ý kiến của người dân để có những điều chỉnh phù hợp.”

Ông Lê Đăng Doanh nói chính phủ cần lắng nghe, đối thoại với dân để tiến hành cải cách, thực hiện chính phủ điện tử nhằm kết nối doanh nghiệp với bộ ngành. Như ậy vừa giảm bớt chi phí, vừa nâng cao năng lực canh tranh.

Ông cũng đề xuất sửa đổi Luật An ninh mạng để tranh gây trở ngại cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Về dự Luật Đặc khu kinh tế, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nói chính phủ cần mời những hiệp hội, cá nhân từng nêu ý kiến thời gian qua dẫn đến việc lùi thời gian thông qua luật tới cùng bàn bạc, góp ý để có những sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của dân.

“Chúng tôi đã có những lần làm việc về soạn thảo và sửa đổi luật suốt đêm. Từ nay đến tháng 10 còn nhiều ngày và đêm để sửa luật đó. Vấn đề không phải thời gian mà là quyết tâm chính trị và nhận thức, nhìn vào sự thật, lắng nghe và đối thoại với dân.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44558028

 

Lại khởi động dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Chính phủ Việt Nam mới đây chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải và các bộ ngành liên quan tái khởi động các nghiên cứu tiền khả thi nhằm tiến tới triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, một dự án đã từng bị Quốc hội bác bỏ do thiểu tính khả thi và không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế. Việc tiếp tục xây dựng và triển khai một siêu dự án lên tới 56 tỷ đô la Mỹ liệu có thể triển khai trong bối cảnh ngân sách nhà nước liên tục thâm hụt như hiện nay?

Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam bác bỏ chủ trương thực hiện một dự án lớn do Chính phủ đề xuất: đó là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với số vốn đầu tư ước tính 56 tỷ đô la Mỹ.  Vào thời điểm đó, siêu dự án nối liền trục Bắc-Nam này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận và ngay cả chính trên diễn đàn Quốc hội.

TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế vận tải Đường sắt Việt Nam cho biết:

“Đường sắt cao tốc Bắc – Nam hồi năm 2011 là một trận tơi bời khói lửa đấy, 56 tỷ đô la, tôi đã chiến đấu quyết liệt với cái đó và cuối cùng Quốc hội không thông qua. Tôi đã lấy được báo cáo của Chính phủ trình cho Quốc hội và tôi phân tích có đến 8-9 cái sai lầm và tôi đã có kiến nghị rất nghiêm túc cho nhà nước”

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam hồi năm 2011 là một trận tơi bời khói lửa đấy, 56 tỷ đô la, tôi đã chiến đấu quyết liệt với cái đó và cuối cùng Quốc hội không thông qua. Tôi phân tích có đến 8-9 cái sai lầm và tôi đã có kiến nghị rất nghiêm túc cho nhà nước – TS. Trần Đính Bá

TS Bá chỉ ra rằng Luật cho phép đường sắt quốc gia sẽ được mở rộng , xây dựng khổ 1.435m có tốc độ thường 100- 140 km/h và tiến tới tốc độ cao 150-200 km/h chứ chưa cho phép đường sắt cao tốc, siêu tốc 300- 350 km/h. Hơn nữa, đây là loại đường sắt hạng nhẹ, chỉ chở được hành khách mà không chở được hàng hóa, công nghệ phức tạp và đắt tiền, dễ gây ra thảm họa. Trong khi đó, ngay cả các quốc gia văn minh cũng vẫn lựa chọn loại đường sắt phố biến hiện nay là đường sắt tiêu chuẩn 1.435m tốc độ cao 150-200 km/h (chiếm 60% tổng chiều dài đường sắt thế giới) với công nghệ hiện đại nhưng đơn giản dễ làm, dễ điều hành và giá rẻ chỉ bằng 20% đường sắt cao tốc 300 km/h để phát triển bền vững.

Ngoài vấn đề kỹ thuật thì nguồn vốn đầu tư cho dự án này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế. TS kinh tế Lê Đăng Doanh, người đã từng thiết tha đề nghị ngừng dự án này giải thích:

“ Vốn ngân sách thì chắc chắn là không có,  mà vốn huy động vay nước ngoài thì rõ ràng hiện nay Việt Nam có thu nhập trung bình nên rất khó có thể được cho vay với lãi suất ưu đãi được nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn”

Nhiều chuyên gia và các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng việc tập trung vốn xây dựng dự án này đồng nghĩa với việc phải giảm đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác quan trọng và cấp bách hơn như tăng cường an ninh quốc phòng, phát triển khoa học công nghệ hay xây dựng nâng cấp trường học, bệnh viện cho người dân… Tuy nhiên, việc ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải khẩn trương lập báo cáo để trình Quốc hội thông qua dự án này vào đầu năm 2019 dường như báo trước một kịch bản đã từng xảy ra với các dự án Boxit Tây nguyên, quy hoạch mở rộng Hà Nội hay như dự luật An ninh mạng mới được thông qua hồi ngày 12 tháng 06 vừa qua. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về điều này:

Việc này là ý của mấy ông Đảng cứ đè Quốc hội ra. Thực ra nói Quốc hội Việt Nam là bù nhìn thì cũng đúng, chả sai chút nào, cứ Đảng quyết sao thì  Quốc hội gật theo như vậy thôi – Nhà báo Võ Văn Tạo

“Tôi nhớ rằng mức độ phản đối dự án đường cao tốc Bắc Nam ý thì nó cũng dữ dội nhưng so với Boxit thì nó không dữ dội bằng. Boxit thì đã có hơn 200 nhà khoa học và chuyên gia người ta đã phản bác, đồng thời có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời còn viết thư can ngăn phân tích về sự lỗ lã, nguy hiểm với môi trường đồng thời tính nhạy cảm của địa bàn Tây Nguyên về mặt quân sự, an ninh quốc gia, thế nhưng mà đấy họ vẫn bất chấp, vẫn cứ làm, nên bây giờ thì nó lỗ… cho nên cái việc này là ý của mấy ông ở Đảng cứ đè Quốc hội ra …Thực ra nói Quốc hội Việt Nam là bù nhìn thì cũng đúng, chả sai chút nào, cứ Đảng quyết sao thì  Quốc hội gật theo như vậy thôi”

Đối với TS Lê Đăng Doanh trong trường hợp “bất khả kháng” mà dự án này vẫn được thông qua thì cách tốt nhất nên chia làm nhiều giai đoạn và thực hiện từng bước một, đồng thời triển khai trước những phân đoạn có hiệu quả kinh tế khả thi nhất rồi tiếp tục huy động vốn và dần dần hoàn chỉnh cả dự án. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một số yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện nhằm tránh những bức xúc gay gắt từ phía công luận tương tự như đối với những dự án đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông hay dự án metro TP Hồ Chí Minh đội vốn và chậm tiến độ như hiện nay:

“ Để mà làm thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch, phải có đấu thầu và đảm bảo có sự giám sát độc lập để tránh có lợi ích nhóm và có những công ty sân sau lạm dụng việc xây dựng dự án này để thu thêm lợi nhuận”

Kế hoạch vạch ra thuộc nhiệm kỳ quốc hội này đến khi thực hiện lại thuộc nhiệm kỳ khác và tình trạng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm từng xảy ra. Đến nay, thực tế tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa có những dự án, kế hoạch cấp nhà nước mang tính khoa học, khả thi, không bị lỗi thời trong tương lai gần 10, 20 năm; chứ chưa nói đến 50 năm hay lâu hơn nữa.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lai-khoi-dong-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-06202018142110.html

 

Lao động Việt gửi về nước hơn 3 tỷ USD mỗi năm

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện có khoảng 500 ngàn người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và tổng số tiền mà các lao động này gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỷ USD (tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng.)

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không quay về nước hoặc ở lại lao động bất hợp pháp đang xảy ra ở một số nơi. Đặc biệt là Hàn Quốc với tỷ lệ bỏ trốn lên đến 50% đã khiến việc ký kết hợp đồng tiếp nhận lao động giữa hai nước trở nên khó khăn.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu vào năm 2018 đưa 110 ngàn lao động đi làm việc nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường mới và siết chặt quản lý để bảo đảm thị trường các nước cũ.

Được biết, trong vòng 4 năm từ 2014 đến 2017, Việt Nam xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100 ngàn người một năm. Năm 2017, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục với 135 ngàn người.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-labors-send-home-3-million-usd-each-year-06212018100855.html

 

Việt- Mỹ đối thoại các vấn đề hàng hải và luật biển

Vòng Đối thoại Hoa Kỳ – Việt Nam lần thứ 5 về hàng hải và luật Biển  diễn ra hai ngày 19 và 20 tháng 6 tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C.

Thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết tại buổi đối thoại, các chuyên gia từ các cơ quan hàng hải và ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam đã trao đổi các vấn đề liên quan đến đại dương, luật biển và hợp tác hàng hải tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Buổi đối thoại được đồng chủ trì bởi Giám đốc Đại Dương & Bắc Cực- Nam Cực Sự Vụ thuộc Văn Phòng Đại Dương – Môi trường và Khoa học Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Evan Bloom và đại diện phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Thắng.

Vòng đối thoại tiếp theo dự kiến diễn ra ở Việt Nam vào năm 2019.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Us-vn-complete-dialogue-on-maritime-issues-06212018083614.html

 

Cử tri Đà Nẵng

lo sợ vụ án Vũ “nhôm” sẽ “chìm xuồng”

Vị cử tri này nói rõ, giại đoạn này đang nóng, vụ việc tiếp tục hay dừng lại? Bà đề nghị công khai những ai đã nhận tài sản, đất đai, nhà cửa của Vũ “nhôm” để nhân dân biết.

Ngoài ra, bà Tam cũng kiến nghị những cán bộ nhúng chàm đến Vũ “nhôm” phải từ chức.

Một vị cử tri khác đặt câu hỏi vì sao cả một hệ thống chính trị Đà Nẵng mà để cho một Vũ nhôm khống chế mấy nhiệm kỳ. Nhiều cơ quan đơn vị giám sát nhưng cuối cùng đất đai vào tay Vũ “nhôm””. Vì sao người có công cách mạng thì giao đất xa xôi, còn hàng loạt đất vàng thì giao cho nhóm lợi ích.

Ông còn nói thêm, Đà Nẵng còn nhiều Vũ nhôm nữa, cần lọai bỏ những ai liên quan tham nhũng, nếu không thì dân không tin.

Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri, nhiều người đặt câu hỏi liên quan ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, cử tri cho rằng vụ việc này chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Trả lời cử tri, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hoàn toàn chấp hành kết luận của thanh tra Chính phủ và của Ủy ban kiểm tra trung ương. Những sai phạm tương tự liên quan đất đai đã không tái diễn. Những cán bộ vi phạm đều đã được kiểm điểm, phê bình.

Ông Thơ cũng cho biết vụ của Vũ “nhôm” đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm việc, phải chờ kết quả cuối cùng.

Sau kỳ họp thứ 5 vừa qua, các đại biểu quốc hội đi tiếp xúc cử tri. Lần tiếp xúc này được cho biết nhằm tuyên truyền về dự án Luật khu hành chánh đặc biệt và Luật An Ninh Mạng bị nhiều người dân phản đối.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/da-nang-voters-asked-about-vu-nhom-case-06212018074539.html

 

Việt Nam ‘mừng’

vì Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền

Các nhà hoạt động trong nước có phản ứng khác nhau về quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC). Có nhiều ý kiến cho rằng sự vắng mặt Hoa Kỳ có thể gây bất lợi cho phong trào nhân quyền Việt Nam, và Hà Nội có thể “mở cờ trong bụng” vì Hội đồng vắng đi một thành viên thường xuyên lên tiếng chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Ông nhận định rằng mặc dù sự ra đi của Hoa Kỳ là đáng tiếc, nhưng đó lại là một quyết định ‘dũng cảm’:

Đây là một hành động dũng cảm bởi vì đây là việc chưa có tiền lệ.

Phạm Lê Vương Các.

“Đây là một hành động dũng cảm bởi vì đây là việc chưa có tiền lệ. Quyết định rời khỏi một cơ quan bảo vệ nhân quyền hàng đầu thế giới có thể bị nhiều chỉ trích từ các quốc gia và các tổ chức xã hội dân sự, nhưng họ vẫn tiến hành ra quyết định rút. Tôi cho rằng đây là hành động dũng cảm.”

Luật sư Trịnh Hữu Long ở Hà Nội chia sẻ trên Facebook rằng việc Mỹ rút khỏi UNHRC sẽ là một bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh kỳ kiểm điểm Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR của UNHCR đối với Việt Nam sắp tới vào tháng 1/2019.

Từng tham gia phát biểu tại kỳ kiểm điểm Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam năm 2014 tại Geneva, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHCR có thể ảnh hưởng đến kỳ UPR sắp tới.

“Tôi nghĩ ở một góc độ nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ là một quốc gia hàng đầu trong việc này trên phạm vi toàn thế giới. Việc rút ra như vậy có thể ảnh hưởng phần nào tới việc lên tiếng trước các vụ vi phạm nhân quyền. Khi tôi tham dự kỳ UPR đối với Việt Nam trước đây, có 10 quốc gia phát biểu, thì có 9 quốc gia đã đánh giá rất tốt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong khi đó quốc gia thứ 10 là Hoa Kỳ thì họ lên tiếng rất thẳng thắn. Tôi nhìn nhận rằng tiếng nói của chính phủ Hoa Kỳ là tiếng nói rất trung thực, họ không nói theo cách ngoại giao thường thấy. Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi UNHCR có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ UPR đối với Việt Nam vào tháng 1/2019.”

Luật sư Trịnh Hữu Long lo ngại rằng việc Mỹ vắng mặt sẽ tạo cơ hội cho các thành viên khác ‘thao túng’ diễn đàn này. Ông viết trên Facebook: “Mỹ bỏ đi nghĩa là những thành viên khác như Trung Quốc và Nga sẽ rảnh tay hơn rất nhiều để thao túng nghị trình của Hội đồng, cũng như thao túng các thành viên khác của Hội đồng.”

Mỹ bỏ đi nghĩa là những thành viên khác như Trung Quốc và Nga sẽ rảnh tay hơn rất nhiều để thao túng nghị trình của Hội đồng, cũng như thao túng các thành viên khác của Hội đồng.

Trịnh Hữu Long

“Xưa nay giới hoạt động Việt Nam vẫn coi Hội đồng Nhân quyền như một diễn đàn để một là kêu oan, hai là chính danh hoá hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi có nghĩa là giới hoạt động đã mất đi một chỗ dựa,” ông Long nhận định.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các chia sẻ ý kiến này, ông nói: “khi 47 quốc gia thành viên phân cực, các quốc gia “cá biệt” kéo bè kéo cánh nhằm thao túng và bảo vệ lẫn nhau trước các vi phạm nhân quyền.”

Việt Nam vẫn chưa bày tỏ quan điểm, nhưng theo đánh giá thì họ có vẻ thích thú và vẫn hài lòng trong việc bớt đi một tiếng nói một tiếng nói chỉ trích họ.

Phạm Lê Vương Các

Nhà hoạt động nhận định rằng Việt Nam có thể sẽ “hài lòng” trước việc mất đi một tiếng chỉ trích:

“Tôi nghĩ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi UNHCR thì trong thời gian UPR sắp tới thì phía chính phủ Việt Nam sẽ bớt đi một tiếng nói phê phán và chỉ trích họ. Cho tới giờ thì phía Việt Nam vẫn chưa bày tỏ quan điểm, nhưng theo đánh giá thì họ có vẻ thích thú và vẫn hài lòng trong việc bớt đi một tiếng nói một tiếng nói chỉ trích họ.”

Blogger Kien Bui viết: “Tôi nghĩ rút cũng hợp lý khi mà Hội đồng Nhân quyền mà có quá nhiều thành viên không tôn trọng nhân quyền thì kết quả biểu quyết đều bất lợi mà thiểu số phải chấp nhận theo số đông thôi. Nếu không chấp nhận thì rút khỏi là cách tốt. Cải thiện cũng không phải không có cách nếu vẫn ở lại nhưng so sánh tính hiệu quả về thời gian và chi phí thì thà làm cái mới còn hay hơn.”

Trong khi đó Blogger Đạt Tiến Nguyễn dự báo cách làm của Hoa Kỳ sau khi rút khỏi cơ chế nhân quyền toàn cầu: “Mỹ rút ra khỏi UNHRC thì Mỹ sẽ không còn phải bỏ ra một số tiền quá lớn cho Hội đồng này. Tới đây thì Mỹ sẽ dùng số tiền đó để chi phí cho những cuộc đối thoại song phương để gây áp lực mạnh hơn. Nghĩa là Mỹ sẽ nói chuyện tay đôi, mặt đối mặt với từng nước đang vi phạm nhân quyền.”

Sự rút lui của Washington khỏi UNHRC, một cơ chế của LHQ tại Geneva có 47 thành viên, đều có quyền biểu quyết ngang nhau, được chính thức thông báo với LHQ hôm 21/6.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley nói hôm 20/6: “Hội đồng Nhân quyền là cơ chế nơi tụ hội những thiên kiến về chính trị, là một sự nhạo báng của chính cơ chế này,” một diễn đàn mang tính “đạo đức giả và vị kỷ.”

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gia nhập UNHRC vào năm 2009. Khi Hội đồng được thành lập vào năm 2006, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã từ chối tham gia.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-co-ve-hai-long-khi-my-rut-khoi-hoi-dong-nhan-quyen/4448417.html