Tin Việt Nam – 21/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/02/2018

Linh mục Đặng Hữu Nam: sẽ tiếp tục

bảo vệ các nạn nhân Formosa dù bị thuyên chuyển

Chân Như

Linh mục Đặng Hữu Nam, phụ trách giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An vừa nhận được quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ An hôm 7/2. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền về việc giải quyết thảm họa môi trường Formosa. Ông cũng đã từng bị báo chí nhà nước lên án là người kích động giáo dân và yêu cầu ông phải bị thuyên chuyển đi nơi khác. Nhân dịp này đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn ngắn với linh mục Đặng Hữu Nam về quyết định thuyên chuyển mới. Trước hết linh mục Đặng Hữu Nam cho biết hoàn cảnh ông nhận được quyết định như sau:

Đặng Hữu Nam: trước đấy một tuần thì có nghe thống báo của Đức Giám mục là sẽ bổ nhiệm, thuyên chuyển đi chức khác. Vào ngày mùng 7 tháng 2 tức là vào ngày 23 Tết thì hôm ấy là tất niên của Giáo phận. Các linh mục trong toàn Giáo phận về bên Tòa Giám để tất niên. Sau buổi tất niên đấy thì Ngài cho bằng bổ nhiệm để đến Giáo xứ Mỹ Khánh và tất cả các thủ tục đều làm xong trong ngày 23 đấy. Nhưng rồi vì sau những ngày đó là Tết truyền thống cho nên tất cả mọi sự em vẫn im lặng để cho người dân ăn Tết để khỏi xáo trộn trong Giáo xứ. Hôm nay, sau khi những ngày nghỉ Tết đã xong và với lệnh của Đức cha phải đi sớm thì em cũng cố sắp xếp để đến với Giáo xứ mới sớm hơn và sẽ rời xa Giáo xứ Phú Yên nầy sớm hơn.

RFA: Ông có biết nguyên nhân vì sao có quyết định thuyên chuyển này không?

Đặng Hữu Nam: Ở Giáo phận Vinh thì không có hạn định là bao nhiêu năm của một linh mục coi xứ. Ở đây, chúng ta cũng biết là theo nguyên tắc thì Giám mục Giáo phận có quyền thuyên chuyển và bổ nhiệm các linh mục đi đến các Giáo xứ, các nhiệm sở khác trong từng thời kỳ và tùy theo mục vụ của Giáo xứ và Giáo phận. Đó là nguyên tắc. Còn trong vấn đề của em ngày hôm nay, chúng ta cũng biết trước đó bên nhà cầm quyền không chỉ bằng văn bản giấy tờ mà còn trực tiếp yêu cầu và làm sức ép lên Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp. Họ đã công khai làm điều đó là yêu cầu trục xuất Linh mục Đặng Hữu Nam ra khỏi địa bàn của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, họ yêu cầu là cùng lắm thì đưa đi chỗ khác chứ không thể để tại Giáo xứ Phú Yên vì nó có môi trường Formosa và người dân Phú Yên làm ngư nghiệp. Và họ không chỉ nhiều lần ép lên Hội đồng Bề Trên của Giáo phận, Vinh mà cón ép lên  Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thậm chí, họ còn vươn vòi đến cả Vatican. Chúng ta đã thấy họ công khai nói đến điều đó rất nhiều lần. Việc ngày hôm nay em nhận bằng bổ nhiệm đến một Giáo xứ khác thì em không bình luận gì ngoài việc là em vâng lời vì Giám mục Giáo phận có toàn quyền để quyết định điều nầy. Giáo xứ là của Giám mục và chúng em là linh mục thì chúng em sẽ vâng lời theo quyết định của Giám mục. Còn vấn đề như thế nào thì người ra quyết định đấy mới có thể trả lời cho chúng ta chính xác được. Với em là người vâng lời để làm trong chương trình, bổn phận cũng như vai trò của người linh mục.

RFA: Ông có chuẩn bị gì cho những thuận lợi và khó khăn sắp tới ở giáo xứ mới?

Đặng Hữu Nam: việc truyền giáo ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ có những khó khăn và thuận lợi và nói chung tại Việt Nam chúng ta ở đâu cũng vậy, vì môi trường chính trị ở Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, đặc biệt người ta coi công giáo là kẻ thù số 1 của chế độ vậy thì đi bất cứ nơi đâu cũng gặp khó khăn. Nhưng thánh paolo đã dặn với chiến sĩ của tin mừng thì dù thuận tiện hay không thuận tiện thì chúng ta vẫn phải loan báo tin mừng mà tin mừng đó là tin mừng cứu độ con người, tin mừng của chân lý và sự thật và linh mục phải là tín nhân của tin mừng về chân lý và sự thật đó. Cho nên bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào ở Việt Nam thì đâu cũng có khó khăn cả.

RFA: ông có kế hoạch gì ở giáo xứ mới liên quan đến những gì mà ông đã làm từ trước tới nay trong việc giúp đỡ các nạn nhân của Formosa ở Nghệ An?

Đặng Hữu Nam: điều thứ nhất là nguyên tắc và đường hướng của linh mục như tôi đã nhiều lần khẳng định là làm chứng cho sự thật… những vui mừng, hy vọng, u sầu và âu lo của người nghèo, những người bị loại ra bên lề của xã hội thì cũng phải là vui mừng, hy vọng, u sầu và âu lo của những người môn đệ Chúa. Vậy đã là linh mục thì bất cứ đâu, bất cứ ai đau khổ thì phải trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, phải nói lên tiếng nói nguyện vọng của những người cùng khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội, và đấu tranh cho công lý sự thật và nhân quyền và nhân phẩm của con người. Vậy thì đi bất cứ nơi đâu có bất công thì là linh mục em sẽ lên tiếng. Còn với các nạn nhân của thảm họa Formosa, mặc dầu đến nhiệm sở mới, họ không là những ngư dân nhưng em vẫn tiếp tục hỗ trợ nhưng sẽ khác hơn so với khi em là cha xứ ở giáo xứ mà người dân của mình là nạn nhân trực tiếp. Bây giờ họ là những giáo dân gián tiếp của mình chứ không phải thuộc quyền trực tiếp. Chắc chắn một điều là với những nạn nhân của Formosa thì em sẽ tiếp tục đồng hành với họ để tìm cách đòi quyền lợi chính đáng cho họ, và bảo vệ họ trước pháp lý.

RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài RFA buổi phỏng vấn

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/catholics-priest-transfered-02202018142446.html

 

Linh mục Đặng Hữu Nam bị thuyên chuyển chịu sức ép

từ chính quyền?

Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam về cách giải quyết thảm họa môi trường biển do tập đoạn Formosa gây ra, vừa nhận được quyết định bổ nhiệm sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ An.

Truyền thông nhà nước từng lên án Linh mục Đặng Hữu Nam, cho rằng ông là người “kích động” giáo dân và yêu cầu ông phải bị thuyên chuyển khỏi giáo xứ Phú Yên, nơi có nhiều ngư dân bị ảnh hưởng thảm họa môi trường tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hôm 21/2, Giám mục giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp nói với VOA rằng quyết định bổ nhiệm linh mục Đặng Hữu Nam do ngài ký hôm 7/2 không chịu áp lực từ phía chính quyền:

“Không. Hàng năm chúng tôi đều bổ nhiệm nhiều lần khác nhau và không có chuyện gì cả. Đó là vấn đề của chúng tôi.”

Hàng năm chúng tôi đều bổ nhiệm nhiều lần khác nhau và không có chuyện gì cả. Đó là vấn đề của chúng tôi.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp với với VOA hôm 21/2

Hôm 21/2 linh mục Đặng Hữu Nam nói với VOA rằng có sức ép công khai từ phía chính quyền trong suốt hai năm ông hỗ trợ nạn nhân thảm họa môi trường Formosa:

“Trong hai năm qua do đồng hành cùng các nạn nhân của Formosa, chính quyền đã công khai áp lực, ra yêu cầu bằng văn bản và trực tiếp, không chỉ trực tiếp yêu cầu Giám mục giáo phận Vinh mà còn lên Hội đồng Giám mục Việt Nam, và thậm chí còn tới tận Vatican để gây áp lực.”

Chính quyền đã công khai áp lực, ra yêu cầu bằng văn bản và trực tiếp, không chỉ trực tiếp yêu cầu Giám mục giáo phận Vinh mà còn lên Hội đồng Giám mục Việt Nam, và thậm chí còn tới tận Vatican để gây áp lực.

Linh mục Đặng Hữu Nam

Mặc dù vậy, với suy nghĩ việc bổ nhiệm một linh mục sang một giáo xứ khác là việc bình thường, linh mục Nam nói ông luôn luôn “vâng lời” và không thấy có vấn đề gì “phiền hà” trong quyết định thuyên chuyển này.

Linh mục Nam nói:

“Cụ thể khi ngài (Giám mục Nguyễn Thái Hợp) ký quyết định thuyên chuyển tôi ngài có bị áp lực hay không thì tôi không thể biết được.”

Linh mục Nam nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục đồng hành với các nạn nhân Formosa ở tỉnh Nghệ An để tìm cách đòi quyền lợi chính đáng cho họ, và bảo vệ họ trước pháp lý.

Vào tháng 10/2016, trong một đơn thư, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Giám mục Nguyễn Thái Hợp và Giám mục Nguyễn Văn Viên “chấn chỉnh các hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam, và không bố trí Linh mục Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động mục vụ trên địa bàn Nghệ An.”

Vào tháng 5 năm ngoái, đưa tin về một cuộc biểu tình phản đối Linh mục Đặng Hữu Nam ở Nghệ An, truyền thông địa phương nói các hoạt động của linh mục Nam “trái pháp luật”, và còn tố cáo Linh mục Nam là “bóp méo chiến thắng lịch sử 30/4/1975” và “rao giảng nói xấu Đảng Cộng Sản Việt Nam.”

Truyền thông Việt Nam nói Linh mục Đặng Hữu Nam cùng với Linh mục Nguyễn Đình Thục đã liên tục kích động giáo dân tham gia các hoạt động tuần hành gây mất trật tự an ninh trên địa bàn, ngang nhiên biến Nhà thờ trở thành nơi xuyên tạc tình hình đất nước, nói xấu các cấp chính quyền nhằm reo rắc sự bất an và lòng thù hận.

https://www.voatiengviet.com/a/linh-muc-dang-huu-nam-bi-thuyen-chuyen-chiu-suc-ep-tu-chinh-quyen/4263988.html

 

Hacker Bắc Hàn ‘nhòm ngó’ công ty Việt

Một nhóm tin tặc của Bắc Hàn năm ngoái đã hướng tầm ngắm vào công ty của Việt Nam cũng như các mục tiêu ở Nhật và Trung Đông, theo một công ty chuyên về an ninh mạng của Mỹ hôm 20/2.

Theo AFP, FireEye nói rằng APT37 của Bắc Hàn đã “vươn ra khỏi bán đảo Triều Tiên để nhắm tới Việt Nam, Nhật Bản và Trung Đông trong năm 2017”.

Công ty này cho hay rằng nhóm tin tặc của Bắc Hàn hoạt động ít nhất là từ năm 2012 và chủ yếu tập trung vào “lĩnh vực báo chí, công nghệ quốc phòng, quân sự và chính phủ” ở Hàn Quốc, trước khi mở rộng phạm vi hoạt động.

Cơ quan có trụ sở ở tiểu bang California “tin rằng đây là hoạt động nhân danh chính phủ Bắc Hàn” và rằng “chiến dịch thu thập thông tin tình báo bí mật này nhằm hỗ trợ cho các quyền lợi kinh tế, chính trị, quân sự và chiến lược” của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, FireEye không công bố các thông tin chi tiết về các nạn nhân của nhóm tin tặc Bắc Hàn.

Những người trốn chạy khỏi Bắc Hàn cũng như các nhà hoạt động vì nhân quyền của quốc gia bị cô lập này cũng trở thành mục tiêu theo dõi.

Công ty chuyên về an ninh mạng của Mỹ cũng khuyến cáo rằng APT37 “hoạt động mạnh mẽ còn hơn cả các hacker Trung Quốc”.

https://www.voatiengviet.com/a/hacker-bac-han-nhom-ngo-cong-ty-viet-nam/4263951.html

 

Bangkok: Thăm người Việt Nam ở trại Suan Phlu

Thùy LinhBBCVietnamese.com

Chỉ cách nhau tầm hơn nửa mét nhưng tôi chẳng thể nghe được Thao nói câu nào. Vì cùng lúc đó, gần như 100 người đang đứng hò hét xung quanh chúng tôi.

Căn buồng trong trại giam rộng lớn nhưng chật kín người.

Người đi thăm lẫn người được thăm, tiếng hò qua vọng lại, nghe đâu có cả niềm vui lẫn chua xót.

Thao chỉ cười nhẹ trước sự bực bội của tôi. Còn tôi thì không hiểu làm sao anh có thể giữ được nụ cười trên môi như thế, dù đã bị giam giữ gần 10 năm qua.

Tôi đến thăm Trại giam người nhập cư (The Immigration Detention Center – IDC) ở Bangkok vào một sáng thứ Tư, với hi vọng hàng xếp hàng sẽ không đông như mọi khi.

IDC còn được cánh nhà báo và các nhóm thiện nguyện hay gọi là trung tâm Suan Phlu, theo tên của con đường nó toạ lạc.

Phụ nữ Anh bị tù vì đưa 12 người Việt nhập cư lậu

Chủ tiệm người Việt nói về ‘nô lệ hiện đại’

Du khách Thái bị trấn lột ở London

Giam giữ cả 1000 người

Trại giam Suan Phlu nằm trong một hẻm nhỏ ngay bên cạnh bãi đậu xe, lẩn khuất bên trong khuôn viên của Cục Di trú của Vương quốc Thái Lan. Nhìn từ bên ngoài, sẽ không ai nghĩ nó là nơi giam giữ gần 1000 người dân nhập cư, mà không ít người trong đó là người Việt.

Tong, tay xách hai bịch nilong trái cây, sữa và bánh mì, đã cảnh báo tôi rằng, trong buồng gặp sẽ rất khó để nói chuyện, vì “nó ồn như ở một buổi hoà nhạc vậy”. Nhưng tôi vẫn quyết tâm muốn gặp xem người gốc Việt bị giam trong đó, dù chỉ nhìn thấy họ cũng được.

Tong, tên đầy đủ là Sakda Kaewbuadee Vaysee là một diễn viên người Thái, nhưng anh bắt đầu tham gia giúp đỡ những người nhập cư Pakistan và Congo bị giam giữ tại IDC từ đầu 2017.

Một người Tong giúp đỡ tiết lộ có một người Việt đã bị giam giữ ở IDC gần 10 năm qua. Nhưng Tong thì không biết tiếng Việt và người Việt kia lại không thể nói được tiếng Anh hay tiếng Thái.

Giọng anh vui mừng trong điện thoại, khi tôi nói rằng tôi xin nhờ anh đưa tôi đến IDC.

Nhưng anh dặn theo quy định của trại giam thì tôi chỉ có thể vào với tư cách cá nhân hoặc người làm tình nguyện, không thể chụp ảnh hay quay phim.

Trại giam này mở cửa cho phép người đến thăm nuôi từ 8:30 đến 10 giờ sáng.

Khi tôi đến, đã có một hàng dài người xếp hàng đăng ký thăm nuôi, hầu hết là người nước ngoài, da trắng.

“Họ đến từ các nhà thờ gần đây,” Tong nói.

“Một người trong nhà thờ phát hiện ra những người bị giam trong đây và giờ rất nhiều người từ nhà thờ đến thăm.”

Để được vào thăm nuôi, người vào thăm phải xuất hình bản sao thẻ căn cước, hoặc hộ chiếu và điền vào một tờ đơn, trong đó ghi cụ thể: tên người muốn thăm, số phòng và mã số của họ – không thể để thiếu một trong ba thông tin trên.

Có nghĩa rằng nếu như không có Tong và người đàn ông Congo bị giam cùng Thao, thì tôi sẽ không bao giờ biết đến sự tồn tại của Thao. Tôi không khỏi tự hỏi có bao nhiêu người đã bị lãng quên, bỏ rơi như thế ở nơi này.

Sau khi đăng ký giấy tờ, Tong hối tôi đi mua đồ ăn. Bên trong IDC cũng có bán đồ ăn, thức uống, và thuốc thang, nhưng giá lại “trên trời”. Một chai nước khoáng ở bên ngoài giá chỉ 15 Baht (11.000 đồng) trong đó, có thể sẽ lên đến 35 Baht (25.500 đồng).

Và với mọi bệnh tật, ốm đau, bác sĩ trong trại giam cũng chỉ kê duy nhất một đơn: paracetamol. Tong cho biết nhiều người thăm nuôi vẫn mua đồ ăn, và thuốc thang, hoặc cho tiền người bị giam bên trong là như vậy.

Khi tôi còn đang thử hình dung ra xem Thao trông như thế nào, thì Tong bắt gặp một người phụ nữ khác cũng xách một túi đồ ăn lớn, có đề tên Thao.

Việt Kiều giúp đỡ

Quá bất ngờ, tôi liền hỏi ngay thì mới biết bà là Christine Nguyễn, một người Việt đã sinh sống ở Thái nhiều năm qua.

Qua các mối quan hệ, bà mới biết đến Thao và đã vào thăm anh từ tháng 6 năm ngoái.

Giờ thăm nuôi bắt đầu từ 10:30, chúng tôi lại xếp thành một hàng dài như buổi sáng, nhưng phụ nữ được ưu tiên đi trước. Cánh cửa sắt màu xanh cao đến tận trần nhà được đẩy ra.

Chúng tôi phải để lại tư trang: điện thoại, máy ảnh, đều không được phép đem vào. Thứ duy nhất được đem theo là giấy và bút, và chút tiền.

Nơi tôi bước vào không hẳn là một căn phòng mà nó là gian nhà lớn, có lẽ nối tiếp giữa gian nhà văn phòng hành chính IDC và nơi giam giữ những người nhập cư.

Người thăm và người được giam bị cách nhau bởi hai hàng rào lưới sắt dài tầm 25m. Phía sau hàng rào của những người bị giam giữ tôi có thể thấy các phòng giam song sắt, nơi những người không có người đến thăm vẫn bị nhốt trong đó.

Hai hàng rào chỉ cách nhau một cánh tay. Tưởng chừng gần như thế chúng tôi có thể dễ dàng nói chuyện, nhưng đâu chỉ mình chúng tôi, còn có khoảng 70-80 người, thăm nuôi lẫn được thăm nuôi, hò hét cũng một lúc.

Những người bị giam đều mặc một chiếc áo thun màu cam rực. Tôi bối rối một lúc vì không biết người mình tìm trông như thế nào trong cả hàng dài mấy chục người.

Nhưng Christine vội dẫn tôi đến ngay chỗ gần cuối hàng rào, dễ dàng tìm ra Thao, có lẽ đó là nơi họ luôn hẹn gặp.

Nhưng điều tôi bất ngờ là không chỉ Thao mà hai người Việt khác cũng ở đó, và một cô gái Việt đã đứng đó nói chuyện với họ rồi.

Hồng đang tươi cười hét vọng qua bên hàng rào, khi tôi hỏi liệu cô có phải là người Việt hay không. Bằng chất giọng Hà Tĩnh, Hồng nói chỉ mới vào thăm nuôi cách đây một tháng, vì từng có một ông chú từng bị giam trong đây.

Họng tôi bắt đầu đau, nhưng Thao vẫn không thể nghe thấy gì.

Tôi viết vội vào mảnh giấy rồi nhét qua tấm lưới sắt, mắt lưới đủ to để nhét một tờ giấy vào, và chúng tôi chờ.

Như nhiều người đến thăm nuôi ở đây, nhất là nhóm thiện nghiện nước ngoài hay gặp khó khăn về ngôn ngữ, chúng tôi viết câu hỏi vào tờ giấy và chờ đợi viên sĩ quan thi thoảng lại đi ngang qua để nhờ họ chuyển cho phía bên kia hàng rào, và lại chờ đợi đợt “đưa đò” tiếp theo để nhận lá thư phản hồi.

Tôi dần nhận ra cả ba người Việt kia đều không nói sành sỏi tiếng Việt, vì đều là dân tộc thiểu số.

Lor Nhia Thao, 52 tuổi, là người H’Mông ở Điện Biên dáng người nhỏ thó, tóc húi cua, và có nụ cười hiền, anh cho biết anh đã bị giam ở IDC gần 10 năm qua. Thao có vợ và 5 người con gái vẫn đang tìm cách sinh sống ở Bangkok.

Ksor Sun, 42 tuổi và Rôơy Muel, 23 tuổi thì từ Gia Lai, và bị giam ở IDC từ tháng 12, 2016. Ksor Sun người đậm hơn Thao, còn Muel thì cao to, và nói tiếng Việt khá hơn. Cả hai cười rất tươi khi thấy có chúng tôi đến thăm.

Viên sĩ quan lại đi ngang qua, tờ giấy kèm lời phản hồi của họ được chuyền lại tay tôi.

Cuộc sống trong đó thế nào?

“Bệnh tật vì thiếu đồ ăn uống… về chỗ ngủ thì nó rất là chật chội, mỗi phòng người ta nhốt khoảng 200 người,” nét chữ của Rô-ơy khi tôi hỏi về tình hình cuộc sống trong đó.

“Chúng tôi đến để xin tị nạn và bị chính quyền Thái bắt vào IDC.”

Vì sao lại đi tỵ nạn?

“Bị chính quyền Việt Nam không cho phép theo đạo và chúng tôi không có sự lựa chọn nên phải bỏ nước ra đi.

“Ba người chúng tôi giống nhau. Cả ba đều không có giấy tờ và không có ai vào thăm cả. Vì chúng tôi đã từng ở tù bên Việt Nam, nên không muốn về…”

Lá thư chưa kịp viết xong thì hồi chuông báo một tiếng thăm nuôi đã hết. Tôi gần như phải năn nỉ viên sĩ quan để lấy lại mảnh giấy cuối cùng.

Theo những thông tin tôi lấy được từ Ksor Sun, Rôơy và Thao thì có khoảng hơn 70 người đàn ông Việt Nam bị giam giữ, tuy nhiên phần lớn là những người đánh cá từ các thuyền cá Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển Thái Lan.

Có nhiều thông tin trái chiều về số lượng người Việt thực sự đang bị giam giữ trong IDC, vì có nhiều người chỉ bị tạm giam vài tháng, nhưng có người lại bị giam giữ đến nhiều năm, khiến số lượng người bị giam không rõ ràng, chính xác.

Tuy nhiên, có một số thông tin mà Tong, Christine và Hồng khẳng định chắc chắn với tôi.

Những người bị tạm giam bị chia ra theo giới tính, trẻ con dưới 10 tuổi thì sẽ được giam cùng với cha hoặc mẹ cùng giới tính. Trẻ trên 10 tuổi sẽ bị giam riêng.

Trong khi đó một người đi thăm chỉ được phép thăm một người duy nhất.

“Vậy nếu như một gia đình 6 người muốn đoàn tụ thì phải có 6 người đến thăm họ cùng một lúc?”tôi hỏi.

Tong và Christine gật đầu, cả hai cho biết họ phải luôn nhờ vả một vài người bạn đi cùng để giúp những người thân bị nhốt riêng biệt có thể gặp nhau.

Cả ba cho tôi biết cuộc sống trong đó rất chật chội khổ sở.

Nhiều người không có chỗ ngủ, phải chọn cách ngủ ngồi hoặc ngủ đứng. Trẻ con thì được học tạm bợ đủ để không quên con chữ.

Christine và Hồng cho tôi biết phía đại sứ quán Việt Nam chưa hề liên hệ hay giúp đỡ ba người này.

Về phía họ, cả Hồng, Christine và Tong đều chưa trực tiếp liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam về trường hợp Ksor Sun, Rôơy và Thao.

Cả ba phần lớn đều phụ thuộc vào các mối quan hệ riêng với các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà thiện nguyện hoặc thời gian riêng để đến thăm và hỗ trợ hàng ngày.

Nhưng tôi biết họ cũng chỉ có thể giúp đến một mức nào đó, vì có vẻ số lượng người Việt bị bắt và đưa vào đây không hề giảm đi.

Những mảnh đời Việt Nam này không biết sẽ đi về đâu, nhưng những câu chuyện như thế này có thể vẫn sẽ tiếp diễn trên đất Thái.

Một số nhân vật trong bài yêu cầu chỉ nêu tên, không nêu họ. Chủ đề người nhập cư ‘lưu cữu’ trong các trung tâm tạm giữ cũng đã được báo Thái Lan đăng tải.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43123368

 

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ sẽ từ chức?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Những ngày qua, dư luận trong nước quan tâm đến lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, rằng cương quyết không công nhận ứng viên thiếu chuẩn giáo sư và phó giáo sư trong khi chính ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bị tố cáo “đạo văn” trong hai bài báo khoa học đăng trên Asian Social Science và Scopus.

Ông Phùng Xuân Nhạ “đạo văn”?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ được dư luận yêu cầu giải trình sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt trong năm 2017.  Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến “đạt chuẩn giáo sư năm 2017”, nhưng giới chuyên môn không rõ công trình nghiên cứu khoa học của bà Kim Tiến là gì.

Trước con số 1.226 giáo sư, phó giáo sư được cho là cao kỷ lục trong hơn 4 thập niên Nhà nước tổ chức xét phong/công nhận, truyền thông trong nước trích đăng nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng “có tiêu cực” trong việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư; như ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học-Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định có đủ bằng chứng để chứng minh có tiêu cực trong Hội đồng liên ngành. Ông Vũ Hào Quang còn nhấn mạnh Nhà nước phải vào cuộc để làm rõ vấn đề này.

Văn phòng Chính phủ, hồi ngày 8 tháng Hai ban hành chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem xét, rà soát lại việc bổ nhiệm vừa nêu theo như phản ánh của dư luận, vào báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng Hai.

Tôi nghĩ họ sẽ nghiên cứu lại, nhưng tôi không hy vọng họ sẽ có câu trả lời dứt khoát điều gì cả để đưa ra quyết định. Bởi vì, theo tôi chỉ có một quyết định có thể có được là bãi chức giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ và yêu cầu ông Phùng Xuân Nhạ từ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo
-GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng

Vào ngày 9 tháng Hai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành báo cáo Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, do chính ông đảm nhiệm trước ngày 18 tháng Hai. Ông Phùng Xuân Nhạ nêu rõ trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định thì Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cương quyết không công nhận.

Tuy nhiên, dư luận một lần nữa dậy sóng vì cho rằng ông Phùng Xuân Nhạ bị “gậy ông đập lưng ông” qua thông tin Giáo sư-Tiến sĩ Toán học Nguyễn Tiến Dũng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp gửi thư ngỏ “Đề nghị kiểm tra tư cách giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ” đến Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Trên trang Facebook cá nhân, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, vào ngày 11 tháng Hai công khai những thông tin liên quan đề nghị Chính phủ và và giới khoa học Việt Nam cần làm sáng tỏ trường hợp của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng đưa ra bằng chứng để khẳng định ông Phùng Xuân Nhạ “đạo văn” trong hai bài báo trong danh sách Scopus (cơ sở dữ liệu trắc lượng khoa học) và đăng trên tờ Asian Social Science. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng còn bình luận hai bài báo khoa học của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nhiều lỗi sai về tiếng Anh, mặc dù ông Phùng Xuân Nhạ trong lý lịch khoa học của mình đã tự nhận học cao học ở Đại học Manchester, Anh, có học bổng Fulbright tại trường Georgetown University, Hoa Kỳ và từng giảng dạy bằng tiếng Anh trong một dự án ở Lào.

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng và rất nhiều cư dân mạng nêu lên thắc mắc rằng có phải ông Phùng Xuân Nhạ, trong cương vị Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, đã tự ký quyết định phong cho ông thành giáo sư hồi năm 2016 hay không, bởi vì theo phạm trù khoa học thì ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là “giả khoa học”.

Kêu gọi từ chức

Vào ngày 19 tháng Hai, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ trên Facebook rằng Giáo sư Trần Văn Nhung cho biết Hội đồng đã nhận được báo cáo của ông về vụ việc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Hội đồng sẽ đưa ra trả lời trong thời gian tới.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một người rất quan tâm vụ việc này và được ông nhận xét rằng rõ ràng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người chưa đủ điều kiện để được phong giáo sư và ông Nhạ còn tự phong cho mình chức Chủ tịch Hội đồng chức danh thì hai chuyện đó là điều không thể chấp nhận được của một người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về phúc đáp của Giáo sư Trần Văn Nhung cho Giáo sư Nghuyễn Tiến Dũng, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói:

“Hội đồng chức danh khi xác nhận người được là giáo sư, phó giáo sư thì họ đã nghiên cứu hồ sơ cả năm trời. Vấn đề là tại sao họ nghiên cứu thế nào để một người như ông Phùng Xuân Nhạ với một trình độ như vậy, với một hành động lố bịch như vậy mà lại được phong làm giáo sư? Cho nên, tôi nghĩ họ sẽ nghiên cứu lại, nhưng tôi không hy vọng họ sẽ có câu trả lời dứt khoát điều gì cả để đưa ra quyết định. Bởi vì, theo tôi chỉ có một quyết định có thể có được là bãi chức giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ và yêu cầu ông Phùng Xuân Nhạ từ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo.”

Đài RFA ghi nhận trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều lời kêu gọi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từ chức. Nhà báo độc lập Huy Đức, qua trang Facebook cá nhân Truong Huy San viết rằng:

“Ông Phùng Xuân Nhạ từ chức Bộ trưởng Giáo dục là cách duy nhất cứu vãn uy tín, vốn đã rách tả tơi, của ngành Giáo dục. Trong trường hợp, ông Nhạ bất chấp, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc Hội nên chuẩn bị một bản điều trần trình bày tại Quốc Hội trước phiên họp toàn thể bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng. Trong trường hơp của ông Nhạ thì nên bỏ phiếu bất tín nhiệm.”

Nếu ông có lòng tự trọng thì ông phải từ chức. Nhưng các cán bộ Cộng sản không có lòng tự trọng. Họ còn tìm cách lên chức, chứ dễ họ gì từ chức. Bởi vì, những đảng viên họ làm điều sai trật thì ít khi họ bị gì lắm. Cấp trên bao che cho họ hết

-Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai

Trong khi không ít người lên tiếng kêu gọi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từ chức, thì cũng có ý kiến cho rằng vụ việc rồi cũng không đi đến đâu và ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng sẽ “bình chân như vại”, như ý kiến của Facebooker Huynh Thi Xuan Mai, một cô giáo nghỉ hưu:

“Nếu ông có lòng tự trọng thì ông phải từ chức. Nhưng các cán bộ Cộng sản không có lòng tự trọng. Họ còn tìm cách lên chức, chứ dễ họ gì từ chức. Bởi vì, những đảng viên họ làm điều sai trật thì ít khi họ bị gì lắm. Cấp trên bao che cho họ hết. Tôi đi dạy mấy chục năm thấy vậy.”

Chúng tôi cũng nhận được ý kiến của một chuyên gia giáo dục ở trong nước, không muốn nêu tên cho rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ chính thức lên tiếng về vụ việc này, bởi vì ông là một người thông minh và chịu khó lắng nghe. Và, thông tin mới nhất chúng tôi ghi nhận vào tối ngày 20 tháng Hai, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng thông báo tài khoản Facebook của ông bị tấn công trùng hợp thời điểm ông vừa công bố bài báo cáo phân tích về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ trên Facebook; đồng thời Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng còn nhận được tin nhắn Tổng cục 5 tung tin sang Pháp điều tra ông, nhưng Đài RFA chưa kiểm chứng được thông tin này.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-minister-of-education-department-phung-xuan-nha-resign-02202018143144.html

 

Bộ Giáo dục đào tạo lùi thời hạn rà soát chức danh giáo sư

Bộ Giáo dục-Đào tạo đề nghị được lùi thời hạn báo cáo rà soát lại việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 đến hết ngày 28 tháng Hai.

Trong công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo kiêm Chủ tịch Hồi đồng chức danh giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ đề nghị như vừa nêu. Lý do được đưa ra là vì thời gian thực hiện trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên Bộ Giáo dục-Đào tạo xin lùi thời hạn báo cáo rà soát để đảm bảo khách quan, công bằng và đúng quy trình.

Trước đó vào ngày 8/2,  Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hồi đồng chức danh giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ yêu cầu xem xét, rà soát lại việc bổ nhiệm 1226 giáo sư, phó giáo sư năm 2017 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng Hai.

Việc công nhận số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao kỷ lục trong hơn 4 thập niên của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước gặp phải sự phản ảnh của dư luận rằng “có tiêu cực” và giới chuyên gia yêu cầu Nhà nước vào cuộc kiểm tra.

Ngay sau khi có công văn hỏa tốc từ Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hồi đồng chức danh giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành báo cáo cho ông trước ngày 18 tháng Hai, cùng lời khẳng định trường hợp nào bị phát hiện không đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định thì Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cương quyết không công nhận.

Trong lúc đó, ông Phùng Xuân Nhạ bị Giáo sư-Tiến sĩ Toán học Nguyễn Tiến Dũng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp trưng ra bằng chứng “đạo văn” trong hai bài báo khoa học, đồng thời đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước kiểm tra tư cách giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-education-wants-to-delay-the-deadline-of-2017-professor-accreditation-s-report-02212018092816.html

 

Khi nào Việt Nam

hợp nhất chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước?

Mỹ Lan RFA

Nhất thể hoá là khái niệm không còn mới ở Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, nhất thể hoá đã được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề nhất thể hoá các chức danh cao nhất trong Đảng và Nhà nước liệu sẽ được áp dụng trong bối cảnh hiện nay và quá trình này sẽ gặp những khó khăn hay thuận lợi gì? Phóng viên đài RFA đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Việt Nam.

RFA: Thưa giáo sư,  ngày 13/2 vừa qua, Tổng bí thư CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, đã có cuộc gặp mặt chúc Tết các vị lão thành cách mạng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời gửi đi lời chúc tết đến đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào ở hải ngoại. Theo truyền thống thì hoạt động này được chỉ được thực hiện bởi Chủ tịch nước vào thời khắc giao thừa trên sóng truyền hình quốc gia mà thôi.  Giáo sư nhìn nhận sự việc này như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Ngay sau khi được Đại hội Đảng lần thứ XII tái bầu làm Tổng bí thư, ông Trọng đã bắt tay vào việc củng cố quyền lực của Đảng trên toàn thể hệ thống chính trị qua viêc cắt cử người vào các vị trí lãnh đạo ở trung ương và chiến dịch đánh tham nhũng để loại bỏ các phần tử mà ông cho là bất xứng và lạm quyền. Kết quả là ngày nay Tổng bí thư là người có thực quyền cao nhất. Việc để cho ông Trọng chúc Tết cả nước phản ánh thực tế chính trị ấy. Để đề cao một phần nào vai trò của Chủ tịch nước trên bình diện quốc tế, ngay sau đó, ngày 14/2, ông Trần Đại Quang đã được cắt cử điện đàm với Tổng thống Donald Trump để trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Khó có thể nói rằng việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước “sẽ sớm xảy ra nay mai” – Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

RFA: Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đã áp dụng mô hình nhất thể hoá và đã thu được những thành công đáng kể. Hiện tại cũng đã có nhiều địa phương cấp xã, huyện đã được áp dụng mô hình này. Vậy giáo sư có nghĩ rằng việc nhất thể hoá các chức danh cao nhất, cụ thể là Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ sớm xảy ra trong nay mai không? Ý kiến của ông như thế nào nếu trường hợp này xảy ra?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng Về trường hợp Quảng Ninh thì người ta khen nhiều lắm. Tuy nhiên, vấn đề gộp chức danh đã đươc ghi vào Nghị quyết của Đại hội XII từ hai năm trước đây. Tháng 3 năm ngoái, trong một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của môt số ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, môt số người đề nghị nên hợp hai chức danh thành một tại một số tỉnh. Trong giai đoạn đó cũng có người như Tiến sĩ Nguyên Sĩ Dũng đề cập đến khả năng hợp hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Nhưng trong bài diễn văn bế mạc Trung ương VI kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trọng chỉ nói đến việc nhất thể hóa chức vụ chỉ huy ở những huyện nào mà “điều kiện cho phép” mà thôi. Nghĩa là Đảng vẫn hết sức dè dặt. Trong tình trạng ấy, khó có thể nói rằng việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước “sẽ sớm xảy ra nay mai.”

RFA: Vậy đâu là những khó khăn và thuận lợi của việc nhất thể hoá các chức danh cao cấp nhất trong  Đảng và Chính quyền, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điểm thứ nhất, về phương diện nghi lễ, thủ tục ngoại giao thì nó làm giản dị trong việc những người lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam khi tiếp xúc với nước ngoài. Còn về phương diện thực tiễn, chính trị thì nó rất lợi vì nó tạo ra cái mà người ta gọi là “chỉ huy thống nhất” – chỉ có một người nói thôi. Còn cái phương cách gọi là lãnh đạo tập thể hay quyết định tập thể nó chỉ là kết quả của mẫu số chung nhỏ nhất thành ra không thể làm những quyết định có tính cách quyết liệt, kịp thời, nhanh chóng, vốn là những quyết định hết sức cần thiết để đối phó với tình trạng thế giới thay đổi rất nhiều. Vì thế nên Việt Nam trong quá khứ đã bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vì sự lừng chừng. Đó là việc lợi của nó. Còn việc khó khăn hay không khó khăn thì mình thấy ở các nước, rất nhiều Đảng cộng sản có thể nói thầu hết, thì họ đều nhất thể hoá cả, Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn nhà lãnh đạo của Hành pháp. Nhưng riêng Việt Nam thì Đảng lãnh đạo tuyêt đối và được đại diện bởi ông Tổng bí thư, còn Hành pháp thì chỉ thi hành thôi và việc thi hành đại diện bởi ông Thủ tướng nhưng ở Việt Nam thì hành pháp lại có thêm ông Chủ tịch nước nữa. Do đó, sự hợp tác giữa hai bên có khó khăn hơn và đó là vấn đề của Việt Nam vì đã có ông Thủ tướng lại có thêm ông Chủ tịch nước nữa. Có lẽ một phần vì nhưng lý do ấy mà Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nga Xô từ năm 1953 đã kiêm nhiệm luôn chức Thủ tướng năm 1958.

 Ở các nước, rất nhiều Đảng cộng sản có thể nói thầu hết, thì họ đều nhất thể hoá cả rồi – Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

RFA: Cho đến thời điểm hiện tại, nhất thể hoá đã được áp dụng tương đối thành công tại Trung Quốc với việc ông Tập Cận Bình kiêm nhiệm cùng lúc chức danh Tổng bí thư  và Chủ tịch nước? Theo giáo sư, Việt Nam liệu có học tập hoàn toàn mô hình này và xác suất thành công khi đươc áp dụng ở Việt Nam?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi đã nói thì đây là mô hình lý tưởng của các nước cộng sản mà hầu hết họ đã làm rồi, chỉ còn Việt Nam thôi. Tuy nhiên ở Việt Nam, vì lý do lịch sử hay là lý do cá nhân thì từ năm 1997, thì đã có chế độ Tam đầu chế, gồm Thủ tướng – Đảng – Quân đội thành ra vậy. Nhưng bây giờ đến giai đoạn này rồi thì họ bắt đầu dần cải tổ. Thành ra trong nhiều năm vừa rồi họ đã nói về chuyện nhập 2 chức danh đó để giản tiện nhưng thực tế chính trị Việt Nam chưa cho phép nhập 2 chức danh đó. Nhưng mà hiện nay chúng ta thấy họ đang làm từ từ. Họ mới sát nhập một số chức ở quận/ xã thôi. Trong Chính phủ như hội nghị tháng 3 tôi nói vừa rồi đó, thì họ chỉ nói đến nhất thể hoá ở cấp tỉnh thôi, còn ở cấp trung ương nhất thì chưa thấy ai đề cập đến. Ở ngoài thì có thể có một số người đã nói đến như ông Nguyễn Sĩ Dũng hay một số người khác nhưng trong Đảng chính thức thì chưa thấy có ai đề cập đến vấn đề này cả.

RFA: Xin cảm ơn giáo sư về buổi phỏng vấn!

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/khi-nao-viet-nam-hop-nhat-chuc-tong-bi-thu-va-chu-tich-nuoc-02212018071653.html

 

Việt Nam đặt mục tiêu

xuất khẩu 21 tỷ USD hàng trồng trọt năm 2018

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngành trồng trọt đặt mục tiêu xuất khẩu 21 tỷ USD trong năm 2018, tăng 2,2-2,3% so với cùng kỳ năm trước. Mạng báo Vietnamet loan tin hôm thứ tư 21/02.

Các địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các cây trồng có lợi nhuận cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như ngô, rau, trái cây và phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các loại trái cây, rau và hoa mới, cũng như phát triển các công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Năm nay, Việt Nam đặt kế hoạch tăng diện tích cây ăn quả lên khoảng 930.000 ha và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Không chỉ trồng rau và hoa công nghệ cao, mỗi địa phương sẽ phát triển ở các thành phố lớn các vùng trái cây quy mô lớn theo tiêu chuẩn GAP về thực hành nông nghiệp cũng như an toàn thực phẩm.

Việt Nam xuất khẩu rau quả chủ yếu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục, khoảng 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm trước.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-nam-dat-muc-tieu-xuat-khau-trong-trot-nam-2018-02212018083409.html

 

170 website Việt Nam bị tấn công nhân dịp tết

Báo chí Việt Nam trích dẫn nguồn tin từ Cục An toàn Thông tin cho biết như vậy, và nói rằng trong số websites bị tấn công có 55 websites có tên miền vn, 10 websites của các cơ quan và tổ chức nhà nước và 99 website có tên miền .com.

Cục An toàn Thông tin cũng cho biết những hình thức tấn công chủ yếu là thay đổi giao diện, chèn mã độc vào mã nguồn. Ngoài ra cơ quan này cũng nói rằng có đến hơn 100 ngàn máy tính ma, tức là máy tính được tin tặc sử dụng để tấn công, và có đến 700 tên miền được đặt ra nhằm mụ đích lừa đảo.

Cách đây một tuần lễ, hãng bảo mật thông tin Kaspersky có trụ sở tại Nga nói rằng Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia bị tấn công mạng kiểu DDos (từ chối dịch vụ) nhiều nhất trên thế giới.

Mạng 4G của Việt Nam có tốc độ đứng thứ hai Đông Nam Á

Vận tốc đường truyền của các thiết bị di động sử dụng công nghệ 4G ở Việt Nam cao hơn Mỹ, và đứng hàng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.

Hãng tin Reuters dẫn tin này với kết quả khảo sát của một công ty có trụ sở ở Anh, dựa trên 60 tỉ lần đo trên gần 5 triệu thiết bị ở 88 nền kinh tế khác nhau trên thế giới.

Tuy nhiên việc sử dụng công nghệ 4G ở Việt Nam được cho là không ổn định dù tốc độ nhanh. Người sử dụng thiết bị di động tại Việt Nam chỉ có thể tiếp cận được với những khu vực có phủ sóng 4G 71% thời gian sử dụng, đứng sau các quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei, và Indonesia.

Singapore hiện là quốc gia có tốc độ truyền tải 4G cao nhất thế giới, tiếp theo là Hà Lan, Na Uy, và Hàn Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/170-websites-attacked-in-vietnam-02212018094813.html