Tin Việt Nam – 2/10/2014
Đài Loan dự trù cắm tên lửa trên đảo Ba Bình — Manila cảnh báo Bắc Kinh sắp lập vùng phòng không trên Biển Đông
Chính quyền Đài Bắc đang xem xét khả năng triển khai tên lửa phòng không RIM-72C Sea Chaparral do Mỹ chế tạo trên đảo Itu Aba mà Đài Loan đang kiểm soát ở vùng Trường Sa.
Theo nhật báo Đài Loan Want Daily, vào hôm qua, 01/10/2014, Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Trung tướng Cao Thiên Trung đã thông báo tin trên cho ông Lâm Úc Phương, một Dân biểu thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền.
Itu Aba – tên tiếng Hoa là Thái Bình, tiếng Việt gọi là Ba Bình – là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, hiện là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Đây là đảo duy nhất mà Đài Loan đang kiểm soát, cho dù Đài Bắc cũng đòi chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với những yêu sách tương tự như của Bắc Kinh.
Tên lửa RIM-72C của Mỹ hiện được đặt trên 6 chiến hạm lớp La Fayette của Pháp mà Hải quân Đài Loan hiện có. Tuy nhiên mới đây, Viện Khoa học Công nghệ Trung Sơn (Chungshan) đã cải tiến thành công tên lửa không đối không Thiên Kiếm II (Sky Sword) dùng cho chiến đấu cơ Đài Loan F-CK-1, để có thể phóng đi từ tàu chiến.
Do vậy Dân biểu Lâm Úc Phương (Lin Yu Fang) đề nghị thay thế tất cả các tên lửa RIM-72C bằng loại Thiên Kiếm II, và yêu cầu Bộ Quốc phòng Đài Loan xem xét việc triển khai loại tên lửa Mỹ trên đảo Itu Aba.
Cho dù Đài Loan không can dự vào cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Scarborough Shoal tháng 04/2012 hay giữa Việt Nam Trung Quốc khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam hồi tháng 05/2014, nhưng dân biểu Lâm Úc Phương đề nghị Đài Bắc có đường lối cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông.
Một số dân biểu khác cũng lên tiếng yêu cầu chính quyền củng cố hệ thống phòng thủ Itu Aba hiện do lực lượng tuần duyên Đài Loan chịu trách nhiệm. Theo các dân biểu này, hệ thống hiện hữu chưa đủ để đối phó với một cuộc tấn công của Việt Nam, do vậy, Bộ Quốc phòng cần triển khai thêm các loại tên lửa phòng không và vũ khí chống đổ bộ trên đảo, đồng thời mở rộng cảng, sân bay và những cơ sở quân sự khác trên đảo Itu Aba.
Theo báo mạng Want China Times, nếu không có loại máy bay tiếp liệu trên không, không quân Đài Loan không thể yểm trợ hiệu quả cho lực lượng trú đóng trên đảo Itu Aba, trong khi Việt Nam cho biết là có thể làm tê liệt hệ thống phòng thủ của đảo này trong vòng 20 phút. Sau đó, lực lượng Việt Nam chỉ cần không đầy một tiếng đồng hồ để giành quyền kiểm soát đảo này.
Trong thời gian gần đây, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các bãi đá mà Trung Quốc đang kiểm soát ở vùng Trường Sa đã liên tiếp bị tố cáo trước công luận thế giới, đặc biệt là trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc với phát biểu hôm 29/09/2014 của Ngoại trưởng Philippines. Đối với giới lãnh đạo quốc phòng và an ninh Philippines, khả năng Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông – tương tự như những gì họ đã làm trên Biển Hoa Đông – không còn xa.
Nhật báo The Philippine Star, xuất bản tại Manila, hôm 30/09 vừa qua đã trích dẫn một số quan chức an ninh cao cấp của Philippines, lên tiếng báo động rằng các hoạt động cải tạo địa hình và xây dựng cơ sở trên các thực thể mà Bắc Kinh đã chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa là tín hiệu dự báo việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Trích dẫn các nghiên cứu quân sự cũng như dữ liệu quan sát liên tục thu thập được, một quan chức an ninh cấp cao của Philippines hôm 29/09 đã xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo và bồi đắp các rạn san hô đang tranh chấp trên Biển Đông là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực.
Phát biểu với nhật báo Philippines, viên chức này cảnh báo: “Trung Quốc chỉ còn chờ hoàn tất việc xây dựng các cơ sở hải quân và không quân trên các bãi mà tên tiếng Việt là Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven… để tuyên bố một vùng phòng không tại Biển Đông, tương tự như những gì Bắc Kinh đã làm ở Biển Hoa Đông”.
Các bức không ảnh gần đây nhất của khu vực (tháng 07/2014) cho thấy là các bãi ngầm đã biến thành đảo cát nhân tạo, với những cơ sở kiên cố, đường sá, bến tàu, thậm chí có trồng cả dừa. Theo báo chí Philippines, Trung Quốc không chỉ xây các cơ sở quân sự, mà còn chú ý đến các công trình dân sự như khách sạn hoặc hồ bơi để phục vụ cho du khách trong tương lai.
Theo một quan chức an ninh khác, được báo Philippine Star trích dẫn, thì Trung Quốc đang cải tạo các vùng chiếm đóng để có chỗ đặt chiến đấu cơ và chiến hạm để buộc các nước khác tôn trọng vùng phòng không mà họ thiết lập. Hậu quả, theo viên chức này là quyền tự do đi lại trên biển và trên không của Philippines cũng như của các nước khác sẽ bị tác hại.
Hồi cuối tháng Mười Một năm ngoái, Nhật Bản và Mỹ đã bác bỏ vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Hoa Đông, bao trùm cả vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Ngay từ lúc ấy, quốc tế đã không ngừng cảnh cáo Trung Quốc là không được thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông. – RFI
VN kêu gọi Bắc Hàn từ bỏ hạt nhân
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam đã chung giọng cùng nữ Tổng thống Park Geun-hye của Nam Hàn kêu gọi Bắc Hàn thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân, hãng tin Yonhap dẫn thông cáo chung được đưa ra sau cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo cho biết.
Ông Trọng đang có chuyến thăm chính thức Seoul từ ngày 1 đến ngày 4/10.
Ngoài ra hai nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc đàm phán thỏa thuận tự do thương mại trong năm nay.
‘Không thể dung thứ’
Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm vào thứ Năm ngày 2/10, bà Park nói bà và ông Trọng cùng chia sẻ quan điểm rằng ‘việc Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không thể dung thứ’, cũng theo Yonhap.
Văn phòng của bà Park nói rằng lời kêu gọi của ông Trọng và bà Park sẽ gửi đi ‘một thông điệp mạnh mẽ’ đến với Bắc Hàn.
Hà Nội có quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950.
Trước đó, ông Trọng đã trả lời phỏng vấn của hãng Yonhap trước thềm chuyến thăm rằng Việt Nam ‘trong khả năng có thể, sẵn sàng tham gia, tích cực đóng góp xây dựng vào quá trình cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên’.
“Là một dân tộc đã trải qua và từng chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, bị chia cắt, hơn ai hết nhân dân Việt Nam thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ nguyện vọng chính đáng, thiết tha của nhân dân hai miền Triều Tiên về hòa bình thống nhất đất nước,” ông Trọng nói.
Sau cuộc hội đàm Ông Trọng và bà Park đã chứng kiến các quan chức hai nước ký kết bản ghi nhớ hợp tác tài chính trị giá 12 tỷ đô la Mỹ – một động thái mà Seoul cho rằng sẽ giúp các công ty Nam Hàn giành được những dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Việt Nam.
Hãng tin Yonhap cho biết các công ty Nam Hàn đang hy vọng giành được bốn dự án lớn về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, trong đó có dự án xây dựng đường sắt giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang trị giá 7,1 tỷ đô la Mỹ.
“Hai nhà lãnh đạo chúng tôi nhất trí rằng sự tham gia của các công ty Hàn Quốc trong các dự án hạ tầng lớn sẽ đóng góp vào sự phá triển kinh tế của hai nước,” bà Park được dẫn lời nói trong cuộc họp báo chung với ông Trọng.
21 phát đại bác
Trước đó, nước chủ nhà đã bắn 21 phát đại bác chào mừng khi ông Trọng đến sân bay của họ, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín của Nam Hàn với kim ngạch hai chiều đạt 28,2 tỷ đô la Mỹ trong năm 2013, theo số liệu thống kê chính thức.
Còn Nam Hàn hiện là nhà đầu tư thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì Tổng bí thư Trọng và Tổng thống Park đã ‘trao đổi về các giải pháp lớn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước.
Trong các giải pháp đó có tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả của các cơ chế đối thoại chiến lược, đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng…
Bà Park Geun-hye nói với ông Trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư và hoạt động ở Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng, giao thông, tài chính, ngân hàng..
Bà cũng hứa chính phủ của bà sẽ hỗ trợ các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Đây là lần thứ hai ông Trọng đi thăm Nam Hàn. Lần trước là vào năm 2008 khi ông Trọng còn là Chủ tịch Quốc hội. – BBC
PTT CSVN Phạm Bình Minh: ‘Không có hai nước nào đã cật lực làm việc” để sửa chữa quan hệ hơn là Mỹ và Việt Nam
“Không có hai quốc gia nào đã cật lực làm việc,” để vượt qua các sự khác biệt hơn so với Hoa Kỳ và Việt Nam, phó thủ tướng của một nuớc ASEAN nói hôm thứ Tư 1/10.
Trong suốt buổi nói chuyện của ông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh, “sự phát triển sôi động trong tất cả các lãnh vực” – thương mại, trao đổi nhân sự và an ninh đã cho phép VN và khu vực phát triển kinh tế một cách hòa bình. VN và Mỹ chỉ quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
“Người ta không thể tin được mối quan hệ đã phát triển nhanh như thế nào”, ông nói.
Đó là mối quan hệ bắt đầu một cách bất thường sau một cuộc chiến lâu dài – việc tìm kiếm người Mỹ mất tích sau khi cuộc chiến kết thúc.
Việc rút quân của Việt Nam ra khỏi Campuchia và sự đóng cửa các trại tù cải tạo, nơi hàng ngàn người theo chính quyền Sài Gòn đã bị giam giữ.
Nhưng có một điểm rắc rối trong mối quan hệ mới là lệnh cấm vận của hành pháp về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Lệnh cấm được áp đặt chủ yếu trên cơ sở quyền con người.
Minh gọi sự tiếp tục lệnh cấm vận là “bất thường” khi phát biểu ở Asia Society, New York tuần trước, theo VOA.
Lệnh cấm vận có thể được uyển chuyển. Tuần trước, Reuters đưa tin Mỹ đang cân nhắc bán cho Việt Nam máy bay không trang bị vũ khí Lockheed Martin P-3 Orion loại giám sát hàng hải.
Trong một cuộc thảo luận theo sau phần phát biểu hôm thứ Tư, ông Scot Marciel, Thứ Truởng ngoại giao Mỹ, cho biết các thỏa thuận gần đây đã cho phép gửi viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, nhưng các tiếp xúc quân sự với quân sự “thì đi chậm hơn” và việc bán vũ khí sát thương bị cấm bởi chính sách hành pháp.
Chris Borse, cố vấn an ninh quốc gia cho nghị sĩ John McCain (R-Ariz.), cho biết, “Các lợi ích chiến lược ngay lập tức [cho hai quốc gia] là an ninh hàng hải” trong khu vực.
Quốc Hội Mỹ sẵn sàng làm việc với hành pháp về một nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm vận nếu Việt Nam “thể hiện sự thay đổi thể chế” cho thấy sự sẵn sàng “để loại bỏ việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện” chống lại những nguời bất đồng chính kiến và cải cách hệ thống tư pháp của họ, ông nói.
Borse và Marciel nhấn mạnh rằng dỡ bỏ lệnh cấm không gắn liền với “quid pro quo” bánh ít đi bánh quy lại – là nếu CSVN thả một số tù nhân, thì một số vũ khí có thể được bán – nhưng là một sự tiến bộ rõ ràng rộng lớn về nhân quyền.
Murray Hiebert, thành viên thâm niên của CSIS và đồng tác giả của một báo cáo mới về tình hình quan hệ giữa hai nước, cho biết, dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí “sẽ là một bước tiến đáng kể.”
Minh, bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam từ năm 2011, cho biết hai nước sẽ tiếp tục làm việc để loại bỏ chất độc da cam, tìm kiếm và phá hủy bom đạn chưa nổ và tìm kiếm hài cốt các chiến binh Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Ông nói rằng các thỏa thuận hợp tác toàn diện và các thoả thuận khác gần đây giữa hai nước tuy quan trọng nhưng nó “không cản trở các mối quan hệ của chúng tôi với các nước khác,” đặc biệt là Trung Quốc.
Đối với tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và các nước khác về các đảo ở Biển Đông, Minh nói: “Chúng tôi phát triển mối quan hệ với tất cả các nước” và điều cần thiết là các cuộc đàm phán ngoại giao giữa tất cả các bên tranh chấp lãnh thổ và không đối đầu quân sự.
Khi được hỏi bởi một phóng viên hãng tin Nga về kế hoạch của Việt Nam cho sự phát triển Vịnh Cam Ranh – căn cứ cũ của Mỹ và hải quân Liên Xô tại Việt Nam – Minh nói: “Chúng tôi hoan nghênh mọi sự giúp đỡ. Đó không phải là một cảng quân sự.” – usni