Tin Việt Nam – 21/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/01/2019

Người dân Vườn rau Lộc Hưng phản đối

chính quyền tự động cắm cọc phân lô đất cưỡng chế

Vào ngày 21/1, chính quyền địa phương ở phường 6, quận Tân Bình đã cho người đến cắm cọc phân lô trên khoảng đất 4.8 ha Vườn rau Lộc Hưng mà không được sự đồng ý của người dân ở đây.

Ông Cao Hà Chánh, đại diện những hộ dân Vườn rau Lộc Hưng đã bị chính quyền cưỡng chế vào các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua, cho Đài Á Châu Tự Do biết về tình hình xảy ra vào hôm 21/1 như sau:

Ngay bây giờ trên đất của bà con thì họ đã cưỡng chế nhà hết rồi, xong rồi họ cứ cào xới lên. Cuối cùng qua nay thấy họ cắm mốc phân lô, cứ 5 mét 20 gì đó. Bà con kéo ra đề nghị gặp người chỉ đạo, gặp lãnh đạo phường quận nhưng không được. Bà con phản ứng và yêu cầu không được làm gì trên đất này vì đây là đất vẫn thuộc bà con mà lãnh đạo các cấp chưa đối thoại với dân”.

Vào các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng và máy móc đến cưỡng chế, tháo dỡ hàng trăm căn nhà trên mảnh đất 4,8 ha Vườn rau Lộc Hưng. Chính quyền quận Tân Bình cho báo chí trong nước biết việc cưỡng chế được thực hiện đối với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018.

Bà con phản ứng và yêu cầu không được làm gì trên đất này vì đây là đất vẫn thuộc bà con mà lãnh đạo các cấp chưa đối thoại với dân – Cao Hà Chánh

Tuy nhiên, những người dân Lộc Hưng mà đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết, chính quyền đã phá dỡ khoảng 200 căn nhà, cào xới đất, xoá sạch các ranh giới giữa các lô đất, phá bỏ hoa màu của người dân. Trong số này có nhiều căn nhà đã được xây dựng tại đây từ 9 đến 10 năm. Những người dân Lộc Hưng nói với đài Á Châu Tự do rằng họ đã sống ở đất vườn rau nhiều đời, từ thời ông bà cha mẹ vì đất vườn rau thuộc hội Thừa sai Paris cho người dân dùng để sống và canh tác từ thời Pháp. Thậm chí sau vụ cưỡng chế, người dân ở đây đã đưa lên mạng hình ảnh những khế ước đất có từ thời Pháp của họ. Người dân cũng cho biết họ đã nhiều lần yêu cầu địa phương cho họ đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không được trả lời. Điều này đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài của nhiều hộ dân ở đây lên chính quyền thành phố từ năm 1999 đến 2008 mà không có câu trả lời dứt khoát.

Trong khi đó, chính quyền địa phương nói với truyền thông trong nước rằng mảnh đất này thuộc Bưu điện thành phố cho bà con mượn trồng rau và đã được quy hoạch để xây trường học.

Trước sự phản ứng của người dân, vào ngày 13/1, chính quyền quận Tân Bình cho biết địa phương quyết định hỗ trợ 7.055.000 đồng/ m2 đất vườn rau và từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho các hộ trồng hoa màu bị ảnh hưởng do cưỡng chế. Báo chí trong nước đến hôm 20/1 cho biết đã có 8 hộ trong số 124 đã đăng ký sử dụng đất với chính quyền địa phương, nhận được khoảng 8 tỷ đồng tiền hỗ trợ.

Ông Cao Hà Chánh nói với đài ACTD rằng 8 hộ này là những hộ có người trong gia đình làm cho chính quyền, còn những người dân Lộc Hưng khác vẫn kiên quyết không nhận tiền bồi thường.

Chị Trần Minh Thi, một người có hơn 1.000 m2 đất vườn rau từ thời ông bà, cho đài ACTD biết:

Họ xuống và họ nói là họ là tổ vận động. Tức là họ vận động chúng tôi ký trên 7.055.000 đồng. Có người đã ra rồi nhưng đó là những người từ trước đến nay không đồng hành cùng chúng tôi. Đường mương mà những người này chiếm thì giờ họ cấu kết với chính quyền để họ ra phường lấy tiền vì đất đó không phải của họ thì họ lãnh là được. Họ nói là nếu dụ được ai thì họ cho tiền thưởng 5 triệu chứ người dân chúng tôi hoàn toàn không nhận gì hết”.

Sau vụ cưỡng chế, chính quyền quận Tân Bình nói với báo chí trong nước rằng việc cưỡng chế chỉ phá nhà xây trái phép nhưng không lấy đất. Tuy nhiên, chị Thi cho biết, sau ngày 8/1, người dân Vườn rau đã không thể quay lại đất của mình vì bị cấm, và cuộc sống của họ giờ hết sức khó khăn, phải đi tìm nhà ở thuê, ở trọ, trong khi Tết cổ truyền đang đến gần.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lochung-residents-protest-local-governments-planning-land-01212019092845.html

Ba công dân bị bắt

vì mặc áo phản đối luật An ninh mạng

Tin từ Sài Gòn – Ba công dân bị công an Sài Gòn hốt về đồn vì một trong ba người mặc áo phông có in hàng chữ “Phản đối luật An ninh mạng” ở phía trước.

Theo Facebooker Hoàng Dũng, sáng 20 tháng 1, một facebooker tên Paul Vu Nguyen ngồi uống cafe với hai người bạn ở một quán nước thuộc phường 3, quận 5. Một trong hai người tên là Minh mặc áo phông có hàng chữ nói trên. Đang ngồi uống cafe thì cả ba người bị công an bắt về trụ sở công an phường 3. Cho đến 5 giờ chiều, họ vẫn bị giam giữ và không có thêm thông tin từ những người bị bắt.

Theo facebooker Hoàng Dũng thì facebooker Paul Vu Nguyen là người có song tịch Việt Nam và Pháp. Rất có thể anh sẽ bị trục xuất sang Pháp, như nhà cầm quyền Việt Nam đã trục xuất giáo sư đại học Phạm Minh Hoàng.

Quốc hội CSVN thông qua Luật An ninh mạng, một luật được cho là công cụ nhằm bịt miệng giới bất đồng chính kiến trên mạng xã hội. Luật này có hiệu lực từ đầu năm 2019.  Trong giữa tháng 6, hàng chục nghìn người đã đổ ra nhiều đường phố ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, và Đồng Nai để phải đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế.  Lực lượng công an CSVN đã sử dụng nhiều biện pháp bạo lực để đối phó với người biểu tình. Hàng trăm người bị bắt, bị đánh đập và nhiều trong số họ bị kết án tù giam lên tới 54 tháng.

Tuy bị đe doạ tù đày bởi luật An ninh mạng, nhiều Facebookers tiếp tục bày tỏ chính kiến và phản đối nhiều chính sách của chính phủ CSVN và đưa nhiều tin về tham nhũng của cán bộ CS.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/ba-cong-dan-bi-bat-vi-mac-ao-phan-doi-luat-an-ninh-mang/

 

Bất ngờ hoãn phiên tòa xử 5 thành viên

 Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết

Phiên tòa xử phúc thẩm 5 thành viên của tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” dự kiến diễn ra vào sáng nay 21/1/2019, nhưng bất ngờ bị hoãn với lý do có một luật sư vắng mặt và xin hoãn phiên tòa.

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho 2 ông Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ cho rằng, việc hoãn phiên tòa là đúng luật.
Khung hình phạt cho tội danh này (điều 79 BLHS năm 1999 – PV) lên đến chung thân hoặc tử hình nên khi xử tội danh này phải có luật sư.

Bốn người kia thì có luật sư rồi, riêng thầy Phan Trung gia đình không có mời nên tòa chỉ định một luật sư, nhưng bởi vì luật sư đó mới nhận được tin cho nên luật sư xin hoãn phiên tòa để có thời gian nghiên cứu hồ sơ.

Cho nên sáng nay tòa có mở phiên tòa, điểm danh luật sư không có nên tòa thông báo xin hoãn phiên tòa. Viện kiểm sát đồng ý và 2 luật sư đồng ý nên hoãn phiên tòa,” luật sư Miếng nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại.

Tuy nhiên, theo luật sư Miếng ngày mở phiên tòa trở lại chưa được xác định.

Vào ngày 5/10/2018, Tòa án nhân dân TPHCM mở phiên sơ thẩm tuyên phạt 5 nhà hoạt động thuộc tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết các mức án khác nhau gồm:

Ông Lưu Văn Vịnh bị tuyên 15 năm tù giam, Nguyễn Văn Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung 8 năm tù giam.

Ngoài ra, toà cũng yêu cầu quản chế những người này tại địa phương từ 3 năm đến 5 năm, kể từ sau khi chấp hành xong án tù.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, 5 người này đã có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia như thành lập tổ chức phản động “Liên minh dân tộc Việt Nam” nhằm tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng Cộng sản, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hômn 20/1, Human Rights Watch ra thông cáo báo chí lên án phiên toà xử 5 nhà hoạt động và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho những người này. “5 nhà hoạt động đã bị mất tự do chỉ đơn giản vì họ đòi có đổi mới chính trị và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam. Các vận động hoà bình cho đổi mới và dân chủ không thể coi là tội phạm và Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho họ”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch viết trong tuyên bố của tổ chức này.

Hôm 18/1/2019, 18 tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự thương mại với Việt Nam (EVFTA) vì những lo ngại về tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam.

Trong bức thư nêu tên các nhà hoạt động và blogger có tiếng mà chính quyền Việt Nam cần phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện có tên của ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ cùng với trên 100 tù nhân lương tâm khác.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-postpone-trial-of-5-activists-01212019094759.html

 

Bác sĩ Hoàng Công Lương

bị đề nghị 36-42 tháng tù

TTO – Theo Viện KSND thành phố Hòa Bình, Hoàng Công Lương có vai trò là ‘cánh cửa chốt chặn cuối cùng’ trước khi để chất độc vào người nạn nhân nên bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Phiên tòa chạy thận: Tòa bác ‘chứng cứ đầu độc giết người’ của luật sư

Chiều 21-1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hòa Bình đã công bố bản luận tội các bị cáo trong vụ án sự cố chạy thận làm 9 người chết ở tỉnh Hòa Bình. Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Hoàng Công Lương mức án 36-42 tháng tù.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định Hoàng Công Lương là bác sĩ chuyên khoa I, là bác sĩ điều trị chuyên môn chính cho 18 bệnh nhân ngày 29-5-2017 ở đơn nguyên thận nhân tạo.

Bị cáo cũng có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản. Theo công văn trả lời của Sở Y tế Hòa Bình, đến thời điểm xảy ra sự cố, chỉ Lương có đủ điều kiện hoạt động độc lập, đủ quyền ra y lệnh chạy thận.

Bằng việc Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại có hiệu lực với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân ngày 29-5-2017, Viện Kiểm sát nhận định Lương được ông Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) phân công nhiệm vụ điều trị chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo.

Ngoài vai trò là bác sĩ chuyên môn điều trị, bị cáo Hoàng Công Lương cũng ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Viện Kiểm sát cáo buộc Lương phải biết tầm quan trọng của nguồn nước và nắm được trước, trong và sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước và hóa chất tồn dư.

Bị cáo cũng biết phải chịu trách nhiệm về nguồn nước, song khi chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo đã ra y lệnh chạy thận mà không báo cáo lãnh đạo.

Việc chạy thận nhân tạo không phải trường hợp lọc máu cấp cứu, bên cạnh đó đơn nguyên thận nhân tạo có hai hệ thống lọc nước RO, có thể chạy thay thế, nên đây không phải là tình thế cấp thiết.

Bởi vậy, với vai trò, trách nhiệm của mình, theo Viện Kiểm sát, Lương hoàn toàn có quyền không cho các điều dưỡng viên thực hiện chạy thận cho các bệnh nhân. “Hành vi nguy hiểm của bị cáo Hoàng Công Lương chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người chết nên đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội vô ý làm chết người; bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị mức án 42-48 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ba bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) cùng bị đề nghị mức 36-42 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh này, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị Viện Kiểm sát đề nghị 30-36 tháng tù.

Vụ Tuấn – DanhTrọng

https://tuoitre.vn/bac-si-hoang-cong-luong-bi-de-nghi-36-42-thang-tu-20190121175956756.htm

 

Tai nạn: Xe tải tông chết 8 người

viếng nghĩa trang ở Hải Dương

Một vụ đâm xe tải vào đoàn người viếng nghĩa trang làm chết tám người ở Hải Dương.

Vụ việc xảy ra vào lúc chiều 21/01 trên Quốc lộ 5, gây ra ùn tắc đến tối cùng ngày.

Theo báo Tiền Phong, chiếc xe tải lưu thông trên đường “bất ngờ đâm trúng vào đoàn người đi bộ làm ít nhất tám người tử vong, năm người khác bị thương”.

Liên tục có nhiều nạn nhân

Cùng lúc, báo chí, mạng xã hội Việt Nam lên tiếng nhiều về sự việc đau đớn xảy ra không lâu trước Tết Kỷ Hợi.

Mới đầu năm 2019, dư luận Việt Nam đã bàng hoàng về vụ xe container đâm vào hàng loạt người đi xe máy chờ đèn đỏ làm 4 người chết, 18 bị thương ở Bến Lức, Long An hôm 2/1.

Việt Nam: ‘Làm đường bộ dễ chia chác hơn đường sắt’

Long An khởi tố tài xế đâm chết người

Lai Châu: 13 người thiệt mạng sau vụ tai nạn

Trong vụ đâm xe ở Hải Dương, có nhiều nạn nhân tử vong hoặc bị thương nặng là quan chức công an, Mặt trận Tổ Quốc, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên và cán bộ đảng viên địa phương.

Một chủ tịch huyện được trích lời cho cho biết rằng “các nạn nhân trên vừa đi đại hội ở xã, sau đó sang viếng nghĩa trang liệt sĩ và trên đường về thì gặp nạn”.

Vụ việc ở Hải Dương thêm vào con số tai nạn giao thông vốn đã cao ở Việt Nam.

Trong sáu tháng đầu năm 2018 có hơn 4.500 người tử vong và gần 7.000 người bị thương vì tai nạn giao thông.

Tháng 9/2018, vụ va chạm xe bồn và xe khách ở Lai Châu làm 13 người chết và ba người khác bị thương.

Cuối tháng 7 cùng năm, một vụ xe rước dâu chạy trên Quốc lộ 1 ở Quảng Nam “đấu đầu với ôtô đầu kéo chạy chiều ngược”, khiến 13 người tử vong.

Trong vụ này, chú rể trong đám cưới đó cùng mẹ đẻ đã chết khi cùng nhiều thành viên trong họ, gồm cả trẻ em đi từ tỉnh Quảng Trị vào đón dâu tại Bình Định.

Con số các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thường tăng cao trong các dịp nghỉ lễ ở Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46949592

 

Nếu thượng đỉnh Trump-Kim ở Việt Nam:

Thành phố nào sẽ được chọn ?

Thanh Phương

Cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 2 tới, theo như thông báo của Nhà Trắng sau cuộc gặp giữa tổng thống Trump với tướng Kim Yong Chol, đặc phái viên của ông Kim Jong Un, tại Phòng Bầu dục hôm thứ Sáu tuần trước 18/01/2019.

Thông báo của Nhà Trắng không nói rõ nước nào sẽ là nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này. Nhưng theo nhiều nguồn tin khác nhau, rất có thể là thượng đỉnh Trump-Kim lần hai sẽ diễn ra tại Việt Nam. Trong trường hợp đó, thành phố nào sẽ được chọn là nơi đón tiếp ?

Tuần báo Time của Mỹ hôm qua, 20/01/2019, cho biết là thượng đỉnh có thể sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội, nhưng hai thành phố khác là Đà Nẵng, nơi từng đón tiếp thượng đỉnh APEC năm 2017, và Sài Gòn cũng có thể là nơi được chọn.

Trong khi đó, trang mạng Hankyoreh của Hàn Quốc hôm nay khẳng định là danh sách nói trên nay đã được thu hẹp chỉ còn Hà Nội và Đà Nẵng.

Thủ đô Việt Nam có lợi thế là nơi đặt cả hai sứ quán Mỹ và Bắc Triều Tiên, cho nên rất thuận tiện cho việc chuẩn bị thượng đỉnh. Hà Nội cũng có một hệ thống cơ sở hạ tầng rất tốt và có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, như thượng đỉnh APEC năm 2006. Theo trang mạng Hankyoreh, nếu Hà Nội là nơi đón tiếp thượng đỉnh Trump-Kim, thì cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên có thể sẽ diễn ra tại khách sạn JW Marriott Hotel Hanoi, nơi đã từng đón tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Còn thành phố biển Đà Nẵng ở miền trung không chỉ là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, mà thành phố này cũng có kinh nhiệm và có đủ cơ sở hạ tầng để tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, như thượng đỉnh APEC 2017 và đây cũng là nơi từng đón tiếp tổng thống Trump khi ông đến dự thượng đỉnh APEC. Nhưng có một cản ngại đối với Đà Nẵng : thành phố này là biểu tượng cho hợp tác Mỹ-Việt nhằm ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhưng trang mạng Hankyoreh cũng thận trọng nhấn mạnh là do cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Triều Tiên đều chưa có thông báo chính thức, cho nên vẫn có khả năng là thượng đỉnh Trump-Kim lần hai sẽ diễn ra ở một nơi khác ngoài Việt Nam, ví dụ như ở Bangkok, thủ đô Thái Lan.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190121-thuong-dinh-trump-kim-o-viet-nam-thanh-pho-nao-se-duoc-chon