Tin Việt Nam – 21/01/2017
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị công an Hà Nam
khởi tố bắt giam theo điều 88
Vào sáng ngày 21 tháng 01 năm 2017, nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, sinh ngày 28/04/1977, hiện ở tại số nhà 254, đường Trần Thị Phúc, Tổ 10, phường Hai Bà Trưng, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã bị công an tỉnh Hà Nam bắt giam với cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ luật hình sự.
Truyền thông lề đảng đưa tin, “khi công an tỉnh Hà Nam tiến hành đọc lệnh khởi tố bắt giam, nhà hoạt động Trần Thị Nga đang truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình bắt, khám xét được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến vụ án. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.”
Theo một nguồn tin lề dân cho biết: “Sáng nay công an chặn hết hai đầu đường Trường Chinh và Lê Công Thanh, sau đó một lực lượng rất đông công an, thường phục ập vào bắt chị Nga. Sau đó làm việc rất lâu và có khám nhà. Đến 14h chiều nay thì chúng áp tải và đưa chị Nga cùng ông Lương Dân Lý đi, để lại bé Tài và Phú (con chị Nga) lại. Sau đó thì ông bà ngoại Phú – Tài đã lên đón và đưa về Lý Nhân. Hiện chị Nga bị đưa đi đâu chưa rõ, nhưng ông Lương Dân Lý đang bị giữ tại công an phường Hai Bà Trưng.”
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến đã bày tỏ: “Bọn côn an Hà Nam thuê cả lũ ma cô đi bắt người vô tội. Nhìn ánh mắt em bình thản đón đợi, anh khâm phục em. Để phục vụ cho việc lên sao lên vạch, để nâng cốc hỉ hả uống trên xương máu đồng bào, chúng mày chụp cho người phụ nữ với hai con nhỏ cái tội danh đầy mơ hồ và khốn nạn “tuyên truyền chống phá chế độ” khi người ta thực hiện cái quyền được nói để vạch trần mọi xấu xa, bất công. Tết này, chúng mày mở thưởng khao quân, sung sướng thăng chức thăng hàm với vợ con bố mẹ nhà chúng mày. Chúng mày hãy nhớ cái tội ác thất đức mà chúng mày gây ra cho 3 mẹ con nhà em ấy ngay sát Tết nhé. Lã Quang Hải: Mày đọc cái gọi là “lệnh” giữa rừng người của chúng mày, mà sao tay mày run sóng lên như thế?”
Được biết, ngày hôm trước 20/01/2017, công an tỉnh Hà Nam đã cho người canh giữ, khủng bố tinh thần và không cho bà Trần Thị Nga đưa con về quê đón Tết cùng ông bà ngoại ở huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Bà Trần Thị Nga là một nhà hoạt động đấu tranh đòi dân chủ – nhân quyền cho người dân và sáng lập hội Phụ Nữ Nhân Quyền để tranh đấu, bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ.
SBTN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Nguyên Nguyễn/SBTN
http://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-tran-thi-nga-bi-cong-an-ha-nam-khoi-to-bat-giam-theo-dieu-88/
Ông Trump nhậm chức, ‘kẻ khóc, người cười’
Ông David bắt chuyến tàu sớm nhất từ quận Fairfax, tiểu bang Virginia, để tới thủ đô Washington DC chứng kiến lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Donald Trump.
Đội một chiếc mũ màu đỏ trên có chữ USA, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần cho biết rằng ông cảm thấy “rất vui” khi cùng vợ tới tham dự sự kiện diễn ra bốn năm một lần.
Lẫn trong một nhóm người ủng hộ tỷ phú bất động sản, ông David nói “đã đến lúc nước Mỹ cần một sự thay đổi”.
Trong khi đó, tại một góc phố ở trung tâm Washington, một nhóm các nhà hoạt động mặc đồ đen hô vang các khẩu hiệu, “No Trump, No Trump”. Đôi lúc, có sự to tiếng và xô đẩy giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.
Họ nằm trong số ước tính hàng nghìn người xuống đường phản đối ông Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Về các cuộc tuần hành chống tỷ phú bất động sản chưa từng có kinh nghiệm chính trường, ông David cho rằng những người xuống đường “có quyền lên tiếng”.
Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ ông Trump là người hoàn hảo. Ông ấy cũng là người có khiếm khuyết. Nhưng tôi tin vào lý tưởng của ông ấy và tôi hy vọng ông ấy sẽ đoàn kết được đất nước. Sự chia rẽ không giúp ích gì cho bất kỳ nước nào”.
Theo các quan chức địa phương, khoảng 800 tới 900 nghìn người đổ về thủ đô Hoa Kỳ để theo dõi ông Trump nhậm chức. Con số này được coi là ít hơn đáng kể so với khoảng 1,8 triệu người theo dõi buổi lễ tương tự dành cho ông Barack Obama.
Hàng chục nghìn nhân viên thuộc cả lực lượng an ninh địa phương và liên bang đã tham gia duy trì an ninh trật tự với chi phí ước tính hơn 100 triệu đôla.
Quan hệ Việt – Mỹ
Trong khi đó, người Việt Nam ở cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất cũng quan tâm tới chuyện nhà tài phiệt bất động sản chính thức lên lãnh đạo nước Mỹ.
Khi được hỏi mối bang giao Washington và Hà Nội sẽ ra sao sau khi ông Trump nhậm chức, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mọi chuyện “rất khó đoán định”.
Nhà quan sát tình hình thời sự trong nước nói thêm: “Bản thân ông ấy là một ẩn số. Thực sự, tôi khá hồi hộp để xem xem ông ấy ứng xử như thế nào trong 100 ngày đầu. Đây là một trường hợp rất, rất là khác biệt so với các vị tổng thống nhậm chức từ trước tới nay ở Hoa Kỳ”.
Theo giới quan sát ở trong nước, những tuyên bố về biển Đông của ông Trump cũng như của quan chức mà ông đề cử thời gian qua đã gieo hy vọng cho người Việt.
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cuối năm ngoái chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, trong khi ông Tillerson, ứng viên ngoại trưởng Mỹ, tháng này nói rằng cần phải chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Bản thân ông ấy là một ẩn số. Thực sự, tôi khá là hồi hộp để xem xem ông ấy ứng xử như thế nào trong 100 ngày. Đây là một trường hợp rất, rất là khác biệt so với các vị tổng thống nhậm chức từ trước tới nay ở Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Tiến sĩ A nhận định với VOA Việt Ngữ: “Các ý kiến của những người Việt Nam mà tôi có dịp tiếp xúc cũng tương đối là trộn lẫn về cái này. Có những người nghĩ rằng ông Trump đang rất là cứng rắn với Trung Quốc, sẽ thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng mà không ai biết được, nếu mà thuận lợi thì thuận lợi như thế nào. Với cái cá tính khó tiên đoán của ông Trump, thì chưa biết chừng cái đó nó quay trở lại là cái bất lợi thì sao? Tôi nghĩ là phải cẩn trọng, chờ đợi và phân tích thêm những dữ kiện khác. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như thế thì phải nêu ra nhiều phương án để mà ứng phó một cách linh hoạt với ứng xử của chính quyền Trump”.
Còn ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, cho rằng “nếu Mỹ triển khai chính sách đúng như lời tuyên bố của ông Trump cũng như của ứng viên ngoại trưởng Mỹ thì đó là xu thế tốt cho hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông và đó là điều phù hợp cho lợi ích của Việt Nam, thì chắc chắn rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh chính sách đó của Mỹ”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Về cơ bản, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên xu thế phát triển chung. Tôi nghĩ rằng người Mỹ có nhiều quan tâm tới châu Á, và Việt Nam cũng đóng một vai trò tương đối cơ bản trong chiến lược chung của Mỹ tại châu Á. Vì thế, tôi nghĩ xu hướng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn duy trì đà phát triển như vừa rồi và ổn định và phát triển hơn”.
Cuối năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với ông Trump, và theo trang web của chính phủ trong nước, nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định Hà Nội “coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”.
Nhiều quan chức trong nước cũng bày tỏ hy vọng rằng Tân tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam vào cuối năm nay để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC.
http://www.voatiengviet.com/a/ke-khoc-nguoi-cuoi-khi-ong-trump-nham-chuc-tong-thong-my/3685036.html
Liệu Trump có thể làm cho chính sách xoay trục
châu Á của Obama thành hiện thực?
Tỷ phú bất động sản Donald Trump đã chính thức trở thành vị tổng thống mới của nước Mỹ với lễ nhậm chức tại thủ đô Washington trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người.
Đã có nhiều tranh luận về chính sách đối ngoại của vị tổng thống mới của nước Mỹ về việc liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có vị trí thế nào trong những ưu tiên của chính quyền mới trong 4 năm tới.
Ông Trump, người đánh bại đối thủ của đảng dân chủ Hillary Clinton để giành chiến thắng bất ngờ, đã làm cho các đồng minh và đối tác của Mỹ lo lắng khi ông đưa ra những tín hiệu cho thấy sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á trong khi Trung Quốc lại đang tăng cao ảnh hưởng trong khu vực này.
Tuy nhiên những gì mà ông Trump và nhóm chuyển giao quyền lực của ông đã làm trong 2 tháng qua lại cho thấy một số tín hiệu khác.
Kể từ khi được bầu chọn làm vị tổng thống kế nhiệm ông Barack Obama, người lãnh đạo đầu tiên mà ông Trump tiếp kiến là thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau đó tổng thống đắc cử Trump lúc đó đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Đài Loan Thái Anh Văn và nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thời gian sau bầu cử và trước khi nhậm chức, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, nổi bật là lời phát biểu cảnh báo Washington sẽ không tiếp tục chính sách “Một Trung Quốc.” Nhân vât được ông Trump bổ nhiệm vào chức ngoại trưởng, Rex Tillerson, cũng đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về các công trình xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ông Tillerson, người từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil – tập đoàn dầu khí Mỹ vừa ký kết 1 hợp đồng 10 tỷ đô la khai thác khí đốt trên biển Đông với PetroVietnam – thậm chí còn đề nghị ngăn cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng.
Theo nhận định của tờ Washington Post, có những dấu hiệu cho thấy châu Á là một trong những ưu tiên chính của những quan chức hàng đầu trong nội các của ông Trump. Tờ báo có uy tín này cho rằng có những lý do để tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ phải dồn sự chú ý vào châu Á ngay trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Một trong những lý do được giới quan sát và chuyên gia nhận định về sự cần thiết phải quan tâm đến khu vực châu Á Thái Bình Dương là vì Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc và Châu Á chính là nơi có thể giúp Mỹ kiềm chế tham vọng làm bá chủ thế giới của lãnh đạo Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer của đại học New South Wales nhận định về điều này.
“Ông Trump sẽ không chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Mỹ đang tìm cách xây dựng quan hệ quân sự với Đài Loan bằng cách củng cố các lực lượng của Mỹ ở Đài Loan. Và đó là cách để cân bằng với Trung Quốc. Có lẽ những tiếng nói khác trong chính quyền của ông Trump như người được ông đề cử vào vì trí ngoại trưởng, ông Rex Tillerson, có thể sẽ tìm cách thuyết phục ông Trump rằng duy trì vai trò dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế tại Châu Á là điều quan trọng. Do đó mà hy vọng có thể sẽ có những chỉnh sửa đối với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).”
Ngay sau khi đắc cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP – hiệp định gói trọn 40% GDP toàn cầu với 12 đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định này là một trọng tâm trong chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên cho dù ông Obama đã dồn mọi nỗ lực để thực hiện TPP trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chính quyền Obama rốt cuộc đã phải từ bỏ nỗ lực đó sau khi quốc hội – do đảng Cộng Hòa ngự trị –từ chối thông qua hiệp định này. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không ngớt lên tiếng phản đối các hiệp định thương mại tự do, kể cả TPP và nhắc lại lập trường này trong bài diễn văn nhậm chức, vì cho rằng chúng cướp đi việc làm của người dân Mỹ.
Tổng thống Obama bị chỉ trích vì đã để ra chiến lược xoay trục sang châu Á nâng cao kỳ vọng của mọi người, nhưng lại không thực hiện chính sách này một cách trọn vẹn. Hiệp định TPP không được thông qua là một thất bại của chính sách ấy.
“Hiệp định TPP trở thành 1 nạn nhân của chính trị quốc nội. Ông Obama không thể làm gì hơn được. Và đó là thất bại về việc tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương qua kinh tế.”
Tuy nhiên giáo sư Thayer thận trọng nói rằng “chúng ta còn cần phải chờ xem bởi đây là một vấn đề lâu dài và Úc và Nhật Bản vẫn khẳng định là TPP chưa chết.”
Các chuyên gia nhận định việc ông Trump có dấu hiệu thân thiện hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là cách để chính quyền mới của Mỹ tìm cách kiềm hãm thế lực và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cha ông đã nói với ông rằng: “Không bao giờ được để cho Nga và Trung Quốc kết thân với nhau, chống lại Mỹ.” Tôi nghĩ rằng chiến lược tổng quát mà chúng ta có thể thấy là ông Trump muốn kết thân với Nga. Quan hệ Nga-Trung là một “cuộc hôn nhân vì lý trí.”. Mối quan hệ đó không phải là một điều tốt cho Mỹ bởi vì vị thế của Trung Quốc sẽ mạnh hơn. Một phần trong chiến lược của ông Trump là tăng cường quan hệ với Nga để có thuận lợi hơn ở Trung Đông nhưng mặt khác cũng khuyến khích Nga bớt mặn mà trong việc cố gắng liên minh với Trung Quốc, chống lại những lợi ích của Hoa Kỳ.”
Thủ tướng Nhật hôm 20/1 cho biết ông sẽ gặp vị tổng thống mới của Mỹ trong thời hạn sớm nhất có thể để khẳng định liên minh Mỹ-Nhật là một “nguyên tắc không thay đổi” trong chính sách ngoại giao và an ninh Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Việt Nam vào giữa tháng 12 vừa qua, ông Trump đã nói với ông Phúc rằng ông muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đang nồng ấm lên nhanh chóng giữa 2 nước.
Và tờ Washington Post gần đây cũng nhận định rằng ông Trump có thể sẽ hoàn tất chính sách xoay trục về châu Á mà ông Obama đã khởi sự trong nhiệm kỳ 8 năm vừa qua của ông.
VN cần điều chỉnh ra sao sau khi Mỹ rút khỏi TPP?
Việt Nam cần chú ý hơn tới thị trường châu Âu, trong khi cân bằng lại cán cân mậu dịch với Trung Quốc, đó là một vài điểm mà Việt Nam cần cân nhắc sau khi chính phủ Hoa Kỳ vừa có tuyên bố chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ý kiến nhà quan sát.
Không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính phủ của tân Tổng thống Donald Trump đã ra thông báo nước này rút khỏi TPP và tái đàm phán lại Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Đại Tây Dương (NAFTA), theo truyền thông quốc tế, Tạp chí Châu Á Nikkei hôm 21/01/2017 đưa tin và nhận xét:
Kinh tế gia Tôn Thất Thông bình luận về Mỹ rút khỏi TPP
Điểm đáng lưu ý trong Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Người Mỹ gốc Việt ở Mỹ cảm nghĩ gì về Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Trump?
“Ông Trump được chờ đợi sẽ có một lập trường cô lập, bảo hộ mậu dịch hơn và cộng đồng quốc tế đang quan ngại là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu mình lại trong nội bộ,” tạp chí mạng từ Nhật Bản viết.
Quyết định rút khỏi TPP của Mỹ đối với Việt Nam chắc chắn cũng có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng không phải là lớn lắmKinh tế gia Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Bình luận từ CHLB Đức hôm thứ Bảy về quyết định với TPP của chính quyền của Tổng thống Trump, kinh tế gia Tôn Thất Thông, nhà quan sát từ châu Âu nêu quan điểm với BBC:
“Quyết định rút khỏi TPP của Mỹ đối với Việt Nam chắc chắn cũng có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng không phải là lớn lắm.”
Theo chuyên gia này, Việt Nam và Mỹ vẫn còn trong vòng điều chỉnh của các hiệp định mậu dịch song phương mà hiệu lực vẫn còn duy trì ‘ít nhất trong vòng vài năm tới’, ông nói:
“Trong khoảng thời gian này, Việt Nam mà khôn khéo, tiếp tục thương lượng với Mỹ với điều kiện tương đối khá tốt đẹp, như vậy, sẽ có lợi cho Việt Nam. Điều mà tôi sợ trong quyết định của ông Trump đối với TPP là sợ rằng qua đó Nhật Bản họ cũng sẽ rút lui khỏi TPP, thì đấy là một thiệt thòi lớn đối với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.”
Trên bàn cờ mới
Về triển vọng quan hệ thương mại Việt – Mỹ, kinh tế gia từ Đức nói tiếp:
“Giữa Việt Nam và Mỹ, không sớm thì muộn, giữa hai nước cũng phải có một hiệp ước song phương mới, hiện nay chúng ta (Việt Nam) đang có một hiệp ước song phương giữa hai bên và chúng ta đang làm việc trên cơ sở đó.
“Bây giờ khi Trump lên với một chính sách thương mại thay đổi, chắc chắn họ sẽ thương lượng lại. Trong chỗ này, đối đầu quan trọng nhất của Mỹ không phải là Việt Nam, mà là Trung Quốc. Đối với Trump, Trung Quốc (được cho) là một nước làm cho tình trạng thất nghiệp ở Mỹ ‘tăng lên’. Tôi không đồng ý với chuyện đó, nhưng khi một Tổng thống của nước Mỹ đã có (quyết định) như vậy, thì chắc chắn họ phải có thái độ với Trung Quốc sẽ như thế nào.
Vấn đề là Việt Nam có muốn giảm nhập từ Trung Quốc hay không mà thôi? Nếu muốn giảm, thì vai trò của những nước khác sẽ thay vào. Thí dụ Nhật sẽ thay vào đó một ít, Hàn Quốc sẽ thay vào đó một ít và những nước ở khu vực châu ÁKinh tế gia Tôn Thất Thông
“Trong bàn cờ như thế, những nước xung quanh như Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản có lợi thế, nếu như Việt Nam và các nước khác khôn khéo trong thương lượng, chắc chắn mình (Việt Nam) sẽ đạt được những điều tốt hơn so với hiệp định song phương hiện nay.”
Kinh tế gia Tôn Thất Thông cho rằng Việt Nam tới đây nên điều chỉnh và cân đối lại mậu dịch, thương mại với Trung Quốc và cần chú ý tới thị trường Châu Âu trong tình huống mới, ông nói:
“Việc giảm nhập từ Trung Quốc là điều có thể làm được, nó độc lập với việc Mỹ có ký với chúng ta (Việt Nam) hay không, là vì nếu Mỹ ký TPP, thì giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có tự do mậu dịch, nhưng ngày nào TPP chưa có, thì chúng ta vẫn đang có những hiệp ước song phương.
“Vấn đề là Việt Nam có muốn giảm nhập từ Trung Quốc hay không mà thôi? Nếu muốn giảm, thì vai trò của những nước khác sẽ thay vào. Thí dụ Nhật sẽ thay vào đó một ít, Hàn Quốc sẽ thay vào đó một ít và những nước ở khu vực châu Á.
“Đặc biệt là ở châu Âu, người Việt Nam hay những nhà lãnh đạo Việt Nam chưa chú ý lắm tới việc tấn công vào thị trường châu Âu… Trong lúc đó, thị trường châu Âu là một thị trường rất quan trọng, là vì châu Âu có một thể chế chung cho 28 nước, nhưng thực tế đi vào chi tiết từng nước một thì ta có quyền tự do.
Nếu ta (Việt Nam) chọn ở châu Âu khoảng chừng năm nước, mỗi nước như vậy chúng ta đạt được 7-8%, thì như vậy về mặt ngoại thương, chúng ta sẽ rất vững vàng và cho dù những biến động nào đó với bất kỳ quốc gia nào đó thì chúng ta cũng không phải lo ngại gì hếKinh tế gia Tôn Thất Thông
“Bởi vậy, nếu ta (Việt Nam) chọn ở châu Âu khoảng chừng năm nước, mỗi nước như vậy chúng ta đạt được 7-8%, thì như vậy về mặt ngoại thương, chúng ta sẽ rất vững vàng và cho dù những biến động nào đó với bất kỳ quốc gia nào đó thì chúng ta cũng không phải lo ngại gì hết.”
Hôm thứ Bảy, trang tin của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời của một kinh tế gia Việt Nam từ trong nước, ông Bùi Kiến Thành, bình luận và phản ứng về việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, trang mạng của VOV cho hay:
“Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ông không bất ngờ trước việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vì ngay từ khi tranh cử ông Trump đã phê phán TPP và nói sẽ thực hiện điều này nếu đắc cử. Đánh giá cao vai trò “đầu tàu” của Mỹ trong TPP, nhưng ông Bùi Kiến Thành nói rằng việc không có Mỹ cũng không phải là TPP đã bị vô hiệu hoá.
“Mỹ là thành viên quan trọng, đứng đầu nhưng không phải tất cả,” chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói. “Bước tiếp theo, các quốc gia tham gia TPP phải ngồi lại, đánh giá tiềm năng hợp tác tiếp theo như thế nào nếu không có Mỹ,” ông Bùi Kiến Thành được VOV trích dẫn, nói thêm.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38706646
TQ là ‘đối tác thương mại lớn nhất’ của VN
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016, theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố và được truyền thông Việt Nam đăng tải cuối tuần này.
Hôm 20/01, báo điện tử VnEconomy cho hay với kim ngạch lên tới 72 tỷ USD, Trung Quốc vững ngôi đầu trong danh sách đối tác thương mại của Việt Nam.
Dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan, báo này cho hay một nửa thị trường xuất khẩu của Việt Nam nằm tại châu Á, trong khi nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.
Trung Quốc nhập gần 22 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt NamVnEconomy
“Thị trường xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, với kim ngạch hơn 85,3 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Trung Quốc nhập gần 22 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam,” VnEconomy cho biết.
“Nhật đạt gần 14,68 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm tỷ trọng 8,3%; Hàn Quốc đạt gần 11,42 tỷ USD, tăng 28%, chiếm tỷ trọng 6,5%… Khu vực châu Mỹ đạt kim ngạch hơn 47,38 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hơn 38,46 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, và chiếm tới 21,78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Khu vực EU (gồm 28 nước) đạt gần 33,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,2%, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Châu Đại Dương đạt kim ngạch gần 3,39 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,9%; châu Phi đạt gần 2,74 chiếm tỷ trọng 1,6%.”
Cả năm ‘vẫn xuất siêu’
Vẫn theo nguồn này, nhìn lại 12 tháng của thương mại Việt Nam trong năm vừa qua, Việt Nam có điểm sáng là ‘vẫn xuất siêu’, VnEconomy cho biết:
“Cụ thể, tháng 12/2016, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 33,66 tỷ USD. Tính chung 12 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 350,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
“Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 176,63 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt hơn 174,1 tỷ USD, tăng 5,2%.
“Dù thâm hụt thương mại lớn trong tháng 12/2016, song tính chung cả năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,52 tỷ USD.
Nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận một hiệp thương mại mới để mở rộng sự hợp tác giữa hai nướcThủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc
“Trong đó, riêng khu vực FDI có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 222,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, xuất siêu 21,6 tỷ USD,” tờ báo trích số liệu từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam mới công bố cho hay.
‘Lạc quan’ kinh tế Việt – Mỹ
Liên quan hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu, truyền thông Việt Nam tường thuật ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc đối thoại ở diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF – Davos) diễn ra mới đây cho hay ông lạc quan về triển vọng dưới thời của Tổng thống Donald Trump, người vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 20/01 tại Washington D.C.
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ Việt – Mỹ vẫn tốt đẹp khi ông Donald Trump lên nắm quyền lãnh đạo,” trang tin Báo mới từ Việt Nam cho biết.
“Tại thời điểm tranh cử, ông Donald Trump có tuyên bố rằng sẽ xem lại vấn đề TPP, tuy nhiên, ngài Ngoại trưởng mới được giới thiệu lại rất ủng hộ TPP. “Tôi nghĩ rằng ông Donald Trump sẽ suy nghĩ về vấn đề này kỹ hơn và sẽ có trả lời sau khi ông nhậm chức và ông sẽ ủng hộ tất cả chúng ta”, Baomoi.com dẫn ý và lời của Thủ tướng Việt Nam nói.
Đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam hé lộ ‘kịch bản’ đối phó trong trường hợp Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương không có sự hiện diện của Mỹ, vẫn theo truyền thông Việt Nam:
“Đặt vấn đề Việt Nam sẽ thế nào khi không có TPP, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do với các nước G7 và G20 đặc biệt là EU.
“Và nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận một hiệp thương mại mới để mở rộng sự hợp tác giữa hai nước,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Baomoi.com trích lời khẳng định.
Tin cho hay, tân lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp định TPP, ngay sau khi ông Trump nhậm chức.
“Ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống, chính quyền của ông Donald Trump vừa ra thông cáo về chiến lược thương mại để bảo vệ việc làm cho người Mỹ, bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),” báo VnExpress của Việt Nam đưa tin.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38704725
Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai?
Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội vừa khánh thành tượng ông Felix Dzerzhinsky, lãnh đạo đầu tiên của ngành công an Liên Xô.
Theo báo Việt Nam, buổi lễ có sự tham gia của các quan chức ngành công an Việt Nam và ông Vadim Bublikov, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam và đại diện Trung tâm Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Một bài trên báo Việt Nam viết:
“Ngày 20/01/2017, Học viện CSND đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Tượng nhà cách mạng Ph. D. Dgiec-zen-xki, người sáng lập cơ quan Công an Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới với câu nói nổi tiếng: “Người cán bộ Công an phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch.”
Cách mạng và phản cách mạng
Theo Bách khoa Toàn thư Anh (Britannica) Felix Dzerzhinsky sinh năm 1877 tại Kaunas (Kovno, Lithuania, khi đó thuộc Đế chế Nga) trong gia đình quý tộc nghèo người Ba Lan.
Cũng tại đây ông gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ năm 1895 và bị cảnh sát Nga hoàng bắt vì hoạt động lật đổ.
Ông bị đầy đi Siberia nhưng bỏ trốn và tham gia Cách mạng Nga 1905.
Trở thành lãnh tụ của Đảng Xã hội Dân chủ Ba Lan-Lithuania và thuyết phục được đảng này hợp nhất với đảng cùng tên ở Nga.
Trong thời gian nổ ra Cách mạng Nga tháng 2/1917, ông vẫn đang bị cầm tù nhưng sau được thả và đóng vai trò trọng yếu trong Cách mạng tháng Mười.
Tại Petrograd, nhiều người bị lĩnh án tử hình, tay họ bị trói cùng nhau, và đến đêm bị đẩy lên các xà lan gỗ, đem ra ném xuống Vịnh Phần Lan. Người ký các lệnh đó chính là Felix DzerdzinskyĐài tiếng nói Ba Lan
Ngày 20/12/1917 ông được Lenin bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Uỷ ban chống phản cách mạng và phá hoại trên toàn Nga. Cái tên hiền lành này được rút gọn là Cheka, và chính là bộ máy công an của Liên Xô thời kỳ đầu.
Cheka đã giúp Lenin giữ gìn nền độc tài bằng các cuộc xử tử tùy thích bất cứ ai chính quyền Xô Viết coi là kẻ thù, theo Britannica.
TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’
Dzerzhinsky cũng là người đầu tiên lập ra các trại tập trung ở Nga, và có tiếng là “một lãnh đạo cộng sản không khoan nhượng, không tham nhũng và cuồng tín”.
Theo Stephen Dalziel, phóng viên chuyên về Nga của BBC News, trong giai đoạn ngay sau khi Lenin lên nắm quyền ở Nga, “ít nhất nửa triệu người đã bị xử tử”.
Britannica viết rằng trong cuộc chiến Liên Xô đánh Ba Lan năm 1919-20, ông Dzerzhinsky được giao nhiệm vụ lập ra Ủy ban Cách mạng Ba Lan để về lập chính quyền Bolshevik nếu Hồng quân thắng lợi.
Nhưng sau thất bại của họ, kế hoạch đó không thành và Dzerzhinsky rời ngành an ninh sang nắm vị trí Chính ủy Giao thông năm 1921.
Sang năm 1922, trong nỗ lực hạn chế quyền hành của Cheka mà lúc đỉnh cao có trên 250 nghìn quân, chính quyền Liên Xô trao lại ngành an ninh cho Cục Chính trị Quốc gia GPU.
Sau khi Lenin qua đời, Dzerzhinsky ủng hộ Stalin nhiệt thành và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Tối cao Liên Xô.
Ông bị đột quỵ và chết khi đang dự họp Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1926.
Ba Lan đánh giá khác Nga
Tại Ba Lan thời phụ thuộc vào Liên Xô (1945-1989), tên của Dzerzhinsky được đặt cho nhiều đường phố.
Nhưng sau 1990, các tên phố và tượng đài Dzerzhinsky bị bỏ.
Ngày nay, quan điểm khá phổ biến tại Ba Lan coi ông Dzerzhinsky là kẻ phản lại quyền lợi dân tộc Ba Lan và là ‘Đồ tể Đỏ’.
Ngoài chuyện đem quân Liên Xô đánh Ba Lan năm 1920, Dzerzhinsky được cho là đóng vai trò chính trong các vụ tàn sát người Nga bị quy kết là ‘phản cách mạng’.
Theo một bài trên trang của Đài Tiếng nói Ba Lan về lịch sử:
“Tháng 10/1918, những công nhân tại Moscow đình công và bị vây bắt, quy kết là phản cách mạng và xử bắn bằng súng máy. Tại Petrograd, nhiều người bị lĩnh án tử hình, tay họ bị trói cùng nhau, và đến đêm bị đẩy lên các xà lan gỗ, đem ra ném xuống Vịnh Phần Lan. Người ký các lệnh đó chính là Felix Dzerzhinsky.”
‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’
Nhưng cũng có sự tìm tòi giải thích vì sao người Ba Lan này lại trở thành nhân vật duy nhất có vị trí cao trong hệ thống Xô Viết và có hành động như vậy.
Giáo sư Pawel Wieczorkiewicz trong loạt bài ‘Các nhân vật của Thế kỷ 20’ giải thích Dzerzhinsky luôn “phục tùng hoàn toàn Lenin” trong các chiến dịch khủng bố và sẵn sàng làm tất cả để chế độ Xô Viết không mất quyền.
Làn sóng trấn áp được Dzerzhinsky đẩy lên cao độ năm 1918 sau vụ Lenin bị ám sát không chết.
Mặt khác, trong một bài trên trang tin Wiadomosci (10/11/2012), bà Marta Tychmanowicz tìm lại các sử liệu mới nhất nói ông Dzerzhinsky đã cưới vợ ở nhà thờ trong một buổi lễ của Công giáo La Mã.
Bài báo ‘Cuộc đời hai mặt của Felix tay đẫm máu – người Ba Lan nhưng là cha đẻ của chủ nghĩa khủng bố Xô Viết’ cho rằng ông Felix Dzierzinsky và bà Zofia Muszkat đã quỳ xuống trước cha đạo nhận lời ban phước trong nhà thờ Thánh Mikolaj ở Krakow ngày 10/11/1910.
Các tài liệu mới nhất về cuộc đời ông Dzerzhinski do Giáo sư sử học Michal Glowinski mô tả đây là một người xuất thân từ gia đình quý tộc sa sút vùng biên địa (Ba Lan – Lithuania) và có đời nhiều thất bại.
“Ông ta không học hành đến nơi đến chốn, bằng tú tài cũng không có, và bỏ học để trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.”
Năm 1920 sau khi đã là thành viên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan, ông bỏ sang theo Liên Xô và gia nhập Hồng quân.
Ông Dzerzhinsky cuối cùng “đã trở thành người lãnh đạo tàn bạo của tổ chức đứng đằng sau làn sóng khủng bố Bolshevik”, theo giáo sư Glowinski.
Còn bà Zofia, sinh ra tại Warsaw và có bằng đại học âm nhạc, đã sang Liên Xô sống cùng ông Dzerzhinsky cho đến khi qua đời năm 1968 và chỉ quay về thăm Ba Lan một vài lần.
Tượng 11 tấn của ông Dzerdzinsky từng đứng trước Bộ Công an Liên Xô nhưng sau bị kéo đi và đưa vào một công viên năm 1991.
Tuy thế, nước Nga hiện nay không chia sẻ quan điểm lên án ông Dzerzhinsky như tại Ba Lan, quê hương của ông.
Hồi giữa năm 2015, một số nhóm cộng sản ở Nga lên tiếng đòi đưa bức tượng trở lại lên bệ, theo phóng viên BBC Sarah Rainsford từ Moscow.
Bức tượng Dzerzhinsky tại Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội có cơ hội trở thành tượng mới nhất của ông được dựng trên thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38697777
Nhiều chuyên gia chỉ trích bộ luật lao động
bị sửa theo hướng “thụt lùi”
Nhiều chuyên gia chỉ trích bản dự thảo sửa đổi bộ luật lao động bỏ đi quy định cho nữ công nhân nuôi con nhỏ được nghỉ 60 phút một ngày, là “sửa luật theo hướng thụt lùi”.
Theo báo Pháp Luật ở Sài Gòn, nhiều chuyên gia đã phát biểu khá gay gắt tại buổi tọa đàm do Trung Tâm Phát Triển Và Hội Nhập CDI tổ chức hôm 19 tháng 1, về dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao Động, liên quan đến chính sách dành cho nữ công nhân. Trước sự việc nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày phàn nàn rằng khó sắp xếp thời gian cho nữ công nhân nghỉ ngơi vì ảnh hưởng cả dây chuyền, bà Lê Thị Việt Anh thuộc CDI cho rằng, đây là cách nghĩ chưa thấu đáo và “bỏ đi cái lợi lâu dài”.
Cũng theo bà Anh, quy định mang tính nhân đạo này cũng là cơ sở pháp lý, để nữ công nhân đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nếu bỏ đi qui định này, thì người nữ công nhân không được bảo vệ.
Một đại diện của tổ chức Alive & Thrive Vietnam trích dẫn một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy, 93% doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đúng quy định cho nữ công nhân nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày. Theo người đại diện này, một số doanh nghiệp sắp xếp để cho các nữ công nhân nuôi con nhỏ đi làm muộn 30 phút và về sớm 30 phút. Một số chuyên gia cho rằng, khi phần lớn doanh nghiệp đang thực hiện quy định, thì không có lý do gì phải loại bỏ nó ra khỏi bộ luật lao động.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/nhieu-chuyen-gia-chi-trich-bo-luat-lao-dong-bi-sua-theo-huong-thut-lui/