Tin Việt Nam – 21/12/2020
Ba quản trị viên của nhóm Bàn luận Kinh tế – Chính trị trên Facebook bị tuyên gần 4 năm tù
Tòa án nhân dân Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 21 tháng 12-2020 tuyên phạt 3 quản trị viên của một nhóm trên Facebook có tên là Bàn luận Kinh tế – Chính trị với mức án tổng cộng gần 4 năm tù giam.
Cụ thể, theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, các ông Nguyễn Đăng Thương bị tuyên 18 tháng tù giam, Huỳnh Anh Khoa 15 tháng tù và ông Trần Trọng Khải là 12 tháng tù giam.
Cả 3 người bị buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Gia đình 2 ông Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương mời 2 luật sư là ông Nguyễn Văn Miếng và luật sư Đặng Đình Mạnh đại diện cho các bị cáo, tuy nhiên ở trong các giai đoạn vụ án cả 2 người đều viết giấy từ chối luật sư. Luật sư Miếng nói qua điện thoại như sau:
“Tôi và một luật sư nữa được mời ngay từ đầu, nói chung là mặc dù vụ án này không phải là vụ án về an ninh quốc gia, không có cấm luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, tuy nhiên là cơ quan tiến hành tố tụng của quận 8 đã yêu cầu bị cáo viết đơn từ chối trong tất cả ba giai đoạn.
Theo yêu cầu của gia đình, các luật sư đều đến phiên tòa, tuy nhiên luật sư Mạnh tới trước thì họ không cho vào.
Đến khi tôi tới dường như là cổng Tòa đã đóng, bộ phận an ninh đã không cho tôi vào.
Tôi có nói rằng tôi đã liên hệ trước với tòa rồi mặc dù tôi không phải là luật sư bào chữa nhưng đây là phiên tòa công khai, nên chúng tôi muốn vào tham dự để biết cái diễn biến của phiên tòa.
Bên bộ phận an ninh trong phiên tòa nói rằng là “Xin luật sư thông cảm bởi đây là vụ án nhạy cảm” và họ không cho chúng tôi vào vì thế chúng tôi phải ra đứng ngoài xa xa, không được đứng gần đó nữa bởi vì bộ phận an ninh đã rà soát khắp xung quanh.
Tất cả những ai tập trung gần đó thì họ đều tới yêu cầu giải tán”.
Bà Phạm Thị Bảo Ngọc, vợ ông Huỳnh Anh Khoa cho biết, người nhà của 3 bị cáo sau khi nói chuyện với cảnh sát đã được vào trong sân phiên tòa để nghe xử án, nhưng không được vào bên trong phòng xử. Bà Ngọc kể lại diễn biến phiên tòa như sau:
“Họ nói cả ba anh là thể hiện sự bất mãn, muốn có chế độ đa đảng, xúc phạm danh dự đảng, chống phá nhà nước, xuyên tạc lịch sử, nói sai lệch về lịch sử và đăng lên Facebook những tài liệu thể hiện sự sai lệch của lịch sử.
Không có ai được tự bào chữa hết. Họ đưa ra những câu hỏi cáo buộc, buộc tội cả ba người đều là có tội, xử đúng tội, đúng người.
Theo luật An ninh mạng xúc phạm nghiêm trọng danh dự đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Như chúng tôi đã thông tin, hôm 7-12-2020 vừa qua, các quản trị viên của nhóm Facebook có nhiều người tham gia nói chuyện về chính trị đã bất ngờ bị Tòa án quận 8 đem ra xét xử và chỉ báo cho người nhà vào phút cuối, tuy nhiên phiên toà đã bị hoãn do 1 trong 3 bị cáo gặp vấn đề về sức khỏe.
Trước đó, vào ngày 13-6-2020, hai Facebooker Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương là quản trị viên của một nhóm chuyên để người dân bàn luận về chuyện chính trị, bị Công an TPHCM bắt giữ.
Phải đến hơn 10 ngày sau, gia đình ông Khoa mới nhận được Thông báo Giữ người trong trường hợp khẩn cấp và thông báo Tạm giam bị can đề ngày 13-6 của Công an Quận 8.
Một người khác là ông Trần Trọng Khải không rõ bị bắt giữ từ khi nào do các luật sư không được tiếp cận với hồ sơ vụ án.
Bác cáo trạng, ông Đinh La Thăng nói Viện Kiểm Sát ‘gắp lửa quá lớn’
Sáng 21/12, phiên tòa diễn ra tiếp tục phần tranh luận, ông Đinh La Thăng nói VKS “gắp lửa quá lớn”, ném vào bản thân ông cũng như những bị cáo khác từng làm việc ở Bộ GTVT.
Sau quan điểm VKS nói về việc đã truy tố ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) là đúng và bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, các luật sư của ông Thăng nêu ý kiến không đồng tình.
Đồng thời, ở phần tự bào chữa, ông Thăng cũng tiếp tục bác bỏ cáo trạng, đặt nghi vấn về những điểm chưa rõ trong vụ án như vai trò của ông Thăng, quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản cũng như về số tiền hơn 725 tỉ đồng.
Ông Thăng nói gì?
Như những phần tự bào chữa trước đó, ông Đinh La Thăng một lần nữa phủ nhận cáo trạng: “Tôi bác bỏ cáo trạng vì đó là những suy đoán không có căn cứ, không dựa trên cơ sở hồ sơ vụ án và diễn biến phiên toà và ý kiến của các luật sư tại phiên toà này”.
Ông nói: “Bị cáo nhận thấy đại diện VKSND TP đưa ra quan điểm mang nặng tính chất “gắp lửa quá lớn”, ném vào bản thân bị cáo cũng như những bị cáo khác từng làm việc ở Bộ GTVT. Từ đó, bị cáo yêu cầu người thừa hành quyền công tố giải thích rõ hơn nữa cáo buộc bị cáo đóng vai trò chính trong vụ án.”
VKS đề nghị ông Đinh La Thăng 10-11 năm tù, Út ‘Trọc’ chung thân
Ông Đinh La Thăng: ‘Muốn làm ma tự do’
Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng và lời khai cấp dưới
Ngoài ra, ông Thăng cho rằng VKS có nhầm lẫn khi lập luận về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương). Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước đã chuyển nhượng quyền thu phí trong 5 năm cho Công ty Yên Khánh (do Đinh Ngọc Hệ thao túng).
Ông Thăng cho rằng đây là chuyển nhượng quyền khai thác tài sản, không phải chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản. Theo đó, Công ty Yên Khánh có quyền tổ chức thu phí và quản lý số tiền thu về từ hoạt động thu phí.
Đối với số tiền trúng đấu giá, ông Thăng cho rằng đây là tiền thu hợp pháp của người trúng đấu giá, đề nghị HĐXX trưng cầu giám định số tiền hơn 725 tỉ đồng.
“Đề nghị trưng cầu giám định số tiền hơn 725 tỷ đồng là của ai? Việc nào sai thì phải xử lý theo đúng pháp luật. Đề nghị đại diện VKS chứng minh cho bị cáo biết Công ty Yên Khánh làm ăn thua lỗ như VKS đã kết luận. Cần xác định rõ số tiền này thực sự thuộc về ai, từ đó xử lý cho đúng” – ông Thăng nói.
“Tôi mong VKS thay đổi lại cáo buộc của mình để những người bị cáo buộc tâm phục khẩu phục”, ông Thăng nêu quan điểm trước tòa.
Luật sư nói gì?
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn quan điểm của luật sư Hoàng Văn Hướng – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng – cho rằng VKS đang áp dụng quan điểm suy đoán buộc tội.
Luật sư Hướng cho rằng lời khai của bị cáo Dương Thị Trâm Anh (phó tổng giám đốc Công ty Cửu Long) “biết ông Hệ là con rể của một vị lãnh đạo cấp cao nên bị cáo Đinh La Thăng đã tác động để Hệ được tham gia dự án” là có tính chất buộc tội.
Luật sư khẳng định vị lãnh đạo này không có con gái nên ông Hệ không phải là con rể, do đó lời khai của bị cáo Dương Thị Trâm Anh là bịa đặt.
Luật sư cũng cho rằng các cuộc gọi điện thoại giữa ông Thăng và ông Hệ, hoặc giữa ông Thăng và bị cáo Dương Tuấn Minh (tổng giám đốc Công ty Cửu Long) nếu có cũng không chứng minh được nội dung của các cuộc gọi này là ông Thăng tác động để ông Hệ tham gia dự án. Như vậy, mọi cáo buộc này là quy chụp và suy diễn.
Truyền thông tiếng Anh nói về bản án Đinh La Thăng
Truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vụ Ethanol Phú Thọ
Người Việt ở Mỹ nói về phiên tòa Đinh La Thăng
Một luật sư khác bào chữa cho ông Thăng cho rằng, về số tiền 725 tỉ đồng, nếu đây là tài sản của Yên Khánh thì toàn bộ cáo buộc trong cáo trạng này là không có căn cứ.
Luật sư này viện dẫn văn bản 4688 của Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT về đề án quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trích điều 18 pháp lệnh phí và lệ phí nêu rõ:
“Phí thu được từ các dịch vụ không do nhà nước đầu tư hoặc do nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí thu được theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư, nội dung trên trong văn bản của Bộ Tài chính cho thấy hoàn toàn có cơ sở pháp lý chứng minh rõ quyền thu phí đã chuyển giao cho doanh nghiệp, không còn là tiền của nhà nước. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX bác bỏ toàn bộ quan điểm buộc tội của VKS.
Về trách nhiệm hình sự, luật sư giữ quan điểm VKS không chứng minh được ông Thăng có những hành vi như điều luật truy tố. VKS không chứng minh được vai trò ông Thăng trong các vai trò đồng phạm: chủ mưu, thực hành, xúi giục, giúp sức theo Điều 17 BLHS.
Đồng thời, luật sư nhấn mạnh không thể coi thân chủ ngoan cố và là tình tiết tăng nặng lượng hình khi mà bị cáo chứng minh mình không phạm tội.
Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Trọng ngày càng tăng độ nóng?
TBT Nguyễn Phú Trọng muốn tăng tốc xử các vụ án tham nhũng lớn
Trước đó, trong phiên xử ngày 18/12, VKS đề nghị HĐXX phạt cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và miễn hình phạt bổ sung.
Ông Thăng đang thụ án 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.
Việt Nam: Công an nói gì về vụ bắt giữ Tất Thành Cang?
Tại cuộc họp báo ngày 21/12, Công an TP HCM thông tin về sai phạm của ông Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM.
Theo thượng tá Phạm Văn Thành, PC03 đã khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang và đồng phạm vì ông Cang đã có sai phạm trong việc chấp thuận phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim không thông qua thẩm định đấu giá, tăng vốn điều lệ cổ phiếu tại IPC và SADECO, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Hiện PC03 đang điều tra vụ án để sớm đề nghị truy tố nhằm đưa vụ án ra xét xử trong thời gian tới.
Thượng tá Phạm Văn Thành cho biết: “Liên quan vụ án này, PC03 Công an TP HCM đã khởi tố tổng cộng 19 bị can, trong đó hầu hết là lãnh đạo chủ chốt của IPC, SADECO và một số bị can là cán bộ Văn phòng Thành ủy TP HCM”.
Theo Công an TP HCM, quá trình điều tra xử lý thận trọng, khách quan, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Hiện đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, để đề nghị truy tố theo đúng thời hạn luật định.
Trước đó, bài viết trên Tuổi Trẻ với tựa đề “Những vi phạm khiến ông Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên trung ương Đảng nói rằng ông Cang cũng từng có nhiều “sai phạm” khác khiến ông bị kỷ luật và cách chức Ủy viên Trung ương đảng từ trước:
“Ông Tất Thành Cang, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM và giám đốc Sở Giao thông vận tải đã làm sai quy định trong nhiều vụ việc dẫn đến bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố”.
“Đốt lò” cuối năm ở TPHCM: Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt tạm giam
VN: Khởi tố 3 cán bộ, làm việc với ông Tất Thành Cang trong vụ án kinh tế lớn
Ông Tất Thành Cang đã làm gì ở đất Thủ Thiêm?
Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện?
Các sai phạm này, mà Tuổi Trẻ trích đăng từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam công bố từ cuối tháng 12/2018 cho hay ông Tất Thành Cang có vi phạm “rất nghiêm trọng”, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Theo đó, trong thời gian nắm các chức vụ, ông bị kết luận là đã phê duyệt dự án 4 tuyến đường ‘dát vàng’ ở Thủ Thiêm sai quy định, Quyết định sai thẩm quyền gây thất thoát tài sản nhà nước (liên quan vụ việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).
‘Lò đã thắp nóng mà củi lặt vặt’
Phát biểu trong buổi họp báo, thượng tá Phạm Văn Thành nhấn mạnh: “Cơ quan điều tra thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đó là: “Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”.
Trước đó, hôm 12/12, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhận xét rằng: “Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn”.
Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Trọng ngày càng tăng độ nóng?
TBT Nguyễn Phú Trọng muốn tăng tốc xử các vụ án tham nhũng lớn
Đồng thời, ông Học cũng khẳng định: “Lò ở đầu nhiệm kỳ XII nóng thì tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn mãi như thế”.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gọi nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, là giai đoạn “xoay chuyển tình hình”.
Theo ông Hùng, nhiều vụ, việc lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, kéo dài từ những năm trước, liên quan đến cán bộ cấp cao song đã được các cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, xét xử theo quy định pháp luật. Ông lấy ví dụ vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng; vụ án AVG;…
Hôm 16/12 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận về việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố với BBC News Tiếng Việt, ông nói:
“Qua theo dõi, tôi cho rằng không chỉ ông Tất Thành Cang mà cả những người liên quan mà quan trọng hơn nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn, thì đó cũng là một cái thiếu triệt để.
Ông Tất Thành Cang sắp vào ‘lò’ TBT Trọng?
‘Gửi hồ sơ Tất Thành Cang ra trung ương’
“Lò đã thắp nóng mà củi lặt vặt, làm chưa đến nơi đến chốn, thì chưa đạt. Đó cũng là một sự chờ đợi của nhân dân. Có những cán bộ, đảng viên lão thành đang cho rằng đã làm thì phải làm triệt đễ.”
“Và ở đây còn chưa nói tới những sai phạm lâu dài, kéo dài liên quan tới vụ Thủ Thiêm và rõ ràng là có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ một, nhưng đã được xử lý không đến nơi đến chốn, nửa vời.”, ông Thuận nhận xét. Đồng thời, ông cũng cho rằng việc tới thời điểm này mưới khởi tố ông Tất Thành Cang là “hơi bị trễ”.
Cơ quan chức năng bác bỏ thông tin Khá “Bảnh” chết trong trại giam
Lãnh đạo Trại giam Hoàng Tiến, tỉnh Hải Dương cùng công an thị xã Chí Linh và cả Giám đốc công an tỉnh này mới đây đều khẳng định thông tin Ngô Bá Khá, hay còn gọi là Khá “Bảnh”, 27 tuổi, chết trong quá trình thi hành án do bị phạm nhân ở cùng trại giam đâm là hoàn toàn sai sự thật.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn xác nhận của 3 cơ quan loan tin như vừa nêu.
Thông tin Khá “Bảnh” chết trong tù được loan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào ngày 20/12, thu hút hàng triệu lượt theo dõi và hàng ngàn lượt chia sẻ về tấm ảnh chụp màn hình với nội dung “Lúc nãy tầm 21 giờ mấy có lướt một bài viết của anh Khanh Phạm gì đó đăng tin và ảnh Khá “bảnh” qua đời ở trại tạm giam nhìn nằm trên cán thương lắm, để mình lướt lại tìm ảnh cho mọi người xem, tin này là thật 100%. RIP một kiếp người”.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đều cho hay hiện Khá “Bảnh” vẫn đang cải tạo bình thường tại trại giam Hoàng Tiến.
Khá Bảnh được nhiều người biết đến trên mạng xã hội Youtube, Facebook với những đoạn video về giang hồ, kiểu nhảy “múa quạt”.
Vào sáng 13/11/2019, Ngô Bá Khá bị TAND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh tuyên phạt tổng cộng 10 năm 6 tháng tù về hai tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, đồng thời tịch thu gần 5 tỷ đồng, thi hành án tại trại giam Hoàng Tiến ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Bộ Công an Việt Nam hôm 19/10 vừa qua cũng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 2 kênh YouTube của Khá “Bảnh”.
Ba lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập sẽ ra tòa vào ngày 5 tháng 1
Ba người thuộc thành phần lãnh đạo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam sẽ ra tòa vào ngày 5 tháng 1 tới đây.
Những người quan tâm vụ việc vào cuối tuần qua công khai quyết định của Tòa Án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề ngày 15 tháng 12 như vừa nêu.
Cụ thể quyết định ghi rõ, phiên xử sơ thẩm sẽ được tiến hành đối với ba người. Thứ nhất là ông Phạm Chí Dũng, sinh năm 1966; thứ hai là ông Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1950; và người thứ ba là Lê Hữu Minh Tuấn, sinh năm 1989.
Cả ba người bị cáo buộc tội danh ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo khoản 2 điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Nếu bị kết tội, ba người này phải đối diện với mức án cao nhất đến 20 năm tù giam.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa trong vụ này, vào chiều ngày 21 tháng 12, xác nhận thông tin vừa nêu với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Trong vụ án này tôi có bào chữa cho hai người là ông Nguyễn Tường Thuỵ và ông Lê Hữu Minh Tuấn. Ngoài ra có luật sư Miếng bào chữa cho Anh Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ. Họ bị kết án ở khoảng 2 điều 117 và có mức án cao nhất đến 20 năm tù nhưng thông thường họ sẽ không bị mức án cao đến mức như vậy. Nếu như anh Phạm Chí Dũng thì loanh quanh độ khoảng 12-13 năm tù theo phỏng đoán của tôi sau khi tham khảo mức án của những người từng bị kết án với tội danh tương tự. Đối với ông Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn thì mức án của họ sẽ thấp hơn bởi lẽ trong vụ án này cơ quan tố tụng họ cho ông Phạm Chí Dũng là người cầm đầu nên theo quy định thì người cầm đầu lãnh mức án cao hơn 2 người còn lại.”
Bà Nguyễn Thị Lân, vợ của ông Nguyễn Tường Thụy, cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Tôi thấy mức án như vậy là quá cao, nói về luật pháp VN thì việc mà Hội nhà báo độc lập làm là phù hợp với luật pháp VN là quyền tự do ngôn luận, không thể nào mà kết án mức thấp nhất là 10 năm và cao nhất là 20 năm, tôi cảm thấy rất là bất bình, tôi rất là câm phẫn, ví dụ như anh Nguyễn Tường Thuỵ năm nay đã 70 tuổi rồi có thể làm được gì mà gọi là tội phạm nguy hiểm, trong khi khoảng 2 điều 117 là đối tượng nguy hiểm. Coi như là vũ khí thì không có, quyền lực thì không, nếu người ta không xấu thì người ta sợ gì mà người ta lại ghép tội như thế. Tôi cảm thấy nhà nước này ghê sợ, như ông Nguyễn Đức Chung ấy bao nhiêu tội ác tày đình như thế mà chỉ có 5 năm tù, còn các chú chẳng làm gì mà so với tội của người khác là quá cao.”
Ông Phạm Chí Dũng là chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Ông bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm ngoái. Phó chủ tịch Hội Nguyễn Tường Thụy bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm nay khi ông đang ở nhà riêng tại Hà Nội, rồi bị đưa vào giam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Lê Hữu Minh Tuấn là thư ký hội và bị bắt vào ngày 12 tháng 6 năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào ngày 21 tháng 10 vừa qua, Cơ quan An Ninh Điều Tra thông báo cho luật sư Nguyễn Văn Miếng biết giai đoạn điều tra đã kết thúc đối với 3 người vừa nêu kể từ hôm 15 tháng 10.
Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam mà ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn tham gia được cho biết là một hội chuyên nghiệp báo chí độc lập, một tổ chức xã hội dân sự. Hội ra đời vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.
Bằng giả của ĐH Đông Đô được sử dụng tại hơn 20 trường để xét tuyển, bảo vệ luận án
Văn bằng giả do Đại học Đông Đô cấp đã được sử dụng tại hơn 20 trường đại học khác đề xét tuyển cho nghiên cứu sinh hoặc dùng để bảo vệ luận án tiến sĩ.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong số 20 trường có các trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Đh Sư phạm Hà Nội, ĐH Huế. Ngoài ra, có 3 giảng viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Luật thuộc ĐH Huế đã trúng tuyển vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của ĐH Đông Đô.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an trước đây cho biết có ít nhất 60 người dùng bằng giả để được xét tuyển hoặc bảo vệ luận án. Đại học Đông Đô đã cấp tổng cộng 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả không qua tuyển sinh, đào tạo.
Đại diện ĐH Quốc gia nói các trường hợp dùng bằng giả của ĐH Đông Đô sẽ không được trường công nhận và phải ngưng làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án nếu không có văn bằng của trường khác thay thế. Còn ĐH Sư phạm cho biết đang chờ quyết định cấp trên để xử lý trường hợp bằng giả.
Vào ngày 25 tháng 11 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam cho biết đã xác định được 55 trường hợp trong tổng số 193 người được Đạihọc Đông Đô cấp bằng giả.
Việt Nam: ‘Mỹ áp thuế sẽ gây tổn hại quan hệ song phương’
Giới chức Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để thảo luận về các vấn đề thương mại, chính phủ Việt Nam cho biết vào hôm thứ Hai, sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuần trước nói Việt Nam “thao túng tiền tệ”.
“Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của USTR (Đại diện Thương mại Hoa Kỳ) vào ngày 2 tháng 10 khởi động cuộc điều tra theo Khoản 301 về tiền tệ và gỗ của Việt Nam,” Bộ Công thương Việt Nam được Reuters dẫn lời trả lời hãng tin này bằng email.
Chính quyền Trump tuần trước đã gọi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các doanh nghiệp cho rằng sẽ mở đường cho USTR áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công thương Việt Nam cho biết “điều rất quan trọng đối với hai bên là duy trì các cuộc đàm phán vào lúc này”, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ động thái nào của USTR nhằm áp thuế với hàng hóa Việt Nam “sẽ làm tổn hại quan hệ thương mại song phương”.
“Về phía Việt Nam, các công ty sẽ mất lòng tin khi kinh doanh với các đối tác Hoa Kỳ, dẫn đến việc giảm nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ của Hoa Kỳ”, Bộ Công thương Việt Nam cho biết thêm, theo Reuters.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm hàng may mặc, điện tử và các sản phẩm từ gỗ.
Các công ty Mỹ đã nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019,
USTR đã từng sử dụng một cuộc điều tra Khoản 301 tương tự để biện minh cho mức thuế lên tới 25% áp với hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm rưỡi của Tổng thống Trump với Bắc Kinh.
Mỹ chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam
Bộ Ngân khố Mỹ nói ‘Việt Nam thao túng tiền tệ’
Hiện vẫn chưa rõ liệu thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam có đạt đến mức đó hay gần với mức thuế 6,2% đến 10% mà Bộ Thương mại đã áp dụng đối với lốp xe Việt Nam vào tháng 11 theo một quy tắc tiền tệ mới hay không.
Các nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam vi phạm ngưỡng thặng dư tài khoản vãng lai của Bộ Tài chính Hoa Kỳ một phần là hệ quả của cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc, khiến các công ty đổ xô đầu tư vào Việt Nam vì tìm cách tránh thuế quan của Hoa Kỳ với Trung Quốc theo đó làm tăng mạnh lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.
“Với tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ mới đây cùng việc điều tra theo Mục 301 thì rất có thể Hoa Kỳ sẽ áp đặt một kiểu trả đũa đối với Việt Nam,” Deborah Elms, giám đốc điều hành của Tổ chức Thương mại châu Á tại Singapore nói. “Sẽ có những hậu quả kinh tế”.
Áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ làm phức tạp về thương mại cho Tổng thống đắc cử Joe Biden khi ông nhậm chức, và có thể châm ngòi cho trả đũa thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam.
VN: Nguy cơ từ thâm hụt ngân sách 9 tỷ đô la
Chính quyền Donald Trump chính thức điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’
Bị gắn mác thao túng tiền tệ, liệu Hà Nội có bị trừng phạt?
Mai Hương
Từ tháng 5/2019, Việt Nam bị xếp vào danh sách giám sát do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư thương mại song phương (xuất siêu lớn) và thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP). Từ tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát. Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài Chính Mỹ thì Việt Nam (cùng với Thuỵ Sĩ) đã vượt cả 3 tiêu chí đó là: (i) Xuất siêu sang Mỹ gấp 2.85 lần ngưỡng qui định. (ii) Thặng dư cán cân vãng lai 4.6% GDP (tiêu chí là 2% GDP). (iii) Mua ròng ngoại tệ 5.1% GDP (tiêu chí là 2% GDP). Đấy chính là những lý do khiến Việt Nam bị gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ. Cùng với Việt Nam và Thuỵ Sĩ, thì Đài Loan, Thái Lan và Malaysia cũng ở sát ngưỡng thao túng tiền tệ, vì đã vượt 2 tiêu chí xuất siêu và thặng dư cán cân vãng lai, còn mua ròng ngoại tệ đã gần đến 2% GDP.
Việt Nam phủ nhận
Vậy hậu quả việc bị liệt vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ là gì? Trước tiên là sẽ bị loại trừ khỏi các hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ, tiếp theo có thể bị Bộ Thương mại sử dụng các phát hiện định giá thấp tiền tệ để bắt đầu áp thuế chống trợ cấp đối với các ngành được hưởng lợi từ việc định giá thấp (sẽ được dỡ bỏ khi được cho ra khỏi danh sách thao túng). Thực ra nếu trong năm 2020 Việt Nam không mua dự trữ ngoại tệ nhiều thì chắc chắn vẫn chỉ ở nhóm 10 nước bị giám sát thôi. Vậy sự hoá giải tới đây khá đơn giản. Nếu trong vòng 1 năm nữa Hà Nội mua ròng ngoại tệ dưới 2% GDP thì lại có thể được rút khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Với lý giải như vậy thì việc suy đoán là ông Trump đánh Việt Nam để “giã biệt”, rồi các nhà máy sẽ rời Việt Nam sang các nước khác để tránh bị đánh thuế cao có lẽ là chưa đúng về bản chất.
Liên quan đến việc Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam có hành vi thao túng tiền tệ trong báo cáo định kỳ 6 tháng về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, báo cáo cập nhật vĩ mô Công ty Chứng khoản Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thị Thanh Phượng cũng có những phân tích đáng chú ý. Theo Bản Việt, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường củng cố dự trữ ngoại hối trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào là “hợp lý”. Nói “hợp lý” là vì, vẫn theo các chuyên gia của VCSC, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới và chỉ rơi vào xung quanh ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF.
Cụ thể, tham chiếu dữ liệu của Ngân hàng Thế giới – World Bank, Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2018 mới chỉ ở mức 51,3%. Mức này hiện thấp hơn tỷ lệ 57,8% của các nước thu nhập trung bình thấp và 88,5% của các nước thu nhập trung bình cao trên thế giới. Vào cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ vào mức 3,43 tháng nhập khẩu và tăng lên 4,4 tháng hiện tại (vượt ngưỡng khuyến cáo tối thiểu ba tháng nhập khẩu của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF).
Tuy vậy, theo Chứng khoán Bản Việt, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 11,5 tháng nhập khẩu của thế giới và 7,7 tháng của các nước thu nhập trung bình thấp. VCSC nhận định: “Chỉ số dự trữ so với khoảng khuyến cáo phù hợp với chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng mới chỉ đang tiến dần đến ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF”.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô, chuyên gia của VCSC dự báo, cả Việt Nam lẫn Mỹ sẽ tiến hành đàm phán, trao đổi, thương lượng để tìm giải pháp chung tốt nhất cho vấn đề này. Trong trường hợp không tìm được cách giải quyết có lợi, phù hợp cho cả hai bên, Mỹ mới tính đến áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam. Như thông tin trước đó, Phòng Thương mại Mỹ (US Chamber of Commerce) ngày 16/12 cho hay, Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang xem xét việc thông báo đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trước phiên điều trần theo Điều 301 (Luật Thương mại Mỹ 1974) về định giá tiền tệ (dự kiến sẽ diễn ra ngày 29/12 tới đây và hạn chót để phản hồi là 7/1/2021).
Về phía Việt Nam, Chứng khoán Bản Việt cho rằng, giới chức trách, cơ quan hữu quan của Việt Nam đã “tiếp cận với vấn đề một cách tích cực” và hiện vẫn đang phối hợp trao đổi với Mỹ. Nhận định về khả năng Việt Nam có bị chính quyền Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt hay không, theo nhóm chuyên gia của VCSC, có thể phiên điều trần tới đây vẫn được tiếp tục và khả năng cao là USTR sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi quá trình điều trần kết thúc. Sàn chứng khoán Việt Nam cũng hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi hàng loạt mã cổ phiếu giảm giá sau khi thông tin Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam.
Mỹ có xem lại cho phù hợp?
Việc bị xếp vào danh sách này sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro về kinh tế. Do đó, cần chú trọng hơn nữa việc kiên trì, ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ. Chia sẻ xoay quanh vấn đề Mỹ nghi Việt Nam thao túng tiền tệ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính) cho rằng việc Chính phủ Mỹ công bố danh sách thao túng tiền tệ mỗi năm là bình thường. Hoa kỳ có những tiêu chí cụ thể để đánh giá vấn đề thao túng tiền tệ. Mỹ xác định là những quốc gia có thặng dư thương mại với Washington từ 20 triệu USD trở lên là những nước cần phải xem xét. Tiếp đó, một nước nếu trong vòng khoảng 6 tháng thường xuyên mua vào các đồng ngoại tệ có thể coi là điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách khiên cưỡng ý muốn chủ quan của ngân hàng quốc gia nước đó. Cuối cùng là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Đây cũng là tiêu chí để xem xét thao túng tiền tệ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với VOV rằng, Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ trước hết là căn cứ trên các tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, việc này phía Mỹ nên xem xét thêm các tiêu chí khác cho phù hợp với tình hình chung. Việt Nam vốn không có ý định phá giá đồng tiền để đẩy mạnh cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam chỉ nhằm ổn định đồng tiền để không bị mất giá thái quá. Do đó, việc mua vào ngoại tệ này chủ yếu có 2 lý do: Thứ nhất là để giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng, nghĩa là Việt Nam không phá giá đồng tiền để cạnh tranh thương mại một cách bất bình đẳng. Thứ hai, việc mua ngoại tệ vào liên tục là do hiện nay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn rất mỏng so với mức dự trữ mà IMF khuyến cáo, thậm chí mỏng so với mức dự trữ ngoại tệ của các quốc gia xung quanh của Việt Nam. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Do đó, Việt Nam mới mua ngoại tệ để tăng cường dự trữ hối đoái đề phòng những biến động bất thường trên thị trường tài chính. Có thể thấy, Chính phủ Mỹ chưa xem xét cẩn trọng vấn đề này”.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ.
Đặc biệt, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ gặp nhiều vấn đề nảy sinh, từ việc có thể đánh giá đồng Việt Nam đang rẻ hơn giá trị thực tế của nó, khiến cho việc tiếp cận với thị trường tài chính thế giới trở nên khó khăn, chi phí đắt đỏ, cũng như liên quan đến lãi vay, nợ vay gây nhiều trở ngại cho việc tiếp cận thị trường quốc tế. Ông Thịnh lưu ý: “Trong khi đó, Việt Nam lại đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cần dòng vốn quốc tế. Có thể nói, việc bị xếp vào danh sách này là rất nguy hiểm đối với nền kinh tế Việt Nam”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, Việt Nam cần kiên trì ổn định chính sách điều hành, đồng thời nên có giải thích rõ hơn đối với các bộ, ban, ngành. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc, trao đổi trực tiếp và đầy đủ các vấn đề liên quan với Bộ Tài chính Mỹ. Từ đó, phía Mỹ sẽ có đánh giá toàn diện, đầy đủ những điều kiện khiến Việt Nam phải thực thi các chính sách của mình. “Hiển nhiên, Chính phủ Việt Nam không muốn phá giá đồng tiền để tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, từ đó làm lệch cán cân thương mại về phía Việt Nam. Do đó, cần giải thích rõ ràng, cụ thể để nhà chức trách Mỹ hiểu và xem xét, điều chỉnh phù hợp với Việt Nam”, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính nhận xét.
Cần tính tới yếu tố chính trị
Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành trao đổi với Forbes nhận định, việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ mang yếu tố chính trị nhiều hơn là xét trên các yếu tố kỹ thuật. Theo ông Thành, “nếu xét riêng các yếu tố kỹ thuật, tôi nghĩ rằng các đại diện từ phía Mỹ hoàn toàn hiểu rằng Việt Nam không hề và cũng khó có thể phá giá tiền đồng để tăng lợi thế thương mại”. Tuy nhiên, theo con số thống kê, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện tại ở con số xấp xỉ 70 tỷ USD tính tới tháng 11 năm nay, cùng với hai cuộc điều tra gần đây theo điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với hai ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều thực sự đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu quyết định của Bộ Tài chính trong những tuần tới đây không có khả năng dẫn đến bất kỳ kết quả rõ ràng nào về các biện pháp trừng phạt, thì tầm quan trọng của nó nằm ở tính biểu tượng của thông báo. Về vấn đề này, Bộ Tài chính vừa đưa ra một chìa khóa quan trọng trong các hoạt động của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, coi Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng khi Hà Nội tiếp tục là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam. Ngoài ra, trong báo cáo về phòng vệ thương mại của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), nhóm nghiên cứu kinh tế từ HSBC cũng cho rằng phần thặng dư thương mại gia tăng đến từ nhóm các mặt hàng điện tử được sản xuất ở Việt Nam ngày càng tăng, kết quả của dòng vốn FDI được duy trì trong nhiều năm qua. Khuyến cáo với các doanh nghiệp trong nước, chuyên gia Vũ Tú Thành lưu ý: “Các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động giao thương với Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục theo dõi sát sao những động thái từ phía các cơ quan như Bộ Tài chính và USTR. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác là doanh nghiệp tại Hoa Kỳ để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra từ các biện pháp áp thuế trừng phạt”./.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ấn Độ và Việt Nam họp thượng đỉnh với hợp tác quốc phòng là một trọng tâm
Trọng Nghĩa
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào hôm nay 21/12/2020. Hai nước dự kiến ký các thỏa thuận về quốc phòng, năng lượng và phát triển, đẩy mạnh thỏa thuận cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam.
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm cả hai nước đều phải đối mặt với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ đang đọ sức quân sự với Trung Quốc ở khu vực Ladakh thuộc biên giới hai bên trên dãy Himalaya, trong khi Việt Nam đã bị Bắc Kinh lấn lướt tại Biển Đông, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times, trích dẫn những nguồn thạo tin xin giấu tên, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu và dự kiến sẽ đưa ra một “tầm nhìn chung” để định hướng cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương.
Hai bên sẽ đẩy nhanh việc triển khai khoản tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu đô la của Ấn Độ cho Việt Nam để cung cấp với 12 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam nhằm tăng cường an ninh ven biển và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Năm tàu đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Larsen & Toubro ở Chennai, và phần còn lại sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở thành phố cảng Hải Phòng dưới sự giám sát của công ty Ấn Độ.
Ấn Độ cũng đã cung cấp một tín dụng quốc phòng khác trị giá 500 triệu đô la cho Việt Nam.
Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cách đây 4 năm. Ấn Độ là một trong số ít quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đối tác như vậy.
Việt Nam, “công xưởng mới của thế giới”?
Thanh Phương
Nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cũng nhờ đại dịch toàn cầu Covid-19, mà Việt Nam có vẻ như đang tiến nhanh hơn trên con đường trở thành “công xưởng của thế giới”, cụm từ cho tới nay vẫn được dành cho Trung Quốc. Do coi như đã thành công trong việc khống chế dịch virus corona, Việt Nam nay càng được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty muốn tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.
Trong bài báo đăng ngày 09/12/2020, trang mạng Financial Review của Úc ghi nhận là xu hướng di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu từ vài năm qua, khi giá nhân công ở nước láng giềng phương bắc bắt đầu tăng cao. Tờ báo trích lời nhà phân tích Rob Subbaraman, thuộc tập đoàn tài chính Nomura của Nhật, nhận định là tiến trình này đã tăng tốc sau khi tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế thế giới trong suốt năm nay càng khiến cho các công ty đa quốc gia thấy cần phải đa dạng hóa dây chuyền sản xuất. Nhà phân tích Rob Subbaraman nhấn mạnh: “ Đây là một chuyển đổi về cấu trúc mà chúng tôi dự báo là sẽ tiếp diễn. Trong những năm tới, sẽ có một dòng vốn đầu tư lớn hơn chuyển từ bắc Á xuống nam Á”.
Theo ghi nhận của ông Subbaraman, tại vùng bắc Á ( bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan lẫn Trung Quốc ), dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng tăng và khi các nước này trở nên giàu hơn, thì mức lương cũng tăng theo, cho nên các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn.
Nhà phân tích của Nomura đưa ra các nhận định như trên vào lúc chính phủ Việt Nam vừa thông báo là công ty Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Apple hay Sony, xác nhận đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ đôla để xây dựng một cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Nam Định Vũ, gần Hải Phòng.
Kế hoạch mở rộng hoạt động của Pegatron tại Việt Nam (bao gồm cả việc chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển từ Trung Quốc sang Việt Nam) được công bố vào lúc có tin là Foxconn, một tập đoàn lớn khác của Đài Loan, cũng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng tin Reuters vào tháng trước loan tin là Foxconn sẽ mở rộng nhà máy của tập đoàn này ở tỉnh Bắc Giang để xây dựng các dây chuyền lắp ráp mới.
Theo Financial Review, một số nước khác ở Đông Nam Á, như Indonesia, cũng đang tìm cách thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia đang muốn dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng chiến lược của Việt Nam có vẻ thành công hơn cả, qua trường hợp của Apple.
Trả lời RFI qua điện thoại từ Sài Gòn ngày 14/12/2020, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định về lợi thế của Việt Nam:
“Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài từ năm 2018 đến nay, các chuyên gia trên thế giới đều đánh giá rằng quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất chính là Việt Nam, vì khi các công ty ở Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế rất nặng, rất nhiều lãnh đạo các công ty đó muốn né tránh chính sách thuế nặng của chính phủ Mỹ, bằng cách chuyển những hoạt động của họ sang các nước khác, trong đó Việt Nam, mà họ xem là một điểm đến rất tốt.
Cũng vì lý do đó, không chỉ có các công ty của Mỹ, Nhật, hay của quốc gia khác, mà ngay cả các công ty của Trung Quốc cũng có ý định chuyển sang hoạt động ở Việt Nam để tránh chính sách áp thuế nặng nề của chính phủ Donald Trump.
Có thể nói là trong thời gian đó thì đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng khá là nhanh và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng rất nhanh. Cũng có những trường hợp mà Việt Nam bị chính phủ Mỹ tố cáo là đã để cho các công ty Trung Quốc lợi dụng để tránh né chính sách áp thuế của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, phải nói là kinh tế Việt Nam trong thời gian đó cũng có một sức đẩy tốt, xuất khẩu tăng, cũng như là những điều kiện về hạ tầng, những chính sách phát triển nguồn nhân lực cũng được chính phủ Việt Nam lưu tâm để đẩy mạnh. Tôi cho đó là những yếu tố rất tích cực đối với Việt Nam trong việc tranh thủ lợi thế trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Chiến tranh này chắc chắn sẽ còn kéo dài, ngay cả khi mà chính quyền Donald Trump mãn nhiệm và chính quyền Joe Biden tiếp nối. Cuộc chiến thương mại này có thể sẽ là dưới một hình thức nào khác, tuy nhiên nó sẽ không chấm dứt được. Do đó, xu hướng của các nhà máy của các quốc gia phương Tây hoạt động tại Trung Quốc sẽ vẫn là chuyển sang các nước khác, mà trong đó Việt Nam được họ cho là điểm đến ưu tiên.”
Các kinh tế gia của tập đoàn tài chính Nomura ghi nhận là hiện nay các tập đoàn đa quốc gia nay còn tính đến những khác biệt về cách đối phó với đại dịch Covid-19. Châu Á nói chung được xem là đã kềm chế dịch bệnh tốt hơn là các quốc gia phương Tây. Theo nhà phân tích Subbaraman, như vậy châu Á sẽ là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại vào năm tới, một khi virus corona không còn hoành hành nữa. Ông dự báo châu Á sẽ thu hút phần lớn nhất trong các dòng vốn vào năm tới, vì các công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư. Trong bối cảnh này, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn hơn các nước khác, vì kể từ đầu mùa dịch cho đến nay, Việt Nam có chưa tới 1.400 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong.
Vấn đề đặt ra hiện nay đó là liệu các cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam có đủ khả năng để tiếp nhận các dòng vốn đầu tư mới của ngoại quốc hay không? Về điểm này, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định:
“ Thật ra việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam để phục vụ cho sự phát triển đầu tư nước ngoài đã được lưu ý nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, có thể nói là việc chuẩn bị đó chưa theo kịp nhu cầu gia tăng nhanh của đầu tư nước ngoài. Do đó, có trường hợp là một số công ty lớn của Mỹ như Apple đã phải có kế hoạch làm chậm tiến trình đầu tư tại Việt Nam, vì lý do thiếu nguồn nhân lực.
Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời gian sắp tới, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Thật ra, đó cũng không phải là hai yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chính môi trường đầu tư, chính sách thuế, cũng như là thái độ thân thiện, cởi mở của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài mới quan trọng hơn, đặc biệt là vấn đề cải cách hành chính để tránh tham nhũng, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hơn, để giúp nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh việc thực hiện dự án của họ ở Việt Nam. Đó là những yếu tố mà tôi cho là cũng quan trọng không kém so với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực chuyên môn.”
Thu hút nhiều đầu tư ngoại quốc dĩ nhiên là rất tốt, nhưng nhìn xa hơn về phát triển trong tương tương lai, Việt Nam không thể mãi mãi chỉ là một “công xưởng của thế giới”, chỉ là nơi để các tập đoàn quốc tế đặt cơ sở sản xuất, mà phải đưa nền kinh tế lên một trình độ cao hơn, tức là nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất, như ý kiến của chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn:
“Đó là một sự chọn lựa. Tôi nghĩ là Việt Nam nằm ở một vị trí địa chính trị rất quan trọng, là một nước ven Biển Đông, nơi tập trung một khối lượng giao thương rất lớn của thế giới. Trong mấy chục năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã theo đuổi một chính sách hội nhập kinh tế rất là sâu rộng đối với thế giới. Có thể nói Việt Nam hiện nay là một trong những nước ký thỏa ước thương mại song phuơng với rất nhiều quốc gia, cũng như thỏa ước đa phương với nhiều khối như Liên Âu, ASEAN, khối Đông Bắc Á. Cho nên, Việt Nam, với vị thế của mình và với chính sách mở cửa mạnh mẽ, chắc chắn sẽ trở thành nơi mà các nhà đầu tư chọn lựa.
Như vậy, cái gọi là “công xưởng của thế giới », cụm từ mà trước đây chúng ta hay gọi Trung Quốc, cũng là viễn cảnh của Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, điều đó sẽ đặt Việt Nam trước một sự chọn lựa, tức là ta không thể chỉ là một công xưởng, tức là nơi sản xuất, mà phải biết chọn lựa nên sản xuất cái gì, trong ngành nào cho phù hợp với sự phát triển trong tương lai của cả thế giới, chẳng hạn như là không gây ô nhiễm môi trường, hướng về công nghệ cao, tức là hướng về giá trị cao trong chuỗi cung ứng của toàn cầu. Đặc biệt là phải bảo đảm quyền lợi của người lao động, cũng như bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên của Việt Nam.
Tôi nghĩ đó là một sự chọn lựa, vì từ đây đến 5,10 năm nữa, Việt Nam sẽ là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới, do đó nước chủ nhà phải có một thái độ bình tĩnh, để chọn lựa được những dự án đầu tư nào, những nhà máy nào phù hợp với lợi ích phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.”
Điểm tin trong nước 21/12: Điều tra nguyên nhân Cục trưởng tử vong tại trụ sở Bộ Tài chính; Sẽ xóa sổ công ty đòi nợ thuê
Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Điều tra nguyên nhân Cục trưởng tử vong tại trụ sở Bộ Tài chính
Dự kiến ngày mai (22/12) tuyên án Đinh La Thăng và các bị cáo
Công an TP.HCM: Sẽ xóa sổ các công ty đòi nợ thuê từ đầu năm 2021
Thuyền viên 37 tuổi ở Khánh Hòa mắc Covid-19
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Hai (ngày 21/12) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Điều tra nguyên nhân Cục trưởng tử vong tại trụ sở Bộ Tài chính
Báo Người lao đông đưa tin, chiều 21/12, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) cho biết, đang phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Công an quận điều tra nguyên nhân tử vong của ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tại cầu thang bộ trong trụ sở Bộ Tài chính, ở số 28 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Thông tin ban đầu trưa cùng ngày (21/12), ông Khánh được nhiều người phát hiện ngã từ cầu thang bộ tầng cao và tử vong tại trụ sở Bộ Tài chính. Ông Phùng Ngọc Khánh được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục giám sát bảo hiểm từ tháng 5/2014.
Dự kiến ngày mai (22/12) tuyên án Đinh La Thăng và các bị cáo
Trên báo Tiền Phong, chiều 21/12, phiên xét xử cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng)… về các sai phạm liên quan đến quyền thu phí cao tốc Trung Lương, thiệt hại 725 tỷ đồng, để các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi HĐXX vào nghị án.
Là người được nói lời sau cùng đầu tiên, ông Đinh La Thăng cho rằng VKS đã không tranh tụng cho đến cuối cùng, nhằm giúp HĐXX làm rõ vụ án. Ông Thăng cũng khẳng định và xin chịu trách nhiệm là người đứng đầu Bộ GTVT để xảy ra vụ án. Nhưng ông Thăng chỉ chịu trách nhiệm về chính trị, hành chính và nói rõ mình “không phải là người chịu trách nhiệm hình sự”. “Dù phán quyết của tòa thế nào, bị cáo cũng chấp nhận” – bị cáo Đinh La Thăng, nói.
Dự kiến ngày mai (22/12), HĐXX sẽ tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng và 19 bị cáo khác trong vụ án sai phạm về mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Công an TP.HCM: Sẽ xóa sổ các công ty đòi nợ thuê từ đầu năm 2021
Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 21/12, Công an TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt báo chí đã cho biết, các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 1/1/2021 và Công an TP.HCM sẽ ra mắt Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đại tá Lê Công Vân, trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM cho biết, liên quan đến hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê, hiện có 53 công ty có chức năng đòi nợ thuê ở TP.HCM. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 1/1/2021.
Đại tá cho hay, sẽ phối hợp các sở ngành thu hồi giấy phép, thu hồi giấy cấp về an ninh trật tự đối với các công ty đòi nợ thuê và đề nghị giải tán, không để núp bóng hoạt động gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, sẽ xử lý việc cho vay nặng lãi và lừa đảo trên các app (ứng dụng) đang phổ biến trên không gian mạng.
Thuyền viên 37 tuổi ở Khánh Hòa mắc Covid-19
Bộ Y tế chiều 21/12 cho biết trong ngày cả nước ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 là ca bệnh nhập cảnh, được cách ly ngay tại Khánh Hòa. Đó là ca bệnh 1414 (BN1414): Nam, 37 tuổi, là thuyền viên người Việt Nam, có địa chỉ tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 9/12, bệnh nhân từ Ukraine nhập cảnh cảng hàng hải Nha Trang – Khánh Hòa trên Tàu Navios Marco Polo, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21/12, bệnh nhân dương tính với Covid-19. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.