Tin Việt Nam – 20/12/2018
Tòa án ở HN tuyên phạt
ông Phan Văn Anh Vũ thêm 17 năm tù
Cộng với bản án 9 năm tù tuyên trước đó (đã có hiệu lực, và nay chỉ còn 8 năm vì bị cáo đã bị giam giữ từ cuối 2017), ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi Vũ Nhôm, sẽ phải thụ án 25 năm tù.
Trong hình đăng trên trang VnExpress hôm 20/12, ông Phan Văn Anh Vũ mặc áo xanh dương đậm, hơi cười và chìa ngón tay cái theo dấu ‘tốt cả’ khi nghe tuyên án.
Không rõ đó là cách ông trấn an gia đình, thân nhân hay có suy nghĩ gì khác.
Quanh suy đoán Chủ tịch Quang ‘sẽ được thay thế’
Vụ ông ‘Vũ Nhôm’ nói gì về chính trị VN?
Chính trị VN ra sao nếu ông Anh Vũ bị bắt về?
Được biết một số thân nhân của các bị cáo khóc khi nghe tuyên án, theo bài và ảnh trên báo Việt Nam.
Các bị cáo khác trong vụ xử ngày 20/12 ở Hà Nội:
Trần Phương Bình (Nguyên Tổng giám đốc DAB) phải nhận 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tù chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt: án chung thân.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB) nhận 18 tù về tội Cố ý làm trái, 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Nguyễn Hồng Ánh (cựu cán bộ Công an TP HCM) nhận 10 năm tù.
Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm tù treo đến 16 năm tù.
Bí mật nhà nước
Hôm 29/11, trả lời BBC từ Tuy Hòa, luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật mang tên ông, bình luận về vụ xử:
“Khi một người đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng thì thường họ hay bất chấp pháp luật để làm điều sai trái.”
“Trong phiên tòa trước tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng Xét xử nhận định vì lợi nhuận bản thân, ông Phan Văn Anh Vũ đã phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và tuyên phạt ông Vũ 9 năm tù giam. Chính vì mục đích lợi nhuận, nên ông này chỉ chịu mức 9 năm nhưng nếu “Lộ bí mật nhà nước” vì mục đích khác thì ông có thể chịu mức án rất cao.”
Hôm 30/07, phiên tòa một ngày ở Hà Nội kết án ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, 9 năm tù về tội ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.
TAND Hà Nội chiều 30/7 tuyên án sau một ngày xử kín với ông Anh Vũ, 43 tuổi, cùng hai cựu công an cùng tội danh.
Các quan chức Bộ Công an liên lụy
Ông Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, cựu trung tướng, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) bị phạt 7 năm tù.
Ông Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi, cựu cán bộ Bộ Công an) nhận mức án 6 năm.
Gần đây có hai tướng công an Việt Nam bị kỷ luật, hạ quân hàm và khởi tố vì có liên quan đến vụ Vũ Nhôm.
Bộ Công an Việt Nam ngày 14/12 thông báo đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Cả hai ông, nguyên thượng tướng CA Trần Việt Tân và nguyên trung tướng Bùi Văn Thành đều từng làm thứ trưởng Bộ Công an.
Thông báo của Bộ Công an ghi ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng Bộ Công an, bị khởi tố về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đây là một phần trong cuộc điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm thực hiện.
Đặc biệt, ông Trần Việt Tân bị cho là thiếu trách nhiệm, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngay từ đầu năm 2018, giới quan sát đã có nhận định với BBC rằng vụ bắt ông Vũ Nhôm từ Singapore về sẽ là đầu mối để xử nhiều quan chức cao cấp khác.
Trong bài hôm 13/01/2018, GS Nguyễn Mạnh Hùng từ ĐH George Mason, Hoa Kỳ bình luận chính trị nội bộ Việt Nam qua vụ bắt ông ‘Vũ Nhôm’:
“Tất nhiên là ông Vũ Nhôm sẽ bị đưa ra tòa án và ông sẽ phải khai ra những người quan hệ với ông, thành ra vụ này sẽ ‘giằng dây’ lên tất cả những người khác đó, nhưng đấy là nhìn đó trong hiện tại, còn nếu nhìn đó như một quá trình, chúng ta thấy đó là quá trình củng cố quyền lực của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, từ sau Đại hội vừa qua năm 2016.
“Họ đã bắt đầu nắm lại quyền đánh tham nhũng về Trung ương Đảng rồi, sự củng cố quyền lực bắt đầu ngay trước Đại hội, sau Đại hội, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng ‘thắng’ ông [Nguyễn Tấn] Dũng, nó bắt đầu ngay từ đó.
“Bây giờ chỉ là tiếp nối cuộc đánh tham nhũng và một cuộc thành trừng trong nội bộ mà thôi, cho nên năm 2018, chúng ta sẽ thấy tiếp tục nữa…”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46631831
Nevada: LS Rochelle Nguyễn
trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên
Luật sư gốc Việt Rochelle Nguyễn vừa trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên ở bang Nevada, đại diện cho một khu vực ở thành phố Las Vegas.
Hôm 18/12, Hãng tin AP trích lời bà Rochelle Nguyễn, 41 tuổi, một luật sư bào chữa các vụ án hình sự, cho biết việc bà thắng cử vào Hạ viện tiểu bang Nevada là một “dấu mốc tuyệt vời.”
Bà nói: “Khi phụ nữ thành công hơn, thì gia đình sẽ mạnh hơn.”
Bà Rochelle Nguyễn kế nhiệm Dân Biểu Chris Brooks, người vừa đắc cử thượng nghị sĩ tiểu bang hồi tháng trước.
Bà Rochelle theo Ðảng Dân chủ là dân biểu gốc Á đầu tiên của tiểu bang Nevada, đại diện Địa Hạt 10 ở Las Vegas, có nhiệm kỳ đến năm 2020.
Janet Nguyễn bị đối thủ qua mặt, đối diện nguy cơ thất cử
AP cho biết bang Nevada trở thành bang đầu tiên ở Mỹ có tỉ lệ phụ nữ chiếm đa số trong nghị viện tiểu bang, 51%, còn riêng trong Hạ viện Nevada thì tỷ lệ nữ là 55%.
Theo tờ The Nevada Independent, bà Rochelle Nguyễn đến bang Nevada năm 1999, và vào năm 2002, bà học luật tại trường William S. Boyd School of Law của đại học UNLV.
Theo tờ Las Vegas Review-Journal, thân phụ của bà Rochelle Thuy Nguyễn, rời Việt Nam đến Mỹ tị nạn vào năm 1975.
Bà từng làm việc tại Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, phụ trách xem xét các hồ sơ di trú. Ngoài ra, bà làm việc tại Văn Phòng Luật Sư Công tại Clark County trong ba năm.
Hải quân VN nhận từ dân
ngư lôi ‘có chữ Hán’ dạt vào biển Phú Yên
Một số cây viết chuyên về quân sự ở Mỹ nói rằng vật thể mà ngư dân Việt Nam mới thu được ở Phú Yên có thể là loại Yu-6 của Hải quân Quân Giải phóng Trung Quốc.
Người dân Phú Yên mới đây đã bàn giao một quả ngư lôi ‘khắc chữ Hán’ cho nhà chức trách.
Cùng lúc, các trang mạng xã hội Việt Nam lo lắng về sự hiện diện của hải quân Trung Quốc đâu đó ngoài khơi Việt Nam, và ghi nhận tin về một vài vụ khác, khi “vật thể lạ’ dạt vào bờ biển nước này.
‘Hình trụ, đầu màu cam và có khắc chữ Trung Quốc’
Theo trang VOV, trưa 19/12, Đồn Biên phòng An Hải đã xác định tin “ngư dân địa phương đưa được vật thể lạ này vào bờ biển thôn Phước Đồng, xã An Hải an toàn”.
“Theo đo đạc, vật thể này hình trụ, dài khoảng 6,8m; đường kính 54cm; phần đầu hơi nhọn, màu cam. Ở phần thân màu cam có một số chốt với nhiều ký hiệu khác nhau. Phía đuôi có hai cánh quạt đường kính 39cm, giống như chân vịt tàu thuyền. Một số chỗ trên thân có khắc chữ Trung Quốc,” theo bài trên VOV.
TQ tức giận khi tàu chiến Anh vào sát Hoàng Sa
Trung Quốc phô trương hải quân
Phi cơ TQ và Mỹ ‘suýt va chạm’ trên Biển Đông
Vì sao Quân đội TQ thôi làm kinh tế?
Biên phòng và công an đã “bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chờ bàn giao vật thể lạ này cho Hải quân Việt Nam”, nguồn tin này cho biết.
Tin về ‘vật thể lạ’ hình ngư lôi dạt vào Phú Yên được một số nhà quan sát nước ngoài chú ý.
Hai cây bút về quân sự ở Hoa Kỳ, Joseph Trevithick và Tyler Rogoway viết trên trang The Drive cho rằng với kích cỡ, màu sắc, hình dạng như báo Việt Nam mô tả, vật thể kia “rất có nhiều khả năng là ngư lôi Yu-6” của Hải quân TQ (PLAN).
Ông Joseph Trevithick đã viết tin này trên Twitter.
Chỗ màu cam ở đầu ngư lôi là nơi gắn đầu đạn (warhead), nhưng đây có thể chỉ là loại huấn luyện.
Joseph Trevithick và Tyler Rogoway cũng nêu giả thuyết rằng, “một trong số 80 tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc có thể đã phóng ra ngư lôi này trong một cuộc diễn tập ở Biển Nam Trung Hoa”.
Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận cụ thể gì từ phía nhà chức trách ở Việt Nam về nguồn gốc, thể loại của ‘vật thể lạ’ có gắn chân vịt.
Nhiều thế hệ ngư lôi
Các trang về công nghệ quốc phòng Phương Tây cho hay Yu-6 (鱼 Ngư-6) là loại Trung Quốc sản xuất tương ứng với Mark-48 của Hoa Kỳ.
Đây là thế hệ mới nhất, được sản xuất ồ ạt, trang bị cho tàu ngầm, dùng để chống hạm và chống tàu ngầm đối phương.
Yu-6 dùng bộ vi mạch Intel để dẫn đường, cao cấp hơn Yu-4 vẫn dùng công nghệ Liên Xô cũ.
Trước nữa, Trung Quốc có Yu-3, thiết kế năm 1964 và phải đến 1984 mới thử xong để đem vào sử dụng, chuyên dùng cho tàu ngầm chống tàu ngầm (ASW combat) nhưng bị cho là kém ngư lôi Liên Xô và Mỹ.
Sau đó, Trung Quốc dùng mô hình SAET-50 của Liên Xô để chế ra Yu-4 nhưng không đủ chất lượng để cung cấp cho hải quân.
Họ phải cải tiến loại này thành Yu-4A để đem vào sử dụng.
Bước ngoặt xảy đến năm 1978, khi Trung Quốc bắt được một trái ngư lôi Mk46 Mod 1 của Hoa Kỳ ngoài Biển Đông.
Công nghệ Mỹ được Trung Quốc sao chép để chế ra Yu-5, Yu-6 dùng cho tàu ngầm và Yu-7 chuyên để thả từ phi cơ (air-launched torpedo).
Yu-5 có tầm hoạt động 30 km, còn Yu-6 tới 45 km.
Cả hai vẫn phải dùng vi mạch Hoa Kỳ và Nhật Bản cho phần điều khiển.
Trở lại vụ vật thể lạ như ngư lôi dạt vào Phú Yên, Joseph Trevithick và Tyler Rogoway viết rằng Hải quân VN sẽ “tháo ra từng mảnh để tìm hiểu xem công nghệ ngư lôi Trung Quốc có gì hay”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46631832
Trung Quốc tập trận gần biên giới Việt Nam
Tập đoàn 75 Lục quân Trung Quốc vừa có cuộc diễn tập thực binh tại phía Đông tỉnh Vân Nam, nơi giáp giới các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam. VietTimes đưa tin hôm nay.
Theo VietTimes, chủ đề của cuộc diễn tập là mô phỏng đối đầu trực diện giữa quân đội Trung Quốc và “quân đội nước láng giềng X”. Trọng điểm là nghiên cứu tìm kiếm việc “lữ đoàn hợp thành làm thế nào nhanh chóng và chính xác nắm được thông tin chiến trường; làm thế nào phối hợp hiệp đồng chỉ huy từ nhiều mạng; làm thế nào sử dụng hỏa lực khoa học và hiệu quả cao; rèn luyện năng lực hiệp đồng tác chiến nhiều binh chủng trong điều kiện thực chiến”.
Tại cuộc diễn tập này, loại xe tăng mới nhất của Trung Quốc Type-15 xuất hiện kể từ khi nó ra đời vào năm 2012. Ngoài xe tăng Type-15, tại cuộc diễn trận còn có các loại xe tăng chủ lực Type-96, Type-96A, xe bọc thép chở quân T-86A, T-04, pháo tự hành 07A, máy bay không người lái và pháo phản lực loại mới.
Theo nhận định thì những vũ khí trong cuộc diễn tập vừa nêu cho thấy lục quân Trung Quốc có thêm một bước tiến trên đường chuyển sang cơ giới hóa, tin học hóa.
VietTimes trích trang tin “Thanh niên Trung Quốc” cho biết có hai lữ đoàn tham gia diễn tập đối kháng, một lữ đoàn được trang bị các loại phương tiện của Trung Quốc trước khi cải cách mà các nước láng giềng hiện có; một lữ đoàn hợp thành sau cải cách được trang bị các phương tiện mới. Đáng chú ý là các đơn vị tiền thân của cả hai lữ đoàn này đều từng tham gia cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ ở biên giới phía Nam”; tức cuộc chiến biên giới Việt- Trung Tháng 2.1979.
Tập đoàn quân 75 lục quân thuộc Bộ Tư lệnh chiến trường miền Nam Trung Quốc, được thành lập tháng 4/2017 trên cơ sở Tập đoàn quân 41 của Quân khu Quảng Châu và một phần Tập đoàn quân 14 của Quân khu Thành Đô – cả hai đơn vị này đều đã tham gia cuộc chiến biên giới Việt- Trung Tháng 2.1979.
8 yêu sách năm 2019 tương tự
những đòi hỏi của một thế kỷ trước
Diễm Thi, RFA
Hoàn cảnh ra đời
Bản “Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam” do 100 tổ chức và cá nhân khởi xướng, ra đời đúng 100 năm sau bản “Yêu sách của dân tộc An Nam”, do một nhóm người Việt Nam yêu nước soạn thảo và ký bằng cái tên chung là Nguyễn Ái Quấc (Quốc), được gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles ngày 18/6/1919.
Bản yêu sách của một thế kỷ trước gồm 8 điểm:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Và bản Yêu Sách 2019 cũng gồm 8 điểm:
1. Trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người thực hiện quyền tự do biểu đạt đã bị Toà án Việt Nam tuỳ tiện quy kết là “gây rối trật tự”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”…;
2. Cải cách căn bản nền pháp lý để mọi người dân được hưởng các đảm bảo pháp lý như nhau, xoá bỏ những luật và điều luật đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân (như những người biểu tình ôn hoà đòi quyền lợi chính đáng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền đất nước…, những người phản biện chính sách, những người đối lập chính trị…);
3. Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, chấm dứt chế độ kiểm duyệt dưới mọi hình thức (bao gồm các quy định kiểm soát thông tin trên mạng);
4. Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp;
5. Đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về;
6. Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hoá trường học;
7. Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với hiến pháp. Thực hiện trưng cầu ý dân đối với những luật có tác động lớn đến đời sống của đông đảo người dân và an nguy của quốc gia. Lấy pháp trị thay cho đảng trị (của Đảng Cộng sản), tiến tới phân lập ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp.
8. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế “đảng cử dân bầu”.
Bản Yêu sách 2019 được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội và được gửi tới ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam.
Vậy làm sao có sự thống nhất của 100 tổ chức và cá nhân trong việc soạn thảo để ra đời một bản yêu sách như thế, RFA liên lạc với một số cá nhân và tổ chức trong danh sách thì được biết không phải tất cả những tổ chức và cá nhân có tên trên yêu sách đều tham gia soạn thảo, mà do một nhóm người đứng ra soạn thảo qua sự đóng góp ý kiến của một số cá nhân và tổ chức, nhưng tất cả họ đều ký tên vì đồng lòng với bản thảo sau cùng được các nhà trí thức lớn tuổi hoàn thiện.
Nhà báo Võ Văn Tạo, một người trong ban soạn thảo cho biết lý do vì sao chỉ có 100 cá nhân và tổ chức khởi xướng:
“Đáng lẽ hôm nay con số phải hơn 100 nhưng vì kỷ niệm 100 năm nên chọn con số 100 tổ chức và cá nhân. Có những người muốn kéo dài đến 18/6/2019 mới công bố giống như bản yêu sách năm 1919.”
Ông nói thêm rằng thực tế thì bản yêu sách năm 1919 không được đưa đến hội nghị Versailles, mà Nguyễn Ái Quốc có đến nhà Ngoại trưởng Pháp, gửi lại cho người vợ. Người Pháp lịch sự nên công bố bản yêu sách tại Hội nghị Versailles là người dân An Nam có một bản yêu sách như thế chứ họ không ỉm đi.
PGS TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng, một người trong ban soạn thảo cho biết không gặp khó khăn gì đáng nói trong việc soạn thảo, và bây giờ vẫn còn những chỉnh sửa nho nhỏ:
“Không có khó khăn gì vì mọi người đều thấy là đáng làm, được sự nhất trí rất cao. Dĩ nhiên là có người chủ trì soạn thảo nhưng đây là công trình tập thể. Chúng tôi trao đổi qua internet nên rất là nhanh. Chúng tôi gửi đến một nhóm anh em góp ý, một người phụ trách tổng kết rồi có người sửa sang văn bản cuối cùng.”
Đẩy nhà nước vào thế kẹt
Bản yêu sách nêu rõ việc Nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu sách 8 điểm 2019 về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang; để từng bước phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”
Liệu bản yêu sách này có đến tay các vị lãnh đạo Nhà nước hay không, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nhận định rằng chắc chắn ban lãnh đạo Nhà nước có bản yêu sách trên bàn làm việc trước khi bưu điện đưa đến, bởi cái này công khai trên mạng, rất nhiều người sao chép, đặc biệt là phía an ninh.
Nhà báo Võ Văn Tạo có cùng nhận định rằng những bản như thế này sẽ đến tay những vị chóp bu của ĐCSVN. Còn việc họ có suy nghĩ, phản ứng như thế nào là một việc khác, nhưng ông nhấn mạnh đó không phải là mục tiêu chính.
“Cái chúng tôi hướng tới là nhà nước Việt Nam, những quan chức cao cấp của ĐCS tiếp thu, dù ít nhưng đây là dịp để nhắc lại cho quần chúng nhân dân Việt Nam biết cái quyền của họ là gì, nhân quyền 100 năm qua đi lên hay đi xuống. Rồi bạn bè quốc tế biết tình trạng nhân quyền Việt Nam là như thế.”
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan nhận định:
“Tôi nghĩ 8 điểm trong bản yêu sách này rất là tiến bộ, nhưng có thực hiện được ở Việt Nam hay không, hay nó chỉ dừng lại ở bản yêu sách thì đó là chuyện mà thời gian sẽ trả lời. Nhưng theo tôi nghĩ thì chắc khó có thể thực hiện được nếu như cộng sản còn nắm chính quyền, bởi vì tất cả những yêu sách ở đây là những điều bao nhiêu năm nay cộng sản không muốn thực thi.”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội thì quả quyết:
“Chắc chắn họ sẽ không thực hiện đâu, nhưng khi những quyền của người dân đang bị xâm phạm, đang bị cướp đi thì yêu sách này là một bản tuyên bố đanh thép đòi hỏi quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, hội họp, đảng phái.”
PGS-TS Hoàng Dũng cho rằng tất cả mọi người không ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng nhà nước động lòng thay đổi sau khi đọc bản yêu sách. Ông dẫn chứng rằng 100 năm trước, khi Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho một nhóm người đưa ra yêu sách của dân tộc An Nam thì ông cũng không nghĩ rằng các quốc gia sẽ động lòng giúp Việt nam. Nhưng bản thân yêu sách đó ghi một cái mốc trong lịch sử Việt Nam. Người ta viết lịch sử Việt Nam thì thế nào họ cũng phải nhắc đến. Ông cho rằng“những người trong nhóm đó cũng nghĩ đến đồng bào của mình hơn là nghĩ những người cầm quyền. Chúng tôi cũng nghĩ như thế thôi.”
Ông nhận định “Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam” đẩy Nhà nước vào cái thế kẹt. Cái tính chính danh của Nhà nước bị thử thách. Ông nói:
“Làm thế nào mà lãnh tụ của họ cách đây 100 năm đã đưa ra cái bản yêu sách như vậy và bây giờ bản yêu sách mới bám khá sát với yêu cầu của lãnh tụ Hồ Chí Minh ngày xưa mà lại không đáp ứng. Sau 100 năm đổ xương đổ máu mà kết quả là zero. Mà thà zero ở thời kỳ mà chúng ta nói là chúng ta bị nô lệ do bọn thực dân cầm quyền thì là một lẽ. Bây giờ vẫn còn nguyên zero tám cái yêu sách đó. Chúng ta còn phải đi đòi, mà ta đòi ta. Thành ra chúng ta cai trị chúng ta mà không hơn gì thực dân Pháp cai trị ta cả. Đó là thử thách rất lớn đối với tính chính danh của chính quyền. Tôi nghĩ điều đó là hết sức quan trọng.”
Ngoài lãnh đạo Việt Nam hiện nay, những người khởi xướng Bản Yêu sách 2019 còn có đề nghị Liên Hiệp Quốc và các quốc gia đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.
Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam
hoãn và sửa Luật An Ninh Mạng
Việt Nam cần phải hoãn áp dụng Luật An Ninh Mạng và sửa đổi để luật này tương thích với luật pháp quốc tế.
Đây là kêu gọi của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền- Human Rights Watch, đưa ra trong thông cáo báo chí ngày 20 tháng 12.
HRW nhắc lại vào tháng 6 vừa qua Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật An Ninh Mạng còn nhiều vấn đề này. Đến tháng 11 Bộ Công An của chính phủ Hà Nội công bố dự thảo nghị định với những chi tiết hướng dẫn thi hành Luật An Ninh Mạng để người dân góp ý cho đến ngày 2 tháng giêng năm 2019.
Phó Giám Đốc Khu vực Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, đưa ra nhận định rằng Luật An Ninh Mạng của Việt Nam được soạn thảo nhằm cho phép Bộ Công An quyền giám sát rộng khắp nhằm phát hiện những tiếng nói chỉ trích và tăng cường sự độc tôn cai trị của đảng cộng sản. Nếu luật này được thì hành, bất cứ ai sử dụng Internet tại Việt Nam đều không còn quyền riêng tư nữa.
Theo qui định trong Luật An Ninh Mạng của Việt Nam thì những nhà cung cấp dịch vụ phải lưu trữ dữ liệu tại nước này, xác minh thông tin người dùng và tiết lộ dữ liệu của người dùng cho cơ quan chức năng mà phía yêu cầu không cần lệnh của tòa án.
Còn dự thảo nghị định đưa ra một định nghĩa chung chung về dữ liệu người dùng.
HRW cho rằng những qui định cả trong luật và nghị định hướng dẫn thi hành Luật An Ninh Mạng về việc lưu giữ, giám sát như thế sẽ tạo điều kiện rộng rãi cho việc tiếp cận dữ liệu người sử dụng từ những cơ quan an ninh lạm quyền và giới chức thi hành công vụ; thế nhưng lại không có những bảo đảm đầy đủ cho các quyền riêng tư, quyền được xét xử công bằng, và những quyền khác.
Luật An Ninh Mạng của Việt Nam bị cả trong lẫn ngoài nước chỉ trích. Chỉ trong vòng 4 tháng sau khi luật này được thông qua, đã có chừng 70 ngàn người ký tên vào một thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi chính phủ Hà Nội hoãn thi hành và sửa đổi luật này cho phù hợp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hrw-cs-law-12202018082711.html
Củi Tất Thành Cang khi nào được vào lò?
Gió Bấc
Ngày 19-12, báo Tuổi Trẻ TP.HCM đưa một thông tin đặc biệt chưa từng có tiền lệ: “Phân công người xử lý công việc thay ông Tất Thành Cang nghỉ phép”. Tuổi Trẻ cho biết ông Tất Thành Cang, ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, xin nghỉ phép từ ngày 17-12-2018 đến ngày 3-1-2019. Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đã có thông báo phân công bà Võ Thị Dung – Phó bí thư Thành ủy TP.HCM – xử lý công việc thường xuyên, hằng ngày của Đảng bộ TP.HCM trong thời gian ông Cang nghỉ phép.
Long trọng hơn nữa, thông báo phân công nói trên được gửi cho các thành ủy viên, Thường trực HĐND TP, Thường trực UBND TP; các ban Thành ủy, Ủy ban kiểm tra Thành ủy; các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, Ban thường vụ Thành đoàn; các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở… để có sự phối hợp điều hành công việc của Đảng bộ TP {1}
Việc cán bộ nghỉ phép là chuyện bình thường hàng năm, đâu có gì quan trọng báo chí phải thông tin long trọng như vậy? Chức vụ ông Cang cũng thường thường bậc trung, tầm ủy viên Trung ương Đảng thì cả nước có trên trăm vị. Điểm khác thường ở đây là Cang thuộc diện củi sắp vào lò. Sau những bê bối tự ý bán rẻ 32 ha đất ở Phước Kiểng, đầu tư 4 con đường hơn 12 km giá 12.000 tỷ và những sai phạm khác ở Thủ Thiêm, Tất Thành Cang trở thành tiêu điểm của dư luận xã hội, trở thành “tội đồ” bị người dân nguyền rủa, khinh miệt nặng nề trong bộ sậu sâu dân mọt nước của TP.HCM là Hải, Cang, Đua, Tín… Từ hai tháng qua, dư luận cứ nháo nhào đồn đoán việc Cang nhập kho, vào lò. Hiếm có cán bộ đang tại chức nào lại bị cộng đồng mạng công khai biếm nhẽ như Cang. Ngay cái tên họ đẹp đẽ của Cang cũng bị nói lái lại là Tan Thành C…. Trong đất nước mà quyền tự do ăn nói suy nghĩ bị bóp chặt, một giảng viên nói ra ý kiến phê phán cấp trên trong một trường đại học đã bị quy tội hình sự thế mà đối với Cang đương chức là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội bị nhục mạ nặng nề nhưng hệ thống an ninh vẫn làm ngơ.
Không chỉ làm nhục trên diễn đàn mạng, một số nhà báo còn “bao vây” trước cổng biệt thự, quay clip như đang chờ đợi để ghi hình cảnh bắt và áp giải Cang. Facebook của nhà báo Phạm Việt Thắng, một cây bút được cho là có tính dự báo chính xác các vụ bắt giữ quan chức như Nguyễn Thành Tài, Trần Bắc Hà,… từ cuối tháng 11 đã nhiều lần úp mở việc bắt Tất Thành Cang. Ngày 15-11, Phạm Việt Thắng có status: “HOÀNG ĐẠO CHO TẤT THÀNH CANG”, 15/11 nhằm ngày 9/10 năm Mậu Tuất, là ngày Tân Hợi. Lại gặp tháng 10 là tháng Quý Hợi. Đích thị là ngày Hoàng đạo. Ngày này, về buổi chiều rất phù hợp cho việc công bố các kết luận của cấp trên đối với cấp dưới. Và, hợp nhất là các kết luận có nhận định “sai phạm rất nghiêm trọng”. Chiếu theo quẻ gieo hôm đầu năm, thì sao chiếu giữa đầu anh Sáu Cang rồi! {2}
Thế nhưng cũng lại điều kỳ lạ là trái với bao dự đoán ngay cả với dự đoán của những cây bút chim lợn, đến nay Cang chỉ mới nghỉ phép mà chưa vào lò. So sánh về sai phạm Nguyễn Thành Tài mấy ngàn m2 đất ở Lê Duẩn với Cang thì tội của Tài chỉ là con kiến. Tài bị bắt không oan nhưng nhiều người vẫn ngậm ngùi vì ít ra trong thời đương chức Tài cũng từng lao tâm khổ trí thực hiện chương trình ba giảm. Vậy tại sao Tài nhập kho từ lâu còn Cang vẫn tự do nghỉ phép?
Nhà báo Phạm Chí Dũng khẳng định rằng Cang là cái lô cốt cuối cùng trước cổng nhà bố già Lê Thanh Hải. Đã bắt Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, đã điểm danh vợ con của Hải là Trương Thị Hiền, Lê Trương Hải Hiếu, đã kỷ luât Lê Tấn Hùng em Hải. Bắt Cang tất yếu sẽ đến Hải. Thế nhưng chừng như thực tế không dễ như vậy. Hơn hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch, rồi Bí thư Thành ủy, chắc hẳn bố già không chỉ vơ vét cho cá nhân mình mà còn khôn ngoan chia chác lợi ích con bò sữa Sài Gòn cho nhiều thế lực khác. Dù đã về hưu nhưng chắc hẳn Lê Thanh Hải không chịu bó tay làm củi cho lò của Tổng Bí Chủ tịch, mà phải có chiêu thức tự vệ. Chắc hẳn vây cánh của bố già không chỉ là đám đàn em thuộc cấp mà có cả những thế lực cao hơn.
Diễn biến của cuộc đốt lò tại TP.HCM cũng không phải hoàn toàn suôn sẻ. Ngày 15-11, Ủy Ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận là Tất Thành Cang có nhiều “sai phạm rất nghiêm trọng” mà theo tiền lệ trước đó từ các tướng lĩnh đến Bộ trưởng, cụm từ này có nghĩa là thành củi. Thế nhưng ngày 19-11 Facebook của Lê Nguyễn Hương Trà, cũng là nguồn thông tin dự báo của phe lò lại cho biết 19-11
Thường vụ Thành ủy Tp. HCM hôm nay họp về vụ kỷ luật Tất Thành Cang. Kết quả có 9 phiếu cảnh cáo, 2 phiếu cách chức và còn lại 4 khiển trách. Chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ!
Như vậy tình hình địa phương về các vi phạm của 6C nhẹ hơn nhiều so với kết luận của UBKTTW!
Tin thêm về Tp.HCM.
Chiều cùng ngày, CQĐT BCA đã triệu tập đồng loạt ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, Đào Anh Kiệt – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, Lê Văn Thanh – Phó chánh văn phòng UBND Tp.HCM và Nguyễn Thanh Chương – Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Tp.HCM.
Bốn ông anh này liên quan v/v Vũ Nhôm, đã bị khởi tố hôm 18.9.2018; tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” {3}
Thông tin của Hương Trà cho thấy có khoảng cách rất lớn về đánh giá khuyết điểm của Cang giữa phe lò và phe thành phố đương chức và liền theo đó phe lò đã có cú đánh bồi bắt giam Nguyễn Hữu Tín và đồng bọn. Thế nhưng, áp lực ấy chừng như chưa đủ mạnh trước cái lò hừng hực lửa, không rõ vô tình hay cố ý lần đầu tiên các quan chức đương nhiệm của TP lại công khai có ý kiến ngược lại với cấp trên.
Sáng 5-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM, Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho hay theo tỉ lệ phân bổ ngân sách Trung ương quy định thì TP.HCM làm ra 100 đồng thì chỉ được chi 18 đồng, phần còn lại 82 đồng phải nộp về Trung ương.
Qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Khuê cho rằng năm 2019 TP.HCM không thể lạc quan tếu được dù ghi nhận sự chuyển biến tích cực của Thường trực UBND TP.HCM và nỗ lực của người dân TP.HCM. Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đạt khoảng 8,3% là một thành tích kỳ diệu.
“Khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi nói Bộ Tài chính cần đánh giá rõ trong bối cảnh Nghị quyết 54. Việc phân bổ ngân sách trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính cần làm rõ định mức tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại chứ không thể làm theo cảm tính. Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt sữa quá nhiều”, ông Khuê nói và cho biết thêm TP.HCM cần được “bồi dưỡng” tạo điều kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân TP.HCM {4}. Chỉ là Phó đoàn đại biểu Quốc Hội dám đưa hình tượng con bò bị cấp trên vắt quá nhiều sữa quả là sự can đảm hiếm thấy nếu không có một điểm tựa chính trị vững chắc nào đó.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong ngày kế tiếp của kỳ họp HĐND,khi đọc báo cáo tổng thể tình hình kinh tế – xã hội với đại biểu và cử tri thành phố Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, năm 2018, TP đối mặt với 5 khó khăn, thách thức lớn, trong đó có việc đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan Trung ương.
Nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước, vô cùng khó khăn trong quá trình giải quyết như vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Quận 9, Dự án Safari huyện Củ Chi, Khu đất 8 – 12 Lê Duẩn, Khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng…
“Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính” – ông Phong nói.
“Nhiệm vụ năm 2019 rất nặng nề, nên không chỉ chính quyền các cấp mà cả hệ thống chính trị cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra” – ông Phong đề nghị {5}. Trong khi cụ Tổng Chủ tịch đang hừng hào “ai không làm thì tránh ra”, phát biểu của ông Phong quả là sự thách thức. Ngày 17-12, tiếp xúc cử tri quận 1 ông Phong tiếp tục thể hiện quan điểm này: “hiện nay TP có hơn 90 dự án đang thanh tra. Ngoài ra còn có các cuộc điều tra, kiểm toán… Có những phòng chuyên môn ở Sở Tài nguyên và môi trường một tuần phải lên làm việc với cơ quan chức năng gần 20 lần. Điều này cũng khiến tâm lý cán bộ phần nào ảnh hưởng”.
Xét về vai vế, thế lực, ông Phong không đủ “tuổi” để cương với cấp trên, dư luận cho rằng ông dại mồm nhưng liệu ông có dại đến mức phải “tự sát” khi hoạn lộ đang thênh thang như vậy nếu không có thế lực đàng sau chống đỡ?
Không rõ ngẫu nhiên trùng hợp hay có sự sắp đặt nào đó từ ngày 3-12, một Kết luận thanh tra chính phủ về các dự án BOT của TP.HCM đã có từ tháng 6-2017 lại lọt ra đến tay các tài xế. Trong đó khẳng định trạm BOT An Lạc – An Sương đã hết hạn thu phí từ lâu và TP HCM tự xây thêm 4 cầu vượt để thu phí kéo dài đến 2033. Giới tài xế lập tức phản ứng, trạm thu phí phải thất thủ nhiều lần. Sở GTCC TP.HCM luôn chống chế là đã làm đúng luật, quy chụp các tài xế đấu tranh không mua phí là do Việt Tân tổ chức nhưng tiếp đó đã xuống nước, thực hiện miễn giảm cho người dân địa phương. Nhưng giới tài xế chưa thỏa mãn. Yêu sách của họ là phải bỏ trạm, chỉ thu phí trên từng cầu vượt. BOT An Sương – An lạc nằm trên trục Quốc Lộ 1 A đi qua TP.HCM hứa hẹn là điểm nóng chiến lược.
Trong một động thái khác, Facebook của Trương Huy San có bài viết Danh Sách Anh Hai được nhiều trang mạng chia sẻ, bài viết nhắc lại thủ đoạn tạo vây cánh của Lê Thanh Hải lúc mới nắm quyền không có gì mới mẻ. Điều quan trọng là trong bài khẳng định Nguyễn Thiện Nhân không nằm trong danh sách anh Hai và không nhắc đến tên Nguyễn Thành Phong. Phải chăng đây là tín hiệu của phe lò, muốn phân hóa Nhân, Phong với phe Hai Nhật, Tất Thành Cang?
Vấn đề là thế lực nào, sức mạnh nào dám cản ngăn công cuộc đốt lò của ngài Tổng Chủ tịch? Cần lưu ý rằng, Tất Thành Cang là Ủy Viên Trung ương Đảng, muốn bắt Cang, phải có quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của Bộ Chính Trị, muốn khai trừ Cang phải qua Ban Chấp Hành Trung ương biểu quyết. Phải chăng cái dớp việc bỏ phiếu tín nhiệm đồng chí X trong nhiệm kỳ trước đây làm Tổng Chủ tịch ngần ngại?
Một điều kiện khác là Cang là đại biểu Quốc Hôi đương nhiệm. Theo luật, muốn bắt Cang, ít nhất phải dược Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quyết định đình chỉ tư cách đại biểu hoặc Quốc Hội miễn nhiệm. Phiên họp thứ 29 Ủy Ban này đã qua, phiên họp thứ 30 dự kiến diễn ra trước tết nguyên đán. Vì vậy, trước phiên họp này, Tất Thành Cang còn có thể ăn no ngủ kỹ. Việc Cang nghỉ phép và bàn giao công việc có thể là cách đình chỉ công tác ngấm ngầm để phục vụ điều tra nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho Cang khi các nhóm lợi ích, các bố già vẫn còn thương lượng thỏa hiệp với nhau chia chác quyền lợi, quyền lực của nhau trên lưng người dân Thành Phố.
Qua bao cuộc thanh tra, bao lời hứa, thời điểm giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm vẫn cứ bị kéo lùi vô hạn và hướng giải quyết vẫn là lỡ giải tỏa sai thì tiếp tục chiếm đất chứ không trả lại cho dân. Dù Cang này có bị bắt thì người thay thế vẫn chỉ là một Cang khác, của một nhóm lợi ich khác chứ không hề có người lãnh đạo thật sự vì dân như họ đã hứa.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nhà trường hay ‘vương quốc’
của hiệu trưởng đảng viên!
Nạn học sinh bị xâm hại tại đường
Vào ngày 15/12, công an huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã khởi tố và bắt giam ông Đinh Bằng My hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn vì có hành di xâm hại tình dục đối với trẻ em dưới 16 tuổi, sau tố cáo của nhiều học sinh nam cho biết tình trạng đã diễn ra trong nhiều năm.
Vụ việc diễn ra tại trường nội trú Thanh Sơn không phải là một sự việc mới mà còn rất nhiều các vụ việc xâm hại tình dục học đường gây nhiều bức xúc trong xã hội năm 2018.
Hồi tháng 6, một giáo viên nam tại một trường tiểu học ở huyện Hoài Đức, Hà Nội đã xâm hại tình dục với bảy học sinh nữ tại trường. Vào tháng 11, một thầy giáo khác tại Quảng Nam cũng có hành vi hiếp dâm đối với ba học sinh khác tại trường tiểu học. Ngoài ra còn nhiều vụ việc khác nhưng chưa được nạn nhân tố cáo.
Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng vì sao vụ việc đến bây giờ những vị giáo viên đó mới bị phát hiện, tố cáo.
Thầy Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng vấn đề này có lẽ còn nhiều, có điều là nạn nhân hay phạm nhân có bị phát hiện và có chịu lên tiếng hay không thôi. Thầy đưa ra một dẫn chứng:
Vấn đề này có lẽ còn nhiều, có điều là nạn nhân hay phạm nhân có bị phát hiện và có chịu lên tiếng hay không thôi.
– Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
“Ngay tại trường của tôi vào khoảng năm 2005 cũng có một ông giáo viên xâm hại tình dục với học sinh lớp 11, ông ta nhốt học sinh đó vào phòng rồi thực hiện và em học sinh này cũng đã gửi đơn tố cáo nhiều nơi nhưng các cấp không trả lời, hiệu trưởng làm ngơ còn chủ nhiệm bảo không làm gì được người ta đâu.”
Tuy nhiên theo trình bày của nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì khi học sinh vừa nêu gửi đơn cho ông; sau khi đọc xong ông phẩn nộ quá và quyết làm đến cùng. Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau các cấp phải xử lý và đuổi vị giáo viên xâm hại học sinh ra khỏi trường.
Ông tỏ ra tiếc là vụ ở trường nội trú Thanh Sơn ở Phú Thọ sự việc diễn ra tới mức lâu nhưng tại sao người ta lại im lặng và không phản ánh gì cả để dẫn đến việc rất nhiều em bị xâm phạm như thế.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ Sài Gòn trao đổi với Đài Á Châu Tự Do rằng những vụ việc như vậy ngày càng nhiều và nghiêm trọng, tuy nhiên nó là điều không đáng ngạc nhiên. Ông có lý giải:
“Tại vì môi trường trường học và nhất là nội trú thì trẻ em bị cách ly với gia đình nên ít được bảo vệ hơn đối với các trường cha mẹ thường xuyên quan tâm chăm sóc. Thứ hai là sự tiếp xúc về giới tính trong trường học nó cũng diễn ra hằng ngày mà hệ thống trường học nó không còn sự dân chủ, pháp luật VN thì áp dụng tùy tiện nên thành ra kết quả tất yếu là các vụ như thế nó sẽ xảy ra ngày càng nhiều thôi.”
Cơ chế dẫn đến môi trường bất an
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa còn lý giải do cơ cấu của Đảng chi phối toàn bộ mọi hoạt động trong nhà trường Việt Nam khiến hiệu trưởng trở nên như một vị Vua với toàn quyền sinh sát và hành xử theo cách riêng.
“Tóm lại chính quyền ở các cấp đã tạo ra những ông vua con tại các trường, ông vua này là hiệu trưởng, và các thầy cô lên lớp cũng tự cho mình có quyền sinh sát, có quyền cao hơn cả cha mẹ và nhiều khi không theo quy định pháp luật nào cả. Cũng lại lên lớp bắt nạt học sinh, do đó nó gây ra sự bất ổn cho học sinh từ trẻ em mầm non đã bị bạo hành cho đến đại học vẫn bị những áp bức đó.”
Thực tế đó khiến môi trường giáo dục không còn an toàn và học sinh là đối tượng rất dễ bị tổn thương.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương một nhà nghiên cứu xã hội học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ với chúng tôi rằng môi trường này đã tồn tại từ lâu nhưng đến bây giờ người ta mới có dấu hiệu nhận biết khi mà tình trạng đến lúc báo động.
Bà trình bày: “Từ khi chuyển qua kinh tế thị trường, khi nền giáo dục đã chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo thành tích, chạy theo kinh doanh thu nhập của nhà trường thì những khía cạnh về đạo đức thì người ta không được chú ý nhiều nữa. Người ta chỉ chạy theo thành tích, điểm cao… Về mặt khía cạnh chừng mực xã hội thì người ta cũng bị khoản lấp đi trước những cái mặt lợi về kinh tế và nó tồn tại từ khá lâu rồi, cho nên bây giờ mới nói là đáng báo động thì không phải, tồn tại lâu bây giờ người ta mới có dấu hiệu nhận ra được là tình trạng đến lúc đáng báo động.”
Khó khăn giải quyết tận gốc
Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, Ông Phùng Xuân Nhạ hôm 17/12 lên tiếng cho rằng vụ việc ở Phú Thọ là một bài học sâu sắc để đẩy mạnh việc phòng ngừa từ gốc cho học sinh. Nếu không phòng ngừa từ gốc thì đến một lúc nào đó sẽ có những vụ việc tương tự diễn ra.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định với chúng tôi rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề này là một điều vô cùng khó và bất khả thi. Ngoại trừ có một sư thay đổi rất lớn nào đó diễn ra.
“Ôi giời ôi vô cùng khó, khó như bắt thang lên trời luôn bởi vì một cơ chế quản lý một Đảng, một quyền hành như ở VN thì việc xử lý hoàn toàn tiêu cực là một việc cực kỳ khó và bất khả thi, có vô vàng tiêu cực đây này nó vẫn diễn ra trước mắt đấy nhưng ai làm, các cấp lãnh đạo không làm. Người ta nhận đơn của dân xong người ta vứt vào xó. Nói thẳng ra người dân chúng tôi thấy tương lai mờ mịt lắm, để giải quyết tiêu cực hầu như không tìm ra được lối nào, trừ khi có một sự thay đổi rất rất lớn nào đó mới có thể giải quyết được, còn không nó cứ sẽ lập đi lập lại mãi không hết được đâu.”
Đồng ý với quan điểm này, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho biết “Để nói giải quyết thì rất là khó bởi vì nó đã tồn tại rất lâu cho nên rất khó và luật pháp thì nó cũng chưa hoàn thiện nữa nên nó vẫn tồn tại những hình thức như thế.”
Nhà báo Nguyễn An Dân nói rõ bộ máy nhà nước chưa xử lý được những vấn đề dân chủ trong Đảng thì nên mở rộng dân chủ ngoài Đảng để các vấn đề xã hội dân sự được phụ giúp Đảng giải quyết và hạn chế những sự việc như thế chứ không ngâm đến bây giờ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/concerned-about-sexual-abuse-in-schools-12202018081316.html