Tin Việt Nam – 20/12/2017
Trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm bị xóa sổ
vì chính phủ Nhật phản đối?
Vào sáng ngày 19 tháng 12 năm 2017, Sở Giao Thông Vận Tải Tp HCM đã đề nghị tháo dỡ Trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm bán sắt vụn sau 6 năm hoạt động, với lý do tránh tắc nghẽn giao thông khi qua hầm.
Theo báo VNExpress, trạm thu phí Hầm Thủ Thiêm sẽ được tháo dỡ trước Tết Nguyên Đán 2018, để tránh tình trạng hầm Thủ Thiêm thường xuyên kẹt vào giờ cao điểm, do lượng xe máy tăng đột biến trong ba tháng qua. Sở đã giao Trung tâm quản lý cho lực lượng túc trực ở hai đầu hầm 24/24; tăng làn đường vào hầm và hướng thoát khỏi hầm cho xe máy; cho xe máy đi vào làn ôtô khi xảy ra ùn tắc, bổ sung một số biển cấm để phân luồng lại giao thông…
Trạm thu phí được quyết định đưa thử nghiệm từ tháng 09/2012 với hy vọng sẽ thu lại nguồn vốn đầu tư xây dựng Hầm Thủ Thiêm do công ty Nhật thiết kế và thi công. Trạm thử nghiệm thu phí 1 tháng, thì uỷ ban nhân dân Tp.HCM quyết định tạm dừng, với lý do “kinh tế HCM chưa phát triển vượt bậc và người dân còn gặp nhiều khó khăn”.
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác được biết đến, là do phía chính phủ Nhật Bản đã có công hàm phản đối gửi chính phủ Việt Nam, yêu cầu không được thu phí, vì Hầm Thủ Thiêm được xây dựng từ nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản.
Được biết, trạm thú phí được đặt trên địa bàn Quận 2 đoạn đầu đường dẫn vào Hầm Thủ Thiêm với 12 cabin được xây dựng đầy đủ tiện nghi bao gồm: máy tính, ti vi, máy lạnh,… với chi phí xây dựng hàng chục tỉ đồng.
Một người dân bức xúc bày tỏ: “Nhà cầm quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách, mọi lý do để hút máu của người dân. Dù công trình Hầm Thủ Thiêm được xây dựng bằng nguồn hỗ trợ ODA nhưng họ lại muốn thu kiểu BOT. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm việc xây dựng rồi phá bỏ trạm thu phí này, khiến thất thoát hàng chục tỉ đồng của người dân?”
Nguyên Nguyễn/SBTN
http://www.sbtn.tv/tram-thu-phi-ham-thu-thiem-bi-xoa-bo-vi-bi-chinh-phu-nhat-phan-doi/
Tiếp vụ mất cắp trên máy bay Vietjet:
công an đến tận trường nạn nhân quấy rầy
Sau khi bị mất cắp hành lý trên máy bay Vietjet, ngày 19/12/2017, chị Đ.T.K.T đã nhận được cuộc gọi của Trường Đại học Quảng Nam là nơi chị đang theo học, yêu cầu chị 15 giờ chiều cùng ngày có mặt ở trường để làm việc.
Theo hẹn, chị T. có mặt tại trường. Tuy nhiên, khi chị T. vào phòng công tác sinh viên theo yêu cầu của nhà trường thì ngoài Hiệu trưởng còn có 3 người đàn ông mặc đồng phục của công an. 3 người này không giới thiệu tên, chức vụ, không hề có giấy mời thông báo đến chị T. về buổi làm việc, mà chỉ nói mình là công an thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).
Sau đó, hiệu trưởng nhà trường thông báo có việc nên đi ra ngoài. Còn lại chị T. và 3 người mặc đồng phục giống công an trên trong phòng làm việc. Tại đây, họ yêu cầu chị T. trả lời về việc vào Sài Gòn để làm gì? Đi với ai… Nhưng họ không hề nhắc đến việc chị T. bị mất cắp hành lý trên máy bay Vietjet, và ai đã thực hiện hành vi ăn cắp này?
Sau vài giờ tra tấn tinh thần chị T. trái luật pháp, một người đàn ông mặc đồng phục công an kết luận chị T. đã vi phạm luật sinh viên, nhưng không đưa ra được lý do vi phạm là gì? Và thông báo sẽ đình chỉ thi học kỳ đối với chị T.
Đến sáng ngày 20/12/2017, chị T. vẫn đến trường thi kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018. Chị vẫn được thi bình thường, nhưng dưới sự giám sát của công an tỉnh Quảng Nam.
Được biết, chị T. đang là sinh viên năm thứ nhất. Sau khi bị mất tài sản trên chuyến bay của Vietjet, chị T. đã nhận lại toàn bộ tài sản của mình gồm thuốc bổ, dầu gội… Tuy nhiên, từ một nạn nhân của vụ mất cắp, chị T. đã trở thành đối tượng bị công an tỉnh Quảng Nam “quấy rầy” khiến tinh thần của chị T. hoảng loạn, căng thẳng.
An Nhiên / SBTN
http://www.sbtn.tv/tiep-vu-mat-cap-tren-may-bay-vietjet-cong-an-khong-cho-nan-nhan-thi-hoc-ky/
PVN: Sau Phùng Đình Thực và Đinh La Thăng đến ai?
Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an hôm 20/12 thông báo khởi tố ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Cùng ngày, cơ quan này cũng ra kết luận điều tra đối với ông Đinh La Thăng, người bị mất chức Ủy viên Bộ Chính trị hồi 5/2017 và từng là Chủ tịch PVN thời kỳ 2006-2011, theo đó đề nghị truy tố ông và “các đồng phạm” với cùng tội danh trên.
Ông Đinh La Thăng cùng các ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc OceanBank, và các cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức bị đề nghị truy tố tội “Cố ý làm trái”, còn ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc PVN bị đề nghị tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Còn ông Nguyễn Xuân Sơn hồi cuối tháng tháng Chín đã bị kết án tử hình trong một vụ án khác, vụ OceanBank.
Các ông Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường cũng phải hầu tòa trong vụ án trên.
Riêng về ông Phan Đình Đức, người xuất thân từ một gia đình lãnh đạo cao cấp thời trước, báo Việt Nam có bài riêng về vụ ông bị khởi tố.
Trang VNF hôm 19/12 viết:
Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông Phan Đình ĐứcBáo VN
“Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông Phan Đình Đức, thành viên HĐTV PVN về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự.”
Ông Phan Đình Đức bị tình nghi liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank, theo trang báo này.
Vụ OceanBank: Xuân Sơn tử hình, Văn Thắm chung thân
Việt Nam: Khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng
Quyết định khởi tố
Ông Phùng Đình Thực bị xác định “có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2”, theo nội dung đăng trên website của Bộ Công an.
Ông Thực cũng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tin tức về việc ông Thực bị bắt và bị khởi tố đã được đăng tải rộng rãi trên các báo từ cách đây hơn 10 hôm, nhưng sau đó đồng loạt bị rút lại.
24 sếp PVN bị khởi tố tạo ‘chuyện không vui’?
TBT Trọng và hai năm ‘chỉnh đốn Đảng’
Vụ ông Thăng: TBT Trọng ‘chọn đúng đối tượng’
Lúc 17:25 ngày 9/12, Thông tấn xã Việt Nam phát đi bản tin “Khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu.”
“Tuy nhiên, do chưa thẩm định kỹ nguồn tin, thông tin trên là chưa chính xác. Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi cùng Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an; cá nhân ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu, cùng các khách hàng sử dụng thông tin,” báo VietnamPlus cho biết hôm 9/12/2017.
‘Làm sạch tận gốc’ Tập đoàn Dầu khí VN?
Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?
Lãnh đạo Lọc dầu Dung Quất bác việc ‘nhận tiền’
‘Chưa đủ mức răn đe’
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt ngày 20/12, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói:
“Từ vụ ông Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình, ông Đinh La Thăng bị bắt đến việc ông Phùng Đình Thực bị khởi tố đều có một điểm chung là đưa ra các quyết định hoặc có những hành vi làm thất thoát tiền PVN.”
“Về chế tài thì tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung 2009) cũng như các tội thuộc nhóm trật tự quản lý kinh tế của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức hình phạt tối đa chỉ 20 năm tù giam.”
Việc ông Đinh La Thăng bị bắt không làm giới quan sát bất ngờ, theo TS. Lê Hồng Hiệp.
“Theo tôi, mức hình phạt này chưa thực sự đủ mức răn đe đối với các quan tham. Bởi các bị cáo đối với nhóm tội này rất ít khi có tình tiết tăng nặng mà thường thì có nhiều tình tiết giảm nhẹ.”
“Mà khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì họ chắc chắn sẽ được tòa xử dưới khung, tức dưới 12 năm.”
“Chưa kể, các quan tham trong quá trình chấp hành án có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành án nên thực tế thì hình phạt mà các quan tham gánh sẽ thấp hơn nhiều so với khung hình phạt luật định.”
“Để tăng cường tính răn đe thì nên xem xét tăng hình phạt và không xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với các tội có “màu sắc” của tham nhũng.”
Theo báo Zing, tính đến ngày 20/12, đã có 26 lãnh đạo PVN bị khởi tố trong quá trình điều tra các sai phạm xảy ra tại tập đoàn này.
Hồi tháng Mười, website Chính Phủ đăng bài dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp về sự phát triển của ngành dầu khí tại trụ sở Chính phủ:
“Gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, PVN gặp nhiều khó khăn, “có nhiều chuyện không vui”. Những vấn đề như vậy ảnh hưởng đến PetroVietnam, một tập đoàn lớn của đất nước, tạo tâm lý không tốt trong đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động.”
“Tôi mong muốn PVN trong khó khăn, càng phải vững vàng.”
Ngày 20/12, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nói với BBC:
“Theo dõi vụ khởi tố ông Phùng Đình Thực thì tôi cũng biết mười ngày trước các báo đã phải đính chính tin này.”
“Theo tôi, vụ khởi tố ông Phùng Đình Thực cũng như bắt ông Đinh La Thăng trước đó đều nằm trong phát ngôn “Lò đã nóng thì không ai có thể ngoài cuộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42422716
Tỷ phú Thái chiếm thị phần: ‘Nguy cơ hay cơ hội’?
Các chuyên gia kinh tế Việt Nam có những nhận định khá trái ngược về xu hướng nhà đầu tư Thái Lan vào giành thị phần ở Việt Nam, với sự kiện gần đây nhất là tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ hãng bia ThaiBev mua hơn 50% cổ phần Sabeco.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh và Tiến sỹ Vũ Đình Ánh từ Hà Nội cho BBC biết quan điểm của họ về chủ đề này:
Công ty có vốn Thái mua nhiều cổ phần Sabeco?
Vụ bán cổ phần Sabeco có diễn biến mới
Vụ Sabeco: Tỷ phú Thái Lan ‘cần ảnh hưởng’
TS Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng đây là những nỗ lực chuyên nghiệp, được chuẩn bị kỹ lưỡng của các tỷ phú Thái Lan để thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam. Họ đã mua lại chuỗi siêu thị Metro, Big C và mới đây mua được 54% cổ phần Sabeco. Với vị thế như vậy, họ chiếm cổ phiếu đa số ở công ty đó và phiếu của họ khi biểu quyết có giá trị lớn, mang tính quyết định.
Việc tỷ phú Thái mua hơn 50% cổ phần Sabeco cũng là một trong những công cụ thúc đẩy nhanh cổ phần hóa, trong một chừng mực nhất định giúp làm tăng tốc độ và chất lượng của tiến trình cổ phần hóaTS Vũ Đình Ánh
Thái Lan đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN, như thế tiền thuế nhập khẩu hàng hóa sẽ về từ 0 – 5%. Việt Nam cũng đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các nước khác nên hàng hóa sản xuất trong nước xuất khẩu đi các thị trường khác được ưu đãi về thuế.
Ngoài ra thị trường nội địa Việt Nam phát triển rất nhanh và mức độ tiêu dùng của người Việt cũng tăng cao nên Thái Lan tập trung vào đó và hi vọng chiếm lĩnh thị trường.
TS Vũ Đình Ánh: “Việc đầu tư của người Thái vào Việt Nam nằm trong bối cảnh sự thay đổi kinh tế khu vực, với việc Việt Nam là một thành viên Asean và cộng đồng kinh tế Asean. Việc các nhà đầu tư của khu vực đầu tư lẫn nhau, tức là quốc gia này đầu tư vào quốc gia khác là một việc bình thường và xu thế đó chắc chắn sẽ tăng.
Xét về tiềm lực đầu tư và khả năng tài chính thì các nhà tư Thái Lan có tiềm năng và tiềm lực.”
“Mối quan tâm của nhà đầu tư Thái Lan đến thị trường Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung khá phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam, điển hình là chủ trương giảm đầu tư nhà nước trong tiến trình đổi mới sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, với nguyên tắc là nhà nước sẽ không kinh doanh ở một số ngành nghề nhất định mà thị trường cho phép.”
Ông Vũ Đình Ánh cũng nói bản thân Việt Nam đang chịu sự chi phối của hai xu hướng:
Thứ nhất là xu hướng chịu sự cải cách doanh nghiệp nhà nước. Xu hướng này về cơ bản sẽ có sự rút lui của nhà nước trong một số lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể đảm đương.
Xu hướng thứ hai là Việt Nam hội nhập khá sâu vào khu vực và quốc tế nên sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giảm nhiều. Nên khi nhà nước rút lui khỏi các ngành nghề đó, về cơ bản những người thay thế vai trò của khối kinh tế nhà nước, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, đều bình đẳng.
“Trường hợp cụ nhà đầu tư Thái Lan mua quá nửa cổ phần của Sabeco đều dựa hoàn toàn trên nguyên tắc thị trường bình đẳng, công khai, minh bạch chứ không có cái gì gọi là sân sau. Đây là hiện tượng đáng mừng, không chỉ có lợi cho Việt Nam từ góc độ nó phù hợp với xu thế thay đổi trong quản lý nhà nước mà còn có lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam trong cạnh tranh.”
“Thông qua đó, chừng mực nào đó, bản thân nhà đầu tư Việt Nam sẽ có những lựa chọn nhất định, không chỉ về việc đầu tư tại Việt Nam mà còn về đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mà người Việt có thế mạnh ở các nước khác.”
Sabeco bán 5 tỷ đô cổ phiếu cho Thai Beverage
Tài phiệt Thái và Trung Quốc có quan hệ thế nào?
VN cần cải tổ doanh nghiệp bằng cách nào?
VN thay đổi quy định về xuất khẩu gạo
Nên nhìn chung xét cả về vĩ mô và vi mô của một doanh nghiệp như Sabeco, đó là hiện tượng bình thường, phản ánh xu thế chung của nền kinh tế Việt Nam, cả về nhu cầu nội tại cũng như các nhu cầu về cam kết hội nhập.
BBC:Xu thế này có những tác động gì tới nền kinh nền kinh tế Việt Nam?
TS Lê Đăng Doanh: “Trước mắt Việt Nam có thể cổ phần hóa Sabeco và rất có thể sẽ cổ phần tiếp được một số doanh nghiệp có thương hiệu tốt và có tỷ lệ thị phần lớn. Tuy nhiên về lâu dài, đấy là điều rất thách thức với Việt Nam nếu các tập đoàn Thái Lan nắm các khâu phân phối và bán lẻ ở các siêu thị.
“Rất có thể họ làm giảm tỷ lệ hoa hồng của các nhà sản xuất Việt, đến một mức họ không thể đưa hàng vào các siêu thị trong nước. Khi đó người Thái sẵn sàng đưa hàng Thái vào. Và Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng thái. Đây là điều hết sức bất lợi cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam có thể phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Thái Lan. Đó là điều Việt Nam cần hết sức cân nhắc thận trọng. “
TS Vũ Đình Ánh: “Những cái này thực ra đã được đem ra cân nhắc, đánh giá và không phải vô cớ tỷ phú Thái vội vã thành lập một doanh nghiệp chỉ để làm mỗi một nhiệm vụ mua cổ phần của Sabeco vượt qua quy định về tỷ lệ người nước ngoài nắm giữ cổ phần một doanh nghiệp Việt Nam không phải do họ thành lập.”
“Điều này cho thấy các cơ quan chức năng Việt Nam đã lường hết, đã đánh giá mặt được và tiêu cực liên quan đến sự chi phối của người nước ngoài. Tuy nhiên nó cũng xuất phát từ bản chất của khu vực này như tôi đã nói, là khu vực nhà nước sẽ rút ra, không can thiệp, để thị trường tự vận động. Ngay cả việc còn tồn tại thương hiệu hay không hay việc họ thực hiện theo quy mô như thế nào, hay không sản xuất bia nữa mà chuyển hướng sản xuất mặt hàng khác đều do thị trường quyết định.”
“Đối với thị trường bán lẻ, giả định rằng thị trường nằm trong tay người Thái, toàn hàng Thái Lan, hàng Việt Nam không vào được thì cũng là đặt trên nền tảng để cho thị trường quyết định. Khi thị trường vận động thì chắc chắn cơ quan chức năng và chính phủ sẽ có can thiệp nếu thị trường đó vận hành không hiệu quả.”
BBC:Trong bối cảnh đó, trước mắt và lâu dài Việt Nam cần chuẩn bị gì trong quá trình cổ phần hóa?
TS Lê Đăng Doanh: “Việt Nam tiếp tục cổ phần hóa, nhưng không nên chấp nhận cho doanh nghiệp nước ngoài nào chiếm tới 54% cố phần như trường hợp của Thái Lan vừa rồi mà có thể kêu gọi nhiều nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư có thể chiếm khoảng 30% cổ phần. Khi đó ta sẽ có một hội đồng quản trị với các nhà đầu tư chiến lược, có vị thế tương đương nhau, dung hòa lợi ích, không ai có thế thượng phong. Đó là bài học mà tôi cho rằng chúng ta có thể rút ra sau kỳ cổ phần hóa Sabeco vừa rồi.”
VN muốn tăng tốc cổ phần hóa DNNN
Cổ phiếu Vietnam Airlines tăng mạnh ngày ra mắt
VN: ‘Xử pháp nhân thương mại là tiến bộ’
“Việc cổ phần hóa một số ‘nàng công chúa doanh nghiệp nhà nước’ như Sabeco có thể thuận lợi. Nhưng còn việc cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại vẫn là thách thức và đấy là điều Việt Nam phải giải quyết trong tương lai.”
TS Vũ Đình Ánh: “Việc tỷ phú Thái mua hơn 50% cổ phần Sabeco cũng là một trong những công cụ thúc đẩy nhanh cổ phần hóa, trong một chừng mực nhất định giúp làm tăng tốc độ và chất lượng của tiến trình cổ phần hóa.”
“Cái lo ngại nhất trong tiến trình cổ phần hóa ở Việt Nam là việc chuyển sở hữu của nhà nước, tài sản, phần vốn của nhà nước vào tay cá nhân, nhóm cá nhân mà việc định giá tài sản không theo định giá thị trường hoặc định giá quá thấp so với thị trường. “
“Còn khi nhà đầu tư đó tiếp cận với các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa dựa trên nguyên tắc thị trường công khai minh bạch thì phù hợp với nguyên tắc của Việt Nam.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42421998
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An vừa đưa ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng.
Hôm nay 20 tháng 12 năm 2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng các tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian ông Thăng làm chủ tịch hội đồng quản trị PVN từ 2008 đến 2011, gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN.
Ông Đinh La Thăng bị bắt vào ngày 8 tháng 12 năm 2017, sau 12 ngày bị khởi tố và bắt tạm giam, cảnh sát điều tra Bộ Công An hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng và các đồng phạm.
Ngoài ông Thăng, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can khác là ông Nguyễn Xuân Sơn nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), các ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức cũng về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng ông Ninh Văn Quỳnh phó tổng giám đốc PVN bị đề nghị truy tố tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, ông Phùng Đình Thực nguyên tổng giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN vừa bị cơ quan an ninh điều tra quyết định khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 bộ luật hình sự Việt Nam.
Quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn vào ngày 20 tháng 12 năm 2017.
Ông Phùng Đình Thực là nguyên phó bí thư Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN từ 2008-2010 và chủ tịch hội đồng thành viên từ 2011-2014.
Theo kết luận điều tra, ông Thực thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với ông Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công Thương, không xem xét vi pham của ông Nguyễn Xuân Sơn khi làm tổng giám đốc OceanBank.
Cả hai ông Thanh và ông Sơn cũng đang bị bắt giữ, chờ ngày ra tòa về tội gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, ông Thực cũng có trách nhiệm liên quan đến những vi phạm tại Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Việt Nam chính thức khởi tố cựu Tổng Giám đốc PVN
Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 20/12 chính thức khởi tố ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau hơn một tuần báo chí cải chính vụ ông Thực “bị bắt.”
Hãng tin Reuters cho biết Bộ Công An hôm 20/12 cấm ông Thực ra khỏi nơi cư trú, chính thức khởi tố ông để điều tra về hành vi “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Website của Bộ Công an hôm 20/12 nói ông Thực bị khởi tố do “có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.”
“Có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.”
Trang web Bộ Công An đăng tin khởi tố ông Phùng Đình Thực
Ông Phùng Đình Thực, 53 tuổi, từng là Phó bí thư Đảng ủy, ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008-2010 và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ tháng 9/2011 đến tháng 7/2014.
Cùng ngày, cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an cũng ra kết luận điều tra đối với ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, người từng là Chủ tịch PVN thời kỳ 2006-2011, theo đó đề nghị truy tố ông Thăng và “các đồng phạm” với cùng tội danh.
Khi loan tin này, hãng tin AP nói ông Thăng là cựu ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị đề nghị truy tố trong nhiều thập niên qua. Trước đó vào năm 1980, ông Hoàng Văn Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị và cựu Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, đã bị kết án tử hình vắng mặt về tội phản bội sau khi đào thoát ra nước ngoài.
Trong một diễn biến hiếm hoi, Thông Tấn Xã Việt Nam tối 9/12 thừa nhận đã loan tin sai khi phát đi một bản tin cho hay hai cựu Tổng giám đốc PVN bị khởi tố. Tin này đã được hàng loạt các trang tin điện tử đăng lại trước khi nhanh chóng bị gỡ xuống.
Bộ Công an Việt Nam trước đó đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trong các bản tin đó là không đúng sự thật, và “đề nghị kiểm tra, xử lý những cá nhân” chịu trách nhiệm đưa tin sai, theo một thông cáo đăng trên website của Bộ.
Thông Tấn Xã nói trong một thông cáo đính chính rằng bản tin về việc khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực đã đăng mà “chưa thẩm định kỹ nguồn tin.”
Việc khởi tố ông Phùng Đình Thực diễn ra chỉ ít ngày sau khi ông Đinh La Thăng, 56 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, bị khởi tố, bắt giữ về hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Thêm một lãnh đạo ‘thân thế’ của Tập đoàn dầu khí bị khởi tố
Vụ Đinh La Thăng: Luật sư được ‘tạo điều kiện’ bào chữa sớm
Vào tháng 4 năm nay, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nêu một số sai phạm của ông Phùng Đình Thực, nói rằng ông Thực phải chịu trách nhiệm trong tư cách là người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn trong giai đoạn 2011 – 2014, “gây hậu quả rất nghiêm trọng,” theo báo Thanh Niên.
Báo Tuổi trẻ nói ông Thực có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Hãng tin Reuters nói PVN là tâm điểm của chiến dịch bài trừ tham nhũng cấp cao, trong đó ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, là người có chức vụ cao nhất, đã bị bắt.
PVN là tâm điểm của chiến dịch bài trừ tham nhũng cấp cao, trong đó ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, là người có chức vụ cao nhất, đã bị bắt.
Hãng tin Reuters.
Bộ Công an cho biết họ đang tiến hành điều tra những vi phạm về quản lý tại PVN, dẫn đến Ngân hàng Ocean Bank bị thất thoát 800 tỷ đồng.
Hôm Thứ ba 19/12, Bộ Công an cũng truy tố ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng Quản trị của PVN do gây tổn thất về tài chính.
Reuters nói thêm rằng việc đàn áp bài trừ tham nhũng đã bùng lên từ tháng 8 năm nay khi Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc ông Trinh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng của PetroVietnam, còn gọi là PVC, sau khi ông Thanh xin tị nạn ở Berlin.
Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã phủ nhận việc bắt cóc ông Thanh và nói rằng sẽ xét xử ông Thanh vào tháng 1 năm 2018.
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-chinh-thuc-khoi-to-cuu-tong-giam-doc-pvn/4171603.html
Đại sứ VN tại Indonesia
sẽ dự phiên xử các thuyền trưởng Việt
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia nói sẽ đến phiên tòa xử các thuyền trưởng người Việt dự kiến diễn ra ở Natuna vào trung tuần tháng giêng năm tới.
Mạng báo Tuổi Trẻ loan tin vào ngày 19 tháng 12 dẫn nguồn từ trang Facebook cá nhân của ông Hoàng Anh Tuấn, đại sứ Việt Nam tại Indonesia, như vừa nêu.
Ngoài ra tin cho biết trong ngày 18 tháng 12 đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia là tham tán chính trị Trần Minh Cừ đến tại trại giam ở Natuna thăm 4 thuyền trưởng tàu cá Kiên Giang đang tuyệt thực ở đó.
Trong chuyến thăm, ông Trần Minh Cừ thông báo cho các thuyền trưởng biết Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã làm việc với Viện Công tố Ranai và Viện Công tố tại thủ đô Jakarta. Ngoài ra cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Jakarta cũng gửi nhiều công hàm đến Bộ Ngoại giao, Tòa án Tối cao Indonesia và tòa án cấp vùng Ranai với đề nghị nếu không có đủ chứng cứ buộc tội thì phải thả người và tàu về Việt Nam.
Một trong những thuyền trưởng được dẫn lời là ông Lưu Văn Lý nói rằng nếu phiên tòa không có nhân chứng, vật chứng và thiếu đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thì những thuyền trưởng đang bị giữ sẽ không ra tòa.
Theo lập luận của ông Lưu Văn Lý mà mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời là các ngư dân Việt Nam đi đánh cá với bản đồ và giấy phép của chính quyền Việt Nam trên vùng biển nước Việt; nhưng lại bị phía Indonesia bắt giữ. Đến khi xử, tòa nước này không lấy tọa độ nơi bắt thuyền Việt Nam ra để làm bằng chứng mà lại căn cứ vào tọa độ ở điểm bị kéo sâu vào vùng biển Indonesia để khép tội.
Vào ngày 13 tháng 4 năm nay, năm tàu cá Kiên Giang bị phía Indonesia bắt giữ mà theo lời khai của những người trong cuộc là họ đang đánh bắt tại khu vực cách phía đông nam Hòn Khoai thuộc Cà Mau chừng 150 hải lý.
Phía Indonesia sau đó thả 70 ngư dân trên các tàu, nhưng giam giữ các thuyền trưởng Hứa Minh Trung, Cao Văn Hoàng, Lê Thanh Thiện, Lê Thanh Thừa và Lưu Văn Lý.
Tất cả năm thuyền trưởng đều kêu oan.
Vào ngày 12 tháng 12 vừa qua, tòa án Ranai thuộc tỉnh Natuna đưa hai ông Hứa Minh Trung và Cao Văn Hoàng ra xét xử. Mỗi người bị tuyên phạt 5 tháng tù giam; ngoài ra tàu, tài sản, thiết bị và tài sản trên tàu bị tịch thu, tiêu hủy.
Theo qui định của Indonesia thì hai thuyền trưởng sẽ được miễn án nếu đóng phạt 500 triệu rupiah, tương đương chừng 850 đến 900 triệu đồng Việt Nam. Ông Hứa Minh Trung phản đối bản án nêu lý do tàu của ông đánh bắt trong vùng biển Việt Nam.
Đình chỉ 2 nhân viên hải quan Nội Bài
vì làm khách bức xúc
Hai nhân viên hải quan làm việc tại sân bay Nội Bài vừa bị đình chỉ công việc do “có thái độ chưa đúng mực” trong giao tiếp với hành khách.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội Trần Quốc Định thông báo quyết định này hôm 20/12. Hai cán bộ, công chức liên quan đến vụ việc là Mai Thế Hưng và Đỗ Thế Lượng, thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài.
Cũng sáng ngày 20/12, Cục Hải quan Hà Nội nói họ họp bàn “các hình thức kỷ luật” đối với cán bộ, công chức vi phạm, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Quyết định đình chỉ công tác được đưa ra sau khi một đoạn video được đăng lên mạng xã hội hôm 17/12 cho thấy có cãi vã giữa hai nhân viên hải quan với một nữ hành khách tại sân bay Nội Bài.
Báo chí Việt Nam trích lời ông Trần Quốc Định cho hay Cục Hải quan Hà Nội đã kiểm tra tính xác thực của đoạn video.
Phó Cục trưởng Định nói nữ hành khách đã mang theo 4 kiện hàng hóa “cồng kềnh”, trong đó, 2 kiện không có tên của hành khách này. Đó là dấu hiệu làm cho các nhân viên hải quan đề nghị hành khách cho kiểm tra các thùng hàng. Tiếp đến, đã xảy ra cãi vã.
Ông Định cho biết thêm dựa vào thông tin, tường trình từ hành khách và những nhân viên hải quan liên quan, Cục xác định rằng hai ông Hưng và Lượng đã “mặc trang phục không đúng với quy định của ngành; giao tiếp với hành khách không đúng mực … gây bức xúc cho hành khách”.
Tin cho hay Phó Cục trưởng Định khẳng định trong thời gian tới đây, Cục Hải quan Hà Nội sẽ “rà soát, xem xét lại” đội ngũ cán bộ, công chức hải quan tại sân bay quốc tế Nội Bài.
(theo Haiquan, Vietnamplus)
Con trai cựu bí thư Hậu Giang
bị điều tra ‘quan lộ thần tốc’
Tổ chức đảng CSVN ở tỉnh Hậu Giang đang điều tra về cái gọi là “quan lộ thần tốc” của ông Huỳnh Thanh Phong, con trai cựu bí thư tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc.
Ông Phong, 33 tuổi, trong vòng 5 năm từ một nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ trở thành tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang. Tờ Thanh Niên hôm Thứ Ba dẫn lời ông Bùi Văn Sáu, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết thường trực tỉnh ủy Hậu Giang đã ra lệnh kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm ông Huỳnh Thanh Phong.
Tờ Thanh Niên cho biết vào thời điểm ông được bổ nhiệm giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, thì cha đẻ của ông là Huỳnh Minh Chắc đang giữ chức bí thư tỉnh ủy Hậu Giang. Các quan chức đứng đầu tỉnh Hậu Giang đến nay vẫn khăng khăng xác nhận việc bổ nhiệm con trai bí thư tỉnh ủy là “đúng quy trình”.
Sự việc này diễn ra giữa lúc tỉnh Quảng Nam cũng gặp một tai tiếng tương tự, khi cựu bí thư tỉnh ủy Lê Phước Thanh bị ủy ban kiểm tra trung ương của đảng cộng sản kỷ luật vì “vun vén” cho con trai là Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi. Ông Bảo từ một nhân viên hợp đồng đi dần lên tới chức giám đốc Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư tỉnh Quảng Nam. Báo chí trong nước hôm Thứ Tư đưa tin, ông Lê Phước Hoài Bảo vừa có thư xin nghỉ phép tại Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư tỉnh Quảng Nam, nhưng thư không nêu lý do.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/con-trai-cuu-bi-thu-hau-giang-bi-dieu-tra-quan-lo-than-toc/