Tin Việt Nam – 20/11/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/11/2015

ASEAN đồng thanh quan ngại về tranh chấp Biển Đông — TQ tuyên bố ‘tự chế’ khi đối mặt với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đồng thanh lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn tiến tình hình Biển Đông, nơi các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đang thổi bùng căng thẳng với các nước có tranh chấp bao gồm Việt Nam.

Lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng nguyên thủ 9 nước khác trên thế giới kể cả Hoa Kỳ đang họp tại Malaysia thảo luận về hợp tác kinh tế – thương mại và vấn đề Biển Đông là một điểm nhấn gây chú ý trong nghị trình làm việc.

AP thuật lời Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia hôm nay cho hay Ngoại trưởng các nước cùng nhắc lại lời kêu gọi thành lập một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông hữu hiệu để quản lý cách hành xử trong khu vực tranh chấp.

Ông Anifah Aman cho biết thêm rằng ASEAN cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Phát biểu với AP hôm nay, Tổng thư ký ASEAN, Lê Lương Minh, nói ‘Bộ tuyên bố ứng xử Biển Đông chưa từng được thực thi đầy đủ và hiệu quả và đó là lý do vì sao chúng ta cần một thỏa thuận mới mang tính ràng buộc pháp lý.’

Vẫn theo lời ông Minh, thỏa thuận đó không chỉ ngăn ngừa mà còn có thể giúp xử lý các sự cố như những gì đang diễn ra hiện nay. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ông Minh ngụ ý nhắc tới các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các cuộc thảo luận với lãnh đạo 10 nước ASEAN trước khi tham dự Thượng đỉnh Đông Á bao gồm Trung Quốc.

Các giới chức an ninh Hoa Kỳ cho hay Biển Đông là một trọng tâm trong nghị trình công du Châu Á lần này của ông Obama. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự kiến sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh Đông Á lần này.

Chủ tịch Trung Quốc có thể né tránh vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh APEC ở Manila trong tuần, nhưng Thủ tướng Trung Quốc dự kiến sẽ gặp khó khăn hơn tại thượng đỉnh ở Kuala Lumpur vào cuối tuần, theo phân tích của tờ IBB Times. – VOA

***
Chỉ huy hàng đầu của hải quân Trung Quốc tuyên bố lực lượng nước này đã ‘hết sức tự chế’ khi đối mặt trước ‘các hành động khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông’, đồng thời cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng ứng phó với các hành động tái diễn xâm phạm chủ quyền Trung Quốc tại đây.

Trang web Bộ quốc phòng Trung Quốc tối thứ Năm dẫn phát biểu của Đô đốc Ngô Thắng Lợi cho biết hải quân của Bắc Kinh theo sát mọi động thái khiêu khích của Hoa Kỳ và đã nhiều lần ra cảnh báo trong khi duy trì tự chế tối đa nhằm bảo đảm tình hình chung của mối bang giao Mỹ-Trung.

Tư lệnh hải quân Trung Quốc nói: “Nếu Hoa Kỳ lặp lại các hành động khiêu khích bất chấp phản đối của Bắc Kinh, chúng tôi có khả năng bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.

Phát biểu của ông Ngô được đưa ra trong cuộc họp với Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, tại Bắc Kinh hôm 19/11.

Trong một nỗ lực được xem là cảnh cáo hành động của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay loan báo hải quân của họ vừa thực hiện các cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu ngầm, tàu chiến, và trực thăng.

Các cuộc diễn tập kiểu này của Trung Quốc cũng thường diễn ra, tuy nhiên, Bắc Kinh không cho biết rõ thời gian và địa điểm cụ thể của sự kiện vừa nói. – VOA

HRW: Việt Nam tăng cường đàn áp đối kháng bất chấp cam kết TPP

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Mỹ và các nước trong Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đẩy mạnh sức ép ngăn Việt Nam thông qua các dự thảo luật tiếp tục vi phạm nhân quyền.

Trong thông cáo báo chí vừa ban hành, Human Rights Watch khuyến cáo bất chấp những cam kết TPP, Việt Nam đang tăng cường các biện pháp đàn áp những tiếng nói bất đồng với các điều luật hà khắc mới được đề xuất.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Công an Việt Nam tháng này báo cáo Quốc hội ‘ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ và 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia’ tính từ giữa năm 2012 đến nay.

Tướng Trần Đại Quang nói trong cùng thời gian này, các ‘đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ – nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh thành’.

Human Rights Watch nói loan báo của chính phủ Việt Nam thừa nhận việc ngắm mục tiêu các nhóm hoạt động bảo vệ dân chủ-nhân quyền ‘gây quan ngại sâu sắc’ và chứng tỏ Hà Nội đã lạm dụng quá mức các điều luật về an ninh quốc gia.

Quốc hội Việt Nam đang xem xét dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự, với một số điều bổ sung dường như nhắm vào các nhà hoạt động và những tiếng nói chỉ trích nhà nước, theo nhận xét của Human Rights Watch.

Trong các điều luật mới được đề xuất, điều 109 (thay cho điều 79 trước đây), điều 117 (thay cho điều 88) và điều 118 (thay thế điều 89) đều có thêm nội dung rằng ‘người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt từ một đến năm năm tù’.

Human Rights Watch nói: “Thay vì loại bỏ các điều luật vốn đã hà khắc, thì chính phủ lại đề xuất các chế tài trừng phạt còn nặng nề hơn đối với những người hoạt động nhân quyền và các blogger”.

Việt Nam lâu nay bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là dùng những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để bịt miệng giới bất đồng chính kiến. Trong đó, điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, điều 88 ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, và điều 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ được sử dụng nhiều nhất với hàng loạt các bản án gây chú ý công luận quốc tế dành cho các blogger và giới trí thức.

Ngoài ra, những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng thường bị xét xử về các tội danh như ‘gây rối trật tự công cộng’ và ‘trốn thuế’ sau các hoạt động thể hiện quan điểm ôn hòa bị nhà nước xem là ‘chống đối’.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, với cáo buộc ‘vi phạm các điều luật về an ninh quốc gia’, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện rất nhiều công dân, giam cầm dài hạn không qua xét xử, không cho họ được hỗ trợ pháp lý, thăm nuôi hay chăm sóc y tế đầy đủ.

Human Rights Watch kêu gọi làm rõ tình trạng từng người trong hơn 2600 tù nhân bị xử lý mà Bộ trưởng Công an Việt Nam vừa công bố.

Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:

“Có rất nhiều điều luật ở Việt Nam vi phạm các cam kết của chính Hà Nội về việc tôn trọng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Các nước viện trợ cho Việt Nam phải áp lực mạnh mẽ hơn nữa buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải làm đúng theo những gì đã hứa”.

Ông Robertson nhấn mạnh:

“Nhiều điều luật của Việt Nam cần phải được cộng đồng quốc tế đặt vấn đề và đòi hỏi phải thay đổi. Chúng ta sẽ không thấy tiến bộ về nhân quyền Việt Nam trừ phi có nỗ lực kết hợp chặt chẽ từ thế giới”.

Năm ngoái và năm nay, giữa quá trình thương thảo Hiệp định TPP, Việt Nam đã phóng thích 14 nhà hoạt động và blogger dưới sức ép của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn theo Human Rights Watch, vẫn còn nhiều người khác đang bị giam cầm kể cả những trường hợp chưa đưa ra xét xử.

Hà Nội lâu nay khẳng định không giam giữ hay bỏ tù công dân vì lý do bất đồng chính kiến về chính trị hay tôn giáo, mà chỉ xử lý những người vi phạm luật pháp Việt Nam.

Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch nói vấn đề ở chỗ luật lệ của Việt Nam vi phạm luật nhân quyền quốc tế và Hà Nội cần phải loại bỏ những điều luật này nếu muốn chứng tỏ tôn trọng nhân quyền. – VOA

Trung Quốc: Obama nên tránh xa vấn đề Biển Đông

19.11.2015

Bắc Kinh hôm thứ Tư nói Tổng thống Mỹ Barack Obama không nên can dự vào vụ tranh chấp ở Biển Đông, sau khi ông Obama yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc xây đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh: “Mỹ nên ngừng làm rùm beng các vấn đề Biển Đông, ngưng gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tranh chấp ở Biển Đông”.

Ông Hồng nói thêm: “Không một quốc gia nào có quyền chỉ bảo việc xây cất của Trung Quốc”.

Lời chỉ trích trên được đưa ra sau khi Tổng thống Obama gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino bên lề cuộc họp thượng đỉnh về hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Manila.

Bắc Kinh đã biến một loạt các rạn san hô và bãi đá ngầm ở vùng biển tranh chấp thành các đảo nhân tạo có các cơ sở với mục đích quân sự, gây lo ngại cho các nước có yêu sách chủ quyền.

Tổng thống Obama nói với các phóng viên sau buổi họp: “Chúng tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của những hoạt động xây dựng của Trung Quốc đối với sự ổn định của khu vực. Chúng tôi đồng ý với nhau là cần có những bước táo bạo để giảm thiểu căng thẳng, trong đó có cam kết ngưng cải tạo đất, không xây dựng thêm, và không quân sự hoá những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.”

Các thành viên APEC khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau tại khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt này.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí cả khu vực gần bờ biển của các nước láng giềng Châu Á.

Trước đó, vào tháng 7 năm 2014, Trung Quốc cũng từng cảnh báo Hoa Kỳ nên tránh xa tranh chấp Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa, nơi mà hầu hết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau, và rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục yêu cầu rút ngay lập tức nhân sự và trang thiết bị của các nước đã “chiếm đóng bất hợp pháp” các hòn đảo của Trung Quốc.

Nguồn AFP, Reuters

Chất vấn Thủ tướng: Hỏi hay hơn đáp

Quốc hội Việt Nam dành ba ngày chất vấn kết thúc nhiệm kỳ của Chính phủ cũng như bản thân Quốc hội. Tuy vậy những ai quan tâm tới thời cuộc đã chú mục vào buổi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18/11/2015.

Không trả lời trực tiếp

Qua trực tiếp truyền hình và tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua các câu hỏi bằng cách đi đường vòng và không trả lời trực tiếp những câu hỏi được dư luận quan tâm. Theo Tuổi Trẻ Online, VietnamNet, Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được 24 ý kiến chất vấn trực tiếp và 20 câu hỏi của 9 đại biểu. Tuy vậy người đứng đầu chính phủ chỉ trả lời gộp một số nội dung và hứa giải đáp sau bằng văn bản, mặc dù ông còn dư rất nhiều thời gian. Do vậy phiên họp Quốc hội sáng 18/11/2015 đã kết thúc sớm hơn một giờ so với dự kiến.

Một cán bộ về hưu ở Hà Nội, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang tỏ ra không hài lòng về cách thức mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ông nói:

Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.
-Nguyễn Đăng Quang

“Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.”

Trong số những chất vấn ấn tượng được báo chí trích dẫn, các đại biểu Nguyễn Anh Sơn đơn vị Nam Định, Lê Nam tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông. Ngoài ra còn báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gởi Quốc hội, ghi nhận ý kiến cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Việt Nam sớm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Chất vấn của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM được báo Thanh Niên Online trích thuật khá đầy đủ. Tóm tắt, LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc và bị đe dọa chủ quyền. Theo lời vị đại biểu, thực tế ở các nước cho thấy Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Do vậy, ông thu thập ý kiến cử tri và họ đề nghị không vay tiền không nhận viện trợ từ Trung Quốc, trong giai đoạn hiện nay bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.

Ý kiến của cử tri mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa dùng làm câu hỏi dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Saigon chia sẻ:

quoc-hoi-400.jpg
Quốc hội Việt Nam tại buổi chất vấn ngày 18/11/2015. Photo courtesy of quochoi.vn

“Đúng ra hiện nay hai bên, hai nhà, hai cá nhân đang tranh tụng. Giữa cá nhân với nhau thì liên quan đến tài sản tiền của tranh chấp về quyền sở hữu, còn đây là tầm quốc gia là biển đảo, lãnh thổ mà mình lại đi nhận tiền người ta cho thì nghe nó không ổn. Tục ngữ Việt Nam có câu anh ‘xây chùa nghĩa miễn’ thì cách đó nó không thuận lắm.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua truyền hình và báo chí đã chỉ trả lời một cách chung chung, lập lại các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Theo đó Việt Nam vừa hữu nghị hợp tác bình đẳng với Trung Quốc vừa đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Chỉ lập lại những điều Phát ngôn nhân đã nói

Cảm nhận chung được ghi nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không nói được điều mà cử tri muốn nghe và đại biểu đã hỏi. Đó là Chính phủ đã làm gì khác ngoài những lời nói suông, không có hành động tích cực đối với việc mất chủ quyền biển đảo. Thủ tướng cũng không trình bày quan điểm của ông đối với vấn đề  lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và mong muốn của cử tri là không nhận viện trợ, không vay tiền Trung Quốc trong lúc này. Người đọc báo có cảm nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại những điều mà Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói hàng ngày với báo chí.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông nhấn mạnh tới sự kiện đại biểu Quốc hội phải nghỉ sớm gần 1 tiếng rưỡi vì Thủ tướng không trực tiếp trả lời các câu hỏi.

Còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.
-LS Trần Quốc Thuận

“Thủ tướng trả lời toàn dẫn nghị quyết Liên Hiệp Quốc, tiêu chí giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ. Những điều cụ thể đại biểu quốc hội hỏi thì không thấy trả lời, trong đó có câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch. Ngoài ra còn 46 đại biểu Quốc hội hỏi mà chưa trả lời, trong đó không biết bao nhiêu câu là dành cho Thủ tướng. Tổng kết ra thì 18 đại biểu hỏi với trên 20 câu hỏi. Tôi thấy Thủ tướng không trả lời thẳng vào những vấn đề đó, cho nên cũng hơi buồn. Ngoài ra còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.”

Đối với vấn đề cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Nhà nước sớm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc xâm lấn Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây thất vọng lớn cho những ai chờ đợi một câu trả lời thẳng thắn. Đọc Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo có cảm tưởng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cẩn thận ngôn từ bằng lời hoa mỹ và không quên khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi xin trích nguyên văn: “Phải tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của cộng đồng quốc tế về chân lý lẽ phải của Việt Nam. Gìn giữ hòa bình ổn định, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Nhận định về vấn đề liên quan, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội phát biểu:

“Nói về ý nguyện của người dân, thực ra mà nói người dân đã mong muốn phải thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ lâu rồi. Nhưng điều này chưa được Nhà nước thực hiện. Vừa rồi có một số ý kiến là đã đến lúc phải đưa Trung Quốc ra tòa, vì đấu tranh pháp lý cũng là đấu tranh hòa bình, cần tận dụng vì Việt Nam đang rất thuận lợi trong cuộc đấu tranh pháp lý này. Chưa tận dụng được là một điều đáng tiếc. Bản thân tôi cũng có ý kiến là lúc này cần kiện Trung Quốc ra các tòa án của Liên Hiệp Quốc, nhiều người trong ngoài nước ủng hộ ý kiến này… Theo tôi hiểu các cơ quan chuyên môn luật pháp, các ngành đã chuẩn bị tư liệu sẵn sàng nhưng chưa được bật đèn xanh.”

Theo dõi thông tin về ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam khóa 13, cũng là hoạt động chất vấn cuối nhiệm kỳ mà Tuổi Trẻ Online gọi là “Hoàng hôn nhiệm kỳ,” có thể thấy rằng Quốc hội Việt Nam có sự thay đổi đáng kể về điều gọi là “Cách chất vấn mới tốt, nhưng trả lời chưa sâu.”

Bên cạnh những vấn đề cụ thể mà đại biểu quốc hội hỏi, thành viên chính phủ trực tiếp trả lời, phong cách mới trong chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là dịp để báo chí cười xả láng về những phát ngôn không thể ngờ của một số Bộ trưởng trong chính phủ. VietnamNet và nhiều báo điện tử khác cùng ghi nhận sự kiện nghị trường cười nghiêng ngả, khi Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nói rằng, sản phẩm du lịch thượng hạng của Việt nam là chiếc nón lá và món phở… còn trách nhiệm về sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam xin để cho bộ trưởng kế tiếp trả lời vì ông hết nhiệm kỳ rồi.