Tin Việt Nam – 20/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/10/2018

‘Bất tuân dân sự: Quyền cuối cùng của người dân

nếu Nghị định Luật An ninh mạng được ký!’

Bảo vệ trật tự an ninh mạng?

Theo ý kiến của Luật sư Hà Huy Sơn nói với RFA, chính phủ luôn có xu hướng muốn quản lý tất cả động thái của người dân, do đó Nghị định dễ xâm phạm vào quyền của công dân vốn được Hiến pháp qui định. Và cũng theo Luật sư Sơn, những văn bản dưới luật như Nghị định, văn bản, thì không rõ ràng và trái ngược lại với chính Hiến pháp và không có cơ quan nào có thể điều chỉnh, hạn chế trong thể chế của Việt Nam hiện nay.

Vấn đề này cũng được nhà báo Mai Tú Ân đề cập trong một bài viết ký tên ông rằng: “Quả thực đây là một mớ văn bản lộn xộn dưới Luật đã được Bộ CA soạn thảo tỉ mỉ nhằm chống lại những kẻ thù của chính quyền trên mạng và sẽ để trình chính phủ và có Trời sập cũng không cản được văn bản này sẽ được ký kết và đưa ra thi hành vào đầu năm tới.”

Một ý kiến khác đối lập hẳn đến từ Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM đưa ra sau khi so sánh với Luật An ninh mạng của các quốc gia khác.

“Theo Hiến pháp tại Việt Nam, Điều 14 có nói rằng “Quyền con người và quyền công dân chỉ bị hạn chế theo luật định” Do đó Luật An ninh mạng qui định hạn chế quyền của họ trong những trường hợp sau đây, đó là xâm phạm đến an ninh quốc gia, hai là xâm phạm trật tự xã hội của nước đó, ba là xâm phạm đến đạo đức xã hội và bốn là xâm phạm quyền con người, quyền riêng tư của 1 người, thì người ta có quyền hạn chế.

Do đó khi ban hành Luật An ninh mạng thì Việt Nam cũng đã nghiên cứu rất nhiều luật, ví dụ như Trung Quốc.”

Theo cách phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông cho rằng mục đích chính của Luật An ninh mạng nhằm bảo đảm trật tự an ninh trên không gian mạng.

“Phải xác thực người dùng. Hiện nay không gian mạng phải có 1 trật tự, bởi vì họ xâm phạm, lừa đảo, nói xấu trên mạng, xâm phạm quyền con người và quyền công dân. Họ nói xấu thậm chí xuyên tạc lịch sử. Những vấn đề đó phải có trật tự.”

Phải xác thực người dùng. Hiện nay không gian mạng phải có 1 trật tự, bởi vì họ xâm phạm, lừa đảo, nói xấu trên mạng, xâm phạm quyền con người và quyền công dân. Họ nói xấu thậm chí xuyên tạc lịch sử. Những vấn đề đó phải có trật tự. – Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Ông chia sẻ chính cá nhân ông và những đồng nghiệp khác rất quan tâm đến những thông tin không trung thực đang bị lạm dụng bởi mạng xã hội. Những thông tin đó đang xâm phạm đến lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Cách hạn chế tác hại

RFA đặt vấn đề liệu văn bản Nghị định Luật An ninh mạng được thực thi sẽ dẫn đến hệ quả là có ngày càng nhiều những bản án với con số chục năm dành cho người dùng mạng xã hội để bày tỏ quyền tự do ngôn luận hay không? Trả lời vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai bày tỏ điều ông lo lắng:

“Tôi thì thấy có 1 điều rất khó tin và nguy hiểm, hướng dẫn do Bộ Công an làm đấy nó vô hiệu hoá Toà án và tư pháp, nó trở thành sự tuỳ tiện muốn nghi ai, bắt ai cũng được.

Đúng ra trong pháp luật, Hiến pháp Việt Nam khẳng định 1 người chỉ được, hoặc bị kết luận là phạm tội đều phải do 1 phán quyết của Toà án, chứ không như bây giờ là bất cứ cơ quan hành chính nào, cấp công an nào cũng có quyền quyết định người này hay người kia phạm tội.”

Nhận định này đã từng được Luật sư Đặng Đình Mạnh bày tỏ với ý kiến đồng thuận rằng:

“Nó lấn sân rất nhiều đối với cơ quan tài phán. Gần như là mọi hành vi của cơ quan công an và cơ quan an ninh sẽ vượt mặt cơ quan tài phán.”

Những người lên tiếng trên mạng phải có dẫn nguồn thông tin, xem xét thông tin đó có xác thực hay không để mình chịu trách nhiệm về những thông tin đó, từ đó đưa ra quan điểm bình luận. Khi đưa ra quan điểm thì cũng nên nói rõ là quan điểm cá nhân. Vì luật pháp không cấm quan điểm cá nhân và vấn đề nhận thức. – Luật sư Hà Huy Sơn

Tuy là Luật An ninh mạng đến ngày 1/1/2019 mới chính thức có hiệu lực, nhưng nhiều nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng nói rằng luật này đã và đang được âm thầm thi hành từ nhiều tháng qua. Nhà báo Mai Tú Ân có viết rằng: “Mặc dù phải đến đầu năm tới thì luật An Ninh Mạng (Bộ luật mà Quốc Hội Việt Nam đã thông qua ngày 12/6/2018) mới chính thức áp dụng nhưng những “làn sóng xung kích” của bộ luật này đã lai rai tàn phá cộng đồng mạng, trong đó có việc đóng cửa khóa nick facebook của một số người viết phản biện đông khách của Việt Nam.”

Không chỉ riêng động thái gỡ bài, khoá tài khoản mạng xã hội, người dân trong nước và cả giới luật sư còn cho rằng với dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng được ban hành, thì những bản án khắc nghiệt như của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, 20 năm tù giam sẽ diễn ra rất nhiều trong xã hội Việt Nam. Họ lo ngại sẽ có rất nhiều những con người bị kết án bởi Điều 88, Điều 256, Điều 79.

Tuy nhiên, khi RFA đề cập sự lo ngại này với Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì có ý kiến phản biện với dư luận trong nước:

“Đúng là trong thời gian qua có 1 số bản án oan với 1 số người. Những bản án đó đã được công khai trên báo chí và Toà án Nhân dân tối cao đã có những án lệ rút kinh nghiệm những việc xử đó.

Việc bình luận bản án đúng hay sai mỗi người có 1 quan điểm riêng. Ví dụ như mọi người thấy sai nhưng tôi thấy đúng. Nhưng với góc độ chuyên gia thì chúng ta phải căn cứ vào những luật mà Việt Nam qui định. Ví dụ cái luật đó và bản án đó chỉ có cơ quan đại diện quyền lực là cơ quan Tư pháp quyết định đúng hay sai.

Cho nên chúng ta có quyền bình luận cái đúng hay sai, nhưng sự bình luận đó đừng bao giờ xâm phạm vào quyền riêng tư hoặc xâm phạm vào 1 cơ quan tổ chức khác, 1 người thứ 3 khác. Chúng ta có thể bình luận nhưng cái bình luận đó phải có lý và có văn hoá. Tôi không đồng tình với những bình luận không có cơ sở và căn cứ.”

Tôi thì thấy có 1 điều rất khó tin và nguy hiểm, hướng dẫn do Bộ Công an làm đấy nó vô hiệu hoá Toà án và tư pháp, nó trở thành sự tuỳ tiện muốn nghi ai, bắt ai cũng được. – Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Quan điểm này cũng là ý kiến được chia sẻ từ Luật sư Hà Huy Sơn.

Những người lên tiếng trên mạng phải có dẫn nguồn thông tin, xem xét thông tin đó có xác thực hay không để mình chịu trách nhiệm về những thông tin đó, từ đó đưa ra quan điểm bình luận. Khi đưa ra quan điểm thì cũng nên nói rõ là quan điểm cá nhân. Vì luật pháp không cấm quan điểm cá nhân và vấn đề nhận thức.”

Trở lại với ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông nhấn mạnh thêm ở không gian mạng, mỗi người trong xã hội có quyền bình luận hoặc khác nhau về chính kiến, nhưng tuyệt đối đừng bao giờ xâm phạm đến người khác.

Và theo ông, điều mà ông gọi là “trật tự không gian mạng” này phải được Luật An ninh mạng qui định.

Hiện tại trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến, bài viết cá nhân bày tỏ quan điểm bất bình về văn bản Dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng.

Về phía quốc tế, ngày 12/6/2018, có 17 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi giới chức điều hành cấp cao Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6.

Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai dự liệu rằng, nếu chính phủ Việt Nam đồng ý thông qua văn bản Nghị định này, thì sẽ “đẩy xã hội Việt Nam đi tới 1 thái độ bất tuân dân sự – quyền cuối cùng của người dân Việt Nam.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Civil-disobedience-the-last-right-of-vietnamese-10192018131800.html

 

Mạng xã hội: Công cụ đấu tranh

của những bà mẹ tại Việt Nam

Hòa Ái, phóng viên RFA

Thân mẫu của các công dân mạng là tù nhân lương tâm tại Việt Nam chia sẻ về hành trình họ sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội để đấu tranh đòi công lý cho con của mình.

Hòa Ái có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Liên và cô giáo Huỳnh Thị Út là mẹ của hai tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha và Trần Hoàng Phúc cùng Đinh Nguyên Kha.

Hòa Ái: Thưa bà Kim Liên, bà có thể chia sẻ tóm tắt hành trình làm thế nào bà kết nối được với cư dân mạng thế giới và họ đồng hành với bà ra sao qua các chuyến đi vận động cho tù nhân lương tâm Việt Nam tại Hoa Kỳ và Australia?

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Qua 6 năm tù của hai đưa con Kha và Uy, kinh nghiệm trước nhất mà tôi có là tấm lòng của người mẹ thương con một cách mãnh liệt, nên dù rằng tôi chỉ học tới lớp 8 thôi và cũng là nông dân chân lắm tay bùn nhưng tôi ráng học hỏi để nâng kiến thức của mình lên hòa nhập với thế giới qua mạng xã hội, nhất là qua Facebook. Qua đó, tôi quên rất nhiều bạn bè, anh em ở nước ngoài và ở trong nước, nhiều tổ chức…lên tiếng muốn giúp tôi để lên tiếng cho hai đứa con tôi.

Từ khi tôi kết nối được như vậy, thì tự nhiên tinh thần và tấm lòng thương con của tôi được mạnh mẽ lên. Tôi cảm thấy tôi học cái gì cũng được.

Qua 6 năm, tôi đi được nước Mỹ và nước Úc. Năm rồi đi Úc, tôi cũng nêu vấn đề áp bức tù nhân lương tâm trong tù, mà trước mắt là con tôi bị áp bức trong trại giam. Nhờ tiếng nói được nhiều bạn bè ủng hộ, yểm trợ nên Trại tù K3 Xuyên Mộ ngưng lại chế độ hà khắc đối với các anh em tù nhân trong đó.

Hòa Ái: Thưa cô Huỳnh Thị Út, cô đón nhận thông tin con trai của mình, Trần Hoàng Phúc bị bắt và bị tuyên bản án tù nặng nề 6 năm tù giam và 4 năm quản chế trong tâm trạng như thế nào khi mà cô khẳng định con trai của mình vô tội?

Cô Huỳnh Thị Út: Chiều 29/06/17, trên mạng xã hội có đăng tin Phúc bị 4, 5 an ninh bắt cóc. Một người mẹ ở Sài Gòn, khi hay tin con mình bị an ninh bắt cóc như vậy thì tâm trạng rất lo lắng vì sợ con của mình bị giết trong đồn công an, do hiện tượng người dân bị chết trong đồn công an xảy ra nhiều năm rồi. Cho nên, sáng ngày 01/07/17, tôi bay ra Hà Nội để đi tim con mình, tìm cho ra ai bắt cóc và cháu đang bị giam giữ ở nơi đâu.

Còn về bản án tuyên cho Phúc 6 năm tù giam và 4 năm quản chế thì rõ ràng mình thấy bản án đó quá là bất công. Nó sai từ cái khâu bắt Phúc trái pháp luật và ép cung, bức cung và lấy cung ban đêm Phúc.

Bởi vì Phúc không vi phạm pháp luật. Xử Phúc như vậy là oan sai và mình không đồng ý, không chấp nhận.

Hòa Ái: Hòa Ái cũng ghi nhận qua trang Facebook cá nhân, cô thường xuyên đăng tải những thông tin quy chiếu theo luật pháp Việt Nam để minh chứng cho sự vô tội của con trai mình qua những việc làm của em. Hòa Ái xin hỏi những thông tin mà cô đăng tải đó là do tự cô tìm tòi hay có ai giúp đỡ để cô tìm mạng xã hội cất lên tiếng nói đòi công lý cho con trai của mình?

Cô Huỳnh Thị Út: Khi Phúc bị án oan sai như vậy, với tình thương của một người mẹ thì mình cố hết sức đọc sách, tìm hiểu để biết sơ qua các điều luật; đồng thời để nắm chắc hơn và hiểu rõ hơn các điều khỏan luật và tham vấn thêm với luật sư của Phúc. Do đó, mình mới mạnh dạn hơn chia sẻ về các điều luật đó để cộng đồng mạng biết được rằng họ đã vi phạm và làm sai đối với tất cả các tù nhân lương tâm, cũng như riêng đối với Phúc.

Hòa Ái: Trở lại với bà Kim Liên, Hòa Ái ghi nhận bên cạnh các chuyến đi xuất ngoại để vận động các chính phủ và tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm tại Việt Nam, bà cũng là công dân mạng được nhiều người biết đến với các hoạt động xã hội cũng như cất lên tiếng nói phản biện trước những sai trái của chính quyền. Những điều bà làm như thế, có phải để khích lệ tinh thần cho con trai bị tù đày của mình?

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Những điều tôi làm trong khi con tôi ở tù; thứ nhất là tôi nhận thấy tinh thần của các anh em tù nhân rất mạnh mẽ, thúc đẩy tôi ở bên ngoài phải làm điều gì để cất lên tiếng nói và mỗi lần đi thăm tôi kể cho họ nghe, để họ được vững tâm rằng có một người mẹ của một anh em tù nhân lúc nào cũng sẵn sàng lên tiếng cho tù nhân trong Trại K3. Ngoài ra, trong xã hội thì tôi muốn cho mọi người thấy một người mẹ có con đi tù của Cộng sản 6 năm thì sẽ không bao giờ khuất phục trước nhà cầm quyền này.

Hòa Ái: Xin được hỏi Đinh Nguyên Kha, khi mẹ đến thăm và được nghe mẹ kể những việc làm ở bên ngoài để lên tiếng thay cho những tù nhân lương tâm ở trong tù. Kha hay tù nhân lương tâm nào khác có gặp trở ngại nào ở trại giam không khi nghe được những thông tin từ bên ngoại?

Đinh Nguyên Kha: Lúc đầu những thông tin ở ngoài gia đình đưa vào rất nhạy cảm cho nên cán bộ trại giam tìm cách ngăn cản, không có cho gia đình tôi nói, hay đề cập đến những chuyện đó.” Vì nhà tôi cũng đấu tranh, chống lại các áp bức đó nên họ không thể đuổi mình đi được. Cho nên mình cứ cứng rắn. Họ đuổi mình vô mà mình không đi vô thì họ sẽ khiêng mình vô. Mình cứ ngồi lì ở đó thì cuối cùng họ cũng bó tay thôi.

Hòa Ái: Nhân buổi trò chuyện hôm nay, được nghe chia sẻ của hai người mẹ. Nếu như có thể được đại diện cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam và nói một lời với các bà mẹ của tù nhân lương tâm, Dinh Nguyên Kha sẽ nói gì?

Đinh Nguyên Kha: Tôi muốn nói với các bà mẹ của tù nhân lương tâm hãy tiến lên và bảo vệ cho con mình. Hãy tiếp tục đấu tranh để giành lại độc lập, tự chủ của đất nước. Đừng bao giờ lui bước trước sự đàn áp. Bởi vì tất cả chúng ta đoàn kết thì tất sẽ thắng.

Hòa Ái: Xin cảm ơn ba vị tham gia buổi trò chuyện này!

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/social-media-a-useful-network-for-netizens-mothers-to-advocate-10192018151159.html

 

Bỏ sổ hộ khẩu: Hợp lòng dân

Diễm Thi, RFA

Hiện nay Bộ Công an đang lấy ý kiến về lựa chọn quản lý dân cư bằng hộ khẩu hay qua mã số định danh cá nhân, và theo thống kê của Bộ Công an thì nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm.

Hộ khẩu là một hình thức quản lý người dân được chính phủ áp dụng trên toàn đất nước Việt Nam kể từ sau 30/4/1975. Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và cuốn sổ này liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân, từ chuyện ăn, ở, học hành, kết hôn …

Một số người dân trong nước nói về kinh nghiệm thực tế của họ liên quan đến cái hộ khẩu:

“Bao nhiêu năm qua hộ khẩu gây nhiều phiền phức cho gia đình. Con cái đi học cũng đòi hộ khẩu, làm sổ đỏ cũng đòi hộ khẩu.”

“Con đi học cũng phải có hộ khẩu. Làm tất cả cái gì cũng phải mang theo hộ khẩu cà kèm CMND, kế cả mua bảo hiểm tự nguyện, làm sổ đỏ.

Một ví dụ cụ thể liên quan giữa cái hộ khẩu và việc học hành là thông báo mới nhất của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Theo đó thì  trong năm học 2018-2019, sinh viên các tỉnh thành khác phải đóng mức học phí cao gấp đôi so với sinh viên có hộ khẩu tại thành phố HCM. Điều này thì thật ra cũng tương tự như một số trường cao đẳng ở Mỹ. Sinh viên thường trú tại tiểu bang thì đóng học phí thấp hơn sinh viên từ tiểu bang khác đến.

Với những rắc rối mà cái hộ khẩu gây nên cho người dân suốt mấy chục năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng cần phải bỏ chế độ hộ khẩu:

“Bỏ hộ khẩu đi là tôi rất ủng hộ.”

“Bỏ hộ khẩu là đúng vì hộ khẩu có nhiều cái rắc rối lắm. Làm gì cũng phải đưa hộ khẩu trong khi đã có căn cước, có hộ chiếu rồi. Theo tôi thì nên bỏ hộ khẩu.”

Thật ra chuyện bỏ hộ khẩu đã từng được các cấp chính quyền đề cập đến. Cụ thể ngày 30/10/2017, Thủ tướng chính phủ nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết 112/NĐ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Một tuần sau đó, Bộ trưởng Công an Thượng tướng Tô Lâm xác nhận với báo chí trong nước về việc chính phủ quyết định bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư và thay bằng việc quản lý qua mã số định danh cá nhân. Tại cuộc họp báo của Bộ Công An hôm 7/11/2017, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu rằng không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu mà là thay đổi quản lý bằng công nghệ thông tin.

Ngày 17/10/2018, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng. Bộ Công an đưa ra hai phương án: Hoặc giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay, hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhận xét về việc này, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an và am hiểu về các thủ tục hành chính ngành công an đưa ra, nói với RFA rằng đây là điều hợp lòng dân:

Vấn đề bỏ hộ khẩu là bỏ hình thức quản lý cũ kỹ từ trên một nửa thế kỷ nay chuyển sang một hình thức quản lý mới bằng mã số công dân thì phải nói là hợp lòng dân. Thực ra nếu mà có từ cách đây khoảng 20 năm thì thiết thực hơn vì trên thế giới này có gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà chỉ còn ba nơi quản lý con người và xã hội bằng hộ khẩu, đó là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính là điều mà nhiều người dân trong nước mong đợi bấy lâu nay. Nhiều người từng có kinh nghiệm khi phải đến các cơ quan công quyền và đi đến kết luận ‘hành là chính’ vì họ phải đi lại rất nhiều lần mới có được con dấu, chữ ký để hoàn tất thủ tục nào đó. Ông Nguyễn Đăng Quang nói thêm:

Không phải là chuyên ngành của tôi nhưng theo đường lối chính sách đã công bố thì bắt đầu từ năm tới, khi công dân đến làm các thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang theo sổ hộ khẩu mà chỏi cần cung cấp ba thông tin: họ tên, mã số định danh cá nhân và địa chỉ thường trú, tức chỗ ở hiện tại, là đủ.

Riêng cuốn sổ hộ khẩu cũng là một nỗi ‘ám ảnh’ vì nếu lỡ mất đi thì dẫn đến biết bao hệ lụy cho cuộc sống. Đối với nhiều người để có được một sổ hộ khẩu ở thành phố còn phải chạy vạy và tốn nhiều tiền của…

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/release-ho-khau-what-people-want-10192018140012.html

 

Người dân Thủ Thiêm yêu cầu

kỷ luật ông Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang

Tại cuộc họp với người dân Thủ Thiêm của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 20/10, một cử tri Thủ Thiêm yêu cầu thành phố phải “xử lý hình sự ông Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang”, là những lãnh đạo thành phố có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Cao Văn Ca, cử tri phường Bình Khánh, Quận 2 phát biểu trước đông đảo cử toạ cuộc họp rằng người dân Thủ Thiêm không muốn tiếp tục nghe lời xin lỗi của lãnh đạo thành phố, nhất là khi những lời xin lỗi đó lại không đến từ những người tham gia trực tiếp là cựu Bí thư thành phố Lê Thanh Hải và đương kim Phó Bí thư Thành uỷ Tất Thành Cang. Ông Ca đề nghị phải quốc hội phải đưa vụ án khu đô thị Thủ Thiêm vào chương trình nghị sự tại cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 22/10. Theo ông, từ đó Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng mới có cơ sở để có hướng kỷ luật đảng những người mắc lỗi.

Ngày 21/9 và 18/10 vừa qua, lãnh đạo thành phố HCM liên tục công khai xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai phạm trong việc quy hoạch Thủ Thiêm, đẩy nhiều người dân vào khốn khó.

Phát biểu trước hàng trăm cử tri tại cuộc họp, Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ xử lý cá nhân sai phạm ở Thủ Thiêm trong tháng 11 tới. Bí thư thành phố được truyền thông trong nước trích lời nói rằng trong tháng 11 này, các cán bộ thực hiện không đúng quy hoạch, đền bù tái định cư phải kiểm điểm. Tuỳ mức độ đến đâu, xử lý đến đó. Ông khẳng định ‘việc này cả Thanh tra Chính phủ, Trung ương sẽ cùng làm… những người có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm bên kia bờ sông Sài Gòn được bắt đầu quy hoạch từ khoảng cuối những năm 90 và bắt đầu di dời giải toả vào khoảng đầu những năm 2000, tăng tốc vào giai đoạn 2012. Chính quyền thành phố muốn biến khu đô thị này thành một trung tâm tài chính giống như Phố Đông ở Thượng Hải. Tuy nhiên, quá trình giải toả đã khiến 14.600 hộ dân với khoảng 60.000 người phải di dời. Nhiều người trong số này không đồng ý với mức đền bù mà lãnh đạo thành phố đưa ra, và cho rằng có những nhóm lợi ích đứng đằng sau vụ quy hoạch để tham nhũng. Nhiều hộ dân đã ra tận Hà Nội để khiếu kiện nhiều năm ròng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thu-thiem-constituents-want-former-leaders-punished-10202018091050.html

 

Slovakia-VN: Khủng hoảng trầm trọng hơn

vì vụ Trịnh Xuân Thanh

Quan hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ “bị đóng băng” cho đến khi Slovakia nhận được lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc về Việt Nam, hãng thông tấn nhà nước Slovakia TASR đưa tin hôm 19/10.

Theo TASR, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Boris Gandel nói rằng Bộ Ngoại giao Slovakia vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam sau cuộc họp giữa ngoại trưởng hai nước hồi tháng Chín tại New York.

“Slovakia là một quốc gia nghiêm túc và sẽ có hành động ngoại giao nghiêm khắc đối với Việt Nam ngay khi những nghi ngờ nghiêm trọng mà Việt Nam đang đối mặt được xác nhận đầy đủ và chính thức,” ông Gandel được trích lời.

Slovakia vẫn ‘điều tra’ vụ Trịnh Xuân Thanh

Slovakia: ‘VN phải giải thích rõ vụ Trịnh Xuân Thanh’

Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Slovakia, và cũng chưa rõ liệu phía Slovakia đã gửi công hàm ngoại giao cho phía Việt Nam hay chưa.

BBC đang liên lạc với Bộ Ngoại giao Slovakia để xác thực thêm chi tiết lời phát biểu của ông Boris Gandel nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Lần gần nhất đây, trả lời BBC qua email ngày 5/10, Bộ Ngoại giao Slovakia viết:

“Việc bắt cóc một công dân Việt Nam là vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao (Điều khoản 3) và vi phạm chủ quyền và quyền lãnh thổ theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc (Điều khoản 2) và lạm dụng hệ thống Schengen.

“Vụ việc này phá vỡ niềm tin [giữa hai bên] và gây căng thẳng cho quan hệ Slovakia-Việt Nam.

“Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh ở New York hôm 26/9/2018 chuyển thông điệp rằng điều rất quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải giải thích không chậm trễ và làm rõ vấn đề.

“Ông báo với người đồng nhiệm Việt Nam rằng vụ việc này đang được điều tra ở Slovakia và nếu nghi ngờ rằng đoàn đại biểu Việt Nam lợi dụng chuyến thăm Slovakia nhằm bắt cóc một công dân của họ được xác nhận, điều này sẽ có hậu quả ngoại giao nghiêm trọng.

“Cuộc gặp diễn ra cách đây một tuần và chúng tôi chưa nhận được phản ứng gì từ phía Việt nam.”

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’

‘Slovakia đang ở thế khá kẹt với Đức’

Phát biểu của ông Gandel hôm 19/7 về quan hệ ‘đóng băng’ được đưa ra khi ông hồi đáp yêu cầu của đảng đối lập Tự do và Đoàn kết (SaS) ở Slovakia.

Đảng này yêu cầu chính phủ giải thích về những điều liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh vốn được báo chí nói đến liên tục những tháng qua.

Tuần qua, một báo Slovakia là Dennik N đưa tin rằng theo lời khai của biên phòng nước này trong cuộc điều tra về vụ Trịnh Xuân Thanh, xảy ra trong nhiệm kỳ của thủ tướng và bộ trưởng nội vụ trước, trong đoàn Việt Nam đi chuyên cơ rời Bratislava sang Moscow (07/2017) có một người mang hộ chiếu Việt Nam “thiếu visa Schengen” để nhập cảnh Slovakia.

Tuy nhiên đây là nguồn tin mới của một tờ báo Slovakia mà chưa có xác nhận chính thức vì cuộc điều tra chưa kết thúc.

Ngoại trưởng Slovakia đã nói gì với người đồng nhiệm Việt Nam ở LHQ?

Hôm 26/9, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đã gặp người đồng nhiệm Việt Nam ông Phạm Bình Minh bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Theo website của Bộ Ngoại giao Slovakia hôm 27/9, trong cuộc họp này, hai ông đã bàn về chủ đề ‘vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh’ từ Đức, một vụ việc mà theo vài nguồn tin, “giới chức Việt Nam đã lạm dụng cả lãnh thổ và chuyên cơ chính phủ của Slovakia”.

Trang này nói Ngoại trưởng Lajcak kịch liệt lên án hành động này như một vi phạm căn bản luật quốc tế và lạm dụng hệ thống Schengen, điều đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương Slovakia – Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Slovakia nhấn mạnh rằng cho đến giờ, những lời giải thích của chính quyền Việt Nam về cáo buộc nghiêm trọng liên quan đến vụ bắt cóc một công dân Việt Nam qua lãnh thổ Slovakia là không thỏa đáng. Ông kêu gọi người đồng nhiệm nhanh chóng làm rõ các vấn đề chưa sáng tỏ để khôi phục lại lòng tin trong quan hệ song phương giữa hai nước.

“Nếu các ông khăng khăng rằng các ông không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân các ông bắt cóc không có trên chuyên cơ của chính phủ Slovakia, thì tôi yêu cầu ông đưa ra một lời giải thích không mù mờ về chuyện các ông đưa người này từ Đức về Việt Nam ra sao. Bất kỳ nỗ lực đánh lạc hướng nào từ phía các ông sẽ dẫn đến hậu quả trên quan hệ song phương hai nước và chúng tôi sẵn sàng có những hành động hạn chế bên trong Liên minh Châu Âu,” Ngoại trưởng Lajcak nói rõ yêu cầu của ông cho người đồng nhiệm Việt Nam.

Ông Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển lập trường này của Slovakia cho lãnh đạo Việt Nam biết, Bộ Ngoại giao Slovakia đưa tin hôm 27/9.

Czech ngừng hồ sơ visa Việt Nam ‘vì lo tội phạm’

Nội dung lời khai của vợ Trịnh Xuân Thanh tại tòa Đức

Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’

Cũng hôm 27/9, Tờ Zing.vn đưa tin Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Australia, Slovakia, Slovenia và Uganda.

“Tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak, hai bên cho rằng cần tiếp tục có các biện pháp duy trì và thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

“Phó thủ tướng cũng đề nghị Slovakia tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Slovakia, cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và kinh doanh ổn định, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội Slovakia.”

Không có bất kỳ tin nào nói về thảo luận giữa hai bên liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh trên truyền thông Việt Nam.

Thời gian qua, quan hệ Đức-Việt Nam có xu hướng phục hồi sau khủng hoảng vì vụ mà toà án Đức xác nhận là “ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ VN bắt cóc tại Berlin”.

Đức đã tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với VN trong một thời gian dài.

Nay tuy vấn đề với Berlin có vẻ như bắt đầu khai thông, điều có tác động đến sức nặng của Đức tại EU khi khối này thông qua Hiệp định Tự do Thương mại với VN (EVFTA), sức ép lên Hà Nội được chuyển sang Bratislava, theo một nhà báo ở Berlin nói với BBC.

Chính quyền của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã yêu cầu chính phủ Slovakia làm rõ xem họ có liên quan thế nào đến việc “đưa ông Trịnh Xuân Thanh” ra khỏi EU.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45926002

 

Việt Nam sẽ mua vũ khí Mỹ như thế nào

Kính Hòa RFA

Việt Nam sẽ mua vũ khi Mỹ như thế nào

Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016, nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội.

Trong thời gian hai năm qua, hoạt động trao đổi quốc phòng giữa hai nước diễn ra rất sôi nổi. Đó là những cuộc gặp gỡ cấp cao của giới chức quốc phòng hai nước, những chuyến thăm cảng Việt Nam của tàu chiến Mỹ, mà sự kiện mang tính lịch sử nhất là tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2018, những tuyên bố của Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải và hàng không mỗi khi tàu chiến Mỹ thách thức chủ quyền Trung Quốc tại các đảo đá và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.

Bên cạnh đó còn có những tin tức về việc Việt Nam mua vũ khí Mỹ, hay là Mỹ biếu không cho Việt Nam những vũ khí cũ.

Ngay trong chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 5/2016 của Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Ash Carter tuyên bố cung cấp một khoảng tín dụng trị giá 18 triệu đô la Mỹ để mua sắm các thiết bị quốc phòng của nước này.

Bắt đầu từ tháng 5/2017, cho đến tháng 3/2018, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam, theo những thông tin được công bố, 12 ca nô và 2 tàu tuần duyên cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Tháng 8/2018, có tin đưa ra từ Bộ Quốc phòng Mỹ là Việt Nam ký một hợp đồng trị giá gần 100 triệu đô là mua vũ khí. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó tránh bình luận tin này.

Theo luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, trong buổi thảo luận với đài RFA vào đầu tháng 10, có nói rằng sắp tới đây Việt Nam có thể đưa ra những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ trị giá lớn để làm vừa lòng Tổng thống Donald Trump, người muốn có cân bằng mậu dịch với những quốc gia khác, trong đó Việt Nam đang là nước xuất siêu vào Mỹ.

Luật sư Vũ Đức Khanh: Có thể Việt Nam sẽ cân bằng cán can mậu dịch với Mỹ bằng các hợp đồng vũ khí.

Ngoài ra cũng có một thông tin khác có liên quan đến vấn đề mua bán vũ khí là Quốc hội Hoa Kỳ, hiện đang cấm vận quốc gia nào mua vũ khí của Nga, đã đồng ý loại Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách đó, đồng ý để Việt Nam vẫn tiếp tục dùng vũ khí Nga để duy trì sức mạnh của quân đội mình.

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc này. Ông Mattis đã nêu vấn đề Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển sang dùng vũ khí Mỹ trong khi đã dùng vũ khí Nga hơn nửa thế kỷ nay, để chống lại với lý lẽ muốn cấm vận mà Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng xuất phát từ các công ty sản xuất vũ khí Mỹ, hoặc các tiểu bang có các công ty này hoạt động.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore cho biết rằng hiện Việt Nam sử dụng đến 80% vũ khí do các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sản xuất, trong đó chủ yếu là từ nước Nga. Theo ông, từ câu chuyện loại trừ Việt Nam ra khỏi danh sách cấm vận, cho thấy Mỹ đang có một chính sách mở đối với Việt Nam về chuyện mua vũ khí, đó là Mỹ sẽ bán những gì và những khi nào mà Việt Nam cần, tức là chuyện mua vũ khí từ Mỹ là quyết định của Việt Nam.

Theo thông tin của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Mỹ đã muốn bán rẻ hoặc biếu không các máy bay săn tàu ngầm đang được quân đội Mỹ sử dụng là P-3C, và Việt Nam đã gửi nhiều đoàn của Bộ Quốc phòng đến Mỹ để khảo sát đề nghị này, nhưng chưa đưa ra quyết định, và theo Tiến sĩ Hợp, Hà Nội có thể cân đối ngân sách để mua những máy bay hoàn toàn mới.

Bình luận về tin Việt Nam ký hợp đồng mua gần 100 triệu đô la vũ khí Mỹ hồi tháng 8/2018, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng nếu có thì không phải là những vũ khí lớn mà là những thiết bị quốc phòng như ra đa phòng không và phòng thủ bờ biển.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Không có rào cản nào trong việc mua vũ khí từ Mỹ cả.

Theo ông, trong tương lai chuyện mua vũ khí của Việt nam sẽ tiếp tục theo hướng đó, và không có rào cản nào trong chuyện Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.

Bình luận về vấn đề mua vũ khí Mỹ của Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng mặc dù chuyện đó là quan trọng, nhưng không phải là vấn đề lớn hiện nay trong quan hệ Việt Mỹ. Mà vấn đề lớn nhất là Mỹ cần có một đối tác chính danh là Việt Nam tại khu vực Biển Đông, Châu Á Thái Bình Dương để củng cố tiềm lực hàng hải mà Mỹ đã duy trì trong suốt vài trăm năm nay.

Theo Giáo sư Long, Mỹ đang cần một nơi dừng chân của tàu chiến trong khu vực Biển Đông, một khi mà quan hệ với đồng minh cũ Philippines không thể còn được đoán định một cách chắc chắn. Ông nói rằng chỉ cần một chuyến hải hành của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông là có thể đã tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ, vì vậy để một quốc gia đối tác dùng vũ khí Mỹ để bảo vệ quyền lợi chung của hai nước là vấn để rất dễ dàng nhìn thấy là vô cùng có lợi.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/arms-sale-vn-us-10192018120252.html

 

Việt Nam sẽ phê chuẩn TPP-không-có-Mỹ

vào tháng sau

Chính phủ Việt Nam hôm 18/10 cho biết họ sẽ phê chuẩn hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi vào năm ngoái vì lo ngại công nhân Mỹ mất việc làm.

Mười một thành viên còn lại đã nhất trí tiếp tục theo đuổi hiệp định này với một phiên bản chỉnh sửa sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rút lui và đổi tên thành hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày làm việc cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/10 cho biết ủy ban này sẽ cho ý kiến trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này.

Theo quy trình, sau khi Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10 và kéo dài tới giữa tháng 11.

Trước đó, trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Nhật hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều khả năng CPTPP sẽ hoàn tất trong năm nay.

“Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai”, ông Phúc nói.

Về khả năng mở rộng CPTPP, Thủ tướng Phúc cho biết, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước đối tác (như Anh, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc).

Vào tháng 3, chính phủ Thái Lan đã ngỏ ý muốn tham gia hiệp định này nhưng hiện đang vấp phải phản đối từ một số tổ chức dân sự trong nước.

Thủ tướng Nhật trong tháng này nói ông sẽ “dang rộng cánh tay” chào đón Anh tham gia hiệp định này trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang tiến gần tới việc hoàn tất các bước để ra khỏi Liên minh châu Âu.

Tháng trước, Việt Nam và Nhật – hai nước vận động tích cực để TPP-11 được tiếp tục – thúc giục Mỹ quay trở lại hiệp định thương mại. TPP khi còn có 12 thành viên, bao gồm cả Mỹ, bao trọn 40% kinh tế toàn cầu. Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP do sự tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ.

Hiệp định mới CPTPP, với 11 thành viên, chỉ chiếm 13,5% kinh tế toàn cầu.

CPTPP được ký kết tại Santiago, Chile, hồi tháng 3 năm nay. Mười nước thành viên khác trong hiệp định bao gồm: Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Úc.

Theo Bộ Công thương, CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây và sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị, đối ngoại và kinh tế.

Việt Nam kỳ vọng hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bàn, Úc, Canada, Mexico cũng như thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-se-phe-chuan-tpp-khong-co-my-vao-thang-sau/4620844.html