Tin Việt Nam – 20/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/09/2020

Tp HCM: Tuyên án vụ xử cho thuê ‘đất vàng’ không qua đấu giá

Một cựu phó chủ tịch Tp HCM cùng bốn người khác nhận các án tù từ 3-8 năm trong vụ xử gây thất thoát, lãng phí khu nhà đất thuộc tài sản Nhà nước.

Vụ xử liên quan khu nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 có tổng diện tích gần 5.000 m2.

“Lợi dụng quá trình sắp xếp tài sản nhà nước, các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hoài Nam, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út và Lê Thị Thanh Thúy đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước,” Hội đồng Xét xử (HĐXX) cho biết.

Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài lãnh án 8 năm tù.

Cựu giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đào Anh Kiệt bị tuyên phạt 5 năm tù, cựu bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Hoài Nam 4 năm tù và cựu phó phòng quản lý đất Sở Tài nguyên – môi trường Trương Văn Út 3 năm tù.

Các bị can thuộc cơ quan tài nguyên môi trường bị cho là đóng vai trò “tham mưu”.

Bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue, lĩnh án 5 năm tù.

Tòa nói bà Thúy biết rõ dự án 8-12 Lê Duẩn nằm ở vị trí đắc địa nên đã thành lập Công ty Hoa Tháng Năm nhằm tham gia đầu tư dự án tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn theo sau một quyết định “sắp xếp lại công sản”.

Ông Tài bị cho là phải chịu trách nhiệm chính vì đã “ký nhanh, ký nhiều” văn bản chấp thuận cho công ty của bà Thúy tham gia góp vốn đầu tư và đã giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá trong bối cảnh công ty của bà Thúy “không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm”.

Bà Thúy được dẫn lời nói tại tòa thừa nhận mối quan hệ quen biết với ông Tài để ông ký nhiều văn bản có lợi cho mình.

Trong khi Viện kiểm sát cho rằng các bị cáo gây thất thoát lãng phí hơn 1.927 tỉ đồng thì HĐXX xác định thiệt hại thực tế, số tiền nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo Tài là hơn 252 tỉ đồng.

Công ty Lavenue được mô tả là đã nộp vào ngân sách 647 tỉ để thực hiện ”nghĩa vụ tài chính”.

HĐXX nói hậu quả của vụ án “cơ bản được khắc phục toàn bộ” và cân nhắc về tình tiết giảm nhẹ trong đó ông Tài được mô tả là “từng tham gia cách mạng, mắc bệnh hiểm nghèo ung thư tuyến tiền liệt”.

Sáng 19/9 tại tòa, nói lời sau cùng, ông Nguyễn Thành Tài cho biết: “Đó là một cú sốc rất nặng đối với tôi. Một trải nghiệm có thể nói là vô cùng nghiệt ngã và cay đắng.”

“Tôi không đổ lỗi cho ai, do hoàn cảnh hay bất cứ người nào. Với tinh thần là một đảng viên 45 năm tuổi đảng, tôi sẽ chịu sự phán xét của kỷ luật Đảng, tôi vi phạm pháp luật thì tôi sẽ chịu sự xử lý của pháp luật. Tôi chỉ muốn nói rằng, đến giờ phút này ngay cả khi phát hiện những điều mình làm chưa tốt, tôi cũng đã cố gắng hết sức.”

“Tôi muốn nói một lời với đồng bào TP, tôi không bao giờ phản bội lại lý tưởng của mình, không bao giờ đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Tôi xin nhận trách nhiệm của mình, những thiếu sót, lỗi lầm mà tôi đã gây ra,”ông nói

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54226106

 

Một dân oan và một cựu viên chức bị bắt

vì cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Tin từ Việt Nam: Báo VietnamNet đưa tin đưa tin nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới bắt giữ dân oan Lê Văn Hải và cựu viên chức nhà nước Quách Duy với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì đăng tải nhiều bài viết trên Facebook có nội dung chỉ trích chế độ.

Vào ngày 18/9, công an tỉnh Bình Định đã bắt giữ dân oan Lê Văn Hải ở thành phố Quy Nhơn, một người từng đi khiếu kiện nhiều năm trời vì nhà cầm quyền thành phố tịch thu đất của gia đình ông để xây nhà máy giải quyết nước thải. Ông từng gõ cửa nhiều cơ quan nhà nước đòi được bồi thường thoả đáng về mảnh đất bị tịch thu, nhưng đơn từ của ông không được hồi đáp.

Ông Hải bị cho là sử dụng Facebook từ năm 2016 để đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung phỉ báng chế độ và bôi nhọ viên chức cao cấp của chế độ và địa phương.  Ông Hải, sinh năm 1966, sẽ bị tạm giam ít nhất 2 tháng để điều tra. Ông đối diện với án tù từ hai năm đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.

Trong cùng ngày, công an cộng sản tại Sài Gòn bắt giữ ông Quách Duy, chuyên viên Văn phòng uỷ ban của thành phố để điều tra về hành vi đăng tải một số bài viết trên trang cá nhân có nội dung xúc phạm lãnh đạo thành phố và nhiều viên chức cấp cao của chế độ.

Trước đó, vào tháng Năm vừa qua, ông Quách Duy bị Sở Thông tin Truyền thông tại Sài Gòn xử phạt hành chính số tiền 7.5 triệu đồng vì “đăng thông tin sai lệch liên quan đến lãnh đạo thành phố trên Facebook cá nhân.” Một tháng trước khi bị bắt, ông Duy bị khai trừ khỏi đảng cộng sản.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/mot-dan-oan-va-mot-cuu-vien-chuc-bi-bat-vi-cao-buoc-loi-dung-quyen-tu-do-dan-chu/

 

Cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng

 bỗng dưng trả lời truyền thông sau 4 năm im lặng

Tin Vietnam.- Kể từ khi tuyên bố về “làm người tử tế” trong buổi chia tay nhiệm kỳ làm thủ tướng Chính phủ Cộng sản Việt Nam vào năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng đã im hơi lặng tiếng một cách kỳ lạ suốt 4 năm nay.

Suốt 4 năm qua, chính trường Cộng sản xảy ra nhiều sóng gió, nhiều đàn em thân cận của ông Dũng bị phe đối thủ là Nguyễn Phú Trọng trả thù, cho vào “lò” nhưng ông Dũng vẫn giữ im lặng. Bỗng dưng vào ngày 19 tháng 9 năm 2020, cựu thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trên trang Vietnamfinance của hiệp hội công ty đầu tư ngoại quốc.

Đây là lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông một cách chính thức, trực diện của ông Dũng kể từ khi về hưu, mặc dù nội dung của bài viết chỉ xoay quanh việc ông Dũng ca ngợi đóng góp của ban Kinh tế trung ương Cộng sản đối với đối với đảng Cộng sản. Tuy nhiên, sự việc đã tạo ra nhiều đồn đoán trên mạng xã hội Facebook.

Nhiều Facebooker cho rằng, có thể điều này đánh dấu cho sự trở lại của ông Dũng, cũng đồng nghĩa với việc quyền lực của phe ông Nguyễn Phú Trọng, đã và đang yếu đi rất nhiều. Trên trang Facebook của blogger Bùi Thanh Hiếu viết rằng, quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng đang dần bị thất thế kể từ khi ông Trọng bị đột quỵ cho đến nay. Thay vào đó là quyền lực của phe Nguyễn Xuân Phúc, đang chiếm ưu thế. Mà Nguyễn Xuân Phúc trước đây được xem là đàn em của Nguyễn Tấn Dũng, Phúc đã được

Dũng nâng đỡ cho đến ngày bị thất thế phải tuyên bố từ dã chính trường. Tuy nhiên, do Phúc là một kẻ biết luồn cúi, nắm bắt cơ hội nên vẫn được Nguyễn Phú Trọng sử dụng.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/cuu-thu-tuong-csvn-nguyen-tan-dung-bong-dung-tra-loi-truyen-thong-sau-4-nam-im-lang/

 

Tử tế, ở đời….

Tuấn Khanh

Một trong những văn bản thất truyền, luôn là niềm tiếc nuối cho các nhà nghiên cứu sử Việt Nam, đó là Thất trảm sớ của quan văn Chu Văn An (1292-1370). Có thể văn bản đó đã bị hủy bởi triều đại của vua Trần Dụ Tông (1336-1369), hoặc bị nhà Trần lưu vào vào dạng văn bản tối mật, rồi thất lạc. Đời làm quan của bậc đại thần Chu Văn An không chỉ là trí tuệ, mà là sự thanh cao chính trực. Ngài được mời vào chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho con vua Trần Minh Tông (1300-1357), và được kính trọng như là một giảng sư vĩ đại của nhà Trần, đóng góp cho giáo dục và phát triển triết học Khổng tử (thời đó, triết học Khổng tử là nền tảng học thức của nhiều nước châu Á).

Đến đời vua sau, ngài Chu Văn An sớm nhận thấy đất nước loạn ly, quan lại trở thành một đảng phái, bao che cho nhau để cướp bóc, tàn hại dân lành, cướp đất giết người, xa hoa đạo đức giả. Kẻ gần gũi chính quyền, bị tội chỉ có kiểm điểm, cảnh cáo. Còn không, chỉ có thể bị xử tội khi phe nhóm thanh lọc lẫn nhau. Đã vậy, còn nổi lên những kẻ lạm dụng, nịnh hót rỉ tai, dối lừa che án.

Dù chỉ có chữ nghĩa và tấm lòng là quan trọng trong đời mình, biết cũng không thể chống lại nổi với hệ thống thị vệ và mật báo đã ăn tiền thuế thân, tô tức mà luôn phản dân hại nước, nhưng ngài Chu Văn An đã không ngại hiểm nguy, tự mình dâng Thất trảm sớ. Trong đó, sớ kêu gọi vua Trần Dụ Tông cho chém bảy gian thần hợp lại như một đảng phái, đang lũng đoạn đất nước.

Với kẻ cầm quyền không được nhân dân chọn lựa, tội ác, hưởng thụ, hãm hại lương dân, dí gươm cướp đất… là thảm nạn sinh ra không đếm sao cho xuể. Muôn đời vẫn vậy, cái ác vẫn luôn có thế đứng của chúng trên nỗi đau của nhân dân. Thất vọng vì lẽ đời bất toại, ngài Chu Văn An cáo lão từ quan, tự đặt cho mình biệt hiệu là “Tiều ẩn” (có nghĩa là người hái củi một mình, không muốn gặp ai). Từ lúc làm quan cho đến khi cáo lão về quê, và qua đời, ngài chưa bao giờ tự xưng mình là người tử tế.
Kể lại chuyện xưa, chỉ để nhắc lại rằng, ông Nguyễn Đức Chung, một trong những nhân vật chủ chốt của đại án Đồng Tâm, vẫn được vài cây bút nhận định rằng ông là một người tử tế. Mỉa mai thay, hai chữ “Tử Tế”, không thể cậy vào người khác tô vẽ cho mình, hay về hưu rồi có thể tuyên bố làm người tử tế.

Tử tế nơi quan trường là một vệt sáng trên nền trời tăm tối, chỉ có thể tạo ra tự nhiên bằng cuộc đời và hành động thật sự. Tử tế không thể có bằng suy đoán và tưởng tượng trong quan hệ chính trị.

Năm 2018, nhà báo Huy Đức từng viết trên Facebook ca ngợi về một tính cách tử tế của ông Chung, thông qua sự quen biết để dự báo về tương lai của Đồng Tâm. Năm 2020, nhà báo Nguyễn Như Phong thì ca ngợi tính cách tử tế của ông Nguyễn Đức Chung, qua nguồn tin riêng, cho là ông Chung đã không đồng ý âm mưu tấn công bất hợp pháp vào làng Đồng Tâm. Còn nhớ, tháng 2-2019, nhà báo Hoàng Hải Vân cũng có bài viết trên Facebook ca ngợi tính cách tử tế, sống có “tình huynh đệ” của Bộ Trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn. Và nếu thử dùng Google để tìm lại, chắc các bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều bài ngợi ca sự tử tế của ai đó, khi họ kết thúc vị trí chính trị của mình, từ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… đến cả Lê Đức Anh.

Tử tế không phải là lương bổng, cũng không phải là huân chương chiến công… nhưng khi đã sống đủ phần đời của mình, có cả danh và lợi, không ít các nhà làm chính trị vẫn cố vơ vào khái niệm đó của nhân dân. Thiếu phần đó, họ có vẻ như sợ chết không yên dưới nấm mồ, có thể vì sợ nhân dân quay mặt mỉm cười.

Với Nguyễn Đức Chung, từ thời làm giám đốc công an, phải nói rõ đó là một tay sắt máu. Dùng côn đồ để đánh đập luật sư, nhà báo, cựu đảng viên cộng sản… và tất cả những ai lên tiếng cho đất nước là một trong những phương thức lành nghề của ông.

Giai đoạn chuyển qua làm chủ tịch của Hà Nội, ông Chung cũng lừng danh không ít về việc làm ăn sân sau với công ty Nhật Cường, với chuyện lọc nước sông Tô Lịch, và cả sự lật lọng trong vụ án Đồng Tâm.

Vậy đó.

Tử tế, là sống ở đời, và là sống cả đời với ý nghĩa đó. Tử tế không thể được tô vẽ vài phút trên truyền hình, dăm ba trang báo, in thành sách… đã là có thật.

Tử tế thật là nhân dân nhìn nhận và kính trọng, thờ phụng. Hoa ở các ngôi mộ những người tử tế, nhân dân mang đến. Đền đài, nhang khói và tu sĩ của những kẻ ác, chỉ có tự dựng và hốt hoảng trong nỗi cô đơn.

À quên nói, văn bản Thất trảm sớ bị thất lạc, có thể do triều đình đời sau tự xấu hổ mà hủy đi. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài triều đại, tên những kẻ như vậy lại được đưa vào sách giáo khoa hay đặt tên đường…

————–
Đời sau không ai biết bảy “đảng viên” bị dâng sớ là ai. Nhưng trong truyện dã sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải thì bảy cái tên bị ngài Chu Văn An dâng sớ là:

– Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức

– Ngự y Trâu Canh (là Hán gian leo cao luồn sâu trong lãnh đạo)

– Chính chưởng phụng ngự Bùi Khoan

– Nội quan Văn Hiến

– Tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương

– Hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu

– Đổng binh Đoàn Nhữ Cẩu

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/kindness-life-09192020140013.html

 

Điểm tin trong nước sáng 20/9: Phó hiệu trưởng

cùng 3 người ‘mở tiệc’ ma túy trong trường;

Mùa đông bất thường?

Sa Pa xuống 10 độ,thấp nhất trong 63 năm

Tâm Tuệ

Mục Điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (20/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Phó hiệu trưởng cùng 3 ‘mở tiệc’ ma túy ngay tại phòng làm việc

Truyền thông trong nước hôm 19/9 dẫn tin từ Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết khoảng 22h ngày 17/9, công an huyện Pác Nặm bắt quả tang ông Dương Xuân Kiểm (52 tuổi), là Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng (huyện Pác Nặm), tổ chức sử dụng chất ma túy tại phòng làm việc của mình.

Thời điểm công an ập vào, ông đang cùng với 3 người khác là Lý Nguyên Bảo (47 tuổi) là giáo viên của trường, Mồng Văn Duy (32 tuổi, trú thôn Nà Bản) và Mã Văn Đới (trú tại xã Nghiên Loan) cùng nhau sử dụng ma tuý.

Khám xét tại chỗ, công an thu giữ 7 cục nhựa thuốc phiện, 2 lọ đựng sái thuốc phiện, 1 bộ dụng cụ sử dụng thuốc phiện, 1 gậy điện, 4 điện thoại di động…

Sau khi tiến hành test nhanh, cả 4 người này đều có kết quả dương tính với ma túy.

Phát hiện gần 1 tấn lợn và thịt lợn mắc dịch tả lợn châu Phi

Báo Vietnamplus tối 19/9 đưa tin, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang tối ngày 18/9 đã phát hiện một xe ô tô chở hơn 500kg thịt lợn đã bốc mùi hôi thối và 10 con lợn sống.

Ông Vũ Văn Bốn, trú tại xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là chủ phương tiện đồng thời cũng là chủ lô hàng trên cho biết đang trên đường vận chuyển về huyện Lập Thạch để tiêu thụ.

Kết quả xét nghiệm ngày 19/9 của Trung tâm Chuẩn đoán thú y Trung ương cho thấy tất cả số lợn và thịt lợn này đều có phản ứng dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nhà chức trách đã lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.

Bão số 5: Thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến đến trưa 19/9, bão số 5 đã làm 1 người ở Huế thiệt mạng, 1 người ở Quảng Trị mất tích, 110 người bị thương (riêng Thừa Thiên Huế 95 người).

Về nhà cửa, tại Thừa Thiên Huế có 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Có 22.562 nhà dân bị tốc mái (riêng Thừa Thiên Huế 21.283 nhà; Quảng Trị 1.091 nhà; Hà Tĩnh 168 nhà; Nghệ An 5 nhà; Quảng Bình 15 nhà). Có 3 điểm trường bị ảnh hưởng, 15 phòng học bị tốc mái.

Về nông nghiệp: 285ha lúa và hoa màu, 1.149ha cây lâm nghiệp; 300ha cây ăn quả, 40ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại.

Về điện lực và viễn thông:  36 cột điện bị gãy đổ, 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 3 trụ thông tin bị gãy, 15 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ.

Về giao thông: 5 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, một điểm trên quốc lộ 9 qua địa bàn huyện Đắkkrông, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở, 1 điểm trên tuyến đường 14G qua địa bàn huyện Đồng Giang, Quảng Nam bị sạt lở, 135 điểm đường liên xã thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở.

Hiện các địa phương vẫn đang thống kê đánh giá tình hình thiệt hại.

Mùa đông bất thường? Sa Pa xuống 10 độ, thấp nhất trong 63 năm

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai, đợt không khí lạnh tràn xuống Sa Pa từ đêm 17/9 đã khiến nền nhiệt ở địa phương này giảm sâu. Vào đêm 18/9 và sáng 19/9 là thời điểm không khí lạnh ảnh hưởng mạnh nhất đến Lào Cai khiến nền nhiệt giảm sâu nhất.

Thành phố Lào Cai và thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) giảm còn 23 độ, vùng núi Bắc Hà 19 độ, riêng Sa Pa xuống còn 10 độ. Đây là nhiệt độ xuống thấp tháng 9 trong vòng 63 năm qua tại Lào Cai, mức kỷ lục trước đó là 10,5 độ.

Theo thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai, trong tháng 9, nhiệt độ ở Sa Pa liên tục giảm thấp và phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.

Dự báo khoảng ngày 23/9, miền Bắc đón thêm một đợt không khí lạnh mới, tiếp tục gây mưa cho hầu khắp miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, trong đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to, nhất là khu vực vùng núi phía Bắc.

Cơ quan dự báo khí tượng nhận định, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên mùa đông năm nay đến sớm và lạnh hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là so với mùa đông năm ngoái – một mùa đông được đánh giá tương đối ấm.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-nong/diem-tin-trong-nuoc-sang-20-9-pho-hieu-truong-cung-3-nguoi-mo-tiec-ma-tuy-trong-truong-du-bao-mua-dong-bat-thuong-sa-pa-xuong-10-do-thap-nhat-trong-63-nam.html

 

Điểm tin trong nước tối 20/9: Sở GD&ĐT Bắc Kạn

nói về vụ phó hiệu trưởng dùng thuốc phiện

Hiểu Minh

Mục Điểm tin trong nước tối Chủ nhật (20/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Sở GD&ĐT Bắc Kạn nói về vụ phó hiệu trưởng dùng thuốc phiện

Trao đổi với Zing chiều 20/9, ông Sầm Văn Du, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, cho biết Sở đã nắm được thông tin vụ ông Dương Xuân Kiểm (52 tuổi, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học và THCS xã An Thắng, huyện Pác Nặm) sử dụng trái phép chất ma túy trong phòng làm việc cùng 1 giáo viên và 2 người khác.

“Sở đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pắc Nặm theo dõi vụ việc. Lãnh đạo Sở đang chờ kết quả điều tra từ phía công an để có hướng giải quyết”, vị lãnh đạo nói.

Trước đó, tối 17/9, Công an huyện Pác Nặm bắt quả tang ông Kiểm cùng 3 người khác, trong đó có một giáo viên của trường, đang cùng nhau sử dụng thuốc phiện tại phòng làm việc của vị phó hiệu trưởng.

Vụ việc khiến nhiều độc giả bức xúc khi người vi phạm trên là phó hiệu trưởng và giáo viên của trường Tiểu học và THCS.

“Không thể tin nổi luôn, rồi học sinh làm sao đây? Quá nguy hiểm khi các học sinh soi ‘gương’ một người thầy như này”, độc giả Văn Phương bình luận.

Đồng quan điểm trên, độc giả Nguyen Tri viết: “Thế này thì làm sao dạy được học sinh?”.

Người cha cầu cứu vì mất liên lạc với con gái lấy chồng Trung Quốc

Ngày 20/9, theo nguồn tin của báo Người Lao Động, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhờ hỗ trợ xác minh thông tin một phụ nữ ở địa phương lấy chồng Trung Quốc bị mất liên lạc với gia đình.

Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nhận được đơn yêu cầu của ông Nguyễn Văn T. (59 tuổi; ngụ xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) nhờ xác minh thông tin con gái sau khi gả chồng Trung Quốc đã mất liên lạc với gia đình.

Theo đơn yêu cầu, năm 2015, thông qua người mai mối tên Hiếu, ông T. đã gả con gái là Nguyễn Thị B. (31 tuổi) cho một người đàn ông Trung Quốc. Ngày 19/9/2015, đám cưới chị B. và người đàn ông trên được tổ chức tại một khách sạn ở TP.HCM.

Sau ngày cưới hơn 1 năm, gia đình ông T. và con gái vẫn giữ được liên lạc. Sau đó, cả hai mất liên lạc cho đến nay. Hiện, ông không nhớ con rể tên gì, chỉ biết ở tỉnh Phúc Kiến và gia đình cũng không thể liên lạc với người mai mối tên Hiếu.

Hà Nội đề xuất chi hơn 65 ngàn tỷ đồng làm tuyến metro số 5

Cũng theo Người lao động, UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 tuyến Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.

TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong 1 giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga. Hà Nội mong muốn được đầu tư tuyến đường sắt này bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP.

Đề xuất chi hơn 65 ngàn tỷ đồng làm tuyến metro số 5 được thiết kế có 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha. TP. Hà Nội dự kiến toàn tuyến sẽ khai thác khoảng 25 đến 40 đoàn tàu gồm 4 đến 6 toa, vận tốc thiết kế 120km/h và 90km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Hà Nội dự kiến khởi công dự án tuyến metro số 5 vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Chuyên viên phòng giáo dục bị cây đè tử vong

Theo báo Zing, Ngày 20/9, ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), cho biết người bị cây đè tử vong trong bão số 5 là ông Nguyễn Đức Bình (49 tuổi, chuyên viên phòng GD&ĐT).

Theo đó, sáng 18/9, ông Bình cùng nhân viên phòng GD&ĐT đang dọn dẹp đồ đạc khi bão đổ bộ. Lúc này, người nhà điện cho ông Bình thông tin nhà bị tốc mái.

Trong lúc điều khiển xe về nhà, ông Bình bị cây đổ lên người. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn chỉ cách nhà người này khoảng 20m.

Kè biển 300 tỷ sạt lở sau bão số 5

Sau bão số 5, khoảng 200m đê biển tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) bị sóng đánh hư hỏng, hở hàm ếch.

Ngoài vị trí từng được gia cố bằng lưới đá sau trận mưa bão năm 2019, đến nay, một dải cát ở khu vực này cũng bị sóng biển đánh vỡ.

Phần mái đê được gia cố bằng những mảng bê tông lớn cũng bị sóng đánh, xuất hiện những vết gãy dài hơn chục mét.

Ông Dương Văn Long (50 tuổi, thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) cho biết đợt lũ lụt năm 2019, đoạn kè này từng sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng nghìn hộ dân trong đê. Chính quyền sau đó dùng lưới đá gia cố tạm thời nhưng đến nay đoạn đê chưa được sửa chữa cẩn thận.

“Nếu một trận bão kèm triều cường dâng cao, đoạn kè sẽ khó trụ vững, gây nguy hiểm cho hàng nghìn hộ dân bên trong”, ông Long nói.

Nguồn tin trên cho hay, đoạn đê này là một phần của dự án kè biển chống xâm thực huyện Lộc Hà, có chiều dài 9km với số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-20-9-so-gd-nguoi-cha-cau-cuu-vi-mat-lien-lac-voi-con-gai-lay-chong-trung-quoc.html