Tin Việt Nam – 20/09/2018
Thêm 2 người lãnh án, 10 người bị điều tra
vì biểu tình chống Luật Đặc khu
Một tòa án ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hôm 18/9 tuyên án tù hai người vì tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu hồi tháng 6.
Ông Tạ Thành Duy, 47 tuổi, và ông Nguyễn Văn Ý, 32 tuổi, bị tuyên cùng mức án 1 năm 3 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng” khi tham gia cuộc biểu tình diễn ra ở Nha Trang vào ngày 10/6.
Báo Thanh Niên dẫn cáo trạng tòa án nói hai người này trong lúc tham gia biểu tình đã chặn xe du lịch, kích động người dân tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ông Duy và ông Ý cũng bị cáo buộc đã “hô hào, kích động” những người biểu tình và cùng họ ngăn cản, không cho công an bắt giữ một người đàn ông đã đấm vào kính của đoàn xe, “tạo điều kiện cho người này chạy thoát”.
Truyền thông trong nước nói hai người này đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Ngoài hai người này, Công an tỉnh Khánh Hòa hiện đang “củng cố hồ sơ” để xử lý thêm 10 người biểu tình khác về tội danh tương tự, theo báo Khánh Hòa Online.
Cuộc biểu tình tại Nha Trang nằm trong làn sóng biểu tình “lịch sử” diễn ra trên khắp các tỉnh thành Việt Nam hôm 10/6 để phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), trong đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất đến gần 100 năm. Người dân lo sợ sẽ “mất chủ quyền” một khi luật này được thông qua và các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào.
Hàng trăm người đã bị bắt trong cuộc biểu tình rầm rộ này và hàng chục người đã bị kết án sau đó.
Hiện Việt Nam chưa có luật biểu tình nên những người tham gia biểu tình thường bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Quanh việc bị mời lên đồn
vì bài viết trên Facebook
Sau khi đăng bài bày tỏ bức xúc về một mức phí đề nghị của trường học mẫu giáo nơi con trai đang theo học, hai vợ chồng ở Thanh Hóa đã bị công an mời lên làm việc vì “vi phạm luật An ninh mạng”.
Hôm 18/9, bà Lê Thị Mai và ông Lê Hữu Vinh đã bị công an mới lên đồn làm việc sau khi bài viết của bà Mai về việc trường mẫu giáo con trai bà theo học xin hỏi ý kiến phụ huynh việc mua góp tiền mua tivi.
Thư mời lên làm việc ghi rõ đề nghị ông Vinh và bà Mai lên công an xã Thọ Thanh vào sáng 19/9 để “làm việc về một số nội dung liên quan đến an ninh mạng, an ninh thông tin”.
Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN
HRW: ‘Hãy phủ quyết dự Luật An ninh mạng’
Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’
Bà Mai cho BBC biết bà đã lên làm việc theo thư mời nhưng nội dung buổi làm việc đã hoàn toàn khác những gì bà nghĩ.
Bức xúc vì phụ huynh bị yêu cầu đóng phí mua Tivi
Trước đó, bà Mai đã có một bài đăng trên Facebook được chia sẻ rộng rãi với nội dung về cuộc họp phụ huynh đầu năm hôm 15/9.
Cô giáo chủ nhiệm trường mẫu giáo có họp xin ý kiến phụ huynh về việc trường mẫu giáo mua tivi 43in với giá 9 triệu đồng và nhà trường sẽ hỗ trợ 50% với điều kiện gia đình mỗi em đóng góp 220.000 đồng và đồng thời miễn tiền quà lưu niệm cuối năm.
Bà Mai thuật lại rằng một số phụ huynh cho rằng con cái họ đang học lớp 5 tuổi, cuối cấp mẫu giáo, thời gian sử dụng rất ít.
Và một phụ huynh “chuyên cung cấp đồ điện tử, điện lạnh” nói tivi đó có giá thực tế là 6 triệu. Hội phụ huynh sẽ tự mua với mỗi gia đình sẽ góp 120.000 đồng và nhà trường trả 3 triệu còn lại.
Tuy nhiên hiệu trưởng trường phản đối điều này và nói nếu phụ huynh tự ý mua thì sẽ không được miễn tiền quà lưu niệm.
Bài đăng của bà Mai nhận được nhiều phản hồi ủng hộ từ các phụ huynh khác, cho đến khi có nhân viên công an đến nhà yêu cầu bà lên cơ quan công an xã làm việc.
Chia sẻ bài viết ‘phản động’?
Bà Mai cho biết tại buổi làm việc với ông Trần Đình Lộc, cán bộ công an huyện Thường Xuân, không xoanh quanh bài viết về cuộc họp phụ huynh mà về việc bà Mai đã chia sẻ lại một bài đăng từ Facebook Bill Nguyen Nguyen.
“Họ quy cho tôi là chia sẻ bài mang tính chất phản động, tuyên truyền chống phá Đảng và nhà nước, chống phá cách mạng, bôi các vị lãnh đạo đứng đầu nhà nước… gây hậu quả nghiêm trọng,” bà Mai kể lại.
“Nhân viên làm việc với tôi nói họ là phụ trách an ninh mạng, và họ làm theo luật.” bà Mai nói.
“Nhưng theo tôi biết, luật An ninh mạng còn chưa đi vào hiệu lực cơ mà?”
Bà Mai nói bà bị hỏi về thông tin của một số tài khoản Facebook bà kết bạn và bị đề nghị “chép lại lời nhân viên công an đọc” vào một tờ giấy, nhưng bà từ chối.
Sau khi ra về, bà Mai tiếp tục nhận được những cuộc gọi từ nhân viên công an yêu cầu cả vợ chồng bà 2 giờ chiều 19/9 phải lên trụ sở công an huyện làm việc, nhưng bà Mai lại tiếp tục từ chối dù bị đe dọa “bị gửi giấy triệu tập”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Theo báo Người Lao Động, Trưởng công an xã Lê Hữu Việt, người ký lá thư mời nói “có mời vợ chồng chị M. lên công an xã làm việc về một số nội dung, trong đó có cả thông tin về cuộc họp phụ huynh”.
Và “cấp phó đánh giấy mời ông không để ý”.
Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân nói nội dung trên Facebook bà Mai “không đúng sự thật.”
“Vì cuộc họp phụ huynh có một số ý kiến đưa ra bàn việc mua tivi, vì một số lớp tivi cũng đã hỏng. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến, nhà trường đã dừng và không có thu gì nữa cả. Công an mời lên là có 1 số nội dung bình luận không đúng, để chấn chỉnh thôi.”
Trường mầm non xã Thọ Thanh do bà Hà Thị Tự làm hiệu trường, và cũng là vợ của ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư Huyện Thường Xuân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45570952
CPJ lên án Việt Nam bỏ tù nhà báo
phanh phui các vụ cưỡng chế đất
Ủy Ban Bảo vệ Ký giả hôm 19/9 nói họ kịch liện lên án việc Việt Nam kết án nhà báo Đỗ Công Đương và kêu gọi chính quyền Hà Nội ngay lập tức thả ông một cách vô điều kiện.
Ông Đương, một người làm truyền thông độc lập, bị tuyên án 4 năm tù giam vì tội “gây rối trật tự công cộng” hôm 17/9 theo điều 318 của Bộ Luật Hình sự.
“Nếu Việt Nam muốn được nghiêm túc coi là một thành viên quốc tế có trách nhiệm thì họ phải ngừng bỏ tù các nhà báo,” Shawn Crispin, đại diện cấp cao về Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói trong một thông cáo được phát đi từ Bangkok, Thái Lan.
Theo Luật sư bào chữa Hà Huy Sơn, ông Đương không phạm tội và nhận định rằng chính quyền đưa ra bản án 4 năm tù đối với ông Đương nhằm “răn đe những người dân” mà họ cho rằng “có ý kiến phản đối các chính sách của chính quyền địa phương.”
Ông Đương, 54 tuổi, bị bắt hôm 24/1 sau khi đã ghi hình một cuộc cưỡng chế đất ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, theo thông tin được đưa ra tại tòa án hôm 17/9. Theo những người dân phản đối vụ án, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định thu hồi đất “trái thẩm quyền” và “trái luật.”
Cưỡng chế thu hồi đất là một vấn đề chính trị tế nhị ở Việt Nam nơi Đảng Cộng sản cầm quyền, theo nhận định của CPJ, tổ chức có trụ sở chính ở New York, Mỹ.
“Hành vi của ông chỉ là việc đi chụp ảnh, giám sát việc cơ quan công quyền thực hiện thu hồi đất thôi. Chứ ông không chống người thi hành công vụ, không đồng phạm với ai cả để mà gọi là gây rối trật tự công cộng,” theo LS Sơn. “Và tại tòa tôi nói rằng là cơ quan điều tra không có bằng chứng chứng minh hành vi đó của ông Đương”.
Giới hoạt động chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho thấy, trong vòng ít nhất từ tháng 1/2017 đến nay, ông Đương đã sử dụng Facebook và một số trang mạng khác để nói về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nhất là ở thị xã Từ Sơn.
Trong khi đó, những trang web của những người thân chính quyền lại cho rằng các bài viết hoặc các đoạn video của ông truyền đi nội dung “không đúng sự thật”, “đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách” của đảng và nhà nước, hoặc “kích động quần chúng”.
Ông Đương còn phải đối mặt với một cáo buộc khác là tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để xâm hại các lợi ích của Nhà nước theo điều 331 của BLHS sửa đổi 2015. Nếu bị kết tội, ông Đương có thể đối mặt với án phạt lên tới 7 năm tù giam. Theo 88 Project, một nhóm chuyên theo dõi các tù nhân chính trị ở Việt Nam, nói phiên tòa sử ông Đương cho cáo buộc này dự kiến diễn ra vào tháng 10.
Thời gian gần đây, tòa án trong tay chính quyền Việt Nam liên tiếp tuyên những bản án nặng dành cho giới đấu tranh.
Chỉ từ tháng 7 đến nay, các tòa án ở các địa phương khác nhau kết án hoặc tuyên y án các ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mục sư Đinh Diêm 16 năm tù, nhà giáo về hưu Đào Đình Thực 14 năm tù, Nguyễn Trung Trực 12 năm tù, và Nguyễn Văn Túc 13 năm tù.
Cư dân Hapulico phản đối
Ban quản lý nói họ bị Việt Tân xúi giục
Nhiều cư dân sống tại chung cư Hapulico bức xúc khi Ban Quản lý tòa nhà phát loa cảnh báo rằng người dân ở đây bị tổ chức khủng bố Việt Tân kích động.
Tin cho biết khoảng 2 tuần qua, hơn 400 hộ dân Hapulico đã có đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng, đồng thời tập họp nhau đề nghị Ban Quản lý chung cư và Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico giải quyết hàng loạt vấn đề vướng mắc trong việc điều hành quản trị tòa nhà.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, chung cư này có khoảng 800 hộ dân. Sau gần 4 năm hoạt động, năm 2017 Ban Quản trị tòa nhà được bầu ra, tuy nhiên nhiều cư dân cho rằng Ban này được bầu không đúng quy định, làm việc thiếu trách nhiệm, thành viên Ban Quản trị là người của chủ đầu tư, không đứng về phía cư dân.
Từ giữa tháng 8/2018, khoảng 400 hộ dân Hapulico đã gửi kiến nghị tập thể đến Ban Quản trị tòa nhà đề nghị phải đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy một số khu nhà trong chung cư, đảm bảo giao thông nội khu vì tình trạng hỗn loạn và tắc nghẽn mỗi ngày do hoạt động của bãi xe tải chợ thuốc.
Sau khi bị cư dân khiếu nại, Ban Quản lý chung cư đã gửi đơn tới công an, đồng thời phát loa cảnh báo gắn trong chung cư với nội dung: “Không loại trừ sự việc trên có sự tham gia của tổ chức phản động Việt Tân có âm mưu phá hoại, lợi dụng cư dân kích động biểu tình, gây rối”.
Việt Tân bị chính phủ Việt Nam cho là một tổ chức khủng bố, hoạt động khủng bố nhằm mục đích phá hoại chính quyền Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại, gây chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi cố gắng liên lạc với Việt Tân qua điện thoại để hỏi thêm thông tin nhưng không có người bắt máy.
Lâu nay, mỗi khi có những cuộc biểu tình của người dân phản đối về đường lối, chính sách của Nhà Nước hay tình trạng đàn áp, bất công thì họ thường bị vu cho là Việt Tân kích động, xúi giục như trường hợp cư dân Chung cư Hapulico vừa nêu.
Hơn 500 giáo viên tỉnh Đắk Lắk
gửi tâm thư lên Thủ tướng Việt Nam
Vào ngày 20 tháng 9, hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vừa gửi thư lên Thủ tướng Việt Nam khẩn cầu xem xét lại việc kết thúc hợp đồng lao động của những giáo viên này vào ngày 30 tháng 10 tới đây.
Trong thư, các giáo viên bày tỏ sự thất vọng đối với Ủy Ban Nhân Dân huyện Krông Pắk khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng của 550 giáo viên, đồng thời nêu lên những khó khăn mà các giáo viên này phải vượt qua để tiếp tục thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng của họ.
Bên cạnh đó, những giáo viên này khẳng định rằng lỗi này là từ phía những người ra quyết định ký tuyển dụng giáo viên, nên khi sai sót xảy ra, dù những người ký quyết định bị phạt cảnh cáo, nhưng hậu quả nặng nhất thì các giáo viên phải gánh chịu, bị mất đi kế sinh nhai.
Truyền thông trong nước cho biết, từ năm 2010 – 2016, ba Chủ tịch Huyện Krông Pắk đã ký dư hơn 578 hợp đồng giáo viên, mặc dù biên chế huyện chỉ đủ cho 83 hợp đồng.
Sau đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Lắk đưa ra kết luận thanh tra Chính phủ cho biết trong số 578 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk thì chỉ có 28 giáo viên trúng tuyển hợp đồng lao động trong ngày 18 tháng 6. Do đó, 550 giáo viên còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Krông Pắk từng nói với truyền thông trong nước rằng địa phương sẽ có những dự án đào tạo chuyển đổi ngành nghề và chính sách hỗ trợ cho các giáo viên bị thôi việc. Tuy nhiên mức phí 7-8 tỷ đồng cho đề án hỗ trợ đã không được phê duyệt nên theo bà, hiện huyện Krông Pắk chỉ có thể trích ngân sách khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ cho những giáo viên này.
Út “Trọc” xin giảm án
Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 20/9.
Ông Đinh Ngọc Hệ, còn gọi là Út Trọc, bị Tòa án Quân Khu 7 tuyên án 12 năm tù giam với cáo buộc ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức’ hôm 31/7/2018.
Tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Đinh Ngọc Hệ là cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ quốc phòng. Công ty này là chủ nhiều dự án BOT trong cả nước.
Ba đồng phạm của ông Hệ cũng bị tuyên án về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’. Ông Trần Văn Lâm bị tuyên 5 năm tù, ông Trần Xuân Sơn 18 tháng tù treo và thử thách 36 tháng, ông Bùi Văn Tiệp 24 tháng tù treo, thử thách 48 tháng. Riêng ông Phùng Danh Thắm, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị hai năm tù cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các ông Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn không kháng cáo và chấp nhận bản án.
EVFTA: 32 dân biểu Nghị viện EU
kêu gọi VN cải thiện nhân quyền
Chính khách khắp nơi ngày càng mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Mới đây nhất, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã gửi thư ngỏ thúc giục chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền trước khi có thể được phê chuẩn để tham gia Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Bức thư cho hay, sau cuộc họp ngày 25/6 với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trần Tuấn Anh, Ủy viên Thương mại Malmström đề cập đến “cam kết rõ ràng của Việt Nam về tôn trọng nhân quyền và tuân thủ các quy ước của Tổ chức Lao động Quốc tế “.
Theo nội dung bức thư được công bố, Nghị viện châu Âu cũng từng nhiều lần bày tỏ lo ngại và hoài nghi về việc Việt Nam thực hiện các cam kết về nhân quyền. Rằng các quy định lỏng lẻo về an ninh quốc gia đã bị lợi dụng để đàn áp người bất đồng chính kiến ôn hòa, và bỏ tù nhiều người bảo vệ nhân quyền.
RSF kêu gọi VN thả blogger Ngô Văn Dũng
Phúc thẩm Nguyễn Văn Túc: ‘Bản lĩnh, không xin xỏ’
Quảng Bình xử ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù
“Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành quyền lực năm 1954, đảng này chưa bao giờ cho phép tự do bầu cử. Ngành tư pháp, truyền thông, internet, hoạt động của giới xã hội dân sự bị kiểm duyệt gắt gao. Trong khi đó, công đoàn độc lập không được phép hoạt động,” bức thư có đoạn.
“Để đảm bảo tôn trọng các cam kết nhân quyền của Liên minh châu Âu (EU), các thành viên của Nghị viện châu Âu đề xuất EU xem xét một loạt các điều khoản về nhân quyền mà Việt Nam cần đạt được trước khi EVFTA được gửi cho Quốc Hội để xem xét thông qua.”
Cụ thể, các dân biểu yêu cầu Việt Nam bãi bỏ nhiều điều khoản của Bộ Luật hình sự Việt Nam nhằm đảm bảo tuân thủ Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và tôn trọng quyền con người.
Các dân biểu cũng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhiều nhà bất đồng chính kiến như ông Thích Quảng Độ; blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hóa, Trần Huỳnh Duy Thức, và nhiều nhà hoạt động khác.
Thư cũng đề cập đến việc Việt Nam cần sửa đổi Luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo.
Trước đó, tại Hoa Kỳ, hồi đầu tháng Chín, Thượng Nghị Sĩ Dean Tran thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, công bố bức thư ngỏ gửi Tổng thống Donald Trump bày tỏ lo ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam.
Bức thư được 34 vị dân cử của Massachsetts đồng ký tên có đọan viết:
“Trong suốt thời gian giữ chức vụ chủ tịch nước cho đến nay, ông Trần Đại Quang đã nhiều lần cho thấy ông không có chút quan tâm nào đến nhân quyền của người dân Việt Nam. Chúng ta không cần phải tìm hiểu sâu xa để có thể thấy chính quyền Việt Nam đang kiểm duyệt các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook và Google một cách trắng trợn. Chúng ta có thể thấy rằng, người dân Việt Nam không được hưởng quyền tự do để bày tỏ tương tự mà công dân Hoa Kỳ đang có.”
Thư cũng đề cập đến sự mất tự do tín ngưỡng ở Việt Nam, khi người dân phải đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền và chờ xem có được xét duyệt hay không.
Trước đó nữa, các tổ chức như Phóng viên Không Biên giới, Tổ chức theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đã liên tiếp gửi đi các thông cáo kêu gọi thả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trên khắp Việt Nam.
Bắt bớ và giam cầm
Sự quan tâm của quốc tế trước tình hình nhân quyền Việt Nam đến vào lúc hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục bị đem ra xét xử.
Cùng lúc đó là tin tức trên mạng xã hội về các vụ tuyệt thực của tù nhân chính trị để phản đối các chính sách hà khắc trong trại giam.
Mới đây nhất là phiên xử phúc thẩm ông Nguyễn Văn Túc hôm 18/9, y án sơ thẩm 13 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Trước đó gần một tuần, ông Nguyễn Trung Trực cũng chịu y án sơ thẩm 12 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Các phiên phúc thẩm xử người bất đồng chính kiến thường kết thúc với kết quả như được báo trước: giữ nguyên án sơ thẩm.
Dư luận mạng vừa qua cũng ồn ào với việc tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực tới ngày thứ 33 để phản đối trại giam ra các chính sách vô lý, đồng thời yêu cầu được thả tự do theo luật định.
Trước đó nữa là vụ chiếu phim tài liệu Mẹ Vắng Nhà – cuốn phim về đời sống của bà Tuyết Lan và hai con blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kể từ khi bà Quỳnh đi tù. Phim bị hủy chiếu ngay trước buổi chiếu dự kiến ở CLB Nhà báo Quốc tế ở Bangkok, Thái Lan. Trong khi gia đình Mẹ Nấm thông tin về việc bà bị áp bức, tra tấn tinh thần trong tù.
Ngoài ra, còn một số vụ cáo buộc chính quyền Việt Nam bắt người không rõ nguyên nhân. Nhiều trường hợp đến nay bặt vô âm tín, như vụ blogger Ngô Văn Dũng, hay Việt kiểu Mỹ Michael Nguyễn.
Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Theo dõi nhân Quyền quốc tế, tới nay vẫn còn gần 150 tù nhân chính trị đang bị giam cầm trên khắp Việt Nam.
Trong khi đó, các vụ bắt giữ và xét xử mới vẫn đang tiếp diễn.
Truyền thông trong nước phần lớn không đăng tải các thông tin như Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, phim Mẹ Nấm bị cấm chiếu, hay các vụ blogger ‘mất tích’.
Trong khi đó các phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến thường được tường thuật trên báo Việt Nam với các cáo buộc như ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45569852
‘Giáo dục Việt Nam đang rất cần
một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia!’
Cát Linh, RFA
Công trình giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại được gọi tên là chương trình Công nghệ Giáo dục với cách đánh vần “vuông, tròn, tam giác” là đề tài được tranh luận rất sôi nổi trong những tuần vừa qua. Rất nhiều ý kiến chỉ trích về chương trình có thời gian thực nghiệm trong suốt 40 năm qua. Động thái này cho thấy người dân trong nước đang thể hiện sự hoang mang về nền giáo dục của nước nhà.
Từ đó, câu hỏi lớn được đặt ra là Giáo dục ở Việt Nam đang ở đâu và đang cần gì?
RFA có dịp trao đổi với Tiến sĩ Nghiêm Thuý Hằng, PGĐ trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và được bà chia sẻ ý kiến về vấn đề này qua thư điện tử như sau.
RFA: Một công trình giáo dục vốn đã được thực nghiệm trong suốt 40 năm, đến nay mới bùng nổ ‘1 cơn địa chấn” và những phản biện. Điều này cho thấy sự hoang mang của xã hội, của người dân có chính đáng hay không , liệu họ có đang thật sự là nạn nhân của công nghệ giáo dục?
Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang bàn thảo việc chỉnh sửa luật Giáo dục, thảo luận, trưng cầu ý kiến chuyên gia và ý kiến nhân dân để có quyết định cuối cùng về hai vấn đề cực kỳ thiết thân với hàng chục triệu gia đình Việt Nam, đó là vấn đề tổ chức kỳ thi PTTH, lấy kết quả vào đại học và vấn đề chương trình, sách giáo khoa mới 2020 , không khó hiểu tại sao cuốn sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục lớp 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại gần đây đã trở thành một chủ đề rất nóng, “một cơn địa chấn” tiếp ngay sau cơn địa chấn gian lận thi cử hiện vẫn chưa hết chấn động và bàng hoàng trong xã hội , kéo theo những phản biện trên mạng xã hội và trên báo chí cả trong và ngoài nước từ cả những người trước đây rất ít khi lên tiếng.
Tuy rất kính trọng tâm huyết của GS Đại, nhưng mới thiết kế lên đến được lớp 3 thì làm sao giúp người học tiếp tục leo lên đỉnh cao của lâu đài trí tuệ và cảm xúc. Nó khiến tất cả các học sinh từng đi theo GS Đại tiếp tục phải bò trên những cái thang khác, nhờ những người thày khác mới có tương lai và có hôm nay. – TS Nghiêm Thuý Hằng
Sau 40 năm thực nghiệm, công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại đã phần nào khẳng định được vị thế của mình với tư cách một “ phòng thí nghiệm” đổi mới, đào tạo sản phẩm con người tự do, có tư duy khai phóng, “ là chính nó” theo lời của chính GS Đại, không chịu sự áp chế của bố mẹ hay thầy cô. Đây đồng thời cũng là một kênh thử nghiệm những cái mới trong giáo dục của Bộ giáo dục Việt Nam. Chính từ cái nôi ban đầu này đã đào tạo ra một thế hệ học trò tài năng và thành đạt, có những đóng góp nhất định cho xã hội, góp phần khẳng định sự thành công của mô hình thực nghiệm này trong hoàn cảnh kinh tế xã hội đặc thù từ thập kỷ 70.80, với phân khúc học sinh có bố mẹ phần lớn là những trí thức và quan chức trong xã hội Việt Nam thời đó. Hay nói cách khác, mô hình này từng được coi là nhóm học sinh được hưởng ưu đãi và đặc quyền đặc lợi từ mô hình thực nghiệm với các thày cô giỏi, được tuyển chọn rất kỹ từ trường sư phạm, nhiều thày cô đồng thời là cán bộ của Viện Khoa học giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục .
Trong bối cảnh năm 1978, Việt Nam bị bưng bít thông tin và vô cùng khó khăn do bị Mỹ cấm vận, Trung Quốc quay lưng , mô hình công nghệ giáo dục có thể coi là một luồng gió mới tươi mát cho giáo dục đào tạo Việt Nam thời đó. Trong muôn vàn ý kiến phản biện từ phụ huynh và cựu học sinh cũ của trường Thực nghiệm, trong đó có cả một đại biểu quốc hội công khai bênh vực, không khó để nhận thấy phần đông họ đều tỏ ý hài lòng, mến trường mến lớp, nhớ ơn thày cô. Thậm chí ngày nay có nhiều cựu học sinh lại tiếp tục tín nhiệm gửi con cho trường thực nghiệm hoặc hệ thống CDG hiện vẫn đang sử dụng bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Với bộ phận học sinh trước đây do thày Đại trực tiếp dạy dỗ và quản lý, không có cơ sở để cho rằng họ là nạn nhân của công nghệ giáo dục, trái lại họ là người hưởng lợi và có vẻ rất thỏa mãn, hài lòng.
Một số thày cô từng tham gia dạy thực nghiệm thời kỳ đầu cho công nghệ giáo dục như GS.TS Nguyễn Minh Thuyết và một số cộng sự đã tham gia làm bộ sách cải cách năm 2000 và hiện đang được tham gia làm tổng chủ biên bộ sách giáo khoa mới với kỳ vọng góp phần “đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục Việt Nam” . Trước tiên cần sơ bộ khẳng định, việc hiện nay giáo dục Việt Nam có một số đổi mới theo xu thế của Phương Tây như không chấm điểm tiểu học , việc chuyển đổi từ mô hình học Văn kèm theo học làm người trước đây sang mô hình học như một nhà Việt ngữ học, ngôn ngữ học nhí, có sách Tiếng Việt riêng, sách tập làm văn riêng, được GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn nhận xét rất hài hước là ‘không giống ông cha vẫn dạy mà giống như dạy cho người ngoài hành tinh” có dấu hiệu ban đầu là xuất phát từ thực tiễn dạy thực nghiệm của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và thành quả nghiên cứu của đội cán bộ giáo dục đi học từ Nga về. Điều này nếu muốn khẳng định có hay không, chắc cũng cần Bộ giáo dục đứng nghiên cứu, kiểm chứng thêm mới rõ được. Đây có thể coi như một lần tổng kết kinh nghiệm thực nghiệm 40 năm, phàm là làm khoa học trăm năm trồng người, nhất định cần phải có tổng kết nghiêm túc, huống hồ mô hình này giờ đã thành đại trà, lan ra tận 800.000 cháu, không thể không nghiên cứu cẩn thận nghiêm túc và trả lời cho bố mẹ các cháu rõ.
Triết lý giáo dục “ Đi học là hạnh phúc” của GS Hồ Ngọc Đại nghe có vẻ hấp dẫn, có ai trên đời này từ lớn đến nhỏ không truy cầu hạnh phúc đâu. Triết thuyết “Mỗi buổi sáng học sinh đi từ nhà đến trường rồi lại đi từ trường đến nhà” đã chỉ rõ yếu tố thời gian là tuyến tính, mất là mất không bao giờ quay trở lại, vậy nên cần trân trọng từng giai đoạn phát triển, khai mở đúng lúc phẩm chất và năng lực của trẻ em, triết thuyết này cũng hoàn toàn phù hợp với đường hướng giáo dục nâng cao phẩm chất năng lực người học hiện nay. – TS Nghiêm Thuý Hằng
Triết lý giáo dục “ Đi học là hạnh phúc” của GS Hồ Ngọc Đại nghe có vẻ hấp dẫn, có ai trên đời này từ lớn đến nhỏ không truy cầu hạnh phúc đâu. Triết thuyết “Mỗi buổi sáng học sinh đi từ nhà đến trường rồi lại đi từ trường đến nhà” đã chỉ rõ yếu tố thời gian là tuyến tính, mất là mất không bao giờ quay trở lại, vậy nên cần trân trọng từng giai đoạn phát triển, khai mở đúng lúc phẩm chất và năng lực của trẻ em, triết thuyết này cũng hoàn toàn phù hợp với đường hướng giáo dục nâng cao phẩm chất năng lực người học hiện nay. Thế nhưng , cái dở chết người của hệ thống này là tính không toàn vẹn, không thành chỉnh thể, lỗ mỗ đỗ lạc, điển hình kiểu tư duy làm khoa học theo kiểu tiểu nông, đánh trống bỏ dùi, thiếu tinh thần khoa học. Tuy rất kính trọng tâm huyết của GS Đại, nhưng mới thiết kế lên đến được lớp 3 thì làm sao giúp người học tiếp tục leo lên đỉnh cao của lâu đài trí tuệ và cảm xúc. Nó khiến tất cả các học sinh từng đi theo GS Đại tiếp tục phải bò trên những cái thang khác, nhờ những người thày khác mới có tương lai và có hôm nay. Menđen nghiên cứu với đậu Hà Lan, Pieget nghiên cứu ngay với chính ba đứa con của mình, cả hai ông đều phải ghi chép cẩn thận rồi công bố quốc tế, đó mới là tinh thần vì con người và tinh thần khoa học chân chính.
Thày thiết kế, trò thi công thì người biết thiết kế vẫn chỉ là thày, nguy hại hơn nữa, chỉ một mình ông Hồ Ngọc Đại thiết kế, không cho các thày cô khác hay bố mẹ can dự vào thiết kế, trò chỉ có thi công thôi, mà mới thi công được đến tư duy lớp 3, làm được mấy vần thơ non nớt, học được thêm mấy cái cơ số khác ngoài cơ số 10, biết đến ánh xạ thôi thì sau làm nên được trò trống gì đây? Sự thành công nếu có của người học có lẽ nằm nhiều ở môi trường giáo dục và thày cô, thậm chí có thể nằm ở yếu tố gene vì theo nghiên cứu của Mỹ, gene chiếm tới 70% yếu tố thành công của người học, chưa chắc đã nằm ở bản thân công nghệ giáo dục.
Một tác dụng phụ nữa có thể có của công cuộc thực nghiệp và lôi lý thuyết giáo dục của Liên Xô cũ áp dụng vào để cải cách giáo dục Việt Nam , góp phần khiến giáo dục Việt Nam đi chệch quỹ đạo lành mạnh và tiến bộ trước đó, làm mất đi sức mạnh Việt Nam đến từ triết lý giáo dục tiến bộ ” Học đi đôi với hành” do chủ tich Hồ Chí Minh đề xướng tại Miền Bắc và triết lý “Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng” rất được người dân ca ngợi tại Miền Nam. Đây là một điều thực sự đáng tiếc, từ đây các cuộc cải cách giáo dục có một số biểu hiện mất phương hướng, đi chệch đường lối giản tiện dễ học và hiệu quả, hun đúc hồn cốt Việt, tinh thần yêu nước , nhường cơm sẻ áo của người Việt . Chương trình cải cách 2000 tốn rất nhiều tiền của, hơn nữa còn là tiền bóp bụng đi vay nước ngoài, nhưng ngày càng bị người dân phàn nàn quá tải, khó học khó nhớ, sinh ra tệ nạn tái mù chữ, ngồi nhầm lớp diện rộng lên tới 650.000 em trên tổng số 2.000.000 vào thời năm 2006 và vấn nạn học thêm khá nhức nhối xã hội Việt Nam suốt cho đến bây giờ chưa dứt.
Cần ghi nhớ, mỗi học sinh vào trường thực nghiệm GS Hồ Ngọc Đại đều đo nghiệm cẩn thận, không phải cháu nào cũng có tư duy và năng lực phù hợp, những cháu bị loại là những cháu có nguy cơ không phù hợp với công nghệ giáo dục, Theo trí nhớ của một bạn có chồng học thực nghiệm kể lại, năm bạn đó học, trường thực nghiệm có 4 lớp, 2 lớp học công nghệ giáo dục, 2 lớp dạy SGK đại trà, mỗi lớp khoảng 40 bạn, thế nhưng khi bạn rời trường thực nghiệm để lên cấp 3, cả 4 lớp chỉ còn lại vẻn vẹn 27 bạn, như vậy số lượng các bạn chuyển sang trường khác khá nhiều, cần tìm hiểu nguyên nhân chuyển đi mới đánh giá đúng hiệu quả của chương trình công nghệ giáo dục. Theo nhà toán học Phan Hà Dương, những kiến thức đại số mà trường Thực nghiệm dạy cho con cô, con cô đều quên hết chứ không đọng lại được trong đầu.
Với mô hình xuất phát điểm là thực nghiệm, sau đó thí điểm dạy cho các cháu dân tộc thiểu số, việc chương trình được chuyên gia nhận xét đánh giá là “ không phù hợp lứa tuổi”, “trái với nguyên tắc dạy hoc tiếng mẹ đẻ, có những quan niệm lệch lạc như “ chân không về nghĩa” mà Bộ Giáo dục- Đào tạo, cụ thể là các ông nguyên thứ trưởng và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển và sau này là ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký phê duyệt cho đưa ra sử dụng đại trà ồ ạt tại nhiều tỉnh thành dưới hình thức “ tự nguyện” qua các Sở, Phòng giáo dục là việc làm rất không thận trọng, nếu không nói là rất tắc trách và đáng trách. Với đội ngũ giáo viên chất lượng chưa cao, dạy nhiều khái niệm, thuật ngữ chưa chính xác, lại không công khai minh bạch trong việc bán sách với giá đắt hơn nhiều so với chương trình phổ thông , điều này là tước mất quyền tự quyết của bố mẹ các cháu và có thể gây ra rủi ro cho nhiều cháu trong số 800.000 cháu đang theo học, một con số không hề nhỏ. Việc bỏ tiền túi ra “ lách luật” nếu có của Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là việc làm “ chưa đúng qui trình” và tắc trách của quan chức Bộ giáo dục. Có thể nói trong điều kiện thầy cô không bảo đảm nghiệp vụ, không ít trong số này có thể tiềm tàng rủi ro và trở thành nạn nhân của Công nghệ giáo dục.
RFA: Theo Tiến sĩ, câu chuyện “tròn, vuông, tam giác” đã thể hiện một thực tế như thế nào về bản chất của nền giáo dục sau 40 năm thực nghiệm ?
Ở đây cần phân biệt rạch ròi mô hình công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại trên tư cách cá nhân một nhà khoa học làm thực nghiệm giáo dục trên con người với mục đích đào tạo ra con người mới, là chính nó, không bị áp đặt từ bố mẹ hay thầy cô với công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam 40 năm qua. Hai tiến trình này song song đồng hành với nhau nhưng đặt nền tảng trên những lý thuyết nền và mô hình giáo dục rất khác nhau, không nên đánh đồng hay lẫn lộn với nhau, cũng không dùng cái nọ để đánh giá hay chỉ trích bản chất của cái kia, không râu ông nọ cắm cằm bà kia được.
Các chuyên gia và dư luận chỉ ra rằng các hình vuông, hình tròn, tam giác trong sách bắt nguồn từ mô hình Elconin dạy cho trẻ có khó khăn trong nhận diện ngôn ngữ hoặc có thể dùng cho trẻ câm điếc. Điều này có thể khiến một số người dị ứng, không thích, nhưng nhìn bằng con mắt của các nhà ngôn ngữ học, ký hiệu học thì thấy nó “ vẽ rắn thêm chân”, “phù phiếm”, không cần thiết do tiếng là đơn vị hiển nhiên trong Tiếng Việt, trẻ nào cũng nhận thức được. Nếu nói đây là phương pháp để dạy trẻ đọc thơ lục bát và các thể thơ khác, dạy trẻ tập đếm số tiếng, tăng thêm hứng thú học tập của trẻ thì cũng không sao. Điều đáng nói ở đây là tính chưa chặt chẽ, nghiêm túc trong tư duy khoa học, các hình tròn, hình vuông, hình tam giác như các “vật thật” này được dùng lẫn lộn với nhau, chưa rõ lý do tại sao những câu thơ này dùng hình tròn biểu đạt, câu khác lại do tam giác biểu đạt. Công nghệ giáo dục chú trọng dạy trẻ tư duy độc lập, nhưng tư duy với hình khối kiểu này là tư duy tùy tiện ngẫu hứng, chưa phải tư duy khoa học thật sự. Sách dùng màu giống nhau để dạy cho trẻ những tiếng có nghĩa giống nhau, nhưng ngược lại, nhiều chữ khác có nghĩa khác nhau lại có dùng một màu. Hệ thống ngôn ngữ vốn là vật thay thế cho hiện thực khác quan, nhưng thôi cứ tạm coi ngôn ngữ là tín hiệu , là vật thật còn chữ là vật thay thế thì các hình vuông, hình tròn tam giác này chưa thể hiện được sự khu biệt giữa các ký hiệu ngôn ngữ khác nhau. Nếu trẻ hỏi tại sao thì rất khó giải thích tại sao câu thơ này dùng toàn hình vuông, câu thơ khác lại toàn hình tam giác, tại sao nhiều chữ nghĩa khác nhau mà màu lại giống nhau, các ông bố bà mẹ thấy hoang mang là chính đáng. Cách làm thiếu khoa học này có thể có nguy cơ làm hủy hoại tư duy logic về sự tương đồng và khác biệt, về tính tầng bậc của trẻ. Trong ngữ âm học, âm tiết phải khác với âm vị, một chữ cái phải khác với một từ ở trong tiếng Việt, nhưng sách của thày Đại không phân biệt âm là âm tiết, đâu là âm vị, cho chung vào một rọ là âm, chưa kể trang 79 tập 2 dạy sai kiến thức ngữ âm tiếng Việt cơ bản. Sách dùng mô hình giải thích ua trong cua là nguyên âm đôi, nhưng không thể hiện đúng âm trị của nguyên âm đôi này trong mô hình dạy cho trẻ. Nghiêm trọng hơn nữa sách còn dạy sai cách đọc, dạy trẻ ua trong cua đọc là /ua/ ( /ua / không phải nguyên âm đôi, đúng ra đây là nguyên âm đôi /uo/) . Cũng trang 79, sách dạy ua trong qua là hai âm khác nhau, không phải nguyên âm đôi, nhưng ghi sai âm trị, dạy cho trẻ ua trong qua đọc là /oa/. Kỳ thực đây là hiện tượng lẫn chữ viết với âm vị, từ đó ghi sai âm vị, đúng ra giải thuyết âm vị học hợp hệ với chữ quốc ngữ cho đây là chữ qu, là một âm vị độc lập, khi đọc có nét tròn môi, ký kiệu ghi âm âm vị học là / kw/, người miền Bắc có thể không nhạy cảm với âm này, nhưng người miền Nam thì phân biệt rất rõ, đánh chết nhiều người cũng không thể đồng ý qu đọc thành cờ , hơn nữa q không bao giờ đi một mình, chữ quốc ngữ không có ký tự q đi một mình, chỉ có ký tự qu. Kỳ lạ là mấy chục năm, những học sinh học thực nghiệm và các phụ huynh không ai để tâm đến việc lộn xộn, tùy tiện, thiếu logic khoa học này ngay từ những bài học đầu tiên hoặc để ý đến những lỗi sai này. Thật sự không chỉ cha mẹ không hiểu gì mà các nhà ngôn ngữ học, ngữ nghĩa học cũng “ không hiểu gì” về trật tự của các hình vuông, tròn, tam giác và tại sao khi thì có màu, khi thì không.
Việc 3 chữ c/k/qu đều đọc là cờ/k/ hàm ẩn nguy cơ rối loạn chuẩn chính âm. Hiện tại Việt nam về cơ bản đã hình thành chuẩn chính tả trong nhà trường nhưng vẫn chưa qui định chuẩn chính âm. Trên thực tế, chữ quốc ngữ là công cụ siêu phương ngữ ghi âm tiếng Việt toàn dân, thống nhất cho cả 3 miền, thể hiện sự đối lập âm vị học giữa các phụ âm, nguyên âm, vần và thanh điệu tiếng Việt. Sau này, khi điều kiện cho phép, giải thuyết âm vị học đằng sau chữ quốc ngữ sẽ chính là chuẩn chính âm của Việt Nam, là thứ mang hồn núi sông ngàn năm và thiêng liêng với mỗi người Việt.
RFA: Điều cần thiết nhất và tối ưu nhất để thực hiện 1 công cuộc cải cách giáo dục cho hiện tại?
Điều cần thiết nhất và tối ưu nhất để thực hiện một công cuộc cải cách giáo dục cho hiện tại, phù hợp với bối cảnh hiện tại là cần thực sự phân tầng , phân cấp quản lý giáo dục kèm theo cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính giáo dục. Việt Nam chuyển đổi thể chế từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống tài chính cho giáo dục vẫn giữ nguyên như thời quan liêu bao cấp trong khi đất nước láng giềng Trung Quốc đã thay đổi nhanh và mạnh, cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính cho giáo dục từ mấy chục năm trước, có thế họ mới thực sự giải được bài toán cho phát triển. Với thực trạng Bộ Giáo dục chỉ nắm được 5% ngân sách giáo dục, Bộ Giáo dục có chưa tới trăm con người nhưng có đến mười mấy đội dự án như hiện nay thì tư duy tiểu nông ham cái lợi nhỏ, buông lỏng kỷ cương thi cử quốc gia, đưa trách nhiệm về địa phương, gạt nhiệm vụ quản lý nhà nước đi để làm dự án sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nếu nói đây là phương pháp để dạy trẻ đọc thơ lục bát và các thể thơ khác, dạy trẻ tập đếm số tiếng, tăng thêm hứng thú học tập của trẻ thì cũng không sao. Điều đáng nói ở đây là tính chưa chặt chẽ, nghiêm túc trong tư duy khoa học, các hình tròn, hình vuông, hình tam giác như các “vật thật” này được dùng lẫn lộn với nhau, chưa rõ lý do tại sao những câu thơ này dùng hình tròn biểu đạt, câu khác lại do tam giác biểu đạt. – TS Nghiêm Thuý Hằng
Tình hình Việt Nam hiện nay đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia, tốt nhất là ông Thủ tướng, Phó Thủ tướng, ông Tổng Bí thư hoặc bà Chủ tịch quốc hội đương nhiệm, những người có có đủ uy tín và uy lực cầm chich, đại diện được cho ý chí xã hội, huy động toàn bộ sức mạnh của thể chế nhà nước Cộng hòa của dân, do dân và vì dân cho công cuộc cải cách giáo dục toàn diện. Muốn thực sự cải cách phải kiên định mục tiêu, có cải cách tổng thể, phải có cá nhân đứng đầu, tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm, có kế hoạch và tài chính hùng hậu kèm theo, quan trọng nhất là phải có cái tâm trong sáng, có chính kiến, định hướng rõ ràng và phải “ biết lắng nghe”. Cải cách nên bắt đầu từ khu vực đại học với những triết lý từng làm nên sức mạnh Việt: “ học phải đi đôi với hành” , đại học nghiên cứu phải gắn với nghiên cứu phát triển, gắn với doanh nghiệp, chịu trách nhiệm đầu tầu cho phát triển và tư vấn chính sách quốc gia. Khối Đại học sư phạm cần thay máu toàn bộ, sư phạm cũng phải gắn với khoa học cơ bản, với nghiên cứu bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Các thày cô đi dạy cần được nâng lương để đảm bảo cuộc sống , yên tâm giảng dạy. Tối ưu nhất thì là như vậy, nhưng nhìn tình hình thực tế thì nhiều người vẫn đang hoang mang, không biết vận nước đã đến chưa.
Chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng những vấn đề về chuẩn chính âm chính tả tiếng Việt vẫn chưa hết nhạy cảm, những vấn đề cải cách thể chế vẫn đặt ra nóng hổi. Hiện tại, cải cách kinh tế, cải cách giáo dục, cải cách thể chế khoa học ký thuật đều là những vấn đề đặt ra nóng hổi trong thực tế xã hội hiện nay.
Kết thúc buổi trao đổi, TS Nghiêm Thuý Hằng có chia sẻ thêm với chúng tôi là, chiến tranh đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng những vấn đề về chuẩn chính âm chính tả tiếng Việt vẫn chưa hết nhạy cảm, những vấn đề cải cách thể chế vẫn đặt ra nóng hổi.
Hiện tại thì theo bà, cải cách kinh tế, cải cách giáo dục, cải cách thể chế khoa học ký thuật đều là những vấn đề đặt ra nóng hổi trong thực tế xã hội hiện nay. Hơn lúc nào hết, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất nên củng cố khối đại đoàn kết toàn dân phục vụ cho phát triển, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng qua”.
Dựng dậy “hồn ma bóng quỷ”
Võ Thị Hảo
Một công viên mang tên nhà lãnh tụ độc tài Fidel Castro (F.C))với tổng mức đầu tư 115 tỉ đồng vứa được khánh thành rầm rộ ngày 15.9.2018 tại tỉnh nghèo Quảng Trị. Trước đó, tại Quảng Bình, khu tượng đài của F.C đã được khai trương, quảng bá rộn ràng như niềm tự hào của hai tỉnh thuộc hàng nghèo nhất VN. Nếu cứ tiếp tục đà này, hình tượng F.C sẽ được VN “dựng dậy”. Việc “dựng dậy” một hình tượng độc tài đã hơn 5 thập kỷ kìm hãm đất nước Cuba, bị thế giới nguyền rủa, đương nhiên gây sửng sốt và lo lắng cho người VN.
VN không thể không biết rằng trước đó, Quốc hội Cuba đã phê chuẩn luật không dựng tượng và đài tưởng niệm F.C, không dùng tên ông ta để đặt tên đường và những địa điểm công cộng.
Ngày 14/9, cũng tại Quảng Trị đã diễn ra Lễ kỷ niệm “45 năm ngày Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. (theo https://vov.vn/chinh-tri/le-ky-niem-45-nam-ngay-fidel-tham-vung-giai-phong-mien-nam-viet-nam-812889.vov). Đến cử hành đại lễ là hai đoàn đại biểu cấp cao được dẫn đầu bởi những vị có quyền lực chỉ đứng ngay sau nguyên thủ. Phía VN có lãnh đạo các Bộ ngành TW, đặc biệt, có tới hai Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn, một trong hai nhân vật này là ông Trần Quốc Vượng thường trực Ban Bí thư- nhân vật được đồn đoán là rất mật thiết với TQ và sẽ lên thay ông Nguyễn Phú Trọng nay mai.
Chỉ để kỷ niệm một lần F.C đặt chân đến vùng này cách đây đã mấy chục năm mà nhà cầm quyền đã lạm dụng tiền dân, làm đại lễ, xây công viên mang tên F.C , tượng đài… rình rang tốn kém hàng trăm tỉ vậy. Thế giới không đếm xuể những nhân vật quan trọng. Nhân vật quan trọng nào mà chẳng xăng xái đi lại vô số nơi. Nếu mỗi khi một nhân vật quan trọng đặt chân tới đâu thì nơi đó lại chi hàng vài trăm tỉ để xây công viên, tượng đài, làm đại lễ kỷ niệm ngày người đó đã đến…bằng tiền thuế của dân, thì người dân còn đâu đất sống?
Năm 2016, khi F.C chết, ”vinh quang” sánh vai với những nước bị xếp hạng tồi tệ nhất trên thế giới về nhân quyền, tự do và chỉ số phát triển như Triều tiên, Venezuela, VN đã buộc người dân để quốc tang ông ta vào ngày 4/12.
F.C chỉ là lãnh tụ của Cuba, không thể so sánh tầm quan trọng với một trong những cha đẻ của CNCS và phe XHCN là Lê nin. Nhận thức thời đại đã ra khỏi u tối. Ở nhiều nước đã từng là CS khác đã phá bỏ các tượng đài Lê ni, Stalin…mà người ta gọi là những “hồn ma bóng quỷ” ám ảnh đất nước họ. Chỉ riêng Ucraina đã xóa bỏ hết 1.201 tượng đài Lênin qua chương trình “giải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản” của Tổng thống nước này(https://vn.sputniknews.com/politics/201610242515632-ukraina-pha-huy-tuon…). Đó là cách người dân bày tỏ thái độ ghê sợ, kiên quyết đoạn tuyệt với thể chế và con đường theo CS phản tiến bộ của nhân loại.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo VN lại bỗng dưng nồng nhiệt với F.C như vậy.
Phong thánh cho “hồn ma bóng quỷ”?
F.C là ai?
Với những nước mà dân ở đó bị “tẩy não”, thông tin bị bóp méo – chỉ chia “phe ta” và “phe địch”, cách sùng bái lãnh tụ và “phong thánh” cho ai đó thường là ngược hẳn với tiêu chí của thế giới văn minh.
F.C là “Một nhà độc tài tàn bạo. Di sản mà ông ta để lại là di sản của các đội xử bắn, trộm cắp, những gian khổ vượt ngoài sức tưởng tượng, dân nghèo đói và bị tước các quyền làm người căn bản”.(Nhận định của Tổng thống Donal Trump, theo https://www.bbc.com/vietnamese/world-38122272). Số người bất đòng chính kiến- tù chính trị bị giam giữ tại Cuba có lúc lên khoảng 80 ngàn người.
Những nhà độc tài tồn tại dù chỉ một vài giờ cũng có thể gây nạn lớn cho đất nước. Độc tài ở trên ngôi vị và sống quá lâu càng là đại thảm họa của loài người. F.C chỉ chịu trao quyền cho em ruột vào năm 2006 khi đã ốm đau kiệt sức. Một thể chế chính trị tuyên bố là theo lý tưởng cộng sản và xã hội chủ nghĩa mà lại tham quyền cố vị, dùng bạo lực để giữ chặt lấy quyền lực và chỉ “truyền ngôi báu” cho người ruột thịt thì làm sao còn có thể lòe bịp được thiên hạ!
Những số liệu nói lên tất cả. Khi F.C lên cầm quyền qua một cuộc đảo chính, GDP bình quần đầu người của Cuba là 2.067 USD/năm, cùng thời điểm, Puertorico là 3.239. Sau 40 năm, đến 1999, Cuba hầu như “giẫm chân” tại chỗ, với 2.307USD, trong khi Puertorico đã đạt 13.738 USD. Với Lý Quang Diệu thì khác biệt là thiên đường và địa ngục. Ông lên cầm quyền Singapore năm 1965 -khi đất nước này thua xa Cuba mọi mặt, không tài nguyên kể cả nguồn nước sạch cũng rất hiếm nhưng sau 35 năm- năm 1990, GDP đã tăng tới 2.800 lần. Cuba bị xếp hạng 177 trong chỉ số tự do kinh doanh và thậm chí không được đứng trong danh sách 189 nền kinh tế của Worl Bank! Từ 1959-1989, F.C duy trì Cuba chủ yếu bằng khoảng 100 tỉ USD viện trợ từ Liên xô(Theo Thụy Mi-BVN 28.11.2006, tổng hợp từ Lefigaro và Liberation 26.11.2016).
Đằng sau vẻ ngoài giản dị, suốt đời vì cách mạng và nhân dân của F.C là sự hưởng thụ xa hoa cho tới chết. “La Vie cachée de Fidel Castro” – cuốn sách được viết bởi một sĩ quan cận vệ Juan Reinaldo Sanchez và một đầu bếp tiết lộ đã chứng minh điều đó. Nhiều tư liệu báo chí đã công bố rằng F.C dùng quyền lực để thu hút phụ nữ và buộc họ chấp nhận cuộc sống trong bóng tối để ông ta “đóng vai “cha già dân tộc”. Ông ta có ít nhất năm người vợ, hàng trăm người tình và rất nhiều những đứa con ngoài giá thú.(Theo https://www.danluan.org/tin-tuc/20161129/fidel-castro-ke-doc-tai-song-lau).
Đánh tráo “Địa ngục -Thiên đàng”:
Nhà cầm quyền VN muốn đẫn dắt dân chúng đi theo con đường tăm tối như Cuba? Muốn ngu dân thêm nữa để dễ bề đàn áp và cai trị trong thời gian sắp tới?
Khi F.C chết, nhiều người Cuba đã ăn mừng. Ông ta bị tố cáo là bội tín với người dân Cuba. Ông ta long trọng tuyên bố là lật đổ chế độ độc tài để đem lại tự do và ấm no hạnh phúc cho nhân dân nhưng lại nhấn chìm Cuba trong một thể chế chính trị còn độc tài, tàn nhẫn hơn chế độ mà ông ta đã lật đổ. Đến tận khi F.C. ốm và giao quyền, Raul Castro mới dám thay đổi tí chút: cho dân mua computer, đầu DVD và lò vi sóng, được phép dùng điên thoại di động.
Vậy VN tôn vinh F.C nhằm mục đích gì?
Đương nhiên, rất dễ dàng để nhận thấy “âm binh” lấp ló trong cái “miếu thờ” ấy, khi VN liên tục đổ tiền của để “phong thánh” cho F.C.
Chọn đưa F.C lên “thánh”, phải chăng nhà cầm quyền muốn đưa con tàu VN thẳng tiến theo một “kẻ hoa tiêu ngoài thì mặc quần áo hàng mã lòe loẹt giấu hồn ma bóng quỷ bên trong”, che mờ mắt cho dân lao xuống vực sâu, để lại mọi quyền lực, của cải cho nhóm độc tài tham nhũng tha hồ tung tác?
Phong thánh cho F.C phải chăng không ngoài mục đích củng cố thể chế độc tài CS, tiến một bước “vua hóa”các Tổng bí thư? Khủng bố thay, F.C, Kim Jong Un, Tập Cận Bình…đều đã dùng bạo lực để trở thành “Vua đỏ” trọn đời. Không loại trừ ai đó ở VN đang gấp rút đi theo tham vọng đó.
Đánh tráo Địa ngục – Thiên đàng, gọi nô lệ là tự do, gọi hồn ma bóng quỷ là thánh nhân, đó là thủ pháp tuyên truyền dối trá mà công luận không khó gì để nhận diện.
Rước thêm “hồn ma bóng quỷ” độc tài về ngự trong lư hương tại gia sẽ là việc làm nguy hiểm, khiến cho đất nước bị ám ảnh, bi thảm, làm VN càng thêm mất uy tín trên thế giới .
Có một kinh nghiệm để xử sự với những tượng đài “hồm ma bóng quỷ “kiểu này. Ông Avakov, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã viết bằng tiếng Nga trên tài khoản Facebook của ông khi nói về việc giật đổ tượng Lê nin:
“Lenin à? Hãy để ông ta sụp cho rồi…,” ông viết, “Miễn là người dân không bị thương. Miễn là biểu tượng cộng sản đẫm máu này không gây hại cho thêm nạn nhân nào nữa khi nó sụp.”
(theo https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/09/140929_kharkiv_lenin_stat…).
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/worshiping-dead-dictator-09202018110651.html
Khí thải Formosa:
Khi nào công khai kết quả quan trắc?
Nguyễn Anh Tuấn
Đầu năm nay, Formosa Hà Tĩnh tuyên bố sẽ tăng gấp đôi công suất [1], hàng quán phục vụ khách Trung Quốc ở phố thị Kỳ Anh theo ghi nhận đã nhộn nhịp trở lại. Cùng lúc đó, một số hộ dân sống xung quanh nhà máy bắt đầu lo lắng cho sức khoẻ của gia đình nên đã dần chuyển đi.
Chính Báo cáo Tác động Môi trường (DTM) của Formosa cũng thừa nhận ngay từ giai đoạn 1 lượng bụi phát sinh sẽ cực lớn và “nếu không có hệ thống xử lý, bụi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân làm việc trong nhà máy và khu dân cư lân cận. Các hạt bụi nhỏ có kích thước nhỏ thâm nhập vào người qua đường hô hấp, gây VIÊM PHẾ QUẢN MÃN TÍNH, UNG THƯ PHỔI, VIÊM GIÁC MẠC” [2]. Khí thải có thể không gây ra kết quả nhãn tiền (cá chết chẳng hạn) như nước thải, song hậu quả đối với sức khoẻ con người thì không hề kém cạnh, nếu không muốn nói là còn nghiêm trọng hơn.
Thực tế là số ca mắc ung thư ở các làng vùng Chương Hoá, Vân Lâm nơi Formosa đặt nhà máy bên Đài Loan đã tăng đột biến nhiều lần chỉ vài năm sau khi nhà máy đi vào vận hành và cư dân được tái định cư bên ngoài vòng bán kính 10km từ các nhà máy này. [Trong khi ở Kỳ Anh vẫn còn quá nhiều hộ dân sống sát tường rào nhà máy, các khu tái định cư Kỳ Phương, Kỳ Liên lẽ ra phải được chuyển ra xa thì lại đặt sát vách Formosa]
Dĩ nhiên Formosa Hà Tĩnh có hệ thống xử lý khí thải của họ, song hiệu quả đến đâu thì cần được kiểm chứng bằng các máy quan trắc chất lượng không khí. Việc giám sát này đòi hỏi phải độc lập; và trong trường hợp một tập đoàn tai tiếng như Formosa thì ai cũng hiểu là nhu cầu này càng bức thiết.
Vậy mà hiện nay chính quyền lại cho phép chính Formosa lắp đặt thiết bị quan trắc này ở khu vực phát khí thải và truyền số liệu về Sở TN-MT Hà Tĩnh. Nghĩa là chỉ Formosa và chính quyền Hà Tĩnh biết với nhau kết quả quan trắc, trong vòng bí mật. [3]
Tháng 11/2017 lần đầu tiên Sở TN-MT Hà Tĩnh, trong một công văn báo cáo lên Bộ TN-MT, đã tiết lộ Formosa xả khí thải vượt ngưỡng nhiều lần để rồi từ đó báo chí vào cuộc phát hiện ra Bộ TN-MT từ năm 2014 đã ra văn bản ‘cá biệt’ đặc cách cho Formosa xả thải vượt chuẩn.[4]
Câu hỏi là nếu có lúc nào đó Formosa vẫn xả vượt chuẩn mà Sở TN-MT Hà Tĩnh không thông báo thì thế nào? Có khó gì đâu việc công khai kết quả đo quan trắc lên Internet để dân vào giám sát như chính Đài Loan đang làm? [5]
Thêm nữa, thiết bị quan trắc đâu có đắt đỏ đến mức chính quyền cần Formosa lắp đặt, sao không tự lắp đặt để đảm bảo tính cách độc lập của việc giám sát nhà nước?
Ngoài ra, hiện chỉ mới có thiết bị quan trắc ngay trong khu vực nhà máy, trong khi theo các chuyên gia còn cần phải đo chất lượng không khí ở khu vực dân cư xung quanh vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.
Ở Đài Loan các tổ chức dân sự đã lắp đặt không ít các máy quan trắc độc lập trong vùng dân cư xung quanh nhà máy Formosa, công bố kết quả để đối chứng với hệ thống quan trắc của chính quyền. Với sự thù nghịch nhắm tới xã hội dân sự hiện nay, rất khó để chính quyền chấp nhận những sáng kiến dân sự như vậy. Không tin vào giám sát cộng đồng lại để chính đối tượng – Formosa – nắm đằng chuôi của quá trình giám sát, chính quyền đang tự cho thấy tuyên bố ‘không đổi môi trường lấy tăng trưởng’ của họ chỉ là lời đầu môi chót lưỡi.
Tóm lại, ba việc cần làm hiện nay là (1) kiểm soát toàn bộ quá trình quan trắc khí thải trong nhà máy chứ không giao cho Formosa, (2) công khai kết quả quan trắc bên trong và xung quanh nhà máy 24/7 online (thời gian thực/in real time) cho công chúng và báo chí tiếp cận, và (3) khuyến khích các tổ chức dân sự lắp đặt thêm máy quan trắc độc lập để đối chiếu kết quả, có sai khác là các bên liên quan vào cuộc ngay. Chẳng việc nào khó cả nếu thực tâm.
Chính quyền đã phạm nhiều sai lầm dẫn đến thảm hoạ Formosa hai năm trước đây. Nếu không hành động ngay họ có thể sẽ đứng trước một thảm cảnh mới trong một ngày không xa.
—
1] https://nguoidothi.net.vn/formosa-ha-tinh-se-tang-gap-doi-cong-suat-luye…
[2] https://m.vov.vn/xa-hoi/formosa-sap-van-hanh-thu-6-ong-khoi-phat-tan-khi…
[4] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-tnmt-dac-cach-cho-formosa-xa-thai-vuo…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/formosa-smoke-need-to-be-monitored-09202018102557.html
Đại biểu quốc hội yêu cầu làm rõ
có lợi ích nhóm việc in sách giáo khoa không
Một số đại biểu quốc hội tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm 19/9, thắc mắc vấn đề lãng phí trong việc in sách giáo khoa môn toán lớn 1 sử dụng một lần và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ liệu có lợi ích nhóm, độc quyền trong vấn đề này không.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp rằng đối với môn toán trước đây khi đi học bài tập có sách riêng và sách giáo khoa riêng nhưng bây giờ cả hai thành một và bắt buộc học sinh phải ghi bài tập vào sách. Như vậy với cách in như hiện nay thì học sinh khóa sau không thể sử dụng được nữa.
Cũng theo bà Nga, một bộ sách trước đây có thể dùng 2-3 thế hệ nhưng với cách in này mỗi năm xuất bản hơn 1 triệu cuốn sách giáo khoa với số tiền hơn 1000 tỉ đồng nhưng không thể sử dụng lại được vào năm học sau và điều này thật sự quá lãng phí.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lại cho rằng đó không phải là sách giáo khoa mà chỉ là sách bài tập và sách tham khảo mà thôi.
Nhiều đại biểu quốc cũng có ý kiến cho rằng, chỉ có thể thay đổi giáo án hàng năm của giáo viên, thay đổi vở bài tập của học sinh, chứ bắt buộc mua sách giáo khoa hàng năm như vậy là không đúng và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ vấn đề mà người dân đang thắc mắc trong vấn đề sách giáo khoa.
Nguy cơ dừng hoạt động
2 đường băng ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) Việt Nam hôm 19 tháng 9 có văn bản gửi Bộ Tài Chính về vấn đề bảo trì, sửa chữa hai đường băng ở sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với lý do đã xuống cấp nghiêm trọng.
Truyền thông trong nước dẫn tin cho biết đó là hai đường băng 1B (sân bay Quốc tế Nội Bài) và đường băng 07L/25R (sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất). Theo đó thì hai đường băng này tuy đã xuất hiện nhiều rạn nứt, mặt đường nhựa bị biến dạng nhưng vẫn được sử dụng, gây nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Do đó, Bộ GTVT đánh giá việc nâng cấp là “rất cần thiết và vô cùng cấp bách”.
Tin cho biết vào tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT về vấn đề của 2 đường băng trên và kiến nghị Thủ tướng xem xét về kế hoạch vốn trung hạn 2016 – 2020 để sửa chữa. Con số dự kiến được đề nghị khoảng 4.500 tỷ đồng.
Cũng tin liên quan, Văn phòng Chính phủ Hà Nội cho biết ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về báo cáo kết quả làm việc giữa hai Bộ Quốc Phòng và Giao Thông- Vận Tải Việt Nam về vấn đề điều chỉnh qui hoạch chi tiết Cảng Hàng Không Tân Sơn Nhất. Theo đó ông Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng khẩn trương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất theo theo thẩm quyền và đúng pháp luật.
Vấn đề phía Bộ Quốc Phòng cho doanh nghiệp xây dựng sân golf và các công trình tại khu đất đang được quản lý sát Sân Bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất khiến công luận bất bình. Ngành Hàng Không Việt Nam cho biết Sân Bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất hiện quá tải và nhiều chuyên gia trong nước nói rõ phải lấy lại đất của Sân Bay mà phía Quốc Phòng đang sử dụng để mở rộng.
Sông Đồng Nai cần cấp bách giải cứu?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Hệ thống sông Đồng Nai chảy qua 12 tỉnh, thành phía Nam là một trong 3 lưu vực sông lớn và quan trọng nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm của sông Đồng Nai được giới chuyên gia gióng lên tiếng chuông cảnh báo rằng nếu chậm giải cứu là có tội.
Ô nhiễm và sạt lở nghiêm trọng
Hệ thống sông Đồng Nai, có tên gọi khác là Phước Long Giang với chiều dài 600 km, được xem là dài nhất trong hệ thống sông ngòi tại Việt Nam, chảy qua 12 tỉnh/thành bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An và thành phố Hồ Chí Minh. Sông Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội không chỉ ở các tỉnh/thành từ thượng nguồn đến hạ lưu của dòng sông mà còn cho cả quốc gia.
Thế nhưng, trong những ngày cuối tháng 8 năm 2018, Báo Người Lao Động Online đăng tải một loạt bài phóng sự với tiêu đề “Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai” do dòng sông này đang trong tình trạng bị ô nhiễm và sạt lở nghiêm trọng bởi nạn xả thải chưa qua xử lý và nạn khai thác cát tràn lan hàng năm dài.
Sông Đồng Nai bị ô nhiễm được dư luận đặc biệt chú ý kể từ khi nhà máy của Công ty Vedan, đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn không qua xử lý ra sông Thị Vải bị phát hiện hồi giữa năm 2008. Thảm trạng sông Đồng Nai bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp có chiều hướng lan rộng trong một thập niên qua.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát môi trường, toàn bộ hệ thống lưu vực sông Đồng Nai tiếp nhận hơn 4500 điểm xả từ nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khóang sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi…Trong đó, khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 xả hơn 9000 m3 nước thải ra sông Đồng Nai nhưng chỉ có hơn 1000 m3 được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải mà tỉnh Đồng Nai kiểm soát được. Cục Cảnh sát môi trường cho biết phát hiện các doanh nghiệp không xây hệ thống xử lý nước thải hoặc có xây nhưng không vận hành, thậm chí còn xây hệ thống xả thải ngầm để xả thải chưa qua xử lý ra kênh rạch và sông Đồng Nai.
Mỗi lần nước thải xả ra thì cá và hàu chết nhiều lắm. Nhìn cá chết như vậy thì tiếc lắm! Tôi cũng mong sao các công ty đỡ xả nước thải ra, chứ cá chết như vậy thì dân khổ quá. Làm ăn khó khăn quá
-Một người nuôi cá lồng bè
Đài RFA ghi nhận các hộ dân sinh sống trên lưu vực sông Đồng Nai bằng nghề nuôi cá lồng bè là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn nước sông bị ô nhiễm. Chúng tôi được dịp gặp gỡ với hai người nuôi cá lồng bè trên sông Đồng Nai và được cho biết:
“Ảnh hưởng cũng nhiều lắm. Tại vì mỗi lần nước thải xả ra thì cá và hàu chết nhiều lắm. Nhìn cá chết như vậy thì tiếc lắm! Tôi cũng mong sao các công ty đỡ xả nước thải ra, chứ cá chết như vậy thì dân khổ quá. Làm ăn khó khăn quá!”
“Mưa thì nước bị ô nhiễm nhiều. Cá bị bệnh ghẻ. Cá gặp phải nước độc là nổi lên hết. Mưa xuống hòa với nước xả thải thì cá ngộp, nổi lên chết hết.”
Đời sống của dân chúng ở lưu vực sông Đồng Nai bị ảnh hưởng như thế nào? Một người dân tại khu vực Hồ Trị An lên tiếng:
“Rác thải của mấy công ty rình đem về chỗ cầu Đồng Nai trong khu vực gần đập thủy điện Trị An đổ, cho nên bị ô nhiễm. Vì bị ô nhiễm nên muỗi vằn nhiều khiến dịch sốt xuất huyết tràn lan. Tình trạng sông ô nhiễm gây ảnh hưởng cá chết, người bệnh, súc vật cũng bị lây nhiễm.”
Bên cạnh đó, nạn khai thác cát gây ra hậu quả sạt lở nghiêm trọng trên sông Đồng Nai. Những địa phương mà đoạn sông Đồng Nai chảy qua như xã Tân Uyên, tỉnh Bình Phước hay xã Tân Hạnh, phường Bửu Hòa, phường Tân Vạn, thuộc thành phố Biên Hòa thì đôi bờ con sông bị đào bới vô tội vạ do khai thác cát hợp pháp lẫn cát tặc. Người dân ở dọc dòng sông Đồng Nai đầy lời kêu than nhà cửa, ruộng vườn bị sạt lở. Hàng trăm người dân ở huyện Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa gửi đơn khiếu nại đến chính quyền phản ánh những bất cập liên quan nạo vét và tận thu khoáng sản. Mặc dù vậy, những người dân mà Đài RFA tiếp xúc và truyền thông trong nước ghi nhận thì hầu như các cấp chính quyền địa phương tỏ ra “vô can”.
Trách nhiệm của chính quyền
Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập hồi tháng 12 năm 2008 để thực hiện đề án bảo vệ môi trường sông Đồng Nai đến năm 2020 trong bối cảnh dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, đe dọa nguồn nước sinh hoạt của hơn 15 triệu dân.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban sông Đồng Nai, giới chức chính quyền của tỉnh Tây Ninh đề nghị cần đánh giá lại vai trò của ủy ban này trong công việc thực hiện đề án.
Qua loạt bài phóng sự “Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai”, Báo Người Lao Động Online ghi nhận thực tế quản lý còn nhiều hạn chế, buông lỏng và không hiệu quả do sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương của 12 tỉnh/thành trên lưu vực sông Đồng Nai và các bộ, ngành không chặt chẽ và yếu kém. Phóng viên của Báo Người Lao Động Online chia sẻ rằng họ cố gắng liên lạc với giới chức chính quyền các địa phương để tìm hiểu thêm về những biện pháp khắc phục hậu quả trên sông Đồng Nai, nhưng hầu hết đều không nhận được sự hồi đáp nào và các số liệu thống kê mà họ thu thập được cho thấy mục tiêu kiểm soát nguồn thải trên sông Đồng Nai được Chính phủ đưa ra gần như thất bại.
Các ủy ban đó chỉ họp theo định kỳ và những người đứng đầu của các ủy ban thường không có chuyên ngành về quản lý sông ngòi. Do đó, những bất cập do sự phát triển quá nhiều so với khả năng của tự nhiên thì làm cho dòng sông này bị mất cân đối về nguồn nước sử dụng và nguồn nước thải ra cần phải xử lý. Như vậy, nếu chúng ta không có một giải pháp nào để quản lý sông tốt hơn, mà mỗi tỉnh/thành quản lý dòng sông chảy qua trrên địa phương của mình thì sẽ không đủ để cả một hệ thống sông hoạt động điều hòa và bền vững được
-TS. Lê Anh Tuấn
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc trường Đại Học Cần Thơ và được nghe ông nhận định 12 tỉnh/thành quản lý nguồn nước trên sông Đồng Nai chưa được rõ ràng mặc dù có Ủy ban sông Đồng Nai để phối hợp quản lý. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói:
“Các ủy ban đó chỉ họp theo định kỳ và những người đứng đầu của các ủy ban thường không có chuyên ngành về quản lý sông ngòi. Do đó, những bất cập do sự phát triển quá nhiều so với khả năng của tự nhiên thì làm cho dòng sông này bị mất cân đối về nguồn nước sử dụng và nguồn nước thải ra cần phải xử lý. Như vậy, nếu chúng ta không có một giải pháp nào để quản lý sông tốt hơn, mà mỗi tỉnh/thành quản lý dòng sông chảy qua trrên địa phương của mình thì sẽ không đủ để cả một hệ thống sông hoạt động điều hòa và bền vững được.”
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng chỉ còn 2 năm nữa để Ủy ban sông Đồng Nai thực hiện mục tiêu của đề án đến năm 2020 thì việc quan trọng mà ủy ban này cần làm là gì, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh:
“Tôi nghĩ rằng ủy ban này cần tổ chức cuộc họp mà trong đó sẽ mời các chuyên gia khoa học hoạt động độc lập, để họ đánh giá khách quan những mặt được cũng như chưa được của ủy ban này và họ sẽ đưa ra kiến nghị những thay đổi cần thiết về mặt chính sách và các phương tiện hoạt động, hoặc liên quan về nhân sự để cho ủy ban hoạt động hiệu quả hơn.”
Báo Người Lao Động Online, vào ngày 30 tháng 8, dẫn lời của Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam đưa ra một biện pháp cần làm ngay để bảo vệ sông Đồng Nai là thành lập những nhóm cộng đồng tự quản để cùng tham gia giám sát tình trạng khúc sông chảy qua địa phận sinh sống của họ. Tuy nhiên, một vài chuyên gia mà Đài RFA trao đổi cho rằng biện pháp vừa nêu sẽ gặp nhiều bất cập như chưa có chính sách nào hỗ trợ cho người dân để họ được trang bị các kiến thức cơ bản về dòng chảy, đặc điểm, chất lượng nước của sông hoặc họ nhận biết được những nguy cơ bị sạt lở được đánh giá như thế nào để họ thông báo cho chính quyền, cũng như cần có cơ chế hỗ trợ về kinh phí nào đó để người dân có thể làm những việc liên quan giám sát dòng sông.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-dong-nai-river-in-sos-signal-09192018141813.html
Người Việt bị buôn sang Scotland:
Nạn nhân hay tội phạm?
Cảnh sát Scotland đang tìm cách trấn dẹp các hoạt động buôn người đàng sau nạn nô lệ mới mà nạn nhân là những người Việt đã bỏ tiền ra để được đưa sang Châu Âu để đến đích cuối cùng là vương quốc Anh, với hy vọng tìm được một việc làm có mức lương khá, chỉ để trở thành những nạn nhân bị khai thác sức lao động hoặc bị lạm dụng.
Đeo đuổi giấc mơ đổi đời, nhiều người trẻ tuổi từ Việt Nam đã thực hiện những cuộc hành trình đầy gian nan đi qua các nước Đông Âu rồi Tây Âu, để cuối cùng tới được Scotland.
Theo bản tin của Reuters, đối với nhiều người thực tế lại vô cùng phũ phàng. Rất nhiều người Việt tới Scotland theo cách này bị khai thác sức lao động tại các trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm móng tay, có người đã trở thành những nô lệ tình dục tại đất nước họ từng hy vọng có thể mưu tìm một cuộc sống tử tế.
Những người Việt này nằm trong số 40 triệu người đã trở thành những con mồi của một kỹ nghệ toàn cầu mang về món lợi khổng lồ ước lượng 150 tỉ đôla hàng năm cho những kẻ buôn người,
Trong khi nhiều người bị khai thác sức lao động một cách công khai, bán dâm trên các đường phố hoặc lao động trong các cửa tiệm làm móng, cảnh sát Scotland gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực chống lại các hoạt động buôn người bởi vì rất ít người Việt chịu xuất đầu lộ diện, công khai nói về tình cảnh bi đát của mình.
Thanh tra Brian Gallagher nói: “Rất khó lấy được niềm tin của các nạn nhân để có một bức tranh toàn cảnh, bởi họ rất sợ cảnh sát. Rất khó thâm nhập vào các cộng đồng người Việt cư ngụ tại các thị trấn và thành phố của chúng ta. Đó chính là tình huống mà những kẻ buôn người khuyến khích.”
Phát biểu tại trụ sở chính của đơn vị chống buôn người ở Glasgow, Thanh tra Gallagher cho rằng điều cần làm là nâng cao nhận thức của các nhân viên công lực để họ nhận biết hành vi tội phạm bên dưới những hoạt động binh thường, hoặc đàng sau những cánh cửa đóng kín, và những tội ác được che đậy bên dưới các tội hình sự khác.
Trong năm 2017 có tất cả 213 ca tình nghi là buôn người. Con số này đã tăng so với 150 ca hồi năm 2016. Phân nửa các nạn nhân đến từ Việt Nam.
Các nhóm tội phạm quảng cáo vương quốc Anh là “vùng đất hứa” đối với nhiều người Việt, khiến nhiều người thực hiện những cuộc hành trình gian nan kéo dài nhiều tháng trời, có lúc phải đi bộ hàng ngàn dặm, có lúc lên tàu hay xe tải để tới điểm đến cuối cùng.
Miền Bắc nước Pháp vẫn là một cửa ngõ quan trong cho những người Việt Nam muốn tới vương quốc Anh, bất chấp một chiến dịch càn quét người di dân và những kẻ buôn người quanh cảng Calais. Nhiều người di chuyển tới miền Bắc, vượt ranh giới vào Scotland, nhưng theo các giới chức ở đây, một số phụ nữ Việt Nam đã tới Anh qua ngã Scandinavia và Bắc Ireland, trong khi cảnh sát dự kiến có những dường mới xuất hiện giữa lúc những kẻ buôn người tìm những phương thức mới để tránh lưới công lý.
Bà Mimi Vũ thuộc Quỹ Liên kết Thái Bình Dương (Pacific Links Foundation), một tổ chức chống buôn người, nói bất kể bao nhiều khó khăn trước mắt, hoặc đã được cảnh báo bao nhiêu lần, sức hấp dẫn của cuộc sống tốt đẹp bên trời Tây là một nam châm thu hút rất nhiều người trẻ tuổi Việt Nam.
Bà Mimi Vũ bỏ rất nhiều thời giờ ra làm việc để nâng cao nhận thức ngay tại Việt Nam, địa điểm xuất phát.
“Rất khó có thể phản bác câu chuyện do những kẻ buôn người thêu dệt. Một bên là lời hứa hẹn đối với những người ra đi rằng họ “sẽ tìm được hũ vàng” đang chờ họ ở vương quốc Anh, so với những lời cảnh báo của chúng tôi, coi chừng bị lạm dụng hoặc kẻ xấu bắt làm nô lệ.”
Mimi Vũ nói khuyến cáo người Việt ở trong nước về những tình cảm chống di dân đang gia tăng ở nước Anh, và về tình trạng bất định xoay quanh Brexit, nước Anh rời khỏi EU, cho tới nay vẫn tỏ ra vô hiệu quả.
Các tổ chức từ thiện nói những lo sợ sẽ bị bắt và trục xuất về nước, hoặc sợ thân nhân ở Việt Nam bị những kẻ buôn người trả thù, đã khiến nhiều “nô lệ mới” người Việt cam chịu cuộc sống nô lệ trong bóng tối.
Hãng tin Reuters trích dẫn thông tin của chính phủ Anh tường thuật rằng rất nhiều trẻ nô lệ người Việt trên khắp nước Anh bị bác đơn xin tị nạn khi bước sang tuổi 18. Trong năm 2017 có khoảng 50 trường hợp so với tổng cộng 54 người trong 3 năm từ 2014 tới 2016.
Theo các luật sư, nhiều thanh niên bị trục xuất sau khi thọ án tù về những tội mà họ bị ép buộc phải làm trong thời gian bị các tổ chức tội phạm giam giữ, như tội liên quan tới ma túy vì đã từng làm việc trong các trại trồng cần sa.
“Nhiều nạn nhân trẻ tuổi người Việt bị coi như những tội phạm thay vì là nạn nhân của một tội ác.”
Bà Debbie Beadle thuộc tổ chức từ thiện ECPAT UK
Bà Debbie Beadle, Giám Đốc chương trình tại tổ chức từ thiện chống buôn người ECPAT UK nói:
“Nhiều nạn nhân trẻ tuổi người Việt bị coi như những tội phạm thay vì là nạn nhân của một tội ác.”
Trong một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện hồi năm ngoái, phân nửa người dân Scotland không tin nạn buôn người là một vấn đề tại Scotland, bất chấp nạn buôn người diễn ra tại 27 địa điểm trong tất cả 32 địa phương ở Scotland.
Tuy vậy tội ác liên quan tới buôn người đang phát triển và biến đổi trên khắp nước Anh với tổng cộng 136,000 nô lệ mới, dựa trên Chỉ số Nô lệ Toàn cầu của tổ chức nhân quyền Walk Free Foundation. Con số này cao gấp 10 lần so với con số ước lượng do chính phủ đưa ra vào năm 2013.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-bi-buon-sang-scotland-nan-nhan-hay-toi-pham/4578621.html