Tin Việt Nam – 20/09/2017
Vụ Trịnh Xuân Thanh:
Người Việt yêu cầu chính phủ Đức bảo vệ
Cộng đồng người Việt ở Đức nói họ cần được các cơ quan nhà nước Đức bảo vệ và yêu cầu chính quyền liên bang ngăn cản những vụ bắt cóc tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ngoại trưởng Đức miêu tả là giống như trong phim thời chiến tranh lạnh.
Trong một bức thư gửi đến Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, một diễn đàn của người Việt ở Đức có tên gọi “Việt Nam 21” nói “cộng đồng người Việt tại Đức hiện nay cảm thấy bất an vì các hoạt động của tình báo Việt Nam” và kêu gọi chính phủ liên bang có các biện pháp để bảo vệ họ.
“Đây là một vấn đề tế nhị nên tôi nghĩ nhân viên của Bộ Ngoại giao cũng phải suy nghĩ trước khi trả lời.”
Tiến sỹ Dương Hồng Ân, Diễn đàn Việt Nam 21
Theo bức thư thì nỗi lo sợ đặc biệt tăng cao từ khi ông Hồ Ngọc Thắng, một nhân viên của Văn Phòng Liên Bang Đức về Di trú và Người Tị Nạn, bị cáo buộc là hoạt động tuyên truyền cho chính quyền Hà Nội, ông bị nghi là lợi dụng công việc với chính phủ Đức để do thám hay theo dõi đồng hương.
“Cộng đồng Việt Nam tại Đức cảm thấy rất bất ổn, thấy bị theo dõi qua hoạt động của các điệp viện tình báo Việt Nam,” Tiến sĩ Dương Hồng Ân, điều hợp viên của Diễn đàn Việt Nam 21, nói với VOA. “Và nhất là khi mới đây một người Việt Nam làm việc tại một cơ quan liên bang của Đức – người đó cũng có thể đã theo dõi vì họ có thể biết nhiều về cá nhân người Việt ở Đức.”
Ông Thắng, 64 tuổi, bị sở di trú và tị nạn trực thuộc Bộ nội vụ liên bang Đức buộc phải thôi việc vào đầu tháng 9, vì những status của ông trên Facebook cá nhân về mối quan hệ Việt-Đức trong khi nhiều tờ báo Đức nêu lên những ngờ vực về vai trò của ông Thắng trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong cộng đồng hơn 130.000 người Việt ở Đức, những người có tư tưởng chỉ trích chế độ cầm quyền ở Việt Nam, “bất kể là người xuất khẩu lao động trước đây, cựu thuyền nhân, doanh nhân hay sinh viên, đều cảm thấy lo sợ bị bắt cóc hoặc bị hăm dọa,” theo Diễn đàn Việt Nam 21 – một tổ chức kêu gọi một nền dân chủ pháp trị ở Việt Nam. Tổ chức này nói trong bức thư gửi đến ngoại trưởng Đức hôm 30/8 rằng “hơn bao giờ hết người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, và cả người Đức gốc Việt, rất cần sự bảo vệ của các cơ quan nhà nước Đức.”
Tiến sĩ Ân, người đã sống ở Đức hơn 30 năm, cho VOA biết ngoại trưởng Gabriel chưa phản hồi về bức thư nhưng trước đây diễn đàn đã nhận được những phản hồi từ Bộ Ngoại giao Đức, yêu cầu sự quan tâm của chính phủ Đức đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và những vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Việt Nam trên biển Đông.
“Đây là một vấn đề tế nhị nên tôi nghĩ nhân viên của Bộ Ngoại giao cũng phải suy nghĩ trước khi trả lời.”
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hôm 23/7 ở Berlin, theo cáo buộc của chính phủ Đức, đã làm cho mối quan hệ song phương giữa 2 nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đức yêu cầu Việt Nam cho phép cựu lãnh đạo ngành dầu khí quay trở lại Đức, trong khi Việt Nam nhất quyết cho rằng ông Thanh đã tình nguyện về đầu thú. Ông sẽ bị xét xử về cáo buộc “làm thất thoát tài sản nhà nước” lên tới gần 3.300 tỷ đồng.
Với hình ảnh chiếc xe dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn nhiều vết máu sau khi cảnh sát điều tra Đức trả lại cho chủ nhân, khiến người Việt lo sợ hơn bao giờ hết, theo nhà báo Lê Trung Khoa từ Berlin.
“Với cáo buộc rõ ràng của phía Đức rằng đại sứ quán Việt Nam tham gia và tổ chức việc này thì đương nhiên người ta lo ngại,” nhà báo Khoa nói với VOA. “Vì một cơ quan đại diện cho họ lại làm việc đó nên họ rất lo ngại. Quả thực bà con rất lo ngại nhất là những người có tiếng nói phản biện, khác với quan điểm của Đảng Cộng sản trong nước.”
Ông Khoa cho biết bản thân ông nghi ngờ mình đang bị mạng lưới mật vụ Việt Nam theo dõi sau khi đăng nhiều bài viết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cũng theo nhà báo này, cộng đồng người Việt trở nên “dè dặt” trong việc tham gia và ủng hộ các hoạt động tại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại.
“Bây giờ nếu mà tham gia họ lại bị dính dáng vào nơi mà phía Đức coi là chỗ có hoạt động bất hợp pháp. Đương nhiên là những người làm ăn kinh doanh bên này họ không muốn tham gia vào vị họ không muốn bị dây dưa vào chuyện như vậy, đặc biệt là vấn đề điều tra của cảnh sát Đức.”
Viện công tố Liên bang Đức khẳng định Trịnh Xuân Thanh được đưa vào trụ sở sứ quán Việt Nam tại Berlin trước khi bị đưa về Việt Nam, và một nhân viên tòa đại sứ Việt Nam đã bị trục xuất khỏi Đức vì vụ việc này.
Theo Bộ Ngoại giao Đức thì Việt Nam đã tiếp xúc với phía Đức để đàm phán và giải quyết mối căng thẳng sau vụ bắt cóc. Nhưng hiện tại cảnh sát Đức vẫn tiếp tục điều tra vụ bắt cóc mà Đức gọi là một hành động “vi phạm nghiêm trọng luật lệ Đức” giữa lúc quốc hội Đức đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 24 tháng này.
Theo nhà báo Khoa, dù thế nào đi nữa thì chính phủ Đức cũng sẽ không để cho công dân nước họ bị đe dọa hay bắt cóc.
Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh
Một giảng viên đại học ở Hà Nội bình luận với BBC rằng chuyện báo chí Việt Nam phanh phui về bằng tiến sĩ ở trường Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh giống như “dậu đổ bìm leo”.
Một trong số các “sai phạm” mà ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề cập là: “Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.”
Ông Xuân Anh được truyền thông Việt Nam ghi nhận lấy bằng tiến sĩ của trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) tháng 12/2006.
Đảng sẽ kỷ luật dàn lãnh đạo Đà Nẵng?
Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?
Báo Tuổi Trẻ hôm 20/9 cho hay: “So với thời gian đào tạo tiến sĩ ở Mỹ phải mất từ bốn đến bảy năm nghiên cứu, viết luận án, thời gian chưa đầy hai năm để lấy bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh quả là “siêu tốc”!”
“Bằng tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh của ông Xuân Anh là một trong ba chuyên ngành trường này đào tạo ở bậc tiến sĩ. Ở thời điểm đó, trường này chưa nhận được bất cứ một chứng nhận kiểm định chất lượng nào, dù đã được cấp giấy phép từ năm 1978.”
Báo này cũng viết thêm rằng tấm bằng tiến sĩ từ SCUPS của ông Xuân Anh tuy “không phải là bằng bất hợp pháp”, nhưng “có giá trị chất lượng rất thấp, nếu đối chiếu theo các tiêu chí xếp hạng [đại học] của Mỹ.”
Vụ Đà Nẵng: Tổng Bí thư muốn ‘chấn chỉnh kỷ luật Đảng’?
‘Không phải là cá biệt’
Hôm 20/9, trả lời BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, nói: “Tôi có cảm giác chuyện báo chí Việt Nam đổ xô vào moi móc bằng tiến sĩ ở trường Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh giống như “dậu đổ bìm leo.”
“Theo tôi, mọi chuyện nên rạch ròi, nếu ông ấy có sai phạm trong quản lý thì nên tách rời chuyện học tập.”
“Bằng cấp không được Bộ Giáo Dục Việt Nam công nhận thì ông ấy không có quyền xưng là tiến sĩ nhưng không phải là tội nếu đó không phải là gian lận để được bổ nhiệm”
“Ở Việt Nam, viên chức muốn được bổ nhiệm thì người có bằng cấp có nhiều lợi thế hơn, tuy rằng yêu cầu này không bắt buộc.”
“Mặt khác, cũng do tâm lý sính bằng cấp nên quan chức và doanh nhân hay thích lấy bằng thạc sĩ/tiến sĩ nhưng lại không có thời gian/năng lực.
“Do vậy mà Việt Nam được nhìn nhận là thị trường béo bở với những trường được mệnh danh là degree mill (máy in bằng – chỉ những trường kém chất lượng nhưng người học chỉ cần trả tiền là có bằng) từ nước ngoài.
Tôi thấy vụ bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là cá biệt vì mấy năm nước, một vài quan chức/doanh nhân cũng bị đặt vấn đề về bằng cấp nước ngoài nhưng sau đó các vụ này lắng xuống.”
Cùng ngày, nhà sản xuất truyền hình Trần Quốc Khánh ở TP Hồ Chí Minh cho hay: “Rất nhiều lãnh đạo tại Việt Nam trong quá trình thăng quan tiến chức cần bổ sung một cái bằng thuộc dạng cho có, cho đủ hồ sơ.”
“Nói đi cũng phải nói lại, rất nhiều người là tài năng thật sự, nhưng vì cái hệ thống trọng bằng cấp, thủ tục cứng nhắc nên mới nảy sinh cái trò sử dụng bằng cho có này.”
“Tôi chẳng biết ông Xuân Anh là người thế nào, nhưng tôi nghĩ vụ kiếm chuyện muốn dập một ai đó thì lại lôi vụ bằng cấp là chuyện có thật. Cho nên, bằng cấp thật sự mà nói, chả có nghĩa lý gì hết.”
“Ở Việt Nam chỉ cần một cái bằng duy nhất là bằng lòng. Không bằng lòng thì Harvard cũng vứt!”
Cùng ngày, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC: “Bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là bằng giả, và trường đại học đã cấp bằng cho ông cũng không phải là trường ma. Trường này từ trước đến nay vẫn hoạt động hợp pháp tại Mỹ.”
“Điều duy nhất có thể làm người ta nghi ngại về “chất lượng” của trường này là, vào thời điểm lúc ông Xuân Anh học và được cấp bằng thì trường này chưa được kiểm định (hiện nay trường đã được kiểm định bởi một cơ quan kiểm định khu vực, tức là hoàn toàn “đảm bảo chất lượng”.
“Theo tôi, bằng cấp của ông Xuân Anh không thể và không nên là một trong những lý do để kỷ luật ông ta vì pháp luật Việt Nam tại thời điểm ông theo học và lấy bằng không hề có quy định gì về việc phải lấy bằng của một trường đã được kiểm định. Ngoài ra, công việc của ông cũng không có quy định phải có bằng tiến sĩ, nên ông ta không có lý do gì để phải khai “không trung thực”. Vì vậy, đưa yếu tố bằng cấp của ông Xuân Anh như một vi phạm cần phải kỷ luật thì tôi cho là không hợp lý.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41305079
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Đã có một thời kỳ rất dài, người cộng sản lên án chế độ thực dân, phong kiến ở mọi góc độ, mọi bình diện và mọi nơi, mọi lúc. Bất cứ thứ gì liên quan đến chế độ thực dân, phong kiến đều được gắn cho những tính từ không mấy dễ chịu như “lạc hậu, thối nát, man rợ”… và nhiều ngôn từ khác nữa.
Đặc biệt, chế độ phong kiến bị cộng sản lên án nhiều nhất là tệ “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Thế rồi, để kích động dân đen nổi dậy, lật đổ, người Cộng sản luôn nêu cao những câu ca dao rằng: “Bao giờ, dân nổi, can qua. Con vua thất thế lại ra quét chùa”.
Phá tan tất cả
Tin vào những lời lẽ lên án đanh thép và những lời đường mật đó, dân nghèo đất Việt đã hùa nhau “đi theo đảng” lật đổ phong kiến, thực dân để cho bọn “con vua thất thế” và con dân nghèo nhảy lên ngai vàng.
Tôi nhớ mãi bài thơ của Tố Hữu về một người đầy tớ, cuộc sống của ông được mô tả như sau:
“Đến già, còn bửa củi
Gánh nước, cuốc vườn cau
Đất bụi lấm đầy đầu
Mà chủ còn hất hủi!”
Khi đó, người cộng sản đã đến với họ với những lời đường mật:
Tôi riết chặt bàn tay
Của lão: “Bao nhiêu nỗi
Đau buồn và tức tối
Sẽ tan biến ngày mai…
Ông đã nghe ai nói
Có một xứ mênh mông
Nửa tây và nửa đông
Mạnh giầu riêng một cõi ?
Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.
Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm
Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng”.
(Trích Lão đầy tớ – Tố Hữu)
Và người dân Việt cứ vậy mà sướng, mà ung dung khoan khoái “ngồi mơ nước Nga”
Và đám dân chúng cùng đinh ấy, đã đua nhau hò hét, cướp giết và lật đổ để xây dựng một đất nước cộng sản như được hứa hẹn.
Kết quả là kể từ khi cướp chính quyền bằng cuộc cách mạng 19/8/1945 trở đi, biết bao cuộc vận động, phong trào thúc giục người dân Việt Nam đạp đổ, phá nát tất cả mọi “tàn dư thực dân phong kiến” ở đất nước này, bất kể tốt, xấu quý giá hay rẻ mạt. Phá tất. Tất cả để nhằm xây dựng một nền văn hóa mới XHCN với đầy đủ những lời lẽ ru ngủ như ở đó “của cải tuôn ra dào dạt, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, con người bình đẳng và làm chủ xã hội”… Ôi chao, cứ như trong mơ về một “Thiên đường XHCN” ở ngay mặt đất này.
Những cuộc cách mạng “long trời, lở đất” như Cải Cách ruộng đất, cải tạo Công thương nghiệp tư bản, tư doanh, đánh tư sản… đã phá nát đến ngõ ngách không chỉ cơ sở vật chất và mối quan hệ xã hội được xây đắp bao đời, mà nền văn hóa ngàn đời cũng theo đó mà bị tận diệt.
Và người ta hy vọng rằng ở cái Thiên đường XHCN ấy là nơi “ Nơi không vua, không quan. Không hạng người ô uế. Không hạng người nô lệ. Sống đau xót, lầm than”.
Vết xe đổ, nhổ xong lại liếm!
Một thời gian mới cướp được chính quyền về tay mình và sau chiến tranh, người Cộng sản chưa vững ghế, chưa chắc chân, do vậy mọi hoạt động còn nhìn trước, ngó sau kẻo “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Thế nên việc đưa con cái, cháu chắt, người nhà vào chiếm những chiếc ghế béo bở trong bộ máy cai trị còn được chú ý, kiêng dè.
Thế nhưng, khi bộ máy được củng cố, nhà tù, súng đạn đã đầy đủ, ghế ngồi đã chắc chắn và nhất là khi người dân đã nếm đủ mọi mùi sự sợ hãi và khiếp nhược sau một thời gian dài cái “chuyên chính vô sản” tha hồ tác oai, tác quái… thì những người Cộng sản không ngại ngần trong việc ngang nhiên bất chấp tất cả để duy trì hệ thống độc tài toàn trị kiêm gia đình trị của từng vùng, từng lãnh thổ và cả đất nước.
Chính vì hệ thống cai trị chuyên quyền và độc tài, nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Những chiếc ghế cai trị dân bất cứ ở vị trí nào từ địa phương đến trung ương đã được dần dần định danh và định giá. Nếu trước đây, trên mạng Internet người ta có vẻ ngạc nhiên khi có thông tin chạy vào chức Chủ tịch Tp hết 30 tỷ đồng. Rồi người ta ngạc nhiên khi trong vụ án PMU 18 với thông tin chạy vào Trung ương Đảng hết 1 triệu đô la, thì đến nay, việc mua bán chức quyền đã là một điều như việc cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Mới đây, bà Châu Thị Thu Nga khai đã chạy vào ĐBQH hết 30 tỷ đồng là chuyện không làm cho người ta ngạc nhiên.
Chính vì những chiếc ghế gắn liền với sự béo bở và là những đầu mối kiếm chác, tham nhũng vinh thân phì gia, mà các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo đất nước đã không từ bỏ cơ hội bố trí người nhà, họ hàng vào các chân “Đầy tớ phục vụ nhân dân” này ngoài những phi vụ mua bán kiếm chác như đã nói ở trên.
Có lẽ khó có ai có thể tìm được một số người trong bộ máy công quyền tại Việt Nam hiện nay không xuất thân từ con ông cháu cha mà từ thực tài của bản thân không cần mua bán, chạy chọt phe nhóm.
Chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Chí Vịnh thứ trưởng Bộ Quốc phòng nếu không phải là con Nguyễn Chí Thanh. Cũng sẽ không có một Nông Quốc Tuấn bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nếu không phải là con Nông Đức Mạnh, càng không thể có một Lê Minh Hưng làm Thống đốc Ngân hàng nếu không phải con Lê Minh Hương, cựu bộ trưởng Công an.
Người ta cũng biết rằng Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh con của Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước hoặc Phạm Bình Minh Bộ trưởng ngoại giao là con Nguyễn Cơ Thạch. Và người ta thừa biết rằng nếu không phải con Nguyễn Văn Chi, thì Nguyễn Xuân Anh có nằm mơ đến bảy đời sau cũng không leo được lên chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Có thể kể cả ngày không hết hiện tượng “con ông, cháu cha” trong hệ thống nhà nước Việt Nam hiện tại.
Có lẽ thời kỳ “con ông cháu cha” hưng thịnh nhất là thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Một thời gian dài làm mưa làm gió trên chính trường Việt Nam với những câu nói và hành động bất nhất điển hình, Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện cho cả nước biết rằng khi có quyền lực trong tay thì “miệng quan trôn trẻ” là chuyện đương nhiên.
Khỏi cần nhắc lại những lời thề thốt của một người đứng đầu chính phủ và sự nuốt lời trong công việc, chỉ cần nhìn hai đứa con ông đều được “cấu tạo” thần tốc vào các chân lãnh đạo tỉnh thì biết rằng ông bất chấp tất cả miệng đời người thế. Và ông đã mở đầu, cổ vũ cho việc đưa người thân, gia đình, họ hàng vào chiếm ghế lãnh đạo.
Thế là đúng như cha ông đã nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn” các quan chức các tỉnh thi nhau đưa con cái, cháu chắt ào ào vào những chiếc ghế béo bở như chỗ không người. Cả nước theo nhau làm đúng quy trình “Cha bổ nhiệm con, chồng cơ cấu vợ, chị nâng đỡ em”… mọc lên như nấm sau mưa.
Không chỉ ở Huế cả nhà làm quan, mà ở Bắc Ninh thì cả họ nhà Bí thư tỉnh ủy đều chiếm những vị trí quan trọng trong tỉnh. Không chỉ có Yên Bái, chị bổ nhiệm em, mà ở Hải Dương thì từ con trai cho đến em rể… tất cả đều làm quan “đúng quy trình”.
Về vấn đề này, báo chí cho biết: Bộ Nội vụ đã kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị bao gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; Huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục thuế tỉnh Bà Rỉa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế – Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế TP. Đà Nẵng.
Nhưng đó chỉ mới là một phần nhỏ trong hệ thống công quyền hiện nay.
Không chỉ cả họ làm quan, mà hình thành một hệ thống còn hơn cả thời phong kiến vua chúa ngày xưa. Người dân Hà Tĩnh thường đùa với nhau rằng: Nếu như ở Mỹ chỉ có Tổng thống Bush cha và Bush con, thì ở Hà Tĩnh có từ Thoại ông, Thoại cha đến Thoại cháu. Nghĩa là cả ba đời đang thay nhau để cai trị đám dân đen ngu dốt chứ không dành phần cho ai.
Rồi không chỉ anh em, họ hàng, mà những người cánh hẩu được đưa vào giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước bất chấp khả năng. Báo chí đã nêu không biết bao nhiêu trường hợp đưa lái xe vào làm chánh văn phòng Ủy ban, thậm chí đưa lái xe lên làm Viện Trưởng, bổ nhiệm em trai có tiền sự bị bắt vì đánh bạc lên làm Giám đốc Sở… Những câu chuyện chắc chỉ có ở cái thời Cộng sản kiêm Phong kiến thối nát ở Việt Nam đầu thế kỷ 21 mà thôi.
Và hài hước thay, khi đã thành một hệ thống con vua thì lại làm vua như một định luật bất biến, thì hệ thống quan chức đã lập tức có những lý luận, bao biện hết sức… gây cười. Chẳng hạn Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy HCM cho rằng: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”. Điều này đã gây những phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Hạnh phúc hay đại họa?
Cần phải nói rằng, một con người được hình thành bởi nhiều yếu tố cộng lại. Để làm một người lãnh đạo dân, cần hội tụ nhiều yếu tố cơ bản cần thiết, đặc biệt là sự thông minh, nhạy bén và nhất là sự hy sinh phục vụ. Với con người, yếu tố thông minh, tài giỏi có nguồn gốc lớn từ nguồn gen di truyền là chính, sự học hành, rèn luyện là cần thiết nhưng chỉ là một phần mà thôi.
Thế nhưng, thử xét theo cả hệ thống cộng sản xưa nay, trong một thể chế chính trị mà ngay từ đầu đã chủ trương “Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ” – nghĩa là những tầng lớp ưu tú nhất đều bị loại bỏ, người Cộng sản chỉ ưu tiên Giai cấp công nhân vì họ nhận đó là giai cấp của họ. Mà xưa nay, công nhân chỉ có búa và đe thì họ thạo, còn chữ nghĩa, trí thông minh thì chẳng ai trông cậy vào cái giai cấp ấy.
Mà phần lớn những lão thành, những cá nhân đã từng leo đến chức lãnh đạo trong hàng ngũ cộng sản, đều xuất phát từ giai cấp công nhân, hoặc nông dân là tầng lớp liên minh mới được cất nhắc, bổ nhiệm và chú trọng, những thành phần ưu tú khác như “Trí, phú, địa, hào” thì đừng có mơ.
Vì thế có thể nói ngay rằng, về nguồn gen, họ chẳng được thừa hưởng bất cứ sự thông minh tài giỏi nào để lại. Ngược lại họ được thừa hưởng sự lưu manh, cơ hội và thiếu văn hóa cần thiết cho con người và xã hội.
Còn về tinh thần, đạo đức? Thì hẳn là những kẻ cố tình bám lấy cơ hội là cái ô cái lọng của cha ông, anh chị để leo lên giữ cái ghế của mình không bởi từ thực tài, đó là những kẻ cơ hội. Mà đã là cơ hội thì xin đừng nói đến tinh thần phục vụ bất cứ ai, kể cả người thân của mình.
Như vậy, việc bổ nhiệm con em cán bộ lãnh đạo lên làm lãnh đạo tiếp tục, cần phải được hiểu chính xác là đại họa của dân tộc. Chỉ là hồng phúc cho đám cơ hội vơ vét mà thôi.
Thì đã hẳn, cứ nhìn đất nước này sau mấy chục năm người cộng sản thi nhau cha truyền con nối làm tập thể vua lãnh đạo cho đến hôm nay đứng trên bờ vực của sự suy đồi, sụp đổ mọi mặt thì sẽ thấy rõ ràng.
Còn quan chức ư? Cứ mở miệng ra câu nào thì dân đập vào miệng câu ấy đủ hiểu trình độ và tư duy của họ như thế nào.
Tạm kết
Có lẽ, khi người cộng sản ra sức tung hô chiếc bánh vẽ thiên đường xã hội chủ nghĩa, và qua đó ra sức chửi rủa hệ thống phong kiến và thực dân, họ cũng không ngờ rằng sẽ có một ngày nào đó, chính họ lại phải liếm lại bãi nước bọt mà họ đã nhổ ra.
Có ai ngờ, đến một ngày, chính người cộng sản lúng túng đến mức chắc phải xé bỏ tất cả những trang sách giáo khoa và những tác phẩm văn học đã từng vận dụng câu ngạn ngữ dân gian rằng: “Còn vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Bởi đơn giản là những câu đó nếu được nhắc lại thì chỉ tổ làm người ta thấy ớn lạnh, sửng sốt và kinh hãi trước sự lỳ lợm, sự điêu toa và sự thiếu liêm sỉ khi chính người dân nhìn vào hệ thống hiện nay.
Bởi ngày xưa chỉ có “con vua thì lại làm vua” còn ngày nay, con cháu họ hàng cán bộ đua nhau làm cán bộ.
Ngày xưa, cả đất nước chỉ có một vua, việc lạm dụng chức quyền cũng chỉ có một người. Còn ngày nay, bất cứ chỗ nào cũng có những đàn vua tập thể mang tên Đảng ủy và đàn cán bộ họ hàng, hang hốc nhà đảng viên chia chác nhau ghế ngồi trên đầu người dân.
Và đại họa của đất nước đang lừng lững đến một cách vững chắc nhất, nhanh chóng nhất và khủng khiếp nhất.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/a-fox-may-grow-gray-but-never-good-09202017111148.html
TBT Trọng kỷ luật cựu Ủy viên Trung ương Đảng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, bị Ban Bí thư Đảng Cộng sản cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Đây là kết luận từ cuộc họp của Ban Bí thư, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 20/9.
Ông Nguyễn Phong Quang bị kết luận là phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng uỷ và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.
Vụ Đà Nẵng: Tổng Bí thư muốn ‘chấn chỉnh kỷ luật Đảng’?
Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh
Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’
Trong đó có việc ông trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn.
Ban Bí thư đề cập trường hợp Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Tiến Khoa mà “dư luận và báo chí đã nhiều lần nêu”.
Ông Vũ Minh Hoàng từng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ ở tuổi 26.
Còn ông Nguyễn Tiến Khoa bị báo chí nêu là đã “thăng tiến nhanh” ở cơ quan này, lên đến chức phó vụ trưởng Vụ Kinh tế – Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Ban Bí thư cũng nói ông Nguyễn Phong Quang đã “buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng về quản lý tài chính, tài sản, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước”.
Ông chuyển giao hơn 2.000 m2 đất của Cơ quan Ban Chỉ đạo cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ, và lại nhận đề cử chức chủ tịch của hội này.
Ban Bí thư Đảng Cộng sản quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Quang (bao gồm cách chức Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).
Tập đoàn Hóa chất
Trong cùng cuộc họp, Ban Bí thư cũng quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Anh Dũng, đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).
Ông này bị nói là “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn”.
Ông đã “thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện 4 dự án trọng điểm: Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng”.
Với quyết định kỷ luật trong Đảng, xem như ông Nguyễn Anh Dũng cũng sẽ mất chức lãnh đạo tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam – thủ tục còn chờ Bộ Công thương xem xét.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41306817
Quốc hội xác nhận có nhóm ‘lợi ích’ hay ‘sân sau’
Kết quả kiểm tra gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của cử tri về ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau’ là có căn cứ. Đó là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội, bà Lê Thị Nga, tại buổi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngày 19 tháng 9.
Một số sự việc gần đây như Ngân hàng Oceanbank và việc chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty cổ phần VN Pharma được nhắc đến trong buổi báo cáo.
Theo Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đạo đức nghề nghiệp cần phải xử lý.
Trong buổi báo cáo, Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội Việt Nam cũng đề nghị cần làm rõ nhận định “tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm” do Thanh tra Chính phủ đã đưa ra.
Cũng liên quan đến công tác điều tra kê khai tài sản của cán bộ, ngày 20 tháng 9, Bộ Công an ra văn bản yêu câu Chủ tịch UBND TP Đà nẵng Huỳnh Đức Thơ phối hợp điều tra việc mua bán nhà công sản trên địa bàn từ nằm 2006 đến nay.
Công văn do Trung tướng Trần Đăng Yến, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra ký hôm 18 tháng 9.
Ông chủ tịch thành phố Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ, là một trong hai quan chức thành phố này bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng nêu danh bị kỷ luật về những sai phạm trong quản lý.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/interest-backyard-groups-are-real-09202017095240.html
Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU:
Không chịu áp lực chính trị nhưng sẽ khó nuốt
Cát Linh, RFA
Trong chuyến sang Việt Nam công tác về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), Nghị sĩ CHLB Đức Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu, có cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2017.
Tại đây ông nhấn mạnh EVFTA không chịu áp lực chính trị nhưng Việt Nam phải cần giải quyết 3 vấn đề lớn.
Ông Bernd Lange nêu rõ 3 vấn đề lớn đó là: Còn 3/8 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế còn chờ Việt Nam phê chuẩn; vấn đề môi trường và thứ ba là tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.
Nhân quyền
Cụ thể hơn, hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn lời ông cho biết “Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU”.
Thực tế từ trong nước cho thấy thời gian gần đây, Việt Nam gây nên nhiều quan ngại cho các tổ chức nhân quyền, về thành tích nhân quyền của mình trong việc bắt bớ những blogger, nhà báo tự do, giới hoạt động…
Trả lời RFA, Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu kinh tế từ Hà Nội đưa ra nhận định chung về khả năng tiến đến phê chuẩn EVFTA ở hai góc nhìn:
“Tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên các tổ chức quốc tế đặt vấn đề này với Việt Nam mà đã rất nhiều lần rồi. Tôi nghĩ trước hay sau Việt Nam cũng phải giải trình vấn đề này 1 cách cụ thể và rõ ràng. Theo tôi không phải là 1 vấn đề lớn.
Hiện nay, ở góc độ lề trái, thì tôi nghĩ Hiệp định thương mại Việt Nam– EU khó thông qua bởi đặc biệt là vấn đề nhân quyền, thứ hai là vấn đề môi trường.”
Tôi nghĩ trước hay sau Việt Nam cũng phải giải trình vấn đề này 1 cách cụ thể và rõ ràng. Theo tôi không phải là 1 vấn đề lớn. PGS Ngô Trí Long
Tại cuộc họp của Tiểu ban về nhân quyền thuộc Liên minh châu Âu-EU vào ngày 9 tháng 3 năm 2017, bà Beatriz Becerra, thành viên của Nghị viện Châu Âu, người đã đến Việt Nam hồi tháng 2, khẳng định vấn đề nhân quyền là một đòi hỏi không thể thiếu trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam.
“Hiển nhiên chúng tôi luôn ủng hộ mở rộng nền kinh tế với các quốc gia mà chúng tôi đã chuẩn bị cho sự hợp tác chung. Và chúng tôi sẵn sàng cho việc ký kết các thoả thuận hiệp định thương mại.
Nhưng, có một điểm cần được làm sáng tỏ và rõ ràng, đó là chúng tôi cần được chứng minh rằng vấn đề nhân quyền được thực hiện ở Việt Nam.”
Phó giáo sư Ngô Trí Long cho rằng chắc chắn Việt Nam sẽ có sự giải trình thoả đáng để chứng minh cho EU và các tổ chức quốc tế khác về việc đáp ứng các điều kiện của EVFTA.
Tuy nhiên, bà Maria Đỗ Minh Hạnh, thuộc Phong trào Lao động Việt hoàn toàn không tin rằng nhà nước Việt Nam có thể giải quyết thoả đáng những yêu cầu của EU.
“Bất cứ hiệp định thương mại nào họ cũng gắn kết giữa những quốc gia với nhau về vấn đề nhân quyền, nhưng Việt Nam chưa bao giờ thực hiện.
Mới đây VIệt Nam đã bắt bỏ tù rất nhiều nhà bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh bất bạo động để bảo vệ quyền và lợi ích con người tại Việt Nam.
Cái cụm từ quyền con người ở Việt Nam là một cụm từ rất dễ hiểu nhưng nó là 1 vấn đề rất xa xỉ đối với người Việt Nam không dễ dàng gì có được.”
Cái cụm từ quyền con người ở Việt Nam là một cụm từ rất dễ hiểu nhưng nó là 1 vấn đề rất xa xỉ đối với người Việt Nam không dễ dàng gì có được. Bà Maria Đỗ Minh Hạnh
Vấn đề nhân quyền cũng từng được Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhắc đến nhiều lần với đại diện Châu Âu trong chuyến đi vận động và trao thỉnh nguyện thư về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
“Những cơ quan đó, hiệp ước thì đã viết rồi, nhưng có một số điều kiện thì họ yêu cầu phải hoàn thành. Trong đó, những quyền về con người, nhân quyền, quyền của người lao động luôn luôn được để ý.
Chúng tôi cũng nhắc nhở họ về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với những người bất đồng chính kiến, những người đang tranh đấu cho nạn nhân ở Formosa.”
Môi trường
Vấn đề thứ hai Việt Nam cần phải làm là môi trường.
Cũng trong chuyến đi đó, Linh mục Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thành viên của Ban Hỗ trợ Nạn nhân Ô nhiễm môi trường biển, cho RFA biết ông có nhấn mạnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một hệ luỵ do vấn nạn biển nhiễm độc gây ra trong việc ký Hiệp định FTA.
“Chúng tôi nói với họ rằng nếu quý vị cứ đặt bút ký mà không đếm xỉa gì đến đề nghị của chúng tôi thì liệu hải sản nhập từ Việt Nam có an toàn không? Có đảm bảo được sức khỏe của người dân của quý vị hay không thì họ có nói là sẽ điều tra trước khi ký hiệp định đó. Thì đây cũng là một yếu tố để chúng tôi khai thác.”
Tổ chức xã hội dân sự
Theo nhận định đưa ra bởi cô Maria Đỗ Minh Hạnh, trong các hiệp định thương mại, quan trọng nhất là quyền được tự do lập hội, lập nhóm, quyền tự do ngôn luận. Nhưng tất cả những điều này, bà cho biết “đều bị tước đoạt ở Việt Nam”
“Hiện nay các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam không được công nhận và không được phép ghi danh 1 cách chính thức ở Việt Nam.
Ở Việt Nam cho dù có các tổ chức xã hội dân sự đi nữa thì luôn bị kềm kẹp và họ dùng mọi lý do như chống đối nhà nước, quy chụp là lật đổ chế độ để đẩy những người bất đồng chính kiến vào tù.”
Đề cập đến vấn đề tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, Phó giáo sư Ngô Trí Long bày tỏ rằng theo ông, khi nhân quyền và quyền thành lập hội nhóm ở Việt Nam được thực thi thì mới có khả năng thông qua EVFTA.
Ở Việt Nam cho dù có các tổ chức xã hội dân sự đi nữa thì luôn bị kềm kẹp và họ dùng mọi lý do như chống đối nhà nước, quy chụp là lật đổ chế độ để đẩy những người bất đồng chính kiến vào tù. Bà Maria Đỗ Minh Hạnh
Không bị ảnh hưởng bởi chính trị
Cũng tại cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội ngày 15 tháng 9, Nghị sĩ Bernd Lange đã khẳng định hiệp định này không bị ảnh hưởng bởi chính trị.
Báo Tuổi Trẻ trong nước trích dẫn lời ông Bernd có nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh:
“Trong cuộc gặp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chúng tôi có đề cập đến vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh và hai bên đã được sự thống nhất về cách thức hợp tác rõ ràng hơn để vượt qua những trở ngại hiện nay”.
Nhưng tờ Tuổi Trẻ cũng trích dẫn lời ông Bernd Lange nói thêm:
“Nếu đạt được sự đồng thuận đa số ở Nghị viện châu Âu thì EVFTA được thông qua vào mùa hè 2018. Việc thông qua hay không đòi hỏi nhiều nỗ lực từ hai phía.”
Do đó, những người quan tâm đến EVFTA vẫn có lý do để lo ngại rằng cho dù EVFTA không bị ảnh hưởng bởi chính trị theo lời ông Bernd Lange đã khẳng định, nhưng nếu Quốc hội của CHLB Đức không đồng ý thì Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam cũng sẽ khó bảo toàn?
Formosa đã khắc phục hết các lỗi hành chính
Bộ Tài nguyên Môi trường ngày 20 tháng 9 cho biết Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính.
Trước đó đoàn giám sát của Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết công ty Formosa mắc phải 53 lỗi vi phạm hành chính và đã khắc phục được 52 lỗi, chỉ còn một lỗi duy nhất là chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô.
Đến nay, Bộ này cho biết Formosa đã hoàn thành việc thăm dò địa chất, đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ cốc khô của công ty Nippon Steel của Nhật Bản. Dự kiến đến tháng 3/2019 sẽ hoàn thành hệ thống Cốc khô số 1, đến tháng 6/2019 sẽ xong hệ thống số 2 theo đúng cam kết với Chính phủ.
Ngoài ra Bộ này cũng nói là Formosa đã phối hợp với các chuyên gia và tổ chức khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế cho việc xử lý chất thải, với tổng kinh phí hơn 343 triệu USD.
Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết đã mời các tổ chức tư vấn nước ngoài như Atkins của Anh, Veolia của Pháp tới để kiểm tra công nghệ sản xuất và xử lý thải của Formosa, và họ đều nói là hệ thống được quy mô bài bản, công nghệ hiện đại trên thế giới.
Hơn 42 ngàn tỷ đầu tư không hiệu quả
Tính đến ngày 25/8 có 43 dự án của doanh nghiệp nhà nước với tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả.
Đây là số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp và truyền thông loan đi ngày 20 tháng 9 cho biết là nếu tính cả 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương thì con số lên đến hơn 100.000 tỷ đồng.
Trong số những dự án không hiệu quả này, nổi bật nhất là các dự án của Bộ Giao thông Vận tải như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tới 27 dự án có dấu hiệu không hiệu quả, với tổng số vốn đầu tư lên đến 909 tỷ đồng. Những dự án này thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Thủy Sản Hạ Long.
Bộ Quốc phòng có một số dự án liên quan đến bất động sản vẫn chưa hoàn thiện.
Có 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Cả 8 dự án này đều thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).
Tại các địa phương, có 21 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Hải Phòng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Điện Biên.
Dân chặn xe tải chở đá qua địa phương
Tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Thành phố Biên Hòa, người dân địa phương mang thùng phuy, lập hàng rào không cho xe chở đá chạy trên những con đường dân sinh qua khu vực cư trú của họ. Biện pháp này được tiến hành từ ngày 19 tháng 9 và kéo dài đến ngày 20 tháng 9 chưa kết thúc.
Các xe chở đá này đi qua khu vực này để vận chuyển đá từ một mỏ đá xây dựng đang được khai thác tại ấp Tân Cang.
Một người dân làm hàng rào chặn xe nói với các nhà báo rằng xe chở đá chạy qua khu vực này làm cuộc sống của họ mất an toàn, môi trường bị ô nhiễm suốt 10 năm nay.
Việc phản đối này làm cho hàng trăm xe tải phải nằm chờ trên một đoạn đường vài cây số.
Đại diện của chính quyền đã đến nói chuyện với dân chúng nhưng người dân vẫn chưa dỡ bỏ hàng rào. Phó Chủ tịch thành phố Biên Hòa nói rằng thành phố Biên Hòa sẽ tổ chức đối thoại với người dân ấp Tân Cang.
Phản đối trạm thu phí BOT ở Quảng Ninh
Hàng trăm người dân phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 20 tháng 9 tiếp tục tập trung phản đối trạm thu phí đường bộ (gọi tắt là BOT theo tiếng Anh) của công ty Đại Dương đặt trên quốc lộ 18 đi qua địa phương này.
Người dân nói là trạm này thu phí quá đắt với giá là 30 ngàn đồng một lượt đối với xe dưới 12 chổ. Họ đề nghị giảm giá đối với trạm này. Và đây là lần thứ hai dân chúng phường Đại Yên phản đối trạm BOT Đại Dương.
Phó Giám đốc của công ty BOT Đại Dương trả lời báo chí rằng họ đã ghi nhận và gửi kiến nghị của người dân lên cấp trên, nhưng cần phải có thời gian để có thể ra quyết định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, kiến nghị chính phủ Hà Nội hai trạm thu phí BOT trên đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng.
Lý do được ông Thanh đưa ra là các doanh nghiệp vận tải Việt Nam hiện nay đã phải chịu phí đường bộ rất nặng nề.
Ông Thanh đưa ra đề nghị này trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu vào ngày 19 tháng 9.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đồng ý với ông Thanh và nói rằng phí cầu đường làm cho doanh nghiệp của hiệp hội hoạt động rất khó khăn.
Tổ công tác của chính phủ nói rằng đã ghi nhận các ý kiến này để chuyển sang cho Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý các dự án BOT để giải quyết.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-against-toll-station-09202017093331.html
Trường hợp tù nhân Nguyễn Hữu Quốc Duy
được đưa lên Liên Hiệp Quốc
Tổ chức Freedom Now và Công ty Luật quốc tế King & Spadling LLP vừa đồng đệ trình trường hợp tù nhân lương tâm trẻ Nguyễn Hữu Quốc Duy lên Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy Tiện hôm 19 tháng 9.
Biện pháp tiến hành được cho biết nhằm hy vọng nhận được ý kiến từ Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy Tiện đối với việc chính quyền Việt Nam cho giam cầm nhà hoạt động mạng Nguyễn Hữu Quốc Duy.
Theo Freedom Now thi việc giam giữ tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy như thế là vi phạm Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính Trị cũng như Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền.
Giám đốc phụ trách lĩnh vực pháp lý của Freedom Now, Kate Barth, phát biểu rằng trong vòng hai năm qua Việt Nam cho tăng cường đàn áp những tiếng nói bất đồng trên mạng, bắt giữ gần hai chục nhà hoạt động, xiết chặt biện pháp truy cập mạng. Việc giam tù Nguyễn Hữu Quốc Duy là một điển hình của tình trạng suy thoái về tự do Internet đáng ngại ở Việt Nam.
Freedom Now cho rằng việc tiếp tục cầm tù Nguyễn Hữu Quốc Duy vi phạm các quyền con người căn bản của thanh niên này, trong đó có quyền tự do biểu đạt.
Freedom Now kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy. Tổ chức này tin tưởng Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy Tiện cũng sẽ có kết luận tương tự.
Thanh niên Nguyễn Hữu Quốc Duy bị bắt vào ngày 28 tháng 8 năm 2015, cùng ngày với người anh em họ là Nguyễn Hữu Thiên An. Thanh niên này là thành viên của một phong trào thanh niên bị bắt vì xịt lên tường một đồn công an câu chống chính quyền.
Nguyễn Hữu Quốc Duy được trả tự do 3 ngày sau đó nhưng bị bắt lại vào ngày 21 tháng 11 năm 2015. Anh bị biệt giam 9 tháng không được tiếp xúc gia đình và luật sư muốn chọn.
Phiên xử vào ngày 23 tháng 8 năm 2016 kết án Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Freedom Now có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, chuyên vận động trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Biện pháp được thông qua những nổ lực tập trung hỗ trợ pháp lý, chính trị và quan hệ công chúng.
Hủy hơn 17 ngàn visa có đường lưỡi bò
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tại địa phận tỉnh Tây Ninh đóng dấu hủy bỏ hơn 17 ngàn visa rời trên hộ chiếu của người Trung Quốc có in bản đồ đường “lưỡi bò” trong 8 tháng đầu năm 2017.
Với tổng số gần 2 triệu người và hơn 35 ngàn phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài tính từ đầu năm 2017, nhân viên tại đó đã phát hiện 17.313 người Trung Quốc mang hộ chiếu có in hình bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn, hay còn gọi là đường “lưỡi bò” ở Biển Đông.
Những visa rời trên hộ chiếu này được nhân viên tại cửa khẩu Mộc Bài đóng dấu hủy bỏ và cấp lại visa mới theo quy định của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhân viên tại cửa khẩu Mộc Bài cũng phát hiện và xử lý 112 người có hành vi vi phạm các quy định xuất nhập cảnh qua biên giới, như hộ chiếu hết hạn sử dụng hay hộ chiếu đóng dấu kiểm chứng giả mạo…
Việt Nam đình chỉ 5 công an
nghi dùng nhục hình ở tỉnh Ninh Thuận
Việt Nam khởi tố vụ án, đình chỉ công tác 5 công an có liên quan đến vụ một bị can chết trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Ninh Thuận.
Báo Tuổi trẻ trích lời đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, tối ngày 19-9 cho biết đã tạm đình chỉ công tác 5 công an. Ông chỉ nêu tên 3 người là Hồ Bá Đồng, Vũ Trọng Trường, và Ngô Văn Sáng.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội dùng nhục hình theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự, để điều tra cái chết của nghi phạm Võ Tấn Minh xảy ra tại nhà tạm giam của Công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn, người quan tâm đến các vụ án công an dùng nhục hình, nói với VOA-Việt ngữ:
“Viện Kiểm sát Tối cao, theo quy định, đã vào cuộc và đã khởi tố vụ án. Điều này có nghĩa là sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng đã điều tra ban đầu và đã xác định ai là người gây ra cái chết cho nạn nhân, cho nên họ đã khởi tố vụ án, sau đó sẽ khởi tố từng bị can. Những người bị đình chỉ đương nhiên đã có liên quan đến vụ án.”
Ông Võ Tấn Minh, 25 tuổi, trước đó bị khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Truyền thông trong nước dẫn lời gia đình nạn nhân nói rằng ông Minh bị công an bắt giữ ngày 28/4 do phát hiện trong người có mang theo ma túy. Đến chiều ngày 8/9, công an tỉnh Ninh Thuận thông báo cho gia đình biết ông Minh đã chết.
Báo Tuổi trẻ hôm 19/9 nói rằng căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các chứng cứ, tài liệu thu thập đã xác định được một số cán bộ nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang -Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có hành vi dùng nhục hình đối với Võ Tấn Minh, và có dấu hiệu của tội “dùng nhục hình”.
Trước đó, trả lời báo chí về cái chết của nạn nhân, chiều 10/9, ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Ninh Thuận, bước đầu xác định là có xảy ra một vụ đánh nhau vào chiều 8/9. Theo đó, ông Minh đã bị 1 trong 3 người cùng phòng giam đánh và Minh có đánh lại.
Ngay lúc đó có 4 cán bộ quản giáo vào dẫn Minh ra khỏi phòng giam rồi dẫn vào phòng làm việc. Sau đó Minh được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và tử vong.
Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, (gọi tắt là UNCAT) của LHQ vào năm 2013, Quốc hội đã phê chuẩn công ước này một năm sau đó.
Nhận định về việc công an dùng nhục hình, luật sư Võ An Đôn nói:
“Tuy Việt Nam đã tham gia Công ước chống tra tấn, nhưng trình trạng công an dùng nhục hình cũng như nạn nhân chết trong đồn công an diễn ra rất nhiều và thường xuyên.”
Vào đầu năm nay, một dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi công ước UNCAT mà Bộ Công an công bố, trong vòng 5 năm có 10 vụ án với 26 bị cáo đã được thụ lý và xét xử về tội dùng nhục hình.
Blogger Tuấn Khanh viết trên Facebook: “Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người trong trại tạm giam.”
Riêng nhà tạm giam tạm giữ ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận gần đây đã xảy ra 2 vụ chết người trong vòng 2 tháng. Tại đây, trước đó vào tháng 7, ông Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, được cho là đã thắt cổ tự tử bằng chiếc áo dài tay, sau khi bị tạm giữ vì “cố ý gây thương tích.”
Các tổ chức quốc tế thường xuyên kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy hành động để chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công, tra tấn, bạo hành và truy cứu trách nhiệm những người liên quan.
Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng “không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình.” Và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được “xử lý nghiêm minh.”