Tin Việt Nam – 20/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/05/2018

Du khách Tàu, áo “lưỡi bò”

và sự hèn hạ quen thuộc!

Song Chi

Sự việc 14 du khách Trung Quốc mặc áo “đường lưỡi bò” khi nhập cảnh sân bay Cam Ranh ngày 13.5 vừa qua và cách xử lý của phía VN, một lần nữa lại cho thấy cái tâm lý bạc nhược, sợ Tàu của đa số quan chức Việt.

Về phía đám du khách, đây không phải là một sự sơ xuất gì mà là cố tình vì cả nhóm ăn mặc rõ ràng theo kiểu đồng phục. Phải coi thường nước chủ nhà lắm thì họ mới dám đi cả đám, mặc cái áo ngang nhiên thách thức chủ quyền nước chủ nhà như vậy. Vậy mà cả đám quan chức từ trên xuống dưới lúng túng không biết làm sao xử lý! Nào cả Tổng cục Du lịch, cả Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng phối hợp xử lý, «cơ quan điều tra thì làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ động cơ của nhóm khách này”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa thì cho rằng “Chúng tôi phải điều tra, khi đấy mới có đủ cơ sở kết luận để có hướng xử lý”, (“Khánh Hòa lúng túng xử lý vụ khách Trung Quốc mặc áo ‘đường lưỡi bò”, VNExpress).

Thật là cẩn trọng, chu đáo!

Càng lúng túng, càng cẩn trọng thì truyền thông báo chí Trung Quốc càng cười cho vào mũi (“Tờ Hoàn Cầu: ‘VN thiếu tự tin vụ áo lưỡi bò’, BBC), ra cái điều đường chín đoạn trên Biển Đông, hay còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, là phần lãnh thổ chính danh của Tàu, chả có gì phải bàn cãi nữa, VN làm như vậy chỉ “nhằm thổi lên tâm lý bài Trung” mà thôi.

Trong khi đó người dân Việt Nam chỉ cần mặc cái áo có hình No-U (“SAY NO TO U-LINE!) hoặc giăng biểu ngữ “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” là bị tóm về đồn ngay lập tức, chả cần điều tra gì cả cho mất thì giờ. Và chừng vài lần như vậy là bị tống vào tù, xử qua quít rồi kết án luôn, nhẹ thì năm ba năm, nặng hơn 10, 13 năm…

Chưa hết, chủ quyền quốc gia là điều tối quan trọng, người làm quan lại càng phải ý thức rõ điều này, vậy mà ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn lại cho rằng: ‘Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục’. (“Khách TQ mặc áo in lưỡi bò: ‘Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục’, VietnamNet)

Đại cục là cái đại cục gì? Là mối quan hệ giữa VN-Trung Quốc? Hóa ra cái mối quan hệ bất bình đẳng, đầy rủi ro, thiệt thòi cho phía VN từ hồi nào tời giờ đó lại phải coi trọng hơn cả chủ quyền quốc gia? Hay đại cục là giữ cho được hòa khí với Trung Cộng để không bị Trung Cộng tấn công? Nhưng liệu giữ hòa khí, hòa bình bằng sự hèn hạ, nhục nhã thì có giữ được lâu dài, nhất là một khi kẻ cướp ngày càng mạnh, ngày càng hung hăng, nhiều tham vọng?

Mà đâu riêng gì một tay Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch này, cái lối suy nghĩ hèn hạ, bạc nhược, nhắm mắt làm ngơ tất cả mọi sự khiêu khích, mọi hình thức xâm lăng, xâm phạm chủ quyền VN của Trung Cộng từ bao lâu nay, miễn sao giữ được chế độ, là cái suy nghĩ của không it lãnh đạo, quan chức cộng sản VN từ trên xuống dưới.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/9-dash-line-shirts-on-chinese-tourists-05192018201118.html

 

VN muốn

kiểm soát chặt hơn nữa Facebook và Google?

Giới chức Việt Nam dường như đang muốn kiểm duyệt gắt gao hơn nữa các hoạt động trên mạng, đặc biệt là các hoạt động online của giới bất đồng chính kiến.

Hiện có nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm với các vấn đề trong nước.

Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động bị án tù trong tháng Tư

Luật sư vụ xử ‘Hội anh em dân chủ’: ‘Họ bị oan’

Việt Nam: Ông Hoàng Đức Bình bị tuyên 14 năm tù

Cơ quan lập pháp dự kiến sẽ biểu quyết thông qua Dự luật An ninh mạng trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào thứ Hai 21/5/2018.

Nếu luật này được thông qua, Reuters bình luận, thì những người bị bất lợi nhiều nhất sẽ là giới bất đồng chính kiến.

Facebook, Google và các công ty quốc tế khác đã phản ứng mạnh khi bị đòi phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước.

Tuy nhiên, Reuters nói, họ đã chưa có thái độ tương tự đối với các phần trong dự luật có nội dung trao cho giới chức cơ hội trấn áp các hoạt động chính trị trên mạng.

Trong bản dự thảo mới nhất, dự luật này có những quy định buộc một số hãng nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam và “các dữ liệu quan trọng khác” trên lãnh thổ Việt Nam, tuy không còn yêu cầu phải để máy chủ ở Việt Nam.

Dự luật cũng đưa ra quy định về việc tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Việt Nam đã có những quy định nghiêm ngặt về internet từ năm 2013. Các thông tin chống chính phủ, gây tổn hại an ninh quốc gia, gây “hận thù và xung đột” hoặc “làm tổn hại uy tín của các tổ chức và cá nhân” bị nghiêm cấm.

Năm 2017, các quy định mới đã thắt chặt hơn việc kiểm soát internet ở Việt Nam.

Tháng 4/2017, chính phủ tổ chức thảo luận các vấn đề về internet bao gồm thông tin không chính xác, phát ngôn gây hận thù và bắt nạt.

Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’

Facebook nói gì về vụ VN ‘chặn thông tin xấu’?

Facebook ‘giúp TQ công cụ kiểm duyệt’

Số liệu cập nhật được công bố hôm thứ Sáu (18/5) cho thấy Google đã được chính phủ Việt Nam yêu cầu xóa hơn 6.500 video trong năm 2017, chủ yếu do chỉ trích chính phủ, Reuters đưa tin, và Google đã tuân thủ hầu hết các yêu cầu họ nhận được.

‘Phúc trình về tính minh bạch’ mới nhất của Facebook, được công bố hôm thứ Ba (15/5) nói rằng trong sáu tháng cuối năm ngoái, mạng xã hội được nhiều người dùng này đã chặn nội dung tại Việt Nam lần đầu tiên với lý do ‘vi phạm luật sở tại’.

Facebook nói đã có 22 trường hợp như vậy, tuy giải thích rằng họ quyết định chặn do ‘có những báo cáo cá nhân’ chứ không phải do nhận được yêu cầu của chính phủ.

Facebook cũng cho hay họ nhận được 12 yêu cầu từ chính phủ, đều được đánh dấu ‘khẩn cấp’, nhưng họ chỉ thực hiện 4 trong số các yêu cầu đó.

Giữa tháng Tư, giới hoạt động nhân quyền và các nhóm truyền thông người Việt ở Việt Nam và hải ngoại công bố thư ngỏ gửi ông Mark Zuckerberg bày tỏ lo ngại Facebook có thể giúp chính phủ Việt Nam “bóp nghẹt tiếng nói” về nhân quyền.

Lá thư nói họ lo ngại Facebook “đồng lõa với kiểm duyệt của nhà nước” ở Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44183428

 

Quảng Trị bắt mỗi công chức mua 9 kg ớt

Hàng trăm gia đình trồng ớt ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, trong những ngày này điêu đứng vì ớt chín rộ trên cây nhưng không có người thu mua.

Truyền thông trong nước cho hay, trong vụ đông xuân 2017-2018, gần 200 gia đình ở các xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ trồng hơn 17 héc ta ớt theo hợp đồng với một công ty ở thành phố Hải Phòng. Công ty này hỗ trợ 48% chi phí phân bón, hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, và cam kết thu mua vào cuối vụ. Nhưng thời gian gần đây, nắng nóng và gió Tây Nam khiến ớt héo và rụng nhiều. Công ty ở Hải Phòng đưa chuyên viên đến quan sát ruộng ớt rồi bỏ đi, không thu mua.

Ông Nguyễn Sừng, 57 tuổi, chủ nhân một ruộng ớt rộng hơn 1,000 mét vuông ở xã Cam Tuyền, buồn bã nói với báo mạng VnExpress rằng, bao nhiêu công sức gia đình ông bỏ ra coi như mất trắng. Trước tình hình này, chính quyền huyện Cam Lộ gửi một thông cáo đến các xã trồng ớt, ủy ban mặt trận tổ quốc huyện, các đoàn thể và nghiệp đoàn lao động kêu gọi mọi nhân viên, công chức, người lao động trong huyện hãy mua ớt. Bản thông cáo của huyện kêu gọi mỗi người cố gắng mua 9 kg ớt quả, với giá 5,500 đồng mỗi kg. Theo giới hữu trách, hiện còn khoảng 15 tấn ớt đã chín và một lượng lớn ớt khác sắp chín giữa ruộng. Các giới chức huyện không nói gì tới việc giúp các nhà nông đi kiện công ty ớt ở Hải Phòng vi phạm hợp đồng.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/quang-tri-bat-moi-cong-chuc-mua-9-kg-ot/

 

Những điều luật trong Bộ Luật Hình Sự

trái với Cương lĩnh ĐCSVN

Nguyễn Ngọc Già

Thông tin trên mạng xã hội gần đây có những bài viết đáng chú ý:

– “Trở lại trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức” [1] của Luật sư Lê Công Định.

– “Về Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức” [2] của Luật sư Ngô Ngọc Trai (gồm 3 phần và còn nữa).

Sau khi đọc xong những bài phân tích và viện dẫn một cách chuyên nghiệp của 2 vị Luật sư nói trên, tôi xin phép góp thêm một góc nhìn về triết lý xây dựng và thực thi pháp luật, tuân theo đặc thù của xã hội Việt Nam.

Mọi chủ trương và quyết sách phải tuân theo Cương lĩnh của ĐCSVN

Báo VNExpress ngày 28/9/2013 dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi sửa đổi Hiến Pháp, ông cho biết [3]: “Hiến pháp – văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Vậy, phải khẳng định: Cương lĩnh là một văn kiện pháp lý cao nhất trong toàn bộ hệ thống “văn bản pháp lý” của Nhà nước CHXHCNVN. Cương lĩnh ĐCSVN xuyên suốt và chi phối toàn diện và căn bản cho quản trị điều hành của Chính phủ.

Với đặc thù của xã hội Việt Nam, chấp nhận tiền đề nói trên là một điều mà tất cả cơ quan Đảng và Nhà nước cũng như công dân Việt Nam cần phải tuân thủ. Theo đó, mọi kiến giải, yêu cầu, đề đạt đều phải lấy Cương lĩnh của ĐCSVN làm căn cứ cao nhất.

Cương lĩnh ĐCSVN đã được chỉnh sửa, bổ sung và khai triển theo đúng quy luật triết học “vận động là tuyệt đối”, nhằm mục tiêu cải tạo xã hội Việt Nam ngày càng văn minh, tiến bộ và thích ứng với thời buổi hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước đang kiên trì theo đuổi.

Thật vậy, Cương lĩnh ĐCSVN đã có những thay đổi rất quan trọng. Tại Đại hội XII diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016, ĐCSVN đã thông qua Cương lĩnh về lĩnh vực tư tưởng, trong đó có một thay đổi rất tiến bộ và vô cùng quan trọng [4]:

“…tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam…”

Hiến Pháp 2013

Song song với thay đổi về lĩnh vực tư tưởng – lĩnh vực quan trọng bậc nhất trong Cương lĩnh, Hiến Pháp 2013 đã dành hẳn một chương nhấn mạnh về Quyền Con Người, trong đó, điều 14 quy định:

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Tính “Liên Tục & Kế Thừa” khi xây dựng và áp dụng luật

Đó là thuộc tính khoa học căn bản mà bất cứ một nhà soạn luật nào cũng đều hiểu và nắm chắc khi soạn thảo và áp dụng luật. Thật vậy, trong Lời Nói Đầu của Hiến Pháp 2013 đã viết:

“Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Lời Nói Đầu đã trình bày 2 tính chất căn bản nhất:

– Thể chế hóa Cương lĩnh của ĐCSVN

– Kế thừa các Hiến pháp trước đây.

Như vậy, 2 tính chất nêu trên là tiền đề để ba cơ quan “Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp” tuân thủ, sao cho tất cả cả mọi chủ trương, quyết sách, hành động phải bảo đảm đúng với Cương lĩnh của ĐCSVN. Cụ thể, về mặt tư tưởng, người dân có quyền suy nghĩ, viết ra tất cả các ý tưởng, miễn sao “KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC”.

Những điều luật trái với Cương lĩnh ĐCSVN

Đó là các điều luật trong Luật Hình Sự 1999 như: điều 79, điều 88, điều 258 và sau này được thay thế bằng những điều luật tương ứng trong Luật Hình Sự 2015 như: điều 109, điều 117, điều 331.

Trước đây, những điều luật nói trên đã được nhiều tác giả phân tích và chứng minh thành công về “tính chất mơ hồ” mà thế giới và quốc nội đều biết. Nay, Luật sư Lê Công Định đã chỉ rất rõ và cụ thể về trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế về điều luật mơ hồ này. Góp thêm vào đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai đang tiến hành các bước theo đúng trình tự pháp lý để đề nghị Nhà nước CHXHCNVN nghiên cứu xem xét, ngõ hầu “đặc xá” cho vị doanh nhân vô tội này.

Xoay quanh “trục cốt lõi” – Cương lĩnh ĐCSVN, chúng ta thấy, những vấn đề nêu trong cáo trạng quy tội cho doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức (như Luật sư Ngô Ngọc Trai phân tích) hoàn toàn là “NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC”.

Thêm vào đó, Luật sư Lê Công Định qua bài viết của mình, đã chứng minh thành công:“…trong BLHS 1999 không có bất cứ điều khoản nào quy định, dù cụ thể hay tổng quát, các yếu tố định danh và định tính về một “tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”…” mà có lẽ không có một học giả hay chuyên gia về luật có thể chứng minh rõ hơn được nữa.

Đặc xá là một điều đúng theo khoa học và tiến bộ

Với các phân tích nêu trên, việc đề xuất “đặc xá” cho ông Trần Huỳnh Duy Thức là một điều đúng theo khoa học và tiến bộ, bởi:

– Cương lĩnh trước đây vì chưa quy định rõ về mặt tư tưởng, nên khi người dân bày tỏ ý kiến, suy nghĩ hay phát ngôn v.v… trên mọi lĩnh vực dễ bị quy chụp “lật đổ chính quyền nhân dân” hay “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng tự do dân chủ”, nhưng nay nhờ có việc “…TÔN TRỌNG NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC” làm căn cứ, cho nên, những gì ông Trần Huỳnh Duy Thức bị quy tội trong cáo trạng đã không còn giá trị “bảo chứng”, nhờ sự thay đổi của Cương lĩnh. Nghĩa là tư duy và ý tưởng của ông Thức “KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC”.

– Hiến pháp 2013 tại điều 2 khoản 2 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, những ý tưởng của ông Thức không những đúng theo thay đổi tiến bộ của Cương lĩnh ĐCSVN mà còn không hề vi phạm vào khoản 2 điều 2 Hiến pháp 2013.

– Tất cả các luật đều phải xoay quanh Cương lĩnh và Hiến pháp. Khi Cương lĩnh và Hiến pháp chưa sửa đổi, ông Trần Huỳnh Duy Thức bị quy tội một cách “mơ hồ”, nên khiên cưỡng phải chấp nhận. Nay Cương lĩnh đã được sửa đổi và Hiến pháp đã đề cao Quyền Con Người.

Về đối ngoại và đối nội

Việc trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức còn có ý nghĩa rất lớn cho ĐCSVN và Nhà nước CHXHCNVN trong tình hình hiện nay.

Không những thế…

– Tất cả những người bị kết án với tội danh theo điều: 79, 88, 258 đang thụ án cũng cần được “đặc xá” theo phân tích trên.

– Tất cả những người đang chịu án quản chế (như cá nhân người viết bài này) cũng được chấm dứt thi hành án quản chế.

– ĐCSVN và Nhà nước CHXHCNVN nên nghiên cứu và vận dụng đúng theo sửa đổi của Cương lĩnh và Hiến pháp để, hoặc là xóa bỏ những điều luật 109, 117, 331 hoặc là định nghĩa rất rõ các nội dung buộc tội, sao cho những ai bị kết án từ những “tội danh này”, họ phải thấy rõ tư tưởng, hành vi của mình là “trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.

Tù Nhân Nhân Quyền Nguyễn Đình Ngọc – Blogger Nguyễn Ngọc Già

_____________________________________________________________

[1] https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/2037462326527541 (Luật sư Lê Công Định)

[2] https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1136823149791479&set=a.334810426659426.1073741827.100003914154408&type=3(Luật sư Ngô Ngọc Trai)

[3] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-bi-thu-de-phong-the-luc-muon-xoa-bo-dieu-4-hien-phap-2886937.html (báo điện tử VNExpress)

[4] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=44966&print=true. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 158 – 159 (Tạp Chí Cộng Sản).

Nguồn dẫn đều từ hai công dân với đầy đủ quyền hạn: Lê Công Định, Ngô Ngọc Trai và các trang báo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Nhấn mạnh điều này để thưa rõ với dư luận, những phân tích trên hoàn toàn là học thuật, tác giả bài viết không có bất kỳ “ý đồ xấu” nào để bị ghép vào “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 – Bộ Luật Hình Sự 2015 mà trước đây bản thân người viết đã buộc phải nhận lãnh án oan sai với 3 năm tù giam và 3 năm quản chế từ điều 88.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/party-charter-and-constitution-05192018200323.html

 

Ông Đinh Thế Huynh đã hai năm không họp QH?

Một trao đổi của quan chức Quốc hội Việt Nam hôm 19/05/2018 với báo chí cho thấy Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh “đã hai năm qua không hoạt động” ở Quốc hội nước này dù vẫn là đại biểu.

Trang Tuổi Trẻ trong phần hỏi Tổng thư ký QH, Nguyễn Hạnh Phúc đã trực tiếp đề cập đến ông Huynh:

“Về trường hợp đại biểu Đinh Thế Huynh đã 2 năm nay không tham gia các hoạt động của Quốc hội, về phía Đảng thì Bộ Chính trị đã đồng ý để ông được chữa bệnh dài ngày, bầu người khác làm Thường trực Ban Bí thư. Đề nghị tổng thư ký cho biết ông Đinh Thế Huynh còn đủ điều kiện làm ĐBQH không?”

Ông Trần Quốc Vượng chính thức làm thường trực Ban Bí thư

Quanh suy đoán Chủ tịch Quang ‘sẽ được thay thế’

Ông Đinh Thế Huynh ‘điều trị bệnh’

Vì sao ông Đinh Thế Huynh thăm Mỹ?

Liệu ông Đinh Thế Huynh có cần quay lại Mỹ?

Vẫn theo chính Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp:

“Ông Đinh Thế Huynh là cán bộ thuộc Bộ Chính trị quản lý, khi nào cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ có ý kiến thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét.”

Đoạn trao đổi ngắn cho thấy sự vắng mặt của một đại biểu QH kiêm Uỷ viên Bộ Chính trị như ông Huynh có vẻ không ảnh hưởnh gì về hoạt động của QH VN.

Theo các báo Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021 vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 1, thành phố Đà Nẵng.

Hiện không rõ các cử tri Đà Nẵng được đại diện ra sao thiếu ông Huynh.

Cũng không rõ lần cuối ông tiếp xúc cử tri là khi nào.

Theo nguyên tắc hoạt động đại biểu, trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội “có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu”.

Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2017, có tin ở Việt Nam nói Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh đang “điều trị bệnh.

Sau đó, Đảng CS VN chính thức thông báo ông Trần Quốc Vượng tạm thời tham gia Thường trực Ban Bí thư.

Hội nghị TƯ 7: Bầu hai người vào Ban Bí thư?

Việt Nam: Diễn biến nhân sự cấp cao cuối năm

Hội nghị TƯ 7: Sẽ có thay đổi nhân sự?

Hội nghị Trung ương 6 ‘xem xét kỷ luật’

Ông Đinh Thế Huynh cho tới lúc đó giữ chức Thường trực Ban Bí thư, là nhân vật số 5 trong hàng ngũ Đảng.

Sang tháng 5/2018, Bộ Chính trị ĐCSVN quyết định để ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư , Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021, thôi giữ chức để tiếp tục chữa bệnh dài hạn.

Ông Trần Quốc Vượng hiện đã chính thức làm Thường trực Ban Bí thư và ông Nguyễn Xuân Thắng thì thay ông Huynh làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng CS.

Là Bí thư TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ hồi tháng 12/2017, ông Thắng đã được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương vì ông Huynh vẫn bị coi là chưa khoẻ.

Tình trạng bệnh kéo dài của ông Đinh Thế Huynh làm nảy sinh các đồn đoán và suy luận rằng trong kỳ họp Hội nghị Trung ương 7 vừa qua chức Uỷ viên Bộ Chính trị của ông sẽ được người khác thay.

Nhưng sau Hội nghị, tên ông vẫn được công bố giữ một chức đó.

Nay thì như quan chức QH xác nhận, ông Huynh không làm gì đã lâu ở cả cương vị một người “đại biểu nhân dân” của Đà Nẵng, đô thị có khá nhiều vấn đề nhân sự cao cấp thời gian qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44187454

 

Ai ‘đồng thuận’ tăng thuế xăng dầu?

Một nghiên cứu viên chính sách ở Hà Nội nói với BBC rằng “sự đồng thuận” về việc tăng thuế xăng dầu “là của các cơ quan nhà nước mà Bộ Tài chính thăm dò, còn người dân là chuyện khác.”

Tin cho hay từ hôm 1/7, thuế xăng dầu tại Việt Nam “sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu,” theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Truyền thông Việt Nam tường thuật rằng động thái này “sẽ đem về 55.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách, tăng 14.368 tỷ so với mức cũ.”

Tăng thuế môi trường để bù đắp ngân sách?

VN: Thuế nhà ‘bần cùng hóa người dân’

TP HCM: Kinh doanh trên Facebook ‘phải nộp thuế’

Việt Nam: Tăng thuế VAT ‘phải rà soát chi tiêu công’

Trước đó, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cho hay họ đã lấy ý kiến “của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.”

“Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí và đồng thuận với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết, với 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn,” Bộ Tài chính khẳng định.

‘Có nhu cầu tăng thu’

Trả lời BBC từ Hà Nội, ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chính sách & Công nghệ nói: “Theo như tôi hiểu, sự đồng thuận về việc tăng thuế xăng dầu là của các cơ quan nhà nước mà Bộ Tài chính thăm dò, còn người dân là chuyện khác.”

“Không có dữ liệu gì để đánh giá người dân ủng hộ việc này hay không, nhưng nhìn trên mạng xã hội và các chuyên gia độc lập thì không có nhiều người ủng hộ việc tăng thuế như vậy.”

Cần đổi ‘tư duy lo sợ hội nhập và tận thu thuế’

Chuyện đánh thuế cửa sổ và khí trời

Toyota và Honda ngừng xuất xe sang VN

Dự án xe hơi của VinGroup hưởng ưu đãi thuế

“Nhà nước có nhu cầu tăng thu thì họ tăng thôi. Đó là cơ quan lo về thu ngân sách cho quốc gia, còn tăng thu đó được đồng tình hay không là chuyện khác.”

“Tôi nghĩ họ cũng có sư cân nhắc nhất định nên mới đưa ra các hình thức thăm dò, lấy ý kiến.”

“Có thể họ vẫn quyết định tăng thuế xăng dầu vì đánh giá việc này đáp ứng được việc tăng ngân sách, không ảnh hưởng mạnh đến lạm phát và sự phản đối của người dân chắc cũng ở mức độ như vậy thôi.”

“Theo tôi, mấu chốt của vấn đề lạm phát thì là do bên Ngân hàng Nhà nước quyết định, nên nếu có sự phối hợp với cơ quan này thì sẽ không tạo ra lạm phát cao trong dài hạn.”

“Còn về người dân thì tôi nghĩ chẳng ai ủng hộ tăng thuế xăng dầu hay bất kỳ loại thuế nào cả.”

Hôm 20/5, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói: “Ổn định giá cả là mong ước không những người dân (nhất là của người có thu nhập bằng lương tháng) mà còn là mục tiêu của các nhà quản lý kinh tế. Xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải không thể đứng im.”

“Hầu hết mặt hàng, dịch vụ đều phải chịu chi phí vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp, nên giá cước tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng. Giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến sinh hoạt của xã hội.”

“Khi nói đến sự “đồng thuận cao” của người dân thường người ta không dựa vào ý kiến chủ quan của một ai đó mà phải dựa trên một kết quả của một tổ chức thăm dò có uy tín.”

Theo báo Tuổi Trẻ, việc tăng thuế xăng dầu khiến nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn nhóm có thu nhập cao, mức tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng.

“Ông Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, nhận định túi tiền của người tiêu dùng sẽ bị vơi đi. Ước tính khoảng cách giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất khoảng 10 lần thì với đề xuất này người nghèo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn,” tờ báo viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44149552

 

Con lãnh đạo làm lãnh đạo

mang lại hạnh phúc cho dân tộc như thế nào

Nguyễn Tường Thuỵ

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 8, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu một câu nổi tiếng đến mức ai cũng nhớ, có thể tóm gọn như sau: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc.

Có vẻ như câu nói này, bà vận vào chính bản thân bà vì cha bà trước đây từng làm bí thư tỉnh ủy Tây Ninh. Nay bà làm Chủ tịch HĐND thành phố lớn trực thuộc trung ương lại thêm chức phó bí thư thành ủy nên có thể xem chức của bà ngang ngửa với ông cụ thân sinh.

Như vậy, bà thuộc diện con lãnh đạo làm lãnh đạo. Không biết bà đã đem lại hạnh phúc cho dân tộc như thế nào. Chỉ biết rằng, hôm bà tiếp xúc với dân bị cướp đất Thủ Thiêm, toàn thấy nỗi bức xúc, oán hờn, tiếng than khóc như ri. Dân còn lôi thẳng tên bà ra chất vấn. Khi ông Tất Thành Cang, lạm quyền phê duyệt bán rẻ 32 héc ta đất của Công ty Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai thì bà thản nhiên nói với cử tri rằng 32 héc ta này không phải là đất công do tài sản ấy hình thành từ vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Thành ủy đã chỉ đạo hủy hợp đồng nên nhà nước không… thiệt hại gì. Phát ngôn của bà cẩu thả tới mức, báo Người tiêu dùng mắng bà như mắng trẻ “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.

Bà Tâm còn nhiều phát ngôn lạ tai nữa. Bà cứ nói câu nào là dư luận giễu cợt câu đó. Phải chăng, dân tộc đang hạnh phúc vì những việc bà làm.

Xin nhắc thêm vài ví dụ để xem con lãnh đạo làm lãnh đạo, dân tộc hạnh phúc đến đâu.

Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên ủy viên Bộ Chính trị. Xuân Anh được nhanh chóng đưa vào Trung ủy, đề bạt lên tới chức Bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi. Chỉ hai năm sau, Xuân Anh bị kết luận vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tháng 10 và tháng 11/2017, Xuân Anh lần lượt bị cách tuốt mọi chức vụ: Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tp Đà Nẵng.

Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh.  Hoài Bảo có sở thích chơi chim nên luôn sưu tầm những loại chim hót hay, nhảy đẹp. Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư khi mới 30 tuổi. Nhưng cũng chỉ hơn 2 năm sau, Bảo bị kết luận không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học ở nước ngoài.

Lê Phước Hoài Bảo bị khai trừ ra khỏi đảng, cách chức Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, chuyển xuống làm chuyên viên Sở KH – ĐT tỉnh Quảng Nam. Không chỉ thế, Bảo còn bị  thu hồi toàn bộ các quyết định bổ nhiệm trước đó như thể Bảo chưa bao giờ kinh qua các chức vụ: công tác tại UBND huyện Thăng Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó GĐ Sở KH&ĐT Quảng Nam. Đây là một kiểu kỷ luật lạ đời, mới được sáng tạo ra, bắt đầu từ vụ kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương. Ngoài ra, Bảo còn bị cấm làm lãnh đạo Sở KH&ĐT, bị cấm tham gia các ban chỉ đạo, hội đồng, tổ chức tư vấn, giúp việc do UBND tỉnh thành lập.

Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên bí thư Thành ủy Tp HCM Lê Thanh Hải. Hiếu được đề bạt lên Phó bí thư quận ủy, Chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi. Hiếu “can tội” quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng không báo cáo với tổ chức. Kể ra, Hiếu chưa vợ nên việc có con với người yêu khi chưa cưới cũng là chuyện thường, nhưng Hiếu lại là người đang giữ các trọng trách nên mọi việc làm cần cẩn thận hơn, tránh “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.  Kể ra vụ kỷ luật này khá lãng nhách. Với mức kỷ luật thấp nhất có thể là khiển trách, mang tính nhắc nhở, răn đe là chính, Hiếu còn nhiều cơ hội để “mang lại hạnh phúc cho dân tộc” như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghị được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi, tức là cũng thuộc diện “tuổi trẻ tài cao” như Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng. Dư luận có nhiều đồn đoán về sự nghiệp chính trị của Nguyễn Thanh Nghị, tương lai thế nào chưa rõ. Chỉ biết một dạo, từ hồi tháng 11/2016 có lùm xùm về việc xe Range Rover Evoque màu trắng, mang biển số xanh 68A.001.43 của công an được điều đi công tác, hay sai phạm về đất đai tại huyện đảo Phú Quốc. Sau đó chuyện cũng qua đi.

Nhắc lại mấy vụ để thấy rằng, con quan làm quan có phải là do tuổi trẻ tài cao, là hạnh phúc cho dân tộc hay không. Việc con lãnh đạo làm lãnh đạo thì nhiều lắm, ở cấp nào cũng có. Cao là mấy quan đầu tỉnh và trung ương, vừa vừa là dạng đầu cơ quan tỉnh và tương đương, làng nhàng là quan huyện, dưới nữa là quan xã. Không nơi nào là không có con lãnh đạo làm lãnh đạo. Dù có biện minh kiểu gì thì dân chúng đều hiểu rằng, các cậu ấm, cô chiêu lên lãnh đạo là nhờ cái bóng của phụ mẫu chứ tuổi trẻ tài cao gì. Tất nhiên, không phải cứ con lãnh đạo là bất tài nhưng tìm ra một vài gương mặt xem chừng rất hiếm. Vì con đường thăng tiến quá dễ dàng, yên tâm với cái ô của phụ mẫu nên các cậu ấm, cô chiêu này dễ sinh ra chủ quan. Sống trong nhung lụa, kiến thức xã hội non nớt, thiếu kinh nghiệm chính trường lại không chịu tu dưỡng nên không tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Vì vậy, lấy đâu ra hạnh phúc của dân tộc từ nguồn này như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND Tp HCM nói.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/how-leaders-children-bring-happiness-to-people-05192018195257.html

 

Báo Việt Nam đính chính

vụ ‘biệt thự siêu đẹp của bộ trưởng’

Viễn Đông

Một tờ báo ở trong nước mới phải đăng bài viết “đính chính và xin lỗi” sau khi đăng hình ảnh nói Bộ trưởng Bộ Công thương sở hữu một căn hộ tại khu “biệt thự siêu đẹp” giá “vài triệu đô” ở Hà Nội.

Bài viết “cải chính thông tin” của tờ Môi trường và Đô thị Việt Nam hôm 18/5 được đăng tải sau khi Bộ Công Thương gửi công văn “hỏa tốc” tới Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý báo chí của Việt Nam”, đề nghị “xem xét xử lý”.

Trong quá trình tác nghiệp, một số người dân xung quanh thuộc tổ dân phố 58, phường Phú Thượng thông tin đó là nhà của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhưng vì không xác minh kỹ nên không thu thập thêm tài liệu chứng minh căn nhà đó không phải là của Bộ trưởng.

Tờ Môi trường và Đô thị Việt Nam viết.

Tờ báo là “diễn đàn của ngành môi trường, đô thị và khu công nghiệp Việt Nam” viết rằng “phóng viên đã có sơ suất trong nghiệp vụ” về thông tin trong bài viết có tựa đề “Chiêm ngưỡng những căn biệt thự siêu đẹp ở Vườn Đào, Hồ Tây”.

Ký giả của báo này đăng bức ảnh một biệt thự lớn ở khu nhà “có giá lên tới hàng triệu đôla” ở Hà Nội và nói rằng “chủ nhân hiện là Bộ trưởng Bộ Công thương”.

Bài viết kèm nhiều hình ảnh sau đó đã được nhiều người đăng lại trên mạng xã hội Facebook, thu hút nhiều bình luận.

Trong quá trình tác nghiệp, một số người dân xung quanh thuộc tổ dân phố 58, phường Phú Thượng thông tin đó là nhà của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhưng vì không xác minh kỹ nên không thu thập thêm tài liệu chứng minh căn nhà đó không phải là của Bộ trưởng. Vì vậy, biên tập đã duyệt đăng tải chú thích ảnh là không chính xác, gây ảnh hưởng tới uy tín Bộ trưởng Bộ Công thương”, tờ Môi trường và Đô thị Việt Nam viết.

Sau khi tờ đăng tinh đính chính, nhiều độc giả đặt câu hỏi về chủ nhân của ngôi biệt thự “siêu đẹp” đó.

Hiện chưa rõ liệu các tờ báo khác có thực hiện một cuộc điều tra, tìm hiểu về tòa nhà “bí ẩn” hay không.

Tờ Môi trường và Đô thị Việt Nam phải đăng tin đính chính giữa bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là đang đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng và tham ô.

Mới đây, hàng chục người, trong đó có các đảng viên và học giả, mới công bố một bức thư ngỏ, yêu cầu ông Trọng “công khai tài sản” để “làm gương”.

Việc tờ báo trên đăng hình ảnh căn biệt thự kèm theo chú thích như trên là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của cá nhân Bộ trưởng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của ngành Công Thương.

Bộ Công Thương viết trong công văn “hỏa tốc”.

Trong công văn “hỏa tốc”, Bộ Công Thương viết rằng “việc tờ báo trên đăng hình ảnh căn biệt thự kèm theo chú thích như trên là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của cá nhân Bộ trưởng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của ngành Công Thương”.

Bộ Công Thương còn yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông “xem xét xử lý hành vi vi phạm của Báo Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử”.

Hiện chưa thấy cơ quan quản lý báo chí của Việt Nam công bố biện pháp xử lý.

Theo báo Pháp luật TP HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh “đang sinh sống tại một căn hộ chung cư ở quận Ba Đình, Hà Nội”. VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập thông tin này.

https://www.voatiengviet.com/a/b%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91%C3%ADnh-ch%C3%ADnh-th%C3%B4ng-tin-bi%E1%BB%87t-th%E1%BB%B1-si%C3%AAu-%C4%91%E1%BA%B9p-c%E1%BB%A7a-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-/4401931.html