Tin Việt Nam – 20/04/2017
Đồng Tâm chưa xong,
lại có đụng độ vì đất ở Vọng Đông, Bắc Ninh
Một số người dân ở một thôn của tỉnh Bắc Ninh đưa thông tin lên mạng xã hội cho hay trong ngày 20/4 đã có đụng độ giữa dân và nhà chức trách do tranh chấp đất đai.
Địa điểm xảy ra đụng độ là thôn Vọng Đông, xã Yên Trung thuộc huyện Yên Phong của tỉnh. Nơi này chỉ cách ranh giới với Hà Nội chưa đầy 10 kilomet.
…nhà cầm quyền của Bắc Ninh đã bắt bớ khoảng 10 người, đánh bị thương một cụ già và đánh một người dân bị gẫy tay. Có nghĩa là giải tán đám đông đấy thôi, còn hiện tại bà con vẫn cắm chốt ở vùng đất đó. Chính quyền chưa lấy [đất], hiện nay bà con cũng quyết tử để giữ đất…
Nhà hoạt động Đường Văn Thái
Thông tin của người dân trên Facebook, được nhiều nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội chia sẻ, chứa các bức ảnh và video cho thấy nhiều người dân và cảnh sát cơ động đã đối đầu. Số người của cả hai bên ước tính lên đến hàng ngàn người.
Người dân nói chính quyền đã tìm cách “thu hồi đất với giá đền bù rẻ mạt” ở khu ruộng 14 mẫu có tên là Đồng Cốc. Họ khẳng định vẫn canh tác ở đó và nộp thuế đầy đủ qua nhiều thế hệ.
Dẫn luật đất đai, người dân xác định đất của họ là ruộng lâu dài. Nhưng vì một lý do nào đó còn chưa được làm sáng tỏ, cách đây 3 năm, ông trưởng thôn – người nay đã từ chức – đã ký một biên bản “biến” khu đất đó thành ruộng công ích.
Việc làm này không thông qua một cuộc họp với dân, không có sự đồng ý và chữ ký của dân. Họ khẳng định sự thay đổi này là sai Luật đất đai 2013. Điều này dẫn đến hậu quả là khi chính quyền dự định lấy khu đất hơn 50,000m2 của Vọng Đông để làm một khu công nghiệp, người dân có thể bị thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng (gần 1 triệu đôla).
Thời gian gần đây, người dân đã gửi đơn khiếu kiện. Chính quyền đã tìm cách đối thoại. Nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận do người dân không chấp nhận mức giá đền bù mới đề xuất là 21.000 đồng/m2.
Ngày 20/4, hàng trăm cảnh sát cơ động đã “cưỡng chế” khu đất. Xô xát đã xảy ra nhưng đến cuối ngày, chính quyền chưa lấy được đất.
Nhà hoạt động Đường Văn Thái, người sống ở Hà Nội cách Vọng Đông 5 km và có bạn bè là người địa phương gửi nhờ đăng thông tin lên Facebook, cho VOA biết thêm:
“Hiện nay là bà con đã ra về và nhà cầm quyền của Bắc Ninh đã bắt bớ khoảng 10 người, đánh bị thương một cụ già và đánh một người dân bị gẫy tay. Có nghĩa là giải tán đám đông đấy thôi, còn hiện tại bà con vẫn cắm chốt ở vùng đất đó. Chính quyền chưa lấy [đất], hiện nay bà con cũng quyết tử để giữ đất. Thậm chí họ đã mua những quan tài, họ đang đốt hương ở sẵn ngoài đó. Họ dựng lều, dựng trại ở khu đất đó để giữ đất”.
VOA đã cố liên lạc với các quan chức địa phương để kiểm chứng thông tin vào chiều muộn cùng ngày, song không có kết quả.
Hầu như mọi người không biết … họ cũng ít va chạm với mạng xã hội. Bởi vì ở xung quanh khu vực đó là dân làm làng nghề. Họ suốt ngày cắm đầu vào công việc nên cũng ít để ý chuyện mạng xã hội. Cho nên thông tin lan tỏa nó rất là hạn chế
Nhà hoạt động Đường Văn Thái
Vụ việc mới nhất này xảy ra vào lúc đối đầu cũng liên quan đến tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, vẫn bế tắc trong 6 ngày qua. Người dân ở Đồng Tâm đã chống trả một nỗ lực cưỡng chế đất từ ngày 15/4. Hiện giờ, họ cố thủ trong thôn Hoành, cầm giữ 20 người gồm nhiều cảnh sát cơ động và một số cán bộ địa phương.
Nhà chức trách trong những ngày qua đã không cho báo chí chính thống đăng các bài chi tiết về vụ Đồng Tâm, trong khi mạng xã hội có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thậm chí trái ngược nhau, về những diễn biến ở đó.
Tuy nhiên, ông Đường Văn Thái cho hay người dân ở Vọng Đông, Bắc Ninh, không hề biết về vụ Đồng Tâm:
“Hầu như mọi người không biết. Hầu như là mọi người dân ở đây là họ rất là thuần túy bởi vì ở đây là cái vùng nông nghiệp thuần túy. Và họ cũng ít va chạm với mạng xã hội. Bởi vì ở xung quanh khu vực đó là dân làm làng nghề. Họ suốt ngày cắm đầu vào công việc nên cũng ít để ý chuyện mạng xã hội. Cho nên thông tin lan tỏa nó rất là hạn chế”.
Ông Thái từng làm việc cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ủy ban Nhân dân Huyện Đông Anh, nhưng đã từ bỏ đảng và nghỉ việc nhà nước năm 2015 do thấy những bất công trong các hoạt động thu hồi và đền bù đất đai của nhà nước. Hiện nay ông tích cực hoạt động vì quyền đất đai của người dân.
Tranh chấp đất đai ở Việt Nam đã liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây, thậm chí có vụ dẫn đến bạo lực chết người như ở Đắc Nông hồi tháng 10/2016. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã kêu gọi quốc hội sửa luật đất đai, công nhận quyền tư hữu, cũng như rà soát lại các quy định về thu hồi và bồi thường.
TT Trump sẽ đến Việt Nam dự APEC vào tháng 11
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tham dự ba hội nghị thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết như vậy khi đi thăm trụ sở của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm thứ Năm 20/4.
Phó tổng thống Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố sau cuộc họp với tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh rằng ông Trump sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Philippines, và hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.
Ông Pence nói rằng chính quyền ông Trump sẽ làm việc với Hiệp hội ASEAN về các vấn đề an ninh, thương mại và tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia Đông Nam Á.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Việt Nam kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh họp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại thủ đô Washington trong cùng ngày thứ Năm 20/4.
Nguồn: Reuters và ASEAN.org
http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-se-den-vietnam-du-apec-vao-thang-11/3818270.html
Chủ tịch Hà Nội
đối thoại với cán bộ xã Đồng Tâm, không có dân
Cuộc đối thoại dự kiến giữa nông dân xã Đồng Tâm và chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã không diễn ra theo yêu cầu của ông Chung.
Báo chí Việt Nam cho hay là ông Nguyễn Đức Chung đã gửi giấy mời đến các cán bộ và nông dân xã Đồng Tâm đến trụ sở ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức vào chiều ngày 20 tháng tư, để tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng giam giữ con tin từ ngày 15 tháng tư đến nay.
Thành phố Hà Nội đã cho ba chiếc xe xuống xã Đồng Tâm để chở những người đại diện của dân lên gặp chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại huyện Mỹ Đức cách đó 20 cây số. Nhưng theo ghi nhận của các phóng viên trong nước thì người dân không chấp nhận mà yêu cầu các lãnh đạo thành phố xuống xã Đồng Tâm gặp họ.
Đến 6h40 chiều thì một quan chức huyện Mỹ Đức xác nhận với báo chí rằng ba chiếc xe của chính quyền đã rời khỏi xã Đồng Tâm mang theo những người đại diện Đồng Tâm.
Theo tin của báo Tuổi trẻ thì ông Chung và các cán bộ xã Đồng Tâm bắt đầu nói chuyện với nhau vào lúc 6h50 chiều. Tuy nhiên trong số những người đến ủy ban huyện Mỹ Đức không có đại diện của nông dân mà chỉ là cán bộ xã mà thôi.
Đến lúc 7:25 phút tối ngày 20 tháng tư, cuộc làm việc giữa chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội- Nguyễn Đức Chung và đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm kết thúc. Trong cuộc làm việc ông Chung nói sẽ mời người dân Đồng Tâm lên đối thoại trực tiếp với ông vào một lần sau.
Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 20 tháng tư bị báo chí chất vấn về vụ Đồng Tâm.
Phát ngôn viên của bộ ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng cho biết là các cơ quan chức năng Hà Nội đang giải quyết tình hình theo đúng qui định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Bên cạnh đó bà cũng nói rằng chính quyền sẽ xử lý nghiêm những hành động vi phạm pháp luật.
Vụ khủng hoảng Đồng Tâm bắt đầu từ ngày 15 tháng tư sau khi bốn nông dân bị bắt giữ khi biểu tình chống việc cấp đất của xã cho công ty Viettel của quân đội.
Đáp trả lại dân chúng đã bắt giữ 38 cán bộ xã và các nhân viên công an an ninh.
Đến nay 4 nông dân đã được về nhà. Phía dân chúng cũng đã trả tự do cho 15 con tin, nhưng theo các nguồn tin khác nhau thì hiện nay nông dân xã Đồng Tâm vẫn canh gác cẩn mật làng xóm, không cho người lạ xâm nhập, mặc dù họ đã cởi mở hơn khi cho phép báo chí trao đổi với họ để đưa tin.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/update-dongtam-crisis-04202017092036.html
Cán bộ xã có phải là đại diện cho nông dân hay không?
Kính Hòa, phóng viên RFA
Công luận tại Việt Nam suốt những ngày qua chờ đợi cuộc đối thoại giữa chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện phía chính quyền với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm hiện đang phong tỏa làng và giữ 21 cán bộ, nhân viên cảnh sát trong vụ đất đai tại địa phương.
Tuy nhiên cuộc làm việc về phía chính quyền thành phố do ông Chung đứng đầu và phía xã Đồng Tâm là một số cán bộ xã chứ không hề có người dân nào.
Cuộc làm việc được truyền thông trong nước cho biết kết thức vào lúc 7:25 phút tối ngày 20 tháng tư. Hai quyết định được nhiều người chú ý là cơ quan chức năng sẽ thanh tra vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm trong vòng 45 ngày. Và ông Nguyễn Đức Chung sẽ tiến hành một cuộc nói chuyện với đại diện người dân Đồng Tâm.
Người dân người ta mời đi lên tiếp xúc mà không đi thì tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc. Phải nên nói sự thật, rồi sau đó mới biết giải quyết thế nào.
– Luật sư Trần Quốc Thuận
Như vậy có thể nói cuộc đối thoại được chờ đợi suốt những ngày qua bất thành vì không có dân tham dự, mà chỉ là những cán bộ xã Đồng Tâm. Ông Nguyễn Đức Chung chỉ về trụ sở huyện Mỹ Đức chứ không về xã Đồng Tâm. Từ huyện về xã đoạn đường không đầy 20 cây số.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, người từng làm vụ trưởng vụ nghiên cứu ban dân vận trung ương của đảng cộng sản cho rằng những cán bộ xã này không phải là đại diện cho nông dân trong hệ thống hiện nay của Việt Nam:
“Họ không tin chính quyền hiện nay, nói nhiều nhưng làm nhảm nhí nhiều chuyện quá thì dân họ đâu có tin. Hiện nay thì làm gì có chuyện dân bầu, mà chỉ là đảng cử thế thôi. Tất cả hệ thống hiện nay là do đảng sắp xếp thôi, chứ làm gì có dân vào đấy.”
Cơ quan của ông Nguyễn Khắc Mai từng làm việc là nơi chăm lo cho những mối quan hệ giữa đảng cộng sản cầm quyền và dân chúng.
Sau khi cuộc khủng hoảng Đồng Tâm bùng nổ với một số lượng lớn chưa từng có các cán bộ nhà nước và nhân viên an ninh bị bắt làm con tin, nông dân Đồng Tâm đã nhắn gửi các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội đến gặp họ để tìm hiểu những lý lẽ của họ về vụ tranh chấp đất đai.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng quốc hội Việt Nam có ý kiến về việc dân yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội về xã nhưng chủ tịch chỉ về đến ủy ban nhân dân huyện và gửi giấy cho đại diện dân lên gặp:
“Người dân người ta mời đi lên tiếp xúc mà không đi thì tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc. Phải nên nói sự thật, rồi sau đó mới biết giải quyết thế nào. Còn chuyện mà lãnh đạo cấp trên tiếp xúc với những người cầm quyền cấp dưới thì đó cũng là tiếp xúc để nghe phản ảnh báo cáo tình hình. Những người đó là về mặt pháp lý thì cũng có thể coi là đại diện, đại biểu hội đồng nhân dân gì đấy do dân bầu ra. Nhưng thực sự tiếp xúc thẳng với những người dân đưa kiến nghị thì tốt hơn.”
Tại Việt Nam cũng có diễn ra định kỳ các cuộc bầu cử các cơ quan dân cử, từ cấp cao nhất là quốc hội, cho đến các cấp thấp hơn là các hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã.
Tất cả các cuộc bầu cử này có hệ thống sàng lọc các ứng cử viên theo nguyên tắc xét duyệt của mặt trận tổ quốc, một cơ quan của đảng cộng sản, đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam. Tuyệt đại đa số các ứng cử viên đều là đảng viên đảng cộng sản.
Sự thất bại của liên minh công nông
Với sự phát triển của xã hội dân sự cũng như kinh tế Việt Nam, những cuộc bầu cử này trở nên khá sôi động hơn khi ngày càng có những người không phải đảng viên ra tranh cử, nhưng đại đa số những người này đều bị loại bỏ bằng lý do này hay lý do khác. Thông tin về những cuộc tranh cử này chỉ được truyền thông tự do của mạng xã hội đưa tin, còn báo chính thống do đảng cộng sản kiểm soát hạn chế đến mức tối đa việc đưa tin này.
Theo thông tin từ báo chí Việt Nam thì khi tổ chức cuộc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung đã gửi thư mời đến với các cán bộ xã và với dân nói chung. Báo Tuổi trẻ trích lời bà Nguyễn Thị Lan, bí thư đảng cộng sản tại xã Đồng Tâm nói rằng cuộc đối thoại mà chỉ có cán bộ xã mà không có dân thì sẽ không có hiệu quả.
Như vậy về mặt chính thức như ông Trần Quốc Thuận đề cập thì những cán bộ xã này là đại diện của dân chúng, nhưng trên thực tế như ông Nguyễn Khắc Mai nhận định, thì những người này không đại diện cho dân. Phát biểu của bà bí thư xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan cũng góp phần cho thấy rằng những người cán bộ xã không hoàn toàn có thể đại diện quyền lợi của người dân.
Trong lý thuyết cộng sản được đảng cầm quyền nêu cao tại Việt Nam thì nông dân là một thành phần nòng cốt của xã hội. Ông Nguyễn Khắc Mai bình luận:
Đối xử với một lực lượng liên minh theo một cách vô đạo, vô lương tâm, vô văn hóa như thế thì còn gì là trời đất, còn gì là đạo nghĩa, còn gì là lẽ công bằng.
– Ông Nguyễn Khắc Mai
“Ông coi nông dân trong hiến pháp, trong điều lệ đảng nhà ông là liên minh, chiến lược, công nông, nhưng thực ra họ đẩy nông dân đến thế khốn cùng, mà buộc nông dân phải xù lông xù cánh ra chống đối bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi cho rằng không có sự ngu xuẩn nào hơn như thế. Đối xử với một lực lượng liên minh theo một cách vô đạo, vô lương tâm, vô văn hóa như thế thì còn gì là trời đất, còn gì là đạo nghĩa, còn gì là lẽ công bằng.”
Thực tế phát triển kinh tế Việt Nam với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, và sự xuất hiện của một tầng lớp tư sản giàu có, tầng lớp nông dân thực sự không có quyền lực chính trị và kinh tế, được minh chứng qua hàng ngàn vụ tranh chấp đất đai, và bị đàn áp.
Kết thúc cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Quốc Thuận bày tỏ sự mong đợi của ông là lần này nhà cầm quyền sẽ vì lợi ích của người nông dân mà hành động:
“Cũng mong cuộc đối thoại tìm ra sự thật để đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Đây là cuộc khiếu kiện kéo dài nhiều năm mà giải quyết chưa dứt điểm. Mà nên đặt lợi ích của nhân dân lên trên, quyền lợi của nhân dân lên trên. Thì cuộc giải quyết này mới mong có kết quả tốt đẹp.”
Trong bản tin của báo chí Việt nam loan đi sau khi công bố quyết định thanh tra vụ tranh chấp Đồng Tâm, ông chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Nội có nói với các cán bộ xã rằng nên thuyết phục nông dân ở xã tin vào việc kiểm tra sắp tới, vì sẽ có các đại biểu quốc hội tham gia kiểm soát. Quốc hội Việt Nam về nguyên tắc cũng là cơ quan đại diện cho mọi tầng lớp dân chúng, kể cả nông dân.
Lỗ hổng nghiêm trọng trong chính sách đất đai của Việt Nam
Anh Vũ, thông tín viên RFA
Ở VN, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Trong cơ chế Kinh tế Thị trường, khi đồng tiền có thể chi phối được tất cả thì đây là một lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng của Luật Đất đai hiện nay.
Người dân nổi giận
Trong những ngày vừa qua, vụ việc người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức – Hà Nội, bắt giữ 38 cán bộ và nhân viên CSCĐ là tâm điểm của dư luận xã hội.
Cũng như các vụ việc trước đây đã xảy ra ở Tiên Lãng, Văn Giang, Cồn Dầu v.v… thì vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội hôm nay cũng chỉ là một vụ việc rất nhỏ nằm trong sự bất cập của chính sách sở hữu đất đai hiện nay.
Trong một tâm trạng bức xúc, ông Hùng, một người dân ở Quận Tây Hồ, Hà Nội, là nạn nhân của chính sách đất đai lên tiếng:
“Cuộc sống của chúng tôi từng tồn tại đã rất nhiều năm, không thể cho phép chính quyền có thể cướp đất của chúng tôi. Chính trên mảnh đất này đã có bao nhiêu thế hệ trong gia đình tôi đã sinh ra. Sao lại thu hổi, nếu thế về mặt luật pháp chúng tôi chưa đủ tư cách theo Luật đất đai chứ gì? Như vậy là nhà nước thiếu trách nhiệm”.
Theo Luật đất đai năm 2013, khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
Trước phản ứng của dư luận xã hội cho rằng, vụ việc ở xã Đồng tâm, huyện Mỹ Đức Hà Nội, trong những ngày vừa qua đã cho thấy sự sai lầm của Luật Đất đai năm 2013. Đó là, dù là luật pháp khẳng định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng trên thực tế người dân không có quyền sở hữu, mà chỉ có quyền sử dụng. Do vậy, đất đai của họ có thể bị cướp bất kỳ lúc nào. TS Nguyễn Quang A, Nguyên Viện trưởng Viện IDS nhận xét:
Cuộc sống của chúng tôi từng tồn tại đã rất nhiều năm, không thể cho phép chính quyền có thể cướp đất của chúng tôi.
– Ông Hùng, Hà Nội
“Chính sách đất đai thuộc sở hữu của toàn dân là một vấn đề hết sức sai lầm của Đảng CSVN và lâu nay người ta đã đặt vấn đề phải xóa bỏ chính sách sai lầm này của họ đi. Rất đáng tiếc là các lãnh đạo Đảng CSVN kiên quyết bảo vệ chính sách sai lầm đó. Mà không biết rằng nó là nguyên nhân sâu xa nhất, gốc rễ nhất, cơ bản nhất để gây ra tham nhũng, bất ổn xã hội và các cuộc khiếu kiện trong hàng chục năm nay. Biểu hiện trong những ngày vừa qua tại xã Đồng tâm, huyện Mỹ Đức chỉ là một biểu hiện nổi bật trong muôn vàn các hiện tượng trong mấy chục năm qua mà thôi.”
Lý giải nguyên nhân vì sao cả xã Đồng tâm, huyện Mỹ Đức Hà Nội, hơn 6.000 người dân phải thề “giữ đất đến chết?” Trên trang facebook cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang đã chỉ ra các bất cập trong chính sách quản lý đất đai hiện nay ở VN. Theo ông, việc các nhóm lợi ích cấu kết với các quan chức tha hóa – đại diện nhà nước, người thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai. Đây là lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng của Luật Đất đai của VN trong cơ chế Kinh tế Thị trường, khi đồng tiền có thể chi phối được tất cả. Ông bình luận rằng:
“Ở đây có nhiều khuất tất, phi lý. Các doanh nhân và số quan chức ký kết dự án với nhau thì làm giàu bất chính trên lưng người dân khốn khổ. Không những thế, người dân còn bị đàn áp, tù đầy, oan ức. Kinh doanh theo cơ chế thị trường, thì phải thương thảo “thuận mua, vừa bán” chứ! Tại sao CAND, CSCĐ, thậm chí có lúc cả quân đội nữa lại đi đàn áp dân để “giải tỏa”, “cưỡng chế” đất đai của dân, dâng cho các doanh nghiệp và các doanh nhân?”
Chính sách sai lầm
Phân tích về thủ đoạn của các nhà lãnh đạo VN trong việc cố tình duy trì chính sách đất đai hiện nay, điều mà theo TS Nguyễn Quang A là thứ chính sách “phản động, hại dân”, ông nhận xét:
“Trước khi nắm được chính quyền cần lực lượng nhân dân họ đưa ra chính sách “Người cày có Ruộng”, đến khi nắm được chính quyền rồi thì họ tước đoạt cái quyền đó của người nông dân. Với chính sách đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, mà nhà nước là ai? Đó chính là những người lãnh đạo ấy, rồi để họ cướp đất tư của người dân thành đất của họ đẻ họ biến đất công thành đất tư. Đấy là một lỗ hổng khủng khiếp, mà bất kể xã hội nào nói là chăm lo cho dân không thể chấp nhận được.”.
Người VN có câu “Con giun xéo mãi cũng quằn”, người dân dẫu bị lừa mị thế nào cuối cùng họ cũng phát hiện ra sự thật.
– TS Nguyễn Quang A
TS Nguyễn Quang A cũng cho biết thêm, đây không chỉ là sự bất cập đơn thuần trong chính sách, mà còn là sự đe dọa tới sự tồn vong của đảng cầm quyền và chế độ. Điều đó theo ông sẽ buộc họ sẽ phải sửa đổi. Ông cảnh báo:
“Người VN có câu “Con giun xéo mãi cũng quằn”, người dân dẫu bị lừa mị thế nào cuối cùng họ cũng phát hiện ra sự thật. Và người ta sẽ phải cất lên tiếng nói, rồi người ta sẽ đứng lên đấu tranh. Và tôi nghĩ rằng đây là điểm yếu chí tử của Đảng CSVN, nếu họ muốn tồn tại thêm một thời gian nữa thì thì dứt khoát họ phải xóa bỏ chính sách này. Nếu không cái chính sách phản dân này sẽ bị nhân dân dẹp và rồi nhân dân cũng sẽ dẹp cả sự tồn tại của đảng Cộng sản nữa.”
Theo TS Nguyễn Tấn Phát, Đại học Quốc gia TP. HCM thấy rằng, chính sách quản lý đất đai hiện nay có vấn đề mâu thuẫn và xung đột trong lợi ích giữa các đối tượng trong xã hội. Đồng thời là nguyên nhân chủ yếu gây nên các chính sách bất cập trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân. Thách thức của những bất cập đó là nghiêm trọng, đòi hỏi Nhà nước cần xem xét, thay đổi các chính sách phù hợp với thực tiễn.
Mỹ Đức, quả bom ruộng đất Việt Nam
Trong gần 1 tuần, kể từ hôm 15 tháng 4 đến nay, thông tin về bà con nông dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đấu tranh, bắt nhốt 38 cảnh sát cơ động và cố thủ trong làng, chuẩn bị tinh thần đấu tranh cao độ để đối phó với lực lượng công an Hà Nội đang bố ráp, cắt điện, cắt nước và phá sóng di động, sự việc như một quả bom đã được kích hoạt. Vấn đề căng thẳng do đền bù bất hợp lý đất đai của nhà nông vẫn chưa được giải quyết nhưng chính quyền đã tiến hành truy tố người dân đấu tranh. Liệu sự việc này sẽ đến đâu? Và đâu là nguyên nhân?
Đền bù không hợp lý
Một người dân sống ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, tên Hạnh, chia sẻ: “Chuyện chính quyền họ lấy đất, lấy ruộng của nông dân mà không trả đấy mà! Bây giờ dân người ta đang đòi đất từ chính quyền, chính quyền lấy đất của dân mà không trả đấy thôi. Chuyện này lằng nhằng lâu nay rồi…”.
Bà Hạnh chia sẻ thêm, vấn đề thu hồi và đền bù đất ở Mỹ Đức dường như có sự bất minh ngay từ đầu. Nghĩa là trước thời điểm xảy ra biến cố Đồng Tâm nhiều năm, đã có một chương trình xây dựng sân bay Miếu Môn và dự án này thu hồi, đền bù đất ruộng của bà con nhân dân xã Mỹ Đức với giá rất thấp và người dân vui vẻ chấp nhận điều này vì sân bay Miếu Môn là công trình quốc phòng, có tính phúc lợi xã hội. Nhưng điều này không diễn ra đúng như lời hứa từ phía nhà nước, quĩ đất canh tác của người dân bị chặn đứng và bỏ hoang suốt một thời gian dài.
Trong khi không có đất để canh tác, nông dân xã Đồng Tâm phải đi làm thuê tứ xứ, các chợ lao động trên thành phố Hà Nội với hàng chục, có lúc đến hàng trăm người xếp hàng chờ chủ thuê đến gọi đều là người của xã Đồng Tâm. Số tiền đền bù đất nông nghiệp lúc đó tính ra mỗi mét vuông đất mua không được một ổ bánh mì nhưng bà con nông dân vẫn chấp nhận để nhà nước xây sân bay. Thế rồi mọi chuyện thay đổi không theo dự tính, từ một công trình xây dựng quốc phòng là sân bay Miếu Môn, người ta hô biến nó thành một công trình có tính thương mại, bán nó cho tập đoàn Viettel và cả một quĩ đất khổng lồ hàng trăm ngàn mét vuông, nơi vốn dĩ là mảnh đất sinh sống hằng trăm năm nay của người dân Đồng Tâm bị biến thành miếng mồi béo bở của tập đoàn Viettel.
Và với giá bồi thường cho người dân mỗi mét vuông chưa mua được một ổ bánh mì, người ta biến thành đất xây dựng, bán ra thị trường với giá 30 triệu đồng một mét vuông. Điều này gây bức xúc trong nhân dân bởi vô hình trung, hành vi thổi đất quốc phòng thành đất bán trên thị trường của những người đang nắm chức sắc trong bộ máy nhà nước đã mang tính lừa đảo nhân dân. Mượn danh quốc phòng, mượn danh phúc lợi xã hội để lấy đất của dân để bán. Và câu chuyện người dân Đồng Tâm nổi dậy, đấu tranh đòi đất là một hệ quả tất yếu sau quá trình dài bị nhà cầm quyền lừa đảo họ.
Đấu tranh đến bao giờ?
Ngày 15 tháng 4 năm 2017, lực lượng công an thành phố Hà Nội phối hợp với công an huyện Mỹ Đức tiến hành bố ráp bà con nông dân xã Đồng Tâm để bảo vệ cho Viettel cải tạo đất sân bay Miếu Môn thành đất của Viettel để bán. Việc này đã dẫn đến phản ứng dữ dội của bà con nông dân xã Đồng Tâm. Có thể nói rằng mức độ phản kháng của người dân gay cấn chẳng kém gì mức độ phản kháng của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng trước đây.
Có 38 cảnh sát cơ động bị bà con nông dân Đồng Tâm bắt nhốt trong nhà văn hóa thôn Hoành. Và trong những lúc căng thẳng cao điểm, cảnh sát, an ninh và nhà cầm quyền cho bao vây, bố ráp, cách ly hoàn toàn xã Đồng Tâm với thế giới bên ngoài bằng cách cắt điện, cắt nước, phá sóng để người bên trong xã không thể nào liên lạc với thế giới bên ngoài. Mọi thông tin tại Đồng Tâm hoàn toàn bị cắt đứt bởi lực lượng cảnh sát, an ninh bao vây dày đặt chung quanh xã Đồng Tâm. Đáp trả, những người dân Đồng Tâm đã tẩm xăng chung quanh khu vực các cảnh sát cơ động bị nhốt và tuyên bố nếu như lực lượng an ninh tấn công vào bên trong khu vực rào cản do dân thiết lập thì dân sẽ phóng hỏa thiêu rụi nhà văn hóa thôn, nơi đang nhốt các cảnh sát cơ động.
Nó sẽ tỉa tót bằng cách cách chức thằng nọ thằng kia trong bộ máy xã để xoa dịu, tháo ngòi nổ trước 30 tháng 4. Rồi sau đó thì khó mà lường trước được.
– Một người dân Đồng Tâm
Một người dân trong xã Đồng Tâm, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Tức là nó cũng sẽ đàn áp nhưng nó sẽ giảm lực lượng đi đã, tỉa tót bớt lực lượng dân đi đã. Tất nhiên nó sẽ làm sạch trước ngày 30 tháng 4. Nhưng nó cũng sẽ làm nhiều điều mình không biết trước. Nhưng tôi nghĩ đòn cao của nó sẽ là tháo gỡ lệnh khởi tố, tạm thời tuyên bố xó cờ rồi sau đó nó chơi cờ mới, nó lại tìm cách bắt bớ. Bởi nó biết bản thân người dân cũng không thể nắm tay lâu được. Nó sẽ tỉa tót bằng cách cách chức thằng nọ thằng kia trong bộ máy xã để xoa dịu, tháo ngòi nổ trước 30 tháng 4. Rồi sau đó thì khó mà lường trước được”.
Theo vị này, sở dĩ người dân nổi nóng và có phản ứng dữ dội như vậy không chỉ vì vấn đề đền bù không thỏa đáng mà do hành tung mang lựu đạn cay, mang các loại vũ khí gây tổn thương của lực lượng cảnh sát cơ động trong lúc tiến vào xã Đồng Tâm. Đặc biệt, kiểu mang bản số xe giả khi hành quân vào Đồng Tâm là một cách đối xử với kẻ thù chứ không phải là của công an, nhà nước đối xử với nhân dân. Chính vì vậy, khi phát hiện ra những loại vũ khí trong các xe cảnh sát cơ động, người dân đã mất hết kiên nhẫn và sự kiềm chế, họ đã phản ứng theo cơn giận.
Nhưng vị này cũng nói rằng cơn giận của người dân Đồng Tâm là có lý lẽ của nó chứ không đơn giản chỉ là sự bốc đồng tập thể hay cố ý gây rối trật tự như các báo trong nước đã nói. Bởi vì sự nóng giận của người dân đã bị kích thích đến tột độ khi nhà cầm quyền thay vì thương lượng, xoa dịu và xin lỗi dân bởi họ sai trái thì ngược lại, họ tiếp tục có hành vi ám hại nhân dân bằng bạo lực công an. Điều này nằm ngoài sức chịu đựng của người dân xã Đồng Tâm cũng như nhiều dân oan mất đất khác.
Và cho đến thời điểm hiện tại, khi chúng tôi ngồi viết bài tường trình này, sức nóng câu chuyện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vẫn chưa hề lắng xuống. Phía nhân dân đã thả một số cảnh sát cơ động về nhà, và phía nhà cầm quyền đã tạm thả một số người mà họ đã bắt ờ Đồng tâm để rồi tiếp đến là kế hoạch bố ráp mới lại bắt đầu. Kiểu tung đòn ảo của ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bằng cách hứa sẽ điều trần với bà con Đồng Tâm rồi sau đó nuốt lời lại càng làm cho mọi chuyện trở nhên căng thẳng hơn, mâu thuẫn và xung đột càng nặng hơn.
Hi vọng rằng nhà cầm quyền Hà Nội có một giải phái tối ưu để xoa dịu người dân và tạo ra một sinh quyển chính trị, quyền lợi cân bằng để tiếp tục phát triển quốc gia thay vì lẩn quẩn trong nhiễu loạn mà phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ sự bất công xã hội như hiện tại!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/my-duc-the-land-bomb-in-vn-04202017113833.html
Vụ Đồng Tâm có thêm diễn biến phức tạp?
Nhân chứng nói với BBC đã có vụ “tấn công” vào Thôn Hoành xã Đồng Tâm trong lúc có thêm phóng viên đưa tin về căng thẳng.
Một người muốn ẩn danh nói với BBC rằng vào khoảng 10 giờ tối giờ Việt Nam hôm 19/04 có một số người tấn công vào làng nhưng dân làng đã đẩy ra.
“Vì trời tối nên không thể xác định có bao nhiêu người tấn công nhưng họ vào bằng một ngả và đã ra bằng ngả đó,” người này nói.
Nhân chứng này cũng mô tả vào sáng ngày 19/04 dân làng phát hiện trong chăn của một trong những người bị giữ “có một khẩu súng” mà họ nghi là được đưa từ bên ngoài vào.
Vì trời tối nên không thể xác định có bao nhiêu người tấn côngMột nhân chứng
Một số nhà hoạt hoạt động cũng mô tả về diễn biến này nhưng BBC không có điều kiện để kiểm chứng độc lập.
‘Nội bất xuất ngoại bất nhập’?
Trước đó, trong ngày 19/4, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Vào tâm bão Đồng Tâm” viết rằng khi tới nơi, các phóng viên được “Những người [dân địa phương] cho biết suốt 5 ngày nay họ bỏ công, bỏ việc lên đền thắp hương để cầu cho mọi chuyện sớm kết thúc, cầu cho cuộc sống sớm ổn định trở lại, người dân được bình an.”
Bầu không khí trong xã được các phóng viên Tuổi Trẻ mô tả là người dân “cảnh giác, áp dụng các biện pháp kiểm soát không cho người lạ mặt ra vào”.
Vụ Đồng Tâm thu hút dư luận trong nước
Facebooker Bạch Hoàn trong bài viết đăng trên Facebook vào cuối giờ chiều 19/4 viết rằng chị đã một mình tới Đồng Tâm nhằm “muốn biết sự thật trong một rừng thông tin trái chiều, nhiễu loạn”.
Người dùng Facebook này nói chị đã mang theo nhiều điện thoại thuộc các mạng dịch vụ khác nhau là Vinaphone, Mobifone và Viettel nhằm tìm hiểu việc “có hay không việc phá sóng điện thoại”.
Người dân cảnh giác, áp dụng các biện pháp kiểm soát không cho người lạ mặt ra vàoBài trên Tuổi Trẻ
Kết quả được ghi nhận là “mạng Vinaphone hoàn toàn không có 3G. Mạng Viettel có ký hiệu 3G trên màn hình nhưng tuyệt đối không thể kết nối internet. Mobifone thì trong tình trạng chập chờn. Khi vào trong thôn Hoành, Mobifone lại không thể sử dụng được. Lúc này, Vinaphone chập chờn, tôi truy cập internet được vài phút rồi tậm tịt.”
Ngoài việc mất sóng internet và sóng điện thoại chập chờn, thì: “Có một điều chắc chắn là người dân Đồng Tâm đã mất niềm tin. Khi hỏi vì sao đầu làng mọi người lại căng thẳng như thế? Một cụ già trong đoàn nói, thông tin ở đây như thế này và về báo chí, dư luận lại nói như thế này thì nhiều tiền lắm!?. Vừa nói, bàn tay cụ ngửa ra rồi lật sấp lại…,” Facebooker Bạch Hoàn viết.
Hiện chưa rõ các xử lý cuộc khủng hoảng từ các cấp lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam ra sao cho vụ Đồng Tâm.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội viết trên Facebook cá nhân kêu gọi đối thoại với người dân để tìm lối thoát cho căng thẳng ở Đồng Tâm.
Được biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.
Tin tức cũng nói ông Nguyễn Văn Chiến, luật sư, đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri Mỹ Đức, đã về làm việc với dân trong hôm 19/4.
Căng thẳng này xảy ra trong bối cảnh sắp có một kỳ họp quan trọng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam là Hội nghị Trung ương 5, khóa 12, dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm nay.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39646209
Dân biểu tình đòi minh bạch việc bồi thường
Một số người dân xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh vào 10 giờ sáng ngày 20 tháng 4, kéo nhau đến trụ sở ủy ban nhân dân xã biểu tình đòi bồi thường thỏa đáng do thảm họa môi trường mà Formosa gây nên.
Mạng Việt Nam Thời báo dẫn nguồn tin riêng cho biết đây là lần đầu tiên người dân xã Xuân Hội đứng lên biểu tình. Họ mang theo thuyền, thúng và ngư lưới cụ đến ủy ban xã để phản ánh rằng người không đáng được nhận đền bù thì lại đền bù còn người đáng được nhận thì lại không được và cho rằng danh sách đền bù không minh bạch.
Tin cho biết thêm rằng cuộc biểu tình lần này không có sự can thiệp của an ninh và các cán bộ xã đã lẩn trốn, chỉ cho lãnh đạo cấp thấp ra đối thoại với dân. Cuộc biểu tình được cho biết là kết thúc lúc 12h.
Xã Xuân Hội nằm cách nhà máy Formosa khoảng 100 km. Được biết trước khi xảy ra thảm họa nghề biển vùng này rất phát triển, người dân có cuộc sống khấm khá. Nhưng từ khi xảy ra thảm họa đời sống của bà con lâm vào cảnh khốn khó.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/protest-against-formosa-in-ha-tinh-04202017100503.html
Chủ đất ném bom xăng vào lực lượng cưỡng chế
Sáng thứ Năm 20 tháng Tư, công an ở Phú Quốc, Kiên Giang bị ném bom xăng khi đến thu hồi đất của một hộ dân ở Gành Dầu, Bãi Dài.
Đó là đất của ông Nguyễn Văn Bé ở ven Bãi Dài mà theo lời chủ tịch ủy ban nhân dân xã Gành Dầu, bà Lê Thị Hằng, thì phải thu hồi để làm bãi tắm công cộng. Bà Hằng cho biết khu đất này được tiền đền bù thấp hơn một hộ dân khác 200 triệu Đồng là do diện tích đất trại của ông nhỏ hơn.
Chủ hộ Nguyễn Văn Bé và người nhà đã phản ứng bằng cách ném chai lọ có chứa xăng vào lực lượng cưỡng chế gờm khoảng 100 người.
Tin nói sau khi được thuyết phục thì ông Nguyễn Văn Bé bằng lòng giao đất, tuy nhiên yêu cầu hỗ trợ 500 triệu Đồng của ông không được chấp thuận.
Bà chủ tịch ủy ban nhân dân xã Gành Dầu ở Phú Quốc giải thích là nếu làm theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Bé thì các hộ dân khác sẽ khiếu nại. Vẫn theo lời bà, để giúp ông Bé ởn định cuộc sống, xã đồng ý cho ông mượn trên 3.000 mét vuông đất trong khu tái định cư với thời hạn một năm.
70% đơn khiếu nại lên quốc hội đều liên quan đến các vấn đề về đất đai, là thông tin được trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra trong buổi họp ngày 17 tháng tư vừa qua ở quốc hội.
Đây là cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 sắp tới, và bà Nguyễn Thanh Hải cho biết mỗi tuần Ban Dân Nguyện nhận được khoảng 500 đơn, trong đó số lượng khiếu nại việc cưỡng chế, trưng thu mặt bằng, đền bù đất đai chiếm 70%.
Bà Nguyễn Thanh Hải còn đề nghị là báo cáo tiếp dân cũng như xử lý đơn thư khiếu nại nên được trình bày tại hội trường quốc hội thay vì chỉ thảo luận tại Thường Vụ Quốc Hội và gởi đến đại biểu quốc hội như hiện nay.
Theo bà trưởng Ban Dân Nguyện này, quá trình giám sát cho thấy nhiều bất cập, có tình trạng né tránh tiếp dân, không nghiêm túc trong việc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại ở địa phương, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự ngay tại địa phương đó.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/evictees-thrown-gas-police-04202017094144.html
Cưỡng chế đất ở Bắc Ninh
Gần 1000 người gồm công an và lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế thu hồi 14 mẫu đất tại thôn Vọng Đông, xã Yên Trung huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Tin được truyền đi trên trang cá nhân của Facebooker Thái Văn Đường vào khoảng 6 giờ chiều ngày 20 tháng 4.
Những hình ảnh và video clips do người này đăng tải cho thấy rất nhiều cảnh sát cơ động mang khiên chắn và đội mũ bảo vệ tập trung vào khu đất của thôn Vọng Đông.
Cũng từ nguồn tin này, vào ngày 19/4/2017, chính quyền đã cử nhiều công an về làng và dọa vào 6h30 sáng ngày 20/4/2017 sẽ cưỡng chế. Nhưng do tình hình dân căng thẳng, chính quyền dùng biện pháp mời dân đến họp để thương lượng, sau đó hơn 500 cảnh sát cơ động vào cưỡng chế người dân mà không có thông báo. Tin cho biết có người già bị ngất và gãy tay, có số người bị bắt lên xe với lý do quay phim, chụp hình.
Em chỉ nắm được họ đưa gần 1000 lực lượng vào cưỡng chế. Bà con đã cắm chốt, cắm lều, dựng bạc ở ngoài khu đất bị thu hồi nhiều ngày nay rồi. bà con mua sẵn cả mấy cái quan tài đã đốt hương sẵn để ngoài đó. khi lực lượng vào đánh thương 1 cụ già và đánh gãy tay 1 người dân, bắt đi những người quay phim chụp ảnh.
Theo nội dung ghi trên trang cá nhân của Thái Văn Đường, Thôn Vọng Đông có khu ruộng có tên là đồng Cốc với diện tích là 14 mẫu (tương ứng 5,040 m2). Đây là khu ruộng tốt nhất của thôn với sản lượng cao so với các khu ruộng khác. Chính quyền cấp xã và các tổ chức liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng nhiều lần yêu cầu người dân bàn giao số đất trên nhưng người dân không đồng ý với tiền đề bù là 21,000 đồng/m2.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/land-forceful-eviction-in-bac-ninh-04202017092816.html
Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Trong xu thế dân chúng tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều và qua công cụ livestream của Facebook, các cư dân mạng dùng để tiếp cận thông tin thực tế cũng như bày tỏ chính kiến của mình một cách hiệu quả đến cộng đồng. Câu hỏi đặt ra là văn hóa ứng xử trên mạng xã hội có tác động như thế nào đến quá trình dân chủ hóa ở quốc gia này?
Khoảng vài năm trước đây, dân chúng trong nước còn khá bỡ ngỡ mỗi khi nghe thông tin có người bị tuyên án tù vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” chỉ vì những người này bày tỏ chính kiến của họ về hiện tình đất nước trên các trang mạng xã hội. Mặc dù không ít người gánh tội và chịu cảnh tù đày theo các Điều 88, 258, 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Đình Ngọc, Nhạc sĩ Việt Khang…nhưng xu thế mạng xã hội được sử dụng một cách phổ biến và lan rộng khắp Việt Nam trong vòng 5 năm qua được ghi nhận phát triển một cách mạnh mẽ.
Bây giờ người dân tập trung vào những người thật sự có tầm, có lý luận với ngôn từ rất đàng hoàng và lô-gích, chứ không chửi bậy, chửi bạ nữa.
– Khúc Thừa Sơn
Kể từ khi Facebook có ứng dụng livestream, cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam sử dụng như là một công cụ hữu hiệu để chuyển tải thông tin trực tiếp về các sự kiện hay vụ việc xảy ra mà đa số không được các kênh truyền thông chính thống do nhà nước quản lý đăng tải. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người mạnh dạn, công khai bày tỏ chính kiến của mình xoay quanh đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội không chỉ diễn ra ở trong nước mà rộng khắp toàn cầu.
Khoảng cách không gian và thời gian dường như không còn bị rào cản nào do qua việc livestream trên Facebook, người tham gia có thể đăng tải hình ảnh một cách chính danh và trung thực hơn, diễn đạt ý kiến một cách sống động cũng như giao lưu trực tiếp với người xem. Và tương tác này thu hút rất nhiều cư dân mạng quan tâm hơn trong việc xây dựng xã hội được tiến bộ và văn minh. Lên tiếng nhận xét với Đài Á Châu Tự Do liên quan phong trào sử dụng livestream ở Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm Đinh Nhật Uy cho biết:
“Vấn đề livestream đã trở nên coi như là bình dân trong những người sử dụng Facebook rồi. Hầu như ai sử dụng Facebook đều cũng biết đến livestream và livestream luôn thu hút mọi người. Dĩ nhiên là có nhiều thành phần và đối tượng sử dụng chức năng này của Facebook. Nó khác với chúng ta làm một video và có biên tập chặt chẽ. Tùy từng người và trình độ hay chuyên môn khác nhau mà nhiều người có thể diễn đạt một cách trôi chảy, ngôn từ gọn gàng sạch sẽ hoặc những người sử dụng từ ngữ đôi khi mang tính chất ‘chợ búa’ và lời lẽ hay động thái không được trau chuốt cho lắm. Điều này cũng là tất yếu khi đã trở thành vấn đề thông dụng rồi.”
Anh Đinh Nhật Uy cùng một số những người dấn thân vì tiến trình dân chủ hóa quốc gia, nhấn mạnh với RFA công cụ livestream trên Facebook đóng vai trò tích cực và rất hiệu quả, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, hiểu biết cũng như nhận thức về các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến để từ đó nâng cao ý thức hơn trong việc quan tâm đến xã hội và góp phần thay đổi xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận có những người livestream với ý tưởng và lời lẽ được cho là không phù hợp cũng như gây ảnh hưởng không tốt cho phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Chúng tôi liên lạc với cô Lisa Pham, một nhân vật thường xuyên livestram với chương trình có tên “Khai Dân Trí” và được rất nhiều cư dân mạng ở Việt Nam theo dõi. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng cách thức chia sẻ thông tin của mình bị nhiều người chỉ trích là không phù hợp theo tiêu chí ứng xử văn minh, cô Lisa Pham nói:
“Đa số người dân trong nước là những người bình dân, tôi nói không phải cần trau chuốt, chuẩn bị hoặc phải làm màu mè giống như những đài tuyền hình, đài phát thanh, là các dụng cụ của Đảng (Cộng sản Việt Nam) để cố tình người ta làm màu mè với mục đích tuyên truyền chế độ. Ở đây tôi nói chuyện rất bình dân để tất cả tầng lớp bình dân tại Việt Nam nghe và hiểu được. Chuyện đó tôi nghĩ rằng là điều đương nhiên và đó cũng là sở thích của tôi.”
Ở đây tôi nói chuyện rất bình dân để tất cả tầng lớp bình dân tại Việt Nam nghe và hiểu được.
– Cô Lisa Pham
Trao đổi với một vài người thường xem những livestream trực tiếp của cô Lisa Pham và của một vài người khác qua cách trình bày với những ngôn từ bị cho là “chửi bới thô tục”, họ cho biết những người này đã nói thay sự bức xúc của họ đối với chính quyền lãnh đạo Việt Nam và đó là lý do tại sao họ thích theo dõi các livestream này. Thế nhưng, số lượng những người xem các dạng livestream như thế được cho là có chiều giảm xuống. Một cư dân mạng ở Đà Nẵng, anh Khúc Thừa Sơn, cho biết ghi nhận và quan điểm cá nhân đối với xu hướng vừa nêu:
“Ở khu vực của em nghe còn rất nhiều. Thế nhưng hiện tại, số lượng theo dõi bảo đảm là giảm bởi vì họ cảm thấy không còn hợp nữa. Những lời thô tục không có lợi cho phong trào Việt Nam. Cho nên ít nghe. Bây giờ người dân tập trung vào những người thật sự có tầm, có lý luận với ngôn từ rất đàng hoàng và lô-gích, chứ không chửi bậy, chửi bạ nữa. Mạng xã hội đã tiến lên một bước rồi.
Mạng xã hội không còn là ảo mà đã đi vào cuộc sống đời thực của người dân, gắn bó với người dân và rất là quan trọng và thiết yêu đối với người dân. Cho nên mỗi hoạt động của mình trên mạng xã hội cần phải kín kẽ và thận trọng vì trang Facebook không phải là trang cá nhân của mình nữa mà trang của cả cộng đồng và mỗi lời nói của mình có tác động rất lớn.”
Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ chính kiến là các quyền căn bản được Liên Hiệp Quốc công nhận nên khó có thể mặc định thế nào nên hay không nên. Và như ý kiến của cư dân mạng Khúc Thừa Sơn vừa được trích dẫn, cộng đồng sử dụng mạng xã hội cho rằng có lẽ mỗi người cần tự nhắc nhở tiếng nói cá nhân của mình sẽ tác động không nhỏ trong tiến trình dân chủ của Việt Nam.
Trump thua Clinton phân nửa số phiếu từ cử tri gốc Việt
Số phiếu từ người Mỹ gốc Việt dành cho bà Hilarry Clinton cao hơn gấp đôi so với số phiếu họ dành cho ông Donald Trump, theo kết quả khảo sát vừa công bố.
Cuộc khảo sát mang tên National Exit Poll do tổ chức nghiên cứu Edison thực hiện với nguồn bảo trợ từ một số tổ chức truyền thông quốc gia lớn cho thấy trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 vừa qua, 65% người Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho bà Clinton trong khi chỉ 32% dồn phiếu cho ông Trump.
Vẫn theo cuộc khảo sát này, bà Clinton đạt 65% số phiếu của cử tri gốc Á nói chung, ông Trump được 27%.
Trong khi đó, cuộc khảo sát trước do tổ chức AALDEF tiến hành cho thấy tỷ lệ phiếu bà Clinton đạt được từ cử tri gốc Á là 79% trong khi ông Trump được 18%, nghĩa là cứ 5 cử tri gốc Á thì có 4 người chọn bà Clinton.
Cuộc khảo sát của AALDEF thăm dò trên 14 ngàn cử tri Mỹ gốc Á, nhiều gấp 14 lần con số được thăm dò trong cuộc khảo sát mới đây của National Exit Poll.
Với sự góp mặt của nhiều thành phần cử tri trẻ, những người Mỹ gốc Á càng ngày càng xem mình thuộc đảng Dân chủ.
Ông Trump cũng bị giảm ủng hộ từ cử tri gốc Việt, vốn là nền tảng hậu thuẫn cho phe Cộng hòa trong số các cử tri gốc Á.
Trong khi những ứng cử viên Cộng hòa trước đây như Romney được 54%, McCain dành 67% số phiếu của người Mỹ gốc Việt, ông Trump chỉ kiếm được 32% số phiếu từ cộng đồng cử tri mà đa phần là những người tị nạn cộng sản sau ngày 30/4/1975.
Nguồn National Exit Poll/AALDEF
http://www.voatiengviet.com/a/trump-thua-clinton-phan-nua-so-phieu-tu-cu-tri-goc-viet/3817929.html