Tin Việt Nam – 20/03/2019
Blogger Trương Duy Nhất bị giam ở trại T16,
theo hai nguồn tin
Sau gần hai tháng kể từ khi blogger Trương Duy Nhất mất tích, gia đình ông được thông báo ông đang bị giam ở T16, một trại giam ở Việt Nam.
Hôm 20/3, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC Tiếng Việt biết: “Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16.”
“Mẹ nửa tin nửa ngờ nên nhờ luật sư Trần Vũ Hải kiểm chứng bằng cách lên làm giấy tờ hay cho gặp mặt.”
Cùng ngày 20/3, cây bút Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội đăng bài trên Facebook cá nhân, viết rằng vợ của ông Nhất đã từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội.
Ông Nguyên cho biết ông đã chở vợ ông Nhất đến trại giam T16 ở Thanh Oai.
“Trại chưa cho thăm gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ Nhất mang rất nhiều thức ăn và quần áo từ Đà Nẵng ra cho chồng, nhưng quy định của trại chỉ cho chuyển vào rất ít, cùng với một số tiền gửi nhất định để mua thức ăn ở căng tin trại.”
Và trại đã cấp cho vợ ông Nhất một “Sổ tiếp tế, thăm gặp” cho những lần sau.
Theo sổ này thì ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16, theo lời ông Nguyên.
Vụ ông Trương Duy Nhất đã xảy ra khiến Thái Lan phải lên tiếng trả lời báo chí hồi tháng 2.
Cảnh sát Thái Lan khi đó hứa “sẽ điều tra việc ông Trương Duy Nhất dường như mất tích trong lúc có cáo buộc về khả năng ông bị bắt cóc ở Bangkok”.
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47622009
Truyền thông nhà nước và những phiên tòa chính trị
Hòa Ái, phóng viên RFA
Truyền thông trong nước đăng tải thông tin về phiên tòa phúc thẩm đối với 5 thành viên của Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, và được giới hoạt động cho rằng thiếu trung thực, dẫn đến những tác hại sâu xa trong việc định hướng dư luận.
Tường thuật thiếu sót
Lượt qua trang fanpage của các tờ báo chính thống, liên quan thông tin tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) xét xử nhóm 5 người với cáo buộc tội “hoạt động lật đổ chính quyền”, diễn ra vào ngày 18 tháng 3, nhiều độc giả có ý kiến phê phán nặng nề đối với 5 bị cáo, kêu gọi toà án, phải trừng trị thích đáng vì đất nước đang yên bình thì tại sao lại có dã tâm ảo tưởng phá hoại?
Điển hình, Báo mạng VnExpress, tường thuật phiên tòa với nội dung tóm tắt của bản cáo trạng, đánh giá của Hội đồng xét xử cho là hành vi của nhóm 5 người gồm Lưu Văn Vịnh (52 tuổi), Nguyễn Quốc Hoàn (42 tuổi), Nguyễn Văn Đức Độ (44 tuổi) cùng 2 đồng phạm khác là đặc biệt nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia…nên cần xử nghiêm.
VnExpress cho biết sau phiên sơ thẩm, diễn ra vào tháng 10 năm 2018, bị cáo Vịnh và 3 đồng phạm kêu oan, một người xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, trong phiên tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo kêu oan và tuyên y án sơ thẩm; 15 năm tù đối với Lưu Văn Vịnh, 13 năm tù đối với Nguyễn Quốc Hoàn, 8-11 năm tù đối với Nguyễn Văn Đức Độ và 2 đồng phạm khác. Các bị cáo phải chấp hành thêm 3 năm quản thúc tại gia sau khi mãn án tù.
Trong bản tin tường thuật phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 18 tháng 3, VnExpress dẫn lời nói của bị cáo Lưu Văn Vịnh rằng không thừa nhận thành lập tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam”, không trực tiếp lật đổ ai, bàn luận chơi với một số người.
Độc giả Minh Nt viết trên trang fanpage của VnExpress là “Chỉ bàn luận chơi hả. Bây giờ bóc lịch chơi 13 năm nhé. Còn nếu bóc thật phải 30 năm mới đúng”. Hay độc giả Van Tru Pham nêu quan điểm cá nhân rằng “Hãy xử nặng để lấy đó mà làm gương”. Một thính giả ở Sài Gòn, là người thường xuyên theo dõi tin tức trên báo đài, nói với RFA ý kiến của mình sau khi đọc thông tin về phiên tòa:
Mình không phải luật sư. Mình cũng không biết luật như thế nào. Nhưng mà dẫn chứng như xem thông tin trên các video clip và ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau, rồi tự phong chức tước cho nhau…Việc này giống như một chuyện phiếm, chứ đâu có gì đến mức để gọi là ‘đe dọa an ninh quốc gia’ dữ dội. Mức án từ 8 đến 11 năm tù, hay 15 năm tù đối với người cầm đầu thì thấy nặng nề quá. Có những tội danh mà chống phá trước mắt rõ ràng như mượn chức tước để lủng đoạn, vụ đánh bài qua mạng, bắt tay với thương buôn…nói chung lên báo hàng loạt; hay như tin mới nhất, nóng nhất là cưỡng hôn trong thang máy, phạt 200 ngàn đồng. Phạt vậy thì phạt làm gì? Luật bây giờ không biết sao nói đây? Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa
-Cư dân Sài Gòn
“Mình không phải luật sư. Mình cũng không biết luật như thế nào. Nhưng mà dẫn chứng như xem thông tin trên các video clip và ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau, rồi tự phong chức tước cho nhau…Việc này giống như một chuyện phiếm, chứ đâu có gì đến mức để gọi là ‘đe dọa an ninh quốc gia’ dữ dội. Mức án từ 8 đến 11 năm tù, hay 15 năm tù đối với người cầm đầu thì thấy nặng nề quá. Có những tội danh mà chống phá trước mắt rõ ràng như mượn chức tước để lủng đoạn, vụ đánh bài qua mạng, bắt tay với thương buôn…nói chung lên báo hàng loạt; hay như tin mới nhất, nóng nhất là cưỡng hôn trong thang máy, phạt 200 ngàn đồng. Phạt vậy thì phạt làm gì? Luật bây giờ không biết sao nói đây? Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa?”
Còn một nửa sự thật
Trong khi đó, tiếng nói của thân nhân gia đình 5 bị cáo không được tiếp xúc với truyền thông quốc nội. Anh Nguyễn Văn Đức Ấn, vào tối ngày 19 tháng 3 kể lại với RFA rằng vào khi tòa thông báo tạm hoãn xử phúc thẩm, dự kiến diễn ra hồi hạ tuần tháng 1 năm 2019, có cho biết phiên tòa sẽ mở công khai. Sau khi luật sư bào chữa cho hay phiên tòa phúc thẩm sẽ mở vào ngày 18 tháng 3, gia đình của anh Nguyễn Văn Đức Độ đã làm đầy đủ thủ tục tham dự phiên tòa, nhưng:
“Hôm qua xử phúc thẩm, tôi và người em trai là Nguyễn Đức Hải cùng với người nhà của Từ Công Nghĩa đi vào và người ta đưa thẻ cho mình đi vào tham dự phiên tòa. Chúng tôi vào tòa qua sự kiểm soát của công an. Khi vào bên trong thì gia đình cũng được gặp Độ, gặp được tất cả 5 người trong đó. Nhưng khi đến khi tòa chuẩn bị xử thì lại ép không cho chúng tôi ngồi lại tham dự phiên tòa. Sau một lúc đôi co, có một viên công an nói rằng chỉ một mình bà Thập (vợ của ông Lưu Văn Vịnh) được vào thôi, còn tất cả mọi người không được vào. Chúng tôi cũng lên tiếng đòi hỏi sự công bằng, nhưng bên công an yêu cầu chúng tôi phải đi ra ngoài, còn ở đây không giữ trật tự thì sẽ trục xuất chúng tôi ra khỏi tòa, và yêu cầu chúng tôi nếu tham dự thì vào phòng xem qua màn hình. Nhưng chúng tôi chỉ xem được hình mà không nghe thấy tiếng, chỉ nghe âm thanh rẹt…rẹt, mà không thể nghe được tiếng nói của những người tham dự trong phiên tòa nói gì cả.”
Trên trang Facebook cá nhân của Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư tham gia bào chữa cho nhóm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, tường thuật chi tiết vụ việc cũng như diễn tiến của phiên tòa phúc thẩm, diễn ra trong ngày 18 tháng 3. Trong đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh ghi rõ cả năm bị cáo đều xác định giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan, khẳng định không phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Luật sư Đặng Đình Mạnh còn ghi lại chi tiết lời nói của các bị cáo tại tòa, khi được nói lời sau cùng:
“- Ông Lưu Văn Vịnh: Tôi không có tội. Chính cộng sản mới có tội, rồi sẽ có lúc các người sẽ phải trả lời về tội lỗi của các người trước nhân dân.
– Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Tôi không có tội.
– Ông Nguyễn Văn Đức Độ: Tôi là nạn nhân của sự lưu manh của cơ quan điều tra.
– Ông Từ Công Nghĩa: Yêu cầu chính quyền cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Chúng tôi vô tội.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh tường thuật chi tiết bất ngờ làm náo loạn tại phiên tòa phúc thẩm là sau khi nghe phần nhận định của tòa rằng không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo kêu oan, các bị cáo đều vung đôi tay đang bị còng thét lớn “Đả đảo phiên tòa”, “Đả đảo phiên tòa bất công”, “Đả đảo Cộng sản”, át cả tiếng chủ tọa phiên tòa đang tuyên đọc bản án.
Vai trò của truyền thông nhà nước
Đài RFA ghi nhận các phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa, những người lên tiếng bảo vệ môi trường…tại Việt Nam thông thường diễn ra một cách chóng vánh và kết thúc với các bản án được định sẵn, mà không ít luật sư trong nước cho là “vô pháp” trong khi truyền thông nhà nước có khi đưa tin, có khi không. Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do về vai trò của các cơ quan truyền thông chính thống trong việc đưa tin tức những phiên tòa như thế này, cựu tù chính trị Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải cho biết có hai lý do:
“Lý do thứ nhất là viết theo chỉ đạo. Họ lượt bỏ đi những chi tiết không có lợi cho chính quyền trong các phiên tòa đó và họ cũng cố tình vu cáo vào những người hoạt động bất đồng chính kiến. Họ buộc phải làm như vậy. Còn một nguyên nhân thứ hai nữa là họ không được theo dõi toàn bộ phiên tòa. Ví dụ như các phiên tòa xử Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Trong phiên tòa sơ thẩm, sau khi khai mạc phiên tòa thì các báo có đủ mặt. Nhưng khi phiên tòa diễn ra thì một số báo chí phải đi ra ngoài, chỉ còn có báo của Thông Tấn Xã Việt Nam và của An Ninh thôi. Đặc biệt trong phiên phúc thẩm, sau phần thủ tục của phiên tòa thì còn đủ các báo và xong phần thủ tục thì các báo đi ra hết, ngoại trừ chỉ còn lại Báo An Ninh.”
Nhà báo Nguyễn Văn Hải nói với RFA vào giờ chót trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, ông báo với luật sư bào chữa rằng các trang miền trên blogspot mà tòa dùng để cáo buộc tội ông là hoàn toàn không đúng, và tại phiên toà phúc thẩm, diễn ra hồi ngày 28 tháng 12 năm 2012:
Lý do thứ nhất là viết theo chỉ đạo. Họ lượt bỏ đi những chi tiết không có lợi cho chính quyền trong các phiên tòa đó và họ cũng cố tình vu cáo vào những người hoạt động bất đồng chính kiến. Họ buộc phải làm như vậy. Còn một nguyên nhân thứ hai nữa là họ không được theo dõi toàn bộ phiên tòa
-Nhà báo Nguyễn Văn Hải
“Cả luật sư bào chữa lẫn những lời bào chữa của mình đều không đưa vào bản án và họ đều không nghe. Án bỏ túi mà. Họ lấy trong túi ra đọc thôi. Vụ án đó đặc biệt, nếu mà để báo chí theo dõi thì không thể nào bịt được. Cho nên sau khi làm xong phần thủ tục thì họ đuổi hết báo chí ra ngoài, chỉ còn lại truyền hình của An Ninh thôi.”
Một số độc giả theo dõi thông tin phiên tòa phúc thẩm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Việt Nam trên báo chí nhà nước mà Đài RFA tiếp xúc được, nói rằng sau nghe nghe chúng tôi tường thuật toàn bộ nội dung diễn tiến của phiên tòa, họ mong muốn các cơ quan báo đài tại Việt Nam cần phải đưa tin trung thực và nếu không thì người dân sẽ tẩy chay, vì “một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận giới quan sát tình hình Việt Nam lên tiếng chỉ trích hệ thống công quyền của Hà Nội vi phạm nhân quyền qua các phiên tòa đối với công dân là những người bất đồng chính kiến. Và mới nhất qua phiên tòa phúc thẩm nhóm 5 thành viên của Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên Facebook rằng “Một vụ án được chính chế độ gọi là ‘đặc biệt nghiêm trọng’ với mức án nặng nề cho các bị cáo, mà Tòa án cấp cao chỉ xử qua loa trong buổi sáng rồi tuyên y án, theo chỉ đạo của ngành an ninh. Ở đâu trên thế giới này thân phận con người và công lý rẻ rúng như vậy?”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-media-and-political-trials-03192019144339.html
Bắt người đưa tin trên Facebook
về vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh
Anh Nguyễn Bá Mạnh, người đưa lên mạng Facebook thông tin liên quan vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, vừa bị Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tạm giữ vào ngày 19 tháng 3. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Quyết định tạm giữ hình sự đối với anh Nguyễn Bá Mạnh của công an huyện Thuận Thành nêu lý do là do hành vi ‘đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông’ theo điều 288 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Ngoài ra Cơ quan Điều Tra Công an tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết đang củng cố tài liệu để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Bá Mạnh vì hành vi ‘phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội’ về trường mầm non ở xã Ngũ Thái sử dụng thịt nhiễm sán nấu cho học sinh trường này ăn.
Trước đó, vào ngày 18/3, trên trang Facebook có tên Công nông Đầu dọc, được công an sau đó xác định là của anh Mạnh, một dòng trạng thái được post viết rằng “ cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán họ đe dọa nhà bếp không được nói ra đây nhờ mọi người chia sẻ giúp…”.
Công an sau đó đã triệu tập anh Mạnh. Theo truyền thông trong nước, anh Mạnh tại trụ sở công an đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên facebook cá nhân.
Vào chiều ngày 18/3, anh Mạnh đã gỡ các thông tin khỏi facebook và viết dòng trạng thái khác xin lỗi mọi người về thoogn tin và hình ảnh không đúng sự thật.
Vụ việc anh Nguyễn Bá Mạnh diễn ra trong bối cảnh nhiều phụ huynh và người dân tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; và nhiều nơi trong cả nước đang bức xúc về vụ trường Thanh Khương cho học sinh ăn thịt lợn bị nhiễm sán.
Theo truyền thông trong nước, đã có khoảng 3000 em học sinh phải đi xét nghiệm sán và đã có hơn 200 trường hợp xác định dương tính với sán lợn.
Giới chức huyện Thuận Thành sau đó cho báo chí biết sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm ước tính khoảng từ 700.000 đến 1 triệu đồng một ca cho các em học sinh ở 19 trường mầm non trong huyện Thuận Thành.
Thủ tướng chính phủ mới đây cũng đã có yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn.
Facebooker Lê Minh Thể bị xử 2 năm tù
với cáo buộc “chia rẽ nhân dân với Đảng”
Sáng 20/3/2019, ông Lê Minh Thể bị Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tuyên phạt 2 năm tù giam vì bị cáo buộc tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Bà Lê Thị Bình, em gái của ông Lê Minh Thể nói với Đài Á Châu Tự Do ngay sau phiên tòa cho rằng bản án này là quá nặng.
“Bản án đối với anh ấy là quá cao, đối với luật sư cũng không thể chấp nhận bản án như thế này. Thứ nhất là không có ai đứng ra thưa kiện, thứ hai là ảnh không có gây rối an ninh gì hết, khi bị bắt ảnh vẫn còn đi lái xe mà.
Khi ảnh live stream thì chỉ ngồi ở nhà để làm hay lúc nghỉ ở trên xe thì live stream những cái bức xúc như vậy, mà một bản án đến 2 năm thì không có một người nào ngờ được.
Về báo cho hàng xóm thì ai cũng sửng sốt, người ta cứ tưởng giam cho ảnh như vậy là đủ, và có đi chăng nữa thì chỉ là án treo.”
Theo lời em gái ông Lê Minh Thể, chỉ có vợ ông Thể là được vào trong để tham dự phiên tòa, còn bà Bình không được tham dự. Khi bà đứng trước tòa để quay video và phát trực tiếp trên Facebook thì bị đưa về phường làm việc nhưng được trả tự do sau đó.
Mạng báo Pháp luật TPHCM dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ cho hay, trong quá trình sử dụng facebook, từ ngày 22-3 đến 29-8-2018 Thể đã phát trực tiếp các nội dung tuyên truyền nói xấu đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị cho là gây phá hoại sự đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước; gây phương hại đến an ninh trật tự chính trị quốc gia, an toàn xã hội.
Đồng thời ông Thể cũng bị quy kết là câu kết, móc nối, trao đổi thông tin trên các diễn đàn mạng với các đối tượng phản động trong và ngoài nước nhằm kêu gọi biểu tình, đòi thay thế chế độ, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập….
Hành vi của ông Thể bị cho là đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh chính trị, quốc gia; làm ảnh hưởng uy tín, vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản, Nhà nước; tiếp tay cho các thế lực thù địch phản động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng và lật đổ chính quyền nhân dân trong nước.
Ông Lê Minh Thể, sinh năm 1963 là một tài xế và là cựu quân nhân quân đội nhân dân Việt Nam có thời gian đóng quân tại Lào. Ông từng là thành viên của nhóm Hiến pháp, một tổ chức dân sự không được Việt Nam công nhận chuyên làm việc để phổ biến Hiến pháp Việt Nam. Ông Thể bị công an thành phố Cần Thơ bắt giữ vào ngày 10/10/2018.
Hôm 14/3/2019, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Lê Minh Thể cùng 5 nhà hoạt động khác trong Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết.
Tổ chức quốc tế làm việc về Quyền con người cho rằng những nhà hoạt động này bị truy tố vì các hoạt động chính trị ôn hòa, như lập hội, bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, và tham gia nhóm họp đông người.
Kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực đầu năm 2019, đến nay ở Việt Nam đã có 7 người dân bị kết án tổng cộng 73 năm tù giam và 8 người bị bắt giữ về các nhóm tội liên quan đến An ninh quốc gia.
Cũng tin liên quan, cơ quan chức năng Việt Nam đang truy nã Ông Lê Quốc Phong vì cho ông này ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Mạng báo Pháp Luật chỉ cho biết Ông Lê Quốc Phong sinh năm 1958, có hộ khẩu thường trú tại ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Nhiều sai phạm trong bán nhà đất công ở Đà Nẵng
Hàng loạt sai phạm trong bán nhà đất công ở Đà Nẵng vừa được Thanh Tra Chính Phủ công bố.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 20/3/2019.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng đã bán nhà đất công không qua đấu giá, đưa ra giá sai, tự ý giảm 10% tiền sử dụng đất…
Ngoài ra, trong thông báo kết luận 34 thanh tra do Phó tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký ngày 18/3, chỉ rõ có nhiều trường hợp “chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Thông báo của Thanh tra cũng cho biết, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cho phép bán 52 cơ sở nhà đất từ năm 2010 đến 2016 khi chưa có phương án sắp xếp, xử lý là không đúng theo Quyết định năm 2007 của Thủ tướng. Trong đó thu tiền sử dụng đất sai phạm hơn 156 tỷ đồng.
Ngoài 14 cơ sở nhà đất được giảm hệ số sinh lợi không có căn cứ, sai quy định, có 31 cơ sở khác bán cho bên thuê được giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định. Bốn cơ sở trong số này gồm nhà 47 Nguyễn Thái Học, 2 Hải Phòng, 39 Pasteur và 73 Nguyễn Thái Học’ thành phố Đà Nẵng đã bán không qua đấu giá là vi phạm Luật đất đai. Hai doanh nghiệp mua bốn bất động sản này là Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc đều thuộc sở hữu của Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “Nhôm”.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra tiếp tục chỉ ra nhiều sai phạm khác trong lĩnh vực đất đai ở Đà Nẵng, kiến nghị Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng truy thu gần 140 tỷ đồng.
Trước đó, hôm 18/3/2019, Bộ Công an đã khởi tố thêm 7 bị can ở Đà Nẵng. Trong đó có ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ 2012 đến 2018 về các tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, nhiều cựu lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công ty Quản lý nhà giai đoạn trước đây cũng bị khởi tố.
Cũng liên quan đến vụ án của Vũ “nhôm”, lực lượng công an hôm 19/3 vừa tiến hành khám xét nhà riêng của của ông Nguyễn Thanh Sang, nguyên Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng.
Và trong chiều cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát quan điều tra – Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Thanh Sang, nguyên Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Thành phố Đà Nẵng, về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cụ thể, sau khi lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt giảm hệ số sinh lợi đối với nhà, đất công sản trái quy định của pháp luật, nhưng ông Sang và Bà Hà đã không tham mưu, đề xuất mà ngược lại vẫn ký xác nhận vào các văn bản tính toán giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Cả hai người vừa nêu được cho biết có liên quan đến vụ án Vũ ‘Nhôm’, tức thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ. Ông này bị kết án hai lần với cáo buộc ‘làm lộ bí mật nhà nước’ và ‘lợi dụng, chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Tổng cộng có 14 cựu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bị qui kết sai phạm về đất đai liên quan đến Vũ ‘Nhôm’.
Lãnh đạo Quảng Nam lên tiếng vụ dân đòi sổ đỏ
Sáng 20/3, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì buổi tiếp dân liên quan vụ 1.000 khách hàng đòi sổ đỏ tại 3 dự án khu đô thị Bách Đạt 1, khu đô thị 7B mở rộng và Hera Complex Riverside. Cả 3 dự án này ở thị xã Điện Bàn, do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, công ty Hoàng Nhất Nam (cùng có trụ sở tại Đà Nẵng) là đơn vị phân phối. Báo chí trong nước đưa tin hôm 20/3.
Tại buổi đối thoại, người dân trình bày rằng Công ty Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam cam kết với họ trong tháng 1/2019 sẽ ra sổ đỏ nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được vì Công ty Bách Đạt An cắt hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam. Người mua không nắm rõ tình trạng pháp lý mà chỉ tin vào việc quảng cáo từ các công ty.
Theo ông Lê Trí Thanh thì trong số 1.000 khách hàng mua nhà đất của 3 dự án trên có những trường hợp mua đất để mua đi bán lại chứ không phải để ở. Ông Thanh nói ‘Phải xác định rõ trách nhiệm các bên. Công ty Hoàng Nhất Nam ký phiếu với người dân đúng quy định hay chưa, vi phạm như thế nào. Cũng có trách nhiệm của Công ty Hoàng Nhất Nam trong việc ký kết này’. Ông Thanh hứa sẽ làm việc với lãnh đạo Công ty Bách Đạt An; công ty Hoàng Nhất Nam và đại diện khách hàng để làm rõ trách nhiệm các bên.
Hiện, tòa án quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) đang thụ lý hồ sơ của Công ty Bách Đạt An kiện về hợp đồng đối với Công ty Hoàng Nhất Nam.
Trang tin zing.vn cho biết gần đây Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Nam kết luận 3 dự án trên chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc các đơn vị rao bán đất nền, nhận tiền của người dân là có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật.
Đình công tại công ty Mei Sheng Textiles
Hơn 1.000 công nhân công ty Mei Sheng Textiles tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đình công sang ngày thứ hai để yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 20/3, cho biết thêm nhân viên đã ngừng việc một ngày trước đó, và phía công ty Mei Sheng Textiles có hứa sẽ thực hiện một số yêu cầu của công nhân đưa ra, nhưng thực tế lại không giải quyết, vì thế cuộc đình công kéo sang ngày 20.
Cụ thể, công nhân yêu cầu được có chế độ tăng lương hợp lý, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, khối lượng công việc không bị quá tải, và có thêm giờ nghỉ giữa ca.
Báo Người Lao Động trích dẫn lời một nhân viên tại đây cho biết hiện tại công nhân chỉ có 15-20 phút để nghỉ, chưa ăn xong đã phải trở lại làm việc.
Tình trạng công nhân đình công yêu cầu được tăng lương, cải thiện quyền lợi thường xuyên diễn ra thời gian gần đây.
Mới đây nhất, vào sáng ngày 9/3, gần 1.000 công nhân công ty Lu An ở An Giang đã nghỉ việc tập thể để phản đối các quy định làm việc của công ty mà họ cho là gắt gao, việc thái độ quát nạn của người quản lý Trung Quốc với công nhân. Cuộc đình công diễn ra trong 2 ngày, đến ngày 11/3 thì được giải quyết.
Nhiều ý kiến cho rằng để giảm tình trạng đình công thì phía chính phủ cần phải nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức đủ sống, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Ma túy tại Việt Nam: nguồn cung khó cắt,
cai nghiện thiếu hiệu quả
Truyền thông trong nước gần đây thường xuyên đăng tải thông tin những vụ bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.
Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 18/3 vừa tuyên án tử hình 3 người và một người án chung thân về tội vận chuyển ma túy bằng đường hàng không.
Trước đó, trong Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/9/2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, ngăn chặn ma túy lậu vào trong nước; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy.
Những ngành chặn ma túy phải nói là ngành làm ra tiền khá là nhiều, như mafia vậy. Rất khó để chặn đường cung, thành ra tất cả nỗ lực phòng chống ma túy phải cần ngưng đường cung nhiều hơn mà cái đó thì không làm được. – Chuyên gia về ma túy
Trước những thông tin này, một chuyên gia trên 10 năm kinh nghiệm làm việc về ma túy – mại dâm tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Bên ngăn chặn chỉ là bên bắt bớ kiểu công an bình thường hàng ngày thôi. Còn lực lượng buôn bán ma túy thì họ cấu kết từ xưa tới giờ. Việt Nam là một đất nước tham nhũng, không thể ngăn chặn việc đó ngày 1 ngày 2 đâu. Nói chung là ma túy liên quan tới tham nhũng rất nhiều. Những ngành chặn ma túy phải nói là ngành làm ra tiền khá là nhiều, như mafia vậy. Rất khó để chặn đường cung, thành ra tất cả nỗ lực phòng chống ma túy phải cần ngưng đường cung nhiều hơn mà cái đó thì không làm được.”
Do đó, theo vị chuyên gia này, đây là nguyên nhân dẫn đến tình hình ma túy ở Việt Nam ngày càng xấu đi.
Bên cạnh đó, tình hình cai nghiện ma túy cũng được sự quan tâm của người dân trong nước khi ngày càng nhiều vụ việc các học viên tại các cơ sở cai nghiện công khai trốn trại.
Giải thích nguyên nhân vì sao lại có tình trạng như vậy, vị chuyên gia trên 10 năm kinh nghiệm làm việc về ma túy cho rằng:
“Thực tế thì các trung tâm cai nghiện đang cư xử với học viên như người tù vậy, đặc biệt các trung tâm nhà nước. Họ vẫn giữ đầu óc trong việc quản lý cai nghiện như tù nhân. Thành ra khi mà người cai nghiện bị đối xử như vậy thì dẫn đến việc phản kháng như một người mất tự do thôi. Hàng năm đều có những chuyện phá trại để trốn ra ngoài hay ra một cách chính thức, hàng loạt, vẫn xảy ra ở Việt Nam là chuyện bình thường. Tại vì không có một phương pháp cai nghiện nào hiệu quả, nhân văn hay cai nghiện theo một phương pháp tốt mà mình đang áp dụng giống như một trại tập trung hay một cái tù thì rất là khó.”
Với kinh nghiệm từng đưa người nhà đi cai nghiện nhiều lần tại nhiều trại khác nhau, chị Linh Đỗ hiện đang sống ở Sài Gòn nói rõ hơn:
“Lần đầu tiên nhà nước mình kêu đi thì chị cho người nhà đi. Cái gì thuộc về nhà nước thì tất nhiên không tốt rồi, liệu trình cũng không nói. Nhưng đại loại là cho mình sinh hoạt rất bình thường, không có liệu trình gì đặc biệt hết. Giờ con nghiện ăn cùng lúc đó sẽ cho con mèo, con chó ăn uống ngon hơn, chăm sóc tốt hơn, làm người nghiện cảm thấy thua con vật, đại loại vậy đó. Rồi nếu la ó thì sẽ bị quýnh.”
Sau khi nghe người nhà kể về trung tâm cai nghiện nhà nước, chị Linh đã chọn trung tâm tư nhân với mong muốn người nhà được đối xử tốt hơn dù phải trả một khoản tiền không nhỏ:
“Khi mình vô chỗ tư nhân sẽ khác, có bác sĩ đàng hoàng vì mình trả tiền. Đa phần sẽ cho uống thuốc vitamin thôi nhưng sẽ nói là thuốc an thần để người bệnh sẽ an tâm hơn. Rồi tới giờ thì có người dọn phòng, cho ăn uống chứ chả có thuốc gì cả.”
Dưới góc nhìn của mình, vị chuyên gia về ma túy tại Sài Gòn cho rằng các trung tâm tư nhân có vẻ đang thương mại hóa, thực hiện theo quy trình để móc túi học viên bằng cách đẻ ra nhiều loại phương pháp. Ông cho rằng việc cai nghiện thực tế không khó, vì ông đã từng giúp rất nhiều người tiến hành cai nghiện tại nhà:
“Thực sự quy trình cai nghiện rất dễ, có rất nhiều cách để cai nghiện và có thể cai nghiện ngay tại cộng đồng. Ví dụ người nghiện nặng chỉ cần 1 tuần là họ có thể cắt cơn được ngay. Cai nghiện tại nhà thôi, chỉ cần một người trông rồi cho họ uống thuốc ngủ hoặc những loại thuốc để họ qua những đau đớn đó trong một tuần thôi là xong hết.”
Giờ con nghiện ăn cùng lúc đó sẽ cho con mèo, con chó ăn uống ngon hơn, chăm sóc tốt hơn, làm người nghiện cảm thấy thua con vật, đại loại vậy đó. Rồi nếu la ó thì sẽ bị quýnh. – Linh Đỗ
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người dù cai nghiện tại trung tâm nhà nước hay tư nhân, thậm chí tại nhà, thì tỉ lệ tái nghiện là rất cao.
Do đó, vị chuyên gia ma túy cho rằng đây là nguyên nhân vì sao cai nghiện ở nhà tuy dễ nhưng người thân con nghiện lại không thực hiện:
“Mặt bằng chung ở Việt Nam thì gia đình quá khổ sở với người nghiện, không biết cách nào để sống chung với người nghiện, cũng rất ít tổ chức đủ kinh nghiệm để làm việc đó. Thành ra gia đình muốn tống người nghiện vô trung tâm. Trung tâm ở Việt Nam từ tư nhân cho đến nhà nước đều giữ người nghiện khỏi gia đình càng lâu càng tốt.”
Còn chị Linh Đỗ lại cho rằng môi trường và ý thức người nghiện sẽ quyết định xem họ có thể sẽ nghiện lại hay không. Vì khi ra khỏi trại cai nghiện, người nghiện về lại môi trường cũ sẽ vẫn biết được những người cung cấp ma túy, do đó nếu có thể, thay đổi môi trường sống mới sẽ phần nào hạn chế việc tái nghiện.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, Chống Tệ Nạn Xã Hội thuộc Bộ Lao Động – Thương Binh – Xã Hội về tình hình sử dụng ma túy tại Việt Nam, chỉ trong nửa đầu năm 2018 đã có hơn 222.000 người nghiện ma túy trong nước có hồ sơ quản lý. Trong số này có 67,5% sống ngoài xã hội, 13,5% đang được cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở.
Bên cạnh đó, thống kê cũng chỉ ra rằng người nghiện tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy mới.
Vụ cưỡng hôn nữ sinh: Một số khía cạnh pháp lý
Nguyễn Trang Nhung
Chiều ngày 18/3, công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Đỗ Mạnh Hùng, người có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn cô gái trong thang máy chung cư Golden Palm ở phường Nhân Chính.[1]
Hành vi của ông Hùng được xem là vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể, ông Hùng “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác“, theo điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013, nên bị phạt tiền 200 nghìn đồng.[2]
Xử phạt này đã khiến nạn nhân thất vọng, ấm ức và gây bức xúc trong dư luận. Theo nạn nhân, mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với ông Hùng, và chưa đủ để góp phần trừng trị và đẩy lùi hành vi xấu xa này.[3] Đây cũng là quan điểm của dư luận nói chung.
Đối với nhiều người quan tâm tới sự việc ở phương diện pháp lý, có một số câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn: Liệu việc áp dụng pháp luật về xử phạt hành chính như vậy có thỏa đáng hay không? Có quy định pháp luật nào khác thích hợp hơn, ví dụ, trong Bộ luật Hình sự, để áp dụng trong trường hợp này hay không?
Theo pháp luật hiện hành, các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Nhìn chung, xử phạt hành chính là đối với các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, còn xử lý hình sự là đối với các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đáng kể.
Trong trường hợp xử phạt hành chính, mức phạt đối với hành vi nêu trên là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng. Ông Hùng bị phạt với mức phạt trung bình. Việc áp dụng mức phạt trung bình cho người bị phạt là áp dụng pháp luật thông thường. Ngay cả khi áp dụng mức phạt cao nhất thì sự khác biệt là không đáng kể.
Trong trường hợp xử lý hình sự, hành vi chỉ có thể được xem xét theo hướng là liệu có đầy đủ các cấu thành của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Muốn vậy, hành vi phải thỏa mãn các điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện của mặt khách quan của tội này là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Xét về điều kiện này thì khó kết luận, nhất là khi có nhiều ý kiến khác nhau trong giới chuyên môn về thế nào là nghiêm trọng, và khi có nhiều hành vi tương tự hoặc nghiêm trọng hơn trong quá khứ chỉ bị xem là vi phạm hành chính. Đó là chưa kể các bất định khác trong các điều kiện khác của tội này.
Do đó, khó có thể xử lý hình sự, mà hầu như chỉ có thể xử phạt hành chính đối với ông Hùng mà thôi.
Hẳn nhiên, như nhiều người có thể nhận thấy, quy định trong Nghị định 167/2013 quá chung chung vì không phân biệt các cấp độ nghiêm trọng khác nhau của hành vi, và mức phạt trong nghị định này quá nhẹ.
Điều này xuất phát từ tư duy pháp lý có phần sơ sài, khi xem nhẹ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặt trên phông văn hóa và nền tảng nhận thức xã hội vốn chưa thực sự đề cao danh dự, nhân phẩm, và vốn coi các hành vi động chạm tính dục là bình thường, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ, thì tư duy pháp lý như vậy là khá dễ hiểu.
Qua sự việc này, có thể rút ra một vài giải pháp cho vấn đề. Một là nâng cao nhận thức của mọi người về các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nói chung, và hành vi quấy rối tình dục (bằng cả lời nói và hành động) nói riêng. Hai là sửa đổi Nghị định 167/2013 theo hướng chi tiết hơn và tăng mức phạt. Ba là quy định thêm các tội liên quan đến quấy rối tình dục trong Bộ luật Hình sự.
Trong khi thúc đẩy cải thiện pháp luật, giải pháp thứ nhất có thể được thực hiện thông qua các tổ chức xã hội dân sự, các hội nhóm hoạt động về quyền, đặc biệt là quyền trẻ em và quyền phụ nữ. Cùng với đó, khi phim ảnh có tác dụng kích thích tư tưởng và hành vi tính dục ngày càng phổ biến trên các phương tiện nghe nhìn, thì việc hạn chế chúng và khước từ lan truyền chúng là thực sự cần thiết.
Chú thích:
[1][2] Quấy rối tình dục nữ sinh trong thang máy, bị phạt… 200.000 đồng
https://tuoitre.vn/cuong-hon-nu-sinh-trong-thang-may-bi-phat-200-000-don…
[3] Kẻ quấy rối chỉ bị phạt 200.000 đồng, nạn nhân thất vọng, ấm ức
https://tuoitre.vn/ke-quay-roi-chi-bi-phat-200-000-dong-nan-nhan-that-vo…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nước mắm –
Cuộc chiến chống bành trướng trong mọi nghĩa
Chiến Sỹ
Nghĩa hẹp, đó là dám thách thức công khai “trái tim đen” của tập đoàn Masan, âm mưu thâu tóm nốt 20% thị phần còn lại của nước chấm. Nghĩa rộng lớn hơn, đó là cuộc chiến can trường chống lại mọi hành tung của những Trần Ích Tắc, những Lê Chiêu Thống trong thế kỷ 21.
Phải gọi sự vật đúng tên như thế mới thấy hết cái thâm độc, cái dã man của những tên “cõng rắn cắn gà nhà”, của những kẻ “rước voi về giày mả tổ”. Tuy nhiên, cũng đừng vì trận đánh giáp la cà liên quan đến “Dự thảo tiêu chuẩn quy trình sản xuất nước mắm” (TCVN) mà đi đến thoá mạ các chức danh khoa học. Bản thân các chức danh ấy không có tội tình gì.
Từ bức tử nước mắm truyền thống…
Chẳng nên ví von theo kiểu: Giáo sư – Tiến sỹ mà không bằng con dòi (!) Có chăng con dòi phân biệt được giữa “nước mắm” với “nước chấm”, còn PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng thì không thể phân biệt nổi “nước mắm truyền thống” với “nước mắm công nghiệp”[1]. Ông Đáng nói đã đọc rất kỹ TCVN và khẳng định chẳng có gì sai phạm hay quá cao, quá xa với thực tế cả.
Trong khi đó, TS. Trần Thị Dung, một phụ nữ rất có uy tín về chuyên môn, người đưa nước mắm Việt ra thế giới (từng bảo vệ luận án tại Bulgaria từ năm 1993), đã trình văn bản chỉ ra 50 điểm chưa phù hợp của dự thảo tiêu chuẩn nói trên[2]. Bà Dung cũng khẳng định, nếu dự thảo tiêu chuẩn TCVN được ban hành thì người sản xuất nước mắm truyền thống sẽ lao đao.
Từ khi nổ ra trận đánh giáp lá cà vì nước mắm đến nay, không khó để nhận ra động lực của mỗi bên tham chiến. Bên này cố bảo vệ “quốc hồn quốc tuý” của một trong những “văn hoá ẩm thực” Việt có thương hiệu ngàn đời nay. Bên kia là lòng tham không giới hạn, dân ta thường gọi là lòng tham không đáy của những kẻ chẳng biết đâu là điểm dừng trên mọi nẻo đường “theo đóm ăn tàn”.
Tại sao đã xẩy ra bê bối “nước mắm nhiễm asen” khiến cả xã hội náo loạn, mà lý do chính hồi bấy giờ là cạnh tranh thương mại không bình đẳng, vậy mà lần này xì-căng-đan lớn hơn vẫn lặp lại? Không chỉ mắc những lỗi lầm nghiêm trọng như PGS-TS Nguyễn Tử Cương vạch ra, lần này sai lầm tai hại lại chuyển từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng sang các cơ quan quản lý Nhà nước[3]?
Tương tự, các cơ quan quản lý Việt Nam cũng đã không lý giải nổi, tại sao nhiều đoàn thương lái của “bạn vàng bốn tốt” sang ta liên tục để lùng mua những mặt hàng quái dị: từ ốc bươu vàng, gỗ sưa, đến dừa non, đuôi trâu; từ rễ sim, lá cây phong ba đến hoa ngâu, xơ dừa, rồi lá khoai lang non… một thời làm đảo điên các vùng quê từ Nam ra Bắc. Phải chăng cũng là “mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường” với những kẻ bức tử nước mắm cổ truyền?
Đến a dua với quân cướp Biển Đông
Khảo sát của Cục Chế biến nông lâm thủy sản cho thấy, cả Việt Nam có 2.900 cơ sở chế biến nước mắm truyền thống, đạt sản lượng bình quân 215 triệu lít/năm, trong đó khu vực Tây Nam bộ chiếm 45,7% số cơ sở chế biến, với sản lượng 39,32% so với cả nước. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước, chỉ khoảng 4% được xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Rõ ràng, thị trường trong và ngoài nước vẫn còn dư địa rất lớn, được đánh giá có nhiều tiềm năng. Trong thư gửi Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang, GS-TS Nguyễn Đình Cống vạch rõ: “Việc cố ý hủy hoại nền sản xuất nước mắm truyền thống sẽ dẫn đến hủy hoại cuộc sống của hàng vạn gia đình. Tội này Trời không dung, Đất không tha, sẽ bị người đời nguyền rủa”[4].
Tuy nhiên, cần khẳng định, tội ác “bị người đời nguyền rủa” lần này không chỉ là sự tiếp nối từ lần trước, mà còn nhiều phần tệ hại hơn, thâm hiểm hơn sự vu vạ “nước mắm nhiễm asen” cách đây hai năm! Lẽ đơn giản là vì, nếu 2.900 cơ sở chế biến nước mắm bị bức tử, thì mặc nhiên nghề đánh bắt cá cơm và nghề làm muối tinh sẽ teo tóp dần, ngư dân sẽ bớt lý do để vươn khơi…
Chúng ta không hề run sợ trước lời đe doạ của tướng cuồng ngôn Tàu cộng Bành Quang Khiêm, “ngư dân Việt Nam sẽ thành bia sống nếu dám ra Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt cá”[5]. Nhưng chúng ta biết, Trung Quốc rồi đây sẽ thả hàng trăm lồng HDPE (lồng Na Uy, mỗi lồng có diện tích bằng sân bóng đá) xuống Biển Đông nhằm đẩy lùi ngư trường truyền thống của dân Việt.
Trong bối cảnh nói trên, tập đoàn Masan hãy dừng ngay việc “móc ngoặc” và “luồn lách” với những Trần Ích Tắc, những Lê Chiêu Thống tại các cơ quan quản lý Nhà nước để gây nên “các cơn co giật” trong quá trình sản xuất! Dù trước mắt nhóm lợi ích có thu về một ít lộc lá, song trên thực tế, họ đang a dua với phường cướp biển và lũ bán nước. Nhưng cơ đồ ấy sớm muộn sẽ bị chôn vùi dưới đáy Biển Đông!
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/fish-sauce-war-against-invaders-03202019110909.html
Kêu gọi hành động khẩn
vì sức khỏe của tù chính trị Huỳnh Trương Ca
Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca đang phải tiếp tục chịu đựng các chứng bệnh hành hạ trong nhà giam mới, theo Ân xá Quốc tế.
Tại trại giam cũ ở Đồng Tháp, bản thân tù nhân này không được chữa trị đầy đủ và nay ông bị đưa đến trại mới xa nhà hơn khiến cho việc thăm nuôi của gia đình và việc cung cấp thuốc mem, thực phẩm cũng thêm khó khăn.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế vào ngày 19 tháng 3 lên tiếng kêu gọi có hành động khẩn cấp để giúp cho tù chính trị Huỳnh Trương Ca. Cụ thể là viết thư đến người đứng đầu chính phủ Hà Nội, Ông Nguyễn Xuân Phúc, trình bày về tình cảnh của ông Huỳnh Trương Ca.
Theo đó thì bản thân Ông Huỳnh Trương Ca đang mắc các chứng bệnh tiểu đường, phổi, cao huyết áp. Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, ông bị chuyển từ trại giam ở Đồng Tháp đến Trại Xuân Lộc, cách nhà ông 250 kilomet.
Vào ngày 8 tháng 3, Ân Xá Quốc Tế cũng ra kêu gọi hành động khẩn cho tù nhân chính trị Huỳnh Trương Ca. Theo tổ chức này thì tù nhân Huỳnh Trương Ca bị giam giữ trong những điều kiện được nói vi phạm thêm nữa các quyền của người này.
Cụ thể Ông Huỳnh Trương Ca bị giam chung với 4 tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và ông Ca không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.
Ông này chỉ được phép rời phòng giam mỗi tháng một lần để đi gặp thân nhân theo tiêu chuẩn.
Ông Huỳnh Trương Ca bị các chứng bệnh phổi, vấn đề về bao tử, cao huyết áp và tiểu đường; nhưng không được trại giam điều trị đầy đủ. Gia đình nhiều lần gửi thuốc vào tù cho ông nhưng bị từ chối.
Ông Huỳnh Trương Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm ngoái khi đang trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Ông là một thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp với tôn chỉ giúp cho người dân hiểu rõ các quyền của họ được qui định trong Hiến Pháp Việt Nam.
Ông bị đưa ra tòa vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái và bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.