Tin Việt Nam – 20/02/2017
Lý do gây vệt nước đỏ Vũng Áng là gì?
Việc nói dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng “là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải”, như giải thích của UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là “không thuyết phục”, một chuyên gia độc học môi trường Việt Nam bình luận với BBC.
Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ “không bao giờ là màu đỏ” mà thường có màu đen hay màu xanh đen. “Màu đỏ là màu của oxit sắt 3”.
Hai hiện tượng dải nước đỏ
Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào 19/1, truyền thông trong nước đưa tin.
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về hiện tượng một dải nước màu đỏ đục xuất hiện vào sáng 18/2 tại khu vực cảng Sơn Dương thuộc công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã đến kiểm tra và lấy mẫu nước đi phân tích.
Đồng thời, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay dòng nước màu đỏ chảy ra từ một miệng cống xuống biển.
Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh được trang tin VietnamNet dẫn lời, nói hôm 19/2 về kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra hồi tháng Một ở Vũng Áng: “Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, co con người sinh hoạt, xả thải.” Đây cũng là kết quả được Viện Công nghệ và Môi trường gửi cho Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Một lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói “hiện tượng vệt nước đỏ xuất hiện ngày 17.2 tại cảng Sơn Dương và Vũng Áng không có gì nguy hiểm”, và “hải sản tại khu vực đó vẫn phát triển bình thường”, báo Lao động đưa tin.
Hôm 20/2, BBC đã liên hệ qua điện thoại với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh đồng thời là Trưởng ban Khu kinh tế Hà Tĩnh, nhưng ông từ chối bình luận.
Nguyên nhân hiện tượng dải nước đỏ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước biển đỏ, Giáo sư Lê Huy Bá nói với BBC.
Chẳng hạn như hiện tượng này có thể xảy ra khi “đất nhiệt đới có mầu đỏ vì chứa nhiều chất sắt, sau khi mưa nước chảy ra biển mang màu đỏ”, và trường hợp này, theo ông Bá, là “không đáng ngại”.
Một hiện tượng tự nhiên khác có thể khiến nước biển chuyển màu đó là hiện tượng thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa). Tuy nhiên, giáo sư Bá khẳng định hiện tượng này thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ “không vào thời kỳ này”.
Một nguyên nhân khác có thể có, là do sản phẩm của chất xả thải công nghiệp, nhưng muốn khẳng định được nguyên nhân của hiện tượng này, các nhà khoa học phải được “tận mắt tận tay quan sát”, Giáo sư Bá nói.
Ông Lê Xuân Thế, một ngư dân sống cách vùng biển Vũng Áng 3km, nói với BBC ông đi biển tới nay đã hơn 50 năm nhưng “chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ trên biển”.
Chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói đến dường như không được công bố một cách chính thức và rộng rãi.
“Bản thân chúng tôi [các nhà khoa học] rất được muốn biết để hiểu được thực chất của vấn đề một cách khách quan nhưng có được xem đâu,” Giáo sư Lê Huy Bá nói, và cho biết mình cũng chỉ biết theo dõi tin trên báo chí.
Tuy nhiên, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, bộ phận trắc quan của Bộ Tài Nguyên Môi trường và đại diện của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa đã kiểm tra các cống xả thải của Formosa và kết luận doanh nghiệp này “không có đường ống xả thải nào như clip phát tán trên mạng xã hội”, trang tin Zing tường thuật.
Giới chức tới giờ chưa có bình luận nào về địa điểm có thể của cống xả thải quay trong video clip nói trên.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39028290
Cuộc gặp cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên thời TT Trump
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 17/2 gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong cuộc tiếp xúc được coi là cấp cao nhất đầu tiên giữa phía Hà Nội và chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Cuộc gặp giữa ông Minh và ông Tillerson diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Bonn của Đức.
Theo cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Minh “đánh giá cao sự hiểu biết và đóng góp của Ngoại trưởng Tillerson vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung”.
Ông Minh cũng được dẫn lời khẳng định rằng “Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước”.
Ngoài ra, theo VGP News, ông Minh “nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã mời Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp tại Đà Nẵng tháng 11/2017”. Ông Minh cũng mời Ngoại trưởng Mỹ “sớm thăm Việt Nam”.
Theo phía Việt Nam, quan chức ngoại giao hàng đầu của đôi bên cũng “đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”. Chưa rõ các vấn đề đó là gì. Trong cuộc điều trần chuẩn thuận vào chức Ngoại trưởng Mỹ cuối năm ngoái, ông Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông.
Trong chuyến công du châu Á đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 4/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ông Tillerson, ông Minh cũng gặp Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Brazil José Serra.
Phía Mỹ chưa công bố thông tin gì về cuộc gặp giữa ông Tillerson và Phó Thủ tướng Việt Nam. Một bức ảnh được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cho thấy Ngoại trưởng Hoa Kỳ chụp ảnh chung với nhiều quan chức ngoại giao hàng đầu các nước, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 17/2 cũng gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp cấp cao nhất giữa quan chức hai nước kể từ khi ông Trump nhậm chức, theo AFP.
Việt Nam chưa được tiếp xúc lãnh sự
nghi phạm Doan Thi Huong
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 20 tháng 2 cho báo giới biết về vụ việc nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam bị bắt ở Malaysia liên quan đến cái chết của nhân vật Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, thì phía Kuala Lumpur chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ.
Lý do mà phía Malaysia đưa ra là vì đây là một vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa thể cho tiếp xúc lãnh sự. Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur tiếp tục theo dõi sát vụ việc.
Xin được nhắc lại, cơ quan chức năng Malaysia vừa qua cho biết một trong những nghi phạm liên quan đến vụ sát hại ông Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur hôm thứ hai 13 tháng 2, có một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Doan Thi Huong, sinh năm 1988 ở Nam Định.
Mạng báo Thanh Niên vào ngày 20 tháng 2 loan tin nghi phạm có tên trong hồ sơ Phòng Xuất Nhập cảnh tỉnh Nam Định. Theo đó có một người trong hồ sơ của cơ quan này tên Đoàn Thị Hương, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1988 và làm hộ chiếu vào ngày 21 tháng 10 năm 2015.
Hồ sơ của Phòng Xuất Nhập cảnh tỉnh Nam Định còn lưu Đoàn Thị Hương có đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã X., huyện Nghĩa Hưng. Bố là ông Đoàn Văn T, 63 tuổi và mẹ là bà Đoàn thị H. (62 tuổi).
Theo Thanh Niên thì người cha cô Đoàn Thị Hương, người anh và một người họ hàng cũng xác nhận người trong ảnh được công bố chính là cô Đoàn thị Hương dù rằng ảnh hơi mờ và so với lần gặp cuối cùng thì cô này có khác một chút về mái tóc ngắn.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-no-consul-acess-dth-02202017105244.html
Khai mạc phiên họp thứ 7 Ủy ban thường vụ Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm nay khai mạc phiên họp thứ 7 tại tòa Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.
Một nội dung của phiên họp này được thông báo là cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Một số điều trong Bộ Luật hình sự được áp dụng lâu nay như điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’, điều 258 ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích và quyền của tổ chức, công dân’, điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ v.v… bị cho là mơ hồ.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới kêu gọi chính quyền Hà Nội phải bãi bỏ những điều khoản nhằm hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận của người dân như thế.
Luật sư nói về “án bỏ túi”
Chân Như, phóng viên RFA
Thuật ngữ “án oan” hay còn gọi ‘án bỏ túi’ được sử dụng tại Việt Nam lâu nay để nói đến những vụ án mà bị can bị hàm oan do phía công an, tư pháp gây nên.
Án oan
Gần đây có một số trường hợp tử tù sắp bị đưa đi thi hành án được giải oan; đó là trường hợp của những người sau nhiều năm tháng phải ở tù dù không hề phạm trọng tội bị cáo buộc như ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long…
Luật sư Ngô Ngọc Trai, người theo đuổi vụ án Hàn Đức Long đến khi ông này được minh oan, nhận định nguyên nhân đầu tiên dẫn đến án oan là quy định pháp luật còn bất cập, không hợp lý:
Tư pháp hiện nay còn mang nặng thuộc tính buộc tội, thiếu cơ chế giúp cho bên gỡ tội.
Các cán bộ tư pháp chạy theo thành tích, nên họ buộc phải tìm ra hung thủ, nếu không thì việc thăng thưởng cán bộ và trách nhiệm họ sẽ bị ảnh hưởng.
– Luật sư Ngô Ngọc Trai
Nguyên nhân thứ hai theo vị luật sư này đưa ra là việc thực thi pháp luật trên thực tế còn có nhiều vấn đề do năng lực, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế và sự công tâm khách quan của các cơ quan tư pháp:
Thứ nhất, các cán bộ tư pháp chạy theo thành tích, nên họ buộc phải tìm ra hung thủ, nếu không thì việc thăng thưởng cán bộ và trách nhiệm họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì những yếu tố như thế nên dễ dẫn đến việc giải quyết các vụ án toàn dẫn ra oan sai.
Bổ sung cho ý kiến của Luật sư Ngô Ngọc Trai, Luật sư Nguyễn Hà Luân nói rằng:
Bởi vì khi không xác định được sự thật của vụ án hoặc sự thật vụ án bị bóp méo thì nhất định dẫn đến án oan.
Quốc hội khoá 13 của Việt Nam đã thông qua 4 đạo luật liên quan đến tố tụng hình sự gồm có Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật về hoạt động điều tra hình sự, Luật về tạm giam, tạm giữ nhằm phục vụ cho mục tiêu “cải cách tư pháp” và giảm thiểu tình trạng án oan sai.
Tuy nhiên, các đạo luật này đang bị tạm đình chỉ thi hành do có hơn 90 lỗi trong Bộ luật Hình sự cần điều chỉnh. Theo đánh giá của Luật sư Ngô Ngọc Trai:
Luật thi hành tạm giữ tạm giam đã cải thiện quyền của những người bị giam giữ cũng như môi trường, điều kiện cho những người bị giam giữ, bởi vì lâu nay môi trường giam giữ ở Việt Nam còn rất khắc nghiệt, những quyền về tự do dân chủ của họ gần như bị tước đoạt.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nhắc lại, quy định tiến bộ hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc thi hành trong thực tế:
Tôi cho rằng vai trò của luật sư, những người có tri thức có thể giúp truyền tải đến cộng đồng những điểm mới của nền tư pháp hình sự để người ta hiểu và thực hiện đúng quyền công dân của mình.
Vẫn theo luật sư:
Đây là quá trình đấu tranh pháp lý để sau nhiều năm tháng theo đuổi thì luật sư bào chữa cùng với gia đình bị can bị cáo đã buộc được các cơ quan tư pháp kia phải minh oan.
“Án tại hồ sơ”
Trong nền tư pháp hình sự tại Việt Nam, thuật ngữ “án tại hồ sơ” được biết tới rất phổ biến và có ảnh hưởng lớn đến phán quyết của quan tòa:
Thực tế các cơ quan điều tra xoáy vào việc lấy lời khai trong quá trình giam giữ để tạo dựng hồ sơ kết tội. Trong khi lời khai chỉ có thể được coi là cơ sở căn cứ giải quyết vụ án khi nó đảm bảo sự tự nguyện của bị can bị cáo, không bị bức cung nhục hình, hay phải có sự thống nhất.
Cho dù xét xử là sơ thẩm, xét xử lên đến phúc thẩm với những thẩm phán dày dặn kinh nghiệm nhưng các vị thẩm phán đó chỉ dựa vào hồ sơ mà không xem xét đến những chứng cứ khác.
– Luật sư Nguyễn Hà Luân
Luật sư Nguyễn Hà Luân nêu ví dụ khi Toà án giải quyết vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang như một điển hình “tai hại của án tại hồ sơ” gây oan khiên:
Cho dù xét xử là sơ thẩm, xét xử lên đến phúc thẩm với những thẩm phán dày dặn kinh nghiệm nhưng các vị thẩm phán đó chỉ dựa vào hồ sơ mà không xem xét đến những chứng cứ khác.
Theo mô hình tố tụng hình sự hiện tại, phần xét hỏi thường kéo dài và phần tranh luận tại phiên toà có chất lượng kém do ảnh hưởng bởi tư duy của phía công tố – đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử:
Họ thường nói ‘Giữ nguyên quan điểm của mình’. Thậm chí có trường hợp họ không hề đưa ra được bất kỳ quan điểm gì thì họ vẫn nói rằng họ giữ nguyên quan điểm. Họ còn có thêm câu ‘Việc này để dành cho Hội đồng xét xử quyết định’.
Trong khi đó, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng:
Trong pháp luật cho phép sau khi hồ sơ viện kiểm sát chuyển sang tòa án cho phép thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy hồ sơ vụ án chưa thấy đủ cơ sở căn cứ để kết tội thì được quyền trả lại hồ sơ vụ án để yêu cầu bổ sung.
Chính vì những bất cập như vậy, các luật sư đều mong đợi sự thay đổi tích cực trong cải cách tư pháp tại Việt Nam, như nêu cao vai trò của luật sư, tôn trọng quyền con người và quan trọng là trong hoạt động tố tụng phải thể hiện đúng trách nhiệm tôn trọng sự thật của vụ án nhằm tránh oan sai.
Hiện thân nhân của một số tử tù như Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng và Hồ Duy Hải tại Long An… lâu nay tiếp tục kêu oan đến các cấp cao nhất của chính phủ và cả đảng cộng sản Việt Nam, khẳng định người thân của họ không hề phạm tội và còn trưng ra bằng chứng về thủ phạm.
Sau một chuyến đi tìm công lý
Trong hai ngày qua, các trang mạng xã hội nóng lên vì câu chuyện đi tìm công lý của các ngư dân Nghệ An bị đàn áp đổ máu và mọi đường đi tới đều bị cắt, buộc phải quay trở về. Và mọi chuyện dường như rơi vào bế tắc. Vấn đề bế tắc mà chúng tôi muốn nói đến ở đây không phải là chuyến đi của người dân Nghệ An vào Hà Tĩnh khởi kiện Formosa bế tắc mà chính công lý Việt Nam đang bế tắc. Vì sao?
Công lý bị phủ bụi
Một nữ giáo dân trong đoàn khiếu kiện đã bị hành hung cho hay: “Tôi đi đường, khi đi đường tôi bị công an mặc áo vàng đánh đập tôi. Họ xúm bảy người lôi tôi vào xe tù và đánh tôi, dùng dùi cui đập vỡ nón bảo hiểm, đánh tôi toạc phần má nuốt nước miếng rất khó, họ vặn cánh tay tôi sưng to và dùng dùi cui dộng vào ngực. Họ nhủ là đập cho chết để khỏi đi kiện. Họ nói là nếu quay về thì họ thả xuống xe, chứ không về thì đóng cửa xe đập tiếp…”.
Vị nữ giáo dân này yêu cầu chúng tôi công khai tên tuổi nhưng chúng tôi quyết định không nêu tên. Vị này chia sẻ thêm về niềm tin của mình vào công lý. Và vị này cũng định nghĩa thêm về công lý mà bà đang tin không phải là công lý của nhà nước hiện tại. Bởi công lý hiện tại đang bị phủ bụi bởi kiểu điều hành công an trị và lấy bạo lực làm kim chỉ Nam để đối phó với người dân. Đây là điều bà hoàn toàn không tin rằng sẽ có công lý.
Tôi đi đường, khi đi đường tôi bị công an mặc áo vàng đánh đập tôi…Họ nhủ là đập cho chết để khỏi đi kiện.
– Một nữ giáo dân Nghệ An
Nhưng bà cũng khẳng định rằng công lý chỉ bị phủ bụi bởi một số ít người đang nắm quyền lực chứ không phải công lý không có. Bởi bà tin rằng khi đứng trên sự chính nghĩa của dân tộc, đứng trên quyền lợi chính đáng của người dân và vì sự tồn vong của môi trường Việt Nam thì nhất định công lý sẽ mỉm cười với bà cũng như những người đồng cảm với bà.
Vị này cho biết thêm là chưa bao giờ cảnh một đoàn người đi kiện trong ôn hòa lại bị chặn xe, nhà cầm quyền buộc nhà xe phải đơn phương cắt hợp đồng và khi đoàn khiếu kiện đi xe gắn máy thì tiếp tục bị chặn, đến khi đoàn người tiếp tục đi bộ thì bị tấn công, bị ném lựu đạn cay và những ai thoát ra được khỏi đám khói mù thì bị hốt lên xe, bị bắt… Cuối cùng, cả đoàn khiếu kiện mới hiểu ra rằng công lý không thuộc về những người đang chịu bất công mà thuộc về những kẻ có đủ khả năng sai khiến người khác bẻ gãy cán cân công lý.
Bà chua xót nói thêm rằng ở đây, một đoàn người Việt Nam, là nạn nhân đi khiếu kiện một tập đoàn kinh tế của Đài Loan vì tập đoàn này đã xả độc vào biển, làm hỏng môi sinh Việt Nam và đập nát sinh kế của họ. Những tưởng nhà nước sẽ tạo điều kiện để người dân đi khiếu kiện và câu chuyện đúng sai còn có tòa án giải quyết, cho ra kết quả cuối cùng.
Đằng này thì không, chính nhà cầm quyền đã đưa an ninh ra chặn khi đoàn người đi tìm công lý, tìm lẽ phải chưa kịp đến nơi. Như vậy, suy cho cùng, cái giá của đi tìm công lý, đi tìm lẽ phải trong hiện tại là bị đánh vỡ mặt, bị đàn áp không thương tiếc và bị xuyên tạc, bóp méo hình ảnh và thậm chí bị mạ lị không thương tiếc bởi báo chí nhà nước.
Ngọn lửa tìm công lý vẫn tiếp tục cháy
Một bạn trẻ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, người đã tham gia đồng hành cùng đoàn người đi khởi kiện ở Nghệ An, chia sẻ: “Đi ra đến đó thì bị đuổi theo, dân đi kiện Formosa làm hại môi trường biển thì bị công an tỉnh lừa, họ bảo đi chung một xe, dồn mình lên một xe rồi sau đó đưa mình quay về, mình không quay về thì bị đánh đập, ngay cả Cha Thục cũng bị đánh đập tàn bạo…”.
Bạn trẻ này cho biết thêm là hiện tại, sự quay trở về của đoàn người khiếu kiện hoàn toàn không có biểu hiện sợ hãi hay bỏ cuộc. Mà bởi có nhiều người phải đi bệnh viện sau những cú đòn nặng nề nên buộc phải quay trở lại để dưỡng thương và cùng tựa vào nhau mạnh mẽ hơn.
Dường như chưa có đoàn khiếu kiện nào bị đánh đập dã man như chuyến đi khiếu kiện của bà con Nghệ An, ngay cả Linh Mục Nguyễn Đình Thục cũng bị đánh bầm dập, bị theo dõi ráo riết và bị nhà các đài truyền hình, báo chí nhà nước vu cho ngài tội khích động quần chúng nổi loạn. Chưa có nhà cầm quyền nào lại đối xử với dân oan theo cách này.
… dồn mình lên một xe rồi sau đó đưa mình quay về, mình không quay về thì bị đánh đập, ngay cả Cha Thục cũng bị đánh đập tàn bạo …
Một bạn trẻ Nghệ An
Hiện tại, hầu như đoàn người chỉ còn biết tin vào công lý, bản thân bạn trẻ này cũng chỉ biết tin vào công lý. Mặc dù công lý đã bị phủ bụi bởi kiểu hành động mang tính trù dập của nhà cầm quyền nhưng dường như ngọn lửa niềm tin vào công lý vẫn cháy trong mỗi người. Bởi công lý giống như ngọn lửa trước gió, gió càng mạnh thì lửa cháy càng lớn.
Đương nhiên, bạn trẻ này tỏ ra hết sức thất vọng với cách hành xử của những kẻ nắm quyền lực trong tay. Bởi một khi thương dân, có trách nhiệm với nhân dân, với dân tộc và đất nước, sẽ không có ai chơi trò vùi dập một đoàn người đi tìm công lý bằng bạo lực, máu đổ và tiếng kêu đau, kêu oan thấu trời như vậy.
Bạn trẻ này cũng tỏ ra thất vọng với nền báo chí nhà nước hiện tại và không ngại gọi báo chí nhà nước đã loan tin trù dập, xuyên tạc và mạ lị linh mục Nguyễn Đình Thục là báo chí phổi bò. Bởi chỉ có báo chí phổi bò mới dám mạ lị người khác và dám ngồi xổm trên công lý, dám đứng che mặt tòa án để kết tội người khác tội khích động quần chúng. Bởi theo bạn trẻ này, Linh mục Nguyễn Đình Thục có tội hay không có tội, tội như thế nào phải do tòa án kết luận chứ không có bất kì cơ quan nào khác được phép phát ngôn về tội lỗi của ngài trong lúc tòa án chưa có bất kì bản án nào về tội đó.
Có thể nói rằng câu chuyện đoàn người đi tìm công lý từ Nghệ An, bị chặn ở cầu La Gi và quay trở về sau khi bị hành hung đến tả tơi là một câu chuyện về sự thất bại của công lý tại Việt Nam. Tiếp sau đó là những trò phát ngôn hết sức vi phạm pháp luật của các cơ quan ngôn luận nhà nước có liên quan đến sự vụ. Bởi đứng trên góc nhìn công lý, họ hoàn toàn không được phát ngôn áp đặt và vô căn cứ như đang có.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/after-a-trip-f-justice-seeking-ttvn-02202017071555.html
Điện năng ở Việt Nam: Không nhất thiết phải dùng nhiều than
Kể từ khi từ bỏ các dự án điện hạt nhân, Việt Nam quay trở lại sử dụng ngày càng nhiều than để sản xuất điện, và điều này đang đặt ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhưng đối với các chuyên gia như giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu viện trưởng Viện Nguyên Tử Đà Lạt, có nhiều phương cách khác để bảo đảm nguồn cung cấp điện mà không cần sử dụng nhiều than, đặc biệt là phải nâng cao hiệu quả sử dụng để tránh phung phí một nguồn điện rất lớn.
Trong khi chờ công nghiệp sản xuất các năng lượng tái tạo phát triển nhiều hơn nữa để giá thành giảm bớt, giáo sư Phạm Duy Hiển đề nghị nên nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân trong một tương lai không xa, chứ không nên từ bỏ hẳn loại năng lượng này.
Giáo sư Phạm Duy Hiển18/02/2017Nghe
RFI:Thưa Giáo sư Phạm Duy Hiển, trước hết xin giáo sư cho biết là than hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng bao nhiêu trong tổng sản lượng điện ở Việt Nam?
Giáo sư Phạm Duy Hiển: Ngay từ trước khi quyết định thay điện hạt nhân, Việt Nam đã có Quy Hoạch Điện 7, được sửa lại lần thứ hai. Quy hoạch cho đến năm 2030 cho thấy là điện than chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Ví dụ như năm 2015-2016 chỉ mới chiếm 34%, đến 2020 lên đến 49%, 2025 lên 55% và 2030 sẽ vẫn ở mức 54%. Các phần khác như thủy điện hay điện chạy bằng dầu, khí thì không tăng, thậm chí giảm đi, bởi vì điện than tăng lên. Còn năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ thì cũng có tăng, nhưng ít thôi, năm 2015 chiếm 4% và dự kiến đến 2030 chỉ lên đến 10%.
Như vậy là trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải dựa vào sự phát triển các nhà máy điện chạy bằng than, nhưng loại than mà Việt Nam lâu nay dùng là than từ Hòn Gai, tạo ra nhiều tro, chất lượng không tốt, thậm chí lưu huỳnh cũng cao.
Nhưng ngay cả dùng loại than ấy thì theo quy hoạch, đến năm 2020 ta phải sử dụng 39 triệu tấn than từ trong nước. Nhưng than trong nước không đủ, nên phải nhập than từ nước ngoài. Lượng than nhập từ nước ngoài đang tăng lên: năm 2020 là 25 triệu tấn, nhưng đến năm 2030, dự kiến sẽ nhập đến 85 triệu tấn. Nhập một lượng lớn như vậy thì khó mà bảo đảm được an ninh năng lượng. Chưa kể đến những vấn đề bến bãi, hậu cần…, vấn đề lớn nhất hiện nay, mà dư luận và các chuyên gia bàn tàn nhiều, đó là vấn đề môi trường.
RFI: Vậy thì thưa Giáo sư, cụ thể, than sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện gây những tác hại nào đối với môi trường, cũng như góp phần như thế nào vào hiện tượng biến đổi khí hậu?
GS Phạm Duy Hiển: Than phát ra những bụi và những khí độc, đáng kể nhất là SO2, NO2, CO và khí thải mà cả thế giới quan tâm đó là CO2, tức là khí gây hiệu ứng nhà kính. Khi ta tăng số nhà máy nhiệt điện than, môi trường của chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề.
Về bụi thì có thể dùng các hệ thống tĩnh điện để khử, nhưng xử lý khí thì phức tạp hơn, tốn kém hơn, và nói chung hệ thống phải thật tốt, nếu không thì khi xảy ra trường hợp nào đó thì nhà máy vẫn thải ra những khí này. Nhất là có nhiều nhà máy điện than nằm ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Gió mùa Tây Nam ảnh hưởng rất mạnh, nên cả vùng Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than.
Ở đồng bằng Bắc Bộ cũng vậy. Các nhà máy điện than cũng nằm gần biển, để cung cấp điện cho dễ, cho nên gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ ảnh hưởng hết vùng này.
Cuối cùng, về vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cũng sẽ đóng góp vào một lượng rất lớn, bởi vì mỗi một năm đến năm 2030, sử dụng đến hơn 120 triệu tấn than để chạy nhà máy điện, thì như thế sẽ phát ra một lượng CO2 khá là lớn. Chúng ta đã tham gia hội nghị COP 20 ở Paris, mà bây giờ lại tăng điện than như thế, nói chung là có vấn đề. Như vậy là chúng ta đi ngược chiều với thế giới trong chuyện điện than này.
RFI:Theo Giáo sư, ở Việt Nam có nguồn năng lượng nào khác có thể được khai thác như điện mặt trời, điện gió?
GS Phạm Duy Hiển: Tiềm năng về điện tái tạo rất lớn, nhưng khai thác còn rất khó, với vấn đề lớn nhất hiện nay là giá cả. Với giá hiện nay, thì năng lượng mặt trời, năng lượng gió chưa thể cạnh tranh được. Nhưng tình hình chung trên thế giới là người ta cứ nói rằng nó sẽ phát triển nhanh đến mức khiến giá thành hạ xuống. Chúng ta cũng có thể hy vọng chuyện đó. Nhưng như tôi nói lúc nãy, mặc dù có cố gắng, nhưng dự kiến đến năm 2030 tỷ trọng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ sẽ chỉ chiếm tối đa 10%.
Riêng tôi thì tôi thấy có một nguồn điện mà chúng ta chưa thấy hết và chưa khai thác được, đó là nguồn điện năng bị phung phí rất nhiều. Nếu sớm nhận ra là chúng ta đang phung phí điện năng, tức là chúng ta tạo ra một nguồn điện sạch nhất, rẻ nhất và an toàn nhất. Ta dùng điện để tạo ra sản phẩm xã hội hay nói theo nhà kinh tế là dùng điện để tạo ra GDP.
Ở Việt Nam muốn tạo ra một đôla GDP, thì phải dùng đến 1,2 Kwh điện. Trung Quốc chỉ tốn 1 Kwh. Các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan chỉ tốn 0,6 Kwh, tức là một nửa của ta. Trong khi đó, Philippines và một số nước khác chỉ tốn 0,4 Kwh, chỉ bằng 1/3 của ta. Những nước tiên tiến như Singapore và Úc chỉ dùng 0,2 Kwh để tạo ra một đôla GDP.
Như vậy là chúng ta tiêu thụ một lượng điện cao ngất ngưởng so với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Đây không phải là lãng phí, mà là phung phí. Chúng ta thường hay nói một điều gần như là mặc định: tăng trưởng kinh tế nhiều thì phải dùng nhiều điện. Thế nhưng, mặc định đó rất là sai. Tôi thấy người ta không cố tìm thêm, không chịu nhìn vào các số liệu thống kê của LHQ, của Ngân Hàng Thế Giới, để thấy mình có lượng điện tiêu thụ cao như thế nào so với các nước xung quanh và tăng cũng nhanh so với các nước xung quanh. Nhiều nước đang giảm lượng điện tiêu thụ cho một đôla, còn ta thì cứ tăng!
RFI:Theo Giáo sư thì những nguyên nhân nào khiến việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam không đạt hiệu quả như các nước khác?
GS Phạm Duy Hiển: Chúng tôi có nghiên cứu bài toán này và thấy rằng đồng hành với việc tiêu thụ điện không có hiệu quả như vậy là do mấy yếu tố trong nền kinh tế của chúng ta.
Thứ nhất, cơ cấu nền kinh tế của ta là nghiêng về khối công nghiệp hơn là khối thương mại và dịch vụ. Khối công nghiệp sử dụng gấp 10 lần điện năng so với khối dịch vụ, nhưng tạo ra giá trị gia tăng trong GDP tương đương nhau, vào khoảng 46%.
Yếu tố thứ hai là giá điện ở Việt Nam hiện nay thuộc loại rẻ nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giá rẻ thì cũng có lợi cho người dân, nhưng các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước lợi dụng giá rẻ đó để đầu tư vào những công trình tốn rất nhiều điện, nhưng hiệu quả rất ít.
Lý do thứ ba là năng suất lao động của chúng ta còn thấp, nên cũng tiêu thụ nhiều điện.
Thứ tư là chúng ta chưa có một thiết chế kinh tế tốt, chưa có thị trường cạnh tranh lành mạnh. Các tập đoàn Nhà nước nắm độc quyền, rồi thì Nhà nước thực chất là trợ giá trong vấn đề sử dụng điện của các tập đoàn. Chúng ta xét duyệt các công trình không cẩn thận cho nên tạo ra nhiều công trình đầu tư hiệu quả sử dụng rất ít, thậm chí gần đây người ta phát hiện rất nhiều công trình đầu ty lớn, nhưng “đắp chiếu”, tức là xây xong mà không biết sử dụng làm gì, mà xây dựng tức là đã tốn rất nhiều xi măng, thép, điện!
Cho nên, nếu mà chúng ta sớm nhận ra đúng sự phung phí điện năng này thì chúng ta thì chúng ta có thể tạo ra một nguồn điện có thể nói rất là rẻ, rất là dồi dào, rất là sạch và an toàn.
Một hướng nữa, đó là chúng ta đã tạm dừng điện hạt nhân, mà có nhiều lý do được đưa ra, trong đó lý do chính là do nó đắt quá, trong khi nợ công nhiều, bây giờ không thể xây dựng những nhà máy, với những lò 1000 Mw mà chi phí ban đầu lên tới 8 hoặc 9 tỷ đôla.
Nhưng thế giới hiện nay nói chung cũng không thể bỏ điện hạt nhân được. Nếu chúng ta tạm dừng thì được, nhưng bỏ hoàn toàn phương án ấy thì cũng không đúng. Nhất là điện hạt nhân lâu nay có những vấn đề như thế, thì người ta đã rút kinh nghiệm và đang có những phương hướng để giải quyết cho điện hạn nhân an toàn hơn rất nhiều.
Thực tế là có thế hệ nhà máy điện hạt nhân thứ tư, là thế hệ mà người ta tin tưởng là sẽ rất an toàn. Nhiên liệu cháy trong đó dường như là không tạo ra bã thải. Những công nghệ như thế là họ đang phát triển, nhưng loại lò tiêu biểu và tương đối an toàn về nội tại là loại lò công suất ít và lắp theo module. Hiện nay Mỹ và nhiều nước đang phát triển đang có những dự án như thế.
Tôi nghĩ là sau 2025 đến 2030 thì bắt đầu có thể thương mại hóa (các nhà máy đó). Do đó, theo tôi, trước mắt thì dừng điện hạt nhân, nhưng có lẽ đến năm 2025 có thể khởi động lại dự án điện hạt nhân, để sau năm 2030 có thể đưa điện hạt nhân trở lại. Lúc đó sẽ đưa điện hạt nhân trở lại với một tư thế khác: điện hạt nhân sẽ có an toàn nội tại, người dân không còn phải lo xảy ra những sự cố như Fukushima.
Thứ hai là đội ngũ của chúng ta hiện đang được chuẩn bị xây dựng lại và nâng cấp lên, sau độ 10, 20 năm nữa sẽ mạnh hơn rất nhiều và có thể làm chủ được công nghệ, cho nên có thể tạo ra sự phát triển bền vững về điện năng, góp phần làm giảm đi hậu quả của việc tiêu thụ than quá nhiều.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170220-san-xuat-dien-o-viet-nam-khong-nhat-thiet-phai-dung-nhieu-than