Tin Việt Nam – 19/8/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/8/2015

Nam Dương đánh chìm tàu cá Việt Nam

Indonesia đã đánh chìm 34 tàu nước ngoài bị bắt, trong đó có tàu của Việt Nam, nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt bất hợp pháp ngoài khơi quốc đảo lớn nhất thế giới.

Những chiếc tàu cá rỗng của Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia đã bị đánh chìm trong lễ kỷ niệm 70 năm tuyên bố độc lập của Indonesia hôm 18/8.

AFP đưa tin, 34 tàu đánh cá bất hợp pháp này đều bị bắt trong vùng biển của Indonesia.

Một quan chức cấp cao của Bộ Thủy sản Indonesia, ông Asep Burhanudin, cho biết, năm trong số các tàu này bị phá hủy bằng chất nổ, trong khi số còn lại bị đánh đắm.

Các tàu thuyền bị đánh đắm có thể trở thành rặng san hô nhân tạo cho cá.

Tổng thống Joko Widodo, người dẫn đầu chiến dịch chống đánh bắt cá bất hợp pháp, cho biết, Indonesia thất thoát hàng tỉ đô-la mỗi năm vì nạn đánh bắt bất hợp pháp.

Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti nói trong một thông báo sau vụ đánh chìm tàu mới nhất: “Chúng ta phải cho thấy rằng chúng ta có thể chiến thắng trên biển bởi vì biển chính là tương lai của quốc gia chúng ta”.

Indonesia đã từng bắt giữ và đánh chìm ít nhất 3 tàu đánh cá của Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái.

Báo chí Việt Nam dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã “tiếp xúc nghiêm túc với phía Indonesia về việc này và yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân nước ngoài vi phạm lãnh hải của Indonesia phải tuân thủ luật pháp quốc tế và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân, cũng như quan hệ giữa Indonesia với các quốc gia khác”. – VOA

Việt Nam tiếp tục phá giá tiền Đồng cùng nới biên độ tỷ giá — Nhập siêu với Trung Quốc tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới thông báo phá giá tiền Đồng thêm 1% và nâng biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 2% lên 3%.

Đây là động thái mới nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế của nước này.

Thông cáo của NHNN công bố hôm nay, 19/8, nói rằng việc điều chỉnh tỷ giá là để “tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới”.

Bước đi mới nhất này được tiến hành 7 ngày sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 1% lên 2%.

Về quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét:

“Điều này cũng phù hợp với diễn biến của thị trường bởi vì Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ 2% thì lập tức các ngân hàng thương mại đã kịch trần ngay biên độ cho phép. Vì vậy cho nên, việc nới rộng biên độ ra để tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam là điều có thể giải thích được và dễ hiểu.”

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ đã được nâng từ mức 21.673 đồng đổi một đôla lên 21.890 đồng.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ gần 2%, xuống mức thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong ba năm qua. Mức phá giá 1,9% này được coi là mạnh nhất tại Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, gây tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới.

Về các khó khăn mà Việt Nam vấp phải khi liên tiếp phá giá tiền đồng, ông Doanh nhận định:

“Việt Nam đang phải trả nợ nước ngoài khá cao và nếu như mà nới rộng biên độ, tức là giảm giá đồng tiền Việt Nam thì dịch vụ phải trả nợ nước ngoài sẽ tốn kém nhiều hơn nữa. Đấy là điều mà Việt Nam cần phải tránh trong việc điều chỉnh sắp tới. Nếu như xuất khẩu tăng lên thì có khả năng thu ngân sách lại tăng hơn, và có khả năng bù lại thiệt hại về việc trả nợ công đó. Cho nên tôi ủng hộ quyết định của ngân hàng nhà nước có điều chỉnh tỷ giá theo những bước tương đối thận trọng chứ không phải làm dồn dập.”

Trong khi đó, tin tức từ trong nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng “bán ngoại tệ để can thiệp thị trường nếu cần”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Hà Nội nên có nhiều lo ngại rằng việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế của Việt Nam.

Thương mại hai chiều Việt-Trung đạt 59 tỷ đôla năm ngoái, trong đó Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt là 29 tỷ đôla. – VOA

***
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng 4,5 tỷ đôla so với cùng kỳ năm ngoái, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% trong năm nay để đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Giới chuyên gia cảnh báo việc phá giá đồng nội tệ không phải là giải pháp về dài hạn cho tình trạng thâm hụt thương mại.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, được báo VnExpress dẫn lại, cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt gần 28,4 tỷ đôla, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 9 tỷ đôla, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm lên tới 19,4 tỷ đôla, cao hơn con số 14,9 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái, báo cáo cho biết.

Giá trị hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, báo cáo nói thêm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 2% trong nửa đầu năm nay.

Ngày 19/8, cơ quan này tiếp tục phá giá VND thêm 1%, bất chấp cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay.

Biên độ tỷ giá VND so với đồng đôla cũng được nới rộng từ 1% lên 3% trong tuần qua.

Việt Nam đang đứng trước áp lực hạ giá đồng nội tệ để giữ tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hơn 4% vào tuần trước.

Không phải giải pháp dài hạn

Trả lời BBC ngày 19/8, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nói tình trạng nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề “không thể giải quyết được trong thời gian ngắn và không thể chỉ bằng đối sách phá giá”.

“Nó là câu chuyện tổng thể hơn”, ông nói.

“Bằng việc phá giá VND, Việt Nam đã giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất định từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.”

“Đây cũng là bước đi phù hợp dần với một tỷ giá linh hoạt hơn trong quá trình hội nhập của Việt Nam.”

“Nhưng để giải quyết vấn đề thâm hụt thì phải nhìn câu chuyện này trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng như quan hệ giữa hai nước trong phạm vi toàn cầu. Đây là mạng lưới sản xuất được chi phối bởi rất nhiều tập đoàn lớn”.

“Thứ hai nó là vấn đề liên quan đến cơ cấu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thứ ba là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam”.

“Việt Nam một mặt vẫn phải tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá để hấp thụ theo chiều hướng có lợi các cú sốc từ bên ngoài, nhưng mặt khác vẫn phải kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô.”

Trước đó, một số ý kiến từ các chuyên gia trong nước cũng đã cảnh báo động thái phá giá VND sẽ làm tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc.

“Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn”, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 13/8.

“Nhưng hàng dệt may của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc hay xuất sang nước thứ ba thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc”.

“Thứ hai là nhập khẩu nhiều hơn nữa của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Đó là bài toán về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế mà chúng ta không thể xem thường”.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.

“Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa,” ông nói.

“12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại,” ông nói. – BBC