Tin Việt Nam – 19/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/12/2017

Bà Thúy Nga ‘không nhận tội’ ở phiên phúc thẩm?

Chồng nhà hoạt động Thúy Nga nói vợ ông ‘nhất định sẽ không nhận tội’ tại phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 22/12.

Hồi tháng 7/2017, nhà hoạt động Thúy Nga, tên thật là Trần Thị Nga, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam, tuyên phạt 9 năm tù và 5 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Phiên phúc thẩm hôm 22/12 dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam.

HRW kêu gọi hủy tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Bà Thúy Nga bị kết án 9 tù, 5 năm quản chế

Trẻ gốc Việt gửi thiệp Noel cho Trump về Mẹ Nấm

“Xin đi tù thay bà Trần Thị Nga”

Một nhà hoạt động bị bắt ở Hà Nam

Ông Lương Dân Lý, chồng của bà Thúy Nga, nói với BBC: “Từ lúc tòa tuyên bản án sơm thẩm hồi tháng 7/2017 đến nay, tôi và hai con nhỏ của Trần Thị Nga vẫn chưa hề được cho gặp, mà chỉ có thể gửi đồ thăm nuôi.”

“Theo thủ tục, muốn gặp vợ tại Trạm tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, tôi phải có đơn xin đủ ba chữ ký của địa phương, Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội và của trưởng trại giam.”

“Nay tôi mới có chữ ký của bên xã thôi còn thì tòa án thì họ chưa ký, dù đã gửi đơn cả tháng rồi.”

Đề cập về khả năng bà Thúy Nga có nhận tội trong phiên phúc thẩm hay không, ông Lý nói: “Tôi biết tính vợ tôi. Nga cứng lắm, hơn cả đàn ông, nên nhất định sẽ không nhận tội vì những gì cô ấy làm không phải là tội.

Ông cũng nói thêm: “Trong lá thư gần nhất gửi ra từ nhà tù cách đây nửa tháng, vợ tôi chỉ hỏi thăm sức khỏe gia đình và việc học hành của con cái, vì nếu đề cập những chuyện khác thì thư sẽ không được chuyển đi.”

Nhận tội hay không?

Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh hôm 19/12, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói: “Trong một vụ án hình sự, luật sư phải bào chữa theo quyết định của thân chủ. Nếu thân chủ khẳng định mình vô tội, luật sư phải chứng minh điều đó và yêu cầu tòa án tuyên rằng thân chủ vô tội.”

“Nếu thân chủ thừa nhận mình có tội, luật sư chứng minh về mức độ phạm tội cùng các tình tiết giảm khinh để bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt.”

“Đương nhiên, luật sư có trách nhiệm phải giải thích cho thân chủ hiểu về hậu quả pháp lý khi muốn duy trì hay thay đổi quan điểm của họ về vụ án.”

“Đôi khi có tình trạng luật sư không đồng quan điểm với quyết định thân chủ, đương nhiên, khi ấy luật sư có thể từ chối nhận bào chữa để thân chủ tìm một luật sư khác thích hợp với quan điểm của họ.”

‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’

Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả ngay ‘Mẹ Nấm’

Cơ hội giảm án ‘mong manh’ cho Mẹ Nấm?

Cáo trạng nói gì về ‘hành vi’ của Mẹ Nấm?

Mẹ Nấm ra tòa và đạo luật Magnitsky từ Mỹ

Hồi tháng Mười, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi thông cáo nói: “Việt Nam cần hủy bỏ tội danh ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Tội danh này được hình thành để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam”

“Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên Internet.”

Theo HRW, hơn 100 nhà hoạt động hiện đang phải thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.

Khi diễn ra phiên sơ thẩm, một bản tin của báo Công an Nhân dân nói bà Nga từ tháng 4-2014 đến tháng 1-2017 “đã có nhiều hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tờ báo dẫn cáo trạng nói bà Nga “trực tiếp lập các tài khoản Blog, Facebook cá nhân và trang You Tube, làm ra, tàng trữ, sử dụng trang mạng xã hội đăng tải 13 video Clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42247750

 

Truy tố thêm quan chức PVN

Ông Phan Đình Đức, thành viên Hội Đồng Thành Viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN mới bị khởi tố điều tra liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).

Ngày 19 tháng 12 năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã quyết định khởi tố bắt ông Phan Đình Đức để điều tra về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát 800 tỷ đồng cho PVN.

Ông Phan Đình Đức năm nay 57 tuổi, là thành viên Hội Đồng thành Viên của PVN từ năm 2010, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại PVN như chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty Kinh Doanh khí hóa lỏng miền Bắc, Tổng giám đốc công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo)…

Trước đó, 2 nguyên lãnh đạo của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam PVN là ông nguyên chủ tịch Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Tổng giám đốc PVN, cũng bị cơ quan điều tra Bộ Công An bắt giữ với cáo buộc như trên.

Cũng liên quan đến việc xử lý sai phạm của viên chức cấp cao, ông Lê Phước Hoài Bảo giám đốc sở kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam xin nghỉ phép, không đến cơ quan làm việc.

Việc này được ông Nguyễn Hoàng Thanh phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Quảng Nam thông báo ngày 19 tháng 12 năm 2017, cho biết ông Lê Phước Hoài Bảo xin nghỉ phép và đã không đến cơ quan làm việc từ hôm 18 tháng 12.

Cũng theo ông Thanh, ông Bảo không nêu lý do nghỉ phép cũng như khi nào sẽ quay trở lại làm việc và ông Thanh không cho biết thêm thông tin liên quan đến cấp trên.

Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh, được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam khi 30 tuổi.

Theo kết luận sai phạm do Ủy Ban Kiểm ttra Trung Ương đưa ra, Ông Bảo đã không trung thực trong việc kê khai hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 -2020.

Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Ban thường vụ tỉnh Quảng Nam xóa tên ông Lê Phước Hoài Bảo ra khỏi đảng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-pvn-official-prosecuted-12192017095353.html

 

Dân chủ cho dân hay cho ai nghe Đảng?

Trong phát biểu đọc tại Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 tổ chức tại Hà Nội hôm 13/12 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc có đưa ra 5 giải pháp để tăng năng suất cho Việt Nam. Trong 5 giải pháp được nói đến, có một điểm đáng chú ý mà ông Phúc đưa ra là Chính phủ  tiếp tục phát huy dân chủ cho mọi người dân.

Một màu u ám

Trao đổi với RFA, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện đang sống ở Hải Phòng, cũng là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc nói muốn phát huy dân chủ chỉ để lấy lòng người dân và các đối tác nước ngoài, nhằm tạo thuận lợi cho các hợp đồng kinh tế:

Thực tế tình hình ở trong nước Việt Nam từ đầu năm đến nay, chính quyền cộng sản họ thẳng tay đàn áp lực lượng đối lập và bài trừ tôn giáo rất mạnh mẽ. Ngay mấy tháng nay khi họ biết rằng Mỹ đã rút khỏi TPP thì họ lại càng thẳng tay đàn áp hơn. Sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và có nguy cơ quan hệ kinh tế, đối ngoại với khối Liên minh châu Âu xấu đi, nhưng các vụ án họ bắt và đưa ra xét xử vẫn rất nặng. Nặng hơn những năm 2006, 2007 hồi chúng tôi bị bắt.

Những tháng gần đây việc bố ráp anh em dân chủ càng nặng nề hơn. Thậm chí việc hành hung, theo dõi anh chị em dân chủ khi họ ra khỏi nhà, mặc  dù họ không làm gì hết mà chỉ ra khỏi nhà thôi cũng đã khó khăn và gắt gao hơn.

Các nhà quan sát và các tổ chức theo dõi nhân quyền đều cho rằng năm 2017 là một trong những năm chính phủ Hà Nội đàn áp mạnh tay nhất đối với giới hoạt động dân chủ. Nhiều thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt chỉ trong vòng mấy tuần lễ. Nhiều nhà hoạt động bị tuyên những bản án nặng nề như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị y án 10 năm tù, bà Trần Thị Nga 9 năm tù và gần đây nhất là nhà hoạt động trẻ tuổi Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam.

Nhiều nhà hoạt động khác bị hành hung nhằm trả đũa cho tiếng nói kêu gọi dân chủ của họ. Mới ngày 17/12 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, ông Phạm Chí Dũng đã bị xe tông khiến ông bị thương nặng. Nhiều người cho rằng đây không phải là một tai nạn bình thường mà là một kế hoạch trả thù ông đã được lập sẵn.

Về tôn giáo, báo cáo tự do tôn giáo 2016 của Hoa Kỳ đưa ra nêu rõ là chính quyền chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được công nhận và những người từ các dân tộc thiểu số vẫn bị chính quyền sách nhiễu bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tấn công hành hung, tạm giam ngắn hạn, truy tố và hạn chế đi lại.

Cách đây vài ngày, giáo dân tại giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết họ bị chính quyền cùng Hội Cờ Đỏ tấn công và đánh đập khi đang đào một con mương để ngăn nước tràn vào ruộng.

Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân ở Sài Gòn cho rằng khi Việt Nam nói phát huy dân chủ là dân chủ trong khuôn phép của Đảng, chứ không phải là dân chủ thực sự:

“Không có một dấu hiệu nào cho thấy sự cởi mở hơn từ phía chính quyền đối với vấn đề dân chủ nhân quyền. Do đó các phát biểu của quan chức mang ý nghĩa định hướng của chế độ. Tức là dân chủ đó theo quan điểm của chế độ chứ không phải là dân chủ thực sự. Đôi lúc họ nói dân chủ được hiểu là dân chủ trong Đảng chứ không phải là dân chủ trong dân.

Khi họ nói dân chủ đến mọi người dân là những người dân do họ lựa chọn. Những người này có tiếng nói thuận với chính quyền và không trái ý với chính quyền. Còn người dân nào nói trái ý chính quyền tức là những người bất đồng chính kiến thì chính quyền không bao giờ lắng nghe. Đặc biệt họ không bao giờ dám trưng cầu dân ý những vấn đề quan trọng của quốc gia. Điều đó cho thấy họ không có một thiện chí nào để thực hiện tinh thần dân chủ.”

RFA cũng trao đổi với một số người dân về khái niệm phát huy dân chủ tới mọi người. Nhiều người kêu than rằng quyền lợi chính đáng của họ ngày càng mất đi. Chị Thanh, một người dân tỉnh Bình Phước nói với chúng tôi:

“Em thấy trật lấc, nói thì nói vậy thôi nhưng nó đâu có đúng. Người ta nói quyền dân chủ tự do nhưng tụi em bây giờ thấy mất quyền dữ lắm ạ.”

Một người dân khác là chị Ngọc ở Hà Nội lại nói rằng chị yêu dân chủ, và muốn được tìm hiểu dân chủ nhưng lại bị chặn truy cập những trang web về dân chủ. Vì vậy chị phân vân không hiểu Nhà nước muốn phát huy dân chủ đến với mọi người dân bằng cách nào:

“Tôi vẫn nghe thấy nhiều, theo tôi dân chủ là người dân làm chủ một cách thực sự. Từ trước đến nay tôi thỉnh thoảng vẫn lên internet, đài thì không có. Nhưng trên internet thì cũng khó lắm vì những trang mạng có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài rất là khó tiếp cập vì thường bị họ chặn.”

Con đường dân chủ

Từ bức tranh hiện thực xã hội ở Việt Nam, nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng nếu Nhà nước muốn phát huy dân chủ theo đúng ý Thủ tướng nói thì bước đầu tiên cần cải cách luật pháp:

“Trước tiên phải ban hành những luật đã quy định trong Hiến pháp về quyền cơ bản của người dân và đặc biệt là những quyền quan trọng ví dụ như lập hội, biểu tình, tự do ngôn luận, tự do báo chí,..

Đến bây giờ những quyền cơ bản của người dân vẫn không được luật hóa và thực hiện thì không thể nói đến vấn đề dân chủ.

Những sự kiện vấn đề lớn của đất nước phải được trưng cầu dân ý hay lấy ý kiến rộng rãi trên các tờ báo lớn để thấy lòng dân như thế nào.”

Hiện tại các quyền cơ bản của người dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình,… đều được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Tuy nhiên riêng quyền lập hội và biểu tình có trong Hiến pháp nhưng chưa được quy định trong luật pháp của Việt Nam. Nhiều năm nay, người dân luôn thúc giục Chính phủ phải ban hành luật biểu tình và lập hội để họ được thực hiện quyền của mình một cách hợp pháp nhưng Việt Nam luôn trì hoãn hết lần này đến lần khác. Đầu năm nay, trong một phiên họp Quốc hội, Chính phủ lại một lần nữa “khất” việc ban hành luật biểu tình.

Vì chưa có luật nên nhiều người dân bị bắt thậm chí kết án tù khi tham gia vào các cuộc biểu tình, chẳng hạn như biểu tình chống Trung Quốc hay chống nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh. Nhiều hội nhóm độc lập bị đàn áp, trả thù.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đồng ý với quan điểm của nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân, nhưng ông bổ sung thêm rằng Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ những điều luật trái với nền dân chủ được Thế giới công nhận:

“Phải bãi bỏ điều luật 79, 88 và 258 và một vài điều luật trái hẳn với quy định của Liên Hiệp Quốc và thậm chí trái với Hiến pháp của Việt Nam.

Thứ hai, là công nhận lực lượng đối lập, các nhà bất đồng chính kiến, phải gặp gỡ và đối thoại dân chủ ở trong nước cũng như lực lượng dân chủ của Việt Nam đang hoạt động ở hải ngoại để tìm ra con đường thực sự ôn hòa cho cả hai bên để đất nước có dân chủ thật sự và xây dựng một đất nước phồn vinh.”

Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, điều 88 là tuyên truyền chống Nhà nước và điều 258 quy định tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia. Đây là những điều luật Việt Nam thường xuyên áp dụng để quy chụp tội danh cho giới bất đồng chính kiến. Các tổ chức quốc tế đã rất nhiều lần lên tiếng yêu cầu Việt Nam bãi bỏ những điều luật này vì cho rằng chúng quá mơ hồ và vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pm-wants-to-promote-democracy-in-vn-the-current-situation-and-measures-to-take-12182017134212.html

 

Quyết định Một Không Hai,

Luật của Đảng hay Nhà nước pháp quyền?

Kính Hòa RFA

Trong bài phát biểu bế mạc Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017, vào ngày 13 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đưa ra nhiều điểm nhằm làm cho Việt Nam không bị tụt hậu. Trong những điểm đó có việc cải cách thể chế pháp luật tại Việt Nam.

Mâu thuẫn giữa điều lệ đảng và pháp luật

Ngày 7 tháng 12, tức chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về những biện pháp cải cách để Việt Nam không bị tụt hậu, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ký ban hành Quyết định 102, trong đó qui định rằng những đảng viên cộng sản nào đề cập đến những vấn đề như là tam quyền phân lập, hay xã hội dân sự sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.

Cán bộ ở đây không chỉ là đảng viên mà thôi, mà còn là quan chức nhà nước, những người đang điều hành một bộ máy dựa trên cơ sở luật pháp chứ không phải dựa trên cơ sở cương lĩnh và điều lệ của đảng.
-Luật sư Lê Công Định.

Trong khi đó không có một đạo luật nào của Nhà nước Việt Nam ngăn cấm xã hội dân sự cả. Thậm chí, đôi khi báo chí của Nhà nước cũng nói rằng xã hội dân sự là cần thiết cho sự phát triển của đất nước, ví du như vào năm 2006, báo mạng Vnexpress dẫn lời Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, lúc đó là Viện trưởng các vấn đề phát triển, nói rằng “xã hội dân sự là cần thiết, và tốt cho công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam.”

Như vậy những quan chức Việt Nam, đại đa số là những đảng viên Đảng Cộng sản, một mặt phải tuân theo quyết định 102, là không đề cập đến xã hội dân sự, nhưng mặt khác, với tư cách là người điều hành đất nước họ phải thúc đẩy xã hội dân sự phát triển.

Điều mâu thuẫn này phải được giải thích như thế nào?

Ngay sau khi Quyết định 102 được ban hành, luật sư Trần Quốc Thuận. từng là Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, giải thích với chúng tôi như sau:

“Công dân có quyền khác và người Đảng viên có quyền khác. Họ bị ràng buộc bởi vì khi đã vào Đảng thì phải chấp nhận những quy định, nghị quyết  trong điều lệ Đảng.

Nếu ai không tuân theo những quy định đó thì họ kỷ luật, thậm chí là người đó không còn trong Đảng vì họ tự nguyện xin ra. Đó cũng là chuyện bình thường.

Trong tổ chức nào cũng thể, Đảng hay hội, đoàn thể đều có nội quy. Ai vi phạm nội quy đều có hình thức xử lý. Họ có tôn chỉ, mục đích. Cho nên tôi cho rằng quyết định đó mang tính chất rất nội bộ trong Đảng.”

Luật sư Thuận nói tiếp rằng những ai có ý tưởng xã hội dân sự hoặc tam quyền phân lập có thể xin ra khỏi Đảng để thực hiện ý định của mình.

Nhưng Luật sư Lê Công Định, hiện sống tại Sài Gòn, nói rằng những mâu thuẫn về luật pháp của nhà nước với những điều luật của Đảng Cộng sản đã, đang, và sẽ gây ra những xáo trộn về mặt luật pháp cho đất nước:

“Chỉ có vai trò của đảng trong việc xử lý cán bộ, mà cán bộ ở đây không chỉ là đảng viên mà thôi, mà còn là quan chức nhà nước, những người đang điều hành một bộ máy dựa trên cơ sở luật pháp chứ không phải dựa trên cơ sở cương lĩnh và điều lệ của đảng, thì họ chỉ quan tâm đến vấn đề xử lý trong nội bộ của họ mà thôi, còn trên phương diện pháp lý họ lại không quan tâm. Do đó xáo trộn trong xã hội do cái mầm mống đó không bao giờ được giải quyết một cách dứt khoát.”

Ông Định dẫn chứng trường hợp của ông Đinh La Thăng, đảng viên cộng sản cao cấp nhất từ trước đến nay vừa bị bắt giam. Vào tháng Năm năm nay, ông Thăng bị khai trừ ra khỏi Bộ chính trị của Đảng vì những sai phạm của ông trong quản lý nhà nước. Ông Lê Công Định nhận xét rằng lúc đó ông Thăng chỉ lên tiếng hối lỗi trước Tổng bí thư đảng, chứ không nói gì đến các cơ quan luật pháp của nhà nước.

Ngoài vụ ông Đinh La Thăng, trong thời gian hai năm trở lại đây, có nhiều vụ kỷ luật, hoặc bắt giam các cán bộ, viên chức nhà nước bị cáo buộc tham nhũng, người ta thấy nổi bật lên vai trò của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản, một bộ phận chịu trách nhiệm về kỷ luật của Đảng, chứ không phải là tòa án, hay viện kiểm sát, những cơ quan thi hành pháp luật của Nhà nước.

Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn cho biết rằng điều đó không có gì lạ trong hệ thống một đảng duy nhất cai trị như ở Việt Nam:

“Nếu mà anh đứng ở bên trong, trong một xã hội độc đảng thì điều đó không có gì lạ cả. Có nghĩa là Đảng muốn làm gì thì làm. Thậm chí trong năm 2013, ông Trọng còn nói là cương lĩnh đảng còn quan trọng hơn hiến pháp mà. Và qui định 102 đó là tuân theo điều lệ đảng.”

Nguyên văn lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước một số cử tri ở Hà Nội vào năm 2013 là: Hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ nhì của đất nước, sau cương lĩnh đảng.

Ý thức về một nhà nước pháp quyền

Ngay sau đó, Đại tá Phạm Đình Trọng, một cựu đảng viên cộng sản nhận xét với đài RFA như sau:

Nếu mà anh đứng ở bên trong, trong một xã hội độc đảng thì điều đó không có gì lạ cả. Có nghĩa là Đảng muốn làm gì thì làm.

-Nhà báo Phạm Chí Dũng.

“Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.

Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nói đến vấn đề cải cách nền tư pháp của đất nước từ năm 1987, sau khi đảng cầm quyền quyết định cải cách kinh tế trước đó một năm. Đồng thời khái niệm nhà nước pháp quyền, tức là luật pháp của nhà nước là trên hết, cũng nhiều lần được báo chí của Nhà nước Việt Nam đề cập đến.

Tuy vậy luật sư Lê Công Định, nói với chúng tôi rằng sau 30 năm cải cách tư pháp để hướng đến một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam là không có gì. Lý do được ông đưa ra là ý thức về pháp luật của những người cộng sản rất thấp, đối với họ điều quan trọng nhất là kỷ luật đảng chứ không phải pháp luật của nhà nước.

Họ coi đó chỉ là hình thức bề ngoài, để họ chứng minh nhà nước này là nhà nước pháp quyền. Nhưng trên thực tế, ăn sâu trong tập quán suy nghĩ của họ, luật pháp không quan trọng bằng những cương lĩnh và điều lệ của Đảng Cộng sản.”

Và ông nói rằng việc ban hành Quyết định 102 này là do sự lo ngại của Đảng Cộng sản rằng nhiều đảng viên của mình đang cho rằng xã hội dân sự là một giải pháp phát triển đất nước thay cho chế độ toàn trị của một đảng duy nhất.

Khi được hỏi rằng tại sao Đảng Cộng sản lại không ra lệnh cho bộ máy nhà nước mà mình đang lãnh đạo ra những bộ luật giống như điều lệ đảng, chẳng hạn như cấm xã hội dân sự, nhà báo Phạm Chí Dũng trả lời rằng:

Nếu Việt Nam tung ra cái đó thì Việt Nam vi phạm ngay những cái Việt Nam đã ký, những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, như là Công ước về các quyền dân sự và chính trị, ký năm 1982. Trái luôn với những hiệp định thương mại mà Việt Nam sắp ký, thì đều có vấn đề xã hội dân sự và nhân quyền ở trong đó.

Trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà ông Dũng đề cập, có điều thứ 22 nói rằng mọi người đều có quyền lập hội và gia nhập công đoàn để bảo vệ lợi ích của bản thân mình, tức là những hoạt động của một xã hội dân sự mà Đảng Cộng sản Việt Nam cấm những đảng viên của mình đề cập đến.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/party-rule-or-rule-of-law-12182017130430.html

 

Việt Nam sẽ tăng số tàu hàng từ Hải Phòng sang Vân Nam

Việt Nam sẽ tăng số lượng tàu vận chuyển hàng hóa thường nhật giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết số lượng tàu sẽ tăng lên từ 3 đến 4 cặp, trong đó một cặp bao gồm một chiếc tàu chạy từ Hải Phòng sang Vân Nam và một chiếc chạy theo chiều ngược lại. Hiện mới chỉ có 2 cặp tàu chạy giữa hai tỉnh thành này và thường chở quặng kẽm từ Hải Phòng đến Vân Nam và chở phân bón theo hướng ngược lại.

Thông thường một chiếc tàu phải mất đến 29 tiếng đồng hồ để chạy từ thành phố Hải Phòng đến tỉnh Vân Nam, bao gồm cả thời gian hoàn thành các thủ tục hải quan. Đoạn đường ray giữa hai địa điểm dài 610 km.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, ngành đường sắt Việt Nam đã phục vụ 8,8 triệu lượt hành khách, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại chở đến 5 triệu tấn hàng, tăng 7,3% so với năm 2016.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-to-run-more-freight-trains-to-china-yunnan-province-12192017094554.html

 

Ngư dân Việt tuyệt thực ở Indonesia,

sứ quán VN hứa dự phiên xử

4 trong số 5 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc vi phạm vùng biển của Indonesia đã tuyệt thực sau khi tòa án nước này tuyên phạt họ 500 triệu Rupee (gần 37.000 đôla), hoặc 5 tháng tù giam hôm 12/12.

Ngày 18/12, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết đã đến thăm các ngư dân để tìm hiểu lý do họ tuyệt thực.

Báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng trong buổi gặp, các ngư dân bị bắt tại Indonesia đã đặt câu hỏi với Tham tán Chính trị Trần Minh Cừ rằng tại sao họ đi đánh cá với bản đồ và giấy phép của chính quyền Việt Nam mà lại bị Indonesia bắt giữ vì “xâm phạm vùng biển” của Indonesia?

Các ngư dân cho biết trong phiên xử, tòa án Indonesia đã không lấy tọa độ nơi họ bị bắt ra làm bằng chứng, mà lấy tọa độ nơi họ bị kéo vào vùng biển Indonesia để buộc tội.

Vẫn theo tờ Tuổi Trẻ, ngư dân Việt Nam tuyên bố sẽ tiếp tục tuyệt thực cho tới khi đại diện đại sứ quán cam kết sẽ có mặt tại các phiên tòa xét xử ngư dân Việt sắp tới ở Indonesia.

Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn kêu gọi ngư dân không nên tuyệt thực và hứa “Đại sứ quán sẽ bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của các ngư dân, yêu cầu tòa xét xử minh bạch và sẽ tiếp tục công việc bảo hộ ngư dân trong suốt tiến trình pháp lý”, Zing.vn dẫn trang Facebook của ông Tuấn cho biết ngày 14/12.

Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam cũng thừa nhận có những khó khăn trong việc hỗ trợ công dân khi tòa án Indonesia chỉ dựa vào bản khai có chữ ký của ngư dân.

Ngày 19/12, Tuổi Trẻ dẫn lời Đại sứ Hoàng Anh Tuấn trên trang Facebook cam kết sẽ có mặt tại Natuna trong phiên tòa xét xử ngư dân còn lại, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2018.

Nhóm 5 ngư dân của các tàu cá tỉnh Kiên Giang đã bị Indonesia bắt hôm 21/5 tại khu vực Natuna với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này.

Tòa án Indonesia hôm 12/12 ra phán quyết phạt các ngư dân Việt Nam 500 triệu Rupee, hoặc 5 tháng tù giam

https://www.voatiengviet.com/a/ngu-dan-viet-tuyet-thuc-o-indonesia-su-quan-vn-hua-du-phien-xu/4170135.html

 

Việt Nam bán Sabeco là mất ‘gà đẻ trứng vàng’?

Nhà nước Việt Nam dự kiến thu về 4,8 tỉ đôla từ việc bán hơn 53% cổ phần của công ty Sabeco cho một nhà đầu tư Thái Lan, theo tin tức trên báo chí Việt Nam mới đây. Một số nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đã mang việc bán Sabeco ra so sánh với việc bán đi ‘con gà đẻ trứng vàng’ để bình luận về giao dịch này.

Trong phiên đấu giá hôm 18/12 do Bộ Công thương tổ chức, công ty Vietnam Beverage thuộc sở hữu gián tiếp của nhà đầu tư Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lô 343,66 triệu cổ phiếu của Sabeco với tổng giá trị lên đến gần 110 nghìn tỉ đồng.

Sabeco, với tên đầy đủ là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.

…nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét việc bán một lượng rất lớn cổ phiếu Sabeco với giá cao hơn đáng kể giá chào ban đầu và giao dịch diễn ra mau lẹ “có thể xem là một thành công”, xét về mặt kỹ thuật trong quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói có một khía cạnh “cần rút kinh nghiệm” từ giao dịch này:

“Sabeco là một con gà đẻ trứng vàng mà [Việt Nam] chúng ta lại bán cho nhà đầu tư Thái Lan lên đến tỉ lệ 53%, làm cho nhà đầu tư Thái Lan sẽ có thế thượng phong trong việc điều hành doanh nghiệp này, là điều cần rút kinh nghiệm. Bởi vì nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta”.

Trong một báo cáo trước quốc hội Việt Nam hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay tính đến hết tháng 8, chính phủ đã hoàn thành cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước và ước tính cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa tổng cộng 38 doanh nghiệp nhà nước.

Cổ phần hóa là thuật ngữ nhà nước Việt Nam dùng để chỉ việc tư nhân hóa một phần hoặc đa phần một doanh nghiệp nhà nước.

Trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có những tên tuổi hàng đầu như Vinamilk, 3 thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), 1 thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đối với các hãng sản xuất hàng tiêu dùng thông thường như Vinamilk hay Sabeco, Tiến sĩ Doanh nói việc cổ phần hóa là “có thể hiểu được”:

“Các doanh nghiệp như là bia hay sữa không phải là các doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Đấy là các doanh nghiệp có lãi nhưng hoàn toàn có tính chất thương mại và phục vụ trong một thị trường bây giờ đã hội nhập sâu và phải cạnh tranh quốc tế”.

Theo một số hãng nghiên cứu thị trường, trích dẫn số liệu của chính các công ty liên quan, hết năm 2016, dù Sabeco nắm giữ thị phần hơn 40% so với 25% của Heineken Việt Nam song lợi nhuận trước thuế của Sabeco chỉ bằng 60% của con số gần 9 nghìn 500 tỉ đồng mà Heineken đạt được.

Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Sau phiên đấu giá hôm 18/12, một số người nêu lên băn khoăn liệu khi Sabeco thuộc về nhà đầu tư Thái, điều này có đồng nghĩa với thương hiệu bia Sài Gòn sẽ biến mất và bị thay thế bằng sản phẩm mang thương hiệu Thái? Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng điều đó là một khả năng có tính thực tiễn cao, nhưng ông chủ mới của hãng sẽ phải rất cân nhắc trước khi làm như vậy:

“Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động”.

Chưa có thông tin chính thức từ chính phủ Việt Nam về việc số tiền 4,8 tỉ đôla thu được sau giao dịch bán cổ phần Sabeco sẽ được nộp vào đâu và quản lý như thế nào.

Một số chuyên gia theo dõi cổ phần hóa ở Việt Nam dẫn Luật Ngân sách và Nghị định 126 của năm 2017 đưa ra tiên liệu rằng số tiền đó có thể chảy về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, một phần do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước quản lý, bên cạnh đó là nộp vào ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương.

Hồi tháng 5, báo chí Việt Nam cho hay chính phủ muốn cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ vào năm 2020. Số tiền thu về cho ngân sách nhà nước từ quá trình này có thể lên đến khoảng 11 tỷ đôla, tương đương hơn 10% tổng nợ công quốc gia.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-ban-sabeco-la-mat-ga-de-trung-vang/4170085.html