Tin Việt Nam – 19/12/2016
235 người chết do mưa lũ từ đầu năm
Tính từ đầu năm đến nay, miền Trung Việt Nam đã trải qua một năm thiên tai mưa lũ dồn dập với 235 người thiệt mạng, thiệt hại tính chung từ đầu năm tới nay lên tới gần 38 ngàn tỷ đồng tương đương 1,7 tỷ đô la Mỹ. Trong đó hơn 316.000 căn nhà bị ngập và hư hại, hơn 70.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại. Nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh và nội tỉnh bị sạt lở, lưu thông gián đoạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được báo cáo như vừa nêu trong hội nghị trực tuyến tổ chức ngày 17/12/2016 vừa qua. Hội nghị này có mục đích ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã xảy đến từ giữa tháng 10/2016 sau khi các tỉnh miền Trung và Tây nguyên vừa chịu đựng một trận hạn hán nghiêm trọng và kéo dài.
Được biết tổng lượng mưa tập trung trong hai tháng 11 và 12/2016, nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm.
Đại sứ Ted Osius
kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm
Hoa Kỳ hôm nay kêu gọi Việt Nam trả tự do cho hai nhà hoạt động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng, cũng như các tù nhân lương tâm khác và cho phép người dân Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không bị trừng phạt.
Trong thông cáo báo chí ngày 19/12/2016, ông Ted Osius Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tuyên án 13 năm tù và 12 năm tù lần lượt đối với các nhà hoạt động ôn hòa Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng theo Điều 79, Bộ luật hình sự của Việt Nam.
Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh, tất cả mọi người cần phải có quyền tự do ngôn luận và hiệp hội. Xu hướng gần đây của các vụ bắt giữ và kết tội các nhà hoạt động ôn hòa là đáng lo ngại và đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền. Khoảng thời gian án tù dài cũng mang ý nghĩa về mức độ nghiêm trọng của chúng.
Cuối bản tuyên bố, Đại sứ Ted Osius thúc giục chính phủ Việt Nam đảm bảo các đạo luật và hành động của mình thống nhất với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam, các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Tổng Bí thư Trọng: Tình báo quốc phòng
phải tuyệt đối trung thành với Đảng
Truyền thông Việt Nam đưa tin người đứng đầu Ðảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng hôm 19-12 đã thăm Tổng cục Tình báo (còn gọi là Tổng cục 2) thuộc Bộ Quốc Phòng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu với Tổng cục 2, một cơ quan được báo chí trong nước cho là “lực lượng trọng yếu, đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước.”
Ông Trọng nói: “Tình báo quốc phòng là lực lượng tình báo chuyên trách, chiến lược, toàn diện của Đảng, Nhà nước. Tình báo quốc phòng càng phải tuyệt đối trung thành với Đảng và quân đội.”
Lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam khen ngợi những thành quả của Tổng cục 2 “đã thường xuyên nắm chắc âm mưu, ý đồ, kế hoạch, biện pháp, thủ đoạn nhằm thực hiện chiến lược ‘diễn biến hoà bình’, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.”
Trước đó, vào ngày 21/05, Tổng cục 2 đã thành lập một đơn vị mới có tên là T1, nhưng báo chí Việt Nam không nêu rõ nhiệm vụ của T1 là gì. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng trong một bài viết hồi tháng 6 cho rằng “không loại trừ khả năng cơ quan tình báo T1 mang trên mình nhiệm vụ tình báo hàng hải, với đối tượng nghiệp vụ và phạm vi tình báo là hoạt động của những đơn vị hậu cần kỹ thuật và tác chiến của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.”
Theo một báo cáo của Ken Research, một viện nghiên cứu hàng đầu của Ấn Độ, chiến lược tình báo quốc phòng của Việt Nam giai đoạn 2016-2025 có kế hoạch mua C4ISR của Mỹ, một hệ thống tích hợp chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát. Kế hoạch này còn bao gồm việc tuần tra trên biển, kiểm tra hải quan tại các cảng và sân bay, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, chống khủng bố và cuộc tấn công mạng.
Nguồn: TTXVN, Đại Đoàn kết, Ken Research
Việt Nam bắt thanh niên ‘bôi nhọ lãnh đạo đảng’
Một thanh niên 29 tuổi mới bị bắt hôm 14/12 ở thành phố Thanh Hóa vì bị cáo buộc “đăng tải các bài viết và video clip có nội dung xuyên tạc đường lối chính sách; bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo đảng và nhà nước”, truyền thông trong nước đưa tin.
Theo Đài Truyền hình Việt Nam hôm 18/12, người bị bắt có tên là Nguyễn Danh Dũng, sinh năm 1987. VTV dẫn tin từ Bộ Công an Việt Nam cho hay rằng người thanh niên này “là chủ tài khoản và quản trị, điều hành ‘ThienAn TV’ trên Youtube và Facebook.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, hiện các trang này đã biến mất khỏi các trang mạng xã hội nêu trên.
Bản tin về vụ bắt giữ của Truyền hình Việt Nam có chiếu hình ảnh một số trang web được cho là do người thanh niên lập nên với những tiêu đề như “Ai và thế lực nào muốn bóp chết ngành hạt nhân non trẻ của Việt Nam?” hay “Con trai nguyên bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk hi sinh trong vụ nổ”…
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, công an của tỉnh này đã “quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với nghi can Dũng về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ theo Điều 258 Bộ luật hình sự”.
Các tổ chức thúc đẩy nhân quyền và xã hội dân sự ở trong nước cũng như nước ngoài từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam “dùng điều 258 để trấn áp những tiếng nói trái chiều với nhà nước”.
Tuy nhiên, Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc đó, đồng thời tuyên bố không bắt giữ những người bất đồng chính kiến với nhà nước mà chỉ tống giam những ai vi phạm pháp luật.
http://www.voatiengviet.com/a/vietnam-bat-thanh-nien-boi-nho-lanh-dao-dang-va-nha-nuoc/3641156.html
Hệ thống ngôn quyền và trách nhiệm các cấp
Cát Linh, phóng viên RFA
Trong thời gian qua, báo chí trong nước không ngừng đăng tải những phát ngôn của các quan chức cấp cao liên quan đến những vấn đề đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường ở Việt Nam. Những phát ngôn đó đa phần là trái chiều, không thể hiện sự đồng nhất trong việc nhìn nhận nguyên nhân phát sinh và cách xử lý.
Những bất nhất
Hàng loạt sự kiện nổi bật trong nước liên quan đến môi trường và tham nhũng trong thời gian qua vẫn gây rất nhiều tranh cãi. Không những riêng về tính chất của sự việc, mà chính những phát ngôn của các vị quan chức có liên quan trực tiếp và gián tiếp cũng làm cho dư luận hoang mang về vấn đề đó.
Điều đáng nói, tất cả những phát ngôn ấy bắt nguồn từ những ban ngành khác nhau trong hệ thống chính trị và cơ cấu của bộ máy nhà nước. Từ thảm hoạ môi trường của bốn tỉnh ven biển miền Trung do nhà máy gang thép Formosa, Hà Tĩnh xả thải trực tiếp xuống biển gây ra, cho đến dự án nhà máy thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận sau đó, và nhiều sự việc khác… đều cho thấy sự bất nhất trong phát ngôn của các vị lãnh đạo khi lên tiếng với truyền thông trong nước.
Trước hết phải nhắc đến câu chuyện của Formosa Hà Tĩnh và ông Võ Kim Cự, người được cho là “con chốt” đầu tiên của vụ việc này.
Người được báo chí Việt Nam đồng loạt trích lời là Thường trực Ban Bí thư của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh cho biết “Uỷ ban kiểm tra Trung ương đang kiểm tra mức độ vi phạm của ông Võ Kim Cự.” Trước đó thì chính ông Võ Kim Cự, là người đầu tiên lên tiếng với truyền thông về vụ Formosa, nói rằng “ông không có gì sai”.
Khi Thanh tra chính phủ xác định Hà Tĩnh cấp phép chưa đúng thẩm quyền, ông Võ Kim Cự khẳng định “Không đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa” và báo vnexpress trong nước trích dẫn nguyên văn câu trả lời của ông:
“Ở đây là một quá trình, trước hết cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư, sau đó các bộ ngành cho ý kiến, rồi địa phương làm các bước theo quy định pháp luật, trong đó có bước hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi Thanh tra Chính phủ nêu vấn đề, cấp có thẩm quyền đã họp có sự tham gia của các bộ ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm và ý kiến này được cấp có thẩm quyền đồng ý.”
Vụ việc kế tiếp là dự án nhà máy thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào ngày 8 tháng 9 năm 2016 yêu cầu “Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường”.
Thế nhưng, khoảng ba tháng sau đó, đầu tháng 12, Bộ Công thương đã có dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025. Trong các dự án được nêu ra, dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen chính thức được đề cập.
Luật sư Trần Quốc Thuận, người từng có 14 năm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho chúng tôi biết hệ thống ngôn quyền bất nhất ở các cấp như thế là do trong nước có nhiều tầng nhiều nấc. Và mọi người có một cách nói khác nhau ở cương vị của người đó.
“Vừa qua, đứng trước sự việc đó thì Thủ tướng nói rằng nếu sai phạm nữa thì cương quyết đóng cửa, còn ở địa phương thì ông Võ Kim Cự nói rằng câu chuyện cho Formosa làm việc như thế thì không phải một mình tôi mà còn nhiều người, nhiều bộ ngành. Cụ Tổng thì vào (nhà máy Formosa) khen. Những câu nói đó tuỳ mỗi người mà liều lượng khác nhau.”
Trách nhiệm cho Bộ Chính trị
Nguyên Vụ trưởng vụ Dân vận Trung Ương, ông Nguyễn Khắc Mai, nêu ý kiến cụ thể đối với vấn đề Formosa rằng theo ông đó là trách nhiệm của Bộ Chính trị, khoá 11, và thậm chí khoá 12. Thế nhưng, qua những sự việc vừa qua thì có thể nói là sự đùn đẩy trách nhiệm cho người cấp dưới. Thế nhưng, những diễn biến vừa qua cho thấy tính “đùn đẩy” không có trách nhiệm với dân với nước.
“Còn bây giờ đổ trách nhiệm cho các lão như ông Võ Kim Cự, Nguyễn Thanh Bình, Bí thư chủ tịch Hà Tĩnh, chủ tịch huyện Kỳ Anh… thì chỉ là những anh cấp dưới thôi. Chúng tôi đã từng đề nghị quốc hội phải có uỷ ban độc lập, nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này từ đầu đến đuôi làm rõ trách nhiệm của từng cấp, cấp Bộ chính trị là thế nào? cấp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày xưa là thế nào? Cấp Nguyễn Xuân Phúc ngày nay là thế nào? Các Bộ trưởng… phải làm cho rõ.”
Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra nhận định rằng ở Việt Nam, trách nhiệm của người đưa ra chủ trương về một dự án nào đó không được nhắc đến, mặc dù để chủ trương đó được thực hiện thì phải có sự đồng ý của người đứng đầu.
“Ngay cả tình trạng chủ trương của đất nước này thì đâu có chủ trương nào mà không báo cáo những dự án với cấp uỷ Đảng mà cao nhất là Bộ chính trị. Nhưng khi báo cáo rồi thì câu chuyện nó đổ bể ra thì không biết đi về đâu. cho nên cũng có người nói rằng trách nhiệm của người chủ trương, người theo dõi đôn đốc kiểm tra như thế nào?”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã cho rằng Bộ chính trị là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trong những vấn đề gây thiệt hại cho đất nước, mà cụ thể là vấn nạn môi trường do Formosa gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam không có điều luật nào để buộc chế tài đối với Bộ chính trị.
Điều này cũng là nguyên nhân gây ra sự bất nhất trong hệ thống ngôn quyền trong bộ máy lãnh đạo.
“Những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm với tất cả những quyết định của mình. hiện nay không có một điều luật nào để buộc Bộ chính trị phải chịu trách nhiệm trước những quyết định của họ. Vì họ hoạt động không có khuôn khổ luật pháp nào cả, chỉ có một Điều 4 hết sức chung chung, đó là Đảng lãnh đạo. Mà Đảng thì người Đảng viên thường cũng lãnh đạo được.”
Khi nhắc đến “trách nhiệm”, luật sư Trần Quốc Thuận đề cập đến những nghị quyết của trung ương về chống suy thoái, chống tham nhũng, chống diễn biến, chống chuyển hoá từ 20 năm nay.
“Chuẩn bị 5 năm nữa rồi, nhưng người ban hành nghị quyết, triển khai nghị quyết, đôn đốc thực hiện nghị quyết không thấy nói đến trách nhiệm.
Trên đất nước này, tất cả chủ trương từ Vinashin đến Vinaline thì làm sao mà không có trách nhiệm? Đảng thì hay nói đến trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh vừa qua thì không thấy xử người đứng đầu, chỉ thấy xử người phó và người giúp việc, kể cả thư ký cũng bị kỷ luật.”
Ông nhấn mạnh thêm rằng, đất nước này chưa từng thấy xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
“Vì Trịnh Xuân Thanh để làm được phó chủ tịch thì phải có chữ ký phê chuẩn của Thủ tướng. Tôi làm 14 năm Phó chủ nhiệm tôi biết rằng không có chuyện gì mà ông chủ nhiệm không kiểm soát cả. Nếu ký sai thì bị kỷ luật hoặc mất chức. Có nghĩa là tất cả cái gì ông đứng đầu cũng gật đầu hết chứ không có gì, nhất là vấn đề nhân sự, vấn đề chủ trương, tiền bạc mà không có người đứng đầu gật đầu. Mà trách nhiệm thì không thấy.”
Nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không dưới hai lần đã khẳng định “Phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lenin”, thì ông Nguyễn Khắc Mai cũng nhấn mạnh rằng theo ông họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) đang thực hiện rất đúng cái tư tưởng Mac-Lenin, một tư tưởng chuyên chính vô sản không cần luật pháp; chính phủ tự mình quyết định vượt lên trên lập pháp.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/discrepancy-n-leaders-speeches-cl-12192016080553.html
Thay đổi tâm thức, thay đổi xã hội
Kính Hòa, phóng viên RFA
Những thay đổi khó thấy
Một nhà báo bỏ nghề. Nhà báo Hoàng Đức Truật, báo Quảng Trị viết trên mạng xã hội sau khi gửi đơn nghỉ việc cho cấp trên:
Thật tình chưa bao giờ tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm như mấy hôm nay, khi quyết định vứt bỏ công việc mà suốt gần 30 năm hằng đeo đuổi với những trăn trở, đam mê. Tôi được trở lại với chính con người thật của mình, ngay thẳng, cương trực, quyết liệt đấu tranh với cái xấu, cái thấp hèn và những thói đạo đức giả.
Tôi cũng đã vượt qua sự đớn hèn và từ nay không còn ám ảnh bởi nỗi dằn vặt: mình phải sống bằng những đồng tiền thuế của nhân dân, bằng mồ hôi của những người lao khổ nhưng không nói lên được tiếng nói của nhân dân, mình làm báo mà không nói được sự thật, không bảo vệ được nhân dân- những người dễ tổn thương nhất trong xã hội đầy rẫy sự nhiễu nhương này…
Tại sao nhà báo lại nói rằng bao năm qua ông sống bằng tiền thuế của dân? Vì rằng tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam đều là của nhà nước.
Một lý do quan trọng khiến nhiều nhà báo không muốn làm việc trong khuôn khổ của báo chí nhà nước, là sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, tạo thành một đối trọng với báo chí do nhà nước quản lý.
Blogger Xuân Thọ viết trên trang Dân Luận về hai nhà báo tuyên bố rời bỏ báo chí chính thống:
Sẽ ngây thơ khi cho rằng, truyền thông do nhà nước quản lý đã thua. Ngược lại, truyền thông nhà nước vẫn chiếm thế thượng phong và vẫn tiếp tục chi phối ý thức xã hội. Nhưng họ không còn giữ thế độc quyền nữa.
Chỉ trong vòng một tuần, tôi đón nhận tin hai nhà báo thanh thản bước ra khỏi cơ quan để đi tìm cuộc sống mới: Nhà báo Hoàng Đức Truật phóng viên báo Quảng Trị và anh Phùng Hiệu, Quyền trưởng đại diện tờ Nhà Báo & Công Luận tại miền Nam.
Sự ra đi của hai anh, tuy khác hẳn với các chuyến trốn đi chữa bệnh nước ngoài của các vị quan tham, nhưng đều đang góp phần vào sự thay đổi nhận thức của xã hội.
Chuyện những cán bộ đi chữa bệnh rồi trốn ở lại mà Xuân Thọ đề cập cũng là nét mới trong những thay đổi của xã hội Việt Nam, những thay đổi mà tác giả cho rằng không dễ nhận thấy. Trong những thay đổi đó, điều quan trọng mà nhiều người mong đợi là sự thay đổi của đảng cộng sản Việt Nam, đảng độc quyền cai trị Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn viết rằng điều quan trọng là đảng cai trị phải hiểu rằng mọi sức mạnh không nằm ở đảng mà là ở trong dân chúng:
Mà xét cho cùng thì đó cũng là lối thoát để tránh cho Đảng khỏi sự diệt vong.
để thoát hiểm trước khúc quanh lịch sử đã và đang đến gần, Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ có một cách duy nhất là phải triệt để đổi mới, phải lột xác để trở về với Dân tộc. Đổi mới triệt để và lột xác của Đảng là một quá trình được tiến hành bởi những đảng viên tử tế còn sót lại và những hiền tài trong dân chúng.
Cách đi lên tiết kiệm nhất cho Dân, cho Nước lúc này là những phẩn tử cấp tiến trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng liên kết lại, tập hợp trí tuệ của những đảng viên có lòng yêu dân, có tâm với nước, dựa vào giới tinh hoa, trí thức tiêu biểu của Dân tộc đại diện cho trí tuệ toàn dân… Con đường và kế hoạch không quá khó, vấn đề là có MUỐN LÀM và DÁM LÀM hay không mà thôi. Luôn tâm niệm một điều: mọi sức mạnh đều ở nơi DÂN.
Một trong những điều khó khăn liên quan đến sự thay đổi của đảng cộng chính là quan niệm của họ về chính trị, vì rằng ở Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất đảng viên cộng sản là tham gia vào hệ thống chính trị. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết:
“Làm chính trị” cũng như là “làm kinh tế”. Kinh tế có cạnh tranh thì chính trị cũng có cạnh tranh. Kinh tế không có cạnh tranh thì không phải là “kinh tế thị trường”. “Làm chính trị” theo kiểu độc đảng như Việt Nam, thì không có “chính trị”.
Ở Việt Nam, ngay bây giờ, bất kỳ người nào vỗ ngực tuyên bố “làm chính trị” cũng đều có thể bị khép vào tội 88 Bộ Luật Hình Sự.
Tội “chống đảng” đôi khi còn nặng hơn cả tội “phản bội tổ quốc”.
Trách mình trước, trách người sau
Đó là mong muốn của những blogger ôn hòa mong muốn có một sự thay đổi tích cực từ đảng cầm quyền, nhưng họ cũng biết rằng trở lực lớn nhất là từ những khuyết điểm của người Việt Nam nói chung. Blogger Hồ Bất Khuất thấy rõ nhất ba khuyết điểm: không phản biện, giả dối, thiếu tự giác.
Với những “cú đấm” liên tiếp này, tôi trở nên tỉnh táo, tìm cách hiểu đúng về bản thân mình. Không biết những người suốt ngày chỉ thấy ta vô cùng tốt đẹp có tỉnh ra được chút nào không?
Nếu không có tư duy phản biện, chúng ta mãi mãi trong vai những đứa trẻ ngoan ngoãn. Nếu một đất nước chỉ bao gồm “những đứa trẻ ngoan ngoãn” thì làm sao phát triển được?!
Tác giả Phan Quang phân tích tiếp những nhược điểm đó đã thấm vào tầng lớp trí thức Việt Nam từ hơn 50 năm nay, đến nỗi mà theo tác giả thì tầng lớp trí thức đang sống trong một nhà ngục tư duy:
Nhưng tiếng nói và lương tri không thể chiến thắng được “công cụ” của cách mệnh. Năm 1956, thảm họa đã đến, khi chúng ta đã mất đi những nhà Trí thức thực sự và đến giờ trí thức vẫn không thể “tái sinh”!
Làm sao mà chúng ta có thể có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa khi mà nền giáo dục thực chất chỉ là thuốc mê tiêm dần vào con trẻ rằng: “Em là mầm non của Đảng” và em (cũng như cha mẹ em) đang thừa hưởng vinh quang mà Đảng đem lại.
Đến khi lớn chúng cũng giống như cha mẹ, bắt đầu ngủ li bì trong “mùa cách mạng”. Không ngủ, cũng không sao, chỉ có điều nhà ngục thực tế sẽ đón chờ.
Với Việt Nam làm sao mà chúng ta có thể có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa khi mà chúng ta là một quốc gia luôn tự thỏa mãn bởi triết lý “sự ưu việt”. Trí khôn lớn lao nhất nằm ở nhận thức – hãy chung một giấc ngủ để rồi cùng mê sảng: Đảng đã cho ta một mùa xuân tràn ánh sáng…
Mặc dù trong cơn mê ta nói những lời ngọng nghịu.
Với Việt Nam làm sao chúng ta có một tầng lớp trí thức thực sự khi mà quyền lực chính trị luôn nhận thức một cách rõ ràng rằng suy nghĩ khác với họ, hành động khác với họ là sự hủy hoại thể chế, là suy thoái đạo đức thậm chí là hành động chống lại dân tộc.
Bằng quyền lực do chính họ tự phó thác, họ sẵn sàng tiêu diệt một cách triệt nhất những kẻ được chỉ định là gây đe dọa tới “An ninh tư tưởng”. Họ không bao giờ hối hận vì điều đó!
Tâm thức bị Phan Quang phê phán ấy là không chỉ có riêng nơi những người có bằng cấp, có học vấn. Blogger Nhạc Sĩ Tuấn Khanh, nhận xét rằng trong những trận so tài gần đây trên các sân vận động Việt Nam, ngoài hình ảnh các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, nay còn xuất hiện ông Fidel Castro nữa. Nhân mùa giáng sinh, Tuấn Khanh viết về một hình ảnh ông già Noel, niềm vui của trẻ thơ mà so sánh với một chổ dựa tin thần, một sự sùng bái cá nhân mà người Việt chưa bỏ được:
Những trận tranh tài thể thao đơn thuần luôn bị bóp nặn để đạt đến chủ nghĩa dân tộc và tệ sùng bái cá nhân, không khác gì những đứa trẻ luôn tin rằng hình dáng một ông Noel nào đó sẽ mang đến phép lạ đời thường. Tiếc thay, ông già Noel thì không bao giờ đến, và những người Việt như vậy, mãi mãi không thể trưởng thành – và mang vác những vết thương tâm lý suốt đời mình.
Ông già Noel thì chỉ có thể tặng những món quà, nhưng không thể thay đổi số phận, nhất là số phận của con người sống và chết lặng lẽ ở Việt Nam, bó chiếu vác về nhà từ bệnh viện thành phố hay chìm trong cơn trong xả lũ giữa đêm khuya ở đâu đó rất xa thành thị.
Và bất chợt, tôi cũng nghe văng vẳng những tuyên ngôn và hứa hẹn rất nhiều trên đất nước này, bất kể đó có là mùa Giáng sinh hay không, nhưng rồi thật dễ nhận ra, đó là những huyền thoại chưa bao giờ có hơi thở con người.
Một tâm thức tiêu cực khác lại được blogger Viết từ Sài gòn nêu lên là những thói quen, nếp suy nghĩ của những người sống trong một xã hội nông nghiệp, chưa thích nghi được với những thay đổi của thế giới diễn ra như vũ bão trên một thế kỷ nay:
Nói cho cùng, tâm tính của số đông người Việt vẫn chưa thoát khỏi tâm thức nông nghiệp. Cái bóng của tâm thức nông nghiệp đã bao trùm, chi phối hầu hết hành vi cùa nhiều người. Phán xét vội vã, giận dữ vô căn cớ, ngụy biện, chụp mũ, ném đá giấu tay… Tất cả đều là biểu hiện của phần tâm thức nông nghiệp trong tư duy toàn tri còn sót lại trong mỗi người. Thực tâm mà nói, nếu chúng ta vẫn còn để cho loại tâm thức nông nghiệp này hoành hành thân xác và tinh thần chúng ta thì sẽ còn rất lâu chúng ta mới chạm đến được tự do, tiến bộ và dân chủ!
Điều đáng nói là những người vẫn còn tâm thức nông nghiệp đó, những người nông dân Việt Nam đang tụt lại đằng sau những người láng giềng Cam Pu Chia ngay trong chính lãnh vực nông nghiệp. Một đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng đã sang nước bạn để tìm hiểu tại sao sản phẩm nông nghiệp của họ lại nhanh chóng thành công trên thương trường quốc tế. Nhân chuyện này, tác giả Nguyễn Duy Nghĩa viết một cách trào phúng, so sánh ví von với những khẩu hiệu mà đảng cộng sản thường hay dùng để tuyên truyền:
Chợt thấy bạn vừa nhỉnh hơn, mình sang học hỏi ngay là thức thời, biết mình, biết ta. Khiêm tốn là đỉnh cao của khoa học, là thuộc tính tự nhiên của nhà cách mạng! Với tinh thần ấy chắc Đoàn của Sóc Trăng sẽ học được chán vạn điều hay mang về để hành. Nhưng chiêm nghiệm lâu nay nườm nuợp Đoàn xuất ngoại học được cả vạn cái hay, song về hành thì chán chết và lại đổ riệt do cơ chế. Song với tinh thần khởi nghiệp – “khởi đầu sự nghiệp mới cho cây lúa Việt” thì vẫn không muộn. Muộn cũng còn hơn, bằng không cứ nước chảy bèo trôi thế này, có lẽ sẽ đến ngày hạ quyết tâm “Đuổi kịp và vượt Campuchia”, thì hay biết mấy!
Biết mình đang thua mà học hỏi cũng là điều mà mọi người thấy là một sự thay đổi tích cực trong tâm thức Việt Nam, một trong những điều thay đổi khó thấy mà blogger Xuân Thọ đã viết. Và Xuân Thọ hy vọng rằng những thay đổi nhỏ nhoi đó, những nhóm người nhỏ nhoi dấn thân cho sự thay đổi, sẽ tạo nên sự thay đổi:
Vậy nếu bạn cho là phải thay đổi xã hội này thì chớ có bi quan hoặc yếm thế mà nghĩ rằng: Chẳng ăn thua gì đâu? Hay chờ đến lúc nào đó sự thay đổi sẽ đến.
Nhúm người ít ỏi kia đã góp phần tạo nên những thay đổi nhỏ bé mà không phải ai cũng nhìn thấy. Nếu có các bạn, chắc chắn sự thay đổi sẽ ngoạn mục hơn, ít đau khổ hơn !
Việt Nam siết chặt quyền tự do tôn giáo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngăn chặn những điều gọi là các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ nhân dân, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã phát biểu như vừa nêu trong Hội nghị mang tên “Thủ tướng với các tổ chức tôn giáo” được tổ chức sáng ngày 19/12/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2018 sắp tới, từ nay tới thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo nghiêm túc thực hiện pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo hiện hành.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng cho đất nước phát triển bền vững. Theo lời ông, nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.