Tin Việt Nam – 19/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/11/2018

Tin Việt Nam – 19/11/2018

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga

được gặp gia đình sau 3 tháng bị dọa giết

 Chiều ngày 19/11/2018, ông Phan Văn Phong, chồng của bà Nga cho Đài Á Châu Tự Do biết, trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai trước đó đã có trả lời đơn tố cáo của ông và cho biết cơ quan này đã mở cuộc điều tra.

Ông nói qua điện thoại như sau:

Ở trại trước đó có trả lời là họ có mở cuộc điều tra nhưng không phát hiện gì hết. Sức khỏe của chị Nga không phải là yếu lắm, nói chung là được. Cân nặng so với ngày xưa sụt 10 kg, … Ăn uống cũng phát sinh vấn đề là ăn chay trường kỳ. Xương khớp gãy nát vụn (lúc bị đánh ở bên ngoài) nên giờ đau nhức thường xuyên.”

Bà Trần Thị Nga, năm nay 41 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng ở Việt Nam, hiện đang thụ án 9 năm tù giam tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“.

Vào ngày 17/08/2018, bà Trần Thị Nga gọi điện về gia đình và cấp báo về việc những ngày qua bà liên tục bị gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và còn bị dọa giết.

Ông Phan Văn Phong đã 2 lần làm đơn gửi đơn tố cáo và yêu cầu khẩn cấp tới các cơ quan có trách nhiệm tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Cũng trong đơn tố cáo, ông Phong nói rõ liên tiếp 2 kỳ thăm gặp gần đây vào các ngày 22/8 và 28/9 gia đình ông đều bị phía trại giam khước từ với lý do Trần Thị Nga không chấp hành nội qui của trại mà không hề có biên bản vi phạm cũng như quyết định kỷ luật.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prisoner-of-concience-tran-thi-nga-meets-family-11192018080901.html

 

Hàng ngàn công nhân Công ty Ny Hoa Việt

đình công ở Thanh Hóa

Hàn ngàn công nhân làm việc tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Ny Hoa Việt đình công vào trưa ngày 17 tháng 11 để đòi quyền lợi và cuộc đình công vẫn đang kéo dài đến ngày 19 tháng 11.

Báo Lao Động, vào ngày 19 tháng 11 loan tin vừa nêu, dẫn lời của ông Trịnh Ngọc Quang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết công nhân công ty Ny Hoa Việt đình công để phản đối chất lượng bữa ăn không đảm bảo, việc chấm công và sử dụng phép năm chưa hợp lý.

Công ty TNHH Ny Hoa Việt thông báo sẽ bắt đầu áp dụng chế độ ăn được nâng từ 12.500 đồng/xuất lên 15.000 đồng/xuất vào ngày 19 tháng 11, đồng thời lắp đặt thêm 3 máy quẹt thẻ chấm công để thuận tiện hơn cho công nhân và sẽ họp bàn với đại diện Công đoàn về việc sử dụng phép năm 2019.

Công ty TNHH Ny Hoa Việt còn cho biết vẫn trả lương đầy đủ cho công nhân vào ngày 17 tháng 11, là ngày công nhân tiến hành đình công.

Mặc dù Công ty TNHH Ny Hoa Việt có thông báo như vừa nêu, nhưng gần 3.800 công nhân vẫn tiếp tục đình công vào ngày 19 tháng 11.

Công ty TNHH Ny Hoa Việt là công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên về may mặc xuất khẩu.

Hồi trung tuần tháng 7 năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu công nhân, trong đó có 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ cùng với 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Số liệu thống kê không chính thức từ các tổ chức công đoàn độc lập ghi nhận có khoảng 300 cuộc đình công của công nhân diễn ra trong năm 2016, con số này tăng lên 314 trong năm 2017, và trong năm 2018 tình trạng công nhân đình công đòi quyền lợi vẫn xảy ra khắp nơi tại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/approximately-4k-workers-on-strike-in-thanh-hoa-11192018075113.html

 

Sạt lở ở Nha Trang:

Nạn nhân bị giải tỏa nhà trước đó?

Đại diện chính quyền địa phương nói với BBC rằng vụ sạt lở đất chết người xảy ra ở “khu dân cư tự phát” trong lúc báo Khánh Hòa từng viết về một số lô đất nằm sát chân núi “bị người dân san ủi phân lô để xây dựng nhà cửa”.

Báo Khánh Hòa hôm 19/11 cho biết: Đã có 13 người chết, 4 người mất tích, 11 người bị thương do sạt lở đất các xã, phường Phước Đồng, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ và Vĩnh Hòa.

Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích, trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lụt.

Việt Nam: Bão Sơn Tinh gây thiệt hại lớn

Lở đất xóa sổ một bản ở Lai Châu

Bắc VN: Nhiều người thương vong do mưa lũ

Khám phá lòng Trái Đất nhờ ‘bão bom’

VN: Bão Damrey làm ít nhất 27 người chết

Khu nhà “nhảy dù”

Hôm 19/11, trả lời BBC qua điện thoại, ông Bùi Cao Pháp, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Đồng, khu vực được ghi nhận chịu thiệt hại nặng nề nhất trong vụ sạt lở, nói: “Thiệt hại nhân mạng diễn ra tại khu dân cư tự phát.”

Tuy vậy, ông Pháp từ chối trả lời thêm các câu hỏi khác của phóng viên và nói: “Chúng tôi đang ở hiện trường tập trung khắc phục hậu quả.”

Cùng ngày, nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Nha Trang nói với BBC: “Theo như tôi hiểu, các nạn nhân của vụ sạt lở đất hôm qua đều là người nghèo, sống trong những căn nhà dựng sát chân núi.”

“Ở đây người ta gọi đó là nhà “nhảy dù”, từ để chỉ những người bị thu hồi đất đai, không thể mua nhà ở khu bằng phẳng nên phải lên dựng nhà ở chân núi dù đường đi lại khó khăn.”

“Qua vụ này, tôi thấy lẽ ra chính quyền nên điều chỉnh chính sách thu hồi đất đai, có quy hoạch tốt hơn và tìm vị trí an toàn cho người dân tái định cư.”

“Tại sao thành phố cưỡng chế lấy đất cho đại gia làm dự án bất động sản ồ ạt được mà không cưỡng chế người dân nghèo ra khỏi những khu vực nguy hiểm cho tính mạng của họ?”

Thiên tai ‘ngày càng làm khổ nhân loại’

Nạn thiếu nước, thừa người và thiên tai

“Hàng ngàn gia đình”

Báo Thanh Niên hôm 18/11 viết: “Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong. Phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án “phát triển đô thị”.

“Nhận được một ít tiền đền bù, không đủ để mua miếng đất tại các khu đô thị, họ bèn “nhảy dù” lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà. Vì là nhà “tự phát” nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền. Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi!”

Cũng theo báo này, có “hàng ngàn gia đình” được ghi nhận trong tình trạng “nhảy dù” tại Nha Trang và những người nghèo không đủ khả năng mua đất tại các dự án đang phải “sống tạm bợ trước sự bất lực của chính quyền thành phố”.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Khí tượng dự báo, hiện ở phía Đông Philippines đang xuất hiện một vùng thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi di chuyển vào Biển Đông, trong ngày 20 và 21/11 có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 9 và có phạm vi ảnh hưởng từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được báo Khánh Hòa hôm 19/11 dẫn lời: “Diễn biến thời tiết trong những ngày tới đây sẽ rất nguy hiểm, vì vậy các địa phương phải kiên quyết di dời các hộ sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bên cạnh đó, cần phải cắt cử lực lượng túc trực tại các vị trí xung yếu, các cầu tràn để cảnh báo, ngăn chặn người dân không lưu thông qua những khu vực nguy hiểm”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46257410

 

Khánh Hòa: Hơn 10 người tử vong do sạt lở đất

là những người bị giải tỏa nhà đất

Đã có ít nhất 17 người chết và mất tích tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do mư lũ, sạt lở đất, lốc xoáy, tính đến cuối giờ chiều ngày 19/11 theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thiên tai xảy ra cho Khánh Hòa hôm 18/11 là do ảnh hưởng của cơn bão số 8.

Sạt lở đất cũng khiến 34 người bị thương và 198 nhà đổ sập, hư hỏng, tốc mái, nhiều tuyến đường tại Ninh Thuận và thành phố Nha Trang bị ngập và hư hỏng.

Mạng báo Thanh Niên dẫn lời từ Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Khánh Hòa, nhận định đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong.

Cũng theo ban này, phần lớn các gia đình có người tử nạn là những hộ dân có nhà bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án “phát triển đô thị”.

Tiền đền bù không đủ để mua đất, họ lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà.

Vì là nhà tự phát nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền.

Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi.

Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Lê Hữu Thọ cho biết sự việc này kéo dài hàng chục năm, sau thảm họa này, thời gian tới thành phố sẽ xin tỉnh di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và sẽ làm quyết liệt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/khanh-hoa-more-than-10-dead-are-evictees-11192018081404.html

 

Đừng đổ tại thiên nhiên

Nguyễn Lân Thắng

Mấy tháng trước tôi đã từng có bài viết NHA TRANG RỒI SẼ RA SAO để cảnh báo về vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị ở đây. Hôm qua chúng ta phải chứng kiến thảm hoạ kinh hoàng do lụt lội và lở đất tại Nha Trang – Khánh Hoà. 13 người chết do lở đất và lụt lội. Quốc lộ 1 và đường sắt quốc gia bị chia cắt bởi lũ lớn. Đoàn giáo viên cùng cán bộ nhân viên một trường mẫu giáo tại Đắk Lắk nhân ngày 20/11 đi du lịch Nha Trang gặp lở đất, 5 người thương vong…

Phát biểu với báo Zing, Phó chủ tịch TP Nha Trang, nói: “Đến bây giờ chúng tôi vẫn bất ngờ trước thiệt hại về người sau các vụ lở đất, vì những nơi sạt lở hôm nay không nằm trong dự báo của thành phố”… Xin thưa với ông rằng, có bất ngờ gì đâu ạ? Trước bài viết của tôi, còn có nhiều bài viết của các chuyên gia về quy hoạch, san nền, giao thông, thuỷ lợi… đã cảnh báo về vấn nạn trong việc xây dựng và phát triển đô thị tràn lan ở Việt Nam hiện nay. Không chỉ là lời cảnh báo, có rất nhiều nơi như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên… đã phải chịu thảm hoạ do việc san nền bừa bãi để xây dựng nhà cửa. Nha Trang chỉ là nơi tiếp theo xảy ra sự việc thương tâm này bởi những gì con người đã tác động thiên nhiên trong quá khứ mà thôi.

Mưa thì có thể lúc to lúc nhỏ, nhưng cả ngàn đời nay mưa vẫn rơi. Xin hỏi một trăm năm trước, một ngàn năm trước, có bao giờ Nha Trang phải chịu cảnh lụt lội và lở đất kinh hoàng như thế này không?

Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói rất nổi tiếng: “Nếu bạn bắn súng ngắn vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn súng thần công vào bạn” (“If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon.”). Mưa thì có thể lúc to lúc nhỏ, nhưng cả ngàn đời nay mưa vẫn rơi. Xin hỏi một trăm năm trước, một ngàn năm trước, có bao giờ Nha Trang phải chịu cảnh lụt lội và lở đất kinh hoàng như thế này không? Tất cả những thảm hoạ hiện nay mà Nha Trang cũng như nhiều nơi khác phải gánh chịu mỗi khi mưa lớn, là do sự yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển xây dựng đô thị mà thôi.

Để lập một đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, người ta trước hết phải khảo sát các số liệu về địa chất, thuỷ văn, môi trường, kinh tế, dân cư.v.v… Sau đó kiến trúc sư sẽ phải phối hợp với các kỹ sư chuyên ngành về san nền, giao thông, thuỷ lợi, môi trường, kinh tế… để tính toán phác thảo nên những nét chính của đồ án. Không chỉ một, mà phải có nhiều phương án thiết kế được đưa ra bàn thảo. Đường làm ở đâu? Cống làm ở đâu? Nhà xây chỗ nào? Cấp nước và thoát nước ra sao? Xử lý rác thải, nước thải như thế nào? Thế rồi khi các phương án đưa ra, người ta phải cân nhắc để lựa chọn ra phương án tối ưu, cân bằng giữa các yếu tố nhất. Nhưng có một yếu tố không thể đánh đổi, đấy là con người. Một đồ án quy hoạch xây dựng tử tế thì dù có phải mang sứ mệnh chính trị to tát đến đâu, cũng không thể hi sinh con người vào các mục tiêu khác. Con người, với vai trò vừa là chủ thể kiến tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành quả của quy hoạch xây dựng phải được tôn trọng. Rất tiếc là nhiều khi các ý kiến phản biện của người có chuyên môn dù rất tốt, nhưng không được tôn trọng, bị các vị quan chức có quyền quyết định phủ quyết, và những đồ án xây dựng được thông qua chỉ vì những mong muốn chính trị chứ không phải vì nhân dân.

Ngay khi tôi đề cập lại vấn đề này trên Facebook nhân chuyện mưa lũ ở Nha Trang, có bạn đọc vào bình luận như thế này:

Hoàng Văn Trương: “Dân đi khỏi nơi sinh sống do phải nhường đất vàng cho tụi đại gia với giá rẻ , họ làm nghề biển là chính nên mới tái định cư khu vực cảng Bình Tân . Chính quyền phá núi lấy đất tái định cư vô tội vạ nên mới thành ra như dậy khổ lắm anh ơi !”

Lưu Xuyên Phong: “Tôi ở Nha Trang mà hằng ngày còn phải kinh ngạc trước sự tàn phá thiên để lấy đất làm dự án của thành phố. Lấp đầm san đìa, phá núi, lấp biển, tàn phá môi sinh không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham của quan chức. Người dân sống ở thành phố ngày càng phải chấp nhận sống chung với kẹt xẹ khói bụi từ công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Mưa lũ thì càng ngày càng nặng, thành phố thì trước mặt là biển, sau lưng là sông mà mưa chút là ngập. Nói Nha Trang chán sống như ngày nay thì một phần là do thiên tai, còn 9 phần là do sự tham lam cộng với ngu dốt của những kẻ quy hoạch nên thành phố.”

Đó, ý kiến của người dân đó. Không phải dân không biết đâu. Chẳng qua họ chưa thể làm gì một lũ ngu dốt khốn nạn ngồi lên đầu dân bao lâu nay! Vậy nên, tôi tha thiết kêu gọi các nhà báo, các nhà khoa học, đặc biệt là giới kiến trúc sư quy hoạch, xin các vị hãy lên tiếng, hãy vạch trần sự việc này. Đừng để những kẻ ngu dốt tiếp tục tàn phá đất nước rồi đổ tại mẹ thiên nhiên của chúng ta./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/don-t-blame-on-nature-11192018094713.html

 

Sẽ san bằng biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh

Trong vòng 15 ngày, biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và chủ nhân của 17 biệt thự khác xây dựng sai phạm trên đất rừng phòng hộ xã Minh Phú phải tự tháo dỡ toàn bộ các công trình của mình.

Trang Gnews ngày 17 tháng 11, loan tin thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã thông báo, từ nay cho đến ngày 30 tháng 11, nếu các gia đình vẫn chưa tháo dỡ, nhà cầm quyền sẽ sử dụng các phương tiện đến cưỡng chế. Hiện tại, đã có 3 gia đình đang tự động tháo dỡ. Được biết, đây là những công trình đã xây dựng từ hơn 10 năm trước.

Vào năm 2006, biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và những công trình khác đã bị thanh tra chính phủ CS kết luận là sai phạm nghiêm trọng, nhưng sau đó vụ việc bị rơi vào im lặng, các sai phạm được phát triển rầm rộ hơn vì có nhiều biệt thự được xây dựng trái phép tiếp tục mọc lên. Chỉ đến khi ca sĩ Mỹ Linh lên tiếng ủng hộ xây dựng nhà hát 1,500 tỷ tại Thủ Thiêm, và nói người dân không có quyền phản đối dự án vô nhân đạo này, làm cho hàng triệu người dân Việt Nam phẫn nộ, quyết đưa ra ánh sáng công trình xây dựng sai phạm của cô ca sĩ.

Trước áp lực của dư luận, nhà cầm quyền Hà Nội đã buộc phải vào cuộc, xử lý những sai phạm của cô ca sĩ thiếu tâm đức.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/se-san-bang-biet-thu-cua-ca-si-my-linh/

 

Bắt cựu phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín

Nhân vật từng thuộc số lãnh đạo quyền uy nhất TPHCM vừa bị Bộ Công an bắt tạm giam.

Cựu Phó chủ tịch TP HCM bị khởi tố thêm tội

Ông Tất Thành Cang đã làm gì ở đất Thủ Thiêm?

‘Gửi hồ sơ Tất Thành Cang ra trung ương’

Ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị bắt ngày 19/11, theo thông cáo chính thức, để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cũng bị bắt là ông Đào Anh Kiệt, 61 tuổi, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM và ông Trương Văn Út, phó phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, để điều tra về cùng tội danh trên.

Liên quan Vũ ‘nhôm’

Theo truyền thông nhà nước ở Việt Nam, vụ án liên quan ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, và các vụ buôn bán đất đai ở TPHCM.

Ông Tín và hai người nêu trên bị bắt vì sai phạm xảy ra tại dự án số 15 Thi Sách, quận 1, TP.HCM.

Ngoài ra, mới hôm 10/11, ba người này lại bi khởi tố vì sai phạm ở một dự án khác, số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1.

Ông Phan Văn Anh Vũ hôm 31/10 được giảm một năm tù, còn 8 năm tù, trong một vụ xử ở Hà Nội về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Sinh năm 1957 ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Hữu Tín trở thành phó chủ tịch UBND TPHCM từ 2004 đến 2008.

Từ 2009 đến 2011, ông làm Bí thư quận ủy quận 5.

Ông quay lại làm phó chủ tịch UBND TPHCM từ 2011 trước khi nghỉ hưu tháng 10/2017.

Mới hôm 15/11, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về việc Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang đã vi phạm “rất nghiêm trọng” trong nhiều sự vụ.

Mới đây, UBND TPHCM cho hay trong 9 tháng đầu năm 2018, thành phố này đã chuyển công tác hơn 550 cán bộ, công chức, viên chức tại 19 sở ngành và các quận huyện nhằm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46266378

 

Luật Phòng chống tham nhũng,

điểm mới và tính khả thi

Quốc hội Việt Nam chuẩn bị thông qua Luật Phòng chống Tham nhũng sửa đổi với những điểm mới trước các băn khoăn về tính khả thi.

Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi là một trong bảy bộ luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ sáu.

Theo đó, có ba điểm mới trong Luật này được cho là làm ‘nóng nghị trường’ về tính khả thi, bao gồm việc xử lý tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, và kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ công chức.

‘Chống tham nhũng chịu sức ép từ nhiều phía’

Tranh cãi vụ kêu gọi TBT Trọng công khai tài sản

Vì sao khó thu hồi ‘tài sản quan tham’?

‘Lấn’ sang khu vực tư nhân

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh so với luật hiện hành.

Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp “ngoài nhà nước” do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập sẽ buộc phải sử dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Quy định này cũng đúng cho các tổ chức thường xuyên huy động đóng góp của nhân dân để làm từ thiện, các công ty đại chúng và tổ chức tín dụng.

Băn khoăn của các đại biểu Quốc hội là việc mở rộng đối tượng sẽ được thực hiện thế nào khi ngay trong khu vực nhà nước còn làm chưa tốt.

Có ý kiến của đại biểu cho rằng chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh trong khi công tác phòng chống tham nhũng chưa được làm tốt trong khu vực nhà nước. Do đó cần tập trung vào khu vực nhà nước để tập trung nguồn lực.

Ngoài ra, sẽ là chồng chéo vì đã có Bộ luật Hình sự để xử lý đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài Nhà nước.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định kiểm soát tài sản, thu nhập ủa khu vực “ngoài nhà nước” có thể sẽ tạo tiền đề để lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

Chính phủ đưa ra hai phương án để xử lý tài sản không rõ nguồn ngốc: đưa về thuộc sở hữu nhà nước, hoặc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.

Nhiều ý kiến cho rằng vi phạm thì cần xử lý, nhưng các xử lý như thế nào là hợp lý thì cần phải xem xét.

Một trong các lý lẽ được đưa ra là căn cứ vào truyền thống tích lũy tiết kiệm của người Việt. Tài sản của một cán bộ, công chức có thể được hình thành tư nhiều nguồn khác nhau, như tiết kiệm, từ kế, được tặng, cho…

Thế nào “giải trình không hợp lý” về nguồn gốc số tài sản này cũng cần được giải thích rõ ràng.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức?

Theo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ được kiểm soát tài sản, thu nhập của Giám đốc sở và các chức vụ tương đương trở lên tại bộ, các cơ quan ngang bộ, v.v..

Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương mình.

Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách, v.v…

Nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường thời gian qua cho rằng việc giao cho các đơn vị chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết.

Nhưng việc này cũng khiến bộ máy, biên chế của cơ quan thanh tra trở nên nặng nề, cồng kềnh để đáp ứng các yêu cầu mới. Còn nếu giữ nguyên bộ máy cũ và làm thêm việc mới thì sẽ quá tải.

Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần mở rộng đối tượng cần kê khai tài sản, không chỉ của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên mà còn cả cha, mẹ, con thành niên, ông, bà nội của cán bộ.

Về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt giải thích rằng trên thực tế, con, bố mẹ, ông bà của nhiều cán bộ ở nhiều địa phương sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ, xe sang, dự án lớn, theo tường thuật của VnExpress.

Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, cho rằng việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ khiến số lượng cần kê khai quá lớn, vượt quá kiểm soát của cơ quan chức năng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46257339

 

Quốc hội: Những tội về an ninh quốc gia

sẽ không được đặc xá

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật đặc xá sửa đổi hôm 19 tháng 11, trong đó những tội về an ninh quốc gia sẽ không được ân xá.

Luật đặc xá sửa đổi với 92.99% phiếu tán thành sẽ có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2019.

Cụ thể, Luật đặc xá sửa đổi quy định Chủ tịch nước sẽ quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

Luật đặc xá sửa đổi quy định rõ, các tội liên quan an ninh quốc gia sẽ không được đặc xá như: tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố; tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nhà nước; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu chống nhà nước.v.v…

Đáng chú ý trong các tội không được đặc xá có các tội về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu chống nhà nước là những tội chính quyền Việt Nam thường dùng để kết án những người bât đồng chính kiến. Quốc tế đã nhiều lần chỉ trích việc sử dụng các điều luật mù mờ này trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam.

Theo Luật Đặc xá, Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiệ trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước.

Ngoài ra Luật đặc xá sửa đổi cũng quy định, người phạm tội cũng phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại đối với án tù về các tội phạm tham nhũng…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/congress-offenses-of-national-security-will-not-be-granted-special-amnesty-11192018075026.html

 

QH bị chỉ trích vì dưới 1/3 đại biểu

ủng hộ đánh thuế tài sản bất minh

Chỉ hơn 32% trong tổng số 485 đại biểu quốc hội Việt Nam tán thành đề xuất đánh thuế thu nhập vào tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức, theo các bản tin mới đây của báo chí trong nước.

Thông tin này dẫn đến những chỉ trích của một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cho rằng đa phần các đại biểu quốc hội không đại diện cho quyền lợi của cử tri.

Các báo, trong đó có Thanh Niên, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh và Zing, cách đây ít ngày tường thuật rằng đa số đại biểu quốc hội vẫn chưa nhất trí về các biện pháp xử lý các tài sản, thu nhập mà các quan chức không chứng minh được nguồn gốc khi họ có trách nhiệm phải kê khai.

Một điều khoản trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng đang được các đại biểu bàn thảo đề xuất hai phương án xử lý chính. Trong đó, phương án một là tòa án “xem xét, quyết định” số phận của tài sản, thu nhập không giải trình được của quan chức, mà hành động mạnh mẽ nhất có thể là “thu hồi cho Nhà nước”.

‘Kiểm tra tài sản quan chức’ chính thức thất bại?

Cựu chủ tịch VN cảnh báo nguy cơ từ tham nhũng, suy thoái

Dưới một nửa tổng số đại biểu QH ủng hộ phương án kể trên, theo các bản tin. Cụ thể là 209/485, tương đương 43,09%.

Phương án thứ hai nêu ra việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc của quan chức. Biện pháp này còn nhận được ít sự ủng hộ hơn. Chỉ có 156 đại biểu tán thành, tương đương 32,16% tổng số đại biểu QH, tin cho hay.

Những vị đại biểu QH thậm chí còn có các doanh nghiệp ‘sân sau’ cướp đất của người dân hay là tất cả các lĩnh vực khác. Họ có tài sản rất lớn từ tham nhũng nên họ rất sợ việc kê khai tài sản hay tịch thu tài sản bất minh.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương

Quyết liệt nhất là đề xuất tịch thu tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc, nhưng chỉ có 1 đại biểu có ý kiến ủng hộ điều này.

Trong khi đó, các báo cho hay, 31 đại biểu, tức xấp xỉ 6,4% tổng số đại biểu, đã không bày tỏ chính kiến về vấn đề này.

Những Facebooker có tổng cộng hàng chục ngàn người theo dõi đã đưa ra những bình luận hồi cuối tuần qua bày tỏ thất vọng về diễn biến mới đây ở quốc hội.

Doanh nhân Trần Quốc Quân, viết hôm 18/11 trên trang cá nhân rằng “thế mới thấy, ĐBQH [đại biểu quốc hội] đa phần không đại biểu cho quyền lợi của cử tri, những người đã bầu ra họ trong cuộc bầu cử không có sự lựa chọn nào khác”.

Ở Việt Nam, các đảng viên cộng sản – những người vốn cũng nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong nhánh hành pháp và tư pháp – chiếm tới 96% đại biểu quốc hội nhờ cơ chế chính trị mà nhiều người vẫn thường gọi là “đảng cử, dân bầu”.

Giới quan sát và người dân cũng vẫn thường xem quốc hội Việt Nam là “quốc hội nghị gật” hoặc “quốc hội con dấu củ khoai” có nhiệm vụ biểu quyết về mặt hình thức, có tính thủ tục để thông qua nhân sự hay các chính sách đã được đảng cộng sản duy nhất cầm quyền quyết định từ trước.

Ông Quân, người cũng là một nhà văn, đưa ra quan điểm rằng các văn bản pháp luật do các đại biểu quốc hội soạn thảo và ban hành “chẳng vì dân vì nước mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm và lợi ích của chính bản thân họ”.

Phó giáo sư Mạc Văn Trang, một tiếng nói vì tiến bộ được nhiều người biết đến, hôm 19/11 đặt vấn đề rằng khi chỉ có 32% đại biểu quốc hội muốn đánh thuế tài sản bất minh, điều đó đồng nghĩa là 68% đại biểu còn lại chấp thuận việc quan chức được sở hữu các tài sản đó.

Ông Trang, người từng là chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng qua việc bày tỏ ý kiến về dự thảo sửa đổi luật chống tham nhũng, “tâm địa” của các đại biểu QH đã “lòi mặt ra”. Ông viết: “ĐBQH là tay sai của quan chức, hay đúng hơn 68% số họ cũng là quan tham; ai lại tán thành tịch thu hay đánh thuế vào TSBM [tài sản bất minh] của chính mình”.

Cùng lên tiếng về vấn đề này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nhắc lại thực tế rằng hơn 1/3 đại biểu quốc hội Việt Nam “đang kiêm nhiệm”, và đưa ra bình luận: “Họ cũng đang gánh vác chức vụ cao trong bộ máy chính quyền. Họ chả ngu gì mà lại tán thành cho thiệt hại”.

Nói với VOA, nhà hoạt động vì quyền đất đai và dân chủ Trịnh Bá Phương bổ sung thêm lý do nhiều đại biểu tránh né vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc:

“Những vị đại biểu QH thậm chí còn có các doanh nghiệp ‘sân sau’ cướp đất của người dân hay là tất cả các lĩnh vực khác. Họ có tài sản rất lớn từ tham nhũng nên họ rất sợ việc kê khai tài sản hay tịch thu tài sản bất minh”.

TBT Trọng sẽ ‘mất mặt’ nếu không công khai tài sản

Vì sao vẫn còn người ủng hộ Nguyễn Phú Trọng ‘chống tham nhũng’​

Giữa năm 2017, Việt Nam ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp và được báo chí tuyên truyền ồn ào, khoa trương. Nhưng hơn một năm sau, vào tháng 6/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng ‘kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm’.

Cần một số đông lớn trong nhân dân có thể cùng có một hình thức bất tuân dân sự, yêu cầu chính phủ Việt Nam thay đổi cơ chế về tổ chức cán bộ, hoàn toàn phải xóa đi cái ‘đảng cử, dân bầu’.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương

Ở thời điểm đó, giới quan sát nói với VOA rằng diễn biến kể trên là một chỉ dấu cho thấy chủ trương về kiểm tra tài sản của quan chức cao cấp có thể xem như đã thất bại. Họ chỉ ra thực tế rằng cho tới tháng 6/2018 vẫn chưa có một công bố kê khai tài sản nào cả, dẫn đến những bức xúc trong nhân dân.

Bàn về vai trò của quốc hội đối với việc giám sát quan chức, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói với VOA rằng thật mỉa mai nếu người dân phải đặt niềm tin vào những đại biểu “đảng cử, dân bầu”.

Anh cho biết anh và người dân mất đất ở Dương Nội, Hà Nội, đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp hồi năm 2016, với nhận thức rằng quốc hội không đại diện cho quyền lợi của người dân, mà ngược lại còn là cánh tay phục vụ đắc lực cho hoạt động cai trị của chính quyền.

Nhà hoạt động nổi tiếng về đấu tranh chống bất công đất đai chia sẻ với VOA suy nghĩ của anh về cách thức người dân có thể gây áp lực đòi thay đổi quốc hội:

“Cần một số đông lớn trong nhân dân có thể cùng có một hình thức bất tuân dân sự, yêu cầu chính phủ Việt Nam thay đổi cơ chế về tổ chức cán bộ, hoàn toàn phải xóa đi cái ‘đảng cử, dân bầu’. Và phải yêu cầu họ chấm dứt tình trạng chồng chéo giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp”.

VOA đã liên lạc với một số đại biểu quốc hội để hỏi về vấn đề này nhưng họ từ chối trả lời phỏng vấn.

https://www.voatiengviet.com/a/qh-bi-chi-trich-vi-duoi-1-phan-3-ung-ho-danh-thue-tai-san-bat-minh/4664820.html

 

Việt Nam và Nga đồng ý

đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí

Việt Nam và Nga vào ngày 19/11 đã đồng ý tăng giá trị thương mại lên gấp 3 và đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 và mở rộng hợp tác năng lượng.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin tại buổi hội đàm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ Tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Theo Reuters, Nga hiện nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam và các công ty của Nga cũng tham gia vào nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được trích lời nói rằng các công ty dầu khí và năng lượng hai nước đang hợp tác hiệu quả và Nga muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các biện pháp tạo điều kiện cho các dự án đầu tư năng lượng liên kết ở Nga, Việt Nam và ở các nước thứ 3.

Hiện Nga đứng thứ 23 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng vốn đầu tư lên tới 990 triệu USD. Các công ty Nga đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông….

Đầu tư của Nga vào Việt Nam hiện vẫn chủ yếu trong lĩnh vực truyền thống dầu khí. Ngoài Vietsovpetro, được cho là biểu tượng cho mối quan hệ Việt – Nga, còn có các liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet…, được thiết lập để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.

Mới đây, hôm 13/11, Reuters cho biết Vietsovpetro sẽ bắt đầu sản xuất dầu thô tại mỏ Cá Tầm ngoài khơi vùng biển phái Nam Việt Nam từ ngày 15/1 năm 2019. Dự báo sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ này sẽ ở mức từ 20 ngàn đến 25 ngàn thùng/ ngày.

Hồi tháng 5 vừa qua, tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, một đối tác liên doanh với Petrovietnam cho biết RosfneftVietnam BV đã bắt đầu khoan dầu ở mỏ Lan Đỏ cách bờ biển đông nam Việt Nam 370 km. Tuyên bố của Rosneft đã khiến Trung Quốc tức giận và cảnh báo công ty này không nên khoan dầu ở vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Việt Nam khẳng định các hoạt động này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng chủ quyền của Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-nam-and-russia-agree-to-triple-trade-worth-by-2020-11192018073931.html

 

Việt Nam – Trung Quốc

giao lưu quốc phòng biên giới lần 5

Sáng 19/11/2018, Việt Nam – Trung Quốc chính thức bắt đầu các hoạt động giao lưu  hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 5 tại cửa khẩu Thủy Khẩu sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng làm trưởng đoàn Việt Nam và Thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu đoàn Trung Quốc. Giao lưu diễn ra từ 19 đến 21/11.

Trong ngày đầu tiên, hai đoàn quân sự đã có các hoạt động như: Lễ chào cột mốc và chứng kiến tuần tra chung trên sông; thăm Đại đội Biên phòng thị trấn Thủy Khẩu; thăm quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội đàm và tổng kết 5 năm thực hiện chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng hai nước.

Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ nhất năm 2014 tại Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).

Năm 2017, chương trình giao lưu lần thứ 4 dự kiến sẽ do Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đồng chủ trì, diễn ra tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhưng đã bị hủy đột xuất do Thượng Tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lúc đó giải thích rằng, Phó chủ tịch Quân uỷ Trung Quốc Phạm Trường Long hủy giao lưu quốc phòng biên giới với Việt Nam do có việc đột xuất.

Tuy nhiên theo các nguồn tin không chính thức, lý do là vì Trung Quốc nổi giận do Việt Nam cho tiến hành việc thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, mà Trung Quốc cũng cho là thuộc chủ quyền của mình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-to-organize-the-fifth-defense-friendship-exchange-11192018092536.html

 

Cảng hàng không Vân Đồn

sắp đưa vào sử dụng là của ai?

Vào ngày 18 tháng 11, truyền thông trong nước loan tin,  Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tại tỉnh Quảng Ninh sắp được đưa vào khai thác các đường bay từ Việt Nam đến Trung Cộng, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á. Đây là cảng hàng không đạt cấp 4E và phi trường quân sự cấp II, có thể đón các máy bay lớn. Dự án này có tổng số tiền lên đến 7,700 tỷ đồng, do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.

Theo thông tin từ trang Việt Nam Thời Báo của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, Sun Group là tập đoàn có rất nhiều bí ẩn, có thể có bàn tay của Trung Cộng đứng sau hậu thuẫn. Những năm gần đây, tập đoàn Sun Group lớn mạnh bất thường, được đầu tư xây dựng rất nhiều công trình ở những vị trí quan trọng mang tầm chiến lược quân sự ở Việt Nam, và các kiến trúc mà tập đoàn này thi công đều mang đặc trưng của văn hoá Trung Cộng.

Một diễn đàn mạng xã hội đã nhận xét về Sun Group như sau: “Sun Group đi tới đâu sơn thần thổ địa ở đó hiện ra quỳ lạy rối rít,” bởi họ “phá hết lấy đâu ra chỗ cho thần ở, huống chi con người.”

Những đặc điểm này của Sun Group đã làm cho cộng đồng mạng Facebook Việt Nam nghi ngờ rằng, Cảng hàng không Vân Đồn cũng là do Trung Cộng đứng đằng sau xây dựng, để phục vụ cho mưu đồ biến Vân Đồn thành đặc khu kinh tế của chúng, hay nói đúng hơn là khu tự trị tại Việt Nam.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/cang-hang-khong-van-don-sap-dua-vao-su-dung-la-cua-ai/