Tin Việt Nam – 19/09/2017
Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị
Áo đỏ, băng rôn đỏ, dưới tiết trời nắng rực 32 độ C, hàng ngàn tiểu thương vẫn tập trung trước cổng chợ An Đông sáng 19/9 tham gia cuộc bãi thị mà họ gọi là “đòi quyền lợi cho tiểu thương chợ An Đông”.
Theo báo Thanh Niên, hôm 19/9 có hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông, hay còn gọi là chợ An Đông ở Quận 5, TP HCM, đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng sạp.
Cuộc tuần hành dường như liên quan đến kiến nghị của các tiểu thương trong một thời gian qua về việc ban quản lý chợ thu phí bất hợp lý và không tiến hành sửa chữa như đã cam kết.
Đã đóng phí ‘sở hữu sạp’ vẫn phải đóng phí ‘thuê sạp’?
Một vấn đề khác mà nhiều tiểu thương cũng đang bức xúc đó là việc đóng thêm phí “thuê sạp” hằng năm, dù đã trả tiền “sở hữu sạp” dài hạn.
Đổi tiền ở VN: Truyền thông và đời thực
Giới chức VN nói gì về vụ lao động chết ở Đài Loan?
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, năm 1989 thành phố và lãnh đạo quận 5 kêu gọi tiểu thương góp vốn xây dựng lại chợ. Tiểu thương được quyền kinh doanh ổn định trong thời gian 20 năm. Và tiểu thương là đồng sở hữu chợ An Đông được xây dựng lại, không đơn thuần là thuê sạp.
Hơn 2.000 chủ sạp đã đóng tiền xây dựng và “sở hữu quầy sạp” từ 1991-2011 trong hợp đồng giữa đơn vị đầu tư và tiểu thương. Tuy nhiên, 25 năm qua, ban quản lý vẫn thu phí thuê sạp hằng năm.
Bà Trần Thị Thu Thùy, đại diện hội tiểu thương chợ An Đông, nói với báo Thanh Niên hôm 12/8:
“Chúng tôi đã đóng lố 20 năm, nay sao thu nữa… Tuy nhiên, sau đó BQL mang tờ giấy có chữ ký “điểm danh” các tiểu thương tham dự cuộc họp này và đi nói với các tiểu thương khác là trưởng các ngành hàng đã đồng ý rồi. Đây có phải là cách làm việc gian trá không?”
Thu tiền từ lâu, nhưng sửa chữa chậm trễ
Sau khi hết hợp đồng với công ty xây dựng chợ năm 2011, tiểu thương lại đóng góp thêm hơn 217 tỷ để chỉnh trang, sửa chữa chợ từ năm 2013, nhưng gần 5 năm qua lại không tiến hành việc sửa chữa nâng cấp chợ theo yêu cầu của các tiểu thương.
Tháng 5/2017, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5 nói sẽ khởi công xây dựng bốn mặt tiền chợ An Đông vào ngày 12/6, mở thầu hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tháng 7 và gắn máy điều hòa, xử lý nước thải, sửa chữa thang nâng hàng vào tháng 8, theo báo Thanh Niên.
Cũng theo báo này, tiểu thương sau đó lại nhận được thông báo việc nâng cấp sửa mặt tiền sẽ chậm thêm một năm, sẽ không khởi công cho đến 15/5/2018,
Biểu tình sáng 19/9
Theo báo Thanh Niên, từ 5 giờ sáng, tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ An Đông. Đến tầm 9 giờ thì Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy xuất hiện và nói: “Chúng tôi ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ về báo cáo giải quyết sau chứ không phải ngay bây giờ”.
Không đồng tình với câu trả lời của đại diện chính quyền, tiểu thương vẫn tiếp tục đi biểu tình tuần hành từ cổng chợ An Đông đến trụ sở UBND thành phố.
Theo ông Trần Trung Hiếu, một người có gia đình sở hữu một sạp hàng tại chợ An Đông cho biết, đoàn biểu tình đã tuần hành đến UBND thành phố và sau khi làm việc, chính quyền gọi xe buýt đưa đoàn biểu tình về.
“Tình hình chợ xuống cấp quá, mọi người chỉ mong muốn được xây sửa cho khang trang như Bến Thành. Chợ An Đông cũng lớn như Bến Thành và là biểu trưng của Chợ Lớn,” ông Hiếu nói với BBC.
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, chánh văn phòng Quận 5 xác nhận sáng 19/9 chủ tịch Phạm Quốc Huy có tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với người dân, nhưng không “rõ hai bên đã trao đổi những gì, có thể có vấn đề nảy sinh.”
Về các kiến nghị của tiểu thương, ông Kỳ cho BBC biết “Ủy ban Quận 5 vẫn đang chấp hành sửa chữa theo ý kiến của thương nhân, báo cáo theo tổ sửa chữa hàng tuần.
“Trong các cuộc họp với tiểu thương, Quận 5 đã thống nhất sẽ hoàn thành sửa chữa chợ trong năm 2017. Tuy nhiên việc sửa chữa ban ngày sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho nên tiến hành sửa chữa vào xế chiều, ban đêm chứ không có chuyện dời thời gian sửa chữa sang 2018.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41316280
Ông Lưu Vân Sơn: ‘Hai Đảng có chung số phận’
Đảng Cộng sản tại hai nước có “chung số phận”, một quan chức cao cấp của Trung Quốc nói trong chuyến thăm Việt Nam.
Ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong ngày thứ hai chuyến công du hai ngày nói với Thủ tướng nước chủ nhà Nguyễn Xuân Phúc rằng hai đảng “tạo thành một cộng đồng có chung vận mệnh”, Tân Hoa Xã tường thuật.
“Sự phát triển tốt đẹp và ổn định các mối quan hệ song phương sẽ giúp củng cố vị trí lãnh đạo của hai đảng, vì lợi ích của hai Đảng và nhân dân hai nước,” ông Lưu được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Hai nền kinh tế có tiềm năng hợp tác vô cùng to lớn trên thực tiễn, nhân vật được cho là đứng thứ 5 trong Bộ Chính trị của ĐCS Trung Quốc nói thêm.
Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn ‘định hướng lớn’
Biển Đông: VN phản đối việc TQ tập trận
TQ ‘bực bội vì hành động của VN ở Asean’
Tuy nhiên, trong bản tin của Tân Hoa Xã, ông Lưu Vân Sơn không đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Định hướng quan hệ
Cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng hai nước nghi ngờ lẫn nhau và mối quan hệ song phương đã có lúc căng thẳng trong vài năm gần đây do tranh chấp trên vùng biển chiến lược này.
Trung Quốc tỏ ra khó chịu trước việc Việt Nam nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, và trước việc Hà Nội tăng cường quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Hồi tháng 7, do áp lực từ phía Trung Quốc mà Việt Nam đã phải ngưng hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính, nơi mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, Hà Nội và Bắc Kinh cũng đã nỗ lực giữ gìn để tình trạng căng thẳng không tới mức vượt quá tầm kiểm soát.
Các quan chức cao cấp hai nước cũng thường xuyên có các chuyến thăm hỏi lẫn nhau.
Trong chuyến đi tới Việt Nam, ông Lưu Vân Sơn được Tân Hoa Xã dẫn lời nói ông đề nghị hai nước “kiểm soát đúng đắn những bất đồng, để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác song phương”.
Hôm 18/9, ông Lưu đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam “khẳng định quan điểm nhất quán” trong việc “hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt-Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước”, báo Nhân Dân tường thuật.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng chúc Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc tới đây diễn ra “thành công” với “đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân lãnh đạo”.
Ông Lưu trong chuyến đi cũng gặp gỡ với một số quan chức cao cấp khác của Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Ủy viên Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng.
Hồi tháng 10/2016, cũng ông Lưu Vân Sơn đã “đón và hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TW ĐCS Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh” khi ông Huynh sang thăm Bắc Kinh, theo đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI).
Nay, vì lý do sức khoẻ, ông Huynh tạm nghỉ để ông Trần Quốc Vượng thay vào vị trí Thường trực Ban Bí thư.
Cũng CRI đưa tin chuyến thăm của ông Lưu sang Việt Nam và Campuchia diễn ra từ 18 đến 21/09 năm nay.
Trong số các lãnh đạo cao cấp đón tiếp vị khách Trung Quốc, không thấy báo chí nêu ra Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang.
Trong thời gian ông Lưu thăm Hà Nội, tại Bắc Kinh đã diễn ra Hội nghị chuyên đề về Cơ hội hợp tác Trung – Việt do Hội đồng Thương mại Trung Quốc-ASEAN tổ chức hôm 18/9.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41313953
Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?
Cộng đồng mạng tranh luận liệu ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ có phải là ‘nạn nhân’ sau khi cơ quan kỷ luật Đảng Cộng sản nói hai lãnh đạo Đà Nẵng vi phạm “nghiêm trọng”.
Tin Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị công bố các “vi phạm” làm nóng mạng xã hội hôm 19/9 với những tranh cãi về quá trình thăng tiến của ông.
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cùng với Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ đều có vi phạm “nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật”.
Vụ Đà Nẵng: Tổng Bí thư muốn ‘chấn chỉnh kỷ luật Đảng’?
Đảng sẽ kỷ luật dàn lãnh đạo Đà Nẵng?
Xung quanh vụ ‘đe dọa’ ông Huỳnh Đức Thơ
Ông Xuân Anh bị liệt kê các “sai phạm”:
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Hôm 19/9, BBC gọi điện cho một số nhà báo, luật sư tại Đà Nẵng để xin bình luận nhưng những người này từ chối với lý do “có quen biết ông Xuân Anh nên sợ không khách quan.”
BBC cũng gọi cho ông Xuân Anh nhưng ông không bắt máy.
Reuters bình luận về vụ này: “Việc trừng phạt các quan chức cấp cao trước các sự kiện lớn là điều bất thường ở Việt Nam và là chỉ dấu cho thấy quan điểm chống tham nhũng mạnh mẽ hơn từ khi quan chức công an có ảnh hưởng lớn hơn trong Đảng năm ngoái.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 19/9 cho hay: “Ngoài nhà 43 Nguyễn Thái Học, gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng hai ngôi nhà liền kề. Đó là số 45 và 47. Nhưng rất “khéo léo”, số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà.”
‘Khối ung nhọt’
Nhà báo Hoàng Hải Vân, từng công tác ở báo Thanh Niên, nơi ông Xuân Anh làm phóng viên sau đó trở thành trưởng ban quốc tế, viết trên Facebook: “Ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch.”
“Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện “nhạy cảm” vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn. Thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư, có một câu đồng dao người lớn, rằng “Trời của Thanh đất của Thanh con chim trên cành của Hoàng Tuấn Anh”, nhưng câu đồng dao đó cũng đã phải sửa lại “Trời của Thanh đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh”. Câu đồng dao đó nói lên thực chất quyền lực của một ông vua cát cứ, vô tiền khoáng hậu kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.”
“Bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng đang bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Ông Nguyễn Bá Thanh không còn, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà ăn sâu vào các chân rết trong bộ máy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn khống chế ở cấp cao hơn, mà sự e ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một ví dụ.”
“Tôi không bênh vực ông Nguyễn Xuân Anh hay ông Huỳnh Đức Thơ. Các ông phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình. Điều tôi muốn nói là, cho dù là ai đi chăng nữa, nếu đưa vào các cương vị lãnh đạo Đà Nẵng trước khi đập vỡ các nhóm lợi ích này thì đều rơi vào thảm cảnh. Người không có bản lĩnh thì bị các nhóm lợi ích nhào nặn để sai khiến, người trung kiên bản lĩnh thì sẽ bị đánh bật ra suốt đời phải chịu oan sai thân bại danh liệt.
“Hy vọng “cái lò” của Tổng Bí thư không bỏ sót các nhóm lợi ích khủng này.”
Phạt fanpage ‘xúc phạm lãnh đạo Đà Nẵng’
‘Tâm thư’ gửi Thủ tướng VN về dự án Sơn Trà
Nhà báo Nguyễn Huy Toàn phê phán:
“Lên làm quan chưa làm gì cho dân đã lo vun vén cho mình, đã lo vơ vét. Làm sao đủ tư cách để dạy bảo cán bộ công chức dưới quyền, làm sao đủ tư cách nói chuyện với dân.”
Trong khi đó, trên báo chính thống, tờ Một Thế Giới dẫn lời ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng:
“Theo tôi việc mất đoàn kết xảy ra là có thật, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư, người đứng đầu trong Đảng bộ nhưng non yếu, nói không đi đôi với làm, còn chủ quan trong tất cả mọi phát ngôn của mình, không kiểm tra một cách chu đáo”.
“Thứ hai, do còn non kém nên có những quyết định nhanh chóng không có cơ sở.”
“Thứ ba nữa là trong quyết định không cân nhắc đến yếu tố tài năng của mỗi con người và quá trình công tác của họ.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41305075
Vụ Đà Nẵng: Tổng Bí thư muốn ‘chấn chỉnh kỷ luật Đảng’?
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng mục đích chính của việc công bố vi phạm của Bí thư và Chủ tịch thành phố Đà Nẵng là để “phục hồi kỷ luật trong đảng”.
David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu và nay hay viết các bài báo về chính trị Việt Nam, bình luận với BBC rằng vụ việc diễn ra trong bối cảnh “tình hình tại Đà Nẵng đã trở nên khó chịu đến công khai”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 18/9 nói ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng có nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng bị kết luận có các vi phạm, khuyết điểm.
Đảng sẽ kỷ luật dàn lãnh đạo Đà Nẵng?
Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?
Cơ quan kỷ luật của Đảng nói hai ông này vi phạm “nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật”.
Ông David Brown chỉ ra rằng thành phố Đà Nẵng từng được xem là mô hình quản lý “thông minh” trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Bí thư của ông Nguyễn Bá Thanh (làm Bí thư Thành ủy từ 2003 đến 2013).
Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố này năm 2015 khi mới 39 tuổi.
Dư luận quan tâm đến ông Xuân Anh còn vì ông là con trai của cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, người từng trong một thời gian dài đứng đầu cơ quan vừa ra kết luận về các sai phạm của hai lãnh đạo đương nhiệm tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Chi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giai đoạn 2003-2011.
“Với những sự quan tâm như thế, có lẽ con đường khôn ngoan cho ông Xuân Anh ở Đà Nẵng lẽ ra là thận trọng khi chọn bạn và tránh gây ra scandal,” ông David Brown bình luận với BBC.
“Tuy vậy, cũng có thể ông Xuân Anh cho rằng thật khó cho một lãnh đạo địa phương có thành tựu lớn nếu lúc nào cũng tuân theo các quy tắc.”
Theo công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, ông Xuân Anh đã vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
Trong đó có việc “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực”.
Ông cũng bị cơ quan kỷ luật Đảng nói đã “thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp”.
‘Mâu thuẫn’ tại Đà Nẵng
Trong nhiều tháng qua, dư luận không chính thức cho rằng có “đấu đá, mâu thuẫn” giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Anh đã phải lên báo công khai bác bỏ: “Đã mất đoàn kết nội bộ, đánh nhau thì phải lo đánh nhau chứ thời gian đâu mà chăm chút cho thành phố.”
Tuy vậy, sau khi có việc công bố vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, nói với báo Một Thế Giới, dường như xác nhận mâu thuẫn trong thành phố:
“Theo tôi việc mất đoàn kết xảy ra là có thật, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư, người đứng đầu trong Đảng bộ nhưng non yếu, nói không đi đôi với làm, còn chủ quan trong tất cả mọi phát ngôn của mình, không kiểm tra một cách chu đáo.”
Cũng cho rằng đã có mâu thuẫn giữa hai lãnh đạo Đà Nẵng, ông David Brown nhận định:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao cấp trong Đảng cam kết dẹp trừ tham ô cấp cao.”
“Tình hình tại Đà Nẵng đã trở nên khó chịu đến công khai.”
“Có thể câu chuyện này dính líu việc giải quyết vấn đề phe phái. Nhưng với những bằng chứng hiện có, dường như việc kỷ luật ông Xuân Anh và Đức Thơ chủ yếu là vấn đề khôi phục kỷ luật trong đảng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41306816
Khởi tố vụ công dân chết trong đồn công an Phan Rang
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, vào sáng ngày 19 tháng 9, quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội dùng nhục hình đối với bị can Võ Tấn Minh bị chết trong thời gian tạm giữ tại đồn Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Theo phản ánh của gia đình nạn nhân với truyền thông trong nước thì bị can Võ Tấn Minh, 26 tuổi bị công an bắt giữ vào ngày 28 tháng 4, do phát hiện thanh niên này có mang trong mình vài tép heroin. Đến chiều ngày 8 tháng 9, công an tỉnh Ninh Thuận thông báo cho gia đình rằng Võ Tấn Minh đã chết và đang nằm ở nhà xác Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Trong chiều cùng ngày gia đình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để làm thủ tục nhận xác của thân nhân và gia đình nghi ngờ anh Võ Tấn Minh bị đánh vì thi thể có nhiều vết bầm và một vết bầm ở sau gáy dài khoảng 6 cm.
Vụ việc được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội dùng nhục hình, theo Điều 298 Bộ luật Hình sự Việt Nam, căn cứ vào khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi cho thấy có dấu hiệu nạn nhân Võ Tấn Minh bị dùng nhục hình.
Đây không phải là trường hợp công dân chết do bị nhục hình trong đồn công an ở Việt Nam. Cơ quan chức năng Hà Nội từng lên tiếng về tình trạng này; thế nhưng trong thời gian qua tình hình vẫn tiếp diễn đáng ngại.
An ninh Việt Nam bị cáo buộc tấn công đối lập ở nước ngoài
Kính Hòa RFA
Vào ngày 14 tháng Chín Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, ra thông cáo báo chí cho biết một đảng viên của đảng này bị nhân viên an ninh Việt Nam tạt acid tại thủ đô Phnom Penh, Cam Pu Chia.
Đây là lần thứ hai trong thời gian vài tháng cơ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc là có những hoạt động phi pháp tại nước ngoài.
Vào cuối tháng 7, ông Trịnh Xuân Thanh một cựu quan chức Việt Nam đang xin tị nạn tại Đức bị phía Berlin cho là bị an ninh Hà Nội sang bắt cóc ông này.
Theo ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân, thì vào tối ngày 2 tháng Chín, bốn thành viên của đảng Việt Tân đang đi ngoài đường ở thủ đô Phnom Penh thì bị kẻ lạ ngồi trên xe gắn máy tấn công bằng acid. Một trong bốn người là ông Nguyễn Ngọc Đức, có quốc tịch Pháp bị thương nặng phải đưa về Pháp điều trị.
Chúng tôi có bằng chứng là có bàn tay của an ninh đằng sau vụ này.
-Ông Hoàng Tứ Duy, Đảng Việt Tân.
Sau khi cáo buộc của đảng Việt Tân được đưa ra chúng tôi có liên lạc với Bộ Nội vụ Cam Pu Chia, để hỏi về khả năng có nhân viên an ninh của Việt Nam hoạt động ở nước này, nhưng email bị trả về, không liên lạc được.
Còn phát ngôn nhân Đảng Việt Tân, ông Hoàng Tứ Duy, nói với chúng tôi:
“Chúng tôi có bằng chứng là có bàn tay của an ninh đằng sau vụ này. Vào lúc này thì chúng tôi xin chưa chia sẻ thông tin đó, nhưng đó là những bằng chứng cụ thể về vai trò của an ninh cộng sản Việt Nam.”
Ông Hoàng Tứ Duy nói thêm rằng đây là lần đầu tiên đảng viên Việt Tân bị tấn cộng trên một lãnh thổ nằm ngoài Việt Nam.
Một đảng chính trị khác cũng có cơ sở tại hải ngoại là đảng Vì Dân thì nói rằng họ đã bị tấn công bên ngoài lãnh thổ Việt Nam trước đây. Bà Anh Trinh, một ủy viên trung ương của đảng này nói rằng vào năm 2013, Chủ tịch đảng này là ông Nguyễn Công Bằng khi đang hoạt động nhân đạo tại thủ đô Cam
Pu Chia cũng đã bị tấn công bằng dao, thủ phạm chạy thoát, và đại diện chính quyền sở tại có hứa làm sáng tỏ vụ việc nhưng cuối cùng không có kết quả gì.
Chúng tôi có hỏi một người Việt Nam đang làm đại lý du lịch tại Cam Phu Chia về hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại đây thì người này nói là không thấy gì đặc biệt.
“Tôi không biết những chuyên đó, tôi qua đây chỉ sinh sống kiếm tiền thôi, những vấn đề đó tôi không rành, mà tôi thấy vấn đề an ninh bình thường chứ không thấy gì, người Việt Nam qua đây sinh sống bình thường.”
Nhưng theo bà Anh Trinh thì hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại xứ Chùa Tháp rất mạnh, bà cho biết rằng sau khi rời khỏi Việt Nam một thời gian, trở lại hoạt động tại Cam Pu Chia, bà đã bị chính nhân viên an ninh Việt Nam từng bắt giữ bà tại Việt Nam, theo dõi bà tại Cam Pu Chia.
Bà nói tiếp rằng cơ quan an ninh Việt Nam có thể tổ chức một mạng lưới chỉ điểm trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Cam Pu Chia:
“Những người dân có thể vì tiền, họ bị mãnh lực đồng tiền chi phối đời sống của họ, làm cho họ có thể trở thành chỉ điểm. Mà nếu mình không khéo thì các tổ chức hoạt động cho nhân quyền dân chủ có thể lọt vào lưới của họ, lộ những kế hoạch của mình. Đó là những kinh nghiệm mà tổ chức của tôi đã trải qua.”
Những người dân có thể vì tiền, họ bị mãnh lực đồng tiền chi phối đời sống của họ, làm cho họ có thể trở thành chỉ điểm.
-Bà Anh Trinh, Đảng Vì Dân.
Liên quan đến chuyện hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam ở nước ngoài, gần đây chuyện gây chú ý công luận nhiều nhất là việc cơ quan an ninh Việt Nam được cho là đã bắt cóc một nguyên cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức. Ông Trịnh Xuân Thanh vốn bị cáo buộc tội tham nhũng tại Việt Nam, và vụ việc này đã gây căng thẳng về ngoại giao giữa Đức và Việt Nam cho đến nay.
Một người Việt Nam sống tại Đức là ông Lê Trung Khoa, nhà báo đầu tiên đưa tin vụ bắt cóc ông Thanh, có viết trên trang Facebook của ông rằng ông bị một số người Việt Nam theo dõi ông tại Đức.
Trở lại chuyện đảng viên Việt Tân bị tấn công tại Cam Pu Chia, chúng tôi có gọi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỏi về vụ việc thì được trả lời:
“Hiện nay chúng tôi không có thông tin gì về chuyện đó.”
Theo ông Đặng Xương Hùng, nguyên là một nhà ngoại giao Việt Nam tại châu Âu đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, thì những hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam chưa chắc đã được thông báo cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-opponent-acid-attacked-09182017140214.html
Hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới Việt-Lào
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều thứ Ba 19 tháng 9 tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam- Lào. Mục tiêu nhằm đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch, đồng thời triển khai các văn kiện liên quan để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà Nước về biên giới lãnh thổ.
Kế hoạch như vừa nêu do thủ tướng chính phủ Việt Nam ban hành từ ngày 30 tháng 1 năm 2008. Và theo đánh giá thì đến nay toàn bộ kế hoạch tổng thể được cho là hoàn thành.
Hai phía hoàn tất đường biên với 1 ngàn cột mốc biên giới và bản đồ chuẩn về đường biên giới Việt- Lào sẽ được hai phía công bố chính thức.
Vào tháng 3 vừa qua, hai bên Việt và Lào đã ký hai văn kiện quan trọng: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào.
Hai văn bản có hiệu lực từ ngày 5 tháng 9 năm 2017, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.
Xin được nhắc lại đường biên giới Việt- Lào dài hơn 2300 kilomet, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Hai nước kết thúc đàm phán và ký kết ‘Hiệp Ước Hoạch Định Đường Biên Giới Quốc Gia’ vào tháng 7 năm 1977.
Tương lai đầy bất ổn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
trong Hội Nghị TW 6?
Kami
Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2017 đang đến gần, các diễn biến tại chính trường Việt Nam cho thấy đang báo hiệu một sự thay đổi lớn về cán cân quyền lực trong đảng. Việc xử lý kỷ luật hai cán bộ cao cấp nhất của TP. Đà Nẵng, là các ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy và Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng như một hành động đổ dầu vào lửa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong những ngày này, người ta thấy sự vắng bóng bất thường của “người đốt lò” Nguyễn Phú Trọng. Đáng chú ý là sự vắng mặt này xảy ra sau phát biểu “lò đã nóng” và “củi khô, củi ướt” ngay sau khi An ninh Việt Nam cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin về Việt Nam hôm 23/7.
Trong lúc tình trạng căng thẳng trong quan hệ Việt Trung xấu đi hơn bao giờ hết cũng bao trùm không khi chính trị VN. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc liên tục gây hấn, kể cả cho tiến hành tập trận bắn đạn thật chỉ cách bờ biển Đà Nẵng có 75 hải lý. Trong khi đó, việc Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch lại có thái độ thỏa hiệp và cam chịu. Việc 2 ông này là 2 người duy nhất bỏ phiếu tán thành của tập thể Bộ Chính trị yêu cầu công ty Repsol rút khỏi bãi Tư Chính. Việc này đã khiến giới tướng lĩnh trận mạc, đứng đầu là Tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang người vừa được Chủ tịch Nước Trần Đại Quang phong chức thượng tướng hết sức bất bình.
Việc Tổng Bí thư Trọng tự cơ cấu mình vào Đảng ủy Công an trung ương, với hy vọng sử dụng Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW Trần Quốc Vượng người thân tín của mình, với hy vọng diễn lại kịch bản của Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kỷ luật trung Đảng CSTQ. Điều mà họ Tập đã tạo ra những cú đánh sấm sét đáng vào Bộ Công an và Quân đội Trung Quốc và để rồi Tập Cận Bình nắm được quyền lực tuyệt đối tại Trung Quốc như hiện nay.
Chính điều này đã khiến giới tướng lĩnh Quân đội và Công An Việt Nam đã phải nghi ngờ thực tâm của ông Trọng, nếu tương lai gần này xảy ra tại Việt Nam theo đúng quy trình, giống như việc Tập Cận bình đã thẳng tay triệt hạ Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, sẽ rất có thể mở đầu cho việc chiếm quyền lực độc tôn của TBT Nguyễn Phú Trọng thì điều gì sẽ xảy ra?
Và chắc chắn một điều, tương lai việc rập khuôn bài bản của Tập Cận Bình trong việc thanh trừng nội bộ của Nguyễn Phú Trọng đối với đảng CSVN hiện nay khó có thể thành sự thật được. Vì đa số các lãnh đạo của đảng CSVN họ biết rõ âm mưu thâu tóm quyền lực của ông Trọng và người ta đã có bài học từ Trung Quốc.
Cũng như việc ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang có khả năng thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng đột nhiên cả hai đều lâm trọng bệnh cùng một lúc. Đây cũng là một dấu hỏi rất lớn, rất có thể đây một thủ đoạn mờ ám nhằm loại bỏ hai đối thủ cạnh tranh chức Tổng bí thư sau ông Trọng. Giữa lúc ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lại lớn tiếng khẳng định, người giữ chức vụ TBT phải là người không có tham vọng quyền lực.
Chủ tịch Trần Đại Quang hiện nay đang trong thời gian hồi phục sức khỏe, việc ông Trần Đại Quang sớm trở lại chính trường cũng vì ông Quang biết rằng, nếu để lâu ông rất dễ mất luôn quyền lực khi quay về. Điều này có thể được hóa giải khi có tin ông Quang ốm phải đi chữa bệnh thì lập tức có tay chân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vội và lên tiếng yêu cầu ông Quang chuyển giao quyền lực. Với lý do lãng nhách đó là quốc gia không thể thiếu người đứng đầu nhà nước (!?)
Ông Trần Đại Quang và bộ tham mưu sớm phát hiện ra kế hoạch loại trừ mình của Tổng Bí thư Trọng, với mục đích tiến hành kế hoạch nhất thể hóa 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước làm một theo mô hình Trung quốc. Chính vì thế, cùng với sự trở lại Chủ tịch Quang đã có các hoạt động rất ráo riết nhằm thể hiện rõ hơn chức trách Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, người đứng đầu Nhà nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang như Hiến định. Đặc biệt là buổi làm việc với Bộ Quốc phòng chiều ngày 6/9/2017 là điều mà dư luận cho rằng lần đầu tiên ông Trần Đại Quang đã chính thức thể hiện vai trò của mình từ khi nhận chức Chủ tịch Nước từ tháng 4/2016.
Các nguồn tin khả tín tiết lộ cho biết, việc ông Trần Đại Quang lần thứ 2 đột nhiên lại vắng mặt với tin đồn đi Nhật chữa bệnh, thực ra chỉ là một động tác kỹ thuật. Lâu này, người ta đã quá quen cái chiêu mượn truyền thông lề trái để tung tin vì thế khó có thể tin ông Trần Đại Quang bệnh tình tái phái trở lại. Mà nhiều khả năng, ông Trần Đại Quang đang cùng với ông Nguyễn Tấn Dũng và bộ tham mưu đang cố tìm một giải pháp hoàn hảo nhất để lật ngược thế cờ để hạ bệ ông Nguyễn Phú Trọng tại HNTW6 sắp tới. Mà trọng tâm sẽ là việc chống tham nhũng một phía, chỉ cho một bên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ngay từ đầu cho rằng không biết vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh đã trở về Việt Nam, nên rất có thể ông Tô Lâm với tư cách Bí thư Đảng ủy Công an TW sẽ lĩnh sứ mệnh là người nổ pháo hiệu khởi động việc đấu tố ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW6.
Việc tại sao trước đây, kể cả trước Đại hội XII, lại không xuất hiện các thông tin về cá tiêu cực của ông Đinh La Thăng thời PVN? Vì sao chỉ đến lúc này và trùng với chiến dịch “làm trong sạch nội bộ đảng” của Tổng Bí thư Trọng? Đáng chú ý vụ việc này nóng lên sau khi ông Đinh La Thăng trúng UV Bộ Chính trị và giữ chức vụ Bí thư Thành ủy TP. HCM? Phải chăng Tổng Bí thư Trọng đã hành động theo sự thúc ép của Trương Tấn Sang và cựu Bí thư Lê Thanh Hải?
Một điều chắc chắn, đụng đến những sai phạm của ông Đinh La Thăng, chắc chắn sẽ đụng đến trách nhiệm của hàng loạt lãnh đạo cao cấp khác, chứ đâu phải một mình cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Như các ông Nguyễn Sinh Hùng cựu Chủ tịch Quốc hội; Tô Huy Rứa cựu Trưởng Ban Tổ chức TW; Ngô Văn Dụ nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 11 v.v… là điển hình trong số những người đã nhận những khoản biếu xén không nhỏ từ Đinh La Thăng. Chính vì thế, các nhân vật nói trên và phe cánh của họ sẽ không chịu bó tay chịu chết. Nói chính xác, số các nhân vật đã nhận tiền từ Đinh La Thăng thì gần hết ban lãnh đạo.
Chuyện bên ngoài hành lang các Hội nghị TW khóa 13, 14 khóa 11 cuối năm 2015 và kể cả tại Đại Hội Đảng toàn quốc Đảng CSVN tháng 1/2016, tay chân của ông Trần Đại Quang đã chia các phong bì dày cộp tiền USD cho nhiều đại biểu, với mục đích để lobby chức Ủy viên Bộ Chính trị cho ông Đinh La Thăng. Vào thời điểm mà người ta cho rằng giành được chiếc ghế Ủy viên TW đối với ông Thăng là một việc quá sức. Đó là lý do vì sao lúc này, hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị vẫn “ngậm tăm” giữ im lặng bất thường xung quanh vụ việc OceanBank và tương lai của Đinh La Thăng.
Điều mà giới chức đảng CSVN và ông Nguyễn Phú Trọng lo lắng nhất là, một khi Đinh La Thăng bị dồn ép vào thế cùng sẽ tung ra các bằng chứng, tài liệu tuyệt mật. Kể cả vụ việc ăn chia tiền bán dầu thô lậu cho TQ trong Bộ Chính trị thì ai được ai thua? Nhỡ rồi cùng tất biến, biến tất thông thì sao?
Nhắc lại điều đó để thấy, đội ngũ lãnh đạo cao cấp trong đảng hiện nay làm gì có kẻ không tham nhũng, vì thê họ luôn có tâm lý cho rằng, ông Trọng thịt Đinh La Thăng xong đã chắc gì mình không phải là người tiếp theo? Chắc chắn ông Trọng hiểu được điều đó và cũng lường được hậu quả một khi các nhóm lợi ích trong đảng co cụm và liên kết với nhau. Nhất là vào thời điểm quan hệ Việt Nam và Trung quốc (cũng là thế lực đang chống lưng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) xấu hơn bao giờ hết.
Tổng BT Nguyễn Phú Trọng vốn đã có một cái dớp đen đủi tại Hội nghị TW 6 khóa 11 (10/2014) đã phải gạt nước mắt khi đọc diễn văn bế mạc, vì không kỷ luật được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vì thế, đến Hội nghị TW 6 khóa 12 lần này cũng diễn ra vào tháng 10, liệu lịch sử Đảng CSVN có thể lặp lại và liệu ông Nguyễn Phú Trọng có phải gạt nước mắt để ra đi hay không?
Chính vì thế tương lai chính trị của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị TW 6 khóa 11 mới là điều đáng ngại?
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/uncertainty-about-trong-future-09192017100722.html
Một lộ trình tâm lý đáng sợ!
Viết từ Sài Gòn
Chúng ta, nói chính xác hơn là người dân Việt Nam đã hoàn toàn đánh mất khả năng cảnh giác cũng như đề kháng trước cái ác, cái xấu. Bởi cái ác, cái xấu đã được chính thống hóa suốt nhiều chục năm nay và nó luôn luôn được ưu tiên trong hành xử của nhà nước, đảng Cộng sản đối với người dân bằng những lộ trình tâm lý.
Những lộ trình tâm lý làm tê liệt mọi khả năng phản kháng, càng lúc càng tinh vi. Câu chuyện Đoàn Ngọc Hải xuống đường dành vỉa hè với nhân dân nhân danh nhân dân và cả nước dành vỉa hè với nhân dân trên danh nghĩa “dành cho nhân dân”, sau đó là có những đội bắt chó, gọi là trật tự trị an chó do nhà nước tổ chức. Thực ra, đây là một công đoạn trong lộ trình tâm lý, mà đích đến của nó là vàng trong dân.
Cái lộ trình tâm lý này không phải chỉ diễn ra trong lần này mà nó vốn diễn đi diễn lại, người dân hình như không nhận ra hoặc mơ hồ nhận ra mà không dám nói. Bởi nó là đòn phép tâm lý, là lộ trình nên một khi đã dính phải lộ trình của nó thì mọi chuyện trở nên bất lực, mất khả năng đề kháng hoặc kháng cự một cách yếu ớt.
Những ngày mới thành lập đảng Cộng sản đã khởi động lộ trình bằng tuần lễ gạo, gọi là “hũ gạo nuôi quân”, mỗi gia đình phải nhín một phần gạo khi nấu cơm để bỏ hũ, chiều đến hoặc cuối tuần thì người của đảng đến thu hoạch gạo. Đương nhiên không có nhà nào dám để hũ trống, bởi người dân hiểu được mức độ trừng phạt phía sau những chiếc hũ trống kia. Và đương nhiên có những bài học về sự trừng phạt này để “làm gương” cho nhân dân.
Và nhân dân cũng không hay biết, không ngờ được rằng hũ gạo nuôi quân chỉ là khởi động của một lộ trình, để người dân tập quen với tâm lý giao nộp, cống nộp cho đảng. Ít ai biết được đằng sau những hũ gạo nuôi quân là một cuộc tập dượt tâm lý để nhân dân quen và liệt kháng với sự mất mát. Sự liệt kháng này lặm vào vô thức, người ta vừa sợ trừng phạt, vừa chấp nhận mất đi một phần ăn (thời đó chuyện ăn uống hết sức khó khăn, mất một phần ăn đau còn hơn cả bị đánh) để được tồn tại dưới “ánh sáng của đảng”.
Và mục tiêu cuối cùng là khi khả năng đề kháng trong nhân dân xuống mức thấp nhất, một cuộc trưng thu vàng, tài sản của nhân dân để sung vào tập thể, để nuôi quân trên toàn miền Bắc dưới danh nghĩa xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Lúc này, hầu như chỉ nghe tiếng kêu than đau đớn của nhân dân nhưng hiếm thấy sự phản kháng, dường như không có sự phản kháng bởi nó bị dập tắt một cách công khai trong sự cam chịu và có chút gì đó thỏa mãn theo kiểu “tao mất thì mày cũng mất, tao mất ít thì mày mất nhiều, mèo nào hơn mưỡu nào!”.
Chiêu bài lập lộ trình tâm lý vẫn chưa bao giờ cũ trong chính sách cầm quyền của đảng Cộng sản, mỗi khi cần thiết “huy động” vốn trong nhân dân, họ lại thiết lập một lộ trình tâm lý. Lần này, lộ trình tâm lý có vẻ tinh vi hơn những lần trước, bởi thời đại toàn cầu, những trăn trở về dân chủ, dân quyền trong nhân dân đã mạnh hơn, nếu không tinh đảng Cộng sản sẽ khó mà thành công trên lộ trình của họ. Dẹp vỉa hè, có thể nói đó là bước khởi đầu khá thuận lợi trong lộ trình tâm lý nhằm giảm thiểu tính đề kháng trong nhân dân.
Không phải Đoàn Ngọc Hải hoặc cán bộ đầu ngành ở các tỉnh ngu ngốc đến độ không có cách nào để lấy lại vỉa hè bị lấn chiếm một cách êm thắm nhất, bởi hiếm có chế độ chính trị nào giỏi công tác dân vận, giỏi tuyên truyền hơn chế độ Cộng sản. Họ chỉ cần dùng hàng triệu cái loa phường, hàng triệu cây bút của chế độ và hàng triệu tuyên truyền viên của họ trong vòng một tuần để “vận động, kêu gọi, cảnh báo và thông báo các biện pháp chế tài một cách hợp tình hợp lý”, sau đó các đội trật tự đi tác nghiệp, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Chuyện bắt chó cũng vậy, họ có thể dùng biện pháp tuyên truyền trong vài ngày là xong. Nhưng họ đã không chọn phương án này và cố tình làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm. Vì sao?
Trước nhất, phải xem lại thái độ của Đoàn Ngọc Hải cũng như hầu hết các cuộc đập phá vỉa hè trên toàn quốc, sau đó xét cách làm của đội bắt chó nhà nước. Họ có chung một hành trạng là làm quá mức cho phép. Đoàn Ngọc Hải không những đi lấy lại vỉa hè mà cố tình đập bỏ cả bốt gác của ngân hàng, đập bỏ cả tam cấp của New World và cả tam cấp hành lang một bảo tàng ở quận 1. Ở các tỉnh khác cũng vậy, các đội dọn vỉa hè tha hồ đập phá theo kiểu ruồng hơn là vãng hồi trật tự đô thị. Sau đó, các đội bắt chó nhà nước cũng gặp chó là bắt theo kiểu chụp giật. Cả hai, dẹp vỉa hè và bắt chó đều làm cho nhân dân cuốn quýt, vội vả cất bàn ghế, dẹp mái quay, nhốt chó… để khỏi bị mất tài sản.
Cái tâm lý cuốn nhanh, cất nhanh không thì bị tịch thu, bị phạt diễn ra đều khắp, nó không giống với tâm lý của một người tự chủ, tự biết mình nên làm gì cho phù hợp với guồng máy hoạt động của một xã hội biết tôn trọng con người, có lòng yêu thương và có pháp luật thực sự, biết bảo vệ quyền con người. Ở đây, một kiểu tâm lý cuống quýt và trốn chạy của nhân dân xuất hiện trở lại sau thời gian tạm ngủ quên. Và người ta không kịp suy nghĩ ai đúng ai sai, cứ thấy đoàn nhà nước đến là lo chạy, lo nhốt chó, không dám nói lẽ phải, không dám đấu lý. Bởi có nói cũng không ai nghe, có nói cũng chẳng ai bảo vệ mình, thậm chí còn bị đánh đập.
Và thử tưởng tượng khi cả một cộng đồng dân cứ đứng trơ mắt nhìn các đoàn nhà nước làm việc sai trái, không rõ trắng đen, không đúng qui trình pháp luật và nhân danh tập thể (theo kiểu Đoàn Ngọc Hải tuyên bố “tôi làm là vì sáu triệu dân thành phố”) và nếu có người dân nào phản ứng thì người chung quanh không cần biết đúng sai, cũng chỉ đứng nhìn vì trong sâu thẳm tâm lý của họ có sự sợ hải, mặc kệ nó. Bởi họ nghĩ rằng chuyện không liên quan đến bản thân họ, vả lại tịch thu cái bàn, cái ghế hay bắt con chó thì cũng chẳng đến nỗi đói khổ, mất trắng. Chính vì kiểu suy nghĩ này mà người ta không bao giờ hoặc hiếm hoi có hành động đồng cảm hay bảo vệ cái đúng, cái lý đang bị lẻ loi trước các đoàn cường quyền.
Về lâu về dài, cái tâm lý ai mất gì, bị bắt chó hay bị thu bàn ghế cũng không đến nỗi chết đói và cũng không phải chuyện của mình sẽ thành một phản ứng thường ngày trong xã hội. Đến mức này, nhà nước sẽ dễ dàng tịch thu nhà cửa hay vàng bạc của một gia đình nào đó bằng cách dùng lực lượng quân đội, công an, dân phòng phong tỏa, cách ly, sau đó trưng thu, mà thực chất là cướp trên danh nghĩa chính thống/chính nghĩa) trước hàng ngàn, hàng chục ngàn con mắt thờ ơ, bàng quan của nhưng người dân chưa đến lượt. Và cứ như vậy, cách ly, phong tỏa, làm từng gia đình, từng gia đình theo kiểu tằm ăn dâu.
Cuối cùng, muốn huy động bao nhiêu vàng hay tài sản trong nhân dân mà không được. Cướp xong, lấy xong lại cấp cho một cái giấy chứng nhận mượn tạm trên danh nghĩa xây dựng quốc gia, dân tộc. Những nhà khác thấy vậy thì co cụm, lại lo giấu diếm, coi như xong, chẳng ai đứng ra đấu tranh bảo vệ cho ai bởi tất cả đã rớt vào lộ trình tâm lý của nhà cầm quyền, đã bị tê liệt khả năng đề kháng trước cái sai, cái xấu. Và sự tê liệt này được an ủi bằng một cuộc cướp chính thống/chính nghĩa hóa từ phía nhà nước, xem như đó cũng là một kiểu ném cho một chai thuốc đỏ sau khi làm cho bị thương tập thể!
Hiện tại, nếu xâu chuỗi hành vi đầy tính hồng vệ binh của Đoàn Ngọc Hải cũng như hàng loạt các đội dẹp vỉa hè ở các tỉnh, rồi hành vi bắt chó cứ như cướp giật giữa thành phố của các đội bắt chó nhà nước, sau đó xét lại quá trình lấy tài sản của dân mà nhà nước Cộng sản đã từng làm trong lịch sử cũng như động thái kêu gọi vàng trong dân, thành lập hợp tác xã kiểu mới bằng những con người bất hảo (thậm chí mất dạy như Võ Kim Cự) trong hệ thống đảng Cộng sản thì thấy ngay mục tiêu sắp tới của họ là gì!
Có một luật chơi rất rõ, nếu anh thờ ơ trước bất công của người khác thì người khác sẽ bất công trước thờ ơ của anh. Nếu anh chấp nhận và cam chịu sự vô lý thì anh sẽ là kẻ nhận chịu sự vô lý nặng nhất. Và nếu người Việt Nam tiếp tục chấp nhận kiểu làm của Đoàn Ngọc Hải cũng như đám bắt chó nhà nước mà không có phản ứng hợp lý, cái giá phải trả không phải là nhỏ. Bởi ở đây, phản ứng đóng vai trò tỉnh thức và cộng hưởng lẽ phải. Quốc gia, dân tộc chỉ tồn tại khi lẽ phải còn hiện hữu!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/frightening-mentality-09192017095257.html
Nhiều thiếu sót trong thanh tra tài sản
Năm 2017 Việt Nam chỉ phát hiện 3 trường hợp kê khai tài sản không trung thực, trong khi đó báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực nhưng không được xử lý.
Đó là nội dung liên quan đến tham nhũng được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 19/9.
Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2017 có hơn một triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 77 người được xác minh. Trong khi đó con số được xác minh những năm trước cao hơn hẳn, cụ thể 414 trường hợp năm ngoái và hơn 1.200 trường hợp năm 2015.
Trong khi đó báo trí và các cử tri nhắc đến nhiều trường hợp kê khai, hoặc giải trình nguồn gốc tài sản chưa hợp lý, gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ điển hình là vụ việc ông Phạm Sỹ Qúy, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái
Uỷ ban Tư pháp cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có cơ chế kiểm soát tài sản của toàn xã hội. Người dân chủ yếu vẫn dùng tiền mặt để thanh toán. Ngoài ra, luật Phòng chống tham nhũng còn nhiều điều khoản chưa rõ ràng liên quan đến xác minh tài sản. Bên cạnh đó, các cơ quan làm nhiệm vụ xác minh bản kê khai chưa làm việc hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp sai phạm.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Quốc hội và Chính phủ đưa ra quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân. Đồng thời, có các biện pháp xử lý rõ ràng với những trường hợp thiếu trung thực.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/shortcomings-in-clarifying-assets-09192017094117.html
“Tuyệt mật’ ngân sách quốc phòng- an ninh của VN
Việt Nam bấy lâu nay không công khai ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh.
Tiêu cực bên trong?
Các con số về ngân sách chi cho an ninh quốc phòng của Việt Nam lâu nay đều là số liệu thống kê, tính toán do các tổ chức quốc tế đưa ra. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) từng ước tính rằng năm 2015 Việt Nam chi 4,4 tỉ đô la cho quân sự và dự trù con số sẽ tăng lên 5 tỷ đô la trong năm 2016 và 6,2 tỷ đô la năm 2020.
Trong một lần trả lời báo chí trong nước về ngân sách quốc phòng, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội nói với đại ý rằng không thể công bố cụ thể con số ngân sách chi cho quốc phòng là do có nhiều khoản chi không thể tính vào được. Cụ thể ông giải thích rằng các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính có quan hệ mật thiết với nhau nên không thể tính cụ thể từng lĩnh vực chi bao nhiêu.
Khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn.
– TS. Phạm Chí Dũng
Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, người từng có 30 năm làm việc trong ngành quân đội cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự che giấu ngân sách quân đội, công an là do tiềm ẩn nhiều tiêu cực phía sau. Ông nói:
Nguyên nhân thứ nhất là do não trạng trước đến giờ là họ bưng bít và bảo mật. Tức là họ đưa ra các danh sách về bảo mật, tối mật, tuyệt mật của từng ngành một, mà nếu căn cứ theo đó thì không có một điều gì có thể công bố ra ngoài. Huống chi đây là vấn đề tài chính, có thể coi là tuyệt mật, tức là không công bố.
Thứ hai, khi mà không công bố ra thì thường có điều kiện để xin nhiều hơn và tiêu cực nhiều hơn.
Trong một bài phân tích mới đây của TS Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, ông đánh giá một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bội chi ngân sách kéo dài ở Việt Nam là do chi tiêu cho quân đội và đặc biệt là công an quá lớn. Bằng các phương pháp tính toán chuyên môn, ông cho biết số lượng công an ở Việt Nam hiện nay lên đến 600 ngàn người. Tỷ lệ công an/ người dân ở Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc và gần gấp đôi Mỹ. Ông cũng sử dụng các con số chính thức do Việt Nam công bố để tính toán và cho ra kết luận là năm 2014, Việt Nam chi 12% ngân sách cho ngành công an, 9% ngân sách cho quân đội. Trong khi đó Mỹ chỉ chi 2% ngân sách cho cảnh sát.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cũng bày tỏ bức xúc khi ngành quân đội, công an được “nuôi” bằng tiền thuế của nhân dân nhưng người dân lại không hề hay biết các con số cụ thể về ngân sách chi cho các ngành này:
Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân: quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình. Có lẽ vì vậy nên Đảng cộng sản Việt Nam phải tìm cách giấu nhẹm đi những chi tiêu cho quân đội và công an.
Ông nói rằng việc chi cho quân đội để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chi cho công an để bảo vệ trật tự xã hội là rất cần thiết mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Tuy nhiên, ông nhận thấy nhiều khoản chi trong ngành công an của Việt Nam là “phi lý, phản dân tộc và có hại cho đất nước”:
Không chỉ chi cho chuyện giữ trật tự là chính, mà còn chi cho việc đàn áp, trấn áp người dân, và bẻ gãy tất các những tiếng nói không đồng nhất với tiếng nói của Đảng. Tôi nghĩ đó là những chi phí rất có hại cho đất nước và dân tộc này.
Trông hòng vào dân!
Trong bài phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, ông cũng bày tỏ lo ngại rằng lực lượng công an của Việt Nam rất lớn nhưng ngoài hoạt động thuần túy là giữ gìn trật tự xã hội, họ còn tham gia vào các hoạt động dân sự và hành chính nên rất dễ sinh ra tình trạng lạm quyền để tham nhũng. Ông cho rằng lực lượng công an to lớn có thể đang là lực lượng làm bất ổn xã hội, ngày càng làm mất niềm tin vào chế độ chính trị.
Năm 2016, Liên minh Minh Bạch Ngân sách Budget Transparency cho biết Việt Nam có điểm minh bạch ngân sách rất thấp so với mức trung bình toàn cầu, xếp thứ 18 trên tổng số 100 trong bảng xếp hạng. Đại diện Trung Tâm Phát Triển Hội Nhập, gọi tắt là CDI, cho rằng thứ hạng 18 là mức thấp, chứng tỏ công chúng Việt Nam rất ít được nhà nước cung cấp thông tin về ngân sách quốc gia.
Rất đáng tiếc hai lực lượng này đều mang danh nhân dân: quân đội nhân dân, công an nhân dân và sứ mệnh cũng được họ nói là để phục vụ nhân dân, nhưng chỉ gần đây người ta mới nói toạc móng heo ra là quân đội để phục vụ Đảng, còn công an thì còn Đảng còn mình.
– TS Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng giải pháp minh bạch tài chính từ trước đến nay đã được đưa ra rất nhiều lần rồi nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Ông nói thậm chí người ta còn dùng cả các khoản hỗ trợ minh bạch hóa để tham ô, “đút ngăn kéo”. Trước thực trạng như vậy, ông nghĩ rằng chỉ còn một cách duy nhất là người dân lên tiếng tạo sức ép với Nhà nước phải minh bạch ngân sách quốc phòng, an ninh vì chính dân là người tạo nên những ngân sách đó:
Giải pháp cuối cùng bây giờ chỉ còn lại nhân dân thôi. Lấy liên hệ về BOT vừa rồi là chỉ định thầu, một tiêu cực vô cùng lớn ở trong đó. Bây giờ nhân dân với tư cách đóng thuế, đóng phí đã đòi hỏi phải minh bạch hóa chuyện đầu tư, bỏ vốn, thi công công trình và thu phí. Vậy thì, công an và quân đội cũng vậy!
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng tình với quan điểm là người dân gây sức ép cho nhà nước phải minh bạch ngân sách. Tuy nhiên ông nói rằng, khi nào còn chế độ độc đảng thì khi ấy việc này còn khó thực hiện:
Để yên cho một mình “ông Đảng” độc quyền này làm thì hiển nhiên ông ấy sẽ tìm mọi cách để giấu. Cho nên người dân phải đòi, phải lên tiếng cho một chế độ dân chủ thực sự, có sự cạnh tranh chính trị tức là có nhiều đảng khác nhau cạnh trạnh để nắm quyền điều hành đất nước. Và, đảng này sẽ tìm cách giám sát đảng kia. Đồng thời, người dân, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải nêu lên tiếng nói giám sát của mình.
Vừa rồi Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng dầu và nói là để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có ngân sách cho an ninh quốc phòng. Đề xuất này gặp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.
Đà Lạt: Nguồn nước bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật
Cách hồ Chiến Thắng (phường 8, Thành phố Đà Lạt) chưa đầy một cây số, những thùng đựng bao bì thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng ngập ngụa rác. Theo phản ánh của người dân với phóng viên RFA, những thùng rác này suốt một năm nay, kể từ ngày đặt, chưa một lần nào được dọn dẹp và xử lý.
Bãi rác tự phát
Theo báo Lâm Đồng, Hồ Chiến Thắng là nơi cung cấp 3000m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho cư dân thành phố Đà Lạt. Nhưng khi tìm hiểu khu vực thượng nguồn hồ, cụ thể là đường Vòng Lâm Viên, dễ dàng nhìn thấy những “bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng” ngập ngụa rác tràn ra ngoài. Những thùng rác đặt ngay vệ đường, xung quanh là những bao bì hóa chất đến bóng đèn bể, rác sinh hoạt hàng ngày tràn lan.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Phạm Quế Dương – ngụ tại Đa Thiện, hồ Chiến Thắng cho biết:
“Ở đây có thùng rác, nhưng thùng rác đầy không có ai xử lý, nên thành ra cái bãi rác công cộng. Rất là dơ bẩn chứ không phải cái chuyện là có rác mà không có người xử lý. Bãi rác cũng không có ai trách nhiệm để quản lý cái bãi rác đó hết. Chú ở nhà ngay đây thôi mà rất là bức xúc về cái chuyện rác rưởi, bẩn thỉu.”
Ông Dương cho biết thêm, những thùng rác này được phường đem đến để từ năm trước. Tính đến nay đã hơn một năm, bên phường chưa một lần nào đến thu gom, xử lý rác thải từ những thùng sử dụng chuyên biệt cho rác thải từ bao bì BVTV này:
“Thùng đó là thùng của phường, phường để, nhưng mà đầy rồi không có ai xử lý hết. Đến bây giờ không có ai đổ, chưa một lần nào đổ.”
Tắc trách từ phía chính quyền trong khâu quản lý rác thải BVTV là thế. Nhưng bên cạnh đó, một số người cũng góp phần làm cho tình trạng rác hỗn hợp, gồm rác thải sinh hoạt, và rác BVTV xả ra bừa bãi khó giải quyết.
Nhà ông Dương tọa lạc ngay tại đầu dốc, cách hồ Chiến Thắng chừng 800m. Tại rìa đường, phần sườn dốc gần nhà ông, người ta vẫn thỉnh thoảng đổ rác trộm. Rác sinh hoạt các loại, kèm với bao bì hóa chất cũng được đổ tràn lan tại đây. Ông Dương cho biết, bên phường có nhờ ông trông coi cải thiện tình trạng nên cũng bớt đi nhiều hơn trước.
Theo ghi nhận của phóng viên, cũng khu vực sườn đồi dẫn xuống hồ Chiến Thắng tại đường Vòng Lâm Viên, cách nhà ông Dương một quãng đường vòng, rác thải đổ tràn lan vô tội vạ với đủ chủng loại. Mới nhất, những cành hoa vẫn còn tươi vừa được đổ ngay bên vệ đường. Cách đó không xa có thể nhìn thấy bảng “Dự án: Vệ Sinh Hồ Lắng Đầu Nguồn Hồ Chiến Thắng Phường 8 – Đà Lạt.” Còn cách bên hồ Chiến Thắng 20m, một số rác cũng được vớt dưới hồ lên để đó.
Ông Dương cho biết, những bãi rác tự phát xuất hiện từ khoảng 2 năm về trước.
“Có từ lâu rồi, giờ người ta vẫn lai rai người ta đổ. Cũng hai năm rồi, tình trạng người ta đổ rất nhiều. Người dân người ta đổ. Cũng một số đổ xe tải, một số là dân người ta chở máy cày, đổ vào rừng này.
Cách giải quyết
Nhưng cơ quan chức năng xử lý một cách rất nghiệp dư đó là chôn và lấp.
“Chỉ có bên phường họ đi, thỉnh thoảng họ đi họ kiểm tra. Thấy nhiều quá, thấy rất là nhiều nên là tổ chức họ đi họ san lấp. Họ mới lấp cách đây khoảng cỡ 1 tháng à.
Ô nhiễm môi trường, rác phải đổ vào chỗ quy định chứ rác mà cứ đổ lung tung thế kia thì, tất nhiên phải ảnh hưởng đến đời sống. Ô nhiễm lắm.”
Cũng theo ông Dương, khu vực này phường chịu trách nhiệm quản lý nhưng lại rất ít khi xuống thăm. Mà khi có, đều toàn là vì phường bị áp lực báo chí, cấp trên nên mới xuống.
“Kiểm lâm đi thôi chứ còn phường ít đi lắm. Phường thì cứ bao giờ có ai, nhà báo, hoặc là trên kiểm tra thì phường bắt đầu mới đi.”
Đứng trước việc phải hứng chịu sự ô nhiễm ngay gần nhà, ông Dương bày tỏ:
“Bây giờ dân thì ai cũng vậy thôi. Mong muốn chính quyền làm sao giải quyết thùng rác cho có người trông coi và sẽ đổ vào chỗ quy định chứ không cứ để thế này, mỗi năm lại đầy lên. Mong muốn chính quyền làm sao giải quyết đống rác thế này đi cho dân đỡ bị ô nhiễm, cái mùi rất là khó chịu.”
Nguy cơ tiềm ẩn khi nơi đổ rác bừa bãi lại nằm ngay đầu dốc, phần thượng nguồn hồ Chiến Thắng. Những ngày mưa xuống sẽ cuốn theo hóa chất xuống hồ chứa nước, vốn là một trong những nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân thành phố Đà Lạt.
Những người nông dân sống gần hồ hiện đang sống chung với một cơ chế quản lý rác BVTV chưa hoàn thiện, còn con người Đà Lạt, thì sống chung với nguy cơ tiềm ẩn từ rác đầu nguồn nước sinh hoạt hồ Chiến Thắng.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/chien-thang-lake-dalat-09182017132955.html
Vụ Nguyễn Xuân Anh: chống tham nhũng hay thanh trừng?
Vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thông báo có một loạt sai phạm đang được nhìn nhận trái ngược nhau: có ý kiến hoan nghênh vì cho rằng điều đó cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh nhưng cũng có người dè dặt vì “có dấu hiệu của thanh trừng phe phái”.
Ông Anh, người vào Trung ương Đảng khi mới 39 tuổi và từng được kỳ vọng là “ngôi sao đang lên” trong nền chính trị Việt Nam, hôm 18/9 đã bị công bố một loạt sai phạm trên cương vị là người lãnh đạo Đà Nẵng, trong đó có điều chuyển nhân sự, lỏng lẻo việc quản lý đất đai, chỉ định thầu không đúng nguyên tắc, nhận nhà và xe của doanh nghiệp, không trung thực về bằng cấp…
Những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù hiện chưa rõ ông Anh sẽ chịu hình thức kỷ luật nào và hiện ông vẫn đang giữ chức Bí thư Đà Nẵng nhưng nhiều khả năng vụ việc này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Anh.
Vụ việc của ông Anh diễn ra sau khi Bí thư Thành ủy của thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng cũng bị thông báo “mắc những vi phạm rất nghiêm trọng” và bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và bị cách chức Bí thư Thành ủy hồi tháng Năm. Trong khi đó, các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng OceanBank đang được xét xử ráo riết.
Trao đổi với VOA, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói rằng việc công bố sai phạm của ông Anh là “dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận” trong cuộc chiến chống tham nhũng vì theo ông trước giờ người dân đều có ấn tượng rằng “chống tham nhũng chỉ nắm được đằng cổ xuống và không đụng đến được các cán bộ cấp cao.”
“Vấn đề là phải làm sao đánh giá cho chính xác vì đó là vận mệnh chính trị của một con người,” ông Quốc nói thêm.
Ông Quốc không đồng tình với việc gán ghép việc xử lý các ông Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Anh với cuộc tranh chấp chính trị giữa các phe phái.
“Những việc làm gần đây bắt đầu từ công tác của Đảng dẫn đến việc làm của cơ quan luật pháp cho thấy mọi việc đang diễn ra đúng mong đợi của người dân,” ông nhận định.
“Tham nhũng gắn liền với vai trò của Đảng vì muốn tham nhũng thì phải có quyền mà ở Việt Nam những người có quyền lực đều là đảng viên. Do đó yếu tố quan trọng nhất để có thể chống tham nhũng được là Đảng có thật sự chống tham nhũng hay không,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà hoạt động dân chủ ở Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng.
“Điều khiến tôi bất ngờ là sai phạm của một ủy viên trung ương Đảng và là bí thư một thành phố lớn lại được cho báo chí thông báo công khai trong khi trước giờ những việc liên quan đến cán bộ cấp cao đều được giữ kín,” ông giải thích.
Riêng về trường hợp kỷ luật ông Đinh La Thăng cũng bị báo chí đưa tin rộng rãi tương tự, ông Chênh cho rằng không thể so sánh vì lỗi lầm của ông Thăng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ông Anh khi ông Thăng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
“Ông Nguyễn Xuân Anh có làm thiệt hại gì nhiều đâu so với một số cán bộ khác của Đảng? Chỉ là một hai cái nhà, cái xe (nhận của doanh nghiệp) trong khi vụ Yên Bái (biệt phủ của em ruột Bí thư Tỉnh ủy) lại không nói tới,” ông nói thêm.
Ông Chênh nhìn nhận vụ việc của ông Anh là “do phe phái”.
“Việc đưa thông tin rộng rãi để bôi nhọ ông Anh là để dọn đường dư luận,” ông Chênh, người từng là nhà báo, nói. “Có khả năng bố ông Anh (ông Nguyễn Văn Chi – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) thuộc phe nhóm nào đó mà người ta muốn triệt hạ nên người ta đẩy ông Anh xuống.”
Theo ông Chênh thì trong việc bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm các ông Thăng và ông Anh thì “người ta không nghĩ đến lợi ích của hai thành phố lớn” mà hoàn toàn chỉ là “do tranh giành phe phái”.
Đánh giá về ông Nguyễn Xuân Anh, ông Chênh cho rằng ông Anh là người “trình độ non kém” và “hầu như chưa làm được gì cho Đà Nẵng”. Ông Chênh là người quen biết với ông Anh vì hai ông có thời gian là đồng nghiệp ở Báo Thanh niên.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-nguyen-xuan-anh-chong-tham-nhung-hay-thanh-trung/4035275.html
Tham nhũng tăng ở VN,
nhiều doanh nghiệp nhà nước bị điều tra
Bộ Công an Việt Nam tuần trước bắt đầu điều tra 3 công ty thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam vì nghi vấn họ đã cố tuồn 5,2 triệu đôla khỏi OceanBank.
Cuộc điều tra các doanh nghiệp thuộc PetroVietnam là một phần trong một vụ lớn hơn liên quan đến OceanBank.
Tường thuật của báo chí nói hơn 50.000 người và 400 tổ chức đã hưởng lợi từ hoạt động mà bên công tố gọi là “các khoản thanh toán tiền lãi bất hợp pháp” trị giá 70,4 triệu đôla.
Từ năm 2010 đến năm 2014, các lãnh đạo ngân hàng OceanBank đã cho vay và đặt ra lãi suất huy động vượt quá giới hạn được nhà nước chấp thuận dành cho các khách hàng chủ chốt, bao gồm cả PetroVietnam, theo báo chí trong nước.
Vụ này, theo lời các nhà phân tích, cho thấy tình trạng tham nhũng lan tràn ở Việt Nam.
Nhóm vận động phi lợi nhuận Transparency International (Minh bạch Quốc tế) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 113 trên 176 quốc gia và khu vực mà họ đánh giá vào năm 2016 về cảm nhận tham nhũng.
Hãng Gan Integrity chuyên tư vấn doanh nghiệp về tuân thủ luật pháp, có trụ sở ở New York, đánh giá nạn tham nhũng “rất phổ biến” ở Việt Nam. Họ nói các công ty có thể phải đối mặt với nạn hối lộ, can thiệp chính trị và “chi phí bôi trơn” trong các hầu hết các ngành nghề. Phát triển bất động sản và xây dựng là hai ngành đặc biệt có nhiều tham nhũng, hãng tư vấn cho hay.
Ông Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng lương không đủ sống đối với viên chức nhà nước là nguyên nhân lớn gây ra tham nhũng.
Các quy định phức tạp cũng buộc các công ty tìm cách đi tắt, là một nguyên nhân khác của tham nhũng.
Ông Trung nói những người có vốn đôi khi không muốn mở rộng kinh doanh để tránh phải hối lộ, đó là một phần lớn trong nền kinh tế ngầm.
Ông nói thêm, người Việt Nam cũng phải đối mặt với hối lộ khi họ đề nghị các cơ quan chính quyền cấp giấy tờ và nếu bị cảnh sát dừng xe khi đi đường, những điều này làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các dịch vụ công.
Ông nói: “Tôi nghĩ tình hình rất tệ. Tôi có rất nhiều bạn bè và họ không muốn mở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vì họ nghĩ rằng họ sẽ phải đối phó với chính quyền và họ phải hối lộ người ta, và điều đó vi phạm các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc của họ”.
Mối quan tâm của chính phủ tới vấn đề này đã ngày càng lớn hơn ở Việt Nam, với việc ban hành Luật chống tham nhũng năm 2005, Luật về mua sắm công năm 2009 và Chiến lược Quốc gia về Chống Tham nhũng, sẽ kéo dài đến năm 2020.
Gan Integrity cho biết án tù cho tội đưa, nhận hối lộ ở Việt Nam có từ mức phạt tiền đến án tử hình, nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói họ thấy có ít thông tin công khai về kết quả của công cuộc chống tham nhũng.
Ông Trung nói: “Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam không đoàn kết trong việc ngăn chặn vấn đề. Tôi không nghĩ rằng họ có ý chí chính trị để chấm dứt tham nhũng”.