Tin Việt Nam – 19/07/2020
15 công ty Nhật sắp rời Trung Quốc sang Việt Nam
15 doanh nghiệp Nhật Bản sắp sửa rời hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam với sự hỗ trợ chi phí từ chính phủ Nhật Bản, theo danh sách được Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) công bố mới đây.
15 doanh nghiệp này nằm trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuẩn bị di dời hoạt động từ Trung quốc sang các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, và Lào.
Các doanh nghiệp chuẩn bị sang Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, linh kiện điện thoại, máy điều hoà…
Lý do di chuyển này là do chính sách của chính phủ Nhật nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu được công bố hồi tháng 4 vừa qua, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Theo Jetro, chính phủ Nhật đưa ra một khoản tiền khoảng 2 tỷ đô la trong việc giúp các nhà sản xuất nước này di dời sảng xuất khỏi Trung Quốc.
Các nhà thầu Trung Cộng chiếm áp đảo
trong tổng số nhà thầu mua hồ sơ
2 dự án nhiệt điện Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 18 tháng 7 năm 2020 loan tin, ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Cộng sản cho biết, hai dự án nhiệt điện Na Dương 2 và Quỳnh Lập 1 của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Cộng sản Việt Nam sau khi mời thầu thì chủ yếu là các nhà thầu Trung Cộng mua và nộp hồ sơ. Tại dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 thì có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, nhưng hầu hết là các nhà thầu Trung Cộng mua hồ sơ.
Còn dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 thì Tập đoàn Than khoáng sản nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm của các nhà thầu, trong đó có 7 bộ hồ sơ là của nhà đầu tư Trung Cộng, còn lại 1 bộ hồ sơ là của nhà đầu tư Việt Nam. Hiện tại, phía Tập đoàn Than khoáng sản đang tổ chức đánh giá hồ sơ quan tâm của nhà đầu tư, và tìm kiếm nhà đầu tư cùng phương án thực hiện dự án.
Vẫn theo báo Vietnamnet, nhiều dự án đang phát triển tại Việt Nam lâm vào tình trạng bế tắc vì dịch coronavirus 19. Đứng đầu trong các dự án bế tắc là dự án nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Cộng sản Việt Nam. Kể từ tháng 3 năm 2019 đến nay, dự án này đã không có sự tiến triển về khối lượng công trình.
Được biết, trong vài năm trở lại đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho xây dựng và phát triển ồ ạt nhiều nhà máy nhiệt điện, xu hướng này đang đi ngược lại so với thế giới vì mức độ ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện là không nhỏ.
An Nhiên
Việt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với TQ về Biển Đông?
Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Có lợi cho Việt Nam
Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Ngày 15 tháng 7 năm 2020, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng ‘hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế… Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này’.
Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá tác động đến Việt Nam qua động thái mới nhất của Mỹ:
“Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế.
Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực Biển Đông sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu.”
Liên tiếp những năm qua, Trung Quốc nhiều lần có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Trung Quốc chẳng những phớt lờ những yêu cầu ngoại giao của Việt Nam mà còn đưa tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung tá quân đội Đinh Đức Long hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường ở Biển Đông và cho đây là một cái lợi cho Việt Nam trong tình hình hiện nay:
“Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặt. Trước kia quan điểm của Mỹ là không đứng về bên nào trong các nước tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Lần này Mỹ đích danh lên án Trung Quốc và đứng về phía các nước ven biển Đông Nam Á mà chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc đe dọa.
Lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc chống lại lập trường của Trung Quốc trong việc đòi đến 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ủng hộ tuyên bố này nhưng tôi chưa thấy Mỹ công nhận Hoàng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Mỹ tuyên bố đúng theo công ước là có lợi cho Việt Nam rồi vì Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Tiếng nói của Mỹ rất có giá trị trong trường hợp này.”
Việt Nam có thay đổi lập trường?
Hồi tháng 4 năm nay, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc loan tin chính phủ nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn
vị hành chính mà Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 7 tháng 5 năm 2020, tác giả David Hutt có bài viết trên Asia Times tựa đề “Vietnam may soon sue China on South China Sea”, tạm dịch “Việt Nam có thể sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Theo đó, Hà Nội được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Bắc kinh. Đây có thể là phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngày càng đe dọa và quấy rối trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.
Hơn một tháng sau, ngày 12 tháng 6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc có bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’. Trong bài viết này, ông Tồn đe dọa rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Với những hành động bị cho là ‘ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của Hoa Kỳ về Biển Đông, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của mình:
“Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính kiến của mình trên thực tế. Về mặt ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam cẩn thận và khôn ngoan trong lĩnh vực này. Họ có thể không công khai hồ hởi ra mặt nhưng có lẽ bằng hành động, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện các tuyên bố về ứng xử Biển Đông.”
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình tương tác về văn hóa lịch sử cũng như các cuộc chiến tranh từ hàng ngàn năm.
Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói mối quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Nhà quan sát Nguyễn An Dân đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ Hà Nội trong thời điểm hiện nay:
“Đến bây giờ tôi cho là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiểu rằng không thể giữ hòa khí đối với Trung Quốc, trừ khi Việt Nam chịu mất biển của mình. Nhưng mất biển rồi thì hòa khí cũng chỉ là tạm thời, bởi khi Việt Nam mất biển thì bước tiếp theo là Trung Quốc muốn Việt Nam trở thành vùng phên dậu của họ trên đất liền. Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều đó.
Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump, có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi.”
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.
Về phía Trung Quốc, chính quyền của ông Tập Cận Bình chưa bao giờ công nhận phán quyết này. Bắc Kinh gọi phán quyết này là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cùng các quyền về hàng hải và lợi ích khác trên Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối và nói sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại trong tuyên bố lập trường về Biển Đông ngày 13 tháng 7 vừa qua, theo đó Washington cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là chung cuộc và có tính ràng buộc.
http://biendong.net/bi-n-nong/35873-viet-nam-duoc-gi-khi-my-manh-tay-voi-tq-ve-bien-dong.html
Điểm tin trong nước sáng 19/7: Tháo dỡ, cải tạo
nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Tháo dỡ, cải tạo nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng
Việc phá dỡ, cải tạo nhà hàng Panorama bắt đầu từ hôm 7/7 và chưa kết thúc, ông Trần Đức Quý -Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói hôm 18/7, theo báo VnExpress.
Công trình không phá dỡ toàn bộ mà chỉ dỡ bỏ một phần các mái nhô ra phía sông Nho Quế của nhà hàng Panorama, các góc che khuất tầm nhìn của người đi đường. Chính quyền địa phương nói việc phá dỡ này sẽ không bồi thường thiệt hại cho bà Vũ Thị Ánh là chủ đầu tư, quản lý công trình.
Dự kiến trong quý 3/2020, việc cải tạo nhà hàng Panorama sẽ hoàn thành. Sau khi cải tạo, công trình sẽ trở thành điểm nhấn trên đèo Mã Pì Lèng”, ông Quý kỳ vọng và cho biết, bà Vũ Thị Ánh vẫn là chủ đầu tư, quản lý công trình này.
Nguyên nhân nước con suối đổi thành màu trắng sữa
Báo Tuổi trẻ dẫn phản ánh của người dân khu vực Tân Bình, tỉnh Bình Dương, vào tối ngày 17/7, nước tại dòng suối Sọ đổi thành màu sữa, nổi bọt trắng, có lúc chuyển màu xanh dương, màu đục … kèm theo đó là mùi nồng nặc bốc lên như mùi thuốc sâu, vốn xảy ra thường xuyên khoảng vài tháng nay.
Liên quan sự việc trên, ông Nguyễn Văn Yêm – chủ tịch phường Tân Bình – cho biết đã phát hiện một cơ sở phế liệu (không có tên) nằm trên đường Lê Hồng Phong (phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An) là nơi đổ nước rửa các thùng hóa chất thẳng xuống cống thoát nước, khiến dòng suối bị ô nhiễm.
Ngư dân Hà Tĩnh cứu cá voi
Báo VnExpress thông tin, ngư dân xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa con cá voi nặng 200 kg bị mắc câu trở lại biển thành công, hôm 18/7.
Cá voi màu đen, dài hơn 2 m, dạt vào bờ biển thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú sáng cùng ngày. Trong miệng cá bị mắc một lưỡi câu vòm làm bằng sắt, dài khoảng 5 cm. Hàng chục người khiêng cá từ trong bờ ra ngoài biển. Sau 2 tiếng, cá hoạt động trở lại. Người dân dùng thuyền đẩy cá ra ngoài khơi, nó có trở lại bờ hai lần vào lúc gần trưa và tiếp tục được đưa trở ra.
Đây là lần thứ hai cá voi xuất hiện ở bờ biển xã Kỳ Phú. Trước đó, tháng 8/2019, một con cá voi nặng 150 kg, dài 2 m, thân có nhiều vết thương dạt vào bờ biển trên địa bàn, được ngư dân hợp sức đưa lại biển thành công.
Việt Nam sẽ thiếu hụt gần 41.000 bé gái mỗi năm
Tại buổi Công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới 2020 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Thông tin trên được đưa ra dựa trên tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” là 105 bé trai/100 bé gái.
Điểm tin trong nước tối 19/7: Tuyển thầu làm
nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối Chủ nhật (19/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Quảng Nam cách ly 21 người Trung Quốc bỏ chạy khỏi khu lưu trú khi bị kiểm tra
VnExpress cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vừa cách ly 21 người Trung Quốc sau khi nhóm này bỏ chạy tán loạn ra khỏi một khu lưu trú khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Thông tin đã được Đại tá Lê Chí Cương – trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí trong nước hôm 19/7.
Trước đó, chiều 18/7, nhận tin báo của người dân, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại một khu lưu trú tại P.Điện Dương (TX.Điện Bàn) thì phát hiện một nhóm hàng chục người Trung Quốc đang lưu trú tại đây.
Khi thấy lực lượng chức năng, nhóm người này bỏ chạy tán loạn. Cơ quan chức năng đã tạm giữ một số người Trung Quốc sau đó tiếp tục truy tìm, phát hiện có 21 người. Tất cả được đưa vào khu cách ly tập trung ở TP. Tam Kỳ. Hiện vụ việc đang được giới chức Quảng Nam tiến hành điều tra.
Đắk Nông ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bạch hầu
Báo chí trong nước hôm 19/7 cho biết Sở Y tế tỉnh Đắk Nông vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại bon Philơte, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Nâng số trường hợp nhiễm dịch bạch hầu ở tỉnh này lên 32 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong.
Hai trường hợp mới nhất bao gồm 1 cháu 11 tuổi và 1 cháu 14 tuổi, nhập viện hôm 15/7 với triệu chứng sốt, ho, đau họng.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly toàn bộ các gia đình tại ổ dịch, tiêm vắc xin phòng dịch cho hơn 630 người trong bon Philơte.
Tuyển thầu làm nhà máy điện, nhà thầu Trung Quốc chiếm đa số
Theo Thời báo Mỹ, báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), hai dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư gồm Dự án nhiệt điện Na Dương 2 công suất 110 MW và Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 2×600 MW.
Ngày 6/1/2020, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án nhiệt điện Na Dương 2, đóng thầu vào ngày 8/4.
Hiện dự án đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc, theo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Với dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam.
Theo TKV, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2026-2027.